doi dien cai chet-5
THẢN NHIÊN LÚC LÂM CHUNG
Làm lại cuộc đời lúc lâm chung là tạo sự thay đổi vận mệnh trong giờ phút cuối cuộc đời. Khái niệm“lâm chung” được giới y khoa đánh giá là mấu chốt quan trọng của đời người. Khi một người bị bệnh lâm sàng, giới y khoa thường tìm cách trấn an, không cho biết đang mắc bệnh gì, nguy hiểm đến tính mạng thế nào, chết lúc nào. Thái độ của bác sĩ vẫn thản nhiên, khuyên bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt bình thường để nỗi sợ hãi không xuất hiện nơi người bệnh.
Phương pháp trấn an đó rất hiệu nghiệm với người bất an, giúp họ điều hòa cảm xúc, gạt bỏ sự lo âu, sợ hãi trong tâm trí. Phần lớn, sự bất an, sợ hãi xuất phát từ sự nuối tiếc sự nghiệp và những ưu tư không biết mình đi về đâu sau khi tắt thở. Vì thế, có người vật vã không cam lòng từ bỏ những thứ mà cả đời cực khổ dựng nên. Họ sợ hãi không biết linh hồn sẽ như thế nào, khi chẳng có chuẩn bị gì cho nó lúc còn sống.
Trong khi đó, nhiều người già lại nghĩ rằng, mình còn rất khoẻ, sống thọ, chạy theo thói quen sinh hoạt lẫn nghề nghiệp, không màng đến việc điều chỉnh tâm lý, nhận thức và hành trì để có được tiến trình tái sanh theo ý muốn. Ta phải vẽ ra tương lai ở kiếp sau bằng chất liệu của đạo đức, tuệ giác và an lạc. Ta chính là kiến trúc sư của cuộc đời mình sau này, và ta là người vừa giám sát, vừa thi công công trình đó cho đến hoàn thành, cho nên việc làm lại cuộc đời là nhu cầu lớn.
Có người đặt câu hỏi, suốt đời tôi học giáo lý Phật giáo, có niềm tin tôn giáo, chưa bao giờ làm điều xấu, sống bằng lương tâm và lý trí, luôn mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, thì cần gì tôi phải làm lại cuộc đời trước lúc lâm chung?
Đặt vấn đề như trên, trong chừng mực nào đó, ta nghe cũng có lý. Tuy nhiên, khái niệm làm lại cuộc đời ở đây, không có nghĩa là ta chuyển đổi đời sống theo khuynh hướng từ đời sống tội lỗi trong quá khứ, trở thành tốt đẹp ở hiện tại.
Việc làm lại cuộc đời có ý nghĩa đầu tư, phát triển đời sống tâm linh để có sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai. Làm mới cuộc đời là cách cài đặt lệnh điều khiển của tâm trong tiến trình nhận thức, và chuyển hoá các phản ứng tâm lý thông qua sự biểu đạt của lời nói, ý nghĩ và việc làm.
Khi công tắc của tâm tuệ giác được thiết lập trong não trạng thì sự hành hoạt sẽ đi theo quỹ đạo như là con chíp điều khiển, hay những robot được điều khiển bởi những con chíp đã lập trình sẵn. Lúc ấy, lối sống của ta được thiết lập và tuân theo sự điều hành của con chip tuệ giác này. Đường hướng của “con chíp tuệ giác” này sẽ dẫn đạo ta sống theo cách nào đó, để khi đối diện với tuổi già, ta không bị cảm giác vô vị và cô đơn chi phối. Hai cảm giác này thường làm cho người già phải đối mặt với nỗi khổ niềm đau.
Muốn chuẩn bị tốt cho đời sống kiếp sau, điều quan trọng là ta phải biết buông bỏ tất cả những gì cần buông bỏ. Việc rời bỏ sự nghiệp mà mình đã từng dấn thân suốt mấy mươi năm là điều ít khi được người đời chấp nhận. Sở dĩ không buông bỏ được là do cảm xúc của ta có tính vướng mắc. Những gì được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời, cho dù có điều kiện hay không điều kiện cũng tạo phản ứng thói quen. Phản ứng đó đẩy ta tới phía trước, cho đến khi có một cản lực nào đó chặn lại, ta mới có khuynh hướng phấn đáu để vượt qua. Cho nên, những người đối mặt với tuổi già, có người mang tâm trạng tiếc nuối, cảm giác cô đơn vì bị thay thế.
Nếu hành giả là người độc đoán, có nhiều lo lắng, hay bệnh trách nhiệm quá mức thì cưỡng lực nội tại của họ sẽ tạo ra sự đối kháng, làm cho người ấy có cảm giác khó chịu, mặc cho thế hệ con cháu đã tiến bộ, vượt xa thế hệ của họ nhờ những phát minh hiện đại. Họ vẫn cho rằng khả năng, kiến thức của mình, thế hệ sau không thể hơn được. Thái độ đó níu kéo con người thụt lùi, không sẵn sàng chấp nhận buông bỏ. Lúc ấy, họ cảm thấy cô đơn, tự thiết lập trạng thái tâm lý đau khổ, tự dựng lên bộ phim mà chính họ là đạo diễn, là diễn viên rồi tự độc thoại, tranh luận, tạo ra những kịch tính để giải quyết vấn đề và tự thoả mãn tâm lý phức cảm đang diễn ra.
Nếu không học thái độ buông xả đối với những gì không cần thiết trong đời thì khi phải đối diện với tuổi già, sự tiếc nuối, cô đơn, buồn chán sẽ tạo ra cảm giác rằng mình không còn ý nghĩa, bị người khác thay thế, bị thế hệ sau đẩy lùi… Tâm trạng đó dẫn ta rơi vào tình thế bị bế tắc, dòng cảm xúc bị đóng băng, hay có thái độ nhìn cuộc đời theo cách nhà Nho nói:“ngũ thập tri thiên mệnh”, tức là đến tuổi năm mươi là đã biết vận mệnh an bày.
Con người có khuynh hướng an phận thủ thường, vì cảm thấy chán ngán khi phải đối đầu, va chạm, tiếp xúc và giải quyết nhiều bế tắc, hoặc có thái độ bảo hòa sao cũng được.
Quan niệm“thiên mệnh” là thái độ sai lầm, theo cách cho rằng: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”. Cái lưới vô hình của nhà trời giăng bủa khắp nơi, khắp chốn, ta không thể nhìn thấy bằng mắt, nhưng dòng cảm xúc, ý nghĩ và hành động, việc làm của ta như thế nào đều bị phủ vây. Hạnh phúc, khổ đau, hên xui, may rủi, thành công, thất bại đều được thiết lập từ cái lưới trời mông lung đó.
Chính vì quan niệm“thiên mệnh” ấy, con người dễ dàng an phận. Người nào đã từng sống với chủ nghĩa duy ý chí, nỗ lực rất nhiều để mong đạt được những giá trị và sau nhiều nỗ lực vẫn thất bại thì khái niệm về lưới trời, thiên mệnh, định mệnh dễ được hình thành chân lý. Cho nên ta cần thực tập tuệ giác để khi gặp phải những bất trắc, ta không rơi vào khuynh hướng tiêu cực và bế tắc.
Vấn đề làm lại cuộc đời ở tuổi già là .nhu cầu lớn. Ta phải cắt đứt quan niệm “luật trời” để thấy được tiến trình nhân quả diễn ra một cách hữu hiệu, đa chiều, loại trừ lẫn nhau giữa những hạt giống tốt xấu, hoặc trung tính mà ta tạo ra có ý thức, hoặc vô ý thức trong thời gian có mặt trong cuộc đời. Không để cho tiến trình nhân quả đẩy ta vào sự lựa chọn bất đắc dĩ, bởi trong trạng thái bất đắc dĩ, con người thường có thái độ ngao ngán với thân phận bạc bẽo, nhân tình thế thái đen bạc, những nỗi khổ, niềm đau, sự bất hạnh, những khó khăn, hoặc những tai ách... Những điều ấy làm con người mong mỏi vào sự trợ giúp của Thượng đế và các Thần linh.
Hiện nay có không ít Phật tử đến chùa lễ Phật, tụng kinh, bái sám với thái độ nhất Thần, xem ông Phật như thần linh. Có Phật tử mua nải chuối, nhang thơm đặt lên bàn thờ Phật rồi quỳ lạy, van xin Phật ban cho đủ điều, đủ thứ. Cũng có người vì đau khổ, bức xúc rồi quên mất mình là Phật tử đã học giáo lý và hiểu về nhân quả. Vẫn biết trong tiến trình nhân quả không có ai đóng vai trò trung gian can thiệp vào khổ đau hay hạnh phúc. Một số Phật tử cứ thần linh hóa đức Phật cầu nguyện Phật giúp cho mình đạt được điều này, việc kia. Khi lạy Phật xong, dùng hai tay áp vào tượng Phật rồi xoa lên đầu mong Ngài truyền cho sự linh thiêng hay ban bố điều tốt đẹp.
Tất nhiên, lòng tôn kính chư Phật mang lại cho người Phật tử ấy phước báu nhất định. Nếu nghĩ là đức Phật trao truyền sự mầu nhiệm, vượt qua bế tắc trong cuộc đời là không chuẩn xác.
PHÁT HUY YẾU TỐ TỰ LỰC
Tiếp cận đạo Phật với thái độ như vậy là rất sơ sài. Còn những viên ngọc quí báu về con đường tâm linh, chuyển hoá, tuệ giác vốn cần thiết cho sự thay đổi vận mệnh thì chưa quan tâm đúng mức. Đây mới là cốt lõi, quan yếu của đạo Phật đối với đời sống của người Phật tử.
Sẽ có nhiều người không đồng tình, bởi họ cho rằng, họ đã kinh nghiệm sự huyền bí, linh thiêng thông qua nguyện cầu. Kết quả vẫn đạt được thỏa mãn, từ đó, họ lưu lại những kinh nghiệm ấy bằng sách vở hay truyền miệng lẫn nhau. Tôi không phủ định chuyện đó. Thực ra, kết quả đó là nhân quả của các hạt giống mà ta đã gieo trồng trong quá khứ, đến nay hội đủ duyên và kết tụ lại thành quả. Nói theo một vị thiền sư Việt Nam:
Mộc trung nguyên hữu hoả
Nguyên hoả phục hoàn sanh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toản toại hà do manh.
Nghĩa là trong cây là có chứa đựng chất liệu của lửa, nhờ đó, khi đủ điều kiện, cây tạo ra nhiên liệu. Nếu trong cây không có nhiên liệu thì động tác cọ xát chúng không thể tạo ra lửa. Thời xưa, khi chưa có những phát minh về cách tạo lửa vào mùa nắng, người ta lấy những khúc cây khô cọ xát nhau để tạo ra lửa. Nếu trong bản chất của cây không có lửa, cho dù ta có cọ xát đến mòn hết cả khúc cây, cũng không thể nào phát lửa được. Do chưa hiểu thấu đáo bản chất sự việc, người ta thường lý giải kết quả theo chủ nghĩa huyền bí. Những lời nguyện ước như để nhân tốt trổ quả lành. Khi sự cọ xát của hai khúc cây đúng theo điều kiện tất yếu thì lửa phát sanh, còn cọ xát chưa đúng mức thì lửa không xuất hiện, mặc dù tiềm năng lửa đang có trong cây.
Phật giáo không lý giải những kết quả từ cầu nguyện là chủ nghĩa huyền bí, mà lý giải theo góc độ nhân quả như sự vận hành nội tại của những hạt giống có sẵn. Con người với trí tuệ, nhận thức và hành động có thể tạo ra kết quả như mong đợi. Không có bất kỳ đấng Thượng đế, Thần linh nào có thể làm được việc này như các tôn giáo khác lý giải. Những cái ta có được, những việc ta thành công hoàn toàn không nhờ Thượng đế, Thần linh hay linh hồn người quá cố phù hộ, giúp đỡ mà do khối óc và bàn tay con người tạo nên.
Nếu nhận dạng tiến trình nhân quả quyết định vận mệnh con người thì việc làm mới vận mệnh trước lúc lâm chung là cách thức đổ dồn chất liệu tự lực nhiều hơn yếu tố tha lực. Ta không thể ngồi trông chờ lòng từ bi của đức Phật A-di-đà hay Bồ-tát Quán Thế Âm. Nói như vậy không có nghĩa ta phủ nhận lòng từ bi của Phật và Bồ-tát. Nếu yếu tố tự lực qua năng lực tiềm tàng không đủ mạnh thì lòng từ bi vẫn là lòng từ bi, ta không đạt được kết quả gì. Nói cách khác, lòng từ bi trong phát nguyện (khác với trong thực hành) như bức tranh trong viện bảo tàng, ta chỉ có thể ngắm nhìn, thưởng thức chứ không thể sở hữu được nó.
Tiếp cận với đạo Phật là để thắp sáng chất liệu tuệ giác và tình thương mà đức Phật để lại trong kinh bằng công thức và phương pháp hành trì. Khi ta biết kích hoạt những công thức đó thì chất liệu từ bi và tuệ giác sẽ có mặt trong đời sống. Ta đang làm mới cuộc đời. Nếu không sự bế tắc, đóng băng cảm xúc, nỗi khổ, niềm đau và những bất hạnh có thể làm cho ta phiền não đến loạn trí, dẫn đến những hành động có hại cho cuộc sống hiện tại, ảnh hưởng xấu đến tiến trình tái sanh.
Nếu ta đầu hàng vô điều kiện nỗi khổ niềm đau trong hiện tại thì bế tắc này sẽ kéo theo khuynh hướng tâm lý tiêu cực trong tương lai. Đó cũng là lý do con người có mặt với hình thức một phôi thai trong bụng mẹ đã có những tính cách khác nhau, kẻ tiêu cực, người tích cực.
Tôi tin rằng trong tương lai các nhà khoa học sẽ tạo ra máy đo được não trạng và cá tính của thai nhi, để ta thấy sự khác nhau về tính cách qua sự biểu đạt tần sóng biến thiên. Cá tính của con người không chỉ do kết quả thuần túy của giáo dục, hay xúc tác của môi trường xung quanh, mà nó có quán tính từ khi con người mới tượng hình trong bụng mẹ. Nếu có sự hỗ trợ của giáo dục và môi trường, hạt giống trong quá khứ sẽ được thay đổi theo hướng tích cực.
Đời sống hiện tại chịu ảnh hưởng của đời sống quá khứ khoảng một phần ba, hai phần ba còn lại là do sự tác tạo mới ở hiện tại. Một phần ba của đời sống quá khứ chủ yếu chi phối ta trong giai đoạn khả năng tự ý thức của ta chưa phát triển trọn vẹn, có thể dẫn đạo ta theo khuynh hướng tiêu cực hay tích cực. Trong quá khứ, người chết có khuynh hướng bi quan, yếm thế thì cá tính của người tái sanh ấy, dù là một bé nam, hay một bé nữ, cũng đều có chất liệu đó ẩn chứa tiềm tàng, và khi có cơ hội, nó bộc phát ngay. Như vậy, nếu ta thiết lập công trình đời sống của mình trong tương lai bằng hạt giống của sự bế tắc thì đời sống kiếp sau không thể mở ra những giá trị tốt đẹp được.
ĐÁNH LẠC HƯỚNG TÂM TIÊU CỰC
Ta thấy trên đời này không thiếu chi người thành tựu được gia tài, sự nghiệp, công danh, thế mà nỗi khổ, niềm đau vẫn đang có mặt, nhất là những bế tắc về tình cảm đang kích hoạt mạnh mẽ làm cho họ thất điên, bát đảo. Các chất liệu cảm xúc ấy, nếu không điều chỉnh thì khuynh hướng bế tắc dẫn đến cái chết do những bức xúc ấy có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Phương pháp trì hoãn hay phương pháp đối trị của Phật giáo có thể làm chậm lại những phản ứng bế tắc để nối lại chất liệu sự sống, hoặc hỗ trợ cho người đang rơi vào tình trạng bế tắc có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhất là trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Sự trì hoãn liên hệ đến thời gian, thông qua việc chuyển đổi đối tượng, hay còn gọi là chuyển đài tâm. Tâm như một cái máy phát ra nhiều tần số tâm thức khác nhau. Nếu ta là người nhạy cảm thì làn sóng âm này là hạnh phúc, khổ đau, buồn, vui thất thường. Trình tự tâm lý lên xuống thay đổi liên tục với chiều biến thiên ta không thể ngờ được. Nếu ta sống với lý trí thì làn sóng âm là cương nghị, chính trực, vô úy. Nếu ta là người có tuệ giác, hiểu được sự tùy duyên để tạo sự an vui hạnh phúc trong cuộc đời thì làn sóng tâm sẽ tích cực, tạo ra cộng hưởng, ảnh hưởng tốt người xung quanh. Nói chung, bất cứ người nào tiếp xúc với ta, tần số tâm thức góp phần tạo ra giá trị của hạnh phúc và khổ đau. Ta cần tạo tiến trình trì hoãn cảm xúc tiêu cực xuất hiện, để cho khuynh hướng tiêu cực được khoanh vùng ở một điểm nhất định nào đó. Chính thời gian sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau dần tan biến, mặc dù không dứt sạch được.
Trong thiền viện Trung Hoa, các Thiền sư thường hay kể các câu chuyện về nghệ thuật kéo hoãn khuynh hướng của những người có ý nghĩ tiêu cực như buồn rầu, chán nản hay muốn tự tử, giúp họ có cơ hội chuyển tâm, làm mới cuộc đời.
Chuyện kể như sau, có một chàng thanh niên đem lòng yêu thương một cô thiếu nữ đẹp duyên hơn anh nhiều. Sau một thời gian thân thương nhau, cô thiếu nữ thay lòng, đổi dạ yêu thương một chàng trai khác. Biết chuyện, anh ta rất buồn và nghĩ rằng, mình đã hy sinh rất nhiều cho tình cảm này, vậy mà không được đáp lại trọn vẹn. Bị người yêu phụ bạc, tức lắm, anh ta nảy sinh ý nghĩ giống như nhà thơ Hàn Mạc Tử khi bị người yêu bỏ rơi “Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp bẽ bàng.”
Ý nghĩ của anh lúc này là giết chết cô ấy để rửa mối hận này, nhưng anh càng muốn giết người mình yêu bao nhiêu thì nỗi khổ, niềm đau trong lòng anh càng gia tăng dữ dội bấy nhiêu. Bực tức, khó chịu, bởi dòng cảm xúc của ảo giác về hạnh phúc trong tình yêu tăng trưởng. Thực ra, cảm xúc đó không phải là hạnh phúc mà là cội nguồn của nỗi khổ niềm đau. Có lúc anh ta nghĩ quẩn, muốn tự giết chết mình, để thoát khỏi nỗi khổ đau này.
Biết anh là người điên đảo vì tình, nhiều người khuyên can, nhưng anh không nghe, quyết lòng tự tử. Anh cho rằng, nhân tình thế thái quá ư phủ phàng, đen bạc với mình. Bây giờ có sống thêm cũng không ý nghĩa gì. May thay, anh gặp một người hiểu đạo mà khuyên anh nên trì hoãn ý định, không cần phải chết vội, tìm cơ hội chết cho có ý nghĩa hơn.
Một hôm đến nhà chơi, người bạn ấy nói với anh rằng: “Tôi thấy anh có nhiều quần áo chưa được ủi thẳng, anh hãy đem nó ra ủi thẳng cho đẹp”. Sau khi ủi xong đống quần áo, anh đến trước bàn Phật, niệm Phật khấn cầu một điều may mắn nào đó, rồi anh bình tĩnh tự tử cho êm đẹp. Chết thì lúc nào chả được, có muộn đâu mà phải vội. Anh hãy nghe tôi, làm như thế, tôi tin rằng cái chết của anh sẽ tốt đẹp và kết thúc được mọi khổ đau. Nghe người bạn nói, anh thấy có lý. Anh nghĩ rằng, mình đã may mắn có được người bạn thật sự hiểu mình, giúp mình có cái chết tốt hơn. Anh ta liền đi lấy áo quần ra ủi. Anh ủi một cách chăm chú, ủi xong, mặc áo vào, ngồi trang nghiêm ngay ngắn trước bàn Phật và khấn: “Bạch Thế Tôn, con sắp sửa ra đi, mong Thế Tôn chứng minh và cho con có được những giây phút an lành”. Trong lúc anh tập trung khấn vái, lạy Phật, người bạn âm thầm lặng lẽ ra về không cho anh biết. Lạy Phật xong anh quay lại nhìn quanh không thấy bạn mình. Trong gian phòng tĩnh mịch, chỉ còn anh với bốn bức tường và tâm tĩnh lặng. Bấy giờ dòng cảm xúc cô đơn trỗi dậy. Anh bắt đầu sợ chết. Chính lúc đó, anh đã thức tỉnh và tự hỏi lại mình, tại sao mình phải chết? Tại sao mình lại từ bỏ cuộc sống ở tuổi trẻ trung thế này? Chết như thế có ý nghĩa gì? Tại sao không sống cùng bạn để chia sẻ bao lúc buồn vui? Trong đầu anh lúc đó tuôn ra không biết bao nhiêu câu hỏi, thắc mắc, anh chưa tự trả lời được. Bất chợt, anh cảm thấy sự đau khổ vì si tình cũng tan biến tự bao giờ. Lòng anh lắng dịu với những hơi thở nhẹ nhàng, nhớ về người bạn rất hiểu, thương và chân thành với biết bao kỷ niệm vui buồn đã từng bên nhau. Từ đó, anh cảm thấy yêu đời, không còn muốn chết nữa.
Có những bế tắc trong cuộc sống làm cho con người muốn tìm đến cái chết. Tuy nhiên, tìm đến cái chết không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề. Tự tử là kết quả của sự quẩn trí, không những nó không giải quyết được vấn đề gì, mà còn dẫn đến những khổ đau tiếp theo. Trong tình huống đó, nếu ta trì hoãn được những bức xúc thì ức chế cảm xúc sẽ được giải tỏa. Sự giải tỏa ức chế là phản ứng phóng thích, tháo gỡ bế tắc. Nó giống như ta mở sợi dây thun đang gút cái bong bóng căng phồng, tức thì quả bóng xì hơi không còn căng nữa, không bị nổ tung. Cũng vậy, khi cơn khủng hoảng trỗi dậy, sự bế tắc dâng trào và thắt chặt mà trì hoãn được thì cảm xúc khổ đau sẽ được tháo gỡ rất nhanh. Do vậy, trì hoãn cảm xúc là nghệ thuật giải toả bế tắc, Phật giáo gọi là phương pháp đối trị.
Ngoài ra, còn có phương pháp đối trị bằng sự liên tưởng. Nghệ thuật liên tưởng có hai đối tượng: một là đối tượng vật lý; hai là đối tượng tinh thần. Phương pháp liên tưởng để đối trị được thiết lập trên tính chất của đối vật, xem đối tượng là cơ hội của sự quán chiếu. Đối tượng là một giá trị nhỏ mà kết quả đạt được là giá trị tinh thần lớn hơn.
Trở lại câu chuyện anh thanh niên thất tình muốn tự tử nêu trên. Làm theo lời khuyên của người bạn, anh tạo ra cách đối trị mà không biết. Đối tượng quán chiếu là hình ảnh đức Phật trên bàn thờ, mặc dù anh nạp nội dung quán chiếu bằng thái độ tiêu cực: xin Thế Tôn chứng minh, con sẽ chết… Khi anh liên tưởng đến Thế Tôn, hạt giống tuệ giác trong anh được khai mở. Hạt giống tuệ giác này được gieo trồng khi anh đọc một quyển kinh, hay khi nghe pháp thoại v.v… Hạt giống tuệ giác ấy lúc này được kích hoạt, nó điều khiển cảm xúc làm cho anh tĩnh ngộ, thấy được giá trị cuộc sống. Khi sự tỉnh thức có mặt thì dòng cảm xúc si tình, chán nản, thất vọng tan biến mất.
Do đó, loại trừ cảm xúc tiêu cực là hoạt động không có sự tương nhượng, cái nào mạnh sẽ đóng vai trò khống chế, phủ trùm lên cái yếu hơn. Tuệ giác là năng lượng tích cực, có khả năng khống chế, phủ trùm, triệt tiêu khối năng lượng tiêu cực. Khi có được những tia sáng của tuệ giác soi vào dòng cảm xúc tiêu cực, các huyệt mạch bế tắc cảm xúc được khai thông, từ đó, anh không còn ảo giác cho rằng, chết là hạnh phúc, chết là giải quyết được các vấn đề đau khổ nữa.
Khi gặp khổ đau, bế tắc, ta lấy hình ảnh đức Phật làm đối tượng quán chiếu, sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa cho cuộc sống, bởi vì, đức Phật là biểu tượng của tình thương và tuệ giác. Nơi nào có tình thương và tuệ giác thì nơi đó có sự sống, hạnh phúc, cách tân, theo hướng thăng hoa. Do vậy, chỉ cần thiết lập con chip tuệ giác vào não trạng của người đang có hạt giống tiêu cực, chán chường, bằng cách khuyến tấn người ấy nghe những băng giảng Phật pháp của các thầy mà họ ái mộ, hoặc khuyến dụ họ với mình cùng nghe pháp thoại hay thì trạng thái tiêu cực kia được trì hoãn hoặc tan biến.
SUÝT CHẾT DO TẨU HỎA
Sau đây là câu chuyện có thật trong quá trình tu tập của một vị Thượng tọa có vai trò trong một giáo phái Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Vị Thượng tọa này do tu tập sai phương pháp, quán tưởng thiếu nghệ thuật, nên bị tẩu hỏa nhập ma. Khi quán tưởng, lúc nào Thượng tọa cũng nghe những lời thúc giục vang vọng vào hai lổ tai:“Hãy nhảy xuống sông đi, thế giới Cực Lạc ở dưới đó”. Những lời thúc giục thôi thúc Thượng tọa tìm đến thế giới an vui bằng cách nhảy xuống sông kết liễu cuộc đời. Hôm đó, Thượng toạ đến cầu Mỹ Thuận ở miền Tây, đến giữa cầu Thượng tọa lao thẳng xuống sông, vừa lúc đoàn xe của một quan chức cao cấp chạy qua, thấy có người nhảy sông, lực lượng bảo vệ lao xuống sông vớt lên và Thượng tọa bị ghép vào tội chống chính phủ, bị bắt giam.
Thế là, cuộc tự tử bất thành, Thượng tọa bị bắt giam oan ức. Thời gian ngồi trong tù là cơ hội Thượng tọa tháo gỡ được bế tắc tâm lý. Thượng toạ nhận ra phương pháp tu tập của mình là sai lầm, ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh thính giác, tạo ra ảo giác như có ai đó nói bên tai. Khi được tha tù, Thượng toạ về chùa, đến bệnh viện tâm thần điều trị một thời gian thì ảo giác không còn nữa. Sau này khi giảng pháp, Thượng toạ thường hay kể lại chuyện đó cho đại chúng nghe.
Thường thì ảo giác tạo ra cái chết là những ảo giác có chất gây nghiện của hạnh phúc, xúc tác não bộ tạo ra cảm giác lâng lâng, lôi cuốn con người lao theo cảm giác đó. Người bị ảo giác cảm thấy rằng đây là một thế giới hạnh phúc chứ không phải là sự bế tắc, khổ đau. Cho nên, cứ lao theo mà không cần biết hệ quả thế nào. Rất may những tình huống xảy ra trái ngang có được sự cản ngăn, tạo cơ hội sống và làm mới cuộc đời.
Trong Phật giáo có dạy, “phiền não tức bồ đề”. Câu này mới nghe, thấy hơi nghịch lý, nhưng đó là một triết lý hay. Ta không nên hiểu triết lý ấy theo cách xem phiền não xuất phát từ tham, sân và si, có thể thành chất liệu của giác ngộ, không cần tu tập. Nếu hiểu sai, ta sẽ có thái độ bưng bít nỗi khổ niềm đau, tạo ra khuynh hướng phàm phu trưởng thành, lôi kéo ta vào tiến trình sinh tử.
Triết lý đó là một ẩn dụ cho thấy rằng, ta không cần tìm giá trị của an vui, hạnh phúc ở thế giới Tây phương Cực Lạc, hay Niết-bàn ở một nơi khác sau khi chết. Hạnh phúc có mặt ngay trong thế giới hiện tại, trên mảnh đất ta đang sống. Ta thiết lập nó bằng tâm từ bi, tuệ giác, điều chỉnh những sai lầm về nhận thức và cảm xúc ngay trong đời này. Đó là triết lý tích cực cho con người, mà đức Phật đã giảng dạy khắp nơi trong bốn mươi chín năm Ngài hoằng pháp độ sinh.
Theo kinh điển mô tả, một ngày đức Phật chỉ ngủ hai hoặc ba giờ đồng hồ. Khi đã tám mươi tuổi, Ngài cũng chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm. Đức Phật ngủ trong trạng thái bình an, không hề có mộng, vì vậy, dù chỉ hai tiếng đồng hồ, vẫn đủ sức khoẻ để làm Phật sự cho hai mươi hai giờ còn lại. Ngài thuyết pháp cho chư Thiên, Bồ-tát, chúng sinh ở hành tinh khác và loài người, giải quyết các vấn đề khúc mắc trong nội bộ Tăng lữ. Nếu ta nhìn đức Phật dưới góc độ nhân vật lịch sử thì Ngài làm việc quá nhiều, nhưng chưa bao giờ bị rơi vào trạng thái căng thẳng, quá tải như ta bây giờ. Đức Phật luôn sống trong trạng thái hành xả hoàn toàn. Tức là làm nhiều việc, nhưng không dính mắc vào việc gì, không tạo điều kiện để cảm xúc bám vào việc đang làm.
Ta biết rằng, vận mệnh con người có thể thay đổi nhiều lần. Khái niệm lâm chung trong trường hợp mong muốn được chết của người tự tử không giống như giờ phút cuối của người chết lâm sàng. Không làm chủ được đời sống, khi đối diện cái chết, thái độ tiêu cực dẫn dắt ta vào cảnh giới xấu.
TIỀU TỤY DO MÊ TÍN
Năm 1998, có một Phật tử đến thăm chúng tôi tại chùa Giác Ngộ, sau nhiều năm định cư tại Hoa Kỳ. Năm ấy, bà đã tám mươi tuổi. Bà có người con xuất gia là huynh đệ với chúng tôi. Lúc con bà xuất gia, bà vô cùng khổ đau và chán chường. Có người hỏi:“Con đi xuất gia học Phật tại sao bà lại chán chường như vậy?” Bà nói: “Tôi buồn chán không phải chuyện con tôi đi xuất gia học Phật, mà có người nói, tháng bảy này tôi sẽ chết, tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, nhưng trong lòng rất buồn rầu, chán nản, vì mình còn khỏe mạnh và có trách nhiệm với con cháu mà chết thì uổng lắm.” Nhìn bà, tôi thấy bà đang bị ảo giác, khổ đau, lo sợ cái chết vô cùng lớn. Những ảo giác về cái sắp bị chết diễn ra trong bà như một sự thật hiện hữu.
Tôi dùng phương tiện, bảo bà đưa bàn tay ra cho tôi xem mệnh đạo của bà như thế nào. Vì tôi có học môn xem chỉ tay bên Ấn Độ. Xem xong, tôi cười nói với bà rằng bà có thể sống đến trên chín mươi lăm tuổi. Lúc ấy, ánh mắt bà sáng lên đầy hạnh phúc, nói:“Thiệt hả thầy?” Tôi cười vui và nói tiếp, bà còn có cặp chân mày dài như tiên nhơn, đầu tóc trắng phau, đây là những tướng tuổi thọ, không có gì phải lo. Tôi khẳng định một lần nữa là bà sống không dưới chín mươi lăm tuổi. Bà mừng rỡ vô cùng. Đến nay đã mười năm, bà vẫn còn khỏe.
Đôi khi ảo giác về cái chết làm cho ta tưởng rằng đời ta đến đây là hết, rồi ta không chuẩn bị gì, cứ thả vận mệnh như lục bình trôi, lệ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống, mặc cho nó trôi thế nào thì trôi. Suy nghĩ như vậy, nhiều người phó mặc đời mình vào những trò mê tín dị đoan, tử vi, tướng số, hay của sao chiếu mạng v.v... Dựa vào những điều ấy, vô tình ta đã đánh mất đi tám phần mười giá trị hạnh phúc trong hiện tại. Ta nên tâm niệm cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai, dù già hay trẻ, để không còn sợ hãi nữa.
Hình ảnh “thần chết” đức Phật đưa ra là một ẩn dụ. Ẩn dụ này như một cơn gió thổi qua. Tính chất của gió là lưu động, có mặt ở khắp mọi nơi. Đôi lúc thấy trời trong, nắng gắt, cây cối lặng yên, tưởng chừng như không có gió, nhưng sự lưu động của không khí luôn diễn ra không hề đứng yên. Khi cơn gió thần chết thổi qua, nếu ta là chiếc lá vàng (tuổi già) thì chiếc lá sẽ rơi rụng dễ hơn, nhanh hơn. Nếu ta là chiếc lá xanh (tuổi trẻ) thì nó rơi rụng chậm hơn. Đã là chiếc lá thì phải rụng, có điều là rụng trước hay rụng sau mà thôi. Yếu tố rụng rơi của chiếc lá lệ thuộc vào tiềm năng sống của cây dưới tác động của môi trường, hoàn cảnh, điều kiện xung quanh nơi cây. Ta phải biết chấp nhận cái chết đến với ta như sự rụng rơi của chiếc lá trong cơn gió thổi vậy.
Hiểu được qui luật tất yếu của tự nhiên, ta không hề sợ hãi cái chết diễn ra, vì chết là một quy luật, một sự thật, một thực tại. Cái chết, theo quan niệm của đạo Phật chỉ là một cách thay cũ, đổi mới hay hết trang này ta sang trang khác mà thôi. Hiểu được như vậy, ta sẽ sống an lạc, thảnh thơi trong đời này, không lo sợ, không bị cái chết chinh phục và chi phối
ĐỔI VẬN MỆNH BẰNG TÌNH THƯƠNG
Tuổi già là giai đoạn dễ đi vào trạng thái vô vị và cô đơn. Những người già mang nặng trạng thái ấy thường dễ dẫn đến cái chết sớm hơn. Nhất là những người sống trong nền văn hóa Âu - Mỹ. Lúc còn nhỏ, họ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc bằng nền văn hoá tự do, với chất riêng tư, và đề cao cái “Tôi” Thế giới riêng tư này được sự bảo vệ của luật pháp. Nếu ai đụng chạm vào cái riêng tư ấy có thể bị thưa kiện. Vì thế, bản ngã được nuôi lớn rất nhanh, rất cơ hữu. Từ đó, khi cha mẹ đến tuổi già yếu, con cái được quyền bỏ quên cha mẹ. Họ nghĩ rằng, giữa họ và cha mẹ không nhất thiết phải có trách nhiệm về đạo đức, hay mối quan hệ thiêng liêng. Hệ thống luật pháp ở xứ sở này cho phép họ suy nghĩ như vậy.
Ở Mỹ, một số người già được con cháu gửi vào các trung tâm dưỡng lão, bởi con cháu còn làm việc, không có thời giờ chăm sóc. Những người già này dễ bị ức chế cảm xúc. Họ cho rằng, mình là người bất hạnh, con cái không hiếu thảo, bỏ rơi, phải ăn nhờ, ở đậu, đơn côi, cô quạnh. Có không ít người đã không chịu nổi hoàn cảnh sống như vậy, nên tiến trình dẫn đến cái chết diễn ra sớm hơn. Có người quan niệm rằng, mình đã từng sống vui vẻ với bạn bè, người thân, bây giờ phải sống thui thủi một mình, không người quan tâm, thỉnh thoảng mới có một vài đoàn từ thiện xa lạ đến thăm qua loa rồi ra về, hoặc có người đến chăm sóc để quay phim, chụp ảnh làm tư liệu phát động chương trình từ thiện.
Những người nhạy cảm xúc thì nỗi buồn tủi xuất hiện rất lớn, cho dù được thăm một cách chân tình. Có người già nghĩ rằng, họ sống ở đây như gánh nặng cho xã hội, không ai thương tưởng chân tình với họ. Cho nên, khi có người đến thăm viếng, tặng quà, họ xem đó là một sự xúc chạm bản ngã.
Cứ khoảng nửa tháng hay mỗi tháng, ta nên có một lần đến các bệnh viện để thăm hay giúp đỡ, và chứng kiến, để cảm nhận nỗi khổ, niềm đau của cuộc đời. Khi đứng trước những cảnh khổ đau của người bệnh, truyền thông từ bi sẽ có mặt, giữa họ và ta tạo ra sự cảm thông. Là người ai cũng có nhu cầu cảm xúc cần được bảo vệ, chăm sóc. Do đó, sự thiết lập công đức trong trường hợp này là tiến trình nhân quả của tâm, không khác gì làm từ thiện với tâm buông xả và thái độ vô ngã, vị tha.
Nếu làm từ thiện không xuất phát từ tấm lòng từ bi, vô ngã, vị tha thì các công đức sẽ không có mặt. Bố thí cầu danh tạo ra lòng tự hào, sự hãnh diện của bản ngã. Do vậy, ta càng dấn thân với thái độ này thì càng xa đạo nhiều hơn. Các Tổ xưa kia khuyên người làm Phật sự nên nhớ rằng, khi làm Phật sự mà thiếu lòng từ bi và tuệ giác thì các việc đó trở thành ma sự.
Khi đến với người bệnh, dù già hay trẻ, ta nên hiểu họ là người cần sự sống, cần được tôn trọng, cần chăm sóc và yêu thương. Đến với họ với tất cả tấm lòng thì chất liệu của lòng từ bi sẽ được thiết lập trực tuyến giữa mình với người. Mặc dù mắt họ không nhìn thấy, tai không còn nghe, nhưng truyền thông của lòng từ bi vẫn được thiết lập, nỗi khổ, niềm đau trong họ được lắng dịu, vơi đi. Đến với họ bằng tinh thần như vậy thì chất liệu hạnh phúc trong họ sẽ có mặt, họ cảm thấy mình không cô đơn hay bị hất hủi, giá trị cuộc đời chưa phải chấm hết, mà còn có giá trị tình người. Nếu ta có lòng kiên nhẫn, hãy đến bên cạnh họ tâm sự, chia sẻ, để họ có cơ hội thổ lộ những ẩn uất trong lòng, lúc ấy nỗi khổ niềm đau trong họ sẽ được phóng thích, không còn sân hận, sầu vương. Sự đổi mới dòng cảm xúc này sẽ thay đổi vận mệnh của họ.
Khi nỗi khổ niềm đau đã được phóng thích thì tuổi thọ được tăng lên và họ sống có ý nghĩa hơn. Chuẩn bị cái chết theo lối suy nghĩ tiêu cực rằng tôi sẽ chết, tôi ngưng làm việc, tôi dành thời gian lạy Phật, tụng kinh, bái sám mỗi ngày, để tôi chết được nhẹ nhàng và thanh thản. Cứ để cái chết diễn ra theo qui luật nhân quả về tuổi thọ. Chỉ cần thiết lập chất liệu từ bi, giữa ta và người, không thông qua phong tục tập quán, để cho mỗi hành động dấn thân tạo ra tiến trình thay đổi vận mệnh, đôi lúc sự thay đổi ta không thể ngờ được.
Thậm chí, người khác tôn giáo với ta bất đồng ngôn ngữ, ta đến với họ bằng tình thương thì sự truyền thông vẫn được thiết lập. Ngôn ngữ của tâm không bị hạn chế bởi không gian vật lý và các giác quan. Cái thấy, nghe, sự hiểu biết diễn ra trong tình huống này là sự linh cảm với nhau. Chỉ cần mở rộng tấm lòng ra là giao cảm được thiết lập. Đạo Phật có câu:“cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Ta không nên hiểu“cảm ứng đạo giao” dưới chủ nghĩa thần bí. Khi ta thành khẩn cầu nguyện thì Bồ-tát có mặt, giải quyết những bế tắc, và ta sống với sự mầu nhiệm của tần số tâm linh có nhiều khả năng chuyển hoá.
HẠNH PHÚC NHỜ QUÁN TƯỞNG
Phương pháp quán tưởng là tiến trình thay thế nội dung vật lý của cái chết, với những phản ứng bế tắc và dẫn đến cảnh giới sống rộng mở hơn, với nhiều giá trị hạnh phúc, an lành.
Dù quán chiếu liên tưởng là phương pháp tích cực, nếu thiếu nghệ thuật quán chiếu, ta dễ bị rơi vào ảo giác. Quán và tưởng khác nhau ở chỗ: quán nuôi lớn tuệ giác, tưởng nuôi lớn cảm xúc và ý niệm hóa.
Tiến trình của ý niệm hoá (tưởng) có thể bị sai lầm do đánh giá sai dữ liệu của cảm xúc giác quan và nhận thức. Không để vọng tưởng trưởng thành trong hành giả. Khi nói về các loại ma liên hệ cảm xúc (tưởng ấm ma), đức Phật khẳng định trong kinh Lăng Nghiêm rằng đó là loại ma nguy hiểm nhất.
Dựa vào nội dung của ma tưởng, ta có thể nói rằng, các cảm giác trong giai đoạn cuối cuộc đời đều liên hệ tưởng đến ánh sáng. Trong nền văn hoá Tây Tạng, màu sáng là màu biểu trưng của tuệ giác và tâm linh cao thượng, còn màu tối là màu hắc ám và cảm xúc khổ đau. Có người sau một thời gian tu tập, thấy ánh sáng, đã giữ lại tưởng về ánh sáng ấy và cho rằng, ta tu đạt đến trạng thái tâm linh cao cấp. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, người ấy đang bị ma tưởng tác động và chi phối.
Hành giả phải biết vượt lên trên cảm xúc của tưởng, dù tưởng là được đức Phật xoa đầu tiếp nhận, hay thấy mình thân cận với đức Phật, giống như hình ảnh Xa-nặc với Ngài v.v… Tưởng chỉ là ảo giác, chứ không phải sự thật. Phật giáo không cho phép ta suy nghĩ hay bám theo các trạng thái do tưởng tạo ra.
Khi còn là Thái tử Tất-đạt-đa, Thế Tôn không quan liêu như chủ nghĩa giai cấp của Ấn Độ lúc bấy giờ. Nếu quan liêu thì Ngài đã không xuất gia. Hơn nữa, ngựa Kiền-trắc đâu đủ sức kéo ở đuôi một người khỏe mạnh, lực lưỡng như Xa-nặc. Các nghệ nhân đã tạo những bức tranh không đúng về đức Phật.
Sự biến dạng của tưởng đi từ hình ảnh này sang hình ảnh khác liên tục. Tính chất giống nhau của nó là lệ thuộc, bám víu, trì níu cái gì đó về phía ta bằng cách mong cầu tha lực, ban dán lên thân phận hẩm hiu của con người. Những phản ứng của tưởng đều là ảo giác.
Đối diện với cái chết ta phải giữ tâm thật an lạc. Nếu là hành giả của thiền tứ niệm xứ, ta phải quan sát dòng chảy của tâm và các phản ứng khác nhau của nó như: tâm thiện, tâm ác, tâm vọng, tâm chơn, tâm tích cực, tâm tiêu cực, tâm hạnh phúc, tâm khổ đau v.v… Ta phải nhìn cho được dòng chảy của tâm với nhiều hình ảnh khác nhau và không dùng ý thức để chặn đứng nó lại, bởi vì nếu dùng cưỡng lực, nó sẽ tạo ra sự đối kháng làm cho nỗi khổ niềm đau gia tăng. Nhờ tri vọng ta biết rằng tâm đang bị vọng tưởng. Đây là phần quan trọng của thiền “Tứ Niệm Xứ”.
Ở đây, chúng tôi xin lưu ý, ta nên đổi giới từ “trên” trong “quán tâm trên thân”, hay “quán tâm trong tâm” bằng giới từ “như là”. Bởi vì khái niệm “trên” và “trong” hoàn toàn vô nghĩa. Nếu ta nói rằng tâm trên tâm là ta đang tạo ra sự ức chế: tâm ác đang phủ trùm trên tâm thiện, hay ta dùng cưỡng lực của tâm thiện để khống chế tâm ác. Cưỡng lực không tạo ra sự tĩnh tại trong tiến trình tu tập của hành giả. Còn khi nói quán tâm trong tâm thì ta đang bị vật lý giam hãm, bởi có cái trong và cái ngoài. Cái trong phải là cái nội hàm lớn, và cái được chứa đựng bên trong nó có ngoại diên nhỏ hơn để nội hàm đủ sức phủ trùm.
Đức Phật dùng khái niệm “như là” hay “chỉ là”. Quán tâm như là tâm. Quán cảm xúc như là cảm xúc. Quán xác thân chỉ là xác thân. Quán các ý niệm được thu hình, sao chụp từ các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chỉ là tiến trình của ý niệm hóa.
Dùng từ “chỉ là” hay chỉ đơn thuần “là” có nghĩa tích cực, bởi vì nó làm cho dòng cảm xúc chảy trên hiện tại. Nếu ta khoanh vùng nhận thức trong hiện tại thì sự nuối tiếc, nỗi khổ đau ở quá khứ không còn nữa. Môi trường tạo ra nuối tiếc cũng không có cơ hội để sống lại trong hành giả. Lúc đó, trạng thái mơ tưởng trong tương lai sẽ không có mặt.
Khi có sự nuối tiếc thì vọng tưởng cũng được thiết lập. Nếu ta đã thỏa mãn, an lành, vững chãi thì nuối tiếc không có mặt. Nuối tiếc thuộc về quá khứ, mơ tưởng thuộc về tương lai. Ta nên khoanh vùng dòng chảy của tâm trong mấu chốt của hiện tại như là tâm. Lúc ấy không có phản ứng nào có thể chinh phục, dẫn đạo, ảnh hưởng tiến trình sống chết của con người. Do đó, tôi đề nghị ta nên hiểu từ “trong”, từ “trên” trở thành từ “như là”. Đó là triết lý của Phật giáo Nam tông.
Phật giáo Đại thừa thường dùng những từ như: “chân như”, “thực tướng” để mô tả sự tiếp xúc của giác quan với đối tượng theo cách vùng ý thức phân biệt bản ngã hay vị kỷ trung tâm không hành hoạt, nhờ đó thiết lập chất liệu tuệ giác qua nhận thức trong tiến trình sống. Mặc dù thuật ngữ khác biệt, nhưng triết lý chỉ là một mà thôi.
Theo đức Phật, con người và bậc thánh khác nhau chủ yếu là ở cấp độ chuyển hóa cảm xúc, tình cảm và nhân thức.
Thứ nhất, cảm xúc thường làm cho con người bịn rịn, đánh mất lý trí, sống theo quán tính và sự trương phình của bản ngã, do sự chiêu dụ, tán đồng tạo ra liên minh. Con người, khi đã lao vào trận bão của cảm xúc sẽ rơi vào trạng thái rối rắm như bát quái trận đồ khó tìm ra lối thoát.
Thứ hai, tình cảm ủy mị và phàm tục có khả năng tạo ra sự vướng lụy và chìm sâu trong khổ đau. Tầng cảm tính có vị trí thấp trong tiến trình chuyển hoá tâm linh.
Thứ ba, cấp độ nhận thức. Đây là tiến trình đã chuyển hoá được dòng cảm xúc, vượt lên trên các giới hạn tính dục, tạo ra nhiều giá trị, ý nghĩa trong cuộc đời, sống với thái độ tri túc, giàu lòng vị tha, có chất liệu dấn thân phục vụ và sống một cách an nhiên tự tại. Thí dụ, giới văn sĩ thường vui sống với thân phận người nghèo khó nhưng thanh cao; các khoa học gia khi say mê nghiên cứu khoa học không màng đến hoạt động tính dục. Những người sống ở mức độ đó vẫn bị nỗi khổ, niềm đau chinh phục, bởi vì nhận thức có tốt, có xấu.
Muốn được hoàn toàn tốt, ta phải chuyển hoá nhận thức trở thành tuệ giác. Tuệ giác dẫn đạo con người trong mọi tình huống khác nhau, trong mọi biến cố cuộc đời về hướng an lạc và luôn đứng về liên minh của hạnh phúc. Tiến trình hạnh phúc từ tuệ giác không bị gián đoạn, không bị ảnh hưởng bởi những lời thị phi, chỉ trích. Tiến trình tuệ giác là tần số tâm linh cao ở con người. Khi đối diện với cuộc đời, dù trẻ hay già, ta hãy tạo cho mình cách sống với những tần số tuệ giác. Tần số tuệ giác là chất dẫn đạo, đem lại nhiều giá trị hạnh phúc và an vui trong cuộc đời.
GẶP TAM BẢO TRƯỚC KHI CHẾT
Có câu chuyện liên hệ đến cái chết tạo ra biến cố thay đổi vận mệnh con người, được ghi nhận trong kinh Tương Ưng.
Tỳ kheo Bahiya là người thể hiện được chân lý trong kinh điển Páli, đặc biệt là kinh Tương Ưng Bộ. Trong kinh nói rằng: “hãy quán các giác quan thấy, nghe, ngửi, biết, chỉ đơn thuần là thấy, nghe, ngửi, biết mà thôi.” Tức là ta không dán nhãn giá trị lên cái thấy, nghe, ngửi, biết theo một cách thế hoặc liên minh, hoặc kháng cự, hoặc thuận theo, hoặc đối nghịch, hoặc nắm giữ, hoặc loại trừ, hoặc tiến tới hoặc thụt lùi. Tất cả những phản ứng đó đều là phàm tính của con người.
Bahiya là một thương gia nổi tiếng thời đức Phật, thành công trong kinh doanh xuất khẩu gỗ. Ông tổ chức khai thác, vận chuyển các loại gỗ quý vượt đại dương bán ra nước ngoài. Qua bảy lần xuất khẩu thành công, ông trở thành một nhà doanh thương giàu có tầm cỡ.
Theo văn hoá Ấn Độ, con số 8 là kiết tường (an lành), con số 7 là trọn vẹn. Ông xuất khẩu thành công được 7 chuyến, hy vọng rằng chuyến thứ 8 là chuyến kiết tường. Và sau chuyến thứ 8, ông giải nghệ.
Bất hạnh thay cho chuyến hàng mang con số 8 định mệnh. Thuyền chở gỗ của ông ra khơi gặp sóng to, gió lớn, bị lật. Tất cả hàng hoá, thủy thủ, tài công đều bị nhấn chìm giữa biển sâu. Riêng ông may mắn thoát chết nhờ bám được một khúc gỗ khô, lênh đênh trên biển nhiều ngày, sóng đánh tơi tả, tuột hết áo quần. Cuối cùng, ông trôi dạt vào bờ, bị ngất xỉu. Từ đó, ông sống không mảnh áo che thân, dân chúng địa phương đặt cho ông biệt hiệu“người mặc áo không khí”. Chính danh hiệu đó mà ông nổi tiếng được mọi người kính trọng.
Bởi trong truyền thống tâm linh của Ấn Độ bấy giờ, có phái Kỳ-na giáo chủ trương lõa thể. Khi thấy một người lõa thể từ ngoài biển trôi dạt vào, người ta tưởng ông là đạo sĩ Kỳ-na giáo, cho nên mọi người cung kính và trọng vọng. Riêng ông, khi may mắn được thoát chết một cách hy hữu, ông cho rằng mình là người được sinh ra lần thứ hai.
Sau sự cố này, ông nhận thấy tất cả tiền bạc, ngọc ngà, châu báu không còn ý nghĩa gì đối với ông. Từ đó, ông sống như giống như một đạo sĩ Kỳ-na thật, rày đây, mai đó, nhận sự cúng dường của quần chúng. Người ta đồn đãi với nhau rằng ông Bahiya là đạo sĩ hoàn toàn giác ngộ rồi. Nghe vậy, ông mừng rỡ trong lòng và cho rằng mình đã thành công. Cái bản ngã đó làm cho ông cảm thấy rắc rối trong lòng, nhất là khi đối diện với chính mình. Ông cảm thấy nỗi sợ hãi, cô đơn đang khống chế, sự thất bại trong chuyến thương thuyền đó vẫn còn in lại dấu ấn nặng nề trong lòng ông. Nghi tình này làm cho ông không có giá trị thật khi được mọi người ca tụng.
Một hôm, ông gặp một người trong dòng tộc đã chết từ lâu, do tạo nhiều phước đức, nên sau khi chết được sanh lên cõi trời (tạm gọi người ngoài hành tinh). Người Thiên này thấy thương cho tình cảnh của ông, nên vận dụng thần thông báo cho ông biết, ông chưa phải là bậc Thánh hay giác ngộ, đồng thời mách chỉ cho ông có một bậc giác ngộ hiện đang ở gần, hãy đến Bồ đề đạo tràng gặp Thế Tôn. Vâng lời, ông đến Bồ Đề đạo tràng, tại đây, Như Lai cho ông biết, giá trị tâm linh mà ông đạt được còn thấp, nếu không tiếp tục tu trí tuệ thì cuộc đời tu hạnh lõa thể của ông không có giá trị. Nghe xong, ông chợt thức tỉnh và nghi tình trỗi dậy. Sự đấu tranh nội tại trong ông bắt đầu diễn ra, một bên là tiếp tục sống theo cái danh hiệu bậc Thánh để được nhiều người tôn kính, cung phụng; một bên là từ bỏ tất cả, làm người học trò của bậc đạo sư giác ngộ hoàn toàn.
Sau một thời gian trăn trở, ông quyết định đến với Thế Tôn. Ông nghĩ rằng, nếu mình thật sự chứng đắc, nay làm đệ tử bậc giác ngộ cũng không làm mình giảm đi giá trị. Còn nếu mình thực sự chưa chứng đắc thì mình sẽ nhận được những hạt giống tuệ giác từ Như Lai Thế Tôn. Ông mạnh dạng khởi đi từ những nghi tình để tìm kiếm cho mình một giải pháp có giá trị thực sự. Lúc ông đến xin làm đệ tử, Thế Tôn đang đi khất thực, thể hiện sự vững chãi, thảnh thơi, an lạc trong mỗi bước chân, tạo giá trị đạo đức cao đẹp của một người buông xả hoàn toàn. Chỉ cần nhìn thấy trạng thái an lạc tĩnh tại của Như Lai trong những bước chân, nhiều người đã phát tâm xuất gia theo Tăng đoàn để tìm cầu trạng thái như vậy.
Bahiya đến đứng bên vệ đường chờ đức Phật đi ngang qua, quỳ xuống thưa rằng:
- Bạch tôn giả Gotama, tôi nghe Ngài là bậc giác ngộ, tôi rất mong được nghe Ngài thuyết pháp. Nếu được Ngài hoan hỷ thuyết pháp, tôi là người hạnh phúc nhất trên cuộc đời.
Thế Tôn dừng chân nói lời từ tốn:
- Đây là giờ Như Lai hành khất, không thể thuyết pháp, sau khi dùng cơm xong, Như Lai sẽ thuyết pháp, mời ông đến nghe.
Rồi Như Lai tiếp tục cất bước thảnh thơi.
Bahiya lại bước nhanh đến trước mặt Như Lai, quỳ xuống, tiếp tục bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, xin ngài hãy nói pháp cho con nghe, biết đâu Ngài sẽ không còn cơ hội để nói pháp, một vài giờ nữa Ngài qua đời thì sao, hoặc biết đâu con không có cơ hội để nghe pháp, vì có thể vài phút sau, con sẽ qua đời. Cúi xin Ngài nói pháp cho con nghe ngay bây giờ.”
Thế Tôn mỉm cười cùng Tăng đoàn ngồi xuống bên đường, rồi thuyết giảng cho Bahiya bài kinh ngắn:
- Này Bahiya! Hãy quan niệm rằng, cái thấy của mắt, cái nghe của tai, cái ngửi mùi của mũi, cái vị của lưỡi , cái cảm giác của sự xúc chạm thân, và ý niệm hoá trong tâm chỉ đơn thuần là kiến văn giác tri. Nếu ông quán được tiến trình thấy, nghe, hiểu, biết là một tiến trình đơn thuần, không có phản ứng thuận, nghịch, thì ông đã cắt đứt được dòng sanh tử ở hiện tại đã vượt ra ba cõi, không tái sanh trong tương lai. Ông đang sống trong biển pháp an lạc, có tàng che của chánh pháp. Ông là hành giả của Thánh hạnh, là A-la-hán.
Nghe đức Phật dạy, Bahiya cảm thấy cái danh vọng chứng đắc bậc Thánh, mà mọi người ca tụng, tán dương tan biến theo mây khói. Tiếp thu bài pháp ngắn của Như Lai, ông như được sống lại một lần nữa. Bài pháp đã thay đổi vận mệnh ông trở thành một vị giác ngộ thực sự. Lúc này, trong lòng ông tràn đầy hạnh phúc, ông cung kính đảnh lễ tạ ơn Như Lai, cáo lời từ giã. Trên đường về nhà, Bahiya không may bị con bò đang gặm cỏ bên đường xông ra húc chết.
Buổi chiều, trên đường khất thực trở về, Như Lai và Tăng đoàn nhìn thấy thi thể Bahiya nằm bên vệ đường. Như Lai cùng Tăng đoàn quán niệm lòng từ bi trải trên thân xác của ông, mong rằng những hạt giống sát sanh vô tình hay cố ý được chuyển hóa, tháo gỡ nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời.
Lúc ấy, Thế Tôn nói với các vị Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo! Các ông hãy an vui nhìn gương mặt của Bahiya, các ông sẽ biết chắc chắn rằng Bahiya đã được tái sanh về Thế giới an lành.”
Trong bài kinh đó, không nghe đức Phật đề cập tới cảnh giới Tây Phương của đức Phật A-Di-Đà, không nghe nói đến cảnh giới Đông phương của đức Phật Dược Sư, cảnh giới Tỳ-lô-giá-na của đức Đại Nhật Như Lai. Ngài chỉ nói chung “Thế giới an lành”.
Thế giới an lành này được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Nếu có nguyện vọng sanh về thế giới của loài người, ta sẽ được sanh ra trong một gia đình mộ đạo, đầy đủ điều kiện, để có cơ hội đến với Phật pháp, đầy đủ phạm hạnh, làm lợi lạc quần sinh hoặc cao cả hơn, có được tình thương rộng lớn như các vị Bồ-tát Đại thừa tái sanh vào thế giới ngạ quỷ (không vì nghiệp lực mà vì sự dấn thân) để tháo gỡ yết hầu của sự bỏn xẻn, tham lam, nuối tiếc dục lạc thế gian giúp cho các vong hồn sớm được siêu sanh thoát hoá.
Bản chất của các cảnh giới hiện hữu không nói lên được nó là an vui hay khổ đau, tốt hay xấu. Cách thức sống của con người thể hiện các điều đó trong cuộc đời. Hành động tạo ra sự an lành hay khổ đau.
Ta được sanh ra trong đời này do chạy theo sức đẩy của nghiệp. Ta như chiếc hỏa tiễn nằm trên bệ phóng nghiệp lực, ta bị cái bệ phóng đẩy vào quĩ đạo, cách ly khỏi sức hút của nghiệp thức, và theo đó có trong tiến trình sanh tử. Do đó, ta bị tái sanh theo một quĩ đạo không do ta đặt ra. Những người sống với hạnh lành, hay chứng được đạo quả sẽ là những chiếc hỏa tiễn nằm trên bệ phóng theo sự điều khiển của con chip được lập trình sẵn. Đó là con chíp của tuệ giác và lòng từ bi. không tạo được con chip tuệ giác thì cảnh giới tái sanh đều theo sức đẩy của nghiệp. Nghiệp xô ta vào đâu, ta phải vào đấy, phải tuân theo tiến trình của khổ đau và sự bế tắc.
Khi quán “kiến văn giác tri”chỉ đơn thuần là“kiến văn giác tri”. Ta thực tập cách sống tách rời nỗi khổ niềm đau khỏi tâm sanh tử. Sự chuyển hóa sẽ có mặt khi ta nhìn mọi sự vật chỉ đơn thuần là một thực tại đang diễn ra, không cho dòng cảm xúc, ý thức, và Mạt-na chấp trước can thiệp. Ta có thể ứng dụng tinh thần của bài kinh này, thiết lập thế giới Tịnh độ ngay trong đời hiện tại. Nhờ đó, ta có khả năng sống an lạc, hạnh phúc trong hiện tại, trong tương lai ta sẽ được sanh về thế giới hoàn toàn an lạc.
TỊNH ĐỘ VẬT LÝ VÀ TÂM LINH
Tịnh độ là thế giới vật lý có thực. Nếu ta chọn thế giới đó là Tây phương Cực Lạc, để sau khi chết được về thì cũng đáng quý. Quan trọng là ta cần hưởng cực lạc trong đời sống hiện tại suốt mấy mươi năm có mặt ở Ta-bà. Cứ cho rằng “Ta-bà khổ, Cực Lạc vui” là ta đang rơi vào mặc cảm tự ti với thân phận con người. mặc cảm tự ti là tâm lý “ti liệt mạng” làm cho ta sống với hiện tại mà bỏ quên hiện tại, bị lôi cuốn vào một tương lai xa xôi nào đó. Sự lôi cuốn đó là chất an thần, có khả năng tạo ra lực trấn an ta khi nghĩ tới cảnh giới đó. Thực tế, ta đang trả một giá đắt là hy sinh đời hiện tại để có được an vui, hạnh phúc trong đời sống kiếp sau.
Tiếp cận Tịnh độ theo nghĩa đen là biến đức Phật thành vị Thần linh, biến thế giới Tịnh Độ thành thế giới vật lý. Do đó, ta cần hiểu nó dưới góc độ tâm thức đã chuyển hóa.
Cũng như Bahiya chỉ quán tưởng trong vài phút, quán tưởng tâm chỉ đơn thuần là tâm, quán cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc, ý niệm chỉ đơn thuần là ý niệm, không để cho bất cứ tâm lý tiêu cực nào can thiệp vào dòng chảy hiện hữu. Lúc đó, sự hiện hữu nhất tâm bất loạn chính là Tịnh độ. Ta có thể thiết lập Tịnh độ ở mọi nơi trong cuộc đời này. Cực Lạc quốc đó là thế giới an lành, hạnh phúc hiện tiền.
Thế giới an lành trong đời Bahiya được thể hiện ra từ gương mặt an lành của ông lúc chết. Thông qua cái chết an lành, ta có tiến trình tái sinh an lành, cảnh giới tái sanh của sự an vui. Ta có thể quan sát và thấy rõ những biểu đạt đó trên gương mặt của con người chết. Khi cau có, dù có học thuật giao tiếp tinh vi, người ta vẫn thấy được gương mặt đang không vui của ta. Tâm ta đang vui hay đang khổ vẫn lộ ra ánh mắt, nụ cười, dáng đi, cử chỉ … Chỉ cần quan sát những điểm trên là ta có thể biết được cảm xúc của người, khổ hay vui. Với nhãn quan bình thường, ta cũng thấy được điều đó, huống chi là người có tuệ giác thấy rõ cuộc sống hiện tại.
Vì vậy, thay đổi vận mệnh trong lúc lâm chung là nhu cầu lớn, thiếu nó ta sẽ đánh mất nhiều giá trị trong hiện tại, ảnh hưởng đến đời sống tương lai.
Nói như vậy, không có nghĩa là tôi không tán đồng pháp môn Tịnh độ và không cho rằng thế giới Tịnh độ là thế giới của tâm linh. Tôi vẫn đang tu theo pháp môn Tịnh độ. Tôi muốn đề nghị, ngoài việc đạt được toại nguyện sinh về thế giới Tịnh độ vật lý, ta cần thực tập và đạt được Tịnh độ tâm linh.
Nếu muốn có thế giới Tịnh độ vật lý trong tương lai mà không gieo trồng hạt giống Tịnh độ tâm linh trong hiện tại thì ta khó đạt được. Vì vậy, yêu cầu cần và đủ là sự tu tập theo nhân quả tương thích.
Tịnh độ tâm linh là yêu cầu “cần” tức là “nhân” tu tập cần thiết. Tịnh độ vật lý là thế giới của quả, là tiến trình sau khi ta hành trì và thiết lập sự an lạc tĩnh tại trong giờ phút hiện tại. Thiếu điều kiện tu tập tâm linh cần thiết mà muốn được tái sinh về Cực Lạc thì rõ ràng ta đang biến thế giới Tây phương thành thế giới Ta-bà. Nếu ai cũng đới nghiệp vãng sanh, mang hạt giống tội lỗi mà sinh về cảnh giới của đức Phật A-di-đà thì chắc chắn không chóng thì chầy, các cư dân thánh giả tại đây cũng phải lánh nạn.
Trong kinh A-di-đà, đức Phật nói rất rõ, vãng sanh là tiến trình của tự lực. Chẳng hạn cư dân Tịnh độ mỗi sáng đi rải các hoa công đức, đạo đức, dấn thân phục vụ trên tinh thần vô ngã, vị tha, khắp mười phương. Vậy những ai không có thái độ dấn thân, thì đừng mong được sanh về Tây phương. Đức Phật cũng dạy, phải biết tiết kiệm công đức, không phung phí, sau khi làm xong các công đức, trở về nước ăn cơm đạm bạc, thiền hành từng bước thảnh thơi… Những ai lười lao động, muốn hưởng thụ, cũng không mong gì được sanh về cảnh giới Tây phương cực lạc. Đây là tiến trình tự lực.
Lại thêm quán tưởng về Thế giới Tây phương có đủ vàng, châu báu, ngọc ngà, san hô, hổ phách, lưu ly v.v… không phải là thứ để ta sinh lòng tham. Nếu mê những thứ ấy mà muốn sanh về Tây phương Cực lạc, thì quốc độ đó không còn là cực lạc nữa, vì ở đó làm sao tránh khỏi sự tham lam, tranh chấp, khổ đau. Kinh cũng cho ta biết thế giới ấy có suối chảy, thông reo, chim hót líu lo như những pháp âm vi diệu. Đến xứ sở ấy, ta sẽ giật mình bởi sự khổ không hề có mặt, khái niệm khổ cũng không hề có trong tâm niệm, huống hồ là có thật. Ở đó cũng có cây xanh, chim chóc, nhà cửa, cung điện, gió thoảng, khác gì thế giới Ta-bà của chúng ta. Nó khác nhau ở chỗ là ta biết dụng tâm quán chiếu, nếu không quán chiếu thì ở đó cũng như thế giới Ta-bà của ta mà thôi.
Như vậy, muốn có Tây phương Cực Lạc với ý nghĩa tâm linh thì ta phải quán chiếu những tiếp xúc hàng ngày qua tai, mắt, mũi, miệng, thân và sự có mặt trong cuộc đời này là những pháp âm. Muốn được vậy ta phải tu tập và hành trì. Đây không phải tha lực, mà hoàn toàn là tự lực. Trong kinh có câu: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là không thể lấy căn lành không tham sân si nho nhỏ, phước báu nho nhỏ, không gian thiện nho nhỏ mà được sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Cách nói:“Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng, lễ Phật một lạy tội diệt hà sa” chỉ là lời khuyến tấn để tạo niềm tin cho người tu hành. Nếu tin đó là sự thật thì vĩnh viễn ta sẽ mãi quẩn quanh cõi Ta-bà. Tôi cam đoan rằng, không có tha lực trong kinh A-di-đà, bản kinh dạy rõ về cách quán chiếu, hành trì, dấn thân, bòn tạo công đức. Khi làm công đức, mà chưa có kết quả an lạc, cũng không nên buồn hay thối chí, vì công đức vẫn còn nguyên vẹn, không mất đi đâu. Làm công đức mà muốn có kết quả liền thì làm bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu, lấy đâu để dành về Tây phương. Hiểu được vậy là ta đã thay đổi được vận mệnh của mình rồi.
Các vị cao Tăng trong đời, giảng kinh, thuyết pháp làm lợi lạc cho nhiều người, nếu sau khi viên tịch, sanh về Tây phương Cực Lạc, làm lợi lạc cho ai? Trong kinh A-di-đà có câu: “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Đây là nơi hội tụ của các bậc thượng thiện, chứ không phải là thiện bình thường. Ở đấy có vô số A bệ bạt trí, tức bậc không thoái chuyển (sơ quả trở lên), và rất nhiều bồ-tát thuộc hạng nhất sanh bổ xứ. Vì thế, sự dấn thân của ta ở đó đâu có giá trị bao nhiêu. Cho nên, thà ở cõi Ta-bà chồng chềnh biển khổ, ta có thể làm chiếc phao cứu đời, có giá trị đóng góp, mang lại an lạc, niềm vui, niềm hạnh phúc cho người, mặc dù cơ hội an lạc là bấp bênh, dễ bị thoái chuyển. Theo hạnh nguyện Bồ-tát lớn, chấp nhận cuộc chơi sanh tử ở thế giới Ta-bà, ta mới hy vọng làm được những chuyện khó làm.
Thế Tôn là tấm gương lịch sử chói sáng cho ta noi theo. Ngài đã chấp nhận cuộc sanh tử, với thế giới mong manh, với tuổi thọ chúng sanh ngắn ngủi, với tâm lý ngu muội của chúng sanh can cường, khó hóa độ, cùng rất nhiều hoàn cảnh trái ngang khác. Trong thế giới “ngũ trược ác thế” này, Thế Tôn đã làm được những chuyện khó làm. Nhờ vậy, mười phương chư Phật mới ca ngợi, tán dương Ngài. Ta hãy đăng ký tham gia vào cuộc sanh tử để thành công trong những việc khó làm. Dĩ nhiên, muốn được điều đó, ta phải có nguyện lực lớn, ý chí sắt đá, mới có thể thành công. Bằng không, ta là “lục bình” trôi lăn giữa dòng đời ô trược này.
Có người nghĩ rằng, khi được sanh về Tây phương Cực Lạc, trở thành người bất thối chuyển, được đào tạo chuyên sâu về tâm linh, sau đó trở lại cõi Ta-bà hóa độ chúng sanh đâu khó. Nhưng khi ta đang sống trong cảnh giới Tịnh độ, an vui, hạnh phúc, đạt trình độ cao về tâm linh, mấy ai muốn về lại Ta-bà?
Cho nên, cứ sống ở hiện tại bằng những giá trị chánh pháp, hạnh phúc sẽ có mặt trung thành với ta. Hiện nay, các pháp môn, con đường chuyển hóa, các băng từ giảng pháp, các phương tiện Phật sự nhiều vô số kể, tại sao ta không làm, không tu, mà cầu mong một cách không tương thích về Tây phương Cực Lạc. Ở Tây phương ta cũng phải tự tu chứ có ai tu hộ cho ta đâu. Trong kinh A-di-đà có câu nào đề cập rằng, khi về Tây phương Cực Lạc rồi sẽ có chư Phật tu hộ để mình được giác ngộ. Trong kinh, đức Phật dạy ta quán tưởng bằng lổ tai của Bồ-tát Quán Thế Âm kết hợp với tuệ giác để biến những âm thanh của cuộc đời trở thành những pháp âm vi diệu. Điều đó trong đời sống Ta-bà này, ta có thể làm được.
Thiết lập Tịnh độ ngay Ta-bà khi còn sống là yếu tố quyết định sự vãng sinh, sau khi qua đời. Được vậy, ta sẽ thay đổi vận mệnh ở đời sống hiện tại, đạt được an lạc, hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro