Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2:

Người ta nói khi những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi xuống nhân gian, ấy là thời điểm tốt để tính chuyện cưới gả. Cũng có người bảo lời ấy nghe thật hoang đường, nhưng Tử La lại rất thích suy nghĩ này. Không những là khi tuyết rơi, mà còn là khi tuyết rơi trắng trời, cỏ chẳng buồn mọc, người chẳng buồn bước chân ra khỏi nhà mới tốt.

Tì nữ nhẹ tay đẩy cửa, khẽ khàng lách vào trong phòng không để cho gió lạnh bên ngoài làm ảnh hưởng tới chủ nhân ở phía trong. Nghe mùi gỗ tuyết đã nhạt dần, người tì nữ dời gót đến bên lò sưởi cho thêm mấy miếng than rồi nhẹ nhàng đậy lại. Lúc ngẩng lên nàng ta vẫn thấy chủ nhân bần thần ngồi đó, bên cạnh còn có hai tấm canh thiếp chưa đề tên người nhận.

Qua một chốc, Tử La chợt ngồi thẳng dậy, cầm lấy bút cẩn thận viết lên tấm thiếp đôi ba chữ. Một tấm gửi chị Dao Chương, tấm còn lại để gửi cho Trần Nhứ.

Viết xong nàng lại thừ người chẳng khác gì lúc nãy. Mấy năm trước, nàng nghe nói Dao Chương đã gả cho một gia đình dòng dõi thư hương. Tuy gia tộc sớm đã bị thất thế nhưng phần nào vẫn giữ được cốt cách từ thuở còn vinh hiển, có lẽ họ sẽ không đối xử tệ với chị của nàng. Ước mơ được phụ chồng, chăm con của chị ấy xem như đã thành sự thật. Tử La thấy mừng cho chị ấy, chỉ là không rõ chị ấy có thể đến chung vui với nàng được hay không. Dù không dám chắc nhưng canh thiếp này nàng vẫn sẽ gửi đi, có thể nó sẽ thay nàng thông báo với Dao Chương rằng nàng không còn là cô nhóc bạt mạng sống ở đầu đường xó chợ nữa. Nàng đang sống rất tốt, không những thế còn sắp sửa thành vợ của người ta.

"Tri Thi!" Tử La cao giọng gọi tì nữ.

"Tướng quân xin cứ phân phó."

Nàng đưa tấm canh thiếp cho Tri Thi, cẩn thận dặn dò:

"Ngươi sai người gửi cái này đi cho ta, càng nhanh càng tốt."

Tì nữ nhận lấy canh thiếp từ nàng, nhưng vẫn không khỏi thắc mắc:

"Vậy còn tấm kia thì sao ạ?"

Tử La cầm lên tấm canh thiếp đề gửi Trần Nhứ, thầm nhớ đến người bạn thuở nhỏ vì chiến loạn mà xa cách, sau này cũng nhờ chiến loạn mà hội ngộ. Chẳng giống với Tử La chỉ tay đến đâu máu chảy đầu rơi đến đó, Trần Nhứ giờ là một nữ lang y đi khắp nơi chữa bệnh cứu người. Dường như sau từng ấy năm, A Nhứ vẫn chẳng hề thay đổi. Còn nàng, không biết có còn giữ được chút dáng vẻ nào của ngày xưa.

Tử La gác bút, nhìn tì nữ đáp:

"Cái này ta sẽ tự mình gửi đi."

Ngày hôm đó, trước khi từ biệt ở huyện Vân, A Nhứ nói bất cứ khi nào muốn nàng cũng có thể đến núi Quy Sương tìm mình.  Tử La lặng lẽ dắt theo Sương Lăng rời phủ khi trời vừa mờ sáng. Tuyết đầu mùa chưa quá dày nhưng cũng khiến đất trời như đổi khác chỉ sau một đêm. Tử La chậm rãi bước đi dưới màn tuyết trắng say sưa đọc bài thơ, mặc kệ làn gió miên man xoa mờ mái tóc, hàng mi.

"Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

Nay đào đã quyến gió đông

Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ"

(Chinh phụ ngâm)

Chuyện nàng đi tìm A Nhứ, ngoài cha mẹ chỉ có Xương Ngôn là rõ. Còn về Huy Tường, Tử La không có ý giấu chàng chỉ là không biết phải nói ra sao, mà nhỡ đâu chính chàng cũng chẳng hề muốn biết. Kể từ sau lễ đính hôn, nàng chưa gặp lại Huy Tường lần nào, lấy cớ công vụ đến tìm cũng chỉ được đáp rằng chàng có chuyện quan trọng ở xa, phiền nàng đến quay lại hôm khác. Tử La khẽ kéo vành nón, man mác ngước nhìn trời. Dẫu biết đến với nhau vì lợi ích gia tộc thì tình cảm sẽ chỉ có nhiêu đó nhưng nàng vẫn không thôi hụt hẫng. Có lẽ chuyện ở huyện Vân chỉ đơn thuần là chàng đang làm nhiệm vụ.

Tử La dừng bước, kín đáo dụi mắt như sợ rằng sẽ có người nhìn thấy. Sương Lăng như cảm nhận được tâm tư của Tử La nên giậm giậm hai chân trước, khẽ huých đầu vào tay nàng như để an ủi. Tử La gượng cười, khẽ vỗ lên đầu nó:

"Đi thôi, Sương Lăng! Ta dẫn ngươi đi du ngoạn một phen."

Thuở niên thiếu, nàng vẫn luôn ước ao được ngồi trên lưng ngựa, phóng thật nhanh trên những con đèo giống như một cơn gió, dùng cánh tay nhỏ bé ôm hết biển rộng trời cao. Nay trách nhiệm của một gia chủ tương lai đã được nhường lại, ước vọng năm ấy giờ xem như được hoàn thành dẫu chỉ là mấy khi. Chuyến này vừa là du ngoạn, vừa là đến thăm A Nhứ, tận tay trao tới nàng ấy tấm thiếp mời, nghĩ đi nghĩ lại cũng không uổng chỗ nào. Tử La nhìn con đường tuyết vùi dấu chân, lòng bỗng dưng hào hứng một cách khác thường.

Chợt phía xa có tiếng vó ngựa truyền tới. Sợ đối phương bị chậm trễ cuộc hành trình, Tử La nhanh chóng kéo Sương Lăng nép sang một bên nhường đường. Nhưng đối phương vừa trông thấy nàng thì vội vã xuống ngựa, bước tới. Nửa mặt trên của người đã đỏ bừng lên vì lạnh, bên vạt áo vẫn đọng đầy gió tuyết đường xa. Và nếu không có đôi mắt sáng tựa chiêu dương, nàng sẽ chẳng dám tin người trước mặt chính là hôn phu của nàng - Chử Huy Tường.

Tử La thật sự muốn hỏi tại sao chàng lại ở đây, nhưng nỗi lo lắng đang dần choán lấy tâm trí cứ khiến nàng chẳng thể mở lời. Trong vô thức, Tử La muốn đưa tay kéo chiếc khăn che mặt chàng xuống, nhưng Huy Tường chợt cầm lấy tay nàng, nơi đáy mắt toả ra sự dịu dàng tựa gió xuân:

"Ta có thể đi cùng nàng một đoạn được không?"

Cả hai sóng bước giữa đất trời âm u, tĩnh lặng. Nếu thỉnh thoảng không có tiếng chân đạp trúng cành khô thì khung cảnh này chẳng khác nào một bức tranh. Tử La lấy ra vò rượu quý nàng lấy từ chỗ phụ thân trước khi đi đưa cho Huy Tường. Nàng nhớ Huy Tường không uống rượu, nhưng đi đường dài giữa mùa đông uống rượu là cách khử hàn tốt nhất mà nàng biết. Huy Tường hiểu ý Tử La, mỉm cười cầm lấy vò rượu, uống liền mấy ngụm nhỏ. Hương rượu vốn thơm ngát nhưng không hiểu sao khi toả ra từ chàng nó lại có mùi thơm khác lạ, giống như hoa cỏ muôn dặm đường được chàng thu lại hết trong tay áo. Cơ mà dưới trời đông cằn cỗi này đi đâu để kiếm ra hoa cỏ, có chăng mùi hương này là…

Nhận ra mình lỡ nhìn Huy Tường hơi lâu, Tử La vội quay đi, theo thói quen khịt mũi lấy lại dáng vẻ nghiêm túc.

“Mấy ngày trước, ta đến phủ tìm chàng nhưng không được. May hôm nay gặp chàng ở đây, cũng tiện để ta thông báo với chàng một tiếng. Ta đang tìm đường đến núi Quy Sương, nhanh thì năm ngày, chậm thì mười ngày ta sẽ trở về.”

“Ta biết!” Huy Tường đáp “Nàng đến gặp nữ thần y họ Trần đó để mời cô ấy đến lễ thành hôn của chúng ta.”

Không hiểu sao nghe thấy vậy Tử La lại bất ngờ đỏ mặt. Nàng đảo mắt nhìn trời nhìn đất, cố ý không để ý tới người nào đó đứng bên cạnh đang cười đến mức hai mắt đã biến thành vành trăng non. Tức thật, đường đường là tướng quân nắm trong tay ngàn binh mã, đáng ra nàng phải phản công lập tức chứ sao lại phòng ngự một cách yếu ớt thế này.

Tử La hắng giọng, cố gắng nghiêm túc nói chuyện với chàng:

“Dạo trước, khi có ý định đến núi Quy Sương, ta vẫn luôn cố gắng thông báo với chàng. Dẫu đám cưới chưa có, nhưng cũng đã đính ước. Ta hi vọng sau này, chàng đi đâu hay muốn làm gì cũng có thể thông báo với ta một tiếng. Nếu chàng không thích, ta cũng sẽ không truy hỏi quá sâu, chỉ cần báo lại với ta là được, đừng để…” Tử La ngập ngừng.

Huy Tường thôi cười, dường như đã nhận ra sự dè dặt, xa cách của nàng bắt nguồn từ đâu:

“Tử La! Ta…”

“Chàng để ta nói nốt.” Tử La vội vã cắt lời. “Những điều này trước sau gì cũng phải nói, chàng để ta nói trong hôm nay cũng đỡ phải phiền phức về sau. Ta biết chàng với ta cưới nhau ngoài chút tình nghĩa đôi bên thì còn có một phần thoả thuận giữa hai gia tộc. Ta không đòi hỏi chàng phải đổi xử với ta như những cặp vợ chồng cưới nhau vì yêu thương, chỉ cần tôn trọng, giống như… ta nói với chàng lúc nãy. Chàng muốn đi đâu, làm gì báo trước cho ta một tiếng là được… Vậy thôi! Chàng thấy có gì không ổn không?”

Nàng ngước nhìn Huy Tường. Ở khoảng cách này, nàng thấy rõ từng biến chuyển trên gương mặt chàng, ngỡ ngàng, xót xa, rồi lại nhẹ nhõm, đều có đủ. Tử La có phần không hiểu nhưng bức tường ngăn cách vô hình không cho phép nàng hỏi nhiều hơn. Nàng quyết định không can thiệp quá sâu là vì không muốn dùng hôn nhân để trói buộc chàng bên cạnh, nàng yêu tự do nên cũng thừa hiểu trói buộc chỉ khiến người ta chán ghét nhau thêm.

Gió tây bắc bất ngờ thổi mạnh, Huy Tường bước đến giúp Tử La chỉnh lại mũ áo, dáng vẻ chàng thản nhiên như thể đã làm như thế cả trăm lần. Xong xuôi chàng áp hai tay lên gương mặt đang có chút tê bầm vì lạnh của Tử La, nhẹ nhàng giải thích:

“Đây là lỗi của ta. Ta đã vội vàng cầu thân mà không ngỏ lời trước. Vốn nghĩ khi trở về sẽ dùng quà để tạ tội, không ngờ việc ta không từ mà biệt lại khiến nàng buồn lòng thế này. Trước đây, ta chưa từng có suy nghĩ sẽ lấy ai nên chưa biết phải cư xử sao cho đúng. Dẫu có chút muộn màng, ta vẫn muốn nói để nàng biết Chử Huy Tường ta cưới nàng là vì thương yêu.”

*

​​Từ khá lâu về trước, Tử La đã được nghe câu chuyện về một nhà sư nọ dùng hơn nửa đời để đạp tuyết tầm mai. Thuở ấy nàng chỉ nghĩ vì một nhành mai mà để nửa đời chìm trong gió bụi liệu có đáng hay không. Nhưng giờ đây nàng lại cảm thấy một người có thể kiên định với ước vọng thuở ban đầu là người đáng quý ở trong trời đất. Hôm nay, nàng đi trong gió tuyết tìm đến vườn mai nhỏ bên sườn núi Quy Sương, ở đó có am Vân Trì. Trần Nhứ hẳn đã đợi nàng từ lâu.

Cơn gió tựa như hơi thở của tuyết sơn vạn năm lồng lộng tràn tới. Tử La đưa tay chắn trước mặt, nheo mắt nhìn xuyên qua màn tuyết. Trông mái nhà khắc hình con hạc như trong lời Trần Nhứ miêu tả, nàng biết cuộc hành trình này đã tới được điểm cuối.

Phía sau ô cửa son thoáng thấy ánh lửa hắt lên hư hư thực thực. Chưa bước vào đến nơi đã nghe hương trà thoang thoảng bên cánh mũi, tới lúc này những giác quan đang bị tê liệt của Tử La mới dần hồi phục.

Trần Nhứ khi ấy đang đứng bên cửa sổ, bình thản rũ đi mấy bông tuyết đọng trên đầu nhành mai. Khi ngoảnh đầu lại, trông thấy Tử La, nàng ấy chẳng hề ngạc nhiên chỉ nhẹ nhàng mỉm cười:

“Ngươi đến thật đúng lúc, trà vừa pha đến tuần thứ hai.”

Tuyết ngoài trời đã thưa dần, cảnh vật xung quanh cũng trở nên rõ ràng hơn. Am Vân Trì khiêm nhường nép mình nơi góc núi mù sương, tựa hồ bàn tay thế sự chẳng thể nào vươn tới làm náo động sự bình yên của nơi này. Tử La đưa mắt nhìn rặng trúc xanh biếc óng ánh tuyết phủ, kế đó là bậc thềm đã được quét tước sạch sẽ chỉ còn sót lại ít vết tích của những mảng rêu phong lan đến tận góc tường. Đặc biệt hơn cả chắc là vườn mai mà Tử La trông thấy khi đi qua những con đường đá bạc. Sắc hoa diễm lệ có tuyết trắng làm nền lại càng khiến cho cõi lòng người lữ khách rung động. Sau này, nếu có dịp nhất định nàng phải dẫn Huy Tường đến đây, để chàng cũng được nhìn ngắm tất cả.

Tử La thư thái ngồi trên trường kỷ, nhìn Trần Nhứ mà cảm thán:

“Giữa lúc bốn phương chiến loạn, am Vân Trì của ngươi thật chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Bảo sao suốt nhiều năm qua ta tìm ngươi mà chẳng được.”

Trần Nhứ đưa cho Tử La một chiếc lư đồng để sưởi ấm tay, sau đó khẽ khàng ngồi xuống phía đối diện.

“Cũng chỉ là cảnh sơn thuỷ điền viên bình thường, làm sao sánh được với sự đông vui, náo nhiệt như ở quân thành.”

Dưới sự bảo hộ của nhà họ Cung, không chỉ quân thành mà cả một vùng rộng lớn gồm mấy châu đã trở thành nơi yên vui hiếm có giữa lúc nước Hoài đang bị nhấn chìm trong khói lửa chiến loạn. Hầu như cuộc sống của người dân ở đây không thay đổi quá nhiều so với khi trước, tất cả đều nhờ có chúa công anh minh, nhân từ. Lúc nhỏ, Tử La thích nhất là những nơi náo nhiệt, đến giờ vẫn vậy. Nhưng những gì đang diễn ra phía bên ngoài quân thành khiến niềm vui thuở bé chẳng còn được giống như xưa. Dần dà nàng bỗng cảm thấy chút cảnh vật sơn dã bình thường cũng rất tốt. Dù là điều gì thì cũng tốt hơn chiến tranh.

“A Nhứ này! Ngươi đã bao giờ nghĩ, nếu không có chiến loạn thì thiên hạ sẽ như thế nào chưa?”

Nàng chăm chú nhìn Trần Nhứ, thầm đợi một câu trả lời.

“Ta đã từng nghĩ tới, cũng đã từng đặt câu hỏi ấy với một người. Người đó nói với ta triều đình đã mục ruỗng, các đại gia tộc lại nổi lên, ai cũng trùng trùng tham vọng. Thời loạn ly này tất yếu phải xảy ra, chúng ta không thể có cách nào khác ngoài lao vào vòng xoáy ấy, trở thành kẻ mạnh nhất và kết thúc nó.”

Không hiểu sao đáy mắt Trần Nhứ chợt dậy lên không ít những trăn trở. Có lẽ nàng ấy cũng giống như Tử La, trong thâm tâm vẫn hiểu được phần nào nhưng cứ mãi không chịu thông suốt. Tử La không tin nồi da nấu thịt là con đường duy nhất để thiên hạ đổi chủ, nhưng chính nàng một kẻ đứng trên ngàn người cũng chỉ có thể trôi lăn trong vòng xoáy này. Trôi lăn, xây xát rồi tha hoá.

Tử La lắc đầu cười bất lực. Nàng nhấc lấy chén trà, uống một hớp nhỏ, nhưng mùi hương thế nào, hậu vị ra sao nàng chẳng có bụng dạ nào mà để tâm. Kể từ ngày đầu tiên theo phụ thân ra trận đến nay, chưa có cái chết nào mà nàng chưa từng được chứng kiến. Nhưng trái tim người nào phải sắt đá mà có thể bình tâm trước nỗi đau của thế gian.

“Trở thành kẻ mạnh nhất và kết thúc nó?”

Những âm thanh lộp bộp trên mái hiên nhà như mũi tên xuyên qua đáy lòng nàng. Tử La lại thở dài, chẳng rõ là đã bao nhiêu lần, chỉ thấy mỗi lần thở dài như thế tảng đá trong lòng nàng lại nặng thêm.

“Ta vốn chẳng quan tâm mục đích của mỗi một kẻ muốn tham gia vào cuộc chiến này, nhưng ta biết mục đích của ta không hề giống chúng. Ta chỉ muốn bảo vệ những người ta quan tâm, bảo vệ những người dân tay không tấc sắt, khi bị chà đạp cũng chỉ có thể ai oán nhìn trời. Nhưng biết phải làm sao đây, nắm trong tay ngàn vạn binh mã cũng có lúc ta thấy bất lực. Những chuyện này đến bao giờ mới kết thúc?”

Tử La bức bối nhìn Trần Nhứ. Đôi khi nàng cảm thấy mình như một con rối, căm ghét việc chẳng thể sống theo ý của mình nhưng chẳng thể làm gì khác ngoài việc đứng yên để bị giật dây.

Trần Nhứ đứng dậy, rồi ngồi xuống bên cạnh nàng. Đôi tay chai sạn do hành y đã nhiều năm khẽ vỗ vỗ lên mu bàn tay nàng như vỗ về:

“Ta hiểu, ta hiểu chứ! Ngay từ nhỏ, ngươi đã nói muốn trở thành một đại tướng quân uy dũng vô song, đi khắp mọi nơi bảo vệ người yếu thế. Khi ấy, đám trẻ con ở chùa đều cười nhạo ngươi vì con gái thì làm sao mà tòng quân, chỉ có ta là biết ngươi nói được làm được. Ta đã đến quân thành, trông nét mặt ai cũng rạng rỡ ta lại càng chắc chắn hơn.”

Tử La mím môi, quay mặt đi chỗ khác:

“Ta không còn bé nữa. Ngươi đừng dỗ ta như vậy!”

Nàng ấy ngẩn ra trong chốc lát, sau đó bật cười:

“Nào có, ta chỉ đang nói ra suy nghĩ của mình mà thôi. Tử La! Ta hiểu những trăn trở của ngươi. Ngày đó, ở huyện Vân ta đã nghe phó tướng của ngươi nói qua về chuyện này. Ngươi vì huynh trưởng ra đi mà đau lòng một thời gian dài, rồi lao đầu vào đánh giết, so với ngày trước chỉ có liều mạng hơn chứ không kém. Hình như ngươi đang lo sợ điều gì?”

Nàng có chút thất thần. Nửa năm trước, nàng nhận lệnh dẫn quân đi hỗ trợ cho Tử Lĩnh, trên đường đi qua một thung lũng có gặp một toán quân địch nhỏ. Bọn chúng tuy đủ già đủ trẻ, bộ dạng nhếch nhác nhưng ai ai cũng muốn liều chết xông lên. Nhìn vũ khí trên tay chúng, nàng nhận ra chúng cùng với đám người đã giết Tử Anh huynh trưởng là một bọn nên đã thẳng tay tiêu diệt. Đi thêm một đoạn, gặp ngôi làng nhỏ đổ nát, nàng mới biết toán lính kia là thôn dân trong làng, vũ khí cùng quân trang là đồ mà họ thu được từ bọn lính đã chết.

“Bọn họ chỉ muốn tự vệ, bảo vệ người nhà vừa bị kẻ khác cướp bóc, tấn công. Nhưng ta khi đó một lòng muốn rửa hận, chẳng hề suy xét đến chân tướng. A Nhứ!” Có gì đó vừa vỡ tung trên khoé mắt Tử La, nàng ngước nhìn trời thầm tự mắng bản thân không có tư cách để mà rơi lệ. “Ta không muốn trở thành kẻ như vậy. Nhưng mà… nhưng mà ta đang dần trở nên như vậy rồi.”

Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, tâm trí Tử La lại như bị nhấn chìm xuống dưới nước sâu, dù có vẫy vùng cả trăm lần cũng không thể nào thoát ra được. Nàng đã rèn luyện suốt nhiều năm trời, luyện đến mức suýt nữa mù một mắt trái, hai cánh tay cũng tưởng như đứt lìa. Đi từ cấp thấp nhất đến doanh trưởng rồi tướng quân của Thánh Nguyệt quân, tất cả nàng chỉ mất có ba năm, chưa một lần than khổ, vì nàng biết muốn bảo vệ được người khác chỉ có ngày càng mạnh lên. Chẳng thể ngờ những gì mà nàng tâm niệm ngày ấy đã sớm hoà theo gió bụi, nàng bây giờ đang từng bước trở thành kẻ hiếu sát.

Trần Nhứ lặng người khi dần nhận ra những gì đang sụp đổ trong lòng Tử La. Qua một chốc, nàng ấy chầm chậm đứng dậy, bước về phía ban thờ Phật nơi góc phòng. Đốt một nén hương trầm, Trần Nhứ chắp tay, thành tâm niệm một bài Chú Vãng Sinh.

Hương trầm len lỏi vào tâm trí, gợi nhắc cho Tử La về những tháng ngày được nuôi nấng ở chùa. Kí ức dưới lớp bụi phủ, mờ mịt lại xa xôi, rồi mỗi lúc một rõ nét. Nàng thấy quay trở về khoảng sân nhỏ lúc nào cũng phảng phất khói hương và ngập trong ánh sáng. Từ khoảng sân ấy đã không biết bao lần nàng tung tăng chạy qua để đi sang chính điện tụng kinh buổi sáng hay gánh củi về lúc chiều buông. Rồi nàng lại thấy   mình đang đứng trong khoảng sân ấy, tò mò nhìn sư ông nâng niu con kiến nhỏ trên một chiếc lá đa.

Đây là nàng của năm tám tuổi.

Sư ông ngoảnh sang, đưa chiếc lá cho nàng, giọng người ấm áp lại vang vọng như đã đi hết ngàn núi muôn sông:

“Chúng sinh trong trời đất đều trải qua vạn lần luân hồi, có khi biến thành hình dạng mà chúng ta đang thấy, có khi lại đến bên cạnh trở thành người thân ruột thịt của ta. Vậy nên ta mong con có thể yêu thương mỗi một chúng sinh con gặp trong đời như thể đó người thân ruột thịt của mình.”

Cái chạm vai thật khẽ của Trần Nhứ đột ngột kéo Tử La trở về với thực tại. Nàng như người đang hôn mê choàng tỉnh dậy khỏi giấc mộng dài. Không chỉ có một phần kí ức ấy, mà biết bao nhiêu kí ức khác cùng với lời dạy của sư ông cùng lúc hiện về lấp đầy khoảng trống trong tâm trí nàng. Có phải chăng chính sư ông cũng đã nhìn ra được sẽ có ngày nàng nản lòng với chính mình.

“Vậy nếu người ta không biết sẽ có lúc họ trở thành người thân ruột thịt với con, hại con đánh con, rồi lại hại rất rất nhiều người khác thì con phải làm sao ạ? Con có thể đánh trả không sư, nếu không ngăn lại thì họ sẽ lại thành kẻ mang tội mất.”

Sư ông hình như đã thở dài, người xoa đầu nàng ôn tồn nói:

“Nếu là đánh để ngăn cản họ không hại người khác, đánh để họ không thành kẻ mang tội vậy thì không thể không xuống tay. Nhưng nếu có thể con hãy dùng sự từ bi của mình để cảm hoá, cảm hoá họ cũng là để cảm hoá con, dẫn đường cho con. Nếu chẳng may một lúc nào đó con có bị hận thù che mắt thì lòng từ bi sẽ giúp con tìm được lối ra.”

Tử La hồn nhiên chớp chớp hai mắt, nhẹ nhàng đặt chiếc lá xuống mảnh đất khô ráo để con kiến nhỏ có thể an toàn trở về tổ:

“Giá mà trên đời ai cũng thương nhau như người thân ruột thịt sư nhỉ?”

Trần Nhứ mở tung cánh cửa sổ để cho ánh trăng bên ngoài lấp đi một mảng tối trong căn phòng nhỏ, hương trầm dưới ánh trăng giống như mảnh tơ trời, gặp sáng chẳng tan đi chỉ càng thêm lấp lánh. Màn đêm đã buông từ lúc nào, ấy mà Tử La cứ ngỡ tất cả mới chỉ vừa qua một cái chớp mắt.

“A Nhứ! Ta đã hiểu được rồi.”

Tử La đứng dậy, đôi mắt nàng trong sáng chẳng kém gì ánh trăng. Trần Nhứ chỉ nhìn một lần đã hiểu, nàng ấy cầm lấy tay Tử La xúc động nói:

“Ngươi đừng lo sợ nếu có phải tiếp tục băng mình vào giữa chốn binh đao. Ta tin người biết trút một tiếng thở dài cho nhân thế sẽ không phải kẻ coi mạng người là cỏ rác. Còn quá khứ…”

Tử La nhìn xuyên qua vườn mai Vân Trì, hướng về phương Nam xa xôi, trước mắt thoáng hiện lên hình ảnh của người chẳng màng sống chết lao vào nước lũ cuồn cuộn để tìm nàng. Người đó đã nói dù cho nơi nàng đến là thiên cung hay địa ngục, người đó cũng sẽ không để nàng phải cô đơn. Nghĩ tới đây Tử La dường như đã chẳng còn sợ hãi bất cứ điều gì nữa.

“Trời cho ta sống đến hôm nay hẳn không phải để ta cứ mãi mắc kẹt trong quá khứ, ta nguyện dốc hết mạng mình chuộc tội cho tới lúc mạng chung, sau khi chết đi nếu còn chưa chuộc hết ta nguyện xuống địa ngục hoàn thành nốt.”

*

 Sáng sớm.

Tử La lười biếng trở mình, hơi lạnh mùa đông theo nếp chăn để hở lọt vào bên trong khiến nàng co rúm người như một chú mèo lười biếng. Vốn dĩ nàng đã bị cảm giác uể oải níu vào giấc ngủ, giờ lại thêm hơi lạnh góp sức nên giờ có vận hết nội lực cũng khó mà rời xa chăn ấm đệm êm được. Nhưng rồi sự cảnh giác đã được tôi luyện sau nhiều năm xông pha trận mạc đã buộc đầu óc nàng thanh tỉnh chỉ trong thoáng chốc.

Có người khác đang ở đây.

Tử La bừng mở mắt, tay chân vẫn chưa quen với nhiệt độ bên ngoài nhưng tinh thần đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Trái với hình dung của Tử La, khắp căn phòng chẳng có lấy một chút dấu hiệu nguy hiểm nào. Bên mép giường chỉ có hai chùm sáng nhỏ đang chăm chú nhìn nàng, thỉnh thoảng lại chớp chớp đầy hiếu kì. Ánh nhìn ấy tự dưng khiến Tử La cảm thấy hiếu kì theo. Con nhà ai vậy? Sao lại nhìn nàng như thế?

Biết mình đã bị phát hiện cậu nhóc chạy biến ra sau cây cột, chỉ để lộ hai chùm sáng đôi mắt ngây ngô, hiền lành. Tử La vác theo chiếc chăn bông, bình tĩnh bước xuống giường đến trước mặt vị khách nhỏ không mời:

“Con quấy rầy giấc ngủ của ta mà lại nhìn ta như vậy là sao? Con tên là gì? Sao lại ở đây?”

Cậu nhóc này hoàn toàn chẳng có chút đe doạ nào đối với nàng, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của nó vẫn khiến Tử La không ngừng đặt ra câu hỏi về xuất thân của nó ở trong đầu.

Đứa trẻ nép sát người vào cây cột, lí nhí đáp:

“Con tên là Nguyên Tường.”

Nói xong, chẳng để Tử La hỏi gì thêm nó đã chạy vụt ra ngoài như một chú sóc. Tử La nhìn theo mà không khỏi bật cười. Lúc ghé lại xem nàng ngủ thì chẳng thấy nó ngại tí nào, vậy mà vừa hỏi một chút đã chuồn đi mất. Trẻ con đứa nào cũng ham chơi, Tử La chẳng để ý nữa, chỉ quay lại sửa soạn theo thói quen.

Xong xuôi, nàng khoan thai bước ra ngoài tìm Trần Nhứ. Thiếp mời đã đưa, hàn huyên cũng đã thoả, đã đến lúc nàng trở về rồi. Dù không muốn nhưng nàng vẫn phải nói lời từ biệt với Trần Nhứ, vì ở quân thành vẫn còn rất nhiều việc đang đợi nàng trở về xử lí. Nhớ tới hôn lễ đang mỗi lúc một gần khoé môi Tử La không nhịn được nở một nụ cười hân hoan.

Tử La cúi xuống nhìn chiếc vòng mà Huy Tường đã đeo cho nàng trước khi đi. Chiếc vòng này là món đồ mà nhà họ Chử chỉ truyền lại cho con dâu, nhiều năm trước khi nhà họ Chử bị tịch biên thì cũng thất lạc mất. Huy Tường trở về kinh thành tìm nó không chỉ phải chịu vất vả mà còn gặp không ít hiểm nguy. Kinh thành là nơi mà tướng sĩ của phản quân có thể tuỳ ý ra vào hay sao, chàng làm vậy thật chẳng khác nào lao vào chỗ chết.

Huy Tường cũng thật liều lĩnh, nhưng cũng chỉ có người như thế mới có thể đồng hành với một người chẳng màng sinh tử giống như nàng.

Đoạn hành lang khuất gió dẫn nàng ra khoảng sân nhỏ phía sau am Vân Trì, ở đây còn có một gian phòng đơn sơ nằm ẩn mình sau rặng trúc đào cao quá đầu người. Tử La vừa đưa tay đẩy cửa đã trông thấy Trần Nhứ ở đó. Sáng nào, nàng ấy cũng đến đây dọn dẹp và thay hoa một lần, lúc nào cũng cẩn thận tỉ mỉ giống như đang đợi chủ nhân của căn phòng quay lại. Nhưng ở núi Quy Sương này, ngoài sư phụ của Trần Nhứ người trước đây luôn ở tại căn phòng phía Đông thì còn có ai nữa?

“A Nhứ! Đã dọn xong hết chưa?”

Trần Nhứ thoáng giật mình, nhận ra Tử La, nàng ấy nhanh chóng trấn tĩnh. Đôi tay thanh mảnh tựa búp măng khẽ lướt trên nền giấy, khéo léo trải phẳng lại bức tranh chữ trên bàn.

“Sắp xong đây rồi!”

Tử La bước lại gần, biểu hiện ban nãy của Trần Nhứ khiến nàng phải chú ý đến bức tranh chữ kia. Bờ lau trắng xoá, nước trôi êm êm, núi xanh trời thẳm. Trông nét bút mềm mại mà dứt khoát. Tử La dần mường tượng được dáng vẻ của người vẽ, vừa có khí phách lại không kém phần dịu dàng, tưởng như đối nghịch mà lại hài hoà đến kì lạ. Chỉ là bút pháp này dường như không phải của Trần Nhứ.

“Bức tranh này tuy đẹp nhưng không biết nó có gì đặc biệt mà khiến ngươi phải ngẩn ngơ như vậy?”

Trần Nhứ mỉm cười:

“Cũng không có gì! Chỉ là tranh được tặng, trông thấy nó thì chợt nhớ đến người vẽ nên có chút bần thần mà thôi.”

Nhìn vật mà lại nhớ đến người ư? Tử La cười tinh nghịch, nhanh nhẹn đảo mắt về phía hai dòng thơ đề bên góc phải.

“Chỉ là một người từng tới đây chữa bệnh để lại thôi mà. Chúng ta kệ nó đi.” Nói rồi nàng ấy vội cuộn nó lại đứng dậy tìm chỗ cất, cứ như sợ bị ai lấy mất vậy.

Trần Nhứ tuy nhanh tay nhưng chừng đó thời gian vẫn đủ cho Tử La nhìn thoáng qua nét chữ kia.

Trong một chốc, Tử La như hiểu hết tất cả, tưởng như lạ mà lại hoá ra quen. Vào cái ngày gặp lại Trần Nhứ, nàng bất ngờ nhận được một phong thư được gửi từ bên kia chiến tuyến. Ngỡ đó là chiến thư nên biểu cảm của ai nấy cũng đều vô cùng nghiêm trọng, tới khi Tử La mở ra xem thì chỉ thấy mấy chữ “... Từ lâu đã nghe danh tướng quân là người chính trực ngay thẳng, không bao giờ hại đến người vô tội. Mong tướng quân có thể tha cho nữ lang y kia một mạng. Quách Gia biết ơn vô cùng.”

Khi đó, nàng đã rất kinh ngạc vì Quách Gia nổi tiếng tâm cao khí ngạo, nay lại ngọt nhạt đủ lời với nàng chỉ để cầu xin cho Trần Nhứ, chuyện này ắt không bình thường. Có lẽ Quách Gia đến chết cũng không tưởng tượng được nàng và Trần Nhứ là bạn thuở nhỏ, từng đồng cam cộng khổ suốt nhiều năm trời.

Tử La phì cười, ngay cả nàng có chết nàng cũng không tưởng tượng được giữa Quách Gia và Trần Nhứ có gì đó nữa cơ mà.

Trần Nhứ lặng im đứng trước kệ gỗ chứa đầy những cuộn tranh. Bóng lưng nàng ấy bỗng chốc trở nên thật quạnh quẽ, chênh vênh. Tử La thấy vậy cũng lặng đi theo, nghĩ đến cục diện hiện tại, lại nghĩ tới Quách Gia, nàng cũng mang máng đoán được tại sao Trần Nhứ lại như vậy.

Kì thực nếu Quách Gia là một người khoẻ mạnh, thì dù hắn có là quân sư phe địch, nàng cũng sẽ tìm mọi cách để hắn đem kiệu tới đường hoàng mà rước Trần Nhứ đi. Nhưng hiềm nỗi… chỉ e chính Quách Gia cũng tự biết mình mà lùi xuống một bước để người trong lòng không lỡ dở.

Nàng hắng giọng, sau đó hào hứng nói với Trần Nhứ, tìm cách phá tan sự trầm mặc hiện tại:

“Để Cung tướng quân đây vẽ tặng ngươi một bức tranh chữ. Tay ta tuy quen cầm cung kiếm nhưng chút kĩ nghệ học được ở Tào phủ vẫn còn lưu lại ít nhiều, chắc chắn sẽ không kém bức tranh kia đâu.”

Trần Nhứ thuận ý, nàng ấy nhẹ nhàng trải giấy mài mực rồi nói sẽ đóng lại và treo ở phòng khách để bất cứ ai đến cũng có thể trông thấy.

Tử La vượt muôn dặm đường xa tới đây, có mai hạc dẫn đường, bao nhiêu khúc mắc trong lòng đã được hoá giải, coi như không uổng công nhiều ngày ăn gió nằm sương. Nàng cẩn thận đặt bút, từng nét vẽ khoáng hoạt dần dần hiện ra. Một vườn mai thắm, một cánh hạc xuyên trời, tựa như tấm lòng nàng dành cho chính mình cũng như dành cho thiên hạ, nhiệt thành mà dung dị. Cuối tranh, Tử La đổi sang một cây bút nét nhỏ cẩn thận đề xuống đôi dòng thơ:

“Thanh u một cõi yên hà

Mai vời hạc dẫn đưa ta theo cùng”

Trần Nhứ sững sờ nhìn nàng, rồi nặng nề thở ra. Gió tuyết bên ngoài hoá thành mũi tên xoáy sâu vào lòng núi, cuốn phăng cánh hoa tàn.

*

“Ngươi tiễn ta tới đây là được rồi. Trong nhà có trẻ nhỏ, không nên để nó ở lâu một mình.”

Tử La thoáng dừng bước, ánh mắt nàng hướng về Trần Nhứ êm ái như giọt sương đêm trên lá, dẫu có trôi lăn cũng chẳng khiến vạn vật phải thức giấc.

Trần Nhứ níu lấy tay nàng, xúc động nói:

“Ta nhất định sẽ tới. Ngươi lên đường bảo trọng.”

“Tất nhiên rồi!” Tử La cười hào sảng. “Ngươi có thể dẫn Nguyên Tường đi theo. Ở nhà ta có mấy đứa bé trạc tuổi nó, mấy đứa có thể chơi cùng nhau.”

Nguyên Tường tuy còn ít tuổi nhưng đã vô cùng sáng dạ, nó là đứa trẻ nhân hậu, hiền lành nhất mà Tử La từng gặp. Ở lại đó với Trần Nhứ, nó sẽ được chăm sóc, được học hành, tương lai chắc chắn sẽ trở thành một danh y có thể giúp đời giúp người. Chỉ duy có một điều về nó vẫn khiến nàng phải lăn tăn.

Tử La đè thấp giọng tránh tai vách mạch rừng.

“Đứa trẻ này có thân phận như thế nào vậy? Ta đã trông thấy ký hiệu hoàng gia trên miếng ngọc bội mà nó đeo rồi, chắc chắn nó không thể chỉ là đứa trẻ mồ côi mà ngươi cứu được bên đường.”

Trần Nhứ biết nàng đã mang máng đoán được ra nên cũng chẳng giấu giếm nữa. Nàng ấy nghiêm túc nói:

“Nguyên Tường có một người chị đang sống ở trong cung. Ta biết nói như vậy là có phần hơi vô lý nhưng không biết ngươi có cách gì có thể cứu đứa trẻ kia không? Suy cho cùng cả hai đều là những đứa trẻ đáng thương.”

Không ngờ hoàng thất vẫn còn hai hậu duệ đã lớn được tới từng này, có thể sống sót dưới gót của ả họ Lý kia đúng là được trời Phật phù hộ. Nhưng Lý Thiên Chương tại sao lại giữ hậu duệ của tiền triều ở bên cạnh mình, không biết ả điên này lại có âm mưu gì khác. Nghĩ tới đây, Tử La không khỏi cau mày:

“Chuyện này ta sẽ từ từ tính toán. Hiện thời, ngươi cứ chăm sóc Nguyên Tường cho tốt, có thể làm được những gì ta nhất định sẽ cố gắng hết sức.” Tử La ngoảnh đầu nhìn con đường mòn quanh co bị phủ kín bởi tuyết trắng, gương mặt thâm trầm chợt quay trở về với vẻ phóng khoáng thường ngày.

“Tuyết rơi mỗi lúc một nhiều, ngươi mau trở về đi, tránh nguy hiểm.”

Trần Nhứ khe khẽ gật đầu, rồi lưu luyến quay gót. Tử La đứng dưới gốc cây vân sam, lặng yên nhìn theo. Đến khi bóng áo xanh đã khuất hẳn phía sau bờ đá trắng, nàng mới chầm chậm lên tiếng:

“Không ngờ các ngươi có thể đợi đến lúc này!” Ánh mắt nàng chợt thay đổi, giọng cũng đanh lại như sắt thép. “Xin được chỉ giáo!”

Bất thình lình mấy chục kẻ áo trắng từ phía sau bụi rậm, hốc đá nhất loạt xông tới hòng bao vây lấy Tử La. Tạm thời nàng chưa thể đoán được bọn chúng là do phe nào phái đến, nhưng nếu đã dày công mai phục như vậy thì nàng cũng nên tiếp đón cho tốt. Tử La tháo tung chiếc áo choàng để lộ song kiếm đeo phía sau lưng.

Trước khi tới đây, đám thích khách đã được nghe người khác nói về Tử la. Nàng là kẻ liều lĩnh lại kiêu ngạo khó ai bì. Mười bốn tuổi nàng một mình một giáo lao lên trước toàn quân, khí thế như ma quỷ, khiến cả những người cùng chiến tuyến đều có phần bàng hoàng. Bọn thích khách đều chưa thể mường tượng ra được điều đó, cho đến khi thấy dù kiếm đã đến ngay sát đầu nàng vẫn đứng yên như một bức tượng.

Tử La của bây giờ đã vượt qua chính nàng năm mười bốn tuổi một quãng rất xa. Nàng đã không còn cậy mạnh chủ động áp sát để giành lấy lợi thế nữa, mà đẩy sự chủ động về phía đối phương còn mình thì chờ thời cơ, dùng một nước đi kết thúc toàn bộ cuộc chiến.

Chỉ trong một cái chớp mắt, đôi kiếm vụt rời khỏi vỏ. Lưỡi kiếm sáng loà cắt vào không gian một nét như sợi chỉ đường tơ, chỉ bằng mắt thường thì khó lòng mà nhìn rõ. Bọn chúng thoáng thấy sợi dây buộc tóc đỏ trên đầu nàng lướt như bay trước mặt, không để lại gió cũng không để lại tiếng. Chưa ai kịp định thần đã có tiếng máu rơi tí tách rơi trên nền tuyết, ngay sau đó là tiếng binh khí tuột khỏi tay. Tất cả chỉ bằng khoảng thời gian cắt đi một ngọn tim đèn.

Song kiếm về vỏ, nhẹ tựa lá rụng. Tử La khoác lại áo choàng, thản nhiên lên tiếng:

“Xưa nay, chưa bao giờ song kiếm của ta rời vỏ mà không lấy đi mạng người, nhưng vừa nãy ta chỉ phế võ công của các ngươi chứ không giết, coi như báo đáp chuyện các ngươi đã tha mạng cho người vô tội.”

Vũ khí trên tay người có thể là thứ giúp trừ gian diệt bạo, cũng có thể là thứ sẽ đoạt mạng bất chấp luân lý. Trước đây, Tử La từng có suy nghĩ buông xuống tất cả để sát tâm không có cơ hội nuốt chửng lấy nàng. Nhưng lúc này, Tử La vẫn còn muốn cầm kiếm lên bảo vệ người nhà, bảo vệ người dân. Nàng không tin nàng lại chẳng thể làm chủ được thanh kiếm trên tay, vì kể từ nay nàng đã có lời dạy của sư ông dẫn đường.

Sương Lăng chạy về phía nàng, cái đầu nó lắc lắc như thúc giục nàng lên đường. Tử La nhếch miệng cười:

“Đi thôi! Ta không muốn để Huy Tường phải đợi lâu.”

Tử La vững vàng ngồi trên yên ngựa. Tấm áo choàng đỏ của nàng như cánh hoa mai bừng nở trong giá rét, chẳng sợ tuyết vùi gió đưa.

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro