Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG CHÍN

Ngay đêm ấy, tôi đã khám phá ra một trong những điều nghi vấn. Té ra, nó chẳng có gì là ly kỳ. Có chăng tôi chỉ được thêm một bằng cớ nữa chứng tỏ đôi khi sự ti tiện tồn tại ngay trong tấm lòng từ thiện của những kẻ ngu ngốc.

Số là đêm ấy, khi lại nghe có tiếng chân bước, tôi liền lần ra hành lang và lập tức trông thấy mụ quản gia, tay cầm một cây nến. Tôi lại lần bước theo mụ đến căn phòng có kê chiếc tủ. Tuy nhiên, lần này tôi quyết không lùi bước nữa. Căn phòng vẫn trống không, trong tủ cũng vậy, nhưng tôi đã sờ soạng kiểm tra từng tấm gố phía sau tủ (cái tủ kê trong hốc tường), rồi thử nhấc chúng lên. Té ra, có thể thể xê xích chúng. Bà lão hẳn là hơi nặng tai, chứ không đã nghe thấy những trò lục đục của tôi. Cố lách qua khe hở, tôi trông thấy một hành lang cuốn vòm dẫn sâu xuống hầm nhà. Các bậc lâu năm mòn vẹt đi trơn tuồn tuột, hành lang hẹp đến nỗi hai vai tôi luôn chạm tường. Dò dẫm xuống hết các bậc, tôi thấy một căn phòng nhỏ, cũng cuốn vòm. Dọc tường kê những chiếc hòm lớn có đai sắt và hai cái tủ đứng. Tất cả đều mở tung, giấy tờ vương khắp sàn. Giữa phòng có một cái bàn, cạnh bàn đặt một chiếc ghế đẩu thô kệch. Bà quản gia đang ngồi trên ghế đó loay hoay xem xét một tờ giấy đã ố vàng. Tôi lấy làm kinh ngạc về vẻ mặt tham lam của mụ.

Thấy tôi bước vào, mụ hốt hoảng kêu lên và chực giấu tờ giấy đi, nhưng tôi đã kịp thời chụp lấy tay mụ.

- Bà quản gia, bà đưa tờ giấy này cho tôi. Và xin bà cho tôi biết lý do tại sao đêm đêm bà lần mò vào cái phòng lưu trữ bí mật này, bà làm gì ở đây? Nhằm mục đích gì, mà dùng những bước chân đêm dọa nạt mọi người như vậy?

- Ghê nhỉ! Tôn ông quá nhanh nhảu đấy! – Mụ già trấn tĩnh ngay được. – Tôn ông muốn biết tất tật kia đấy!

Có lẽ vì đang ở dưới tầng một nên mụ cho rằng chẳng việc gì phải ý tứ với tôi. Mục đáp bằng những lời lẽ dân dã bóng bẩy.

- Vậy chứ quý ngài có muốn dùng bánh vừng không ạ? Gớm chưa, ông ta đòi hỏi mới lắm thứ chưa! Lại giật mất cả tờ giấy nữa kia chứ. Bà cầu cho nhà ngươi lúc tuổi già sức yếu thì con cháu nó giật mất miếng bánh khỏi miệng nhà ngươi cũng lẹ như ngươi vừa giật mất của bà mảnh giấy nọ! Chưa chừng, bà còn có quyền đến đây hơn là nhà ngươi cơ đấy. Vậy mà nhà ngươi dám ngồi mà lục vấn có gớm không chứ!

Sốt cả ruột, tôi quát:

- Bà muốn ngồi tù hả? Bà xuống đây làm gì? Hay là bà ngồi đây ra hiệu cho đội săn đấy?

Mụ quản gia phật ý. Mặt mụ nhăn nhó.

- Ngài nói thế phải tội, - mụ lẩm bẩm. – Già này ăn ở đứng đắn, đến đây chỉ cốt lấy cái của mình. Đấy, nó đang ở trong tay ngài kia – những thứ thuộc quyền sở hữu của già này ấy mà.

Tôi xem tờ giấy. Đó là bản trích lục nghị quyết của tiểu ban công vụ tiểu điền chủ. Tôi lướt qua phần đầu, đọc kỹ những dòng cuối:

“Và mặc dù ông Zakrepxki cho đến nay vẫn khẳng định rằng ông có chứng từ xác nhận những quyền lợi quý tộc của ông, đồng thời cũng xác nhận rằng theo quyền thừa kế thay, thì người kế tự dòng họ Janốpxki là ông ta chứ không phải là ông Garabuôcđa, vụ này cần chấm dứt vì lý do thời gian kiện tụng kéo dài đã hai mươi năm cũng như không đủ chứng cớ; cũng vì những lẽ đó, tước quyền quý tộc của ông Zakrepxki Ixiđôrơ”

- Điều này thì liên can gì đến đây?

- Dạ, kính thưa tôn ông, - mụ quản gia dài giọng ra đay nghiến, - liên can ở chỗ già này chính họ Zakrepxkaia đấy ạ. Đây chính là cha mụ này kiện chư vị quyền thế tai to mặt lớn đấy. Mụ này nào có hay biết, may sao có những người tốt bụng mách bảo cho rằng đâu đó trong nhà này phải còn lại chứng từ. Quan thẩm phán trên huyện cầm tạm mất mười hai tờ đỏ, nhưng cũng cho được một lời khuyên bảo đáng giá. Xin ngài trả lại cho tờ giấy kia.

- Không ăn thua gì đâu, - tôi nói. – Đây không phải là một văn bằng. Ở đây tòa chỉ nói khước từ phụ thân bà, thậm chí không xác nhận của quyền hạn quý tộc của cụ nhà. Tôi có biết rõ về vụ kiểm tra giới quý tộc tiểu điền chủ này. Nếu như phụ thân bà có những chứng từ xác nhận quyền thừa kế thay cho dòng họ Janốpxki thì chuyện mới ổn. Nhưng cụ nhà đã không trình tòa giấy tờ gì, vậy tức thị đã không có những chứng từ ấy.

Vẻ mặt mụ quản gia bộc lộ một sự nỗ lực phi thường cố hiểu cho ra những điều rắc rối như vậy.

Lát sau, mụ hỏi, giọng nghi ngờ:

- Hay là nhà Janốpxki đã mua được các quan tòa rồi nhỉ? Cái lũ sâu mọt ấy, cứ đấm tiền vào là xong hết. Già này thừa biết. Chúng tước mất các chứng từ của ông cụ rồi giấu biến xuống đây cũng nên.

- Thế bà có theo kiện nổi hai chục năm không? – Tôi hỏi. – Những hai chục năm nữa kia!

- Trình tôn ôn, đến lúc ấy thì già này đã về nhà trời giặt quần cho Thượng đế rồi.

- Đúng thế đấy. Mà chứng từ thì chẳng có gì. Bà đã lục tung cả phòng này rồi còn gì.

- Vâng, lục ráo cả rồi. Của đau con xót mà, thưa người.

- Khốn nỗi, tiền – tờ đỏ, tờ xanh – đều là của tôi cả.

- Vả lại, giữa đêm hôm lục lọi giấy tờ của người khác là không tốt.

- Nhưng cơ mà, trình tôn ông, tiền là tiền tôi, - mụ một mực khăng khăng.

- Dẫu bà có chứng từ đi nữa thì tòa cũng chẳng xử trả lại tiền cho bà đâu. Quyền thừa tự này của gia tộc Janốpxki có hiệu lực những ba thế kỷ hay hơn nữa kia.

- Nhưng của tôi mà, thưa ngài, - mụ xuýt khóc nấc lên, mặt mụ lộ vẻ tham lam đến kinh tởm. – Tôi mà giành lại được nhưng tờ đỏ tờ xanh ấy thì cứ nhét ráo vào ống bí tất. Tôi nuốt ráo vào ruột, tôi nằm trên đống tiền ấy mà ngủ ấy chứ.

- Bà không có chứng từ gì, - tôi sốt ruột. – Người thừa kế hợp pháp lại đang sống sờ sờ đấy.

Bỗng một điều kinh khủng đã xảy ra: mụ già vươn dài cổ ra – cổ mụ dài ngẳng ra ghê gớm. Ghé sát tận mặt tôi, mụ thì thào rít qua kẽ răng:

- Nhưng mà, có lẽ... có lẽ... tiểu thư sắp phải chết rồi.

Gương mặt mụ bừng sáng lên vì hy vọng.

- Tiểu thư sắp phải chết, thế là ổn cả. Tiểu thư yếu đuối, ngủ ít, huyết quản hầu như cạn máu, ho hen suốt. Liệu được mấy nả nữa? Lời nguyền sắp ứng đến nơi. Vậy thì cớ gì tòa lâu đài này lại phải thuộc về Garabuôcđa, nếu như già này cũng có thể sống nơi đây. Tiểu thư phận đã rồi, qua đận khổ đau sẽ được vui vầy cùng thánh thần. Còn như già này ở đây...

Chắc hẳn gương mặt tôi biến sắc, trở nên dễ sợ, bởi vì mụ ta bỗng rụt cổ lại, so vai.

- Đồ quạ đen này đánh hơi thấy tử khí rồi hả? Nhưng ở đây chưa có tử khí đâu, ở đây người ta vẫn đầy sinh khí. Mụ không đáng cái gót giày của con người ấy đâu. Con người ấy có quyền được sống trên mặt đất này gấp trăm lần những đồ yêu quái như mụ!

- Tr – trình tôn ông... – mụ lắp bắp.

- Câm đi, con yêu già! Cả mụ nữa cũng  rắp tâm đẩy nàng xuống mồ, phải ko? Một lũ đầu trâu mặt ngựa như nhau cả! Cả một bọn sẵn sàng giết người vì mấy đồng bạc! Một bầy nhện độc! Thí cho một tờ xanh là chúng bay sẽ đang tâm hạ sát cả mẹ đẻ. Mụ đã biết rõ thế nào là cuộc sống thực sự chưa mà phán về cái chết của người dễ dàng làm vậy? Thuyết với mụ quả thực vô ích, nhưng dẫu sao mụ hãy nghe đây: mụ đang cầu mong cho nàng phải giã từ vầng mặt trời chói lọi, niềm vui bất tận, những con người nhân hậu, những năm dài tuổi thọ, để nằm xuống đất đen làm mồi cho giun dế. Điều mụ đang cầu mong là như vậy đó! Để mụ được nằm ngủ trên đống tiền! Cũng vì đồng tiền ấy mà đội săn mò tới đây. Chưa chừng chính mụ với Thiếu phụ Áo xanh can dự vào cũng nên?! Đêm qua mụ mở cửa sổ ngoài hành lang làm gì?

- Con lạy người! Con có mở đâu ạ! Đêm qua lạnh lắm mà... Chính con cũng lấy làm lạ: sao cửa lại mở toang thế này! – mụ quản gia kể lể gần như khóc lóc.

Bộ mặt yêu quái của mụ bộc lộ một vẻ khiếp nhược ghê tởm không sao chịu nổi. Tôi mất hên tỉnh táo, quát lên:

- Mụ mong nàng chóng chết phải không?! Một lũ chó mà, ác độc! Một bầy quạ đen! Cút khỏi đây! Cút ngay! Nữ chủ của các người có tấm lòng cao thượng, nàng sẽ không nỡ đuổi các người, nhưng ta thề rằng nếu các người ko liệu rời khỏi tòa lâu đài mà hơi thở hôi hám của các người đã làm cho ô uế, thì ta sẽ tổng cả lũ các người vào tù.

Mụ quản gia vừa khóc vừa lê bước lại phía cầu thang. Tôi theo sau mụ. Hai chúng tôi vừa mới lên tới phòng kê chiếc tủ đứng thì tôi sững lại vì ngạc nhiên: Nađêia Janốpxkaia hiện ra trước mắt chúng tôi, xiêm áo trắng toát, tay cầm một cây nến. Gương mặt nàng buồn rười rượi, mắt hướng nhìn mụ quản gia, ghê tởm.

- Pan Bêlôrétxki, tôi tình cờ nghe được câu chuyện giữa hai người, nghe hết từ đầu đến cuối. Tôi vẫn theo sau ngài từ nãy đến giờ. Rút cục tôi cũng đã hiểu hết chiều sâu của lương tri và tận cùng của đê tiện. Còn bà..., nàng quay lại với mụ quản gia đang đứng cúi gằm mặt, ủ rũ: - bà cứ ở lại đây. Ta tha thứ cho bà. Dẫu rất khó mà tha thứ được. Tôi xin ngài Bêlôrétxki cũng tha thứ cho bà ta. Nheièu khi cần phải lượng thứ cho những kẻ ngu xuẩn. Bởi vì... nếu không, bà  ta biết đi đâu? Ai cần đến bà ta làm gì – một mụ già ngu xuẩn như vậy?

Một giọt nước mắt rơi khỏi hàng mi dài, Nađêia qua mặt bỏ đi. Tôi bước theo. Đến cuối hành lang, nàng dừng lại, nói khẽ:

- Người đời hủy hoại tâm hồn mình vì mấy mảnh giấy khốn kiếp ấy. Nếu như không có lời nghiêm cấm của tổ tiên thì tôi sẽ lấy làm sung sướng được cho không bất kỳ ai tòa lâu đài thối tha này. Cả tòa lâu đài, cả tên tuổi dòng họ chỉ là cực hình đối với tôi. Giá mà chết ngay được cho rảnh rỗi! Như thế tôi sẽ để lại được tòa nhà này cho mụ già có trái tim đá và cái đầu ngu ngốc kia. Để cho mụ được vui mừng nếu mụ có thể lê lết dưới đất vì cái nợ vô tích sự này.

Hai chúng tôi lặng lẽ xuống phòng dưới gần lò sưởi, đứng nhìn lửa cháy. Ánh lửa chập chờn đỏ rực phản chiếu lên gương mặt Nađêia. Những ngày gần đây nàng thay đổi rõ rệt, có lẽ, trưởng thành hẳn lên, cũng có thể vì một lẽ đơn giản là nàng bắt đầu trở thành một người đàn bà. Chắc hẳn ngoài tôi ra, không ai nhận thấy sự thay đổi ấy. Chỉ mình tôi được chứng kiến nhành hoa sinh trưởng nơi hầm tối ấy bắt đầu trỗi dậy, nhen nhóm sức sống. Ánh mắt trở nên tinh anh hơn, tò mò hơn, dẫu nỗi khiếp nhược cố hữu vẫn còn ngưng đọng trên gương mặt. Nàng đã trở nên linh hoạt hơn.

- Được đứng nhìn lửa cháy thế này cũng thích, có phải không, tiểu thư Nađêia? – tôi nói giọng trầm ngâm.

- Lửa... Mọi sự tốt đẹp biết bao khi có ánh lửa hồng, khi nó cháy sáng. Khi con người không lừa dối nhau.

Bỗng một tiếng hét thất thanh, ghê rợn vang lên đâu đó ngoài sân – một tiếng thét, tiếng rền rĩ dường như không phải tiếng người nữa mà là tiếng ma quỷ. Và lập tức tiếp theo nghe rõ mồn một tiếng vó ngựa vang dội ngay cạnh bậc thềm, mạnh mẽ và hăm dọa. Giọng ma quỷ vẫn tiếp tục rền rĩ ghê rợn, dường như không phải từ lồng ngực giống người phát ra:

- Tên Rôman đời chót – ra ngay! Thù phải trả! Mối thù cuối cùng phải trả! A-ôi! A-ôi!

Hắn còn la hét những câu gì đó nữa không rõ lời. Tôi có thể xông ra cửa xả đạn vào quân chó má man rợ đó, quật chết tươi tại chỗ ít ra cũng một tên, nhưng Nađêia đang nằm chết giấc trên tay tôi, qua làn vải áo mỏng manh tôi cảm thấy trái tim thảng thốt của nàng đập mạnh, rồi nhỏ đần, nhịp đập mỗi lúc một thưa thớt. Lo sợ cho tính mệnh nàng, tôi đưa tay vuốt nhè nhẹ lên mái tóc. Nàng hơi tỉnh dần, chậm chạp, làn mi chỉ khẽ động mỗi khi tay tôi chạm nhẹ lên mái tóc. Như thể một con chó con luôn bị đánh đập đe nẹt, lần đầu tiên được người vuốt ve: mỗi lần cánh tay giơ lên, mi mắt nó lại run rẩy, nơm nớp chờ roi vọt giáng xuống.

Tiếng vó ngựa ầm ầm đi xa dần, nhưng toàn thân tôi vẫn căng thẳng, sẵn sàng cùng nàng xông ra cửa nổ súng vào lũ cú vọ ấy, rồi cùng nàng ngã xuống bậc thềm và chết cạnh nàng, luôn cảm thấy thân thể nàng – toàn bộ thân thể nàng bên cạnh mình. Bởi sống mà như thế này – sống không nổi.

Cái giọng ma quỷ vẫn rền rĩ vọng lại:

- Rôman! Rôman! Ra ngay! Phải giày xéo linh hồn mi dưới vó ngựa! Chưa phải hôm nay đâu! Rồi đây kia! Ngày mai... Rồi đây! Lũ ta sẽ về! Sẽ còn về!

Rồi bỗng im bặt. Im lặng. Nàng vẫn nằm trong tay tôi, đâu đó dường như có tiếng nhạc du dương, có lẽ ngay trong lòng tôi. Tiếng nhạc khẽ lắm, xa lắm, và êm dịu: về vầng dương, về nội cỏ tím ngắt đọng những giọt sương long lanh, về tiếng họa mi lảnh lót trong tán lá um tùm của rặng cây gia xa xa. Gương mặt nàng thanh bình như gương mặt đứa trẻ thơ đang ngủ. Nhưng rồi một hơi thở dài thoát ra từ lồng ngực, đôi mắt choàng mở, ngơ ngác nhìn quanh, nghiêm nghị.

- Xin ngài thứ lỗi cho, tôi phải đi thôi.

Nàng bước về phía cầu thang dẫn lên tầng hai – một cái bóng nhỏ bé trắng toát...

Chỉ đến lúc này, khi toàn thân vẫn đang run lên vì kích động, tôi mới hiểu ra rằng cô gái vừa mới chết giấc đi vì khiếp sợ ấy có một lòng dũng cảm và kiên cường chừng nào nếu như sau những vụ bị chấn động kinh khủng như vậy vẫn còn dám một thân một mình đi đón tôi và đã hai lần cả gan mở cửa lâu đài cho tôi vào: đêm tôi là khách lạ mới đến và đêm tôi hốt hoảng chạy tháo thân trước tiếng vó ngựa rầm rập của đội săn đuổi theo đến tận cửa. Phải chăng, chính đội săn và những đêm thu đen tối đã khiến nàng hành động như vậy, cũng như một cảm giác tin cậy thường khiến con thỏ bị đàn chó săn xua đuổi đến nép vào chân người qua đường. Cô gái quả có một thần kinh rất vững vàng nếu như đã chịu đựng nổi hai năm trời.

Tôi ngồi xuống cạnh lò sưởi, đăm đăm nhìn lửa cháy. Mối nguy hiểm thật quả ghê gớm. Chỉ có ba con người chống lại những thế lực hắc ám nơi đây, chống lại cả một điều bí ẩn. Nhưng thôi, đắn đo như thế đã quá đủ! Chúng lọt vào khu vườn ở cạnh Bãi thụt Khổng lồ, vậy thì ngay ngày mai tôi sẽ phục kích ở đó. Hai tay tôi vẫn còn run lên, chứng tỏ thần kinh căng thẳng đến cực điểm. Tâm trạng tôi tồi tệ hết mức.

“Hay là đi khỏi đây?” – một ý nghĩ muộn mằn chợt thoáng hiện, dư âm của cái đêm tôi bị một phen khiếp đảm. Nhưng nó tắt ngấm tức khắc dưới áp lực của quyết tâm sắt đá và khát vọng được chiến đấu.

Quyết không! Một là chiến thắng, hai là chôn xác dưới Bãi thụt – đằng nào cũng chơi!

Hay là bỏ đi quách? Không, tôi không thể rời bỏ tòa nhà lạnh lẽo gớm ghiếc này bởi vì ở đây có người con gái mà tôi đã yêu. Phải, tôi yêu nàng. Tôi chẳng việc gì phải xấu hổ khi thú nhận điều đó. Trước đây, cũng như ở mọi người đàn ông khỏe mạnh, không nhiễm thói ăn chơi trác táng và không quá đa cảm, tôi có những quan hệ bình thường, quan hệ bè bạn với phụ nữ; thậm chí chẳng hiểu sao đôi khi tôi còn xa lánh họ. Có lẽ nhiều người cũng như vậy cho đến khi một mối tình chân chính đến với họ. Nó đã đến với tôi. Bỏ đi ư? Tôi đang ở đây, ở ngay cạnh, đối với nàng tôi là một trang nam nhi dũng cảm (những dao động nội tâm của tôi, nàng đâu cần biết đến), nàng tin cậy ở tôi, có lẽ lần đầu tiên trong hai năm qua nàng được ngủ yên giấc.

Giây phút khi tôi đỡ nàng trong tay đã giải đáp cho tôi mọi điều tích tụ dần dần trong lòng tôi kể từ buổi tôi ngồi bên lò sưởi, khi nàng lên tiếng bênh vực những người nghèo. Tôi sẽ sung sướng xiết bao nếu như có thể ngay tức khắc đen nàng đi khỏi chốn này, đến một phương trời xa lắc để rồi được hôn lên cặp mắt đẫm lệ ấy, đôi tay mảnh dẻ ấy, được sưởi ấm, che chở cho nàng mà tha thứ cho thế gian này những điều ngang trái của nó.

Nhưng tôi là cái thá gì đối với nàng? Nàng sẽ không bao giờ trở thành vợ tôi được – đó là một sự thật cay đắng. Tôi chỉ là một kẻ vô gia cư. Nàng cũng nghèo, nhưng xuất thân từ một thế gia vọng tộc, thuộc “dòng máu xanh”, đứng sau nàng là cả một “danh vọng kiêu hãnh của trăm thế hệ”. “Danh vọng kiêu hãnh” ư? Giờ đây tôi đã biết rõ cái danh vọng kiêu hãnh ấy: nó đang tàn tạ. Song, không vì vậy mà tôi sẽ may mắn hơn. Tôi là hạng thứ dân. Không, tôi sẽ ko đời nào che giấu điều đó. Sẽ không một ai dám trách cứ tôi rằng vì vụ lợi mà tôi cưới làm vợ một tiểu thư thế gia vọng tộc, và cũng sẽ chẳng một ai dám bảo rằng tôi đã lợi dụng tình cảm tuyệt vọng của nàng để cưỡng hôn. Điều duy nhất tôi được phép làm là chết cho nàng, hiến dâng cả linh hồn cho nàng, hòng mong phần nào đền đáp những giây phút long lanh diễm phúc đã soi rạng cõi lòng tôi một chiều ảm đạm nọ bên cái lò sưởi to lớn mà không ấm cúng. Tôi sẽ giúp nàng thoát nạn – vậy là đủ.

Tôi sẽ chung thủy, mãi mãi chung thủy với niềm vui hòa lẫn đau thương này, với vẻ đẹp xót xa trong đôi mắt nàng, sẽ lấy điều thiện đền đáp những ý nghĩ tốt lành của nàng về tôi. Sau đó – chấm dứt. Tôi sẽ vĩnh viễn đi khỏi đây, mọi nẻo đường quê hương tôi sẽ trải dài vô tận trước mặt tôi, và vầng mặt trời sẽ mọc lên rực rỡ trong quầng mây ngũ sắc long lanh bởi những giọt nước mắt sắp tràn dâng qua hàng mi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: