doc thui
1. Nguồn gốc của tội ác
LTS: Ngày 21/5/1998, Kipland Kinkel, 15 tuổi, học sinh trường Trung Học Springfield, tiều bang Oregon, đã giết hại bố mẹ đẻ, rồi đến trường với khẩu súng trường bán tự động. Hắn đã bắn chết và bị thương 10 người khác trước khi bị bắt. Đêm 25/5/ 2002, 2 người đàn ông bước vào hiệu ăn Wendy, New York với những khẩu súng ngắn. Chúng bắt tất cả nhân viên trong quán nằm úp mặt xuống sàn và bắn thẳng vào đầu những người vô tội không tấc sắt trong tay, 5 người trong số họ đã chết ngay tại chỗ, 2 tên sát nhân đã bị bắt sau đó vài ngày và lĩnh án tử hình. Tổng số tiền chúng cướp được chỉ vỏn vẹn 2.000 đô la.
Ngày nay, những sự kiện tương tự không khó kiếm trên các mặt báo. Chúng gây sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Người ta thường đặt câu hỏi: "Tại sao tội ác lại tồn tại? Điều gì đã gây ra những hành động bạo lực kinh hoàng đó?"
Trong suốt quá trình phát triển của loài người, các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học vẫn không ngừng trăn trở để trả lời những câu hỏi trên. Đã xuất hiện vô vàn những học thuyết về tội ác song thực sự có giá trị thì không nhiều, thậm chí không ít trong số đó mang đậm chất mê tín, duy cảm và bịp bợm.
Những nghiên cứu ban đầu
Năm 1764, giáo sư người Ý, Cesare Beccaria (1738 - 1794) đã viết một cuốn sách nhan đề "Những tiểu luận về tội ác và trừng phạt". Những kiến giải của ông trong cuốn sách mang tính cách mạng trong ngành tội phạm học. Nó hoàn toàn xa lạ với những học thuyết về tội ác đã ra đời trước đó. Ông cho rằng con người là sinh vật có lý trí và như vậy hành vi của con người là kết quả của một quá trình suy luận logic. Hành vi phạm tội đương nhiên cũng tuân theo quy luật trên. Trên cơ sở đó, ông khẳng định trừng phạt là không bao giờ thừa đối với những kẻ phạm tội, song những biện pháp trừng phạt đó nên được công bố từ trước để những kẻ phạm tội biết chính xác được những gì chúng sẽ phải nhận khi gây tội ác. Nối tiếp tư tưởng của Beccaria là triết gia người Anh Jeremy Bentham (1748 - 1832). Ông đề ra thuyết phép tính khoái lạc.
Theo ông, con người phạm tội bởi họ cho rằng lợi ích mà họ thu được từ hành động phạm tội lớn hơn những gì họ sẽ phải gánh chịu sau này. Ông cũng đề cao hình phạt và cho rằng cần đưa ra những khung hình phạt sao cho người dân thấy được hành động phạm tội của họ không đáng so với cái giá phải trả.
Trong suốt thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đều quy kết yếu tố di truyền chính là căn nguyên của tội ác. Nhiều người cho rằng hành vi phạm tội có liên hệ mật thiết tới các đặc điểm sinh lý của cơ thể. Franz Gall (1758 - 1828) là người đầu tiên trình bày luận điểm này bằng phương pháp khoa học. Ông tin rằng hình dạng của bộ não và hộp sọ có thể cho biết tính cách cũng như quá trình phát triển tâm lý của một người. Theo lý thuyêùt của Gall, trên đầu một người có từ 27 đến 38 khu vực có liên hệ tới những tính cách như hung hăng, thù hận, dối trá hay ham bạo lực... Nếu những vùng đó phát triển hơn mức bình thường, người đó sẽ có xu hướng biểu lộ tính cách mà nó đặc trưng. Ông cũng cho rằng những tên tội phạm có thể đã phải chịu những thương tổn về não gây ra sự phát triển thái quá của những tính cách như hiếu chiến hoặc ưa chống đối. Những thương tổn này có thể xuất phát từ các yếu tố bên ngoài như nghiện rượu, thủ dâm, bị hôn mê nhiều lần, học quá nhiều khi còn nhỏ tuổi hoặc quá sùng đạo. Ông gọi môn khoa học mới này là não tướng học. Gần như ngay lập tức, học thuyết của Gall được hoan nghênh nhiệt liệt. Người ta ca tụng và truyền bá nó từ châu Mỹ tới châu Âu. Thậm chí não tướng học còn được sử dụng tại các phiên tòa như một phương thức luận tội. Người ta đề cao nó như một môn nghệ thuật, một phương thuốc, một môn khoa học chính trị. Ngay cả Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ cũng đã từng tin vào não tướng học. Ông đã phát biểu: "Tôi không hề biết mình có năng lực sáng tạo cho đến khi não tướng học cho tôi biết điều đó. Tôi đã trở thành một con người khác kể từ ngày hôm đó". Tuy nhiên không bao lâu sau., từ vị trí một "môn khoa học mới", não tướng học đã bị xem như một thủ đoạn của bọn lang băm và nhanh chóng biến mất khỏi đời sống xã hội. Khắp nơi xuất hiện những kẻ lừa đảo. Chúng sử dụng não tướng học như một công cụ để kiếm tiền. Thậm chí tại các rạp hát hay hội chợ còn xuất hiện những chiếc máy kỳ quặc. Người ta chụp lên đầu khách hàng một chiếc mũ bằng kim loại, sau đó máy sẽ tự động đưa ra những kiến giải về tính cách của họ. Một chiếc máy như thế hiện vẫn được lưu giữ tại Viện bảo tàng các thiết bị y tế đáng ngờ ở Minneapolis, Mỹ. Cho đến giữa những năm 1930, nhiều nhà khoa học đồng loạt lên tiếng phản bác lý thuyết của Gall. Họ cho rằng não tướng học đã không tính đến việc các mô não mềm có thể gây ra sự lồi lõm trên hộp sọ. Thêm nữa, mỗi nhà não tướng học lại đưa ra một bản đồ rất khác nhau về các vùng trên hộp sọ thể hiện những tính cách riêng biệt. Kết luận cuối cùng là không có bằng chứng khoa học cho lý thuyết của Franz Gall.
Có chăng những tên tội phạm bẩm sinh?
Bất chấp sự thất bại của não tướng học, một số nhà nghiên cứu trong đó có Cesare Lombroso vẫn tiếp tục duy trì ý tưởng về mối liên hệ giữa tội ác và các đặc điểm sinh lý cơ thể. Lombroso đề xuất một lý thuyết gọi là "thuyết lại giống". Theo đo,ù ông xem tội phạm là thế hệ con cháu của những gia đình có hiện tượng thoái hóa giống - một dạng người không theo kịp quá trình tiến hóa thành con người hiện đại. Tuy nhiên, lý thuyết của Lombroso còn bộc lộ những thiếu sót nhanh hơn cả não tướng học. Charles Goring, một bác sĩ người Anh đã khai tử học thuyết về "những tên tội phạm bẩm sinh" của Lombroso khi ông tiến hành một nghiên cứu vào năm 1913. Goring so sánh đặc điểm sinh lý của hàng ngàn tù nhân trên khắp nước Anh với những người lính thuộc lực lượng công binh hoàng gia. Kết quả cho thấy không có điểm khác biệt quan trọng giữa hai nhóm người nầy.
Những tưởng sau Lomboso sẽ chấm dứt những nghiên cứu về gen "tội phạm". Nhưng một loạt nghiên cứu mới về ý tưởng này vẫn ra đời sau đó mà điển hình là "gia đình Kallikak" của nhà tâm lý học Henry Goddard. Ông nghiên cứu hai nhánh phả hệ thuộc dòng họ Kallikak. Một bắt đầu từ Martin Kallikak và một người hầu gái có trí óc không bình thường. Nhánh này có 480 con cháu, trong đó hơn một nửa là tội phạm hoặc có hành vi lầm đường lạc lối. Nhánh thứ hai, cũng xuất phát từ Martin Kallikak nhưng với phụ nữ hoàn toàn bình thường. Nhánh này co 496 con cháu, trong đó không ai trở thành tội phạm. Từ những nghiên cứu - mà người đời cho là hư cấu - Goddard khẳng định con người có thể kiểm soát hành vi phạm tội bằng cách cải thiện chất lượng gen (giữ lại những gen tốt và loại bỏ những gen xấu). Thế là ông ta cho ra đời một khái niệm mới: thuyết ưu sinh. Hàng loạt nhũng nghiên cứu điên rồ dựa trên thuyết ưu sinh đã được tiến hành ngay sau đó. Trong vòng 15 năm, có tới hàng ngàn công dân Mỹ bị thiến để ngăn chặn cái gọi là "sự tái sinh" của gen tội phạm. Sự thể còn tai hại hơn khi trùm phát xít Hitler lên nắm quyền ở Đức và ý tưởng của Goddard được hắn đặc biệt chú ý. Một cuộc thanh lọc chủng tộc quy mô lớn lại bắt đầu trên đất Đức. Lần này, nạn nhân không chỉ là tội phạm hay người chậm phát triển trí tuệ mà còn là những người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, bệnh xã hội, người nghiện... Tất cả bọn họ bị giết, bị thiến cốt tạo ra dòng giống Aryan thuần chủng nhằm phục vụ cho mục đích thống trị thế giới của tên đao phủ tàn bạo nhất trong thế kỷ 20.
Những tổn thương ở não
Khoa học đã chứng minh những chấn thương nặng trên các phần của cơ thể đặc biệt là ở bộ não có thể gây ra những xáo trộn tâm lý cho nạn nhân. Tuy nhiên, mức độ thay đổi tính cách là rất khác nhau ở mỗi người. Lịch sử tội phạm đã ghi lại không ít những người vốn rất bình thường nhưng sau khi bị những thương tổn ở não đã trở thành những tên tội phạm tàn bạo. Trong chuyến vượt biển đến Mỹ năm 1945, Raymond Fernandez đã bị cánh cửa hầm tàu đập rất mạnh vào đầu. Anh ta bị chấn thương rất nặng và rơi vào tình trạng hôn mê trong vòng một tuần. Khi tỉnh lại, bạn bè vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi tính cách của Fernandez. Từ một người hiền lành, nhã nhặn, khiêm tốn, anh ta sớm biến thành một kẻ ưa tranh cãi, rất dễ nổi giận và đôi khi không kiểm soát được hành vi của mình. Trong những năm tiếp theo, Fernandez đã cùng bạn gái giết hại 17 phụ nữ trên đất Mỹ. Ngày 1/8/1996, Charles Whitman, 24 tuổi, cựu lính thủy quân lục chiến, trèo trên đỉnh đài thiên văn cao 94m của Trường đại học tổng hợp Texas. Trong vòng 2 giờ đồng hồ sau đó, hắn đã sử dụng súng bắn tỉa bắn hạ 18 người và làm bị thương 30 người khác. Trước đó một ngày, hắn để lại một lá thư yêu cầu được mổ tử thi để xem cái gì đã đẩy hắn vào tình trạng rối loạn tâm thần. Đúng theo sở nguyện của hắn, người ta đã thực hiện ca giải phẫu. Các bác sĩ phát hiện ra Whitman có một khối u lớn trong não. Tuy nhiên, không ai có thể chứng minh liệu khối u đó có phải là nguyên nhân dẫn đến hành động điên rồ của hắn hay không.
Trên thực tế, lời bào chữa "phạm tội do bị chấn thương ở đầu" ít khi có giá trị. Nhưng mắc bệnh tâm thần lại là lý lẽ hàng đầu trong hơn 2 thế kỷ qua trong việc giải thích hành vị tội ác tại các phiên tòa. Trước hết cần khẳng định, hầu hết những bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc rối loạn đa nhân cách. Đa số người bệnh tâm thần đều có cuộc sống bình thường và không hề phạm bất kỳ tội ác nào cho dù họ có thể hay giận dữ, đập phá... Một vài lý thuyết tâm lý học cho rằng tội ác là kết quả của thiểu năng nhân cách. Thiểu năng nhân cách có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ việc học tập quá sức đến những tổn thương tâm lý từ thuở nhỏ... Khi tiến hành nghiên cứu ở những tên giết người hàng loạt khét tiếng như Ted Bundy hay Jeffrey Dahmer, người ta phát hiện thấy đa số chúng đều phải chịu những biến cố tâm lý từ lúc nhỏ với nhiều dạng và cấp độ khác nhau. Chúng đều là những kẻ tâm thần mang những nhân cách chống xã hội. Chúng không thể biết mình bị thiểu năng và luôn cảm thấy bị xã hội quấy rầy. Mức độ của những ám ảnh vô hình ngày càng tăng và đến một thời điểm nhất định kẻ mắc bệnh sẽ có những hành động mang tính bạo lực nhằm giải tỏa sự ức chế đó. Đáng tiếc, ranh giới giữa bệnh nhân tâm thần và tội phạm tâm thần thật khó nhận ra nên một số kẻ đã sử dụng nó như một lá chắn để biện minh cho hành động tội lỗi của mình.
Tội phạm là một sản phẩm của xã hội
Cha đẻ của môn xã hội học Emile Durkheim (1858 - 1917) là người đặc biệt quan tâm đến những nghiên cứu về tội ác và vai trò của nó trong xã hội. Ông đã đưa ra một ý tưởng có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các nhà xã hội học. Đó là cấu trúc xã hội đã tác động thế nào đến hành vi của con người. Durkheim cho rằng tội ác là hành vi tự nhiên được cấu thành từ nhiều yếu tố. Những yếu tố này hình thành do nhiều ảnh hưởng khác nhau từ xã hội. Ông tin rằng xã hội chính là tác nhân chủ yếu đứng đằng sau các hành vi phạm tội. Lý thuyết này của ông đã tỏ ra có lý trong cuộc Đại suy thoái (1920 - 1930) của nước Mỹ. Khi đó, tình trạng thất nghiệp tràn lan, nghèo đói, nỗi thất vọng làm biến đổi tâm hồn người Mỹ. Các ngân hàng, tập đoàn kinh tế và các cơ quan chính phủ trở thành kẻ thù của công chúng. Thậm chí những tên tội phạm khét tiếng tàn ác thời đó như John Dillinger, Bonnie và Clyde, hay Pretty Boy Floyd lại được công chúng xem như những người anh hùng. Họ coi chúng như những kẻ ngoài vòng pháp lật nổi dậy chống lại những bất công trong xã hội. Robert Merton, một môn đệ của Durkheim giải thích chi tiết hơn, ông khẳng định hành vi phạm tội không bắt nguồn từ sự xốc nổi nhất thời mà là cách thức hành sử đã được xã hội tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. Xã hội thường đưa ra những mục tiêu và phần thưởng như nhau tới tất cả các thành viên. Song mỗi cá nhân sẽ có những cách thức và cơ hội khác nhau để đạt tới những mục tiêu đó. Con người phạm tội khi họ cảm thấy mình đã bị "lừa mất" cái mà đáng ra thuộc về họ.
Tuy nhiên lý thuyết của Robert Merton lại không thể giải thích được nguyên nhân phạm tội của dạng tội phạm cổ cồn trắng. Lúc này những kẻ phạm tội lại là những người giàu có, được giáo dục tốt và nói chung nhận được rất nhiều phần thưởng từ xã hội. Không thể nói những người này đã bị "lừa". Điển hình của dạng tội phạm này là một trong những vụ lừa đảo và gian lận chứng khoán lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ ở tập đoàn năng lượng Enron. Trong khi hàng ngàn cổ đông bị thiệt hại nặng nề, hàng ngàn người mất việc, các quỹ lương hưu trí bị bay hơi thì một thành viên hội đồng quản trị vẫn thản nhiên xây dựng một khu biệt thự trị giá 37 triệu đô la tại Florida. Tại sao những triệu phú, tỉ phú được bao bọc bởi giàu sang lại dấn sâu vào tội ác trong khi cuộc sống của họ vốn đã là điều mơ ước của đa số người Mỹ? Nhà xã hội học Edwin Sutherland cho rằng con người sẽ học được thủ đoạn phạm tội lần đầu tiên thông qua những tác động qua lại với những nhóm người khác sống cùng môi trường như họ. Không những thế, sau đó họ còn tự phát triển và tìm cách hợp lý hóa phương thức phạm tội bằng những lý do theo kiểu có học. Những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội Mỹ cho rằng "tội ác thực sự" là một khái niệm thuộc về một tầng lớp khác. Tội phạm cổ cồn trắng xem các hành vi phạm tội của họ đơn giản là "làm ăn" hoặc "kiếm lợi nhuận"... Động cơ của họ được bào chữa bằng những luận điểm đại loại như "mọi người đều làm như vậy". Họ không hề biết hành vi phạm tội của họ có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn người. Thậm chí, ảnh hưởng của nó đến xã hội còn lớn hơn nhiều hành vi tàn bạo của một tên giết người hàng loạt. Người ta cho rằng tội phạm cổ cồn trắng thường phải chịu áp lực trong việc duy trì lối sống xa hoa của họ. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự phạm tội. Một số chính khách lại cho rằng họ chỉ đơn thuần cố gắng theo đuổi hình ảnh méo mó của giấc mơ Mỹ: phải giành lấy sự giàu có bằng mọi giá, kể cả phạm tội.
Sư liên quan của các phương tiện truyền thông
Alfred Hitchcock, ông vua phim kinh dị Hollywood, từng tuyên bố: "Truyền hình đã mang những vụ án mạng trở lại các gia đình - nơi đã sản sinh ra nó". Ngày nay, tại nước Mỹ, 98% gia đình có ít nhất một chiếc tivi trong nhà, nhiều hơn cả điện thoại và bồn tắm. Cho đến khi một đứa trẻ Mỹ được 12 tuổi, trung bình nó đã phải xem trên 8.000 vụ án mạng trên truyền hình. Điều đặc biệt là các chương trình dành riêng cho trẻ em lại chứa nhiều cảnh bạo lực tồi tệ nhất. Một nghiên cứu của trường Đại học Pennsylvania phát giác các chương trình dành cho trẻ em có trung bình 32 cảnh bạo lực trong một giờ, 74% các chương trình truyền hình sáng thứ bảy có chứa những cảnh bạo lực. Trong vòng hơn 50 năm qua, người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa tội ác, và truyền hình. Đa số các nghiên cứu đều khẳng định xem quá nhiều các hình ảnh bạo lực chính là kích thích bạo lực. Một khảo sát trên 208 tù nhân cho biết: có 9 trên 10 tên thừa nhận chúng đã học được các mánh khóe phạm tội qua các chương trình tội phạm trên truyền hình: 4 trên 10 tên trả lời chúng đã thực hiện y chang một tội ác đã nhìn thấy trên truyền hình. Trong các sản phẩm truyền hình thì những bộ phim bị chỉ trích nặng nề nhất như bộ phim từng được trao giải Oscar của Viện Hàn Lâm Khoa Học Điện Ảnh Mỹ: Người Săn Hươu (1972) bị kết luận là có liên quan đến 43 cái chết trong những hoàn cảnh tương tự trong phim. Thêm một điều đáng lo ngại bởi người dân dường như không mấy chú ý đến hiệu ứng xấu của truyền hình. Chỉ có 57% số người được hỏi cho rằng những hình ảnh bạo lực trên các phương tiện truyền thông là tác nhân quan trọng trong các cảnh bạo lực trong đời thực.
Thức ăn cũng có thể gây ra tội ác
Yếu tố dinh dưỡng cũng bị tình nghi gây ra những hậu quả không thể lường trước được đối với bộ não của con người. Nghiên cứu sớm nhất về mối liên hệ giữa ăn kiêng và hành vi của con người đã được thực hiện từ năm 1943. Nghiên cứu khẳng định lượng đường thấp trong máu sẽ làm giảm khả năng đưa ra những quyết định có lý trí. Những năm gần đây, tác nhân thực phẩm lại được sử dụng để giải nghĩa hành vi phạm tội. Xu hướng này được thể hiện qua một phiên tòa tại San Francisco năm 1978. Luật sư của bị cáo phạm tội giết người cho rằng anh ta mắc chứng bệnh tâm thần bởi ăn quá nhiều quà vặt. Lời bào chữa này nghe qua thật khôi hài nhưng khoa học đã chứng minh một số rối loạn tâm lý có thể phát sinh do cơ thể phản ứng lại một loại thực phẩm hoặc các chất phụ gia nhân tạo có trong loại thực phẩm đó. Một nghiên cứu tại Ý năm 1969 cho thấy những trẻ ăn quá nhiều món mì ống và bánh mì đã bị giảm trí nhớ và sự tập trung. Nghiên cứu cũng đề xuất việc điều chỉnh chế độ ăn kiêng cho các phạm nhân là phương pháp tốt nhất để làm giảm tính hung hăng của họ. Tuy nhiên, ngay cả các nhà khoa học cũng bó tay trong việc dự báo loại thực phẩm nào là có hại đối với mỗi cá thể khác nhau.
Tại sao khu vực đô thị bao giờ cũng có tỉ lệ tội phạm cao hơn khu vực nông thôn? Hơn nữa ngay trong các đô thị, tỉ lệ phạm tội là rất khác nhau theo từng khu vực? Trong một nghiên cứu năm 1989, người ta đã kiểm tra 300.000 cuộc gọi đến Sở Cảnh Sát thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, và phát hiện sự tập trung khá cao vào một vài khu vực nhất định. Không những thế, tội ác xảy ra tại các khu vực này đa số là những trọng tội như cướp của giết người, hãm hiếp... Liệu có phải môi trường sinh thái cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tội ác? Đã có một số nhà nghiên cứu đưa ra những lý thuyết như "vùng đồng tâm", "khu vực tội lỗi" để lý giải những hiện tượng trên song do chúng còn có phần mơ hồ nên không mấy được chú ý.
Hội chứng tiền kinh nguyệt và hội chứng trầm cảm sau khi sinh...
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nữ tội phạm bởi nữ giới chiếm 51% dân số thế giới. Một nghiên cứu thực hiện năm 1945 chỉ ra rằng 84% hành vi bạo lực của nữ giới xảy ra trong thời kỳ tiền kinh nguyệt và sau khi sinh nở. Kể từ đó, người ta bắt đầu chú ý đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và hội chứng trầm cảm sau khi sinh (PPDS). Nhưng hiện tại các nhà khoa học không xác nhận mối liên hệ giữa hội chứng PMS với hành vi phạm tội. Mặc dù họ cho rằng người phụ nữ đã phải chịu sự đảo lộn về tâm sinh lý do những thay đổi về hormone xảy ra trước thời kỳ kinh nguyệt. Hội chứng PPDS cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Những nghiên cứu về sự liên quan giữa hội chứng này và tội ác khá mờ nhạt cho dù người ta biết chắc rằng nó hiện hữu. Thông thường, người ta chỉ viện dẫn hai hội chứng này để bào chữa cho thân chủ tại tòa án. Nhưng cũng rất ít khi có hiệu quả bởi bồi thẩm đoàn khó có thể nhẹ tay với một kẻ giết hại con đẻ của mình vì bất kỳ lý do nào. Bên cạnh hai hội chứng trên, nguyên nhân hàng đầu gây ra sự phạm tội ở nữ giới có thể là do bị bạo hành (cả thể xác và tâm hồn) hoặc quá lạm dụng ma túy và rượu. Nói chung những nghiên cứu về nữ tội phạm cho đến nay không nhiều bởi trên thực tế số tội phạm nữ giới thường ít hơn nhiều so với nam giới. Theo thống kê, tại Mỹ, số thủ phạm nữ chỉ chiếm không đến 10% số kẻ giết người hàng loạt.
Có quá nhiều yếu tố có thể đẩy con người vào con đường phạm pháp: gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, những biến động xã hội, bệnh tâm thần... Song có thể khẳng định không một nguyên nhân đơn lẻ nào có thể giải thích cho mọi loại tội ác. Động cơ phạm tội của dạng tội phạm cổ cồn trắng rõ ràng rất khác so với một tên dâm tặc. Các nhà nghiên cứu kết luận: tội ác là một chủ thể vô cùng phức tạp bao gồm quá ít hiện tượng có thể giải thích và đứng đàng sau nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngày nay quá trình xây dựng các học thuyết về tội ác vẫn đang được tiếp tục. Một số nghiên cứu gần đây còn khẳng định mối liên hệ giữa thời tiết và tội ác. Đơn cử như sự tương quan kỳ lạ giữa chu kỳ hoạt động của Mặt trăng và tỉ lệ tăng giảm của các vụ án mạng tại Miami và Cleveland. Một vài số liệu thống kê còn cho thấy các vụ trộm thường hay diễn ra trong những tháng mùa hè. Tóm lại, nghiên cứu tội ác để phòng chống là điều cần thiết. Còn cách phòng tránh tốt nhất? Xin mượn lời nhà tội phạm học nổi tiếng Samuel Walker: "Về lâu dài, gia đình, tình làng xóm và việc làm chính là những yếu tố căn bản để làm giảm tội ác".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro