Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG MỘT

Tôi ngồi xe ngựa đi từ tỉnh lỵ M. đến một miền heo hút hẻo lánh nhất trong tỉnh. Cuộc công du thực địa của tôi sắp hoàn tất. Chỉ còn đâu đó hai tuần nữa phải ngủ trọ trong các kho cỏ khô hay ngay trên xe, dưới bầu trời sao, uống nước lạch đựng trong bình, giá lạnh ghê răng, buốt đến tận óc, nghe các bà các chị hát những bài ca ê a ngân dài như nỗi thống khổ của quê hương xứ sở Bêlôruxia. Thuở ấy, khổ nhục còn đang tràn đầy: thập kỷ tám mươi ngàn lần đáng nguyền rủa (*), còn chưa kết thúc.

(*) Thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, sau vụ những người phái “Ý dân” ám sát Nga Hoàng Alêchxandrơ II (1881), là thời kỳ phản động đen tối nhất trong lịch sử nước Nga (N.D.)

Xin chớ vội nghĩ rằng thuở ấy chúng tôi chỉ biết kêu than với căn vặn đám dân cày: “Người chạy đâu đó, ơi bác thợ cày?” rồi lại: “Người bừng tỉnh chăng, tràn đầy sức lực?...” (*)

(*) Câu thơ trong đoạn kết bài thơ nổi tiếng “Trầm tư bên cổng tiền tòa dinh thự” của nhà thơ Nga vĩ đại N.A.Nhekraxop (1821-1878) – (N.D.)

Cái đó sau này, sau này mới biết đau đớn thực sự cho vận mệnh của nhân dân. Ai mà chẳng biết rằng con người ta ngay thẳng nhất cho đến tuổi hai nhăm, ở lứa tuổi ấy, người ta không sao chịu nổi sự bất công, song khốn nỗi, tuổi thanh xuân thường lắng nghe lòng mình quá nhiều, thường cảm quá mực những xúc cảm mới mẻ quan sát thấy trong chính bản thân mình (bởi tin chắc rằng, chưa một trái tim nào khác từng được nếm trải những rung động như vậy).

Chỉ sau này mới xịch đến những đêm dài mất ngủ, trước một trang báo, trên đó vẫn bằng những con chữ bình thường, vẫn in mọi tin tức khác, giờ người ta đăng tin hôm nay có ba người bị lôi lên giá treo cổ - bạn nghe rõ chứ; những ba người, ba con người sống động, tươi vui. Tiếp đó, mới nảy sinh nguyện vọng muốn xả thân. Cả một thế hệ, trong đó có cả tôi nữa, đều đã trải qua chặng đường ấy…

Tôi đã từng đi tìm kiếm nhân dân tôi, nhưng rồi cũng như nhiều người buổi ấy, bắt đầu hiểu ra rằng nhân dân ở xung quanh, ngay cạnh mình, có điều, dòng dã suốt hai thế kỷ người ra đã là cho giới trí thức chúng ra hầu như mất hẳn khả năng hiểu ra điều đó. Chính vì lẽ ấy mà tôi đã chọn một công việc khác thường là nghiên cứu, tìm hiểu nhân dân mình.

Tôi tốt nghiệp trung học, rồi đại học, trở thành một học giả chuyên nghiên cứu văn học dân gian. Thời ấy, công việc này mới chỉ bắt đầu và bị những kẻ cầm quyền coi là nguy hiểm cho chế độ hiện hữu.

Tuy nhiên, ở khắp mọi nơi tôi đều được quan tâm giúp đỡ, vì vậy mà công việc tiến hành được dễ dàng. Khi thì đó là viên thu lại hương xã ít chữ ít nghĩa mà vẫn cố công ghi chép rồi gửi cho tôi và Rômanôp những câu chuyện thần thoại. Khi lại là một ông giáo làng luôn nơm nớp lo mất mẩu bánh nuôi thân. Thậm chí (Ôi! Nhân dân tôi vẫn sống), có cả ngài tổng đốc, một con người vô cùng tốt bụng, một con quạ trắng thực thụ: ông ta đã cho tôi một bức thư giới thiệu chỉ thị cho thuộc cấp phải bằng mọi cách hỗ trợ tôi, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị.

Xin cảm ơn tất cả các bạn, những người dân Bêlôruxia!

Ngay cả giờ đây tôi vẫn đang tôn thờ các bạn. Kể chi thuở xa xưa ấy...

Dần dà tôi cũng đã hiểu ra chính mình.

Cái gì đã buộc tôi làm điều đó?

Phải chăng đó là những đốm lửa ấm áp trong các thôn xóm mà chỉ riêng tên gọi cũng đã giội vào lòng tôi nhức nhối đến tận ngày hôm nay : những làng Rừng Sồi, thôn Cây Gia, trại Bốn chục tên Tacta, xóm Đầm lầy Gẫy sừng, rừng Bạch dương Thoả chí ?...

Hay đó là buổi chăn ngựa đêm, khi ngồi nghe kể chuyện cổ xưa và cái ngủ lần mò vào tận dưới áo lông bán thân cùng với hơi sương giá lạnh ? Hay là hương cỏ mới cắt ngây ngất cùng ánh sao đêm rọi xuyên qua mái thủng kho chứa cỏ? Hay thậm chí chẳng phải tất cả những thứ đó, mà vẻn vẹn chỉ là vài chiếc lá thông nhọn hoắt như kim ở trong siêu trà, mấy nếp nhà tranh vách đất tối tăm, ám khói, nơi có vài thiếu phụ vận váy dài andarac ngồi quay tơ và hát bài ca vô tận, nghe tựa tiếng khóc than.

Tất tật của tôi cả đó. Trong hai năm ròng tôi đã đi khắp các tỉnh Minsk, Môghiliôp, Vitepsk và một phần tỉnh Vilnô. Và ở đâu đâu tôi cũng đã gặp những người hành khất mù loà, cũng thấy nỗi thống khổ của nhân dân tôi, mà tôi yêu quý hơn hết thảy trên đời - điều này giờ đây tôi thấm thía lắm.

Thuở ấy, cả một vùng đây là thiên đường đối với dân tộc học, mặc dù truyện cổ, nhất là truyền thuyết, vốn dĩ là những sản phẩm ít ổnđịnh nhất của sáng tác dân gian, cũng đã bắt đầu lẩn khuất dần, ngày một sâu hơn, vào rừng rậm hoang dã.

Nhưng cả những nơi ấy, tôi cũng đã từng đến, tôi có đôi chân trẻ khoẻ và cả tấm lòng khao khát kiến thức cũng đang độ trẻ trung. Tôi đã được chứng kiến biết bao điều mới lạ!

Tôi từng được xem tục buộc bó lúa, kỳ lễ giáng sinh, rồi cả trò “thằn lằn” mà ngày ấy cũng đã ít gặp. Nhưng nhiều hơn cả, tôi đã từng thấy củ khoai cuối cùng trong nồi, miếng bánh đen đủi như củ đất, tiếng “ê-ê-a” ngái ngủ trên miệng nôi, những cặp mắt to sâu, khóc đã cạn lệ của các bà mẹ, các chị.

Đó chính là Bêlôruxia thuở chính giáo xa xưa!

Đó là xứ sở của những thợ săn và dân du mục, của những người lấy nhựa cây, của tiếng chuông nhà thờ êm ả vọng từ xa xôi, ngân nga trên đầm lầy ; đó là xứ sở của những người hát rong và bóng tối.

Chính vào thời ấy, quá trình thoái hoá của tầng lớp sliăcta ở Bêlôruxia ta - một quá trình bệnh hoạn kéo dài – đang đi đến chỗ kết thúc. Sự chết mòn ấy, sự thối rữa ngay khi đang còn sống sờ sờ đấy, đã kéo dài dằng dặc gần hai thế kỷ.

Và nếu như ở thế kỷ 18 tầng lớp sliăcta chết dần mòn một cách ầm ĩ, với những cuộc đấu gươm, đọ súng, ăn ngủ trên ổ rơmsau khi đã tiêu xài đến khuynh gia bại sản, nếu như vào đầu thế kỷ mười chín sự chết mòn vẫn còn thoảng nỗi buồn êm dịu vấn xương quanh những tòa lâu đài rêu phong ẩn sâu trong các khu rừng bạch dương thì vào thời buổi chúng tôi nó chẳng còn nên thơ, chẳng còn đượm buồn, mà chỉ kinh tởm, nhiều khi trần trụi đến ghê rợn.

Đó chỉ còn là sự chết mòn của một bầy chuột nước rúc sâu vào hang ổ, kiếp vật vờ của một đám hành khất mà tổ tiên ông cha từng được lưu danh trong sổ vàng Gôrôđen. Vậy mà hậu thế giờ đây sống trong những tòa lâu đài đổ nát, mặc những bộ quần áo tự dệt, ấy thế nhưnngài g thói kiêu ngạo thì vô giới hạn.

Đó là cả một sự hóa dồ hóa dại không phương cứu chữa: cả một chuỗi những hành vi đốn mạt, nhiều khi đẫm máu mà nguyên cớ có thể tìm kiếm nơi đáy sâu những cặp mắt của những tên côn đồ và những kẻ thoái hóa.

Chúng đốt lò sưởi lát gạch men Hà Lan bằng những mảnh bàn ghế vô giá của Bêlôruxia thế kỷ mười bảy, chúng ngồi thu lu như một lũ nhện độc trong các tư thất lạnh lẽo, mắt nhìn chằm chằm vào đêm đen mênh mông ngoài lớp cửa kính đang nhòa dần đi dưới màn mưa xiên xiên.

Vào đúng một thời buổi như vậy, tôi đi nghiên cứu thực địa ở N., một huyện hẻo lánh trong tỉnh. Tôi đã chọn phải một thời buổi quá ư tồi tệ. Tất nhiên, mùa hè, người đi sưu tầm văn học dân gian dễ chịu nhất: thời tiết ấm áp, phong cảnh ngoạn mục. Song, những ngày cuối thu u ám hay những đêm đông dằng dặc thường đem lại nhiều kết quả hơn cho công việc của chúng tôi.

Ấy chính là lúc bày trò, ca hát, lúc ngồi quay tơ kể chuyện liên hồi, tiếp đến là mùa cưới của bà con nông dân. Đó chính là buổi hoàng kim của chúng tôi.

Khốn nỗi, công việc chỉ cho phép tôi đi và đầu tháng tám, khi chẳng ai có thì giờ nghĩ đến kể thần thoại: trên khắp các cánh đồng chỉ nghe những bài ca thợ gặt ê a ngân dài. Tôi đi suốt tháng tám, tháng chín, một phần tháng mười. Tôi chỉ vừa chớp được mấy ngày cuối thư là lúc tôi hy vọng có thể thu lượm được đôi ba điều đáng giá. Nhưng những công việc cấp bách đang chờ tôi ở tỉnh lỵ.

Những thu lượm của tôi quá ư nhỏ bé cho nên tôi cáu kỉnh như một cha cố đến làm lễ cho đám tang mà lại gặp vụ kẻ đã chết bỗng dưng sống lại. Căn bênh u sầu cố hữu đang dày vò tôi – một căn bệnh gặm nhấm tâm can mỗi người Bêlôruxia thời bấy giờ: nỗi hoài nghi đối với sự nghiệp của bản thân, sự bất lực, nỗi đau nhức nhối âm thầm-tóm lại đầy đủ mọi dấu hiệu của một thời buổi đảo điên và như lời một thi sỹ Ba lan nhận xét, đó là hậu quả nảy sinh từ mối đe dọa thường trực là bất kỳ giây phút nào đó, một kẻ vận sắc phục xanh lơ (*) cũng có thể bắt gặp anh, mỉm cười nhã nhặn mà rằng:

(*) Mật thám Nga hoàng mặc sắc phục màu xanh lơ (N.D)

- Xin mời quý ông quá bộ đến sở mật thám

Vậy là lần ấy, tôi thu lượm được quá ít, đăc biệt là những truyền thuyết xa xưa mà tôi đang chú tâm tìm kiếm. Hẳn các bạn cũng biết rằng tất cả các truyền thuyết có thể chi ra làm hai loại lớn. Loại thứ nhất lưu truyền khắp mọi nơi, trong đa số dân chúng.

Trong văn học dân gian Bêlôruxia, đó là các truyền thuyết về nữ vương rắn nước, về lâu đài hổ phách và phần lớn những truyền thuyết tôn giáo.

Loại thứ hai như thể bị cột chặt vào một địa phương một huyện, thậm chí một làng. Chúng liên quan đến một tảng đá hình thù kỳ dị đứng ven hồ, đến tên gọi một loại cây hay một vạt rừng, một cái hang cụ thể nào đó. Đương nhiên, những truyền thuyết loại này mai một nhanh hơn, mặc dù có khi nên thơ hơn những truyền thuyết lưu truyền rộng rãi, và mỗi dịp được công bố, thường được ưa chuộng hơn. Chẳng hạn, truyền thuyết về Masêka đã ra mắt độc giả như vậy.

Loại thứ hai này chính là loại tôi đang chủ tâm săn tìm. Tôi nôn nóng, vội vã vì truyền thuyết và thần thoại đang ngày càng mai một.

Không biết các nhà sưu tầm khác ra sao, chứ tôi thì thường cảm thấy khó dứt áo đi khỏi địa phương mình đang nghiên cứu. Tôi cứ hay mường tượng rằng đúng vào những ngày đông tháng giá tôi ngồi lì ở thành phố thì ở nơi kia có một bà già quy tiên mà chính bà cụ đó - xin các bạn hiểu cho: chỉ còn độc nhất một cụ bà đó thôi! – là biết cái truyền thuyết xa xưa ly kỳ nọ. Vậy mà nay nó phải chết theo bà cụ, và không ai, không một người nào còn được nghe nó nữa, cho tôi lẫn nhân dân tôi đều phải chịu mất mát thiệt thòi.

Cho nên, có lẽ chẳng ai ngạc nhiên với sự cáu kỉnh cùng nỗi buồn bực của tôi.

Tôi đang trong một tâm trạng như vậy thì một người quen khuyên tôi nên đến huyện N - một địa phương ngay cả ngày ấy cũng đã bị coi là nơi khỉ ho cò gáy.

Chẳng hiểu anh ta có hay biết là ở đó tôi phải một phen suýt mất trí vì những cơn hãi hùng khiếp đảm, phát hiện ra lòng dũng cảm trong chính con người mình và đã tìm được... Nhưng thôi, vội nói trước làm gì...

Việc sắm sửa cho chuyến đi của tôi rất chóng vánh: xếp đồ đạc cần thiết vào một cái túi đi đường, thuê một cái xe ngựa và chưa đầy một tiếng sau tôi đã rời khỏi “đô thành” , trung tâm của một huyện bên cạnh, một vùng rừng rú và đầm lầy, có diện tích chẳng thua kém một quốc gia như Luycxembua hoặc thậm chí nước Bỉ.

Mới đầu, hai bên đường là những cánh đồng trải dài, đó đây rải rác những cây lê dại trông như sồi. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những xóm làng, cò đậu từng đàn nhưng rồi những dải đất màu đã hết, bắt đầu đến những khu rừng kéo dài vô tận. Cây cối sừng sững như những dãy cột lớn, lá rụng trải đầy mặt đường, không còn nghe tiếng bánh xe lăn. Trong khe lũng ngạt ngào mùi lá mục rữa, với rêu phong. Chốc chốc lại một đàn gà lôi bay vụt lên ngay từ dưới vó ngựa (gà lôi bao giờ cũng họp đàn vào mùa thu). Lác đác dưới lớp lá thông lại lấp ló những cụm nấm trông ngoạn mục nâu nâu hay đã ngả màu đen vì già cỗi.

Đã hai lần chúng tôi phải trú đêm tại những căn lều gác rừng hẻo lánh và lần nào cũng mừng rỡ thực sự khi bắt gặp trong màn đêm mù mịt ánh lửa chập chờn nơi những ô cửa sổ kín mít.

Đêm mịt mùng, đứa con nít quấy khóc, mấy con ngựa ngoài sân đứng không yên, chắc hẳn đánh hơi thấy có gấu lảng vảng đâu đây.

Tít trên ngọn cây, trên đỉnh rừng bạt ngàn, cả một trời đầy sao đang lấp lánh. Trong căn lều ngột ngạt. Đứa bé gái vừa lấy chân đẩy chiếc nôi vừa hát một điệu ru cũng cổ xưa tựa thế gian này: “À .....a ơi.....

Mèo ơi, chớ chạy quanh sân

Roi đây ta quật gãy chân chú mèo

Mèo ơi chớ leo cây kiều

Roi đây, ra quất cho mèo cụt đuôi....”

Ôi Bêlôruxia! Nỗi u hoài của Người sao mà thê thảm khôn xiết, sao mà da diết khôn nguôi!

Đêm đen. Sao trời. Bóng tối hoang sơ giữa rừng thẳm.

Song dẫu sao vẫn còn quá tươi đẹp, còn là Italia so với những cảnh trí chúng tôi được thấy hai ngày sau.

Rừng thưa dần héo dần, và tiếp đến là những bình nguyên trải rộng mênh mông trước mắt chúng tôi.

Đó không phải là những cánh đồng bình thường rập rời sóng lúa đại mạch thưa thớt quê ta, cũng chẳng phải đầm lầy – đầm lầy còn rải rác những đám lau cỏ, những gốc cây cong queo trơ trụi, thảng hoặc có thể bắt gặp một mặt hồ long lanh. Không, đây là một quang cảnh ảm đạm nhất, thê lương nhất ở xứ sở chúng ta: những sình lầy than bùn.

Phải là một kẻ hận thù nhân loại ghê gớm lắm mới có thể bày đặt ra những cảnh trí vốn chỉ có thể tưởng tượng ra trong trí não man rợ của một kẻ đần độn độc ác. Song, quang cảng kia đâu phải điều bịa đặt: nó đang sờ sờ trước mắt chúng tôi...

Cả một cánh đồng mênh mông xám ngoét một màu, phẳng lì, đơn điệu, ảm đạm vô vọng.

Thảng hoặc mới bắt gặp những đống đá lù lù hỗn độn, hoặc một đống bùn màu nâu xỉn - đó chẳng hiểu một người nào bị đức chúa trời ruồng bỏ, đành đi kiếm than bùn chẳng biết để làm gì: đôi lần trơ trọi một nếp nhà tranh vách đất với ống khói ngất ngưởng, với khung cửa nhỏ độc nhãn cô đơn nhìn ra con đường vắng ngắt. Không một bóng cây. Đến cả cánh rừng trải dài tít tân bên kia cánh đồng xám ngoét ấy, trông cũng thành ảm đạm âm u, mà thực ra nó đâu phải như vậy. Phải đi một thôi đường nữa mới lại thấy lác đác vài ốc đảo lơ thơ cây cối, thân đen xì, phủ đầy rêu và chẳng chịt mạng nhện, cánh nhành cong queo xấu xí trông giống hình vẽ mình họa những truyện cổ tích ma quái.

 Nhưng những ốc đảo ấy hiện ra rồi biến mất, trước mắt lại trải dài những cánh đồng lầy vô cùng tận xám xịt một màu.

Tôi tưởng đến phát khóc lên vì bực tức.

Lại thêm cái tội thời tiết bỗng xấu đi: mây đen đang ùn ùn kéo về phía chúng tôi, đây đó từng vạt mưa xiên xiên nặng nề đang đổ xuống đồng trống. Không một bóng chim sơn ca trên khắp chặng đường chúng tôi đi, và đó là một dấu hiệu tồi tệ: trận mưa đêm nay sẽ lai rai.

Tôi bằng lòng ghé vào bất kỳ túp lều tranh nào, khốn nỗi cũng chẳng còn gặp một túp lều nào nữa. Tôi khép chặt tà áo khoác, vừa rủa thầm ông bạn quen, vừa giục người xà ích thúc ngựa chạy nhanh hơn

Mây đen mỗi lúc một dày đặc thêm, nặng trĩu bay là là mặt đất. Bóng tối nhập nhoạng đang lan dần khắp đồng lầy, ảm đảm và lạnh lẽo đến sởn gai ốc. Một ánh chớp mưa thu ngập ngừng lé lên đằng chân trời

Tôi chỉ vừa mới kịp bấu víu một hy vọng mong manh là tiết thu đã quá muộn, làm gì còn mưa dông thì cả một biển nước giá lạnh trút xuống đầu tôi, anh xà ích và đôi ngựa.

Dường như có ai đó ném cả cánh đồng mênh mông vào nanh vuốt đêm đen và mưa gió.

Đêm ấy, trời tối như mực đến cả mấy ngón tay mình giơ ra ngay trước mắt mình tôi cũng không thấy, chỉ còn bằng vào sự lắc lư của thùng xe mà tôi phỏng chừng xe chúng tôi vẫn đang đi. Anh xà ích hẳn cũng chẳng thấy gì hơn, đành phó mặc cho bản năng của đôi ngựa.

Tôi không dám chắc là loài ngựa có cái bản năng ấy, bởi vì xe chúng tôi chốc chốc lại sa xuống hố, chồm lên mô đất rồi lại tụt xuống hố.

Từng mảnh đất bùn sình lầy bắn tung tóe vào thùng xe, lên áo quần, lên mặt, nhưng tôi đành cam chịu tất cả, chỉ cầu trời khấn chúa đừng sa xuống sình lầy. Tôi biết rằng những nơi nguy hiểm chết người thường gặp phải trong những vùng sình lầy kiểu này đây: nó nuốt chửng cả xe lẫn người ngựa mà sẽ không một ai có thể ngờ rằng đã từng có người qua chốn này, rằng tại nơi đây đã có kẻ lâm nạn kêu cứu suốt mấy phút đồng hồ cho đến khi bùn lầy nhão nhoét lấp đầy miệng, rằng giờ đây con người khốn nạn ấy đang cùng ngựa xe nằm sâu dưới đáy tới ba xagien (*)

(*) Đơn vị đo lường Nga = 2m13 (N.D)

Bỗng ở phía bên trái vang lên một tiếng gầm rú vang rền ghê rợn, không giống tiếng người. Đôi ngựa giật mạnh cỗ xe làm tôi suýt văng ra ngoài. Không còn hiểu chúng phóng đi đâu nữa, có lẽ chúng lao bừa vào đầm lầy.

Ngay sau đó tôi nghe có tiếng “rắc”, hai bánh sau lập tức lún sâu xuống. Cảm thấy nước đã tràn qua chân, tôi túm lấy vai anh xà ích. Anh ta thốt lên, giọng thờ ơ lạ lùng:

- Thầy tớ ta chết mất, pan (*) à. Đến mất xác ở đây thôi.

(*) Pan – ông, ngài.

Nhưng tôi không muốn chết. Giằng lấy chiếc roi ngựa tôi quất lấy quất để vào đêm đen – vào chỗ tôi phỏng chừng là mông ngựa.

Lại vang lên một tiếng kêu thất thanh nữa, rùng rợn đến nỗi đôi ngựa lại lồng lên như điên cỗ xe rung toàn thân như gắng sức thoát khỏi sình lầy, tiếp đó, nghe một tiếng “oạp” rất to dưới bánh xe, thùng xe nghiêng hẳn, rung lên bần bật, con ngựa cái hí lên rền rĩ. Thế rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra: cỗ xe chuyển bánh và chỉ lát sau đã bon bon trên mặt đất cứng rắn. Đến lúc ấy, tôi mới nhận ra: tiếng kêu thất thanh ghê rợn chẳng phải của ai khác mà của chính tôi phát ra. Tôi thấy tự hổ thẹn với mình.

Tôi đã định bảo anh xà ích dừng ngựa ở chỗ đất tương đối rắn chắc này chờ cho đêm tối qua đi, thì cơn mưa bớt dần. Đường lúc ấy có vật gì đó ướt át và gai góc quất vào mặt tôi. “Cành tùng – tôi đoán vậy. – Có nghĩa là đã vào đến rừng, ngựa sẽ tự dừng lại”

Song, thời gian cứ trôi đi, những cành tùng còn quật vào mặt tôi hai lần nữa, vậy mà cỗ xe vẫn lăn bánh đều đều và êm nhẹ.

Có nghĩa là xe chúng tôi đang đi trên một con đường rừng.

Tôi nghĩ rằng con đường nhất định phải dẫn đến đâu đó nên phó mặc cho số phận. Quả nhiên, độ nửa tiếng sau, ở trước mặt có ánh lửa hồng nhấp nháy vẫy gọi, sao mà tha thiết, mà ấm cúng trong đêm đen lạnh lẽo và ướt át ấy.

Lát sau, chúng tôi đã có thể nhìn rõ đó không phải nếp nhà tranh vách đất của người gác rừng, cũng không phải túp lều của người đi lấy nhựa thông như tôi tưởng mà là cả một tòa nhà đồ sộ, quá đồ sộ ngay cả đối với một thành phố. Trước mắt chúng tôi là một bồn hoa, một rặng tùng sâu hun hút mà chúng tôi vừa mới rời khỏi, xung quanh là cây cối um tùm, ướt sũng.

Bậc tam cấp đặt dưới một vòm mái cao, trên cánh cửa lớn treo một vòng khóa đồng nặng trịch.

Tôi, rồi anh xà ích, rồi lại đến lượt tôi gõ mạnh cái vòng khóa đó vào vừa. Thoạt đầu còn dụt dè nhẹ nhàng sau mạnh bạo hơn, rồi phang thẳng cánh, rồi ngừng một lát, rồi lại gọi, rồi co chân đạp thình thình - vẫn im lặng không một tiếng động.

Mãi cuối cùng mới nghe có tiếng bước chân sau cánh cửa rụt dè và lưỡng lự. Lát sau, đâu đó từ tầng trên vọng xuống một giọng phụ nữ khàn khàn:

- Ai đấy?

- Chúng tôi lỡ độ đường, cụ làm ơn cho ngủ trọ

- Các ông hẳn đi săn về, phải không?

- Săn bắn gì đâu cụ! Chúng tôi ướt ráo từ đầu đến chân. Đang đứng không vững đây. Cụ làm ơn cho qua đêm ạ

Người đàn bà lặng thinh một lát, đoạn lại cất tiếng hỏi, giọng có vẻ do dự:

- Thế chứ các ông là ai? Họ tên gì?

- Tôi họ Bêlôrétxki. Cùng đi có anh xà ích đây

Bà già sau cửa bỗng hoạt bát hẳn lên:

- Bá tước Bêlôrétxki, phải không ạ?

- Tôi hy vọng sẽ trở thành bá trước nay mai – tôi đáp, giọng không được tôn kính lắm đối với các tước hiệu.

Người sau cửa nghiêm giọng:

- Vậy thì xin mời quý ngài đi đường quý ngài cho rảnh. Ra thế, ông ta mới hy vọng trở thành bá tước. Đêm hôm khuya khoắt mà còn đùa với rỡn. Xin mời đi đi cho! Cứ việc tìm trong rừng cái ổ nào đó mà rúc vào nhé, nếu như ông anh ma lanh như vậy

- Tôi xin cụ, - tôi van nài, - tìm được nơi trọ thì chúng tôi đã chả dám phiền cụ làm gì. Khốn nỗi, tôi từ xa đến, từ tít ngoài huyện lị kia. Vừa lạc đường vừa ướt ráo cả.

- Thôi đi đi, đi ngay cho, - vẫn cái giọng tàn nhẫn đáp lại

Người khác ở địa vị tôi có lẽ đã vớ lấy viên gạch đá mà nện vào cửa và nguyền rủa những chủ nhân nhẫn tâm, nhưng tôi thì ngay cả giây phút đáng bực mình ấy vẫn không quên được rằng ỷ sức đột nhập nhà người là điều không tốt. Bởi thế, tôi đành thở dài, quay lại bảo anh xà ích:

- Thôi đành đi khỏi đây vậy.

Chúng tôi đã quay gót định ra xe. Chắc chẳn thái độ khiêm nhường của chúng tôi đã gây được ấn tượng tốt, bởi vì bà lão bỗng dịu giọng gọi với theo:

- Này khoan đã, ông khách ơi. Vậy các ông là ai chứ?

Tôi không dám trả lời “nhà sưu tầm” bởi đã hai lần nghe thấy từ đó, người ta tưởng tôi là quân đầu trộm đuôi cướp. Cho nên, tôi đáp:

- Tôi đi buôn.

- Thế làm thế nào mà các ông lọt được vào vườn vậy? Xung quanh có tường đá với hàng rào gang kia mà

- Tôi cũng chẳng biết được nữa. – Tôi thành thật đáp. – Hình như chúng tôi đi trên đầm lầy thì phải, xe thụt hố, thực khốn khổ mới thoát ra được ... Có tiếng con gì gầm rú khiếp quá...

Thú thật tôi chẳng còn hy vọng gì, thế nhưng sau những lời than vãn ấy của tôi, bà lão khẽ thốt lên “ôi?” đoạn kêu trời kêu đất:

- Ôi lạy chúa tôi! Thế ra các ông vừa thoát ra khỏi Bãi thụt Khổng lồ đấy, bởi vì chỉ có phía ấy là không có hàng rào thôi. Các ông gặp may đấy, tốt phúc đấy. Quả có trời phù hộ, có Đức mẹ cứu giúp! Thực khốn khổ!

Giọng bà lão giờ đây nghe mới phúc hậu, mới thương xót làm sao, khiến tôi tức khắc tha thức cho bà cái tội đã thẩm vấn chúng tôi cả tiếng đồng hồ ở ngoài cửa.

Bà lão lạch cạch then cài, cánh cửa kẹt mở, để lọt ra đêm tối một vệt ánh sáng lờ mờ vàng quệch.

Trước mắt chúng tôi hiện ra một bà lão nhỏ bé vận một chiếc váy xòe rộng như cả một cái chuông, thắt dải tím – thứ trang phục có lẽ tổ tiên chúng ta từng mặc từ thuở Quốc vương Xtác. Đầu bà đội một chiếc mũ trùm hồ cứng. Mặt bà lão chằng chịt nếp nhăn, mũi khoằm, miệng rộng, môi hơi giảu, thành ra trông giống như cái kẹp quả hạt dẻ. Tròn trĩnh như một cái chum cỡ trung bình, với đôi tay còn mũm mĩm nên trông bà ai cũng muốn gọi “mẹ ơi!”. Tay bà lão lăm lăm một thanh cời lò to tướng - ấy là vũ khí của bà. Tôi suýt bật cười, nhưng chợt nhớ đến chặng đường mưa gió qua sình lầy nên kịp bấm bụng chịu. Cho đến cả ngày nay vẫn còn biết bao người phải bấm bụng nhịn cười những chuyện nực cười khi chợt nhớ ra rằng ngoài đường kia đang mưa to gió lớn!

Chúng tôi bước vào một gian phòng nhỏ hôi hám mùi chuột. Nước mưa trên áo quần lập tức chảy dòng dòng xuống sàn. Tôi nhìn xuống chân mình và giật tót mình: cả hai châm bê bết bùi nâu đến tân đầu gối, trông như đi ủng.

Bà lão chỉ còn biết lắc đầu:

- Ấy đấy, già đoán có sai đâu: sa vào đúng cái sình lầy thiên la địa võng ấy rồi. Thưa pan thương gia, ngài phải sửa cây nến rõ lớn mà tạ ơn chúa là đã thoát nạn – Nói đoạn bà mở cánh cửa dẫn vào buồng bên có lò sưởi đang hồng lửa. – Thật phúc đức quá đấy. Hai ông cởi quần áo ra mà hong. Các ông có quần áo thay chứ?

May mắn thay cái túi đi đường của tôi còn khô nguyên, tôi lập tức lại trước lò sưởi thay quần áo. Bà lão vơ quần áo của tôi, của anh xà ích mang đi đâu đó, lát sau bà quay lại mang theo quần khô cho anh xà ích. Bà lão thản nhiên bước vào phòng, không thể ý gì đến cảnh anh xà ích đang trần truồng, ngượng nghịu quay lưng lại phía bà.

Bà nhìn tấm lưng tím lạnh của anh ta và nói, giọng có vẻ không đồng tình:

- Này anh bạn trẻ, việc gì phải quay đi, mụ này già lão rồi. Và chớ có co quắp ngón chân như vậy. Quần áo đây, thay ngay đi.

Khi chúng tôi đã ấm người lên đôi chút cạnh lò lửa hồng, bà lão mới ngước cặp mắt hoẵm sâu nhìn chúng tôi mà bảo rằng:

- Đã thấy nóng người lên chưa? Vậy thì ổn rồi. Chú mày đến ngủ cùng với lão Jan, ngủ ở đây bất tiện. Ới lão Jan?

Lão Jan xuất hiện tức khắc. Ấy là một ông già tuổi chừng sáu mươi, râu tóc bạc phơ, mũi nhọn hoắt tựa một cái dùi, má hóp, ria mép quặp rủ đến giữa ngực.

Lúc nãy tôi đã ngạc nhiên thì thấy bà lão một thân một mình với chiếc cời lò trong tay mà dám mở cửa không hề sợ hãi hai kẻ đàn ông lạ mặt chẳng rõ từ đâu tới giữa đêm hôm khuya khoắt. Nhưng giờ đây, được giáp mặt lão Jan, tôi mới vỡ nhẽ: ông lão đã nấp kín đâu đây, nên bà ta tin rằng nếu cần đến sự yểm trợ thì nó sẽ có ngay tức khắc.

Mà sự yểm trợ quả thực đáng kể: tay ông lão lăm lăm một khẩu súng săn. Nói đúng hơn, đó không phải một khẩu súng săn, khẩu súng ông lão cầm trong tay nên gọi là một khẩu “ngự lâm hỏa pháo” mới phải. Nó cao vượt đầu lão Jan có đến sáu insơ (*) nòng trạm trổ, đầu nòng loe to, báng nham nhở, mòn vẹt, từ ổ khóa lòng thòng cả một đoạn dây ngòi lửa. Tóm lại, lẽ ra nó phải được bảo quản từ lâu ở một viện bảo tàng. Những khẩu súng loại này thường nổ to như thần công và giật mạnh kinh khủng, người không dè chừng có thể đổ kềnh như chơi.

(*) insơ – đơn vị đo lường của Anh 2m54 (N.D)

Không hiểu sao bỗng dưng tôi tự thấy hài lòng là trong túi quần nằng nặng một khẩu súng săn tuyệt vời của Anh.

Lão Jan đưa anh xà ích ra cửa. Tôi nhận thấy lão lê từng bước, chân cứng đờ, tay run rẩy.

Thực là một lực lượng yểm trợ đắc lực cho bà chủ - tôi bỗng có một ý nghĩ chua chát.

Nhưng bà chủ đã chạm vào vai tôi mời đi theo và vào các “nội thất”. Chúng tôi đi qua một gian phòng nhỏ nữa, bà lão mở toang cánh cửa tiếp theo và tôi tức khắc thốt lên một tiếng ngạc nhiên và thán phục.

Trước mắt chúng tôi là một phòng khách cao rộng thường thấy trong những tòa nhà địa chủ cổ xưa. Thời nay, người ta gọi là “xalông”. Một cái phòng khách tuyệt đẹp! Nó rộng thênh thang đến nỗi hình dáng thảm hại của tôi phản ánh trong tấm gương gắn trên tường đối diện trông không lớn hơn ngón út là bao. Sàn lát những phiến gỗ sồi, đã khá mòn, bốn bề tường cao hun hút, ốp gỗ thanh nhẵn bóng trạm trổ những đường viền, màu đã sẫm lại với thời gian, những ô cửa sổ gần như sát ngay dưới trần nhà, hốc cửa hình cung, nhỏ và sâu.

Rõ ràng là mò mẫm trong đêm tối mù mịt, chúng tôi đã gõ nhầm vào cửa phụ, vì ở bên ngoài tôi vừa nhận ra còn có cổng chính, cao rộng, cửa cũng lại hình vòm nhọn, có cột gỗ ngăn theo kiểu tam quan, các cột đều khắc trổ những hình hoa lá, lâu năm đã nứt nẻ. Cuối tiền sảnh lại một cánh cửa nữa, cũng to và nặng, bằng gỗ sồi đóng những hàng đinh đồng mũ vuông đã xỉn màu.

Bên trên cánh cửa là một ô cửa sổ to đen ngòm trông ra đêm tối mịt mù. Trên cửa sổ có một chấn xong rèn uốn khá tinh vi.

Tôi dạo ngắm tiền sảnh mà lấy làm ngạc nhiên trước vẻ tráng lệ của tòa nhà cùng sự hoang tàn do thói trễ nải của người đời. Đây, nhưng cỗ bản ghế khá nặng nề kê xen tường. Kia, một pho tượng thánh Iuri tạc bằng gỗ đồ sộ, một trong những tác phẩm dẫu mộc mạc chất phác mà vẫn tuyệt vời của thiên tài dân gian Bêlôruxia, dưới chân bức tường là cả một lớp bụi trăng trắng như thể có người rắc đầy bột mỳ ra đấy: kiệt tác vô song ấy đang bị mọt hủy hoại. Trên kia nữa, sát dưới trần, một cây đèn chùm, cũng đẹp kỳ lạ, song những chùm tua rua cũng đã rơi rụng hơn quá nửa.

Tưởng như rằng không có ai trú ngụ nơi đây nếu không có những thanh củi đang cháy rừng rực trong cái lò sưởi to tướng và không có ánh lửa chập chờn đang lung linh mờ ảo khắp gian phòng.

Gần như ngay chính giữa gian tiền sảnh tráng lệ ấy, một bậc thang cẩm thạch thênh thang dẫn lên tầng hai. Trên này, tất cả hầu như lặp lại tầng một: cũng một gian phòng cao rộng, thậm chí cũng lại một lò sưởi y hệt đang cháy rừng rực, chỉ khác một điều là tường gỗ đen (có lẽ là gỗ sồi) xen lẫn với những mảng giấy bồi màu ca phê. Trên những mảng tường bọc giấy bồi ấy treo từng hàng chân dung lắp khung gỗ nặng nề. Với lại, cạnh lò sưởi có kê một chiếc bàn con và hai ghế bành. Bà lão giật tay áo nói:

- Giờ, già đưa pan về phòng dành riêng cho ngài. Ngay cạnh đây thôi, theo cái hành lang này. Sau đó có lẽ ngài sẽ dùng bữa tối chứ ạ?

Tôi không từ chối vì cả ngày hôm ấy chưa ăn uống gì.

- Vậy xin ngài chờ cho một lat...

Có đến mười phút sau, bà lão mới quay lại, tươi cười, cởi mở nói với tôi:

- Thưa quý pan dân quê thường đi nằm sớm. Nhưng trong nhà chúng tôi đây không quen ngủ sớm, nên thường đi nằm muộn. Với lại bà chủ chúng tôi không ưa tiếp khách. Không hiểu sao hôm nay bỗng dưng bà lại đồng ý để quý pan vào nhà, lại còn cho mời sự bữa tối nữa (vậy xin pan bỏ quá cho già này). Chắc hẳn quý pan đáng được tín nhiệm hơn cả trong số người đến với chúng tôi ba năm gần đây.

- Sao thế? – Tôi ngạc nhiên – Vậy ra cụ không phải chủ nhân của tòa nhà này à?

- Già là quản gia - bà lão trịnh trọng tuyên bố. - Là quản gia trong một nhà cao quý nhất trong những nhà cao quý, trong một gia đình cao thượng, xin quý pan thương nhân nhớ cho điều đó.

Cặp mắt bà lão quắc lên giận dữ:

- Ngài đang ở trang ấp Rừng Tùng Đầm lầy. Và quả thực đáng hổ thẹn là ngài chưa từng nghe danh các chủ nhân đây dòng họ Janôpxki. Ngài đã rõ chưa - dòng họ Janôpxki! Không lẽ ngài chưa một lần nghe danh ư?

Tôi trả lời là có từng nghe nhắc đến dòng họ danh tiếng ấy, khiến bà quản gia rất hài lòng.

Bằng một cử chỉ tương xứng với một nữ hoàng, bà mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bành (đại khái các vị nữ hoàng trên sân khấu thường với động tác tương tự mời những tình nhân bất hạnh của các lệnh bà bước lên đoạn đầu đài: “Chỗ của nhà ngươi đó, hỡi kẻ vô phúc kia!”). Bà xin lỗi, đoạn bỏ mặc tôi ngồi lại một mình. Tôi vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ của bà lão. Dưới tầng một bà than vãn, vậy mà vừa mới bước chân lên tầng hai bà phút chốc biến thành một người khác hẳn. Có lẽ dưới tầng một, bà lão thấy như đang ở nhà mình, trên tầng hai bà chỉ là một mụ quản gia, một khách lạ ít lai vãng, vì vậy mà bà luôn thay hình đổi dạng, thay cả lời ăn tiếng nói cho thích hợp. Ánh mắt bà lão vẫn hiền từ, song tôi vẫn không ưa sự biến hóa đột ngột như vậy.

Ngồi lại một mình, tôi bắt đầu chăm chú xem xét những bức chân dung lồng khung kính lấp lánh mờ mờ ảo ảo trên tường. Có đến ngót bảy chục bức tất cả, cổ xưa có, mới có, cả một gian triển lãm buồn thỉu.

Đây, một vị quý tộc, nhưng ăn vận mộc mạc một chiếc áo lông thú bán thân, khuôn mặt rộng, đường nét thô như anh thợ cày, nhưng khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết. Đó làm một trong những chân dung cổ xưa nhất.

Còn dãy kia, bức thứ hai đã mặc một áo captan thêu kim tuyến, một chiếc cổ lông hải ly to rộng chùm kín vai (cứ trông mặt cũng đủ biết cha nội là một thằng ranh ma quỷ quái có hàng đó!). Ngay cạnh, chân dung một con người cường tráng, với đôi vai rắn chắc như đá, với ánh mắt chân thành, trên người khoác hờ một tấm áo choàng đỏ chói (cạnh đầu vẽ một cái khiên trang trí gia huy, nhưng nửa trên của gia huy lại bị bôi đen đi). Kế đến là những chân dung khác, cũng những trượng phu cường tráng như vậy, nhưng nhưng cặp mắt lại ngây ngô đờ đẫn, mũi quặm, môi mím.

Tiếp theo là hàng chân dung những người phụ nữ vai trần thon thả - những đôi vai tạo hóa tạc nên để được vuốt ve âu yếm. Gương mặt họ có thể khiến cả kẻ đao phủ phải rơi nước mắt. Chắc hẳn, vào cái thời buổi tàn bạo xa xưa cũng đã có người trong đám mỹ nhân này phải kê đầu lên thớt chém. Thực chẳng thú vị chút nào khi nghĩ đến chuyện các bà mệnh phụ này từng ăn bốc và giường nệm nơi khuê phòng của họ lúc nhúc đầy rệp.

Tôi đứng lại trước một bức chân dung kiều diễm bởi một nụ cười kỳ lại bí ẩn mà các họa sỹ xưa kia biết miêu tả một cách tài tình. Thiếu phụ trong tranh nhìn tôi với một vẻ quan tâm bí ẩn.

“Ngươi là một kẻ tầm thường hèn kém, ánh mắt thiếu phụ như nói với tôi như vây: - Người đã được nếm trải những gì ở đời? Ôi! Giá như người được thấy cảnh đèn đuốc rừng rực cháy sáng quanh tường phòng yến tiệc. Ngươi sao hiểu nổi vị khoái lạc khi được hôn đến bật máu tươi những người tình, được khiến một đôi tình địch phải đọ gươm, được đầu độc một tình nhân khác, được trao một người tình nữa vào tay đao phủ, được tiếp tay cho chồng ẩn kín trong tháp canh bắn vào kẻ thù xông lên tấn công lâu đài, được sử dụng ma lực của ái tình đẩy tình nhân cuối cùng xuống huyệt mộ, sau đó nhận hết tội lỗi của anh ta về phần mình, để rồi được đặt lên đoạn đầu đài mái đầu với vầng trán cao và kiểu tóc vấn cầu kỳ”.

Tôi xin đem sinh mệnh mình ra mà thề rằng người thiếu phụ trong tranh đã nói với tôi đúng như vậy, và mặc dù tôi ghét cay ghét đắng bọn quý tộc. Đứng trước bức chân dung ấy, tôi đã hiểu ra rằng: “dòng họ” quả là một thứ ghê gớm nó để lại dấn ấn sâu xa cho hậu thế, cả một gánh nặng khủng khiếp những tội lỗi từ xa xưa và sự thoái hóa hôm nay đè nặng lên vai những kẻ hậu sinh.

Tôi còn hiểu ra rằng đã biết bao năm tháng trôi qua kể từ thuở người thiếu phụ nọ ngồi trước giá vẽ của họa sỹ. Giờ họ ở nơi đâu, tất cả đám người mang trong mình dòng máu sôi sục cùng những dục vọng say mê ấy? Đã biết bao thế kỷ ầm ầm lướt qua trên nắm xương tàn của họ?

Tôi cảm thấy luồng gió từ những thế kỷ xa xôi ấy vừa mới tràn qua sau lưng, thổi dựng ngược tóc sau gáy tôi.

Tôi cũng cảm thấy ngay trên từng làn da thớ thịt cái âm khí lạnh lẽo ngự trị trong tòa nhà mà những lò sưởi rừng rực cháy đêm ngày vẫn không sao xua tan nổi.

Những gian phòng đồ sộ, ảm đạm, ván lát sàn luôn cót két, bóng tối dày đặc khắp xó xỉnh, gió lùa quanh năm tháng ngày, mùi bụi bặm và mùi chuột, và bao trùm tất cả là một khí lạnh đến đông máu trong huyết quản – một khí lạnh tích tụ qua nhiều thế kỷ, khí lạnh của chế độ trưởng tộc thống nhất, của một dòng họ lớn đã tàn tạ, gần như tuyệt tự.

Ôi, một âm khí lạnh lẽo mới đáng sợ làm sao! Nếu như có thể đưa đến đây chư vị thuộc môn phái suy đồi ở ta sau này - những kẻ sính ngợi ca các lâu đài quý tộc hoang tàn ấy, để chư vị ở lại đây một đêm thôi thì chư vị sẽ tức khắc van xin thả chư vị ra nội cỏ, dưới ánh mặt trời ấm áp.

Một con chuột cống đàng hoàng chạy ngang qua giữa phong. Tôi rùng mình, vội quay lại với những bức chân dung. Đây là những chân dung thời sau này nên khác hẳn. Các đại diện nam giới đều có một vẻ đói khát, bực dọc, đôi mắt của những kẻ mê gái đã già đời, cặp môi nhếch mép khinh khỉnh, khó hiểu và rất khó chịu. Phụ nữ cũng khác hẳn: kiểu cách, và điều rõ rệt nhất là đôi tay đã trở nên ẻo lả: ở đàn ông và đàn bà những đường gân xanh nổi rõ dưới làn da trắng. Vai hẹp hơn xưa, dô ra đằng trước. Trên mọi gương mặt đều tăng thêm vẻ hiếu sắc.

Hỡi cuộc đời, Người chơi những trò thực tàn nhẫn đối với những kẻ hàng bao thế kỷ đã sống biệt lập, tiếp xúc với dân chúng chẳng qua chỉ để cho ra đời những đứa con hoang.

Tôi cảm thấy vô cùng nặng nề, khó chịu khi nhìn ngắm tất cả dãy chân dung ấy. Và cái cảm giác ớn lạnh thấu xương một cách khó hiểu bỗng lại choán lấy thân thể tôi...

Tôi không hề nghe thấy tiếng bước chân ở sau lưng, dường như người lại gần tôi đã bơi đi trong không trung. Bỗng dưng tôi cảm thấy có ai đang nhìn vào gáy mình. Có vậy thôi, và tôi quay phắt lại. Trước mắt tôi là một thiếu phụ. Nàng kinh ngạc nhìn tôi, vẻ dò hỏi, đầu hơi cúi xuống. Tôi kinh ngạc. Tôi có cảm tưởng là bức chân dung vừa mới cùng tôi trò chuyện, bỗng sống lại, thiếu phụ vừa mới từ trong tranh bước ra.

Thâm chí đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi họ có gì giống nhau. Người trong tranh (ngoái nhìn lại tôi thấy bức chân dung vẫn nguyên vị ) có lẽ tầm vóc cao cân đối, đầy sinh khí, tươi vui, khỏe mạnh và xinh đẹp. Người đang đứng trước mặt tôi là một thiếu phụ ẻo lả.

Vậy mà họ vẫn giống nhau - một sự giống nhau siêu việt vẫn khiến ta nhận ra giữa đám đông hai anh em ruột khác nhau: một đứa tóc đen, đứa kia tóc sáng. Không, đằng này hai thiếu phụ có nhiều điểm giống nhau hơn. Mái tóc họ hoàn toàn như nhau, mũi cùng một kiểu, cùng một khóe miệng, đến cả hàm răng trắng đều tăm tắp cũng như nhau. Thêm vào đó là sự giống chung trong nét mặt, một nét vĩnh cửu nào đó của dòng họ.

Song dẫu sao, tôi cũng chưa từng gặp một nhân vật nào khác gây cho tôi ấn tượng khó chịu hơn thế. Tất cả đều vừa như nhau lại vừa khác hẳn nhau. Tầm vóc thấp bé, thân hình gày đét, mảnh mai như cành liễu, cặp đùi kém phát triển và bộ ngực lép kẹp, gân xanh nổi chằng chịt trên cổ, trên cánh tay, như hoàn toàn không có máu. Trông cô nàng lả lướt như một ngọn ngải cứu mọc đầu bờ.

Một làn da quá mỏng manh, một cái cổ dài quá mảnh dẻ, đến cả kiểu vấn tóc cũng mờ nhạt một cách lạ lùng. Kỳ lạ hơn nữa là mái tóc ấy lại óng vàng, dày mượt và đẹp vô cùng. Nhưng cần gì đến cái búi tó kỳ dị trên gáy kia chứ?

Các đường nét gương mặt khá gợi cảm, gọn gàng, cân xứng đến mức có thể làm hình mẫu cho một nhà điêu khắc vĩ đại. Song tuy vậy, tôi vẫn cho rằng chắc không một nhà điêu khắc nào dám cả gan tạc tượng mỹ nhân Junôna theo khuôn mặt đó: ít ai bắt gặp một gương mặt đáng thương hại đồng thời khó chịu đến nhường ấy. Làn môi méo mó, hốc mắt thâm quầng, da mặt xám ngắt, đường lông mày đen nhánh gấp khúc kỳ lạ, đôi mắt to đên nhưng trông đờ đẫn khó hiểu.

“Cô bé xấu xí như quỷ sứ” tôi lấy làm thương hại và vội cụp mắt xuống.

Tôi biết không ít phụ nữ đến tận ngày xuống mồ cũng không thể tha thứ cho tôi cái cụp mắt ấy, nhưng thiếu phụ này chắc hẳn đã quen bắt gặp vẻ thương hại tương tự trên gương mặt tất cả mọi người đã tiếp kiến, cho nên nàng hoàn toàn không chú ý đến cử chỉ của tôi.

Không hiểu thiếu phụ có định đưa tay cho tôi hôn không, hay chỉ định chìa tay cho khách bắt theo kiểu người Anh, mà cũng có thể cánh tay chỉ khẽ rung động tự nhiên, song tôi vẫn cầm lấy những ngón tay nàng và trân trọng đưa lên môi hôn. Có lẽ tôi đã cầm ngón tay ấy lâu hơn là phép lịch sự đòi hỏi: thì tôi cũng phải chuộc lại phần nào cái tội cụp mắt của mình chứ.

Khi tôi buông bàn tay nhỏ nhắn ra, trong khóe mắt cô gái – không, thậm chí phải gọi là cô bé gái – vụt le lói một ánh xúc động kỳ lạ, bệnh hoạn.

Vẫn lặng lặng như vậy, nàng chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế bành trước lò sưởi. Tuy nhiên tôi chưa vội ngồi khi nàng vẫn còn đứng. Lại một lần nữa, ánh mắt ngạc nhiên nọ léo lên trong khóe mắt. Tôi chợt nhớ lại là bàn tay nàng đã run lên khi chạm phải môi tôi, và tôi hiểu ra rằng nàng hoàn toàn không biết cách đưa tay cho người hôn, nàng chưa được ai hôn tay bao giờ. Mà quả thực còn có thể chờ đợi được cái gì ở cái xó xỉnh lầy lội giữa rừng hoang đã bị thượng đế phỉ nguyền này?

... Khi bà quản gia mím môi bưng bữa tối lên, xong, lập tức rời khỏi tầng gác, tôi mới cất tiếng hỏi tôi được hân hạnh tiếp chuyên với ai vây.

- Tôi là Nadia Janôpxkaia, nữ chủ lâu đài Rừng Tùng Đầm Lầy

- Xin tiểu thư thứ lỗi, lẽ ra tôi phải tự giới thiệu trước phải không ạ? Mặc dù không muốn vậy, nhưng tôi đã phải đánh lừa bà quản gia. Tôi không phải là thương gia...

- Tôi biết, nàng đáp rất bình thản – đám thương gia khác hẳn. Tôi đã quan sát ngài từ nãy. Ở ngoài đó, trên chỗ cửa ra vào có mấy lỗ nhỏ giấu kín chuyên dùng để quan sát. Mỗi khi có ai đến thăm, tôi tức khắc thấy ngay - Qua lỗ quan sát đó. Có điều, rất ít khách đến thăm chúng tôi, ít lắm. Họ sợ, và tôi cũng ít dám cho ai vào nhà. Ngài không như những người khác... Rất hiếm những người đáng tin cậy qua lại nơi đây.

Tôi có một cảm tưởng kỳ lạ hơi khó chịu trước thái độ nói nhẹ ra là quá bộc trực như vậy. Đó là cái gì? Một sự tính toán tinh vi ngay sự ngây thơ? Song, dẫu đã chăm chú quan sát gương mặt nhăn nhó ấy, tôi vẫn không phát hiện một nét thâm hiểm nào.

Gương mặt nàng chất phác thơ ngây, nhưng cái có sức thuyết phục hơn cả chính là giọng nói của nàng: chậm rãi, lười nhác, thờ ơ, đồng thời lại rung động, ngập ngừng tựa hồ giọng chim rừng.

- Với lại, tôi có gặp ngài, từ trước đây

- Ở đâu kia, thưa tiểu thư! – Tôi ngạc nhiên

- Tôi không nhớ. Tôi từng gặp gỡ với nhiều người. Tôi có cảm tưởng hình như đã gặp ngài trong giấc mơ... nhiều lần... và cũng có thể chẳng phải chỉ trong mơ. Ngài đã có bao giờ cảm giác như mình đã sống từ xưa từ lâu lắm rồi... và bây giờ chỉ phát hiện ra, chỉ thấy lại điều mình đã từng chứng kiến xưa kia... Ngài có bao giờ có cảm giác như vậy không?

Tôi là một người khỏe mạnh nên không hề biết là những chuyện tương tự đôi khi có xảy ra với những người thần kinh dễ bị kích động, quá nhạy cảm. Ở họ, không hiểu sao mối liên hệ giữa tri giác ban đầu và các biểu tượng tiếp theo của ký ức bị rối loạn. Cái giống nhau, họ tưởng là đồng nhất, họ khám phá trong các sự vật hoàn toàn xa lạ những điều gì đó họ đã biết từ lâu. Nhưng ý thức, vốn dĩ là nhà hiện thực từ muôn thuở, kháng lại cảm giác đó. Thành thử đâm ra sự vật vừa xa lạ vừa quen thuộc một cách bí ẩn.

Tôi xin nhắc lại, tôi chưa biết điều đó. Nhưng dẫu vậy, không một giây phút nào tôi nảy ra ý nghĩ là cô gái ấy có thể nói dối, từ mỗi lời nói của nàng đều toát lên sự chân thực, đồng thời lại thờ ơ lãnh đạm.

- Tôi đã từng gặp ngài – nàng nhắc lại một lần nữa – Nhưng ngài là người ra sao? Tôi không biết.

-Tên tôi là Anđrêi Bêlôretxki, thưa tiểu thư. Tôi là một học giả phônklơrist.(*)

(*) Chuyên gia sưu tâm, nghiên cứu văn học dân gian (N.D)

Nàng không mảy may ngạc nhiên. Ngược lại, người phải ngạc nhiên lại là tôi khi tôi thấy nàng hiểu nghĩa từ thuật ngữ ấy.

- Một việc rất hay đấy. Vậy ngài quan tâm thể loại nào? Ca dao hay tục ngữ?

-Truyền thuyết, thưa tiểu thư. Tôi quan tâm các truyền thuyết cổ ở các địa phương.

Tôi phát hoảng lên thực sư, vì thiếu phụ bỗng giật nảy mình thẳng đuỗn người ra như bị tra điện, mặt tái mét đi, hai mắt nhắm nghiền lại

Tôi chạy vội lại đỡ đầu nàng và kê cốc nước lại gần môi, nhưng nàng đã tỉnh lại. và ngay lập tức đôi mắt nàng sáng quắc lên giận dữ và đầy vẻ trách móc khó tả khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ đê tiện hết chỗ nói, mặc dù tôi không hiểu vì sao lại không được quyền nói về nghề nghiệp của chính mình. Tôi chỉ kịp nảy ra một phỏng đoán mơ hồ là câu chuyện hẳn liên quan đến một quy ước tự cổ xưa: Ở trong nhà có người bị treo cổ không nên nhắc đến dây thừng.

Giọng nhát gừng, nàng nói:

-Đến cả ngài, cả ngài nữa...Cớ sao các người cứ đầy dọa tôi, vì lẽ gì mà tất cả các người ...

-Thưa pana, thưa tiểu thư! Xin thề danh dự, tôi không hề có ý xấu, tôi có hay biết gì đâu. Đây, xin tiểu thư xem giấy chứng chỉ của Viện hàn lâm, và đây là thư giới thiệu của quan tổng đốc. Trước đây tôi chưa hề tới vùng này. Xin tiểu thư thứ lỗi cho, bỏ qua cho tôi nếu như tôi đã vô tình xúc phạm tiểu thư.

- Không sao, - nàng đáp- không sao cả. Xin pan Bêlôretxki cứ yên tâm. Tôi hay như vậy...Tôi căm ghét những sáng tác u mê tối tăm do trí não bọn người man rợ đẻ ra. Rất có thể rồi một lúc nào đó ngài sẽ hiểu ra cái mớ bòng bong tăm tối đó thực chất là cái gì. Còn tôi, tôi đã hiểu điều đó từ lâu rồi. Có điều trước khi hiểu nổi được đến cùng tôi sẽ chết.

Tôi hiểu ra rằng mọi câu dò hỏi sẽ bất nhã nên đành lặng thinh. Chỉ một lát sau, khi nàng đã bình tâm, tôi mới nói:

- Xin tiểu thư thứ lỗi cho tôi là đã làm cho tiểu thư quá xúc động. Tôi tự nhận thấy đã làm cho tiểu thư khó chịu. Bao giờ tôi sẽ phải đi khỏi đây? Tôi nghĩ tốt nhất là ngay bây giờ.

Gương mặt nàng lại một lần nữa nhăn nhó.

- Trời, vấn đề đâu phải như vậy. Không nên đâu, Ngài sẽ xúc phạm tôi thật sự nếu bỏ đi ngày bây giờ. Hơn nữa – giọng nàng bỗng run run: - Ngài sẽ thấy sao nếu như tôi mạo muội yêu cầu ngài, ngài hiểu tôi nói chứ ạ, tôi yêu cầu ngài ở lại đây, ở lại tòa nhà này độ vài ba tuần? Tóm lại là ở đây cho đến khi hết những đêm thu tối trời?

Ánh mắt nàng bỗng trở lên đờ đẫn. Làn môi hé một nụ cười thảm hại.

- Sau đó, tuyết sẽ rơi. Và trên tuyết sẽ có dấu vết. Tất nhiên, tùy ngài định đoạt. Nhưng tôi sẽ lấy làm phiền lòng nếu như người đời sẽ chê là đại diện cuối cùng của dòng họ Janôpxki đã quên mất lòng mến khách cổ truyền.

Nàng đã nói đúng những lời như vậy –“đại diện cuối cùng của dòng họ Janôpxki” – cái cô bé gái mới mười tám tuổi đầu ấy, khiến lòng tôi bỗng tự dưng đau nhói.

- Thôi cũng đành – nàng nói tiếp – nếu như ngài đã quan tâm những câu chuyện tục tĩu ấy, thì tôi đâu dám phản đối. Có những người còn sưu tầm cả rắn độc nữa kia mà. Tôi xin nói trước là ngài đã đến một xứ sở của truyền thuyết đấy. Ở đây hồn ma bóng quỷ còn nhiều hơn cả những người đang sống. Đám nông dân bị sốt rét hành hạ quanh năm, kể những câu chuyện thực ly kỳ và rùng rợn. Họ sống bằng rau cỏ với cháo kiều mạch lần hồi cùng trí tưởng tượng. Ngài không thể ngủ lại trong các túp lều của họ, ở đó bẩn thỉu chật chội, đầy ổ bệnh sốt rét. Ngài cứ đi các trại quanh đây, trả cho họ vài xu để họ mua bánh mỳ hay rượu vôtca giúp sưởi ấm giây lát dòng máu đã lạnh ngắt vì sốt rét, thế là họ sẽ kể tất cả. Còn đến chiều tối thì ngài lại trở vè đây. Trong tòa nhà này luôn luôn có món ăn, nệm và lửa ấm lò sưởi chờ ngài. Xin ngài nhớ cho rằng ở đây tôi là nữ chủ, nông dân nghe lời tôi. Ngài bằng lòng chứ?

Đến lúc ấy, tôi hầu như tin chắc rằng không còn ai nghe lệnh cô bé gái ấy nữa, không còn sợ ai nữa, không còn ai phụ thuộc vào nàng nữa. rất có thể với ai khác, tôi đã cười thẳng vào mặt, nhưng trong cái “lệnh” vừa được nghe có biết bao sự van lơn khó hiểu biết bao nỗi trông chờ cảm động, khiến tôi cụp mắt xuống đáp:

- Vâng, tôi xin phục tùng ý nguyện của tiểu thư.

Nàng không nhận ra chút xíu mỉa mai trong ánh mắt tôi nên thậm chí đôi má nhợt nhạt đã ửng hồng trong giây lát, có lẽ vì nàng thấy lời yêu cầu của mình đã được chấpthuận.

...Nhưng thứ còn lại sau bữa ăn tối đơn sơ đã được dọn đi. Hai chúng tôi vẫn ngồi lại trong những chiếc ghế bành trước lò sưởi. Janôpxkaia ngoái nhìn những ô cửa sổ đen ngòm. Ngoài trời, rặng cây cao to đang xào xạc, cành lá ngả nghiêng quệt vào ô kính. Nàng cất tiếng hỏi:

- Pan Bêlôretxki chưa buồn ngủ chứ ạ?

Cái buổi tối lạ kỳ ấy khiến tôi hết cả buồn ngủ. Hai chúng tôi cứ ngồi cạnh nhau như vậy mà ngắm nhìn lửa cháy trong lò. Bỗng nàng lại cất tiếng:

- Thưa ngài, ở nơi khác mọi người có sinh sống như chúng tôi đây không ạ?

Tôi ngước nhìn nàng thắc mắc: chẳng lẽ nàng chưa từng ra khỏi tòa nhà này bao giờ? Dường như đoán ra ý tôi nàng thanh minh:

- Tôi chưa từng đi đến đâu ngoài cái bình nguyên giữa chốn rừng rú này. Cha tôi, một con người tuyệt vời, tự dạy dỗ tôi. Người có một học vấn sâu rộng. Đương nhiên: tôi biết trên thế giới có những nước nào, không phải đâu đâu cũng chỉ mọc một loài tùng bánh nơi đây. Nhưng xin ngài cho biết: phải chăng ở khắp mọi nơi con người cũng phải sống một kiếp lạnh lẽo tối tăm như nơi đây?

- Thưa tiểu thư, trên trái đất này vẫn còn quá nhiều người phải sống tối tăm lạnh lẽo. Kẻ có lỗi trong chuyện này là những người thèm khát một quyền lực vượt quá khả năng của con người. Một căn nguyên khác nữa là đồng tiền, vì đồng tiền mà người ta chẹt họng nhau. Song, tôi nghĩ không phải mọi nơi đều cô liêu lạnh lẽo như ở đây. Ở đằng xa kia, ở ngoài khi rừng này còn có những đồng cỏ xanh rờn, nắng ấm, có hoa tươi và từng đàn cò trắng đậu trên cây cao. Ở đó cũng còn bần cùng và tăm tối nhưng ở đó mọi người đang tìm cách tự giải thoát. Ở đó người ta còn trang trí cửa nhà, còn có tiếng cười của các thiếu phụ và tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Chứ ở đây, mọi thứ đó quá hiếm.

- Tôi cũng phỏng đoán như vậy-nàng nói: - cái thế giới ấy vẫn hằng vẫy gọi, nhưng tôi chẳng cần cho nơi nào khác ngoại trừ trang ấp Rừng Tùng Đầm Lầy này. Vả lại, tôi sẽ xoay xở ra sao nếu như ở đó cần có tiền? Thưa ngài, thế những thứ như tình yêu, tình bạn ở đó thảng hoặc cũng có chứ ạ? Hay là những thứ đó chỉ còn có trong tủ sách của cha tôi?

Lại một lần nữa tôi không mảy may hoài nghi rằng những lời lẽ đó chỉ là một câu bông đùa lập lờ, mặc dù tình cảnh của tôi quả đến éo le: giữa đêm hôm ngồi trong phòng cùng một tiểu thư chưa quen biết và đàm đạo về tình yêu theo sự gợi ý của chính cô nàng:

- Ở đó đôi khi cũng có đấy

- Tôi cũng nghĩ thế. Không thể có chuyện mọi người đều nói dối cả. Nhưng ở đây, thì những thứ đó hoàn toàn không có. Ở đây chỉ có đầm lầy và bóng tối. Và chó sói nữa...Những con chó sói mắt long sòng sọc. Những đêm như vậy tôi có cảm giác không nơi nào, không một góc nào trên trái đất này có ánh mặt trời.

Tôi bỗng thấy sợ hãi khi bắt gặp ánh mắt khô khan sâu thẳm của nàng, nên để chuyển đề tài câu chuyện, tôi hỏi:

- Không lẽ song thân của tiểu thư đã không yêu nhau?

Nàng mỉm cười bí ẩn:

- Ở trong lâu đài chúng tôi, người ta không bao giờ yêu. Tòa nhà này hút dần sinh khí của mọi người. Với lại, ai nói với ngài là tôi có mẹ. Tôi không còn nhớ Người, cũng không một ai trong nhà này còn nhớ Người. Đôi khi tôi có cảm tưởng là tôi đã tự sinh ra trên đời này.

Dẫu những lời nói ấy hồn nhiên sâu sắc, tôi vẫn hiểu rằng đây là một chương chưa được biết đến trong cuốn “Mười ngày” và không nên cười, bởi lẽ tất cả điều đó thật kinh khủng. Trước mặt tôi là một cô gái mười tám xuân xanh và cô đang trò chuyện về những điều từ lâu phải giấu kín trong lòng. Tuy nhiên, những điều ấy đối với cô chẳng hiện thực hơn là bao so với các tiên nữ trên thượng giới đối với tôi.

- Tiểu thư lầm đấy – tôi lúng búng trong miệng – trên trái đất này, dẫu rất ít, song ta vẫn được ban tình yêu.

- Loài lang sói không thể biết yêu. Vả lại, yêu sao được nếu như Tử thần đang luẩn quất xung quanh. Nó ở ngay ngoài khung cửa kia chứ đâu.

Cánh tay gày gò trong suốt chỉ ra phía những ô cửa sổ đen ngòm. Và giọng nói nhỏ nhẹ lại cất lên:

- Những cuốn sách dối trá của các ngài viết rằng tình yêu là một bí ẩn lớn lao, là hạnh phúc và ánh sáng, rằng khi nó đến với người ra mà đối tượng lại không yêu thì người ta sẽ tự giết mình.

- Đúng như vậy, tôi đáp – Nếu không sẽ chẳng có đàn bà, cũng không có đàn ông.

- Các ngài chỉ nói dối thôi. Người ra không giết chính bản thân mình, người ta giết những người khác. Người ta đã thả ra trên trái đất này hàng ngàn vạn những hồn ma. Tôi không tin, tôi chưa bao giờ cảm thấy điều ấy, vậy là nó không có thực. Tôi không muốn chạm tới da thịt bất kỳ một người nào, tôi chỉ muốn lẩn tránh hết thảy mọi người. Tôi chẳng muốn “hôn” một ai hết – cái chuyện hôn hút này sách vở của các ngài viết nhiều và kỳ cục lắm. Người ta chỉ cắn nhau thôi.

Thậm chí ngày này, một câu chuyện như vậy còn khiến một số kẻ nam nhi e ngại, huống hồ thuở đó. Tôi không thuộc loại mặt trơ trán bóng, nhưng không hề thấy ngượng nghịu bởi lẽ nàng nói chuyện tình yêu cũng tự nhiên như những người đàn bà khác nói chuyện thời tiết vậy. Nàng chưa hề biết, chưa từng trải, nàng chưa được thức tỉnh, còn hoàn toàn giá lạnh, như một tảng băng. Thậm chí nàng còn chưa thể hiểu điều đó có đáng xấu hổ hay không. Đôi mắt nàng cởi mở nhìn thẳng vào mắt tôi. Đó không phải là một sự làm dáng.

Nàng còn là một đứa trẻ, thậm chí không phải là một đứa trẻ mà là một cái xác sống.

Nàng quấn chặt hơn tấm khăn choàng quanh mình mà nói:

- Trên trái đất này. Tử thần đang ngự trị. Điều này tôi rõ lắm. Nên tôi không ưa việc người ra nói dối về những chuyện chưa bao giờ có thực trên trái đất này.

Chúng tôi cùng lặng thinh. Gió ngoài cửa vẫn rú từng hồi. Nàng khẽ rùng mình và nói nhỏ:

- Một miền đất kinh khủng, những rừng cây kinh khủng, những đêm đen kinh khủng.

Tôi lại bắt gặp cáivẻ kỳ lạ ấy trên gương mặt nàng và lại không hiểu nổi nó.

- Thưa ngài, các thành phố Vinnhia mà Minxk có lớn không ạ?

-Cũng khá lớn. Nhưng Matxcơva và Petecbua lớn hơn.

-Thế ở đó đêm đêm mọi người cũng cảm thấy lạnh lẽo cô đơn ư?

-Đâu có, thưa tiểu thư. Ở đó ánh đèn chiếu sáng mọi ô cửa sổ, mọi người cười nói ngoài đường, tiếng chuông xe ngựa leng keng, đèn đường sáng rực.

Nàng bỗng trở lên đăm chiêu

- Ra thế đấy. Vậy mà ở đây không một ánh đèn. Quanh đây, khu vườn này dài rộng mỗi chiều hai dặm, bên ngoài khu vườn lác đác những mái tranh đơn độc, cũng không một ánh lửa. Trong tòa lâu đàu này ngót năm chục gian phòng, vô số những hành lang, hàng hiên với hàng trăm xó tối. Nó được xây như vậy từ lâu lắm rồi...Và nó rất lạnh vì tổ tiên chúng tôi cấm được xây bếp lò trong nhà, chỉ đặt ít lò sưởi để cho nó khác hẳn trong nhà đám thường dân xung quanh. Lò sưởi đốt đêm ngày, nhưng dẫu vậy các xó nhà vẫn ẩm thấp và trong nhà chỗ nào cũng lạnh. Năm chục gian phòng chỉ có ba người ở. Bà quản gia ngủ ở tầng một, lão gác cổng cũng ngủ dưới đó. Ngoài ra, ở một trong những cái chái còn có lão gác vườn, mụ làm bếp và cô thợ giặt. Cái trái thứ hai với cửa vào riêng, là nơi ở của ông Ignat Becman Gaxevich, người quản lý của tôi. Ông ta, cái ông quản lý ấy, ở đây làm gì, tôi không rõ, song lệ nó như vậy. Trên cả cái tầng hai này, với ba chục gian phòng chỉ có một mình tôi. Lạnh lẽo, cô đơn đến nỗi chỉ muốn chui vào một xó, quấn chăn kín đầu như trẻ con vẫn làm và ngồi im. Đấy, hiện giờ chẳng hiểu sao tôi cảm thấy ấm cúng và bình yên, có đến hai năm nay, từ khi cha tôi chết đi, tôi không bao giờ cảm thấy như vậy nữa. Và giờ đây tôi chẳng quan tâm đến chuyện ở bên ngoài những ô cửa kia có ánh lửa hay không. Thưa ngài, khi có người bên cạnh ta thật dễ chịu...

Nàng tiễn tôi về đến tận cửa phòng (phòng nàng ở cách một gian) và khi tôi mở cửa, nàng nói:

- Nếu như ngài quan tâm đến các truyền thuyết cổ, thì xin thử tìm ở thư viện, trong tủ đựng các bản thảo. Ởđó phải có một tập bản thảo những truyền thuyết trong gia tộc chúng tôi. Và một vài tài liệu giấy tờ khác.

Đoạn, nàng nói thêm:

- Xin cảm ơn pan Bêlôretxki.

Tôi không hiểu ra nàng cám ơn tôi về việc gì, và thú thực cũng không bận tâm lắm đến điều đó mà bước thẳng vào căn phòng không có chốt cài cừa, đặt cây nến lên bàn.

Trong phòng kê một cái giường rộng thênh thang như bãi chiến trường ở Koidanôp (*) Trên giường là một chiếc màn trướng. Dưới sàn trải một tấm thảm thêu tuyệt đẹp. Mặt giường có trải đệm có lẽ phải trải bằng một chiếc gậy đặc biệt (như hai trăm năm trước đây) vì nó quá to rộng. Chiếc gậy vẫn dựng ngay cạnh đó. Ngoài giường ra, còn có một tủ ngăn, một bục đứng viết và một cái bàn. Chỉ có vậy.

(*) Ở Krutôgôrie (sau gọi là Kôidanôp) năm 1249, liên quân Bêlôruxia và Litva, sáu năm trước khi Batu chết đã đánh tan quân Tacta do hãn Kôidan thống lĩnh. (chú thích của tác giả).

Tôi cởi quần áo, đoạn tắt nến chui vào chăn ấm. Lập tức ở ngoài cửa sổ trên nền trời xanh tím hiện lên những bóng cây đen xì. Văng vẳng tiếng lá xào xạc đều đều ru ngủ.

Chẳng hiểu sao, một cảm giác về sự hoang phế tác động vào tôi kỳ lạ đến mức tôi duỗi thẳng chân, chắp tay sau gáy, suýt bật cười vì sung sường và lập tức ngủ thiếp đi, dường như rơi xuống một vực thẳm tối đen nào đó. Qua giấc mơ màng tôi còn cảm thấy hình như có người bước đi những bước nhỏ và thận trọng ngoài hành lang, nhưng tôi không chú ý lắm, vẫn ngủ say sưa và lấy làm mừng là mình được ngủ một giấc ngon lành.

Đó là, đêm đầu tiên, đêm duy nhất yên lành của tôi trong tòa lâu đài của dòng họ Janôpxki ở trang ấp Rừng Tùng Đầm Lầy.

Xung quanh là khu vườn cổ hàng chục mẫu, bị bỏ mặc cho cỏ mọc hoang dại. Nhưng rặng cây, thân xẫm lại vì mưa ướt, vẫn đang lay động xao xác trong mưa thu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: