Đồi hoa Mặt Trời
Vào lần cuối cùng tôi gặp Huy, tôi đã nói với anh như vậy. Rằng là, tôi vẫn ổn. Và là, anh không cần phải cảm thấy có lỗi, hay tệ nhất là tự trách bản thân. Có lẽ điều duy nhất tôi có thể làm vào lúc ấy là mỉm cười thật khẽ, vén mái tóc ra sau tai bằng cử chỉ rất mực dịu dàng.
1/ "tôi".
Đúng hai mươi tư giờ kể từ lúc bị Huy từ chối, tôi vẫn ngồi ở "Trà". Vẫn vị trí cũ, đồ uống cũ và bộ váy có họa tiết kẻ caro. Nếu không phải ngoài trời đang hửng nắng thì có lẽ tôi đã nghĩ mình đang trở lại thời điểm tám giờ sáng hôm qua, lúc ngồi đợi Huy.
Dù cùng làm chủ một nhà hàng với dịch vụ đồ uống không tệ, nhưng vì lẽ gì đó mà tất cả những cuộc hẹn giữa tôi và Huy đều diễn ra ở "Trà". Mấy ngày trước Huy còn gợi ý với tôi về việc mở thêm một tiệm cà phê, dĩ nhiên sẽ không cạnh tranh trực tiếp với "Trà". Nhưng cứ nghĩ đến mối quan hệ thân thiết với chủ nhân nơi này, tôi lại dẹp đi ý định đó.
Trà là người bạn duy nhất của tôi. Tôi là một trong số những khách hàng đã nhẵn mặt. Mối quan hệ thoạt nhìn không cân bằng, nhưng dẫu sao nó cũng không tạo được cái cớ đủ lớn, để tôi ngừng tâm sự những chuyện to nhỏ nhạt nhẽo với Trà.
"Nghĩ gì vậy?"
"Không có gì."
Trà ngồi xuống vị trí đối diện, mang theo một ly lipton. Cặn đường dính lại trên dĩa được Trà trút hết vào ly, khuấy đều.
"Sao mấy bữa trước còn kêu giảm cân?" Tôi hỏi.
"Ừ. Giờ chán rồi. Tớ thấy hiện tại cũng ổn."
"Lại giận nhau à?"
"Không. Nếu giận nhau mãi chắc chẳng còn thời gian yêu đương. Chuyện với Huy thế nào?"
"Vẫn vậy."
"Anh ấy, đã biết chuyện đó chưa?"
"..."
Tôi mỉm cười, thỏ thẻ về việc sáng nay khi thức dậy, Huy đã chuẩn bị một bàn đồ ăn. Chìa khóa nhà tôi Huy vẫn đang giữ, đề phòng khi bất cẩn đánh mất, tôi chỉ việc gọi anh hay vì gọi thợ đến phá khóa cửa. Trước khi đi, Huy còn để lại giấy nhắn nhắc tôi nhớ gọi lại cho anh, và dời lại cái hẹn ở "Trà" qua đợt anh đi Hội An cùng với mấy người bạn.
Công việc chính của Huy là pha chế đồ uống, cụ thể là cà phê nên khả năng nấu nướng của anh cũng theo đó mà dở tệ. Giống như tôi, đa số thời gian anh đều dùng bữa chính ở nhà hàng, còn bữa sáng thì linh động hơn, hoặc ở "Trà" hoặc một quán ăn nào đó. Thời gian vào bếp của Huy còn ít hơn tôi, nên cũng không khó hiểu khi trình độ nấu nướng của anh còn thấp hơn tôi tận mấy bậc.
Vấn đề là, kỳ lạ thay tôi lại thích đồ ăn do Huy nấu. Thích cực kỳ là đằng khác.
Huy nói, vì em là người duy nhất thích đồ ăn anh nấu nên anh sẽ nấu cho em ăn.
Cả đời.
Hẳn là cả đời?
Nhưng tôi cứ thế, chưa gì đã nguyện tin vào điều anh nói sẽ mãi là sự thật.
...
Khẩu vị của tôi không tốt lắm. Tôi không cảm nhận được những vị giác tuyệt đối như mặn, ngọt, chua hoặc cay, và khi vị giác là tương đối thì khứu giác cũng nhạy cảm hơn khá nhiều. Dạo trước, có một độ tôi cảm giác mình như mẹ trạng Quỷnh, truyện Thần Đồng Đất Việt ấy, ngồi trên hòn đá ở đâu về rồi bất chợt... chửa hoang. Bởi những cơn buồn nôn vào mỗi buổi sáng chẳng khác gì những triệu chứng ốm nghén mà Trà vẫn kể từ thời cô ấy còn mang thai đứa con đầu lòng.
Đồ ăn Huy nấu không có mùi quá mạnh, thường phải ngửi kỹ mới thấy nên chúng khá dễ chịu. Cảm giác tươi mới và sạch sẽ. Mùi ở bệnh viện cũng sạch sẽ, vậy nên tôi cảm thấy đồ ăn Huy nấu chắc sẽ an toàn.
Trà thường nói:
"Khẩu vị của cậu thật lạ lùng."
"Ừ."
"Vậy sao lại muốn mở nhà hàng?"
"Vì tớ biết những gì người ta không muốn ăn."
Phải có những người như mình, thì thế giới mới cân bằng được, tôi thường tự nhủ như thế. Và đó là lý do dù không có khả năng thưởng thức ẩm thực, thì nhà hàng vẫn được tôi thường xuyên bù lỗ để duy trì, cũng như mở, chỉ để cho vui.
Huy nói tôi bị chứng OCD.
"Là gì?"
"Rối loạn ám ảnh cưỡng chế."
"Em không hiểu."
Huy không nói gì thêm. Anh đổi ly latte mới cho tôi, rồi bỏ về quầy pha chế. Mới những ngày đầu đông nhưng thời tiết đã lạnh lẽo thế này. Từ nhỏ tôi đã sợ những gì tuyệt đối, như mùa hè và mùa đông nên ý định chuyển hẳn vào Đà Lạt sống chưa bao giờ nguội nhạt.
"Em muốn mở một chi nhánh ở trong ấy, anh thấy thế nào?"
"Bố mẹ em thì sao?"
"Họ luôn ủng hộ những gì em làm mà."
Tôi mỉm cười, ánh mắt trượt dài theo những giọt mưa giăng đầy trên cửa kính.
Không biết mùa đông năm nay kéo dài đến bao giờ, cũng như bao lâu nữa thì ước mơ ấy của tôi sẽ thành hiện thực.
***
Như dự kiến, bố mẹ không phải đối gì chuyện tôi tính mở thêm cửa hiệu ở Đà Lạt, ngoại trừ việc họ nhắc đi nhắc lại về chuyện sẽ để Huy thay tôi trông coi.
"Vậy con sẽ đi cùng anh ấy."
"Không được!"
"Tại sao ạ?"
"Mẹ không yên tâm."
Bàn tay mẹ vuốt ve từng đầu ngón tay tôi, siết lại.
"Đợi khi nào bác Huân về hưu, mẹ sẽ rủ cả bác ấy vào trong đó. Bố mẹ cũng sẽ ngừng chuyện kinh doanh ở ngoài này, đi theo con luôn. Đợi đến lúc đó cũng là thời gian để sắp xếp mọi việc, có được không con?"
Và cứ thế, tôi thuận theo, lại nghĩ như vậy cũng tốt. Nếu có gia đình đi cùng, ít nhất tôi sẽ không thấy buồn, hoặc trống trải. Bố mẹ tôi đều hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhà đất, có lẽ họ cũng chọn được căn hộ phù hợp về phong thủy lẫn cảnh trí, thay cho chuyện tôi phải tự mò mẫm tìm đến những công ty môi giới rồi chưa biết hên xui có chọn được chỗ ở ưng ý hay không.
Rút lên phòng, tôi thấy đồ đạc bên căn chung cư đã được bê sang gần hết. Cách bố trí cũng không khác gì so với phòng ngủ mà tôi đã tự mình bày bừa khi chuyển ra ở riêng. Vậy nên nếu khi nào chuyển hẳn vào Đà Lạt, chỉ cần mời kiến trúc sư tu sửa lại với bố cục tương tự, tôi cũng đỡ mất thời gian để thích nghi và tránh được chứng "lạ giường" khi bắt buộc phải di chuyển quá xa.
Điện thoại bất chợt đổ chuông. Màn hình hiện dãy số quen thuộc của Huy.
"Alo, em nghe."
"Bản vẽ anh gửi cho em rồi đấy, em đã nhận được mail chưa?"
"Rồi anh. Nhìn không khác gì cửa hàng ngoài này nên em cũng không biết nói sao để reply lại."
"Ừ. Vậy có gì mới anh sẽ gọi cho em sau!"
Huy cúp máy rất nhanh, trước khi tôi kịp hỏi anh khi nào mới có thể trở lại. Cũng đã khá lâu từ đợt anh từ chối tôi ở "Trà", cũng như theo một cách đặc biệt nào đó tôi cứ vậy mà linh cảm rằng Huy đang tìm cách tránh mặt.
Dù chỉ quanh quẩn ở nhà và cửa hàng, nhưng tôi vẫn biết Huy chẳng bận đến nỗi không thể gọi cho tôi dù chỉ là một cú điện, một tin nhắn ngăn ngắn trên facebook hay zalo. Liên lạc duy nhất giữa tôi và anh là hòm thư điện tử, có thể vì anh biết tôi không có thói quen check gmail mỗi ngày, và đó là cách ngụy trang tốt nhất để Huy vẫn tiếp tục tỏ-ra-quan-tâm tôi, hay để tôi đừng ôm ảo tưởng quá đáng về anh lẫn mối quan hệ hiện có.
...
Phải mấy ngày sau, tôi mới nhận được tin Huy đã sớm trở về Hà Nội, và điều kỳ lạ là anh tìm gặp tôi ngay buổi sáng ngày ấy.
Hôm nay là ngày mồng một. Nhà hàng tôi mở vẫn có lệ sẽ nghỉ bán vào những dịp như thế này, vậy nên nếu mồng một lại trùng thứ sáu thì đồng nghĩa với việc, nhân viên sẽ có một kỳ nghỉ ngắn.
Tám giờ sáng, Huy gọi điện bảo là anh đang đợi tôi ở dưới cổng chung cư, và dặn rằng anh sẽ chở tôi đi thay vì taxi như thường lệ.
"Hôm nay anh không hẹn hò sao?"
"Không."
"Vậy thì tụ tập?" Tôi chần chừ đôi chút, lại hỏi.
"Với em được không?"
"Được."
Huy giúp tôi cài dây an toàn. Vì mải chuẩn bị nên tôi đã để Huy đợi đến ba mươi phút, vừa hay nó giúp chúng tôi vượt qua cao điểm kẹt xe. Huy đưa xe vào bãi đỗ, tôi đứng đợi anh ở cửa thang máy rồi cùng nhau đi lên. Không nhiều người dám dùng thang máy của nhân viên, nên chúng tôi vừa vặn có một cuộc trò chuyện ngắn.
"Hôm qua nhắc em về lịch khám, bố anh cũng vừa nhắc anh luôn."
"Ông ấy nói gì?"
"Bảo là nhớ anh. Lâu rồi anh không về nhà."
"Miệng em ngọt thật đấy."
Vì đã quá quen với thủ tục nên tôi không tốn quá nhiều thời gian để xin nhập viện. Huy ngồi cạnh tôi ở ghế chờ, đợt kết quả xét nghiệm máu. Tôi thấy lòng bàn tay anh hơi run và ướt đẫm mồ hôi, mà ngoài trời không nóng bức đến như vậy.
"Qua vài ngày nữa, anh vào Đà Lạt tìm cửa hàng rồi nói lại với em nhé! Chọn chỗ nào nằm trên đồi ấy, có nhiều thông và thảm cỏ màu xanh, em sẽ trồng thật nhiều hướng dương ở trên ấy."
"Lần trước em chẳng bảo để sang đầu năm, thuê mặt bằng, thiết kế rồi vào tháng Hai khai trương?"
"Em muốn nhanh một chút. Sợ không đủ thời gian."
"Ừ, được mà."
...
Hậu phẫu thuật là thời gian hồi sức, kế đó tôi được chuyển sang phòng bệnh thường.
Mấy ngày nằm viện, ngoại trừ check mail của Huy để tìm địa điểm ưng ý thì tôi cũng không có nhiều việc để làm. Vốn là một người nhanh nhẹn nên Huy liên hệ được không ít chỗ, vấn đề tiền bạc lại không đáng ngại nên anh chỉ đợi tôi đồng ý sẽ tiến hành tu sửa luôn.
Nhìn qua ảnh, thực sự tôi không phân biệt được những chỗ Huy chỉ có gì khác nhau, và cũng không tìm được đồi thông hay thảm cỏ tôi yêu thích. Nhưng nếu anh cảm thấy hợp lý, thì có lẽ là nó đẹp và phù hợp lắm rồi, tôi cũng không nên ý kiến gì thêm. Chợt nhớ tháng Hai cũng là lúc tôi xong liệu trình lần cuối, nên book vé giờ cũng là vừa đẹp. Chắc là vé đơn thôi, vì tôi không chắc gia đình hay bác Huân sẽ thu xếp được để đi cùng mình vào thời điểm ấy.
Phòng bệnh tôi nằm là phòng riêng, có cửa sổ nhìn ra khuôn viên bệnh viện. Dưới đó có một hồ nước nhân tạo, sau mưa nếu có nắng sẽ hắt thành những dải cầu vồng đẹp mắt. Trong phòng trừ giường bệnh, còn có ghế dựa và bàn đọc sách, truyện tranh và tiểu thuyết tình cảm, đều kết thúc có hậu. Tivi mấy hôm trước đã được mẹ tôi cho người chuyển đi. Thời gian dành để xem lại bộ phim "Trái tim mùa thu" lúc trước được chuyển hết sang đọc những thứ linh tinh, cũng xem như giết thời gian.
Ngoại trừ mẹ, bố và bác Huân, đa số thời gian phòng bệnh đều vắng lặng. Để giúp tôi có thời gian yên tĩnh tối đa, nên mẹ chọn cách tiếp khách đến thăm ở phòng ngoài, cách ly hoàn toàn với khu vực giường bệnh. Bác Huân cũng nói đó là cách tốt nhất giúp cho tôi chóng lành, nên tôi cũng không thấy bất tiện gì quá lớn.
"Nãy Huy có đến, nhưng con ngủ nên mẹ không để nó vào."
"Anh ấy có nói gì không ạ?"
"Có, nhưng chỉ bảo là đã chọn được chỗ mở nhà hàng. Thiết kế như nhà hàng cũ ngoài này thôi nên cũng không tốn nhiều thời gian lắm đâu."
"Vậy cũng được. Nhanh một chút cũng tốt."
Nhanh một chút cũng tốt. Nếu để lâu tôi lại sợ không còn kịp.
Tôi gác cuốn sách lên mặt, che mắt, đột nhiên tôi thấy hơi buồn ngủ.
Cuốn sách vốn dùng để làm tê liệt thời gian giờ làm tê liệt luôn cả sự tỉnh táo. Mà cũng phải, tôi đã đọc nó đến lần thứ bảy rồi.
...
Tôi xuất viện một tuần sau đấy. Trà đến đón tôi ngay từ phòng bệnh. Cô ấy hôn lên má tôi và choàng tay ôm tôi thật chặt.
"Cậu bay chuyến mấy giờ?"
"Bay? Đi đâu?"
"Lần trước có bảo sẽ đi Hàn mà, định bao giờ đi? Sao lại chia tay tớ sớm vậy?"
"Tớ còn đợi chi nhánh mới mở cửa mà, nên không đi luôn đâu. Mà này, tính xua đuổi nhau đấy à?"
Tôi chỉ cười trừ. Trà tự lái xe đến đón tôi về thẳng cửa hàng, còn mẹ theo tài xế sang căn hộ của tôi, làm thủ tục trả nhà. Đợt trị liệu này của tôi không thuận lợi lắm, cần theo dõi nghiêm ngặt nên mẹ cũng muốn nhân chuyện này ở cạnh tôi nhiều hơn, và để đề phòng việc tôi dở chứng bỏ đi nên bà quyết định sẽ thay tôi "xử lý" luôn căn hộ.
Đang giờ hành chính nên cửa hàng khá neo người, chỉ có vài tốp sinh viên đang ngồi cùng nhau trong những góc vắng nhất làm bài tập. Huy không còn đứng ở quầy pha chế như thường lệ, mà là ai đó tôi không biết mặt, hình như là mới được tuyển vào thay thế anh.
Tên cậu ấy là Duy.
Đến cái tên cũng na ná nhau.
Làm như đang order, tôi nhìn về phía Duy thay vì dãy đồ uống được viết bằng phấn trên bảng. Duy cao, gầy, da hơi ngăm và tóc húi cua, tầm mười tám hoặc mười chín tuổi, bằng khoảng tuổi lần đầu tiên tôi gặp Huy. Nhưng cánh tay Duy mảnh dẻ, nhẵn mịn và không có hình xăm nào đặc biệt, có lẽ cậu ấy cũng sợ đau nên không dám làm mọi thứ để giống Huy một cách triệt để hơn như tôi vốn nghĩ.
2/ "anh".
Thực ra, ấn tượng đầu tiên của tôi về Huy không tệ như Duy, mà tràn ngập sự thích thú lẫn tò mò.
Huy xăm mình, còn tôi thì thích xăm, dù sợ đau.
"Thế ra em thích anh vì anh có hình xăm?"
"Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy hình xăm ngoài đời."
"Thật á?"
"Ừ. Trước anh thì chỉ thấy trên phim thôi, hoặc mạng. Xăm rất ngầu, em cũng muốn xăm."
"Nhưng em lại sợ đau."
Huy bật cười, điều bộ đầy sự chế giễu nhưng tôi không bận tâm lắm, vì những gì anh nói là thật.
Ngoại trừ xăm, tôi thích nail, thích bấm khuyên, thích màu tóc highlight... và vừa hay, anh là người có đủ những đặc điểm ấy.
"Bố anh là bác sĩ, anh là thi sĩ. Hình như mẹ anh là nha sĩ?"
"Ca sĩ."
"Ủa? Chứ không phải nha sĩ à?"
"Nha sĩ là mẹ kế của anh. Mẹ ruột anh là ca sĩ."
Khóe môi Huy cong lên một cách nhạt nhẽo. Huy không thích kể về mình cho lắm, ngay cả khi chỉ giữa hai chúng tôi.
Đợt tôi xuất viện, nghe mẹ kể Huy đã làm lành với bác Huân, cũng như mẹ kế của anh ấy. Dù không phải công trạng gì to lớn, nhưng tôi vẫn nghĩ có lẽ vì tôi kể rằng bác Huân nhớ anh, nên anh mới đồng ý trở về.
...
Sau khi Huy về nhà, buổi dã ngoại đôi của gia đình tôi và anh cũng được tổ chức sau mấy bận trì hoãn. Địa điểm là một ngọn đồi nhỏ ở ngoại ô, chỉ cách ba mươi phút lái xe nên bác Huân đảm bảo rằng tôi sẽ không hề thấy mệt mỏi, ngược lại còn là dịp để tôi thay đổi không khí sau đợt nằm dài ở bệnh viện.
Huy chỉ chịu trách nhiệm làm đồ uống, bởi ngoại trừ tôi không ai dám ủng hộ việc anh vào bếp. Thực đơn của buổi dã ngoại được tôi chuẩn bị theo kịch bản của những bộ phim Hàn tôi vẫn xem, vậy nên ngoại trừ Huy có khẩu vị tương đồng thì thế hệ cha chú như bố mẹ tôi và bác Huân, vợ bác ấy, không ai nuốt nổi. Thay vào đó, họ chuẩn bị đồ nướng và tôi thì ngồi nhìn họ tất bật sơ chế và lên lửa.
Tôi ngồi trên một tảng đá, phóng tầm mắt nhìn xuống thành phố. Bây giờ mới chỉ bảy giờ sáng. Lớp sương đêm vẫn dán chặt vào không khí, mỏng nhưng lạnh đủ để cảm nhận được khi động vào. Huy mang một ly cà phê theo ngồi cạnh, nhưng lại đưa tôi một ly ca cao nóng.
"Ngày mồng năm Tết Âm lịch sang năm là ngày tốt, anh xem thấy hợp để làm ăn nên chốt khai trương ngày ấy luôn, em thấy sao?"
"Hơi gấp nhỉ."
"Không gấp đâu. Anh lo được nên em cứ yên tâm dưỡng bệnh!"
"Em không sao mà."
Tôi lơ đãng đáp lại. Dù không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng tôi vẫn tin mình đợi được đến ngày ấy. Đợt trước, mẹ có bảo khu vườn tôi ươm hoa vào đã nảy mầm, nhưng tiếc là mùa mưa kéo dài quá nên đa số đều chết cả. Túi hạt giống mới mua còn dư mẹ vẫn bảo quản tốt, và chỉ đợi tôi khỏe hơn đôi chút sẽ cùng nhau gieo lại.
Nhưng lần này có lẽ, tôi nên bảo mẹ làm sớm hơn, để lỡ may những khóm hoa nếu có chết yểu thì trở tay còn kịp. Mong ước của tôi là một ngọn đồi trồng toàn hoa mặt trời, vậy nên bằng bất cứ giá nào, tôi đều phải biến ước mơ ấy trở thành hiện thực, trước khi mọi chuyện ngã ngũ.
...
Cơ mà, mọi thứ dường như không thuận lợi lắm thì phải.
Nhưng triệu chứng bệnh của tôi ngày càng trầm trọng trong thời gian dạo gần đây. Mất ngủ, đau đầu, buồn nôn, khó thở và sụt cân... Tôi không biết mình đã thức trắng bao nhiêu đêm, cũng như đã phải đổi bao nhiêu bộ đồ bệnh nhân chỉ vì kích cỡ rộng hơn cơ thể quá nhiều.
Mỗi sáng lúc thức dậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gì nhỉ?
Mình lại sống thêm một ngày.
Hoặc là, Mình lại mất đi một ngày.
Thực ra, tựu lại cũng chỉ là chuyện Mình đã vượt qua một ngày nhưng có lẽ, khi không có quá nhiều điều phải lo nghĩ nên trong đầu tôi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là từng ấy việc.
Càng về những đợt trị liệu cuối cùng, trí nhớ tôi lại càng thấy nhẹ bẫng. Bởi mọi thứ đều có mẹ hoặc y tá bận tâm, nên tôi không cần nhớ xem bây giờ là lúc nào, mình cần làm những gì cũng như khi nào thì mình sẽ phải hoàn thành nó. Thói quen hỏi giờ cho mỗi phút mỗi giây những ngày đầu nhập viện cũng dần biến mất, đổi lại là sự kiên nhẫn và ý niệm về sáng-trưa-chiều-tối đã được quy đổi thành ngày hay đêm.
Hình như, hình như thôi, đó là "tác dụng phụ" của những đợt truyền hóa chất kéo dài thì phải.
Huy từng bảo tôi bị OCD. Giờ tôi liền nghĩ ắt là OCD về việc đếm số lượng.
Hồi trước là đếm thời gian, đếm số bình truyền dịch, đếm số giờ đi bộ, đếm số lượt người đến thăm... Bây giờ là đếm số cọng tóc còn sót lại trên trán.
Từ năm tám tuổi đến năm hai mươi tám, lần đầu tiên tôi không để tóc quá ngang vai.
Mẹ bảo, "Không sao cả. Con có gương mặt trái xoan nên để kiểu tóc nào cũng xinh."
Tôi không biết tôi có còn xinh không, bởi trong phòng không có từ gương đến điện thoại. Diện mạo cuối cùng tôi nhớ về chính mình là một cô gái nhỏ, mắt màu nâu và mái tóc màu đen, cũng xem như ưa nhìn.
Tôi cứ nhìn mãi bức ảnh chụp từ đợt dã ngoại. Có mẹ, bố, bác Huân, vợ bác ấy và cả Huy, chợt nhớ đã lâu rồi mình không gặp anh ấy. Mấy lần tôi không chịu được, nếu có hỏi thì mẹ cũng chỉ kể chuyện Huy bận việc khai trương nên tôi cũng dành thôi.
...
Cuối cùng, cũng đến đợt hóa trị thứ mười một.
So với dạo đầu phát hiện bệnh, giờ tôi chỉ nặng ba mươi chín cân. Vóc dáng vốn đã nhỏ nhắn giờ thành nhỏ thó đến tội nghiệp. Gương mặt gầy hẳn lại khiến đôi mắt vốn to càng quá khổ. Tôi chọn cho mình một cặp kính to bản, một chiếc áo hoodie và đội mũ che quá đầu, thay vì dùng tóc giả. Bởi tôi nghĩ rất khó để người quen nhận ra mình nếu so với hồi trước, nên cũng cảm thấy không nhất thiết phải ngụy trang.
Máy bay delay mất hai tiếng. Khoảng thời gian đó, mẹ vẫn ở cạnh nắm tay tôi rất chặt. Tôi thấy những đường gân hằn rõ trên bàn tay nõn nà vốn thuộc về một nghệ sĩ dương cầm.
Là con một nên tất cả mọi thứ bà đều dành hết cho tôi, mà tôi thì chưa kịp báo đáp lại.
Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã khá yếu ớt nên thời gian đến lớp không nhiều. Thay vào đó, hoặc bố tôi mời gia sư, hoặc mẹ sẽ trực tiếp chỉ dạy tôi về mọi thứ. Từ thường thức đến nghệ thuật, tất cả những gì tôi biết được đến thời điểm này đều là mẹ tạo ra.
Mẹ không thích con gái nhuộm tóc, nên từ nhỏ đến lớn tôi đều trung thành với mái tóc đen dài ngang vai. Mẹ cảm thấy làm nail sẽ khiến ngón tay không sạch sẽ, nên dù rất thích thì tôi cũng chỉ dám trộm nhìn trên mạng. Mẹ không muốn tôi bấm khuyên quá nhiều, nên tôi cũng chỉ bấm một đôi ở dái tai rồi cài lên những mẫu trang sức dịu dàng mẹ muốn.
Tôi, ở khía cạnh nào đó là bản sao hoàn hảo của mẹ.
Tôi không tưởng tượng được nếu một ngày nào đó mẹ không ở cạnh tôi. Tôi sẽ chết đi như chết vì căn bệnh mình đang mang hay trở thành một cô gái ngông nghênh và tự do như kiểu người mà Huy yêu thích.
Tôi, thực sự, không tưởng tượng được.
***
Khi tôi đến Đà Lạt thì đã vào khuya. Chúng tôi thuê hẳn một homestay có khung cảnh tôi mong muốn. Vừa hay, chủ nhà rất tốt bụng nên đã ra tận sân bay đón chúng tôi, chỉ để giao lại chìa khóa phòng.
Tôi thấy ánh mắt người ấy sáng lên khi nhìn thấy tôi. Chị nắm tay tôi và cất giọng rất nhẹ nhàng:
"Chị nghe Huy kể nhiều về em lắm. Anh ấy nói em rất dễ thương."
Bởi ngoại hình hiện tại của tôi khá khó coi, nên tôi biết sự "dễ thương" mà chị nhắc đến không nằm ở vẻ bề ngoài. Những chiếc móng được tô vẽ cầu kỳ của tôi lồng khít vào những chiếc móng tay được cắt ngắn, sạch sẽ của Ly.
Mẹ tôi nói chủ homestay tôi ở cũng là chủ một nhà hàng, và chị ấy nấu ăn rất ngon.
...
Ngày thứ hai ở Đà Lạt, tôi quyết định thử xăm mình.
Mẹ vừa nghe tôi nói xong thiếu điều đã muốn la toáng lên, nhưng cuối cùng chẳng hiểu sao lại đồng ý. Bà gạt nước mắt, trấn an tôi:
"Con đợi một chút, mẹ đi hỏi Ly xem chỗ nào làm đẹp, an toàn lại ít đau."
Tôi suýt nữa đã bật cười khi nghe lời dỗ dành ấy của mẹ. Giống như trên đời này, đã đòi hỏi ngon, đẹp, bổ lại phải rẻ ở những nhà hàng hay tiệm ăn công cộng ấy.
Rất nhanh sau đó, tôi chọn được một tiệm xăm mình chỉ cách nơi tôi đang sống khoảng mười phút đi bộ, bằng khoảng thời gian cho một cuộc dạo thông thường. Và nếu như vậy, có lẽ mẹ sẽ không nghi ngờ khi thấy tôi đột nhiên thay đổi quyết định.
Nhân viên nhận điện thoại liên tục hỏi tôi về tình trạng sức khỏe và tôi đoán mình sẽ bị từ chối ngay khi chỉ thoáng xuất hiện với bộ dạng này. Chỉ khi tôi nhất mực cam đoan sẽ không bắt bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố không may nào, thì cái hẹn vào chiều nay mới được sắp xếp.
"Tại sao em lại đột nhiên muốn xăm?"
Tôi gác điện thoại, khẽ mỉm cười.
Có những bước đường cho đến nay đã đi rồi, lúc ngoảnh lại vẫn khiến tôi giật mình không ít. Ví như Ly, ví như Huy, và ví như ngày tôi có thể thỏa hiệp về tất thảy mọi thứ.
Dễ dàng hơn tôi vẫn nghĩ, rất nhiều.
Mở máy tính, tôi truy cập vào folder ẩn mà mọi thứ về những gì tôi khao khát đã được lén lút lưu giữ vào một góc. Những bức ảnh về những hình xăm, những bộ nail đắt giá và mái tóc đỏ rực được tạo kiểu cầu kỳ... chợt nghĩ nếu đã quyết định rồi, có phải nên thử hết một lượt hay không?
Thứ duy nhất tôi có là thời gian, và thuận tiện thay: Đó cũng là cách, khiến tôi không phải đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào khác.
3/ "chúng tôi".
Bước ra khỏi tiệm xăm mình, thứ đầu tiên chạm đến tôi là ánh mắt lạnh nhạt của Huy. Anh mặc áo khoác jeans, tay áo xắn cao để lộ hình xăm là một đóa lưu ly đã nhạt màu.
Trí nhớ tôi tua nhanh về thời điểm là lần đầu tiên tôi gặp Huy. Lúc ấy trên cánh tay anh đã là đóa lưu ly ấy, nhưng đáng tiếc rằng thay vì xem đó là biểu tượng của tình yêu, tôi lại mù quáng nghĩ rằng đó, đơn giản, chỉ là một kỷ niệm anh muốn lưu giữ lại. Nào ngờ...
"Ngày mai cửa tiệm sẽ khai trương."
"Ừ."
"Em muốn làm gì đó, để đánh dấu lại."
"Bằng việc xăm mình sao?"
"Ừ. Một lần cho cửa tiệm ở Đà Lạt. Một lần, là duy nhất cả cuộc đời này."
Tôi ngẩng đầu. Huy đã tiến về phía tôi. Ánh mặt trời chói chang khiến tôi không thể trông ra biểu cảm ấy.
Cả đời.
Cuối cùng chỉ mình tôi vẫn tin vào lời hứa cả đời. Và cũng chỉ có một đứa sắp chết như tôi, là đủ tư cách nói về điều này.
"Xin lỗi, anh vốn định nói với em rất nhưng lại không có cơ hội."
"Em hiểu mà."
Tôi ngồi xuống bên đường, nhặt một chiếc lá phong. Con đường lãng mạn tôi từng thấy trên phim, địa điểm tôi mơ ước đặt chân tới được gói gọn ngay tầm mắt. Tôi từng có suy nghĩ được đi cạnh Huy cho đến điểm tận cùng, giờ đổi lại là sự dè dặt khi ngỏ ý được cùng anh đi một đoạn, cũng ngắn thôi.
Hình vẽ henna ở cánh tay tôi chợt nghe hơi ngứa. Tôi cọ đôi bàn tay vào nhau, hơi ấm phả đều đến những đầu ngón tay khiến tôi bình tâm lạ lùng.
Vậy đó, cho đến cuối cùng, tôi vẫn sợ đau.
...
Trước khi Ly xuất hiện, tôi từng có suy nghĩ có nên ỷ vào "bệnh tật" để trói Huy lại, dưới tư cách người yêu. Và vì thời gian còn lại của tôi không quá nhiều, nên anh dù không muốn cũng sẽ không thấy phiền hà lắm đâu nhỉ?
Bố tôi, mẹ tôi, bác Huân, hay Trà đều có thể dung túng cho những ước muốn của tôi, dù là kỳ lạ đến đâu đi chăng nữa, nên tôi càng tin tưởng vào điều tương tự sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa tôi và Huy. Ví như anh sẽ thử tiếp nhận tôi, và mối quan hệ giữa chúng tôi sẽ vượt trên tình bạn, dù chỉ là một chút.
Nhưng tôi đã nhầm.
Huy từ chối tôi, dẫu tôi đang cận kề với cái chết, hay tôi vẫn tiếp tục thương anh, dẫu cho thời gian chỉ còn đếm bằng ngày.
Từ năm mười tám tuổi đến năm hai mươi tám tuổi, mười năm ấy tôi dành trọn cho Huy, đã từng mong nhận lại, cho đến khi dứt khoát phải buông tay. Huy là người đầu tiên, cũng là người cuối cùng.
Cả đời?
Cả đời ấy, vị trí ở cạnh Huy là Ly. Dù cô ấy không nhuộm tóc highlight, không làm móng, không xăm những hình vẽ cầu kỳ... thì người Huy chọn, vẫn chỉ là cô ấy.
Thứ Ly có là thời gian, là cả đời. Còn tôi, là nửa đời, và nửa của nửa đời đã dành trọn cho anh.
...
4. "chúng ta".
"Tại sao gọi là "Trà" mà Trà lại đi bán cà phê?"
"Vì tớ thích cà phê! Ơ, mà lâu rồi không nghe cậu hỏi câu ấy."
"Vậy sau này nếu không thích cà phê, Trà có quay sang bán trà?"
"Chưa biết. Dù sao "Trà" cũng là tiệm cà phê, nên cho dù không thích cà phê nữa thì Trà vẫn sẽ bán cà phê."
Cuộc điện thoại ngớ ngẩn ấy giữa tôi và Trà chỉ chịu kết thúc khi Trà nghe tiếng gọi của con trai cô ấy, và cha của thằng bé. Cũng như việc Trà đã hủy vé máy bay sang Hàn, chỉ vì tiếng gọi ba của con trai và khuôn mặt rưng rưng của người đó.
Có những lúc, nên lùi lại để toàn vẹn cho tất cả mọi người.
...
Ngày mai tiệm cà phê tôi mở sẽ khai trương. Những chậu cúc cũng được nhà vườn cho xe chuyển về, xếp ngay ngắn vào đúng vị trí.
"Không sao chứ con?"
Mẹ mang theo một chiếc áo khoác len, choàng lên vai rồi ôm lấy tôi từ phía sau, rất chặt. Lồng ngực mẹ dán lấy lưng tôi, khít đến độ có thể nghe tiếng tim bà đập, nhanh và đầy sự lo lắng.
"Hoa cúc dễ sống, lại lâu tàn. Màu sắc cũng chẳng khác gì hoa hướng dương, đều là màu của mặt trời mà mẹ."
"Nếu con nghĩ được vậy thì tốt. Mẹ cứ lo..."
"Ngày mai, khi khai trương xong con muốn về làm hóa trị đợt cuối. Mẹ nói với bác Huân giúp con, nếu được thì mời thêm chuyên gia nước ngoài, bạn của bác ấy."
"Được, mẹ sẽ lo hết cho con."
Bà mỉm cười nhìn tôi, rạng rỡ như những bông cúc đang xếp đầy khoảng sân trước mặt, nhưng gương mặt lại giàn giụa, chẳng rõ là đau đớn hay hạnh phúc đến mức tột cùng.
Tôi ngoái lại nhìn chậu cây tôi vẫn chăm bẵm từ những ngày còn nằm ở bệnh viện, giờ đã nảy mầm, trưởng thành và đến độ ra hoa. Hạt giống hoa mặt trời đích thực cuối cùng cũng đã chịu nở, chỉ tiếc là vừa lỡ hẹn khi chỉ ngày mai mọi thứ đã nhen nhóm bắt đầu.
Thoát khỏi vòng ôm của mẹ, tôi quanh cửa hàng, kiểm tra cẩn thận đến từng bộ bàn ghế, từng bộ đồ ăn.
Ngày mai cửa hàng sẽ khai trương, vị trí cạnh tôi vẫn là Huy, và vị trí cạnh anh sẽ thêm một người xa lạ khác.
Nhưng không sao, ít nhất những giây phút cuối người ở cạnh tôi vẫn là Huy, và anh vẫn là hạt giống mặt trời duy nhất trong lòng tôi. Kiên trì. Đâm chồi. Và chỉ đợi kết hạt.
...dù mãi tận kiếp sau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro