Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG BẢY

Hôm sau, khi cùng Nađêia dạo chơi trong rặng cây, tôi kể lại cho nàng nghe về những sự việc xảy ra đêm qua. Có lẽ tôi không nên làm như vậy chăng? – cũng có thể, nhưng tôi không làm sao quên đi được ý nghi ngờ mụ quản gia có điều mờ ám. Nađêia không hề tỏ ra ngạc nhiên, nàng ngước đôi mắt to và thùy mị nhìn tôi, đoạn trả lời:

- Ngài thấy chưa? Còn tôi... tôi lo cho ngài quá nên mãi không ngủ được. Sau đó tôi thiếp đi mê mệt nên chẳng nghe thấy gì cả. Đêm, ngài đừng mò dậy nữa, pan Bêlôrétxki ạ. Ngộ nhỡ có gì xả ra không hay đối với ngài thì tôi sẽ ân hận suốt đời. Về bà quản gia thì ngài nhầm đấy. Thực ra, bà ta có quyền đi lại khắp mọi nơi, tôi không theo luật lệ cũ quy định người quản gia chỉ được lên tầng trên khi chủ gọi. Điều đáng sợ không phải là bà quản gia đâu, mà là Thiếu phụ Áo xanh cơ. Bà ta lại xuất hiện. Nhất định sẽ xả ra điều gì đó hết sức tồi tệ.

Đoạn, nàng nói thêm, giọng can đảm nghiêm nghị:

- Chắc hản đó sẽ là cái chết. Và tôi có đầy đủ căn cứ để nghĩ kẻ phải chết sẽ là tôi.

Chúng tôi ngồi trong một nhà hóng mát cũ kỹ, bỏ hoang từ lâu. Những tảng đá phủ đày rêu xanh rờn sau trận mưa. Giữa nhà có một tượng vệ nữ bằng cẩm thạch, mũi bị cụt, một con sâu đang bò trên mặt. Nađêia nhìn bức tượng, mỉm cười buồn rầu:

- Chúng tôi cũng vậy thôi. Cuộc sống của chúng tôi cũng đầy rẫy những ghê tởm của sự hoang phế. Ngài bảo ngài không tin lắm nhưng đó là những hồn ma. Tôi không đồng ý với ngài. Mà cứ cho là ngài đúng đi nữa thì có hơn gì đâu. Chịu khổ nhục do ai mà chẳng thế, nếu như phải chịu đau khổ, phải chuộc tội lỗi xưa?

- Với hai năm qua, tiểu thư đã chuộc hết tội lỗi rồi.

Nhưng nàng không nghe tôi nói.

- Mọi người cắn xé lẫn nhau như lũ nhện độc nhốt chung trong một cái hộp. Giới sliắcta đang thoái hóa. Đã từng có thời chúng tôi cứng cáp rắn khỏe như đá, bây giờ thì... Ngài biết không, nếu đem bổ đôi những phiến đá của một tòa nahf cũ kỹ, có khi thấy loài sên lãi ở giữa. Không hiểu chúng ăn gì mà sống, nhưng những phiến đá như vậy chỉ đập một nhát là nát vụn. Chúng tôi cũng thế. Nên chẳng thà cứ đập sớm đi lại hơn.

- Tiểu thư không ham tiếc cảnh vật đẹp đẽ này ư? – Tôi đưa tay chỉ xung quanh.

- Không. Chỉ mong nó nhanh nhanh lên. Nói chung từ lâu tôi đã sẵn sàng tan biến đi cùng cái hang ổ này. Tôi không thấy tiếc nó, cũng chẳng thương thân mình. Nhưng ít lâu nay tôi tự nhận thấy có ham tiếc cuộc sống đôi chút. Có lẽ, cuộc đời chẳng đến nỗi tệ như tôi hằng nghĩ. Chắc hẳn, có nghĩa lý nhất định trong niềm tin vào ánh mặt trời, vào bè bạn, vào cây cỏ xanh tươi, vào đức quả cảm và lòng chung thủy.

- Tiểu thư bắt đầu nghĩ được như vậy là rất tốt.

- Không, là rất tồi tệ. Yêu cuộc đời mà phải chết sẽ thấy đau khổ gấp bội so với điều tôi hằng tưởng tượng trước kia. Trước kia sự khiếp nhược là trạng thái thường trực trong lòng tôi, giờ đây nó biến thành một cảm giác nào đó khác, không biết gọi là gì, nhưng là một cảm giác tôi không mong muốn. Và mọi sự đều do tôi bắt đầu tin người đời. Không nên có lòng tin ấy, không nên có niềm hy vọng ấy. Thà như trước lại hơn. Yên tâm hơn.

Chúng tôi cùng im lặng. Nàng vít một cành phong xuống sát đầu gối và vuốt ve.

- Hóa ra, không phải bao giờ mọi người cũng nói dối. Tôi vô cùng biết ơn pan Bêlôrétxki về điều đó. Xin ngài thứ lỗi cho tôi về việc tôi đã nghe lỏm câu chuyện của ngài với Xvetilôvich – anh ta quả là một tâm hồn trong tráng, nhân hậu và ngoại trừ ngài cùng chú Đubôtôpkơ ra thì có lẽ đó là Con Người duy nhất trong vùng. Tôi cảm ơn Thượng đế là trên đời này không phải đâu đâu cũng chỉ một lũ người mặt trơ trán bóng, đầu óc lì lợm, mít đặc như gang.

- Tiểu thư vừa mới nhắc đến pan Đubôtôpkơ, vậy theo tiểu thư, tôi có nên cho ông biếtt mọi chuyện để cùng hiệp lực khám phá toàn bộ những điều mờ ám ở địa phương đây không?

Mí mắt Nađêia chớp nhanh một cái.

- Không nên. Chú tôi là một người nhân hậu, đã có tới hàng trăm lần chứng tỏ lòng thành thủy chung như nhất đối với gia đình chúng tôi. Ông đã ngăn cản không cho pan  Garabuôcđa kiện đòi khấu phạt ký phiếu hồi cha tôi còn sống, dẫu cách ngăn cản của ông có khi phi pháp: ông thách pan Garabuôcđa quyết đấu và dọa rằng cả họ nhà ông sẽ theo nhau thách quyết đấu chừng nào Garabuôcđa còn sống. Chính vì vậy mà tôi không muốn chú Đubôtôpkơ dính líu vào chuyện này. Ông quá nóng nảy, ông chú tôi ấy.

Đôi mắt nàng, thường tư lự và buồn rầu, bỗng long lanh.

- Thưa pan Bêlôrétxki, từ lâu tôi đã muốn khuyên ngài một điều. Sau câu chuyện hôm qua, khi ngài thốt ra lời thề, thì tôi hiểu ra rằng không thể chần chừ được nữa... Ngài phải rời khỏi Rừng Tùng Đầm Lầy. Đi ngay hôm nay, chậm nhất là ngày mai, ngài phải trở về thành phố. Thế là đủ lắm rồi! Vĩ cầm đã dứt tiếng, xiêm y đã cất hòm. Giờ đây tử thần lại ngự trị, nên ngài chẳng còn việc gì để làm ở đây nữa. Ngài hãy đi đi. Hãy rời bỏ cái tòa lâu đâì đã ô uế hàng mấy thế kỷ nay cùng những con người đã thối rữa với những tội ác của họ, hãy bỏ mặc học cho cái nếp sống phù hợp với họ hơn cả là đêm đen và mưa gió. Ngài quá ư giàu sinh khí đối với nếp sống ấy. Hơn nữa, ngài là người xa lại.

- Tiểu thư Nađêia! – Tôi thốt lên. – Tiểu thư nói gì kỳ vậy? Ở đây, đã có người trách móc tôi, gọi tôi là kẻ xa lạ. Nhưng thực tình, tôi không ngờ lại phải nghe lời tàn nhẫn ấy từ miệng tiểu thư. Tôi nào có tội lỗi gì để bị đối xử như vậy?

- Ngài không có lỗi gì, - nàng đáp lạnh lùng – nhưng quá muộn rồi. Mọi sự trên đời đều đến quá muộn. Ngài quá giàu sinh khí. Ngài hãy trở lại với nhân dân của ngài, hãy trở lại với những người đang sống, đang đói khát mà vẫn tươi cười. Ngài hãy đi chiến thắng. Còn những kẻ đã chết rồi, hãy để mặc họ với huyệt mộ của họ...

- Vậy ra tiểu thư không phải là nhân dân của tôi sao? – tôi xẵng giọng. – Và dân chúng nơi đây, những người đang bị hà hiếp, đói khát, họ cũng không phải là nhân dân của tôi sao? Rồi Xvetilôvich mà tôi buộc phải phản bội nữa – cũng không phải là nhân dân của tôi sao? Còn những đồng lầy Thượng đế đã nguyền rủa này nữa – nơi đang diễn ra những điều bỉ ổi – cũng không phải là đất nước của tôi sao? Còn những em bé đêm đêm khóc thét lên khi nghe tiếng vó ngựa đội săn và suốt đời phải run sợ hãi hùng – đó cũng không phải là con cái những người anh em đồng bào của tôi sao? Vậy cớ gì tiểu thư dám khuyên tôi những lời như thế?

Nàng vặn các ngón tay:

- Pan Bêlôrétxki... Chẳng lẽ ngài không hiểu rằng đã quá muộn rồi, cả xứ sở này, cả tôi nữa, đều không còn có thể thức tỉnh, kêu gọi vươn tới một cuộc đời mới được nữa. Chúng tôi đã mòn mỏi chán chướng hy vọng rồi. Xin đừng thức tỉnh những hy vọng của chúng tôi nữa. Muộn rồi! Quá muộn rồi! Chẳng lẽ ngài không hiểu rằng ngài đơn thương độc mã, ngài sẽ chẳng làm gì được, cái chết của ngài sẽ chỉ là một sự hy sinh vô ích! Và tôi sẽ không bao giờ tha thứ được cho mình tội lỗi ấy. Ôi, phải chi ngài hiểu ra được những hồn ma ấy đáng sợ nhường nào! Chúng khát máu người đến kinh khủng!

- Thưa tiểu thư Nađêia, - tôi lạnh lùng, - lâu đài của tiểu thư là một chiến lũy mạnh. Nếu tiểu thư đuổi tôi đi, thì buộc lòng tôi phải tìm kiếm một chiến lũy ít chắc chắn hơn, chứ quyết không rời khỏi chốn này. Giờ đây chỉ còn cách hoặc là chết hoặc là chiến thắng. Phải chết, nếu đó là những hồn ma. Phải chiến thắng, nếu đó là lũ người. Tôi sẽ không đi khỏi đây, quyết không đi với bất kỳ giá nào? Nếu tôi làm phiền tiểu thư thì đó là chuyện khác. Còn nếu như yêu cầu của tiểu thư chỉ xuất phát từ sự lo sợ cho tôi, không muốn tôi phải liều thân, thì tôi sẽ ở lại. Nói cho cùng, cái thân tôi là của tôi, nên tôi có toàn quyền định đoạt nó tùy ý tôi muốn. Tiểu thư hiểu ý tôi nói chứ?

Nàng ngước nhìn tôi, bối rối, mắt đẫm lệ.

- Làm sao mà ngài có thể nảy ra ý nghĩ, dù chỉ trong giây lát, là tôi không mong muốn được thấy ngài trong nhà này? Sao ngài có thể nghĩ như vậy được? Ngài là một người dũng cảm. Ở bên ngài, tôi thấy yên tâm. Hơn thế nữa, tôi thấy sung sướng ngay cả những ngài tàn tệ thô bạo như vừa rồi. Một sliắctích không bao giờ ăn nói như vậy. Họ lịch thiệp, trang nhã, khéo che giấu ý nghĩ thực của mình. Nhưng tôi chán ngấy những trò ấy rồi. Tôi rất muốn được thấy ngài trong lâu đài này, tôi chỉ không muốn phải thấy ngài trong cảnh ngộ như đêm qua, hay là...

- Hay là bị giết chứ gì? – tôi tiếp lời nàng. – Xin tiểu thư bình tâm. Tiểu thư sẽ không bao giờ phải thấy tôi như đêm vừa rồi nữa. Từ nay, vũ khí luôn mang bên mình. Từ nay không phải là tôi, mà là bọn họ sẽ phải chạy trốn, nếu như trong huyết mạch lũ ma quỷ ấy có máu chảy, dẫu chỉ một giọt.

Nàng đứng dậy rời khỏi nhà hóng mát. Ra đến cửa ngài dừng bước giây lát, quay người lại, mắt cụp nhìn xuống chân, nói:

- Tôi chỉ không muốn ngài liều mình. Rất không muốn. Sau câu chuyện vừa rồi, tôi nghĩ về ngài càng tốt đẹp hơn gấp trăm lần. Có điều, xin ngài thận trọng. Đừng bao giờ quên mang theo vũ khí. Tôi... mừng là ngài đã không nghe theo lời khuyên của tôi, đã quyết định ở lại. Tôi nhất trí với ngài là cần phải giúp mọi người nơi đây. Mối nguy hiểm đang đe dọa tôi chỉ là chuyện vặt vãnh so với sự bình yêu của mọi người. Có lẽ, họ còn đáng được hưởng hạnh phúc hơn là những người sống trên các bình nguyên chan hòa ánh nắng, bởi lẽ họ đã phải chị đau khổ nhiều hơn trong tháng năm dài chờ đợi. Cho nên tôi cũng nghĩ như ngài là phải giúp họ.

Nàng bỏ đi rồi mà tôi còn ngồi mãi suy nghĩ về nàng. Tôi ngạc nhiên là đã gặp ở chốn heo hút này một tấm lòng cao đẹp nhường ấy.

... Chiều hôm đó, Xvetilôvich đến gặp tôi. Nữ chủ nhân bị nhức đầu, nên đã về buồng riêng từ trước lúc Xvetilôvich đến. Hai chúng tôi ngồi cạnh lò sưởi nói chuyện và tôi đã kết hết cho anh về những sự việc xảy ra đêm hôm trước.

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, nên tôi hỏi điều gì đã khiến anh ngạc nhiên đến thế.

- Không có gì, - anh đáp. – Việc mụ qunả gia chỉ là chuyện vớ vẩn. Rất có thể mụ ta ăn cắp những khoản thu nhập nhỏ nhoi của nữ chủ, cũng có thể gì đó khác nữa. Tôi biết mụ đàn bà ấy từ lâu: vừa keo kiệt, vừa ngu tối như cái hũ nút. Đầu óc mụ ta đặc sệt rồi, mụ không còn khả năng phạm tội ác, tuy nhiên có lẽ cũng nên theo dõi mụ ta. Thiếu phụ Áo xanh cũng là chuyện nhảm nhí. Lần sau nếu còn thấy bà ta nữa, anh cứ nổ một phát về phía dó. Tôi không sợ những hồn ma đàn bà. Tóm lại, anh thử đoán xem tại sao tôi lại ngạc nhiên khi nghe đội săn xuất hiện đêm trước?

Tôi nghĩ ngợi một lát.

- Thú thực, tôi cũng đã có ý nghi ngờ tương tự. Rất có thể tôi đã phát triển chúng đi xa hơn nếu không biết đích thực là Vôrôna bị thương nằm liệt giường.

- Liệt giường chỉ là chuyện vớ vẩn. Anh vừa ra về thì hắn đã mò ra bàn tiệc, xanh rớt và cau có, nhưng hầu như tỉnh táo. Vụ trích huyết té ra khá hiệu nghiệm. Đầu hắn cuốn đầy băng, trông như cái bắp cải, chỉ hở mũi và hai con mắt. Đubôtôpkơ bảo hắn: “Thế nào, chàng trai, xấu mặt chưa? Nốc rượu say bét nhè, thách ta quyết đấu, nhưng lại vớ phải trang nam nhi nó mới cho no đòn, sướng chưa?” Vôrôna cố gượng cười: “Thưa chú, cháu cũng tự nhận là một thằng ngu. Pan Bêlôrétxki đã cho cháu một bài học nhớ đời, từ nay chừa thói cà khịa với mọi người”. Đubôtôpkơ chỉ lắc đầu: “Đấy, cái anh rượu ngang nó làm cho con người ta trở thành những thằng vô tích sự như vậy đó”. Vôrôna đáp: “Cháu nghĩ phải xin lỗi anh ta. Bất nhã quá. Mời người ta đến chơi mà thành ra mời đến  thết đòn”. Nhưng sau hắn nghĩ lại: “Không, cháy sẽ không xin lỗi đâu, vẫn còn hơi tức. Vả lại anh ta cũng đã được thỏa mãn rồi kia mà”. Tôi xin nói thêm là hắn ngồi uống rượu với chúng tôi đến tận sáng. Đubôtôpkơ say bí tỉ đến mức mường tượng mình là thánh nhân tuẫn tiết cạnh Nê-rông và cứ lăm le thò tay vào bát rượu lửa (*). Cái lão đã làm nhân chứng của anh trong vụ đấu súng, một tên ngu độn chạc tứ tuần, vừa khóc lóc vừa rống lên: “Ôi mẹ thân yêu ơi, mẹ đến đây đi, đến âu yếm con, vuốt mái đầu con. Thiên hạ đang hành hạ con trai mẹ, không rót rượu cho con trai mẹ nữa đây này!”. Mấy tên lăn ngủ ngay dưới gầm bàn. Không ai trong bọn họ ra khỏi nhà đến một phút, do đó cả Vôrôna lẫn Đubôtôpkơ hoàn toàn không liên can gì đến đội săn.

(*): Cồn đốt cháy hòa lẫn với đường nóng chảy do ngọn lửa cồn và một lượng rượu vang nhỏ. Uống ngay khi còn đang cháy, chỉ thổi bạt ngọn lửa đi (Chú thích của tác giả).

- Thế nào? Anh đã nghi ngờ cả Đubôtôpkơ à?

 - Sao lại không? – Xvetilôvich đáp, giọng gay gắt. – Bây giờ tôi chẳng tin ai cả. Chuyện liên quan đến vận mạng Nađêia. Tại sao tôi lại phải loại trừ Đubôtôpkơ ra ngoài trong số người khả nghi? Vì lý do gì vậy? Vì ông ta nhân hậu ư? Hừ, con người ta tài giả vờ lắm! Bản thân tôi cũng vậy... Khi xảy ra vụ đấu súng vừa rồi, tôi đã cố tình không lại gần anh để họ khỏi nghi ngờ, nếu như họ là một lũ tội phạm. Và tôi sẽ tiếp tục giấu kín tình bạn giữa hai chúng ta. Tôi đã có lúc nghi cả anh nữa: biết đâu, nhỡ... may sao, tôi tỉnh ngộ ngay. Một nhà dân tộc học nổi tiếng mà lại tham gia một đảng cướp! Ha-ha! Còn như Đubôtôpkơ thì ông ta có thể giả làm cừu non lắm. Cái chính là tôi không ưng tặng phẩm cuối cùng của ông ta, cái bức chân dung cụ cố Rôman ấy. Cứ như cố tình làm cho cô bé mất ăn mất ngủ ấy...

- Đúng thế, - tôi sực nghĩ ra, - quả đáng nghi thật... Từ hôm ấy Nađêia sợ không dám ngồi cạnh lò sưởi nữa.

- Chứ không à, - Xvetilôvich cau có khẳng định. – Vậy là Quốc vương Xtác không phải là ông ta. Thế mà món tặng phẩm nọ đã khiến tôi có thể nghi cho ông ta. Cả sự kiện hôm qua nữa.

- Này anh bạn, - tôi nói, - thế sao lại không có thể giả thiết rằng Quốc vương Xtác chính là anh? Hôm qua anh về sau tôi, anh lại đang ghen tôi vì nàng, mặc dù chẳng có cơ sở quái gì. Biết đâu, anh chỉ tung hỏa mù vào mắt tôi, chứ thực ra tôi vừa bước ra khỏi cửa là anh đã hô: “Lên ngựa, anh em ơi!”

Tôi chưa hề nghĩ như vậy, nhưng tôi không hài lòng là chàng trai cả tin và chân thành ấy hôm nay lại đa nghi đến thế.

Xvetilôvich nhìn tôi, kinh ngạc, chớp mắt liên hồi, rồi bỗng cười phá lên và lập tức lại biến thành chàng  trai trong trắng, nhân hậu trước đây.

- Chứ không à? – tôi nhại giọng anh. Không nên nghi oan cho những bậc lão thành như ông Đubôtôpkơ. Dễ đến chỗ vu oan giá họa cho người ta lắm.

- Bây giờ thì tôi hết nghi ông ta rồi, - anh vẫn vừa cười vừa nói. – Tôi chả vừa bảo anh rằng đêm qua họ ngồi với tôi suốt sáng là gì. Khi trời rạng sáng Vôrôna lại chóng mặt, máu từ vết thương lại bật ra, hắn ta bắt đầu mê sảng. Phải cho người đi gọi thày lang, rồi thậm chí phải cho xe ra tận huyện đón bác sĩ về. Bác sĩ “kết án” Vôrôna như sau: nằm cấm cố một tuần. Họ nói dối với bác sĩ là mọi sự do chuyện rủi ro ngẫu nhiên mà thôi.

- Vậy thì còn ai nữa nhỉ?

Chúng tôi đã điểm danh cả một vùng xung quanh, nhưng không kết luận được là ai cả. Thậm chí, đã nghi cả Becman, và mặc dù biết rằng anh tả chỉ là loại cừu non, vẫn quyết định viết thư cho bạn bè Xvetilôvich ở tỉnh, nhờ tìm hiểu xem Bécman đã từng sống ở thủ đô ra sao, bản thân anh ta là người thế nào. Đó là một điều cần thiết, bởi vì Bécman là người duy nhất trong số cư dân lãnh địa Janốpxki mà chúng tôi không nắm được lai lịch. Chúng tôi đoán già đoán non mãi mà vẫn không đi đến được một kết luận nào.

- Ai giàu có nhất quanh rùng Rừng Tùng Đầm Lầy này? – tôi hỏi.

Xvetilôvich nghĩ ngợi một lát.

- Có lẽ, Janốpxkaia... Tuy nhiên của cải của nàng là vật chết. Sau nàng là Gôrôvích (ông ta không sống ở đây),tiếp theo là Garabuôcđa. Nhân tiện xin nói anh biết: ông ta là người thừa kế chính, nếu như Nađêia chết ngay bây giờ. Sau nữa chắc đến Đubôtôpkơ. Ông ta ít ruộng đất, nhà cửa, cơ ngơi, anh thấy rồi đấy, cũng xuềnh xoàng nhưng có lẽ không ít tiền bạc, vì lúc nào cũng có khách khứa ăn uống tiệc tùng. Số còn lại đều loại tép riu cả.

- Anh bảo Garabuôcđa là người thừa kế chính của Janốpxkaia. Tại sao là ông ta chứ không phải là anh, một người họ hàng thân thích với nàng?

- Tôi đã kể với anh là cha tôi tự nguyện khước từ quyền thừa kế mà. Vừa nguy hiểm, trang ấp lại chẳng đem lại thu nhập gì, theo lời đồn đại, lại còn những ký phiếu gì đó luôn đe dọa nó nữa.

- Vậy anh không nghĩ là chính Garabuôcđa...

- Hừm. Liệu ông ta được lợi lộc gì trong việc chiếm đoạt bằng thủ đoạn tội lỗi những thứ đương nhiên thuộc về ông ta? Cứ cho là Janốpxkaia đi lấy chồng, thì ký phiếu vẫn nằm trong tay ông ta, nếu như đó không phải chuyện tầm phào.Với lại, ông ta vào loại nhát gan hiếm có.

- Thế đấy, - tôi nghĩ ngợi. – Nếu vậy chúng ta sẽ tìm khác khác. Cách như thế này: cần phải tìm cho ra ai đã rọi Rôman ra khỏi nhà vào chiều hôm ấy. Chúng ta biết những gì rồi? Cô con gái ông đến thăm nhà Kunsa nào đó à? Có thể là Rôman không cưỡi ngựa đến nhà họ chăng? Tôi mới biết điều đó qua lời kể của Bécman. Phải hỏi nhà Kunsa. Phần anh, xin anh tìm hiểu hộ về cuộc sống của Bécman ở tỉnh lỵ.

Tôi tiễn Xvetilôvich đến đường cái và trở về theo lỗi hàng cây khi trời đã nhá nhem. Trong lòng thấy buồn bực, khó chịu. Đường giữa hàng cây từ lâu đã biến thành đường mòn rậm rạp, có chỗ vòng qua một bụi tử đinh hương um tùm. Những chiếc lá hình trái tim ướt át, vẫn còn xanh tươi, lấp lánh lờ mờ, những giọt nước mưa trong vắt rơi tí tách. Bụi cây như đang nức nở.

Tôi vòng qua bụi tử đinh hương và đi qua đã được mươi bước thì ở sau lưng vang lên một tiếng nổ khô khốc. Tôi lập tức thấy vai đau nhói.

Thật đáng xấu hổ, nhưng phải thú thực rằng chân tay tôi run bắn lên. “Đó, - tôi  thầm nghĩ, sắp một tiếng nổ nữa thế là hết”. Lẽ ra phải bắn vào bụi tử đinh hương hoặc phải bọ chạy – cả hai đằng, đằng nào cũng sẽ là khôn ngoan hơn điều tôi đã làm lúc ấy. Vì quá hốt hoảng, tôi quay lại và lao thẳng tới bụi tử đinh hương, giơ ngực ra hứng đạn. Tôi nghe rõ tiếng răng rắc trong bụi, có kẻ bỏ chạy. Tôi chạy như điên, đuổi theo hắn và chỉ ngạc nhiên: sao hắn không bắn nữa? Có lẽ hắn cũng hành động theo bản năng, tức tháo chạy bán sống bán chết, nhanh đến nỗi chẳng những tôi đuổi không kịp mà còn chẳng thấy bóng vía hắn ra sao.

Tôi đàn quay lại đi về nhà, vừa đi vừa suýt khóc rống lên vì bực tức. Về đến phòng riêng, tôi xem xét vết thương, thấy nhẹ không, chỉ sướt tí da ở bắp thịt vai. Nhưng vì lý do gì nhỉ? Vì sao nhỉ? Đã kể chuyện thực thì không được thêm bớt. Chắc hẳn sau những lo sợ đã trải qua, thần kinh tôi rệu rã. Suốt hai tiếng đồng hồ tôi co quắp trên giường vì khiếp sợ. Chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng nổi một con người lại có thể hèn hạ như loài giun dế, lại vô tích sự đến thế.

Tôi nằm nhớ lại những lời hăm dọa, tiếng chân bước ngoài hành lang, bộ mặt gớm ghiếc ở khung cửa sổ, Thiếu phụ Áo xanh, cuộc bỏ chạy trên bãi hoang lau lách, phát súng bắn vào lưng.

Chúng sẽ giết, nhất định sẽ giết chết tôi. Tôi có cảm giác hình như bóng đêm đang nhìn tôi  bằng cặp mắt vô hình của một quái vật, hình như có kẻ đang lần mò tới gần, sắp vồ tôi đến nơi. Thật xấu hổ mà thú thực rằng tôi đã kép chăn trùm kín đầu làm như cái chăn có thể che chở được cho tôi. Và một ý hèn nhát bỗng nảy ra trong óc: “Phải bỏ chạy thôi. Hy vọng vào tôi  - điều đó quá ư nhẹ nợ đối với họ. Cứ mặc cho họ tìm hiểu những trò ti tiện cùng cái đội săn ấy. Mình đến mất trí nếu còn lại ở đây một tuần nữa.”

Không một tiêu chuẩn đạo đức nào có tác dụng lúc bấy giờ, tôi run như chiếc lá trước gió thu, rồi kiệt sức vì khiếp sợ, đã ngủ thiếp đi. Chắc hẳn nếu đêm đó lại vang lên những tiếng chân bước ngoài hành lang thì tôi đến chui xuống gầm giường. May thay, chuyện đó đã không xả ra.

... Ánh sáng ban mai đã trả lại cho tôi lòng dũng cảm, tôi lại bình tĩnh lạ thường.

Tôi quyết định đến thăm Bécman từ sáng sớm, vì nữ chủ nhân bị mệt vẫn chưa dậy. Phía sau tòa lâu đài là cả một vườn ngưu bàng rậm rạp, cao lớn hơn đầu người, lá đang khô dần sương đêm. Tôi lách qua, đi thẳng đến bậc thềm nhà ngang, gõ cửa. Không có tiếng trả lời, tôi khẽ kéo cánh cửa thì nó mở ra. Trong gian tiền sảnh nhỏ bé không một bóng người, chỉ thấy chiếc áo bành tô của Bécman treo trên mắc. Tôi dặng hắng. Trong phòng có tiếng sột soạt. Tôi gõ cửa. Giọng Bécman nhát gừng:

- A-ai đó? Vào – vào đi.

Tôi bước vào phòng, Bécman đang ngồi ở bàn, nhổm dậy cài vội khuy ngực áo choàng. Mặt anh ta nhợt nhạt.

- Chào pan Bécman.

- X-xin mời ngài ngồi. – Anh ta lăng xăng mời chào khiến tôi phát ngượng.

“Mình đến đây làm gì cơ chứ? Người ta thích cô độc. Trông kìa, anh ta tất bật khổ chưa...”

Nhưng Bécman đã bình tĩnh lại.

- Xin mời ngài ngồi xuống đây, quí hóa quá, xin mời – xin mời thượng khách.

Tôi nhìn chiếc ghế bành còn đặt cái đĩa với một món ăn dở dang và một cái thìa con. Bécman vội thu dọn đi cả.

- Xin ngài thứ lỗi. Tôi vừa định à... biết nói thế nào nhỉ... à thỏa mãn nhu cầu ăn uống.

- Xin ngài cứ tự nhiên, - tôi đáp.

- Ấy chết, đâu dám! Ăn uống trước mặt thượng khách... tôi đâu dám vô lễ.

Búp bê sứ nhếch mép cười duyên dáng.

- Không biết quý ngài có nhận thấy là cái cảnh con người ăn uống chẳng ngoạn mục tí nào cả không? Ôi, thật kinh tởm! Anh ta chép chép, nhồm nhoàm như một con vật. Mỗi người đều có cách ăn giống hệt con vật nào đó. Người ăn như sư tử, kẻ ăn ngoàm ngoạp như con vật – ngài thứ lỗi cho – con vật mà đứa con lạc đàn hằng chăn dắt. Không, thưa quý ngài, tôi không bao giờ ăn uống trước mặt người khác.

Tôi ngồi xuống. Gian phòng bày biện đơn sơ. Một cái giường sắt trông như máy chém, một cái bàn ăn, hai chiếc ghế, và một cái bàn nữa đầy sách vở, giấy tờ. Chỉ có chiếc khăn trải trên cái bàn thứ nhất là lạ mắt: nó rất nặng, màu xanh pha vàng, phủ sát đến tận sàn nhà.

- Ngài ngạc nhiên ư? Ồ, thưa quý pan, đây là vật lưu niệm duy nhất còn lại từ thời xa xưa.

- Pan Bécman...

- Dạ, xin quý ngài cứ truyền bảo.

Anh ta ngồi xuống, cúi cái đầu búp bê, mở to đôi mắt màu xám và nhướn hai hàng lông mày.

- Tôi muốn hỏi: ngài có những sơ đồ khác của tòa lâu đài không?

- Hừm... à... không ạ... Còn một bản nữa, vẽ ba mươi năm trước đây, nhưng có ghi chú rõ là vẽ lại từ bản tôi đã đưa quý pan, chỉ thêm vài vách ngăn mới. Đây, bản sơ đồ ấy đây.

Tôi nhìn qua sơ đồ. Bécman nói đúng.

- Xin ngài cho biết có căn phòng bí mật nào trên tầng hai, cạnh phòng có kê cái tủ bỏ trống hay không?

Bécman suy nghĩ.

- Thưa quý pan, tôi không biết... tôi không rõ ạ... ở đâu đó phải có phòng lưu trữ mật của dòng họ Janốpxki, nhưng ở đâu thì tôi không biết. Kh-không biết ạ...

Những ngón tay anh ta lướt nhanh trên tấm khăn trải bàn, gõ nhịp một hành khúc khó hiểu nào đó.

Tôi đứng dậy, cám ơn chủ nhân căn phòng và bước ra.

“Tại sao anh ta lại hốt hoảng thế nhỉ? – Tôi nghĩ – Ngón tay luôn di động, mặt tái mét. Ha, thằng cha quen sống độc thân bắt đầu sợ tiếp xúc với mọi người...”

Tuy nhiên, một ý ngờ  vực vẫn xoáy vào óc.

“Tại sao? Tại sao nhỉ? Không, ở đây có gì đó mờ ám. Và không hiểu sao hai tiếng “bàn tay” cứ lởn vởn trong đầu mình. Bàn tay. Bàn tay. Bàn tay thì liên quan gì đến đây nhỉ? Phải có gì đó ẩn khuất sau hai tiếng này, nếu như chúng cứ ngoan cố nảy ra từ nơi sâu thẳm của tiềm thức”.

Tôi rời căn phòng anh ta với một điều tâm niệm dứt khoát là phải cảnh giác. Tôi rất không ưa cái thằng người nhỏ bé giống búp bê ấy, đặc biệt là những ngón tay của y, những ngón tay dài  gấp đôi ngón  tay bình thường, những ngón tay uốn éo như những con rắn bò trên mặt bàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: