Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đọc sách,báo sao cho hiệu quả nhất

Chân nghĩa của đọc Nếu bạn nói thú đọc sách là thú quý hơn cả kho tàng của vua Salomon mà không ai cướp đoạt được thì tôi đồng ý nhưng không thỏa mãn bằng khi bạn nói đọc ngoài mục đích tìm lạc thú tinh thần, còn mục đích tìm lạc thú tinh thần, còn mục đích chính là phát triển tinh thần. Đọc hiểu như  vậy đồng nghĩa với tự học. Trong nhiều tác phẩm trước, tôi có nói qua về vấn đề này. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh điểm tự học bằng sách báo bổ khuyết vốn học nhà trường và đáp ứng nhu cầu muôn mặt của ta trong cuộc sống phức tạp. Hình như phải nói tuyệt đối không ai có vốn kiến thức vững chắc mà không nhờ tự học và không ai tự học mà không nhờ đọc sách báo. Thông minh như Khổng Tử mà còn thú nhận: "Thường tôi cả ngày đêm không ăn ngủ để suy nghĩ, vô ích, không bằng học: Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư, vô ích, bất như học dã". Tiếng học của Khổng Tử đây có nghĩa là đọc cái di sản của cổ nhân tuy hình hài đã tan ra mà vẫn bất diệt trong sách báo, vẫn sáng suốt, lễ độ bàn chuyện với ta qua chữ nghĩa.

Nếu nhận con người sinh ra bất toàn, ai cũng phải nỗ lực vươn mình lên chân, thiện, mỹ để tạo hạnh phúc gồm hiện phúc ở đời này và siêu phúc ở cõi lai sinh thì đọc sách là tối cần cho tự học để đoạt mục tiêu ấy. Đọc không thể coi là một xa xỉ phẩm, một lối chơi vì bản tính của nó chứa đựng số mệnh cao cả là giúp con người khai trí. Vào một thư viện là mượn công sưu tầm của tiền nhân để chính ta, ta tìm ra những hay đẹp mới để góp phần phụng sự xã hội của mình. Mỗi cuốn sách, xét theo sứ mệnh ấy, phải chứa một phần tối thiểu đóng vai trò hướng đạo tâm trí ta. Có thể nói, ta một ngày một hơn nhờ sách báo và trình độ nên người của ta dựa vào trình độ thăng tiến của tinh thần mà sách báo là phương tiện hữu hiệu nhất. Nói đến vấn đề này, ta không sao quên được vai trò của ngòi bút. Khỏi cần ca tụng công cán của những người hiểu biết lành mạnh. Hãy lưu ý sự phá hoại và sự tự hạ của những nhà văn, nhà thơ mang tội đầu độc người đọc vì học non mà háo danh viết bậy vì cần kiếm cơm, vì mê tín những tà giáo, triết lý, vì tư lợi nào đó mà làm bồi bút, hay vì cốt khí dâm loạn tục tằn, mà thích lên mặt hướng đạo dư luận nên đẻ ra những đứa con tinh thần tập trung của tục tĩu, sai lầm và bóc lột từ tinh thần đến vật chất của độc giả.

CHƯƠNG II ĐỌC SÁCH BÁO LÀ CẢ MỘT NGHỆ THUẬT Tôi sợ người chỉ đọc một cuốn sách SAINT THOMAS D'AQUIN

Tôi đã bỏ tám mươi năm vào việc đọc sách mà chưa có thể nói là đã đi đến nơi đến chốn.

GOETHE

ĐẠI YẾU

1. Nhiều người không đọc

2. Một báo nguy cho dân tộc

3. Nhiều người đọc thiếu phương pháp

4. Mà đọc là cả một nghệ thuật.

Những người dốt chữ hay có trình độ học vấn thấp mà không đọc sách báo, ta miễn bàn. Hãy xét những người được gọi là trí thức mà khinh rẻ việc đọc. Xung quanh bạn, biết bao nhiêu người sau khi lìa bỏ học đường liền trả sách lại cho thầy, đáng lẽ họ phải quan niệm ngày đỗ dạt, ngày ra trường là ngày mới bắt dầu trau dồi tâm trí cho vững chắc thì họ coi ngày ấy là ngày phải quăng sách vào tủ, có kiến thức bấy nhiêu thì dùng bấy nhiêu. Đã hơn một lần chúng tôi nói nhiều người thi đỗ cao sau năm, mười năm vì không tự học thêm, không còn xứng đáng với bằng cấp của mình nữa. Bằng ấy chỉ còn là cái nhãn hiệu để họ hãnh diện một cách mù quáng và để bịp đời. Bạn hãy tưởng tượng một bác sĩ ra trường năm 1930 lo hành nghề, làm ăn không cần đọc thêm hay coi lại sách báo nào về y khoa cả, đến năm 1960 vốn kiến thức về môn này của ông thế nào? Hồi ông ra trường đâu phải ông thông kim quán cổ về nghề của Hoa Đà rồi trong khoảng 30 năm, y khoa tiến thế nào, hiểu biết của ông đã chẳng theo kịp mức tiến của y khoa mà ngày càng tiêu trầm và lãng quên. Biết bao hạng trí thức khác đã đi con đường nguy hiểm của bác sĩ ấy.

Không đọc, người ta đổ thừa đủ thứ. Nào mắc lo làm ăn, ngày tối chôn đầu óc trong công sở, tư sở, về nhà mắc nghe radio, dẫn vợ con đi xem phim hay cùng bạn bè la cà ở phòng trà. Trước hết, ta hãy thẳng thắn, người không muốn đọc thì có đủ lý đo để không đọc. Khi chẳng bận công việc nào cả thì họ nghỉ hay tán dóc và như vậy theo họ cũng là lý do để không đọc.

Một số người không quen đọc, mỗi lần cầm sách lên như cầm chì: Mắt lim dim, sách rơi hồi nào không biết. Những người ấy đọc cũng không lĩnh hội bao nhiêu có thể coi là người không đọc.

Không ít người đòi viết sách viết bằng ngoại ngữ mới đọc. Còn sách viết bằng tiếng mẹ đẻ, họ cho là non nớt, không đáng đọc. Nhiều người tối kỵ sách khảo cứu, chỉ đọc truyện ngắn, truyện dài. Một số độc giả thích toàn truyện kiếm hiệp hay truyện trữ tình khiêu dâm.

Biết bao người cả đời coi việc đọc không ăn thua gì đến đời mình. Người ta phải ngạc nhiên khi thấy trong hàng ngũ lãnh đạo, cán bộ của nhiều ngành từ chính trị, quân sự đến văn hóa, giáo dục có kẻ không hề nghĩ đến việc đọc. Họ cũng cứ thuyết thao thao, cứ hoạt động ầm ĩ nhưng nếu không đọc để tự học thêm, làm sao đầu óc họ sâu sắc, làm sao họ có được những ý mới, những sáng kiến để đắc lực.

Người ta càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy trong giới nhà giáo từ giáo viên tiểu học đến giáo sư đại học có nhiều vị quanh năm không đọc cuốn sách nào cho ra hồn. Không biết họ có tự cho mình là kho kiến thức vô tận hay không mà chỉ biết chi chứ bất cần thu. Nhiều nhà giáo càng dạy học lâu năm càng dốt những môn mà họ không dạy.

Còn bạn nghĩ sao về những người đọc mà không cần coi tên tác giải, không cần nhớ đúng tên sách. Dĩ nhiên tên nhà xuất bản họ càng không biết đến.

2. Một báo nguy cho dân tộc

Đó là giới tuổi xuân quá ít người ham đọc. Georges Le Comte, một hàn lâm học sĩ Pháp nói: "Trên ghế nhà trường đã mất thú đọc sách. Những bản văn cổ điển ngày càng nhường chỗ cho hình ảnh". Phải!

Ngày nay hình ảnh bắt hồn tuổi trẻ: Hình ảnh trong sách, trên báo, trên quảng cáo và nhất là trên màn bạc.

Ngoài hình ảnh, còn những thể thao, tắm biển, ban phami, radiô, ti vi, du lịch làm tuổi trẻ đặt quá nhẹ vấn đề đọc.

Tràn lan trên các kế sách từ đô thị đến thôn quê những sách báo rẻ tiền, chuyên ve vuốt thị hiếu hạ đắng của con người.

Người ta đem chuyện riêng tư của trai gái, chuyện riêng tư của vợ chồng ra lồng khuôn trong văn thơ mơ mộng, khiêu dâm để kích thích tình dục mới khơi nguồn của tuổi xuân.

Cũng nên công bình nhận rằng một số tuổi xuân "ham" đọc sách đứng đắn nhưng vì chương trình học ngày càng phức tạp, càng chồng đống nặng nề dồn gối trí nhớ hơn là luyện trí hiểu và óc phán đoán. Còn các học sinh, sinh viên chuẩn bị thi thì bài vở chất thành đống mong gì họ nghĩ đến đọc. Tai nạn là ở nhiều nước hiện nay, dưới nhiều chế độ giáo dục, người ta không dành thời giờ cho học sinh, sinh viên đọc sách. Nhà giáo dục không khuyến khích đọc. Thấy xung quanh quá ít gương ham đọc... làm sao tuổi xuân ham thích đọc được.

3. Đọc thiếu phương pháp

Năm 1937, năm thư viện ở làng xã thuộc Ba Lê tại Pháp cho biết có một triệu năm trăm năm mươi hai ngàn tám mươi quyển sách được mượn. Người ta nói, ở Mỹ, một người tri thức bậc trung có trong nhà tối thiểu năm trăm cuốn sách.

Nước Nhật giống nhiều nước văn minh Tây Phương, là thư viện mọc lên như nấm không làng mạc nào không có thư viện. Nhiều nhân viên thư viện công tổ chức thành đoàn đi kiếm độc giả. Họ mời các em ngao du đầu đường xó chợ đến các thư viện đọc sách, coi hình hay nghe đọc. Có những chuyên viên đọc sách mướn. Nghĩa là bạn không có sách hay, ít thời giờ mà muốn thưởng thức những áng văn bất hủ của cổ nhân thì~bạn hãy đến các chuyên viên ấy trả một số tiền rất rẻ rồi nghe học đọc với tất cả một nghệ thuật tuyệt vời hấp dẫn.

Ta không thể nói ít người đọc, mà vấn đề là họ đọc cái gì và đọc cách nào. Désiré Roustan nói, không phải đọc cái gì cũng hữu ích và cũng không phải ai đọc đều cũng có hiểu hết tác phẩm mình vừa đọc. Biết bao nhiêu người mê đọc như người ta mê tình nhân mà những sách họ đọc là những tin giật gân, những chuyện tình rẻ tiền, những chuyện kiếm hiệp bã mía. Cách họ đọc cũng nguy hiểm. Người thì nuốt ngấu nghiến lấy lượng, kẻ khác đọc tỷ mỷ như bòn vàng những sách báo chỉ cần đọc đại khái thôi. Phần đông họ tưởng mình đọc nhiều, đọc cực mà kết quả như không đọc gì hết.

Tôi không dám xin bạn coi việc đọc quá khó khăn để đổi một đầu óc siêu quần bạt chúng như Goethe mà bảo đã bỏ ra tám chục năm chưa gọi là biết. Nhưng thiết nghĩ đọc sách mà không có phương pháp nếu không phương hại cũng chẳng thu lợi lộc bao nhiêu. Bất cứ việc nào, nếu muốn đắc lực nghĩa là bỏ công tối thiểu mà được lợi tối đa, phải tổ chức cho có khoa học. Việc đọc cũng vậy: Nó có những nguyên tắc riêng của nó. Chẳng hạn như nó buộc ta biết lựa cái gì bổ dưỡng tình thần để đọc, ta có những bí quyết để ghi nhớ tinh hoa của điều mình cố ý học vì đọc tự bản chất có nghĩa là tự học.

4. Đọc là cả một nghệ thuật

Điều cần thiết cho người bạn trẻ sau khi ra trường là không phải chỉ biết các nguyên tắc để đọc mà còn phải biết áp dụng những nguyên tắc ấy thành thói quen. Cái mà Emile Fagnet gọi là "nghệ thuật đọc". Nắm được nghệ thuật đọc là nắm được miếng nghề trong câu này của Bacon: "Có loại sách chỉ nếm qua, có thứ sách chỉ nên nuốt vào, có một số phải nghiền ngẫm, có những sách chỉ nên đọc từng đoạn, có những sách đọc sơ cho biết và vài cuốn đọc hết, đọc cần mẫn tận tâm và suy nghiệm".

Khi đọc mà biết phân biệt vàng thau rồi khi được vàng mà biết đeo vàng đó là nghệ thuật đọc để thăng tiến bằng tự học. Thiếu gí người hồi ra trường đâu có mảnh bằng nào cao vậy mà sau năm bảy năm tự học theo lối đọc sách báo có phương pháp trở thành học giả uyên thâm, không mấy kẻ đỗ cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ theo kịp. Cũng thiếu gì cô tú, cậu cử, ông tiến, bà thạc quá ỷ vào mảnh bằng, bất cần đọc để mở mang kiến thức sau nhiều năm lam lũ làm ăn chỉ còn là cái hình nộm trí thức, chứ thực giá thì không vì ngay vốn học ở nhà trường của họ cũng dã hao mòn quá nhiều và họ có học thêm gì nữa đâu trừ một mớ kinh nghiệm nào đó.  

CHƯƠNG III

Ý THỨC ẢNH HƯỞNG CỦA SÁCH BÁO

"Một lời nói trôi qua, một tấm gương lu mờ, một kỷ niệm phôi phai mà một cuốn sách còn lại và nó không có chút gì vô tư".

DE GRANDMAISON ĐẠI YẾU

1. Việc đọc ở thời này.

2. Tầm ảnh hưởng của sách báo.

3. Tuổi trẻ khó biết sách báo mà đầu độc.

4. Vai trò của nhà giáo dục.

Theo Thu-vienebook.com

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro