Đọc sách như 1 nghệ thuật
MORTIMER J.ADLER
CHARLES VAN DOREN
ĐỌC SÁCH
NHƯ MỘT
NGHỆ THUẬT
Hải Nhi dịch
CÔNG TY SÁCH ALPHA
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Phần 1. Các phương diện đọc sách
1. Đọc sách và nghệ thuật đọc sách
2. Các cấp độ đọc sách
3. Cấp độ đọc đầu tiên - Đọc sơ cấp
4. Cấp độ đọc thứ hai - Đọc kiểm soát
5. Cách trở thành một độc giả yêu cầu cao
Phần 2. Cấp độ đọc thứ ba - Đọc phân tích
6. Phân loại một cuốn sách
7. “Chụp X-quang” một cuốn sách
8. Thống nhất các thuật ngữ với tác giả
9. Xác định thông điệp của tác giả
10. Đưa ra những lời phê bình hợp lý
11. Đồng ý hay bất đồng với tác giả
12. Những phương tiện trợ giúp việc đọc
Phần 3. Tiếp cận những chủ đề sách khác nhau
13. Cách đọc sách thực hành
14. Cách đọc tác phẩm văn học giả tưởng
15. Những gợi ý khi đọc truyện, kịch và thơ
16. Cách đọc sách lịch sử
17. Cách đọc sách khoa học và sách toán
18. Cách đọc sách triết học
19. Cách đọc sách khoa học xã hội
Phần 4. Mục đích cao nhất của việc đọc sách
20. Cấp độ đọc thứ tư - Đọc đồng chủ đề
21. Đọc sách và sự phát triển trí tuệ
LỜI NÓI ĐẦU
How to read a book (Đọc sách như một nghệ thuật) được xuất bản lần đầu năm 1940. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất và giữ vị trí đó suốt hơn một năm với số lượng phát hành lớn. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha và Italia. Việc tái bản cuốn sách này phục vụ độc giả ngày nay xuất phát từ những thay đổi trong chính đề tài cuốn sách.
Ngày nay, tỷ lệ học sinh vào đại học ngày càng tăng, phần lớn dân số đều biết đọc, biết viết. Không chỉ đọc tiểu thuyết, người ta còn đọc sách khoa học. Nhiều chuyên gia giáo dục thừa nhận việc dạy cách đọc cho trẻ em – theo cách hiểu cơ bản nhất của từ “đọc” – là vấn đề rất quan trọng. Nhiều người lớn cũng cảm thấy hấp dẫn, muốn tham gia vào các khoá học đọc cấp tốc nhằm giúp họ hiểu nhiều hơn những gì mình đọc, cũng như tăng tốc độ đọc.
Tuy nhiên, vẫn còn có những điều chưa thay đổi. Một trong số đó là mong ước của độc giả muốn được đọc nhiều tài liệu khác nhau, với tốc độ khác nhau và phù hợp hơn. Pascal đã từng nói: “Khi ta đọc quá nhanh hay quá chậm, ta chẳng hiểu gì cả”. Cuốn Đọc sách như một nghệ thuật sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này thông qua các cấp độ đọc.
Trong cuốn sách trước, tôi không đề cập đến, hoặc đề cập không thoả đáng nhiều nội dung như: những quan điểm mới về cách học đọc, sự phân tích toàn diện và chặt chẽ hơn về nghệ thuật đọc đầy phức tạp, áp dụng linh hoạt các nguyên tắc cơ bản trong các cách đọc khác nhau, việc phát hiện và hình thành những quy tắc đọc sách mới,… Trong lần tái bản này, tất cả những điều trên sẽ được diễn giải thấu đáo hơn.
Một năm sau khi cuốn Đọc sách như một nghệ thuật ra đời, có một tác phẩm tương tự mang tên How to read two books (Cách đọc hai cuốn sách) cũng được xuất bản. Đồng thời, giáo sư I.A.Richards đã viết một loạt chuyên luận với tiêu đề How to read a page (Cách đọc một trang sách). Những vấn đề về việc đọc được nêu ở hai tác phẩm trên đều được tôi bàn luận sâu sắc trong cuốn sách tái bản này, nhất là vấn đề làm cách nào đọc một số sách liên quan đến nhau để nắm được những yếu tố bổ sung, hay mâu thuẫn về cùng một chủ đề.
Bên cạnh đó, cuốn Đọc sách như một nghệ thuật tái bản lần này còn nhấn mạnh về nghệ thuật đọc, và những quan điểm về nhu cầu đạt được các cấp độ cao hơn trong nghệ thuật đọc – hai vấn đề chưa được nói đến, hoặc chỉ nói sơ qua trong nguyên bản. Hãy so sánh mục lục hai cuốn sách với nhau, bạn sẽ thấy những điểm mới, điểm khác biệt giữa chúng.
Trong quá trình cập nhật, viết lại, và chỉnh sửa cuốn sách này, tôi đã nhận được sự cộng tác của Charles Van Doren - đồng nghiệp của tôi tại Viện Nghiên cứu Triết học. Tôi rất biết ơn Van Doren về những đóng góp của anh dành cho cuốn sách. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những lời phê bình có tính xây dựng, sự hướng dẫn và giúp đỡ của Arthur L.H.Rubin - người bạn đã thuyết phục chúng tôi đưa ra những thay đổi quan trọng, khiến cho cuốn sách này khác hẳn với nguyên bản, trở thành một cuốn sách hay hơn, hữu ích hơn như chúng tôi mong muốn.
MORTIMERR J.ADLER
PHẦN 1
Các phương diện đọc sách
1
Đọc sách và
nghệ thuật đọc sách
Cuốn sách này dành cho tất cả những người say mê đọc sách. Đặc biệt, nó dành cho những ai đọc sách với mục đích chính là mở rộng tầm hiểu biết của mình.
Ngày nay, có ý kiến cho rằng việc đọc sách không cần thiết như trước. Đài phát thanh và truyền hình đã thay thế hầu hết các chức năng của sách báo. Trên thực tế, truyền hình đã thực hiện rất tốt vai trò truyền tải thông tin bằng hình ảnh, có tác động tích cực đối với người xem. Đài phát thanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin khi chúng ta đang bận làm các công việc khác (như lái xe), đồng thời giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian. Nhưng liệu sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại như trên có giúp con người hiểu biết thêm về thế giới xung quanh không?
Phân tích kỹ, ta sẽ thấy khán giả xem truyền hình, thính giả nghe đài, và độc giả của các loại báo chí được cung cấp một mớ tổng hợp các yếu tố từ các dữ liệu và con số thực, đến những thông tin đã được chọn lọc kỹ càng. Tất cả nhằm giúp họ dễ dàng “quyết định” mà không tốn nhiều công sức. Họ đưa vào đầu mình một chính kiến giống như đưa một băng cassette vào trong máy cassette. Sau đó, họ chỉ nhấn nút và “phát lại” chính kiến đó khi nào thấy thích hợp. Như vậy, họ đã hành động mà không cần phải suy nghĩ.
Đọc sách tích cực
Trong phần này, chúng tôi sẽ đề cập đến việc phát triển kỹ năng đọc sách. Nhưng nếu những quy tắc của việc đọc sách được tuân thủ và rèn luyện, thì vẫn có thể áp dụng cho bất kỳ loại tài liệu nào khác như báo, tạp chí, tờ rơi, luận văn, hay thậm chí cả những mục quảng cáo.
“Đọc” bất kỳ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một hoạt động. Vì thế, cho dù bạn đọc cái gì, ít nhiều cũng cần có tính tích cực. Người ta không thể đọc hoàn toàn thụ động, nghĩa là đọc mà mắt không di chuyển, và đầu óc thì mơ màng. Chúng tôi chỉ ra sự tương phản giữa đọc tích cực và đọc thụ động nhằm hướng mọi người chú ý đến một thực tế là việc đọc ít nhiều đều phải tích cực và càng đọc tích cực, càng có hiệu quả. Một độc giả sẽ đọc tốt hơn một độc giả khác nếu người đó thực hiện nhiều hoạt động hơn, và cố gắng nhiều hơn. Người đó sẽ đọc tốt hơn nếu họ đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân, và nội dung họ đang đọc.
Nhiều người cho rằng đọc và nghe hoàn toàn bị động so với viết và nói. Người viết và nói đều phải cố gắng, không ít thì nhiều, nhưng người đọc và nghe thì chẳng phải làm gì. Người ta cũng cho rằng đọc và nghe là hoạt động thu nhận thông tin từ một ai đó đang tích cực truyền gửi thông tin. Sẽ là sai lầm khi coi việc tiếp nhận thông tin giống như bị một cái tát, hoặc nhận một gia sản hay một lời phán quyết của toà án. Ngược lại, độc giả hay thính giả giống người bắt bóng trong môn bóng chày nhiều hơn.
Bắt bóng là một hoạt động giống như ném bóng, hay đánh bóng. Người ném bóng hay đánh bóng chính là người gửi thông tin theo nghĩa là hành động của họ khiến quả bóng chuyển động. Người bắt bóng là người tiếp nhận thông tin theo nghĩa là hành động của họ làm quả bóng dừng lại. Dù hành động khác nhau nhưng cả người ném và người bắt đều rất chủ động. Vật thụ động chỉ có thể là quả bóng vô tri bị điều khiển để chuyển động và dừng lại. So sánh với việc viết và đọc, ta sẽ thấy nội dung viết và đọc cũng giống như quả bóng – là thứ bị động chung cho cả hai hoạt động bắt đầu và kết thúc một quá trình nào đó.
So sánh lâu hơn, bạn sẽ thấy nghệ thuật bắt bóng là kỹ năng bắt được bóng ném đi theo nhiều cách (ném nhanh theo đường vòng cung, ném xoáy theo đường ziczăc). Nghệ thuật đọc cũng tương tự - là kỹ năng tiếp nhận các loại thông tin càng hiệu quả càng tốt.
Điều đáng chú ý là thành công của người ném bóng và bắt bóng tuỳ thuộc mức độ phối hợp giữa hai bên. Mối quan hệ giữa người viết và người đọc cũng như vậy. Giao tiếp giữa người viết và người đọc chỉ thành công khi những gì người viết muốn chuyển tải có thể đi vào lòng độc giả. Một số người viết có khả năng kiểm soát rất tốt - họ biết rõ điều mình muốn viết, và chuyển tải chúng rất chính xác. Ngược lại, cũng có những người viết lung tung, không có sự kiểm soát.
Đọc một bài viết, người đọc có thể tiếp nhận một lượng thông tin ít hay nhiều, toàn bộ hay chỉ một phần, phụ thuộc vào mức độ hoạt động họ bỏ ra trong quá trình đọc, và kỹ năng điều khiển các hoạt động trí óc liên quan.
Vậy đọc tích cực là như thế nào? Câu hỏi này sẽ được nhắc đến nhiều lần trong cả cuốn sách. Đến đây, bạn chỉ cần hiểu rằng nếu cùng đọc một tài liệu, người này sẽ đọc hiệu quả hơn người kia nhờ đọc tích cực hơn, và thực hiện các hoạt động có liên quan tài tình hơn. Tóm lại, đọc là một hoạt động phức tạp, bao gồm trong nó nhiều hoạt động tách biệt. Ai thực hiện nhiều hoạt động hơn sẽ đọc tốt hơn.
Mục tiêu của việc đọc sách: Đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết
Khi đọc một cuốn sách, bạn có thể hiểu rõ mọi điều tác giả trình bày, hoặc không hiểu gì cả. Nhưng ngay cả khi bạn hiểu, nghĩa là bạn có được thông tin, thì cũng chưa hẳn là bạn đã hiểu biết gì thêm. Nếu bạn hiểu rõ ràng từ đầu đến cuối, tức là bạn và tác giả có cùng suy nghĩ.
Trong trường hợp bạn không hiểu rõ cuốn sách nói gì, hay chỉ hiểu ở một mức độ nào đó, bạn biết rằng cuốn sách ngụ ý nhiều hơn những gì bạn hiểu, và nó có thể hàm chứa nhiều điều làm tăng sự hiểu biết của bạn. Khi đó bạn sẽ làm gì? Bạn có thể mang cuốn sách đến nhờ người nào hiểu rõ hơn bạn (một người thật hoặc một cuốn sách khác) giải thích những vướng mắc. Hoặc bạn có thể quyết định rằng hiểu như thế là đủ, và không cần quan tâm đến những gì vượt quá tầm hiểu biết của bạn. Cả hai cách giải quyết vấn đề trên đều cho thấy bạn đã không thực hiện đúng yêu cầu cuốn sách đưa ra về việc đọc.
Bạn chỉ có thể đọc sách theo một cách duy nhất - tự đọc mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Bằng năng lực, trí tuệ của mình, bạn phải tìm cách làm sáng tỏ những con chữ trước mắt sao cho từ chỗ hiểu ít, bạn dần hiểu nhiều hơn. Sự tiến bộ của bạn đạt được qua quá trình vận dụng trí óc, đào sâu suy nghĩ được gọi là đọc có kỹ năng. Đây là cách đọc những cuốn sách thách thức khả năng hiểu rõ vấn đề của bạn.
Như vậy, có thể tạm định nghĩa Đọc sách như một nghệ thuật là quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ, mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều.
Rõ ràng, đây là một kiểu đọc sách tích cực, trong đó không chỉ có nhiều hoạt động, mà còn có nhiều kỹ năng tiến hành các hoạt động cần thiết khác nhau. Đồng thời, cách đọc này cũng cho thấy có rất nhiều điều đáng để đọc và cần phải đọc theo cách này nhưng lại thường bị coi là khó đọc, chỉ dành cho những độc giả giỏi.
Sự khác biệt giữa đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết còn phức tạp hơn. Khi ta đọc báo, tạp chí, hay bất cứ loại tài liệu nào mà ta hoàn toàn hiểu ngay được bằng kỹ năng và trình độ của mình, thì những điều đó có thẻ tăng thêm lượng thông tin cho chúng ta, nhưng không thể cải thiện khả năng am hiểu vì mức độ hiểu của ta trước và sau khi đọc vẫn bằng nhau. Đây là đọc để lấy thông tin.
Khi một người cố gắng đọc một thứ gì đó mà ban đầu họ không hiểu thấu đáo, thì có thể chính thứ đó sẽ làm tăng khả năng hiểu biết của người đọc. Nếu không có sự mất cân bằng trong chuyển tải vấn đề giữa tác giả và độc giả, thì con người không bao giờ có thể học hỏi lẫn nhau. Ở đây, từ “học” nghĩa là hiểu biết thêm, chứ không phải nhớ thêm những thông tin dễ hiểu giống như các thông tin bạn đã có.
Một người có trình độ không gặp khó khăn gì trong việc thu thập những thông tin mới qua quá trình đọc, nếu các dữ kiện đó giống những gì anh ta đã biết. Ví dụ, một người biết và am hiểu một số dữ kiện về lịch sử nước Mỹ, theo một luồng tư tưởng nào đó, có thể dễ dàng đọc để thu thập thêm thông tin và vẫn hiểu các thông tin theo cách tương tự. Nhưng giả sử anh ta đọc một cuốn sách lịch sử, trong đó đưa ra một luồng tư tưởng mới, mang tính khám phá hơn, và anh ta tìm cách để hiểu bằng được, tức là đọc để hiểu biết, chứ không phải chỉ lấy thông tin. Rõ ràng, người đó đã nâng mình lên nhờ chính hoạt động của bản thân, mặc dù có sự giúp đỡ gián tiếp của tác giả - người đã mang đến điều gì đó để dạy người đọc.
Cách đọc để hiểu xảy ra với hai điều kiện. Một là, có sự chênh lệch ban đầu trong mức độ hiểu. Tác giả chắc chắn phải hiểu nhiều hơn độc giả, và sách của họ phải chuyển lại những hiểu biết của họ có nhưng độc giả không có. Hai là, độc giả phải có khả năng vượt qua sự chênh lệch này ít hay nhiều. Tuy hiếm khi độc giả hiểu được hoàn toàn nhưng luôn hiểu gần bằng tác giả. Khi đạt được sự cân bằng, nghĩa là đạt được sự rõ ràng trong thông tin.
Tóm lại, ta chỉ có thể học từ những người giỏi hơn ta. Ta phải biết họ là ai, và làm cách nào để học hỏi họ. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể học cách đọc hiệu quả hơn, để hiểu biết hơn bằng chính nỗ lực của bản thân. Nếu bạn học cách đọc đó, thì việc đọc lấy thông tin sẽ tự diễn ra mà không cần bạn quan tâm.
Tất nhiên, ngoài việc thu thập thông tin và tăng tầm hiểu biết, việc đọc sách còn nhằm mục tiêu đọc để giải trí. Nhưng trong cuốn sách này, chúng tôi không quá quan tâm đến vấn đề đọc để giải trí. Đây là kiểu đọc ít đòi hỏi nhất, và yêu cầu ít nỗ lực nhất. Hơn nữa, hình thức đọc này không tuân theo quy tắc nào. Bất kỳ ai biết đọc đều có thể đọc để giải trí nếu muốn.
Trên thực tế, nếu người ta đọc một cuốn sách để tăng cường hiểu biết, hay có thêm thông tin, thì họ cũng có thể đọc cuốn đó để giải trí. Nhưng ngược lại, không phải mọi cuốn sách phục vụ việc đọc để giải trí có thể dùng để đọc nhằm tăng thêm hiểu biết.
Đọc là học: Sự khác biệt giữa học thông qua giảng dạy và học thông qua khám phá
Thu thập thêm thông tin chính là học hỏi. Hiểu hơn những gì trước đây bạn chưa hiểu cũng là học hỏi. Nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa hai hình thức học tập này.
Được cung cấp thông tin đơn giản là biết một điều gì đó đúng. Được mở mang tầm hiểu biết là biết thêm bản chất vấn đề: tại sao đúng, tại sao sai, những mối quan hệ của vấn đề với các dữ liệu khác,…
Hãy liên hệ với khả năng nhớ một điều và khả năng phân tích điều đó. Nếu bạn nhớ những gì một tác giả nói, nghĩa là bạn đã học được điều gì đó khi đọc tác phẩm của người đó. Nếu những gì tác giả đó nói là đúng, nghĩa là bạn học được điều gì đó về thế giới này. Nhưng điều bạn học được là một dữ kiện về cuốn sách, hay một dữ kiện về thế giới? Nếu bạn chỉ sử dụng mỗi trí nhớ, bạn sẽ không thu thập thêm gì ngoài thông tin, tức là bạn chưa được khai sáng. Bạn chỉ được khai sáng khi nào bạn biết tác giả có ngụ ý gì, và tại sao lại nói như vậy, chứ không chỉ biết tác giả nói gì.
Montaigne (1533-1592) - một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất trong phong trào Phục Hưng ở Pháp – từng nói “Sự ngu dốt sơ đẳng làm cản đường kiến thức. Sự ngu dốt của người có học đi theo sau kiến thức”. Sự ngu dốt thứ nhất là của những người mù chữ, nên không thể đọc được. Sự ngu dốt thứ hai là của những người đã hiểu sai nhiều cuốn sách. Xưa nay luôn có những người biết chữ nhưng vẫn ngu dốt, đọc rất nhiều mà chẳng hiểu gì.
Để tránh sai lầm cho rằng đọc nhiều đồng nghĩa với đọc hiệu quả, chúng ta phải phân biệt các cách học. Sự phân biệt này có mối liên quan mật thiết với toàn bộ vấn đề đọc, và mối quan hệ của việc đọc với giáo dục nói chung.
Trong lịch sử giáo dục, loài người thường phân biệt giữa việc học có sự hướng dẫn và học bằng sự khám phá. Sự hướng dẫn diễn ra khi một người dạy một người khác thông qua lời nói hay bài viết. Tuy nhiên, chúng ta có thể thu thập kiến thức mà không cần phải có người khác dạy. Đó là học bằng sự khám phá, tức là học thông qua nghiên cứu, tìm tòi, phản ánh.
Học bằng khám phá so với học có sự hướng dẫn cũng giống học không có giáo viên so với học có giáo viên chỉ bảo. Trong cả hai trường hợp, hoạt động học diễn ra trong bản thân người học. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng học bằng khám phá là cách học chủ động, còn học nhờ hướng dẫn là cách học bị động. Không có cách học nào là bị động, cũng như không có cách đọc nào là không chủ động.
Trên thực tế, có một cách gọi khác đối với học nhờ hướng dẫn. Đó là khám phá có sự trợ giúp. Cho dù giáo viên có thể giúp học sinh bằng nhiều cách, nhưng chính học sinh là người phải học. Nếu các em học thật sự, kiến thức của các em sẽ tăng lên.
Sự khác biệt giữa học có hướng dẫn và học bằng sự khám phá chính là sự khác biệt về tài liệu mà người học dùng. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học hành động theo những gì mình được truyền đạt. Việc học được thực hiện thông qua ngôn từ dưới dạng viết hay nói, và thông qua việc đọc và nghe. Bạn nên lưu ý đến mối quan hệ mật thiết giữa đọc và nghe. Không nên cho rằng đọc và nghe đều cùng một nghệ thuật - nghệ thuật của việc được chỉ dạy. Khi người học bắt đầu học mà không có sự trợ giúp của bất cứ ai, việc học sẽ diễn ra tự nhiên, chứ không phải bằng ngôn từ, câu chữ. Các quy tắc của việc học như vậy tạo nên nghệ thuật của sự khám phá không có sự trợ giúp. Có thể nói khám phá không có trợ giúp là nghệ thuật đọc một cách tự nhiên và đời thường. Các khám phá có trợ giúp (hướng dẫn) là nghệ thuật đọc và học từ ngôn từ.
Khi đọc và nghe, chúng ta phải suy nghĩ, cũng giống như việc phải suy nghĩ trong khi nghiên cứu. Tất nhiên là hai cách suy nghĩ là khác nhau. Nhiều người cho rằng việc suy nghĩ liên quan nhiều đến học bằng khám phá không có sự trợ giúp hơn là học có hướng dẫn. Lý do là vì đọc và nghe không cần nhiều nỗ lực. Có lẽ cũng đúng nếu nói rằng khi đọc để lấy thông tin hoặc giải trí, bạn sẽ ít phải suy nghĩ hơn so với người đọc để khám phá một cái gì đó.
Suy nghĩ chỉ là một phần của việc học. Người ta còn phải vận dụng các giác quan và trí tưởng tượng để quan sát, nhớ, và hình dung ra những gì không quan sát được. Các hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong quá trình khám phá độc lập. Ví dụ, thi sĩ phải dùng trí tưởng tượng để làm thơ, nhưng người đọc không cần phải tưởng tượng để đọc bài thơ đó. Tóm lai, nghệ thuật đọc bao hàm tất cả các kỹ năng của nghệ thuật khám phá độc lập: sự sắc sảo trong quan sát, trí nhớ luôn hiện hữu, trí tưởng tưởng phong phú, và một trí tuệ được rèn luyện để phân tích và phản ánh. Có và không có giáo viên.
Nghe là học từ một người thầy hiện hữu. Đọc là học từ một người thầy vắng mặt. Nếu bạn hỏi một người thầy có mặt, thầy giáo sẽ trả lời bạn. Nếu bạn chưa hiểu câu trả lời, bạn có thể hỏi lại mà không cần suy nghĩ. Nhưng nếu bạn hỏi một cuốn sách, thì chính bạn phải trả lời câu hỏi, tức là bạn phải tự suy nghĩ và phân tích.
Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là nếu người thầy hiện hữu trả lời câu hỏi của bạn, thì bạn không còn gì để làm. Điều này chỉ có thể xảy ra khi câu hỏi chỉ đơn thuần hỏi về dữ kiện. Còn nếu bạn cần một lời giải thích, thì bạn phải suy nghĩ để hiểu được lời giải thích đó.
Trong trường học, học sinh đọc các loại sách khó thường có sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên. Nhưng đối với những người không đi học và những người cố gắng đọc sách một cách tự nguyện, thì việc học lâu dài chủ yếu dựa vào sách và đọc sách mà không có giáo viên trợ giúp. Vì thế, nếu bạn quyết tâm theo đuổi việc học tập và khám phá, bạn phải biết cách để sao cho sách dạy mình thật hiệu quả. Đây chính là mục tiêu chủ đạo của cuốn sách này.
2
Các cấp độ đọc
Mục tiêu mà độc giả tìm kiếm khi đọc sách - dù là đọc để giải trí, lấy thông tin, hay để hiểu rõ - quyết định cách đọc của họ. Hiệu quả của việc đọc được xác định thông qua sự nỗ lực nhiều hay ít, và những kỹ năng đọc của độc giả. Quy luật chung là càng nỗ lực nhiều, hiệu quả càng cao. Việc đọc sách, giống như tự khám phá, chính là học mà không có thầy giáo. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu ta biết cách thực hiện như thế nào.
Trong chương này, chúng tôi sẽ đề cập những vấn đề liên quan đến các cấp độ đọc. Trước khi bạn muốn có những chuyển biến hiệu quả trong kỹ năng đọc, bạn phải hiểu được sự khác nhau giữa các cấp độ.
Có bốn cấp độ đọc. Ở đây chúng tôi dùng từ “cấp độ” thay cho “loại” vì loại thì khác hẳn nhau, trong khi cấp độ lại có cấp độ cao, cấp độ thấp. Do đó, các cấp độ của việc đọc mang tính tích luỹ. Cấp độ đầu tiên không bị cấp độ thứ hai lấn át. Tương tự, cấp độ thứ hai không bị cấp độ thứ ba che mất, và cấp độ thứ ba thì không bị cấp độ bốn lấn lướt. Cấp độ bốn cũng là cấp độ cao nhất trong quá trình đọc, bao hàm tất cả các cấp khác. Nói cách khác, cấp này vượt quá tầm kiểm soát của các cấp dưới.
Cấp độ đọc đầu tiên được chúng tôi gọi là đọc sơ cấp, hay đọc sơ đẳng, đọc cơ bản, đọc khởi đầu. Cách gọi nào cũng nói lên một điều rằng khi độc giả đã nắm vững cấp độ này, tức là họ đã từ chỗ không biết chữ trở thành biết chữ, ít nhất là ở giai đoạn đầu tiên. Khi thành thạo cấp độ này, người ta học được các điều cơ bản nhất trong Nghệ thuật đọc sách (The art of reading), được đào tạo cơ bản về đọc, và học được các kỹ năng đọc đầu tiên. Cấp độ đọc này thường được dạy cho học sinh tiểu học.
Khi bắt đầu học đọc, người ta học cách nhận biết từng từ riêng rẽ trên trang sách. Ví dụ, các em học sinh lớp một nhìn thấy một tập hợp các dấu hiệu màu đen trên nền giấy trắng, các dấu hiệu đó có nghĩa là “Con mèo ngồi trên chiếc mũ”. Nhưng vì mới học đọc nên các em không thật sự quan tâm liệu mèo có ngồi trên mũ thật không, hay điều này ám chỉ gì về mèo, mũ và thế giới xung quanh. Các em chỉ để ý đến ngôn ngữ mà tác giả đang dùng.
Ở cấp độ một, câu hỏi đặt ra cho người đọc là “Câu đó ý nghĩa nói gì?”. Đây có thể xem là một câu hỏi phức tạp và hóc búa. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến ý nghĩa đơn giản nhất của nó. Trong cấp độ đọc này, có một số vấn đề mất nhiều công sức để xử lý. Ví dụ, khi ta muốn đọc một tài liệu nào đó nhưng nó lại được viết bằng tiếng nước ngoài mà ta không thạo lắm. Lúc này, nỗ lực đầu tiên của chúng ta là phải xác định các từ được dùng. Chỉ sau khi xác định được từng từ, chúng ta mới có thể tìm cách để hiểu chúng và cố gắng hết sức để hiểu ý nghĩa của chúng.
Thậm chí, khi đọc các tài liệu được viết bằng ngôn ngữ của mình, nhiều độc giả vẫn gặp không ít khó khăn ở cấp độ đọc này. Hầu hết các khó khăn đó mang tính máy móc. Một trong số các nguyên nhân là do cách họ được dạy học đọc như thế nào lúc ban đầu gây nên. Vượt qua các trở ngại này, người ta thường đọc nhanh hơn. Vì thế mà phần lớn các khoá dạy đọc nhanh tập trung vào cấp độ này.
Cấp độ đọc thứ hai được chúng tôi gọi là đọc kiểm soát. Đặc trưng của cấp độ này là sự nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian. Khi đọc ở cấp dộ này, học sinh được phân bổ một lượng thời gian nhất định để hoàn tất một lượng bài đọc được giao. Nói cách khác, mục đích của cấp độ này là cố gắng hiểu càng nhiều trong một khoảng thời gian ấn định trước - thường là một khoảng thời gian tương đối ngắn, thậm chí là quá ngắn để hiểu được mọi thứ được đề cập trong sách.
Có một tên gọi khác cho cấp độ đọc này là đọc lướt qua. Nhưng đây không phải là đọc lướt qua một cuốn sách một cách tình cờ hay ngẫu nhiên. Đọc kiểm soát là nghệ thuật đọc lướt một cách có hệ thống. Khi đọc ở cấp độ này, mục đích của bạn là xem xét bề mặt cuốn sách, và tiếp thu tất cả những gì mà bề nổi của cuốn sách dạy bạn.
Ở cấp độ này, câu hỏi điển hình là “Cuốn sách muốn nói lên điều gì?” hoặc “Kết cấu cuốn sách như thế nào?”, hay “Cuốn sách gồm những phần nào?”.
Khi đọc kiểm soát một cuốn sách, dù thời gian cho phép ít đến đâu, bạn cũng phải trả lời được câu hỏi “Sách này thuộc loại gì: tiểu thuyết, lịch sử hay khoa học?”. Điều chúng tôi muốn lưu tâm là đa số mọi người, ngay cả những người đọc khá tốt, cũng không nhận thức được giá trị của việc đọc kiểm soát. Họ bắt đầu đọc trang đầu tiên, và đọc kỹ cho đến hết mà không đọc phần mục lục. Như vậy, họ vừa phải tiếp thu kiến thức bề nổi của cuốn sách, vừa phải cố gắng hiểu cuốn sách muốn nói gì. Điều này làm cho vấn đề càng khó khăn hơn.
Cấp độ đọc thứ ba chúng tôi gọi là đọc phân tích. Đây là một hoạt động phức tạp hơn, những cũng hệ thống hơn hai cấp độ trước. Tuỷ thuộc vào mực độ khó của bài đọc mà có nhiều hay ít đòi hỏi khắt khe đối với người đọc.
Đọc phân tích là đọc kỹ lưỡng, đọc toàn bộ hay đọc hiệu quả. Nếu đọc kiểm soát là hình thức đọc tốt nhất, và hoàn chỉnh nhất có thể đạt được trong một thời gian cho trước, thì đọc phân tích là hình thức đọc tốt nhất và hoàn chỉnh nhất có thể đạt được trong một thời gian không xác định.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đọc phân tích luôn luôn tích cực. Trong cấp độ này, độc giả giành lấy một cuốn sách, và nghiền ngẫm nó cho đến khi nó trở thành của riêng họ. Triết gia Francis Bacon (1561-1626) từng nhận xét rằng: “Một số sách chỉ dùng để nếm. Một số khác để nuốt. Và rất ít cuốn sách dùng để nhai và tiêu hoá”. Đọc một cuốn sách theo kiểu phân tích có nhĩa là nhai và tiêu hoá nó.
Đọc phân tích không thật sự cần thiết nếu mục đích đọc của bạn chỉ để lấy thông tin hay giải trí. Đọc phân tích trước tiên và trên hết là đọc để hiểu. Nếu bạn không có ít nhất một kỹ năng nào đó của cấp độ đọc phân tích, bạn gần như không thể dựa vào sự trợ giúp của một cuốn sách để đi từ chỗ hiểu ít đến hiểu nhiều.
Cấp độ bốn, cũng là cấp độ cao nhất của việc đọc, được gọi là đọc đồng chủ đề. Đây là hình thức đọc phức tạp nhất và có hệ thống nhất trong tất cả các cấp độ. Yêu cầu đối với người đọc rất cao ngay cả khi bản thân những tài liệu họ đọc khá dễ hiểu.
Người ta còn gọi cấp độ này là đọc so sánh. Khi đọc đồng chủ đề, độc giả đọc nhiều sách chứ không chỉ một cuốn và tìm mối liên quan giữa các cuốn sách đó cũng như mối liên quan đến chủ đề mà chúng cùng đề cập. Nhưng chỉ so sánh về chữ nghĩa thôi là chưa đủ. Đọc đồng chủ đề yêu cầu nhiều hơn thế. Thông qua những cuốn sách, độc giả đọc đồng chủ đề có thể xây dựng một lập luận để phân tích một chủ đề mà có thể không nằm trong bất kỳ cuốn sách nào họ đọc. Vì thế, đọc đồng chủ đề không phải là một nghệ thuật dễ dàng, các quy tắc của nó cũng không được nhiều người biết đến nhưng đó lại là hình thức đọc tích cực nhất, đòi hỏi nỗ lực cao nhất. Lợi ích của hình thức đọc này lớn đến mức có thể bù đắp những khó khăn khi học cách thực hiện nó.
3
Cấp độ đọc đầu tiên –
Đọc sơ cấp
Suốt thế kỷ XIX, tại châu Mỹ, người ta chủ yếu dùng phương pháp ABC để dạy học đọc. Trẻ em được dạy cách đánh vần từng chữ cái trong bảng chữ cái (phương pháp này còn được gọi là đọc sơ cấp) và kết hợp chúng thành âm tiết. Ban đầu là hai chữ một, sau đó là ba, bốn, bất kể các âm tiết đó có nghĩa hay không. Khi một đứa trẻ có thể kể tên tất cả các cách kết hợp đã được xác định, coi như em đã thông thuộc bảng chữ cái.
Sau đó, hình thức dạy đọc tổng hợp này đã bị chỉ trích nặng nề, và người ta đề xuất hai cách thay thế. Một là hình thức biến thể của phương pháp dạy chữ cái phân tích, gọi là phương pháp ngữ âm. Theo đó, từ được nhận biết bằng âm chứ không phải bằng các chữ cái. Các hệ thống in phức tạp và tài tình được phát minh nhằm thể hiện các âm khác nhau của một chữ cái, đặc biệt là các nguyên âm.
Hai là phương pháp sử dụng thị giác để tiếp nhận các từ trước khi chú ý đến từng chữ cái hay từng âm. Say này, người ta phát triển phương pháp này để giới thiệu với học sinh một câu đầy đủ tượng trưng cho một đơn vị ý nghĩ. Tiếp đó, học sinh mới học cách nhận biết các từ cấu thành câu đó, và cuối cùng là các chữ cái tạo nên các từ. Trong những năm 1920, 1930, phương thức này rất thông dụng. Đây cũng là thời kỳ có sự chuyển đổi từ việc đọc to sang đọc thầm. Người ta nhận ra rằng có khả năng đọc to không có nghĩa là có khả năng đọc thầm. Việc đọc thầm nhanh và toàn diện đã trở thành kỹ năng được đặc biệt quan tâm trong những năm từ 1920 đến 1925.
Trên thực tế, các phương pháp trên có thể hiệu quả với một số học sinh này, nhưng không hiệu quả với những học sinh khác. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ra đời các công trình nghiên cứu về phương pháp dạy đọc với nhiều cách thức tiếp cận mới.
Các giai đoạn học đọc
Các giai đoạn trong quá trình học đọc đã được nhiều nhà nghiên cứu tập trung phân tích. Đa số ý kiến cho rằng có ít nhất bốn giai đoạn trong quá trình học đọc từ khi bắt đầu đến lúc được coi là có khả năng đọc chín muồi. Giai đoạn đầu tiên gọi là “sẵn sàng đọc”. Người ta đã chỉ ra rằng, khả năng này bắt đầu xuất hiện từ lúc trẻ ra đời, và thường tiếp diễn đến khi trẻ lên sáu hay bảy tuổi.
Sẵn sàng đọc gồm nhiều kiểu chuẩn bị học đọc khác nhau. Chuẩn bị về mặt thể chất tức là có thính giác và thị giác tốt. Chuẩn bị về mặt trí tuệ tức là làm sao để trẻ có thể tiếp thu, nhớ nguyên một từ và những chữ cái tạo nên từ đó. Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ liên quan đến khả năng nói rõ ràng, và nói được nhiều câu theo đúng trật tự. Chuẩn bị về mặt cá nhân liên quan đến khả năng kết hợp với những trẻ khác, làm theo các hướng dẫn…
Giai đoạn sẵn sàng đọc được đánh giá qua các bài kiểm tra, hoặc được giáo viên - những người rất giỏi phát hiện ra khi nào một học sinh sẵn sàng đọc - ước đoán. Điều quan trọng cần nhớ là dục tốc bất đạt. Đứa trẻ nào chưa sẵn sàng đọc sẽ cảm thấy sợ hãi nếu người ta cứ cố dạy nó, và nó có thể giữ mãi nỗi ám ảnh đó cho đến khi đi học, thậm chí đến khi đã trưởng thành. Vì thế, không có gì là nghiêm trọng khi ta hoãn dạy đọc cho trẻ đến khi nào trẻ thật sự bước vào giai đoạn sẵn sàng đọc. Cũng không cần thiết phải lo rằng con mình sẽ tụt hậu, hay không theo kịp bạn bè cùng trang lứa.
Đến giai đoạn thứ hai, trẻ học đọc các loại sách báo đơn giản. Ở Mỹ, trẻ thường bắt đầu giai đoạn này bằng việc học một số từ có tính trực quan, và cố gắng học thành thạo khoảng ba, bốn trăm từ khi kết thúc năm học đầu tiên. Trong giai đoạn hai, trẻ được học các kỹ năng cơ bản như sử dụng ngữ cảnh, hay các gợi ý về nghĩa và các âm đầu của từ. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có thể tự mình đọc được các cuốn sách đơn giản.
Giai đoạn thứ ba, trẻ tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển từ vựng và nâng cao kỹ năng phát hiện nghĩa của những từ mới thông qua các gợi ý trong ngữ cảnh. Trong giai đoạn này, trẻ có nhiều mục đích học đọc khác nhau, và đọc nhiều nội dung khác nhau như khoa học, nghiên cứu xã hội, ngôn ngữ, nghệ thuật… Trẻ học được rằng việc đọc không chỉ là điều phải thực hiện ở trường, mà còn là việc người ta có thể tự làm để thoả mãn trí tò mò, hay để mở rộng tầm hiểu biết.
Cuối cùng, giai đoạn bốn là sự trau chuốt và nâng cao các kỹ năng mà trẻ đã lĩnh hội được trước đó. Học sinh có thể bắt đầu đồng hoá các kinh nghiệm đọc của mình - tức là mang những khái niệm của một tài liệu này chuyển sang một tài liệu khác, và so sánh quan điểm của các tác giả khác nhau về cùng một chủ đề. Trẻ cần đạt đến giai đoạn đọc chín chắn này khi ở tuổi vị thành niên. Và thật lý tưởng nếu trẻ tiếp tục bồi đắp khả năng đó trong suốt quãng đời còn lại.
Giai đoạn và cấp độ
Chúng tôi mô tả bốn cấp độ đọc, và cũng đã tóm lược bốn giai đoạn học đọc ở trình độ sơ cấp. Vậy mối quan hệ giữa các giai đoạn và cấp độ này là gì?
Bốn giai đoạn được tóm lược ở đây chính là tất cả các giai đoạn của cấp độ đọc đầu tiên - đọc sơ cấp, và có thể được phân chia theo chương trình giảng dạy của trường tiểu học. Giai đoạn đầu của đọc sơ cấp - sẵn sàng đọc – tương ứng với việc theo học ở các trường dự bị và mẫu giáo. Giai đoạn hai - nắm bắt từ vựng – tương ứng với việc theo học lớp một, với kết quả là học sinh đó làm chủ được các kỹ năng đọc ở giai đoạn hai, nói cách khác lả khả năng đọc hay biết chữ ở lớp một. Giai đoạn ba - vốn từ vựng tăng lên và biết sử dụng ngữ cảnh - hầu hết các trẻ thường đạt được vào khoảng cuối lớp bốn. Trẻ có thể dễ dàng đọc các biển báo trên đường, lời chú thích trên các bức tranh, điền vào các biểu mẫu đơn giản… Giai đoạn đọc sơ cấp thứ tư và cũng là cuối cùng có thể đạt được vào cuối cấp tiểu học, hay trung học cơ sở. Đôi khi người ta gọi đó là cấp độ biết chữ tám, chín, hay mười. Đứa trẻ đã là một độc giả “trưởng thành” theo nghĩa có thể đọc hầu hết mọi thứ, nhưng vẫn chưa được nhuần nhuyễn. Nói đơn giản là trẻ đã đủ trưởng thành để có thể học trung học phổ thông.
Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa hẳn là một độc giả “trưởng thành” theo nghĩa chúng tôi muốn đề cập. Em đã nắm vững cấp độ đọc đầu tiên và chỉ có thế; em có thể tự đọc và sẵn sàng học thêm về cách đọc. Nhưng em vẫn chưa biết cấp độ đọc cao hơn cấp độ đọc sơ cấp.
Đây là một vấn đề rất quan trọng. Giả định rằng, các bạn có trình độ văn hoá lớp chín, đã thông thạo cấp độ đọc sơ cấp, nghĩa là đã vượt qua thành công bốn giai đoạn nêu trên. Suy ngẫm về điều này, các bạn sẽ thấy chúng tôi không thể giả định một mức thấp hơn. Không ai có thể học từ một cuốn sách hướng dẫn trước khi đọc được nó.
Sự khác biệt giữa khám phá có trợ giúp và không có trợ giúp thể hiện rõ ở điểm này. Thông thường, trẻ em có thể thành thục bốn cấp độ đọc sơ cấp với sự giúp đỡ của các giáo viên. Mặc dù, mỗi trẻ có khả năng khác nhau thậm chí một số cần được giúp đỡ nhiều hơn. Giáo viên sẽ trả lời các câu hỏi và giúp khắc phục những khó khăn nảy sinh trong suốt những năm tháng trẻ học tiểu học. Chỉ khi đã nắm vững cả bốn giai đoạn đọc sơ cấp, trẻ mới có sự chuẩn bị cho các giai đoạn cao hơn, bước đầu đọc một cách độc lập và tự mình học hỏi. Chỉ lúc đó, chúng mới có thể bắt đầu trở thành một độc giả thực thụ.
4
Cấp độ đọc thứ hai –
Đọc kiểm soát
Đọc kiểm soát là cấp độ đọc thật sự. Cấp độ này khác hẳn cấp độ trước (đọc sơ cấp) và cấp độ đọc sau nó (đọc phân tích). Nhưng như ta đã lưu ý trong Chương 2, các cấp độ đọc mang tính tích luỹ. Vì thế, cấp độ đọc sơ cấp được bao hàm trong cấp độ đọc kiểm soát, cũng như cấp độ đọc kiểm soát được bao hàm trong đọc phân tích, và đọc phân tích lại hiện hữu trong đọc đồng chủ đề.
Thực tế, điều này có nghĩa là bạn không thể đọc ở cấp độ đọc kiểm soát nếu không đọc tốt ở mức độ sơ cấp. Bạn phải có khả năng đọc ổn định một bài viết, nghĩa là không cần dừng lại để tra nghĩa của nhiều từ, không gặp khó khăn gì về ngữ pháp và cú pháp trong bài viết đó, hiểu nghĩa của phần lớn các câu dù không nhất thiết phải hiểu trọn vẹn những ý nghĩa sâu sắc nhất.
Vậy đọc kiểm soát bao gồm những gì? Bạn phải đọc như thế nào?
Có hai loại đọc kiểm soát, vốn là hai khía cạnh của cùng một kỹ năng, nhưng những người mới bắt đầu đọc thường được khuyên nên xem chúng như hai bước hay hai hoạt động khác nhau. Độc giả giàu kinh nghiệm có thể học cách tiến hành đồng thời cả hai, ở đây chúng ta sẽ bàn về chúng như hai thực thể hoàn toàn khác biệt.
Đọc kiểm soát I: Đọc lướt có hệ thống hay chuẩn bị đọc
Hãy quay trở về tình huống cơ bản mà chúng ta đã từng đề cập đến. Nếu có một cuốn sách nào đó, đầu tiên bạn sẽ làm gì?
Hãy giả định hai trường hợp khá phổ biến trong tình huống này. Thứ nhất, bạn không biết mình có muốn đọc và có nên đọc theo kiểu phân tích hay không; nhưng bạn nghĩ là nên, hay ít nhất cuốn sách cũng chứa đựng những thông tin và quan điểm có giá trị nếu bạn chịu khó đọc kỹ. Thứ hai - điều này thường xảy ra trên thực tế - bạn có rất ít thời gian để hiểu hết tất cả những thông tin và quan điểm được trình bày trong sách.
Khi đó, điều bạn phải làm là đọc lướt qua cuốn sách, hay nói cách khác là chuẩn bị đọc nó. Đọc lướt là bước nhỏ đầu tiên trong đọc kiểm soát. Mục đích chính là tìm hiểu xem cuốn sách có yêu cầu bạn phải đọc kỹ hơn không. Bên cạnh đó, nó sẽ giúp bạn biết được nhiều điều khác về cuốn sách ngay cả khi bạn quyết định sẽ không đọc kỹ hơn.
Đọc lướt là tiến trình khởi đầu giúp bạn phân biệt đâu là vỏ và đâu là nhân. Có thể bạn sẽ thấy những gì thâu tóm được sau khi đọc lướt là đủ, và cuốn sách chỉ có ích cho bạn trong chừng mực đó chứ không mang lại thêm điều gì nữa. Nhưng như thế, ít nhất bạn cũng biết tác giả muốn nói điều gì, cuốn sách thuộc thể loại gì, và thời gian bạn bỏ ra để đọc lướt không phải là vô ích.
Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để có được thói quen đọc lướt. Sau đay là một số gợi ý giúp bạn.
1.XEM TRANG ĐẦU VÀ PHẦN GIỚI THIÊU NẾU CÓ
Hãy đọc nhanh các phần này. Hãy để ý đến các phụ đề hay các dấu hiệu về quy mô, mục đích của cuốn sách, hoặc quan điểm đặc biệt của tác giả về đề tài được bàn đến. Trước khi hoàn tất bước này, bạn nên nắm vững đề tài và có thể dừng lại chốc lát để xếp cuốn sách vào một ngăn phù hợp trong tâm trí bạn nếu muốn. Vậy ngăn nào trong số những ngăn vốn có chứa các cuốn khác, có thể thu nạp nó?
2. ĐỌC MỤC LỤC
Mục đích là để nắm tổng quát cấu trúc của cuốn sách, giống như việc bạn xem bản đồ đường phố trước khi bắt đầu một cuộc hành trình. Có một điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người chẳng bao giờ ngó đến mục lục trừ phi họ phải tìm một phần nào đó, trong khi tác giả đã phải dành nhiều thời gian để xây dựng phần này rất công phu.
Trong các tác phẩm mô tả và ngay cả trong tiểu thuyết và thơ trước đây, người ta thường có những mục lục chi tiết với các chương, phần, mục, tiểu mục.. Chẳng hạn, Milton đã viết những phần mở đầu khá dài dòng mà ông gọi là “Phần tranh luận” cho mỗi tập trong bộ truyện Paradise Lost (Thiên đường đánh mất). Gibbon xuất bản cuốn Decline and Fall of the Roman Empire (Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã) với mục lục rất chi tiết trong mỗi chương. Những phần tóm tắt như thế bây giờ không còn thông dụng nữa, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, có thể do độc giả không còn hứng thú với mục lục như trước đây. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng nhận thấy một mục lục ít chi tiết sẽ hấp dẫn hơn một cuốn sách có tiêu đề chương ít nhiều bí hiểm - họ sẽ muốn đọc sách để tìm ra nội dung. Dù thế, một bảng mục lục vẫn có thể có giá trị, và bạn nên đọc kỹ nó trước khi tiếp tục đọc phần còn lại của cuốn sách.
Đến đây, bạn có thể quay trở lại phần mục lục của cuốn sách này nếu bạn chưa đọc nó. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng phần này sao cho nó cung cấp đầy đủ thông tin khái quát nhất. Đọc phần này có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ điều mà chúng tôi đang cố gắng làm.
3.KIỂM TRA BẢNG CHỈ DẪN NẾU CÓ
Hầu hết các tác phẩm mô tả đều có phần này. Chúng ta có thể nhanh chóng đoán định các đề tài được đề cập, loại sách và các tác giả được tham khảo. Khi bạn thấy các từ được liệt kê có vẻ quan trọng, hãy tìm ít nhất vài đoạn đã được trích dẫn (chúng tôi sẽ nói kỹ thêm về các từ quan trọng trong Phần hai. Ở đây, bạn phải tự mình đánh giá tầm quan trọng của chúng dựa trên cảm nhận chung của bạn về cuốn sách như bạn đã đạt được ở bước 1 và 2). Các đoạn văn bạn đọc có thể chứa điểm nút - điểm then chốt có ý nghĩa then chốt để hiểu cách tiếp cận và thái độ của tác giả.
Cũng như với phần mục lục, bây giờ bạn có thể kiểm tra bảng chỉ dẫn của cuốn sách này. Bạn sẽ nhận ra một số từ quan trọng đã được thảo luận. Thông qua các sách tham khảo, bạn có thể xác định các từ quan trọng khác hay không?
4. ĐỌC LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN
Hãy đọc nếu đó là một cuốn sách bìa cứng. Một số người có ấn tượng rằng lời giới thiệu chỉ là những lời phô trương. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng như vậy, nhất là đối với các tác phẩm mô tả. Lời giới thiệu của nhiều cuốn sách do chính tác giả viết, và thường thì họ cố gắng tóm lược chính xác các ý chính trong sách của mình. Những nỗ lực này cần được ghi nhận. Nếu lời giới thiệu chỉ là lời khoe khoang về cuốn sách thì bạn chỉ cần liếc qua cũng nhận thấy. Nhưng trong trường hợp đó, bạn sẽ biết được có lẽ cuốn sách chẳng có gì quan trọng, bởi ngay phần giới thiệu cũng không nói lên được điều gì.
Sau khi hoàn tất bốn bước đầu này, bạn đã có thể có đủ thông tin về cuốn sách và biết mình có muốn, có nên đọc nó kỹ hơn hay không. Dù gì đi nữa, ngay lúc đó bạn cũng có thể bỏ sách xuống. Nếu không làm thế nghĩa là bạn đã sẵn sàng đọc lướt qua cuốn sách.
5.XEM NHỮNG CHƯƠNG CÓ VẺ QUAN TRỌNG CHO LẬP LUẬN CỦA CUỐN SÁCH
Việc này xuất phát từ những hiểu biết còn chung chung và khá mơ hồ về cuốn sách. Nếu những chương đó có những câu tóm lược trong phần mở đầu hay kết thúc như thường thấy, hãy đọc chúng thật kỹ.
6. ĐỌC MỘT CÁCH NGẪU NHIÊN MỘT HOẶC HAI ĐOẠN, THẬM CHÍ VÀI TRANG LIÊN TỤC, NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ NHIỀU HƠN THẾ
Xem lướt cả cuốn sách theo cách này, luôn chú ý tìm các dấu hiệu liên quan đến luận điểm chính, và vấn đề cơ bản của sách. Điều quan trọng trên hết là đừng quên đọc hai hay ba trang cuối cùng, hoặc những trang cuối cùng của phần chính trong cuốn sách nếu đó là lời kết hay lời bạt. Hiếm có tác giả nào cưỡng lại được sự cám dỗ của việc tóm lược lại những gì họ cho là mới và quan trọng trong tác phẩm vào những trang này. Và chắc chắn là bạn không muốn bỏ lỡ nó, dù đôi khi bản thân tác giả có thể có những nhận định sai lầm.
Vậy là bạn đã đọc lướt qua cuốn sách một cách có hệ thống, theo cách đọc kiểm soát đầu tiên. Bạn biết được nhiều điều về cuốn sách sau khi chỉ dành cho nó vài phút, nhiều nhất là một tiếng. Cụ thể, bạn biết cuốn sách có những điều mà bạn muốn đào sâu hay không, có đáng để bạn dành thêm thời gian và tâm trí hay không. Bạn cũng có thể xếp nó vào danh mục sách trong đầu bạn một cách chính xác hơn để sau này có thể tham khảo nếu cần.
Đây là một cách đọc chủ động. Không thể đọc sách theo kiểu kiểm soát mà không tỉnh táo, không đánh thức và vận dụng tất cả các khả năng. Đã bao nhiêu lần bạn ngủ gà ngủ gật trong khi đang đọc môt cuốn sách để rồi khi thức dậy bạn nhận ra mình chẳng biết gì về những điều đã đọc? Điều này không thể xảy ra nếu bạn làm theo những bước mà chúng tôi đã tóm lược ở đây – nghĩa là, nếu bạn có một hệ thống để theo dõi mạch chung của cuốn sách.
Giả sử bạn là một thám tử truy tìm manh mối chủ đề hay ý chung của một cuốn sách, bạn luôn tỉnh táo để nhận biết bất cứ điểu gì làm cho chủ đề rõ rằng hơn. Bạn sẽ duy trì được trạng thái đó nếu chú ý đễn những lời khuyên của chúng tôi. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian, hài lòng khi biết thêm nhiều điều, và thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện ra mọi việc dễ dàng hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Đọc kiểm soát II: Đọc bề mặt
Từ “bề mặt” thường có ngụ ý không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi rất nghiêm túc khi sử dụng từ này.
Ai trong đời cũng từng một lần nỗ lực đọc một cuốn sách khó những mong được nó khai sáng nhưng không thành. Vì thế, nhiều người đã vội kết luận rằng cố gắng đọc một cuốn sách khó ngay từ lần đầu tiên là một sai lầm. Sự thật không phải như vậy. Nói cho đúng, đó là do người ta đã kỳ vọng quá nhiều trong lần đầu tiên đọc một cuốn sách khó. Dù cuốn sách đó có khó đến đâu, nếu nó được tiếp cận đúng cách thì đại đa số độc giả sẽ không bị thất vọng.
Tiếp cận đúng cách là như thế nào? Câu trả lời nằm trong một quy tắc đọc quan trọng và hữu ích mà chúng ta thường bỏ qua. Đó là: Lần đầu tiên đọc một cuốn sách khó, hãy đọc hết cuốn sách mà không cần dừng lại suy nghĩ ở những điểm bạn chưa hiểu ngay tức thì.
Hãy để ý đến điều bạn hiểu, và đừng dừng lại vì những gì bạn chưa thể hiểu ngay. Tiếp tục đọc qua những điểm bạn cảm thấy khó hiểu, chẳng mấy chốc bạn sẽ đến những đoạn dễ hiểu và tập trung vào những chỗ đó. Tiếp tục như vậy cho đến hết cuốn sách. Nếu bạn để mình bị vướng vào một trong những chướng ngại vật như những đoạn, ghi chú, nhận định hay tham khảo mà bạn không hiểu được, bạn sẽ thua cuộc. Thậm chí, bạn sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề nếu cứ bám lấy nó. Bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn khi đọc lại lần thứ hai, nhưng điều này yêu cầu bạn phải đọc hết cuốn sách ít nhất một lần.
Những gì bạn hiểu được (dù chỉ là một nửa hoặc ít hơn) sau khi đã đọc hết cuốn sách sẽ giúp bạn khi bạn cố gắng quay trở lại đọc những đoạn đã bị bỏ qua lần đầu. Và ngay cả khi bạn không bao giờ đọc lại lần thứ hai, thì việc hiểu được một nửa của một cuốn sách khó cũng tốt hơn nhiều so với việc chẳng hiểu gì - điều bạn chắc chắn gặp phải nếu bạn dừng lại ngay từ chỗ khó đầu tiên.
Hầu hết mọi người được dạy là phải chú ý đến những điều mình không hiểu; phải tra từ điển khi gặp lại những từ lạ; tìm trong sách tham khảo nếu gặp những nhận định khó hiểu; tìm sự trợ giúp ở phần ghi chú, giải thích của các học giả hay các nguồn hỗ trợ khác… nhưng nếu vội vàng làm những điều này thì chúng chỉ ngăn cản chứ không giúp gì cho việc đọc của chúng ta.
Ví dụ, niềm vui thích cực độ của nhiều thế hệ học sinh trung học khi đọc kịch của Shakespeare bị tiêu tan khi họ buộc phải tra từ điển tất cả các từ vựng mới, và học hết các chú thích uyên thâm. Kết quả là họ chẳng bao giờ thật sự đọc một vở kịch của Shakespeare. Đọc đến đoạn cuối, họ đã quên mất đoạn đầu và mất luôn cái nhìn tổng quan. Lẽ ra, giáo viên phải khuyến khích họ đọc hết vở kịch một lần, và thảo luận về những gì họ hiểu được sau lần đọc lướt đầu tiên ấy. Chỉ khi đó, họ mới sẵn sàng nghiên cứu vở kịch kỹ hơn và cẩn thận hơn vì lúc này họ đã hiểu vở kịch đủ để nghiên cứu sâu hơn.
Khi đọc các tác phẩm mang tính mô tả, giải thích, bạn cũng nên áp dụng quy tắc này. Ví dụ, khi đọc một tác phẩm về kinh tế, tiêu biểu như cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) của Adam Smith, nếu bạn cứ nhất quyết phải hiểu tất cả những gì đọc được trong mỗi trang rồi mới đọc trang tiếp theo, thì bạn sẽ không đọc lâu được. Trong khi nỗ lực hiểu từng ý nhỏ, bạn sẽ bỏ qua các ý lớn được Smith đề cập rất rõ như các nhân tố vê tiền lương, tiền cho vay, lợi nhuận, lợi tức, vai trò của thị trường, những mặt xấu của độc quyền, những lý do cần có sự tự do thương mại… Bạn sẽ thấy cây mà không thấy rừng. Bạn sẽ không đọc hiệu quả ở bất kỳ cấp độ nào.
Tốc độ đọc
Trong Chương 2, chúng tôi đã mô tả việc đọc kiểm soát như là nghệ thuật hiểu gần hết một cuốn sách chỉ trong một thời gian giới hạn. Ở chương này, chúng tôi không hề muốn thay đổi định nghĩa ấy. Hai bước trong quá trình đọc kiểm soát được độc giả tiến hành rất nhanh dù cho cuốn sách họ đang đọc có khó hay dài đến đâu đi nữa.
Tuy nhiên, định nghĩa này lại làm nảy sinh câu hỏi “Thế nào là đọc tốc độ?” hay “Mối quan hệ giữa các cấp độ đọc và các khoá dạy đọc tốc độ như thế nào?”.
Chúng tôi đã nói rằng, các khoá dạy đọc tốc độ cơ bản chỉ mang tính chữa cháy, có nghĩa là chúng chủ yếu chỉ hướng dẫn đọc theo cấp độ đọc sơ cấp. Nhưng còn nhiều điều cần phải bàn đến.
Chúng tôi ủng hộ nhận định cho rằng đa số mọi người đáng lẽ phải đọc nhanh hơn tốc độ họ vẫn đọc. Thường thì có những thứ không đáng để chúng ta phải mất nhiều thời gian đọc. Nếu chúng ta không đọc chúng thật nhanh thì chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian. Cũng có một thực tế là nhiều người đọc quá chậm trong khi đáng lẽ ra họ nên đọc nhanh hơn. Ngược lại, có những người đọc quá nhanh mà lẽ ra họ nên đọc chậm lại. Vì thế, một khoá dạy đọc tốc độ cần dạy bạn đọc với những tốc độ khác nhau, chứ không phải tốc độ nhanh hơn tốc độ hiện thời của bạn. Khoá học phải giúp bạn thay đổi tốc độ đọc tuỳ theo vào bản chất và sự phức tạp của tài liệu cần đọc.
Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản. Nhiều cuốn sách chẳng đáng để bạn đọc dù chỉ là lướt qua; một số cuốn nên đọc nhanh; và chỉ có một số rất ít đáng được đọc thật chậm để có thể hiểu hoàn toàn. Sẽ uổng phí nếu bạn đọc một cuốn sách thật chậm khi nó chỉ đáng để bạn đọc nhanh. Các kỹ năng đọc tốc độ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Nhưng đây mới chỉ là một vấn đề của việc đọc. Những cản trở trong quá trình hiểu một cuốm sách khó không đơn thuần là vấn đề sinh lý hay tâm lý. Chúng xuất hiện vì độc giả không biết nên làm gì khi tiếp cận một cuốn sách khó nhưng lại đáng đọc. Họ không biết các quy tắc đọc sách; không biết cách sắp xếp vốn tri thức của mình để giải quyết vấn đề. Dù cho họ đọc nhanh đến mức nào, họ cũng không thể tiến bộ được nếu không biết mình đang tìm kiến điều gì và khi nào thì tìm thấy, mà điều này lại rất hay xảy ra.
Nói đến các tốc độ đọc, điều quan trọng không chỉ ở chỗ có thể đọc nhanh hơn mà là có thể đọc với những tốc độ khác nhau, và biết khi nào sử dụng tốc độ đọc nào là phù hợp. Đọc kiểm soát được tiến hành nhanh không chỉ vì bạn đọc nhanh hơn (dù thực tế là vậy) mà còn vì bạn không đọc toàn bộ cuốn sách, bạn đọc theo kiểu khác với những mục đích khác nhau trong đầu. Đọc phân tích thường chậm hơn nhiều so với đọc kiểm soát, nhưng ngay cả khi bạn đọc theo kiểu phân tích, bạn cũng không nên đọc toàn bộ cuốn sách với cùng một tốc độ. Cho dù có khó đến đâu, mọi cuốn sách đều có những khe hở để chúng ta có thể và rất nên đọc nhanh. Mọi cuốn sách hay đều có những vấn đề khó nên cần đọc thật chậm.
Dừng lại và thụt lùi
Từ lâu, chúng tôi đã biết rằng các khoá dạy đọc tốc độ đã tận dụng đúng mức sự thật là hầu hết mọi người toàn đọc thầm sau lần đầu tiên được dạy đọc. Không những thế, các thước phim về chuyển động của mắt cho thấy mắt của những độc giả trẻ và chưa được đào tạo thường “dừng lại” năm đến sáu lần khi đọc mỗi dòng. Thậm chí, mắt của các độc giả trình độ kém còn thường xuyên “đi lùi” mỗi khi đọc được hai hay ba dòng – có nghĩa là, họ đọc lại những gì đã đọc trước đó.
Những thói quen này vừa gây lãnh phí thời gian, vừa làm giảm tốc độ đọc. Lãng phí vì trí óc của con người có thể nắm bắt cả một câu, hay một đoạn bằng một cái “liếc mắt” với điều kiện là đôi mắt cung cấp cho nó lượng thông tin nó cần. Vì thế, bài học đầu tiên mà tất cả các khoá dạy đọc tốc độ phải làm là chỉnh sự dừng lại và đọc lùi của độc giả. Điều này tương đối dễ thực hiện. Khi đã làm được điều này, học sinh có thể đọc nhanh với tốc độ của trí óc chứ không phải chậm chạp như tốc độ của mắt.
Có nhiều công cụ giúp mắt không dừng lâu ở một chỗ. Tuy nhiên, bạn không cần phải dùng thứ gì phức tạp mà chỉ cần di chuyển bàn tay của mình càng lúc càng nhanh hơn trên trang sách. Hãy chụm ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa lại với nhau, rồi lướt “con trỏ” này trên một dòng nhanh hơn một chút so với tốc độ bình thường của mắt. hãy bắt mình theo kịp tốc độ của bàn tay. Chẳng mấy chốc, bạn có thể đọc được các con chữ khi bạn dõi theo bàn tay. Tiếp tục luyện tập theo cách này và tăng dần tốc độ di chuyển bàn tay. Bạn có thể tăng tốc độ đọc lên gấp hai, ba lần trước khi bạn nhận thức được điều này.
Hiểu cũng là một vấn đề
Bạn thu được gì sau khi tăng đáng kể tốc độ đọc của mình? Bạn có tiết kiệm được thời gian không? Còn vấn đề hiểu thì sao? Nó cũng tăng lên hay bị ảnh hưởng xấu trong quá trình này?
Khoá học đọc tốc độ nào cũng tuyên bố có thể tăng khả năng hiểu của bạn cùng với việc tăng tốc độ đọc. Tuyên bố này nhìn chung có cơ sở của nó. Bàn tay (hay một công cụ nào khác) được sử dụng để làm mốc thời gian không chỉ tăng tốc độ đọc của bạn, mà còn giúp bạn tập trung hơn vào trang sách. Khi bạn theo dõi bàn tay mình thì khó mà buồn ngủ, mơ màng hay để đầu óc nghĩ vẩn cơ. Một người đọc sách giỏi bao giờ cũng đọc một cách chủ động với sự tập trung cao.
Nhưng chỉ tập trung thôi thì chưa đủ để hiểu cuốn sách. Hiểu không chỉ là trả lời được những câu hỏi về dữ kiện của một bài đọc mà còn hơn thế nữa. Trên thực tế, việc chỉ trả lời được những câu hỏi về dữ kiện cuốn sách chỉ thể hiện khả năng đọc sơ cấp (tức là trả lời câu hỏi “Cuốn sách nói về điều gì?”). Các câu hỏi khác ngụ ý những cấp độ hiểu cao hơn ít khi được đề cập trong các khoá dạy đọc cấp tốc, và cũng hiếm khi người ta hướng dẫn cách trả lời những câu hỏi đó.
Như vậy vấn đề của đọc tốc độ là việc hiểu. Hầu hết các khoá học tốc độ không giải quyết được vấn đề này. Vì vậy, cuốn sách này đang cố gắng cải thiện khả năng hiểu trong quá trình đọc cho bạn. Bạn không thể hiểu một cuốn sách nếu bạn không đọc theo kiểu phân tích. Và đọc phân tích được tiến hành chủ yếu để hiểu.
Tóm tắt phần đọc kiểm soát
Bạn không nên chỉ áp dụng một tốc độ đọc duy nhất mà bạn cho là đúng. Điều quan trọng là bạn có khả năng đọc với nhiều tốc độ khác nhau, và biết khi nào dùng tốc độ nào là phù hợp. Đọc nhanh chỉ có giá trị khi những gì bạn phải đọc không thật sự đáng đọc. Công thức hiệu quả là: Mọi cuốn sách nên được đọc không chậm hơn mức mà nó đáng đọc và không nhanh hơn mức mà nó bạn có thể đọc để thông hiểu và thấy hài lòng. Trong bất cứ trường hợp nào, tốc độ đọc nhanh hay chậm chỉ là một phần nhỏ đối với hầu hết mọi người khi đọc sách.
Đọc lướt hay đọc để chuẩn bị luôn luôn là một ý tưởng hay, và điều này thường cần thiết khi bạn không biết liệu cuốn sách mình đang cầm có đáng đọc không. Bạn sẽ biết ngay sau khi đọc lướt qua. Thậm chí, bạn cũng nên đọc lướt một cuốn sách mà bạn dự định đọc kỹ để hiểu qua về hình thức và cấu trúc của nó.
Cuối cùng, không nên cố gắng hiểu tất cả các từ hay các trang của một cuốn sách khó ở ngay lần đọc đầu tiên. Đây là quy tắc quan trọng hơn cả và là bản chất của cấp độ đọc kiểm soát. Hãy đọc nhanh cuốn sách khó nhất để chuẩn bị đọc tốt trong lần thứ hai.
Đến đây, chúng tôi đã hoàn thành phần bàn luận về cấp độ đọc thứ hai - đọc kiểm soát. Chúng tôi sẽ quay lại cấp độ này trong Chương 4 để chỉ ra việc đọc kiểm soát đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đọc đồng chủ đề - cấp độ đọc thứ tư và cũng là cao nhất.
Đồng thời, đọc kiểm soát cũng có một vai trò quan trọng đối với cấp độ đọc thứ ba - đọc phân tích (được mô tả trong Phần hai của cuốn sách này). Cả hai giai đoạn của đọc kiểm soát là các bước chuẩn bị của độc giả trước khi họ đọc kiểu phân tích. Giai đoạn đầu tiên của đọc kiểm soát - đọc lướt có hệ thống – giúp độc giả hiểu được cấu trúc của một cuốn sách. Giai đoạn hai - đọc bề mặt – cũng giúp độc giả khi họ đọc ở giai đoạn hai của cấp độ đọc phân tích. Đọc bề mặt là bước đầu tiên cần thiết để hiểu nội dung của cuốn sách.
Trước khi tiếp tục giải thích kiểu đọc phân tích, chúng tôi muốn đề cập lại bản chất của hoạt động đọc. Để có thể đọc tốt, độc giả năng động và khó tính cần phải thực hiện một số hành động nhất định. Những hành động đó được bàn trong chương dưới đây.
5
Cách trở thành
một độc giả yêu cầu cao
Các quy tắc đọc để rồi tự ru ngủ mình dễ thực hiện hơn các quy tắc đọc để thức trong suốt quá trình đọc. Đi nằm với tư thế thoải mái, đèn không đủ sáng khiến mắt mỏi, bạn chọn một cuốn sách rất khó hoặc rất nhàm chán - một cuốn sách mà bạn không cần quan tâm là có nên đọc hay không - chỉ mấy phút sau, bạn sẽ ngủ ngay. Những chuyên gia dùng sách để thư giãn không cần phải đợi đêm xuống mới ngủ được. Họ chỉ cần một chiếc ghế bành êm ái trong thư viện là đủ.
Thế nhưng các quy tắc để tỉnh táo trong khi đọc không đơn thuần là làm ngược lại những điều trên. Người ta vẫn có thể thức trong khi đang đọc trên một chiếc giường hay ghế êm ái, và nhiều người vẫn căng mắt ra đọc đến khuya trong ánh sáng lờ mờ. Tại sao họ có thể tỉnh táo đến thế? Đối với họ, có một sự khác biệt lớn giữa việc đọc hay không đọc cuốn sách họ đang cầm.
Việc bạn có cố gắng tìm cách để giữ được tỉnh táo hay không phần lớn phụ thuộc vào mục đích đọc sách của bạn. Nếu bạn đọc để tìm lợi ích như sự tiến bộ về mặt trí tuệ hay tinh thần, thì bạn phải tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là đọc càng tích cực càng tốt, và bạn phải nỗ lực - sự nỗ lực mà bạn hy vọng sẽ được đền đáp lại.
Những cuốn sách hay, dù là tiểu thuyết hay không phải tiểu thuyết, cũng đáng được đọc như vậy. Dùng một cuốn sách hay mà như một liều thuốc ngủ rõ ràng là một sự lãnh phí. Ngủ gật hay để đầu óc vẩn vơ trong suốt thời gian bạn định dành cho việc đọc nhằm mở rộng hiểu biết, nghĩa là bạn đã làm thất bại mục đích của chính mình.
Điều đáng buồn là mặc dù nhiều người có thể phân biệt được sự khác nhau giữa lợi ích và giải trí khi đọc sách nhưng vẫn không thể thực hiện được kế hoạch đọc của mình. Lý do vì họ không biết làm thế nào để tập trung đầu óc vào những việc đang làm.
Bản chất của việc đọc tích cực: Bốn câu hỏi cơ bản độc giả phải hỏi
Trong những chương trước, chúng tôi đã thảo luận kỹ việc đọc sách như thế nào là tích cực. Chúng tôi đã nói đọc tích cực có hiệu quả hơn, và đọc kiểm soát luôn luôn tích cực. Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng chúng tôi chưa đi vào trọng tâm của vấn đề khi chưa đưa ra một quy định đơn giản của việc đọc tích cực. Đó là trong khi đọc, bạn hãy đặt những câu hỏi mà bản thân phải tự mình tìm cách trả lời.
Nhưng không phải là thích hỏi câu nào cũng được. Nghệ thuật của việc đọc ở các cấp độ trên sơ cấp thể hiện qua những câu hỏi đúng và có trật tự. Có bốn câu hỏi chính bạn phải hỏi khi đọc bất cứ cuốn sách nào.
1.TỔNG QUAN CUỐN SÁCH NÓI VỀ ĐIỀU GÌ? Bạn phải cố gắng tìm ra chủ đề chính của cuốn sách, và phương pháp tác giả phát triển chủ đề này một cách nhất quán bằng việc phân chia nó thành những chủ đề phụ quan trọng.
2.NHỮNG GÌ ĐƯỢC ĐỀ CẬP CHI TIẾT VÀ ĐỀ CẬP NHƯ THẾ NÀO? Bạn phải cố gắng tìm ra các ý chính, những điều khẳng định, những luận cứ tạo nên thông điệp đặc biệt của tác giả.
3.CUỐN SÁCH CÓ ĐÚNG KHÔNG, ĐÚNG MỘT PHẦN HAY TOÀN BỘ? Bạn không thể trả lời câu hỏi này nếu không trả lời hai câu trên. Bạn phải biết tác giả nói gì trước khi quyết định nó đúng hay không. Tuy nhiên, chỉ biết suy nghĩ của tác giả thôi chưa đủ. Bạn cũng phải tự mình quyết định nếu bạn đọc nghiêm túc và hiểu cuốn sách đó.
4. Ý NGHĨA CỦA CUỐN SÁCH? Bạn phải hỏi ý nghĩa của những thông tin mà cuốn sách mang lại là gì? Tại sao tác giả cho rằng cần phải biết những điều này? Bản thân bạn có cần phải biết không? Và nếu cuốn sách không những cung cấp thông tin mà còn mở mang kiến thức cho bạn thì điều đó nghĩa là bạn cần đào sâu tìm tòi hơn nữa bằng cách hỏi thêm sẽ có gì xảy ra tiếp theo, tác giả còn có ngụ ý gì và đề xuất gì thêm.
Bốn câu hỏi trên là những nguyên tắc cơ bản mà Phần hai cuốn sách này đặc biệt quan tâm. Bạn đừng bao giờ quên việc đọc một cuốn sách ở các cấp độ trên sơ cấp đều đòi hỏi bạn phải cố gắng đặt câu hỏi và trả lời chúng một cách đầy đủ nhất trong khả năng của bạn. Đó là lý do tại sao luôn tồn tại sự khác biệt giữa độc giả khó tính, có đòi hỏi cao với độc giả không biết đòi hỏi gì. Kiểu độc giả thứ hai không đặt câu hỏi và không có câu trả lời.
Bốn câu hỏi trên đã tóm lược nhiệm vụ tổng thể mà một độc giả phải làm. Có thể áp dụng chúng cho bất kỳ tài liệu đáng đọc nào, như một cuốn sách, một bài báo, hay một mẩu quảng cáo. Cấp độ đọc kiểm soát có khuynh hướng trả lời hai câu hỏi đầu chính xác hơn hai câu hỏi sau. Nếu bạn chưa trả lời hai câu hỏi sau, chưa có ý kiến gì về tính đúng đắn của cuốn sách (một phần hay toàn bộ) và ý nghĩa của nó, thì bạn chưa thể hoàn thành trọn vẹn cấp độ đọc phân tích. Câu hỏi cuối cùng (Ý nghĩa của cuốn sách là gì?) là câu hỏi quan trọng nhất trong cấp độ đọc đồng chủ đề. Tất nhiên là bạn phải trả lời ba câu hỏi đầu trước khi cố gắng trả lời câu hỏi cuối.
Sẽ là chưa đủ nếu bạn chỉ biết nội dung của bốn câu hỏi. Bạn phải nhớ đặt chúng trong khi đọc. Thói quen này chính là biểu hiện của một độc giả yêu cầu cao. Hơn nữa, bạn phải biết cách trả lời chính xác. Khả năng mà bạn phải rèn luyện để làm được điều này chính là Đọc sách như một nghệ thuật.
Một người đọc một cuốn sách hay mà vẫn bị ngủ quên chưa hẳn là vì họ không cố gắng, mà vì họ không biết cách cố gắng như thế nào. Những cuốn sách hay phải cao hơn tầm hiểu biết của bạn, nếu không chúng sẽ không mang lại điều gì thú vị đối với bạn. Và chính những cuốn sách này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nếu bạn không cố gắng vươn lên và đạt tới ngang tầm với chúng. Sự cố gắng này không làm bạn mệt mỏi. Bạn chỉ mệt mỏi vì thất vọng nếu cố gắng của bạn bị thất bại do thiếu kỹ năng. Để tiếp tục đọc tích cực, bạn không những phải có ý chí mà còn cần cả kỹ năng - nghệ thuật giúp bạn nâng cao tầm vóc bằng cách nắm bắt tất cả những gì mà ban đầu bạn cảm thấy vượt quá tầm tay.
Làm thế nào để thực sự sở hữu một cuốn sách?
Nếu bạn có thói quen đặt câu hỏi khi đang đọc sách thì bạn là một độc giả giỏi hơn những người không biết đặt câu hỏi. Nhưng như chúng tôi đã nói, chỉ đặt câu hỏi không thôi chưa đủ. Bạn phải cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Mặc dù bạn có thể hỏi và trả lời trong đầu, nhưng nếu bạn dùng bút và giấy làm việc đó thì sẽ dễ dàng hơn. Cây bút sẽ là dấu hiệu cho thấy sự tỉnh táo của bạn trong khi đọc.
Có một câu nói cổ khuyên ta “hãy đọc những ẩn ý đằng sau con chữ” để hiểu hết những gì sách muốn nói. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn thuyết phục bạn: “Hãy viết văn hàm ẩn”. Nếu không, bạn khó có thể đọc sách hiệu quả.
Khi mua một cuốn sách, bạn đã thiết lập quyền sở hữu với nó. Nhưng hành động mua thật sự mới chỉ là khúc dạo đầu của việc sở hữu một cuốn sách. Bạn chỉ sở hữu nó hoàn toàn khi bạn biến nó thành một phần của bạn và bạn thành một phần của nó - tức là bạn phải viết vào trong sách.
Tại sao việc đánh dấu vào một cuốn sách lại là điều không thể thiếu khi đọc sách? Thứ nhất, nó giúp bạn tỉnh táo hoàn toàn . Thứ hai, nếu đọc tích cực, tức là bạn phải suy nghĩ, mà suy nghĩ thường thể hiện ra bằng từ ngữ, lời nói, hay chữ viết. Người nào nói anh ta biết mình nghĩ gì nhưng lại không thể thể hiện ra thường là người không biết mình nghĩ gì. Thứ ba, viết ra những phản ứng của bạn giúp bạn nhớ những suy nghĩ của tác giả.
Hãy coi việc đọc một cuốn sách là cuộc đối thoại giữa bạn và tác giả. Hãy cho rằng tác giả hiểu biết về chủ đề cuốn sách nhiều hơn bạn, nếu không bạn đâu cần mất thời gian đọc sách của người đó. Nhưng hiểu là một sự vận hành theo hai chiều: học viên phải tự hỏi mình và hỏi giáo viên. Thậm chí, khi đã hiểu giáo viên nói gì, người học phải sẵn sàng tranh luận với thấy. Đánh dấu vào sách là một cách biểu hiện ý kiến tán thành hay phản đối của bạn với tác giả. Đó chính là sự trân trọng tối đa mà bạn dành cho tác giả.
Có nhiều cách đánh dấu vào sách một cách thông minh và hiệu quả. Sau đây là một số cách bạn có thể dùng:
1.GẠCH DƯỚI: Gạch dưới những điểm chính, những nhận định quan trọng hay có sức thuyết phục.
2.VẠCH NHỮNG ĐƯỜNG THẲNG NGOÀI LỀ: Để nhấn mạnh những nhận định đã được gạch dưới, hay chỉ rõ một đoạn quá dài không gạch dưới được.
3. ĐÁNH DẤU SAO, HOA THỊ, HAY BẤT CỨ DẤU GÌ BÊN LỀ: Hình thức này nên được dùng cách quãng để nhấn mạnh mười, hay mười hai nhận định hoặc đoạn văn quan trọng nhất trong cuốn sách. Bạn có thể gấp góc những trang có đánh dấu, hay ép một mảnh giấy vào giữa các trang. Như thế, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể lấy sách ra đọc và nhớ lại ngay những gì đã đọc bằng cách mở ra trang bạn đã đánh dấu.
4. ĐÁNH SỐ BÊN LỀ: Để chỉ một loạt các ý mà tác giả đã nêu trong quá trình hình thành lý lẽ.
5. ĐÁNH SỐ CỦA NHỮNG TRANG KHÁC BÊN LỀ: Để chỉ ra những chỗ khác trong cuốn sách có nhận định tương tự, hay những ý liên quan hoặc đối lập với những ý đã được đánh dấu; tập hợp các ý liên quan đến nhau nhưng nằm rải rác trong cuón sách. Nhiều độc giả dùng ký hiệu “Cf” để chỉ số của các trang khác có nghĩa là “so sánh với” hay “đề cập tới”.
6.KHOANH TRÒN NHỮNG TỪ HAY CỤM TỪ QUAN TRỌNG: Cách này tương tự như cách gạch dưới.
7.VIẾT BÊN LỀ, Ở ĐẦU HAY CUỐI TRANG: Để lưu lại các câu hỏi (và có thể cả câu trả lời) mà đoạn văn đã gợi ra cho bạn; tóm tắt một tranh luận phức tạp thành một câu đơn giản; ghi lại một loạt những ý chính trong cả cuốn sách. Những trang cuối có thể được dùng như một bảng chú dẫn những luận điểm của tác giả theo thứ tự xuất hiện trong sách.
Đối với những người chuyên đánh dấu sách thì những trang áp bìa đầu một cuốn sách thường quan trọng nhất. Một số người dùng các trang này để làm nhãn sở hữu sách trông rất ấn tượng. Nhưng điều đó chỉ thể hiện sự sở hữu về mặt tài chính đối với cuốn sách. Những trang này nên được dành để ghi lại những suy nghĩ của bạn. Sau khi đọc xong cuốn sách và ghi lại những chú dẫn của riêng bạn ở những trang cuối sách, hãy lật lại trang đầu và cố tóm lược cuốn sách thành một cấu trúc hợp nhất với một dàn ý cơ bản và theo trật tự các phần. Chính bản tóm lược này là thước đo mức độ hiểu, thể hiện sự sở hữu về mặt trí tuệ của bạn đối với cuốn sách.
Ba kiểu ghi chú
Có ba kiểu ghi chú khác nhau khi đọc sách. Bạn dùng loại nào tuỳ thuộc vào cấp độ mà bạn đang đọc.
Khi đọc theo cấp độ kiểm soát, có thể bạn không có thời gian để ghi chú trong sách vì đọc kiểm soát luôn bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, khi đọc ở cấp độ này, bạn sẽ đặt những câu hỏi quan trọng về cuốn sách, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn ghi lại những câu trả lời ngay khi chúng vừa mới xuất hiện trong đầu, mặc dù không phải lúc nào bạn cũng tìm thấy câu trả lời.
Những câu hỏi cần phải trả lời trong lần đọc kiểm soát gồm: (1) Đó là loại sách gì? (2) Toàn bộ cuốn sách nói về vấn đề gì? (3) Trật tự cấu trúc của cuốn sách mà qua đó tác giả phát triển ý đồ hoặc hiểu biết của mình về chủ đề chung của cuốn sách là gì? Bạn có thể và cũng nên ghi chú những ý liên quan đến các câu trả lời cho những câu hỏi này, nhất là khi bạn biết rằng phải nhiều ngày hoặc nhiều tháng sau bạn mới có thể quay lại đọc cuốn sách ở cấp độ phân tích. Nơi phù hợp nhất để bạn ghi chú là ở trang mục lục hay trang tiêu đề.
Bạn nên nhớ, những ghi chú này chủ yếu đề cấp đến cấu trúc chứ không phải nội dung cuốn sách (ít nhất là chưa có các chi tiết). Vì thế, chúng tôi gọi việc ghi chú này mang tính cấu trúc.
Trong quá trình đọc kiểm soát, đặc biệt là với một cuốn sách dài và khó, bạn có thể hiểu thấu đáo ý kiến của tác giả về chủ đề mà họ nêu ra. Tuy nhiên, ít khi bạn làm được điều chân thực của những nhận định đó trừ phi bạn đã đọc kỹ cuốn sách. Sau đó, trong quá trình đọc phân tích, bạn cần trả lời những câu hỏi về tính chân thực và tầm quan trọng của cuốn sách. Do vậy, những ghi chú của bạn ở cấp độ này không còn mang tính cấu trúc mà thuộc về ý niệm. Đó là ý niệm của tác giả, và cũng là của bạn, đã được đào sâu và mở rộng qua quá trình đọc.
Có sự khác biệt rõ nét giữa ghi chú cấu trúc và ghi chú ý niệm. Ở cấp độ đọc đồng chủ đề (tức là đọc nhiều cuốn sách có cùng một chủ đề), những ghi chú rất có thể cũng là ghi chú về ý niệm; và những ghi chú trên một trang sách không những nhắc bạn về những trang khác trong cùng cuốn sách đó mà cả ở các cuốn khác.
Tuy nhiên, có một bước còn cao hơn thế, và chỉ độc giả nào thật sự có tài mới có thể làm được khi anh ta đọc đồng chủ đề. Đó là ghi chú về hình thức thảo luận - cuộc thảo luận mà tất cả các tác giả cùng tham gia cho dù có nhiều người không biết nhau. Chúng tôi muốn gọi đó là những ghi chú có tính biện chứng (lý do sẽ được giải thích trong Phần 4). Vì những ghi chú này đề cập đến nhiều cuốn sách nên chúng thường được ghi trên những tờ giấy rời. Ở đây có sự hàm ẩn về một cấu trúc khái niệm - một hệ thống những nhận định và câu hỏi về một chủ đề duy nhất. Chúng tôi sẽ quay lại loại ghi chú này ở Chương 20.
Hình thành thói quen đọc sách
Không có cách nào để hình thành thói quen thao tác ngoài chính sự vận hành. Nói cách khác là “học” bằng cách “thực hành”. Sự khác biệt trong hành động của bạn trước và sau khi hình thành thói quen là sự khác biệt giữa khả năng và sự sẵn sàng. Sau khi luyện tập, vẫn công việc như trước nhưng bạn có thể làm tốt hơn nhiều so với lần đầu. Đây chính là điều mà ta thường gọi là “có công mài sắt có ngày nên kim”. Những gì ban đầu bạn làm còn rất lúng túng thì sau khi luyện tập, bạn có thể làm một cách tự động, hay làm theo bản năng như thể bạn sinh ra để làm việc đó, tự nhiên như việc đi lại hay ăn uống. Vì thế, nhiều người cho rằng thói quen là khả năng thiên bẩm thứ hai.
Tuy nhiên, hình thành một thói quen khác với việc biết những quy tắc của một môn nghệ thuật. Khi nói một người có kỹ năng làm một việc gì đó không có nghĩa khẳng định anh ta biết các quy tắc, mà đơn giản là anh ta có thói quen làm việc đó mà thôi. Dĩ nhiên, biết quy tắc dù ít dù nhiều là một điều kiện để đạt được kỹ năng. Bạn không thể làm theo các quy tắc mà bạn không biết. Bạn cũng không thể học được bất cứ một thói quen hay kỹ năng nào nếu bạn không làm theo các quy tắc.
Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rằng để trở thành một nghệ sĩ, người ta phải thực hiện theo các quy tắc. Khi nói về một hoạ sĩ, hay là một nhà điêu khắc tài ba, nhiều người cho rằng “Ông ta chẳng theo quy luật nào cả. Ông ta làm một vài việc rất độc đáo - việc trước đây chưa ai làm và cũng chẳng theo quy luật nào”. Nhưng họ không thấy được những quy luật mà hoạ sĩ thực hiện. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy không có quy luật cuối cùng và không có quy luật không bị phá vỡ khi vẽ một bức tranh, hay sáng tạo một tác phẩm điêu khắc. Nhưng lại có những quy luật về chuẩn bị giấy, vẽ pha màu và dùng màu, nặn đất sét và hàn thép. Hoạ sỹ và nhà điêu khắc chắc hẳn phải tuân theo các quy luật này, nếu không họ đã không thể sáng tác được. Dù sản phẩm cuối cùng của người nghệ sĩ có thế nào, dù chúng có vẻ như không tuân theo quy luật nào, thì nghệ sĩ đó cũng phải rất khéo léo để làm ra sản phẩm ấy. Đấy chính là nghệ thuật - kỹ năng hay kỹ xảo – mà chúng tôi nói đến.
Từ nhiều quy tắc đến một thói quen
Đọc sách cũng giống như trượt tuyết. Khi giỏi như một chuyên gia thì cả hai việc đều rất thú vị, hài hoà. Khi làm như người mới bắt đầu thì rất lúng túng, chậm chạp và dễ chán nản.
Mọi người, nhất là người đã trưởng thành, thường xấu hổ khi học trượt tuyết. Vì mặc dù đã biết đi từ lâu, biết chân mình ở đâu, nhưng khi đi giày trượt tuyết vào, họ phải học đi lại từ đầu. Họ bị trượt ngã nhiều lần, ngồi dậy một cách khó nhọc, giày bị lệch, trông giống và cảm giác mình là một thằng ngốc…
Thậm chí, một huấn luyện viên giỏi cũng không giúp được gì nhiều cho người mới học trượt tuyết. Làm sao để nhớ mọi điều mà huấn luyện viên nói, và vừa nhớ vừa trượt tuyết? Điều quan trọng khi trượt tuyết là bạn không nên nghĩ về từng động tác riêng lẻ, mà phải phối hợp chúng với nhau, xoay trở khéo léo thì mới trượt được nhẹ nhàng. Nhưng để làm được điều đó, bạn lại phải học riêng rẽ từng động tác ngay lúc đầu. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể phối hợp chúng nhuần nhuyễn để trở thành một người trượt tuyết giỏi.
Việc đọc sách cũng tương tự. Có thể bạn đã đọc sách lâu rồi, và việc phải học lại từ đầu khiến bạn thấy ngại. Nhưng cũng giống như việc trượt tuyết, khi đọc sách, bạn không thể phối hợp nhiều hành động khác nhau thành một hành động phức tạp nhưng hài hoà nếu bạn chưa trở thành chuyên gia trong từng động tác riêng lẻ. Bạn không thể rút ngắn các phần khác nhau của công việc, khiến chúng chồng chéo lên nhau và tuôn ra ào ào. Mỗi động tác đều đòi hỏi bạn chú ý cao độ khi thực hiện. Sau khi đã luyện tập từng động tác một, bạn có thể làm dễ dàng từng động tác mà không cần tập trung nhiều, hơn nữa còn có thể thực hiện chúng cùng một lúc rất thành thạo.
Người có kinh nghiệm học một kỹ năng phức tạp biết rằng họ không nên lo sợ khi thấy một loạt các quy tắc xuất hiện lúc họ bắt đầu học một điều gì đó. Họ biết họ có phải học cách phối hợp các quy tắc với nhau thành thạo như thế nào.
Nếu có nhiều quy tắc nghĩa là thói quen cần thành lập cũng phức tạp, chứ không nhất thiết phải đạt được nhiều thói quen khác nhau. Các phần được kết hợp và lồng ghép với nhau khi trình độ thực hiện đã lên đến mức tự động hoá. Khi đó có nghĩa là bạn đã tạo nên thói quen thực hiện toàn bộ các thao tác. Lúc này, bạn có thể thực hiện một cú trượt thật thành thạo mà trước đây bạn chưa từng làm được, hay đọc một cuốn sách mà bạn từng cho là quá khó.
Học cách đọc tốt không dễ. Đọc, đặc biệt là đọc phân tích, không chỉ phức tạp hơn nhiều so với việc trượt tuyết mà đọc còn là một hoạt động trí tuệ. Người mới học trượt tuyết phải nghĩ đến các động tác thể chất, sau đó họ có thể quên đi, và thực hiện một cách tự động. Nghĩ và ý thưc về các hành động thể chất tương đối dễ. Nghĩ đến các hành động trí tuệ khó hơn nhiều. Hầu hết, chúng ta không quen làm việc này. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể làm được, và những ai làm được nó sẽ học được cách đọc tốt hơn.
Phần 2
Cấp độ đọc thứ ba –
Đọc phân tích
6
Phân loại một cuốn sách
Như đã nói ở phần đầu, phương pháp đọc trình bày trong cuốn sách này có thể áp dụng được với mọi loại tài liệu bạn phải đọc hay muốn đọc. Tuy nhiên, khi diễn giải các quy tắc đọc phân tích, chúng ta dường như bỏ qua lưu ý này.
Có rất nhiều khó khăn mà bất cứ độc giả nào cũng có thể gặp phải khi đọc trọn vẹn một cuốn sách, đặc biệt là một cuốn sách dài và khó. Đọc truyện ngắn thường dễ hơn tiểu thuyết, và đọc một bài báo thường dễ hơn đọc một cuốn sách cùng chủ đề. Vì vậy, nếu bạn đọc được một thiên sử thi bằng thơ hay một cuốn tiểu thuyết, thì bạn hoàn toàn có thể đọc dễ dàng một bài thơ trữ tình hay một cuốn truyện ngắn. Tương tự, nếu bạn có thể đọc một cuốn sách dài về lịch sử, triết học, hay một chuyên luận về khoa học thì việc đọc báo hay bản tóm tắt cùng lĩnh vực đó sẽ chỉ là chuyện nhỏ.
Do đó, tất cả những gì chúng tôi đã trình bày về việc đọc sách cũng có thể áp dụng được với tất cả các loại tài liệu khác. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể áp dụng những quy tắc này hoàn toàn giống như khi đọc một cuốn sách, nhưng việc điều chỉnh chúng cho phù hợp với loại tài liệu đang đọc không có gì khó.
Tầm quan trọng của việc phân loại sách
Phân loại sách chính là quy tắc đầu tiên của kỹ năng đọc phân tích, và có thể được diễn đạt như sau. QUY TẮC 1: BẠN PHẢI BIẾT CÀNG SỚM CÀNG TỐT LOẠI SÁCH MÌNH ĐANG ĐỌC LÀ GÌ, TỐT NHẤT LÀ TRƯỚC KHI BẠN BẮT ĐẦU ĐỌC CUỐN SÁCH ĐÓ.
Ví dụ, bạn phải biết mình đang đọc thể loại sách có nội dung hư cấu (như tiểu thuyết, sử thi, thơ trữ tình…), hay một tác phẩm có tính chất mô tả về lĩnh vực nào đó. Hầu hết mọi độc giả đều nhận biết được một tác phẩm hư cấu khi mới đọc qua. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Portnoy’s Complaint (Lời than phiền của Portnoy) là tiểu thuyết hay một nghiên cứu phân tích tâm lý? Naked Lunch (Bữa trưa trần trụi) là một truyện hư cấu hay một ghi chép chống lại việc lạm dụng thuốc? Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) là một tác phẩm lãnh mạn hay chính là lịch sử của miền Nam nước Mỹ trước và trong cuộc nội chiến? Main Street (Con đường chính) và The Grapes of Wrath (Chùm nho phẫn nộ) là những tác phẩm văn chương hay những nghiên cứu về xã hội?
Dĩ nhiên, tất cả những cuốn sách đó đều là tiểu thuyết, đều nằm trong danh sách những tác phẩm văn học bán chạy nhất. Nhưng những câu hỏi phía trên cũng không thừa vì có rất nhiều yếu tố khoa học xã hội trong các cuốn tiểu thuyết đương đại, và cũng không ít yếu tố hư cấu trong một tác phẩm về xã hội học khiến chúng ta khó có thể phân biệt. Điều này cũng tương tự với một số cuốn sách chứa đựng kiến thức về vật lý hay hoá học.
Một cuốn sách khoa học có mục đích chính là truyền tải kiến thức. Một cuốn sách chủ yếu nói đến ý kiến, lý thuyết, giả thuyết hay suy đoán đúng trong một số trường hợp cũng truyền đạt kiến thức cho người đọc, vì thế cũng là một tác phẩm khoa học. Cũng giống như tác phẩm văn chương, hầu hết độc giả có thể nhận ra một tác phẩm khoa học ngay khi nhìn thấy nó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải phân biệt được nhiều loại sách khoa học khác nhau. Thông tin, kiến thức mà tác phẩm lịch sử và triết học cung cấp không giống nhau. Vấn đề phải giải quyết ở một cuốn sách về vật lý khác với vấn đề phải giải quyết ở một cuốn sách về đạo đức. Tất nhiên, hai tác giả cũng sẽ sử dụng các phương pháp hoàn toàn khác nhau để giải quyết những vấn đề không giống nhau đó.
Vậy bạn sẽ áp dụng quy tắc 1 thế nào? Đầu tiên là kiểm soát cuốn sách. Bạn đọc tên sách, phụ đề, mục lục, xem qua lời mở đầu của tác giả và phụ lục ở cuối sách. Nếu cuốn sách quá cũ, bạn có thể đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản. Đó là những lá cờ chỉ dẫn mà tác giả giương lên để chỉ cho bạn thấy gió sẽ thổi hướng nào.
Những điều bạn có thể học được từ tên một cuốn sách
Chúng tôi đã từng hỏi sinh viên của mình cuốn sách họ đọc nói về vấn đề gì, và yêu cầu họ miêu tả một cách khái quát nhất xem cuốn sách đó thuộc loại nào. Song để trả lời những câu hỏi này không phải là việc đơn giản.
Chúng tôi xin nêu ra một ví dụ về sự nhầm lẫn khi đọc tên một cuốn sách. Năm 1859, Darwin xuất bản một cuốn sách rất nổi tiếng. Tên cuốn sách được nhắc đến liên tục trong rất nhiều cuộc thảo luận. Ảnh hưởng của nó được đánh giá bởi cả những nhà thông thái và những bình luận viên bình thường. Cuốn sách viết về thuyết tiến hóa, trong tiêu đề sách có từ “species” (các loài). Vậy tiêu đề chính xác của cuốn sách là gì?
Nếu bạn trả lời là The origin of Species (Nguồn gốc các loài) tức là bạn đã đúng. Nhưng có thể bạn sẽ trả lời là The origin of the Species (Nguồn gốc của loài người). Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với 25 độc giả, và hơn nửa trả lời là “Nguồn gốc của loài người”. Nguyên nhân là họ chưa bao giờ đọc cuốn sách này, và cho rằng cuốn sách phải liên quan gì đó đến sự phát triển của loài người. Sự thật là cuốn sách hầu như không đề cập đến con người mà đối tượng này được Darwin nhắc tới trong cuốn sách sau của ông - cuốn The Descent of Man (Nguồn gốc loài người). Còn cuốn Nguồn gốc các loài nói đến sự sinh sôi, phát triển của muôn vàn loài động thực vật trong thế giới tự nhiên. Chúng tôi nhắc đến sai lầm phổ biến này vì rất nhiều người nghĩ họ biết tiêu đề cuốn sách mặc dù thực tế hiếm người thật sự đọc cẩn thận, và suy nghĩ xem tiêu đề sách muốn nói gì.
Trong ví dụ sau đây, chúng tôi không yêu cầu bạn nhớ tiêu đề sách, mà suy nghĩ xem tiêu đề đó muốn nói gì. Tác giả Gibbon đã viết một cuốn sách nổi tiếng về Đế chế La Mã, mang tên The Decline and Fall of the Roman Empire (Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã). Rất nhiều người biết tên cuốn sách này ngay cả khi họ không có sách trong tay. Trên thực tế, cụm từ “suy tàn và diệt vong” đã trở thành thành ngữ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi 25 độc giả rằng tại sao chương đầu tiên của cuốn sách lại có tên là “Quy mô và lực lượng quân sự của Đế chế La Mã trong thời kỳ cai trị của Antonines”, tất cả đều không biết. Họ không biết suy luận nếu cuốn sách có tên là Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã thì nội dung thường sẽ bắt đầu bằng thời kỳ hoàng kim của đế chế, rồi mới đến suy tàn và diệt vong. Vì thế, họ dịch một cách vô thức cụm từ “decline and fall” (suy tàn và diệt vong) thành “rise and fall” (phát triển và suy tàn). Họ bối rối vì không thấy cuốn sách nhắc đến nền Cộng hoà La Mã - chế độ tồn tại trước thời kỳ trị vì của Antonines đến 150 năm. Nếu họ đọc kỹ tiêu đề sách, họ có thể suy đoán rằng thời kỳ trị vì của Antonines là thời hoàng kim của Đế chế La Mã. Nói cách khác, tiêu đề sách có thể cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết về cuốn sách trước khi họ bắt đầu đọc nội dung. Nhưng đa số độc giả thường không đọc kỹ tiêu đề sách, cả những cuốn họ đã biết hay chưa từng biết.
Một nguyên nhân khiến nhiều người bỏ qua tiêu đề sách và lời mở đầu là họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại sách. Họ không tuân theo quy tắc đầu tiên của việc đọc phân tích. Các tác giả viết sách thường cố gắng viết phần mở đầu thật đơn giản, dễ hiểu, và đặt tiêu đề hoặc phụ đề sách có tính miêu tả. Hai nhà vật lý Einstein và Infeld khi viết lời tựa cho cuốn The Evolution of Physics (Sự phát triển của vật lý học) đã thổ lộ rằng họ mong muốn độc giả biết việc đọc một cuốn sách khoa học dù phổ thông thế nào cũng không thể giống cách đọc một cuốn tiểu thuyết. Vì thế, hai ông đã xây dựng một mục lục đầy tính phân tích để báo trước cho người đọc phần trình bày nội dung chi tiết. Trong bất cứ trường hợp nào, những tiêu đề chương được liệt kê ở phía trước cũng có tác dụng khuếch đại tầm quan trọng của tiêu đề chính.
Độc giả nào bỏ qua nội dung trên sẽ rất khó trả lời câu hỏi “Cuốn sách bạn đọc thuộc loại nào?”. Và nếu chưa bao giờ tự hỏi bản thân câu hỏi này thì sẽ còn nhiều câu hỏi khác về cuốn sách họ không thể trả lời được.
Đọc tiêu đề sách cẩn thận rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Mặc dù có những tiêu đề rất rõ ràng nhưng cũng không thể giúp bạn phân loại được cuốn sách đó, trừ phi bạn có một danh mục các loại sách ở trong đầu.
Tóm lại, để tuân thủ nguyên tắc 1 của việc đọc sách bạn phải biết đó là loại nào.
Sách lý thuyết hay sách thực hành
Ai cũng đã ít nhiều dùng các từ “lý thuyết” và “thực hành”, nhưng chưa hẳn tất cả đều hiểu hết ý nghĩa của chúng. Với những người có đầu óc thực tế, từ “lý thuyết” mang tính hão huyền thậm chí là xa với; còn từ “thực hành” có nghĩa là một việc gì đó được thực hiện và mang lại lợi nhuận tức thì.
Chúng ta đều biết rằng hành động thông minh phải bắt nguồn từ tri thức. Tri thức hay kiến thức có thể được sử dụng theo nhiều cách, không chỉ để chế ngự thiên nhiên hay sáng chế ra máy móc, những công cụ hữu dụng, mà còn để định hướng phẩm cách và điều chỉnh hoạt động của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có một số cuốn sách cũng như một số giáo viên chỉ quan tâm đến những kiến thức mà họ phải truyền đạt, nhưng điều này không có nghĩa họ phủ nhận giá trị sử dụng của những kiến thức đó. Nhiều người lại có mối quan tâm vượt ra ngoài khuôn khổ kiến thức đơn thuần. Họ muốn tìm hiểu sâu hơn vè những kiến thức có thể giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Họ vừa truyền kiến thức, vừa nhấn mạnh đến việc áp dụng kiến thức vào thực tế.
Để kiến thức mang tính thực tế, chúng ta phải biết chuyển chúng thành nguyên tắc hoạt động, từ việc biết đó là trường hợp nào sang việc biết phải làm gì để đạt được mục tiêu trong trường hợp đó. Đó là sự khác biệt giữa biết cái gì và biết cách nào. Sách lý thuyết dạy bạn về bản chất lý lẽ. Sách thực hành dạy bạn cách làm những điều bạn muốn hoặc nghĩ là nên làm.
Bất kỳ cuốn sách hướng dẫn nào, hoặc những cuốn sách chỉ cho bạn biết nên làm gì hoặc làm như thế nào đều là sách thực hành. Sách thực hành bao gồm những cuốn sách mô tả nghệ thuật dành cho người học; những cuốn sổ tay về bất cứ lĩnh vực nào như cơ khí, y khoa, nấu ăn; và cả những sách chuyên luận về kinh tế, đạo đức hay chính trị. Chúng tôi sẽ giải thích tại sao những cuốn sách chuyên luận về kinh tế, đạo đức hay chính trị (thường được coi là những sách mang tính quy chuẩn, quy phạm) lại là một nhóm rất đặc biệt trong danh mục sách thực hành.
Bất cứ một cuốn sách đạo đức nào cũng đều dạy ta cách sống, chỉ bảo ta những điều nên và không nên làm, thông tin cho ta biết về cả “phần thưởng” và “hình phạt” gắn với việc thực hiện hay không thực hiện những điều đó. Vì thế, chúng là những cuốn sách thực hành. Một số nghiên cứu xã hội học chỉ đơn thuần mô tả, chứ không đánh giá hay nhận định gì về thái độ, hành vi thực tế của con người thì không được coi là sách về đạo đức hay sách thực hành. Chúng chỉ là những tác phẩm lý thuyết - những công trình khoa học.
Ta có thể lý giải tương tự với một cuốn sách về kinh tế học. Bên cạnh những báo cáo, những con số liên quan đến toán học và thống kê - phần nặng về lý thuyết hơn thực hành - thì những cuốn sách này thường dạy ta cách tổ chức đời sống kinh tế ở nhiều quy mô từ cá nhân đến tập thể hay quốc gia; chỉ cho chúng ta nên hay không nên làm gì và thông tin về những hậu quả tương ứng nếu ta không làm những việc phải làm.
Immanuel Kant đã viết hai tác phẩm triết học nổi tiếng là The Critique of Pure Reason (Bàn về suy luận thuần tuý) và The Critique of Practical Reason (Bàn về suy luận mang tính thực hành). Cuốn thứ nhất nói về cái gì là gì, và chúng ta hiểu nó như thế nào chứ không phải làm cách nào để hiểu nó. Cuốn thứ hai nói về việc con người nên kiểm soát bản thân như thế nào, và điều gì tạo nên phẩm giá, đức hạnh của con người. Cuốn sách này đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận như là nền tảng cho mọi hành động đúng đắn và sự nhấn mạnh đó có thể khiến nhiều độc giả hiện đại khó chịu. Họ cho rằng, niềm tin vào bổn phận như một quan niệm đạo đức có giá trị là điều phi thực tế. Nhưng điều này không làm mất đi tính thực hành trong cuốn sách của Kant.
Ngoài những loại sách trên, còn có một loại sách thực hành nữa. Một bài diễn văn, một bài phát biểu mang tính chính trị, hay lời kêu gọi hành động chứa đựng những nội dung thuyết phục bạn nên làm gì và nên cảm thấy như thế nào về một sự việc đó.
Mặc dù cuốn sách thực hành nào cũng mang tính khích lệ, cổ vũ nhưng những yếu tố này không được đặt ngang hàng với yếu tố thực hành. Có sự khác biệt rõ ràng giữa một bài kêu gọi hành động với một chuyên luận chính trị, giữa một tờ tuyên truyền về kinh tế với một bài phân tích những vấn đề kinh tế.
Đôi khi bạn có thể dựa vào tên một cuốn sách để nhận biết rõ nó có thiên về thực hành hay không. Bạn có thể nhanh chóng nhận ra loại sách đó nếu tên sách có những cụm từ như “nghệ thuật để” hoặc “cách để”. Hoặc nếu tên tác phẩm đề cập đến những lĩnh vực mang tính thực hành mà bạn biết như đạo đức, chính trị, kinh doanh, thậm chí có thể là kinh tế học, luật pháp hay y khoa, thì bạn có thể phân loại cuốn sách đó khá dễ dàng.
Khi miêu tả nghệ thuật đọc kiểm soát, chúng tôi đã lưu ý bạn sau khi đọc trang đầu và có thể cả phần phụ lục, bạn không nên dừng lại mà nên đọc cả những đoạn văn có tính chất tổng kết hay tóm tắt xuyên suốt cuốn sách. Các bạn cũng nên đọc cả phần mở đầu, phần kết và những phần chính của cuốn sách.
Việc này hoàn toàn cần thiết, nhất là trong những trường hợp bạn không thể phân loại cuốn sách dựa vào tên sách hay những trang đầu. Khi đó, bạn phải dựa vào các ký hiệu xuất hiện trong phần chính của cuốn sách. Bạn sẽ phân loại được một cuốn sách mà không phải đọc quá kỹ nếu chú ý đến câu chữ và ghi nhớ những mục sách cơ bản trong đầu.
Trong một cuốn sách thực hành thường xuất hiện những từ như: nên, phải, tốt, xấu, mục đích, phương tiện. Câu đặc trưng của một cuốn sách thực hành thường nói rằng điều gì đó nên làm; hoặc đây là cách đúng đắn để làm việc gì đó; hoặc hướng tới cái đích nào thì tốt hơn; hay chọn phương tiện nào thì phù hợp hơn. Ngược lại, một cuốn sách lý thuyết lại liên tục nhắc đến từ “là” thay vì “nên” hay “phải”. Nó cố gắng chứng minh điều gì đó là đúng, là sự thật, chứ không phải mọi việc sẽ tốt hơn nếu đặt trong tình huống ngược lại.
Trên đây, chúng tôi mới chỉ gợi ý một số dấu hiệu mà bạn có thể sử dụng khi bắt đầu phân biệt một cuốn sách. Bạn càng hiểu những dấu hiệu giúp phân biệt sách lý thuyết với sách thực hành bao nhiêu, bạn càng sử dụng chúng tốt bấy nhiêu.
Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách nghi ngờ những dấu hiệu đó. Như đã nói ở trên, mặc dù kinh tế học thường là vấn đề thực tiễn, nhưng vẫn có sách kinh tế học thuần tuý lý thuyết. Tương tự, vấn đề về hiểu biết thường mang tính lý thuyết nhưng vẫn có sách dạy bạn “nghĩ như thế nào”. Cũng có thể, bạn sẽ gặp một tác giả không hiểu gì về sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành, như những tiểu thuyết gia không phân biệt được đâu là hư cấu, đâu là xã hội học. Hoặc có thể bạn sẽ thấy những cuốn sách vừa thuộc loại này vừa thuộc loại khác. Dù thế nào, việc tìm hiểu cách tác giả tiếp cận vấn đề vẫn rất có ích đối với các độc giả.
Các loại sách lý thuyết
Cách phân loại truyền thống đối với sách lý thuyết là chia chúng thành các lĩnh vực như lịch sử, khoa học và triết học. Hầu như ai cũng biết sơ qua về sự khác biệt giữa các loại sách này. Ví dụ, tiêu đề sách lịch sử luôn có những nét đặc trưng như có từ “lịch sử” xuất hiện, nếu không thì những từ còn lại thường báo cho độc giả biết cuốn sách này viết về chuyện đã xảy ra. Thêm nữa, một cuốn sách lịch sử điển hình luôn hành văn theo lối kể. Nhà sử học thường phải viết một cách văn vẻ, tức là phải tuân theo những nguyên tắc để kể một câu chuyện hay.
Tiêu đề một tác phẩm khoa học ít có tính biểu lộ như tiêu đề một cuốn sách sử học. Từ “khoa học” thỉnh thoảng cũng xuất hiện nhưng thường thì tên của lĩnh vực khoa học sẽ có mặt trên tiêu đề sách, ví dụ như tâm lý học, địa chất học hay vật lý học. Rắc rối xảy ra khi bạn không phân biệt rõ ràng giữa vật lý học và tâm lý học - những lĩnh vực mà các nhà khoa học và triết học đã tranh luận rất nhiều qua các thời kỳ. Thậm chí rắc rối nằm ngay trong những từ như “triết học” và “khoa học” vì chúng vốn được sử dụng rất đa dạng. Aristotle gọi cuốn Physics (Vật lý) của ông là một chuyên luận khoa học, mặc dù theo cách dùng hiện nay thì cuốn sách đó mang tính triết học nhiều hơn. Tương tự, Newton đặt tên tác phẩm vĩ đại của mình là Mathematical Principles of Natural Philosophy (Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), mặc dù với chúng ta cuốn sách đó là một trong những tác phẩm khoa học kinh điển.
Triết học giống khoa học và khác sử học ở chỗ nó thiên về tìm kiếm những chân lý phổ quát hơn là mô tả những sự kiện cụ thể dù ở quá khứ gần hay quá khứ xa. Những nhà triết học không đặt câu hỏi giống của nhà khoa học, và họ cũng không sử dụng phương pháp tương tự để trả lời.
Vậy làm như thế nào để phân biệt được sách về triết học và sách khoa học? Nếu một cuốn sách tập trung nói về những điều nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm thường ngày, lặp đi lặp lại của bạn, thì đó là sách khoa học. Bằng không, đó là một tác phẩm triết học. Cần nhớ rằng, tiêu chí phân loại này chỉ áp dụng với những cuốn sách hoặc là khoa học hoặc là triết học, chứ không áp dụng với những cuốn sách viết về các lĩnh vực khác.
Sự phân biệt này có vẻ khác lạ. Chúng tôi xin minh hoạ cụ thể. Cuốn Two New Sciences (Hai ngành khoa học mới) của Galileo đòi hỏi bạn phải tưởng tượng, hoặc tự mình làm một số thí nghiệm với mặt phẳng nghiêng. Cuốn Opticks (Quang học) của Newton nói đến những thí nghiệm trong phòng với hình lăng trụ, gương và những chùm sáng được kiểm soát đặc biệt. Thí nghiệm mà các tác giả trên nói đến chưa chắc đã được họ thực hiện trong phòng thí nghiệm. Còn trong cuốn Nguồn gốc các loài, Darwin tường trình lại những điều mà ông đã quan sát qua nhiều năm nghiên cứu. Đó là những điều có thể hoặc đã được kiểm chứng bởi các nhà quan sát khác, nhưng lại không thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm thường ngày của một người bình thường.
Ngược lại, một cuốn sách triết học không bao giờ đề cập đến những thực tế hay quan sát nằm ngoài kinh nghiệm của một người bình thường. Một triết gia sẽ dẫn người đọc hướng tới kinh nghiệm chung, thông thường của họ để kiểm chứng, xác thực hay ủng hộ những gì người viết đưa ra. Ví dụ cuốn Essay Concerning Human Understanding (Luận bàn về hiểu biết của con người) của Locke đưa ra đều gắn liền với kinh nghiệm mà người nào cũng có thông qua hoạt động của hệ thần kinh. Trong khi đó, rất nhiều tác phẩm của nhà tâm lý học Freud là tác phẩm khoa học vì Freud đưa ra rất nhiều quan điểm thông qua việc tường thuật lại những điều ông quan sát được trong điều kiện đơn giản của văn phòng một nhà phân tích tâm lý.
Tuy nhiên trường hợp của William James - một nhà tâm lý học vĩ đại - lại là người “đứng giữa dòng”. Ông tường thuật lại nhiều ví dụ về những thí nghiệm đặc biệt mà chỉ những người quan sát cẩn thận và được đào tạo bài bản mới có thể hiểu được. Nhưng ông cũng thường xuyên yêu cầu người đọc đánh giá xem những điều ông nói có đúng với kinh nghiệm của bản thân họ không. Do đó, cuốn Principles of Psychology (Những nguyên tắc tâm lý học) của ông vừa là một tác phẩm khoa học vừa là một tác phẩm triết học mặc dù mục tiêu chính của nó liên quan đến khoa học.
Nếu nói một cách đơn giản, khoa học liên quan đến thí nghiệm hoặc phụ thuộc vào những nghiên cứu và quan sát tỷ mỷ. Còn triết học đơn thuần là dựa ghế suy ngẫm. Điều này không có nghĩa một triết gia chỉ đơn thuần là một nhà tư tưởng, và một nhà khoa học chỉ làm một quan sát viên. Cả hai đều phải quan sát và suy nghĩ nhưng họ nghĩ về những loại thông tin khác nhau mà họ quan sát được, đưa ra những cách chứng minh kết luận khác nhau. Nhà khoa học sẽ chỉ vào kết quả từ những trải nghiệm đặc biệt của mình, còn nhà triết học chỉ vào những kinh nghiệm đã quen thuộc với tất cả mọi người.
7
“Chụp X-quang”
một cuốn sách
Mỗi cuốn sách ẩn chứa một bộ khung được bao bọc bởi những tấm bìa. Nhiệm vụ của một độc giả phân tích là phải tìm ra bộ khung đó, tức là nắm bắt được cấu trúc của bất kỳ cuốn sách nào. Để làm được điều này, bạn phải đọc sách với con mắt của tia X.
Do việc phải biết cấu trúc của một cuốn sách hết sức cần thiết nên chúng ta có quy tắc đọc sách thứ hai và thứ ba. Tất nhiên, việc áp dụng hai quy tắc đó sẽ khác nhau tùy loại sách bạn đọc. Tính thống nhất của một cuốn tiểu thuyết khác tính thống nhất của một chuyên luận chính trị. Sự sắp xếp các phần trong hai cuốn sách này cũng không đồng nhất và không giống nhau. Mặc dù vậy, mọi cuốn sách đáng đọc đều có tính thống nhất giữa nội dung với hệ thống các phần. Cuốn sách nào không đảm bảo hai yếu tố này thì chỉ là một mớ bòng bong khó đọc.
Có thể diễn giải quy tắc thứ hai và thứ ba của cấp độ đọc phân tích như sau:
QUY TẮC 2: TRÌNH BÀY SỰ THỐNG NHẤT CỦA TOÀN BỘ NỘI DUNG CUỐN SÁCH TRONG MỘT CU ĐƠN HOẶC MỘT ĐOẠN VĂN NGẮN.
Điều này nghĩa là bạn phải diễn đạt được toàn bộ nội dung cuốn sách một cách ngắn gọn nhất có thể, nhưng không có nghĩa bạn phải nói cuốn sách đó thuộc loại nào.
Mỗi cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật nên cũng có tính chỉnh thể, thống nhất. Bạn phải hiểu rõ tính thống nhất này. Cách duy nhất chứng tỏ bạn hiểu là bạn phải nói được về sự thống nhất đó với chính mình hoặc bất kỳ ai chỉ trong một vài từ. Nếu dùng quá nhiều từ để diễn đạt, chứng tỏ bạn chưa nhìn thấy sự thống nhất mà mới chỉ thấy vô số thứ khác trong cuốn sách.
QUY TẮC 3: TRÌNH BÀY NHỮNG PHẦN CHÍNH CỦA CUỐN SÁCH VÀ CÁCH SẮP XẾP CÁC PHẦN THEO THỨ TỰ THỐNG NHẤT THÀNH MỘT CHỈNH THỂ
Một cuốn sách hay giống như một ngôi nhà đẹp với từng bộ phận được sắp xếp ngăn nắp. Mỗi bộ phận chính có tính độc lập nhưng vẫn có mối liên hệ chức năng với nhau, góp phần tạo nên giá trị chung của ngôi nhà.
Những cuốn sách hay nhất là những cuốn có cấu trúc dễ hiểu nhất. Mặc dù chúng thường phức tạp hơn những loại sách kém chất lượng, nhưng cấu trúc càng phức tạp bao nhiêu thì việc đọc càng đơn giản bấy nhiêu, vì các phần của cuốn sách được tổ chức tốt hơn và có tính thống nhất cao hơn. Tuy nhiên, để đọc tốt những cuốn sách hay, bạn phải tìm ra ý đồ được thể hiện trong đó.
Nội dung và bố cục phải nêu được tính chỉnh thể của một cuốn sách
Sau đây là một vài ví dụ về quy tắc thứ hai của cấp độ đọc phân tích – quy tắc đòi hỏi bạn phải nêu được sự thống nhất của cuốn sách.
Sử thi Odyssey của tác giả Homer kể về anh hùng Ulysses - người đã mất mười năm mới thoát khỏi sự vây hãm ở thành Troy. Ulysses trở về đúng lúc người vợ Penelope chung thủy đang bị bủa vây bởi những kẻ đến cầu hôn. Câu chuyện được Homer kể một cách chau chuốt với những tình tiết phiêu lưu kỳ thú trên đất liền và trên biển, với nhiều chương, hồi cùng sự phức tạp trong cốt truyện. Mặc dù vậy, câu chuyện vẫn có một sự thống nhất trong chuỗi hành động và tuyến tư tưởng chính, giúp xâu chuỗi toàn bộ tình tiết lại với nhau.
Aristotle đã chỉ ra tính thống nhất của sử thi Odyssey trong một vài câu tóm tắt như sau: Một người đàn ông đã nhiều năm lưu lạc tha hương, bị thần biển Poseidon ganh ghét dõi theo từng bước khiến anh vô cùng chán nản. Trong khi đó, ở quê nhà, gia đình anh cũng đang trong cảnh ngộ khốn khổ khi những kẻ đến cầu hôn vợ anh tìm mọi cách tiêu hết tiền của anh, và âm mưu hãm hại con trai anh. Thế rồi, sau bao ngày lênh đênh trên biển, anh cũng tìm về được quê hương, tiếp tục vượt qua bao thử thách để những người thân yêu nhận ra anh đồng thời một mình chống lại những kẻ cầu hôn vợ anh và bảo vệ bản thân khi tiêu diệt lũ người đó.
Aristotle cho rằng đoạn trên đây chính là cốt lõi của câu chuyện, phần còn lại chỉ là các tình tiết cụ thể.
Sau khi nắm được cốt truyện, qua đó nắm được sự thống nhất của toàn bộ phần lời kể, bạn có thể sắp xếp các phần vào vị trí phù hợp. Hãy thực hành kỹ năng này với một vài cuốn tiểu thuyết mà bạn đã đọc.
Không phải lúc nào bạn cũng tự mình tìm ra sự thống nhất trong nội dung một cuốn sách. Có lúc bạn sẽ cần sự giúp đỡ của tác giả. Khi đó, tất cả những gì bạn phải làm chỉ là đọc tiêu đề sách. Ở thế kỷ XVIII, các tác giả có thói quen viết những tiêu đề rất trau chuốt, tỷ mỷ - những tiêu đề có thể nói hết cho người đọc biết cuốn sách viết gì. Ví dụ như tiêu đề của tác giả người Anh Jeremy Collier: A Short View of the Immorality and Profaneness of the English Stage, together with the Sense of Antiquity upon this Argument (Một cái nhìn thiển cận về sự đồi bại và trần tục của sân khấu Anh, cùng ý thức chống lại điều này của người xưa). Từ tên sách trên, bạn có thể đoán rằng Collier sẽ đưa ra nhiều ví dụ về sự lạm dụng trắng trợn các quy tắc đạo đức trên sân khấu Anh, và ông sẽ ủng hộ sự phản kháng của mình bằng việc trích dẫn câu chữ của các bậc tiền bối (như Platon) - những người đã từng lên tiếng tranh luận rằng sân khấu chỉ làm suy đồi giới trẻ, hay các vị cha xứ thường nói rằng các vở kịch là sự cám dỗ xác thịt và tội lỗi.
Đối với một số cuốn sách, bạn có thể biết tính thống nhất giữa các chương mục thông qua lời nói đầu. Tuy nhiên, không nên dựa hoàn toàn vào phần này vì cách sắp xếp nội dung các phần của tác giả có thể đi lệch hướng. Vì thế, bạn luôn phải nhớ đi tìm sự thống nhất giữa các phần của cuốn sách cuối cùng vẫn là nhiệm vụ của người đọc. Bạn chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ đó bằng cách đọc qua một lượt từ đầu đến cuối cuốn sách.
Tính thống nhất trong tác phẩm Ethics (Đạo đức học) của Aristotle có thể được trình bày như sau:
Cuốn sách này nghiên cứu bản chất hạnh phúc của con người, và phân tích những hoàn cảnh mà con người có thể tìm thấy hay đánh mất hạnh phúc. Từ đó chỉ ra những suy nghĩ, hành động con người phải thực hiện để có được hạnh phúc, hoặc tránh sự bất hạnh. Cuốn sách chủ yếu nhấn mạnh việc bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức và trí tuệ cao đẹp cần thiết cho hạnh phúc bên cạnh việc thừa nhận những yếu tố tốt đẹp khác như của cải, sức khỏe, bạn bè, xã hội công bằng.
Hay như trong cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) của Adam Smith, độc giả được trợ giúp ngay từ đầu bởi chính lời giới thiệu cảu tác giả về bố cục của cuốn sách. Tuy nhiên phần này khá dài, trong khi sự thống nhất về nội dung cuốn sách có thể tóm gọn bằng vài dòng dưới đây:
Cuốn sách này nghiên cứu nguồn gốc của cải của một quốc gia thuộc bất kỳ nền kinh tế nào dựa trên sự phân công lao động; xem xét mối quan hệ giữa lương trả cho người lao động, lợi nhuận quay vòng vốn, và tiền thuê công xưởng máy móc như những yếu tố cơ bản quyết định giá của hàng hoá. Cuốn sách còn bàn đến những cách sử dụng nguồn vốn có ích hơn, liên hệ giữa nguồn gốc và việc sử dụng tiền với sự tích luỹ cũng như sử dụng nguồn vốn. Bằng việc nghiên cứu sự gia tăng của cải ở nhiều quốc gia khác nhau, trong những điều kiện khác nhau, cuốn sách đã so sánh nhiều hệ thống kinh tế chính trị và tranh luận về sự tốt đẹp của mậu dịch tự do.
Cuốn Nguồn gốc các loài của Darwin được coi như một ví dụ điển hình về tính chỉnh thể của một tác phẩm lý thuyết trong lĩnh vực khoa học. Cốt lõi của tác phẩm được trình bày như sau:
Cuốn sách này ghi lại sự biến thể của các vật thể sống qua nhiều thế hệ, và cách thức chúng chuyển sang những họ thực vật và động vật mới; bàn về sự thuần hoá vật nuôi trong nhà cũng như những biến đổi dưới tác động của điều kiện tự nhiên; chỉ ra cách thức đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên để tạo nên và duy trì sự phân họ động thực vật; đưa ra quan điểm rằng các loài không cố định và luôn biến đổi trong quá trình chuyển tiếp từ trạng thái kém rõ ràng sang trạng thái rõ ràng và ổn định hơn, thông qua một loạt dẫn chứng từ những loài động vật đã tuyệt chủng, từ những so sánh về phôi thai học và giải phẫu học.
Có hai điều chúng tôi muốn lưu ý các bạn. Thứ nhất, bạn có thể dựa vào gợi ý của tác giả để tìm ra bố cục cuốn sách. Thứ hai, bạn hãy cẩn trọng, đừng tiếp nhận những tóm tắt mẫu mà chúng tôi cung cấp trên đây như những công thức cuối cùng và tuyệt đối về chỉnh thể một cuốn sách. Có nhiều cách để diễn đạt tính chỉnh thể, và không có cách nào là duy nhất đúng. Mỗi cuốn sách là một nét khác biệt với từng độc giả nên không có gì ngạc nhiên khi mỗi độc giả thể hiện nhận định về tính chỉnh thể của sách một cách khác nhau. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa nhận định thế nào cũng đúng. Vì độc giả dù khác nhau nhưng cuốn sách vẫn là một và hoàn toàn có thể kiểm tra tính chính xác, sự trung thực trong nhận định của bất cứ ai về cuốn sách một cách khách quan.
Làm chủ nhiều phần khác nhau: Nghệ thuật phác thảo dàn ý một cuốn sách
Hãy quay lại quy tắc 3 – quy tắc yêu cầu chúng ta phải trình bày được những phần chính của cuốn sách theo trình tự và mối liên hệ giữa chúng với nhau. Quy tắc này liên quan chặt chẽ đến quy tắc 2. Một lời giới thiệu súc tích về tính chỉnh thể phải chỉ ra được những phần chính tạo nên cuốn sách đó. Bạn không thể hiểu toàn bộ cuốn sách nếu không biết rõ trình tự các phần.
Nếu quy tắc 2 hướng bạn chú ý đến tính chỉnh thể, thì quy tắc 3 lại hướng bạn tới tính phức tạp của cuốn sách. Bạn dễ dàng nhận ra các phần chính của một cuốn sách ngay khi bạn nắm được nội dung cốt lõi. Nhưng bản thân mỗi phần này cũng rất phức tạp và có cấu trúc nội tại riêng mà bạn cần tìm hiểu. Do đó, quy tắc 3 không chỉ liên quan đến việc liệt kê các phần trong sách, mà còn bao hàm việc lập dàn ý từng phần, coi đó là những tập hợp con mà mỗi phần lại có tính chỉnh thể và phức tạp riêng.
Bạn có thể hình dung về quy tắc 2 và 3 như sau:
- Theo quy tắc 2, bạn phải nói rằng: Toàn bộ cuốn sách nói về…
- Tiếp đó, áp dụng quy tắc 3, bạn phải trình bày được: (1) Tác giả đã thể hiện nội dung cuốn sách qua mấy phần chính. Trong đó, phần đầu tiên nói về…, phần thứ hai nói về…, phần thứ ba nói về…, (2) Phần thứ nhất lại bao gồm mấy nội dung nhỏ hơn: nội dung đầu tiên xem xét chủ đề X, nội dung thứ hai bàn về vấn đề Y, nội dung thứ ba đề cập đến Z…, (3) Trong nội dung đầu của phần thứ nhất, tác giả nêu ra mấy luận điểm. Trong đó, luận điểm một là A, luận điểm hai là B, luận điểm ba là C,… và cứ tiếp tục như vậy.
Tất nhiên là dàn ý trên chỉ là công thức tham khảo. Nhưng với người biết cách đọc, họ sẽ thực hiện dàn ý đó như một thói quen tự nhiên và dễ dàng. Có thể họ không cần viết hay nói ra mọi thứ một cách rõ ràng, nhưng nếu được yêu cầu tường thuật lại cấu trúc cuốn sách thì có thể họ sẽ làm gần giống công thức chúng tôi nêu trên.
Thậm chí khi bạn thuần thục kỹ năng này, không phải cuốn sách nào bạn cũng cố gắng đọc. Những độc giả ham đọc có khi cũng chỉ áp dụng những điều tương tự dàn ý trên với một vài cuốn sách. Đa số chỉ cần hiểu sơ qua cấu trúc của sách. Mức độ tương tự trong cách áp dụng quy tắc 3 thay đổi tuỳ theo đặc điểm của sách cũng như mục đích đọc cuốn đó.
Hạn chế của công thức trên là đưa sẵn trật tự cũng như mối quan hệ giữa các phần của cuốn sách. Tuy nhiên, những hạn chế này phần nào được giảm bớt nhờ một vài ví dụ về cách áp dụng công thức đó.
Xét về lý thuyết, dàn ý một cuốn sách có thể dài hơn chính cuốn sách đó. Vào thời trung cổ, đã từng có những bài phê bình nổi tiếng về các tác phẩm của Aritotle dài hơn chính tác phẩm được bình luận. Ở thời hiện đại, cũng có những bài phê bình dài tương tự, ví dụ như những bài bình nổi tiếng về tác phẩm Critique of Pure Reason (Bàn về lý trí đơn thuần) của Kant; hoặc như một ấn bản chú giải về một vở kịch của Shakespeare bao gồm một khung dàn ý cụ thể đến từng chi tiết và nhiều thứ khác nữa, dài hơn vở kịch cả chục lần. Bạn có thể đọc cẩn thận những bài bình kiểu này để thấy quy tắc ba được thực hiện như thế nào.
Hiến pháp nước Mỹ là một tài liệu rất thú vị và thực tế, với hệ thống ý được tổ chức rất khoa học. Xem xét tác phẩm này, bạn sẽ thấy không khó khăn gì để tìm ra những nội dung chính của nó. Dưới đây là đề cương gợi ý về tác phẩm:
1.Lời nói đầu - Mục đích của Hiến pháp.
2.Mục 1 – Ban Lập pháp của chính phủ.
3.Mục 2 – Ban Hành pháp của chính phủ.
4.Mục 3 – Ban Tư pháp của chính phủ.
5.Mục 4 – Mối quan hệ giữa chính quyền các bang và chính quyền liên bang.
6.Mục 5, 6, 7 – Nói về việc điều chỉnh Hiến pháp, vị thế của Hiến pháp như một bộ luật tối cao và những điều khoản dùng để phê chuẩn Hiến pháp.
7.Mười sửa đổi đầu tiên tạo nên Dự thảo Luật về Quyền con người.
8.Những sửa đổi còn lại đến ngày nay.
Đây cũng là những phần chính trong tác phẩm. Bây giờ chúng tôi sẽ đi sâu phân tích một phần nhỏ - phần thứ hai của Hiến pháp. Phần này cũng được chia thành nhiều phần nhỏ hơn:
II,1. Phần 1 - thiết lập quyền lập pháp trong Quốc hội Mỹ, với hai cơ quan là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện.
II,2. Phần 2 và 3 - miêu tả các thành phần cấu tạo nên Hạ viện và Thượng viện, đồng thời nêu rõ phẩm chất chuyên môn của từng thành viên trong viện. Thêm vào đó, luật quy định Hạ viện có quyền duy nhất là tố cáo, còn Thượng viện có quyền duy nhất là kiểm tra những lời tố cáo đó.
II,3. Phần 4 và 5 - bầu chọn thành viên cho cả hai viện của Quốc hội, bầu thành viên nội các,…
II,4. Phần 6 - những đặc quyền và lương của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ,…
II,5. Phần 7 - định nghĩa mối quan hệ giữa ban lập pháp và hành pháp của chính phủ; miêu tả quyền phủ quyết của tổng thống.
II,6. Phần 8 - bàn về quyền lực của Quốc hội.
II,7. Phần 9 - những điểm hạn chế trong quyền lực của Quốc hội.
II,8. Phần 10 - những hạn chế trong quyền lực của từng bang, và giới hạn mà các bang phải tuân theo sự điều hành của Quốc hội.
Tương tự như trên, chúng ta có thể lập dàn ý với các phần còn lại của Hiến pháp. Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều cách bạn có thể thực hiện. Có thể bạn đã đọc Hiến pháp Mỹ nhiều lần, nhưng bạn chưa áp dụng quy tắc này lần nào thì bạn sẽ thấy việc áp dụng nó giúp bạn thấy được nhiều điều hơn về Hiến pháp Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, bạn không nhất thiết phải bám theo cấu trúc được phân chia thành chương mục của cuốn sách. Cấu trúc đó có thể hay hơn hoặc tệ hơn đề cương do bạn lập ra. Dù thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là bạn tự lập được đề cương cho riêng mình. Tác giả lập đề cương để viết sách tốt hơn. Bạn lập đề cương của chính mình để đọc sách dễ dàng hơn. Nếu tác giả hoàn hảo và bạn là độc giả kiểu mẫu thì đề cương của cả hai sẽ giống nhau. Ngược lại, sẽ có những chênh lệch giữa hai bản đề cương.
Nói như trên không có nghĩa bạn nên bỏ qua tiêu đề chương và sự phân đoạn của tác giả, mà hãy sử dụng chúng như những định hướng cho hoạt động của riêng bạn.
Tìm ra cấu trúc thật sự của một cuốn sách là điều rất quan trọng. Nếu bạn muốn diễn đạt chính xác tính chỉnh thể của một cuốn sách (quy tắc 2), bạn phải chỉ rõ được những phần đã làm nên tính chỉnh thể ấy (quy tắc 3). Có thể chỉ cần xem qua cuốn sách, bạn đã nói ngay được tính chỉnh thể của nó trong đôi ba dòng. Nhưng bạn sẽ không thật biết điều đó có chính xác không. Đó là lý do tại sao quy tắc 3 đặc biệt cần thiết như là một sự bổ sung cho quy tắc 2.
Ví dụ: Một đứa trẻ hai tuổi nói “hai cộng hai bằng bốn”. Đây là một câu nói đúng, nhưng chúng ta có thể sai khi kết luận đứa trẻ biết nhiều về toán học. Trên thực tế, có thể đứa trẻ không biết câu đó có nghĩa gì, do đó nó vẫn phải học môn toán. Tương tự, bạn có thể đúng khi đoán chủ đề chính của cuốn sách, nhưng bạn vẫn cần trải qua bài tập chỉ rõ cách nào và tại sao bạn nói được điều đó. Việc yêu cầu bạn phác thảo những phần chính của cuốn sách, và chỉ ra chúng minh chứng và phát triển chủ đề chính như thế nào, chính là để hỗ trợ bạn nói về tính chỉnh thể của cuốn sách.
Mối liên hệ tương hỗ giữa đọc và viết
Quy tắc 2 và 3 nêu trên không chỉ áp dụng riêng cho việc đọc mà còn liên quan đến việc viết vì đọc và viết có mối quan hệ tương hỗ với nhau, cũng như quan hệ giữa dạy và học. Nếu các tác giả và giáo viên không sắp xếp, hoặc không biết thống nhất và tổ chức những thông tin mà họ truyền đạt thành những phần khác nhau, thì sẽ chẳng ích gì khi hướng dẫn người đọc hay người nghe tìm kiếm tính chỉnh thể và khám phá cấu trúc của cả cuốn sách.
Mặc dù các quy tắc trên có tính tương hỗ, nhưng cách tuân theo chúng hoàn toàn khác nhau. Người đọc cố gắng khám phá ra bộ khung của cuốn sách, còn tác giả lại bắt đầu mọi việc với bộ khung đó và cố gắng đắp da thịt lên trên để che lấp nó. Một tác giả tài ba sẽ không che giấu một đoạn xương nhỏ bằng một lớp thịt dầy, cũng không dùng lớp thịt quá mỏng khiến bộ xương lộ ra, mà sẽ đắp một lớp thịt vừa đủ và chắc chắn. Giống như bộ khung, phần thịt cũng là một bộ phận không thể tách rời của cuốn sách, vì nó cung cấp thêm một góc nhìn cần thiết cho độc giả.
Tóm lại, một bài viết phải thống nhất, rõ ràng và mạch lạc. Độc giả phải tìm ra sự thống nhất đó, tìm ra điểm khác biệt và trật tự của các phần. Sự rõ ràng được thể hiện ngay trong đề cương, và những phần liên quan đến nhau thì đi cùng nhau theo một trật tự nhất định.
Hai quy tắc 2 và 3 còn được dùng để phân biệt sách hay và sách dở. Nếu bạn nắm chắc kỹ năng và đã rất nỗ lực mà vẫn không thể nắm được tính chính thể của cuốn sách, không thể phân biệt được các phần và mối liên hệ giữa chúng thì rất có thể cuốn sách bạn đang đọc là một cuốn sách tồi, dù nó có tiếng tăm thế nào. Tuy nhiên, bạn không nên nóng vội kết luận ngay vì có thể lỗi là do bạn chứ không phải là cuốn sách.
Hai quy tắc trên cũng có thể được áp dụng để đọc bất cứ phần quan trọng nào hoặc đọc cả một cuốn sách mô tả. Nếu phần bạn chọn đọc độc lập và phức tạp hơn so với những phần khác, thì tính chỉnh thể và sự phức tạp của nó cần phải được tách riêng để dễ đọc hơn. Có sự khác biệt lớn giữa loại sách cung cấp kiến thức và các tác phẩm thi ca, tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết hay thì nội dung chính chứa bên trong tất cả các phần nên bạn phải đọc toàn bộ cuốn sách. Nhưng bạn lại có thể nắm được ý chính trong bộ Đạo đức học của Aritotle hay cuốn Nguồn gốc các loài của Darwin mà chỉ cần đọc kỹ một vài phần.
Phát hiện vấn đề của tác giả
Có một quy tắc đọc nữa mà chúng tôi muốn trình bày ở chương này. Đó là QUY TẮC 4: PHÁT HIỆN RA NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA TÁC GIẢ.
Một tác giả thường bắt đầu viết sách với một hay một chuỗi các câu hỏi và cuốn sách sẽ trả lời những câu hỏi đó.
Dù tác giả nói hoặc không nói cho độc giả biết các câu hỏi đó là gì và có thể họ cũng không đưa ra câu trả lời, thì độc giả vẫn phải dựng lại câu hỏi một cách chính xác nhất có thể. Bạn cần nêu được câu hỏi chính và cả câu hỏi phụ nếu câu hỏi chính quá phức tạp và bao gồm nhiều phần. Bạn không những phải hiểu tương đối về những câu hỏi liên quan mà cần phải sắp xếp được chúng theo một trật tự lôgic. Đâu là câu hỏi quan trọng nhất? Câu nào là thứ yếu? Câu nào cần được trả lời đầu tiên?
Nếu bạn biết các loại câu hỏi mà ai cũng có thể hỏi về bất cứ điều gì thì bạn sẽ rất tinh thông khi tìm vấn đề của tác giả. Ví dụ các câu hỏi mang tính lý thuyết sau: Vấn đề đó có tồn tại không? Nó thuộc loại nào? Tại sao nó tồn tại? Nó có thể tồn tại trong điều kiện nào? Nó phục vụ mục đích gì? Hậu quả do sự tồn tại của nó gây ra? Những thuộc tính đặc trưng của nó là gì? Mối liên hệ giữa nó và những vấn đề khác cùng loại hoặc khác loại như thế nào? Nó sẽ diễn biến ra sao? Hoặc những câu hỏi mang tính thực hành như: Nên tìm kiếm những mục tiêu nào? Lựa chọn phương tiện nào cho một mục đích cụ thể? Phải làm gì và theo trình tự nào để đạt được mục đích nhất định? Trong điều kiện hiện tại, làm thế nào là đúng hoặc tốt hơn nên làm gì? Trong hoàn cảnh nào thì làm việc này tốt hơn làm việc kia?
Trên đây là một phần những câu hỏi có thể giúp bạn tìm ra vấn đề mà cuốn sách đang cố gắng giải quyết. Tuy nhiên, chúng cần phải được điều chỉnh khi áp dụng với những tác phẩm văn học giả tưởng.
Giai đoạn đầu của quá trình đọc phân tích
Chúng tôi đã nêu ra và giải thích bốn quy tắc đầu tiên của việc đọc phân tích. Chúng liên quan chặt chẽ với nhau và tạo thành một nhóm quy tắc có cùng mục đích. Các quy tắc đều cung cấp cho những độc giả áp dụng chúng những kiến thức về cấu trúc một cuốn sách. Khi bạn áp dụng bốn quy tắc này để đọc bất cứ cuốn sách nào, kể cả những cuốn khá khó và dài, thì bạn đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của đọc phân tích.
Bạn không nên hiểu từ “giai đoạn” theo nghĩa liên quan đến thời gian trừ khi bạn đang ở giai đoạn đầu luyện đọc phân tích. Điều đó có nghĩa là bạn không nhất thiết phải đọc hết từ đầu đến cuối cuốn sách mới áp dụng được bốn quy tắc này, rồi sau đó lại đọc đi đọc lại cuốn sách để áp dụng các quy tắc khác. Một độc giả thuần thục thường hoàn thành tất cả công đoạn này cùng một lúc. Tuy nhiên, bạn phải nhận ra rằng nắm được cấu trúc một cuốn sách là một giai đoạn trong quy trình đọc phân tích. Nói cách khác, việc áp dụng bốn quy tắc này sẽ cung cấp hầu hết thông tin giúp bạn trả lời được câu hỏi đầu tiên về cuốn sách: Toàn bộ cuốn sách nói về điều gì?
Chúng tôi xin viết lại bốn quy tắc đầu tiên theo trật tự, dươi một tiêu đề phù hợp, giúp bạn ôn tập thuận lợi hơn.
Giai đoạn đầu tiên của quá trình đọc phân tích,
hay những quy tắc để tìm xem cuốn sách nói về vấn đề gì
1. Phân loại sách theo thể loại và chủ đề.
2. Diễn đạt nội dung chính của toàn bộ cuốn sách một cách ngắn gọn nhất.
3. Liệt kê những phần chính theo thứ tự và mối quan hệ, lập đề cương cho những phần này như bạn đã lập đề cương cho toàn bộ tác phẩm.
4. Xác định một hoặc nhiều vấn đề mà tác giả đang tìm cách giải quyết.
8
Thống nhất các thuật ngữ
với tác giả
Giai đoạn đầu tiên trong quá trình đọc phân tích đã được hoàn thành khi bạn áp dụng bốn quy tắc nêu ở cuối chương trước. Chuyển sang giai đoạn tiếp theo, bạn cần tuân theo bốn quy tắc đọc nữa, nhưng trước tiên là phải thống nhất các thuật ngữ sau khi đã vạch rõ được cấu trúc cuốn sách. Nếu không có sự thống nhất về thuật ngữ giữa tác giả và độc giả, sẽ không có sự giao lưu về mặt tri thức, vì thuật ngữ là yếu tố cơ bản của những kiến thức có thể truyền đạt được.
Từ hay thuật ngữ
Một thuật ngữ không phải là một từ, ít nhất cũng không phải một từ đơn thuần không có tính chất gì đặc biệt. Nếu thuật ngữ và từ hoàn toàn giống nhau, bạn chỉ cần tìm những từ quan trọng trong cuốn sách để thống nhất với các thuật ngữ. Nhưng từ thường có tính đa nghĩa, nhất là một từ quan trọng. Nếu tác giả dùng một từ theo nghĩa này mà độc giả lại hiểu nó theo nghĩa khác, tức là hai bên hoàn toàn không có sự thống nhất về ý niệm mặc dù đã có sự chuyển giao ngôn từ. Khi ngữ nghĩa chưa rõ ràng coi như hoạt động giao tiếp chưa xảy ra hoặc xảy ra không trọn vẹn. Nếu tình trạng mập mờ này cứ tiếp diễn, tác giả và độc giả sẽ không thể đạt được sự thống nhất về ý kiến. Vì vậy, để giao tiếp thành công, cả hai bên cần phải dùng những từ có nghĩa giống nhau, tức là phải thống nhất về thuật ngữ.
Một thuật ngữ có thể hiểu là một từ rõ ràng về ngữ nghĩa. Điều này cũng chưa hoàn toàn xác đáng vì xét một cách chặt chẽ thì không có từ nào là hoàn toàn rõ nghĩa. Vì thế, chúng ta nên hiểu thuật ngữ là một từ được dùng một cách rõ nghĩa. Trong từ điển, chúng ta có thể tìm thấy vô số từ không rõ nghĩa, hay đa nghĩa. Tuy nhiên, một từ đa nghĩa vẫn có thể được sử dụng với một nghĩa duy nhất tại một thời điểm cụ thể. Khi tác giả và độc giả dồng thời sử dụng một từ với chỉ một nghĩa chung duy nhất, nghĩa là hai bên đã đạt đến sự thống nhất về ý kiến.
Bạn không thể tìm thấy các thuật ngữ trong từ điển dù chất liệu để tạo nên thuật ngữ có sẵn trong đó. Thuật ngữ chỉ xuất hiện trong quá trình giao tiếp. Chúng xuất hiện khi người viết muốn tránh tình trạng mập mờ về nghĩa, và người đọc cố hiểu từ đó theo đúng ý người viết đã dùng. Đồng nhất ý kiến chính là mục tiêu mà tác giả và độc giả cùng nỗ lực hướng tới. Vì thuật ngữ là một trong những thành tựu hàng đầu của nghệ thuật viết và đọc, nên chúng ta có thể coi nó như nghệ thuật sử dụng từ ngữ một cách điêu luyện nhằm mục đích truyền đạt kiến thức.
Thơ ca và các tác phẩm hư cấu không quá chú trọng sử dụng từ ngữ một cách tường minh như những tác phẩm khoa học. Hơn nữa, một thi phẩm càng giàu hàm ý càng được coi là tuyệt tác. Trên thực tế, bất cứ nhà thơ tài danh nào cũng thường cố ý tạo ra sự “mập mờ” trong tác phẩm của mình. Đây cũng chính là một trong những điểm khác nhau cơ bản giữa các tác phẩm thơ ca và tác phẩm mô tả.
Tiếp theo là quy tắc 5 của quá trình đọc phân tích: TÌM CÁC TỪ QUAN TRỌNG VÀ QUA ĐÓ ĐI ĐẾN THỐNG NHẤT THUẬT NGỮ VỚI TÁC GIẢ.
Quy tắc này có hai phần rõ ràng: Thứ nhất, tìm ra các từ quan trọng tạo nên sự khác biệt; thứ hai, xác định chính xác nghĩa của các từ này theo dụng ý của tác giả.
Đây là quy tắc đầu tiên cần áp dụng cho giai đoạn thứ hai của quá trình đọc phân tích. Quy tắc này không nhằm mục đích tìm ra cấu trúc của cuốn sách mà hướng tới việc phân tích nội dung sách hay thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó. Nó giống các quy tắc còn lại của giai đoạn hai ở chỗ tất cả đều yêu cầu độc giả tiến hành hai bước: một là xử lý ngôn ngữ đơn thuần và hai là phân tích cách sử dụng ngôn ngữ để có thể hiểu được các ý tưởng ẩn chứa trong đó.
Khi sáng tác các tác phẩm mô tả, tác giả cần vận dụng ngôn ngữ một cách tốt nhất. Để làm được như thế, cách duy nhất là sử dụng ngôn ngữ điêu luyện hết mức có thể khi truyền đạt hay thu nhận kiến thức.
Ngôn ngữ không phải là một phương tiện truyền tải tri thức hoàn hảo nên đôi khi nó cản trở hoạt động giao tiếp. Các quy tắc đọc phân tích đều hướng tới việc vượt qua trở ngại này. Chúng ta luôn trộng đợi một tác giả có năng lực sẽ vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ để đến với độc giả, nhưng thực tế không tác giả nào có thể hoàn toàn tự mình gánh vác nhiệm vụ này. Độc giả phải san sẻ một nửa gánh nặng đó để đến với tác giả. Sự gặp gỡ về tư tưởng thông qua phương tiện ngôn ngữ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng hợp tác của cả hai phái tác giả và độc giả. Nếu hoạt động “dạy” không có hoạt động tương hỗ là “học” thì “dạy” chẳng có giá trị gì. Tương tự, không có tác giả nào, dù tài năng đến đâu, có thể truyền đạt được ý tưởng của mình nếu không có sự hỗ trợ của độc giả, tức là không có sự gặp gỡ về ý tưởng.
Như đã nói ở trên, mỗi quy tắc đọc phân tích đều liên quan đến hai khía cạnh là ngữ pháp và logic. Khía cạnh ngữ pháp là phần xử lý từ ngữ, khía cạnh logic là bước xác định ý nghĩa hay nói một cách chính xác là xác định các thuật ngữ. Cả hai bước đều không thể thiếu trong giao tiếp, Nếu ngôn ngữ tách rời khỏi tư tưởng thì hoạt động giao tiếp không thể diễn ra. Tư tưởng hay kiến thức cũng không thể truyền đạt được nếu thiếu phương tiện ngôn ngữ. Ngữ pháp và logic gắn kết với ngôn ngữ nhờ mối liên hệ với tư duy, và gắn kết với tư duy nhờ mối liên hệ với ngôn ngữ. Điều này lý giải tại sao các kỹ năng đọc và viết được hình thành thông qua ngữ pháp là logic.
Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng một từ có thể là phương tiện để giải thích nhiều thuật ngữ, và một thuật ngữ có thể được diễn giải bằng nhiều từ. Ví dụ, trong cuốn sách này, từ “reading” (đọc) đã được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau: (1) đọc để giải trí, (2) đọc để lấy thông tin, (3) đọc để hiểu biết. Nếu ký hiệu từ “đọc” là X và ba nghĩa nêu trên là a, b, c, chúng ta sẽ có các ký hiệu Xa, Xb, Xc. Không thể coi chúng là ba từ khác biệt vì cả ba đều có chung gốc X. Nhưng chúng được coi là ba thuật ngữ với điều kiện bạn (độc giả) và chúng tôi (tác giả) biết rõ khi nào thì X được dùng với một nghĩa này chứ không phải nghĩa kia. Nếu chúng tôi viết Xa bạn hiểu thành Xb chứng tỏ chúng tôi và các bạn cùng hiểu một từ theo các cách khác nhau. Tình trạng “viết một đằng hiểu một nẻo” như vậy sẽ làm hỏng hoặc ít nhất là cản trở hoạt động giao tiếp. Chỉ khi chúng ta cùng nhìn nhận một từ theo cùng một cách thì mới có sự giao lưu về tư duy. Tư tưởng của chúng ta không thể gặp nhau ở X mà phải ở Xa, Xb, Xc.
Tìm những từ khoá
Để thống nhất các thuật ngữ với tác giả, dộc giả phải tìm ra các từ khoá – các từ quan trọng trong cuốn sách.
Có một điều chắc chắn là không phải từ nào tác giả sử dụng cũng đều quan trọng. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ những từ được sử dụng đặc biệt mới quan trọng với cả tác giả và độc giả. Có những từ được tác giả dùng theo lối dân gian như trong ca dao, tục ngữ nên độc giả hiểu chúng không mấy khó khăn. Họ đã quen với những ẩn ý, những biến đổi sắc thái ý nghĩa của các từ đó trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ từ “reading” (đọc) trong cuốn The Nature of the Physical World (Bản chất của thế giới vật chất) của tác giả A.S.Eddington. Ông dùng từ “pointer-reading” để chỉ việc đọc các con số hay ký hiệu trên các dụng cụ khoa học, tức là sử dụng từ “reading” theo nghĩa hoàn toàn thông dụng chứ không phải theo nghĩa chuyên môn. Nói cách khác, ông đã dựa trên ngôn ngữ đời thường để truyền đạt ý tưởng của mình tới độc giả. Giả sử nếu ông sử dụng từ “reading” theo một nghĩa khác ở một phần khác trong cuốn sách - chẳng hạn trong cụm từ “reading nature” (bản chất của việc đọc) – thì độc giả vẫn dễ dàng nhận thấy sự chuyển đổi sắc thái ý nghĩa của từ “reading”. Nếu độc giả nào không nhận thấy sự chuyển đổi này thì rất khó có thể giao tiếp hay làm việc. Nhưng với từ “cause” (nguyên nhân), Eddington lại không thể sử dụng theo nghĩa dễ hiểu như vậy. Mặc dù đó là một từ thông dụng nhưng khi bàn về thuyết nhân quả, tác giả đã sử dụng nó theo nghĩa rất khác biệt.
Đa số từ ngữ trong sách đều được các tác giả sử dụng theo phong cách hội thoại thông thường, với nhiều tầng nghĩa khác nhau. Người đọc chỉ có thể nhận ra sự chuyển đổi sắc thái ý nghĩa của chúng thông qua ngữ cảnh cụ thể. Nắm vững thực tế này có thể giúp độc giả phát hiện những từ quan trọng hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những từ giống nhau tại những thời điểm, vị trí khác nhau, lại được sử dụng với nghĩa khác nhau. Các tác giả đương thời sẽ sử dụng phần lớn những từ thông dụng trong cuộc sống hiện tại, và bạn có thể dễ dàng hiểu được chúng khi bạn sống cùng thời với tác giả. Nhưng với các tác phẩm được sáng tác trước đó, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết những từ ngữ mà tác giả sử dụng theo đúng cách người ta vẫn dùng tại thời gian và địa điểm sáng tác. Việc một số tác giả chú ý sử dụng những từ cổ hoặc các nghĩa cổ khiến cho việc đọc sách cũng gây khó khăn không kém việc dịch sách.
Bạn không thể xác định được các từ khoá trong một đoạn nếu không hiểu nội dung của cả đoạn. Có thể vì bạn không hiểu cách tác giả sử dụng một số từ cụ thể nên sẽ không hiểu đầy đủ cả một đoạn. Hãy đánh dấu những từ khó hiểu vì đó thường là những từ được tác giả sử dụng một cách đặc biệt. Do đó, độc giả vẫn thường cho rằng những từ quan trọng nhất là những từ làm họ thấy khó hiểu. Trên thực tế những từ đó có thể quan trọng hoặc có thể không đối với chính tác giả.
Cũng có trường hợp, những từ quan trọng đối với tác giả không gây khó khăn gì cho bạn vì bạn hoàn toàn hiểu chúng. Khi đó, bạn đã đạt được sự thống nhất về thuật ngữ với tác giả. Chỉ khi nào bạn không thể hiểu được đúng ý tác giả, bạn mới cần thực hiện các bước tiếp theo.
Các từ chuyên môn và từ vựng đặc biệt
Để phát hiện các từ quan trọng, bên cạnh dấu hiệu, dựa trên thực tế là độc giả thấy khó hiểu, còn có một số dấu hiệu sau đây giúp bạn nhận diện chúng.
Dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất là việc tác giả nhấn mạnh một cách dứt khoát vào những từ cụ thể. Tác giả có thể dùng dấu trích dẫn hoặc chữ in nghiêng để đánh dấu các từ đó giúp người đọc dễ phát hiện; hoặc hướng sự chú ý của độc giả vào từ đó bằng cách đề cập các nghĩa khác nhau của từ và chỉ rõ cách dùng trong những tình huống cụ thể; hoặc tác giả có thể nhấn mạnh bằng cách định nghĩa vật được gọi tên bằng từ đó.
Không ai có thể đọc được các tác phẩm của Euclid nếu không hiểu rằng những từ “điểm”, “đường thằng”, “mặt phẳng”, “góc”, “song song” và một số từ khác là tối quan trọng. Đây là những từ được dùng để gọi tên các thực thể hình học mà Euclid đã định nghĩa. Một số từ khác cũng khá quan trọng như “bằng”, “toàn thể”, “bộ phận” nhưng chúng không phải là tên gọi của bất cứ thứ gì được Euclid định nghĩa. Bạn nhận biết được tầm quan trọng của những từ này vì chúng xuất hiện trong các tiên đề. Euclid đã giúp bạn thấy dễ hiểu hơn bằng cách làm rõ những định đề ngay từ đầu. Bạn có thể đoán những thuật ngữ cấu thành nên các định đề đều là những thuật ngữ cơ bản, dựa vào đó, bạn sẽ xác định được các từ diễn giải các thuật ngữ này. Bạn sẽ không gặp khó khăn gì vì đây đều là những từ thông dụng và Euclid cũng dùng chúng theo nghĩa thông dụng.
Bạn cần nhớ rằng mỗi lĩnh vực kiến thức đều có hệ thống từ chuyên môn riêng. Ngay từ đầu, Euclid đã làm rõ hệ thống từ chuyên môn mà ông sử dụng. Một số tác giả khác như Galileo hay Newton, những người sử dụng phương pháp hình học, cũng tiến hành theo cách của Euclid. Đối với những cuốn sách viết theo cách khác hoặc thuộc lĩnh vực khác, khi tác giả không tự chỉ rõ các từ chuyên môn thì độc giả phải tự khám phá dựa vào kiến thức của bản thân.
Một độc giả có kiến thức về lĩnh vực sinh học hoặc kinh tế, khi đọc các tác phẩm của Darwin hay Adam Smith chắc chắn sẽ có cơ sở nhận thức các từ chuyên môn tốt hơn các độc giả khác. Việc áp dụng các quy tắc phân tích cấu trúc sách cũng khá hữu ích để hiểu các từ chuyên môn. Nếu bạn biết loại sách, nội dung tổng quát và các phần của cuốn sách, việc phân loại từ chuyên môn với từ thường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tên sách, tiêu đề mỗi chương và lời đề từ cũng phần nào giúp ích cho việc phân loại đó.
Từ những kiến thức nền, bạn có thể biết từ “của cải” là một từ chuyên môn của Adam Smith và từ “loài” là từ chuyên môn của Darwin. Vì mỗi từ chuyên môn lại dẫn tới một từ khác nên bắt buộc bạn phải xác định các từ chuyên môn khác theo cùng cách đó. Bạn sẽ nhanh chóng liệt kê được những từ quan trọng mà Adam Smith sử dụng như: lao động, vốn, đất đai, lương, lợi nhuận, sự thuê mướn, hàng hoá, giá cả, trao đổi, tiền,… cũng như các từ chuyên môn mà Darwin dùng như: tính đa dạng, giống loài, sự chọn lọc, sinh tồn, thích nghi, lai, đấu tranh,…
Đối với những lĩnh vực kiến thức đã có sẵn hệ thống từ chuyên môn, việc tìm các từ quan trọng trong một cuốn sách về đề tài đó tương đối đơn giản. Bạn có thể nhận diện chúng nhờ sự hiểu biết của bản thân về lĩnh vực mà cuốn sách đề cập, hoặc bằng cách xác định từ chuyên môn dựa vào sự khác biệt của nó với các từ thông dụng khác. Đáng tiếc là trong nhiều lĩnh vực hệ thống từ chuyên môn chưa được đầy đủ và rõ ràng.
Các nhà triết học là những người hay sử dụng hệ thống từ vựng riêng biệt. Tất nhiên, trong đó cũng có một số từ đã tồn tại rất lâu trong lĩnh vực triết học. Dù những từ này không được tất cả các tác giả sử dụng với cùng một sắc thái ý nghĩa, nhưng chúng vẫn được coi là những từ chuyên môn khi đề cập đến một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, các nhà triết học thường hay đặt ra những từ mới, hoặc biến một số từ trong ngôn ngữ đời thường thành từ chuyên môn. Điều này rất dễ gây ra hiểu lầm khi độc giả cho rằng đây là từ mình hoàn toàn rõ nghĩa và coi nó như những từ thông dụng khác trong cuốn sách. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả có năng lực đều dự đoán được điều này và luôn đưa ra những chú ý rõ ràng trước khi chuyên môn hoá một từ nào đó.
Như vậy, chúng ta có thêm một cơ sở nữa để xác định từ quan trọng. Đó là từ mà tác giả cuốn sách có sự bất đồng với các tác giả khác về cách dùng nó. Khi một tác giả phân tích cách những tác giả khác sử dụng một từ nào đó và nêu ra lý do tại sao mình lại dùng từ này theo cách hoàn toàn khác, bạn có thể chắc chắn đó là một từ rất quan trọng.
Bạn không nên hiểu khái niệm từ chuyên môn theo nghĩa quá hẹp. Một bộ phận các từ dùng để diễn tả những ý tưởng chính, những khái niệm cốt yếu mà tác giả muốn đề cập đến sẽ góp phần tạo nên hệ thống từ vựng riêng của tác giả đó. Đây chính là những từ hàm chứa các phân tích, lý luận của tác giả. Nếu muốn trình bày ý tưởng một cách độc đáo, mới lạ, tác giả sẽ sử dụng một số từ trong hệ thống này theo cách đặc biệt, còn những từ khác vẫn được dùng theo cách thông thường. Rõ ràng, những từ được dùng theo cách đặc biệt là tối quan trọng đối với tác giả. Độc giả cần đặc biệt lưu ý đến các từ này và cả những từ bạn không hiểu rõ nghĩa.
Hầu hết độc giả thường không chú ý đúng mức đến các từ khó. Họ không thể phân biệt những từ họ không hiểu một cách đầy đủ với những từ đã hiểu. Tất cả các biện pháp chúng tôi đưa ra nhằm giúp bạn xác định những từ quan trọng trong một cuốn sách sẽ không đem lại kết quả gì, trừ phi bạn nỗ lực ghi chú và tìm ra ý tưởng ẩn chứa trong các từ đó.
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn đọc một cuốn sách nhằm nâng cao nhận thức mà bạn không thể hiểu hết các từ trong sách. Nếu bạn cứ tiếp tục đọc, coi những từ này như các từ thông dụng và hiểu chúng theo cách hiểu chung, bạn sẽ không thể nắm được nội dung cuốn sách. Khi đó, bạn nên đọc báo hơn là đọc sách vì cuốn sách không thể giúp bạn trau dồi tri thức nếu bạn không cố hiểu nó.
Đa số chúng ta đều quen đọc sách một cách bị động. Sai lầm điển hình của việc đọc bị động cũng như của những độc giả dễ tính là không chú ý tới từ vựng. Điều này dẫn đến việc độc giả không thể đạt tới sự thống nhất ý kiến với tác giả.
Xác định ý nghĩa
Nhận diện những từ quan trọng chỉ là bước khởi đầu giúp bạn xác định các phần cần đặc biệt lưu ý trong văn bản. Sau khi đánh dấu các từ khó hiểu, bạn cần phải thực hiện tiếp bước thứ hai theo quy tắc 5 của quá trình đọc phân tích.
Có hai khả năng xảy ra: hoặc tác giả sử dụng các từ này theo một nghĩa duy nhất, hoặc theo hai hay nhiều nghĩa khác nhau và liên tục chuyển đổi sắc thái ý nghĩa của từ. Ở khả năng thứ nhất, mỗi từ đại diện cho một thuật ngữ. Điển hình là các tác phẩm của Euclid, trong đó mỗi từ quan trọng ông sử dụng chỉ giới hạn với một nghĩa duy nhất. Ở khả năng thứ hai, mỗi từ có thể dùng để diễn giải nhiều thuật ngữ.
Để tìm hiểu các khả năng này, trước hết, bạn cần xác định xem từ khó hiểu đó có một hay nhiều nghĩa. Nếu có nhiều nghĩa, hãy tìm xem các nghĩa đó liên hệ với nhau như thế nào. Sau đó chú ý đến các vị trí của từ xem nó được dùng với nghĩa nào, và dựa vào ngữ cảnh để tìm ra nguyên nhân của sự chuyển đổi sắc thái ý nghĩa. Làm như vậy, bạn có thể bám sát quá trình thay đổi nghĩa của từ với cùng mức độ linh hoạt trong việc sử dụng từ của tác giả.
Nhưng bạn có thể thấy băn khoăn làm sao để tìm ra các nghĩa mà tác giả sử dụng? Câu trả lời là bạn phải xác định nghĩa của từ bạn chưa hiểu dựa trên ý nghĩa của tất cả các từ bạn đã hiểu xuất hiện trong cùng ngữ cảnh. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất dù bước đầu có hơi lòng vòng, rắc rối.
Để minh họa cho phương pháp này, chúng ta hãy xem xét một định nghĩa. Định nghĩa được diễn đạt bằng từ ngữ. Nếu bạn không hiểu bất cứ từ nào trong định nghĩa, bạn sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của từ gọi tên vật được định nghĩa. Trong hình học, từ “điểm” là một từ cơ bản. Có thể bạn cho rằng bạn nắm chắc nghĩa của từ này (trong hình học) nhưng Euclid vẫn muốn giải thích lại để chắc chắn rằng từ đó chỉ được hiểu với một nghĩa duy nhất. Trước hết, ông định nghĩa vật mà sau đó ông sẽ sử dụng từ “điểm” để gọi tên. Ông nói: “Một điểm là một vật không được phân chia thành bộ phận”.
Euclid mặc định rằng bạn hiểu chính xác tất cả các từ khác trong câu. Bạn cũng biết rằng bất cứ vật gì được phân chia thành bộ phận đều là một tổng thể phức tạp. Và trái với phức tạp là đơn giản. Đơn giản cũng đồng nghĩa với việc thiếu các bộ phận. Hơn nữa, việc sử dụng từ “là” và “một vật” cho thấy vật được đề cập tới phải là một thực thể nhất định. Từ đó, ta có thể rút ra kết luận ngẫu nhiên rằng nếu không có loại vật chất nào tồn tại mà không có các bộ phận, thì một điểm, theo định nghĩa của Euclid, không phải là vật chất.
Minh họa trên là điển hình cho quá trình tiếp nhận ý nghĩa của độc giả. Bạn nhận thức vấn đề dựa trên những hiểu biết sẵn có. Nếu mọi từ xuất hiện trong các định nghĩa đều cần phải được định nghĩa thì sẽ không có định nghĩa nào cả. Nếu mọi từ trong cuốn sách bạn đang đọc đều xa lạ đối với bạn, như trường hợp bạn đọc một cuốn sách hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, thì bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được.
Một cuốn sách có thể đem lại cho bạn những cách nhìn nhận hoặc tư duy mới mẻ. Vì vậy, nó có thể chứa đựng những từ ngữ không có sẵn trong vốn từ vựng của bạn. Nếu bản thân bạn không thể nỗ lực để hiểu chúng thì phương pháp đọc mà chúng tôi đề cập đến không thể thực hiện được, và bạn cũng không thể chuyển từ hiểu ít sang hiểu nhiều hơn.
Nếu bạn đã từng chơi trò xếp hình, bạn sẽ thấy càng xếp được nhiều mảnh thì càng dễ tìm ra vị trí của các mảnh còn lại, đơn giản vì số mảnh còn dư ra ngày càng ít đi. Mỗi cuốn sách luôn có một số lượng lớn những từ đã được xếp sẵn vào vị trí. Mỗi từ đó là một thuật ngữ. Nó được định vị dứt khoát bởi ý nghĩa mà bạn và tác giả cùng thống nhất khi sử dụng. Các từ còn lại cũng cần được đặt vào đúng chỗ. Mỗi từ được sắp xếp đúng chỗ sẽ giúp việc điều chỉnh đơn giản hơn nhiều.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp đó, bạn không thể tránh khỏi mắc lỗi. Bạn tưởng mình đã xác định đúng vị trí của một từ và cách ghép nó vào bức tranh, nhưng sau đó lại phát hiện ra mình đã nhầm và phải điều chỉnh lại một loạt. Khi đã có kinh nghiệm trong việc thống nhất thuật ngữ với tác giả, bạn sẽ có khả năng tự kiểm tra xem mình có thành công hay không.
Một trò chơi xếp hình chỉ hấp dẫn khi tất cả các mảnh được ghép vừa vặn vào bức tranh và bức tranh hiện ra một cách hoàn hảo. Tiêu chí này cũng đúng với một cuốn sách hay toàn diện (dù trên thực tế, không có cuốn sách nào như thế). Đối với những cuốn sách hay, các thuật ngữ thường được tác giả sử dụng điêu luyện. Đối với những cuốn sách tồi, các quy tắc đọc sách chỉ giúp cho độc giả thấy rõ hơn những yếu kém trong tác phẩm mà thôi. Nếu tác giả các cuốn sách tồi dùng lối viết hàm ngôn, bạn sẽ không thể hiểu được dụng ý của tác giả ngoại trừ việc nhận ra sự diễn đạt thiếu chính xác của anh ta.
Nhưng liệu việc sử dụng một từ với nhiều nghĩa khác nhau có phải là dùng từ một cách mập mờ không? Và các tác giả có hay sử dụng nhiều nghĩa khác nhau của một từ, đặc biệt là các từ quan trọng không?
Đáp án của câu hỏi thứ nhất là “Không”, câu thứ hai là “Có”. Dùng từ theo lối hàm ngôn là sử dụng từ với nhiều nghĩa khác nhau mà không phân biệt hay chỉ ra mối liên hệ giữa các nghĩa đó. Một tác giả viết theo lối hàm ngôn không có nghĩa tác giả đó đưa ra một thuật ngữ. Tuy nhiên, một tác giả phân biệt rõ ràng các nghĩa khác nhau của từ mà mình sử dụng thì chắc chắn tác giả đó đang đưa ra các thuật ngữ.
Bạn đừng quên rằng một từ có thể biểu thị nhiều thuật ngữ. Để nhớ rõ điều này, bạn cần phân biệt hệ thống từ vựng và hệ thống thuật ngữ của tác giả. Nếu bạn lập một danh sách gồm hai cột - một cột ghi các từ quan trọng và cột kia ghi các nghĩa quan trọng của những từ đó, bạn sẽ thấy mối liên hệ giữa từ vựng và thuật ngữ.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số khúc mắc. Thứ nhất, một từ có nhiều nghĩa khác nhau có thể được sử dụng với một nghĩa duy nhất hoắc kết hợp nhiều nghĩa một lúc. Ví dụ từ “đọc”, đôi lúc chúng ta dùng từ này để chỉ việc đọc sách nói chung; lúc khác, chúng ta dùng nó để chỉ việc đọc lấy thông tin hơn là đọc để giải trí. Và cũng có lúc, chúng ta dùng từ “đọc” để nhấn mạnh việc trau dồi tri thức hơn là thu thập thông tin đơn thuần. Nói cách khác, nếu các nghĩa có liên quan với nhau thì ta có thể dùng một từ để biểu đạt tất cả, hoặc biểu đạt một số nghĩa, hay chỉ một nghĩa duy nhất.
Vấn đề thứ hai là sử dụng từ đồng nghĩa. Nếu chỉ lặp đi lặp lại một từ sẽ gây ra nhàm chán, vì vậy, các tác giả có năng lực luôn tìm cách sử dụng những từ đồng nghĩa để biểu thị các từ quan trọng trong tác phẩm của mình. Nếu ở trên chúng ta đề cập đến vấn đề một từ có thể biểu thị nhiều thuật ngữ thì đây lại là trường hợp một thuật ngữ có thể được biểu đạt bằng hai hay nhiều từ đồng nghĩa.
Một điều cần đặc biệt lưu ý nữa là nếu bạn cho rằng mỗi lần tác giả thay đổi cách dùng từ là một lần tác giả chuyển sang một thuật ngữ mới thì bạn đã nhầm. Nhưng bạn cũng không nên nghĩ rằng không có sự thay đổi vè phương diện từ đồng nghĩa khi thuật ngữ vẫn được giữ nguyên. Hãy nhớ kỹ điều này khi bạn lập bảng so sánh hệ thống từ vựng và thuật ngữ của tác giả. Bạn sẽ nhận thấy hai mối liên hệ. Một mặt, một từ có liên quan đến nhiều thuật ngữ khác nhau. Mặt khác, một thuật ngữ đơn lẻ có thể được biểu đạt bằng nhiều từ khác nhau.
Thứ ba là vấn đề sử dụng cụm từ. Nếu một cụm từ có thể đảm nhận vai trò chủ ngữ hoặc vị ngữ trong câu, thì nó cũng giống như một từ đơn lẻ. Là một từ đơn, nó có thể ám chỉ điều gì đó đang được đề cập.
Từ đó suy ra một thuật ngữ có thể được diễn đạt bằng một cụm từ hoặc một từ. Và mọi mối liên hệ tồn tại giữa từ và thuật ngữ cũng tồn tại giữa cụm từ và thuật ngữ. Hai cụm từ có thể cùng biểu đạt một ngữ, và một cụm từ có thể đồng thời biểu đạt nhiều thuật ngữ, đúng như cách sử dụng của từ.
Nhìn chung, một cụm từ có mức độ đa nghĩa thấp hơn một từ. Vì cụm từ là một tập hợp từ, trong đó mỗi từ lại tạo nên ngữ cảnh cho các từ khác nên các từ đơn lẻ có xu hướng bị giới hạn về nghĩa. Điều này giải thích tại sao các tác giả thường thay thế một từ đơn lẻ bằng một cụm từ khá chi tiết khi muốn diễn đạt dễ hiểu.
Ví dụ: Để đảm bảo thống nhất với bạn thuật ngữ về việc đọc, chúng tôi thay thế từ “đọc” bằng cụm từ “đọc để mở mang trí tuệ”. Thậm chí, để giúp bạn hiểu sâu sắc hơn, chúng tôi thay thế bằng cụm từ chi tiết hơn là “quá trình nâng cao hiểu biết thông qua đọc sách”. Ở đây chỉ có một thuật ngữ duy nhất chỉ cách đọc mà chúng tôi đề cập đến, nhưng nó được diễn tả theo nhiều cách: bằng một từ đơn lẻ, một cụm từ ngắn và một cụm từ dài.
Trong chương này, chúng tôi chỉ đề cập đến những điểm thiết yếu nhất với hy vọng giúp độc giả hiểu và áp dụng được quy tắc 5 khi đọc sách. Càng thực hành quy tắc này nhiều bạn càng ý thức được tính phức tạp của vấn đề. Bạn sẽ muốn tìm hiểu thêm về cách dùng từ theo nghĩa đen hay lối ẩn dụ; về sự khác biệt giữa từ trừu tượng và từ cụ thể, giữa tên chung và tên riêng; quan tâm đến sự khác nhau giữa định nghĩa từ và định nghĩa vật, và rất nhiều điểm khác nữa…
Khi bạn hứng thú với phương pháp đọc phân tích, bạn có thể đọc sách về nhiều chủ đề đặc biệt để thoả mãn sự tò mò của bản thân và thu được nhiều điều bổ ích. Ngay cả khi bạn không còn hứng thú với việc đọc nữa, bạn vẫn sẽ nhận thấy hiểu biết của mình về sách vở được tăng lên đáng kể, chỉ cần bạn xác định được những từ quan trọng, tìm ra sự biến đổi sắc thái ý nghĩa và hiểu được dụng ý của tác giả. Một sự thay đổi nhỏ trong thói quen có thể đem lại hiệu quả to lớn là như thế.
9
Xác định thông điệp của tác giả
Trong một cuốn sách, mỗi nhận định là một lời tuyên bố, biểu thị ý kiến của tác giả về một vấn đề nhất định. Tác giả khẳng định điều mình cho là đúng hoặc phủ nhận điều mà mình cho là sai. Tác giả cũng có thể cho độc giả biết ý định của mình ngay từ lời giới thiệu. Khi đọc sách, độc giả phải thống nhất thuật ngữ với tác giả thì mới nắm bắt được ý kiến, nhận định của người viết. Điều này giải thích tại sao quy tắc 5 của phương pháp đọc phân tích liên quan đến từ vựng và thuật ngữ, trong khi quy tắc 6 mà chúng tôi sắp đề cập lại liên quan đến câu và mệnh đề.
Có mối quan hệ chặt chẽ với quy tắc 6 là quy tắc 7. Theo đó, tác giả có thể nêu ra những nhận định của bản thân trung thực về một vấn đề thực tế hay trong lĩnh vực kiến thức nào đó. Nhưng những nhận định đó sẽ chỉ là ý kiến cá nhân và hoàn toàn vô nghĩa nếu tác giả không đưa ra dẫn chứng cụ thể. Khi thật sự quan tâm đến cuốn sách và đề tài được thảo luận, chúng ta không chỉ muốn biết nhận định của tác giả mà muốn tìm hiểu xem tác giả thuyết phục chúng ta chấp nhận những nhận định đó như thế nào.
Theo đó, quy tắc 7 bàn về các loại luận cứ. Có nhiều cách lập luận để chứng minh một vấn đề. Nhưng dù là cách nào, mỗi lập luận đều bao gồm một số mệnh đề liên quan đến nhau, theo dạng điều này xảy ra vì điều kia. Các mệnh đề trong lập luận thường được liên kết với nhau bằng các từ như: nếu (cái gì xảy ra), thì (kết quả sẽ); hoặc vì (điều này), nên (có điều kia); hoặc, từ đó suy ra, chúng ta có thể thấy…
Lập luận là một chuỗi các mệnh đề tạo nền tảng cơ sở cho một kết luận. Vì thế, cần cả một đoạn văn, hay ít nhất một tập hợp câu để diễn giải một lập luận. Không phải bao giờ giả thuyết hay các quy tắc lập luận cũng được nêu ra ngay từ đầu, nhưng chúng chính là nguồn gốc của kết luận. Nếu lập luận đúng đắn thì kết luận sẽ dược suy ra từ giả thuyết. Điều này không có nghĩa là kết luận rút ra lúc nào cũng đúng vì có thể có một hoặc tất cả các giả thuyết sai.
Mỗi cuốn sách không những bao gồm nhiều từ mà còn có nhiều cụm từ, nhóm câu giữ vai trò đơn vị. Một độc giả tích cực sẽ không chỉ chú ý đến từ mà còn chú ý đến câu và đoạn văn, vì đó là cách duy nhất để có thể xác định các thuật ngữ cũng như nhận định và lập luận mà tác giả sử dụng.
Câu và nhận định
Cũng như quy tắc về từ và thuật ngữ, ở đây, chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Câu và đoạn văn là các đơn vị ngữ pháp, đồng thời là đơn vị ngôn ngữ. Nhận định và lập luận là những đơn vị logic, hay đơn vị tư duy và tri thức.
Vì ngôn ngữ không phải là phương tiện hoàn hảo để biểu đạt tư duy. Hơn nữa, một từ có thể có nhiều nghĩa và hai hay nhiều từ có thể đồng nghĩa nên mối quan hệ giữa hệ thống từ vựng và thuật ngữ mà các tác giả sử dụng rất phức tạp. Một từ có thể được biểu thị bằng một vài thuật ngữ và một thuật ngữ có thể được diễn đạt thông qua một số từ.
Các nhà toán học đã miêu tả mối liên hệ giữa những chiếc cúc và khuyết trên một cái áo là sự tương ứng 1-1. Mỗi cái cúc có một khuyết và mỗi khuyết ứng với một cái cúc. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là mối quan hệ giữa từ và thuật ngữ không phải là sự tương ứng 1-1. Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải khi áp dụng các quy tắc này là công nhận sự tồn tại của mối liên hệ 1-1 giữa các yếu tố ngôn ngữ và các yếu tố tư duy hoặc kiến thức.
Bạn không nên vội vàng đưa ra giả định, ngay cả về mối liên hệ giữa cúc áo và khuyết áo. Ta có thể thấy có những tay áo có vài chiếc cúc trang trí mà không có cái khuyết nào tương ứng. Ngược lại, có những khuyết áo không hề có cúc để cài. Thực tế này có thể áp dụng vào trường hợp của câu và nhận định. Không phải tất cả các câu trong sách đều ẩn chứa một nhận định vì có những câu nêu lên sự nghi vấn. Các câu này chủ yếu nêu vấn đề chứ không đưa ra câu trả lời. Nhận định chính là câu trả lời cho những câu hỏi. Chúng là tuyên ngôn nêu lên tri thức hoặc ý kiến. Điều này lý giải tại sao chúng ta gọi những câu ẩn chứa nhận định là câu tường thuật và những câu nêu câu hỏi là câu nghi vấn. Cũng có loại câu biểu thị mong muốn hay dự định, giúp độc giả hiểu phần nào mục đích của tác giả nhưng chúng không đề cập gì đến những kiến thức mà tác giả sẽ trình bày.
Hơn nữa, không phải cứ tương ứng với một câu trần thuật là một nhận định được nêu ra. Có ít nhất hai lý do sau: Thứ nhất, từ thường đa nghĩa và có thể được dùng trong nhiều câu khác nhau. Do đó, một câu có thể ẩn chứa nhiều nhận định khác nhau nếu có sự thay đổi về từ biểu đạt thuật ngữ. Ví dụ: “Đọc sách chính là học” là một câu đơn giản, nhưng nếu lúc này ta hiểu “học” là thu nhận thông tin, lúc khác lại hiểu “học” là nâng cao hiểu biết thì rõ ràng nhận định đã thay đổi theo sự thay đổi của thuật ngữ trong khi câu đó không có gì thay đổi.
Lý do thứ hai, không phải câu nào cũng đơn giản như câu “Đọc sách chính là học”. Khi các từ trong câu được sử dụng một cách tường minh thì một câu đơn giản thường diễn đạt một nhận định riêng, nhưng một câu ghép thì vẫn nêu lên hai hay nhiều nhận định. Câu ghép là một tập hợp câu nối với nhau bởi những từ như “và”, “nếu… thì”, “không những… mà còn”. Ranh giới giữa một câu ghép dài và một đoạn văn ngắn vô cùng mong manh. Một câu ghép có thể nêu lên một số nhận định liên kết với nhau dưới dạng một lập luận.
Những câu như vậy rất khó phân tích. Ví dụ câu trích từ tác phẩm The Prince (Quân vương) của Machiavelli sau đây:
Một ông hoàng luôn làm người khác khiếp sợ, nếu không được mọi người yêu mến, ông ta sẽ cố tránh bị thù ghét; vì ông ta có thể chịu đựng rất giỏi việc người khác khếp sợ mà không căm ghét mình – điều luôn xảy ra trừ phi ông ta không lấy của cải của thần dân và chiếm đoạt vợ của họ.
Mặc dù câu trên có vẻ rất phức tạp nhưng về mặt ngữ pháp, đây là một câu đơn. Dấu chấm phẩy (;) và từ “vì” báo nhiệu sự ngắt ý. Nhận định đầu tiên được đưa ra là một ông hoàng luôn khiến người khác khiếp sợ.
Vế thứ hai bắt đầu bằng từ “vì” và tách ra thành một câu khác. Có thể diễn đạt đầy đủ câu này như sau: “Lý do là vì ông ta có thể chịu đựng…”. Vế thứ hai đã đưa ra ít nhất hai nhận định: (1) Lý do khiến một ông hoàng luôn làm người khác khiếp sợ là vì ông ta có thể chịu đựng được việc mọi người khiếp sợ mình miễn là họ không căm ghét ông ta; (2) Ông ta chỉ có thể tránh việc bị căm ghét bằng cách không chiếm đoạt của cải và vợ của các thần dân.
Việc phân biệt các nhận định ẩn chứa trong một câu dài và phức tạp rất quan trọng. Muốn tán thành hay phản đối ý kiến của Machiavelli, trước hết bạn phải hiểu ông ấy đang nói gì. Rõ ràng chỉ trong một câu, Machiavelli đã đề cập tới ba nhận định. Bạn có thể phản đối một trong các nhận định đó và tán thành những nhận định còn lại. Có thể bạn cho rằng Machiavelli đã sai lầm khi khuyên một ông hoàng sử dụng chính sách khủng bố bằng bất kỳ giá nào. Tuy nhiên, bạn vẫn thấy được sự sắc sảo của tác giả khi khẳng định rằng một ông hoàng không nên khơi dậy cùng lúc cả sự căm ghét và khiếp sợ, và bạn cũng có thể đồng tình với ông rằng tránh xa của cải và đàn bà chính là điều kiện bắt buộc để khỏi bị căm ghét. Nếu bạn không nhận ra những nhận định khác nhau trong một câu phức tạp, bạn không thể đánh giá đúng những gì mà tác giả đang trình bày.
Các luật sư nắm rất chắc vấn đề này. Họ phải kiểm tra câu chữ rất cẩn thận để biết rõ nguyên đơn đưa ra chứmg cứ gì, hoặc bị cáo phủ nhận điều gì. Một câu đơn như “John Doe đã ký hợp đồng ngày 24 tháng 3” trông có vẻ đơn giản nhưng nó nói lên nhiều điều cả đúng và sai. Có thể John Doe đã ký hợp đồng nhưng không phải vào ngày 24 tháng 3 và đây là một thông tin quan trọng. Tóm lại, ngay cả một câu có cấu trúc ngữ pháp đơn giản cũng có thể nêu lên hai hay nhiều nhận định.
Chúng tôi đã nêu đầy đủ các dấu hiệu để phân biệt câu và nhận định. Giữa chúng không có sự tương ứng 1-1. Không những một câu đơn có thể diễn tả một vài nhận định nhờ tính đa nghĩa hay tính phức tạp, mà cùng một nhận định còn có thể được diễn đạt thông qua hai hay nhiều câu khác nhau. Một độc giả ít nhiều phải có kiến thức ngữ pháp. Bạn không thể xem xét các thuật ngữ, nhận định và lập luận nếu không thấu suốt về mặt ngôn ngữ. Nếu các từ, câu và đoạn văn không rõ ràng, không được phân tích, chúng sẽ trở thành rào cản chứ không phải là phương tiện giao tiếp. Lúc đó, bạn sẽ chỉ đọc các từ chứ không tiếp nhận được tri thức.
Sau đây là các quy tắc 6 và 7. Quy tắc 6: ĐÁNH DẤU NHỮNG CU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG MỘT CUỐN SÁCH VÀ TÌM RA CÁC NHẬN ĐỊNH ẨN CHỨA TRONG ĐÓ. Quy tắc 7: TÌM RA CÁC LẬP LUẬN CƠ BẢN TRONG MỘT CUỐN SÁCH DỰA TRÊN MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC CU.
Tìm ra các câu then chốt
Làm cách nào để xác định vị trí của những câu quan trọng nhất và phân tích chúng để tìm ra một hay nhiều nhận định ẩn chứa trong một cuốn sách?
Mỗi cuốn sách chỉ có một vài câu then chốt, nhưng không phải vì có câu then chốt mà bạn coi nhẹ các câu khác. Trái lại, bạn cần phải hiểu hết mọi câu. Tuy nhiên, giống như các từ, hầu hết các câu đều khá dễ hiểu nên bạn có thể đọc tương đối nhanh. Độc giả thường cho rằng những câu quan trọng là những câu đòi hỏi phải nỗ lực mới phân tích được vì nhìn qua chúng có vẻ không dễ hiểu. Vì thế bạn phải đọc các câu đó chậm hơn hẳn và cẩn thận so với các câu còn lại. Đối với tác giả, chưa chắc đã là những câu thật sự quan trọng nhất nhưng khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra, vì những ý quan trọng nhất mà tác giả muốn bày tỏ chắc hẳn sẽ là những phần mà bạn thấy khó hiểu nhất.
Những câu quan trọng với tác giả là những câu diễn tả những đánh giá đóng vai trò cơ sở cho toàn bộ lập luận của ông ta. Một cuốn sách không chỉ đơn giản nêu lên một hay một chuỗi lập luận. Có thể tác giả sẽ giải thích nguồn gốc quan điểm của mình, bàn luận về những từ mình dùng, nhận xét về tác phẩm của các tác giả khác, hoặc tranh luận nhiều vấn đề khác… Nhưng trọng tâm mà tác giả muốn đề cấp đến nằm trong những khẳng định và phủ định lớn, cũng như các lý do tác giả nêu lên để giải thích cho những nhận định đó. Vì vậy, để nắm được ý chính, bạn phải xem xét các câu quan trọng nhất như thể chúng được đắp nổi trên trang sách.
Một số tác giả thường giúp độc giả nhận biết những câu quan trọng bằng cách gạch chân các câu đó, hoặc nói rõ cho độc giả biết đây là một ý quan trọng, hay sử dụng dấu hiệu trên bản in khiến cho những câu hướng dẫn nổi bật hẳn lên. Tuy nhiên, cách này sẽ không hiệu quả nếu bạn không tỉnh táo khi đọc sách. Chúng tôi đã từng gặp nhiều độc giả và học viên hoàn toàn không chú ý đến những dấu hiệu hiển nhiên đó. Họ thích đọc tiếp hơn là dừng lại cẩn thận xem xét những câu quan trọng.
Trong một số cuốn sách, những nhận định chủ đạo được trình bày thành câu có vị trí đặc biệt và kiểu chữ nổi bật. Tiêu biểu là cách thể hiện của nhà toán học Euclid. Ông không chỉ nêu những nhận định chính là định nghĩa, định đề và tiên đề của mình ngay từ đầu, mà còn ký hiệu mỗi nhận định được chứng minh. Có thể bạn không hiểu hết những phát biểu, không bám sát mọi lập luận của ông. Nhưng bạn không thể bỏ qua những câu quan trọng, hoặc tập hợp các câu lại để nêu dẫn chứng. Tuy nhiên, nếu bạn coi mọi thứ mình đọc quan trọng như nhau, và đọc tất cả với cùng một tốc độ thì không có sự trình bày nào là có ý nghĩa đặc biệt. Điều này cũng có nghĩa là mọi thứ đều có tầm quan trọng như nhau.
Bạn có thể tìm thấy một dấu hiệu khác để nhận biết những câu quan trọng trong các từ cấu thành nên câu. Các từ quan trọng được bạn đánh dấu sẽ dẫn bạn đến những câu cần được lưu ý. Có thể bạn chỉ đánh dấu những từ cụ thể sau khi gặp khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa một câu. Việc chúng tôi trình bày các quy tắc đọc theo một thứ tự cố định không có nghĩa là bạn bắt buộc phải làm theo thứ tự đó. Thuật ngữ tạo nên nhận định. Nhận định lại chứa đựng thuật ngữ. Nếu bạn biết thuật ngữ được từ biểu đạt, bạn đã thấy rõ nhận định trong câu. Nếu bạn hiểu nhận định ẩn chứa trong câu, tức là bạn đã hoàn toàn hiểu được các thuật ngữ.
Điều này cho chúng ta một gợi ý nữa là những nhận định chủ chốt phải nằm trong các lập luận chính của cuốn sách. Chúng phải là giả thuyết hoặc kết luận. Do đó, nếu bạn phát hiện ra những chuỗi câu có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, có thể bạn đã chạm đến những câu quan trọng.
Trong các lập luận, bao giờ cũng có những quãng dừng. Bạn phải nói lần lượt từng vấn đề một. Mỗi lập luận bắt đầu bằng một ý nào đó và tiếp tục được diễn giải dần qua các ý khác. Nó chính là sự vận động tư duy. Nó có thể bắt đầu từ kết luận rồi nêu các lý lẽ để chứng minh kết luận đó. Hoặc nó bắt đầu bằng các dẫn chứng và lý lẽ để từ đó suy ra kết luận. Tất nhiên nếu bạn không biết sử dụng đúng cách thì các manh mối thu được cũng trở nên vô ích. Bạn phải nhận ra một lập luận ngay khi thấy nó.
Nhiều người tin rằng mình biết cách đọc vì họ đọc với các tốc độ khác nhau. Nhưng họ lại tạm ngừng và đọc kỹ những câu không quan trọng. Họ dừng ở những câu họ thấy thích hơn là những câu thấy khó hiểu. Đây chính là trở ngại lớn nhất khi đọc những cuốn sách cổ, vì chúng thường chứa nhiều chi tiết khác với những điều độc giả đương đại biết. Nhưng nếu bạn đọc sách nhằm nâng cao hiểu biết, có thể bạn sẽ không chú ý đến những chi tiết đó. Niềm say mê của bạn với tác giả và ngôn từ mà tác giả sử dụng hoặc thế giới được tái hiện trong cuốn sách hoàn toàn khác với việc bạn muốn hiểu rõ ý tưởng của tác giả. Các quy tắc mà chúng tôi đang thảo luận chính là để giúp bạn thoả mãn sự ham hiểu biết đó.
Tìm ra các nhận định
Giả sử bạn đã xác định được vị trí của các câu chủ chốt trong một cuốn sách. Theo quy tắc 6, bạn vẫn phải thực hiện một bước nữa. Đó là tìm ra một hoặc nhiều nhận định ẩn chứa trong mỗi câu chủ chốt bằng cách phân tích tất cả các từ cấu thành nên câu, đặc biệt là những từ khóa.
Bạn không thể thực hiện tốt bước này nếu không biết gì về ngữ pháp. Bạn phải biết vai trò của tính từ và phó từ, chức năng của động từ trong mối quan hệ với danh từ, khả năng hạn chế hay tăng cường sắc thái ý nghĩa của những từ và mệnh đề bổ nghĩa đối với các từ được bổ nghĩa… Tốt nhất bạn nên biết phân tích câu một cách tỉ mỉ theo các quy tắc cú pháp (tất nhiên không cần tiến hành đầy đủ các bước theo quy định).
Có hai điểm khác nhau giữa việc tìm ra các thuật ngữ ẩn trong từ và các nhận định ẩn trong câu. Thứ nhất, trong quá trình tìm nhận định, bạn thường dựa vào một ngữ cảnh rộng hơn so với quá trình tìm thuật ngữ. Bạn quy tất cả các câu xung quanh vào câu được phân tích, cũng giống như khi bạn dựa vào những từ xung quanh để phân tích một từ đặc biệt. Trong cả hai trường hợp, bạn đều đi từ những gì mình đã hiểu để làm sáng tỏ những điểm khó hiểu.
Điểm khác biệt thứ hai bắt nguồn từ thực tế là những câu phức tạp thường biểu đạt nhiều hơn một nhận định. Chỉ khi bạn phân tách được tất cả các nhận định khác nhau thì bạn mới hoàn thành việc phân tích một câu quan trọng. Hãy chọn một số câu phức tạp trong cuốn sách này và cố diễn đạt những điều tác giả khẳng định trong từng câu bằng ngôn từ của chính bạn. Đánh số những câu bạn tự diễn đạt và tìm mối liên hệ giữa chúng.
“Hãy nói theo cách của bạn!”. Đó là cách tốt nhất để kiểm tra xem bạn đã hiểu về một hay nhiều nhận định trong câu chưa. Nếu bạn được yêu cầu giải thích ý của tác giả chỉ với một câu, bạn lại dùng ngay câu của tác giả và chỉ thay đổi thứ tự từ đôi chút, điều đó nghĩa là bạn vẫn chưa hiểu đúng dụng ý của tác giả. Cách tốt nhất là bạn dùng những từ khác hẳn nhưng vẫn diễn đạt đúng ý người viết. Tất nhiên, ý bạn diễn đạt có thể không giống chính xác ý của tác giả, nhưng nếu bạn cứ sử dụng nguyên từ ngữ của tác giả thì giữa hai bên mới chỉ có sự trao đổi về từ ngữ chứ chưa có sự trao đổi về tư tưởng hay tri thức.
Quá trình dịch một cuốn sách tiếng nước ngoài sang tiếng Việt tương ứng với cách kiểm tra trên. Nếu bạn không dùng tiếng Việt để diễn đạt một câu tiếng Anh chứng tỏ bạn không hiểu nghĩa của câu tiếng Anh đó. Hoặc thậm chí ngay cả khi bạn diễn đạt được thì lời dịch đó có thể mới dừng lại ở mức độ thay chữ, vì mặc dù bạn đã dịch rất sát với câu gốc nhưng bạn vẫn không hiểu hết dụng ý mà tác giả người Anh muốn bày tỏ.
Nếu bạn nói mình hiểu ý tác giả, nhưng không có cách nào để chứng minh ngoài việc lặp lại từng câu một, bạn sẽ không thể nhận ra nhận định mà tác giả muốn nếu nó được diễn đạt theo cách khác.
Trong quá trình sáng tác, tác giả có thể diễn đạt một nhận định theo nhiều cách khác nhau. Độc giả nào không tìm ra nhận định ẩn dưới lớp vỏ của từ ngữ có thể sẽ coi những câu tương đương nhau là những nhận định khác nhau. Trường hợp này cũng giống như một người không biết “2 + 2 = 4” và “4 – 2 = 2” là những cách trình bày khác nhau của cùng một mối quan hệ số học giữa 4 và 2: 4 gấp hai lần 2, hay 2 bằng một nửa của 4.
Nếu không thể nhận ra những cách diễn đạt khác nhau của cùng một nhận định, hoặc không thể đưa ra một cách diễn đạt tương ứng để chứng minh là mình hiểu nhận định đó, tức là bạn không hiểu nghĩa của câu.
Điều này liên quan tới việc đọc đồng đề tài. Các tác giả khác nhau thường sử dụng những từ ngữ khác nhau khi nói về cùng một vấn đề, hoặc những từ ngữ giống nhau khi đề cập đến những vấn đề khác nhau. Một độc giả không thể phân tích ngôn từ để hiểu những thuật ngữ và nhận định ẩn trong đó thì cũng không thể đối chiếu các tác phẩm liên quan đến nhau. Do sự khác nhau về ngôn từ, người đọc có thể nhầm tưởng các tác giả bất đồng quan điểm, hoặc bỏ qua các ý kiến khác nhau chỉ vì họ diễn đạt giống nhau về ngôn từ.
Có một cách khác để kiểm tra xem bạn có hiểu nhận định ẩn trong câu bạn đọc hay không. Bạn có thể kể lại kinh nghiệm nào của bản thân mà nhận định đó miêu tả, hoặc chỉ ra mức độ phù hợp giữa nhận định của tác giả với thực tế trải nghiệm của bạn không? Bạn có thể minh hoạ cho chân lý đã được phát biểu bằng những ví dụ cụ thể hay không? Tưởng tượng ra một trường hợp khả thi cũng hiệu quả không kém việc nêu ra một tình huống thật. Nếu bạn không thể minh hoạ hay mô tả nhận định, dù bằng tưởng tượng hay nêu kinh nghiệm, nghĩa là bạn không biết gì về vấn đề đang được bàn luận.
Không phải mọi nhận định đều có thể kiểm tra được theo cách này. Với những nhận định khoa học, cần phải làm các thí nghiệm để khẳng định hoặc chứng minh tính thực tế của nó. Nếu bạn không thể chứng minh mình biết những thực tế mà nhận định đề cập tới thì bạn mới đang chơi chữ, chứ không phải đang suy xét các ý tưởng và tri thức.
Ví dụ, có một nhận định cơ bản trong siêu hình học được phát biểu như sau: “Không có gì vận động trừ những vật đang tồn tại”. Nhiều người có thể nói lại chính xác câu này. Nhưng khi được yêu cầu trình bày lại nhận định theo ý hiểu của họ thì họ thường không thể diễn giải được (ngay cả cách hiểu đơn giản nhất là nếu một vật không tồn tại thì nó không thể hoạt động được).
Chơi chữ đơn giản chỉ là chơi với từ ngữ, và là lỗi hay mắc phải của những độc giả không chịu đọc phân tích. Họ không bao giờ hiểu nổi những ẩn ý sâu xa dưới lớp vỏ từ ngữ. Họ lưu giữ những gì mình đọc bằng cách học thuộc miệng và nói lại một cách vô nghĩa.
Tìm ra các lập luận
Chúng ta sẽ thảo luận về quy tắc 7 của việc đọc phân tích – quy tắc yêu cầu độc giả tìm ra các lập luận cơ bản dựa trên mối quan hệ của câu. Đơn vị logic mà quy tắc 7 hướng tới là lập luận - một chuỗi những nhận định, cái nọ bổ trợ cho cái kia. Một lập luận có thể được diễn đạt bằng một câu phức, hoặc bằng một số câu trong một đoạn văn, hoặc trùng với một đoạn. Nhưng thường một lập luận chiếm một vài đoạn văn hoặc nhiều hơn thế.
Bên cạnh đó, hầu như cuốn sách nào cũng có rất nhiều đoạn không trình bày toàn bộ hay một phần của lập luận. Chúng có thể chỉ là tập hợp những câu nêu chi tiết dẫn chứng hoặc thuật lại cách thức thu thập dẫn chứng. Vì thế, chúng tôi xin đưa ra một cách phát biểu khác của quy tắc 7 như sau: NẾU CÓ THỂ HÃY TÌM TRONG SÁCH CÁC ĐOẠN TRÌNH BÀY NHỮNG LẬP LUẬN QUAN TRỌNG; CÒN TRONG TRƯỜNG HỢP LẬP LUẬN KHÔNG ĐƯỢC DIỄN ĐẠT CỤ THỂ, BẠN HÃY THIẾT LẬP LẠI BẰNG CÁCH TÁCH MỘT CU TỪ ĐOẠN NÀY VÀ MỘT CU TỪ ĐOẠN KIA CHO TỚI KHI THU THẬP ĐỦ CHUỖI CU NÊU LÊN NHỮNG NHẬN ĐỊNH CẤU THÀNH LẬP LUẬN.
Khi đã tìm ra những câu chủ chốt, việc xây dựng đoạn văn sẽ dễ dàng hơn. Bạn có thể viết ra giấy những nhận định cấu thành lập luận. Nhưng tốt hơn là hãy đánh số bên lề cùng các dấu hiệu khác để biểu thị vị trí của các câu có thể tập hợp thành chuỗi.
Mỗi tác giả có cách trình bày lập luận riêng. Đơn cử như Euclid, Galileo, Newton - những tác giả viết theo phong cách toán học hoặc số học – có xu hướng biến mỗi đoạn văn thành một đơn vị lập luận. Trong khi đó, phong cách viết trong hầu hết các lĩnh vực phi toán học lại thường trình bày hai hay nhiều lập luận trong một đoạn, hoặc sử dụng vài đoạn để trình bày một lập luận.
Thông thường một cuốn sách có cấu trúc càng lỏng lẻo bao nhiêu thì các đoạn văn càng rườm rà bấy nhiêu. Bạn phải tìm trong tất cả các đoạn của một chương mới thấy được những câu cần thiết để phát biểu thành một lập luận. Đối với một số cuốn sách, có thể bạn sẽ không tìm thấy gì. Thậm chí một số cuốn còn không khuyến khích bạn tìm kiếm.
Một cuốn sách hay thường tự tóm tắt mỗi khi lập luận được mở rộng. Nếu tác giả tóm tắt các lập luận ở cuối chương hoặc cuối một phần nào đó, bạn có thể xem lại các trang trước để tìm những chi tiết được tác giả tổng hợp trong tóm tắt. Trong cuốn Nguồn gốc các loài, Darwin tóm tắt toàn bộ lập luận của ông ở chương cuối với tiêu đề “Tóm tắt và kết luận”. Phần này rất cần thiết đối với những độc giả đã đọc hết cả cuốn sách. Còn những người chưa từng đọc qua thì không thể sử dụng nó.
Nếu bạn đã xem kỹ cả cuốn sách trước khi đọc phân tích, bạn sẽ biết có trang tóm tắt hay không và nếu có thì trang đó nằm ở đâu. Sau đó, bạn có thể dựa vào những trang này để phân tích cuốn sách.
Một dấu hiệu khác về một cuốn sách có cấu trúc lỏng lẻo hoặc tồi tệ là việc thiếu các bước của một lập luận. Đôi lúc các bước này có thể được bỏ qua mà không gây ra điều gì bất tiện vì từ kiến thức chung của bản thân độc giả vẫn khôi phục được những nhận định không được nhắc tới. Nhưng đôi khi, việc thiếu các bước này lại gây ra nhầm lẫn hoặc thậm chí bị hiểu nhầm. Vì thế, bạn nên lưu ý đọc cẩn thận hơn nhằm làm sáng tỏ từng bước lập luận.
Dù đọc loại sách gì thì độc giả vẫn phải tuân theo một số quy định chung. Nếu trong sách có lập luận, bạn phải biết lập luận nằm ở đâu và có thể tóm gọn chúng lại. Khi phân tích tỷ mỷ một cuốn sách, có thể làm sáng tỏ một vấn đề để chứng minh một vấn đề khác, và vấn đề này cũng có thể được sử dụng để suy ra một ý khác. Các lý lẽ có thể là những lập luận đơn lẻ mà nếu bạn tìm thấy, bạn sẽ khó bỏ qua những chuỗi câu dài hơn.
Bạn không nhất thiết phải hiểu về lập luận như một nhà logic học. Đa số các sách vở truyền đạt tri thức và hướng dẫn chúng ta đều có chứa lập luận. Chúng được viết cho độc giả nói chung chứ không phải cho các chuyên gia về logic nên không đòi hỏi độc giả phải có năng lực logic đặc biệt. Hãy để trí óc của bạn hoạt động trong quá trình đọc sách. Nếu nó thống nhất được thuật ngữ với tác giả và nắm bắt được những nhận định tác giả trình bày, thì nó cũng sẽ nhìn ra các lập luận của tác giả.
Có một số điểm bạn đọc cần lưu ý để áp dụng quy tắc này dễ dàng hơn. Ttrước hết, hãy nhớ rằng mỗi lập luận đều bao gồm một số phát biểu. Trong đó, có những phát biểu nêu những lý lẽ khiến bạn nên chấp nhận một kết luận nào đó mà tác giả nêu ra. Nếu bạn tìm ra kết luận trước thì hãy tiếp tục tìm lý lẽ. Nếu bạn nhận ra lý lẽ trước hãy tìm hiểu xem chúng sẽ suy ra điều gì.
Thứ hai, hãy phân biệt kiểu lập luận nêu ra một hay nhiều dẫn chứng cụ thể làm nền tảng cho việc khái quát hoá và kiểu lập luận nêu lên một chuỗi những phát biểu chung chung nhằm chứng minh thêm một số điều khái quát. Loại đầu tiên thường được gọi là quy nạp là loại thứ hai là diễn dịch.
Trong lĩnh vực khoa học, có thể phân biệt rõ điều này qua sự khác nhau giữa những chứng cớ nêu lên bằng phương pháp lập luận và những chứng cớ được tạo ra qua thí nghiệm. Tác giả Galileo trong tác phẩm Two New Sciences (Hai ngành khoa học mới) đã nói về việc minh hoạ bằng các kết luận thử nghiệm rút ra từ phương pháp chứng minh kiểu toán học. Còn trong chương kết của cuốn sách On the Motion of the Heart (Vận động của trái tim), nhà sinh lý học William Harvey đã viết: “Từ lý luận và thực nghiệm, có thể rút ra kết luận tâm thất co bóp đẩy máu qua phổi và tim rồi truyền đi khắp cơ thể”. Đôi lúc có thể chứng minh một nhận định bằng cả hai cách: nêu lý lẽ trên cơ sở những chân lý khác và đưa ra các bằng chứng thực nghiệm. Nhưng đôi khi chỉ có một phương pháp lập luận có hiệu quả.
Thứ ba, hãy quan sát những điều tác giả buộc phải thừa nhận, những điều tác giả có thể chứng minh hoặc đưa ra bằng chứng cụ thể và những điều tác giả cho rằng không cần chứng minh vì chúng đã quá hiển nhiên. Có thể tác giả đang cố diễn giải cho bạn thấy những giả định của mình, hoặc hướng bạn tự tìm kiếm những giả định đó. Rõ ràng không phải vấn đề gì cũng chứng minh hay định nghĩa được. Nếu mọi nhận định đều phải chứng minh thì sẽ không có dẫn chứng để khẳng định một vấn đề nào nữa. Chân lý, giả định, hay các nguyên lý cơ bản đều cần đề làm chứng cớ chứng minh những nhận định khác. Nếu những nhận định khác này được chứng minh, chúng lại có thể được dùng làm giả thiết để chứng minh nhiều vấn đề khác.
Nói cách khác, mỗi lập luận đều phải có một xuất phát điểm. Cơ bản có hai cách đưa ra lập luận: bằng các giả định mà cả tác giả và độc giả đều chấp nhận, hoặc bằng những nhận định hiển nhiên mà cả tác giả và độc giả đều không thể phủ nhận. Trong trường hợp thứ nhất, giả định có thể là bất cứ điều gì miễn là tồn tại lập luận. Đối với trường hợp thứ hai, những nhận định hiển nhiên đúng là những nhận định bao gồm những chân lý không thể chứng minh cũng không thể phủ nhận. Chúng chỉ dựa trên kinh nghiệm chung và là một phần của hệ thống kiến thức. Vì vậy Euclid gọi chúng là “khái niệm chung”.
Tìm ra các giải pháp
Ba quy tắc đọc phân tích về thuật ngữ, nhận định và lập luận nêu trên đều nhằm phục vụ cho quy tắc 8 - bước cuối cùng trong quá trình làm sáng tỏ nội dung một cuốn sách. Hơn thế, nó gắn kết giai đoạn đầu của quá trình đọc phân tích (vạch ra cấu trúc sách) và giai đoạn thứ hai (làm sáng tỏ nội dung).
Bước cuối cùng trong nỗ lực khám phá nội dung sách là tìm ra những vấn đề lớn mà tác giả cố gắng giải quyết. Sau khi đã thống nhất được thuật ngữ với tác giả và nắm vững những nhận định, lập luận mà tác giả trình bày, bạn nên kiểm tra những gì mình tìm thấy bằng cách tự đặt cho mình một số câu hỏi. Tác giả đã giải quyết thành công vấn đề nào? Trong quá trình giải quyết những vấn đề đó, tác giả có nêu lên vấn đề mới nào không? Tác giả có nhận thức được những vấn đề mà mình không thể giải quyết không? Một tác giả có năng lực, cũng như một độc giả biết cách đọc sách, cần phải biết một vấn đề đã được giải quyết hay chưa.
Quy tắc 8 được phát biểu như sau: TÌM RA HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA TÁC GIẢ. Khi bạn áp dụng quy tắc này và ba quy tắc trước đó, chắc chắn bạn sẽ hiểu được nội dung cuốn sách. Nếu bạn chọn đọc một cuốn sách trên tầm hiểu biết của mình - một cuốn sách có thể dạy bạn nhiều điều – thì bạn đã tiến được một bước dài. Và bây giờ bạn có thể hoàn thành việc đọc phân tích cuốn sách. Bước thứ ba và cũng là bước cuối cùng tương đối dễ dàng. Bạn đã tập trung mắt để đọc và hoạt động trí óc một cách tích cực và không hề nói gì. Từ giờ trở đi, bạn sẽ có cơ hội tranh luận với tác giả và bộc lộ ý kiến cá nhân.
Giai đoạn thứ hai của quá trình đọc phân tích
Chúng tôi đã mô tả giai đoạn hai của quá trình đọc phân tích. Đến đây, bạn có thể trả lời được câu hỏi cơ bản thứ hai là điều gì đang được đề cập chi tiết và bằng cách nào thông qua việc áp dụng các quy tắc từ 5 đến 8. Khi bạn thống nhất được thuật ngữ với tác giả, tìm ra những nhận định và lập luận chủ chốt, xác định được cách giải quyết vấn đề của tác giả, bạn sẽ biết tác giả viết về điều gì.
Giai đoạn hai của quá trình đọc phân tích,
hay các quy tắc giúp tìm ra nội dung một cuốn sách
1. Thống nhất thuật ngữ với tác giả bằng cách phân tích các từ khoá.
2. Nắm bắt những nhận định chủ chốt của tác giả trên cơ sở xem xét những câu hỏi quan trọng.
3. Xác định lập luận của tác giả bằng cách tìm ra chúng hoặc xây dựng lập luận từ các chuỗi câu.
4. Xác định các vấn đề tác giả đã giải quyết, các vấn đề chưa được giải quyết. Đối với những vấn đề chưa được giải quyết, tìm hiểu xem tác giả có nhận thức được thất bại của mình hay không.
10
Đưa ra những lời phê bình hợp lý
Đọc sách cũng là một kiểu hội thoại. Nếu bạn nghĩ chỉ có tác giả nói còn bạn thì hoàn toàn im lặng, tức là bạn đã không nhận thức đúng nhiệm vụ của một độc giả và không nắm bắt cơ hội cho chính mình.
Lợi ích của một cuộc hội thoại thành công là bạn học hỏi được điều gì. Đối với những cuốn sách hay, có thể mặc nhiên thừa nhận tác giả đã thực hiện tốt vai trò cùa mình trong cuộc hội thoại. Độc giả có nhiệm vụ và cũng chính là cơ hội đáp trả lại tác giả bằng cách nêu nhận xét của bản thân.
Nếu sách thuộc loại truyền đạt kiến thức thì mục đích của tác giả là hướng dẫn, thuyết phục độc giả tin vào điều gì đó. Những cố gắng của tác giả chỉ được coi là thành công nếu cuối cùng độc giả thốt lên: “Tôi đã học được nhiều điều. Anh đã thuyết phục được tôi rằng những điều này là đúng và những điều kia là có thể”. Nhưng ngay cả khi độc giả không bị thuyết phục thì ý định và nỗ lực của tác giả cũng cần được trân trọng. Khi đó độc giả nợ tác giả một lời đánh giá. Nếu độc giả không thể nói “Tôi tán thành” thì ít nhất cũng nên nói rõ tại sao mình lại phản đối, hay giải thích tại sao mình không thể ngay lập tức đưa ra nhận xét cụ thể.
Tóm lại, việc đọc sách không dừng lại sau khi độc giả đã hiểu nội dung một cuốn sách. Nó cần phải được hoàn thành bằng việc phê bình, đánh giá sách. Những độc giả dễ tính thường không đáp ứng được yêu cầu này, cũng như không thể phân tích và rút ra điều gì từ cuốn sách.
Việc độc giả đưa ra ý kiến phải hồi sau khi đọc sách là một phần không tách rời của hoạt động đọc sách. Đây là giai đoạn thứ ba trong quá trình đọc phân tích, và cũng có những quy tắc tương tự hai giai đoạn trước.
Nhiều người cho rằng, một cuốn sách hay phải vượt quá khả năng phê bình của những độc giả bình thường. Độc giả và tác giả không ngang hàng với nhau. Theo quan điểm này, tác giả chỉ chịu sự phán xét của những người cùng địa vị. Độc giả cũng giống như những đứa trẻ ở chỗ các tác giả lớn có thể đóng vai trò người thấy đối với họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cần được lắng nghe. Cervantes có thể đã đúng khi nói: “Chẳng có cuốn sách nào chán đến nỗi không thể tìm ra một chi tiết hay trong đó”. Ngược lại, không có cuốn sách nào hay đến mức không thể tìm ra một lỗi sai.
Một cuốn sách có thể khai sáng tư duy cho độc giả. Vì vậy, độc giả không nên phê bình sách cho tới khi họ hiểu đúng về nó. Khi nắm vững nội dung cuốn sách, độc giả đã đưa mình lên ngang tầm với tác giả. Ở vị thế này, họ có thể sử dụng những quyền hạn và đặc lợi của mình để đưa ra những lời phê bình, nhận xét về cuốn sách. Đó cũng là điều công bằng với tác giả khi được trò chuyện với độc giả, được nghe họ nhận xét về tác phẩm của mình.
Vai trò của biện pháp tu từ
Các quy tắc mà chúng ta bàn luận từ đầu tới giờ liên quan đến việc tác giả viết thế nào cho dễ hiểu và độc giả đọc thế nào là hiệu quả. Nhóm quy tắc cuối không chỉ dừng lại ở vấn đề nhận thức mà đã chạm tới vấn đề đánh giá, phê bình. Đây chính là lúc cần chú ý tới biện pháp tu từ.
Xét một cách chung nhất, tu từ được sử dụng trong mọi tình huống giao tiếp giữa người với người. Người nói thường không chỉ muốn được lắng nghe mà còn muốn được tán thưởng phần nào. Khi nói chuyện nghiêm túc, chúng ta muốn có thể thyết phục người khác hoặc tạo cho họ niềm tin vào những vấn đề mình nói.
Người nghe nghiêm túc là người nhiệt tình và có trách nhiệm theo sát những gì được nói tới và ghi chú những khái niệm làm cơ sở. Đồng thời, người nghe còn có trách nhiệm rút ra một quan điểm để nó trở thành quan điểm của bản thân chứ không còn là của tác giả nữa.
Người nói hoặc người viết có kỹ năng tu từ tức là biết cách thuyết phục hoặc tạo dựng niềm tin nơi người nghe hoặc người đọc. Vì đây là giới hạn cuối cùng có thể thấy được nên tất cả các phương diện giao tiếp khác đều phải phục vụ mục đích này. Kỹ năng ngữ pháp và logic giúp việc viết được rõ ràng và dễ hiểu cũng đồng thời là phương tiện để đạt mục đích trên. Tương quan về phía độc giả và người nghe, kỹ năng tu từ chính là biết cách đáp lại người cố thuyết phục hoặc làm cho chúng ta tin vào điều gì đó. Lúc này, kỹ năng ngữ pháp và logic cũng đóng vai trò giúp chúng ta hiểu rõ những gì đang được trình bày, và chuẩn bị để đưa ra lời phê bình, nhận xét.
Tầm quan trọng của việc trì hoãn nhận xét
Vậy là bạn đã biết ngữ pháp, logic và tu từ kết hợp với nhau như thế nào trong việc điều chỉnh quá trình đọc và viết tỷ mỷ. Kỹ năng trong hai giai đoạn đầu của quá trình đọc phân tích bắt nguồn từ sự thành thạo ngữ pháp và logic. Kỹ năng trong giai đoạn thứ ba (giai đoạn cuối) phụ thuộc vào phép tu từ. Các quy tắc ở giai đoạn này dựa trên những nguyên lý tu từ được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Chúng ta sẽ coi chúng như một tập hợp quy ước nhằm đảm bảo độc giả tích cực đáp lại ý kiến của tác giả một cách lịch sự.
Hai giai đoạn đầu có sự thâm nhập vào nhau còn giai đoạn ba luôn theo sát hai giai đoạn đầu. Những người mới đọc sách đến một mức nào đó cũng có thể kết hợp các giai đoạn với nhau. Nếu là chuyên gia thì có thể kết hợp hoàn toàn. Một chuyên gia có thể phát hiện ra nội dung sách thông qua việc chia nhỏ sách thành nhiều phần, đồng thời kiến tạo lại tổng thể cuốn sách từ những thành tố tư duy và tri thức, các thuật ngữ, nhận định và lập luận của nó. Còn những người mới đọc sách có thể hoàn thành một phần việc ở hai giai đoạn đầu ngay từ quá trình đọc kiểm soát có hiệu quả. Nhưng ngay cả chuyên gia cũng phải đợi tới khi đã hiểu rõ vấn đề mới lên tiếng phê bình.
Chúng tôi xin nêu quy tắc 9 như sau: BẠN CẦN NÓI CHẮC CHẮN RẰNG “TÔI HIỂU” TRƯỚC KHI NÓI “TÔI TÁN THÀNH” HOẶC “TÔI PHẢN ĐỐI” HAY “TÔI TẠM THỜI CHƯA ĐƯA RA NHẬN XÉT”. Nhiều người đánh đồng phê bình với phản đối. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi đánh giá phê bình, bạn cần nêu ra cả ý kiến tán thành và ý kiến phản đối. Dù tán thành hay phản đối, bạn đều có khả năng mắc sai sót. Tán thành mà không hiểu gì là vô nghĩa, còn phản đối mà thiếu hiểu biết là trơ tráo. Trì hoãn đưa ra nhận xét cũng là một hành động phê bình. Nó chứng tỏ bạn không thấy thuyết phục hay tin tưởng.
Liên quan đến quy tắc này, có một số điểm nữa cấn lưu ý. Khi đọc một cuốn sách hay, bạn nên cân nhắc trước khi nói “Tôi hiểu”. Nói rằng “Tôi không hiểu” cũng là một cách đưa ra nhận xét. Nhưng nhận xét này sẽ là sự phản ánh về cuốn sách chứ không phải về chính bạn, chỉ khi bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không hiểu cuốn sách nói gì. Tuy nhiên, khi đọc những cuốn sách hay mà độc giả không hiểu được thì đó là lỗi của họ. Vì vậy, độc giả cần tuân theo các quy tắc ở hai giai đoạn đầu của quá trình đọc phân tích trước khi chuyển sang giai đoạn thứ ba.
Có hai yếu tố khác ảnh hưởng đến quy tắc trên. Nếu bạn chỉ đọc một phần cuốn sách, khó có thể chắc chắn rằng bạn hiểu nội dung sách. Do đó, bạn càng phải suy xét cẩn thận hơn trước khi đưa ra đánh giá của bản thân. Đôi khi, một cuốn sách liên quan và bị phụ thuộc về mặt ý nghĩa vào nhiều cuốn sách khác vì chúng cùng chung tác giả. Trong trường hợp này, bạn càng phải thận trọng hơn khi nói “Tôi hiểu” và hãy bình tĩnh khi đưa ra lời phê bình của mình.
Có thể kể đến trường hợp các bài phê bình đối với cuốn Poetics (Thơ ca) của Aristotle như một ví dụ tiêu biểu. Các nhà phê bình văn học đã tán thành hay phản đối cuốn sách này mà không hề nhận ra rằng những nguyên tắc chính được Aristotle áp dụng khi phân tích thơ phụ thuộc một phần vào những điều đã nêu trong một số tác phẩm khác, trong các luận thuyết về tâm lý, logic và siêu hình học của ông. Họ đã tán thành, đã phản đối mà không hiểu cuốn sách nói về cái gì.
Tầm quan trọng của việc tránh sinh sự
Tiếp theo, chúng ta cùng xem xét quy tắc 10: KHI BẠN PHẢN ĐỐI, HÃY PHẢN ĐỐI MỘT CÁCH HỢP LÝ, TRÁNH ĐẤU KHẨU HOẶC CÃI VÃ. Nếu bạn đã biết hoặc nghi ngờ mình sai thì dù có giành phần thắng trong cuộc tranh luận cũng chẳng ý nghĩa gì. Những người coi hội thoại là một cuộc chiến đấu chỉ có thể giành phần thắng bằng cách đóng vai kẻ phản đối - phản đối đến cùng bất kể đúng sai. Độc giả đọc sách theo tinh thần này chỉ đọc cốt để tìm ra những điểm mình không tán thành.
Khi đọc một cuốn sách, dường như không gì có thể ngăn cản độc giả giành phần thắng. Người đọc có thể làm chủ tình hình vì tác giả không có mặt ở đó để tự bảo vệ mình. Độc giả kiểu này thậm chí không đọc qua cuốn sách để hiểu ý chính mà vẫn dễ dàng đạt được sự thoả mãn cho riêng mình mà chỉ cần lướt qua vài trang đầu của cuốn sách.
Nói như vậy không có nghĩa là độc giả không nên đưa ra ý kiến phản đối và cố chỉ ra chỗ sai của tác giả. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng độc giả nên sẵn sàng để tán thành cũng như phản đối. Và dù làm gì thì đều cần chú ý đến sự thật.
Giải quyết những bất đồng
Trước khi đánh giá phê bình, bạn nên coi những bất đồng như những vấn đề có thể giải quyết được và đừng phản đối một cách vô vọng. Bất đồng chỉ là sự chống đối vô nghĩa trừ phi người ta xem xét nó với hy vọng tìm ra giải pháp cho một vấn đề cụ thể.
Một người có thể vừa phản đối vừa đồng ý về vấn đề nào đó. Điều này xuất phát từ bản chất phức tạp của con người. Con người là những động vật có lý trí. Lý trí là nguồn gốc sức mạnh giúp con người đưa ra ý kiến tán thành. Trong khi thú tính và sự hoàn chỉnh về mặt lý luận mà nó kéo theo trong mỗi người lại là nguyên nhân của hầu hết các bất đồng. Khi giữ được lý trí, con người có thể vượt qua những trở ngại, và dàn xếp được những bất đồng do hiểu lầm.
Tuy nhiên, còn có một loại bất đồng khác do chênh lệch về kiến thức. Những kẻ thiếu hiểu biết thường hay phản đối một cách vô lý những người có học thức về những vấn đề vượt quá tầm hiểu biết của họ. Nhưng những người uyên bác lại có quyền phê phán những lỗi sai mà những người thiếu hiểu biết mắc phải. Bất đồng loại này cũng có thể giải quyết được bằng cách hướng dẫn để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kiến thức. Ngoài ra, có những bất đồng có căn nguyên sâu xa hơn, tồn tại trong chính hệ thống lý lẽ. Những bất đồng này rất khó nhận biết và gần như không thể mô tả chúng bằng lý lẽ.
Các bất đồng ý kiến có thể được giải quyết bằng cách xoá bỏ hiểu nhầm hoặc sự thiếu hiểu biết. Hai cách giải quyết này mặc dù không đơn giản nhưng đều khả thi. Do đó, nếu bạn muốn phản đối, dù ở giai đoạn nào của cuộc đàm luận, ít nhất bạn cũng nên hướng tới việc thống nhất ý kiến. Hãy cởi mở và sẵn sàng thay đổi ý kiến chứ đừng chỉ chăm chăm bắt người khác thay đổi ý kiến theo mình. Nên nghĩ rằng có lúc bạn cũng hiểu nhầm hoặc hơi chậm hiểu. Không nên coi sự bất đồng ý kiến là một dịp để dạy dỗ người khác, mà hãy coi đó cũng là dịp để học hỏi thêm nhiều điều.
Vấn đề là có nhiều người cho rằng sự bất đồng ý kiến không liên quan gì đến việc học hỏi hay dạy dỗ. Theo họ, tất cả chỉ là vấn đề quan điểm. Mỗi người có quan điểm riêng và đó là quyền bất khả xâm phạm, giống như quyền sở hữu tài sản riêng. Theo cách hiểu đó, hoạt động giao tiếp chẳng đem lại lợi ích gì cho việc nâng cao kiến thức. Khi đó, việc đàm luận cũng giống như một trận bóng bàn của những địch thủ - trong đó không ai thắng mãi cũng chẳng ai thua suốt, và mọi người đều hài lòng vì họ không thua. Họ kết thúc trận đấu mà vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu.
Chúng tôi không thể viết cuốn sách này nếu chúng tôi theo quan điểm trên. Trái lại, chúng tôi tin rằng kiến thức có thể được truyền đạt và thảo luận thì sẽ có sự tiếp thu kiến thức. Nếu kiến thức thật sự, không phải ý kiến cá nhân, bị đe doạ, thì thường xảy ra hai trường hợp sau: hoặc bất đồng có thể dễ dàng xoá bỏ thông qua sự thống nhất về cách dùng từ và gặp gỡ về tư tưởng; hoặc bất đồng thật sự nghiêm trọng và vấn đề chỉ được giải quyết dựa trên thực tiễn và lý lẽ. Tóm lại, bất đồng là những vấn đề có thể tranh luận được. Và các lập luận sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu mọi người không chấp nhận giả thiết rằng vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết dựa trên lý lẽ cụ thể và những dẫn chứng phù hợp.
Trong việc đọc sách, khi độc giả bất đồng quan điểm với một vấn đề được trình bày trong sách, độc giả đó cần phải đảm bảo rằng sự bất đồng ý kiến này không xuất phát từ hiểu lầm. Đồng thời độc giả phải phân biệt được kiến thức thuần tuý và quan điểm cá nhân, và xem xét những vấn đề liên quan đến kiến thức theo hướng có thể giải quyết được. Nếu độc giả tiếp tục theo đuổi vấn đề, có thể tác giả sẽ cung cấp thêm những thông tin khiến anh ta thay đổi quan điểm. Nếu không có thông tin thêm, độc giả có thể đưa ra những lời phê bình hợp lý và hy vọng rằng nếu tác giả biết được những phê bình đó, ông sẽ thay đổi quan điểm.
Trong chương trước, chúng tôi nói rằng nếu tác giả không giải thích được nhận định của mình, chúng chỉ là ý kiến của cá nhân tác giả. Còn nếu độc giả không phân biệt được kiến thức thật sự và quan điểm cá nhân thì độc giả không có mục đích đọc sách để học hỏi. Độc giả đó chỉ quan tâm đến nhân cách của tác giả và sử dụng cuốn sách như một thứ sơ yếu lý lịch nên anh ta không tán thành cũng chẳng phản đối. Anh ta không đánh giá cuốn sách mà đánh giá con người.
Trong trường hợp độc giả thấy hứng thú với cuốn sách, chứ không phải tác giả, thì anh ta nên xem xét việc đánh giá phê bình một cách nghiêm túc. Anh ta cần chú ý đến sự khác biệt giữa kiến thức thực tế và quan điểm cá nhân cũng như chú ý đến tác giả. Do đó, độc giả không chỉ nêu ý kiến phản đối hoặc tán thành mà còn phải bảo vệ ý kiến của mình bằng những lý do phù hợp. Nếu không thể bảo vệ ý kiến của mình thì rõ ràng độc giả đang biến kiến thức thực tế thành quan điểm cá nhân.
Vì vậy, quy tắc 11 có thể phát biểu như sau: TÔN TRỌNG SỰ KHÁC NHAU GIỮA KIẾN THỨC VÀ QUAN ĐIỂM CÁ NHN BẰNG CÁCH ĐƯA RA NHỮNG LÝ DO GIẢI THÍCH CHO ĐÁNH GIÁ PHÊ BÌNH CỦA BẠN.
Tóm lại, có ba điểm chung trong chương này mà độc giả cần nhớ. Thứ nhất, độc giả phải hiểu cặn kẽ về tác phẩm trước khi đưa ra đánh giá phê bình. Thứ hai, độc giả không nên đấu khẩu hay gây sự. Thứ ba, độc giả nên coi sự bất đồng quan điểm về những vấn đề liên quan đến kiến thức là có thể giải quyết được, đồng thời nêu lý lẽ giải thích tại sao mình phản đối vấn đề nhằm tìm ra giải pháp.
11
Đồng ý hay bất đồng với tác giả
Điều đầu tiên mà một độc giả có thể biểu đạt là liệu mình có hiểu tác phẩm hay không. Trên thực tế, anh ta cần phải thể hiện là mình hiểu để có thể tiếp tục diễn đạt ý kiến. Nếu anh ta không hiểu thì cần phải giữ im lặng và đọc lại tác phẩm.
Độc giả có thể sẽ bị chỉ trích nếu nói mình không hiểu. Nhưng bản thân cụm từ “Tôi không hiểu” cũng có thể coi là một lời đánh giá phê bình. Nếu nguyên nhân của sự không hiểu này xuất phát từ cuốn sách chứ không phải từ độc giả, anh ta cần phải xác định được nguyên nhân đó. Có thể là do cấu trúc sách lộn xộn, các phần trong sách không được liên kết với nhau, một số phần không hợp lý, hoặc tác giả đã phóng đại quá nhiều khi sử dụng những từ ngữ thậm xưng, gây ra hàng loạt tình tiết khó hiểu. Chỉ cần đưa ra được những bằng chứng chứng minh rằng quyển sách quá khó hiểu, độc giả sẽ không nhất thiết phải thể hiện là mình hiểu cuốn sách nữa.
Song, giả sử bạn đang đọc một quyển sách hay, tức là một quyển sách có thể hiểu được, bạn không chỉ hiểu nội dung của nó mà còn đồng ý hoàn toàn với ý kiến của tác giả thì công việc coi như đã hoàn thành. Quá trình đọc phân tích đã xong và bạn đã hiểu, đã bị thuyết phục. Chỉ khi nào bạn không đồng tình hoặc không thể đưa ngay ra lời đánh giá phê bình, chúng ta mới cần triển khai một số bước tiếp theo.
Trong trường hợp tác giả đưa ra một lập luận với mong muốn độc giả lập luận trở lại, thì một độc giả có năng lực cần phải biết các quy tắc lập luận. Độc giả cần tham gia tranh luận một cách lịch thiệp và thông minh. Độc giả không chỉ đơn giản đi theo lập luận của tác giả mà phải đối diện với chúng để đi đến sự đồng ý hay bất đồng với tác giả.
Một độc giả thống nhất thuật ngữ với tác giả, nắm bắt được những nhận định cũng như lập luận của tác giả là người chia sẻ quan điểm với tác giả. Trong thực tế, toàn bộ quá trình cảm thụ này được chỉ dẫn vởi sự gặp gỡ về tư tưởng thông qua phương tiện ngôn ngữ. Ta có thể mô tả việc hiểu một cuốn sách là sự đồng tình giữa người viết và người đọc về cách sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý kiến. Nhờ sự đồng tình đó, người đọc có thể nhìn thấu được ngôn ngữ người viết đã sử dụng để thể hiện ý tưởng.
Vấn đề là nếu một độc giả đã hiểu nội dung một cuốn sách, anh ta có thể bất đồng với nó nữa không? Việc đọc tích cực yêu cầu người đọc phải đưa ra quyết định của chính mình. Nhưng vì đã hiểu (tức là tư tưởng của người đọc và người viết đã hoà quyện thành một) thì còn phần tư tưởng nào đưa người đọc đến những quyết định độc lập?
Sai lầm của một số người là không phân biệt được hai nghĩa của từ “đồng ý”. Họ lầm tưởng rằng nếu đã hiểu nhau thì không thể có sự bất đồng ý kiến. Họ cho rằng tất cả các bất đồng đều xuất phát từ hiểu lầm.
Ví dụ, nếu bạn nói “mọi người đều bình đẳng”, chúng tôi có thể nghĩ là bạn cho rằng khi sinh ra, ai cũng được tạo hoá ban cho trí thông minh, sức khoẻ và những khả năng khác hoàn toàn như nhau. Chúng tôi không đồng ý với bạn và cho rằng bạn đã sai vì thực tế không phải vậy. Tuy nhiên, cũng có thể chúng tôi đã hiểu sai ý bạn. Giả sử ý của bạn khi nói câu trên là “tất cả mọi người cần được hưởng quyền chính trị bình đẳng”. Như vậy, vì không hiểu đúng ý bạn, sự bất đồng của chúng tôi là không hợp lý. Nhưng ngay cả khi chúng tôi đã hiểu đúng ý bạn thì vẫn còn hai sự lựa chọn: chúng tôi có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Nếu chúng tôi không đồng ý, giữa chúng ta đã phát sinh một vấn đề thật sự. Đó là chúng tôi hiểu được quan điểm chính trị của bạn, nhưng chúng tôi theo một lập trường khác.
Những vấn đề về thực tế hay quan điểm, những nhận định về cách tồn tại của các sự vật hay cách mà chúng nên tồn tại chỉ trở thành điều đáng bàn cãi khi chúng được dựa trên sự đồng hiểu biết giữa các bên. Sự thống nhất trong cách sử dụng từ ngữ là điều kiện không thể thiếu để có thể đồng ý hay không đồng ý với những vấn đề được đề cập đến. Đây chính là sự gặp gỡ về mặt tư tưởng giữa bạn và tác giả dẫn đến việc bạn đồng ý hay không với quan điểm của tác giả.
Định kiến và đánh giá
Khi có sự bất đồng với tác giả, bạn cần có đủ ba điều kiện dưới đây để lập luận cho sự bất đồng của mình.
Thứ nhất, bạn cần phải thừa nhận những cảm xúc mình đưa vào quá trình lập luận, hoặc phát sinh trong quá trình đó. Tránh trường hợp bạn nghĩ rằng mình đưa ra các lập luận, nhưng thực tế là bạn bị chi phối bởi các xúc cảm mạnh mẽ.
Thứ hai, bạn phải diễn đạt rõ ràng các nhận định của mình. Bạn phải hiểu rõ những định kiến của mình. Nếu không, có thể bạn sẽ không thừa nhận rằng đối phương cũng có quyền đưa ra những nhận định khác. Một cuộc tranh luận có ý nghĩa không nên là một cuộc cãi vã về các nhận định. Giả sử, nếu một tác giả yêu cầu bạn coi một điều gì đó là hiển nhiên, bạn nên trân trọng đề nghị của ông ta ngay cả khi biết trong thực tế, một quan điểm đối lập với điều đó cũng có thể coi là điều hiển nhiên. Nếu bạn có những định kiến đối lập với quan điểm này và bạn không thừa nhận chúng là định kiến, bạn sẽ không thể nghe tác giả trình bày quan điểm một cách công minh.
Thứ ba, bạn cần tránh thiên vị đến mức mù quáng. Hãy nỗ lực đạt tới sự công bằng. Tất nhiên là không thể có tranh luận nếu không có sự thiên vị. Song, để đảm bảo tranh luận công bằng hơn, ít gay gắt hơn, mỗi cá nhân cần đặt mình vào địa vị của đối phương. Nếu bạn không biết cách thông cảm khi đọc một quyển sách, sự bất đồng của bạn có thể mang tính chất tranh cái chứ không tế nhị hay lịch sự.
Về mặt lý tưởng, ba điều kiện này là điều kiện thiết yếu để có một cuộc đàm luận thông minh và hữu ích. Chúng có thể được áp dụng trong quá trình đọc chừng nào còn có một quá trình đối thoại giữa người đọc và người viết. Mỗi điều kiện là một lời khuyên hữu ích giúp độc giả biết trân trọng phép lịch sự trong tranh luận.
Tuy nhiên, sự lý tưởng ở đây cũng chỉ là tương đối. Vì vậy, chúng tôi sẽ thay thế ba điều kiện lý tưởng trên bằng một hệ thống quy tắc dễ thực hiện hơn bao gồm bốn cách phê bình một cuốn sách. Hy vọng độc giả nào quán triệt những quan điểm này, anh ta sẽ không bị cảm xúc hay định kiến chi phối.
Bốn luận điểm này có thể được tóm tắt như sau: Khi người đọc nói “Tôi hiểu nhưng tôi không đồng ý”, anh ta có thể trình bày với tác giả những ý kiến phê bình sau đây: (1) “Ngài không có đủ thông tin”; (2) “Ngài đưa ra thông tin không chính xác”; (3) “Ngài trình bày không logic, lập luận của ngài không thuyết phục”; (4) “Quá trình phân tích của ngài chưa hoàn chỉnh”.
Bốn đánh giá phê bình trên có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng đây là những điểm chủ yếu mà một độc giả không đồng tình có thể đưa ra. Những điểm này khá độc lập với nhau. Bạn có thể đưa ra một hoặc hai, ba hay cả bốn luận điểm vì các luận điểm không loại trừ nhau.
Chúng tôi cũng lưu ý rằng, một độc giả không thể đưa ra bất cứ lời bình nào trong số nêu trên nếu không chắc chắn hoặc không xác định được chính xác những khía cạnh mà tác giả không có đủ thông tin, cung cấp thông tin sai hay lập luận thiếu logic. Bên cạnh đó, khi đưa ra bất cứ nhận xét nào, độc giả phải có những lâp luận chứng minh cho quan điểm của mình.
Đánh giá tính hợp lý của tác giả
Chúng ta hãy cùng xem xét cụ thể ba cách đánh giá phê bình đầu tiên trong bốn cách trên.
1. Khi nói một tác giả không có đủ thông tin, nghĩa là chúng ta cho rằng tác giả thiếu một lượng kiến thức liên quan mật thiết tới vấn đề mà anh ta đang cố gắng giải quyết. Nhận xét này chỉ có giá trị trong trường hợp lượng kiến thức đó là thích đáng nếu tác giả sở hữu được nó. Để chứng minh điều này, bạn cần chỉ ra được kiến thức mà tác giả còn thiếu và phải chứng minh được vì sao nó thích đáng, cũng như nó sẽ dẫn đến những thay đổi như thế nào trong các kết luận của tác giả.
Ví dụ, Darwin không có những hiểu biết về di truyền học nên ông đã bỏ qua bộ máy di truyền trong cuốn Nguồn gốc các loài. Đây chính là một trong những khiếm khuyết lớn nhất của cuốn sách. Sau này, Mendel và các nhà thực nghiệm cùng ông đã cung cấp lượng kiến thức đó trong các tác phẩm của họ. Gibbon cũng không có những thông tin thực tế nhất định về ảnh hưởng của sự sụp đổ thành Rome. Những thông tin này được cung cấp bởi các nghiên cứu sau đó. Thông thường, trong lĩnh vực khoa học và lịch sử, các thông tin bị thiếu sẽ được các nhà nghiên cứu đi sau khám phá. Nhưng trong triết học, điều này có thể khác. Chẳng hạn, người cổ đại đã phân biệt rõ ràng, những gì con người có thể cảm nhận bằng giác quan, những gì là tưởng tượng với những gì họ có thể hiểu. Nhưng đến thế kỷ 18, nhà triết học người Scotland David Hume hoàn toàn bỏ qua sự khác biệt giữa hình ảnh và ý tưởng dù nó đã được khẳng định trong các tác phẩm của những triết gia trước đó.
2. Khi nói tác giả cung cấp thông tin sai nghĩa là tác giả đã khẳng định một điều không đúng là có thật. Sai lầm này dù xuất phát từ nguyên nhân gì cũng cho thấy tác giả đã ngộ nhận mình có kiến thức trong khi thật sự anh ta không hề có. Những khuyết điểm như vậy cần được chỉ ra, đương nhiên chỉ khi chúng liên quan mật thiết tới các kết luận của tác giả. Để chứng minh nhận xét này, bạn phải lập luận một sự thật hoặc một khả năng lớn hơn đối lập với sự thật của tác giả.
Ví dụ, trong một hiệp ước chính trị, nhà triết học người Hà Lan Spinoza gần như cho rằng chế độ dân chủ là một hình thức chính phủ nguyên thuỷ hơn chế độ quân chủ. Điều này trái ngược với sự thật đã được chứng minh trong lịch sử chính trị. Sai lầm của Spinoza ở khía cạnh này xuất phát từ lập luận của ông ta. Aristotle cũng đã đưa ra những thông tin sai lệch về vai trò của giống cái trong quá trình sinh sản ở động vật. Từ đó, ông đưa ra những kết luận vô căn cứ về các quá trình sinh sản…
Hai điểm phê phán đầu tiên này có liên quan đến nhau. Việc thiếu thông tin có thể là nguyên nhân dẫn tới các kết luận sai lầm. Ngược lại, khi một người nhận định sai về một vấn đề có nghĩa là anh ta không có đủ thông tin về nó. Khi thiếu những kiến thức cần thiết, chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề nhất định, hoặc không thể chứng minh cho các kết luận nhất định. Và những nhận định sai lầm sẽ dẫn tới các kết luận không chính xác. Tóm lại, hai nhận xét đầu chỉ ra khuyết điểm của tác giả trong cơ sở lập luận. Tác giả cần phải có kiến thức đầy đủ hơn, đưa ra những bằng chứng và lập luận thuyết phục hơn.
3. Khi nói một tác giả trình bày không logic tức là tác giả đã ngụy biện trong quá trình suy luận. Đó có thể là lỗi lập luận không thống nhất (kết luận rút ra không phù hợp với các lý lẽ đã trình bày). Khi đưa ra sự nhận xét này, độc giả cần phải xác định chính xác khía cạnh mà lập luận của tác giả không thuyết phục. Chúng ta chỉ nên phê bình khuyết điểm này nếu nó làm ảnh hưỏng tới kết luận chính vì một cuốn sách có thể thiếu thuyết phục ở những điểm không quan trọng.
Rất ít cuốn sách hay bị mắc lỗi về lập luận. Nếu có thì chúng thưòng được che giấu bằng những miêu tả dài dòng và chỉ người nào đọc tỷ mỷ mới có thể phát hiện ra. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nêu một ví dụ về sự sai làm hiển nhiên trong tác phẩm Quân vương của Machiavelli dưới đây. Tác giả viết:
Nền tảng chủ yếu của mọi quốc gia hiện đại cũng như cổ đại là một nền pháp luật tốt. Sẽ không thể có một nền pháp luật tốt nếu đất nước không được trang bị vũ trang đầy đủ. Do đó, quốc gia nào được trang bị đầy đủ vũ trang, quốc gia đó có nền pháp luật tốt.
Chúng ta có thể thấy đây là một nhận định không xuất phát từ thực tế. Luật phát tốt không phụ thuộc vào lực lượng vũ trang tốt. Vì thế, không phải cứ nơi nào có lực lượng vũ trang tốt cũng có luật pháp tốt.
Nhận xét thứ ba cũng liên quan tới hai nhận xét đầu. Một tác giả có thể không rút ra được kết luận tiềm ẩn trong các bằng chứng hay nguyên lý của mình, làm cho quá trình suy luận của anh ta chưa hoàn thành. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến trường hợp một người có cơ sở lập luận tốt nhưng lại rút ra kết luận không thuyết phục. Xét theo một nghĩa nào đó, người này đã cung cấp thông tin sai.
Đánh giá sự hoàn chỉnh của tác giả
Ba lời nhận xét phê bình đầu tiên liên quan đến độ chính xác trong các ý kiến và suy luận của tác giả. Còn lời nhận xét phê bình thứ tự liên quan tới việc tác giả đã hoàn thành quá trình thực hiện kế hoạch của mình hay chưa. Nó được đưa ra trên cơ sở cấu trúc của sách.
4. Khi nói rằng quá trình phân tích của tác giả chưa hoàn chỉnh nghĩa là chúng ta cho rằng tác giả chưa giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra trước đó; chưa tận dụng được các tài liệu của mình một cách tốt nhất; hoặc không nhận ra các ý tiềm ẩn cũng như những nhánh khác nhau của vấn đề đặt ra; hoặc không làm nổi bật được nét khác biệt và độc đáo liên quan tới vấn đề được nêu. Việc đưa ra nhận xét này sẽ là vô nghĩa trừ phi người đọc xác định được chính xác mức độ chưa hoàn chỉnh của tác giả bằng sự nỗ lực của bản thân độc giả hoặc từ những thông tin của các cuốn sách khác.
Ví dụ, sự phân tích về loại hình chính quyền trong tác phẩm Politics (Chính trị) của Aristotle là không hoàn chỉnh. Do những giới hạn của yếu tố thời đại và sự thừa nhận sai lầm của ông về chế độ nô lệ, Aristotle đã không xem xét, thậm chí không hề có ý tưởng về nền hiến pháp dân chủ thật sự được xây dựng trên chế độ bỏ phiểu phổ thông. Ông cũng không thể tưởng tượng được là có một chính quyền đại diện cho nhân dân hoặc một hình thức chính quyền mới nào khác của các nước liên bang. Các phân tích của ông cần phải được mở rộng cho phù hợp với thực tế của nền chính trị.
Tác phẩm Elements of Geometry (Các nguyên tố hình học) của Euclid cũng là một tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Ông đã không xét đến các tiên đề khác về mối liên hệ giữa các đường thẳng song song. Những giả thuyết khác trong các tác phẩm hình học hiện đại đã lấp đầy sự thiếu hụt này. Tương tự, tác phẩm How We Think (Chúng ta nghĩ như thế nào) của Dewey cũng không phải là một sự phân tích hoàn chỉnh về quá trình suy nghĩ của con người. Ngoài việc đề cập đến quá trình suy nghĩ xuất hiện trong điều tra và khám phá, tác phẩm không xét tới sự suy nghĩ xuất hiện trong quá trình đọc hay học theo hướng dẫn.
Một độc giả nếu chỉ đồng ý với một phần của cuốn sách có thể do dự khi phải nhận xét về tính hoàn chỉnh của tác phẩm. Sự chần chừ của độc giả là phản ứng đối với sự thất bại của tác giả trong việc giải quyết hoàn chỉnh vấn đề.
Người ta có thể xem xét những cuốn sách khác nhau về cùng một lĩnh vực để so sánh và đưa ra nhận xét thứ tự. Một cuốn sách sẽ tốt hơn những cuốn sách khác nếu nó phản ánh nhiều thực tế hơn và mắc ít lỗi hơn. Nếu chúng ta đọc để thu nhận kiến thức, hiển nhiên cuốn sách hay nhất sẽ là cuốn đề cập tới nhiều khía cạnh nhất của vấn đề ta quan tâm. Một tác giả có thể thiếu những thông tin mà tác giả khác có; mắc lỗi trong giả thuyết mà các tác giả khác không phạm phải; có cùng một cơ sở lý lẽ nhưng lại lập luận thiếu thuyết phục hơn các tác giả khác. Nhưng điểm được so sánh nhiều nhất là tính hoàn chỉnh trong sự phân tích mà mỗi tác giả thể hiện. Phương tiện để đo tính hoàn chỉnh đó nằm ở số lượng các điểm khác biệt độc đáo có giá trị hàm chứa trong vấn đề được so sánh. Giờ thì bạn có thể thấy việc hiểu được thuật ngữ của tác giả có hiệu quả như thế nào. Số lượng các thuật ngữ tinh tế tương quan với độ nổi trội của tác phẩm.
Bạn cũng có thể thấy nhận xét thứ tư kết nối ba giai đoạn trong quá trình đọc phân tích ở bất kỳ cuốn sách nào. Nó liên quan tới cấu trúc của tác phẩm bởi nó xét tới việc tác giả nêu các vấn đề hoàn chỉnh hay không có liên quan tới mức độ làm sáng tỏ vấn đề bởi nó xác định được mức độ thoả đáng mà tác giả giải quyết những vấn đề đó.
Giai đoạn thứ ba của quá trình đọc phân tích
Chúng tôi đã hoàn thành quá trình liệt kê và luận bàn về các quy tắc chung của việc đọc phân tích. Trong đó, các quy tắc của giai đoạn thứ ba được liệt kê theo trật tự dưới đây:
Giai đoạn thứ ba của quá trình đọc phân tích – hay các quy tắc
phê bình một cuốn sách theo khía cạnh truyền đạt kiến thức
I. Những quy ước chung về các quy tắc xã giao
1. Chỉ bắt đầu phê bình khi bạn đã hoàn thành quá trình lập dàn ý và hiểu được nội dung của cuốn sách. (Đừng bao giờ nói đồng ý, không đồng ý hay trì hoãn đánh giá của mình cho tới khi bạn có thể nói “Tôi hiểu”).
2. Không nên thể hiện sự bất đồng theo kiểu lý sự hoặc cà khịa.
3. Hãy thể hiện rằng bạn nhận thức được sự khác nhau giữa kiến thức thật sự và ý kiến cá nhân bằng cách đưa ra những lập luận tốt cho mọi đánh giá phê bình của bạn.
II. Các tiêu chí đặc biệt về các điểm phê phán
1. Chứng minh khía cạnh tác giả không cung cấp đủ thông tin.
2. Chứng minh khía cạnh tác giả cung cấp thông tin sai.
3. Chứng minh khía cạnh tác giả thiếu logic.
4. Chỉ ra khía cạnh phân tích và giải thích chưa hoàn chỉnh của tác giả.
Những quy ước về các quy tắc xã giao và các tiêu chí phê phán trên sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi cơ bản thứ ba là: Cuốn sách có đúng không? Đúng ở chỗ nào?
Câu hỏi “Cuốn sách có đúng không?” có thể được đặt ra ở mọi tác phẩm thuộc bất cứ thể loại sách nào mà bạn đọc như toán học, khoa học, triết học, sử học, thơ văn. Khi những gì bạn đọc đã phản ánh được sự thật ở một phương diện nào đó, bạn không cần phải để tâm đến những vấn đề khác. Lúc đó, bạn phải trả lời được câu hỏi “Đúng ở chỗ nào?”.
Trước khi tiếp tục các phần tiếp theo, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những quy tắc trong quá trình đọc phân tích không miêu tả một quy trình hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu bạn có thể áp dụng hầu hết các quy tắc này, bạn sẽ trở thành một độc giả tốt.
12
Những phương tiện trợ giúp
việc đọc
Bất cứ phương tiện trợ giúp nào không nằm trong cuốn sách bạn đang đọc đều được coi là thành tố bên ngoài. Với khái niệm “đọc bên trong”, chúng tôi muốn nói tới quá trình đọc một cuốn sách bằng cách sử dụng thông tin trong chính cuốn sách đó, trong sự độc lập tương đối với những cuốn sách khác. Với khái niệm “đọc bên ngoài”, chúng tôi đề cập tới quá trình đọc sách trong mối liên hệ với những tác phẩm khác. Từ đầu cuốn sách này, chúng tôi đã cố ý không kể tới các phương tiện hỗ trợ bên ngoài đối với quá trình đọc. Do đó, các quy tắc đọc mà chúng tôi đã đưa ra là các quy tắc của quá trình “đọc bên trong”. Mặc dù vậy, các phương tiện trợ giúp bên ngoài cũng rất có ích, và đôi khi rất cần thiết để người đọc hoàn toàn hiểu được cuốn sách.
Trên thực tế, quá trình đọc trong và đọc ngoài có xu hướng kết nối với nhau trong quá trình hiểu và phê bình một cuốn sách. Rõ ràng là ai cũng phải sử dụng đến các kinh nghiệm của bản thân để cảm thụ, phê bình, hay lập đề cương cho một cuốn sách. Tất nhiên, không ai có thể áp dụng cách đọc phân tích ngay từ khi bắt đầu đọc cuốn sách đầu tiên trong đời. Cách đọc này chỉ được thực hiện sau khi ta đã đọc nhiều cuốn khác. Có thể, chúng ta không đưa ra được một cách hệ thống những kiến thức đã thu nhận được từ các cuốn sách khác và từ cuộc sống nhưng chúng ta lại so sánh các nhận định và kết luận của một tác giả với những gì ta đã biết từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, có thể khẳng định rằng chúng ta không nên và không thể đọc một cuốn sách nào một cách cô lập hoàn toàn.
Song, nguyên nhân chính khiến chúng tôi không đề cập tới các phương tiện hỗ trợ bên ngoài cho tới thời điểm này vì có rất nhiều độc giả phụ thuộc vào chúng một cách mù quáng, không cần thiết. Đọc một cuốn sách mà luôn có một cuốn từ điển bên cạnh không phải là điều tốt, dù điều này không có nghĩa là bạn đừng bao giờ tra nghĩa của một từ lạ. Nếu ai đó khuyên bạn nên tìm nghĩa của một cuốn sách mà bạn không hiểu bằng cách đọc trước các lời bình thì đó là một lời khuyên tồi. Tốt nhất là hãy nỗ lực hết mình trước khi tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Nếu bạn thực hiện nhất quán nguyên lý này, bạn sẽ thấy mình ngày càng cần ít sự trợ giúp hơn.
Phương tiện hỗ trợ quá trình đọc gồm có bốn loại: các kinh nghiệm liên quan, các cuốn sách khác, các lời bình và tóm tắt, sách tham khảo.
Chúng tôi không thể xác định cách thức và thời điểm sử dụng mỗi loại phương tiện hỗ trợ này trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng chúng tôi có thể đưa ra gợi ý chung. Đó là, bạn chỉ nên tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài sau khi đã cố hết sức đọc một cuốn sách theo các quy tắc đọc bên trong mà vẫn khó hiểu đối với bạn, trong từng phần hoặc toàn bộ.
Vai trò của các kinh nghiệm liên quan
Có hai loại kinh nghiệm liên quan bạn có thể dùng để trợ giúp khi đọc những cuốn sách khó là kinh nghiệm chung và kinh nghiệm đặc biệt. Kinh nghiệm chung là loại có ở tất cả mọi người. Kinh nghiệm đặc biệt chỉ có ở những người chấp nhận khó khăn để khám phá ra nó. Ví dụ, kinh nghiệm đặc biệt có từ việc tiến hành thí nghiệm trong phòng thí nghiệm; hoặc một nhà nhân loại học đi tìm hiểu những cư dân bản địa tại một vùng lãnh thổ chưa được khai phá và đã thu được những kinh nghiệm mà bình thường người khác không thể có hoặc rất ít người có được; hoặc kinh nghiệm của một phi hành gia trên mặt trăng, trên Sao Mộc…
Cần lưu ý là kinh nghiệm chung không nhất thiết phải được tất cả mọi người biết. Chung không có nghĩa là phổ quát. Ví dụ, không phải ai cũng được trải qua kinh nghiệm là một người con có cha mẹ, vì một số người là trẻ mồ côi ngay từ khi được sinh ra. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình là một kinh nghiệm chung, bởi hầu hết mọi người cùng chia sẻ điều này. Tình yêu, tình dục cũng không phải là một kinh nghiệm phổ quát vì một số người chưa bao giờ nếm trải nó, nhưng nó được đại đa số nhân loại trải qua nên không thể coi là kinh nghiệm đặc biệt. Kinh nghiệm được dạy học cũng không phải là phổ quát vì có những người chưa bao giờ đi học. Song, nó cũng là cái chung.
Kinh nghiệm chung được sử dụng nhiều nhất khi đọc các tác phẩm hư cấu, tiếp đến là các tác phẩm triết học. Những đánh giá về tính chân thực của một tiểu thuyết hầu như dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm chung – kinh nghiệm sống của rất nhiều người. Một triết gia hay một nhà thơ cần tạo ra sự hấp dẫn bằng cách sử dụng những kinh nghiệm chung của nhân loại, chứ không phải tạo ra tác phẩm từ phòng thí nghiệm hay từ các nghiên cứu riêng biệt về một lĩnh vực. Do đó, để hiểu và kiểm tra được những nguyên lý chủ đạo của một triết gia, bạn không cần phải có kinh nghiệm đặc biệt hỗ trợ mà bằng chính khả năng suy nghĩ và những quan sát thường nhật của bạn về thế giới bạn đang sống.
Kinh nghiệm đặc biệt chủ yếu liên quan tới các tác phẩm khoa học. Để có thể hiểu và đánh giá những suy luận quy nạp trong một cuốn sách khoa học, bạn phải có khả năng hiểu được những bằng chứng mà nhà khoa học đưa ra làm cơ sở. Nếu nhà khoa học miêu tả một thí nghiệm sống động và rõ ràng thì bạn sẽ không gặp khó khăn gì. Đôi khi, các minh họa và biểu đồ cũng giúp bạn hiểu được những hiện tượng đang được miêu tả.
Cả kinh nghiệm chung và kinh nghiệm đặc biệt đều liên quan tới quá trình đọc sách lịch sử. Đó là vì lịch sử bao gồm cả sự hư cấu và tính khoa học. Mặc khác, sách lịch sử tường thuật lại một câu chuyện, có cốt truyện và nhân vật, có chương, có hồi, có sự kết hợp phức tạp của hành động, cao trào và kết thúc. Lúc này, kinh nghiệm chung liên quan tới đọc tiểu thuyết và kịch là rất cần thiết. Song, lịch sử cũng như khoa học, nhất thiết một phần nào đó trong những kinh nghiệm mà nhà sử học trải qua phải mang nét đặc biệt. Ông ta có thể đã đọc qua một hoặc rất nhiều tài liệu mà chắc chắn những độc giả bình thường gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận. Cũng có thể ông ta đã tiến hành một nghiên cứu ở phạm vi rộng về những gì còn lại của các nền văn minh cổ xưa, hoặc nghiên cứu dưới hình thức đối thoại với những người đang sống tại các khu vực xa xôi.
Muốn biết chúng ta có sử dụng đúng kinh nghiệm của mình để hiểu một cuốn sách không, cách hiệu quả nhất là hãy hỏi chính mình xem liệu bạn có thể đưa ra một ví dụ cụ thể cho một luận điểm mà bạn cho rằng mình đã hiểu hay không. Ví dụ, chúng ta hãy xem xét luận bàn của Aristotle về đức hạnh trong cuốn Đạo đức học. Tác giả lặp đi lặp lại rằng đức hạnh là điểm trung gian giữa hai đối cực sự thiếu hụt và sự vô độ. Ông đã đưa ra những ví dụ minh hoạ cụ thể. Liệu bạn có đưa ra thêm được những ví dụ khác không? Nếu có, bạn đã hiểu được quan điểm chủ đạo của tác giả. Nếu không, bạn cần đọc lại những luận bàn của tác giả.
Những cuốn sách khác
Ở đây, chúng tôi chưa bàn luận về đọc đồng chủ đề - đọc nhiều cuốn sách về cùng một chủ đề - mà chúng tôi muốn đề cập tới sự cần thiết phải đọc thêm các cuốn sách khác như những phương tiện hỗ trợ bên ngoài trong quá trình đọc một tác phẩm cụ thể.
Loại phương tiện hỗ trợ đọc ngoài này đặc biệt cần khi đọc các tác phẩm lớn. Sự hăng hái mà độc giả có khi bắt đầu đọc các tác phẩm lớn thường nhanh chóng nhường chỗ cho sự thiếu hụt vô vọng. Một trong những nguyên nhân là do nhiều người không biết cách đọc một cuốn sách riêng lẻ. Một nguyên nhân khác là họ đã không đọc những cuốn sách khác có liên quan chặt chẽ tới cuốn sách trước khi bắt đầu đọc nó.
Nhiều tác phẩm lớn không chỉ có nội dung liên quan với nhau mà còn được viết theo một trình tự nhất định mà người đọc không thể bỏ qua. Tác giả sau sẽ chịu ảnh hưởng của tác giả trước đó. Nếu bạn đọc tác phẩm của tác giả trước, có thể bạn sẽ hiểu được tác phẩm viết sau. Do đó, quy tắc chung đối với đọc ngoài là đọc nhiều cuốn sách liên quan tới nhau và đọc theo trình tự.
Tác dụng của quá trình đọc ngoài này đơn giản là sự mở rộng giá trị của ngữ cảnh so với việc đọc riêng lẻ một cuốn sách. Sử dụng ngữ cảnh là điều rất cần thiết để hiểu được ngôn từ và câu nhằm tìm ra các thuật ngữ và nhận định. Nếu toàn bộ một cuốn sách là ngữ cảnh cho từng phần của nó, thì những cuốn sách liên quan sẽ mang đến một ngữ cảnh lớn hơn giúp bạn cảm thụ được cuốn sách bạn đang đọc.
Nếu quan sát bạn sẽ nhận thấy những tác phẩm lớn thường gây ra rất nhiều tranh cãi. Những tác giả lớn đồng thời cũng là những độc giả lớn, và muốn hiểu được họ thì hãy đọc những cuốn sách họ đã đọc. Với tư cách là độc giả, họ đối thoại với những tác giả khác cũng như cách mà mỗi người chúng ta đối thoại với tác phẩm chúng ta đang đọc, mặc dù, có thể chúng ta không viết nên những tác phẩm khác.
Để tham gia vào quá trình đối thoại này, chúng ta cần đọc một tác phẩm lớn trong mối liên hệ với những tác phẩm khác và theo trình tự thời gian từ hiện tại trở về quá khứ hoặc từ quá khứ tới hiện tại. Trình tự từ quá khứ tới hiện tại có nhiều lợi ích vì nó tuân theo quy luật tự nhiên, nhưng bạn cũng có thể đi theo trình tự ngược lại tuỳ vào các sự kiện thực tế theo thời gian.
Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, nhu cầu đọc sách trong mối liên hệ qua lại được áp dụng vào đọc sách lịch sử và triết học nhiều hơn là đọc sách khoa học và viễn tưởng. Nó quan trọng trong đọc sách triết vì bản thân mỗi triết gia là một độc giả lớn của những triết gia khác. Nó ít quan trọng hơn khi đọc tiểu thuyết hay đọc kịch vì người ta có thể đọc riêng lẻ một tiểu thuyết hay một kịch bản thật sự hay.
Cách sử dụng lời bình và tóm tắt
Loại phương tiện hỗ trợ thứ ba của quá trình đọc bao gồm các lời bình và các bài tóm tắt. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là hai phương tiện này cần được sử dụng một cách thông minh và ở mức độ vừa phải vì hai lý do.
Thứ nhất, không phải bao giờ các nhà bình luận cũng đưa ra những nhận xét đúng về một cuốn sách. Thứ hai, nếu lời bình luận đưa ra là đúng thì cũng chưa chắc đã thấu đáo (tức là bạn có thể phát hiện ra những ý nghĩa quan trọng trong một cuốn sách mà một bình luận gia chưa phát hiện thấy). Do vậy, đọc một tác phẩm bình luận, đặc biệt là một lời bình có vẻ “chắc như đinh đóng cột” sẽ hạn chế bạn đào sâu suy nghĩ thêm và giới hạn hiểu biết của bạn về một cuốn sách.
Từ hai nguyên nhân trên, chúng tôi muốn khuyên bạn không nên đọc lời bình của một tác giả khác về tác phẩm chừng nào bạn chưa đọc xong tác phẩm đó. Bản thân các nhà phê bình cũng phải đọc tác phẩm nhiều lần và có cách hiểu của riêng họ trước khi đưa ra nhận xét, đánh giá. Vì thế, bạn cũng nên đọc xong tác phẩm và hiểu nó rồi mới đọc đến lời bình. Nếu bạn đọc lời bình ngay từ đầu, chúng có thể sẽ làm lệch lạc quá trình đọc của bạn. Bạn sẽ chỉ thấy những điểm nhà phê bình đó đưa ra mà không thấy những điểm quan trọng khác. Đừng phó mặc suy nghĩ của bạn cho nhà bình luận bằng cách đọc nhận xét của họ trước khi đọc cuốn sách.
Lời khuyên trên của chúng tôi có thể coi như một quy tắc của việc đọc ngoài. Quy tắc này được áp dụng cho cả loại sách hướng dẫn. Nếu bạn đã đọc sách gốc, bạn sẽ biết cuốn sách hướng dẫn mắc những sai sót gì (nếu có). Ngược lại, nếu bạn phụ thuộc hoàn toàn vào sách hướng dẫn mà không bao giờ đọc sách gốc, có thể bạn sẽ gặp rắc rối.
Ngoài ra, có một điểm quan trọng khác bạn cần nhớ. Nếu bạn nhiễm phải thói quen phục thuộc vào lời bình và sách hướng dẫn, bạn sẽ hoàn toàn mất phương hướng khi không có chúng. Các lời bình có thể giúp bạn hiểu được một cuốn sách cụ thể nhưng như vậy cũng có nghĩa bạn đã trở thành một độc giả tồi hơn.
Quy tắc trên cũng được áp dụng với các bài tóm tắt và trình bày cốt truyện. Chúng hữu ích vì thứ nhất, chúng có thể nhắc bạn nhớ lại nội dung một cuốn sách mà bạn đã đọc. Tốt nhất là bạn tự viết được một bản tóm tắt trong quá trình đọc phân tích. Tuy nhiên, nếu chưa làm được như vậy thì một bản tóm tắt hoặc một dàn ý sẽ là công cụ trợ giúp bạn đắc lực. Thứ hai, các bài tóm tắt rất hữu ích khi bạn đọc những cuốn sách cùng chủ đề hoặc khi bạn muốn biết liệu một tác phẩm nào đó có phù hợp với công trình nghiên cứu của mình không. Một bài tóm tắt không bao giờ thay thế được quá trình đọc, nhưng nó có thể giúp bạn xác định xem mình có muốn, hay cần phải đọc một cuốn sách hay không.
Cách sử dụng sách tham khảo
Có rất nhiều loại sách tham khảo. Trong đó, hai loại được sử dụng nhiều nhất là từ điển và bách khoa toàn thư (sẽ được trình bày cụ thể trong phần tiếp theo).
Có một thực tế mà không phải ai cũng nhận thấy là bạn cần phải có một lượng kiến thức khá lớn nếu muốn sử dụng tốt sách tham khảo. Do đó, sách tham khảo chỉ có thể coi là cứu cánh cho sự thiếu hiểu biết của bạn một cách rất hạn chế. Nó không thể chữa được hoàn toàn sự thiếu hiểu biết của bạn, cũng như không thể suy nghĩ hộ bạn.
Để sử dụng tốt một cuốn sách tham khảo, trước hết bạn cần phải có một số ý tưởng, cho dù mơ hồ, về những gì bạn muốn biết. Bạn sẽ không thể khỏa lấp được sự thiếu hiểu biết của mình trừ phi bạn có thể đặt ra một câu hỏi thông minh cho cuốn sách tham khảo bạn đang sử dụng. Sách tham khảo sẽ không có tác dụng nếu bạn đang đi lang thang vô định trong màn sương của sự ngu dốt.
Thứ hai, bạn phải xác định được có thể tìm những điều mình muốn biết ở đâu. Bạn phải biết câu hỏi mình đặt ra thuộc loại nào và loại sách tham khảo nào có thể trả lời câu hỏi dạng đó. Không loại sách tham khảo nào có thể trả lời tất cả các câu hỏi. Chúng đều là sách chuyên đề. Điều này có nghĩa là bạn cần có kiến thức tương đối toàn diện về một loại sách tham khảo cơ bản trước khi sử dụng hữu hiệu một loại nào đó.
Thứ ba, trước khi tham khảo một cuốn sách, bạn phải biết rõ cuốn sách đó được kết cấu như thế nào, từ đó biết cách sử dụng nó. Sách tham khảo cũng phải được sử dụng một cách nghệ thuật. Hơn nữa, có một mối liên hệ nghệ thuật tương quan trong việc viết sách tham khảo. Tác giả hoặc người biên soạn cần phải biết độc giả sẽ tìm kiếm loại thông tin gì và trình bày cuốn sách sao cho phù hợp với nhu cầu của họ. Nhưng không phải lúc nào tác giả cũng dự đoán đúng điều này. Vì thế, bạn cần áp dụng quy tắc đọc lời mở đầu và lới giới thiệu của một cuốn sách trước khi đọc nội dung. Không nên sử dụng một cuốn sách tham khảo trước khi biết tác giả khuyên bạn nên sử dụng nó như thế nào.
Tất nhiên, không phải bất cứ câu hỏi nào cũng được trả lời trong các cuốn sách tham khảo. Ví dụ, bạn sẽ không thể tìm thấy trong bất cứ sách tham khảo nào câu trả lời cho ba câu hỏi mà Chúa đã hỏi thiên thần trong câu chuyện What Men Live By (Con người sống bằng gì) của Tolstoy. Đó là: Điều gì tiềm ẩn trong con người? Điều gì không được ban tặng cho con người? và Con người sống bằng gì? Sách tham khảo chỉ hữu ích khi bạn biết được loại câu hỏi nào mà chúng có thể trả lời và loại nào chúng không thể. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải biết mọi vấn đề mà nhân loại nói chung đồng tình. Bạn chỉ có thể tìm thấy trong sách tham khảo những điều nói chung được mọi người đồng ý. Những ý kiến không được ủng hộ không có chỗ đứng ở đây, dù thực tế đôi khi chúng cũng ẩn mình trong đó. Ví dụ, bạn không thể tìm thấy những câu hỏi về đạo đức hoặc về tương lai trong sách tham khảo.
Tóm lại, bạn phải nắm vững kiến thức trước khi sử dụng sách tham khảo. Nếu không, chúng sẽ không có giá trị.
Cách sử dụng từ điển
Từ điển là một loại sách tham khảo nên cách sử dụng nó cũng bị chi phối bởi những yêu cầu trên. Điểm khác ở chỗ từ điển thường khiến người đọc có cảm giác vừa đọc vừa chơi. Nó thường chứa đựng nhiều điều bí ẩn và nhiều thứ tưởng như vặt vãnh nhưng rất thú vị. Để có thể sử dụng tối đa chức năng của từ điển, người đọc cần phải nắm được phương pháp tra cứu nó.
Từ điển trước hết là một công cụ giáo dục. Vì thế, bạn có thể sử dụng nó như một công cụ trợ giúp việc đọc. Nếu bạn chỉ giở từ điển để kiểm tra chính tả hoặc học cách phát âm tức là bạn chưa biết cách sử dụng từ điển một cách hiệu quả. Nếu bạn hiểu rằng mỗi cuốn từ điển là một kho tàng kiến thức lịch sử được kết tinh trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, bạn sẽ không chỉ chú ý tới rất nhiều nghĩa được liệt kê cho mỗi từ mà còn chú ý đến thứ tự và mối liên hệ giữa chúng.
Quan trọng hơn cả, nếu bạn thật sự muốn mình học tập tiến bộ, bạn sẽ biết sử dụng từ điển theo đúng ý định ban đầu của người biên soạn. Đó là trợ giúp người sử dụng khi họ gặp phải những cuốn sách quá khó vì có nhiều thuật ngữ, từ cổ, ẩn dụ, hoán dụ hoặc gặp các từ quen thuộc nhưng lại được sử dụng với nghĩa cũ.
Tất nhiên, để đọc tốt một cuốn sách, bạn không chỉ phải tìm hiểu các vấn đề liên quan đến vốn từ mà tác giả sử dụng, mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác. Chúng tôi cũng khuyến cáo độc giả không nên một tay cầm sách một tay giở từ điển, đặc biệt là khi lần đầu đọc một cuốn sách khó. Bạn sẽ không theo được tính liền mạch và trình tự nội dung cuốn sách nếu ngay từ đầu đã phải tra quá nhiều từ. Chỉ nên dùng từ điển khi bạn gặp phải thuật ngữ hoặc các từ hoàn toàn mới. Ngay cả lúc đó, chúng tôi cũng không khuyến khích bạn sử dụng từ điển nếu đó là lần đầu bạn đọc một cuốn sách hay trừ phi các từ đó có vai trò quan trọng nhằm hiểu ý của người viết.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bằng mọi giá trích dẫn nguyên một định nghĩa trong từ điển để lý luận về vấn đề nào đó. Các nhà biên soạn từ điển có thể được mọi người kính trọng vì họ là chuyên gia về cách sử dụng từ, nhưng họ không phải là người tạo ra nền tảng của sự hiểu biết. Ngoài ra, bạn cũng đừng cố nhồi nhét, học thuộc cả một cuốn từ điển. Bạn không nên làm phong phú thêm vốn từ vựng của mình một cách nhanh chóng bằng cách ghi nhớ hàng loạt từ mà nghĩa của chúng không gắn với bất kỳ tình huống thực tế nào. Tóm lại, hãy nhớ rằng từ điển chỉ là một cuốn sách để tra từ chứ không phải cuốn sách nói về các sự vật.
Từ những lập luận trên, chúng ta có thể rút ra các quy tắc để sử dụng từ điển một cách thông minh. Có bốn cách xem xét từ như sau:
1. TỪ LÀ VẬT CHẤT - từ được viết và có âm thanh có thể nói được. Do đó, phải có những cách đánh vần và phát âm đồng nhất, mặc dù đôi khi sự đồng nhất có thể bị phá vỡ bởi các biến thể.
2. TỪ LÀ THÀNH PHẦN CẤU TẠO NÊN CU - mỗi một từ đơn giữ một vai trò ngữ pháp nhất định trong một cụm từ hoặc câu. Cùng một từ nhưng có thể có những cách sử dụng khác nhau, chuyển từ phần này sang phần khác, đặc biệt là trong một ngôn ngữ không có nhiều biến tố như tiếng Anh.
3. TỪ LÀ CÁC DẤU HIỆU - từ phải có nghĩa, không chỉ một mà nhiều nghĩa. Các nghĩa có mối liên hệ nhất định với nhau. Nhờ có nghĩa mà người ta tìm ra được mối liên hệ giữa các từ khác nhau. Ví dụ, các từ đồng nghĩa tuy có cùng một nghĩa nhưng lại khác nhau về mặt chữ; các từ trái nghĩa thì liên hệ với nhau thông qua sự đối lập và tương phản về nghĩa. Cũng vì mỗi từ là một dấu hiệu nên chúng ta có thể phân biệt được danh từ riêng, danh từ chung, từ cụ thể, từ trừu tượng…
4. TỪ MANG TÍNH THÔNG LỆ - từ là các ký hiệu do con người đặt ra. Vì vậy, mọi từ đều có nguồn gốc lịch sử, có vai trò văn hoá trong suốt quá trình biến đổi và phát triển. Có thể tìm ra lịch sử của mỗi từ thông qua các tiền tố, hâu tố hoặc các từ gốc ban đầu cấu tạo nên nó. Lịch sử của một từ có chứa các thông tin về quá trình biến đổi vật chất, cách viết và cách phát âm; nêu lên các nghĩa chuyển; phân biệt nghĩa cổ; ít hoặc không sử dụng nữa với nghĩa hiện đại, thông dụng; phân biệt thành ngữ, từ thông tục hoặc tiếng lóng.
Một cuốn từ điển tốt sẽ trả lời được cả bốn câu hỏi khác nhau về từ. Nghệ thuật sử dụng từ điển quan trọng ở chỗ bạn biết nên đặt câu hỏi nào về từ và làm cách nào để tìm ra câu trả lời. Chúng tôi đã gợi ý sẵn những câu hỏi đó cho bạn, còn chính cuốn từ điển sẽ mách cho bạn cách tìm ra câu trả lời.
Rõ ràng, từ điển là một cẩm nang hoàn hảo vì nó chỉ cho bạn cái gì đáng chú ý và cách giải mã các ký hiệu viết tắt dùng để diễn tả bốn loại thông tin về từ. Ai không thể sử dụng hiệu quả các chú thích và các từ viết tắt ở đầu mỗi cuốn từ điển thì đó là lỗi của chính bản thân người ấy.
Cách sử dụng bách khoa toàn thư
Bạn có thể áp dụng nhiều cách sử dụng từ điển hiệu quả đã nói ở trên đối với bách khoa toàn thư. Giống như từ điển, bách khoa toàn thư khiến cho người đọc có cảm giác vừa học vừa chơi vì nó giúp con người thư giãn và bớt căng thẳng. Nhưng cũng sẽ là vô ích nếu cố đọc hay học thuộc cho kỳ hết một cuốn bách khoa toàn thư. Người như thế chẳng khác nào nhà thông thái dởm.
Có rất nhiều người coi từ điển như một công cụ kiểm tra chính tả và học phát âm từ. Tương tự như vậy, nhiều người dùng bách khoa toàn thư để tra cứu ngày tháng, địa điểm và các sự kiện đơn giản khác. Đây là những cách sử dụng không đúng, không triệt để. Cũng như từ điển, tất cả các cuốn bách khoa toàn thư đều là công cụ giáo dục và hàm chứa thông tin. Điều này đã được kiểm chứng qua lịch sử phát triển của chính nó.
Mặc dù từ “bách khoa toàn thư” là một từ gốc Hy Lạp, nhưng người Hy Lạp lại không có một cuốn bách khoa toàn thư nào và cũng có thể do cùng một lý do, họ cũng không có lấy một cuốn từ điển. Đối với họ, “bách khoa toàn thư” đơn giản chỉ là tất cả những tri thức mà một người có học nên biết. Chính người La Mã mới là những người đầu tiên thấy được sự cần thiết phải có bách khoa toàn thư. Cuốn bách khoa toàn thư của Pliny là cuốn cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay.
Thật thú vị khi biết mãi tới năm 1700, cuốn bách khoa toàn thư đầu tiên có cách sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái mới ra đời. Kể từ đó, hầu hết các cuốn bách khoa toàn thư lớn đều được biên soạn theo trình tự bảng chữ cái. Đó cũng là cách sắp xếp dễ nhất và nhờ nó mà công việc biên soạn bách khoa toàn thư đã đạt được rất nhiều bước tiến lớn.
Sắp xếp theo bảng chữ cái vốn dĩ phù hợp với nội dung một cuốn từ điển. Với bách khoa toàn thư - vốn có nội dung chính đề cập đến nhiều vấn đề của nhân loại – thì sắp xếp theo trật tự đó không đơn giản vì thế giới không tuân theo trật tự bảng chữ cái. Để sắp xếp trật tự của bách khoa toàn thư, trước tiên người ta xem tri thức nhân loại được sắp xếp ra sao.
Qua nhiều thế kỷ, cách sắp xếp tri thức nhân loại đã có nhiều thay đổi. Trong các cuốn bách khoa toàn thư thời trung cổ, tất cả tri thức được sắp xếp trong mối liên hệ với bảy môn học được dạy ở trường trung cổ là ngữ pháp, tu từ, logic học, số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc. Vì các trường đại học cũng sắp xếp nội dung dạy giống hệ thống trên và học viên dựa vào dó để học nên cách sắp xếp này trở nên hữu dụng trong ngành giáo dục.
Trong đại học thời hiện đại tất nhiên khác xa trường đại học thời trung cổ. Sự khác biệt hay sự thay đổi này được phản ánh rõ trong các cuốn bách khoa toàn thư hiện đại. Tri thức trong bách khoa toàn thư hiện đại được chia thành các lĩnh vực hoặc chuyên đề phần nào tương ứng với các khoa ở trường đại học. Nhưng cách sắp xếp này, mặc dù tạo nên cấu trúc xương sống của một cuốn bách khoa toàn thư, lại ẩn sau hình thức sắp xếp các dữ liệu theo trật tự bảng chữ cái.
Bách khoa toàn thư có chứa các thông tin xác thực mà những độc giả giỏi muốn phám khá ngay từ khi bắt đầu tra cứu, nhưng người đọc cũng không nên thoả mãn khi mới tìm được những dữ kiện rời rạc. Hãy nhớ là bách khoa toàn thư cung cấp cho ta rất nhiều dữ liệu được sắp xếp liên quan đến nhau. Quá trình đọc hiểu phụ thuộc vào việc bạn có nhận ra được những mối liên hệ đó hay không.
Trong một cuốn bách khoa toàn thư được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, những mối liên hệ đó thường không rõ ràng. Còn trong một cuốn bách khoa toàn thư sắp xếp theo chủ đề, chúng thường được đánh dấu rõ ràng, nhưng điểm bất lợi là trong số những dữ kiện đó sẽ có những thứ mà người đọc không quen dùng. Một cuốn bách khoa toàn thư được coi là lý tưởng khi nó được sắp xếp theo chủ đề vừa theo trật tự bảng chữ cái. Đồng thời nó phải có thêm phần dàn ý – chính là mục lục.
Bất kỳ cuốn bách khoa toàn thư tốt nào cũng có phần hướng dẫn giúp người đọc sử dụng sách hiệu quả. Độc giả nên xem và làm theo phần hướng dẫn này. Thông thường, phần hướng dẫn yêu cầu người đọc phải đi lần lượt từ đầu cho đến phụ lục. Ở đây, phụ lục đóng một phần vai trò của thảo luận của cả cuốn bách khoa. Các phần nhỏ đó có thể ở trang này hoặc trang kia, nhưng nhìn chung đều về cùng một chủ đề. Điều này cho thấy mặc dù một phụ lục rõ ràng được sắp xếp theo bảng chữ cái, nhưng các phân tích của nó lại được xếp theo chủ đề.
Bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng bách khoa toàn thư. Tương tự từ điển, bách khoa toàn thư là một công cụ bổ trợ có giá trị khi ta đọc một cuốn sách hay (sách dở thường không cần đến bách khoa toàn thư). Nhưng không vì thế mà độc giả quá lệ thuộc vào nó, càng không nên dùng nó để dàn xếp các cuộc tranh luận do bất đồng ý kiến gây ra. Ta chỉ nên sử dụng để xoá bỏ những mâu thuẫn về những điều là sự thật hiển nhiên. Một điểm cần nhớ nữa là những cuốn bách khoa toàn thư khác nhau chứa đựng các dữ kiện khác nhau. Vì vậy, nếu bạn muốn dựa vào bách khoa toàn thư để triển khai một đề tài nào đó thì không nên bó hẹp trong một cuốn. Hãy đọc nhiều hơn một và tốt hơn hãy đọc các cuốn được viết vào các thời điểm khác nhau nếu có thể.
Mặc dù từ điển là sách về từ, còn bách khoa toàn thư là sách về các dữ kiện, nhưng khi tra cứu nó cũng có một số điểm lưu ý tương tự như tra cứu từ điển.
1. DỮ KIỆN LÀ NHẬN ĐỊNH. Người ta dùng từ điển để diễn đạt các dữ kiện. Ví dụ: “Tổng thống Abraham Lincoln sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809” hoặc “số nguyên tử của vàng là 79”. Dữ kiện không phải là vật chất giống như từ, những dữ kiện cần phải được giải thích. Để hiểu cặn kẽ, bạn phải nắm được tầm quan trọng của một dữ kiện và biết được tầm ảnh hưởng của nó lên sự thật mà bạn đang kiếm tìm. Bạn sẽ không thể biết được nhiều nếu tất cả những gì bạn biết chỉ là các dữ kiện.
2. DỮ KIỆN LÀ NHỮNG NHẬN ĐỊNH ĐÚNG. Dữ kiện không phải là những quan điểm cá nhân. Khi một người nói “sự thật là” thì người đó hàm ý là mọi người nhìn chung nhất trí đó là sự thật, chứ không phải chỉ riêng anh ta hay một số người khác nhất trí như vậy. Chính đặc tính này của dữ kiện đã mang lại tiếng nói và phong cách cho bách khoa toàn thư. Một cuốn bách khoa toàn thư sẽ không trung thực nếu có ý kiến riêng của các biên tập viên mà không được số đông hưởng ứng. Tất nhiên một cuốn bách khoa toàn thư vẫn được phép ghi lại ý kiến các nhân (ví dụ, trong một cụm từ như “một số người cho rằng…, số khác lại thấy…”) nhưng cần phải nói rõ ràng. Yêu cầu chỉ được nêu dữ kiện, không nêu ý kiến (trừ trường hợp như ví dụ trên) cũng hạn chế tính bao quát của các cuốn bách khoa toàn thư. Nó không thể giải quyết thấu đáo những vấn đề còn gây tranh cãi, mà chỉ có thể ghi lại chính xác những bất đồng của con người về các vấn đề đó mà thôi.
3. DỮ KIỆN PHẢN ÁNH HIỆN THỰC. Dữ kiện có thể là các ý thông tin đơn lẻ hoặc là những kiến thức tổng quát tương đối hiển nhiên (ví dụ: “Ngày sinh của Lincoln “ là một thông tin đơn lẻ, nhưng “số nguyên tử của vàng” lại là kiến thức tổng quát tương đối hiển nhiên). Nhưng dù ở trường hợp nào, nó cũng được dùng để diễn tả sự tồn tại của sự vật. Do đó dữ kiện không phải là ý kiến hay quan niệm, cũng không phải là những dự đoán về hiện thực. Nói cách khác, lời giải thích một hiện thực hay một phần của nó, không phải là dữ kiện trừ phi phần đông nhất trí điều đó là đúng.
4. DỮ KIỆN, VỀ MỘT KHÍA CẠNH NÀO ĐÓ, MANG TÍNH THÔNG LỆ. Có những nhận định được coi là sự thật ở giai đoạn này, nhưng đến giai đoạn khác chúng không còn là sự thật nữa. Còn dữ kiện thì không thay đổi vì nó phản ánh hiện thực và luôn đúng.
Dữ kiện, về một khía cạnh nào đó, bị quy định bởi các yếu tố văn hoá. Ví dụ, trong suy nghĩ của một nhà nghiên cứu nguyên tử thường tồn tại một cấu trúc phức tạp mang tính giả thuyết về hiện thực, khiến ông ta nhìn nhận một số dữ kiện theo hướng khác với một người nguyên thuỷ. Điều này không có nghĩa là nhà khoa học và người nguyên thuỷ kia không thể thống nhất với nhau về bất kỳ dữ kiện nào, mà cả hai phải đồng ý rằng một chỉnh thể vật chất bao giờ cũng lớn hơn bất kỳ bộ phận nào trong nó. Nhưng người nguyên thuỷ có thể không nhất trí với nhà khoa học về các dữ kiện phân tử hạt nhân, cũng như nhà khoa học không tin vào các dữ kiện về phép thuật mang tính nghi thức của người nguyên thuỷ. Do bị yếu tố văn hoá chi phối nên chúng ta có xu hướng ủng hộ nhà khoa học hơn là ủng hộ người nguyên thuỷ.
Một cuốn bách khoa toàn thư hay sẽ trả lời được tất cả các câu hỏi của bạn về các dữ kiện nếu bạn nhớ được những đặc điểm của dữ kiện phác lược ở trên. Nghệ thuật sử dụng bách khoa toàn thư để trợ giúp cho việc đọc chính là nghệ thuật đưa ra các câu hỏi phù hợp về các dữ kiện.
Bạn cũng cần nhờ rằng, bách khoa toàn thư không phải là thứ tốt nhất giúp bạn hiểu được sự việc. Nó có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về thứ tự và cách sắp xếp các đơn vị kiến thức nhưng vẫn có giới hạn của nó. Có rất nhiều vấn đề cần phải hiểu mà bạn không thể tìm thấy trong một cuốn bách khoa toàn thư. Đặc biệt, có hai thứ mà một cuốn bách khoa toàn thư không nói đến. Đó là nó không chứa đựng các lý luận (trừ phi đó là những lý luận ngày nay được mọi người cho là đúng hoặc ít nhất là có giá trị lịch sử) và không có thơ phú hay các tác phẩm văn học viễn tưởng mặc dù nó có thể chứa các dữ kiện về thơ phú và các thi sĩ. Vì thế, một cuốn bách khoa toàn thư không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tìm hiểu sự vật của con người.
PHẦN 3
Tiếp cận những chủ đề
sách khác nhau
13
Cách đọc sách thực hành
Trong bất kỳ môn nghệ thuật hay lĩnh vực thực hành nào, các quy tắc thường quá chung chung nên người học khó áp dụng chúng. Tuy nhiên, càng chung chung, càng ít cô đọng, lại càng thuận lợi cho việc học các quy tắc thực hành. Hơn nữa, càng chung chung lại càng dễ hiểu - tự thân các quy tắc đã rất dễ hiểu. Nhưng cũng đúng khi khẳng định rằng quy tắc càng chung chung thì chúng càng khác xa với những tình huống phức tạp của thực tế, trong khi bạn vẫn phải tuân theo các quy tắc đó.
Ở đây, chúng tôi đã đưa ra các quy tắc đọc, phân tích một cách chung chung nên chúng có thể áp dụng cho bất kỳ cuốn sách miêu tả, giải thích nào. Nhưng bạn không thể đọc sách một cách chung chung, không cụ thể. Bạn có thể đọc nhiều thể loại sách khác nhau nên bạn phải thật linh hoạt và có những thay đổi phù hợp khi áp dụng các quy tắc đó.
Điều quan trọng cần lưu ý là 15 quy tắc đọc hiểu được nêu trong phần cuối của Chương 11 không thể áp dụng cho việc đọc các tác phẩm giả tưởng và thơ ca. Việc phác thảo cấu trúc một tác phẩm giả tưởng hoàn toàn khác việc phác thảo dàn ý một cuốn sách miêu tả giải thích. Tiểu thuyết, kịch, thơ không theo trình tự các thuật ngữ, nhận định và lý luận. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng không có qua tắc nào có thể áp dụng khi đọc các tác phẩm văn học giả tưởng. Chương kế tiếp viết về các quy tắc tương ứng khi đọc những cuốn sách thuộc thể loại này.
Bạn không cần lo phải học cả 15 hay nhiều hơn thế các quy tắc mới về đọc sách văn học giả tưởng và thơ ca, vì giữa hai loại quy tắc này có mối liên hệ rất dễ nhận ra. Điều cốt lõi là bạn phải đưa ra được bốn câu hỏi cụ thể về bất cứ thứ gì dù là giả tưởng hay thơ ca, lịch sử, khoa học hay triết học. Các quy tắc đọc sách văn học giả tưởng cũng xuất phát từ bốn câu hỏi này, mặc dù sự khác nhau về bản chất của các tài liệu đọc sẽ dẫn tới một vài điểm không tương đồng trong quá trình phát triển.
Trong phần này, chúng tôi sẽ nói kỹ về những câu hỏi này hơn là về các quy tắc đọc; đề cập đến quy tắc mới, ôn lại hoặc sửa đổi quy tắc cũ. Nhưng phần lớn thời gian chúng tôi dành để nhấn mạnh vào các câu hỏi cần phải đặt ra trước tiên và câu trả lời tương ứng có thể có trong quá trình đưa ra các gợi ý về các cách tiếp cận khác nhau khi đọc các loại sách và các tài liệu khác nhau.
Đối với sách miêu tả, chúng tôi có nói rằng loại sách này thường được chia thành hai loại: lý thuyết (chuyên về những gì đã biết) và thực hành (chuyên về các vấn đề hành động). Sách lý thuyết lại có thể chia nhỏ thành sách lịch sử, khoa học (và toán học) và triết học. Việc phân loại sách thực hành thường không có giới hạn rõ ràng nên chúng tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn bản chất của loại sách này, đồng thời đưa ra những gợi ý và chú ý cho bạn khi đọc chúng.
Hai loại sách thực hành
Điều quan trọng nhất cần phải ghi nhớ về bất kỳ cuốn sách thực hành nào là cuốn sách đó không thể giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nó nói đến. Một cuốn sách lý thuyết có thể làm được việc đó trong khi một vấn đề thực tiễn phải được giải quyết bằng chính hành động. Khi vấn đề thực tiễn của bạn là làm thế nào để kiếm sống, thì cuốn cẩm nang kết bạn hay sách dạy cách “dùng” người không thể giúp gì cho bạn mặc dù trong đó có những gợi ý về cách tiến hành một việc như thế nào. Nếu không bắt tay vào hành động thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Vấn đề nêu trên chỉ có thể được giải quyết khi bạn ra ngoài làm việc kiếm sống.
Cuốn sách này là một ví dụ. Đó là một cuốn thực hành. Nếu sự hứng thú của bạn đối với cuốn sách mang tính thực tế, bạn sẽ muốn giải quyết vấn đề về phương pháp học đọc. Bạn không thể coi là đã giải quyết vấn đề hay đã vượt qua khó khăn cho tới khi bạn thật sự bắt tay vào đọc nó. Tự quyển sách này không thể giải quyết vấn đề cho bạn. Nó chỉ là công cụ trợ giúp. Bạn phải thực hành đọc, không chỉ đọc cuốn sách này mà còn phải đọc nhiều cuốn khác. Chính vì vậy, người ta thường nói không gì ngoài hoạt động thực tiễn có thể giải quyết vấn đề thực tiễn và hành động chỉ có trong đời sống, không phải trong sách vở.
Mỗi hành động đều xảy ra trong một trường hợp cụ thể. Bạn không thể hành động một cách chung chung. Lời đánh giá thực tiễn ngay trước hành động phải thật cụ thể. Nó có thể được diễn đạt bằng từ nhưng điều đó là rất hiếm. Đánh giá đó gần như không bao giờ thấy có trong sách vì chính tác giả của cuốn sách thực hành cũng không thể lường trước được các tình huống thực tiễn cụ thể mà trong đó người đọc phải hành động. Dù đã cố gắng trợ giúp người đọc, tác giả vẫn không thể đưa ra những lời khuyên thực tế cụ thể. Chỉ có người từng trải qua tình huống như vậy mới có thể làm được.
Tuy nhiên, trong sách thực hành lại có các quy tắc chung có thể áp dụng trong nhiều trường hợp cụ thể cùng loại. Ai sử dụng sách thực hành cũng phải áp dụng những quy tắc đó cho các trường hợp cụ thể, do đó phải tập đưa ra những đánh giá về những gì đã làm. Nói cách khác, chính người đọc phải bỏ sung cho cuốn sách để có thể áp dụng nó vào thực tiễn bằng cách đưa ra những hiểu biết của mình về một tình huống cụ thể, bên cạnh những đánh giá về cách áp dụng các quy tắc vào từng trường hợp.
Người đọc thường cho rằng, bất cứ cuốn sách nào có chứa quy tắc cũng là sách thực hành. Nhưng một cuốn sách thực hành có thể có nhiều thứ khác ngoài các quy tắc. Nó có thể đưa ra các nguyên tắc hay yếu tố đặc trưng làm nền tảng cho các quy tắc, khiến chúng dễ hiểu. Ví dụ, trong cuốn sách thực hành về đọc này, chúng tôi đã cố gắng giải thích cho độc giả hiểu các quy tắc thông qua những lý luận ngắn gọn về các nguyên tắc ngữ pháp, tu từ và logic. Những yếu tố trên chính là mặt lý thuyết của vấn đề.
Sách thực hành có thể chia làm hai loại chính. Một loại về cơ bản trình bày các quy tắc (ví dụ như cuốn sách này hoặc sách dạy nấu ăn, sách hướng dẫn lái xe). Dù trong sách có thể có thêm những phần thảo luận nhưng tất cả đều phục vụ các quy tắc. Có rất ít cuốn sách lớn thuộc loại này. Loại thứ hai chủ yếu nói về các nguyên tắc hay các yếu tố đặc trưng tạo ra các quy tắc. Hầu hết các cuốn sách lớn vè kinh tế học, chính trị, đạo đức đều thuộc loại này.
Sự phân loại như trên không rõ ràng và triệt để. Trong cùng một cuốn sách có thể thấy cả nguyên tắc và quy tắc. Vấn đề là cái nào được nhấn mạnh hơn. Người đọc sẽ nhanh chóng xếp những cuốn sách có các quy tắc về bất kỳ lĩnh vực nào vào loại sách thực hành. Còn khi mới xem qua cuốn nào có các nguyên tắc thực hành có thể bị cho là sách lý thuyết.
Khi đọc một cuốn sách thiên về các quy tắc thì những nhận định chủ yếu cần tìm phải là các quy tắc. Một quy tắc thường được thể hiện bằng câu mệnh lệnh hơn là câu kể. Ví dụ: “Hãy tiết kiệm bằng cách có những chấn chỉnh kịp thời”. Quy tắc này cũng có thể diễn tả bằng câu kể như sau: “Chấn chỉnh kịp thời sẽ tiết kiệm được rất nhiều”. Cả hai hình thức diễn đạt trên đều khuyên ta làm cái gì cũng phải đúng lúc, kịp thời, mặc dù câu mệnh lệnh nghe có vẻ nhấn mạnh hơn nhưng chưa chắc đã dễ nhớ hơn. Dù diễn xuôi hay diễn bằng câu mệnh lệnh, bạn vẫn có thể nhận ra đó là một quy tắc vì nó khuyên bạn cần phải làm điều nên làm. Tác giả sách thực hành có thể viện đến nhiều yếu tố để thuyết phục người đọc rằng các quy tắc nêu trong sách là hợp lý hoặc minh họa sự hợp lý đó bằng cách cho người đọc thấy được cách thức hoạt động của chúng trong trường hợp cụ thể. Việc viện đến các yếu tố đặc trưng thường kém thuyết phục hơn, nhưng lại có thể giải thích các quy tắc cặn kẽ hơn so với việc lấy ví dụ về việc sử dụng các quy tắc.
Đối với loại sách thực hành nói về các nguyên tắc tạo nên quy tắc, những nhận định và lý luận chính của nó thường giống sách lý thuyết đơn thuần. Các nhận định đưa ra tình huống và lý luận sẽ chứng minh tình huống đó. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa đọc cuốn sách loại này với đọc một cuốn sách thuần lý thuyết. Vì vấn đề cần phải giải quyết mang tính thực tiễn nên một độc giả thông minh phải tìm ra được ẩn ý của tác giả khi đọc các cuốn sách về nguyên tắc thực hành. Người này sẽ cố gắng tìm ra những quy tắc không được thể hiện trực tiếp, nhưng có thể rút ra từ các nguyên tắc và chỉ ra các quy tắc nên được áp dụng như thế nào trong thực tiễn. Nếu không đọc theo cách đó, một cuốn sách thực hành sẽ không được coi là sách thực hành.
Khi bạn không thể đọc một cuốn sách thực hành theo đúng nghĩa thực hành có nghĩa là cách đọc của bạn không đúng. Bạn sẽ không thể hiểu được một cách thật sự và cũng không thể phê bình một cách xác đáng.
Khi đánh giá một cuốn sách thực hành, mọi thứ đều hướng tới kết quả đạt được. Nếu bạn không chia sẻ niềm đam mê về sự công bằng kinh tế với Karl Mark, thì học thuyết kinh tế của ông và việc cải cách kinh tế mà học thuyết đó đề ra đối với bạn là không phù hợp hoặc thậm chí sai về mặt thực tiễn. Những đánh giá của bạn sẽ hướng tới kết quả hay sản phẩm đạt được chứ không phải phương tiện tiến hành.
Vai trò của thuyết phục
Phần thảo luận này gợi ý cho bạn về hai câu hỏi lớn mà bạn phải tự hỏi bản thân khi đọc bất kỳ loại sách thực hành nào. Đó là: Mục tiêu của tác giả khi viết sách là gì? Tác giả đã gợi ý sử dụng phương tiện nào để đạt được những mục tiêu đó? Trả lời được hai câu hỏi này bạn mới hiểu và phê bình được một cuốn sách thực hành.
Mỗi cuốn sách thực hành đều có sự pha trộn giữa hùng biện và tuyên truyền. Chúng tôi chưa bao giờ đọc một cuốn sách về triết lý chính trị mà không cố thuyết phục người đọc tin vào một hình thức chính phủ tốt nhất, dù nó nghe có vẻ lý thuyết hay trừu tượng đến đâu. Cũng như vậy, các tiêu chuẩn đạo đức thuyết phục người đọc tin vào sự tồn tại của một cuộc sống tốt đẹp và đưa ra các cách để có được cuộc sống đó. Còn ở đây, chúng tôi cố thuyết phục độc giả nên đọc sách theo một cách nhất định, tất cả nhằm giúp bạn có thể hiểu được nội dung cuốn sách.
Bây giờ, bạn sẽ hiểu vì sao tác giả một cuốn sách thực hành luôn phải sắm vai của một nhà diễn thuyết hay tuyên truyền viên. Kết quả tác giả đưa ra có chinh phục bạn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào anh ta. Tác giả phải lý luận làm sao để có thể tác động đến cả con tim và khối óc của người đọc. Anh ta phải biết cách vừa tác động đến cảm xúc vừa điều khiển được lý trí của độc giả.
Làm như vậy không có gì là sai hay xấu xa. Bản chất của các vấn đề liên quan đến thực hành là phải thuyết phục con người tư duy và làm theo một hướng nhất định. Cả suy nghĩ và hành động thực tiễn đều không phải là việc của trí óc mà cần có sự tham gia của cảm xúc. Không ai đưa ra những đánh giá thực tiễn nghiêm túc hay bắt tay làm một việc gì mà không có chút cảm xúc nào. Khi viết sách thực hành, tác giả nào không nhận ra điều này thì nội dung sách sẽ không hiệu quả. Còn độc giả nào không nhận ra điều đó có thể chỉ mang về nhà một hoá đơn mua hàng mà không biết nó là cái gì.
Cách bảo vệ bản thân tốt nhất khỏi những cám dỗ của mọi lời tuyên truyền là nhận diện chúng được sử dụng nhằm mục đích gì. Chỉ những diễn thuyết ẩn hoặc không thể phát hiện mới thật sự nguy hiểm. Những gì đi thẳng tới con tim mà không qua khối óc sẽ khiến con người mất đi lý trí. Tuyên truyền giống như một liều thuốc bạn đang nuốt dần mà không biết và hậu quả là rất khó lường.
Những độc giả biết cách đọc sách thực hành một cách thông minh, nắm được các thuật ngữ, nhận định và lý luận cơ bản luôn có cách phát hiện ra các lời diễn thuyết ẩn trong sách. Người đó có thể chỉ ra phần nào của cuốn sách sử dụng các từ tác động đến cảm xúc. Ý thức được rằng mình sẽ bị thuyết phục, anh ta sẽ làm gì đó để ngăn chặn sự cám dỗ, ví dụ như kiềm chế mua sắm. Đây là một biện pháp tốt vì nó giúp bạn không mua hàng vội vàng, thiếu suy nghĩ. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn. Một độc giả kiên quyết làm ngơ trước mọi cám dỗ thì có lẽ không nên đọc sách thực hành.
Sự đồng ý đòi hỏi những yếu tố nào trong sách thực hành?
Trong phần này, chúng tôi phân tích những thay đổi đối với bốn câu hỏi cần phải đặt ra khi đọc bất cứ cuốn sách thực hành nào.
Câu hỏi thứ nhất (Cuốn sách viết về cái gì?) không thay đổi nhiều lắm. Khi trả lời câu hỏi này, bạn vẫn phải chỉ ra cấu trúc của cuốn sách. Yêu cầu có vai trò quan trọng hơn cả là phải tìm ra vấn đề tác giả nêu ra là gì. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra mục tiêu của tác giả, tức là bạn phải biết tác giả đang giải quyết vấn đề gì, ông ta muốn làm gì. Biết được ý định của tác giả cũng có nghĩa là biết ông ta muốn bạn làm gì.
Câu hỏi thứ hai (Những gì được đề cập chi tiết trong sách?) cũng không thay đổi nhiều. Để trả lời câu hỏi này, bạn vẫn phải tìm hiểu thuật ngữ, nhận định và lý luận mà tác giả sử dụng. Hãy nhớ lại quy tắc 8 yêu cầu bạn phải biết vấn đề gì tác giả đã giải quyết và vấn đề gì chưa được giải quyết. Khi áp dụng với sách thực hành, bạn phải khám phá ra và hiểu được các phương tiện mà tác giả gợi ý nên dùng để đạt được mục đích của ông ta.
Câu hỏi thứ ba (Cuốn sách có đúng không?) thay đổi nhiều hơn hai câu trên một chút. Đối với sách lý thuyết, bạn có thể trả lời câu hỏi này bằng cách đối chiếu, so sánh những gì tác giả miêu tả và giải thích về sự vật, hiện tượng với kiến thức của riêng mình. Nếu nội dung cuốn sách nhìn chung phù hợp với những gì bạn trải nghiệm về sự vật, hiện tượng thì bạn phải thừa nhận tính chân thực của nó, ít nhất là một phần nội dung sách. Đối với sách thực hành, mặc dù có sự so sánh giữa sách vở và thực tế, nhưng mối quan tâm chính vẫn là liệu mục tiêu của tác giả tức kết quả mà ông ta tìm kiếm cùng các phương tiện ông ta đưa ra để đạt được những mục tiêu đó có phù hợp với quan niệm của bạn không.
Câu hỏi thứ tư (Ý nghĩa của cuốn sách là gì?) có nhiều thay đổi nhất. Nếu đọc xong một cuốn sách lý thuyết, quan điểm của bạn về vấn đề viết trong sách có thay đổi ít nhiều thì bạn buộc phải có những điều chỉnh nhất định về cách nhìn nhận sự việc của mình, nhưng không nhất thiết phải hành động theo sự điều chỉnh đó. Đối với sách thực hành, nếu bạn nhất trí với nội dung của nó thì bạn phải hành động. Khi tác giả thuyết phục được bạn rằng kết quả ông ta đưa ra là đáng coi trọng, và bạn tin những phương tiện tác giả đề xuất có thể dùng để đạt được kết quả đó thì bạn sẽ khó từ chối hành động theo cách tác giả mong muốn. Ví dụ, sau khi đọc hết Phần 2 cuốn sách này, nếu bạn nhất trí rằng rất đáng bỏ sức ra để đọc phân tích và chấp nhận coi các quy tắc đọc như một công cụ trợ giúp mục đích đó thì bạn phải bắt đầu đọc theo cách mà chúng tôi miêu tả. Ngược lại, bạn sẽ không hành động theo hướng dẫn của chúng tôi nếu bạn không thật sự nhất trí và chấp nhận các điều trên.
Cũng có trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, bạn đọc một bài báo dạy cách làm bánh sôcôla. Bạn thích ăn sôcôla và đồng ý với tác giả bài báo rằng sản phẩm bánh làm ra là ngon. Bạn cũng chấp nhận công thức làm món bánh này nhưng vì là nam giới và không bao giờ vào bếp nên bạn quyết định không thực hành làm món bánh đó. Ví dụ này chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa các loại sách thực hành. Có những sản phẩm do tác giả đưa ra mang tính chung chung, phổ biến nên có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng cũng có sản phẩm mang tính lựa chọn chỉ có thể áp dụng cho một nhóm người nhất định và độc giả phải tự quyết định mình có thuộc nhóm đó hay không. Nếu có, độc giả sẽ ít nhiều hành động theo cách mà sách đã nêu. Rõ ràng đây là vấn đề về tâm lý và nó có tác động đến hiệu quả của việc đọc một cuốn sách thực hành.
14
Cách đọc tác phẩm
văn học giả tưởng
Một số người cho rằng mình biết cách đọc tiểu thuyết một cách thông minh. Nhưng kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rất nhiều người lúng túng, không biết nói gì khi được hỏi họ thích điều gì ở cuốn tiểu thuyết mà họ đọc. Có thể họ thích thật nhưng họ không thể nói cho người khác họ thích như thế nào hoặc điều gì của cuốn sách làm họ thích. Nói cách khác, một người có thể đọc tốt nhưng chưa chắc đã phê bình tốt. Có đọc hiểu và đưa ra lời phê bình được hay không phụ thuộc vào việc người đọc có lĩnh hội đầy đủ thông tin không. Những người không thể diễn tả được họ thích điều gì ở cuốn tiểu thuyết có lẽ đã không đọc kỹ tác phẩm đó.
Chúng tôi có thể cho bạn vài lời khuyên về phương pháp đọc tác phẩm văn học giả tưởng. Trước tiên, chúng tôi nêu ra những điều không nên làm thay cho các quy tắc có tính xây dựng. Tiếp đến, chúng tôi dùng phép loại suy để chuyển các quy tắc đọc sách khoa học thành các quy tắc đọc sách giả tưởng. Cuối cùng, trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ kiểm tra lại các vấn đề liên quan đến đọc các thể loại văn học giả tưởng cụ thể (bao gồm tiểu thuyết, kịch và thơ trữ tình).
Những điều không nên khi đọc tác phẩm giả tưởng
Chúng ta không thể đọc một cuốn tiểu thuyết như đọc một tác phẩm lý luận triết học; không thể đọc một bài thơ trữ tình như thể đó là một công thức toán học vì giữa văn học giả tưởng và tác phẩm mô tả có những điểm khác nhau.
Sự khác biệt rõ nhất có liên quan đến mục đích sáng tác của hai thể loại sách này là tác phẩm mô tả thường chuyển tải kiến thức mà độc giả có thể đã có hoặc chưa có. Còn tác phẩm giả tưởng thường chia sẻ những trải nghiệm - những điều mà người đọc chỉ có thể có bằng cách đọc tác phẩm. Hai thể loại này đều cần tới cả lý trí và óc tưởng tượng, nhưng khác nhau về cách thức.
Chúng ta nhận biết sự vật qua các giác quan và trí tưởng tượng. Để biết bất cứ điều gì, chúng ta phải vận dụng khả năng đánh giá và lý luận. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể suy nghĩ mà không dùng trí tưởng tượng. Vấn đề là yếu tố nào được nhấn mạnh hơn. Các tác phẩm văn học giả tưởng chủ yếu dựa vào trí tưởng tượng, đối lập với khoa học và triết học – hai môn thiên về trí tuệ. Từ thực tế này, chúng tôi muốn bạn nhớ điều quan trọng nhất là đừng cố chống lại những gì mà một tác phẩm giả tưởng tác động lên bạn.
Chúng ta đã thảo luận khá kỹ về tầm quan trọng của việc đọc chủ động. Đọc chủ động đúng với tất cả các loại sách nhưng giữa tác phẩm mô tả với tác phẩm thơ ca, đọc chủ động lại đúng theo kiểu khác nhau. Độc giả của các tác phẩm mô tả giống như một con chim bắt mồi, luôn tỉnh táo và sẵn sàng lật lại vấn đề. Còn độc giả các tác phẩm thơ ca hay giả tưởng không hành động như vậy, mà tuỳ theo tác phẩm tác động đến độc giả như thế nào thì độc giả hành động như thế. Hãy để câu chuyện lay chuyển, tác động lên chúng ta một cách tự nhiên và bằng cách nào đó làm cho bản thân mình mở lòng đón nhận tác phẩm.
Triết học, khoa học, toán học là các môn hình thành nên thế giới thực mà chúng ta đang sống. Nhưng chúng ta không sống trong thế giới này nếu không thể thoát khỏi nó vào một lúc nào đó. Chúng tôi không có ý nói rằng văn học giả tưởng luôn luôn hoặc nhất thiết phải siêu thoát. Nếu ta phải thoát ra khỏi hiện thực, thì đó chính là hiện thực của đời sống nội tâm, của tầm nhìn duy nhất về thế giới xung quanh. Việc khám phá hiện thực sẽ mang lại hạnh phúc và thoả mãn một phần nào đó trong con người chúng ta mà bình thường ta không thể có được. Bất cứ lúc nào, các quy tắc áp dụng cho việc đọc một tác phẩm văn học lớn nên để lại tác động hoặc hiệu quả nào đó ở người đọc như một trải nghiệm sâu sắc. Chúng phải xoá bỏ được mọi rào cản ngăn chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc theo đúng khả năng của mình.
Giữa tác phẩm mô tả và tác phẩm giả tưởng còn có sự khác biệt về ngôn ngữ. Các tác giả văn học giả tưởng thường cố gắng sử dụng tối đa tính mập mở, không rõ nghĩa của từ ngữ để giữ được tất cả sự phong phú và hiệu lực vốn có trong các nghĩa khác nhau của từ. Họ có thể dùng phép ẩn dụ như là một chất liệu sáng tác. Bạn có thể áp dụng những gì tác giả Dante nói về tác phẩm The Divine Comedy (Hài kịch của thánh thần) - rằng tác phẩm này cần phải đọc với nhiều tầng nghĩa, tuy liên quan tới nhau nhưng lại khác nhau – khi đọc thơ ca và văn học giả tưởng. Ý nghĩa của tác phẩm giả tưởng phụ thuộc vào cả những gì đã nói ra và những gì hàm ẩn trong đó. Việc lồng ghép các ẩn dụ thường làm cho nội dung tác phẩm có thêm nhiều lớp nghĩa chứ không chỉ nằm trong các từ ngữ viết nên tác phẩm. Có khi toàn bộ tác phẩm nói về một vấn đề hoàn toàn khác mà không từ ngữ nào trong đó diễn tả hết. Trong khi đó, một tác phẩm mô tả thường hướng tới sự minh bạch, rõ ràng. Mọi điều liên quan đến chủ đề và có thể nói được đều cần phải nói càng rõ càng tốt.
Từ luận điểm trên, chúng tôi muốn bạn ghi nhớ một điều quan trọng nữa là đừng tìm kiếm các thuật ngữ, nhận định hay lý luận trong các tác phẩm văn học giả tưởng. Đó chỉ là những công cụ logic, không phải công cụ thơ ca. Nhà thơ Mark Van Doren từng nói: “Trong thơ ca và kịch, mỗi câu chỉ là một phương tiện truyền đạt tối nghĩa hơn”. Ví dụ, bạn không thể tìm thấy nội dung bao quát của một bài thơ trữ tình trong bất kỳ câu thơ đơn lẻ nào. Toàn bộ bài thơ nói lên một điều mà không bao giờ có thể giới hạn trong khuôn khổ các nhận định.
Tất nhiên, các tác phẩm văn học giả tưởng, từ thơ ca đến truyện và đặc biệt là kịch cũng có nhiều điều để độc giả học hỏi nhưng không giống với cách mà chúng ta học từ sách khoa học và triết học. Chúng ta học những kinh nghiệm đúc kết trong cuộc sống hằng ngày, kinh nghiệm sẵn có hoặc kinh nghiệm mà các tác phẩm giả tưởng đã tạo ra trong trí tưởng tượng của chúng ta. Theo nghĩa này, thơ ca và truyện có chức năng vừa giải trí vừa răn dạy. Trong khi đó, các tác phẩm mô tả không cung cấp cho ta kinh nghiệm mới, mà chỉ nhận xét kinh nghiệm mà ta đã có hoặc có thể có. Vì thế có thể nói rằng sách mô tả dạy chúng ta một cách cơ bản, còn sách giả tưởng dạy những thứ phát sinh bằng cách tạo ra những kinh nghiệm mà ta có thể học hỏi được. Muốn học từ sách giả tưởng, chúng ta phải tự suy nghĩ về những bài học đó; còn để học được từ nhà khoa học và triết gia, trước hết bạn phải hiểu những gì họ nghĩ.
Điều quan trọng cuối cùng bạn cần nhớ là đừng lấy các tiêu chuẩn về tính chân thực và sự đồng nhất áp dụng khi trao đổi kiến thức để phê phán các tác phẩm giả tưởng. Tính chân thực của một câu chuyện hay chính là khả năng thực chất và tính khả thi của nó. Đó phải là một câu chuyện tả thực, nhưng không thất thiết phải miêu tả hiện thực cuộc sống, xã hội theo phương pháp thí nghiệm hay nghiên cứu. Aristotle đã nhận định rằng tiêu chuẩn của tính chân thực trong thơ ca không giống như trong chính trị hay trong vật lý, tâm lý học. Người ta có thể phê phán những thông tin thiếu chính xác về kỹ thuật giải phẫu học hoặc thông tin sai về địa lý, lịch sử trong những cuốn sách chuyên ngành. Nhưng khi kể một câu chuyện, người kể có thể kể sai sự việc mà vẫn không làm hỏng và câu chuyện nếu biết bọc lót thành công bằng những chi tiết hợp lý khác. Khi đọc một cuốn sách lịch sử, ta muốn biết tính chân thật về một nội dung nào đó và có quyền phàn nàn nếu không được thỏa mãn ước muốn trên. Với một cuốn tiểu thuyết, ta chỉ có thể biết câu chuyện đó là có thật trong thế giới của các nhân vật và sự kiện mà người viết đã tạo ra và tái tạo lại trong mỗi chúng ta.
Sau khi đọc xong và hiểu được nội dung của một cuốn sách triết học, ta có thể kiểm tra tính chân thực của nó dựa trên kinh nghiệm thông thường. Nhưng đối với thơ ca thì không như vậy. Ví dụ, ta không thể kiểm tra tính chân thực của tác phẩm Othello dựa trên kinh nghiệm của bản thân, trừ khi chúng ta thuộc dòng họ Moors và kết hôn với một quý cô người Venetian.
Quy tắc chung đọc sách văn học giả tưởng
Để ba điều quan trọng bạn cần nhớ ở phần trên hữu dụng hơn, cần có các gợi ý mang tính xây dựng bổ trợ cho chúng. Những gợi ý này có thể rút ra từ các quy tắc đọc sách mô tả.
Các quy tắc đó chia làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất là các quy tắc cấu trúc, gồm các quy tắc khám phá ra tính thống nhất và cấu trúc toàn thể - bộ phận; Nhóm thứ hai là các quy tắc giải nghĩa, gồm các quy tắc về xác định và giải nghĩa của các thuật ngữ, nhận định, lý luận có trong sách; Nhóm thứ ba là các quy tắc phê phán gồm các quy tắc về phê bình học thuyết của tác giả. Bằng phép tương đồng, ta có thể tìm ra tập hợp các quy tắc giống nhau hướng dẫn việc đọc thơ, tiểu thuyết và kịch.
Trước tiên, ta có thể chuyển các quy tắc cấu trúc thành các đồng dạng hư cấu như sau:
(1) Bạn phải phân loại một tác phẩm văn học giả tưởng theo thể loại. Nội dung (hay cốt truyện) của thơ trữ tình thường là những trải nghiệm chứa đựng nhiều cảm xúc, trong khi cốt truyện của tiểu thuyết và kịch thường phức tạp hơn với nhiều nhân vật, nhiều hành động và các mối liên hệ chằng chéo giữa các nhân vật cùng những cảm xúc khác nhau của từng người. Bên cạnh đó, một vở kịch còn khác một cuốn tiểu thuyết ở chỗ vở kịch được thể hiện toàn bộ bằng hành động và lời thoại (trừ một số ngoại lệ sẽ được nói đến ở phần sau). Nhà soạn kịch không thể tự nói ra lời thoại giống như các tiểu thuyết gia vẫn thường làm. Những khác biệt trong phong cách sáng tác sẽ làm cho sự tiếp nhận của độc giả không giống nhau. Do đó, bạn cần phải nhanh chóng nhận ra tác phẩm mình đang đọc thuộc loại sách giả tưởng nào.
(2) Bạn phải nắm được tính thống nhất của toàn bộ tác phẩm bằng cách miêu tả tính thống nhất đó trong một hoặc hai câu ngắn gọn. Tính thống nhất của một tác phẩm mô tả chủ yếu nằm ở vấn đề chính mà nó giải quyết. Tính thống nhất của một tác phẩm giả tưởng cũng được liên kết với vấn đề mà tác giả phải đối mặt, nhưng vấn đề đó thường là sự cố gắng chuyển tải những kinh nghiệm cụ thể nên tính thống nhất của một câu chuyện luôn nằm trong chính cốt truyện. Bạn không thể hiểu hết toàn bộ câu chuyện cho đến khi có thể tóm tắt cốt truyện một cách ngắn gọn, chứ không phải nêu ra một nhận định hay lý luận. Trong bản tóm tắt đó có tính thống nhất của tác phẩm.
(3) Bên cạnh việc tối giản hoá sự thống nhất, bạn còn phải tìm ra phương thức tạo nên chỉnh thể thống nhất đó từ tất cả các thành phần đơn lẻ. Các phần của một tác phẩm giả tưởng chính là các bước nhỏ tác giả dùng để phát triển cốt truyện. Trong khoa học và triết học, các phần được sắp xếp theo trật tự logic còn trong một câu chuyện, chúng được sắp xếp theo trình tự phát triển (có phần mở đầu, phần giữa và kết thúc). Để nắm được cấu trúc một câu chuyện, bạn phải biết câu chuyện bắt đầu từ đâu, điều gì xảy ra sau đó và kết thúc ở đâu. Bạn cũng phải nắm được các bi kịch dẫn tới cao trào, cao trào đó xảy ra ở đâu và như thế nào, kết quả ra sao.
Các phần trong tác phẩm mô tả thường dễ đọc hơn các phần của một cuốn sách giả tưởng. Ví dụ, cuốn Elements (Các yếu tố) của Euclid được chia thành mười ba phần hay mười ba quyển và bạn có thể tách riêng cuốn thứ nhất ra đọc mà vẫn có thể hiểu được. Đây là một cuốn sách mô tả có bố cục rõ ràng, các phần hoặc các chương trong đó dù bị tách ra hoặc chia thành những phần nhỏ nhưng vẫn có nghĩa. Trong khi các chương của một cuốn tiểu thuyết, các hồi của một vở kịch hoặc các khổ thơ thường sẽ trở nên vô nghĩa khi bị tách khỏi một tác phẩm nguyên vẹn.
Thứ hai, đâu là các quy tắc giải nghĩa khi đọc tác phẩm văn học giả tưởng?
(1) Các yếu tố của một tác phẩm giả tưởng bao gồm các phần và tình tiết, các nhân vật, suy nghĩ, lời thoại, cảm xúc và hành động của nhân vật. Tác giả sử dụng các yếu tố này để hình thành nên thế giới trong tác phẩm. Bạn phải quen thuộc từng chi tiết của các tình tiết và nhân vật. Bạn không thể nắm rõ được nội dung câu chuyện nếu chưa quen hết các nhân vật và chưa đọc hết các tình tiết trong truyện.
(2) Các thuật ngữ được kết nối với nhau trong các nhận định. Các yếu tố của một tác phẩm giả tưởng gắn kết với nhau trong từng bối cảnh. Các tác giả của một tác phẩm giả tưởng luôn tạo ra một thế giới giả tưởng – nơi các nhân vật sống, chuyển động và thể hiện bản thân họ. Bạn hãy coi thế giới giả tưởng đó là nhà mình, hiểu nó như thể bạn có mặt tại mỗi phân cảnh, hãy là một thành viên trong thế giới giả tưởng, sẵn sàng làm bạn với các nhân vật và có thể đặt mình vào các tình tiết với niềm cảm thông sâu sắc và hành động, chia sẻ như một người bạn thật sự. Như vậy, các yếu tố giả tưởng sẽ không còn là những quân tốt di chuyển máy móc trên bàn cờ.
(3) Nếu có bất cứ sự vận động nào trong một cuốn sách mô tả thì đó là sự vận động của lý luận, từ các luận chứng, lý lẽ đến kết luận. Khi đọc những cuốn sách này, người đọc cần phải theo sát lý luận của tác giả. Sau khi tìm ra các thuật ngữ và nhận định, độc giả phải phân tích các lý lẽ đi cùng. Để giải nghĩa một tác phẩm giả tưởng, độc giả cũng phải thực hiện bước cuối cùng tương tự như vậy. Khi đã quen với các nhân vật trong truyện, bạn có thể tìm ra mối liên hệ giữa họ trong thế giới tưởng tượng mà họ đang sống, chấp nhận các quy định xã hội của họ, hít thở bầu không khí, thưởng thức đồ ăn của thế giới đó và theo học tới cùng qua các cuộc phiêu lưu. Aristotle đã nói cốt truyện là linh hồn của truyện. Để đọc tốt một câu chuyện, bạn phải bắt mạch câu chuyện, nhạy cảm với từng nhịp đập của nó.
Thứ ba, các quy tắc phê phán khi đọc tác phẩm giả tưởng là gì? Đó là đừng phê bình một tác phẩm giả tưởng cho tới khi bạn hoàn toàn coi trọng cố gắng của tác giả trong việc giúp bạn trải nghiệm điều gì đó.
Một người đọc truyện giỏi sẽ không thắc mắc về thế giới do tác giả tạo ra. Chúng ta có thể dồng ý hoặc không đồng ý, thích hoặc không thích tác phẩm văn học giả tưởng. Khi đưa ra lời phê bình sách mô tả, ta nhằm vào tính chân thực của cuốn sách. Với tác phẩm văn chương, sự phê bình lại chủ yếu tập trung đến vẻ đẹp của tác phẩm. Vẻ đẹp của bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng liên quan đến mức độ hài lòng của người đọc khi hiểu rõ tác phẩm đó.
Trước khi nói ra điều bạn thích và không thích, bạn phải chắc chắn là mình đã nỗ lực tìm hiểu và đánh giá cao tác phẩm. Đánh giá cao ở đây có nghĩa là bạn đã trải qua những gì mà tác giả đã tác động lên cảm xúc và trí tưởng tượng của bạn. Cách đọc thụ động không thể giúp bạn đánh giá cao một cuốn tiểu thuyết hay hiểu được một cuốn sách triết học. Ngược lại, bạn phải đọc chủ động, tức là phải thực hiện tất cả các bước đọc phân tích mà chúng tôi đã nêu.
Thông thường, đánh giá đầu tiên của bạn là thị hiếu. Bạn sẽ chỉ ra được điều bạn thích hoặc không thích trong cuốn sách và lý do của nó. Ban đầu, những lý do đó thường mang dấu ấn (ưu tiên và định kiến) của bản thân bạn hơn là của cuốn sách. Do đó, để phê bình chính xác, bạn phải chỉ rõ điều gì trong cuốn sách khiến bạn phản ứng như vậy. Sau khi nói ra điểm mình thích hoặc không thích cùng các lý do, bạn cần chỉ ra điểm tốt, điểm không tốt của cuốn sách và tại sao.
Bạn càng thể hiện mình có khả năng chỉ ra nguyên nhân vì sao bạn thích đọc sách giả tưởng hoặc thơ ca, thì bạn càng hiểu rõ về giá trị nghệ thuật của các tác phẩm văn học. Dần dần, bạn sẽ hình thành được tiêu chuẩn phê bình và có thể tìm ra những bạn đọc có cùng sở thích để cùng nhau chia sẻ ý kiến và cùng phê bình.
15
Những gợi ý khi đọc truyện, kịch và thơ
Trong chương trước, chúng tôi đã trình bày những quy tắc đọc sách văn học giả tưởng. Đó là những quy tắc chung, có thể áp dụng cho tất cả các thể loại văn học giả tưởng dù ở thể văn xuôi hay thơ (bao gồm cả sử thi), dài hay ngắn, dễ hay khó.
Tuy nhiên, những quy tắc chung này phải được điều chỉnh ít nhiều khi áp dụng đối với từng thể loại văn học giả tưởng khác nhau. Trong chương này, chúng tôi xin gợi ý cho bạn những điều chỉnh cần phải có; trình bày một số điểm cụ thể về đọc truyện, kịch và thơ trữ tình; đồng thời đưa một số lưu ý về những vấn đề đặc biệt khi đọc các thiên sử thi và những vở bị kịch nổi tiếng của Hy Lạp.
Nhưng trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi muốn cùng bạn xem lại câu hỏi cơ bản thứ tư cần phải đặt ra khi đọc bất kỳ cuốn sách nào. Đó là “Ý nghĩa của cuốn sách là gì?”
Với sách khoa học, câu trả lời cho câu hỏi này ngầm yêu cầu người đọc thực hiện một số hành động. “Hành động” ở đây không hẳn mang nghĩa đi đâu hoặc làm gì. Chúng tôi đã chỉ ra rằng nếu người đọc đồng tình với một tác phẩm, nghĩa là đồng ý với cách kết thúc của tác phẩm và chấp nhận cách thức tác giả đưa ra để đạt được kết quả đó, họ sẽ buộc phải “hành động”. Nhưng nếu tác phẩm nặng về lý thuyết thì người đọc chỉ thực hiện “hành động” về mặt tinh thần.
Với các tác phẩm văn học hư cấu, câu hỏi thứ tư này phải được hiểu theo cách khác. Xét trên khía cạnh nào đó, bạn không cần đặt ra câu hỏi này khi đọc tiểu thuyết, truyện, kịch hoặc thơ, tức là bạn không phải thực hiện thêm bất cứ hành động nào. Khi áp dụng các quy tắc đọc phân tích vào các tác phẩm trên và đã tìm ra câu trả lời cho ba câu hỏi cơ bản đầu tiên, bạn đã hoàn thành xong trách nhiệm của một độc giả.
Tuy vậy, trên thực tế, các tác phẩm hư cấu thường dẫn người đọc tới những hành động khác nhau. Đôi khi dùng một câu chuyện để chuyển tải một thông điệp lại hiệu quả hơn dùng một cuốn sách thuần tuý trình bày về các vấn đề đó. Hai cuốn sách của George Orwell, Animal Farm (Trại nuôi súc vật) và 1984, đều là những cuộc tấn công mạnh mẽ vào chế độ độc tài. Cuốn Brave New World (Thế giới mới can đảm) của Aldous Huxley lại là một tác phẩm đầy tính hùng biện khi chỉ trích những mặt trái của các tiến bộ kỹ thuật. Cuốn The First Circle (Vòng tròn đầu tiên) của Alexander Solzhenitsyn đã lột tả sự độc ác và tính vô nhân đạo của bộ máy quan liêu Xô Viết rõ nét hơn hàng trăm bản báo cáo và nghiên cứu thực tế. Những tác phẩm như vậy đã bị cấm lưu hành và bị kiểm duyệt nhiều lần trong lịch sử nhân loại với lý do rất rõ ràng như E.B. White từng nói: “Một tên bạo chúa sẽ không sợ những nhà văn có tài hùng biện giảng giải về tự do, mà sợ một nhà thơ say rượu có thể bày ra những trò đùa làm lộ chân tướng của sự việc”.
Tuy nhiên, những hệ quả thực tế của việc đọc thơ và truyện không phải là vấn đề cốt lõi. Các tác phẩm văn học giả tưởng có thể dẫn đến “hành động”, nhưng không phải là mục đích sáng tác ra chúng. Chúng thuộc lĩnh vực mỹ thuật.
Một tác phẩm mỹ thuật được coi là đẹp không phải vì nó được “tinh lọc” hay “hoàn thành”, mà vì tự thân nó đã là một kết thúc. Nó không hướng tới kết quả nào khác ngoài nó. Như Emerson nói về cái đẹp rằng nó là lý do tồn tại của chính nó.
Vì thế, bạn nên thận trọng khi áp dụng câu hỏi “ý nghĩa của cuốn sách là gì” vào các tác phẩm văn học hư cấu. Nếu sau khi đọc xong một cuốn sách, bạn cảm thấy có một sự thôi thúc phải đi ra ngoài và làm một việc gì đó, hãy tự hỏi liệu cuốn sách đó chứa đựng thông điệp gì khiến bạn có những cảm xúc như vậy. Mặc dù nhiều truyện và thơ ít nhiều chứa đựng sâu trong nó những tuyên ngôn nhưng thơ ca vốn không thuộc phạm trù tuyên ngôn hay mang tính thông điệp. Bạn có thể lưu ý và hưởng ứng theo những tuyên ngôn đó nhưng bạn nên nhớ rằng, bạn đang lưu ý và hưởng ứng một điều gì đó chứ không phải bản thân câu chuyện hay bài thơ. Để đọc hiệu quả, tất cả những gì bạn phải làm là trải nghiệm tác phẩm.
Cách đọc truyện
Lời khuyên đầu tiên về cách đọc truyện mà chúng tôi muốn dành cho bạn là hãy đọc thật nhanh với sự chú tâm cao độ. Lý tưởng nhất là đọc một mạch không nghỉ, mặc dù điều này là khá khó khăn với những người bận rộn mà phải đọc một cuốn tiểu thuyết dài. Nếu không được như vậy, bạn nên cố gắng rút ngắn thời gian đọc càng nhanh càng tốt. Nếu đọc ngắt ngãng, bạn sẽ quên mất tình tiết của câu chuyện và mạch văn bị đứt đoạn, bạn sẽ không nắm bắt được nó nữa.
Một số độc giả thích đọc theo kiểu “nhấm nháp” khi họ thật sự thích một cuốn tiểu thuyết nào đó. Họ đọc từng chút một, kéo dài thời gian đọc càng lâu càng tốt. Nhưng cách đọc này có thể không làm thoả mãn mong muốn của họ về sự kiện và nhân vật. Mong muốn ấy nhiều khi nằm trong tiềm thức mà họ không nhận biết được.
Theo chúng tôi, bạn nên đọc nhanh và thật tập trung sao cho tâm trí hoàn toàn đắm chìm vào tác phẩm, nghĩa là để tác phẩm hư cấu thoả sức tác động lên bạn. Hãy mở trái tim và tâm hồn để đón nhận các nhân vật, tạm hoãn mọi sự nghi ngờ (nếu có) về các tình tiết của tác phẩm. Đừng vội phản đối hành động của nhân vật trước khi bạn thật sự hiểu tại sao họ làm như vậy. Cố gắng hết mức có thể để sống trong thế giới của nhân vật đó chứ không phải thế giới của bạn. Ở đó, những gì nhân vật làm sẽ trở nên dễ hiểu hơn với bạn. Và cũng đừng xét đoán tổng thể thế giới trừ phi bạn chắc chắn mình đã “sống” trong thế giới ấy với tất cả con người bạn.
Tuân theo quy tắc này, bạn sẽ trả lời được câu hỏi cơ bản thứ nhất: “Cuốn sách viết về điều gì?”. Nếu không đọc thật nhanh, bạn sẽ không hiểu được tính thống nhất của truyện. Và nếu không đọc kỹ, bạn sẽ không thấy được chi tiết.
Chúng tôi nhận thấy rằng, các thuật ngữ trong truyện đều là tên các nhân vật và sự kiện. Bạn phải thật quen và biết cách phân biệt chúng. Nhưng bạn cũng cần lưu ý điểm này khi đọc những tác phẩm đồ sộ. Ví dụ, rất nhiều độc giả khi mới đọc tiểu thuyết War and Peace (Chiến tranh và hoà bình) của Tolstoy đã bị choáng ngợp bởi số lượng lớn nhân vật, đặt biệt tên các nhân vật lại rất khó đọc. Họ nhanh chóng từ bỏ đọc tác phẩm vì nghĩ rằng mình không thể nhớ được các mối quan hệ phức tạp và cũng không thể phân biệt ai với ai. Đây là sự thật thường gặp khi đọc những cuốn tiểu thuyết lớn.
Nhưng chúng tôi thử đặt tình huống các độc giả đọc cuốn tiểu thuyết trên chuyển đến một nơi ở mới, nơi công tác mới hoặc tham dự một bữa tiệc đông người. Khi đó, người ta ít khi bỏ cuộc nhanh như vậy. Họ biết rằng chỉ sau một thời gian ngắn, họ sẽ biết danh tính từng người. Chúng ta có thể không nhớ tên của tất cả mọi người trong bữa tiệc, nhưng chúng ta sẽ nhớ tên của người đàn ông đã nói chuyện với mình trong suốt một tiếng đồng hồ, hoặc nhớ được cô gái mà mình đã hẹn hò, hoặc nhớ được bà mẹ mà con bà là bạn học của ta. Khi đọc tiểu thuyết, điều tương tự cũng diễn ra. Bạn không cần phải nhớ toàn bộ tên các nhân vật, rất nhiều trong số đó chỉ đơn thuần làm nền cho các nhân vật chính. Tuy nhiên, khi đọc xong Chiến tranh và hoà bình hay bất cứ cuốn tiểu thuyết lớn nào, chúng ta sẽ biết và không bao giờ quên ai là nhân vật quan trọng. Pierre, Andrew, Natasha, công chúa Mary, Nicholas là những cái tên mà ta sẽ nhớ ra ngay dù đã đọc tác phẩm từ rất lâu rồi.
Chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra điều gì là quan trọng trong một loạt các sự kiện. Thường các tác giả sẽ giúp ta nhận biết điều này. Họ không hề muốn độc giả của mình bỏ lỡ bất cứ chi tiết quan trọng nào trong toàn bộ diễn biến câu chuyện, nên họ ngầm gợi ý cho người đọc bằng nhiều cách. Song điều chúng tôi muốn nói là bạn không nên lo lắng nếu lúc đầu mọi thứ có vẻ rối rắm. Một câu chuyện cũng giống như cuộc đời. Trong cuộc sống, không phải lúc nào ta cũng hiểu rõ mọi chuyện ngay khi nó vừa xảy ra, mà phải đợi sau này nhìn lại ta mới hiểu được. Độc giả cũng vậy, khi đã đọc xong tác phẩm, họ sẽ hiểu được mối quan hệ giữa các sự kiện và trình tự hành động của nhân vật.
Tất cả những điều trình bày ở trên đầu dẫn đến một điểm là bạn chỉ có thể nói mình đã đọc tác phẩm một cách hiệu quả khi bạn hoàn thành được nó. Tuy nhiên, truyện lại khác với cuộc đời ở đúng trang cuối của nó. Cuộc sống luôn tiếp diễn, còn truyện thì không. Các nhân vật ra khỏi phạm vi cuốn sách thì không tồn tại nữa và mọi tưởng tượng của bạn về điều gì đã xảy đến với các nhân vật trước mở đầu và sau kết thúc của câu chuyện chỉ là vô nghĩa. Ví dụ, người ta viết Tiền Hamlet nhưng thật là nực cười. chúng ta cũng không nên hỏi điều gì xảy ra cho Pierre và Natasha sau khi Chiến tranh và hoà bình kết thúc. Chúng ta thoả mãn với tác phẩm của Shakespeare và Tolstoy một phần vì chúng có giới hạn về thời gian.
Một trong những lý do khiến truyện hư cấu dường như đã trở thành một phần tất yếu của đời sống con người là vì nó thoả mãn nhiều nhu cầu, kể cả nhu cầu nhận thức được cũng như không nhận thức được của con người. Sách khoa học quan trọng vì chúng chạm đến phần lý trí, nhận thức của con người. Sách hư cấu quan trọng không kém vì chúng chạm đến nhu cầu vô thức của mỗi chúng ta.
Nhiều khi, chúng ta thích hay không thích một tuýp người này hơn tuýp người khác mà không biết tại sao. Đọc một cuốn tiểu thuyết, ta cũng có sự yêu ghét với từng nhân vật. Và việc họ gặp may mắn hay bất hạnh sẽ tạo cho ta những cảm xúc (có thể là đồng tình hoặc phản đối) mạnh mẽ hơn cả các giá trị nghệ thuật mà tác phẩm mang lại. Ví dụ, chúng ta thường rất vui khi một nhân vật được thừa kế nhiều tiền hoặc gặp vận may. Nhưng điều này chỉ đúng nếu chúng ta có sự đồng cảm với nhân vật đó. Hoặc giả sử, khi bạn không được tự do yêu trong đời thực, bạn sẽ có cảm giác hài lòng khi được sống với nhân vật đang yêu tự do trong tác phẩm và thích luôn tác phẩm. Hoặc khi ai đó mang trong mình tính tàn bạo vô thức, anh ta sẽ thấy thoả mãn khi đọc cuốn tiểu thuyết nào anh ta như được hoá thân vào kẻ thống trị trong đó. Với mỗi trường hợp, ta thường nói đơn giản là mình thích loại sách đó mà không nói rõ hoặc không biết tại sao thích.
Một điểm nữa là cuộc sống thực có nhiều điều bất công, nhưng trong tác phẩm hư cấu, sự thật đó được biến báo, tô vẽ khác đi để người đọc cảm thấy dễ chịu hơn. Trong truyện, công lý thường hiện hữu rất rõ. Tác giả, như là Chúa trời, thưởng hoặc phạt các nhân vật của mình tuỳ theo giá trị thật của con người họ. Một câu chuyện hay, làm cho người đọc thoả mãn thường có sự công bằng đó. Còn ở câu chuyện dở, một trong những điều gây khó chịu nhất cho độc giả là các nhân vật trong đó dường như được thưởng hay phạt không theo quy luật nào, không có lý do nào. Một tác giả có tài sẽ không gây ra lỗi như thế. Tác giả ấy có thể thuyết phục chúng ta rằng công lý (trong thơ văn) đã được thực hiện.
Điều này đúng ngay cả với một đại bị kịch. Ở đó, những điều khủng khiếp xảy ra với người tốt. Nhưng độc giả thấy rằng người anh hùng, dù không đáng phải chịu số phận khắc nghiệt như miêu tả, ít nhất cũng hiểu được tại sao mình lại phải chịu như vậy. Và độc giả thường mong muốn được chia sẻ suy nghĩ với người anh hùng đó.
Vì vậy, khi phê bình một tác phẩm hư cấu, bạn phải rất thận trọng để phân biệt được sách nào thoả mãn nhu cầu vô thức của bản thân - cuốn sách khiến bạn nói “Tôi thích cuốn sách này mặc dù không biết tại sao” - với cuốn sách thoả mãn nhu cầu vô thức của hầu hết mọi người. Loại thứ hai rõ ràng là những tác phẩm vĩ đại, có sức sống mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Chúng mang lại cho ta những điều ta cần: một niềm tin vào công lý, sự cảm thông và xoa dịu sự lo lắng. Thế giới trong các tác phẩm vĩ đại xét về mặt nào đó là tốt đẹp nên chúng ta muốn được sống trong đó càng lâu, càng thường xuyên càng tốt.
Lưu ý khi đọc sử thi
Sử thi có lẽ là những tác phẩm được tôn vinh nhất nhưng lại ít được đọc nhất trong kho tàng văn học truyền thống phương Tây. Đó là các bản trường ca nổi tiếng như Iliad và Odyssey của Homer, Aeneid của Virgil, Divine Comedy (Vở hài kịch thần thánh) của Dante và Paradise Lost (Thiên đường đánh mất) của Milton. Chúng tôi sẽ giải thích nghịch lý này.
Qua một số tác phẩm sử thi ra đời trong khoảng thời gian 2.500 năm trở lại đây, ta có thể thấy trường ca là dạng tác phẩm khó nhất mà con người có thể sáng tạo ra. Đồng thời chúng cũng không hề dễ đọc chút nào. Lý do không chỉ bởi vì chúng được viết theo thể thơ (trừ Thiên đường đánh mất, các tác phẩm còn lại đều được diễn xuôi cho dễ đọc) mà điều khó khăn nằm ở tính nhân văn của tác phẩm, ở cách tiếp cận vấn đề. Tác phẩm nào trong loạt trường ca kể trên cũng đòi hỏi người đọc rất nhiều – đòi hỏi họ phải chú tâm, phải hoà mình với nhân vật, phải tưởng tượng. Khi không có những cố gắng này, hầu hết độc giả sẽ không ý thức được mình đã bỏ lỡ những gì trong tác phẩm. Những lợi ích đạt được khi đọc các tác phẩm sử thi theo lối tích cực, hay đọc có phân tích không kém gì lợi ích đạt được khi đọc các cuốn sách hư cấu khác.
Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thử đọc năm bản trưởng ca vĩ đại nói trên và bạn sẽ hiểu được toàn bộ nội dung ẩn chứa trong dó. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng và có thể tìm được nhiều điều thú vị hơn nữa. Homer, Virgil, Dante, Milton là những tác giả mà ngay cả những nhà thơ xuất sắc nhất cũng phải tìm đọc tác phẩm của họ. Cùng với Kinh Thánh, năm tác phẩm này trở thành “xương sống” cho bất cứ chương trình đọc nghiêm túc nào.
Cách đọc các vở kịch
Một vở kịch là một tác phẩm hư cấu và bạn nên đọc nó như đọc một câu chuyện. Kịch không mô tả nhiều như tiểu thuyết, nhưng những vấn đề cần nói tới khi đọc kịch thì cũng tương tự như khi đọc tiểu thuyết.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng. Khi bạn đọc một vở kịch, tức là bạn đang đọc một tác phẩm không hoàn chỉnh. Một vở kịch chỉ hoàn chỉnh, chỉ thật sự được hiểu khi nó được trình diễn trên sân khấu. Cũng như âm nhạc cần phải được lắng nghe, một vở kịch nếu chỉ nằm trên giấy sẽ thiếu yếu tố hoạt động thể chất và người đọc sẽ phải bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách duy nhất là tưởng tượng mình đang xem vở kịch diễn trước mắt.
Vì thế, khi bạn đã khám phá ra vở kịch nói về điều gì và trả lời được các câu thường hỏi khi đọc sách, bạn hãy cố gắng để đạo diễn vở kịch. Tưởng tượng rằng, có một số diễn viên tài năng đang chờ bạn chỉ đạo. Hãy chỉ cho họ cách nói câu này thế nào, diễn cảnh kia ra sao, giải thích tầm quan trọng của những từ ngữ này và tại sao hành động kia lại là cao trào của vở kịch. Bạn sẽ thấy rất thú vị và học được rất nhiều điều về vở kịch.
Ví dụ, trong vở Hamlet, hồi II, cảnh ii, Polonius thông báo cho đức vua và hoàng hậu rằng hoàng tử Hamlet đã hoá điên vì yêu Ophelia – cô gái đã từ chối những lời tỏ tình của chàng. Đức vua và hoàng hậu rất nghi ngờ nên Polonius đã đề nghị vua và anh ta đứng sau bức thảm để nghe cuộc nói chuyện giữa Hamlet và Ophelia. Ngay sau đó, Hamlet bước vào và nói với Polonius những điều rất khó hiểu. Polonius nói: “Dù đây là sự điên dại, nhưng không phải là không có ý đồ trong đó”. Đến đầu hồi III, Hamlet vào và nói một đoạn độc thoại nổi tiếng, bắt đầu bằng “Tồn tại hay không tồn tại”. Đoạn độc thoại bị cắt ngang khi chàng trông thấy Ophelia. Sau một lúc nói với nàng những điều khá hợp tình hợp lý, đột nhiên chàng kêu lên: “Em có thành thực không?”. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Hamlet có tình cở nghe được việc cha chàng và Polonius dự định nghe trộm chàng hay không? Và chàng có nghe thấy Polonius nói rằng ông ta sẽ tạo điều kiện để con gái ông ta kết thân với chàng không? Nếu có thì cuộc đối thoại của Hamlet với Polonius và Ophelia có ý đồ mới; nếu không, thì cuộc đối thoại lại mang nghĩa khác. Shakespeare không để lại bất cứ chỉ dẫn nào về diễn xuất mà người đọc (hoặc đạo diễn) phải tự quyết định. Quyết định của riêng bạn sẽ cho thấy cách bạn hiểu về vở kịch.
Nhiều vở kịch của Shakespeare đòi hỏi người đọc phải có sự suy đoán như trên. Điều chúng tôi muốn nói là dù các tác giả thể hiện rất rõ mong muốn của họ là người đọc hiểu thấu được ý nghĩa của vở kịch thì họ vẫn muốn chúng ta hiểu hơn thế nữa. Nếu bạn không đặt vở kịch lên sân khấu, có thể bạn đã không thật sự đọc nó theo cách thấu đáo nhất, mà chỉ đọc được một phần của nó thôi.
Thường trong các kịch, tác giả không thể nói trực tiếp với độc giả suy nghĩ của mình như các tiểu thuyết gia thường làm. Nhưng có những ngoại lệ rất thú vị như trường hợp của Aristophnes – nhà hài kịch lớn của Hy Lạp cổ đại, tác giả những vở hài kịch cổ còn tồn tại đến tận bây giờ. Đôi khi trong kịch của Aristophanes, có ít nhất một lần nam diễn viên chính bước ra khỏi khung nhân vật, tiến đến khán giả và diễn thuyết một bài về chính trị chẳng liên quan gì đến nội dung vở kịch. Có thể coi điều này là cách tác giả bộc bạch những suy nghĩ của bản thân. Thỉnh thoảng, trong các vở kịch ngày nay, ta cũng bắt gặp điều tương tự, nhưng có lẽ nó không còn hiệu quả như Aristophanes đã làm được.
Một ví dụ khác là Shaw, người không những muốn kịch của mình được dựng trên sân khấu mà còn mong mọi người đọc chúng. Ông đã cho xuất bản tất cả những vở kịch của mình, trong đó có ít nhất một vở là Heartbreak House (Ngôi nhà có trái tim tan vỡ) đã được xuất bản trước cả khi được diễn. Cuốn sách được xuất bản kèm theo phần phụ lục dài – nơi Shaw giải thích ý nghĩa vở kịch và giúp độc giả tìm ra cách hiểu đúng. Trong phụ lục này, có rất nhiều hướng dẫn cụ thể của tác giả về cách dựng kịch trên sân khấu. Đọc kịch của Shaw mà không đọc phần tựa tức là bạn đã quay lưng lại với phao cứu trợ giúp bạn hiểu nội dung tác phẩm. Nhiều tác gia hiện đại đã học tập cách này của Shaw nhưng cũng không thể sánh được với ông về hiệu quả mang lại.
Chúng tôi khuyên bạn một điều nhỏ nữa vì nó đặc biệt có ích khi bạn đọc các vở kịch của Shakespeare. Việc đọc liền mạch một vở kịch giúp ta hiểu toàn cục tác phẩm. Nhưng vì hầu hết kịch được viết theo thể thơ, mà thơ vốn ít nhiều không rõ ràng lắm về mặt thứ tự sắp xếp, nên bạn thường phải đọc to từng đoạn lên. Hãy đọc chậm rãi và diễn cảm như thể đang có một thính giả nghe bạn và hãy cố gắng hiểu rõ từng từ ngữ bạn đang đọc. Cách đơn giản này sẽ giúp loại bỏ những khó khăn gặp phải khi đọc tác phẩm. Chỉ khi áp dụng cách này mà bạn vẫn không hiểu được thì mới phải nhờ đến chú thích hoặc ghi chú kèm theo.
Lưu ý khi đọc bi kịch
Theo chúng tôi, hầu hết các vở kịch đều không nhất thiết phải đọc vì chúng được viết ra là để diễn trên sân khấu. Có rất nhiều tác phẩm khoa học, nhiều tiểu thuyết, truyện, thơ vĩ đại, nhưng có rất ít vở kịch vĩ đại. Tiêu biểu chỉ có thể kể đến các vở bi kịch của Aeschylus, Sophocles và Euripedes, các vở kịch của Shakespeare, các vở hài kịch của Moliere và một vài tác phẩm của số ít nhà văn hiện đại. Những tác phẩm này thật sự vĩ đại vì chúng chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc và phong phú nhất được con người thể hiện bằng ngôn từ.
Trong số đó, bi kịch Hy Lạp có lẽ là thể loại khó đọc nhất đối với những người bắt đầu đọc về kịch. Chúng ta gần như không thể tưởng tượng được các vở kịch được diễn như thế nào vì chúng ta hầu như không biết các nhà đạo diễn Hy Lạp chỉ đạo ra sao trên sân khấu. Hơn nữa, các vở kịch thường được dựng dựa trên các câu chuyện phổ biến đối với mọi người thời bấy giờ, trong khi ta chỉ biết đến chúng đơn thuần là một vở kịch mà thôi.
Tuy vậy, những vở kịch lại có sức mạnh chiến thắng mọi trở ngại kể trên cũng như những trở ngại khác. Đọc kịch cho hiệu quả là điều vô cùng quan trọng, vì nó cho ta biết nhiều điều về cuộc sống của thời đại mình, tạo thành một loại khuôn mẫu văn học cho những tác phẩm viết sau này, như kịch của Racine và O’Neil chẳng hạn. Bởi vậy, khi đọc kịch bạn cần:
Thứ nhất, bạn nên nhớ cốt lõi vấn đề của một vở bi kịch là thiếu thời gian. Không có vấn đề nào trong các vở kịch Hy Lạp là không thể giải quyết nếu như có đủ thời gian, nhưng thời gian lại chẳng bao giờ đủ. Quyết định hay lựa chọn đều phải được đưa ra ngay, không có thời gian cho nhân vật suy nghĩ, cân nhắc hậu quả. Ngay cả anh hùng cũng có thể sai lầm nên các quyết định đưa ra đương nhiên sẽ không đúng đắn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều gì đáng ra nên làm, nhưng khi không có thời gian liệu ta có thể sáng suốt như vậy không? Đó là câu hỏi bạn nên đặt ra thường xuyên khi đọc các bi kịch Hy Lạp.
Thứ hai, trong sân khấu Hy Lạp, các nhân vật nam bi kịch thường đi một loại ủng khiến họ cao thêm vài xentimet, nhưng những diễn viên tham gia nhóm Chorus (những người hát và múa diễn giải các sự việc của vở kịch) thì không đi loại ủng này. Nếu so sánh, bạn sẽ thấy các nhân vật chính cao lớn hơn so với những người trong nhóm Chorus. Vì thế, bạn nên luôn luôn tưởng tượng rằng, khi bạn đọc lời thoại của nhóm Chorus thì đó là lời nói của những người có sức vóc như bạn. Còn lời thoại của nhân vật chính lại như phát ra từ miệng của những người khổng lồ.
Cách đọc thơ trữ tình
Thơ được định nghĩa một cách đơn giản là những gì thi sĩ viết ra. Nhưng có những người không đồng tình với định nghĩa này. Họ nghĩ, thơ ca là một sự tuôn chảy tự nhiên của nhân cách con người. Nó có thể được diễn tả bằng lời hoặc được thể hiện bằng những hành động cụ thể, ít nhiều có âm điệu hay cảm xúc. Tất nhiên, thơ luôn có vài tính chất như vậy và các nhà thơ đều nhận ra điều đó. Theo cách hiểu cũ, thơ được sáng tác từ nơi sâu thẳm tâm hồn nhà thơ; khởi nguồn của những vần thơ là một nơi bí ẩn trong thế giới sáng tạo của lý trí hoặc tâm hồn. Theo nghĩa này, ai cũng có thể sáng tác thơ trong một tâm trạng nhạy cảm, cô đơn ở mọi thời điểm. Dù xuất phát từ cảm hứng nào, với chúng ta, thơ bao giờ cũng là những từ ngữ được sắp xếp theo một trình tự nhất định.
Một số định nghĩa khác cho rằng thơ sẽ không thật sự là thơ trừ khi chúng ca ngợi hoặc làm cho người ta phải hành động (thường là hành động mang tính cách mạng) hay khi chúng được viết theo vần điệu hoặc sử dụng một loại ngôn ngữ đặc biệt gọi là “ngôn ngữ thơ ca”. Tất cả những định nghĩa trên, có cái ý nghĩa quá hẹp, có cái lại quá rộng.
Nhiều người tin rằng, họ không thể đọc được thơ trữ tình, đặc biệt là thơ hiện đại. Họ nghĩ rằng thể loại này thường rất khó, tối nghĩa, phức tạp, đòi hỏi quá nhiều sự chú tâm và nỗ lực từ người đọc. Theo họ, điều này là không cần thiết. Ở đây, có hai điều cần lưu ý: Thứ nhất, thơ trữ tình, thậm chí là thơ hiện đại, thường không yêu cầu ghê gớm như bạn nghĩ, nếu bạn biết đọc đúng cách; Thứ hai, dù bạn bỏ ra công sức thế nào thì kết quả thu được cũng xứng đáng.
Khi bạn tìm hiểu một bài thơ hay, đọc đi đọc lại, trăn trở suy nghĩ về nó trong suốt cuộc đời, bạn sẽ luôn tìm thấy ở đó có những điều mới mẻ, những niềm vui hạnh phúc và cả những ý tưởng mới về bản thân bạn cũng như thế giới. Nói cách khác, bạn sẽ thấy tìm hiểu một bài thơ không hề khó như bạn tưởng.
Quy tắc đầu tiên khi đọc thơ trữ tình là đọc liền một mạch dù bạn có hiểu hay không. Quy tắc này đúng với mọi loại sách. Với thơ, nó càng quan trọng, quan trọng hơn việc áp dụng quy tắc ấy với một tác phẩm khoa học, triết học hay thậm chí là một cuốn tiểu thuyết hoặc kịch.
Vấn đề mà nhiều người gặp phải khi đọc thơ, nhất là các bài thơ hiện đại khó đọc, xuất phát từ việc không nhận thức được quy tắc đầu tiên này. Khi gặp các bài thơ của T.S.Eliot Dylan Thomas hay một số bài thơ hiện đại, họ hào hứng đọc ngay nhưng lập tức nản chí khi đọc xong dòng hoặc khổ thơ đầu tiên. Họ không thể hiểu nổi câu hay đoạn thơ đó nói gì ngay cả khi đặt nó trong tổng thể bài thơ. Họ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa ngôn từ, cố gỡ mớ bòng bong của câu cú để rồi nhanh chóng từ bỏ việc đọc và kết luận rằng thơ hiện đại quá khó đọc, như họ đã lường trước.
Không chỉ nhà thơ hiện đại mới khó đọc. Đa phần các bài thơ hay đều rất phức tạp và bao hàm trong nó cả ý nghĩa về mặt ngôn ngữ và tư duy. Bên cạnh đó, có những bài thơ thoạt trông rất đơn giản nhưng thật ra lại ẩn chứa trong nó hàm ý rộng lớn, phức tạp.
Nhưng bất cứ bài thơ trữ tình nào cũng đều có tính thống nhất. Nếu không đọc liền mạch bài thơ, chúng ta sẽ không thể nhìn ra sự thống nhất đó. Trừ phi là ngẫu nhiên, còn lại chúng ta sẽ không thể khám phá ra cảm xúc cơ bản và ý nghĩa tiềm tàng trong bài thơ. Cụ thể, cái tinh tuý của một bài thơ hầu như không nằm ở dòng đầu tiên, thậm chí trong cả khổ thơ đầu. Bạn sẽ chỉ cảm nhận được nó khi đọc cả bài thơ chứ không riêng phần nào.
Quy tắc thứ hai là đọc lại bài thơ nhưng không đọc thầm mà đọc to lên. Đọc to từng từ sẽ buộc bạn hiểu cặn kẽ hơn ý nghĩa của chúng. Khi đọc to, bạn không thể dễ dàng lướt qua một cụm từ hay một dòng thơ bị hiểu sai. Khác với mắt, tai bạn sẽ không chấp nhận một chỗ nào bị nhấn sai. Và nếu bài thơ có nhịp điệu, đọc to sẽ giúp bạn biết chỗ nào cần nhấn, chỗ nào cần lướt, từ đó hiểu bài thơ hơn. Cuối cùng, bạn có thể mở cửa trái tim để đón nhận bài thơ, để nó thấm sâu vào tâm hồn bạn.
Chúng tôi nghĩ rằng khi tuân theo hai quy tắc này, độc giả nào cho rằng mình không thể đọc được thơ sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn. Khi bạn đã hiểu bài thơ trong tính thống nhất của nó, dù sự hiểu này chưa rõ ràng, bạn vẫn có thể đặt ra những câu hỏi về bài thơ đó.
Với sách mô tả, bạn thường đặt câu hỏi về ngữ pháp và logic. Còn với tác phẩm trữ tình, thường là câu hỏi về tu từ, đôi khi cũng mang tính cú pháp. Khi đọc thơ, bạn không cần để ý đến thuật ngữ nhưng phải chú ý tìm ra những từ khoá bằng cách nhận thức rõ yếu tố tu từ chứ không phải bằng sự phân tích ngữ pháp. Tại sao lại nói có những từ ngữ như tách hẳn ra khỏi đoạn thơ và hiện rõ ràng trước mắt bạn? Có phải nhịp điệu đã làm chúng nổi bật không? Hay là do vần? Hay do từ đó được lặp đi lặp lại? Một số đoạn thơ dường như cùng nói về một vấn đề, vậy những ý tưởng chứa đựng trong đó có tạo thành một chuỗi nào không? Trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ hiểu thêm về bài thơ.
Hầu hết các bài thơ hay đều có mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn thường chỉ được ám chỉ chứ không được nói thẳng ra. Ví dụ , rất nhiều bài thơ hay nói về mâu thuẫn giữa tình yêu và thời gian, giữa cuộc sống và cái chết, giữa vẻ đẹp nhất thời và sự chiến thắng của cái vĩnh cửu. Nhưng những từ ngữ ấy rất hiếm khi được nói đến trong bài thơ.
Người ta thường nói rằng hầu hết các bài thơ trữ tình ngắn của Shakespeare đều viết vế sự tàn phá của cái mà ông gọi là “thời gian huỷ diệt”. Đúng là có một số bài như vậy. Trong bài thơ ngắn thứ 64, ông đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần:
Khi cánh tay tàn ác của thời gian bắt được tôi
Tôi giàu có và kiêu hãnh đã trở nên tàn tạ.
Ông còn kể ra hàng loạt chiến thắng của thời gian mà con người luôn mong có đủ sức để chống trả. Rồi ông nói:
Sự lụi tàn đã dạy tôi ngẫm lại
Rằng thời gian sẽ đến và cướp mất tình yêu của tôi.
Không ai đặt câu hỏi “Bài thơ đó viết về điều gì?”. Tương tự như vậy, bài thơ thứ 116 nổi tiếng cũng có những dòng sau:
Chẳng phải thời gian mà chính là tình yêu ngốc nghếch
Dẫu má và môi có đẹp như hoa hồng
Trong vòng quay chiếc liềm cong la bàn
Tình yêu biến đổi không chỉ với ngày và tuần nhanh chóng
Nhưng nó tự khẳng định mình dù đã đến bờ vực của sự diệt vong.
Bài thơ thứ 138, cũng rất nổi tiếng, bắt đầu bằng những dòng:
Khi tình yêu của tôi thề thốt với tôi rằng
Nàng chỉ nói những điều chân thật
Tôi đã thực dạ tin nàng, dù vẫn biết nàng đang nói dối.
Bài thơ cũng viết về mối xung đột giữa tình yêu và thời gian, mặc dù từ “thời gian” không hề xuất hiện trong bài.
Một ví dụ khác là bài thơ trữ tình To his coy mistress (Gửi tới người yêu bẽn lẽn của anh ấy) của Marvell cũng có nội dung tương tự. Tác giả đã nói rõ ràng ngay từ đầu:
Chúng ta không có đủ thời gian trên thế giới này
Cô gái bẽn lẽn này không là tội phạm.
(…) Tôi luôn nghe thấy sau lưng
Cỗ xe có cánh cửa thời gian hối hả đến rất gần
Đằng xa kia trước mắt chúng ta
Sa mạc vĩnh cửu trải dài tít tắp.
Vì thế, nhà thơ khẩn nài người yêu:
Hãy để chúng ta cuộn tròn sức lực
Và tất cả những điều ngọt ngào ta có
Thành quả bóng tròn
Và xé toạc niềm vui bằng những cuộc cãi vã
Cánh cổng sắt của cuộc đời
Vì thế, nếu chẳng thể khiến mặt trởi đứng yên
Thì ta sẽ làm nó chạy.
Cuối cùng, khi đọc thơ trữ tình, bạn không nhất thiết phải biết nhiều về tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Mặc dù bất cứ điều gì bạn biết thêm về tác giả và thời đại người đó sống đều hữu ích, nhưng kiến thức uyên bác về hoàn cảnh ra đời của một bài thơ không đảm bảo chắc chắn việc bạn hiểu đúng bài thơ đó. Muốn hiểu được, bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc một bài thơ là công việc kéo dài cả cuộc đời nhưng không có nghĩa là bạn phải đọc nó suốt cuộc đời mà nó mang ý đây là một bài thơ hay, xứng đáng được đọc nhiều lần. Ở quãng nghỉ giữa mỗi lần đọc, chúng ta có thể học được nhiều điều từ bài thơ hơn là ta nhận ra.
16
Cách đọc sách lịch sử
“Lịch sử” là một từ đa nghĩa cũng giống như “thi ca”. Để chương này có ích với bạn, chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa của thuật ngữ này theo cách mà chúng tôi sử dụng.
Trước hết, có sự khác biệt giữa lịch sử với tư cách là sự việc thật đã xảy ra và lịch sử trên danh nghĩa là những tài liệu ghi chép lại những sự việc đó. Có rất nhiều loại tài liệu liên quan đến lịch sử như: một tập hợp giấy tờ liên quan đến một sự việc hay một thời kỳ nào đó, một bản chép lại cuộc phỏng vấn của ai đó hay tập hợp những bản sao kiểu như vậy. Một tác phẩm như nhật ký các nhân vật hoặc một tập thư tay cũng có thể được hiểu là một ghi chép về lịch sử của một thời kỳ.
Nghĩa của thuật ngữ “lịch sử” mà chúng tôi dùng dưới đây vừa hẹp lại vừa rộng hơn bất cứ nghĩa nào ở trên. Nó hẹp hơn vì chúng tôi chỉ đề cập đến những ghi chép sử dụng văn phong trang trọng mô tả lại một thời kỳ, một hay một chuỗi những sự kiện trong quá khứ. Nó rộng hơn vì chúng tôi nghĩ rằng cốt lõi của lịch sử là sự thuật lại hay kể một câu chuyện nào đó. Một tập hợp tài liệu cũng có thể chứa trong nó một câu chuyện. Câu chuyện đó có thể không rõ ràng vì nhà sử học cố ý không sắp xếp tài liệu theo một trật tự có ý nghĩa nào. Nhưng dù thông tin có được sắp xếp lại hay không thì bản thân bên trong tài liệu phải ngầm chứa một câu chuyện. Nếu không, theo chúng tôi, không thể gọi tập hợp này là lịch sử của thời kỳ được nói đến.
Tình khó nắm bắt của sự kiện lịch sử
Có thể bạn từng là thành viên của một bồi thẩm đoàn nào dó và nghe lời khai về một sự việc rất đơn giản như một vụ tai nạn xe hơi. Hoặc có thể, bạn cũng từng ngồi trên ghế thẩm phán và phải quyết định có phải người này giết người kia hay không. Nếu bạn đã từng làm một trong hai việc trên, bạn sẽ hiểu việc tái hiện lại quá khứ từ trí nhớ của những người đã chứng kiến sự việc xảy ra khó khăn đến mức nào, dù đó chỉ là một sự kiện đơn lẻ trong quá khứ.
Một phiên tòa thường quan tâm đến những sự kiện xảy ra gần với hiện tại và thường có sự hiện diện của nhân chứng sống. Hơn thế, các bằng chứng đưa ra cũng phải tuân theo những quy định hết sức chặt chẽ. Một nhân chứng không thể giả sử bất cứ điều gì, cũng không thể đoán, đưa ra giả thuyết hay ước chừng (trừ trong những điều kiện được giám sát rất cẩn thận). Và tất nhiên mọi người đều hy vọng nhân chứng nói thật.
Với những quy định nghiêm ngặt về bằng chứng, cộng thêm sự chất vấn, là một thành viên ban hội thẩm, đã bao giờ bạn khẳng định mình thật sự hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Giả sử, bạn không hoàn toàn chắc chắn, nghĩa là trong ban hội thẩm vẫn còn có nghi ngờ. Theo quy định, để vụ án được tiến hành phân xử thì những nghi ngờ đó phải có lý hay phải đủ để khuấy động lương tâm bạn.
Một sử gia luôn quan tâm đến những sự kiện đã xảy ra, hầu hết là xảy ra rất lâu rồi. Nhân chứng của các sự kiện đó thường không còn nữa. Những bằng chứng sử gia đưa ra không phải nêu trước tòa – tức là chúng không chịu sự giám sát của những quy định nghiêm ngặt và cẩn thận. Những bằng chứng đó thường là phỏng đoán, giả thuyết, ước chừng hay quy kết và không thể đối chất được.
Xác định chuyện gì đó có thât sự xảy ra trong lịch sử hay không là việc rất khó. Một “sự thật” lịch sử, dù chúng ta có tin tưởng và chắc chắn vào từ này đến đâu, thì cũng chỉ là một trong những điều mơ hồ, khó nắm bắt nhất thế giới.
Tất nhiên, chúng ta có thể khá chắc chắn với một vài loại thông tin lịch sử. Nước Mỹ bắt đầu cuộc nội chiến bằng hành động nổ súng vào pháo đài Sumter vào ngày 12 tháng 4 năm 1861 và kết thúc bằng việc tướng Lee, tướng Grant lần lượt đầu hàng ở toà án Appomattox vào ngày 9 tháng 4 năm 1865. Tất cả mọi người đều đồng ý với những ngày tháng trên và có lẽ các cuốn lịch của Mỹ không bị sai vào thời điểm này.
Trên thực tế, những ngày tháng năm này đã được tranh cãi rất nhiều, không phải trên phương diện sự kiện mà trên phương diện thời gian. Nhiều người cho rằng cuộc chiến thật sự bắt đầu vào mùa thu năm 1860 khi Lincoln trúng cử và kết thúc bằng việc ông này bị ám sát năm ngày sau khi Lee đầu hàng. Những người khác cho rằng cuộc chiến bắt đầu sớm hơn thế, thậm chí là từ năm, mười, hay hai mươi năm trước năm 1861. Chúng ta cũng biết rằng đã có lúc sự việc này gây ra tranh cãi ở cả bên ngoài nước Mỹ vì thông tin về chiến thắng của miền Bắc không đến được với họ cho đến tận cuối tháng năm, sáu hay bảy năm 1865. Cũng còn những người cảm thấy rằng cuộc nội chiến thật ra chưa chấm dứt và nó sẽ không ngừng cho đến khi người Mỹ da đen được hoàn toàn tự do, bình đẳng hoặc cho đến khi miền Nam có thể ly khai ra khỏi liên minh, hoặc cho đến khi quyền quản lý tất cả các bang của chính phủ liên bang được thiết lập và được nhân dân Mỹ ở tất cả mọi nơi chấp nhận.
Ai đó có thể nói rằng dù phát súng vào pháo đài Sumter có bắt đầu cuộc nội chiến hay không thì ít nhất chúng ta cũng biết sự kiện này đã xảy ra vào ngày 12 tháng 4 năm 1861. Điều này đúng trong khuôn khổ những giới hạn về khả năng mà chúng tôi đã đề cập trước đó. Nhưng những câu hỏi tiếp theo được đặt ra sẽ là: Tại sao Sumter bị bắn? Liệu có thể tránh được cuộc chiến sau vụ tấn công đó không? Nếu tránh được chiến tranh thì chúng ta còn quan tâm đến cuộc tấn công xảy ra vào một ngày mùa xuân từ hơn một thế kỷ trước nữa không? Nếu chúng ta không quan tâm, không chú ý đến nhiều cuộc tấn công vào pháo đài khác, mà lại chú ý đến những điều mà chúng ta không biết gì về nó cả, thì liệu cuộc nổ súng vào Sumter có còn là một sự kiện lịch sử quan trọng nữa không?
Các thuyết về lịch sử
Nếu sách lịch sử được nhập với một trong hai mục sách hư cấu và sách khoa học thì chúng ta thường phân loại nó vào mục sách hư cấu nhiều hơn là khoa học. Nếu lịch sử được đặt đâu đó giữa hai nhánh phân loại chính kia thì mọi người thường nhận xét rằng lịch sử gần với tác phẩm hư cấu hơn là khoa học.
Điều này không có nghĩa là sử gia đã bịa ra những thông tin lịch sử giống như thi sĩ hay người kể chuyện. Bạn đừng khăng khăng cho rằng tác giả một tác phẩm hư cấu luôn bịa ra những thông tin trong tác phẩm của họ. Đúng là anh ta tạo ra một thế giới mới, nhưng thế giới đó không nhất thiết phải hoàn toàn khác biệt với thế giới chúng ta đang sống. Và một thi sĩ vẫn là một người bình thường, vẫn học tập và cảm nhận cuộc sống bằng những giác quan như mọi người. Anh ta không thể thấy những thứ mà chúng ta không thể, mà chỉ có thể nhìn rõ hơn hay nhìn theo cách hơi khác so với chúng ta. Những nhân vật của anh ta sử dụng từ ngữ mà chúng ta vẫn thường dùng, nếu không thì ta sẽ không tin họ. Chỉ trong mơ, con người mới tạo ra những thế giới thật sự xa lạ. Nhưng thậm chí trong cả những giấc mơ tuyệt vời nhất thì những sự kiện và sinh vật của trí tưởng tượng vẫn được tạo nên từ những yếu tố của đời sống thường ngày. Chúng chỉ đơn thuần được sắp đặt với nhau theo cách mới lạ hơn thôi.
Một sử gia tài ba tất nhiên không bịa ra quá khứ. Bản thân sử gia chịu ràng buộc bởi một quan niệm hay tiêu chuẩn nào đó về tính chính xác cũng như sự tồn tại của những sự kiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng sử gia phải luôn dựng nên một cái gì đó. Anh ta, hoặc là phải tìm ra một khuôn mẫu chung trong hàng loạt sự kiện hoặc là áp đặt một khuôn mẫu vào những sự kiện đó; hoặc anh ta phải coi như thể mình biết lý do tại sao những người trong câu chuyện của mình đã làm những việc như vậy. Có thể, anh ta có một thuyết hay một triết lý chung nào đó, giống như Thượng đế điều khiển mọi chuyện của con người và làm cho câu chuyện lịch sử của anh ta khớp với lý thuyết đó; hoặc anh ta có thể bỏ bất cứ khuôn mẫu nào ở trên, thay vào đó tuyên bố rằng anh ta đơn thuần tường thuật lại những sự kiện đã thật sự xảy ra. Trong trường hợp đó, anh ta buộc phải sắp đặt nguyên nhân của các sự kiện cũng như động cơ của những hành động đó. Do đó, bạn cần biết sử gia của tác phẩm bạn đang đọc tiến hành công việc theo cách nào.
Tolstoy từng có một thuyết về lịch sử. Ông cho rằng nguyên nhân của mọi hành vi của con người rất đa dạng, phức tạp và được cất giấu trong những động cơ vô ý thức sâu đến nỗi chúng ta không thể hiểu được. Mặc dù Tolstoy không phải là nhà sử học mà là một tiểu thuyết gia, nhưng nhiều nhà sử học cũng có chung quan điểm này với ông, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.
Vì mỗi thuyết của lịch sử mỗi khác và vì thuyết của một sử gia sẽ ảnh hưởng việc ghi chép các sự kiện của anh ta nên chúng ta phải đọc nhiều hơn một ghi chép về lịch sử của một sự kiện hay một thời kỳ nào đó nếu muốn hiểu được nó. Đây là quy tắc đầu tiên của việc đọc lịch sử. Điều này càng quan trọng hơn nếu sự kiện chúng ta muốn tìm hiểu mang một ý nghĩa thực tế nào đó đối với chúng ta. Ví dụ như với nhân dân Mỹ, có lẽ cuộc nội chiến Mỹ có ý nghĩa thực tế với tất cả mọi người nên ai cũng biết đôi điều về lịch sử của nó. Nhiều người Mỹ ngày nay vẫn phải sống trong những hệ quả không tốt đẹp từ cuộc xung đột vĩ đại và đáng tiếc đó, họ sống trong thế giới được tạo ra một phần vì sự kiện đó. Nhưng người ta không thể hiểu nó nếu chỉ nhìn nó qua con mắt của một người hay một phía hoặc một nhóm sử gia lý thuyết đương đại. Có lần chúng tôi xem một cuốn sách sử nói về cuộc nội chiến và thấy tác giả mô tả cuốn sách là “tư liệu lịch sử công bằng và khách quan về cuộc nội chiến từ quan điểm của một người miền Nam”. Tác giả của cuốn sách có vẻ rất nghiêm túc khi nói vậy. Điều đó là có thể. Dù sao chúng ta cũng phải thừa nhận rằng bất cứ chuyện kể lịch sử nào cũng phải được viết từ một góc nhìn nhất định. Nhưng để biết được sự thật, chúng ta lại phải xem xét câu chuyện đó từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Tính phổ biến trong lịch sử
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đọc nhiều câu chuyện lịch sử khác nhau viết về cùng một sự kiện. Tức là, chúng ta không có nhiều cơ hội để biết được sự thật của vấn đề, biết chuyện gì thật sự đã xảy ra. Có thể nói rằng chỉ có các sử gia chuyên nghiệp mới phải kiểm chứng lại nguồn gốc dẫn chứng của họ bằng cách nhọc công đối chiếu cái này với cái kia. Anh ta không được phép để sót bất cứ chứng cứ nào nếu muốn biết hết những gì anh ta phải biết về chủ đề đó.
Ví dụ như trường hợp của sử gia Thucydides. Có thể bạn biết ông ta là người viết cuốn sách lịch sử duy nhất về cuộc chiến Peloponnesian xảy ra vào cuối thế kỷ V trước Công nguyên. Như vậy, không có tác phẩm nào khác viết về đề tài này để chúng ta có thể đối chứng với tác phẩm của Thucydides. Vậy, chúng ta sẽ học được gì từ cuốn sách này? Hy Lạp hiện tại là một quốc gia nhỏ, cuộc chiến tranh xảy ra ở đó cách đây 25 thế kỷ có thể không còn chút ảnh hưởng nào đến cuộc sống hiện tại. Những người tham gia cuộc chiến đã qua đời từ lâu và những thứ cụ thể mà họ chiến đấu để giành giật cũng không còn nữa. Chiến thắng đó bây giờ không còn ý nghĩa gì và những thất bại cũng không còn gây đau đớn. Những thành phố giành được hay bị mất đi đều đã thành tro bụi. Nếu ngừng lại để suy nghĩ về cuộc chiến, ta sẽ thấy có lẽ hầu như tất cả những gì còn sót lại của cuộc chiến Peloponnesian chỉ là mô tả của Thucydides về nó.
Tuy nhiên, những mô tả đó vẫn quan trọng vì câu chuyện của Thucydides có ảnh hưởng tới phần lịch sử tiếp theo của nhân loại. Những nhà cầm quyền các thời đại sau này khi đọc tác phẩm của Thucydides thấy mình ở trong tình huống gần giống tình huống bị chia cắt đầy bi kịch của các thành phố tự trị Hy Lạp. Lúc đó, họ so sánh vị thế của bản thân với vị thế của Athens hay Sparta. Họ đã coi những gì Thucydides mô tả như một kiểu xử thế. Kết quả là lịch sử thế giới bị thay đổi (dù nhỏ nhưng vẫn có thể nhận ra được) bởi quan điểm của một bộ phận nhân vật trong tác phẩm của Thucydides. Do đó, chúng ta đọc tác phẩm của Thucydides không phải vì ông ta miêu tả khá hoàn hảo những gì đã xảy ra, mà vì ở một mức độ nhất định, ông ta đã quyết định lịch sử xảy ra sau này.
Aristotle đã viết: “Thi ca triết học nhiều hơn so với lịch sử”. Ở câu này, Aristotle muốn nói là thơ khái quát hơn và có tính phổ quát hơn lịch sử. Một bài thơ hay không chỉ đúng trong thời đại và không gian của nó, mà trong mọi thời đại và ở mọi nơi. Nó có ý nghĩa và sức mạnh đối với tất cả mọi người. Lịch sử không phổ quát được như vậy. Lịch sử gắn chặt với sự kiện theo cách khác với thơ. Nhưng bất cứ câu chuyện lịch sử có giá trị nào cũng mang tính phổ quát. Thucydides đã nói rằng ông ta viết câu chuyện lịch sử đó để con người tương lai không mắc lại lỗi lầm mà con người ở thời ông mắc phải, cũng như để nhân loại không phải gánh chịu những hậu quả mà cá nhân ông đã phải chịu đựng cùng sự đau đớn của đất nước quê hương ông. Ông đã miêu tả những loại sai lầm mà có thể có ý nghĩa với mọi người nói chung hơn là với bản thân ông ta hay với những người dân Hy Lạp. Tuy nhiên, con người ngày nay đang mắc phải một vài sai lầm tương tự, hay ít nhất là rất giống với những sai lầm mà người Athens và Sparta đã trải qua 2.500 năm trước, và sai lầm này bị lặp đi lặp lại kể từ thời Thucydides.
Nếu bạn đến với lịch sử chỉ để khám phá những gì thật sự đã xảy ra, bạn sẽ không học được điều cốt lõi mà Thucydides hay bất cứ sử gia chân chính nào muốn chỉ bảo cho bạn. Lịch sử là câu chuyện của những gì dẫn dắt tới hiện tại. Mà hiện tại và tương lai mới là điều chúng ta quan tâm. Một phần tương lai sẽ do hiện tại quyết định. Do đó, bạn có thể biết được đôi điều về tương lai từ sử gia, dù người đó có thể giống như Thucydides sống cách đây 2.500 năm về trước.
Chúng tôi xin tóm tắt lại hai gợi ý về cách đọc sách lịch sử như sau. Thứ nhất, nếu có thể hãy đọc nhiều hơn một cuốn sách sử nói về cùng một sự kiện hay thời kỳ mà bạn quan tâm. Thứ hai, hãy đọc sử không chỉ để biết chuyện gì đã xảy ra vào một thời điểm cụ thể, ở một nơi nhất định trong quá khứ, mà còn để biết cách con người hành xử trong mọi thời đại và ở mọi nơi, đặc biệt là hiện tại.
Những câu hỏi đặt ra cho sách lịch sử
Mặc dù hầu hết các chuyện kể lịch sử đều gần với tác phẩm hư cấu hơn là tác phẩm khoa học thì bạn vẫn nên đọc chúng như những tác phẩm mô tả. Vì thế, chúng ta phải đặt ra cho sách lịch sử những câu hỏi tương tự những câu hỏi mà chúng ta hỏi bất cứ cuốn sách mô tả nào. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của lịch sử nên những câu hỏi đó sẽ hơi khác và câu trả lời cũng có thể không hoàn toàn giống với sách mô tả.
Về câu hỏi thứ nhất (Cuốn sách viết về cái gì?), mọi cuốn sách lịch sử đều chỉ nói đến một chủ đề cụ thể và giới hạn trong khi độc giả thường không bỏ công tìm xem chủ đề đó là gì. Không phải lúc nào độc giả cũng ghi chú cẩn thận những hạn chế mà tác giả đã tự đặt ra cho bản thân anh ta. Ví dụ, cuốn sách lịch sử về cuộc nội chiến ở Mỹ không phải là sách lịch sử thế giới ở thế kỷ XIX. Nó có lẽ cũng không phải là lịch sử của miền Tây nước Mỹ những năm 1860. Nó có thể bỏ qua thông tin về tình trạng của nền giáo dục Mỹ trong thập kỷ đó, bỏ qua thông tin về sự dịch chuyển biên giới nước Mỹ hay những tiến bộ của nền tự do Mỹ. Vì thế, muốn đọc tốt sách sử, chúng ta cần biết chính xác nó nói về cái gì và không nói về cái gì. Nếu định công kích cuốn sách thì bạn càng phải biết những gì cuốn sách không đề cập.
Đối với câu hỏi thứ hai (Những gì được đề cập trong tác phẩm lịch sử?), sử gia kể một câu chuyện xảy ra vào một thời điểm nhất định. Nhưng có nhiều cách kể khác nhau nên chúng ta phải biết sử gia đã chọn cách nào để kể câu chuyện của ông ấy. Ông ta có thể chia tác phẩm của mình thành nhiều chương tương ứng với các năm, các thập kỷ hay thế hệ không? Hay ông ta chia cuốn sách theo đề mục do ông ta tự chọn? Trong một chương cụ thể, ông ta có bàn đến tình hình kinh tế của thời kỳ đó không? Có nhắc đến các cuộc chiến tranh, các hoạt động tôn giáo… không? Với ông ấy, điều gì trong số đó quan trọng hơn cả? Nếu chúng ta có thể nói phần nào của câu chuyện mà tác giả kể có vẻ như chính yếu nhất đối với ông ta thì chúng ta sẽ hiểu tác giả hơn. Có thể bạn không đồng ý với quan điểm của tác giả về việc vấn đề nào là cơ bản nhưng dù sao bạn vẫn học được từ ông điều gì đó.
Có hai kiểu phê bình tác phầm lịch sử. Thứ nhất là chỉ khi đã hiểu những gì đang được nói đến, chúng ta mới có thể đánh giá một tác phẩm lịch sử nào đó có vẻ không thật. Chúng ta có thể cảm thấy là mọi người thường không xử trí theo cách tác phẩm nêu. Thậm chí nếu tác giả chứng minh cho lập luận của mình bằng việc chỉ cho chúng ta cách tiếp cận nguồn thông tin cho những lập luận đó và những nguồn tài liệu đó hoàn toàn phù hợp, chúng ta vẫn cảm thấy tác giả đã hiểu nhầm chúng và đánh giá sai về chúng (có thể do tác giả thiếu hiểu biết về bản chất con người hay những vấn đề của con người).
Thứ hai là khi có đôi chút hiểu biết đặc biệt về chủ đề của tác phẩm, ta có thể nghĩ sử gia đã sử dụng nhầm nguồn tài liệu của ông ta hoặc có thể bị thông tin nhầm về những sự kiện liên quan đến chủ đề. Trong trường hợp này, ông ta không thể viết một câu chuyện lịch sử hay về chủ đề đó. Chúng ta hy vọng sử gia phải am hiểu những gì ông ta viết.
Một nhà sử gia giỏi phải kết hợp được tài năng của một người kể chuyện và một nhà khoa học. Ông ta phải biết chuyện gì có vẻ đúng là đã xảy ra và biết những chuyện đã thật sự diễn ra theo lời một vài nhân chứng hay tác giả khác.
Về câu hỏi cuối cùng (Ý nghĩa của tác phẩm lịch sử là gì?) có thể nói không tác phẩm văn chương nào có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của con người bằng lịch sử. Chúng ta muốn thế giới tốt đẹp hơn, nhưng hiếm khi hứng thú với những lời kiến nghị thường là cay nghiệt khi mô tả về sự khác biệt giữa hiện thực và những điều lý tưởng của các tác giả. Lịch sử nói về hành động của con người trong quá khứ. Nó thường đưa chúng ta đến những hoạt động làm thay đổi thực tại, làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Nói chung, những nhận định liên quan đến lịch sử thường được biết đến nhiều hơn những nhận định thuộc các ngành học khác. Lịch sử mô tả sự vật, sự việc đã tồn tại. Và nếu những điều đó đã xảy ra thì chúng cũng có thể được lặp lại hoặc bị né tránh. Do đó, ý nghĩa của tác phẩm lịch sử nằm ở định hướng cho hành động chính trị và thực tế. Vì thế cần phải đọc đúng lịch sử.
Cách đọc tiểu sử và tự truyện
Tiểu sử là câu chuyện viết về một người có thật. Ít nhất nó là một bản ghi chép kể lại cuộc đời, lịch sử của một người hay một nhóm người. Do đó, một cuốn sách về tiểu sử cũng có rất nhiều vấn đề giống cuốn sách lịch sử. Độc giả phải hỏi cùng một loại câu hỏi: Mục đích của tác giả là gì? Những tiêu chuẩn đánh giá sự thật của tác giả là gì? Và tất nhiên, chúng ta cũng phải hỏi cả những câu mà chúng ta vẫn đặt ra với bất cứ cuốn sách nào.
Có nhiều loại tiểu sử. Loại thứ nhất là tiểu sử cuối cùng, được coi như lần nghiên cứu cuối cùng, thấu đáo và khoa học về cuộc đời một ai đó đủ quan trọng để xứng đáng có một cuốn tiểu sử về toàn bộ cuộc đời họ. Loại tiểu sử này không viết về những người đang sống. Chúng chỉ được viết khi trước đó đã có nhiều bản tiểu sử chưa hoàn chỉnh về cùng con người đó. Để viết được cuốn tiểu sử cuối cùng, tác giả phải đọc tất cả các nguồn tin, tài liệu và kiểm tra rất nhiều thông tin lịch sử đương đại. Vì khả năng thu thập dữ liệu và năng lực sắp xếp chúng để tạo thành một cuốn sách hay là hai vấn đề khác nhau nên tiểu sử cuối cùng không phải lúc nào cũng dễ đọc. Một trong những cuốn tiểu sử cuối cùng vĩ đại nhất, đến bây giờ vẫn hấp dẫn độc giả là cuốn Life of Johnson (Cuộc đời Johnson) của Boswell. Mỗi cuốn tiểu sử cuối cùng là một lát cắt của lịch sử một con người và thời đại người đó sống qua con mắt của chính ông ta. Bạn nên đọc nó như đọc lịch sử.
Loại thứ hai là tiểu sử được uỷ quyền viết. Không như tiểu sử cuối cùng, tiểu sử được uỷ quyền viết thường được người thừa kế hay bạn bè của một người nổi tiếng nào đó đặt viết rất cẩn thận, sao cho những sai lầm mà nhân vật của cuốn tiểu sử đã làm hay những thành công mà anh ta đạt được đều được nhìn theo chiều hướng tốt đẹp nhất có thể. Những cuốn dạng này đôi lúc cũng rất hay, vì tác giả của nó có thuận lợi mà các tác giả khác không có được là được phép tiếp cận với mọi tài liệu thích hợp. Tất nhiên, một cuốn tiểu sử được uỷ quyền không được tin tưởng như tiểu sử cuối cùng. Thay vì đọc nó như đọc một cuốn lịch sử, người đọc phải hiểu là có thể nó đã bị làm thiên lệch đôi chút theo cách mà bạn bè và người quen của nhân vật muốn anh ta được người khác biết đến. Vì thế, chúng ta không nên trông chờ sẽ biết đời tư của người đó thật sự như thế nào.
Một cuốn tiểu sử được uỷ quyền viết thường nói nhiều với chúng ta về giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, về thói quen và cuộc sống, về những hành động và thái độ được xã hội chấp nhận và ngầm ám chỉ với một chút suy diễn về những vấn đề không được xã hội đồng tình. Chúng ta không nên hy vọng hiểu được sự thật của một cuộc chiến nếu chỉ đọc thông cáo của một bên tham chiến. Để biết sự thật, ta phải đọc tất cả các thông cáo, hỏi những người từng ở đó và cố gắng nhận thức được vấn đề một cách sáng suốt từ mớ thông tin lộn xộn đó. Tiểu sử cuối cùng làm được việc này, còn tiểu sử được uỷ quyền viết (hầu hết tiểu sử của những người đang sống đều thuộc loại này) thì vẫn còn nhiều điều phải làm.
Ngoài ra, còn có những cuốn tiểu sử không thuộc hai loại trên. Chúng tôi gọi chúng là tiểu sử bình thường. Đọc thể loại này, chúng ta mong muốn tác giả viết chính xác và hiểu những sự thật mà anh ta đưa ra; muốn có cảm giác đang xem lại cuộc đời một con người thật trong một khoảng thời gian và không gian khác. Những cuốn sách như vậy thường khá hay mặc dù không có độ tin cậy cao như tiểu sử cuối cùng.
Một số cuốn tiểu sử mang tình chất giáo huấn, được viết ra với mục đích giảng dạy đạo đức. Kiểu tiểu sử này ngày nay ít được viết nhưng chúng từng rất phổ biến một thời. Tiêu biểu như cuốn Lives of the Noble Grecians and Romans (Cuộc đời của những người Hy Lạp và La Mã đáng kính) của Plutarch. Tác giả kể chuyện về những người đàn ông Hy Lạp và La Mã vĩ đại ngày xưa nhằm giúp những người cùng thời với ông cũng trở nên vĩ đại như họ, và giúp họ tránh được những sai lầm mà người vĩ đại thường mắc phải. Chúng ta đọc tác phẩm không phải để kiếm những thông tin về tiểu sử mà tìm trong đó quan điểm sống nói chung. Plutarch nói mục đích ban đầu của ông khi viết sách là để hướng dẫn người khác, nhưng trong quá trình viết ông mới nhận ra rằng chính ông mới là người hưởng lợi và nhận được sự động viên từ việc “cho hết người này đến người kia đến thuê nhà mình”.
Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về sách tự truyện – sách viết về những cuộc đời chưa hoàn chỉnh. Câu hỏi chúng tôi đặt ra đầu tiên là đã có ai từng viết tự truyện một cách chân thực chưa?
Chúng ta rất khó chống lại sức cám dỗ của việc kể ít hơn hay nhiều hơn sự thật vốn có, nhất là khi không có ai mâu thuẫn với mình. Ai cũng có vài bí mật không thể tiết lộ và có một chút ảo tưởng vào bản thân. Tuy nhiên, dù không thể viết một cuốn tự truyện hoàn toàn đúng sự thật, chúng ta cũng không thể viết một cuốn tự truyện mà không có thông tin nào là sự thật cả. Mọi cuốn tự truyện đều cho chúng ta biết đôi điều về tác giả của nó, trong đó có cả những điều mà họ muốn giấu.
Nhiều ý kiến cho rằng cuốn Confessions (Xưng tội) của Rousseau viết vào khoảng giữa thế kỷ XVIII là tác phẩm tự truyện thật sự đầu tiên. Cũng có ý kiến cho rằng đó phải là tác phẩm Confessions của Augustine và Essays (Những bài luận) của Montaigne. Trên thực tế, tất cả mọi điều mà một người viết về một chủ đề nào đó đều là tự thuật. Chúng ta thấy rất nhiều phần Plato thể hiện trong tác phẩm Republic (Cộng hoà), cũng như nhiều nét của Milton trong Thiên đường đánh mất, của Goethe trong tác phẩm Faust là tự thuật.
Nên nhớ rằng bản thân từ ngữ không tự viết nên chính nó. Một số điều Plato và Aristotle nói tương tự nhau, một số lại khác nhau, nhưng dù họ có nhất trí hoàn toàn với nhau thì họ cũng không thể viết hai cuốn sách giống hệt nhau vì họ là những con người khác biệt.
Không ai có thể tách hoàn toàn bản thân ra khỏi tác phẩm của chính mình. Montaign từng nói: “Tôi không sáng tạo ra cuốn sách của mình nhiều hơn nó đã sáng tạo ra tôi. Một cuốn sách luôn có cùng phẩm chất với tác giả của nó. Nó liên quan đến bản ngã của tôi, là một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi”. Ông còn nói thêm: “Mọi người đều có thể nhận ra tôi khi đọc sách của tôi và có thể hiểu được sách của tôi khi nhìn vào bản thân tôi”.
Mặc dù tiểu sử và đặc biệt là tự truyện thường tiết lộ rất nhiều thông tin về tác giả, nhưng chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian tìm hiểu những bí mật của tác giả đến mức không thể tìm ra những điều họ diễn tả hết sức mộc mạc trong tác phẩm. Bên cạnh đó, mặc dù những cuốn sách này thường mang tính thơ ca hơn là thảo luận hay triết lý, nhưng chúng chính là loại sách lịch sử đặc biệt. Bởi vậy, bạn đừng thêm thắt gì vào. Tất nhiên, nếu bạn muốn biết sự thật về cuộc đời một người, bạn nên đọc càng nhiều sách tiểu sử viết về người đó càng tốt, kể cả tự truyện nếu có. Hãy đọc tiểu sử như đọc sách lịch sử, hãy xem những cuốn tự truyện một cách ý nhị và đừng quên là không được tranh luận về cuốn sách cho tới khi đã hiểu cặn kẽ nội dung sách.
Cách đọc những vấn đề thời sự
Chúng tôi đã nói rõ rằng đọc phân tích là phương pháp bạn có thể áp dụng với bất cứ thứ gì bạn đọc, không nhất thiết phải là sách vở. Nhưng không phải lúc nào cũng cần đọc phân tích. Có nhiều thứ ta đọc không đòi hỏi những nỗ lực và kỹ năng cần thiết của đọc phân tích. Tuy nhiên, mặc dù bạn không nhất thiết phải áp dụng các quy tắc đọc cho mọi tình huống, bạn vẫn cần đặt ra bốn câu hỏi cơ bản khi đọc bất cứ thứ gì, trong đó có các vấn đề thời sự.
Khi đọc các sự kiện thời sự, chúng ta cũng gặp phải một vấn đề giống như khi đọc về lịch sử. Đó là ta không thể biết chắc về những điều đang diễn ra cũng như ta hoàn toàn mù mờ về những điều đã xảy ra trong quá khứ. Dù vậy, ta vẫn phải cố tìm hiểu.
Nếu cùng một lúc ta có mặt ở mọi nơi, nhìn và nghe được mọi cuộc nói chuyện trên trái đất này, chúng ta có thể tìm ra sự thật của mọi sự kiện đang diễn ra. Nhưng không ai làm được điều đó cả, chúng ta phải nhờ sự giúp đỡ của các phóng viên. Họ có thể biết rõ chuyện gì đang diễn ra ở một khu vực cụ thể và thuật lại các sự kiện đó trên báo, tạp chí hoặc viết thành sách. Những điều chúng ta biết đều phụ thuộc vào họ.
Thật lý tưởng khi có những phóng viên, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, cũng là tấm gương trong phản chiếu sự thật hoặc thông qua họ mà sự thật toả sáng. Nhưng tri óc con người không phải là một tấm gương trong, không phải là một vật phản chiếu hay một bộ lọc tốt khi thực tế soi rọi qua đó. Nó lọc bỏ những gì nó cho là không thực tế, không thật. Đó là điều hợp lý. Nhưng một phóng viên dù không thuật lại những điều anh ta cho là giả dối vẫn có thể có nhầm lẫn.
Do đó, điều quan trọng nhất cần đặt biệt chú ý khi đọc bất cứ bản tường thuận sự kiện thời sự nào là: Ai viết bản tường thuật đó? Để hiểu được tâm trí phóng viên thuộc loại bộ lọc nào, chúng ta phải đặt ra một loạt câu hỏi như sau:
1. Tác giả muốn chứng minh điều gì?
2. Tác giả muốn thuyết phục ai?
3. Tác giả thừa nhận những kiến thức đặc biệt nào?
4. Tác giả sử dụng ngôn ngữ gì?
5. Tác giả có hiểu rõ mình đang nói về vấn đề gì hay không?
Hầu hết các cuốn sách viết về các sự kiện thời sự đều nhằm mục đích chứng minh. Người đọc có thể dễ dàng tìm ra mục đích đó là gì. Ngay phần quảng cáo về những cuốn sách đó đã nêu ra luận điểm chính của sách. Nếu không thì có thể tác giả đã nêu ra trong phần giới thiệu đầu sách.
Sau khi đặt câu hỏi cuốn sách chứng minh điều gì, bạn nên hỏi tiếp xem tác giả đang cố thuyết phục ai. Liệu cuốn sách có hướng tới những đối tượng mà mọi người đều biết và bạn có nằm trong nhóm đối tượng đó không? Liệu nhóm người đó có thể nhanh chóng giải quyết tình huống mà tác giả đặt ra không? Hay mọi người đều có thể giải quyết vấn đề đó? Nếu bạn không nằm trong nhóm đối tượng mà cuốn sách hướng tới, có thể bạn sẽ không muốn đọc nó nữa.
Tiếp theo, bạn phải tìm hiểu về lượng kiến thức đặc biệt mà tác giả mặc định là bạn có biết. Từ “kiến thức” ở đây có phạm vi ý nghĩa rất rộng, bạn có thể thay thế nó bằng “quan điểm” hay “định kiến” sẽ tốt hơn. Nhiều tác giả chỉ viết cho những độc giả tán thành với ý kiến của họ. Nếu bạn bất đồng sâu sắc với những giả định của các phóng viên, hẳn bạn sẽ nổi cáu khi đọc sách của họ.
Bước tiếp theo, bạn phải hỏi xem liệu tác giả có sử dụng ngôn ngữ nào đặc biệt không. Điều này rất quan trọng khi đọc tạp chí và báo, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho các cuốn sách về lịch sử đương đại. Một số từ cụ thể gợi lên những phản ứng đặc biệt từ chúng ta mà thường không thể có được ở các độc giả sống cách đây một thế kỷ, ví dụ như từ “Chủ nghĩa Cộng sản” hay “người cộng sản”. Chúng ta nên cố kiềm chế những phản ứng này hoặc ít nhất nên biết khi nào chúng diễn ra.
Cuối cùng là câu khó trả lời nhất: Liệu người phóng viên viết bài mà bạn đang đọc có biết rõ thực tế hay không? Anh ta có được chia sẻ những suy nghĩ và quyết định bí mật của những người mà anh ta đang nói đến hay không? Anh ta có biết tất cả những điều cần biết để giải thích một cách hợp lý và có cân nhắc về tình huống nêu ra hay không?
Bạn sẽ nhận thấy rằng năm câu hỏi này chỉ là những cách biến đổi khác nhau của những câu hỏi mà chúng tôi khuyên bạn nên đặt ra khi đọc bất cứ cuốn sách mô tả nào. Nhưng vì các cuốn sách đương thời và các tài liệu về thế giới đương đại luôn đặt ra những vấn đề đặc biệt cho bạn đọc nên chúng ta cần diễn đạt câu hỏi theo cách khác.
Lưu ý về các tập san
Đôi khi chúng ta phải đọc, lấy thông tin để hiểu, để xem người khác phân tích thực tế như thế nào. Chúng ta thường đọc báo, tạp chí và cả những mẩu quảng cáo vì chúng cung cấp thông tin. Lượng tài liệu dạng như vậy nhiều tới mức không ai có đủ thời gian đọc hết một phần những tài liệu đó. Trong số này, các tạp chí tin tức giúp độc giả chọn ra những yếu tố quan trọng nhất. Những người viết các tạp chí này trước hết phải là độc giả. Họ đã phát triển nghệ thuật đọc, lấy thông tin vượt quá khả năng của những độc giả trung bình.
Điều này cũng đúng với cuốn Reader’s Digest (Tập san bạn đọc) - cuốn tập san chuyên tóm lược những gì nổi bật trong các tạp chí thông dụng hiện thời và cô đúc chúng lại thành từng tập nhỏ gọn. Tất nhiên, những bài viết hay nhất cũng như những cuốn sách tốt nhất không thể cô đúc lại mà không sót ý. Những bài viết tầm trung, khi cô đọng lại thường là vẫn đủ ý, thậm chí còn hay hơn bản gốc vì những bài viết tầm trung chủ yếu là thông tin. Kỹ năng cần thiết đầu tiên để viết cuốn Tập san bạn dọc và rất nhiều tạp chí xuất bản định kỳ tương tự là kỹ năng đọc. Chỉ sau khi đọc, bạn mới có thể viết những bài viết đơn giản, rõ ràng, chọn lọc được những thông tin chính từ các trang báo và loại bỏ những phần không quan trọng.
Chúng ta đọc các tạp chí xuất bản định kỳ để thâu tóm được các tin tức và sự kiện đang diễn ra. Nhưng muốn có đầy đủ thông tin, ta bắt buộc phải đọc bài viết cụ thể dù các tạp san có hay đến đâu. Và dù ta có thể tiết kiệm thời gian, công sức với những thông tin cô đọng được các biên tập viên tóm tắt trên tập san thì ta cũng không thể bỏ qua hoàn toàn việc đọc.
Rõ ràng, muốn có một tập san càng cô đọng, người ta càng phải chọn lọc nhiều. Chúng ta có thể không thấy lo nếu 1.000 trang bị cắt xuống còn 900 trang. Nhưng nếu 1.000 trang bị cắt chỉ còn mười hay thậm chí là một trang thì những gì bị cắt đi sẽ trở nên quan trọng. Vì thế, thông tin càng cô đọng chúng ta càng cần phải biết đôi chút về phương thức chọn lọc. Cuối cùng, bạn cần đọc những hàm ý khi nó đã được cô đọng thành thục. Bạn không thể đọc bản gốc để tìm xem những gì được cắt bớt mà phải tự mình suy diễn từ bản rút gọn. Do đó, việc đọc các tập san thời sự đôi khi là việc đọc yêu cầu cao nhất và khó nhất mà bạn có thể làm.
17
Cách đọc sách khoa học
và sách toán
Trong chương này, chúng tôi không tư vấn cho các bạn phương pháp đọc tất cả các loại sách khoa học và sách toán mà chỉ thảo luận về hai loại sách: sách khoa học và toán cổ; sách khoa học hiện đại.
Chúng ta thường nói tới phương pháp đọc các loại sách khó hiểu và giới hạn ở một số chủ đề nào đó, nhưng ở đây, chúng tôi không đề cập phương pháp này vì hai lý do. Thứ nhất, chúng ta không đủ trình độ để đọc các loại sách khó hiểu nói trên. Thứ hai, cho đến cuối thế kỷ XIX, những cuốn sách khoa học lớn đều chỉ dành cho những độc giả không chuyên. Các tác giả như Galileo, Newton và Darwin đều mong muốn các nhà chuyên môn trong cùng lĩnh vực đọc các tác phẩm của mình. Nhưng thời gian đó lại chưa có các cơ quan chuyên ngành. Ngày nay, không có sự phân biệt giữa độc giả chuyên ngành và độc giả nói chung khi đọc các cuốn sách khoa học đương đại. Đa số các nhà khoa học hiện đại không quan tâm các độc giả không chuyên nghĩ gì nên họ không cố gắng thu hút các độc giả này.
Xu hướng khoa học hiện nay là các chủ đề khoa học được viết bởi các chuyên gia và dành cho các chuyên gia. Nội dung của nó thường tập trung vào nhiều kiến thức chuyên ngành mà chỉ một số độc giả học về lĩnh vực đó mới có thể hiểu được. Ưu điểm của xu hướng này là nó giúp khoa học phát triển mạnh hơn; các chuyên gia thảo luận với nhau về lĩnh vực của họ cùng biết và có thể hiểu sự việc nhanh chóng, nhìn ra các vấn đề và tìm cách giải quyết nó. Nhưng nhược điểm của xu hướng trên là nó “bỏ quên” những độc giả thông minh.
Trên thực tế, những xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực khác: các nhà triết học thường viết cho các nhà triết học, các nhà kinh tế viết phục vụ các nhà kinh tế… Ngay cả các sử gia cũng thấy rằng các nhà khoa học viết để phục vụ các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học đó đạt kết quả cao hơn là viết cho tất cả các đối tượng.
Vậy độc giả bình thường sẽ xử lý thế nào trong các tình huống này? Mỗi người không thể trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Vì thế, độc giả phải được phổ cập kiến thức khoa học. Nhưng điều quan trọng là độc giả không những cần hiểu được sự khác biệt này mà còn cần có khả năng đọc hiểu những cái hay.
Hiểu biết về công trình khoa học
Một trong những ngành học thuật phát triển nhanh nhất là lịch sử khoa học. Trong những năm qua, con người đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực này. Có thời kỳ, các nhà nghiên cứu khoa học thật sự coi nhẹ vai trò của các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, họ chỉ là những người nghiên cứu lịch sử một chủ đề nào đó và không có khả năng mở rộng ra các chủ đề khác.
Ngày nay, người ta rất coi trọng các khoa dạy lịch sử khoa học, các nhà khoa học giỏi nghiên cứu và viết về lịch sử. Ví dụ, hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, người ta tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về sự nghiệp và tính cách lạ thường của Isaac Newton và gọi đó là “ngành Newton”. Một nửa số sách nghiên cứu về Newton đã được xuất bản hoặc công bố. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì các nhà khoa học hiện nay quan tâm đến bản chất sự nghiệp khoa học hơn các nhà khoa học trước đây.
Vì vậy, chúng tôi khuyên các bạn nên đọc ít nhất là một vài cuốn sách khoa học cổ. Không có cuốn nào khó đến nỗi bạn không thể đọc được, nếu bạn thật sự muốn. Khi đọc một cuốn sách, bạn cần nêu ra càng rõ càng tốt các vấn đề mà tác giả đang tìm cách giải quyết. Quy tắc đọc phân tích này phù hợp với tất cả các loại sách mô tả và đặc biệt phù hợp với các loại sách khoa học và sách toán học.
Là một độc giả không chuyên, bạn không cần đọc sách khoa học để trở thành uyên bác trong lĩnh vực đó mà chỉ cần đọc để hiểu lịch sử và bản chất khoa học. Tức là, bạn cần nhận thức được các vấn đề mà các nhà khoa học lớn đang cố gắng giải quyết cũng như nguồn gốc phát sinh ra chúng.
Những gợi ý khi đọc sách khoa học cổ
Đọc một cuốn sách khoa học, chúng ta thường chú ý tới những phát hiện nhờ kết luận thuộc một số lĩnh vực được nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc nhờ cách quan sát bản chất hiện tượng. Khoa học luôn hướng tới mô tả các hiện tượng càng chính xác càng tốt và tìm ra mối liên quan giữa các hiện tượng khác nhau.
Các thuật ngữ quan trọng trong một cuốn sách khoa học thường được diễn đạt bằng các từ ngữ không phổ thông hoặc mang tính kỹ thuật. Điều này rất dễ nhận ra. Qua đó, bạn có thể nắm được những nhận định chính. Khoa học không chỉ đề cập tới một chủ đề. Không giống một nhà lịch sử, luôn vượt qua ranh giới thời gian và địa điểm, nhà khoa học thường đề cập tới vấn đề chung và cách xử lý chung.
Độc giả thường gặp phải hai khó khăn chính khi đọc sách khoa học:
Thứ nhất là các luận cứ. Khoa học thường được viết theo phương pháp quy nạp, tức là các luận cứ hình thành nên các mệnh đề thông qua các dẫn chứng thực tế. Ngoài ra, còn có các luận cứ khác được gọi là diễn dịch - mệnh đề này được chứng minh bằng mệnh đề kia. Nhưng luận cứ quy nạp vẫn được coi là đặc trưng cho khoa học.
Để hiểu được những luận cứ quy nạp trong sách khoa học, bạn cần phải tìm hiểu các dẫn chứng cơ bản mà nhà khoa học đưa ra. Nếu độc giả không hiểu cuốn sách đó, họ chỉ có một cách duy nhất là dựa vào các kinh nghiệm đặc biệt của bản thân. Độc giả có thể phải chứng kiến các thí nghiệm minh hoạ trong phòng thí nghiệm; xem xét và nắm bắt các tình huống tương tự trong sách; đến bảo tàng quan sát các mẫu hoặc các mô hình…
Bất kỳ ai muốn hiểu được lịch sử của khoa học, họ không những phải đọc mà còn phải làm quen với các văn bản cổ. Trên thực tế, có cả các thí nghiệm cổ điển và các loại sách cổ điển. Những người đã có kinh nghiệm thực tế và thực hành sẽ thấy dễ dàng hơn khi đọc các loại sách khoa học cổ.
Khó khăn thứ hai khi đọc sách khoa học là các phép tính. Đây cũng chính là vấn đề của môn toán học.
Những vấn đề thường gặp trong toán học
Nhiều người rất sợ môn toán và nghĩ rằng mình không đọc được các sách về toán học. Một phần là chúng ta không được dạy hoặc không được dạy sớm để biết rằng toán học là một ngôn ngữ và chúng ta có thể học nó cũng như học các môn khác.
Chúng ta phải học ngôn ngữ hai lần. Thứ nhất là khi chúng ta học cách nói, thứ hai là khi ta học cách đọc. Nhưng chúng ta chỉ cần học toán một lần vì toán học được coi là ngôn ngữ viết.
Chúng ta biết rằng học một ngôn ngữ mới thường liên quan đến cấp độ đọc sơ cấp. Khi thực hành các bài đọc đầu tiên, chúng ta phải học cách nhận biết các ký hiệu nhất định và ghi nhớ mối quan hệ nhất định giữa các ký tự. Ngay cả những độc giả giỏi nhất vẫn tiếp tục luyện đọc ở cấp độ sơ cấp khi có cơ hội. Ví dụ, khi bạn gặp một từ không biết, bạn phải tra từ điển. Nếu bạn còn bối rối về ngữ pháp của một câu, bạn vẫn chưa vượt qua được cấp độ đọc sơ cấp. Chỉ khi nào giải quyết được các vấn đề này, bạn mới có thể đọc sách ở trình độ cao hơn.
Vì toán học là một ngôn ngữ nên nó có vốn từ riêng, ngữ pháp riêng. Độc giả ở trình độ sơ cấp cần học về các vấn đề đó, phải hiểu được một số ký hiệu và mối quan hệ giữa cá ký hiệu. Ngôn ngữ thể hiện các thuật ngữ, định lý và phương trình toán học thường không hàm chứa ý nghĩa về cảm xúc.
Không bao giờ là quá muộn để giải quyết các vấn đề về toán học. Bạn có thể bắt đầu tiếp xúc với toán học qua tác phẩm nổi tiếng Elements of Geometry (Các yếu tố hình học) của Euclid.
Trong năm định lý đầu trong tập I cuốn sách trên, ba định lý đầu là các vấn đề về dựng hình hình học. Dựng hình rất cần thiết cho việc chứng minh các định lý. Bạn có thể thấy điều này trong định lý 5: “Trong một tam giác cân, các góc ở đáy bằng nhau” - định lý này liên quan đến định lý 3: “Đường thẳng ngắn hơn bị cắt ra từ một đường thẳng dài hơn”. Còn định lý 3 phụ thuộc vào việc sử dụng kết cấu dựng hình của định lý 2, trong khi định lý 2 lại liên quan đến định lý 1. Như vậy, ta có thể thấy các định lý này đều cần thiết để bổ trợ cho định lý 5.
Định lý 5 là kiểu định lý chứng minh mối quan hệ “nếu – thì”. Nếu có một chi tiết đúng và các yếu tố khác có giá trị (tức là giả thiết), chúng ta sẽ chứng minh được điều gì đó là đúng, gọi là kết luận. Nếu giả thiết không đúng thì kết luận không thể đúng. Định lý 5 chỉ chứng minh mối quan hệ giữa giả thiết và kết luận đúng.
Tuy nhiên, một giả thiết phổ biến, thậm chí là một giả thiết mang tính triết học cũng còn nhiều hạn chế. Có thể nói, logic triết học được áp dụng một cách triệt để trong toán học.
Hãy xem xét sự khác biệt giữa các yếu tố trong định lý 5 và tam đoạn luận đơn giản nhất dưới đây:
Tất cả các động vật đều phải chết
Con người là động vật
Con người phải chết
Ở đây, chúng ta đang giả thiết về những vấn đề có thật, tức là động vật và con người là có thật. Vì thế, cách chúng ta kiểm tra giả thiết này không giống như kiểm tra giả thiết trong toán học. Định lý của Euclid không chịu ảnh hưởng của vấn đề này. Ông không cần biết liệu có những cái tương tự như tam giác cân hay không. Ông nói nếu là tam giác cân thì đương nhiên, các góc đáy bằng nhau. Đây là điều luôn đúng!
Nghiên cứu toán trong sách khoa học
Chúng ta biết rằng, sự xuất hiện của toán học trong sách khoa học là một khó khăn đối với người đọc. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý:
Trước tiên, bạn có thể đọc các chương trình toán sơ cấp tốt hơn bạn nghĩ. Hãy bắt đầu với Euclid và tin rằng nếu bạn dành một vài buổi tối để đọc cuốn Các yếu tố hình học, bạn có thể vượt qua những khó khăn khi đọc sách khoa học. Nếu bạn đã đọc một số sách của Euclid, hãy đọc tác phẩm của các nhà toán học cổ Hy Lạp khác như Archimedes, Apollonius, Nicomachus.
Thứ hai, nếu bạn định đọc một cuốn sách toán học để hiểu nó, bạn phải đọc từ đầu đến cuối; cần một chiếc bút viết ra những điều cần ghi nhớ - một công việc cần thiết với sách toán học hơn bất cứ loại sách nào khác. Nhưng nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách khoa học có các vấn đề toán học, bạn nên bỏ qua thao tác này.
Cuốn Principia (Những nguyên lý cơ bản) của Newton là một ví dụ tiêu biểu. Cuốn sách này bao gồm rất nhiều định lý, phần dựng hình và các định đề. Nhưng chúng ta không cần đọc chi tiết cả cuốn, nhất là lần đọc đầu tiên. Bạn hãy đọc phần định lý và xem qua phần chứng minh để nắm ý chính. Sau đó, đọc phần bổ đề và hệ luận, đọc phần chú giải nêu lên mối quan hệ giữa các định đề và mối quan hệ của toàn bộ cuốn sách. Làm như vậy, bạn sẽ thấy được tổng thể và tìm ra phương pháp trình bày của Newton: đầu tiên là gì, tiếp theo là gì, các phần liên kết với nhau thế nào. Tiếp tục đọc theo cách này cho đến hết cuốn sách và tránh các sơ đồ mà bạn thấy rắc rối. Đối với các vấn đề không quan trọng, bạn chỉ cần liếc qua nhưng phải đảm bảo tìm và đọc các đoạn Newton nêu lên quan điểm chính của ông.
Sách toán học thường đòi hỏi sự chính xác, rõ ràng. Thông thường, bạn có thể hiểu được một số vấn đề mà không cần tìm hiểu sâu về toán học như trường hợp đọc sách của Newton. Tuy nhiên, điều lạ là toán học khiến nhiều người thấy sợ và không thích nhưng bạn sẽ gặp nhiều rắc rối nếu thiếu nó. Điển hình là tác phẩm Two New Sciences (Hai ngành khoa học mới) của Galileo – chuyên luận nổi tiếng về sức mạnh của vật chất và về sự chuyển động. Tác phẩm này vô cùng khó đối với độc giả thời nay vì cơ bản nó không theo kiểu toán học khi trình bày dưới dạng đối thoại. Mặc dù, nó phù hợp với sân khấu và hữu ích trong triết học nhưng hình thức đối thoại như vậy không phù hợp trong khoa học. Vì thế, rất khó để biết được Galileo muốn nói gì, mặc dù khi tìm ra được, bạn sẽ thấy ông đang đề cập đến những vấn đề mang tính cách mạng.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các tác phẩm khoa học kinh điển đều sử dụng hay cần phải sử dụng toán học. Các tác phẩm của Hyppocrates – ông tổ ngành y học Hy Lạp – không phải là tác phẩm toán học. Bạn có thể đọc các tác phẩm này để thấy được quan điểm y học phòng bệnh hơn chữa bệnh của Hyppocrates. Bài luận của William Harvey về sự tuần hoàn máu hay sách của William Gilbert về nam châm cũng không phải là tác phẩm toán học. Đọc những cuốn sách này sẽ không quá khó khăn nếu bạn luôn tâm niệm rằng mục đích chủ yếu không phải để trở thành chuyên gia mà chỉ là hiểu vấn đề.
Lưu ý về khoa học thường thức
Trên phương diện nào đó, không có nhiều điều để nói về các tác phẩm khoa học thường thức. Theo định nghĩa, đó là những tác phẩm được viết cho số đông độc giả, không phải cho các nhà chuyên môn. Vì thế, nếu bạn đã cố gắng đọc các tác phẩm khoa học kinh điển, bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đọc các tác phẩm này. Dù là tác phẩm khoa học nhưng sách khoa học thường thức tránh nói đến hai vấn đề chính. Đó là ít mô tả về các thí nghiệm (thường chỉ nêu kết quả của các thí nghiệm) và ít các vấn đề toán học (trừ phi đó là những cuốn sách toán phổ thông).
Hầu hết các bài báo về khoa học thường dễ đọc hơn các cuốn sách khoa học thông dụng. Thậm chí có những bài báo rất hay, được biên tập công phu, có trách nhiệm nhưng chúng vẫn mang lại vấn đề mà chúng tôi đã bàn ở cuối chương trước. Đó là khi đọc, chúng ta phó mặc sự chọn lọc thông tin cho phóng viên. Nếu họ là những phóng viên giỏi thì chúng ta là người may mắn.
Đọc một tác phẩm khoa học không dễ như đọc một câu chuyện. Ví dụ, một bài báo chỉ dài ba trang về DNA nhưng không có bất cứ báo cáo thí nghiệm hay sơ đồ, công thức toán học nào thì độc giả vẫn phải nỗ lực hết mình. Bạn không thể đọc hiểu mà đầu óc không tỉnh táo. Vì thế, yêu cầu đọc tích cực càng quan trọng hơn so với bất kỳ lúc nào: xác định chủ đề, tìm ra mối quan hệ giữa tổng thể và bộ phận; phân tích các thuật ngữ và tìm ra các luận đề và lý lẽ; cố gắng trước khi bắt đầu phê bình hay đánh giá tầm quan trọng. Những quy tắc này đã rất quen thuộc – và phải được áp dụng chặt chẽ hơn ở đây.
Các bài báo ngắn chủ yếu thường cung cấp thông tin nên bạn không cần phải suy nghĩ nhiều. Bạn chỉ cần cố gắng hiểu và theo dõi câu chuyện của tác giả. Nhưng khi đọc các tác phẩm xuất chúng như Introduction to Mathematics (Dẫn luận toán học) của Whitehead, The Universe and Dr. Einstein (Vũ trụ và Tiến sĩ Einstein) của Lincoln Barnett và The Closing Circle (Vòng tròn khép kín) của Barry Commoner. Tác phẩm bàn về một chủ đề quan trọng mà tất cả chúng ta ngày nay đặc biệt quan tâm - khủng hoảng môi trường. Văn viết chặt chẽ và súc tích yêu cầu chúng ta phải luôn chú ý. Toàn bộ tác phẩm có những ẩn ý mà độc giả phải thận trọng không được bỏ qua. Mặc dù không phải là một tác phẩm mang tính thực tiễn nhưng những kết luận lý thuyết của nó có những ảnh hưởng quan trọng. Chỉ riêng chủ đề của cuốn sách là khủng hoảng môi trường cũng đủ nói lên điều này. Nếu môi trường chúng ta đang sống rơi vào trạng thái khủng hoảng thì tất yếu chúng ta cũng bị liên quan. Khi gặp khủng hoảng, chúng ta thường hành động hay không hành động theo một kiểu nào đó nữa. Vì thế, tác phẩm của Commoner dù chủ yếu là lý thuyết nhưng lại có tầm quan trọng vượt lên trên lý thuyết và đi vào thực tế.
Nói như trên không có nghĩa rằng sách của Commoner quan trọng, còn sách của Whitehead và Barnett thì không. Khi cuốn Vũ trụ và Tiến sĩ Einstein được viết ra mang tính lý thuyết (cho độc giả đại chúng) về lịch sử nghiên cứu nguyên tử, mọi người đã biết nhiều về những hiểm họa gắn liền với vật lý nguyên tử xuất phát từ việc khám phá bom nguyên tử. Như vậy, cuốn sách lý thuyết đó cũng có những kết luận thực tiễn. Nhưng ngay cả khi con người ngày nay không còn lo lắng về nguy cơ một cuốn chiến tranh nguyên tử hay hạt nhân sắp xảy ra, thì vẫn có nhu cầu đọc cuốn sách lý thuyết này hay một cuốn khác tương tự. Lý do là vì vật lý nguyên tử hay hạt nhân là một trong những thành tựu lớn nhất của thời đại chúng ta. Nó hứa hẹn những điều to lớn cho con người, những cũng có những đe dọa khôn lường. Một độc giả quan tâm đến chủ đề này và muốn nắm bắt thông tin cần biết mọi khía cạnh của nó.
Tác phẩm Dẫn luận toán học của Whitehead lại mang tính cấp thiết hơi khác. Toán học có lẽ là điều bí ẩn nhất, có chỗ đứng trong xã hội ngày nay giống như những bí ẩn về tôn giáo đã một thời làm mưa làm gió. Nếu muốn biết bản chất thời đại của mình là gì, chúng ta phải hiểu ít nhiều về toán học, hiểu các nhà toán học làm việc và suy nghĩ như thế nào. Sách của Whitehead dù không đi sâu vào những phần nhỏ khó hiểu của chủ đề nhưng lại nói rất hùng hồn về các nguyên tắc suy luận toán học. Ít nhất, nó cũng nói cho độc giả biết rằng nhà toán học chỉ là một người bình thường chứ không phải là một nhà ảo thuật. Phát hiện này cũng rất quan trọng với những độc giả luôn khao khát mở rộng tầm hiểu biết xa hơn những suy nghĩ và kinh nghiệm thiển cận.
18
Cách đọc sách triết học
Trẻ em luôn đặt những câu hỏi kỳ diệu như: Tại sao là con người? Cái gì làm cho con mèo chạy được? Tên ban đầu của thế giới là gì? Thượng đế có lý do để tạo ra trái đất không? Đó là cách thể hiện sự tìm kiếm tri thức của trẻ em. Theo Aristotle, triết học bắt nguồn từ sự thắc mắc và bắt đầu từ thời thơ ấu, mặc dù đối với đa số chúng ta triết học cũng đã chất dứt từ thời thơ ấu.
Bản tính của trẻ em là thích đặt câu hỏi. Không phải số lượng câu hỏi mà chính bản chất của câu hỏi khiến trẻ em khác người lớn. Người lớn không đánh mất sự tò mò vốn là một đặc tính của con người, nhưng sự tò mò của người lớn thoái hoá dần về số lượng. Họ muốn biết liệu một điều gì đó có đúng là như vậy không, chứ không để ý đến lý do tại sao. Nhưng các câu hỏi của trẻ em thì không hạn chế ở những điều mà một cuốn bách khoa toàn thư có thể trả lời.
Một trí óc không được kích thích bằng những câu hỏi hay tồn tại nhưng chúng ta phải nhìn theo cách nhìn của trẻ em, thắc mắc như cách trẻ em thường làm và hỏi như chúng hỏi. Sự phức tạp của cuộc sống người lớn đã cản trở sự thật. Các triết gia vĩ đại luôn thành công trong việc gạt phăng đi những điều phức tạp và nhìn nhận những điều đơn giản. Nếu chúng ta noi gương họ, chúng ta cũng phải đơn giản như con trẻ khi đặt câu hỏi và thông thái, già dặn khi trả lời.
Câu hỏi của các triết gia
Những câu hỏi “đơn giản kiểu trẻ con” mà các triết gia hỏi là gì? Khi viết ra, dường như chúng chẳng đơn giản tí nào bởi vì trả lời chúng không dễ. Tuy nhiên, sự đơn giản của nó nằm ở chỗ nó mang tính cơ bản, nền tảng.
Ví dụ, ta có thể đặt những câu hỏi về sự tồn tại như: sự khác biệt giữa tồn tại và không tồn tại là gì? Điều gì chung cho tất cả những gì tồn tại và mọi thứ tồn tại có những đặc tính nào? Có những cách tồn tại khác nhau không? Có điều gì chỉ tồn tại trong trí óc hay phục vụ trí óc không và chúng ta có biết chúng hay khám phá chúng không? Mọi thứ tồn tại có tồn tại hữu hình không hay có những thứ tồn tại không phụ thuộc vào vật chất? Có phải tất cả mọi thứ đều thay đổi không hay có vật nào đó không bao giờ thay đổi? Có cái gì tồn tại vì cần thiết không? Có phải phạm vi của những thứ có thể tồn tại lớn hơn phạm vi của những thứ thật sự tồn tại không?
Đây chính là những câu mà một triết gia hỏi khi muốn khám phá bản chất của sự vật và phạm vi của sự tồn tại. Không khó để nêu lên hay để hiểu những câu hỏi này, nhưng để trả lời chúng thì rất khó. Khó đến mức có những triết gia, nhất là những người thuộc các thế hệ gần đây cho rằng không ai có thể trả lời chúng một cách thoả đáng được.
Ngoài những câu hỏi về sự tồn tại, còn có hàng loạt câu hỏi triết học khác liên quan đến sự thay đổi hay biến chuyển. Những điều mà bằng kinh nghiệm của mình, chúng ta nói rằng chúng tồn tại nhưng chúng cũng có thể thay đổi – Chúng ra đời và mất đi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong quá trình tồn tại và nhiều thứ thay đổi cả về số lượng và chất lượng để trở nên to hơn hay nhỏ hơn, nặng hơn hay nhẹ hơn hoặc thay đổi màu sắc…
Điều gì liên quan đến sự thay đổi? Trong quá trình biến đổi, có điều gì không thay đổi cũng như có khía cạnh nào của vật không thay đổi đó chịu sự thay đổi không? Khi bạn học được một điều mà trước đây bạn chưa biết, chắc chắn bạn sẽ thay đổi một chút nào đó về kiến thức nhưng bạn vẫn chỉ là bạn như trước đây. Tất nhiên là có những thay đổi tuyệt đối như sự ra đời và chết đi đồng thời cũng có những thay đổi tương đối như chuyển động tại chỗ, sự lớn lên hay sự thay đổi về chất lượng. Có bao nhiêu loại thay đổi? Có phải các yếu tố hay điều kiện cơ bản đều có mặt trong mọi quá trình biến đổi và trong mọi trường hợp các nguyên nhân đều giống nhau không? Chúng ta ngụ ý gì khi nói nguyên nhân thay đổi? Có các loại nguyên nhân khác nhau gây thay đổi? Các nguyên nhân gây thay đổi có giống các nguyên nhân tồn tại không?
Những câu hỏi kiểu này được các triết gia nêu lên, hướng sự chú ý từ sự tồn tại đến sự thay đổi và cố gắng liên hệ sự thay đổi với sự tồn tại. Giống các câu hỏi về sự tồn tại, chúng là những câu hỏi không khó đặt ra và không khó hiểu nhưng để trả lời chúng rõ ràng và hoàn hảo thì vô cùng khó.
Bên cạnh hai loại câu hỏi trên, có những câu hỏi về sự cần thiết và tính ngẫu nhiên; về vật chất và phi vật chất; vật lý và phi vật lý, tự do và không xác định; về năng lực của trí tuệ con người; bản chất và mức độ kiến thức của nhân loại; về sự tự do của ý chí. Tất cả đều mang tính suy luận hay lý thuyết. Nhưng triết học không hạn chế ở những câu hỏi lý thuyết.
Lấy ví dụ về cái tốt và cái xấu. Trẻ em rất quan tâm đến sự khác nhau giữa cái xấu và cái tốt vì nếu chúng phạm sai lầm thì rất dễ bị phạt. Nhưng khi đã lớn, chúng ta vẫn thắc mắc về sự khác nhau đó. Có sự phân biệt rõ ràng, rộng khắp giữa cái tốt và cái xấu không? Có điều nào luôn luôn tốt và điều luôn luôn xấu trong mọi trường hợp không? Hay Hamlet đã đúng khi nhắc lại lời Montaigne rằng: “Chẳng có gì tốt hay xấu, chỉ có sự suy nghĩ làm cho nó trở nên tốt hay xấu mà thôi”?
Tất nhiên, tốt và xấu không thể giống như đúng và sai. Hai cặp từ này dường như đề cập đến hai loại sự vật khác nhau. Cụ thể, cho dù chúng ta cảm thấy những gì đúng là tốt, chưa chắc ta đã cho rằng những gì sai là xấu. Nhưng làm cách nào để phân biệt chính xác giữa hai điều này?
“Tốt” là một thuật ngữ triết học quan trọng và cũng là một từ quan trọng trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta. Cố gắng định nghĩa từ này là một vấn đề gây nhức đầu và bạn phải tìm hiểu sâu về triết học để hiểu được vấn đề. Có thể sắp xếp trật tự của những cái tốt không khi mà có nhiều cái cùng tốt? Có cái tốt nào quan trọng hơn cái nào không? Có cái nào phụ thuộc cái nào không? Có trường hợp nào những cái tốt xung đột với nhau khiến bạn phải lựa chọn cái này và gạt bỏ cái kia không?
Trên thực tế, có những câu không chỉ hỏi về cái tốt và cái xấu, cái đúng, cái sai và trật tự của những cái tốt mà còn về nghĩa vụ và ràng buộc; đức hạnh và tội lỗi, hạnh phúc, mục tiêu của cuộc sống; công bằng và quyền lợi trong các mối quan hệ của con người và tương tác xã hội; nhà nước và mối quan hệ của nó với các cá nhân, về một xã hội tốt, một chính thể công bằng và một nền kinh tế công bằng, về chiến tranh và hoà bình.
Những câu hỏi liên quan đến sự tồn tại và thay đổi (giải quyết những cái tồn tại hay xảy ra trong cuộc sống) thuộc về phần nhánh triết học lý thuyết hay suy luận. Các câu hỏi liên quan đến cái tốt và cái xấu, hay cái đúng và cái sai (giải quyết những gì nên làm và nên tìm kiếm) thuộc phân nhánh triết học thực tiễn hay quy phạm. Những sách chỉ dẫn cho bạn cách làm gì đó, ví dụ như sách dạy nấu ăn hay sách hướng dẫn lái xe, không tranh luận rằng bạn phải trở thành một đầu bếp hay tài xế giỏi, chúng chỉ bày cho bạn cách thành công. Ngược lại, sách triết học quy phạm quan tâm chủ yếu đến các mục tiêu mà mọi người nên tìm kiếm như sống tốt hay xây dựng một xã hội tốt. Không giống sách hướng dẫn, sách triết học quy phạm dùng các từ phổ biến mô tả phương thức nên sử dụng để đạt các mục tiêu này.
Một tác phẩm triết học suy luận hay lý thuyết sẽ mang tính siêu hình nếu nó chủ yếu bàn đến các câu hỏi về sự tồn tại. Nó sẽ là một tác phẩm triết học về bản chất nếu nó liên quan đến sự thay đổi, bản chất và loại thay đổi, các điều kiện và nguyên nhân của chúng. Nếu mối quan tâm chính của cuốn sách là kiến thức thì đó là một tác phẩm về nhận thức luận – cách gọi khác của lý thuyết về kiến thức.
Triết học hiện đại và truyền thống hào hùng
Chúng tôi gọi những câu hỏi về sự tồn tại và những điều xảy ra trên thế giới hay về những điều mà con người nên làm hay nên tìm kiếm là “các câu hỏi hạng nhất”. Có “câu hỏi hạng nhất” thì sẽ có “các câu hỏi hạng hai”. Đó là các câu hỏi về kiến thức hạng nhất của chúng ta, về suy nghĩ của chúng ta khi cố gắng trả lời các câu hỏi hạng nhất, về cách thức chúng ta diễn tả những suy nghĩ đó trong ngôn ngữ.
Sự phân biệt giữa câu hỏi hạng nhất và hạng hai giúp chúng ta giải thích những gì đã xảy ra với triết học trong những năm qua. Đa số các triết gia chuyên nghiệp ngày nay không còn tin rằng họ có thể trả lời các câu hỏi hạng nhất. Đa số họ chỉ chuyên tâm vào các câu hỏi hạng hai và thường là những câu liên quan đến ngôn ngữ diễn đạt suy nghĩ.
Vấn đề nằm ở chính việc gạt bỏ hoàn toàn các câu hỏi triết học hạng nhất vốn rất được độc giả bình thường quan tâm. Trên thực tế, ngày nay triết học cũng như khoa học và toán học không được viết dành cho độc giả bình thường. Người ta cho rằng các câu hỏi hạng nhất là những câu hỏi ít người quan tâm. Và các triết gia chuyên nghiệp như các nhà khoa học thì không quan tâm đến quan điểm của ai khác ngoài quan điểm của các chuyên gia.
Điều này khiến cho triết học hiện đại rất khó đọc đối với các độc giả không chuyên. Việc đọc sách khoa học đối với những người không làm khoa học cũng diễn ra tương tự như vậy. Trong cuốn sách này, chúng tôi không khuyên các bạn các đọc triết học hiện đại vì nó chỉ liên quan đến các câu hỏi hạng hai. Tuy nhiên, cũng có những sách triết học mà bạn có thể và nên đọc. Chúng hỏi các câu hỏi hạng nhất và được viết chủ yếu dành cho các độc giả bình thường chứ không phải chỉ riêng cho các triết gia.
Cho đến năm 1930 và vài năm sau đó, sách triết học vẫn được viết cho độc giả bình thường. Các triết gia vừa muốn các đồng nghiệp đọc sách của mình, vừa muốn các độc giả thông minh khác cũng đọc chúng. Vì những câu hỏi và trả lời là mối quan tâm của mọi người nên họ nghĩ mọi người cần biết suy nghĩ của họ.
Tất cả các tác phẩm triết học kinh điển từ Plato trở đi đều được viết trên quan điểm này. Độc giả bình thường trong đó có bạn có thể tiếp cận các tác phẩm đó. Mọi điều chúng tôi đã nói trong chương này đều nhằm giúp bạn làm việc đó.
Về phương pháp triết học
Giả sử bạn là một triết gia đang băn khoăn với một trong những câu hỏi đơn giản của con trẻ như nói ở trên, bạn sẽ trả lời thế nào?
Nếu câu hỏi mang tính khoa học, bạn biết rằng để trả lời nó bạn phải tiến hành một nghiên cứu hay một thí nghiệm hoặc quan sát một loạt hiện tượng. Nếu câu hỏi mang tính lịch sử, bạn biết bạn cũng phải tiến hành nghiên cứu dù theo một cách khác. Nhưng không có thí nghiệm nào cho bạn biết những điểm chung của tất cả các sự vật đang tồn tại. Không có hiện tượng đặc biệt nào mà bạn có thể quan sát, không có tài liệu nào mà bạn có thể tìm đọc để tìm ra sự thay đổi là gì và tại sao sự vật lại thay đổi. Tất cả những gì bạn có thể làm là suy nghĩ về câu hỏi.
Khi mang tính tích cực, triết học không đơn thuần là suy luận, tức là suy nghĩ mà không có kinh nghiệm. Bạn không thể tuỳ tiện sắp xếp ý tưởng. Có những bài kiểm tra chặt chẽ về giá trị các câu trả lời của các câu hỏi triết học, nhưng chúng chỉ dựa trên kinh nghiệm của một người bình thường chứ không phải của một triết gia. Thông qua kinh nghiệm thường ngày, bạn cũng quen với các hiện tượng thay đổi như bao người khác. Mọi thứ xung quanh bạn đều có thể thay đổi. Chỉ khi những kinh nghiệm về sự thay đổi mất đi. Lúc đó bạn mới suy nghĩ về bản chất và nguyên nhân của sự thay đổi như cách các triết gia vĩ đại vẫn làm. Điều phân biệt giữa chúng ta với các triết gia là các triết gia thường suy nghĩ một cách mạch lac, họ đặt những câu hỏi có tính tìm tòi và suy nghĩ kỹ về các kinh nghiệm để tìm ra câu trả lời.
Nhưng không phải tất cả các câu hỏi do triết gia hỏi và trả lời đều thật sự mang tính triết học. Bản thân triết gia không phải lúc nào cũng nhận thức được điều này. Nó khiến những độc giả không chuyên cảm thấy rất khó khăn. Vì thế, bạn cần phải phân biệt các câu hỏi thật sự mang tính triết học và các câu hỏi khác mà một triết gia có thể bàn đến.
Một ví dụ minh chứng cho điều này là câu hỏi của các triết gia cổ đại về sự khác nhau giữa vật thể trên mặt đất và vật thể trên bầu trời. Theo quan sát của họ (không dùng kính viễn vọng), dường như các thiên thể chỉ thay đổi vị trí, chúng dường như không sinh ra và cũng không mất đi như cây cỏ hay muông thú, chúng cũng không thay đổi về kích thước và chất lượng trong khi tất cả các vật thể trên trái đất đều thay đổi về nhiều khía cạnh chứ không phải chỉ về vị trí. Vì thế, họ kết luận rằng các vật thể trên trời được cấu tạo từ một loại vật chất khác. Họ đã không giả định rằng nếu quan sát bằng kính viễn vọng, họ sẽ thấy sự biến đổi của các thiên thể vượt ra ngoài những gì chúng ta biết bằng kinh nghiệm bình thường. Do đó họ đã đặt những câu hỏi mà đáng lẽ nên để lại cho các nghiên cứu khoa học sau này. Những nghiên cứu như thế bắt đầu với việc Galileo sử dụng kính viễn vọng và ông đã phát hiện ra “những mặt trăng” của Sao Mộc. Sự kiện này dẫn đến việc Kepler đưa ra một nhận định mang tính cách mạng rằng vật chất các thiên thể hoàn toàn giống vật chất của các vật thể trên trái đất.
Khi đọc một tác phẩm triết học, những gì chúng ta quan tâm chính là các câu hỏi triết học chứ không phải câu hỏi khoa học hay lịch sử. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng để trả lời các câu hỏi đó ngoài suy nghĩ ra thì không có cách nào khác.
Không phải chỉ có các triết gia mới phạm những sai lầm như trên. Giả sử một nhà khoa học cũng băn khoăn với câu hỏi về kiểu sống của con người. Đây là câu hỏi mang tính trính triết học quy phạm và cách duy nhất để trả lời là phải suy nghĩ. Nhưng nhà khoa học có thể không nhận thức được điều đó nên ông giả định rằng một loại thí nghiệm hay nghiên cứu nào đó sẽ cho ông câu trả lời. Ông quyết định hỏi 1.000 người về kiểu sống mà họ muốn rồi dựa trên câu trả lời đó để đưa ra câu trả lờì mình. Câu trả lời của ông do đó cũng không phù hợp giống như trường hợp suy đoán của Aristotle về vật chất của các thiên thể.
Các phong cách triết học
Có ít nhất năm cách trình bày phương pháp triết học được các nhà triết học vĩ đại của phương Tây sử dụng. Sinh viên hay độc giả đọc triết học cổ nên phân biệt những ưu điểm và nhược điểm của từng loại.
1. Hội thoại triết học: Đây là phương thức trình bày triết học đầu tiên tính theo thời gian (không phải theo tính hiệu quả) và được Plato dùng trong tác phẩm Dialogues (Những cuộc hội thoại). Văn phong được dùng ở đây là đối thoại, thảo luận một đề tài giữa một số người với Socrates (sau đó là với một diễn giả ở Athen). Sau một hồi thăm dò, Socrates đưa ra một loạt câu hỏi và nhận xét làm sáng tỏ vấn đề. Dưới bản tay bậc thầy của Plato, văn phong này giúp phát triển sự tìm tòi, giúp người đọc tự mình khám phá. Khi được hỗ trợ bởi tính cao trào, kịch tính trong câu chuyện của Socrates, văn phong này càng trở nên hiệu quả.
Không ai có thể làm như Platon. Các nhà triết học khác như Cicero và Berkeley cũng đã cố gắng dùng đối thoại nhưng không mấy thành công. Những đoạn đối thoại của họ cứ đều đều, buồn tẻ và hầu như không thể đọc được. Sự vĩ đại của Plato chính là ở chỗ ông viết được những mẩu đối thoại mang tính triết học mà vẫn có sự hài hước, hấp dẫn và chiều sâu có thể sánh ngang với bất kỳ cuốn sách nào về bất cứ đề tài nào của bất cứ ai.
2. Chuyên luận mang tính triết học: Aristotle là học trò giỏi nhất của Plato. Ông đã học thầy mình trong suốt 20 năm. Người ta cho rằng ông cũng đã viết những mẩu đối thoại nhưng không có cái nào tồn tại được lâu. Những gì trường tồn lại là những chuyên luận rất khó về một số chủ đề khác nhau. Aristotle là người luôn suy nghĩ rạch ròi, nhưng mức độ khó trong các tác phẩm còn tồn tại của ông khiến các học giả cho rằng chúng chính là những ghi chú cho các bài diễn thuyết, sách, hoặc là những ghi chú của chính Aristotle hay của một sinh viên nào đó ghi lại những lời dạy của thẩy mình. Có thể chúng ta không bao giờ biết được sự thật, nhưng dù sao những chuyên luận của Aristotle vẫn là một kiểu văn phong mới trong triết học.
Những vấn đề Aristotle bàn đến trong các chuyên luận và những cách hành văn khác nhau mà ông dùng để trình bày những phát hiện của mình đã giúp tạo nên một số chuyên ngành và cách tiếp cận môn triết học ở những thế kỷ tiếp theo. Trong các chuyên luận đó, có những tác phẩm được cho là thông dụng và đa số chúng là các đoạn đối thoại. Sau đó là các bộ sưu tập tư liệu với tác phẩm chính mà chúng ta biết là bộ sưu tập 158 hiến pháp của các bang thuộc Hy Lạp cổ. Cuối cùng là những bài luận chính, hoàn toàn mang tính triết học lý thuyết hay quy phạm về vật lý, siêu vật lý, đạo đức, chính trị và thi ca. Một số tác phẩm khác như cuốn On the Soul (Nói về linh hồn) là sự pha trộn giữa lý thuyết triết học và khám phá khoa học đầu tiên. Ngoài ra còn một số bài luận về sinh học, chủ yếu là các tác phẩm khoa học về lịch sử tự nhiên.
Immanuel Kant, đã đi theo phương thức của Aristotle mặc dù về phương diện triết học ông chịu ảnh hưởng của Plato nhiều hơn. Những bài luận của ông là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, không giống như Aristotle. Các tác phẩm của ông trước tiên nêu lên vấn đề chính, đi sâu vào vấn đề một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc, sau đó mới bàn đến các vấn đề đặc biệt. Có thể nói, sự rõ ràng của Kant và Aistotle nằm ở trật tự bố cục mà họ đưa vào một đề tài bao gồm phần mở đầu, thân bài và kết luận. Về phương diện nào đó, văn phong của bài luận cũng giống văn phong của đoạn hội thoại. Nhưng yếu tố kịch bị mất đi trong những bài luận của Kant hay Aristotle. Họ trình bày thẳng thắn về các quan điểm triết học chứ không đưa ra các mâu thuẫn về ý kiến hay giả thuyết như của Platon.
3. Trả lời những phản đối: Văn phong mang tính triết học phát triển vào thời Trung cổ và được thể hiện rõ trong tác phẩm Summa Theologica (Thần học Summa) của Thánh Thomas Aquinas. Văn phong của Aquinas cũng có những điểm tương đồng với hai kiểu trên. Như đã nói, Plato nêu lên những vấn đề triết học trường tồn; Socrates thông qua các mẩu đối thoại đã nêu lên những câu hỏi tuy đơn giản nhưng sâu sắc như trẻ em thường hỏi; Aristotle thì nhìn nhận những phản đối của các nhà triết học khác và trả lời họ.
Văn phong của Aquinas là sự kết hợp giữa việc đặt câu hỏi và trả lời những phản đối. Tác phẩm Thần học Summa được chia làm nhiều phần, nhiều bài luận, các câu hỏi và các bài viết. Hình thức các bài viết đều giống nhau: nêu lên các câu hỏi, đưa ra các câu trả lời sai; viện dẫn những lý lẽ để ủng hộ câu trả lời sai; sau đó có một bài viết đáng tin cậy phản lại những lý lẽ đó (thường là một bài từ Kinh Thánh). Cuối cùng, Aquinas đưa ra câu trả lời hay giải pháp của riêng ông. Sau khi nêu ra quan điểm của mình về vấn đề đó, ông trả lời đáp lại mỗi lý lẽ sai của câu trả lời sai.
Sự khúc triết và trật tự của văn phong này được những người có tư duy rõ ràng ưa thích, nhưng đó không phải là nét quan trọng nhất trong cách tranh luận của Thomas Aquinas. Chính sự nhìn nhận công khai những mâu thuẫn, việc ghi lại những quan điểm khác nhau và nỗ lực đưa ra những giải pháp cho mọi vấn đề có thể xảy ra mới là nét nổi bật của Aquinas. Việc cho rằng sự thật sẽ mở ra qua những chống đối và xung đột là một cách nghĩ khá thông dụng thời Trung cổ. Các nhà triết học thời Aquinas chấp nhận như lẽ đương nhiên rằng họ cần sẵn sàng bảo vệ chính kiến của mình trong những cuộc tranh luận công khai khi có rất nhiều sinh viên và những người quan tâm tham dự. Nền văn minh Trung cổ chủ yếu dựa trên văn nói vì sách thời đó rất hiếm và khó tìm. Một giả thuyết không thể được xem là đúng nếu nó không chịu được thử thách của các cuộc tranh luận công khai. Như Sorattes nói: “Nhà triết học không suy nghĩ đơn độc mà phải đối diện với các đối thủ trên một thị trường trí tuệ”. Vì thế, tác phẩm Thần học Summa thấm đẫm tinh thần tranh luận và bàn bạc.
4. Hệ thống hoá triết học: Vào thế kỷ XVII, một kiểu trình bày khác của triết học ra đời nhờ công của hai nhà triết học nổi tiếng là Descartes và Spinoza. Họ đã cố gắng tổ chức triết học giống như cách họ làm với toán học.
Descartes là một nhà toán học vĩ đại và cũng là một nhà triết học đáng kính. Những gì ông đã gắng sức cơ bản là khoác lên triết học “bộ áo quần” của toán học, đem lại cho nó sự chắc chắn và cấu trúc chính thống như Euclid đã làm với hình học trước đó 2.000 năm. Descartes không hoàn toàn thất bại. Xét về một số phương diện, yêu cầu của ông về sự rõ ràng và phân biệt rạch ròi trong suy nghĩ là chính đáng trong bầu không khí hỗn loạn của các ý tưởng thời bấy giờ. Ông cũng viết những bài luận về triết học mang hơi hướng truyền thống gồm một loạt câu trả lời cho những lý lẽ phản đối quan điểm của ông.
Spinoza đưa khái niệm này đi xa thêm một bước nữa. Tác phẩm Ethics (Đạo đức) của ông được viết theo kiểu hoàn toàn toán học với những định đề, chứng minh, hệ quả, bổ đề, chú giải… Tuy nhiên, phong cách này không thể giải quyết ổn thoả chủ đề về siêu vật lý và đạo đức. Nó có thể phù hợp với các chủ đề hình học và toán học nhưng lại không phù hợp với các chủ đề về triết học. Dấu hiệu của phong cách này là khi bạn đọc các tác phẩm của Spinoza, bạn có thể bỏ qua rất nhiều giống như cách bạn đọc tác phẩm của Newton. Bạn không thể nhảy cóc khi đọc các tác phẩm của Kant và Aristotle vì tư duy nối tiếp liên tục. Bạn cũng không thể nhảy cóc khi đọc tác phẩm của Plato giống như đọc một vở kịch hay một bài thơ.
Có lẽ không có quy tắc tu từ tuyệt đối nào. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu có thể viết một tác phẩm triết học hay theo kiểu toán học như Spinoza từng làm hay viết một công trình khoa học theo kiểu đối thoại như Galileo đã cố thử không? Sự thật cho thấy, về phương diện nào đó, cả hai người đều đã thất bại trong việc truyền đạt những gì họ muốn truyền đạt và dường như chính hình thức họ chọn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại.
5. Văn phong cách ngôn: Văn phong cách ngôn cũng là một kiểu trình bày triết học đáng chú ý, mặc dù nó không quan trọng như những hình thức kia. Nó được Nietzsche và một số nhà triết học người Pháp hiện đại khác dùng trong các tác phẩm như Thus Spake Zarathustran (Zarathustra đã nói thế). Nguyên nhân làm cho văn phong này trở nên phổ biến trong thế kỷ qua có lẽ do các độc giả phương Tây tỏ ra đặc biệt thích thú các tác phẩm nói về sự thông thái của phương Đông được viết theo kiểu cách ngôn. Cũng có thể, văn phong này được ưa thích nhờ tác phẩm Pensees của Pascal (tất nhiên, Pascal không hề có ý định để tác phẩm của mình trở thành những câu nói ngắn và bí hiểm. Ông đã qua đời trước khi hoàn thành cuốn sách theo kiểu viết luận).
Ưu điểm lớn của hình thức cách ngôn trong triết học là nó khiến người đọc phải suy nghĩ. Người đọc có cảm giác tác giả muốn nói nhiều hơn những gì được viết ra vì họ phải suy nghĩ rất nhiều và liên kết các câu, dựng nên những lý lẽ để đưa ra lý luận của riêng mình. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là điểm bất lợi của văn phong này vì nó không hề mang tính trình bày. Tác giả đề cập đến một đề tài rồi chuyển ngay sang một đề tài khác mà không biện hộ cho những gì mình đã nói. Vì thế, cho dù văn phong cách ngôn được những người yêu thích thi ca ngưỡng mộ nhưng lại làm bực mình những nhà triết học nghiêm túc vốn muốn theo dõi và phê bình dòng suy tưởng của tác giả.
Trong năm hình thức trên, có lẽ phổ biến nhất từ trước đến nay là kiểu viết theo kiểu chuyên luận hay bài luận. Các tác phẩm viết theo kiểu này có thể là các công trình có tính trang trọng và khó đọc như các tác phẩm của Kant hay các bài luận triết học thông thường. Văn phong hội thoại rất khó viết, còn văn phong hình học thì vừa khó viết lại vừa khó đọc. Theo quan điểm triết học, văn phong cách ngôn hoàn toàn không phù hợp. Còn văn phong theo kiểu của Thomas không được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây.
Những gợi ý khi đọc sách triết học
Đến đây, chúng ta thấy rõ rằng điều quan trọng nhất khi đọc bất cứ tác phẩm triết học nào là phát hiện vấn đề mà tác phẩm đó đang cố gắng trả lời. Vấn đề có thể được nêu lên một cách rõ ràng hay thể hiện ngầm. Trong trường hợp nào, bạn cũng phải tìm được các vấn đề đó.
Cách tác giả trả lời những vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên tắc chủ đạo của họ. Những nguyên tắc này có thể được nêu lên, nhưng không phải ở mọi nơi mọi lúc. Bên cạnh những lý lẽ, chúng tôi đã trích dẫn lời của Basil Willey về sự khó khăn và tầm quan trọng của việc tìm ra những giả thuyết ngầm của một tác giả. Điều này đúng với bất kỳ cuốn sách nào, đặc biệt là với các tác phẩm triết học.
Chúng ta không thể lên án các triết gia vĩ đại vì họ đã tìm cách giấu kín các giả thuyết của mình hay đưa ra những định nghĩa và nhận định mập mở. Điểm dễ nhận thấy của một triết gia tài năng là họ có thể làm nổi bật những điều này hơn các nhà văn. Tuy nhiên, các triết gia vĩ đại đều có những nguyên tắc chủ đạo làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Những nguyên tắc này rất dễ thấy nếu họ nêu lên trong cuốn sách bạn đang đọc. Nhưng có thể họ không làm vậy mà lại đưa chúng sang một tác phẩm khác. Hoặc họ không bao giờ trình bày các nguyên tắc đó một cách rõ ràng mà cứ để chúng lan toả trong các tác phẩm của mình.
Khó có thể đưa ra các ví dụ về những nguyên tắc chủ đạo đó. Tuy vậy, chúng tôi có thể nhắc đến nguyên tắc chủ đạo của Plato là hội thoại về các chủ đề triết học có lẽ là hoạt động quan trọng nhất trong các hoạt động của loài người. Ý kiến này hiếm khi được nêu rõ trong các cuộc hội thoại, cho dù Socrates đã đề cập đến nó trong tác phẩm Apology (Lời tạ tội) khi ông khẳng định rằng cuộc sống không có kiểm soát thì không đáng sống. Plato cũng nhắc đến điều này trong tác phẩm Seventh Letter (Bức thư thứ bảy). Điều đáng nói là Plato thể hiện quan điểm này ở nhiều nơi, ví dụ như trong đoạn khán giả không đồng tình với việc Protagoras không muốn tiếp tục nói chuyện với Socrates trong tác phẩm Protagoras hoặc khi nhân vật Cephalus có việc đột xuất và phải đi ngay ở tập I cuốn Republic (Nền cộng hoà). Mặc dù không nói thẳng ra nhưng Plato dường như muốn nói rằng việc từ chối không tham gia hành trình tìm kiếm sự thật vì bất cứ lý do nào cũng chính là sự phản bội bản chất sâu xa nhất của con người. Tuy nhiên như chúng tôi đã lưu ý, đây không phải là chính kiến của Plato vì nó hiếm khi được nêu lên rõ ràng trong các tác phẩm của ông.
Một ví dụ khác là về Aristotle. Điều quan trọng đầu tiên cần biết khi đọc sách của Aristotle là ta phải nhận thức rằng những điều đề cập đến trong các tác phẩm khác đều liên quan đến cuộc thảo luận này. Vì thế, các nguyên tắc chủ đạo về logic được diễn giải trong tập sách Organon (Công cụ) cũng được đề cập trong cuốn Physics (Vật lý). Điều thứ hai, một phần do các chuyên luận không phải là các tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn nên các nguyên tắc chủ đạo của chúng không phải lúc nào cũng được giải thích rõ ràng. Tác phẩm Đạo đức bàn về nhiều vấn đề: hạnh phúc, thói quen, đức hạnh, niềm vui,… Nhưng chỉ có những độc giả rất chú tâm mới có thể tìm ra ý tưởng chủ đạo. Đó là: “Hạnh phúc là bao hàm của những gì tốt đẹp nhất chứ không phải là điều quan trọng nhất trong những điều tốt đẹp”. Nhìn nhận điều này, chúng ta thấy rằng hạnh phúc không phải cốt ở sự tự hoàn thiện, mặc dù đây chính là điều quan trọng nhất trong những điều tốt đẹp. Như Aristotle đã nói hạnh phúc là chất lượng của toàn bộ cuộc đời. Khái niệm “toàn bộ” của ông không chỉ là thời gian mà còn về các khía cạnh khác của cuộc sống. Ngày nay, chúng ta thường nói người hạnh phúc là người hưởng trọn vẹn cuộc sống và suốt cả cuộc đời. Ý tưởng này mang tính chủ đạo bởi nó ảnh hưởng đến hầu hết các ý tưởng khác trong cuốn Đạo đức nhưng nó không được nêu rõ đến mức cần thiết.
Trên đây là tất cả những gì chúng tôi có thể nói về quan điểm chủ đạo trong một cuốn sách triết học. Chúng tôi không chắc rằng mình có thể chỉ cho các bạn cách tìm ra các nguyên tắc đó. Đôi khi phải mất hàng năm với nhiều lần đọc đi đọc lại mới tìm thấy. Tuy nhiên, đây chính là mục tiêu lý tưởng của việc đọc hiệu quả và đọc kỹ. Bạn nên tâm niệm rằng đây là điều mà bạn phải làm cho kỳ được nếu muốn hiểu tác giả. Dù việc tìm nguyên tắc chủ đạo có khó thế nào, chúng tôi cũng không khuyên bạn đi tắt bằng cách đọc các tác phẩm viết về các triết gia, cuộc đời và quan điểm của họ. Những khám phá do bản thân bạn tìm ra sẽ có giá trị gấp nhiều lần ý kiến của người khác.
Khi đã tìm ra nguyên tắc chủ đạo của một tác giả, bạn sẽ muốn biết họ có trung thành với nguyên tắc đó trong tất cả các tác phẩm của mình không. Thực tế những triết gia giỏi nhất cũng không làm được điều này. Emerson đã nói rằng sự nhất quán là con quỷ của những đầu óc hẹp hòi. Đó là một nhận định rất vô tư, nhưng bạn cần nhớ nó. Rõ ràng sự thiếu nhất quán của một triết gia là một điều nghiêm trọng. Nếu một triết gia thiếu nhất quán, bạn phải quyết định chuỗi nhận định nào là điều mà họ ngụ ý: hoặc là những nguyên tắc ban đầu họ nêu hay là những kết luận không tuân theo các nguyên tắc đã nêu ban đầu hoặc bạn có thể quyết định rằng không có cái nào có giá trị cả.
Việc đọc các tác phẩm triết học có những khía cạnh đặc biệt, liên quan đến sự khác nhau giữa triết học và khoa học. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến các tác phẩm lý thuyết trong triết học như các chuyên luận hay tác phẩm siêu hình về triết lý của tự nhiên.
Triết học phải giải thích bản chất của sự việc chứ không phải mô tả như khoa học. Triết học không chỉ quan tâm đến mối quan hệ của các hiện tượng mà còn phải hiểu thấu những nguyên nhân sâu xa và điều kiện dẫn đến các hiện tượng đó. Chỉ có thể khám phá đầy đủ các vấn đề này khi các câu trả lời được làm sáng tỏ bằng các lý lẽ và phân tích rõ ràng.
Vì thế, nỗ lực chủ yếu của độc giả là phải tìm hiểu các từ ngữ, đưa ra nhận định ban đầu. Mặc dù các triết gia cũng như các nhà khoa học có một kho thuật ngữ chuyên môn, nhưng các từ ngữ thể hiện ý tưởng của họ thường được lấy từ những câu nói thường ngày nhưng được dùng theo nghĩa đặc biệt. Điều này đòi hỏi độc giả phải rất chú ý. Nếu họ không thể khắc phục khuynh hướng dùng những từ ngữ quen thuộc theo cách thông thường, họ có thể làm cho cuốn sách trở thành vô nghĩa và vụng về.
Cũng như trong khoa học, các thuật ngữ cơ bản trong triết học rất trừu tượng. Cách duy nhất để diễn đạt các kiến thức tổng quát là dùng những từ ngữ trừu tượng. Từ trừu tượng được chúng ta sử dụng trong mọi cuộc đối thoại của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cả từ trừu tượng và từ cụ thể cũng có lúc khiến nhiều người lúng túng.
Bất cứ khi nào bạn nói về điều gì đó một cách chung chung tức là bạn đang dùng những từ ngữ trừu tượng. Nhưng những gì bạn tiếp nhận thông qua các giác quan lại luôn luôn cụ thể và cá biệt, còn những gì bạn dùng trí óc suy nghĩ luôn luôn trừu tượng và chung chung. Để hiểu một từ trừu tượng, bạn phải biết nó diễn đạt điều gì. Khi bạn nói biết một điều gì đó tức là bạn hiểu một khía cạnh chung chung nào đó của những sự việc mà bạn đã trải nghiệm. Bạn không thể nhìn thấy, chạm vào hay tưởng tượng ra khía cạnh chung chung đó. Nếu làm được điều này thì không còn gì khác biệt giữa các giác quan và trí óc. Những ai cố tưởng tượng xem các ý tưởng nói đến điều gì chỉ làm cho mình mụ mị đi và cuối cùng, chỉ cảm thấy vô vọng về các từ ngữ trừu tượng.
Đối với sách triết học, bạn cũng nên quan tâm đặc biệt đến các nguyên tắc của các triết gia. Đó có thể là những điều mà triết gia muốn bạn cùng đặt giả thuyết giống họ, hoặc là những vấn đề mà họ cho là hiển nhiên. Đặt giả thuyết không phải là việc khó. Bạn cứ đặt giả thuyết và sau đó xem điều gì xảy ra. Giả vờ tin điều mà bạn thật sự không tin là một bài tập trí óc đáng làm. Bạn càng tỏ tường về những luận điểm của mình thì bạn càng ít đánh giá sai quan điểm của người khác.
Phần lớn sách triết học đều nêu lên một số giả thuyết mà các tác giả cho là hiển nhiên. Những giả thuyết như thế được rút ra trực tiếp từ kinh nghiệm chứ không phải được chứng minh từ những giả thuyết khác. Bạn nên nhớ những kinh nghiệm để rút ra các giả thuyết đó không giống những kinh nghiệm đặc biệt của các nhà khoa học mà là kinh nghiệm chung của mọi người. Các triết gia không làm việc trong phòng thí nghiệm, cũng không nghiên cứu thực địa. Vì vậy, để hiểu và kiểm nghiệm các nguyên tắc chủ đạo của các triết gia, bạn không cần sự trợ giúp của các kinh nghiệm đặc biệt có được từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng mà chỉ cần bạn dùng chính lẽ thường và những quan sát hàng ngày về thế giới mà bạn đang sống.
Nói cách khác, phương pháp đọc sách triết học cũng giống phương pháp viết sách triết học. Khi đối mặt với một vấn đề, một triết gia chỉ có cách duy nhất là suy nghĩ về vấn đề đó. Khi đối diện với một cuốn sách triết học, độc giả cũng không còn cách nào khác là phải đọc nó, nghĩa là suy nghĩ về nó. Không có sự giúp đỡ nào khác ngoài trí óc.
Quyết định của bạn
Một tác phẩm triết học lý thuyết hay thì không cần có yếu tố hùng biện và tuyên truyền. Bạn không cần quan tâm đến nhân cách của tác giả hay tìm hiểu hoàn cảnh xã hội và kinh tế của họ. Tuy nhiên, sẽ có lợi hơn nếu bạn đọc các tác phẩm của các triết gia khác - những người đã bàn về các vấn đề của tác giả mà bạn đang đọc. Bạn nên lắng nghe cuộc thảo luận của họ trước khi quyết định về những điều mà một người trong số họ trình bày.
Bạn cũng không nên lo lắng khi các triết gia không nhất trí với nhau bởi hai lý do. Tthứ nhất, việc bất đồng quan điểm nếu kéo dài dai dẳng cho thấy có một vấn đề lớn chưa được hoặc không giải quyết được. Quan trọng là phải biết những điều bí ẩn thật sự nằm ở đâu. Thứ hai, việc mọi người bất đồng quan điểm không có gì quan trọng. Trách nhiệm của bạn là tự quyết định. Trong suốt cuộc tranh luận của các triết gia, bạn phải đánh giá điều gì là đúng và điều gì sai. Khi bạn đọc và hiểu một cuốn sách triết học, bạn đã đạt tới vị thế của người phán xét.
Đương nhiên, mỗi người phải tự mình trả lời các câu hỏi về triết học. Lấy ý kiến của người khác không phải là trả lời mà là lẩn tránh các câu hỏi. Các câu trả lời của bạn phải có cơ sở vững chắc với sự hỗ trợ của những lý lẽ, tức là bạn không thể dựa vào sự xác nhận của các chuyên gia như khi đọc sách khoa học.
Lưu ý về thuyết thần học
Có hai loại thuyết thần học: thuyết thần học tự nhiên và thuyết thần học giáo điều. Thuyết thần học tự nhiên là một bộ phận của triết học, là chương cuối cùng trong thuyết siêu hình. Ví dụ, nếu bạn hỏi thuyết nhân quả có phải là một tiến trình vô tận không, có phải mọi thứ đều có nguyên nhân của nó không và câu trả lời là có thì bạn có thể rơi vào một vòng luẩn quẩn vô tận. Vì thế, có thể bạn phải thừa nhận một nguyên nhân khởi phát nào đó mà bản thân nó không có nguyên nhân. Aristotle gọi nguyên nhân hiểu này là một bước chuyển tại chỗ.
Thuyết thần học giáo điều khác triết học ở chỗ các nguyên tắc đầu tiên của nó là những bài viết về tín ngưỡng được một số nhà truyền giáo sử dụng. Một tác phẩm thần học giáo điều luôn lệ thuộc vào các tín điều và quyền lực của nhà thờ tuyên bố các tín điều đó.
Nếu bạn không theo tín ngưỡng đó, không là con chiên của nhà thờ đó, bạn khó có thể đọc tốt một cuốn sách thần học giáo điều bằng cách xem các tín điều trong sách giống cách bạn nhìn nhận những giả thuyết của một nhà toán học. Nhưng bạn phải luôn nhớ rằng tín điều không phải là điều mà tín đồ giả định. Đức tin, đối với những ai có lòng tin, là sự chắc chắn nhất của kiến thức chứ không phải là một ý kiến mang tính thăm dò.
Dường như, nhiều độc giả ngày nay thấy điều này rất khó hiểu. Họ thường phạm một hay cả hai sai lầm khi đối mặt với thuyết thần học giáo điều. Sai lầm đầu tiên là không chịu chấp nhận, dù chỉ là tạm thời, rằng các tín điều vốn là các nguyên tắc đầu tiên của tác giả. Kết quả là, độc giả cứ mãi đánh vật với những nguyên tắc đầu tiên mà không thật sự chú ý đến chính bản thân cuốn sách. Sai lầm thứ hai là họ giả định rằng vì các nguyên tắc đầu tiên mang tính giáo điều nên các lý lẽ dựa trên các nguyên tắc đó, cách tư duy mà chúng ủng hộ và các kết luận mà chúng đưa ra đều mang tính giáo điều. Tất nhiên, nếu một số nguyên tắc được chấp nhận và cách tư duy dựa trên các nguyên tắc đó có sức thuyết phục thì có cơ sở để chấp nhận các kết luận, ít nhất cũng như chấp nhận các nguyên tắc. Nhưng nếu cách tư duy sai thì những nguyên tắc được chấp nhận đầu tiên sẽ dẫn đến các kết luận vô căn cứ.
Ở đây, chung tôi đang nói đến những khó khăn phải đối mặt khi một độc giả không tin vào các tín điều của một tác phẩm thần học phải đối mặt. Độc giả đó có nhiệm vụ phải chấp nhận các nguyên tắc đầu tiên là đúng, sau đó phải đọc sách thật kỹ. Còn độc giả có đức tin đọc một tác phẩm quan trọng đối với tín ngưỡng của mình lại có những khó khăn khác. Tuy nhiên, những vấn đề này không chỉ có trong đọc sách thần học.
Cách đọc sách kinh điển
Có một loại sách và mộc cách đọc rất thú vị mà chúng tôi chưa bàn đến. Đó là sách kinh điển. Theo truyền thống, có thể gọi chúng là sách “linh thiêng” hay “thần thánh” nhưng những từ đó hiện nay không còn phù hợp với các tác phẩm loại này, mặc dù với một số tác phẩm chúng vẫn còn hiệu lực.
Ví dụ tiêu biểu nhất là cuốn Kinh Thánh. Người ta đọc nó không phải như đọc một tác phẩm văn học mà là đọc lời của Thượng đế ban phát cho nhân loại. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa Marxists chính thống cho rằng các tác phẩm của Marx cũng phải được đọc theo cách mà những người Do Thái hay Cơ đốc giáo chính thống đọc Kinh Thánh. Cuốn Sách Đỏ của Mao Trạch Đông cũng có tính kinh điển như thế đối với một người cộng sản Trung Hoa trung thành.
Khái niệm sách kinh điển có thể vượt ra ngoài những ví dụ trên. Hãy nghĩ đến bất kỳ một tổ chức nào đó như nhà thờ, một đảng phái chính trị, một tổ chức xã hội. Ngoài các tổ chức khác thì các tổ chức trên vốn là một tổ chức giảng dạy, có một học thuyết để tuyên truyền và có các thành viên trung thành và phục tùng. Thành viên của các tổ chức đó thường đọc một cách sùng bái. Họ không, thậm chí là không thể chất vấn việc đọc các cuốn sách theo họ là kinh điển. Chính lòng trung thành đã tước đi của họ quyền tìm ra những lỗi sai hay những điều vô lý trong một cuốn sách “linh thiêng”.
Cách đọc như thế được những người Do Thái chính thống áp dụng khi đọc Kinh Cựu Ước; người Cơ đốc giáo áp dụng đọc Tân Cựu Ước; người Hồi giáo đọc Kinh Koran; người theo chủ nghĩa Marxists đọc các tác phẩm của Marx, Lenin và tuỳ thuộc vào tình hình chính trị họ đọc các tác phẩm của Stalin; các nhà tâm lý học theo trường phái Freud đọc các tác phẩm của Freud; các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đọc sách huấn luyện bộ binh…
Trên thực tế, đa số chúng ta đều đã gặp tình huống mà ta phải đọc sách theo kiểu kinh điển, ngay cả khi ta chưa đọc được theo kiểu đó. Một luật sư thiếu kinh nghiệm muốn vượt qua những kỳ thi luật phải đọc một số văn bản theo cách nào đó để được điểm cao. Các bác sĩ hay các chuyên gia và cả chúng ta khi còn là sinh viên, do sợ thi trượt nên phải đọc theo giải thích của giáo sư,…
Có thể tóm gọn các đặc điểm của cách đọc này trong từ “chính thống”. Từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “ý kiến đúng”. Những cuốn sách chính thống là những cuốn chỉ có một và chỉ một cách hiểu đúng. Đặc điểm này đi kèm với một sự bắt buộc. Đó là độc giả trung thành của cuốn sách kinh điển buộc phải tìm ra ý nghĩa của cuốn sách và nhận thấy nó đúng theo cách hiểu của từ “đúng”. Nếu bản thân họ không làm được điều này, họ phải tìm đến ai đó có thể làm được ví dụ như một tu sĩ hay giáo sĩ Do Thái hoặc người có chức vụ cao hơn họ trong tổ chức. Dù thế nào, họ cũng buộc phải chấp nhận giải pháp mà người khác đưa ra cho vấn đề của họ. Họ đọc mà không có sự tự do. Đổi lại, họ cảm thấy hài lòng – sự hài lòng khó có thể có được khi đọc các sách khác.
Các vấn đề gặp phải khi đọc sách Kinh Thánh là vấn đề khó nhất trong lĩnh vực đọc. Số sách viết về cách đọc Kinh Thánh nhiều hơn tổng số sách viết về tất cả các khía cạnh khác của nghệ thuật đọc sách. Lời của Chúa rõ ràng là tác phẩm khó nhất mà loài người có thể đọc. Nhưng nếu bạn tin đó chính là lời của Chúa, thì đó là tác phẩm quan trọng nhất bạn cần đọc. Nỗ lực của người trung thành tương xứng với độ khó của nhiệm vụ này. Người phương Tây có phần đúng khi nói rằng Kinh Thánh là cuốn sách có nhiều chứ không chỉ một ý nghĩa. Nó không những là cuốn sách được nhiều người đọc nhất mà còn là cuốn sách được đọc kỹ nhất trong tất cả các cuốn sách.
19
Cách đọc
sách khoa học xã hội
Khái niệm và thuật ngữ khoa học xã hội bao trùm gần như tất cả những gì chúng ta đọc ngày nay. Ví dụ như báo chí hiện đại không chỉ giới hạn ở việc tường thuật lại những sự kiện, những tin tức kiểu như “ai, cái gì, tại sao, khi nào, ở đâu”. Các nhà báo thường đưa những thông tin có thật kèm theo những diễn giải, bình luận và phân tích. Cách diễn giải và bình luận thông tin kiểu này đều dựa vào những khái niệm và thuật ngữ của các ngành khoa học xã hội.
Những khái niệm và thuật ngữ này cũng xuất hiện nhiều trong sách báo đương đại mà ta có thể gộp chúng vào cùng một nhóm liên quan đến bình phẩm xã hội. Mỗi ngày có vô số sách báo viết về các chủ đề như sắc tộc, tội phạm, thực thi pháp luật, nghèo đói, giáo dục, phúc lợi xã hội, chiến tranh và hoà bình… Phần lớn các tác phẩm này đều mượn tư tưởng và ngôn ngữ từ các ngành khoa học xã hội.
Các tác phẩm khoa học xã hội không giới hạn ở người thuật việc thật. Có nhiều bài viết đương đại là các tác phẩm khoa học xã hội hư cấu với mục đích tạo ra một mô hình xã hội nhân tạo, cho phép chúng ta có thể tìm ra những hậu quả về mặt xã hội từ sự đổi mới công nghệ và những vấn đề khác. Tiểu thuyết, kịch, truyện… đều sử dụng những yếu tố của các môn khoa học xã hội.
Ngoài ra, hầu như không có vấn đề xã hội, kinh tế hay chính trị nào lại chưa từng được các chuyên gia khoa học xã hội lưu tâm đến. Hoặc họ chủ động tìm tòi hoặc do những người phải trực tiếp đối mặt với những vấn đề đó mời họ nghiên cứu, họ sẽ phân loại vấn đề, xác định công thức của các vấn đề và giúp giải quyết vấn đề.
Sự đơn giản của việc đọc sách khoa học xã hội
Có nhiều bài viết thuộc lĩnh vực khoa học xã hội là những tài liệu rất dễ đọc, với nội dung thông tin và số liệu thường được đút rút từ kinh nghiệm quen thuộc với độc giả, phong cách miêu tả thường là tường thuật vốn đã quen thuộc với độc giả qua các tác phẩm hư cấu và lịch sử.
Từ “xã hội” là một từ có nhiều sắc thái ý nghĩa và có thể đi liền với rất nhiều tính từ. Trong tất cả các trường hợp, ý nghĩa rộng nhất của từ này là chỉ những người sống cùng nhau thay vì sống biệt lập.
Khi “xã hội” là một tính từ, nó cũng có nhiều nghĩa và đa phần các nghĩa đều quen thuộc như quyền lực xã hội, áp lực xã hội, cam kết xã hội hay những vấn đề xã hội. Riêng cụm từ “vấn đề xã hội” là một ví dụ về sự giản đơn bên ngoài liên quan đến cả việc đọc và viết tác phẩm khoa học xã hội.
Những bài viết khoa học xã hội có nhiều thuật ngữ và hình ảnh ẩn dụ kèm theo xúc cảm sâu sắc thường làm độc giả lầm tưởng là dễ đọc. Tài liệu tham khảo đều nói về những vấn đề hoàn toàn quen thuộc với người đọc. Không những thế, thái độ và tình cảm của người đọc về những vấn đề này thường được phát triển một cách chắc chắn. Trong khi triết học cũng giải quyết những vấn đề của thế giới nhưng chúng ta thường ít khi đưa ra ý kiến về những câu hỏi triết học. Còn với những vấn đề do khoa học xã hội giải quyết, chúng ta thường có những ý kiến hết sức mạnh mẽ.
Khó khăn khi đọc sách khoa học xã hội
Điều nghịch lý là những yếu tố làm cho tác phẩm khoa học xã hội có vẻ như dễ đọc lại chính là những yếu tố làm cho các tác phẩm về lĩnh vực này khó đọc. Ví dụ, bạn thường phải có quan điểm nhất định đối với vấn đề tác giả đưa ra. Rất nhiều độc giả sợ không trung thực với ý kiến của chính họ nếu họ đứng ở một phía độc lập và tự thắc mắc về những gì họ đọc. Nhưng đây lại là điều cần thiết mỗi khi bạn đọc phân tích một tác phẩm nào đó. Quan điểm đó đã được chúng tôi nói đến trong các nguyên tắc đọc. Nếu bạn định trả lời hai câu hỏi cơ bản đầu tiên đối với bất cứ loại sách vở nào bạn đọc, bạn phải xem xét ý kiến của mình ngay lúc bắt đầu đọc vì bạn sẽ không thể hiểu được một cuốn sách nếu từ chối nghe những gì nó nói.
Sự quen thuộc của các thuật ngữ cũng như các vấn đề khác trong tác phẩm khoa học xã hội cũng là một trở ngại đối với việc hiểu tác phẩm. Bản thân nhiều nhà khoa học xã hội tự ý thức được khó khăn này. Họ nhất quyết từ chối sử dụng dù ít hay nhiều các thuật ngữ hay khái niệm chuyên ngành trong báo chí phổ thông và các tài liệu khác. Ví dụ như khái niệm “tổng sản phẩm quốc dân” (GNP), được sử dụng với nghĩa tương đối hạn chế trong những bài viết kinh tế nghiêm túc. Nhưng một số nhà khoa học xã hội cho rằng rất nhiều nhà báo và phóng viên đã khiến khái niệm này phải “làm quá nhiều việc”. Họ sử dụng nó quá rộng rãi mà không thật sự hiểu ý nghĩa của nó. Tất nhiên là nếu tác giả của tài liệu bạn đang đọc vẫn còn băn khoăn về việc sử dụng thuật ngữ của anh ta, thì bạn với tư cách là độc giả, cũng sẽ không thể hơn thế.
Luận điểm này sẽ được làm rõ bằng việc chỉ ra sự khác biệt giữa các ngành khoa học xã hội và các ngành khoa học tự nhiên. Chúng tôi đã quan sát và nhận thấy tác giả những cuốn sách khoa học tự nhiên thường làm rõ những gì ông ta giả định và mong muốn chứng minh. Ông ta cũng cố gắng để độc giả dễ dàng nhận ra những thuật ngữ và tiền đề được ông sử dụng. tức là giúp bạn thống nhất quan điểm với tác giả và tìm ra các tiền đề - một yêu cầu quan trọng đối với độc giả khi đọc bất cứ tác phẩm mô tả nào. Có thể bạn vẫn gặp khó khăn với cách trình bày kiểu toán học và nếu bạn không hiểu chắc chắn về những lập luận cũng như cơ sở thực nghiệm hoặc cơ sở quan sát của những kết luận được rút ra, bạn sẽ khó có thể bình phẩm được cuốn sách - tức là trả lời được câu hỏi “Cuốn sách có đúng không?” và “Ý nghĩa của nó là gì?”. Tuy nhiên, có một ý nghĩa quan trọng khiến cho việc đọc những tác phẩm loại này dễ hơn phần lớn các tác phẩm mô tả khác.
Một cách nói khác về những gì một nhà khoa học tự nhiên làm là nói rằng ông ta đã “quy định việc dùng từ của mình”, tức là ông ta thông báo cho bạn những thuật ngữ nào cần cho lập luận của ông ấy và ông sẽ sử dụng chúng như thế nào. Những quy định như vậy thường xuất hiện ở đầu cuốn sách dưới dạng định nghĩa, định đề, tiền đề,… Vì việc quy định cụ thể cách sử dụng là một đặc điểm của các ngành khoa học tự nhiên nên người ta thường nói rằng những ngành khoa học này giống những trò chơi hay chúng có cấu trúc của một trò chơi. Việc quy định cách sử dụng cũng giống như việc thiết lập luật cho một trò chơi. Nếu bạn muốn chơi bài tây, bạn không thể vặn vẹo lại luật chơi và nói rằng ba người thì tốt hơn là chơi đôi; nếu bạn muốn chơi bài brit thì bạn không thể tranh luận với luật chung rằng quân Q ăn quân J hoặc lá bài chủ cao nhất sẽ ăn được bất cứ quân bài nào khác. Tương tự, bạn không thể vặn lại những quy định của một nhà khoa học chân chính khi đọc tác phẩm của ông ta. Bạn phải thừa nhận những quy định đó và bắt đầu đọc từ đó.
Đến nay, việc quy định sử dụng thuật ngữ vấn chưa phổ biến trong các ngành khoa học xã hội như là với các ngành khoa học tự nhiên. Một nguyên nhân là do khoa học xã hội chưa từng bị toán học hoá. Một nguyên nhân khác là việc quy định sử dụng thuật ngữ trong các ngành khoa học xã hội hay khoa học hành vi khó thực hiện hơn. Nó có thể là một cách định nghĩa về một giai đoạn suy thoái kinh tế hay suy giảm sức khoẻ tinh thần. Thậm chí nếu một nhà khoa học xã hội cố gắng định nghĩa những thuật ngữ như vậy thì độc giả của ông ta cũng sẽ đặt dấu hỏi chấm cho cách sử dụng từ như vậy. Do đó, nhà khoa học xã hội phải tiếp tục “chiến đấu” với những thuật ngữ riêng của mình trong suốt tác phẩm của ông và sự chiến đấu đó đã gây ra vấn đề cho độc giả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc đọc tác phẩm khoa học xã hội xuất phát từ thực tế là tài liệu thuộc lĩnh vực này hay bị pha trộn hơn là những bài viết mô tả đơn thuần. Chúng ta đã thấy lịch sử là sự trộn lẫn giữa hư cấu và khoa học như thế nào và chúng ta phải đọc lịch sử với nhận thức đó trong đầu ra sao. Chúng ta đã quen với những kiểu trộn lẫn như vậy nhưng với trường hợp của khoa học xã hội thì có khác. Rất nhiều tác phẩm khoa học xã hội là sự pha trộn giữa khoa học, triết học, sử học và thường có chút hư cấu để viết được trơn tru hơn.
Nếu khoa học xã hội luôn được pha trộn y hệt như vậy thì chúng ta cũng sẽ quen với nó như đã quen với lịch sử. Nhưng mọi thứ lại không như vậy. Sự pha trộn đó thay đổi giữa các cuốn sách khác nhau và người đọc có nhiệm vụ phải xác định những thành phần đa dạng tạo ra cuốn sách anh ta đọc. Những thành phần đó có thể thay đổi theo diễn biến của chính cuốn sách đó hoặc thay đổi giữa các cuốn sách với nhau khiến cho việc phân tách chúng là không dễ dàng.
Lúc này, bạn sẽ nhớ lại bước đầu tiên một người đọc phân tích phải làm là trả lời câu hỏi “Cuốn sách đó thuộc loại nào?”. Nếu là tác phẩm hư cấu, việc trả lời câu hỏi này khá dễ dàng. Nếu là tác phẩm khoa học và triết học, việc trả lời câu hỏi này cũng không quá khó khăn. Thậm chí, với một tác phẩm lịch sử phức tạp, ít nhất người đọc cũng biết là mình đang đọc lịch sử. Nhưng những thành phần đa dạng cấu thành nên một tác phẩm khoa học xã hội lúc kết hợp theo cách này, lúc theo cách khác khiến cho câu hỏi này rất khó trả lời.
Và bằng cách nào đó, độc giả đọc tác phẩm khoa học xã hội vẫn phải trả lời câu hỏi trên. Đây không chỉ là nhiệm vụ đầu tiên mà còn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nếu anh ta có thể nói cuốn sách mình đang đọc được kết hợp từ kiến thức của những ngành nào hoặc được tạo nên từ những bộ phận kiến thức nào thì anh ta đã tiến được một bước rất quan trọng trong việc hiểu cuốn sách.
Không khó để phác hoạ lại cấu trúc một tác phẩm khoa học xã hội nhưng để đồng tình với những gì tác giả đưa ra thì không hề dễ vì hầu như mọi tác giả đều không thể quy định việc sử dụng từ ngữ của họ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể hiểu những thuật ngữ quan trọng qua một vài ý nghĩa phổ biến của chúng. Từ thuật ngữ chúng ta chuyển sang nhận định, rồi lập luận. Và sẽ không có gì rắc rối nếu đó là một cuốn sách tốt. Nhưng câu hỏi cuối cùng (Ý nghĩa của cuốn sách là gì?) – đòi hỏi người đọc phải có sự thận trọng nhất định. Đến đây có thể xảy ra tình huống độc giả nói: “Tôi không thể chê những kết luận tác giả đưa ra, nhưng tôi không thể dồng ý với chúng”. Lý do có thể vì độc giả đã có những tiền kiến nhất định về cách tiếp cận vấn đề của tác giả cũng như những kết luận cuối cùng ông ta đưa ra.
Đọc tài liệu khoa học xã hội
Trong chương này, chúng tôi đã hơn một lần sử dụng cụm từ “tài liệu khoa học xã hội” thay cho “sách khoa học xã hội”. Sở dĩ như vậy là vì với lĩnh vực khoa học xã hội, độc giả thường phải đọc từ hai tác phẩm trở lên về cùng một chủ đề thì mới có thể hiểu được chủ đề đó. Điều này không phải vì khoa học xã hội là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, có ít tài liệu kinh điển, mà còn vì khi đọc các tác phẩm khoa học xã hội, chúng ta thường chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó hơn là về một tác giả hay một cuốn sách cụ thể. Ví dụ chúng ta quan tâm đến chủ đề thực thi pháp luật và đọc năm, bảy tác phẩm viết về chủ đề này hoặc chúng ta thích những đề tài như mối quan hệ giống loài, giáo dục, thuế khoá hay những vấn đề của giới chức trách địa phương nhưng không chỉ có duy nhất một tác phẩm chính thức nào nói về bất cứ chủ đề nào trên đây nên chúng ta phải đọc rất nhiều tác phẩm. Tác giả các cuốn sách khoa học xã hội thường xuyên phải cho ra đời những ấn phẩm mới, những tác phẩm được tái bản để thế chỗ cho những cuốn sách cũ.
Ở một chừng mực nào đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với sách triết học. Để hiểu trọn vẹn tác phẩm của một triết gia, bạn cũng nên cố gắng đọc tác phẩm của những triết gia có ảnh hưởng tới suy nghĩ của tác giả này. Hoặc với sách lịch sử, nếu bạn muốn khám phá ra sự thật của quá khứ thì bạn phải đọc rất nhiều cuốn sách về thời kỳ đó thay vì chỉ đọc một quyển. Trong những trường hợp này, khả năng bạn tìm thấy một cuốn sách cơ bản, có thể tin được về vấn đề đó sẽ cao hơn. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, điều này ít khi xảy ra nên việc phải đọc nhiều hơn một tác phẩm cấp thiết hơn rất nhiều.
Không thể áp dụng cùng một lúc các nguyên tắc của việc đọc phân tích với nhiều cuốn sách viết về cùng một chủ dề. Chúng có thể áp dụng cho từng tác phẩm một và nếu bạn muốn đọc tốt bất cứ cuốn sách nào viết về cùng một chủ đề thì bạn phải quan sát chúng. Nhưng bạn luôn cần những nguyên tắc đọc mới khi bạn chuyển từ cấp độ đọc phân tích lên cấp độ đọc đồng chủ đề. Những nguyên tắc đó sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.
PHẦN 4
Mục đích cao nhất
của việc đọc sách
20
Cấp độ đọc thứ tư –
Đọc đồng chủ đề
Từ đầu đến giờ, chưa có phần nào nói cụ thể về cách đọc hai hoặc nhiều cuốn sách về cùng một chủ đề. Chúng tôi mới chỉ ra rằng, khi chạm đến một vấn đề nào đó, không chỉ có một quyển sách nói về nó. Khi đọc đồng chủ đề, điều đầu tiên là bạn phải biết rằng có nhiều cuốn chứ không phải chỉ một cuốn sách bàn về một vấn đề cụ thể. Yêu cầu thứ hai khó hơn rất nhiều, đó là bạn phải biết được cuốn sách nào nhìn chung nên đọc.
Nói “cùng chủ đề” nghĩa là gì? Nếu chủ đề là về một giai đoạn hoặc một sự kiện lịch sử thì khá rõ ràng, nhưng nếu về lĩnh vực khác thì còn nhiều điều phải nói. Cuốn theo chiều gió và Chiến tranh và hoà bình là hai cuốn tiểu thuyết cùng viết về chiến tranh, nhưng giữa chúng không có nhiều nét tương đồng. Cuốn The Charterhouse of Parma (Nhà tế bần ở Parma) của Stendhal cũng viết về cuộc xung đột, các cuộc chiến của Napoleon như trong tiểu thuyết của Tolstoy. Nhưng không có tác phẩm nào đơn thuần kể về cuộc chiến theo đúng nghĩa của từ này. Chiến tranh chỉ làm nền cho cả hai câu chuyện, làm bối cảnh cho phần lớn cuộc đời nhân vật, còn bản thân câu chuyện mới là cái thu hút sự chú ý của chúng ta. Có thể nhờ đọc truyện, ta biết thêm vài điều về cuộc chiến. Thực tế, Tolstoy từng nói rằng ông đã biết thêm nhiều về trận Waterloo nhờ sự lý giải của Stendhal. Nhưng không nên tìm đến tiểu thuyết khi mục đích của ta là tìm hiểu về chiến tranh.
Điều này cũng tương tự với tác phẩm hư cấu vì người viết tiểu thuyết có phong cách hoàn toàn khác người viết tả thực. Nhưng như thế không có nghĩa là trong sách tả thực không có chuyện như thế xảy ra.
Giả sử, bạn thích đọc về tình yêu và có nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài này nên bạn sẽ gặp chút khó khăn khi phải chọn ra cuốn sách nào nên đọc. Đứng trước số lượng sách tham khảo lớn, chúng ta làm thế nào để khẳng định được chủ đề này đúng là chủ đề ta đang nghiên cứu? Ví dụ, một người nói “Tôi thích ăn phó mát”, người khác nói “Tôi thích bóng đá”, người thứ ba lại bảo “Tôi yêu nhân loại”, cả ba người này có dùng từ “yêu” theo nghĩa chung không? Thật ra, chúng ta chỉ ăn được phó mát chứ không ăn được bóng đá hay nhân loại; chúng ta chơi được bóng đá chứ không chơi được phó mát hay nhân loại; và dù câu “Tôi yêu nhân loại” mang nghĩa gì thì nghĩa đó cũng không áp dụng được cho phó mát hay bóng đá. Nhưng cả ba người đều dùng chung một động từ. Có nguyên nhân sâu xa nào khó nhìn ra trên bề mặt của điều này? Vì câu hỏi rất khó nên ngay cả khi đã trả lời được, liệu ta có thể khẳng định là mình đã xác định đúng thế nào là “cùng chủ đề” không?
Đối mặt với tình huống phức tạp này, bạn hãy quyết định thu hẹp giới hạn, chỉ tìm hiểu về tình yêu với con người thôi – tình yêu giữa người với người, đồng giới hay khác giới, bằng tuổi hay khác tuổi,… Nhưng bạn sẽ thấy vẫn còn nhiều vấn đề kể cả khi bạn chỉ đọc một số ít sách về chủ đề đã chọn. Ví dụ, tình yêu, theo một số nhà văn, chỉ bao gồm lòng vị kỷ, thường là ham muốn xác thịt. Tình yêu đơn thuần là tên gọi của sự hấp dẫn mà hầu hết các sinh vật đều cảm thấy đối với bạn khác giới. Nhưng một số nhà văn khác lại cho rằng tình yêu không phải sự vị kỷ mà là lòng vị tha thuần khiết. Nếu coi sự vi kỷ luôn ám chỉ việc muốn một điều tốt cho bản thân, còn lòng vị tha mang nghĩa muốn điều tốt cho người khác thì giữa chúng có điểm gì chung?
Ít nhất, vị kỷ và vị tha có điểm chung về xu hướng, về ham muốn theo khía cạnh rất trừu tượng của hai từ này. Nhưng việc đi sâu nghiên cứu vấn đề sẽ giúp bạn sớm nhận ra các nhà văn coi tinh túy của tình yêu mang tính nhận thức hơn là ham muốn. Những nhà văn này quan niệm tình yêu là một hành động nhận thức, không phải là hành động cảm xúc. Nói cách khác, việc biết một người có những phẩm chất đáng được hâm mộ luôn đi trước việc ham muốn người đó. Họ không thể phủ nhận việc có ham muốn, nhưng họ phủ nhận việc có thể gọi ham muốn là tình yêu.
Giả sử, bạn xác định được một vài nét chung trong rất nhiều quan niệm về tình yêu. Nhưng như vậy không có nghĩa là mọi vấn đề đều đã xong. Hãy xem cách tình yêu biến hoá giữa con người với nhau. Tình yêu của nam nữ khi đang yêu nhau có giống khi đã cưới nhau không? Tình yêu lứa tuổi 20 có giống khi đã ở tuổi 70? Tình yêu của người phụ nữ dành cho chồng mình có giống tình yêu dành cho các con? Tình yêu của người mẹ có đổi thay khi con cái đã trưởng thành? Cách anh trai yêu em gái có khác gì cách người ấy yêu cha mình? Khi trưởng thành, con cái có yêu cha mẹ theo cách khác không? Tình yêu của một người đàn ông với vợ hay với một vài người phụ nữ khác có giống với tình bạn của anh ta với bạn cùng giới mình không? Các mối quan hệ với những người bạn cùng giới khác nhau ở chỗ nào? “Tình yêu” và “tình bạn” là hai từ khác nhau thì những tình cảm mà chúng gọi tên có thật sự khác nhau? Hai người khác tuổi có thể làm bạn với nhau không? Hai người có những khác biệt đáng kể về tiền bạc hoặc trí thông minh có thể làm bạn với nhau không? Phụ nữ có kết bạn được không? Anh trai với em gái, hay anh em trai, chị em gái có trở thành bạn của nhau được không? Liệu bạn có thể duy trì được tình bạn với một người bạn vay tiền hay cho người ta vay tiền không? Nếu không thì tại sao? Một cậu học trò có yêu cô giáo của mình được không? Người giáo viên đó là nam hay nữ thì có sự khác biệt gì? Nếu có rôbôt mang hình dáng con người thật, liệu con người có yêu được chúng không? Nếu chúng ta phát hiện ra sinh vật có trí thông minh tồn tại trên Sao Hoả hay trên bất kỳ hành tinh nào khác, chúng ta có yêu được chúng không? Ta có yêu được một người mà ta chưa bao giờ gặp mặt không, ví dụ như một minh tinh hay một vị tổng thống? Nếu chúng ta thấy ghét ai, đó có thật sự là một biểu hiện của tình cảm?
Trên đây là một số câu hỏi đặt ra khi bạn đọc, dù đó chỉ là một phần tài liệu mô tả chuẩn xác về tình yêu. Có nhiều câu hỏi khác cũng có thể được đặt ra. Sự nghịch lý mang tính tò mò luôn xuất hiện trong quá trình đọc đồng chủ đề. Dù kiểu đọc này được định nghĩa là đọc hai hay nhiều cuốn sách về cùng một chủ đề, nghĩa là việc xác định chủ đề diễn ra trước việc đọc, nhưng theo một khía cạnh thì việc xác định chủ đề phải đi sau chứ không phải đi trước việc đọc. Trong trường hợp đọc về tình yêu, bạn có thể phải đọc một tá hay một trăm tác phẩm trước khi bạn nhận ra là mình đang đọc về cái gì. Và khi đã đọc xong, rất có thể bạn kết luận là một nửa số sách bạn đọc không liên quan gì đến chủ đề cả.
Vai trò của đọc kiểm soát trong đọc đồng chủ đề
Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng các cấp độ đọc là nối tiếp nhau, cấp độ cao hơn gồm những cấp độ trước hoặc dưới nó. Điều này sẽ được giải thích trong trường hợp đọc đồng chủ đề.
Vấn đề này đã được nói tới trong phần giải thích mối quan hệ giữa đọc kiểm soát và đọc phân tích. Chúng tôi đã chỉ ra hai bước của đọc kiểm soát là đọc lướt và đọc sơ qua nắm ý chính. Hai bước này giúp bạn đoán định trước hai bước đầu của việc đọc phân tích. Đọc lướt tạo tiền đề cho bước thứ nhất của đọc phân tích, trong đó, bạn xác định chủ đề của cuốn sách đang đọc, biết sách đó thuộc loại nào và vạch ra cấu trúc tác phẩm. Đọc sơ qua nắm ý chính, dù cũng rất hữu ích cho bước đầu tiên của việc đọc phân tích, nhưng cơ bản là để chuẩn bị cho bước thứ hai: hiểu được nội dung cuốn sách bằng cách thống nhất thuật ngữ với tác giả, diễn giải các nhận định của tác giả và theo sát các lý lẽ tác giả đưa ra.
Xét trên một số khía cạnh chung, cả đọc kiểm soát và đọc phân tích đều có thể coi là sự đoán trước hoặc chuẩn bị cho việc đọc đồng chủ đề. Trên thực tế, độc giả thường dùng cách đọc kiểm soát làm công cụ chủ yếu trong đọc đồng chủ đề.
Giả sử, bạn có một danh mục gồm hàng trăm tên sách mà thoạt nghe đều viết về tình yêu. Nếu bạn đọc phân tích từng cuốn một, bạn không chỉ có một khái niệm rõ ràng về vấn đề đang cần nghiên cứu - chính là “chủ đề chung” trong đọc đồng chủ đề - mà bạn còn biết được cuốn nào không liên quan gì đến tình yêu, tức là nằm ngoài phạm vi nhu cầu tìm hiểu của bạn. Nhưng nếu vậy có thể bạn phải mất nhiều tháng, nhiều năm mới hoàn thành xong. Vì vậy, chúng ta cần phải dùng “lối đi tắt” trong đọc đồng chủ đề.
Chính kỹ năng đọc kiểm soát sẽ tạo ra lối đi tắt. Điều đầu tiên phải làm sau khi bạn tạo được thư mục của mình là tiến hành khảo sát tất cả các cuốn sách có trong thư mục đó. Bạn không nên đọc phân tích bất cứ cuốn nào trước khi bạn xem qua chúng. Việc đọc qua cuốn sách không giúp bạn hiểu hết được tính phức tạp của chủ đề hay toàn bộ ý tứ sâu xa mà tác giả gửi gắm, nhưng nó sẽ thực hiện hai chức năng chính. Một là, nó đem lại cho bạn một khái niệm đủ rõ ràng về vấn đề để bạn có thể đọc phân tích hiệu quả một số tác phẩm trong danh mục. Hai là, nó cho phép bạn rút ngắn thư mục của mình để dễ kiểm soát hơn.
Lời khuyên trên đặc biệt hữu ích với các bạn sinh viên, nhất là sinh viên sắp tốt nghiệp và làm nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một số người có học vấn ở mức này sẽ có khả năng đọc chủ động và phân tích. Khả năng đó có thể chưa đủ và còn xa mới đạt đến trình độ của người đọc hoàn hảo, nhưng ít nhất họ biết cách đọc được phần cốt lõi của cuốn sách, đưa được một vài nhận định có lý về cuốn sách và đặt được vấn đề cốt lõi đó vào kế hoạch nghiên cứu chủ đề của họ. Nhưng tất cả sự nỗ lực đó sẽ là lãng phí nếu họ không biết làm sao để đọc sách nhanh hơn người khác. Với bất cứ cuốn sách hay bài báo nào, họ đều dành một lượng thời gian đọc như nhau. Như vậy, họ không dành thời gian xứng đáng cho những tác phẩm có giá trị và phí phạm thời gian với những tác phẩm không đáng phải chú trọng nhiều.
Một độc giả có kinh nghiệm đọc kiểm soát không chỉ biết cuốn sách đó thuộc loại gì và hiểu được sơ qua nội dung của nó. Anh ta còn phát hiện ra, trong khoảng thời gian đọc kiểm soát ngắn ngủi đó, liệu cuốn sách có chứa đựng nội dung gì quan trọng về vấn đề anh ta đang tìm hiểu hay không. Có thể anh ta chưa biết điều này cụ thể là gì, phải đợi đến mức đọc cao hơn mới rõ, nhưng anh ta đã biết được một trong hai điều: hoặc là cuốn sách này hay, đáng để đọc hoặc là nó không mang lại hiểu biết mới mẻ nào về vấn đề nên dù có lý thú hay nhiều thông tin đến đâu cũng không nên đọc nó làm gì.
Đối với việc đọc phân tích, chúng tôi đã nói rằng độc giả có kinh nghiệm thường tiến hành đồng thời với các bước mà người mới bắt đầu đọc phải làm từng bước một. Việc chuẩn bị cho đọc đồng chủ đề tức là đọc soát qua một lượt các cuốn sách trong thư mục của bạn dường như cũng có thể được tiến hành đồng thời với việc đọc phân tích. Nhưng theo chúng tôi dù người đọc có kinh nghiệm đến đâu cũng rất khó làm được việc này. Đây cũng là một lỗi mà rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ mắc phải. Với lối suy nghĩ có thể gộp hai bước làm một, họ đọc tất cả mọi thứ với cùng một nhịp độ rất chậm hoặc rất nhanh. Nhưng điều này là sai với hầu hết các sách mà họ đọc.
Từ việc đọc kiểm soát, bạn đã biết rõ sách nào liên quan trực tiếp đến chủ đề bạn quan tâm và có thể tiếp tục việc đọc theo cách đọc đồng chủ đề. Điều đó không có nghĩa là tiếp tục việc đọc theo cách đọc phân tích. Tất nhiên, trong tổng số các cuốn tạo thành tài liệu nghiên cứu về chủ đề của bạn, bạn vẫn phải đọc từng cuốn với những kỹ năng của việc đọc phân tích. Nhưng bạn phải luôn ghi nhớ một điều là nghệ thuật đọc phân tích chỉ có thể áp dụng khi đọc một cuốn sách đơn lẻ, khi việc hiểu toàn bộ cuốn sách đó là mục đích trước mắt. Còn mục đích của việc đọc nhiều sách về cùng một chủ đề lại khá khác.
Năm bước đọc đồng chủ đề
Giả sử, thông qua đọc kiểm soát một số sách, bạn đã có khái niệm tương đối rõ về chủ đề mà ít nhất vài cuốn trong số đó bàn tới. Hơn thế nữa, đó lại chính là chủ đề bạn muốn nghiên cứu. Khi đó, bạn sẽ làm gì?
Có năm bước để tiến hành phương pháp đọc này. Chúng tôi không gọi đây là những quy tắc, dù hoàn toàn có thể gọi thế vì nếu bỏ qua bất cứ bước nào, việc đọc sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, thậm chí là không thể. Các bước sẽ được trình bày theo trình tự diễn ra của chúng. mất đi bước nào thì không thể thực hiện được các bước tiếp theo.
Bước 1: Tìm những phần có liên quan
Giả sử, bạn đã biết cách đọc phân tích. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có thể đọc kỹ lưỡng từng cuốn sách có liên quan. Nếu thế, ưu tiên hàng đầu sẽ là việc đọc từng cuốn sách riêng lẻ, còn vấn đề cần giải quyết bị đẩy xuống hàng thứ hai trong khi đáng ra phải làm ngược lại mới đúng. Trong đọc đồng chủ đề, bạn và các vấn đề bạn quan tâm phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là cuốn sách bạn đang đọc.
Do đó, bước thứ nhất ở cấp độ đọc này là đọc soát một lần nữa toàn bộ tác phẩm có liên quan nhằm tìm ra những phần phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Có lẽ không có cuốn sách nào có toàn bộ nội dung viết về vấn đề bạn đang quan tâm hay trăn trở. Nhưng ngay cả khi gặp cuốn sách đó, bạn cũng không nên dừng lại lâu mà vẫn nên đọc nó thật nhanh. Cần hiểu rằng bạn đọc cuốn sách kỹ không phải vì bản thân nó hay mà vì nó cung cấp nhiều vấn đề mà bạn đang tìm hiểu.
Bước này có thể làm cùng lúc với bước đọc soát qua cuốn sách xem nó có liên quan đến vấn đề bạn quan tâm không. Thường thì có thể gộp hai bước cùng nhau, nhưng không phải lúc nào cũng làm được như vậy. Nên nhớ rằng một trong những mục đích của việc đọc soát cuốn sách lần đầu là xác định chủ đề bạn đang quan tâm. Bạn không thể hiểu đầy đủ về vấn đề khi chưa đọc qua nhiều sách trong “thư mục” ban đầu của bạn. Vì thế, cố gắng tìm ra những phần liên quan cùng lúc với việc xác định sách liên quan thường là việc rất khó. Trừ khi bạn rất có kinh nghiệm, hoặc đã khá quen thuộc với chủ đề này rồi, nếu không, tốt nhất là bạn tách chúng ra làm hai bước riêng biệt.
Điều quan trọng trong đọc đồng chủ đề là phải nhận thức được điểm khác biệt giữa những cuốn sách bạn đọc lần đầu với các sách đọc lần thứ hai. Với những cuốn đọc sau, có lẽ bạn đã có khái niệm rõ ràng về vấn đề, lúc đó hai bước mới kết hợp thành một được. Nhưng khi mới đọc lần đầu, chúng nên được tách rời. Nếu không, bạn sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng khi xác định những đoạn có liên quan. Những lỗi này nếu sau đó bạn sửa được thì cũng làm bạn mất rất nhiều thời gian và công sức.
Cuối cùng, nên nhớ rằng bạn sẽ không mất quá nhiều công sức để hiểu được đầy đủ một cuốn sách, thấy được sự hữu ích của nó với bạn, có khi còn hơn cả mong đợi ban đầu của tác giả. Tác giả có thể giúp bạn giải quyết vấn đề mà không cần phải có dụng ý từ trước. Chúng tôi đã lưu ý, trong phương pháp đọc này, các cuốn sách bạn đọc sẽ phục vụ mục đích của bạn chứ không phải bạn đọc vì cuốn sách. Xét trên phương diện này, đây là kiểu đọc chủ động nhất. Tất nhiên, đọc phân tích cũng mang tính chủ động, nhưng khi đọc phân tích, bạn đã tự đặt mình vào mối quan hệ giữa trò với thầy. Còn khi bạn đọc đồng chủ đề, chính bạn phải là người làm chủ được tình hình. Bởi vậy, bạn phải tìm được tiếng nói chung với tác giả theo cách khác với trước đây.
Bước 2: Đưa tác giả đến với thuật ngữ
Trong giai đoạn hai của việc đọc phân tích, quy tắc đầu tiên đòi hỏi bạn phải thống nhất thuật ngữ với tác giả, nghĩa là phải xác định được những từ khoá trong tác phẩm và cách tác giả sử dụng chúng. Nhưng bây giờ bạn phải đọc sách của nhiều tác giả và chưa chắc họ sẽ sử dụng các từ khoá hay các thuật ngữ giống nhau. Vì vậy, chính bạn phải tạo lập được các thuật ngữ và đưa tác giả đến với những thuật ngữ đó, chứ không phải ngược lại.
Đây có thể là bước khó nhất trong đọc đồng chủ đề. Cái khó ở đây là buộc tác giả phải sử dụng ngôn ngữ của bạn hơn là dùng ngôn ngữ của chính tác giả. Mọi thói quen đọc sách thông thường của chúng ta đều đi ngược lại điều này. Chúng ta thường mặc định là tác giả cuốn sách chúng ta muốn đọc kỹ phải là người giỏi hơn ta, nhất là khi đó là một tác phẩm vĩ đại. Dù ta có chủ động tìm hiểu ý đồ tác giả đến mức nào thì cũng không tránh khỏi xu hướng dễ dàng chấp nhận các ngôn từ được tác giả dùng và cách ông ta sắp xếp vấn đề. Tuy nhiên, nếu làm vậy khi đọc đồng chủ đề là ta đã đi sai hướng. Ta có thể hiểu cuốn sách của tác giả đó, nhưng sẽ không hiểu được sách của những người khác và vấn đề ta nghiên cứu không sáng tỏ thêm được gì.
Chúng ta không những không được chấp nhận hệ thống ngôn từ của bất kì tác giả nào mà còn phải sẵn sàng đối mặt với khả năng là không có hệ thống ngôn từ nào mang lại ích lợi cho chúng ta. Nói cách khác, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là nếu từ ngữ của ta và của bất kỳ tác giả nào trùng khớp nhau thì cũng chỉ là do tình cờ. Sự trùng hợp như vậy thường sẽ rất bất lợi, vì nếu ta dùng một hoặc một loạt từ của một tác giả, ta rất dễ tiếp tục dùng các từ khác của tác giả ấy. Điều này sẽ gây cản trở hơn là giúp ích cho ta.
Nói ngắn gọn, đọc đồng chủ đề xét trên phương diện lớn là một bài tập dịch thuật. Không phải dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia mà là áp đặt một hệ thống ngôn từ lên nhiều tác giả. Các tác giả, dù có chung ngôn ngữ nào, cũng không đóng vai trò quá đặc biệt trong vấn đề chúng ta đang giải quyết, vì vậy không thể tạo ra được một hệ thống ngôn từ lý tưởng giúp ta xử lý vấn đề.
Tóm lại, khi đọc đồng chủ đề, chúng ta phải xây dựng một hệ thống thuật ngữ, trước hết giúp ta hiểu được ý đồ của tất cả chứ không chỉ một hay một số tác giả, để giúp ta giải quyết được vấn đề.
Bước 3: Giải quyết mọi thắc mắc
Quy tắc thứ hai của việc đọc hiểu ý tác giả đòi hỏi ta phải tìm ra được các câu then chốt trong tác phẩm, từ đó hiểu được hàm ý của tác giả. Trong khi vừa phải xây dựng một hệ thống thuật ngữ, chúng ta cũng đồng thời đối mặt với nhiệm vụ tạo dựng một loạt nhận định mang tính trung lập. Cách tốt nhất để thực hiện việc này là tạo ra một khung câu hỏi làm sáng tỏ vấn đề của ta và mỗi câu hỏi đó sẽ lần lượt được từng tác giả trả lời.
Điều này không hề đơn giản vì các câu hỏi phải được đặt ra theo cách thức và trình tự để vừa giúp ta giải quyết được vấn đề, được trả lời lần lượt bởi từng tác giả. Khó khăn là câu hỏi ta muốn tìm lời giải chưa chắc đã được các tác giả coi là câu hỏi. Cách họ nhìn vấn đề có thể rất khác với chúng ta.
Đôi khi, chúng ta buộc phải chấp nhận thực tế rằng có các tác giả sẽ không đưa ra câu trả lời nào cho một hoặc hơn một câu hỏi của chúng ta. Khi ấy, phải coi câu hỏi đó là chưa có hồi âm. Nhưng ngay cả khi tác giả không thảo luận về câu hỏi một cách rõ ràng, đôi khi, ta vẫn tìm được câu trả lời dù là gián tiếp trong tác phẩm. Nếu tác giả động chạm tới câu hỏi, ta có thể kết luận là sau đó kiểu gì tác giả cũng trả lời nó. Mặc dù, không thể đặt suy nghĩ của ta vào suy nghĩ của tác giả hoặc bắt họ nói những điều ta muốn, nhưng ta cũng không thể hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhận được từ họ những nhận định tường minh giúp giải quyết vấn đề của ta. Bởi nếu không ta sẽ không còn việc gì để làm nữa.
Như đã nêu, các câu hỏi phải được đặt trong một trình tự giúp ích cho việc nghiên cứu của chúng ta. Trình tự này phụ thuộc vào đề tài nghiên cứu nhưng chúng tôi có thể đưa ra vài chỉ dẫn. Những câu hỏi đầu tiên thường là về sự tồn tại hoặc tính chất của một hiện tượng hoặc ý tưởng mà chúng ta đang nghiên cứu. Nếu một tác giả khẳng định sự tồn tại của hiện tượng hoặc đặc tính của ý tưởng, ta có thể đặt thêm câu hỏi với tác phẩm của người này. Thường là: Làm cách nào biết được hiện tượng này? Ý tưởng này được thể hiện ra sao?
Chúng ta cũng không nên hy vọng tất cả các tác giả sẽ trả lời các câu hỏi của ta cùng một kiểu. Nếu như vậy, ta lại không còn việc gì để làm vì sự nhất trí của các tác giả đã đủ để tháo gỡ vấn đề. Nhưng vì các tác giả không ai giống ai nên ta phải tiến hành bước tiếp theo.
Bước 4: Xác định vấn đề
Nếu một câu được hỏi rõ ràng và chúng ta biết chắc các tác giả sẽ trả lời nó theo những cách khác nhau có nghĩa là ta đã tìm ra một vấn đề. Vấn đề đó là sự khác nhau giữa các câu trả lời của các tác giả.
Khi tất cả tác giả chỉ đưa ra hai câu trả lời, vấn đề trở nên đơn giản. Mỗi câu hỏi thường có từ hai câu trả lời trở lên và khi đó, các câu trả lời phải được sắp xếp theo từng cặp đối nghịch. Dựa vào đó ta phân loại được các tác giả theo quan điểm của họ.
Vấn đề chỉ thật sự nảy sinh khi hai tác giả hiểu câu hỏi theo cùng một cách nhưng lại trả lời theo hai cách trái ngược nhau. Nhưng điều này ít khi xảy ra. Thông thường, những sự khác biệt trong cách trả lời được quy cho là những quan niệm khác nhau về câu hỏi, về cùng một vấn đề. Nhiệm vụ của người đọc đồng chủ đề là xác định các vấn đề sao cho chúng được kết nối càng nhiều càng tốt. Đôi khi, điều buộc người đọc phải tạo ra một khung câu hỏi theo cách không tác giả nào đúng.
Có nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề chúng ta đang bàn tới, nhưng chúng có vẻ thuộc nhiều nhóm khác nhau. Ví dụ, các câu hỏi về đặc điểm của ý tưởng đang được xem xét gợi lên rất nhiều vấn đề liên quan. Những vấn đề xoay quanh một loạt câu hỏi gắn bó chặt chẽ với nhau được gọi là cuộc tranh luận về một khía cạnh của vấn đề. Cuộc tranh luận này có thể rất phức tạp và người đọc có nhiệm vụ phải tìm hiểu và sắp xếp nó có trật tự và rõ ràng ngay cả khi không tác giả nào làm việc đó. Việc phân loại và sắp xếp các cuộc tranh luận này cũng như các vấn đề cốt lõi đưa chúng ta đến bước cuối cùng của cách đọc này.
Bước 5: Cuộc phân tích thảo luận
Đến đây, chúng ta đã tìm ra các phần trong sách có liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu; tạo được một hệ thống thuật ngữ trung lập có thể áp dụng với tất cả hoặc đa số các tác giả; tạo khung và sắp xếp một loạt câu hỏi coi như sẽ được giải đáp trong các sách; xác định và sắp xếp các vấn đề nảy sinh từ các câu trả lời khác nhau. Vậy còn những việc nào cần làm thêm?
Bốn bước trên ứng với hai nhóm quy tắc trong việc đọc phân tích. Khi chúng ta tuân theo và áp dụng các quy tắc này vào bất cứ cuốn sách nào, ta có thể trả lời các câu hỏi “Cuốn sách nói về cái gì?” và “Cuốn sách nói về vấn đề đó như thế nào?”. Giờ đây, chúng ta cũng có thể trả lời được các câu hỏi tương tự về cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề đang được quan tâm trong đọc đồng chủ đề. Khi đọc phân tích một tác phẩm riêng lẻ, có hai câu hỏi nữa cần được trả lời là “Cuốn sách có đúng không?” và “Ý nghĩa của nó là gì?”. Với đọc đồng chủ đề, chúng tôi đã sẵn sàng trả lời hai câu hỏi như thế về cuộc thảo luận.
Giả sử, vấn đề ta đang tìm hiểu là một trong những vấn đề nan giải khiến người ta phải mất hàng thế kỷ đấu tranh với nó và là vấn đề đã và sẽ không bao giờ nhận được sự đồng tình từ những người tốt. Khi đó, bạn nên nhận thức rằng nhiệm vụ của bạn, với tư cách độc giả đọc đồng chủ đề, không chỉ là tự trả lời các câu hỏi bạn đã dày công tạo dựng nhằm làm sáng tỏ những ý kiến xoay quanh chủ đề và về chính chủ đề. Không dễ tìm ra chân lý của loại vấn đề này. Nói đúng hơn, tìm thấy nó thì cũng là thấy trong mâu thuẫn giữa những câu trả lời trái ngược nhau, mà phần nhiều các câu trả lời đó đều chứa đựng những dấn chứng rất thuyết phục và những lý do xác đáng để củng cố cho chúng.
Khi đó, chân lý hay giải pháp cho vấn đề lại có trong cuộc thảo luận theo trình tự nhiều hơn là có trong bất cứ chuỗi nhận định hoặc khẳng định nào về nó. Vì vậy, để trình bày chân lý này, chúng ta không chỉ đặt câu hỏi và trả lời mà còn phải hỏi theo trình tự nhất định, giữ vững được trình tự đó; phải thể hiện được sự khác nhau giữa các câu trả lời và cố gắng nêu được lý do tại sao; phải chỉ ra được cụ thể đoạn nào trong sách minh hoạ cho việc phân loại câu trả lời. Làm được tất cả những việc này mới có thể nói là ta đã phân tích xong cuộc thảo luận về vấn đề ta đang quan tâm và ta đã hiểu được nó.
Sự phân tích thấu đáo về cuộc thảo luận xung quanh một vấn đề sẽ tạo điều kiện giúp các nghiên cứu sau đạt kết quả tốt hơn. Nếu không có sự phân tích, những khía cạnh của vấn đề sẽ không hiện hữu một cách rõ ràng.
Sự cần thiết của tính khách quan
Sự phân tích đầy đủ các ý kiến bàn luận xung quanh một vấn đề sẽ cho ta biết những vấn đề chính hoặc những luồng quan điểm cơ bản đối lập nhau. Điều này không có nghĩa là sự bất đồng luôn là vấn đề nổi cộm trong mọi cuộc tranh luận. Trái lại, sự đồng thuận thường đi kèm sự bất đồng, thể hiện các mặt đối lập nhau của cuộc tranh luận. Thường có một số hoặc nhiều tác giả có chung quan điểm ủng hộ hoặc phản đối. Hiếm khi có tác giả nào một mình một quan điểm trong tình huống gây tranh luận.
Sự đồng ý của con người về bản chất của các sự việc trong bất cứ lĩnh vực nào đều tạo ra một số suy đoán về tính chân thực của các ý kiến thường gặp. Nhưng sự bất đồng quan điểm lại tạo ra điều ngược lại với suy đoán - rằng không ý kiến nào mâu thuẫn với nhau lại có thể hoàn toàn đúng, dù nó có được ai tán thành hay không. Giữa các ý kiến trái ngược nhau, có thể có một ý kiến hoàn toàn đúng và những ý kiến còn lại là sai nhưng cũng có thể mỗi ý kiến phản ánh một phần của sự thật, thậm chí tất cả các ý kiến trái ngược nhau đều sai. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, giống như trường hợp ý kiến mà ai cũng đồng ý hoá ra lại sai; ý kiến không được nói ra lại đúng hoặc gần đúng.
Nói cách khác, mục đích nghiên cứu cấp độ đọc thứ tư này không phải là phương án cuối cùng trả lời cho câu hỏi nảy sinh trong quá trình tiến hành nghiên cứu hay giải pháp cuối cùng cho vấn đề gốc rễ dẫn đến cuộc nghiên cứu này. Sẽ là võ đoán chứ không phải biện chứng nếu với mỗi vấn đề quan trọng được nhận diện và phân tích, nó đều khẳng định hoặc cố gắng chứng minh tính đúng đắn hay sai lầm của bất cứ quan điểm nào. Nếu đúng vậy, nó sẽ có thêm một tiếng nói trong cuộc tranh luận và mất đi bản chất khách quan, độc lập của mình.
Có thể tóm tắt tính chất đặc biệt của việc phân tích cùng chủ đề được hướng tới trong bốn từ “khách quan biện chứng”. Nói ngắn gọn, người đọc theo cách này cố gắng nhìn nhận tất cả các ý kiến và không theo riêng ý kiến nào cả. Tuy nhiên, tính khách quan tuyệt đối nằm ngoài khả năng của con người. Độc giả có thể không theo ý kiến chủ quan nào, trình bày vấn đề không chút thành kiến hoặc thiên vị nào và coi các ý kiến trái ngược là như nhau. Nhưng làm được việc này cũng không phải đơn giản, đòi hỏi người đọc phải chống lại sức hấp dẫn và làm chủ được chính mình. Không thể bảo đảm tính khách quan biện chứng tuyệt đối chỉ bằng việc tránh đưa ra những nhận xét rõ ràng về tính chân thực của các ý kiến trái ngược nhau. Thiên kiến có thể xen vào bất cứ lúc nào, dù biểu hiện chỉ là mơ hồ nhất – qua cách tóm tắt các luận điểm, nhấn lướt các ý, qua giọng điệu đặt câu hỏi hoặc màu sắc đậm nhạt của một điểm ta lưu ý hay qua trình tự trình bày các câu trả lời cho những câu hỏi trọng tâm.
Nhưng dù sao, việc không theo ý kiến nào vẫn dễ hơn việc nhìn nhận tất cả các ý kiến. Người đọc đồng chủ đề chắc chắn sẽ thất bại trong việc nhìn nhận mọi ý kiến. Không thể liệt kê thấu đáo mọi ý kiến về vấn đề nhưng người đọc vẫn phải cố gắng hoàn thành nó.
Để tránh sơ sót, người đọc cẩn thận có thể chọn cho mình phương pháp dễ và sử dụng nó càng nhiều càng tốt. Đó là luôn lưu tâm đến những gì tác giả viết, đọc đi đọc lại các đoạn có liên quan và khi trình bày kết quả nghiên cứu với một lượng khán giả lớn hơn, người đọc phải trích dẫn nguyên văn ý kiến hoặc luận điểm của tác giả. Điều này không hề mâu thuẫn với tính cấp thiết của việc tìm được một hệ thống thuật ngữ trung lập để phân tích vấn đề. Tính cần thiết đó vẫn giữ nguyên giá trị và khi tóm tắt luận điểm của một tác giả được trình bày, bạn phải dùng chính ngôn từ đó chứ không phải của tác giả. Nhưng lời của tác giả - được trích dẫn một cách cẩn thận để không bị sai lệch ý - phải được kèm vào phần tóm tắt giúp người viết, cũng là để người đọc theo phương pháp này tự đánh giá được liệu mình đã hiểu đúng ý tác giả chưa.
Chỉ có ý chí cứng rắn của người đọc mới đủ để tránh những trường hợp xa rời tính khách quan biện chứng. Lý tưởng này đòi hỏi sự nỗ lực làm việc thật cẩn trọng để cân bằng các câu hỏi đối nghịch nhau, loại ra những lời bình mang thành kiến, kiểm tra xem có xu hướng nào quá nhấn mạnh hoặc quá coi nhẹ không. Ở bản phân tích cuối cùng, dù có một độc giả nào đó thẩm tra tính hiệu quả của bài viết mang tính biện chứng này, nhưng chỉ có người viết ra nó, tức người đọc đồng chủ đề với có thể biết mình có thỏa mãn được những yêu cầu này không.
Ví dụ về đọc đồng chủ đề
Có thể coi việc nêu ví dụ là một cách tốt để giải thích đọc đồng chủ đề là như thế nào. Chúng tôi chọn chủ đề là ý tưởng về sự tiến bộ. Đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khá sâu về vấn đề này (Chú thích: Kết quả của những nghiên cứu này được xuất bản trong cuốn The Idea of Progress, New York: Praeger, 1967. Tác phẩm được hoàn thành với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Triết học, các tác giả chính là giám đốc và phó giám đốc của viện này). Nếu không, ví dụ chúng tôi đưa ra có lẽ sẽ không giúp ích nhiều cho các bạn.
Việc nghiên cứu về ý tưởng có ý nghĩa lịch sử và triết học quan trọng này đã kéo dài nhiều năm. Nhiệm vụ đầu tiên là lọc ra một danh sách các tác phẩm cần nghiên cứu để tìm ra các phần liên quan và tạo thành một thư mục. Chúng tôi đã phải đọc soát vài lần nhiều cuốn sách, bài báo và các đoạn văn khác. Trong quá trình đó, chúng tôi nhận thấy nhiều đầu sách cuối cùng được đánh giá là có liên quan lại được tìm thấy một cách ngẫu nhiên hoặc chỉ là do dự đoán. Có những dấu hiệu rất dễ nhận biết như rất nhiều cuốn có từ “tiến bộ” trong tựa đề, nhưng hầu hết các cuốn sách cũ, dù có liên quan đến vấn đề cũng không hề sử dụng thuật ngữ này.
Chúng tôi cũng đọc qua một số tác phẩm thơ cả, tiểu thuyết nhưng tập trung chủ yếu vào các sách chuyên khảo và thấy rằng rất khó cho cả tiểu thuyết, kịch, thơ nếu đọc cách đọc đồng chủ đề này vì một số nguyên do. Trước hết, cốt truyện không phải là luận điểm hay vấn đề. Thứ hai, ngay cả các nhân vật có nhiều phát ngôn nhất trong truyện cũng hiếm khi có ý kiến rõ ràng về một vấn đề nào. Họ thường nói chủ yếu về các mối quan hệ tình cảm. Thứ ba, ngay cả khi các nhân vật có hẳn một bài diễn thuyết, ví dụ như Settembrini nói về sự tiến bộ trong cuốn Magic Moutain (Ngọn núi kỳ diệu) của Thomas Mann, chúng ta cũng không thể chắc rằng đó cũng chính là quan điểm của tác giả. Liệu tác giả có dụng ý châm biếm không khi ông cho nhân vật của mình nói về chủ đề? Nói chung, người đọc phải rất nỗ lực để thấu hiểu ý đồ của tác giả trước khi quyết định đặt một tác phẩm hư cấu vào mặt này hay mặt kia của vấn đề. Nỗ lực này rất lớn nhưng kết quả đạt được lại rất mù mờ nên tốt nhất là hãy tránh nó.
Đối mặt với cuộc thảo luận về sự tiến bộ trong nhiều tác phẩm khảo cứu còn lại, nhiệm vụ của chúng tôi là phải phát triển một hệ thống thuật ngữ mang tính trung lập. Đây là nhiệm vụ phức tạp nhưng sẽ trở nên dễ hiểu hơn nếu có một ví dụ.
Từ “tiến bộ” được các tác giả sử dụng theo nhiều cách khác nhau mà đa số đều chưa phản ánh thực chất nghĩa của từ. Một số tác giả sử dụng từ này để chỉ một dạng biến chuyển trong lịch sử nhưng lại không mang nghĩa là sự tốt hơn lên, trong khi hầu hết các tác giả đều dùng từ này để chỉ sự thay đổi mang tính lịch sử và theo hướng tốt lên. Vì thế, hai cách hiểu trên không thể được thể hiện bằng một từ chung. Trong trường hợp này, đa số sẽ thắng. Do đó, khi bàn luận về các quan điểm của một bộ phận nhỏ tác giả, chúng ta không thể dùng từ “sự tiến bộ” ngay cả khi các tác giả trong nhóm đó dùng từ này.
Như đã nói, bước thứ ba của đọc đồng chủ đề là giải đáp các thắc mắc. Câu hỏi đầu tiên về sự tiến bộ là “Sự tiến bộ có diễn ra trong lịch sử không?” và “Có phải những thay đổi trong lịch sử loài người đều theo hướng tốt lên?”. Có nhiều câu trả lời khác nhau về câu hỏi này. Nhưng cơ bản, có ba câu trả lời chính là: có, không, và chúng ta không thể biết được. Tuy nhiên, có rất nhiều cách nói “có”, vài kiểu nói “không” và ít nhất là ba cách khác nhau nói “chúng ta không thể biết”.
Các câu trả lời muôn hình muôn vẻ và liên quan chặt chẽ đến nhau tạo thành cuộc tranh luận chung về sự tiến bộ. Nó “chung” vì mỗi tác giả đều có những ý kiến khác nhau về rất nhiều vấn đề trong phạm vi của chủ đề. Nhưng cũng có những cuộc tranh luận đặc biệt về sự tiến bộ do các tác giả chọn câu trả lời “có” tạo nên. Các vấn đề này trong cuộc tranh luận nói trên liên quan đến bản chất hoặc tính chất của sự tiến bộ mà họ, với tư cách là các tác giả tiến bộ, khẳng định đó là một sự thật trong lịch sử. Ở đây, có ba vấn đề có thể được đặt ra dưới dạng câu hỏi: (1) Tiến bộ có cần thiết không, hay nó chỉ là sự tiếp giáp của các sự kiện? (2) Tiến bộ đương nhiên sẽ tiếp tục, hay cuối cùng nó sẽ kết thúc hoặc rơi vào trạng thái bất biến? (3) Có sự tiến bộ trong bản chất tự nhiên của con người không hay chỉ diễn ra trong các điều kiện bên ngoài của đời sống con người?
Ngoài ra, còn một loạt vấn đề nhỏ khác chỉ diễn ra trong nhóm các tác giả tiến bộ về các khía cạnh mà sự tiến bộ xuất hiện. Chúng tôi đã xác định sáu lĩnh vực được một số tác giả cho là có sự tiến bộ xuất hiện. Đó là: tiến bộ tri thức, tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ kinh tế, tiến bộ chính trị, tiến bộ đạo đức và tiến bộ mỹ thuật.
Cấu trúc bài phân tích về sự tiến bộ được mô tả ở trên đã minh họa cho sự cố gắng cắt nghĩa các vấn đề trong phạm vi bàn luận về chủ đề này của chúng tôi và để phân tích chính cuộc bàn luận này. Những việc như thế cần được các độc giả đọc đồng chủ đề tiến hành thường xuyên.
Cách dùng sách Syntopicon khi đọc đồng chủ đề
Đọc kỹ chương này, bạn sẽ thấy chúng tôi thỉnh thoảng có nhắc tới nghịch lý của việc đọc đồng chủ đề. Đó là trừ khi bạn biết cuốn sách nào cần đọc, nếu không bạn không thể đọc theo cách này; nhưng bạn phải đọc đồng chủ đề, nếu không bạn sẽ không biết sách nào nên đọc.
Tất nhiên là có ít nhất một giải pháp về mặt lý thuyết đối với nghịch lý trên. Giả sử bạn biết về kho tàng văn học của chúng tôi tường tận đến mức động đến vấn đề nào là bạn biết ngay nó được viết ở sách nào. Nhưng như vậy, ban không cần ai giúp và cũng không cần nghe chúng tôi nói thêm bất cứ điều gì về phương pháp đọc đồng chủ đề nữa.
Mặt khác, giả sử bạn không có chút hiểu biết nào, bạn vẫn có cơ hội hỏi những người hiểu biết, nhưng lời khuyên của những người đó thường là sự cản trở hơn là sự trợ giúp. Nếu người đó đã nghiên cứu về chủ đề này thì ngoài việc nói bạn nên đọc đoạn nào, rất có khả năng anh ta sẽ tiện thể nói luôn cách đọc chúng như thế nào và điều này có thể gây khó khăn cho bạn. Nhưng nếu anh ta chưa hề có nghiên cứu nào về vấn đề này, có thể anh ta cũng chỉ hiểu biết bằng bạn.
Vì thế, điều cần thiết ở đây là một cuốn sách tham khảo chỉ cho bạn biết những phần liên quan đến các vấn đề bạn quan tâm nằm ở đâu mà không nhắc bạn phải đọc những phần đó thế nào, tức là không đánh giá trước ý nghĩa hoặc ý chính của những đoạn đó. Syntopicon là một ví dụ về cuốn sách như vậy. Ra đời vào những năm 1940, nó là một danh mục theo chủ đề về các cuốn sách mang tên “Các cuốn sách vĩ đại của thế giới phương Tây”. Có 3.000 chủ đề hoặc vấn đề, dưới mỗi chủ đề là danh sách liệt kê rõ vấn đề đó được nói tới từ trang nào đến trang nào trong các cuốn sách. Một vài trong số đó là các bài dài nhiều trang, số khác là các đoạn chính hay thậm chí là một phần của đoạn. Vì thế, bạn không cần tốn công tìm các đoạn đó nữa mà chỉ việc lấy cuốn sách được nói đến và giở đến những trang đó mà thôi.
Tất nhiên, cuốn Symtopicon cũng có hạn chế. Nó chỉ là bản liệt kê về một loại sách và chỉ đưa ra hướng dẫn rất sơ sài về các đoạn có thể tìm trong các cuốn sách khác ngoài loại sách dó. Nhưng ít nhất nó cũng giúp bạn khởi đầu việc đọc cùng chủ đề. Và một điều luôn đúng là các cuốn sách trong loạt sách đó đều là những cuốn bạn muốn đọc dù bạn đang nghiên cứu về bất cứ lĩnh vực gì. Vì vậy, Syntopicon có thể làm thay bước nghiên cứu khởi đầu của những học giả uyên bác hoặc độc giả, tạo điều kiện cho người ấy tiến nhanh đến phần anh ta có thể suy nghĩ độc lập vì anh ta biết những ý tưởng nào đã có rồi.
Với những người bắt đầu đọc đồng chủ đề, Syntopicon càng hỗ trợ đắc lực hơn, nó có thể giúp họ theo ba cách: đưa ra những sáng kiến, gợi ý, hướng dẫn.
Nó đưa ra những sáng kiến bằng cách giúp bạn vượt qua những khó khăn ban đầu mà ai cũng gặp phải khi đối diện với những cuốn sách cổ điển. Ai cũng khuyên bạn nên đọc chúng và bạn được giao cho một chương trình đọc từ các tác phẩm dễ tới các tác phẩm khó hơn. Nhưng các chương trình đọc đó đòi hỏi bạn phải đọc toàn bộ hoặc phần lớn cuốn sách. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy cách này thường không đem lại kết quả mong muốn. Với sự trợ giúp của Syntopicon, hướng giải quyết sẽ khác hẳn. Nó khởi đầu việc đọc các cuốn sách lớn bằng cách cho phép người đọc đọc chính xác những sách viết về chủ đề anh ta quan tâm và đọc các bài ngắn về những chủ đề này của nhiều tác giả khác nhau.
Syntopicon cũng có thể gợi ý cho ta nhiều điều về đọc chọn đoạn cùng chủ đề trong các tác phẩm lớn. Mối quan tâm có thật ban đầu của người đọc về một vấn đề cụ thể có thể tạo thêm mối quan tâm về những vấn đề khác. Và khi đã bắt đầu với một tác giả, bạn rất dễ đi đến tìm hiểu văn cảnh tác phẩm. Trước khi bạn nhận ra điều đó, bạn đã đọc một phần hay của cuốn sách rồi.
Cuối cùng, Syntopicon còn đóng vai trò hướng dẫn theo ba cách khác biệt. Đây là một trong những lợi ích chính của việc đọc theo phương pháp này.
Thứ nhất, chủ đề sẽ giúp bạn hiểu đoạn văn đang đọc dễ dàng hơn. Nhưng nó không cho người đọc biết bài đang đọc có nghĩa gì vì bài đó có liên quan đến chủ đề ở vài hoặc nhiều khía cạnh khác nhau. Vì thế, người đọc có trách nhiệm tìm hiểu chính xác xem các khía cạnh liên quan đó là gì.
Thứ hai, tập hợp nhiều bài về cùng một chủ đề. Các tác giả và tác phẩm khác nhau sẽ giúp người đọc mài giũa khả năng đọc hiểu mỗi phần. Đôi khi, các phần trong cùng một cuốn sách được đọc theo một trình tự và đặt trong văn cảnh của nhau sẽ trở nên sáng tỏ hơn. Có lúc, nghĩa của một trong nhiều đoạn đối nghịch nhau trích từ các cuốn sách khác nhau được nêu bật lên khi chúng được đọc theo từng cặp đối nhau. Và thỉnh thoảng, các đoạn của cùng một tác giả bình luận về các bài của một tác giả khác lại giúp người đọc hiểu thêm về tác giả có bài được bình luận kia.
Thứ ba, nếu áp dụng cách đọc này với nhiều chủ đề khác nhau thì cùng một đoạn văn được trích dẫn trong Syntopicon về hai hay nhiều chủ đề sẽ có tác dụng hướng dẫn. Đoạn văn mang những ý nghĩa mà người đọc hiểu rằng mình đã hiểu nó hơi khác trong mối quan hệ với các chủ đề khác nhau. Cách hiểu đa nghĩa này không chỉ là dạng bài tập cơ bản trong nghệ thuật đọc sách, mà còn có xu hướng tạo cho trí óc ta thói quen luôn ý thức được rằng một đoạn văn phức tạp có thể chứa đựng rất nhiều lớp nghĩa khác nhau.
Chúng tôi xin lưu ý các bạn là có sự khác biệt lớn giữa đọc đồng chủ đề với chữ “s” viết thường (syntopical reading) và đọc đồng chủ đề với chữ “S” viết hoa (Syntopical reading). Cách thứ hai ám chỉ việc đọc các tác phẩm lớn có sự trợ giúp của cuốn Syntopicon. Nhưng phương pháp đọc đồng chủ đề với chữ “s” viết thường luôn được sử dụng phổ biến hơn là đọc đồng chủ đề với chữ “S” viết hoa.
Những nguyên tắc làm nền tảng cho việc đọc đồng chủ đề
Có ý kiến cho rằng, đọc đồng chủ đề (theo nghĩa rộng nói ở trên) là điều không thể. Họ nói rằng hoàn toàn sai lầm khi áp đặt một hệ thống thuật ngữ dù là “trung tính” lên một tác giả. Hệ thống thuật ngữ của tác giả phải được xem là bất khả xâm phạm vì ta không nên đọc các cuốn sấch mà không gắn chúng với văn cảnh. Bên cạnh đó, việc chuuyển hệ thống thuật ngữ này sang hệ thống thuật ngữ khác có nhiều rủi ro vì từ ngữ không đơn giản như các ký hiệu toán học. Ngoài ra, những người theo quan điểm này còn cho rằng việc đọc đồng chủ đề bao gồm cả việc đọc các tác giả tách biệt nhau về không gian và thời gian, khác biệt rõ nét về phong cách và hướng tiếp cận sẽ bóp méo sự thật. Mỗi tác giả là một tiểu vũ trụ và dù có thể tạo ra mối quan hệ giữa các tác phẩm của cùng tác giả viết trong những thời kỳ khác nhau, thì cũng không có mối liên hệ nào rõ ràng giữa tác giả này với tác giả khác. Cuối cùng, họ vẫn cho rằng vấn đề các tác giả bàn tới không quan trọng bằng cách thức họ bàn bạc. Nếu ta không động chạm gì tới cách thức tác giả trình bày nội dung, ta sẽ không hiểu gì về cả hai mặt này.
Chúng tôi không đồng tình với tất cả lý lẽ trên vì những lý do sau:
Trước hết là về vấn đề hệ thống thuật ngữ. Phủ nhận việc trình bày một ý tưởng theo nhiều cách cũng giống như nói rằng không thể dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Chúng tôi đồng ý là việc dịch một cuốn sách được đông đảo mọi người coi là linh thiêng (ví dụ như Kinh Koran) là rất khó nhưng không phải là không thể làm được. Chúng tôi cũng đồng ý rằng rất khó để chuyển ngôn từ của người này sang ngôn từ của người khác nhưng cũng không phải là không thể làm được.
Thứ hai là về vấn đề sự tách biệt và tính duy nhất của tác giả. Ví dụ, nếu nhìn thấy Aristotle đi cùng một phiên dịch biết cả tiếng Anh hiện đại và tiếng Hy Lạp cổ, chúng tôi sẽ không thể hiểu nổi ông ta và ông ta cũng vậy. Nhưng chúng tôi tin rằng trong vòng mười phút, nếu muốn, chúng tôi và Aristotle có thể đàm luận với nhau về những vấn đề triết học đôi bên cùng quan tâm. Sẽ không tránh khỏi những bất đồng muôn thuở về các khái niệm nhất định, nhưng ngay khi nhận thức được chúng, chúng tôi có thể tìm ra hướng giải quyết.
Nếu điều trên là có thể thì việc một cuốn sách “nói chuyện” được với một cuốn sách khác thông qua người phiên dịch là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, sự thận trọng là cần thiết và bạn cần biết cả hai “ngôn ngữ” (chính là hai quyển sách) càng tường tận càng tốt. Rõ ràng, vấn đề không phải là không thể vượt qua.
Cuối cùng là về cách thức. Ví dụ bạn nói “Tao yêu mày” với con chó của bạn bằng một giọng giận dữ, nó sẽ co rúm lại vì sợ và không thể hiểu được bạn nói gì. Ai có thể khẳng định là không có gì khác ngoài âm điệu hoặc cử chỉ trong giao tiếp hữu thanh giữa hai người với nhau? m điệu giọng nói rất quan trọng, đặc biệt là khi quan hệ tình cảm là nội dung chủ yếu của cuộc giao tiếp và ngôn ngữ của cơ thể có thể nói với ta nhiều điều nếu chúng ta chịu khó lắng nghe. Nhưng còn có những thứ khác nữa trong giao tiếp của con người. Nếu bạn hỏi ai đó lối ra ở đâu, anh ta chỉ cho bạn phải đi theo hành lang B, khi đó âm điệu của anh ta thế nào bạn cũng không quan tâm. Có thể anh ta đúng hoặc sai, nói dối hay nói thật, nhưng điều cần thiết ở đây là bạn sẽ nhanh chóng tìm được lối ra bằng việc đi theo hành lang B. Bạn đã hiểu được anh ta nói cái gì và phản ứng ra sao, chứ không nghi ngờ hay để ý đến việc anh ta nói thế nào.
Tóm tắt về đọc đồng chủ đề
Phương pháp đọc đồng chủ đề đã được trình bày hết ở trên. Sau đây là sự tóm tắt các bước cần làm khi đọc theo cách này dưới dạng một đề cương.
I. Chuẩn bị cho việc đọc đồng chủ đề
1. Tạo một thư mục tạm thời những sách cần đọc về chủ đề (thông qua danh mục sách trong thư viện, các chuyên gia và thư mục sách tham khảo trong các cuốn sách).
2. Khảo sát tất cả các cuốn sách trong thư mục để tìm ra cuốn nào viết về chủ đề cần nghiên cứu, đồng thời có khái niệm rõ hơn về chủ đề đó.
II. Đọc các cuốn sách trong thư mục đã tạo
1. Khảo sát các cuốn sách liên quan đến chủ đề để tìm ra các phần bàn đến nó trực tiếp nhất.
2. Xây dựng một hệ thống thuật ngữ trung tính về chủ đề mà ta cho rằng tất cả hoặc đa số tác giả đều sử dụng đến chúng, dù họ có thật sự dùng hay không.
3. Tạo lập một loạt các nhận định trung tính cho tất cả cá tác giả bằng cách đặt ra một loạt câu hỏi có thể tìm thấy câu trả lời trong các cuốn sách, dù câu hỏi đó có được trả lời rõ ràng hay không.
4. Xác định các vấn đề chính và phụ bằng cách sắp xếp các câu trả lời đối ngược nhau của các tác giả vào các câu hỏi về một mặt của vấn đề này hay vấn đề kia. Bạn nên nhớ rằng không phải lúc nào cũng nảy sinh một vấn đề rõ ràng giữa hai hoặc nhiều tác giả, nhưng đôi khi nó phải được tạo ra thông qua việc tìm hiểu quan điểm của tác giả về các vấn đề có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ.
5. Phân tích cuộc thảo luận bằng cách sắp xếp các câu hỏi và vấn đề theo cách làm sáng tỏ nhất chủ đề. Nên đặt những vấn đề chung hơn trước các vấn đề ít chung hơn và chỉ rõ mối quan hệ giữa các vấn đề.
21
Đọc sách và
sự phát triển trí tuệ
Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra ở phần mở đầu cuốn sách bằng cách đã chỉ ra rằng hoạt động chính là yếu tố cốt lõi để đọc có hiệu quả và càng đọc chủ động bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu; đã định nghĩa đọc chủ động chính là biết cách đặt câu hỏi, đâu là những câu hỏi cần phải đặt ra khi đọc bất cứ cuốn sách nào và cách thức trả lời với những loại sách khác nhau.
Chúng tôi cũng xác định, bàn luận về bốn cấp độ đọc và chỉ ra các cấp độ này nối tiếp nhau ra sao; chú trọng đến cấp độ cao hơn, nhấn mạnh việc đọc phân tích và đọc đồng chủ đề. Vì phương pháp dọc đồng chủ đề có vẻ xa lạ với nhiều người nên chúng tôi bàn về nó nhiều hơn các cấp độ đọc khác, đưa ra đầy đủ quy tắc và giải thích từng quy tắc cũng như cách áp dụng chúng. Nhưng hầu hết những điều đã nói về việc đọc phân tích đều có thể áp dụng vào đọc đồng chủ đề với một số sửa đổi nhất định cho phù hợp sẽ được trình bày trong chương cuối cuốn sách này.
Như vậy, nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành, nhưng bạn thì chưa. Không cần thiết phải nhắc bạn rằng đây là cuốn sách thực hành, tức là, người đọc sách này phải bắt buộc làm theo nó. Nếu độc giả đồng ý với kết luận của cuốn sách và công nhận các phương pháp nó đề xuất là thích hợp và hiệu quả thì người ấy mới phải hành động theo cuốn sách. Có thể, bạn không đồng tình với mục đích đầu tiên là bạn cần biết cách đọc hiệu quả càng tốt hoặc không đồng tình với cách thức chúng tôi đưa ra để đạt được mục đích đó gồm các quy tắc đọc kiểm soát, đọc phân tích và đọc đồng chủ đề. Nhưng nếu bạn chấp nhận mục đích này và đồng ý với các phương pháp đó, bạn phải cố gắng để đọc như chưa bao giờ được đọc.
Sách hay giúp ích gì cho bạn
Có thể hiểu từ “phương tiện” theo hai cách. Một là các quy tắc đọc sách, phương pháp giúp bạn trở thành một độc giả đọc sách khôn ngoan; hai là những thứ bạn đọc. Có phương pháp mà không có thứ gì để áp dụng thì cũng vô nghĩa.
Ở nghĩa thứ hai, phương tiện giúp bạn nâng cao khả năng đọc chính là các cuốn sách bạn đọc. Nhưng trên thực tế, phương pháp được minh họa trong phần bàn về đọc phân tích và đọc cùng chủ đề không áp dụng được với tất cả các loại sách. Lý do là một số cuốn sách không đòi hỏi phải đọc theo phương pháp.
Hãy nhớ, muốn trở thành một độc giả khôn ngoan, bạn không thể bạ sách nào, bài nào cũng đọc. Bạn không thể trở thành người đọc giỏi nếu chỉ đọc các cuốn sách nằm trong khả năng mà phải động đến những cuốn vượt khả năng của bạn. Chỉ những cuốn sách đó mới khiến bạn phải động não vì nếu không động não, bạn không thể học được cái gì.
Vì thế, một điều rất quan trọng với bạn là không chỉ đọc tốt, bạn còn phải xác định được sách nào giúp nâng cao khả năng đọc của mình. Một cuốn sách đơn thuần để giải trí chỉ là thú tiêu khiển lúc rỗi rãi và ngoài giải trí ra, bạn không thể nhận thêm được gì từ nó. Chúng tôi không phản đối giải trí, nhưng chúng tôi nhấn mạnh là việc nâng cao kỹ năng đọc không song hành với đọc để giải trí. Những cuốn sách thuần tuý thông báo cho bạn những điều bạn chưa biết nhưng không giúp bạn hiểu được bản chất của chúng thì tình trạng cũng như trên. Việc đọc để lấy thông tin cũng không khiến bạn động não hơn việc đọc để giải trí dù thoạt nhìn có vẻ như có. Nhưng đó đơn giản chỉ vì trí não bạn bị nhét đầy thông tin hơn là trước khi bạn đọc cuốn sách. Có sự thay đổi về lượng nhưng kỹ năng của bạn không nâng cao chút nào.
Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng người đọc giỏi luôn đặt ra những yêu cầu cho mình. Anh ta đọc rất chủ động với sự nỗ lực lớn. Còn một điều khác bạn cũng nên nhớ là những cuốn sách bạn muốn đọc để thực hành khả năng đọc của mình, đặc biệt là đọc phân tích, cũng phải đặt ra những yêu cầu cho bạn. Chúng phải nằm ngoài tầm của bạn. Khi áp dụng các quy tắc chúng tôi đã nêu, chúng sẽ không còn ngoài tầm nữa. Tất nhiên, các quy tắc sẽ không mang phép màu đến ngay cho bạn. Có những cuốn vẫn mãi nằm ngoài tầm của bạn dù bạn có đọc giỏi đến đâu. Đó chính là những cuốn sách bạn cần tìm kiếm vì chúng là trợ thủ đắc lực nhất giúp bạn trở thành một độc giả thông thái hơn.
Có những độc giả đã sai lầm khi cho rằng những cuốn sách thách thức như vậy đều viết về các lĩnh vực xa lạ. Họ tin rằng chỉ có những cuốn sách khoa học và triết học mới thoả mãn được các tiêu chí đặt ra. Điều này không đúng. Những cuốn sách khoa học vĩ đại thường dễ đọc hơn rất nhiều những cuốn khác vì các tác giả đã cẩn thận giúp bạn hiểu được những thuật ngữ, xác định rõ các nhận định chính và trình bày các luận điểm chủ chốt. Những điều này không hề có trong các tác phẩm thơ ca nên thơ ca mới chính là những cuốn sách khó nhất, yêu cầu cao nhất. Ví dụ, sách của Homer khó đọc hơn sách của Newton, dù khi đọc lần đầu tiên, bạn có thể hiểu được nhiều hơn từ sách của Homer. Lý do là Homer chọn chủ đề rất khó để có thể viết hay được.
Những khó khăn khi đọc một cuốn sách hay rất khác với những khó khăn khi đọc một cuốn sách tồi. Cuốn sách tồi chống lại mọi nỗ lực phân tích của bạn. Nó trượt khỏi tay bạn mỗi khi bạn nghĩ đã nắm được vấn đề rồi. Thực tế là với sách tồi, không có gì cần phải nắm bắt cả. Nó không đáng để nỗ lực. Bạn không nhận được phần thưởng nào cho sự chiến đấu của mình.
Trong khi đó, một cuốn sách hay sẽ có phần thưởng cho bạn khi bạn nỗ lực đọc nó. Các cuốn sách hay nhất tặng nhiều phần thưởng nhất. Có hai loại phần thưởng. Một là, nó nâng cao kỹ năng đọc của bạn khi bạn đọc thành công một tác phẩm hay và khó; hai là, một cuốn sách hay có thể dạy bạn rất nhiều điều về thế giới và về bản thân bạn. Ngoài việc học được cách đọc hiệu quả hơn, bạn còn biết thêm về cuộc sống và trở nên sáng suốt hơn. Tức là bạn sẽ ý thức sâu sắc hơn về những chân lý vĩnh cửu và vĩ đại của đời người. Đặc biệt, những cuốn sách vĩ đại nhất có thể giúp bạn suy nghĩ tốt hơn về những vấn đề con người không thể giải quyết được hoặc bạn không thể nghĩ nhiều và hiểu được sâu, vì chúng được viết ra bởi những người có trí tuệ hơn người.
Kim tự tháp về những cuốn sách
Tính riêng kho tàng sách phương Tây đã có vài triệu cuốn sách, nhưng phần lớn trong đó không đưa ra được đầy đủ các yêu cầu giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc vì đó là những cuốn sách giải trí đơn thuần hoặc cung cấp thông tin. Bạn không cần đọc phân tích mà chỉ cần đọc lướt là đủ.
Loại sách thứ hai là loại bạn có thể học được nhiều điều từ nó về cách đọc và cách sống. Trong 100 cuốn, chưa chắc đã có một cuốn thuộc loại này, có khi trong 1.000 cuốn hay nhiều hơn thế mới có một cuốn. Đó là những cuốn sách hay, được tác giả gọt giũa cẩn thận, truyền tải tới người đọc những ý tứ sâu xa về những chủ đề luôn là mối quan tâm muôn thuở của con người. Chúng đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc với người đọc, đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm chí ít là một lần. Nếu có kỹ năng đọc tốt, bạn có thể thấu hiểu được toàn bộ nội dung tác phẩm chỉ trong một lần đọc. Những cảm giác khi đọc cuốn sách mách bảo bạn là bạn không cần đọc lại nữa. Các cuốn sách như vậy làm bạn động não và tăng sự hiểu biết. Bạn “vắt kiệt” nó. Nhờ đó, bạn nhận ra cuốn sách không còn gì để cho bạn thêm nữa.
Trong số sách đó, có một lượng nhỏ hơn không thể bị vắt kiệt dù bạn đọc theo cách tốt nhất có thể. Đò là khi bạn gấp sách lại sau khi đã đọc và suy ngẫm hết khả năng của mình, bạn bỗng nghi ngờ cuốn sách còn có những điều bạn chưa hiểu hết. Cuối cùng, bạn lại tìm đến nó. Lúc này, có một điều rất đáng lưu tâm xảy ra. Hoặc là bạn sẽ thấy hóa ra cuốn sách có ít thứ cần hiểu hơn bạn tưởng. Lý do là vì trong thời gian dừng giữa các lần đọc, suy nghĩ của bạn đã kịp trưởng thành thêm. Hiểu biết của bạn rộng hơn, bạn đã thay đổi nhưng cuốn sách thì không. Vì thế, việc đọc lại cuốn sách làm bạn thất vọng. Hoặc là bạn khám phá ra rằng cuốn sách dường như cũng trưởng thành cùng bạn nếu đó là cuốn sách thuộc loại cao nhất - loại không bao giờ bị “vắt kiệt”. Bạn tìm thấy những điều thật sự mới mẻ mà trước đó bạn không nhận ra. Những gì bạn hiểu về cuốn sách vẫn đúng và bây giờ nó lại đúng theo nhiều cách hiểu khác nữa. Cuốn sách vẫn nằm ngoài tầm của bạn vì nó thật sự là một cuốn sách hay, vĩ đại, có thể được tiếp cận từ nhiều cấp độ khác nhau. Nó sẽ luôn nâng bạn lên tầm cao mới ngay cả khi bạn đã trở nên khôn ngoan và hiểu biết hơn.
Chúng tôi không muốn áp đặt tên các sách hoặc nhóm sách tốt cho bạn. Bạn nên tìm kiếm một số cuốn sách có giá trị cho chính bạn. Đó là những cuốn sách dạy bạn nhiều nhất về cả cách đọc và về cuộc sống - những cuốn sách bạn muốn đọc đi đọc lại nhiều lần và giúp bạn trưởng thành.
Cuộc sống và sự phát triển của trí tuệ
Có một bài trắc nghiệm cũ, đã từng rất phổ biến có thể giúp bạn tìm ra cuốn sách nào giúp bạn trưởng thành. Giả sử, bạn bị bỏ lại trên một hoang đảo ít nhất là trong một thời gian dài và được phép mang theo mười cuốn sách. Bạn sẽ chọn những cuốn nào?
Hãy nhớ là không có tivi hay phương tiện giải trí gì trên đảo, cũng không có thư viện cho mượn sách về, chỉ có bạn và mười cuốn sách thôi. Xét về một khía cạnh nào đó, tất cả chúng ta đều như người bị bỏ trên hoang đảo. Chúng ta đều phải đối mặt với những thách thức giống khi chúng ta ở trong tình huống như vậy – thách thức về việc tìm kiếm cội nguồn trong bản thân mình để sống một cuộc đời tốt đẹp.
Có một sự thật khiến trí tuệ khác hẳn với cơ thể. Cơ thể có những giới hạn mà tâm trí không có. Ví dụ như cơ thể không phát triển mãi cả về sức mạnh và kỹ năng. Khi 30 tuổi, cơ thể con người đã phát triển hết sức. Nhưng không có giới hạn nào trong sự trưởng thành và phát triển của trí tuệ con người. Trí tuệ không ngừng phát triển dù ở độ tuổi cụ thể nào, mà chỉ ngừng khi bộ não tự nó mất đi sự sáng suốt. Khi bị lão hoá, trí tuệ mới mất đi sức mạnh tăng kỹ năng và hiểu biết.
Đây là một trong những điểm đáng lưu ý nhất về con người và là đặc điểm khác biệt nhất giữa người thông tuệ và các động vật khác - những động vật đến một độ tuổi nào đó không phát triển thêm về mặt trí óc nữa. Nhưng lợi thế lớn đó của con người cũng kéo theo nguy cơ lớn: Trí tuệ có thể bị hao mòn đi, như là cơ bắp, nếu nó không được sử dụng. Sự hao mòn trí tuệ chính là cái giá phải trả cho việc không luyện tập trí não. Đây là một hình phạt khủng khiếp vì đã có những bằng chứng cho thấy nó là một căn bệnh dẫn đến chết người. Dường như không thể giải thích được một thực tế lá có quá nhiều người bận rộn lại chết rất nhanh sau khi họ về hưu. Họ sống là nhờ những yêu cầu mà công việc đặt ra cho trí não họ. Ngay khi những yêu cầu đó không còn, không còn nguồn nào để tiếp tục hoạt động trí tuệ và họ ngừng hẳn việc suy nghĩ và dừng lại.
Các phương tiện giải trí và thông tin trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là những trụ cột tinh thần giả dối. Chúng có thể cho chúng ta cảm tưởng rằng trí óc của ta hoạt động vì chúng yêu cầu ta phản ứng trước những kích thích từ bên ngoài. Nhưng sức mạnh khiến ta tiếp tục hành động từ những kích thích ấy lại rất hạn chế. Chúng giống như ma tuý. Chúng ta quen dần với chúng và ngày càng cần nhiều hơn. Cuối cùng, chúng càng lúc càng ít tác dụng cho đến khi không còn gì nữa. Như vậy, nếu thiếu các nguồn lực nội tại, chúng ta sẽ ngừng phát triển về trí tuệ, tinh thần và đạo đức, tức là ta bắt đầu chết đi.
Đọc tốt, hay đọc tích cực, không chỉ tốt cho bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp. Nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro