Đoản văn số 19
Năm Hoành Vân thứ hai, lê dân an cư lập nghiệp, hoàng triều hưng thịnh, Thiệu Đế long vị vững chắc, đế nghiệp hùng mạnh. Hậu cung ba ngàn giai lệ, từ sớm đã cho Thiệu Đế long mạch nối dõi. Hoàng hậu hạ sinh thái tử hưởng ân trạch dồi dào, Vương phi sinh hạ Nhị hoàng tử, ân điển hiển hách, cuối cùng, Diệu quý phi sinh hạ Tam hoàng tử, nhưng tiếc rằng, hồng nhan bạc phận, chưa kịp hưởng thánh ân đã lìa đời.
Trong ba ngàn mỹ nhân, người Thiệu Đế sủng ái nhất lại chính là Diệu phi, nàng qua đời, tâm tình của đế vương cũng không còn tốt nữa, Tam hoàng tử liền bị cho là điềm xui rủi, khó lòng nhận được hơi ấm từ phụ hoàng, chưa đầy hai tuổi đã bị đưa ra khỏi cung, đến quê nhà của Diệu phi để cho các thúc tẩu chăm sóc, mỗi tháng chỉ gửi bổng lộc đến một lần, cũng chưa từng nghe ai nhắc nhỏm gì đến việc hoàng tử được triệu về cung, chưa từng ai nhắc đến.
Quê nhà của Diệu phi là chốn thâm sơn, dù gia môn có thể coi là khuê cát, phú hào, nhưng so với kinh thành vẫn là ngỗng so với thiên nga. Các thúc tẩu đều lo lắng cho số phận đứa cháu này, sớm mất mẫu thân, phụ thân lại không coi vào mắt, họ muốn răn dạy, răn dạy cho tiểu hoàng tử không được thừa nhận này biết, tuyệt đối phải trở lại đúng vị thế của mình, phải trở thành một hoàng tử đứng trên vạn người.
Từ khi Diệu phi qua đời, năm qua năm, tháng qua tháng, hoàng cung vẫn báo có hỉ, chỉ là không phải hoàng tử, tất cả các phi tần, quý nhân đều hạ sinh công chúa. Cứ như họ bị Diệu phi nguyền rủa, ai cũng nơm nớp lo sợ, mãi mãi không sinh được hoàng tử để tranh sủng.
Năm Hoành Vân thứ hai mươi, sức khỏe của Thiệu Đế sa sút hơn, đến thời khắc này, các quan viên đều đã nhắm sẵn tân vương. Thái tử văn nhã, thanh cao, tài năng nhất là đàm văn luận đạo, nhưng sức khỏe lại yếu ớt, nếu lên ngôi khó tránh khỏi hai chữ dung quân. Nhị hoàng tử lại trí dũng, oai phong, giỏi dụng binh khiển tướng, nhưng tính cách nóng nảy, hung tàn, nếu bước lên hoàng vị chắc chắn là một bạo quân. Ngoài ra, chẳng còn lựa chọn nào nữa, tất cả các con cái còn lại của đương kim thánh thượng đều là công chúa.
Trong quần thần, có một nhánh quan lại, đứng đầu là thừa tướng đương triều, chưa từng bàn luận việc bồi dưỡng quân vương mới, nhưng ngay trên đại điện lại đưa ra lựa chọn thứ ba, lựa chọn mà không ai nhớ tới. Đó là Tam hoàng tử.
Chuyện Tam hoàng tử bị phụ hoàng ghẻ lạnh trên dưới trong cung ai ai cũng biết. Duy thừa tướng lại hiểu rõ, Thiệu Đế vẫn rất để mắt đến đứa con này, vẫn luôn tìm kiếm bóng dáng Diệu phi qua ái tử đang lớn dần.
Năm Hoành Vân thứ hai mươi hai, Tam hoàng tử được triệu về kinh đô, tấn phong Hoài vương. Mười tám năm, lần đầu đặt chân vào đại điện, Hoài vương Liêu Tần liền trở thành trung tâm của quần thần. Ở chỗ y, người ta thấy được vẻ thanh thuần lương thiện, trí dũng vô song, nhưng cũng thấy vẻ âm lãnh, thâm độc mà khiến người khiếp sợ. Ngày Hoài vương trở về, trên gương mặt già nua của Thiệu Đế phủ lên mấy tầng cảm xúc, hóa ra bệ hạ vẫn đang tìm kiếm cố nhân, tìm kiếm Diệu phi suốt đời người nằm mộng.
Năm Hoành Vân thứ hai mươi bảy, triều thần mấy hồi điêu đứng, chốn hàng phố mấy bận trà dư tửu hậu, đế vương mới chẳng còn là Thái tử đương triều, Tân vương ấn định nói khó đoán thì sai, nói dễ đoán lại có phần không đúng. Người kế vị nay mai chính là Hoài vương. Ngay từ cái sắc hiệu Hoài vương đã nói lên nỗi nhớ nhung với mẫu phi y trong lòng hoàng đế, nỗi hổ thẹn của phụ thân đã ruồng bỏ con mình. Không nhất thiết phải là hoàng tử có gia thế hiển hách nhất, chỉ cần là hoàng tử được sủng ái nhất cũng quá đủ cho cục diện này, huống hồ chi, toàn bộ phe cánh thừa tướng đều đứng về phía y. Chuyện này, nguyên cớ cũng là do ngày thừa tướng vẫn chưa là thừa tướng, mẫu phi y đã nâng đỡ mấy bận, phải nói là trời khéo sắp đặt, hay chính Diệu phi dự đoán như thần.
Thái tử bị trọng bệnh, sức khỏe kém cỏi, giữ được mạng nhưng không bước lên nổi hoàng vị, Nhị hoàng tử - Hưng vương tử trận chốn biên cương, đất đai mở rộng, non sông muôn đời nhớ ơn, cuối cùng, Thiệu Đế cũng sắp băng hà, Hoài vương bước lên ngai vàng, quang lâm thiên hạ. Tất thảy mọi sự, nghĩ Hoài vương làm cũng đúng, nói Hoài vương làm cũng đúng, mà không ai dám đứng ra vạch tội cũng là đúng. Hoài vương vốn là điềm báo của xui rủi mà.
Năm Diệu Vân thứ nhất, Hoài Đế vừa thu nhận một tài nhân bên cạnh. Người này danh Tích Thư, quê quán lại trùng với nơi mà Diệu phi ra đời, nhân gian đồn đãi, hoàng đế nặng tình nên mới đối đãi như vậy với người cùng quê, chứ kẻ kia, dù sao cũng chỉ đổ phó bảng, chứ có phải trạng nguyên đâu.
Năm Diệu Vân thứ ba, tin tức trong cung truyền ra, Tích đại nhân muốn từ quan, về quê lấy nương tử. Ba tháng sau, lại nghe nói ở quê của vị đại nhân đó có một cô nương bị chết cháy, cả hình hài cũng không nhận ra được, chỉ nghe đâu là người sắp gả cho Tích đại nhân.
Rất lâu sau đó không ai nghe nói gì nữa, Tích đại nhân có vẻ đã rời khỏi cung, chúng cung nhân không ai còn thấy người đó mài mực, thay áo, hầu bữa cho hoàng thượng nữa. Tuy Tích đại nhân hiền lành, cương nghị, tốt bụng trong lòng bọn họ đi đâu mất, nhưng phía Tây cung vừa xuất hiện một hồng y nhân của Hoài đế, chưa ai thấy mặt người này, chỉ nghe giọng nói, thái độ đối đãi với kẻ hầu giống như Tích đại nhân trước đây vậy.
-Thư, ngươi cần làm tới mức này sao?
Hoài đế nắm lấy bàn tay người đó vuốt ve, cổ tay băng một lớp băng trắng, mùi máu tươi còn lởn vởn khắp phòng, người đó vừa tự sát, đây không phải lần đầu, từ ngày nữ nhân kia chết cháy, từ ngày bị đưa đến đây, người này đã làm thế rất nhiều lần.
-Nếu như biết có ngày này, ngày đó ta đã không giúp ngươi._ Người đó nói.
Hoài đế chẳng quan hoài đến lời nói đó, y mỉm cười ấm áp, ôm chặt lấy người kia, người kia đã gầy hơn mấy tháng trước.
-Phải, nếu ngươi mặc kệ ta, ngày đó ta đã chết đuối, ta đã không có ngày hôm nay.
-Ta cũng vậy_ Lời nói phảng phất mấy phần uất hận.
Là hoàng tử nhưng lại bị bỏ rơi, sống ở nơi thâm u lại bị bỏ sau những đứa trẻ khác, y cô độc, lẻ loi biết bao nhiêu, trừ ngày đó, ngày đó y đi lạc trên đường lén đến một ngôi đền, ngã xuống sông suýt chết đuối thì được người này cứu, ngày đó người này chỉ mới mười hai tuổi, lớn hơn y hai tuổi nhưng vững trãi hơn nhiều. Chăm sóc y cả đêm trong hang động, sáng lại đưa y về nhà. Cũng từ đấy trở đi, y có bạn, có Tích Thư, tất cả hỉ nộ ái ố của y đều đặt lên người này. Y thừa biết Tích Thư không yêu y, nên y càng muốn làm đế vương, ít nhất, ít nhất y sẽ có được người này bên cạnh. Y không hối hận, giam người này cả đời bên cạnh, y chắc chắn sẽ hạnh phúc. Ai cũng nghĩ y đáng sợ, ngoài mặt lương thiện nhưng bên trong bất chấp thủ đoạn, tương tàn tình thâm để leo lên đến ngôi vị này, là loại lòng lang dạ thú đánh mất lương tâm. Y đồng ý, lương tâm của y, yêu thương của y đều cho người này hết rồi.
-Liêu Tần, nếu ta sớm biết ngươi là hoàng tử, ta vẫn sẽ cứu ngươi, nhưng nếu ta biết chỉ vì cứu ngươi mà ta sẽ phải nhận kết cục này thì ta sẽ phó mặc ngươi ngày đó.
-Trên đời này chỉ có ngươi cứu ta.
Tích Thư nở nụ cười, cứu một người mà hôn thê phải chết, bản thân lại bị giam cầm chẳng biết liệu có ngày tự do, cứu một người hóa ra vẫn phải trả giá!
-Nhưng ta đã cứu nhiều người lắm rồi, đâu có duy nhất ngươi, ngày nhìn thấy ngươi ngồi trên long ỷ, mất mấy ngày ta mới nhận được mặt người quen, rồi mấy ngày nữa mới man mán nhớ nổi tên của ngươi...
...ta cứ tưởng những ân điển ngươi cho ta chỉ là cảm kích ta cứu ngươi hôm đó.
-Ta yêu ngươi, ta còn có thể cho ngươi nhiều hơn nữa.
-Nhưng ta thì chẳng thể cho ngươi thêm thứ gì.
Tích Thư như muốn cho y biết, dù y có cả thiên hạ, cũng đừng mong tới việc có được chút tình cảm từ người này.
Mùa xuân năm đó hoa đào rực rỡ, cả cung lại chấn động mấy tháng ròng, vị hồng y nhân kia tự sát, nhảy xuống từ cao lầu, màu áo trắng nhuộm đỏ sắc máu, cánh đào dập nát dưới thân, màu hồng nhẹ nhàng biến mất, còn đâu chỉ là màu đỏ thê lương.
Mùa xuân năm đó, Hoài đế sắc phong cùng lúc năm tiểu điệt của các công chúa làm vương, chuẩn bị cho người kế vị tiếp theo từ sớm. Mãi về sau, không còn thấy xuất hiện một hồng y nhân nào cả, cũng không thấy Hoài đế cười thêm lần nào nữa, người kia đã ôm lấy nụ cười của thánh thượng ra đi mất rồi...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro