Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương I: Cành gốc như vàng đá, giá băng không ngại lòng

(1) (2)

Đêm đông, bốn bề đen kịt, gió quét ào ào. Giả giờ này có người còn thức thì hẳn lắng tai sẽ nghe được những tiếng rơi rất xốp lẫn trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên ấy. Tựa một con quái đang trong cơn khát máu, gió sục sạo khắp chốn quyết tìm cho ra một kẽ hở để dễ bề tập kích mồi ngon. Rồi nó lùng được một ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn be bé. Gió lao tới đập phá từng khung cửa hòng dọa nạt kẻ bên trong, nhưng kẻ ấy gan quá, vẫn say giấc nồng. Nó lại lần mò theo từng viên ngói hòng tìm lối tấn công, song những viên ngói ấy chẳng hiểu khéo léo làm sao mà sít chặt lấy nhau. Gió cáu tiết, gió thét gào, mãi cho tới khi ba hồi chiêng cùng một hồi trống điểm canh vang lên mới mệt dần rồi lịm hẳn.

Lại một chốc sau, con gà trống nhà bên cất tiếng gáy, thế rồi những con gà khác trong làng cũng lần lượt gáy theo. Người trong nhà đã nai nịt xong xuôi, chuẩn bị bước ra ngoài. Đó là một chàng thiếu niên chừng mười sáu, mười bảy tuổi, với cặp mày kiếm, đôi mắt ngả màu nâu ấm trong ánh nến cùng quai hàm cương nghị. Hắn khoác trên mình một chiếc áo đen, đằng trước thêu chữ Thiên màu đỏ. Chiếc áo ôm khít thân hình khôi vĩ, bởi sẫm màu nên khiến thiếu niên trông có vẻ già trước tuổi. Đai lưng hắn giắt bầu nước và thẻ bài gỗ có khắc một chữ Thiên giống hệt trên áo, ngoài ra còn có một chữ Tả bé hơn bên dưới, mặt sau khắc hai chữ Dực Đức. Thiếu niên mở cửa, đạp tuyết mà đi. Dấu chân in trên nền tuyết thẳng tắp một đường, đến độ lún của từng lần giẫm cũng y hệt nhau. Trời đã sáng hẳn, nhưng vầng dương chắc đang ẩn mình đâu đó sau những cụm mây xám nhạt. Thiếu niên đi qua từng ngôi nhà, từng xóm nhỏ lố nhố trắng xóa một màu, dọc theo bờ con sông đang mùa cạn, cuối cùng dừng chân tại một thao trường rộng lớn, trước cổng dựng một tấm bảng ghi dòng chữ Điện tiền thị vệ Thiên Vũ sương. Khoảng vài chục người đã tập trung ngay ngắn giữa sân. Thiếu niên bình thản đứng vào một hàng. Bởi quan trên chưa đến nên ai nấy vẫn thoải mái rì rầm.

- Các cậu ạ, tớ thấy số mình đen như chó ấy. Chả hiểu mấy vị trên ấy tính kiểu gì mà để lũ học trò đi thi lúc này. Khéo chưa kịp chạm đến cái mão quan đã chết rét. Mà thôi, chúng nó còn được ngồi trong lều làm bài, khổ nhất là mình đây này. Trong khi bọn đô khác chăn ấm nệm êm bên vợ đẹp con ngoan thì mình phải đi canh cho lũ kia bôi vẽ. Rồi đấy, mai sau chúng nó đỗ đạt mình vẫn lại phải cúi đầu chắp tay vái. - Một gã khoảng hai lăm, hai sáu làu bàu.

- Cũng may không trúng trận tuyết hôm qua. Không thì đến khổ. - Một anh khác lên tiếng.

- Thôi các cậu đừng kêu nữa, mình tranh công danh bằng lưỡi gươm đường kiếm đàng hoàng, sao phải tị với hạng giá áo túi cơm. - Lại có người cất lời xoa dịu.

Đợt tứ trường của kì thi Hội năm nay rơi vào ngày hai mươi tháng Chạp, cũng chính là hôm nay. Vào những dịp như thế, cấm quân sẽ cử một đô gồm một trăm lính đến giữ gìn trật tự trường thi và bảo vệ các quan chủ khảo. Thiếu niên nọ thuộc Ưng Trảo đô, chính là cấm quân đô được phái đi Quốc Tử Giám lần này. Hắn lặng lẽ nghe mọi người xung quanh bàn tán, không góp chuyện cũng không tỏ thái độ, như thể chẳng hề quan tâm rằng mình sẽ phải thức trắng đêm đông lạnh thấu xương. Thiếu niên đứng sừng sững giữa vùng trời, mặc mấy lọn tóc mai múa nhảy trong gió bấc, mặt không đổi sắc, chỉ đưa tay lên áp vào bầu nước còn ấm.

Quốc Tử Giám sẽ mở cửa đón các nho sinh vào giờ Thìn, vì vậy Ưng Trảo đô phải điểm binh từ giờ Mão, sau đó mới xuất phát vào nội thành. Cuối giờ Mão, vị đô đầu chỉ huy rốt cuộc cũng xuất hiện. Dường hẵng ngái ngủ, y ngáp ngắn ngáp dài, phất tay sai người phân phát lương khô cho binh sĩ, dặn dò qua quýt vài câu rồi xoay lưng bỏ đi. Đã sớm quen với cảnh tượng này, ai nấy cũng chỉ lắc đầu vài cái, nhận xong lương khô thì lần lượt khởi hành. Cả đô được chia thành năm giáp, mỗi giáp hai mươi người đi theo giáp đầu cầm cờ hiệu. Thiếu niên đi gần cuối đoàn, chăm chú nhìn lá cờ thêu chữ Ngũ tung bay. Đây là lần đầu tiên kể từ khi sung quân hắn đến gần nơi được mệnh danh viên minh châu của Ung Kinh, nơi tụ hội của những con người có cuộc đời khác xa hắn. Đường phố Ung Kinh hôm nay náo nhiệt hơn mọi ngày. Nhà nào nhà nấy tất tả dọn tuyết mở đường, hàng quán đã bày biện bàn ghế xong xuôi, hết quạt lò lại đun nước. Từng con hẻm thơm nức mùi đồ ăn làm vài anh lính cúi xuống nhìn túi lương khô bên hông, khe khẽ thở dài. Một lát sau, khi đường bắt đầu đông kẻ qua lại, hàng tràng mời chào đon đả nối nhau vang lên như đợt sóng dữ khuấy động bụng dạ lép kẹp của cả trăm thanh niên hiện đã xếp hàng dựng cờ trước cổng trường thi. Chỉ duy hàng bún ngan đối diện vắng hoe và đìu hiu đến lạ. Phải rồi, hôm nay thi tứ trường, chẳng cứ học trò kiêng ăn ngan mà cha mẹ, vợ con, anh chị em họ cũng không dám động miếng nào. Ông chủ quán cứ ngồi một lúc lại thò cổ ra hóng rồi lại thụt cổ về. Thiếu niên nhìn bộ dạng rầu rĩ của ông ta, thầm thấy nực cười vì sự ngoan cố ấy. Đằng nào cũng ế, chẳng thà ở nhà nghỉ ngơi còn hơn, sao phải mua việc vào người, dọn hàng ra làm gì cơ chứ?

Cả hắn lẫn ông chủ đều không ngờ rằng, còn có kẻ không giống ai hơn. Một bóng áo trắng mảnh khảnh, cổ đeo ống quyển cùng bầu nước, hai bên sườn lỉnh kỉnh nào chõng tre, gọng lều, áo lều, chiếu cói, tay ôm thêm một cái tráp lặc lè bước vào quán, ngồi phịch xuống ghế, trút lần lượt "hành lí" khỏi thân hình so sởi, chỉ trừ chiếc ống trên cổ (3). Một lúc sau y mới lên tiếng gọi ông chủ, thanh âm trong và lạnh như tiếng hai hòn ngọc gõ vào nhau.

- Bác cho tôi một bát bún ngan, nhiều măng vào nhé. Làm nhanh cho tôi kịp giờ báo danh.

- Vâng, vâng, có ngay đây... - Chủ quán dòm thêm y lần nữa rồi rảo bước đi chuẩn bị.

Rất nhanh, một bát bún nóng hổi đã được bày trước mắt nho sinh nọ. Sợi bún nhỏ, trắng ngần, măng vàng nhạt ngả nâu, hành lá xanh rì, thịt ngan thái vừa, nạc da đầy đủ, chan thêm nước dùng nóng hổi trong leo lẻo. Một sớm mùa đông được lót dạ bằng bát bún ngan như thế này thì còn gì bằng. Nho sinh đưa tay lên lấy đũa, để lộ cổ tay tựa bạch ngọc. Nhìn cũng biết, đôi tay này sinh ra là để cầm bút. Thiếu niên chỉ thấy nửa khuôn mặt bên phải của y. Trái hẳn với vẻ ì ạch ban nãy, tất thảy đường nét trên mặt y đều toát lên sự thanh tao, từ đường mày dài cong cong, hàng mi rủ, đến sống mũi cao cao. Mặc dù bảo ông chủ làm nhanh nhưng y lại ăn rất từ tốn, cứ từng gắp từng gắp một. Y có vẻ không kén ăn, mỗi lần gắp là lấy đầy đủ bún, măng, hành, nước, chỉ chừa thịt lại. Y không thích ăn thịt sao? Hay cũng như bao người khác, hôm nay kiêng ngan? Nhưng nếu vậy sao còn ghé quán bún ngan? Thiếu niên cứ thế dõi theo nho sinh đến khi y ăn sạch cái trong bát, chỉ chừa mấy miếng thịt và ít nước dùng. Khóe môi y bỗng cong lên tựa trăng khuyết. À. Thiếu niên vỡ lẽ. Không phải kiêng, mà là để dành. Nhâm nhi xong chỗ thịt, nho sinh bê bát lên húp cạn nước, sau đó sung sướng xoa bụng. Thiếu niên bỗng muốn bật cười. Hắn vốn không thấy đói, nhưng nhìn y ăn không khỏi muốn mở túi lương khô ra gặm tạm.

Thấy khách đã dùng bữa xong, ông chủ tươi cười tiến tới bắt chuyện.

- Tôi tưởng hôm nay sẽ ế, đã định dọn dẹp đi về rồi cơ, may mà có cậu cử đây mở hàng cho. Tôi mạn phép hỏi, hôm nay ai cũng kiêng ngan, vịt để đi thi cho thuận lợi, sao cậu vẫn ăn?

Nho sinh cũng cười đáp:

- Vì sao phải kiêng? Chữ nghĩa ở trong đầu mình, có chân đâu mà phải sợ chúng nó chạy mất. Nếu cứ lo bóng lo gió như thế thì khỏi đọc sách thánh hiền, khỏi xuất sĩ làm quan, ở nhà cho xong.

Thấy y nói năng đâu ra đấy, chủ quán hồ hởi chúc thêm mấy câu rồi giục y nhanh đi báo danh. Nho sinh đeo hết mọi thứ lên, đưa tay mò xuống thắt lưng. Sau mỗi lần mò mẫm của y, nụ cười trên khuôn mặt ông chủ cũng nguội đi một phần. Kết quả, hết một hồi loay hoay, nho sinh đành quay sang ông chủ cười hì hì.

- Bác này, tôi là người đọc sách, bao năm nay tuân đủ năm điều nhân-nghĩa-lễ-trí-tín. Bát bún kia xem như ân tình của bác với tôi, đợi ngày sau tôi ghi danh bảng vàng, quyết sẽ hậu tạ bác...

Còn chưa nói dứt câu, ông chủ đã ngắt lời.

- Thôi khỏi, hạng mồm mép tép nhảy như cậu tôi còn lạ gì. Bây giờ hoặc là cậu trả tiền, hoặc tôi lôi cậu lên công đường, cậu chọn đi.

- Ấy đừng, chuyện đâu còn có đó mà. - Nho sinh xua tay, sau đó không biết nghĩ ra điều gì, "à" lên một tiếng. - Hay tôi biếu bác một bài thơ làm tin nhé? Tôi sẽ điểm chỉ ở cuối bài, đến lúc thi xong bác vẫn chưa thấy tôi trả tiền thì cứ việc cáo tôi lên quan.

Chủ quán nhìn y từ đầu tới chân, săm trái soi phải, thấy cũng không giống hạng trí trá, bèn miễn cưỡng đồng ý.

- Vậy cậu làm thử xem. Nhưng nói trước cho cậu biết, mặc dù bây giờ chỉ là thằng bán bún, nhưng xưa kia tôi cũng từng xôi kinh nấu sử, nếu bài thơ của cậu không hợp ý tôi, tôi vẫn sẽ kiện cậu đấy.

Nho sinh gật đầu tỏ vẻ đã biết rồi thoăn thoắt rút giấy, bút, nghiên, mực ra, loáng một cái đã bày biện tươm tất. Chưa đầy một tuần trà sau, trên giấy đã hiện những dòng chữ đẹp tựa tranh. Rằng:

Năm vị chung mâm khéo đua màu
Uyên ương e lệ sánh đôi nhau
Tơ mềm như lụa trong ngang tuyết
Tưởng tóc người tiên lúc bạc đầu
Thanh trong bạch ngọc thua làn nước
Đậm đà tình ý kém vị sầu
Tiệc trời chả phượng nem công ấy
Đây tuy thanh đạm có kém đâu. (4)

Khoảnh khắc đọc đến vần thơ cuối cùng, chủ quán liền hớn hở tiễn nho sinh kia đi, sau đó loay hoay tìm cách dán tờ giấy lên. Đúng lúc này, người đằng trước cất tiếng gọi chàng thiếu niên. Thì ra mõ giờ Thìn đã điểm tự bao giờ. Đệ ngũ giáp của hắn phụ trách ghi danh và lục soát hành lí của các nho sinh. Báo tên họ, quê quán xong, nho sinh phải đứng sang một bên để cấm quân rờ một lượt, không mang vật gì khả nghi mới được cho vào. Thiếu niên ngồi vào bàn, hỏi lần lượt từng người, chấm một dấu đỏ vào hàng tương ứng trong danh sách rồi phát thẻ bài khắc một trong bốn khu vực thi Giáp, Ất, Bính, Đinh cho nho sinh. Đã là trường Hội thí cuối cùng, tưởng rằng những kẻ lọt vào tận đây đều là tinh anh của đất nước, sẽ không dùng đến trò bịp bợm, ai dè có một số ít vẫn cố tìm tòi mánh khóe thật tinh vi hòng che mắt quan giám trường và cấm quân. Thô thiển thì độn thêm một lớp lót dưới đế giày rồi kẹp tờ giấy mỏng, chữ nhỏ li ti vào khoảng trống giữa miếng lót và đế giày; khéo hơn thì vá giấu vào áo lều, đường thêu xảo diệu như tay nghề mấy cô thợ phường thêu Cẩm Tú nức tiếng kinh đô, không soi thật kĩ dưới ánh sáng sẽ không thấy được. Giằng co dăm bảy lượt như thế, mãi tới gần giờ Tị mới được non nửa hàng. Thiếu niên đã nản tới mức chẳng muốn ngẩng đầu lên, cứ thế hỏi:

- Họ tên?

- Tiểu sinh họ Dật, tên Túc Việt. Túc trong "Kì tòng giả túc nhi khoan, trung nhi năng lực" (5), Việt là chữ Việt có bộ Mộc.

Leng keng.

Trong góc kia, cấm quân vừa bắt được hai hòn ngọc trong chiếc tráp son của một cậu ấm hòng hối lộ quan giám trường. Chúng va vào nhau, phát ra âm thanh trong mà lạnh. Cũng giống như giọng nói vừa cất lên bên tai hắn. Thiếu niên ngước nhìn người trước mặt, chạm phải một đôi mắt tựa trời thu, dịu dàng, thăm thẳm. Gió lại vi vu. Bên bờ tường Quốc Tử Giám trồng một cây mai trắng, cành cây vươn ra khỏi lớp gạch, rung rinh trong gió. Hoa mai đang độ khoe sắc, có bông còn e ấp nụ hồng, có bông đã xòe cánh tinh khôi, cũng có bông muốn theo gió đi về nơi xa, rồi chẳng may đậu trên vai áo người học trò. Mai trắng tựa tuyết, tuyết trắng tựa mai. Tà áo học trò như tuyết, cũng như mai, sáng ngời giữa trời đông.

- Người ở đâu? - Thiếu niên cúi xuống.

- Tiểu sinh quê ở làng Phục Linh, huyện Trí Hưng, Thúc Châu. - Nho sinh rành rọt thưa.

Thiếu niên nhúng đầu bút vào mực đỏ, lần tìm ba chữ Dật Túc Việt trong danh sách rồi chấm xuống một dấu tròn be bé như điểm chu sa. Toan ngẩng lên lần nữa để bảo nho sinh sang bên phải khám xét tư trang, bỗng có người ghé tai hắn giục giã. Hắn khẽ nhíu mày, nhưng trộm nghĩ trước nay không thiếu sĩ tử xuất thân danh gia vọng tộc, hẳn nhân vật đứng đằng sau họ Dật cũng có lai lịch tương tự nên đám cấm quân mới sốt ruột thế. Và vào khoảnh khắc kẻ nọ báo danh, thiếu niên biết mình đã đúng. Kẻ nọ cũng mặc áo trắng như bao học trò khác, nhưng chỉ cần hơi tinh ý sẽ nhận ra chất vải không hề bình thường, mà là một loại gấm dày dặn không tì vết, trông cực kì êm, xốp. Kể cả phú hộ bậc nhất trong kinh thành cũng chưa chắc đã được tận tay sờ vào thứ gấm ấy. Nghe nói tháng mười năm ngoái, nhân dịp tới kinh thành dự lễ gia quan của đại hoàng tử, Bảo Định vương đã mang theo hai mươi xấp gấm tuyết đáng giá ngàn vàng làm quà mừng. Sở dĩ đặt tên gấm tuyết là do nó được dệt từ tơ loài băng tằm quý hiếm chỉ sinh trưởng ở chân núi Côn Lăng phía Bắc dãy Nhung Phong chạy dọc nước Vệ. Băng tằm vô cùng khó nuôi, ba năm mới nhả tơ một lần, bất kể màu sắc hay độ bền đều vượt xa tơ tằm thông thường. Chiếc áo của thanh niên trước mặt hắn ắt hẳn được may từ một trong hai mươi xấp gấm tuyết kia. Còn vì sao y lại có gấm tuyết để may áo ư? Chính bởi vì cô ruột của y là người phụ nữ cao quý nhất dưới vòm trời này – đương kim hoàng hậu Lữ Tảo Hân, và y là đích trưởng tử của nhà họ Lữ, một trong ngũ đại gia tộc hùng mạnh nhất nước Vệ – Lữ Triết.

Chẳng đợi thiếu niên hỏi xong quê quán và chấm danh, một cấm quân khác đã cung kính dâng thẻ bài lên trước mặt y, không thèm liếc đồ đạc trong tay y đến một cái. Tuy nhiên, gã có lòng mà người nọ lại chẳng có dạ. Lữ Triết không nhận lấy thẻ bài, lễ độ nói với thiếu niên:

- Nhà tôi ở ngõ Bích Hòe phía Tây Nam thành. Cậu cứ việc tra hỏi theo lệ trường.

Nghe y nói vậy, thiếu niên không khỏi ngây ra chốc lát nhưng không tỏ rõ sự ngạc nhiên, chỉ cúi xuống tìm tên y, lại chấm một cái. Lữ Triết thấy hắn chấm danh xong mới dời bước đến nơi rà soát tư trang, điềm nhiên gỡ ống quyển, chõng tre, gọng lều, áo lều, nệm bông, tráp son,... xuống, nhìn chằm chằm đám cấm quân. Sau một hồi do dự, cuối cùng cũng có kẻ dám đến gần lật giở đồ đạc của y. Đúng lúc ấy, một tiếng cười vang lên, như thể chủ nhân nó đã nhịn rất lâu để tránh nhiễu loạn bầu không khí nghiêm cẩn của trường thi nhưng rốt cuộc vẫn chịu thua. Thiếu niên liếc về phía âm thanh phát ra, thấy bóng dáng mảnh khảnh kia đang đưa tay bụm miệng, làn thu ba trong mắt sóng sánh ý cười, con ngươi láo liên dòm ngó xem xung quanh có ai đang nhìn mình không, đôi mày thanh tú cong thêm, tựa hồ trên bầu trời bỗng xuất hiện hai vầng trăng khuyết. Một lát sau y mới khôi phục vẻ nghiêm túc, xoay lưng bước qua cổng.

    Vậy mà lại là Túc trong "Kì tòng giả túc nhi khoan, trung nhi năng lực" cơ đấy.

Mãi đến đầu giờ Ngọ, việc báo danh mới xong xuôi. Hai mươi chàng cấm quân chia nhau dọn dẹp bàn ghế rồi đóng cổng. Kể từ khoảnh khắc này, Quốc Tử Giám ứng với sáu chữ "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cả bên trong lẫn bên ngoài đều được canh gác cẩn mật. Các thư sinh đều đã ùa ra bốn cửa Giáp, Ất, Bính, Đinh mà dựng lều; ai có bạn thì tụm vào một góc, ai không có bạn thì hoặc dáo dác tìm đồng hương, bắt chuyện với người xung quanh, hoặc cứ thân mình mình lo, chỉ thiết chọn chỗ nào gần nhà Thái học cho dễ nộp bài. Tại bốn góc sân, sừng sững bốn cái chòi cao bằng hai người lớn chồng lên nhau, bên trên đặt ghế gỗ. Ở chính giữa sân, ngay sát bậc thềm nhà Thái học cũng là một chiếc ghế, có điều được lót nệm nhung và nom bóng bẩy hơn những chiếc trên chòi, đằng trước đặt một chiếc bàn, trên có lư hương bằng đồng để tính giờ. Ấy là chỗ ngồi của bốn vị giám quan và ông chủ khảo. Như thường lệ, việc giám sát trường thi sẽ do học sĩ Hàn Lâm viện đảm nhiệm, gồm hai thị thư học sĩ, hai thị giảng học sĩ cùng thừa chỉ – viên quan đứng đầu Hàn Lâm viện. Cách ghế chủ khảo mười bước chân về bên phải lừng lững một chiếc trống cả sơn son. Một chốc nữa, khi giờ Ngọ điểm khắc thứ ba, sẽ có người bước lên đánh ba hồi trống báo hiệu đã vào giờ thi, cũng như mời các quan giám trường an tọa.

Thiếu niên đứng nghiêm trang ở cửa Ất, chốc chốc lại lướt mắt qua từng hàng. Liệu cái người hắn đang tìm kiếm ấy sẽ nhập hội cùng đám bạn, tìm đồng hương chuyện trò, kết giao bạn mới, hay sẽ tỏ vẻ đề phòng rồi sẵn sàng xù gai như một con nhím? Nhớ lại tiếng cười ban nãy, hắn nghĩ, có khi nào y cũng đang ngó nghiêng giống hắn, chỉ dỏng tai lên hóng dăm ba câu chứ không trầm mình vào sự náo nhiệt này chăng? Thiếu niên đoán bừa, ấy vậy mà chẳng chệch một li. Lúc hắn tìm thấy người học trò họ Dật, y chốc thì chu môi, bộ dạng như đang huýt sáo, hai tay thoăn thoắt trải chiếu, dựng chõng, chốc thì nhếch môi cười tựa nghe được chuyện gì khôi hài lắm. Hoặc giả y thích cười vu vơ thế thôi. Cũng chẳng liên quan đến hắn. Đây là lần đầu thiếu niên đứng tại trường thi, nhìn những đấng mày râu tề tựu trong một vuông sân, từ diện mạo, áo quần, đến cử chỉ, phong thái đều muôn hình vạn trạng. Có người như họ Dật kia, tóc xanh như mây biếc. Có người khóe mắt đã rõ chân chim, giữa làn tóc đen ẩn hiện sợi trắng. Cũng có người hai chân thành ba, tóc tuyết râu cước giống hệt hình dung về Thái Bạch Kim Tinh trong câu chuyện ở một quán trà nào đó. Kẻ cười, kẻ nhăn, kẻ lầm rầm khấn vái, kẻ hăng hái khua môi. Còn thư sinh mày nguyệt kia nom chẳng giống đang đi thi mà giống đứa trẻ chờ trăng lên trong tết Trung Thu. Tất cả những nhộn nhạo sôi nổi ấy làm thiếu niên nhớ đến ngày đầu tòng quân, và cũng như hôm đó, mọi huyên náo lập tức quánh đặc thành một hình thù khó gọi tên, rơi xuống đất rồi vỡ tan khi ba hồi trống báo hiệu đến giờ thi vang lên. Hàng trăm con mắt đồng loạt hướng về phía nhà Thái học, chờ những thân áo đỏ, tím đội mũ cánh chuồn dưới lọng xanh bước ra. Lại một tiếng chiêng. Toàn trường thi khom lưng uốn gối, lặng ngắt như tờ. Người đàn ông áo tím đi đầu bước đến chiếc ghế sát thềm nhà Thái học. Kế đó, bốn vị áo đỏ đằng sau lần lượt trèo lên bốn cái chòi. Vậy là đủ năm ông quan giám trường. Bọn học trò nhìn các ông chòng chọc. Tất cả đều nín thở dõi theo từng động tác của quan chủ khảo, mãi đến khi ông gỡ niêm phong cuộn giấy trong tay. Thành bại, thậm chí với vài người còn là sinh tử, nằm cả trong khoảnh khắc này.

Nhìn cảnh tượng ấy, thiếu niên bỗng nhớ tới câu chuyện viên giáp đầu kể vào một đêm đông hai năm trước, về lần đầu tiên ông ra trận khi còn là thị vệ thân quân ở một châu giáp ranh dãy Nhung Phong. Thuở ấy, ba mươi lăm bộ lạc Bách Chu do tộc trưởng A Khắc Thái cầm đầu vẫn chưa quy thuận triều đình. Người đàn ông này là một bậc kì tài, dù chỉ là con út của thủ lĩnh bộ lạc nhỏ nhất Bách Chu nhưng lại có thể nối ba mươi lăm bộ lạc thành một dải, từ đó nắm chặt dãy Nhung Phong rộng lớn trong lòng bàn tay. Thế nhưng, mười năm sau khi Bách Chu thống nhất, chẳng rõ do đâu mà dân chúng sáu châu phía Bắc lại truyền tai nhau rằng A Khắc Thái là hậu duệ của Cùng Kì (6), tuy không biết bay nhưng sở hữu sức mạnh dị thường, có thể tay không quật chết voi, đánh chết hổ, hơn nữa còn thích ăn thịt người sống và hung hăng y hệt con thần thú thượng cổ ấy. Xảo diệu ở chỗ, khi ấy quả thực đã xảy ra nhiều vụ mất tích bất phân già trẻ gái trai, tất cả đều đi vào khu rừng nằm giữa Đại Vệ và Bách Chu rồi không bao giờ trở về. Bách tính sáu châu sợ đến mức chẳng dám ra đường, các phiên chợ trao đổi hàng hóa đều chấm dứt. Quan viên địa phương đã thử tiến hành điều tra, nhưng vì không tiện xâm phạm đất Bách Chu nên đành gửi thư về Ung Kinh. Lúc tin tức truyền tới kinh thành, tiên hoàng cũng nhận được một lá thư từ A Khắc Thái, trong đó tỏ rõ mong muốn hoà hảo với Đại Vệ, kèm theo lời chấp thuận để quan phủ sáu châu phía Bắc Đại Vệ điều tra án mất tích ở Bách Chu. Kì lạ thay, từ lúc ấy không xảy ra thêm vụ mất tích nào nữa. Song, sau hai tháng, khi chuyện đã đến hồi ngã ngũ vì quan phủ sáu châu không tìm ra bất cứ dấu vết nào của những người mất tích, vào một đêm dày sương, trên cổng thành Đoái Châu gần nhất với khu rừng bí ẩn nọ treo lủng lẳng một bộ xương người còn dính vụn thịt đỏ au, không ai khác ngoài tri châu Đoái Châu, bên dưới còn cắm một mũi tên với bốn dòng thơ máu:

Bớ thằng giặc lỏi con trời
Huênh hoang tự đắc đi đời có khi
Kẻ như mi xá là chi
Trời ta dám nuốt kể gì đến con! (7)

Sự man rợ cùng ngạo mạn của thủ lĩnh Bách Chu khiến tiên hoàng nổi cơn thịnh nộ. Ung Kinh ngăn chặn mọi nỗ lực thanh minh hay giảng hòa từ Bách Chu, quyết san bằng vùng đất nằm sau dãy Nhung Phong. Chưa đầy một tháng sau, hai đạo quân do Phiêu Kị tướng quân Triệu Bính và Chiêm Khuynh hầu Địch Bái chỉ huy đã bao vây lãnh thổ Bách Chu, buộc A Khắc Thái cùng đội quân của ông ta vào thế gọng kìm. Chênh lệch đáng kể về mặt lực lượng cho thấy thắng lợi nằm trong tầm tay Đại Vệ, vì vậy, kể cả người chưa từng ra trận như ông giáp đầu hay còn e sợ thủ lĩnh Bách Chu vẫn có thể hòa giọng vào tiếng hô xung phong của đội quân vạn người và cầm kiếm lao về phía trước theo vó ngựa chủ tướng. Một khi chiến thắng đã ở ngay trước mặt, đâu ai dại gì quay lưng. Những người thư sinh đang cặm cụi viết bài ở đây cũng không ngoại lệ, chỉ là những phấn đấu miệt mài này được thể hiện ở một chiến trường khác, không sáng lóa gươm đao mà thôi.

Thiếu niên đưa mắt nhìn chiếc lư giữa sân. Tuần hương đầu đã cháy được một phần ba. Đích đến đang ngày càng gần. Liệu ai sẽ là người đầu tiên chạm đến nó?

***

Chú thích:

1. Tiêu đề: Trích bài thơ "Kha cán như kim thạch" của Uông Thù.

2. Nguồn ảnh: MidJourney

3. Những chi tiết về vật dụng nho sinh thời xưa mang theo khi đi thi được tham khảo từ tác phẩm "Lều chõng" của nhà văn Ngô Tất Tố.

4. Bài thơ này do em Triều Xuân sáng tác tặng mình.

5. Trích Tả truyện, có nghĩa là "những người tùy tùng đều cung kính mà khoan hòa, trung thành mà có khả năng".

6. Cùng Kì: Một trong tứ hung theo thần thoại Trung Hoa, hình dáng như một con hổ có cánh, hung tàn và hiếu chiến.

7. Bài thơ này do em Triều Xuân sáng tác tặng mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro