Chương 3: Lửa cháy
Một điều lưu ý với các độc giả là ngày tháng trong truyện sử dụng theo Âm lịch, không phải Dương lịch. Mình đã có chú giải về ngày tháng bên dưới để mọi người tiện theo dõi, xin cảm ơn.
------------------
Tháng 8, lũ rút dần. Nước rút, nắng lên, ấy là lúc bệnh dịch sinh sôi trên xác động vật hoặc vũng tù ao đọng. Độ này thường hết mưa nhưng thi thoảng xuất hiện bão trái mùa, đùng một cái sông dâng cao, dân trở tay không kịp. Mấy ngày đó, dân chúng chèo thuyền vớt xác chết gia súc hoặc phát quang bụi rậm, số khác cùng binh lính ra đê tu sửa. Người ta cũng chưa vội dỡ các lán lều trên nền đất cao, sợ lụt thêm trận nữa thì tốn công dựng lại. Con người xứ Trường An sống với lũ quen, tạm gọi là biết đọc vị ông trời.
Quanh năm gặp lũ, riết dân chúng chẳng buồn kể chuyện mùa nước. Có nhiều thứ đáng nói hơn. Người ta vừa làm vừa bàn Tết Trung Thu, vì chỉ mươi ngày nữa là đến Rằm. Năm nay lũ lành, mất mát ít, mùa trung thu sẽ tươm tất hơn. Nhưng như thế cũng chưa xôm bằng chuyện đám ma hồi đầu tháng. Từ đồng ruộng, bờ đê, khu chợ dựng tạm tới bến đò sông Hoàng Long, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán đám ma hoàng thúc Đinh Dự.
Sau ngày nhập mộ, hoàng đế vẫn mở cửa nhà hoàng thúc tiếp người phúng viếng. Trên khoảnh sân nhà vừa ráo nước lũ, chúa thượng thết cỗ mời đại tướng cùng quan viên. Người vào ra nườm nượp nguyên một ngày. Hôm sau, chúa thượng lại mở cỗ mời thân bằng cố hữu của hoàng thúc, các bậc phụ lão và hàng xóm chung quanh, cho mỗi người một đùm xôi nếp trắng; riêng các cụ cao niên và đám trẻ con có thêm nắm xôi đậu. Ai từng làm ơn với hoàng thúc được thưởng: ơn to một hộc gạo, ơn nhỏ một đấu. Chúa thượng còn ra lệnh mở kho, phát cho mỗi hộ trong Thành Đá một bát gạo đầy. Ở Trường An chưa từng có đám ma to như thế. Chuyện loanh quanh vậy nhưng dân chúng Trường An kể mãi, nhất là dân Thành Đá. Được hoàng đế ban ơn phát gạo, người ta tự hào âu cũng bình thường.
Nhưng trong đám con dân, vài người nhận ra chuyện bất thường. Đám ma hoàng thúc đã hơn một tuần mà con trai ông – đại quan Đinh Hoàn – chưa về làm cư tang, mọi việc đều do chúa thượng chủ sự. Ngay cả hôm làm lễ mở cửa mả, quan cũng không xuất hiện. Bọn sai nha tỏ vẻ hiểu biết bảo rằng đại quan phụ trách vẽ địa đồ, thường xuyên qua các "Đạo" dạo các châu, hiếm khi ở nhà. Công việc bề bộn, quan khó giữ trung hiếu vẹn toàn. Nhưng vì cái khó mà đám tang ma có chúa thượng đứng ra chủ sự, hoàng thúc Đinh Dự dưới suối vàng cũng mát lòng mát dạ.
Dân chúng rôm rả suốt. Mọi người kháo nhau khi nào đại quan Đinh Hoàn về, khéo chừng lại mở cỗ to. Tất nhiên đấy chỉ là lời bông đùa. Dân xứ Nam thích tếu táo với những điều kiêng kị chứ kỳ thực cái bụng không có ác ý, và cũng chẳng ai chầu chực bữa cỗ đám ma. Chỉ là tang ma cha đẻ, đại quan nên về sớm cho trọn đạo làm con. Ở xóm làng xứ Nam, láng giềng hay nghĩ cho nhau như thế.
Nhưng cái nghĩa láng giềng đó đang gây rắc rối cho hoàng đế. Sớm hay muộn, người ta sẽ biết đại quan Đinh Hoàn đi biền biệt mãi không về. Đúng hơn là không thể về.
Người chết còn đang sắp hàng dưới âm tào địa phủ đợi Diêm Vương xướng tên, sao đã về được?
Nhà chúa thượng gặp trùng tang.
Hoàng thúc Đinh Dự phát tang chưa được ba ngày thì đại quan Đinh Hoàn – con trai hoàng thúc – vong mạng. Lính truyền tin báo đại quan chết đuối. Chết ở đâu chưa rõ. Lúc nhận tin dữ, chúa thượng kéo anh lính truyền tin ra một chỗ rồi hỏi han cặn kẽ. Chúa thượng rất kín tiếng, sự thể thế nào, những người đứng gần đấy không nghe được.
Năm hoàng hậu, đám nội hầu và thiên tử quân đều biết chuyện. Nhưng tất thảy đều giữ mồm miệng dù chúa thượng không ban lệnh. Ngay cả đứa nội hầu cũng biết hé môi nửa câu là lập tức bị chém bay đầu, thảm hơn là bị luộc trong vạc dầu hay bị hùm beo xơi tái. Không ai dám thử lòng kiên nhẫn của hoàng đế.
Vả lại chuyện mà lộ ra, nước Nam tất đại loạn.
...
Một ngày tháng 8, nắng mờ tô nóc Ca Cung bằng những màu bệnh bạc như bàn tay đứa trẻ cầm bút chưa vững. Dưới mái hiên tòa cung, Dương hậu ngồi trên xà ngưỡng, tay chống cằm nhìn khoảnh trời sạm mây xám đằng tây. Làm hoàng hậu khi nhiều công chuyện chẳng kịp ngơi nghỉ, khi nhàn rỗi không có việc gì. Lúc rảnh rang như thế này, nàng lại ngồi đây nhìn trời ngắm mây, lòng nhớ chuyện cũ. Chiến tranh đã qua gần hai năm nhưng nàng vẫn cảm giác khí thế binh đao bủa vây mình. Lần mò trong những trảng mây ù ụ góc trời, nàng bỗng nhớ tới Đinh Hoàn.
Từ ngày chúa thượng đăng cơ, Dương hậu gặp đại quan Đinh Hoàn hai lần. Một là Tết Trung Thu năm ngoái, hai là Tết Nguyên Đán đầu năm nay, lần nào cũng là Đinh Hoàn đến thăm. Đại quan kém chúa thượng bốn, năm tuổi, trông hao hao chúa thượng từ vóc dáng cao cao, nước da đen sạm cho tới gương mặt vuông vức góc cạnh, khác mỗi giọng nói và chiếc răng nanh dài bên trái. Xét tuổi tác, nàng chỉ là hậu bối so với Đinh Hoàn. Nhưng lần nào ghé thăm Ca Cung, đại quan cũng thi lễ trang nghiêm, gọi nàng là "chị dâu" không chút ngượng ngùng. Còn nàng vẫn gọi đại quan là "anh Hoàn" như hồi đầu gặp gỡ. Nàng luôn tuân thủ lễ nghi hoàng cung, riêng với Đinh Hoàn có chút xuề xòa. Cái sự xuề xòa ấy là có nguyên do.
Hồi về bên chúa thượng, Dương hậu chỉ biết ngài có em họ tên Đinh Hoàn, phụ trách thăm dò địa lý và phác họa địa đồ. Anh ta làm việc cả ngày, hiếm khi rời trướng. Nếu ra ngoài, Đinh Hoàn luôn mang theo khăn bịt mặt, chỉ hở mỗi hai con mắt. Thuở ấy, quân lính truyền tai nhau anh ta bị hủi nên không ai dám tiếp xúc. Rồi tới khi đụng độ quân Kiều Lệnh Công, chúa thượng lệnh nàng cùng Đinh Hoàn bí mật ra tiền tuyến nghị đàm với tướng địch. Bấy giờ nàng mới thấy dung diện của Đinh Hoàn, chợt hiểu rằng anh ta là thế thân cho chúa thượng, bởi thế phải luôn che giấu thân phận. Nghị đàm thất bại, tướng địch trở mặt, Đinh Hoàn mở đường máu mang Dương hậu trở về. Nàng nợ Đinh Hoàn một mạng, từ ấy về sau luôn gọi "anh Hoàn".
Mà không chỉ nàng. Hoàng đế cũng nợ ơn cứu mạng từ Đinh Hoàn. Dương hậu nghe kể thưở mới khởi binh, chúa thượng bị Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương tiến đánh. Binh mỏng quân yếu, chúa thượng thua chạy, Đinh Hoàn phải giả làm ngài thu hút quân hai vương tạo kẽ hở cho chúa thượng trốn thoát. Ơn cứu giá không gì sánh được.
Vậy mà lúc luận công ban thưởng, Đinh Hoàn chỉ nhận chức lang trung rồi đi khắp xứ Nam vẽ địa đồ, không cai quản châu hương nào, tiếng là đại quan mà cực nhọc hơn quân lính. Mãi ngày đó, Đinh Hoàn mới công khai diện mạo. Chúa thượng mưu nghiệp lớn hai mươi năm, cũng từng ấy năm Đinh Hoàn đeo khăn bịt mặt, sống sót qua trăm trận sinh tử...
...mà bỏ khăn chưa được hai năm thì chết đuối.
Trong ký ức của Dương hậu, Đinh Hoàn ít cười, tác phong nhẫn nại, sắc thái nghiêm nghị, lời lẽ nghiêm cẩn, trái hẳn chúa thượng hay cười lớn nói to. Người như thế nên sống lâu...
...mà chết như thế thì bất công.
Mây đen sà bóng đổ mưa gõ lộp độp mái Ca Cung. Tháng 8 mưa ào một trận thật to rồi rả rích, rủ những dòng nước dài trên thiềm mái, rủ những dòng nước dài trong mắt người.
Gia quyến chúa thượng có trùng tang, hậu cung lo lắng khôn tả. Phàm đụng chuyện tâm linh, đàn bà hay cuống nhất.
Đêm hôm trước, Đan Gia cho người vời các hậu khác đến Đan Cung bàn chuyện. Dương hậu, Trinh Minh hậu và Cồ Quốc hậu đều tới, duy nhất hoàng hậu Kiều Quốc vắng mặt nhưng gửi thư xin tùy nghi các hậu định đoạt. Buổi gặp mặt ấy toàn những lo lắng và chẳng bói nổi một tiếng cười, trầu cau nước vối còn nguyên vì không ai buồn đụng. Đan Gia nhiều tuổi nhất trong năm hoàng hậu, thậm chí lớn hơn chúa thượng hai tuổi, gương mặt bắt đầu hằn nếp nhăn. Nay gặp chuyện dữ, trông Đan Gia xuống sắc hẳn. Bà vẫn đẹp nhưng là cái đẹp sầu muộn ảo não, nhìn vào chỉ thêm nao lòng.
"Ta hỏi vài đạo sĩ, họ đều bảo hoàng thúc mất ngày đại kỵ, dễ có trùng tang..." – Đan Gia cất lời – "...Các đạo sĩ nói trong trùng tang có quỷ Thần Trùng, cả thảy mười hai loại. Quỷ Thần Trùng ngày Tỵ bắt người tuổi Tỵ, sau đó sẽ lôi người tuổi Thân đi cùng, chúa thượng lại sinh đúng năm Giáp Thân. Ta lo lắm, muốn mời tăng ni đạo sĩ cúng bái trừ trùng mà chưa dám nói. Mọi người biết chúa thượng xưa nay trừ lễ lạt hương khói, còn đâu chẳng tin quỷ thần tà ma. Ta nói, chưa chắc chúa thượng nghe, nhưng nếu tất cả các hậu cùng nói, biết đâu ngài đổi ý? Các hậu thấy sao?"
Mọi người đều cho Đan Gia nói phải, bèn mượn Dương hậu văn hay chữ tốt thảo một bức tư biểu, phía dưới đề dòng chữ "Ngũ Hậu khom lưng cúi đầu dâng biểu", sau lại nhờ nàng đưa tận tay hoàng đế. Cái sự nhờ vả nhiều căn nguyên chứ không phải các hậu thoái thác trách nhiệm. Đan Gia thỏ thẻ với Dương hậu:
"Ta vốn trọng đạo vợ chồng, ít dám mở lời vì sợ mang tiếng đàn bà lộng ngôn. Trinh Minh hậu thì... hậu biết rồi đấy! Cồ Quốc hậu nói năng thanh nhã, nhưng gặp chuyện lớn thì dễ hoảng hốt, khó nên lời. Kiều Quốc hậu tính nết khác lạ, hành xử dị thường, e không thích hợp lúc này. Tính ra chỉ còn hậu là thích hợp..." – Đan Gia nắm tay nàng cùng ánh mắt khẩn cầu – "...hậu hợp tính chúa thượng, biết lựa lời, biết lúc nào cần nói lúc nào không. Nên trăm sự nhờ hậu cả!"
Đan Gia có ý, Dương hậu nhận lời, nhưng nàng không chắc chúa thượng sẽ vì bức tư biểu mà lập đàn trừ tà ma. Hoàng đế từ xưa đã ghét chuyện huyền bí, hễ nhắc thiên thần thánh phật là tỏ vẻ khinh ngạo, khiến thuộc hạ quan tướng lắm bận sợ xanh mặt. Dân nước Nam chăm chỉ kiêng kỵ cầu an, chỉ riêng chúa thượng trễ nải coi thường.
Ấy là chuyện tối qua, còn giờ Dương hậu ngồi trước cửa Ca Cung đợi thời gian trôi. Nàng ước chừng nửa canh nữa mới sang giờ Thân để thỉnh an chúa thượng. Bức tư biểu đã sẵn sàng và nàng đang sắp xếp lời lẽ để mở đường cho nó. Nhưng ngôn từ chưa thành hàng lối, Dương hậu chợt thấy một gã nội hầu chạy vào, áo quần ướt sòng sòng vì mưa. Tên nội hầu khom lưng tâu:
-Dạ thưa lệnh bà, chúa thượng cho gọi bà sang.
Nghe thế, Dương hậu bèn đi ngay, chữ nghĩa trong đầu rớt lổng cổng thành đống. May sao trời vừa tạnh, con Xuân đi sau đỡ phải xòe ô che dập dìu vướng víu. Hai người theo đứa nội hầu qua cung hoàng đế.
Đường đi vẫn vậy, cung hoàng đế vẫn thế. Vườn thượng uyển hay thiềm mái cung lợp gạch vàng chẳng đổi khác, nhưng chủ nhân chốn này không ngồi trên xà ngưỡng phê duyệt tấu trình như mọi khi. Song đứa nội hầu cũng không dừng lại mà vòng qua cung chính, dẫn Dương hậu cùng con Xuân đi sâu hơn. Dương hậu thấy lạ liền hỏi:
-Mày dẫn ta đi đâu thế? Chúa thượng đâu? Giờ này là giờ ngài phê tấu trình, sao lại không có ở cung?
-Dạ thưa lệnh bà, cái này thật là... – Đứa nội hầu ngập ngừng – ...việc cũng kỳ cục lắm, lệnh bà tới xem sẽ biết.
Dương hậu nhíu mày, gắt:
-Cái gì mà "sẽ biết" với "không biết"? Mày đánh đố ta đấy à?
-Dạ con không dám, thưa lệnh bà! – Đứa nội hầu vội nói – Việc kỳ cục lắm! Chúa thượng đang ở dưới bếp.
Nghe thế, Dương hậu ngẩn mặt. Nàng nghĩ có thể thức ăn lạt lẽo nên chúa thượng xuống đó trách phạt đầu bếp. Dương hậu ngẫm lại, nhận ra chúa thượng có tuổi, ăn uống khó tính là bình thường.
Cách cung hoàng đế một đoạn đường lát đá dài khoảng hai trăm bước chân là khu bếp. Bếp gồm một căn nhà lớn gồm bảy gian hai chái, một kho trữ lúa và thực phẩm. Gần kho có máng cùng chum vại hứng nước mưa. Nơi đây phục vụ bữa ăn cho chúa thượng hoặc yến tiệc nhỏ, phụ trách nấu nướng lẫn giúp việc tổng cộng hai chục người. Nhưng lúc này, đám đầu bếp và nội hầu đang đứng ngoài sân, nghển cổ nghến ngó vào trong. Dương hậu đến, họ vội dạt sang nhường đường rồi trở lại chỗ cũ, nhốn nháo suốt. Dương hậu không cần hỏi, cũng không mất quá nhiều thời gian để lý giải cái sự nhốn nháo ấy. Trước mắt nàng, hoàng đế đang ngồi xổm chặt cá ở gian bếp chính. Không chỉ có cá, chúa thượng đã nhồi xong dồi lợn – món mà ngài ưa thích nhất. Trông vậy, Dương hậu vội xua đám hạ nhân ra chỗ khác, sau chạy tới bên hoàng đế thì thào:
-Chúa thượng, thế này không được! Xin buông tay, để cho thiếp. Thế này là không được!
Bấy giờ hoàng đế mới ngẩng đầu, cười:
-Hậu đấy à? Ngồi đằng kia, đợi ta một chút. Mà hậu nói cái gì được với không được?
-Người chữ nghĩa, bậc quân tử và quân vương không xuống bếp. Chỗ ấy dành cho dân đen và hạ nhân. Xin ngài buông tay, hãy để thiếp làm.
Đương chặt cá, hoàng đế phì cười. Ngài nháy mắt:
-Hậu lại viện dẫn ông Khổng Tử đấy à? Nghe nói ông ta cả đời chưa bao giờ biết mặt cái bếp là gì. Này, hậu biết tại sao Khổng Tử chết không? Vì vợ ổng đi vắng một tuần, ổng không biết nấu ăn nên lăn ra chết!
Nói rồi ngài lại cười lớn. Dương hậu nhíu mày nhắc chúa thượng không nên phạm thượng thánh nhân. Hoàng đế tiếp lời, vừa chặt cá vừa nói:
-Hôm nay, Lưu Cơ về kinh, một lát nữa sẽ tới đây. Ta làm đồ nhắm rượu, bàn chuyện và hàn huyên với anh này một lúc. "Khách đến nhà, đàn bà tránh xa bếp", đàn ông phải tự tay làm cơm đãi khách, xứ Nam này là thế. Huống hồ Lưu Cơ là chỗ anh em nối khố, ta làm cơm đãi cậu ta, có gì lạ?
-Dạ thưa, đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ về kinh sao? Ra vậy. Nhưng chúa thượng có thể sai bọn hạ nhân làm bếp, không nên để thân thể tôn quý vấy bẩn. – Dương hậu đáp.
Hoàng đế mổ bụng cá, lôi ra lòng mật, tay dao nhanh thoăn thoắt cắt những đường thẳng thớm đều tăm tắp:
-Ta dân Nam, không phải người phương Bắc, càng không phải người Nho gia. Cha ta dạy làm trai cái gì cũng nên biết, việc bếp núc càng phải biết. Ma chay cỗ chạp, giết gà chọc tiết lợn, đàn ông không làm, chẳng lẽ đùn việc cho đàn bà? Người Nho gia toàn giáo huấn cái gì đâu đâu, mà cái việc "muốn ăn thì lăn vào bếp" lại không dạy!
Biết tính tình hoàng đế xưa nay lạ thường, Dương hậu không nói thêm, chỉ cúi đầu lắng nghe. Chúa thượng bảo nàng ngồi ghế, sau tiếp lời:
-Đứng bếp là kỹ năng quan trọng, lâu ngày không rèn luyện, dễ mòn đi. Hồi trẻ ta lên phủ Đại La theo học phường đánh thuê, được dạy rằng đánh võ cưỡi ngựa có thể bừa phứa, riêng đứng bếp phải thành thục thông thạo. Làm cơm sống cơm khê, thịt đầy mùi hôi, cá còn tanh thì không ai nhá nổi, chẳng có sức đi đường cũng chẳng có sức đánh trận. Làm bếp không sạch sẽ, để ruồi nhặng bu đầy, quân lính ăn xong đau bụng tiêu chảy, địch đánh chỉ có nước bỏ chạy. Luyện binh tốt không bằng nuôi binh khỏe, cốt yếu phải nhờ đầu bếp. Hậu từng quản lý chuyện quân lương bếp núc, đâu lạ?
Dương hậu gật đầu mỉm cười, trong lòng cũng thôi câu nệ chuyện bếp núc với chúa thượng. Lúc hoàng đế chinh chiến, vài cánh quân về dưới trướng ngài vì nghe tiếng ngài nấu ăn ngon quá, không để lính đói bữa nào, chứ hoàn toàn không phải cảm phục ơn đức của ngài như người đời đồn thổi. Thuở trước Dương hậu có diễm phúc ăn đồ do ngài nấu, ngon tê lưỡi, đến giờ vẫn nhớ. Ngài biết nhiều món lạ lùng, bọn đầu bếp phải chạy theo học dài dài.
Mổ xong cá, hoàng đế lia dao đánh vảy. Dương hậu mở lời:
-Dạ thưa, chúa thượng gọi thiếp chẳng hay có việc sai bảo?
-Ừ, ta gọi hậu có việc. – Hoàng đế đáp – Nhưng hình như hậu cũng có điều muốn nói? Nếu vậy thì hậu nói trước, ta nói sau.
Hoàng đế tinh mắt tinh ý, nhìn qua đã biết người đối diện nghĩ gì. Dương hậu liền đứng dậy, hai tay dâng bức tư biểu:
-Dạ thưa, thiếp muốn dâng biểu. Biểu này do cả năm hoàng hậu soạn ra. Chuyện khó nói... nhưng mọi điều cần tâu, thiếp đã viết trong đây, mong chúa thượng soi xét.
-Ta chưa đọc, nhưng để ta đoán, các hậu muốn ta mời đạo sĩ tăng ni lập đàn trừ Thần Trùng, phải chứ? – Hoàng đế vẫn mải miết đánh vảy cá – Được thôi, ta sẽ làm. Lát nữa sang cung chính, cứ để tư biểu trên bàn, ta phê sau. Hậu mang về, bảo hậu cung không cần lo lắng.
Dương hậu mừng rỡ:
-Thật vậy sao, thưa chúa thượng? Ngài đồng ý lập đàn?
-Để các hậu an tâm thì cũng là việc nên làm. – Hoàng đế đáp – Tăng ni đạo sĩ cần thiết cho mấy việc như vậy. Chờ ta một chút...
Làm cá sạch sẽ xong xuôi, hoàng đế gọi nội hầu mang cá và bộ đồ lòng đi, đợi khi nào đô hộ phủ sĩ sư đến thì đặt bếp nấu. Sau đấy ngài đem nướng một mớ tôm đồng. Tôm to, lửa nóng rang giòn, ám chút khói cháy thơm phưng phức. Hoàng đế tiện tay nhón lấy con tôm chín đưa tới trước mặt Dương hậu. Xung quanh không có bát có đĩa, nàng vội đưa tay đỡ. Hoàng đế lắc đầu:
-Khỏi! Cứ há miệng ra, ta là chồng của hậu, ngại cái gì?
Dương hậu đành ngậm lấy miếng tôm nướng trong tay hoàng đế. Tôm ngọt, vỏ giòn đã miệng, phải tội nóng bỏng lưỡi. Hoàng đế hỏi:
-Ngon chứ?
Dương hậu không nói nổi vì tôm nóng quá, đành gật gật đầu, hai tay khua loạn lên. Hoàng đế mím miệng cười khùng khục như tìm được trò vui. Ngài nướng thêm vài mẻ tôm rồi xâu vào que xiên, đưa cho Dương hậu một xiên, tự mình lấy một xiên đoạn kéo ghế ngồi gần hoàng hậu. Ngài ăn vài miếng, bất thình lình quay sang hôn má trái Dương hậu một cái, sau lại ăn tiếp. Dương hậu há hốc miệng nhìn ngài, mà ngài điềm nhiên nhìn trời ngó mây như không. Nàng còn lắp bắp, ngài lại ngoảnh sang hôn má phải của Dương hậu, tiện tay vỗ mông nàng đánh đét một cái. Nàng giật nảy mình cả kinh, còn hoàng đế nháy mắt trong khi mặt vẫn tỉnh rụi. Dương hậu cúi gằm, mặt đỏ bừng, tay ôm bàn tọa. Hoàng đế được thể cười to trêu tức nàng.
Đã lâu lắm Dương hậu mới gần gũi chúa thượng, cảm giác vừa vui vừa hồi hộp. Lý trí nàng muốn chúa thượng ngồi trên ngai vàng vung tay hành khiển cả thiên hạ, nhưng trái tim nàng thuộc về người đàn ông ít câu nệ lễ tiết này. Thứ cảm xúc thời trẻ trong nàng vẫn còn nguyên, chưa hề sứt mẻ hay di hình đổi dạng.
-Ta gọi hậu là có việc. – Hoàng đế ghé đầu nói nhỏ – Lát nữa ta đón Lưu Cơ ở cung chính. Cung chính có gác mái, hậu leo lên đó nghe ta bàn chuyện với Lưu Cơ.
-Chúa thượng muốn thiếp nghe chuyện cơ mật? – Dương hậu ngạc nhiên.
-Chính là như vậy. – Hoàng đế gật đầu – Ta nói rồi, làm hậu phải biết nhiều thứ, kể cả chuyện quốc gia đại sự. Nhưng ta dặn trước: hai thằng đàn ông nói chuyện với nhau dễ buông lời bậy bạ xúc xiểm, nên hậu chịu khó một chút vậy.
-Dạ thưa, ngài có lệnh thì thiếp xin vâng. Nhưng... tại sao vậy, thưa ngài? Thiếp đàn bà, tư chất thấp kém, có nghe cũng không hiểu, sao chúa thượng muốn thiếp nghe đại sự?
Hoàng đế ngoảnh xuống nhìn que xiên tôm, trầm ngâm:
-Không cần khiêm nhường. Ta biết nàng thông minh, nghe rồi sẽ hiểu. Ta muốn khi thời khắc quan trọng xảy ra, nàng sẽ biết cách xử sự. Mà muốn xử sự đúng cách thì phải học, học từ hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai.
-Dạ thưa, thiếp không hiểu thời khắc quan trọng là gì? Mong chúa thượng chỉ bảo.
-Ta cũng không biết nó trông như thế nào. – Hoàng đế lắc đầu rồi ăn nốt xiên tôm nướng – Nhưng làm hoàng đế, những thời khắc quan trọng sẽ đến thôi. Chúng sẽ đến. Hậu chỉ cần biết vậy là được.
Bên ngoài gian bếp, một gã nội hầu nói vọng vào, báo rằng quan đô hộ phủ sĩ sư đã đến, đang chờ ngoài cung. Hoàng đế liền đi thay y phục, không quên dặn bọn nội hầu bắc thang đưa Dương hậu lên gác mái cung chính. Dương hậu nhìn bóng lưng chúa thượng khuất dần, trong lòng nhiều điều nghi hoặc. Thời khắc quan trọng là sao? Chúa thượng có ý gì? – Nàng tự hỏi.
Gác mái cung chính khá bé, trần thấp, không đứng được nhưng ngồi thì vừa. Hiện tại Dương hậu đã yên vị trên gác mái, phải cái chân nàng dài nên ngồi lâu khó chịu. Dưới sàn gác đục bảy lỗ thông hơi, có thể nhìn xuống dưới rõ ràng mà kín đáo. Dương hậu nghe kể chỗ này vốn dành cho nội hầu võ sĩ trú ngụ, chuyên trông coi giấc ngủ của hoàng đế hoặc phản ứng ngay nếu xảy ra biến sự.
Đương mải tìm tư thế thoải mái trong không gian chật hẹp, Dương hậu chợt nghe tiếng nội hầu hô vang ngoài cửa:
-Đô hộ phủ sĩ sư tới!
Ngồi trên gác, Dương hậu không thể thấy Lưu Cơ hay chúa thượng ngoài sân thượng uyển. Nhưng dựa vào những âm thanh vọng lại, nàng có thể mường tượng đại quan Lưu Cơ quỳ một chân thi lễ trước hoàng đế, còn chúa thượng bá vai bá cổ vỗ lưng đại quan thùm thụp. Nàng nghe rõ chúa thượng cười hỉ hả "Lưu đuôi dế về rồi hả? Ta mong anh mãi! Nay có lòng lợn, cá nướng, uống rượu với ta!".
Sau đấy, chúa thượng cùng Lưu Cơ vào cung chính. Qua lỗ thông hơi, Dương hậu nhận ra quan đô hộ phủ sĩ sư đã đổi khác. Một năm trước, Lưu Cơ vóc dáng dong dỏng, mặt trắng thư sinh ưa nhìn. Vậy mà qua một năm, chàng thư sinh Lưu Cơ thuở nào đã mọc râu đầy cằm, da đen vì dang nắng nhiều, vóc người cũng đầy đặn hơn. Đại quan mặc một áo bào dày màu tía may bằng vải bố ôm sát người, dài tới gối, cố định bằng thắt lưng da; bên trong áo bào là giáp da đen đeo hộ tâm kính bằng đồng. Ống tay áo của đại quan bó lại bằng giáp da, bàn tay bọc găng vải, cầu vai phải làm bằng da đẽo mặt hoa văn tô màu tía, giống màu áo bào. Đây là trang phục chung của tất cả đại quan triều đình, ai cũng vậy.
Hồi đặt triều nghi, chúa thượng muốn đặt quy định y phục, ngặt nỗi giặc giã còn đông, nhiều nơi còn loạn, các đại quan ngoài việc triều chính còn phải ra trận, hoặc đi đường đề phòng giặc cướp. Thành thử các đại quan mặc áo bào bên ngoài giáp, lấy màu sắc làm thứ tự phân biệt phẩm trật. Hầu hết đại quan là võ tướng hoặc can dự ít nhiều việc nhà binh, nên không lấy chuyện mặc áo giáp làm bất tiện. Tùy cấp bậc, mỗi người mặc áo bào khác nhau, cầu vai cũng đẽo mặt hoa văn khác nhau. Trong triều có ba đại quan hàng Chánh Nhất Phẩm mặc áo bào tía, Lưu Cơ nằm trong số ba người này đồng thời là người trẻ nhất. So với Dương hậu, đại quan chỉ hơn nàng ba tuổi.
Cũng giống chúa thượng và đàn ông xứ Nam, Lưu Cơ để tóc ngắn, nhưng dị biệt là có tóc đuôi dế khá dài. Bởi thế nên chỗ thân thiết như chúa thượng thường gọi đại quan là "Lưu đuôi dế". Trong trí nhớ của Dương hậu, Lưu Cơ học rộng biết nhiều, luôn để người khác nói hết mới tiếp lời, nói năng chậm rãi mà cũng hay khôi hài, gặp đàn bà thì đỏ mặt không nói nên lời, uống rượu dễ say. Lúc bàn tính đại sự, chúa thượng hay vời Lưu Cơ.
Lúc này, bọn nội hầu lui ra hết, để chúa thượng một mình với Lưu Cơ tại gian chính tòa cung. Nếu tính cả Dương hậu trên gác mái, nơi đây chỉ còn ba người. Dương hậu nhìn qua lỗ thông hơi, thấy hoàng đế tự tay rót trà mời đại quan đoạn mở lời:
-Đường xa mệt hả? Anh muốn ăn không? Ta vừa làm lòng lợn với cá nướng, ta bảo bọn hạ nhân mang lên ngay nhé?
Lưu Cơ cúi đầu, giọng trầm ấm:
-Tạ ơn chúa thượng quan tâm, tôi không đói lắm. Mà ngài đứng bếp sao? Việc đó nên để hạ nhân làm mới phải.
-Một năm không gặp nhau, giờ ta làm cơm mời anh là thường tình. – Hoàng đế nói – Ở đây chỉ có chúng ta, cứ nói chuyện thoải mái. Phiên phiến đi, cứ "bẩm" rồi "tâu" rồi "tạ ơn" có hết ngày! Em trai anh dạo này thế nào, vẫn khỏe chứ?
Đại quan cúi đầu:
-Dạ, em tôi vẫn khỏe, thưa chúa thượng. Mấy hôm trước trở trời có ốm đau một chút, nhưng không đáng lo.
Chúa thượng gật đầu hài lòng. Sau đấy hai người hỏi thăm nhau chuyện gia quyến, hỏi về những người mà họ quen biết ở đất Trường An. Chuyện vui, trà nhiều, lúc thì hoàng đế rót trà, lúc thì đại quan têm miếng trầu mời chúa thượng, thân thiết như anh em cùng nhà. Xét theo chừng mực nào đó, Lưu Cơ chẳng khác em ruột hoàng đế.
Mào đầu chuyện đã xong, hai người bàn việc chính sự. Hoàng đế hỏi:
-Phủ Đại La thế nào? Chỗ ấy ổn chứ?
-Dạ thưa, rất tốt. – Lưu Cơ cúi đầu trả lời – Ngày xưa chiến loạn liên miên, dân buôn và người phương Bắc chạy gần hết, tôi sợ Phủ bị hoang hóa, xập xệ. Nhưng khi chúa thượng lên ngôi, nhờ...
Hoàng đế xua tay:
-Bỏ cái điệp khúc "hồng phúc của chúa thượng" cho ta nhờ, tập trung vấn đề chính!
-Dạ vâng. – Lưu Cơ ém miệng cười – Đại khái là dân buôn thấy tình hình ổn thỏa, giặc cướp bị đuổi đi hết nên quay về buôn bán. Chợ đã mở lại, hàng quán khai trương nhiều hơn, người phương Bắc cũng đang trở lại Phủ. Cứ tình hình này, tiền thuế cuối năm sẽ dồi dào. Nếu được, chúa thượng nên vi hành tới Phủ một chuyến.
-Phủ Đại La là thế, dân buôn kẻ bán sẽ về đó thôi, không khác được. Mà anh thấy Phủ thế nào? – Hoàng đế hỏi – Giả như sau này ta muốn dời đô về Phủ Đại La, liệu có nên?
Đại quan Lưu Cơ nghiêng đầu ngẫm nghĩ, trầm ngâm:
-Chỗ ấy tập hợp nhiều sắc dân, cả người Nam ta, người phương Bắc, dân phương Tây quấn khăn đầu, dân vùng Viễn Nam xa xôi mặc áo trắng... buôn bán tấp nập, dễ thành đất Kinh Kỳ. Nhưng hiềm nỗi cây cối um tùm quá, lại có hai hồ rất lớn, hễ mưa xuống là ngập hết cả. Đất ấy có một vùng bằng phẳng, khá cao, làm nơi xây hoàng cung được, nhưng nước lên e rằng ngập luôn cả cung. Vả lại Phủ Đại La gần phương Bắc, không phòng thủ được, địch đến đánh chỉ có nước bỏ chạy làm kế thanh dã, may ra thắng. Mà thắng rồi lại phải xây dựng mọi thứ từ đầu, tốn công tốn của. Tất nhiên là có thể cải tạo đất ấy, nhưng mất nhiều thời gian. Muốn chọn nơi ấy làm kinh đô, không thể làm trong ngày mốt ngày hai.
Ngồi trên gác mái, Dương hậu tập trung lắng nghe, tuy không hiểu chi tiết nhưng cũng nắm được đại ý. Nàng lại thấy hoàng đế hỏi tiếp:
-Vậy các sĩ phu ngoài đó thế nào? Họ có ý kiến gì không?
Nghe vậy, Lưu Cơ liền thẳng lưng, gương mặt đăm chiêu như đang tìm lời lẽ thích hợp. Lát sau, đại quan trả lời:
-Tăng ni hay đạo sĩ không có ý kiến, thưa ngài. Nhưng các sĩ phu Nho gia có vẻ không hài lòng. Họ có nghe chuyện về ngài rồi...
Nói rồi đại quan đưa mắt nhìn chiếc áo man di cổ đứng có hàng khuy xổ dọc của chúa thượng. Hoàng đế nhìn xuống, hiểu ý, bèn nói:
-Họ bảo ta mặc đồ dân man di, không biết lễ giáo tác phong triều chính làm gương cho thiên hạ, phỏng?
-Dạ thưa, không chỉ có vậy. – Lưu Cơ dè dặt ướm lời – Họ nói ngài không đặt Lục Bộ cai quản quốc gia, ấy là yếu kém. Họ nói ngài chẳng phân biệt đâu là hoàng hậu, đâu là phi tần, tự tiện đặt năm hoàng hậu, ấy là thiếu lễ giáo. Họ cũng nói các đại quan triều đình toàn đám võ gia, rặt những kẻ xây thành đắp đá đào mương bừa ruộng, chẳng có lấy văn nhân biết xướng thi nhạc họa, ấy là thiếu phong hóa. Còn nhiều điều lắm...
-Họ phản đối công khai à? – Hoàng đế nhướn mặt.
Lưu Cơ lắc đầu:
-Tất nhiên các sĩ phu không dám nói thẳng, chỉ nói ve vuốt, nhưng khi tụ tập nhau lại thì họ nói rất khó nghe...
-Nôm na là "Dạ trước mặt còn trỏ cặc sau lưng" đấy hả?
Đại quan phì cười. Trên gác mái, Dương hậu đỏ bừng mặt. Chúa thượng không giỡn với nàng. Đàn ông nói chuyện với nhau thường xổ từ ngữ bỗ bã khó nghe, chúa thượng cũng không ngoại lệ. Hoàng đế thở dài:
-Đặt Lục Bộ thì không thể đặt ngay. Cả xứ Nam ta, tính đi tính lại cùng lắm trên một trăm vạn người, đặt Lục Bộ thì lắm ban bệ, tốn kém mà vô dụng. Lúc ấy quốc khố chăm lo dân thì ít, mà nuôi quan thì nhiều. Đợi thêm nhiều năm nữa, hẵng tính chuyện Lục Bộ. Còn chuyện văn nhân thì loạn lạc mới qua chưa lâu, giặc cướp còn nhiều, giờ không có người võ gia cai quản chỉ sinh loạn. Chưa kể một lượng lớn lính đánh thuê tồn dư từ thời chiến tranh, hết đánh thuê thì làm trộm cướp kiếm ăn. Mà lũ này tinh nhuệ chẳng kém quân triều đình, không lấy người võ gia trị, sao dẹp được? Chuyện cái áo man di, đây là quà của một người bạn thân thiết, ta thích mặc sao thì mặc, đám Nho gia chỉ vớ vẩn! Còn chuyện hoàng hậu...
Nói tới đây, hoàng đế ngập ngừng. Lưu Cơ mỉm cười:
-Dạ thưa, tôi hiểu cái khó của ngài.
-Lưu đuôi dế hiểu ta. – Hoàng đế gật gù – Ta tuổi trẻ nông nổi, trót lỡ lăng nhăng, mà nhiều khi đặng chẳng đừng phải cưới. Cả năm hậu, ai cũng có công lao, giờ đặt người này trên người kia... e chừng... Này, anh chưa lấy vợ phải không? Lấy một người thôi, đừng như ta, khổ lắm! Đàn ông xứ Nam sợ vợ, ta có năm bà, sợ gấp năm lần!
Nói rồi hoàng đế rùng mình diễn tả nỗi sợ ấy. Lưu Cơ bật cười. Ngồi trên gác mái, Dương hậu cảm giác hơi bất công, tự hỏi là ai vừa nãy làm trò khỉ trong bếp.
Ngập ngừng một lúc, Lưu Cơ tiếp lời, giọng nhỏ hơn trước. Dương hậu phải căng tai ra mới nghe được:
-Chúa thượng đã biết tôi nhặt được xác lang trung Đinh Hoàn. Lang trung chết ở dòng Hát Giang, hôm sau người ta vớt được xác. Tôi cùng vài đại phu khám nghiệm di hài của lang trung, phát hiện vài điều lạ.
-Chết đuối... thì lạ điểm gì? – Hoàng đế hỏi.
-Dạ thưa, nghi rằng không phải chết đuối, mà bị giết. – Lưu Cơ đáp.
Dứt lời, đại quan đưa ra một mảnh giấy và trải lên bàn. Dưới ánh sáng mờ mờ chiều tàn, Dương hậu chỉ thấy giấy đó vẽ hình người cùng một đống chú dẫn bên cạnh. Hoàng đế đọc:
-"Đồng tử di hài bị co giãn, lưỡi hơi thè ra, hậu môn chảy phân". Nói thế này... thằng Hoàn bị ám sát bằng cách siết cổ?
Lưu Cơ gật đầu. Hoàng đế chống tay lên bàn, trầm ngâm:
-Trong nghề lính đánh thuê có nói việc ám sát. Ám sát gồm bốn thủ đoạn chính: dao găm, thuốc độc, siết cổ và đàn bà. Thiên Sách Vương chết vì thượng mã phong; tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị đâm từ sau lưng; Ngô Vương bị đầu độc từ từ mà chết; hổ trắng Phạm Phòng Át năm xưa suýt vong mạng vì dây gai siết cổ. Thủ đoạn siết cổ làm người ta không kêu được, không để dấu máu, nhưng sẽ để lại vết hằn quanh cổ. Ta đọc trong này, không thấy vết hằn. Có chắc Đinh Hoàn bị siết cổ không? Anh hỏi đại tướng Nguyễn Đoàn chưa? Nguyễn Đoàn là tiền bối của ta, từng dạy ta làm nghề đánh thuê, chắc sẽ biết.
-Dạ thưa, tôi hỏi tướng Đoàn rồi. – Lưu Cơ đáp – Tướng Đoàn nói siết cổ thường để lại dấu vết, nhưng có một thứ thì không, ấy là khăn lụa. Tướng Đoàn nói nếu dùng khăn lụa, khi siết thì vải nghiến vào rất sâu, mỏng dính, áp lực mạnh đến nỗi khiến kẻ bị giết chảy phân ngoài hậu môn. Dùng cách này, đến đàn bà chân yếu tay mềm cũng giết được người mà không cần tốn sức. Nhưng lụa dễ đứt rách, phải dùng lụa thượng hạng vừa mềm vừa dai mới xong. Thủ thuật siết cổ khăn lụa này vốn do dân phương Bắc nghĩ ra.
-Ý anh người phương Bắc nhắm vào Đinh Hoàn? – Hoàng đế nhăn trán.
Lưu Cơ gật đầu:
-Dạ thưa, tôi chưa dám nói. Có điều lang trung nắm trong tay địa đồ xứ Nam, vẽ rất nhiều khu vực. Khi tôi kiểm tra thuyền của lang trung, thấy đã mất vài tập địa đồ. Còn quá sớm để khẳng định là người phương Bắc làm hay không. Nhưng chúng ta nên chuẩn bị chiến tranh, thưa ngài.
Hoàng đế nhướn mày đoạn ngó lên lỗ thông hơi trên trần. Mắt của ngài chạm mắt Dương hậu, chừng như muốn nói điều gì đó. Dương hậu sợ run, không phải vì cái họa trùng tang lơ lửng trên đầu chúa thượng, mà bởi Đinh Hoàn bị người ta giết.
Lửa binh đao mới tắt được hơn một năm, nay lại âm ỉ cháy trên cái xác của Đinh Hoàn.
-------------------------
Chú giải:
-Lễ mở cửa mả: lễ ba ngày, tục gọi là lễ mở cửa mả, sau khi chôn người chết 3 ngày, con cháu sẽ ra chỗ mả khơi rãnh, thoát nước, cắt cỏ quanh ngôi mộ cho thông thoáng
-Kiều Lệnh Công: tên là Kiều Thuận, 1 trong 12 sứ quân
-Phạm Phòng Át: tên là Phạm Bạch Hổ, biệt danh "hổ trắng", 1 trong 12 sứ quân
-Thiên Sách Vương: tên là Ngô Xương Ngập, con cả của Ngô Quyền
-Nam Tấn Vương: tên là Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền
-Hát Giang: là một đoạn sông từ sông Hồng chảy ra tiếp nước vào sông Đáy, nằm giữa huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, Hà Nội ngày nay. Hiện nay khúc sông không còn do đã bị bồi lấp
-Phủ Đại La: là quận Ba Đình ngày nay, thuộc thủ đô Hà Nội
-Lục Bộ: ban bệ quan chế thời xưa, gồm 6 bộ: Bộ Lễ - Bộ Lại - Bộ Hộ - Bộ Binh - Bộ Hình - Bộ Công.
-Năm Giáp Thân: năm 924
-Ngày chết của Đinh Thúc Dự là ngày Kỷ Tỵ, tháng Nhâm Thân, năm Kỷ Tỵ, tức là ngày 29/7/969 (Âm lịch) đổi sang Dương lịch là ngày 13/9/969
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro