hẹn em nơi tiền phương
"Từ nơi anh gửi đến nơi em
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn."
Doãn Kỳ
năm 28
Hiệu Tích,
Anh sắp ra mặt trận. Đêm nay là tối ba mươi trước thềm năm mới. Lại một năm nữa trôi qua vắng em. Thế nhưng, nghe chừng đây có thể là cuộc chạm trán cuối cùng. Cả tháng qua, bọn anh đã đi mãi về miền Nam. Nắng, gió và cát không làm anh chùn bước, ý chí hướng về Sài Gòn đưa chân anh đi không mỏi. Em đang ở đâu, liệu cũng đang trên đường ra mặt trận hay còn ở đâu đó trong rừng núi Trường Sơn?
Thời khắc này đang rạo rực những tiếng cười nói xôn xao. Bọn anh quây quần bên mâm bánh tét ấm nóng đồng bào gửi, cạn chén trà mừng năm mới. Có lẽ ở nơi xa em cũng đang cùng đồng đội hoan hỉ như vậy. Nay ai cũng bận bộ áo quần lành lặn nhất, thơm tho nhất, ngay cả thằng Xuân "ki bo" cũng khoác tấm áo kaki mới toanh không biết là chiến lợi phẩm từ trận nào. Dù chẳng nói ra, ai cũng ngầm hiểu rằng hôm nay là ngày duy nhất bọn anh còn đếm đông đủ quân số. Bữa cơm cuối cùng được ở bên nhau, mọi người vẫn xúc động cho dù bảo nhau rằng không được khóc. Anh Trân ngồi cạnh anh cũng đang viết thư cho người thương, thấy khoé mắt anh rơm rớm ửng đỏ. Hỏi ra mới biết, anh Tuấn mất rồi, hẳn em có nghe. Có lẽ anh vẫn còn may mắn quá em nhỉ, bởi Hiệu Tích vẫn còn ở nơi đó đợi anh trở về.
Tích biết không, giữa những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong chặng quân hành, anh chỉ muốn được nhìn thấy em, ôm em vào lòng và hôn lên mái tóc tơ đen nhánh. Những tưởng Hiệu Tích của anh vẫn đang ở ngay đây thôi, vẹn nguyên và tươi đẹp như ngày nào. Trong giấc mơ của anh, không có bom rơi đạn nổ, không có chờ chực giữa sự sống và cái chết, không có mùi thuốc da cam tanh nồng thấm mòn đất cũ hay hàng rào thép gai chằng chịt đâm lên vòm trời rỉ máu. Miền ấy xanh thẳm và có sóng vỗ rì rào. Em nhìn an nhiên vô cùng. Em tựa vào lồng ngực anh và ta say ngủ êm ru cả một đời.
Đôi lúc, anh vẫn tự hỏi vì sao lại có chiến tranh? Có ai mong được sống mà mãi thấp thỏm khi nào ta chết không em? Hẳn không ai muốn trở về trong lớp áo súng mà chẳng toàn thây, và cũng chẳng ai muốn nhìn đồng đội mình chết. Đau xót làm sao khi thấy máu đổ đầu rơi, nhà cửa tan nát. Đến cuối cùng, mục đích của chiến tranh là gì khi thứ còn sót lại là nỗi đau đớn khôn nguôi cho cả một dân tộc và thế hệ? Nếu chiến tranh phi nghĩa đến vậy, sao những con người mang quyền lực tối cao ấy, những Giôn-xơn, Ken-nơ-đi, Mác Na-ma-ra (*) không thấy run sợ khi đặt bút ký bản chấp thuận nổ súng? À, có lẽ chiến tranh chỉ là trò chơi của những kẻ không phải động tay vào một khẩu súng, và cũng không bao giờ phải quan tâm ngày mai mình có chết trên chiến trường hay không. Chỉ với một dấu in đỏ và ngòi bút loẹt xoẹt mấy đường trên giấy, những kẻ máu lạnh ấy chỉ cần quan tâm về việc bữa ăn hôm nay là gì, mặc bộ đồ nào cho đẹp mã nhưng chẳng phải lo về cái chết đột ngột rơi xuống đầu, trong khi quân lính của chúng đang chết dần chết mòn trên những cánh rừng miền nhiệt đới không tên nơi châu Á heo hút. Ngẫm cho cùng, chỉ vì thoả mãn chút tự tôn của một đế quốc mà hàng triệu người Việt Nam phải hy sinh vì cái cớ ấy. Vì sao không trả chúng ta một thống nhất toàn vẹn? Cớ sao không để ngày đất nước này trọn một niềm vui là năm năm mươi tư của thập kỷ trước, chứ không phải là hơn một chục năm sau?
Chiến tranh sắp qua rồi. Ngày mai, cái kết sẽ được định đoạt. Trận đánh cuối cùng sẽ khắc nghiệt hơn cả, và anh không trông mong mình có thể sống hay lành lặn, dù rằng ai chẳng muốn mình toàn vẹn trở về, nhưng như thế anh sẽ là một người chỉ huy hèn hạ với chính đồng đội của mình. Anh không dám giữ lấy tính mạng của bản thân khi cái giá của nó là những đồng chí phải ngã xuống trên chiến trường. Vậy nên, nếu anh ra đi, hãy tha thứ cho anh. Một mai, đoàn quân về vắng lặng, gió chẳng xôn xao và nắng mãi vương trên máu đổ, hãy đi đi em nhé. Đừng đợi anh. Anh sẽ dùng cả tính mạng này để cầu nguyện cho em. Cảm ơn em đã bên anh suốt những năm qua. Mong rằng con đường em đi sẽ luôn rạng rỡ, và nụ cười em vẫn sẽ đọng mãi trên môi như vậy, hỡi mặt trời của anh.
Hiệu Tích, dù năm dài tháng rộng, anh cũng chẳng quên em.
Hẹn gặp em ở tiền phương Sài Gòn.
.
Doãn Kỳ gấp gọn lá thư làm tám, khẽ hôn lên nó trước khi bỏ vào túi áo. Lá thư trong túi nhắc nhở anh phải chiến đấu thật tốt, nhưng anh chẳng tránh khỏi cảm giác bất an đang dấy lên trong lòng. Anh muốn Hiệu Tích chuẩn bị tinh thần cho kết cục xấu nhất. Kỳ biết Hiệu Tích mong anh trở về, và anh cũng chẳng muốn phải xa em, bởi anh nào can tâm để em bơ vơ một mình. Thế nhưng, đây là chiến tranh. Anh buộc phải gạt bỏ đi tình cảm riêng tư mà chuyên tâm vào cuộc chiến. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, anh tự nhủ, nếu như Tích được an toàn, anh sẽ chẳng còn hối hận gì nữa. Doãn Kỳ ngẩng lên nhìn bầu trời nước Nam đang lấp lánh những vì tinh tú. "Ngày mai sẽ là một ngày nắng", anh nghĩ, "xin hãy phù hộ cho con."
.
Sài Gòn vắng lặng. Chẳng có một bóng xe cộ hay ai đó lang thang trên hè phố. Căng thẳng dường như lan trong không khí. Kim đồng hồ nhích chầm chậm từng giây. Hồi hộp. Những khẩu súng đã lên nòng ních đầy đạn. Có vài cậu trai toát mồ hôi lạnh. Còn lại, những người nọ đều tĩnh tâm trước khi vào trận. Đối với họ, đây sẽ là quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.
Tiếng pháo bất chợt nổ rền như sấm báo hiệu cho cuộc tổng tiến công. Từ xa, văng vẳng không còn tiếng loa phát thanh của địch rêu rao những lời chói tai, mà là lời chúc tết của vị Chủ tịch nước vĩ đại đang âm vang:
"...Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta." (**)
Máy liên lạc bên cạnh Doãn Kỳ rung lên bần bật. Anh thở ra một hơi, mở mắt, nhẹ nhàng để màu nắng chạm vào hàng mi. "Đi thôi. Kết thúc rồi." Khẽ thì thầm, Kỳ mỉm cười, nụ cười ngọt ngào như thể anh sẽ không hy sinh ở đây, và rằng anh sẽ trở về.
"Tạm biệt, đồng chí." Sau lưng anh, những người lính nói với nhau như vậy. Dù không ai nói ra, nhưng họ biết, đây có lẽ là một lời vĩnh biệt. Tay họ đan chặt, rồi lại buông lơi, những cái ôm hôn cuối cùng đặt lên trán nhau có đôi chút run rẩy. Nhưng họ không khóc, cũng không mủi lòng. Quân giặc vẫn đang chờ đợi ngoài kia, chực chờ chiếm lấy đất nước mình.
Họ phải đi. Họ sẽ đi.
Đi để giành lấy chiến thắng.
Và rồi đoàn quân ấy tiến vào trong nắng, cuốn theo chiều gió phương nam, chìm trong mặt trời đỏ lửa. Tiếng ai cất cao một bài ca, rồi đoàn người hoà chung một nhịp:
"Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô
Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này
Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô." (***)
.
Mùa xuân năm ấy, Sài Gòn vẫn chưa thể giải phóng, và có hai người con trai sống mãi tuổi đôi mươi. Một người nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn, máu hoà vào đất và núi rừng vẫn nhớ ngày người ấy đi vào lịch sử. Còn người kia cũng vĩnh viễn ở lại đất Sài thành, hy sinh từng hơi thở cuối cùng để bảo vệ đồng đội.
.
"Hiệu Tích, giã từ em, người tôi thương suốt một đời. Mong em sống, đợi ngày đất nước toàn thắng, hai miền nam bắc chung một ngả. Đừng khóc, cũng đừng nhớ về tôi quá lâu. Cố nhân chia xa rồi có ngày gặp lại. Khi ấy, tôi sẽ về bên em, theo triền gió nơi đất phương Nam."
end
_______
chú thích
(*) Lyndon Johnson, John Kennedy là tổng thống Mỹ đương nhiệm trong chiến tranh Việt Nam. McNamara là bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Kennedy và Johnson.
(**) Hiệu lệnh bắt đầu của cuộc Tổng Tiến Công tết Mậu Thân 1968. Cuộc Tổng Tiến Công không phải là cuộc chiến cuối cùng như Hiệu Tích và Doãn Kỳ nghĩ. Phải đến 7 năm sau, tức năm 1975, Sài Gòn mới hoàn toàn giải phóng.
(***) Lời bài hát Tiến về Sài Gòn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro