doanh nghiep tu nhan gop von
Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn hay không (01/28/2010)
Doanh nghiệp tư nhân góp vốn cùng các tổ chức, cá nhân khác thành lập Công ty, nhưng khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoach và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì bị từ chối. Vậy vấn đề đặt ra là Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn thành lập doanh nghiệp mới hay không.
Hiện nay nhiều Doanh nghiệp tư nhân muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng hình thức góp vốn cùng các tổ chức, cá nhân khác thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần …, nhưng khi đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoach và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì bị từ chối. Vậy vấn đề đặt ra là Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn thành lập doanh nghiệp mới hay không?
Về vần đề này hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn. Những người theo quan điểm này chỉ ra cơ sở pháp lý là khoản 3, Điều 13 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật Doanh nghiệp 2005). Theo đó, khoản 3, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: ″Tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này″. Khoản 4, Điều 13 Luật Doanh nghiêp 2005 chỉ cấm hai trường hợp không được mua cổ phần hoặc góp vốn, đó là:
ü Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
ü Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy Doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện bị cấm góp vốn theo quy định của pháp luật mà Doanh nghiệp tư nhân cũng là một ″tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh″ [1]. Do đó việc không cho Doanh nghiệp tư nhân góp vốn là vô lý và không công bằng vì Nhà nước ″bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh″ [2]
Ngược lại, quan điểm thứ hai lại cho rằng Doanh nghiệp tư nhân không được tham gia góp vốn. Những người theo quan điểm này cho rằng Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn nên không thể tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần được.
Theo quan điểm của mình, chúng tôi tán thành với quan điểm thứ hai cho rằng Doanh nghiệp tư nhân không được tham gia góp vốn, nhưng không đồng ý với cách lý giải của những người theo quan điểm này bởi khi nói tới chế độ trách nhiệm về tài sản trong doanh nghiệp luôn luôn cần phân biệt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp hay của các thành viên góp vốn hay của các cổ đông với trách nhiệm của doanh nghiệp. Nói trách nhiệm vô hạn hay trách nhiệm hữu hạn về tài sản ở đây là muốn nói tới trách nhiệm của chủ doanh nghiệp hay của các thành viên góp vốn hay của các cổ đông chứ không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp dù là Doanh nghiệp tư nhân hay Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn luôn luôn phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản (tức là chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình). Vì vậy không thể cho rằng Doanh nghiệp tư nhân không được tham gia góp vốn dựa trên lý do nó là loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn.
Theo chúng tôi, Doanh nghiệp tư nhân không được tham gia góp vốn là do nó không có tư cách pháp nhân, bởi lẽ theo quy định tại Điều 84, Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bộ luật Dân sự 2005) thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện sau:
ü Được thành lập hợp pháp;
ü Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
ü Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
ü Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, một trong các điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân đó là tổ chức đó phải ″có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó ″ [3]. Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản. Tiêu chuẩn đầu tiên để xét tính độc lập về tài sản của một doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp đó phải độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không thỏa mãn tiêu chuẩn quan trọng này, vì thế nó không thỏa mãn một trong các điều kiện cơ bản để có tư cách pháp nhân.
Vì thế, nếu Doanh nghiệp tư nhân được tham gia góp vốn thì nó góp vốn với tư cách gì? Nhân danh ai?
Mặt khác, chúng tôi thiết nghĩ, nếu chỉ căn cứ vào khoản 3, khoản 4, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 mà cho rằng Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tham gia góp vốn, mua cổ phần là chưa hợp lý. Khoản 3, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: ″Tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này″ , chúng tôi cho rằng, ″tổ chức″ ở đây phải được hiểu là tổ chức có tư cách pháp nhân. Khi đó nó mới có tư cách và nhân danh mình tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần.
Trên đây là một số quan điểm của chúng tôi về câu hỏi vì sao Doanh nghiệp tư nhân không được tham gia góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Hợp danh hay mua cổ phần của Công ty cổ phần. Các phân tích trên sẽ đòi hỏi nhiều sự tranh luận, góp ý tiếp theo của các đồng nghiệp. Sau những tranh luận đó chúng ta sẽ dần đi tới quan điểm chung thống nhất về vấn đề này. Kính mong nhận được sự trao đổi tiếp theo của các đồng nghiệp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro