Chương 1: Mộng đồng lau
"Nín đi thôi, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà!"
Dương hậu tỉnh giấc. Bị giật mình lúc ngủ rất khó chịu, muốn thức nhưng hai mi sụm xuống, mọi thứ trong tầm nhìn thành kèm nhèm đọng nước, mà hễ nhắm mắt thì cơn ngủ ở đẩu ở đâu. Dương hậu mắc chứng này từ lúc thiếu thời, mỗi tháng đôi ba lần, tới giờ vẫn chưa khỏi. Những lúc thế này, nàng bứt rứt chẳng yên, tâm tình hay cáu gắt.
Chúa thượng có biết bệnh của nàng. Thuở chinh chiến, ngài bận rộn liên miên nhưng hễ rảnh rỗi lại hỏi rồi tìm thầy lang về bắt bệnh cho nàng, khốn nỗi chẳng ăn thua. Ngài từng mời cả anh em Trần Quý, Trần Kiên – mà giờ là quan đại phu trong triều – chữa cho Dương hậu. Anh em Quý, Kiên đến từ đất Cao Bình, vừa tinh thông y thuật của dân miền núi lại biết cả y thuật của người phương Bắc. Nhờ họ, Dương hậu ngủ ngon. Nàng vui lắm, ngờ đâu sau hai tháng bệnh tái phát. Anh em Quý, Kiên bó tay. "Họa may đại phu phương Bắc mới chữa được!" – Họ lắc đầu nói.
Chúa thượng lên ngôi, quyền uy tột đỉnh, vời được cả đại phu phương Bắc. Đại phu đến mang theo thuốc nọ thang kia, toàn loại đại bổ, an tâm dưỡng thần, đem tất cả nghiền tán sắc đun, công phu cầu kỳ vô cùng. Đợt ấy bọn nữ tì chia nhau ba ca sáng – trưa – chiều chỉ để quạt một siêu thuốc, đứa nào đứa nấy quạt đến dão cả tay, hai mắt khóc ròng ròng vì khói. Dương hậu uống nửa năm, bệnh chuyển thành mất ngủ luôn. Thấy thế, đại phu vội xin về phương Bắc lấy thêm thuốc bổ. Chúa thượng ưng thuận, từ đó đại phu một ra đi không quay trở lại, có lẽ sợ chúa thượng bắt vạ. Thuốc còn mà dở dang, làm quà biếu chẳng tiện mà mình dùng thì không đâu ra đâu, Dương hậu thấy phí quá, bèn bảo bọn tì nữ đem cho hai cụ thân sinh. Chừng ba tháng sau hai cụ báo thư, bảo từ ngày dùng thì ngủ ngon hẳn, khen ngợi nức lời. Dương hậu đọc thư mà ngẩn người. "Thuốc phương Bắc sao đến lạ!" – Nàng tự nhủ.
"Anh em tôi nghĩ đó chẳng phải là bệnh. Có lẽ do lệnh bà nghĩ ngợi nhiều quá! Xin giữ tinh thần an lạc, biết đâu chứng ấy tự nhiên hết?!" – Anh em Quý, Kiên nói với Dương hậu. Về điểm này, nàng khen họ nói phải. Nhưng sao mà hết nghĩ được? – Nàng tự vấn. Chúa thượng lên ngôi chưa lâu, triều đình trăm công nghìn việc, nàng cũng phải xắn tay áo. Hành cung dang dở gạch ngói, bọn tì nữ chưa thạo việc, lũ nội hầu còn lóng ngóng, thực đơn mỗi ngày vẫn sơ sài, chưa có cả lịch biểu chăm nom sức khỏe chúa thượng... ngày nào Dương hậu cũng tất bật, làm nhiều, nghĩ nhiều theo. Thành Đá này do chúa thượng đổ máu hơn hai mươi năm mới có, giờ làm mấy việc cỏn con để giữ thể diện cho chúa thượng cũng không xong, làm hậu cái nỗi gì? – Nàng xăn văn như thế mỗi ngày, tâm trí thảnh thơi không nổi.
Dù sao giật mình lúc ngủ chẳng phải chuyện lớn lắm. Đời người ai cũng cũng mắc tật bệnh, không bệnh ngoài da thì trong tâm. Dương hậu bằng lòng chấp nhận. Nàng cũng không kể với chúa thượng nữa, sợ ngài xao nhãng vì mấy chuyện cỏn con.
Mà cái tật bệnh ấy không phải lúc nào cũng phiền phức, chẳng hạn như vừa nãy. Dương hậu nhớ trong những mảnh ký ức rời rạc thời trẻ con, tiếng mẹ hát ru chợt cất lên và lôi nàng khỏi cơn mộng mị. Đã lâu nàng chưa nghe lời ru đó, có lẽ từ hồi theo chúa thượng ra sa trường. Giặc giã hết, lòng người quy mối, chúa thượng lên ngôi; nàng về thăm cha mẹ được một lần, bẵng đi một năm chưa có dịp trở lại. Thực tình từ hoàng thành tới nhà hai cụ giỏi lắm được hai con dao quăng, nàng khỏi mượn bọn lính khiêng kiệu ì ạch, cứ cởi hài cắp nách, chân trần cuốc bộ non buổi sáng là về nhà. Nhưng thuyền theo lái gái theo chồng, huống hồ làm mẫu nghi thiên hạ, đi mà dễ thế, nàng đã không có những đêm thở ngắn than dài.
Sau chiến tranh, ai cũng muốn về nhà.
Mà kể cả được chúa thượng cho đi, Dương hậu cũng không đi. Bởi vì nàng lo chúa thượng ở một mình. Có lúc nàng tự cười cái lo không đâu ấy. Chúa thượng có phúc được hai con trai, năm con gái, năm hoàng hậu tính cả nàng. Bốn công chúa đều sinh con, chúa thượng lên chức ông ngoại từ lâu, đợi vài năm nữa lại thêm chắt. Bảo chúa thượng "ở một mình" thì khiên cưỡng, hoặc vì quan tâm ngài mà nàng nghĩ vậy.
Dương hậu tỉnh giấc, nhận ra mình vừa gục xuống bàn. Nàng bóp trán, nhớ rằng đang đọc sách thì tinh thần đờ đẫn rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tiết tháng 6 hết nắng lại mưa, người dễ uể oải. Bọn tì nữ chầu chực quanh nàng nãy giờ, chẳng đứa nào dám nhặt quyển sách dưới chân hay gỡ cốc nước vối nguội ngắt trong tay nàng, vừa sợ mạo phạm vừa sợ nàng thức giấc. Đợi Dương hậu tỉnh hẳn, đám tì nữ mới lật đật nhặt sách pha nước, vuốt phẳng nếp nhăn trên áo lụa khoác ngoài của nàng, chỉnh lại trâm cài buộc tóc. Chúng làm mà cúi gằm mặt, lấm lét như sợ sai mà bị quở mắng. Đám này học lễ nghi cung cấm cả năm chưa thông, nhưng riêng khoản sợ bề trên thì chẳng cần ai dạy cũng biết. Đôi lúc Dương hậu phát mệt với chúng. Nhưng chốn cung đình là vậy, mọi thứ phải có tôn nghiêm trật tự. Huấn luyện bọn tì nữ nội hầu, nếu phải khắt khe, nàng sẽ khắt khe gấp đôi. Bởi lẽ thể diện chúa thượng nằm ở đó.
-Giờ nào rồi, Xuân? – Dương hậu hỏi.
Con tì nữ tên Xuân đứng ra trả lời. Trong đám tì nữ, chỉ riêng nó mới được phép mở lời với Dương hậu. Mặc định là nàng hỏi, Xuân nói:
-Bẩm lệnh bà, đã giờ Mùi.
-Ta ngủ được bao lâu? – Dương hậu hỏi tiếp.
-Dạ, chưa được một canh. – Xuân đáp.
Dương hậu gật đầu đoạn ngó ra ngoài. Chỗ nàng ngồi gần cửa, từ đây có thể thấy nóc tòa Đan Cung – nơi ở của hoàng hậu Đan Gia. Nàng thích nhìn tòa cung này, thuộc làu thiềm mái cung đó có bốn trăm chín mươi bảy viên ngói mũi hài màu đỏ cam, hễ trời mưa thì gạch chuyển màu đỏ đậm, nom thích mắt. Dương hậu từng qua Đan Cung mấy lần, thích không khí trầm mặc chốn ấy, thích cả tính hòa ái nhỏ nhẹ của Đan Gia.
Đan Cung phía bên phải. Còn nếu hướng tầm mắt sang trái rồi tiếp tục nhìn xa hơn, xa hơn nữa, dưới cái bóng khổng lồ của núi Mã Yên là một tòa điện hai tầng. Điện bề thế nguy nga, các thiềm mái lợp không biết bao nhiêu ngói vàng mà kể, đều tăm tắp, ngày nắng thì rực rỡ như da cá chép vàng. Làm xương sống nối liền những tấm da cá chép đó là đường bờ nóc và bờ guột ốp gạch bạc, hễ đêm trăng thanh thì sáng lên, nổi bật giữa bóng tối. Ở hai đầu bờ nóc, chỗ giao bờ guột rồi chạy xuống tàu đao đều tạc đá chạm trổ hình rồng quay mặt về trung tâm tòa điện. Điện ấy tên Long Lâu Điện, nơi chúa thượng thiết triều.
Phía sau Long Lâu Điện là cung chúa thượng nằm trên mô đất cao hơn, cung ấy cũng lợp gạch vàng và chạm đá hình rồng, uy nghi hơn cả Long Lâu Điện. Nghĩ tới đó, Dương hậu bèn qua thăm chúa thượng.
Nhưng mới đi mươi bước thì Dương hậu quay lại vì chợt nhớ mình chưa thay y phục. Nàng tự đặt quy định cho mình mỗi lần gặp chúa thượng phải sắm diện mạo mới. Hoàng hậu thay đồ, các tì nữ chạy đi đóng hết cửa bức bàn, đóng phiên cửa sổ, kéo rèm che phòng. Cùng lúc, đám tì nữ khác mang ra y phục lẫn hộp trang sức, đứng dàn hàng ngang cho Dương hậu ngắm nghía. Nàng chọn tới lui rồi lựa mấy bộ, đám tì nữ lập tức quay mặt vào tường, chỉ còn Xuân giúp nàng mặc. Ngoài mẹ, chúa thượng, có lẽ Xuân là người thứ ba trên cõi đời này trông thấy thân thể nàng. Dương hậu chợt nhớ chuyện cũ. Hồi theo chúa thượng chinh chiến, nàng có lần bị dao chém toác thịt mấy chỗ. Lần ấy nàng phải cởi hết áo để Xuân băng bó cả đêm, may sao vẫn giữ nổi mạng.
Cơn đau năm nào đã hết nhưng sẹo còn nguyên, một trong số đó ngay trên xương quai xanh. Bởi vậy Dương hậu chẳng bao giờ khoe cổ áo yếm dù rất muốn. Đàn bà con gái nào không muốn khoe cổ yếm? Phiền nỗi kéo yếm lên cao, vận cùng áo giao lĩnh lại không đẹp. Thế nên mỗi lần giúp Dương hậu vận y phục, con Xuân biết ý, cứ đem hai vạt giao lĩnh mà che hết ngực, chẳng đợi nàng nhắc. Dáng nàng đẹp, mặc gì cũng đẹp, thiếu cái cổ yếm chẳng sao. Bởi vóc dáng ấy, Cồ Quốc Hoàng Hậu hễ dệt được váy áo kiểu mới lại tìm nàng, ngỏ ý mặc thử. "Ca Ông hậu mặc đẹp lắm! Để ta ngắm thêm lúc nữa được không?" – Hoàng hậu Cồ Quốc hay nói thế với nàng, hôm nào cao hứng còn tặng nguyên cả bộ. Ai cũng mong được Cồ Quốc Hoàng Hậu tặng một bộ xiêm y, riêng nàng có hẳn năm sáu chiếc, kể cũng lấy đó làm tự hào.
Nhưng cái cổ áo yếm làm Dương hậu nghĩ mãi, thành thử nàng khó tính chuyện ăn mặc. Tính đàn bà! Nàng biết mình tính đàn bà. Nhưng sinh ra là đàn bà, nàng biết sao? Đang ưng bộ y phục mới, Dương hậu chợt đổi ý:
-Xấu nhỉ? – Nàng xoay chân một vòng trước gương đồng – Mày thấy xấu không, Xuân? Thôi, đổi bộ khác. Lấy bộ của Cồ Quốc hậu tặng hôm trước ấy.
Con Xuân lấy y phục từ chỗ tì nữ, hai tay dâng lên như nâng báu vật. Trong tay nó là bộ áo giao lĩnh màu xanh lá, vạt áo thêu họa tiết cánh lá sen, diềm áo đen thêu những bông sen màu đỏ. Bình sinh hoàng hậu Cồ Quốc thích thứ hoa này, đặt tên con gái cũng là Liên Hoa. Con Xuân nhìn bộ áo, phụng phịu:
-Áo đẹp lắm, bà nỡ mặc sao, bà ơi? Con mà được tặng cái này thì phải cất thật kĩ, mỗi tối đem ra ngắm, chẳng dám mặc đâu!
Dương hậu bật cười. Lại tính đàn bà! – Nàng tự nhủ đoạn nói:
-Để nó mốc ra, rồi khi thành bà lão còng lưng mới mặc chắc? Phải diện khi áo còn đẹp và khi mình còn đẹp. Nhanh lên, quá giờ là không thể qua chỗ chúa thượng đâu!
Con Xuân vội cúi đầu vâng lời. Dải lụa thắt lưng được tháo, áo cũ thay ra, áo mới khoác vào. Nhìn mình trong gương đồng với sắc màu mới, họa tiết mới, Dương hậu hài lòng hơn chút ít. Nàng ngó con Xuân, nghĩ ngợi hồi lâu, bỗng hỏi:
-Sắp tới giỗ của Thu chưa?
-Dạ chưa, phải non tuần nữa mới tới giỗ của chị con, thưa bà. – Con Xuân trả lời.
-Nếu còn sống, chắc Thu cũng vào cung và ở bên chúng ta. – Dương hậu tiếp lời – Nếu còn sống, hẳn nó giờ đẹp lắm, đẹp hơn cả ta.
-Dạ vâng, thưa lệnh bà.
Xuân đáp, không nói thêm nữa, chỉ cặm cụi làm. Dương hậu cũng chẳng gợi thêm chuyện cũ. Ngoài cung nghe đâu sậm sùi tiếng sấm. Tháng 6, mùa mưa đang đến, nước sắp tràn lên trắng ruộng đồng. Dương hậu nhớ lại nhiều năm trước, cũng tầm tháng 6, nước lên ngập thành Đỗ Động của Tướng Một Tai. Đó là lần cuối cùng nàng thấy Thu giữa biển nước.
Sau chiến tranh, người ta hay nhớ chuyện cũ.
Đợi con Xuân xong xuôi, Dương hậu quay sang chỉnh lại cái mũ đen nhỏ trên đầu nó, nắn lại dải lụa thắt lưng rồi vuốt phẳng vai áo. Váy áo của bọn tì nữ làm bằng vải thô, màu sắc loanh quanh chỉ nâu, đen hoặc dăm màu nhợt nhạt, dễ nhăn nhúm. Nhưng với Dương hậu, kể cả tì nữ cũng phải chỉn chu, vai áo không phẳng thì cố làm cho nó phẳng. Nếu là đứa khác, nàng đã cau mày, mà sẵn bực bội thì quát mắng luôn.
Nhưng Xuân đặc biệt hơn. Nó quấn chân nàng từ bé. Nàng theo chúa thượng chinh chiến, nó cũng theo luôn mà không hỏi han thắc mắc. Tính Xuân đoảng nhiều lúc vấp chỗ nọ chỗ kia, hay buột mồm thiếu chừng mực, nàng chỉ nhắc nhở, ít khi to tiếng. Nàng nhớ như in cái đêm bị chém, Xuân ở bên cạnh, mặt mũi con bé lem nhem nước mắt vì sợ máu mà tay vẫn làm. Tính ra nàng còn ngồi đây, đứng đây là nhờ Xuân. Nàng chiếu cố nó nhiều.
Xong đâu đấy, Dương hậu sang chỗ chúa thượng. Con Xuân cùng hai đứa tì nữ theo sau, đứa mang tráp, đứa mang ô. Trời tháng 6 hay mưa, ô phải sẵn ngay. Dương hậu rời cung đi hướng nam, mảng trời bên ấy vẫn trong xanh và còn nắng rọi xuống đỉnh Mã Yên. Nhưng sau lưng nàng, một mảng mây đen lớn từ núi Phi Vân đang lù lù tràn đến, lặng lẽ nhưng đầy cơn mưa nặng hạt. Dương hậu bước nhanh hơn. Dọc đường, đám tì nữ áo đen và bọn nội hầu áo xám qua lại, thấy nàng thì cúi lưng thật thấp hô to "Đợi lệnh bà!".
Thành Đá quay mặt về hướng nam nhìn về đỉnh núi Mã Yên, hầu hết tòa cung tòa điện bên trong cũng quay hướng ấy. Từ cung của Dương hậu – Ca Cung – sang chỗ chúa thượng không xa, phải tội hơi dài. Đường đi chạy bên hông Đan Cung, ngoặt sang trái tức hướng đông nam, sau đấy mới rẽ vuông góc thẳng tới cung chúa thượng. Đường vuông góc như thế vì phía bên kia là sân rồng của Long Lâu Điện, ngày thường không được vào trừ phi chúa thượng cho phép. Sân ấy có một hồ nhỏ nằm gần cửa chính gọi là hồ Câu Vũ đặt các hòn non bộ phủ rêu xanh, sau hồ có ba đoạn cầu thang đá xám chạm khảm hình rồng dẫn lên sân chính Long Lâu Điện. Sân lớn, đi trên một trăm bước chân mới hết chiều rộng và trên bốn trăm bước mới hết chiều dài, bốn góc sân điện đặt tháp nhỏ cho lính canh mà từ đấy có thể trông ra bốn bề Thành Đá, thậm chí thấy được dải mờ mờ xao động của sông Hoàng Long ở phía tây bắc, mãi bên ngoài thành. Cung điện vốn nằm trên đất đồi cao, đứng có thể bao quát hầu hết Thành Đá, mà đứng tại sân rồng Long Lâu Điện là nhìn rõ nhất.
Dương hậu hình dung sân rồng bằng trí nhớ. Từ hồi chúa thượng lên ngôi, số lần nàng qua Long Lâu Điện chưa đủ mười đầu ngón tay. Giờ muốn nhìn cũng không được vì tường bao bên đường đã che hết tầm mắt. Nàng ngước lên, cùng lắm chỉ thấy hai đầu hồi tam giác cùng những yếm gỗ thếp vàng trên nóc Long Lâu Điện. Tận thâm tâm, nàng muốn sang điện vui chơi thỏa thích, đi lại chạy nhảy. Khi nào mỏi chân thì nàng ngồi dưới thềm long sàng, nhỏng mắt trông lên những bức trướng thêu chữ rủ xuống từ xà nách, ngắm những đoạn xà tử hạ chạm khắc hình rồng; đếm xem có bao nhiêu vết chạm hình mây trên những đoạn chồng rường. Nàng có thể làm vậy cả ngày.
Nhưng đây là cung cấm, nàng chỉ biết mơ ước thôi.
Cung chúa thượng ngay phía sau Long Lâu Điện. Đi thêm quãng nữa, Dương hậu tới nơi. Nàng bảo một tên nội hầu báo tin, đoán rằng phải chờ ít nhất nửa canh giờ. Giờ này chúa thượng làm việc, không rảnh tiếp ai. Nhưng lát sau, đứa nội hầu chạy lại bẩm lại rằng chúa thượng cho gặp. Dương hậu vui hơn một chút, liền rảo chân bước vào.
Cung của chúa thượng rất rộng, gấp đôi gấp ba cung thường. Dương hậu phải qua một cổng gác rồi bước qua một cổng nữa mới đến thượng uyển. Trong thượng uyển cố nhiên nhiều hoa khoe sắc, nhiều nhất hoa lau. Chúa thượng thích thứ này. Khi bắt tay xây dựng Thành Đá, quan đại thần Ninh Hữu Hưng gợi ý một danh sách dài những hoa phù hợp với bậc đế vương. Nhưng chúa thượng chẳng ưng thứ nào. Ngài hỏi: "Trồng được hoa lau không? Được thì đem vào, không cần hoa khác, hoa lau được rồi!". Quan đại thần Hữu Hưng lấy làm ngại; hoa lau sắc trắng, không hợp chốn cung đình, chưa kể phẩm chất hoa thấp kém. Nhưng ý chúa thượng vậy, đại quan đành chiều theo.
Tính chúa thượng kỳ lạ, người ngoài ít ai kiểu, kể cả Dương hậu lắm khi cũng không hiểu.
Qua thượng uyển, Dương hậu đã thấy chúa thượng, lòng vừa mừng cũng vừa thấy kỳ lạ. Chúa thượng luôn khiến người ta bất ngờ, đôi lúc ngỡ ngàng.
Lúc này, trước mắt Dương hậu, hoàng đế đang ngồi trên xà ngưỡng cửa cung, lưng dựa cửa bức bàn, tay cầm bút duyệt tấu trình. Một xấp tấu khác nằm trên xà ngưỡng, vừa tầm tay của ngài. Bàn ghế không phải thiếu nhưng tính chúa thượng thích như vậy, chẳng ai khuyên nổi. Ngài không mặc long bào mà khoác chiếc áo tía dài tới gối, cổ bẻ, có những khuy cài bằng nút vải chạy dọc từ cổ xuống thắt lưng, gần hông có túi. Dương hậu biết kiểu áo này. Hồi chinh chiến, nàng vẫn hay khoác những chiếc áo tương tự cho chúa thượng. Có lần chúa thượng kể cho nàng nghe rằng thời trẻ ngài phiêu bạt tứ xứ, có dịp gặp gỡ người man di từ các châu ki mi, được họ tặng một chiếc áo như vậy. Áo dễ mặc dễ cởi, tiện lợi, đựng được nhiều đồ, nhất là khi ra trận, ngài đâm thích rồi mặc suốt.
Dương hậu chẳng thích thứ áo đó, xưa cũng thế, giờ vẫn vậy. "Áo gì chẳng cài bên tả cũng chẳng cài bên hữu! Xổ dọc một đường ở giữa, ấy là trung dung, cũng như tính lật lọng của đám dân châu ki mi vậy! Anh mặc thế mà coi được à?" – Nàng từng xẵng giọng với chúa thượng như thế. Ngài chỉ cười. Ấy là chuyện thời trẻ, khi nàng mới mười bảy tuổi, gan to bằng trời. Chúa thượng hồi đó mới ngoài tam tuần...
-Chúa thượng, thiếp đến thăm người.
Dương hậu cúi gập người thi lễ, hai bàn tay đan ngón lẫn nhau. Hoàng đế trông thấy, bèn cười, giọng trầm nhưng vang:
-Hậu đấy à? Chờ ta một chút.
Rồi ngài sai nội hầu mang ghế cho nàng ngồi, sau bảo lũ nội hầu lẫn tì nữ lui ra, để ngài ở riêng với Dương hậu. Chúa thượng ngồi ở xà ngưỡng, còn nàng ngồi ghế nên cả sợ cúi đầu xin thôi. Hoàng đế cười rung vai, giọng vang như bi sắt rơi mâm đồng:
-Vân Nga mà ta biết đâu rồi? Sao hậu giữ kẽ thế? Được rồi, hậu cứ ngồi, ta cho phép.
Dương hậu ngập ngừng ngồi ghế, hai tay thu vén trong lòng. Cái cảnh ngồi cao hơn chúa thượng làm nàng khổ sở vô cùng. Nhưng từ vị trí này, nàng có thể quan sát hoàng đế rõ hơn. Chúa thượng đã ngoài tứ tuần, cơ thể vẫn nhanh nhẹn rắn chắc như thời chinh chiến. Chẳng có dấu hiệu nào bất thường ở gương mặt ngăm đen sạm nắng, thân hình khỏe khoắn và quai hàm vuông vức của ngài. Mỗi ngày, hoàng đế vẫn dậy sớm luyện tập như binh sĩ.
Nhưng sự thật là chúa thượng có tuổi. Mái tóc ngắn của ngài đã lốm đốm sợi bạc. Giả dụ ngài để tóc dài như người phương Bắc, khuyết điểm ấy sẽ được che đi phần nào. Song ngài không thích tóc dài. "Từ bé ta thấy cha ta để tóc ngắn, đàn ông xứ Nam hay ai cũng tóc ngắn, hà cớ phải nuôi dài luộm thuộm như người phương Bắc?" – Chúa thượng có lần nói thế. Ngài vẫn khỏe mạnh nhưng quanh mắt lũng xuống nhiều vệt chân chim. Mỗi lần hoàng đế suy nghĩ, bờ trán ngài xô nếp nhăn, nổi rõ từng đường rãnh như bánh xe lún đường đất ẩm. Cách đây mấy năm, Dương hậu thấy mấy đường rãnh ấy chỉ mờ nhạt tựa sóng lăn tăn mặt hồ.
Hết bản tấu trình này, hoàng đế mở bản tấu trình khác. Đang đọc, ngài chợt thừ người, ánh mắt ngoảnh sang thượng uyển. Dường như ngài ngắm hoa lau, nhưng Dương hậu nhận ra đôi mắt chúa thượng không có cánh hoa trắng xiêu xiêu gió nào. Ngài đang nhìn thứ mà nàng không thấy, hoặc ngài chẳng hề để tâm điều gì cả. Dương hậu để ý từ ngày lên ngôi, chúa thượng hay thừ người như thế.
Dương hậu nhớ hồi chiến tranh, chúa thượng giao chiến với Tướng Một Tai, có lúc suýt mất mạng, quân thua tan tác. Ấy thế mà chúa thượng chẳng buồn phiền, vẫn cười tươi. Xưa vậy, giờ khác. Có lúc nàng bắt gặp chúa thượng ngồi dưới bậc thềm dưới chân long sàng, mũ xung thiên không đội, áo long cổn phanh cổ. Tưởng ngài trúng gió, nàng tá hỏa tri hô bọn nội hầu. Thấy thế, chúa thượng bật cười bảo mình ổn rồi chỉnh lại tác phong y phục. Ngài lại cười, lại nói sang sảng như chưa có việc gì xảy ra.
Mà không chỉ mình Dương hậu, người khác cũng bắt gặp ngài như vậy. Trinh Minh Hoàng Hậu có lần ghé chỗ nàng, nói: "Ta qua thăm chúa thượng, gọi mấy lần mà ngài không nghe, như mất hồn vậy! Ta hỏi chúa thượng, ngài bảo chỉ đang suy nghĩ. Suy nghĩ gì kỳ cục! Ca Ông gần gũi chúa thượng, hôm nào thử hỏi xem?". Tính hoàng hậu Trinh Minh thẳng đuột, thành ra lắm chuyện tiếu lâm. Nhưng hoàng đế quả thực có vấn đề.
-Chúa thượng, ngài ổn chứ? – Dương hậu lên tiếng.
Hoàng đế hơi giật mình. Ngài cười, xua tay tỏ ý rằng ngài chỉ đang suy nghĩ rồi lại tiếp tục phê duyệt tấu trình. Dương hậu thở phào. Chúa thượng nhiều việc, nghĩ ngợi mông lung âu cũng bình thường. Chúa thượng lắc đầu:
-Tháng 6 rồi, mưa sắp về. Nhiều nơi cần trai tráng đắp và giữ đê, mà người không đủ. Nước năm ngoái không dữ, năm nay chưa biết ra sao...
-Đầu năm chúa thượng đã tế đàn thiên địa, năm nay mưa gió tất thuận hòa. – Dương hậu đáp lời.
Hoàng đế chống tay lên trán, cười mỉm:
-Hậu sống ở đất Trường An này chục năm, còn lạ gì? Năm nào nước ở đây cũng lớn, mưa sà sã, ngập trắng đồng, cả vùng thành biển, chả thế nhà ai cũng phải sắm thuyền trên nóc hoặc xây gian cao trữ lúa. Chỉ tế đàn thiên địa thôi sao đủ? Trời xanh có bao giờ thấu nhân tâm?
Dương hậu im lặng, không dám vọng động những vấn đề của chúa thượng. Phận đàn bà biết sao nghe vậy. Hoàng đế đọc tấu trình một lúc, bỗng đưa một bản tấu cho nàng:
-Hậu đọc thử xem thế nào?
-Thưa, không dám! Thiếp không dám! – Dương hậu vội nhào khỏi ghế – Việc quốc sự không đến lượt đàn bà!
Hoàng đế cười lớn. Dương hậu cảm giác rõ tiếng cười làm rung nền đá, xà ngưỡng và những cánh cửa bức bàn. Ngài nhổm dậy kéo nàng ngồi xuống ghế, sau nói:
-Việc quốc sự không đến lượt đàn bà là thế nào? Hậu nói ta nghe thử?
-"Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán", "phụ nữ và tiểu nhân khó giáo dưỡng, gần thì họ khinh nhờn, xa thì họ oán trách", đức thánh hiền Khổng Tử đã nói thế. – Dương hậu đáp – Đàn bà tuân theo tam tòng tứ đức đã là đem phúc cho thiên hạ, việc quân cơ quốc sự không đến lần, thưa chúa thượng!
Hoàng đế gật gù. Ngài chống cằm cười mỉm, lại nói:
-Vậy cứ như ý hậu, ta là người không ra thể thống gì?!
-Thiếp không có ý đó! – Dương hậu lại cúi đầu, người sắp nhào khỏi ghế lần hai, chỉ thiếu nước quỳ xuống – Mong chúa thượng soi xét!
-Được rồi, ta đâu dọa gì hậu nào? Sao phải thế? – Hoàng đế cười rồi vỗ vai Dương hậu trấn an – Thế này nhé, hậu theo ta chinh chiến không ít, chắc cũng biết gần hết các tướng. Hậu biết Hoàng Đậu chứ? Thị ấy trước dốc hết của nả mua lương thực cho quân ta, giờ làm Giám sát ngự sử trong triều. Biết Trịnh Khang chứ? Không có thị ấy, đánh Tướng Một Tai bao giờ mới xong? Không có Trịnh Khang, bao giờ ta mới hạ thành Đỗ Động? Cả triều đình tướng nào cũng vỗ ngực biết đánh thủy, cuối cùng núp váy Trịnh Khang cả! Biết Phan Nương, phu nhân Đinh Điền tướng quân chứ? Không có thị ấy dẫn dắt đội thám báo, làm sao ta biết tin tức các vùng? Thuở ấy không có thám báo, coi như sự nghiệp không có gì! Giờ Phan Nương là Thị lang Viện Cơ Mật. Rồi cũng Đặng Nương, phu nhân thứ hai của Đinh Điền, không có thị ấy, sao ta tính được quân lương khí giới? Giờ thị ấy làm Chưởng quản quốc khố. Vợ ta Trinh Minh Hoàng Hậu đánh kiếm bắn cung đâu thua ai? Cái anh Thập Đạo Tướng Quân còn chưa dám nói mình hơn nàng ấy. Con ta công chúa Liên Hoa, giữa đêm cưỡi ngựa đánh vào trận tiền Tướng Một Tai, không có nó, mạng ta đã chẳng còn. Vậy cứ theo cái ý của đức thánh hiền Khổng Tử, mấy thị ấy mà nhất nhất tam tòng tứ đức, ta đã làm ma dưới âm phủ rồi.
-Xin chúa thượng đừng nói vậy! – Dương hậu nói – Tất cả là nhờ phúc của chúa thượng!
-Không phải ta có phúc, mà vì ta được giúp đỡ. – Hoàng đế trả lời đoạn rướn người nhìn Dương hậu – Không có nàng, ta đã chẳng ngồi đây và làm đế ở Thành Đá này.
Dương hậu cúi đầu không dám nhận lời khen. Hoàng đế tiếp lời:
-Khi còn bé, ta nghe cha kể rằng nước Nam chúng ta đứng lên nhờ hai người đàn bà. Cưỡi ngựa bắn cung, đánh kiếm giết giặc, đào đê đắp đất, cấy lúa gieo mạ – đàn bà xứ này làm được mọi thứ, chẳng thua ai. Cứ lấy phong tục phương Bắc áp dụng, ta thấy thật không phải. Chẳng phải bây giờ hậu lo việc cung cấm cho ta sao?
-Dạ thưa, việc cung cấm không thể coi là quốc sự.
-Như nhau cả! – Hoàng đế cười – Nàng thử đọc tấu xem, ta cho phép. Làm hậu thì phải biết nhiều thứ, kể cả quốc sự.
Lệnh từ chúa thượng, Dương hậu không dám trái. Nàng nhận bản tấu, đọc một hồi rồi nói:
-Thưa, đây là tấu báo cáo vấn đề... đúc tiền?
-Phải. – Hoàng đế gật đầu – Ta dự định năm sau sẽ công bố tiền mới trước bá quan. Nước Nam ta sắp có tiền riêng, nàng thấy sao?
Trong bản tấu có vẽ hình đồng tiền tròn có lỗ vuông, một mặt khắc bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau khắc chữ "Đinh" – họ của chúa thượng. Tấu của chưởng quan quốc khố Đặng Nương báo rằng những đồng tiền đầu tiên vừa rời khuôn đúc. Dương hậu đáp lời:
-Chúa thượng anh minh, con dân đều được nhờ.
-Đừng sáo rỗng vậy! – Hoàng đế phẩy tay – Ta biết nàng thông minh. Thử nói chủ kiến của nàng xem, giống như ngày trước nàng thường khuyên can ta. Nói đi, ta cho phép!
Dương hậu ngẫm nghĩ, lựa từng lời từng chữ kĩ càng mới dám thỏ thẻ:
-Chúa thượng làm mọi việc đều vì xã tắc. Có điều thần thiếp không hiểu... Trước nay nước Nam ta dùng tiền phương Bắc, thời Ngô Vương cũng vậy. Phương Bắc rộng lớn, lễ nghi đạo học đều thâm sâu, bao trùm cả thiên hạ, là nơi đáng học hỏi, nước Nam ta học theo là lẽ thường. Cớ sao chúa thượng không dùng tiền phương Bắc nữa? Hay ngài thấy Tống triều bên đó không được như người xưa?
Hoàng đế vừa nhìn nàng vừa cười. Dù đã làm hoàng đế nhưng ánh mắt hoang dã của ngài còn nguyên, thứ ánh mắt khiến nàng ấn tượng ngay từ thuở đầu gặp gỡ. Chúa thượng nhìn lâu khiến nàng đỏ mặt. Im lặng một lúc, hoàng đế cất lời:
-Không phải vì Tống triều yếu kém. Mà vì chúng ta là người Nam, sống trên đất Nam, mọi thứ đều phải vì người Nam, phải do người Nam làm ra.
Chúa thượng nhìn vườn lau, không nói thêm nữa. Dương hậu nghe vậy, thực tâm cũng không hiểu. Nàng không biết tại sao chúa thượng lại coi trọng chữ "Nam" đến thế. Người đương thời đều lấy "Bắc" làm khuôn vàng thước ngọc, duy chúa thượng lại coi trọng "Nam" hơn cả. Nàng không hiểu, có lẽ ý tứ các quân vương xưa nay thâm sâu khó dò.
Mây đen từ phía núi Phi Sơn tràn đến, mang theo gió lớn cùng hơi ẩm. Trời sắp mưa. Vườn lau trong thượng uyển nghiêng ngả dưới những cơn phong cuồng. Hoàng đế ghé sát bên tai Dương hậu:
-Sắp mưa rồi, hậu ở lại dùng cơm tối với ta. Nhé?
Nàng gật đầu vâng mệnh. Hoàng đế vỗ vai nàng rồi bước ra vườn lau nhìn trời nhìn mây như đang đón đợi bão tố. Gió lớn thổi mạnh kéo vạt áo tía lẫn vào những bông lau trắng. Trong mắt Dương hậu, sắc trắng của lau bỗng trải dài thành mảng màu vô tận chiếm trọn Thành Đá. Bé nhỏ và lọt thỏm giữa biển trắng vô tận ấy là hoàng đế. Ở khoảnh khắc ấy, hoàng đế bỗng trở nên xa cách với tất thảy, dường như không thuộc về hiện thực và có lẽ chỉ thêm một chút nữa thôi, ngài sẽ biến mất vào biển lau trắng. Dương hậu vội chạy ra, chẳng còn quan tâm khi quân trọng tội, vội nắm chặt tay hoàng đế:
-Chúa thượng, trời sắp mưa, xin ngài giữ gìn!
Hoàng đế cười lớn. Quân vương khi cười phải che long khẩu, chúa thượng thì không. Ngài vẫn như thuở trước, không biết câu nệ, không quan tâm lễ nghi. Ngài cao hơn nàng hẳn một cái đầu. Đứng từ đây, nàng có thể nhận ra răng nanh bên trái của chúa thượng. Nó dài hơn răng nanh thường, và cũng bởi vậy mà có thời gian chúa thượng bị gọi là "thằng rái cá". Nàng biết biệt danh tức cười ấy vì chính chúa thượng kể cho nàng. Có đận nàng cười đến nỗi chúa thượng phải gắt lên không cho cười nữa. Mấy ký ức vui vẻ làm nàng nhớ lại chuyện xưa cũ...
Thuở ấy nàng mới lên mười tuổi, còn mải cưỡi trâu dẫn bọn trẻ đánh phá bọn trẻ con làng khác, chiếm từng bãi cỏ để trâu được thêm chỗ ăn, có thêm cỏ mang về cho làng. Một ngày nọ, nàng gặp chúa thượng ở đồng cỏ lau. Chúa thượng khi ấy cởi trần để lộ thân thể đen sạm, tóc ngắn đẫm nước sông, quần vải vá lỗ chỗ, sau thắt lưng giắt một chiếc rìu chặt củi. Ngài nhìn Vân Nga mười tuổi, mắt nhíu mày nhăn:
"Bé con muốn đánh ta à? Cho xin, con gái sao đánh con trai được!"
Rồi ngài ngửa mặt cười to, lộ cả cái răng nanh dài. Lúc đó cô bé muốn đánh một trận đã đời để gã con trai kia không thể cười chê mình nữa. Suốt năm tháng đó, nàng ghét tên con trai ấy kinh khủng, hễ tới đồng lau Động Hoa Lư lại gào lên "Thằng rái cá! Ra đây đánh nhau!"
Rồi nàng cũng chẳng ngờ nhiều năm sau, nhiều năm sau nữa, nàng ở bên người mà mình ghét nhất, ngay tại Thành Đá này. Chuyện năm xưa ngỡ như giấc mộng.
Cuộc đời như con tạo xoay vần, chẳng ai biết trước điều gì...
----------------------------------
Chú giải: "thiềm mái" là mặt mái nhà, "bờ nóc" là đường gạch chạy ngang mái nhà, "bờ guột" là là đường gạch từ chỗ đỉnh bờ nóc chạy xuống, "tàu đao" hay còn gọi là "đao quật" là phần cong lên ở mái. "Đầu hồi tam giác" là phần tam giác nhô ra bên mái, người Việt gọi nôm na là "khu đĩ"; để trang trí phần đầu hồi, người ta thường gắn thêm "yếm gỗ" hay còn gọi là "vỉ ruồi". "Xà nách" là đoạn nối cột cái (cột to nhất) với cột quân (cột con, bé hơn cột cái). "Xà tử hạ" là phần gỗ liên kết cột quân với khung nhà. "Chồng rường" là tập hợp cái đoạn gỗ chồng lên nhau, đỡ phần hoành mái nhà.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro