Read at your own risk.
"Đổi mới sáng tạo?"
Bạn hỏi, bằng một sự tò mò không biết lấy từ đâu ra.
"Ừ."
Tôi trả lời tỉnh bơ, gần như hỏi ngược lại bạn vậy.
Tôi luôn cho rằng bạn phải rất rành rẽ mấy vấn đề này cơ, cũng bằng một ấn tượng không biết lấy từ đâu ra. Ánh mắt bạn có chút cam chịu, nhưng tôi sẽ xem việc bạn chăm chú ngồi nghe như một cơ hội tốt để sắp xếp lại kiến thức - hoặc để lan truyền tin thất thiệt (nếu thế thì chết dở).
E hèm, đổi mới sáng tạo là một tinh thần làm việc được khuyến khích và đánh giá cao trong vài năm trở lại đây, vì (về lý thuyết) nó có thể mang đến những lợi ích tích cực cho công việc vì (về lý thuyết) những lối tư duy và cách làm mới sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc hay thay thế những phương pháp lỗi thời, giúp đem lại hiệu quả cao hơn.
Vâng, đấy là về lý thuyết.
Tinh thần ấy dễ thấy nhất trong ngành giáo dục, một ngành phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng hiện đại. Vì giáo dục đổi mới chính là nền tảng cho một thế hệ đổi mới, và chính thế hệ ấy sẽ nắm giữ vận mệnh đất nước, để xây dựng một đất nước đổi mới, thế nên việc đổi mới trong giáo dục là không thể tránh khỏi, gần như bắt buộc phải xảy ra.
Vâng, đấy lại là về lý thuyết.
Những bộ sách giáo khoa toàn do tiến sĩ góp tay vào viết mà sạn là sạn, nhiều đến mức báo đài đưa tin, và tệ hơn hết là bị chế meme trên mạng, một thể loại tương tự như tử hình công khai vào thời buổi công nghệ kĩ thuật này, đưa nó vào cùng hàng ngũ với bé B, nói thế cho bạn dễ hình dung.
***
Nhưng đó là câu chuyện của một hôm khác xa xôi lắm rồi.
Trong tiết trời oi ả và ánh nắng chói chang của những buổi trưa đầu hè, hiếm có ai biết mình đang nói gì 100%, nhưng tôi vui là một phần nào đó những gì tôi nói với bạn vẫn đúng, ngay cả tới hôm nay.
Chậc...
Tôi ngồi đăm chiêu nhìn mấy cuốn sách giáo khoa mới cóng trên bàn, nghĩ vẫn vơ.
Thứ làm tôi thấy phiền nhất về mấy cuốn sách giáo khoa này không phải là việc chúng nhắc tôi về ngày tựu trường gần kề - bất ngờ thật đấy, nhưng không hề.
Chưa biết nội dung đổi mới tới đâu, nhưng sách thì vẫn dày độ sách cũ, vẫn chi chít chữ, lâu lâu có thêm vài cái "sơ đồ tư duy" trông cho nó "đổi mới sáng tạo". Mục đích của việc viết lại sách là loại ra những thông tin lỗi thời và tóm gọn kiến thức, nhưng tới giờ thì chỉ thấy sách nhiều chữ lên chứ không ít đi, nên tôi cũng không biết giảm nhẹ gánh nặng học thuộc bài ở đâu.
Gánh nặng thuộc bài chưa giảm mà ta đã thấy thứ thay thế cho nó, một cuốn sách dành riêng cho chuyên để nghiên cứu và thực hành, tức là nhìn chung nặng gấp đôi - đó là nếu giáo viên có động tới cuốn sách đó, chứ không thì cũng không có gì bất ngờ lắm, theo kinh nghiệm 4 năm cấp hai.
Cuối cùng thì, thứ làm tôi thấy phiền nhất, vừa là thứ ít ảnh hưởng nhất nhưng cũng lại là thứ vô nghĩa nhất, chính là cỡ sách của bộ sách giáo khoa mới. Chúng đều phải theo khổ giấy do bộ Giáo Dục ban hành, và không hiểu sao nó lại không phù hợp với bất kì một loại giấy kính nào. Đến mức nếu bạn lên mạng tìm một lúc thì cỡ giấy kính phù hợp được đặt tên là "giấy kính sách giáo khoa mới", đơn giản vì chả có cái sách mẹ nào khác viết giấy cỡ đó cả!
Thật tình tôi không biết cái ý tưởng nho nhỏ này của ai và có lợi cho ai ngoài ngành công nghiệp sản xuất giấy kính, thứ mà tôi tin là vẫn sống tốt với khả năng giữ gìn sách vở thấp của học sinh và kì vọng giữ gìn sách vở cao của phụ huynh. Nhưng có lẽ lâu quá rồi ngành này chưa có gì đổi mới, nên cũng cần một cú huých kinh tế, ai mà biết đâu nào?
Thế nhưng làm ơn, hãy nghĩ tới mớ giấy kính tồn kho ở khắp các cửa hiệu văn phòng phẩm trên khắp cả nước sắp không dùng được nữa vì làm gì còn ai xài sách giáo khoa cũ, rồi nghĩ xem ngoài thiệt hại kinh tế thì đám rác đó sẽ đi đâu ngoài ra bãi tập kết?
Rồi sẽ lại có thêm báo cáo về rác thải nhựa cho mà xem.
Thế bài học rút ra là gì?
Ai cũng muốn làm ngọn hải đăng trên biển soi sáng đưởng cho người khác cả, nhưng đừng tự nhiên dựng một ngọn hải đăng ở chỗ không ai cần rồi bắt người ta đi qua đó đơn giản vì "có đường ở đây này sao không đi?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro