Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2: Trùng tang



Tháng 6 là mùa nước lên. Ngày nào mây đen cũng kéo về xứ Trường An; hôm sậm sụi tối sầm cả trời mà chỉ lác đác mấy hạt mưa, hôm quang đãng nắng nỏ thì bỗng ầm ầm tiếng sấm rồi trút nước nửa ngày. Mưa lắm, nắng ít, trừ lúc thỉnh an chúa thượng thì Dương hậu ở Ca Cung suốt. Hậu cung nhiều việc, nàng không dư thời gian qua những cung hoàng hậu khác. Vả lại các hoàng hậu cũng không rảnh rỗi mà trách móc nàng trễ nải thăm nom. Mùa nước lên, ai cũng tất bật bận rộn, lễ nghi đôi khi được châm chước. Tháng 7 – tháng 8 sắp đến, lũ sắp về, xứ Trường An không còn nhiều thời giờ.

Cuối tháng 6, giấy tờ thay nhau về Ca Cung, chủ yếu là hóa đơn thanh toán nhu yếu phẩm cho hậu cung. Gạo, muối, mắm, than, củi, vải, giấy, mực, thuốc, kim chỉ, lá vối, lá chè... đủ loại hóa đơn xếp thành chồng lớn nhỏ. Chồng này của các cung hoàng hậu, xấp kia của cung hoàng tử Hạng Lang, tập hóa đơn nhiều nhất thuộc về đám nội hậu và nữ tì. Đa số hàng hóa chuyển tới kinh đô đều đi qua sông Hoàng Long phía tây bắc. Nhưng đang mùa nước lên, sông dâng cao, hôm gió lớn thì nổi sóng to, thuyền bè lắm bận treo mái chèo. Hậu cung vì thế phải chuẩn bị sớm. Dương hậu quán xuyến tất cả; trong số năm hoàng hậu, nàng giỏi việc này nhất.

Mấy ngày đó, Dương hậu ở gian chính Ca Cung. Đám nội hầu chạy qua chạy lại nghe nàng phân phó giấy tờ. Hoàng cung dựng nên chưa lâu, lễ nghi còn sơ sài, công vụ còn rối rắm, Dương hậu phải vừa làm vừa hướng dẫn bọn nội hầu. Nàng tính hai năm nữa hẵng giao việc cho đám này, lúc ấy mới tạm nhàn.

-Ba tháng tới mưa nhiều, dễ lụt, phải có kho chứa thức ăn khô. Các hậu, hoàng tử và công chúa luôn dùng đồ tươi nhưng vẫn phải có đồ khô dự trữ. – Dương hậu dặn dò hai gã nội hầu – Cá phơi khô; thịt phơi khô, hoặc đem luộc rồi vùi muối; gạo để trên kệ, giữ kho gạo thật ráo, lau dọn thường xuyên; mắm cất kín trong hũ có nắp, bọc lá hai lớp, buộc lạt thật chặt, không là bốc mùi; muối cũng tương tự mắm, không là chảy nước. Các loại mật ong, mật gấu, nhung hươu, cao hổ, thuốc bổ... cũng bọc kín, cất nơi khô ráo. Số lượng mỗi thứ cho từng cung, ta đã ghi trong này, chúng bay cứ theo thế mà làm. Đầu tuần, cuối giờ Sửu thì giao hàng cho các cung, đầu bếp mỗi cung sẽ tự biết cách xử lý. Thắc mắc gì không?

Hai gã nội hầu đọc danh sách nhu yếu phẩm. Một người cúi đầu hỏi:

-Dạ thưa lệnh bà, con thấy số lượng mỗi thứ của mỗi cung mỗi khác, sao không để tất cả bằng nhau?

-Vì khẩu vị của các hậu, công chúa và hoàng tử khác nhau. – Dương hậu nói – Tỉ như Đan Gia hậu ít ưa thịt cá, ăn nhạt, thích nhất rau xanh nên không cần nhiều đồ khô. Trinh Minh hậu và công chúa Phù Dung thường xuyên tập võ nghệ, thích cả thịt tươi lẫn khô, nên cần nhiều hơn. Hoàng tử Lang rất thích thịt nai khô, cần đặc biệt để dành cho hoàng tử. Ai cần gì thêm thì bổ sung. Chuẩn bị thức ăn không đúng vừa phí phạm thức ăn, vừa bất kính vì không quan tâm khẩu vị mỗi người. Chúng bay làm nô tài phải biết mấy thứ đó, hiểu chưa?

Hai gã nội hầu gật đầu vâng dạ. Dương hậu tiếp lời:

-Cũng cần chú ý thức ăn cho nội hầu và nữ tì. Cất giữ gạo, muối như trên. Đã thu gom khoai lang và sắn như ta bảo chưa? Tốt, đem cắt nhỏ, phơi khô ăn dần; hai tháng tới mưa nhiều, khoai sắn không có mà đào. Rau thì xuống chợ Khu Thành Tây mua, ở đấy đất cao ít ngập, rau sẵn nhưng đắt hơn ngày thường, nhớ mặc cả. Bến Muối vẫn là chủ cũ hay đổi rồi?

Ai nấy trong Thành Đá đều biết Bến Muối trên sông Sào Khê. Sông Sào Khê vốn rẽ nhánh từ sông Hoàng Long, chảy từ hướng tây bắc rồi vòng sang đông bắc, luồn vào Khu Thành Đông của Thành Đá, tiếp tục chảy xuống phía nam vào tạo thành một vùng hồ lớn ở Khu Thành Nam của Thành Đá. Trên vùng hồ ấy có một bến đò gần núi Hang Muối, người ta quen gọi là Bến Muối. Đáp lại Dương hậu, một nội hầu trả lời:

-Dạ thưa lệnh bà, vẫn là chủ cũ.

-Thế thì vẫn như mọi năm. – Dương hậu gật gù – Tháng lũ, thuyền chài sẽ vào đó bán cá bán tép, thành chợ tạm. Sông Sào Khê trong núi, ít gió, sóng không dữ, thuyền đi được. Mùa lũ chẳng lãi gì ngoài cá với tép, rẻ bèo, mà dễ khi có cá to. Đem cá kho mặn, ăn cả tuần chưa chắc hết. Vậy thế này: ta sẽ dâng biểu trình chúa thượng, xin chúa thượng cấp ít tiền cho chúng bay, cứ năm người một cá nhỏ và một vợt tép, nếu có cá to thì chia cho mười người.

Nói rồi Dương hậu đặt bút viết, những con chữ Hán nhỏ nhắn vuông vức dần hiện lên trên mảnh giấy màu nâu vàng. Nàng vừa soạn bản tấu, vừa hỏi tiếp:

-Mấy tháng trước, ta bảo chúng bay đến chỗ xây dựng cung xin mùn cưa. Làm tới đâu rồi?

-Dạ, đã thu được mười hộc đầy, thưa lệnh bà. – Viên nội hầu trả lời.

-Mùa này ẩm, giấy mực dễ hỏng; soạn tấu, viết khải, dâng biểu, trình thư không xong. Đem giấy mực đặt vào hộp, rải thêm mùn cưa, không sợ ẩm nữa. Nhớ chia một phần mùn cưa cho nhà bếp; củi than ẩm, khó nhóm bếp, lấy mùn cưa rắc vào thì dễ đánh lửa hơn. Còn nếu mùn ẩm rồi thì phải thay hoặc vứt đi... à khoan... tại sao ta phải nói nhỉ? Việc này thì chúng bay biết rõ nhất chứ?

-Dạ, lệnh bà dặn dò không thừa, chúng con xin nghe. – Đám nội hầu nói.

Soạn xong tấu, Dương hậu bỏ vào phong bao, niêm phong bằng sáp nến rồi đóng một con dấu lên đó. Sáp lõm xuống in hình chim phượng cách điệu. Nàng dặn bọn nội hầu:

-Đầu giờ Sửu ngày mai, đem biểu này trình ban nội viện. Nếu chúa thượng chuẩn y, quốc khố sẽ mở, ta gọi chúng bay lấy tiền sau. Lúc đó chúng bay xuống Bến Muối mua cá, bảo ông chủ bến đò điểm chỉ vào đơn mua hàng. Ông ta biết chữ, có thể đọc được. Đơn mua thế nào, ta sẽ soạn.

Hai gã nội hầu ghi chép công vụ, không lúc nào ngơi tay. Cuối buổi, họ cùng vài nội hầu nữa mang sổ sách giấy tờ rời Ca Cung, không quên đem thư gửi quốc khố. Lúc này tiếng chuông báo giờ Thân vừa tới, Dương hậu ngả xuống bàn, hai mắt lim dim muốn ngủ. Nàng hơi mệt.

Trong cơn buồn ngủ, Dương hậu nhớ chuyện cũ. So với hồi chinh chiến bên chúa thượng, ngày nào cũng phải tính chi tiêu quân lương, khí giới, chiến mã... mấy thứ thịt thà dưa cà kể trên chẳng đáng mấy. Nhưng thuở chinh chiến, nàng mới đôi mươi, giờ khác. Nghĩ tới đó, nàng hơi run. Đàn bà sợ thời gian, nhất là đàn bà đẹp. Nàng cũng không ngoại lệ.

Dương hậu chỉ hết gà gật khi con Xuân mang nước vối tới. Nước vừa đun xong, còn ấm nóng, nàng uống một ngụm mà tỉnh người. Con Xuân xun xoe bên nàng:

-Bà ơi, vậy là có cá ăn hả? Mấy tháng rồi con chưa được ăn cá, chỉ ăn mỗi cà muối thôi, chắc giờ bụng con mọc đầy cà với rau muống! Bọn con được ăn cá sao? Vậy là năm nay có cá ăn rồi!

Trông con nữ tì một câu "cá" hai câu "cá", suýt làm rớt mũ trên đầu, Dương hậu bật cười. Nàng lại nằm dài, gối mặt lên cánh tay rồi nói:

-Không phải năm nay mà năm sau, năm sau nữa, về sau nữa sẽ có cá. Một năm, cố gắng ba tháng lũ cho chúng bay ăn cá, cộng thêm mấy tháng Tết, tính ra cứ nửa năm là chúng bay có thịt ăn.

Con Xuân đấm bóp cho nàng, mặt mũi ngơ ngác:

-Tại sao bà làm thế, bà ơi? Bọn hạ nhân nô tài chúng con đâu được ăn cá? Cá thịt dành cho nhà giàu, quan lớn và bề trên mà! Con không hiểu?!

Có đứa đấm bóp, cơ thể khoan khoái hẳn, Dương hậu lim dim mơ màng:

-Trong cung cấm, đám nội hầu mệt mỏi nhất. Đưa thư, chuyển tấu trình, truyền tin, thông báo... chạy qua chạy lại trong cung rồi các thành, mỗi ngày ước chừng chục dặm, đấy là chưa kể khiêng đồ hay nấu ăn. Bọn nữ tì chúng bay thì giặt giũ, gánh nước, lau dọn, đứng chầu hẫu cả ngày không ngồi. So ra cực hơn cả làm đồng, chỉ kém mỗi việc nhà binh. Quanh năm như thế mà chỉ cơm muối, dưa cà thì sức đâu? Chúng bay ngã lăn ra, chẳng phải công vụ chậm trễ sao? Đừng nghĩ ta lo cho đám hạ nhân nô tài chúng bay, ta chỉ làm vì chúa thượng và việc cung thôi.

Con Xuân quỳ bên chân Dương hậu, ngước khuôn mặt nhỏ đen sạm, mắt long lanh:

-Con không biết mấy chuyện sâu xa vậy đâu, bà ơi. Con chỉ biết là sắp có cá ăn thôi, đội ơn bà lắm!

Dương hậu chống cằm nhìn con Xuân, hết bẹo má lại xoa đầu nó, lấy làm vui thích. Các hoàng hậu khác chẳng quan tâm đám nội hầu nữ tì ăn uống ra sao; phận nô tài ăn bát mẻ nằm chiếu manh, xưa nay vốn vậy. Nhưng Dương hậu thì khác. Có lẽ nàng vì cái Xuân mà chiếu cố lũ hạ nhân, hoặc biết đâu lại vì mấy chuyện cũ thuở chinh chiến. Nàng không chắc là lý do nào.

Nhưng quả thực hồi chiến tranh, thịt quý hơn vàng. Binh sĩ tập luyện hay ra trận, cơm no chắc dạ chưa đủ, phải có thịt ăn mới tăng cường sức khỏe. Nơi chiến trường máu tanh, mưu sâu kế hiểm hay võ nghệ đầy mình không bằng một tấm thân bền bỉ. Bởi lẽ ấy, thịt đắt hơn cả khí giới quân bị, mang cả mâm vàng chưa chắc mua nổi. Đồ tươi đắt hơn đồ khô, lại phân cấp mấy loại: thịt cá – gà xếp cuối, kế đến thịt lợn, thịt trâu – bò chỉ dành cho chủ tướng, riêng thịt hươu – nai phải dâng chúa thượng. Đôi khi lính tráng bên nào được ăn nhiều thịt hơn mà quyết định vận mệnh cuộc chiến. Ngày đó sa trường ầm ầm tiếng đao kiếm, còn hậu tuyến rền vang tiếng bạc nén mua quân lương. Ít ai hiểu chuyện này bằng Dương hậu, họa chăng có chưởng quản quốc khố Đặng Nương.

Thẩn thơ trong cố sự, Dương hậu phần nào quên thực tại. Chợt tiếng sấm đằng xa đánh thức nàng. Tháng 6 mưa nhiều, nghe sấm cũng thành quen. Nàng ghé tai Xuân nói nhỏ:

-Lúc nào hai đứa nội hầu xuống Bến Muối, mày đi theo chúng nó. Nếu chúng biển thủ tiền hoặc mua đi bán lại thì báo cho ta.

-Giống ngày trước ạ, lệnh bà? – Xuân hỏi.

-Ừ, như ngày trước. – Dương hậu gật đầu.

Xuân nhoẻn miệng cười rồi tiếp tục đấm bóp. Riêng việc này, Dương hậu không giải thích nhiều, chỉ cần nói "như ngày trước" là Xuân tự hiểu. Năm tháng binh đao, con Xuân còn ít tuổi, thường tận dụng vóc dáng nhỏ bé luồn lách vào vùng địch thăm dò tin tức. Nó rèn luyện những ngón nghề thám báo từ bé, cũng là một trong số ít thám báo vẫn sống sau chiến tranh.

Việc cung tạm xong, Dương hậu trông ra cửa, nhìn tảng mây xám đang tham lam ngốn ngấu ánh nắng. Người đã chuẩn bị hết, chỉ còn mong trời thương xót. Nhưng đợi trời bớt tai ác mấy tháng này chẳng khác nào con dâu cầu mẹ chồng bớt khó tính. Dương hậu trộm nghĩ trời nghiệt ngã là có nguyên do. Nàng chỉ nghe "ông trời" chứ chưa nghe "bà trời" bao giờ. Đàn bà ở vậy chẳng sao, đàn ông ở vậy leo sào bắn chim – tính nết y hệt trẻ con. Đằng này ông trời ở vậy từ xa xưa, hỉ nộ bất thường âu cũng... bình thường.

Trường An là trái tim mới của nước Nam. Tên vậy nhưng vốn đất cũ, gắn liền với nhiều người, trong đó có Dương hậu. Thuở xưa nó có tên là "Trường Châu". Ngày lên ngôi, chúa thượng đổi tên đất này thành Trường An, cấm mọi người nhắc lại tên ngày trước. Trong mắt Dương hậu, Trường An hay châu Trường Châu giống nhau, cứ bắt đầu tháng 6 là trắng trời nước mưa rồi trắng đất nước lũ tháng 7, tháng 8. Những ngày trắng nước mênh mông ấy, đâu đấy trên nẻo đường, màu trắng áo tang nối đuôi nhau đưa người chết vì lũ về với đất. Năm nào cũng vậy.

Mùa lũ, đám trai tráng khổ nhất vì giữ đê, kế tiếp là đàn bà có chồng. Mùa lũ, đàn bà có chồng đứng dưới mái hiên ngấn nước của nhà chồng trông quê cha mẹ, lòng thấp thỏm sợ nghe tin dữ. Mà phải ba tháng hoặc nửa năm sau mới biết cha mẹ còn hay bị nước cuốn rồi. Dương hậu theo hoàng đế ra trận gần mười năm, cũng là ngần ấy năm nàng âu lo mỗi dịp lũ về. Còn tính từ ngày nàng trở thành hoàng hậu, nỗi lo âu đã bước sang năm thứ hai.

Dương hậu gỡ tay con Xuân đoạn bước ra ngoài. Sấm động, mùi ẩm nồng xộc cánh mũi. Mưa trút bóc màu đỏ tươi của mái Ca Cung và để lại một màu đỏ sậm. Mưa từ đầu tháng, một tuần dăm ba trận, bụi bẩn trên mái cũng chẳng còn. Dương hậu ngồi trên xà ngưỡng cửa, quay về hướng đông bắc rồi tìm nhà cha mẹ qua màn mưa. Nàng vẫn nhớ rõ nhà ấy ở thôn Nga My, thuộc đất chiêm trũng và nằm ngoài đê. Ngày nhỏ, mỗi mùa lũ lên, nàng lại theo cha lên thuyền sơ tán lúa thóc lẫn đồ đạc. Có khi gia nhân làm không kịp, tự tay nàng phải dắt trâu hoặc bế lợn con mà chạy. Nước lên nhanh, trâu còn biết lội, gà còn biết quẫy, lợn thì chịu chết và phải nhờ tay người cứu. Nước ngập, người ta cứu lúa cứu vật nuôi cả đêm, mãi lúc tờ mờ sáng mới nằm vật trên thuyền mà thở. Cũng chỉ sau một đêm, cả vùng biến thành biển. Dương hậu không bao giờ quên cảnh tượng đó.

Sống trên đời gần ba mươi năm, Dương hậu vẫn không quên cảnh tượng đó.

Tháng 6 hết, tháng 7 đến, mưa trút xối xả. Có hôm mưa dữ, nước ào ạt tụ lại như cái chày khổng lồ giã xuống đất Trường An. Thành thử hoàng đế ra chỉ dụ cho các hậu, các công chúa và hoàng tử Lang ở yên trong cung, tạm thời không cần thỉnh an hay làm các lễ nghi thủ tục khác. Dương hậu mấy ngày quanh quẩn trong cung, không rớ chân xuống bậc thềm nửa bước. Nhưng nàng đoán được giờ này lính tráng rồi đám hạ nhân gia cố cửa nẻo cung điện, dựng lều che chắn những công trình dang dở. Nàng cũng biết đám đàn ông Trường An đang thay nhau giữ đê, nhất là con đê chắn sông Hoàng Long. Nước gầm, gió thét, sông ùng ục nước như ngàn chiến mã hí vang; còn phía bên kia, hàng chục người đàn ông nhỏ bé giữa mưa bão, chân lội bùn, chuyền tay nhau những bao đất hoặc rọ đá giữ đê. Dương hậu từng ước mình là đàn ông, mà khi thấy cảnh giữ đê, lại hạnh phúc sao khi trời cho sinh làm đàn bà.

Tháng 7, mưa dai. Dương hậu đôi lần bước ra ngoài, ở mãi trong cung làm nàng bí bách. Từ đây nàng có thể trông thấy một góc Khu Thành Tây. Đất ấy cao nhưng cũng ngập nhiều, người ta phải dùng thuyền đi lại. Mưa nhiều, không gian đặc sính một màn ẩm dày đặc che hết khoảng trời phía đông bắc. Dương hậu chẳng thấy gì ngoài cái bóng núi Phi Vân mờ nhạt, chẳng thấy cả đất chiêm trũng quê nhà. Mưa sà sã, nàng nghĩ chốn ấy đã thành biển nước như mọi khi.

Bão về, gió giật đùng đùng át cả tiếng sấm. Nhưng bão năm ấy qua nhanh, không dai dẳng, gió chỉ gào đôi ba trận rồi thôi. Cuối tháng 7, mưa vẫn xuống song chỉ lất phất, chừng như đã dồn hết nước vào đợt trung tuần, chỉ còn sót một ít để làm khó con người. Giờ người ta chờ nước rút, chờ đường bớt lầy lội và chờ tin người thân. Dương hậu cũng ngóng tin người nhà. Đợi ngày tạnh ráo, nàng bảo một đứa nội hầu về thôn cũ hỏi thăm hai cụ thân sinh. Đường về nơi ấy xa, đang mùa lũ nên đi lại bất tiện, gã nội hầu đi hai ngày chưa về. Dương hậu đâm lo.

Mấy ngày đó, nàng nghe có đám tang ở Khu Thành Tây. Bão lớn hay nhỏ thì vẫn có tang, đất Trường An là vậy. Dương hậu nghĩ là tang anh lính nào đó. Mùa lũ, lính ra giữ đê, năm nào cũng có người chết, không ít thì nhiều. Nhưng năm đó chẳng ai chết vì giữ đê. Con Xuân bảo rằng tang này của mẹ một anh lính. "Bà ấy tham, đang đêm còn mang vợt đi vớt tép ở ruộng, chẳng may trượt chân ngã, không ai biết. Nước ngập ruộng sâu lắm! Sáng hôm sau, người ta mới thấy xác nổi!" – Con Xuân kể. Nghe thế, Dương hậu chột dạ. Đêm tối, nàng thu mình trong am thờ Phật rồi lần tràng hạt cầu kinh, hương khói nghi ngút. Nàng chẳng biết làm thế nào ngoài nương nhờ ngài Thích Ca, các ngài Bồ Tát và mẫu Quan Âm.

Mùa lũ, người nước Nam khổ.

Sang ngày thứ ba, đứa nội hầu trở về, báo rằng hai cụ thân sinh Dương hậu vẫn ổn. Vùng ấy vẫn ngập nhưng nước lên chỉ chớm mái hiên, thấp hơn mọi năm, không thiệt hại nhiều, chỉ trôi mất mấy con gà. Dương hậu cả mừng. Nhờ hoàng thượng tế đàn thiên địa đầu năm, con dân được nhờ. Nàng liền sang cung chúa thượng thỉnh an.

Cung hoàng đế vẫn như mọi khi, khác chăng là đám hạ nhân đang cật lực lau dọn. Chúa thượng cũng chẳng đổi khác. Ngài chưa bao giờ mặc long bào, cứ khoác tấm áo dân man di, ngồi trên xà ngưỡng, dựa lưng vào cửa bức bàn và phê duyệt tấu biểu. Nhưng nay Dương hậu thấy chuyện lạ lùng. Hoàng đế không duyệt tấu mà thẫn thờ nhìn trông ra thượng uyển, bút lông rơi bên chân vương vãi mực. Nàng vội chạy tới:

-Chúa thượng! Chúa thượng?! Ngài ổn chứ?

Nhận ra Dương hậu, hoàng đế gượng cười. Ngài chợt thở dài:

-Chú nhà ta chết rồi.

-Hoàng thúc? Hoàng thúc mất rồi? – Dương hậu hoảng hốt – Tại sao vậy, thưa ngài?

-Chết đuối. – Hoàng đế trả lời.

Từ đấy ngài im lặng, đôi mắt tìm kiếm điều gì đó trong vườn thượng uyển. Hoàng đế thẫn thờ cả chiều, bỏ luôn bữa tối. Dương hậu dâng cơm lên, ngài chỉ húp bát canh rồi thôi, cứ bất động tựa tượng đá cho đến khi sương xuống. Đám nội hầu phải đỡ vai đưa ngài về giường ngủ. Dương hậu chưa thấy hoàng đế như vậy bao giờ.

Cuối tháng 7 năm đó, hoàng thúc Đinh Dự mất.

Người ta kể rằng hoàng thúc có công chuyện nên qua sông Hoàng Long. Lúc ấy vẫn ngập nhưng mưa ngớt. Lúc hoàng thúc về thì trời nổi gió to, sông Hoàng Long dềnh sóng. Người ta khuyên hoàng thúc nghỉ chân, đợi hôm sau hẵng đi nhưng ông không nghe. Dân Trường An sống với lũ quen, nhiều lúc đâm khinh nhờn hà bá. Hoàng thúc cũng vậy. Mặc mọi người can, hoàng thúc lên thuyền con tự chèo sang. Chẳng may gió lớn quá, sóng chồm lên đánh lật thuyền. Hai ngày sau, dân chúng tìm thấy xác ông dạt vào chỗ giao giữa sông Hoàng Long và sông Sào Khê.

Sau mùa trắng nước là mùa trắng áo tang.

Hoàng thúc chỉ có một người con trai tên Đinh Hoàn, lúc nhỏ từng theo hoàng đế chinh chiến. Sau ngày hoàng đế lên ngôi, Đinh Hoàn được phong tước thăng quan, thường đi lại giữa các "Đạo" để phác thảo địa đồ sông ngòi. Hoàng thúc mất đúng lúc Đinh Hoàn vắng mặt, hoàng đế đứng ra chủ trì tang sự. Năm hoàng hậu cũng theo chúa thượng làm tang.

Dân chúng Thành Đá chưa từng thấy đám ma to như thế. Đầu tháng 8, nhà hoàng thúc phát tang, binh lính dựng vải đăng cáo phó to bằng lá cờ rồi bao bọc trong ngoài nhà hoàng thúc, không cho người lạ bước vào. Người ta thấy cả thiên tử quân đội mũ đen đeo kiếm sắt – vốn là cấm quân bảo vệ hoàng đế. Con dân chẳng ai rõ tang lễ ra sao, chỉ nghe tiếng kèn trống từ sáng sớm tới đêm khuya, không lúc nào ngơi nghỉ. Người ra vào phúng điếu toàn quan lớn hoặc tướng quân, có cả một đoàn sư sãi từ châu Vũ Ninh cũng tới. Những ngày đó, dân chúng đổ dồn về Khu Thành Tây coi tang ma hoàng thúc. Chẳng ai muốn bỏ lỡ sự kiện quan trọng như thế.

Con trai hoàng thúc chưa về, hoàng đế vừa chủ trì tang ma vừa thay mặt gia chủ. Ngài đi chân trần, mặc áo sô gai, tay chống gậy tre đứng bên bàn thờ bài vị hoàng thúc; các hoàng hậu mặc áo thụng trắng. Người đi phúng điếu lạy bài vị, ngài cúi người tạ lễ. Quan tướng sợ, khuyên chúa thượng không cần lạy. Ngài gạt đi, bảo thế là vô phép, vẫn tạ lễ không thiếu một ai, đứng suốt một chỗ từ sáng đến xẩm tối, không ăn không nghỉ. Hoàng hậu Đan Gia thấy thế thì xót quá, bèn bảo lính đóng cửa, dẫn người đến phúng sang gian khác tạm chờ để chúa thượng nghỉ ngơi. Hoàng hậu Trinh Minh nóng tính, ra ra vào vào, miệng lẩm bẩm: "Cái thằng Đinh Hoàn chưa về à? Bộ nó bị chặt chân chắc? Ai mang ngựa vác nó về đi!". Dương hậu nghe thấy, chỉ biết cười khổ.

Dương hậu nghĩ chuyện cũ, thấy đời như con tạo, chẳng biết đâu mà lần. Thuở hoàng đế còn bé, hoàng thúc cay nghiệt đuổi ngài lẫn Đàm hoàng thái hậu ra khỏi nhà, không cho sống cùng. Dăm lần hoàng thúc cầm giáo muốn đâm chết, hoàng đế may tránh được. Ngài hận người chú từ đó. Rồi khi chúa thượng khởi binh, ngay ở chính Thành Đá này, ngài dẫn quân đánh hoàng thúc một trận nảy lửa. Máu chảy đẫm chân núi Mã Yên, tưởng chừng cạn cả máu mủ chú cháu. Nhưng may sao lưỡi rìu của hoàng đế còn lưu lại tình thân. Ngày lên ngôi, hoàng đế không tính thù xưa, còn ban cho hoàng thúc nhà cửa bổng lộc. Dương hậu nghĩ chúa thượng muốn giữ yên triều chính nên làm vậy.

Nhưng có lẽ nàng lầm. Nếu quả thực hoàng đế chỉ muốn giữ yên triều chính, giờ ngài đã chẳng nhọc công chống gậy thế chỗ Đinh Hoàn. Ngài đang làm bổn phận của người con.

Sinh ở đất Trường An, anh em chú cháu đánh nhau chảy máu đầu, nhưng cuối cùng vẫn lo cho nhau cái tang ma chu đáo. Sống ở đất này, nghĩa tử là nghĩa tận.

Đêm xuống, gian chính nhà hoàng thúc vang tiếng tụng kinh. Các sư từ chùa Đài, châu Vũ Ninh được cử tới đây làm lễ cầu siêu cho hoàng thúc. Cùng lúc ấy ở gian trong, Dương hậu mang đồ ăn dâng chúa thượng. Trong ánh nến leo lét và tiếng kinh mõ, hoàng đế ngồi một mình. Đàm hoàng thái hậu tạ thế từ lâu, giờ đến lượt hoàng thúc ra đi. Những bậc bề trên từng chứng kiến hoàng đế trưởng thành, chinh chiến hay bước lên ngai vàng – đều chẳng còn nữa. Chúa thượng chỉ có một mình. Dương hậu biết cảm giác đó, có thể hình dung ra nó dù chưa trải qua.

Thấy Dương hậu, hoàng đế cười mệt mỏi đoạn vỗ vỗ lên chiếc ghế kế bên, ý bảo nàng ngồi xuống. Nàng tuân lệnh rồi nhắc hoàng đế dùng bữa. Ngài từ chối, chỉ hỏi:

-Có tin thằng Hoàn không?

-Dạ thưa, hoàng đệ chưa về. – Dương hậu đáp.

-Liệm thì đã liệm rồi, nhập quan đã xong rồi, phúng điếu tạm gọi là ổn. Nếu thằng Hoàn không về kịp, sớm mai nên di quan.

Dương hậu hỏi:

-Dạ thưa, ngài không chờ hoàng đệ sao? Hoàng đệ chưa về mà đã đem hoàng thúc di quan, có sợ...

-Chuyện bất đắc dĩ, tổ tiên hiển linh thì không nỡ trách phạt. – Hoàng đế nói – Ta sai người liệm bằng lụa, ướp nước thơm, liên tục nhang khói nhưng vẫn không kìm được mùi tử thi. Xác chết đuối không thể để lâu, phải di quan sớm. Đợi thằng Hoàn về thì phúng điếu thêm lần nữa, để bà con làng xóm vào viếng, sau làm cơm canh mời họ. Sáng mai các hậu hãy hồi cung, không cần ở đây nữa. Sớm mai ta thiết triều, chiều mai ta quay về đây, hậu bảo các hậu khác không cần qua thỉnh an.

Dương hậu nghe thế thì không yên. Nhưng nàng chưa kịp mở lời thì thiên tử quân báo có nhà sư xin gặp hoàng đế. Chúa thượng hỏi sư nào, thiên tử quân đáp rằng là một nhà sư trong đoàn sư chùa Đài. Hoàng đế nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu chấp thuận. Dương hậu xin phép rời đi nhưng ngài nắm tay nàng, bảo rằng cứ ở lại.

Lát sau, nhà sư nọ bước vào. Sư này không trẻ không già, vóc người tầm thước, mặt trắng mày trơn, khác hẳn hoàng đế cao lớn cùng nước da đen sạm. Sư chắp tay cúi đầu, hoàng đế cũng chắp tay đáp lễ rồi hỏi:

-Thầy muốn gặp ta? Chẳng hay thầy là...

-Dạ thưa chúa thượng, tôi là học trò của sư thầy Thiền Ông. Sư Thiền Ông vẫn đang làm lễ.

-Ra vậy, thế Thiền Ông muốn dặn dò ta điều gì?

-Thưa không, Thiền Ông không dặn dò gì, chỉ là tôi muốn hỏi chúa thượng vài điều nên mới mạo muội xin gặp. Mong ngài thứ tội.

Nói rồi sư chắp tay cúi đầu lần nữa. Hoàng đế gật đầu đoạn sai nội hầu mang ghế cho sư ngồi. Ngài hỏi:

-Thầy muốn hỏi gì, xin cứ nói?

-Thưa, tôi muốn hỏi chúa thượng về ngày sinh tháng đẻ của hoàng thúc. Hoàng thúc sinh năm Thìn, nhưng sao tôi nghe vợ hoàng thúc nói ngài ấy sinh năm Tỵ?

Hoàng đế bật cười như tìm được chuyện vui. Ngài kể:

-Là thế này, chuyện hơi tiếu lâm một chút! Cha ta kể rằng bà nội sinh chú Dự hôm ba mươi Tết, lúc chú sinh ra thì người ta chưa đánh mõ báo Giao Thừa, nên bảo chú sinh năm Thìn. Thế mà hôm sau người ta bảo ông giữ mõ làng uống rượu say nên quên đánh mõ khoảng một khắc, ông giữ mõ thì khăng khăng là đánh đúng giờ, chẳng ai chịu ai cả. Cuối cùng ông bà nội bảo rằng chưa nghe tiếng mõ giao thừa thì tức là chưa phải năm mới, chú Dự vẫn là tuổi Thìn.

Trái ngược hoàng đế, nhà sư chau mày rồi lẩm nhẩm tính toán trên các đốt ngón tay. Được một lúc, sư dè dặt nói, giọng nhỏ ri:

-Thưa, nếu hoàng thúc sinh năm Thìn thì tốt. Nhưng nếu sinh năm Tỵ thì... Tôi tính lại ngày hoàng thúc mất trên sông, hôm đó là ngày Kỷ Tỵ, cuối tháng Nhâm Thân, năm nay lại là năm Kỷ Tỵ. Mà hoàng thúc mất buổi sáng, lúc ấy chưa có mõ báo giờ Ngọ, vậy thì hoàng thúc mất đúng vào giờ Tỵ. Giờ mất, ngày mất, năm mất vào ngay bộ tứ hành xung Dần – Thân – Tỵ – Hợi. Cái này...

Dương hậu không hiểu lắm lời nhà sư, nhưng từng nghe cái sự người mất tạ thế trùng năm sinh. Mặt nàng chuyển màu trắng bệch. Hoàng đế nhíu mày:

-Ý sư là... trùng tang?

Nhà sư gật đầu:

-Thưa, đúng là như vậy. Tôi sợ là vậy.

-Nếu thật là hoàng thúc sinh năm Tỵ thì sao? Thầy có nói chuyện này với Thiền Ông không? – Hoàng đế hỏi.

Nhà sư trầm ngâm chút đỉnh, hai bờ mày mịn nhăn lại thành một rãnh nhỏ giữa sống mũi, chừng như suy nghĩ lung lắm. Vẫn giọng nói dè dặt, nhà sư đáp:

-Thưa, tôi có hỏi sư thầy Thiền Ông. Sư thầy nói vạn vật đều có vận hành của riêng nó. Đôi khi cái ta "nghĩ là vậy" thực ra chỉ là cái "ta muốn vậy". Vì vài sự trùng hợp mà người ta làm quá lên. Trời có thiên cơ, nhưng vận mệnh do tay người quyết định chứ không phải trời xanh. Nếu các tổ phụ của chúa thượng nói hoàng thúc sinh năm Thìn, tức là ngài ấy sinh năm Thìn, không nên đổi khác. Tôi học thiên văn rồi tính toán thiên cơ, nhưng có lẽ chỉ biết mặt ngoài của nó mà chưa hiểu được cái huyền cơ. Nay đã hiểu chuyện, vậy xin phép cáo lui.

-Nếu thầy đã nói vậy thì ta không cần lo lắng nữa. – Hoàng đế cười.

Nhà sư liền cúi đầu xin lui. Lúc sư ra cửa, hoàng đế sực nhớ điều gì, vội gọi:

-Quên mất! Ta chưa hỏi tên thầy?

-Dạ thưa, tôi lúc trước tên Vạn. Khi theo Thiền Ông thì đổi tên, lấy pháp danh Vạn Hạnh. – Sư trả lời.

Sư chắp tay cúi đầu lần nữa, bóng dáng dần khuất vào bóng tối. Trong gian, Dương hậu cả sợ, vội nắm tay hoàng đế trong vô thức. Nàng từng nghe những chuyện khủng khiếp về trùng tang, trong lòng lo sợ cho an nguy của chúa thượng. Hoàng đế trấn an nàng, cười:

-Ta sẽ hỏi lại Thiền Ông, hậu không cần lo.

Nhìn chúa thượng tự tin, Dương hậu bớt lo phần nào. Ngày trước, vẫn cái cười tự tin đó, chúa thượng vào sinh ra tử không biết bao lần. Mỗi lần ngài ra trận, trái tim nàng thắt lại để tới lúc ngài về, nó lại bung ra trong hân hoan vui sướng. Nàng tin lần này cũng vậy.

Sáng hôm sau, Đinh Hoàn vẫn chưa về, hoàng đế đành làm lễ di quan. Xác người chết đuối không thể để lâu. Từ Khu Thành Tây, đoàn di quan áo trắng nối đuôi nhau đi, kèn trống rợp trời, tiền vàng mã rơi trên ruộng, trên bờ cỏ, trên những con đường chưa ráo. Hoàng đế mang bài vị hoàng thúc đi đầu, chầm chậm dẫn đoàn tang rời Thành Đá. Theo sau hoàng đế, Dương hậu thấy ngài vừa khổ ải vừa cô đơn. Là vóc dáng ấy trong ngày dẫn quân, ngài uy nghi lẫm liệt. Cũng là vóc dáng ấy trong ngày cất đám, ngài xụm xọ như khối đá lầm lũi biết di chuyển.

Lúc ấy không có mưa.

Khi đoàn tang ra ngoài cổng thành Tây, Dương hậu chợt nghe tiếng vó ngựa phía xa. Ngựa ấy hướng về đoàn tang, bụng lẫn bốn chân lấm đầy bùn đất, chừng như đi từ tờ mờ sáng. Đám thiên tử quân bước lên cạnh hoàng đế nhưng chúa thượng bảo họ lui xuống. Mãi khi ngựa dừng bước, ai nấy mới nhận ra đó là ngựa của lính truyền tin. Ngựa chạy sùi bọt mép, anh lính truyền tin cũng chẳng khá hơn, vừa bước xuống thì hai gối sụm xuống, miệng thở không ra hơi:

-Chúa thượng... chúa thượng...

-Sao thế? – Hoàng đế hỏi – Chuyện gì, nói nghe xem?

-Dạ thưa... dạ thưa... – Người lính nói gấp – Đại quan Đinh Hoàn mất rồi! Ngài ấy ngã sông, chết đuối!

Mấy lời ấy chỉ có hoàng đế, các hoàng hậu và thiên tử quân nghe thấy. Dương hậu sợ run, thần hồn nát thần tính, cả người bủn rủn đổ sụp xuống. Trước mắt nàng, hoàng đế vẫn đứng vững. Trong một thoáng, ngài ngửa mặt nhìn bầu trời đất Trường An.

Lúc này, mưa lại rơi. Ướt đất, ướt đồng ruộng, ướt Thành Đá, ướt cả gương mặt hoàng đế.

Mùa lũ, đất Trường An trắng nước, trắng khăn tang.

----------------------------

Giờ Tỵ: từ 9h - 11h sáng

Giờ Sửu: từ 1h – 3h sáng

Trường An: là đất Ninh Bình ngày nay

Châu Vũ Ninh: đất Bắc Ninh ngày nay

Chùa Đài: chùa ở Bắc Ninh, còn gọi là chùa Lục Tổ

Liệm là cuốn người chết trong vải; nhập quan là đặt người chết vào quan tài; phúng điếu là đến viếng đám ma; di quan là đưa quan tài ra chỗ chôn; cất đám gần giống di quan, là đưa quan tài và đám ma ra chỗ chôn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro