Chương 2: Gặp Gỡ
Chương 2: Gặp Gỡ
Sau nhiều ngày năn nỉ, cuối cùng tôi được cho phép ra ngoài chơi, nói đúng hơn là đi dạo phố cho khuây khỏa. Tôi rất nóng lòng muốn khám phá cuộc sống của thời đại này ở bên ngoài vô cùng. Gạo tuy nhỏ con nhưng hành động rất cẩn thận, tỉ mỉ. Cô bé lấy từng lớp áo mặc giúp tôi. Đầu tiên là áo yếm màu nâu, váy màu nâu sòng, áo khoác màu trắng với vạt áo chéo có dây cột ở giữa, tay áo hơi rộng. Lại thêm một lớp áo khoác bên ngoài màu đỏ sậm, tay áo rộng thênh, vạt áo dài qua hơn đầu gối.
Lần đầu tiên được mặc trang phục nhiều lớp thế này, thật có chút khó khăn nhưng tôi rất hào hứng. Thì ra trang phục ngày xưa cũng đẹp, không tệ chút nào, tôi đung đưa hai cánh tay để thấy vạt áo bay bay. Thật may vì được xuyên không làm con nhà quan, được mặc đồ đẹp như công chúa trong phim cổ trang.
Đó là tôi còn chưa biết, trang phục công chúa còn đẹp hơn nhiều. Vấn đề là sau này gặp mới biết.
Riêng tóc của Đinh Thanh vốn vừa dày vừa dài, rất óng mượt. Gạo tính tết tóc cho tôi rồi cuộn tròn trên đầu nhưng tôi ngăn lại. Tóc đẹp như vậy, cứ thả dài, chạm qua eo, rất đẹp. Lúc đầu Gạo còn không chịu nhưng tôi lại càng kiên quyết.Chân mang giày thêu, tôi háo hức bước chân ra cửa. Đúng là nhà quan, khuôn viên nhà rất rộng, ngoài các gian phòng ở của chủ nhân, còn có gian bếp, gian nhà ở cho gia nhân, người hầu. Các gian nhà được xây tách rời, giữa các gian nhà có sân rộng và vườn hoa, ở góc sân lại có một chiếc giếng rất to được chạm trổ hoa văn. Gian nhà trước là nơi tiếp khách và có cả phòng nghỉ cho khách ở lại. Gian này đặc biệt rộng, cột nhà to, cao và được chạm trổ rồng phượng từ chân lên đến mái nhà. Sân nhà được lát đá sạch sẽ, cổng ra vào còn có 2 chú sư tử bằng đá trắng trấn giữ hai bên, có một tên hầu ngồi canh cửa. Tên hầu mang áo lính, màu nâu. Có vẻ thời này chuộng màu nâu, hoặc là kỹ thuật nhuộm vải còn kém nên khó nhuộm được các màu khác?
Tôi chỉ tự suy đoán thế thôi nhưng sau này khi lên thành Thăng Long, tôi biết mình đã sai.
Ngoài kia đang giờ sáng sớm, đường phố đông người, người mua, kẻ bán ngược xuôi rất náo nhiệt. Lúc này trấn Nghệ An là một trong các thành lớn và sầm uất nhất ở phía Bắc Đại Việt.
- Tiểu thư, người có sao không? - Gạo dè dặt hỏi tôi.
Lúc đó tôi đang hai mắt long lanh, miệng hình chữ O rất lớn. Biết mình tỏ thái độ hơi quá nên đành cười qua loa:
- A, chỉ là lâu ngày không ra ngoài, thật vui quá.
- Dạ, tiểu thư, mình đi tới quán bánh đúc bà Thái chứ ạ? Tiểu thư lâu rồi không ăn chắc thèm lắm. - Cô bé Gạo lại hỏi, cười lộ ra một núm đồng tiền bên má trái.
- Ờ, đi thôi.
Thì ra cô Đinh Thanh này lúc trước thích ăn bánh đúc. Lúc ở hiện đại, tôi cũng từng ăn bánh đúc vài lần, cũng không thích lắm. Dù sao cũng lâu ngày toàn ăn cháo, đi ăn thử cũng không sao. Thế là tôi đi theo Gạo, qua mấy ngõ thì tới một quán nhỏ. Mái lợp tranh, được dựng bằng mấy thân cây gỗ to hơn cổ tay một tí. Trong quán xếp vài ba bộ bàn ghế gỗ nhỏ. Bà Thái bán bánh đúc là một bà tầm năm mươi tuổi, hơi mập, mặc yếm và váy nâu đang đổ mồ hôi cắt từng miếng bánh đúc nóng hổi ra cho khách.
Tôi ngồi xuống một bàn kê ở góc quán, mắt vẫn nhìn quanh hết sức tò mò và vui vẻ. Gạo nhanh chân đi mua bánh đúc, hai phần bánh được đựng trong lá chuối, bốc từng làn khói nhỏ. Bánh đúc gạo trắng muốt, đậu phộng thơm ngọt lẫn bên trong, ăn vừa béo, vừa bùi lại ngòn ngọt. Chấm với mắm tôm cay cay ngọt ngọt ăn thật tuyệt vời.
- Tiểu thư, ăn từ từ kẻo nóng.
Gạo vừa cười vừa nhắc nhở. Kể từ khi bị về thời đại này, đây là món đầu tiên ngon như vậy mà tôi được ăn. Tôi có phần ăn hơi vội, thật không ra dáng tiểu thư quyền quý chút nào.
Sau khi ăn xong phần bánh đúc, muốn ăn thêm nhưng lại hơi căng bụng, có lẽ do lâu ngày dạ dày chỉ toàn ăn cháo nên hơi khó chịu. Tôi không dám ăn thêm liền đứng dậy ra khỏi quán. Gạo đi chậm sát bên.
Vừa đi được một đoạn thì gặp một quán trà nhỏ bên đường. Quán trà này y hệt quán bánh đúc ban nãy, cũng mái lợp tranh, kê vài ba bộ bàn ghế nhỏ cho khách nghỉ ngơi.
Tôi liền kéo Gạo vào một chiếc bàn trống. Chưa kịp đặt mông xuống thì lại có người khác vừa ngồi xuống. Đó là hai chàng thanh niên, cả hai mặt mũi đều sáng sủa nhưng một người lại nổi bật hơn hẳn. Ở hiện đại nhìn qua biết bao hot boy nhưng đẹp trai như thế này thì lần đầu tiên tôi gặp được, lại tận mắt nhìn thấy. Mày đen nhánh, mắt sâu, lông mi cũng dài, mũi, miệng, cằm đều đẹp. Trên đầu, tóc được quấn bằng khăn màu xanh đậm, có một búi tỏi phía trên.
- Tiểu thư, nàng muốn ngồi bàn này sao? - Giọng nam trầm ấm áp vang lên.
- À à không..., à đúng... không, tôi ngồi bàn nào cũng được.
Tôi cố kéo một nụ cười che đậy sự xấu hổ. Gạo bịt miệng cười khúc khích sau lưng tôi. Chàng thanh niên mặc áo nâu sòng, đầu quấn khăn nâu cũng cười mím miệng.
Riêng anh chàng quấn khăn xanh, áo dài vát chéo màu xanh đen thì mặt lại không một chút biến đổi:
- Vậy mời tiểu thư qua bàn khác.
Lần này tôi thực sự há hốc mồm. Con trai thời này thật không biết hai chữ "ga - lăng" sao? À khoan, hình như hai chữ ga – lăng này là từ nước ngoài. Thôi đành qua bàn khác vậy.
Gạo gọi một bình trà, chậm rãi châm trà vào chén của tôi. Tôi lại ngồi vừa nhâm nhi vừa nhìn ngoài đường phố đông vui, thỉnh thoảng liếc mắt cái bàn bên kia. Hừ, tốt nhất không nên gặp lại anh ta nữa. Gạo ngồi một bên cũng nhìn bâng quơ ra đường.
- Aaaaa, hello. - Tôi đứng dậy, vỗ bàn, hét lớn.
Thật không tin vào mắt mình, thời này đã có người nước ngoài vào Việt Nam rồi, à không, nên nói là Đại Việt. Tôi không kìm nổi ngạc nhiên, hét to lên đồng thời giơ bàn tay vẫy vẫy mà không hề hay biết rằng lúc này, ngay lúc này, rất nhiều người trong quán trà và cả ngoài đường đang nhìn chằm chằm vào tôi. Gạo khẽ giật tay áo tôi, tôi biết mình lại vừa làm một hành động không phải của một tiểu thư yểu điệu thục nữ.
Hai người phương Tây, tóc vàng, mũi to dừng bước. Họ cũng mặt ngạc nhiên không kém, nhìn chằm chằm vào tôi rồi quay qua thì thào với nhau. Sau đó họ bước vào quán, đến bên bàn của tôi. Người đàn ông không râu, dùng tiếng Anh nói với tôi:
- Xin chào, tôi rất ngạc nhiên, quý cô biết nói tiếng Anh?
- Vâng, tôi biết tiếng Anh. Mời ngồi. Các vị đến từ đâu? - Tôi nhanh chóng trả lời bằng thứ tiếng Anh được học mười mấy năm trời ở thời hiện đại.
Hai người khách nước ngoài ngồi xuống, người không râu nói:
- Chúng tôi tới từ Hà Lan. Lần đầu tiên chúng tôi gặp một cô gái ở đây biết nói tiếng Anh.
- Thật sao? Các vị làm gì ở đây? - Tôi lại nổi cơn tò mò.
- Chúng tôi là thương buôn. Chúng tôi mang súng, thuốc nổ đến đổi lại gấm vóc, lụa và vài thứ hay ho đem đi nơi khác bán. - Người râu xoắn trả lời.
- Các vị đi thuyền sao? - Hỏi xong tôi cũng cảm thấy thừa thãi, nếu thời này mà đi máy bay chắc tôi sẽ chết vì ngạc nhiên mất.
- Đúng vậy. Chúng tôi cập cảng đã hai tuần. Chúng tôi muốn mua vải dệt và đồ đồng của Thanh Nghệ. - Người râu xoắn trả lời, chòm râu rung rinh theo từng cử động của môi.
Sau một hồi nói chuyện, đại khái tôi cũng biết được thời này đã có giao thương với bên ngoài. Chủ yếu là giao thương với nhà Thanh và người Pháp, còn người Hà Lan, người Tây Ban Nha và người Anh cũng có nhưng rất ít. Thêm nữa, nhờ nói chuyện với họ, tôi còn biết được năm nay là năm 1777.
Sau khi hai vị khách phương Tây chào tạm biệt và rời đi thì tôi mới phát hiện cô nhóc Gạo đang há hốc mắt miệng ngồi bên. Không những thế, toàn bộ khách ngồi trong quán cũng nhìn tôi bằng ánh mắt "không thể tin nổi", vài người còn thì thầm gì đó về tôi.
Không chịu được ánh nhìn của nhiều người, tôi kéo tay Gạo ra khỏi quán.
- Tiểu thư, sao người lại biết thứ tiếng của mấy người ngoại quốc?
- À, ta học lỏm, nghe nhiều nên biết thôi. - Tôi trả lời cho qua chuyện, làm sao có thể trả lời được rằng tôi học mười mấy năm mới được vậy đó chứ.
- Nhưng tiểu thư...
- Đừng hỏi nữa. Em cứ biết vậy là được rồi. Về ăn cơm trưa thôi.
Tôi ngắt lời, dẫu sao cũng không thể trả lời được cho nên đừng hỏi nữa có được không. Nếu mà trả lời thành thật rằng tôi là người của tương lai, có khi nào bị cho là người điên không? Vừa đi tôi lại suy nghĩ đến điều này.
Vừa bước chân vào nhà, tôi đã gặp Đinh Ngọc và Hoa đang ngồi têm trầu trên sạp nhỏ.
- Oa, thật đẹp quá. Đinh Ngọc, chị thật khéo tay. - Tôi nhìn từng miếng trầu được têm hình cánh phượng xếp trên đĩa gỗ.
- Đinh Thanh, em chọc chị rồi. Ai cũng biết em têm trầu cánh phượng đẹp nhất. - Đinh Ngọc dùng một ngón tay gí vào trán tôi, miệng trách yêu.
- Thật sao? - Tôi thật không ngờ Đinh Thanh cũng có tài lẻ đó. Nhưng giờ tôi chứ không phải Đinh Thanh ngày trước, cho nên có lẽ phải mang tiếng "hữu danh vô thực" rồi.
- Em làm đi. Cha và mẹ cũng đã lâu không ăn trầu em têm. - Đinh Ngọc đưa lá trầu và con dao nhỏ đến bên tay tôi.
- Dạ.
Tôi cười mỉm nhận lấy lá trầu. Không xong rồi, làm thế nào nhỉ? À, đầu tiên quệt vôi, này là vôi đỏ nè. Rồi gấp lại, tôi gấp nè. Xong.
Tôi nhìn qua thấy ba đôi mắt nhìn sững miếng trầu vừa được gấp trên tay tôi. Gạo lên tiếng phá vỡ không gian im lặng:
- Tiểu thư, sau khi người tỉnh lại đã không giống người trước kia. Không chỉ không biết têm trầu mà còn bỗng dưng nói được tiếng ngoại quốc.
- Cái gì? Em nói được tiếng ngoại quốc? - Đinh Ngọc cầm lấy tay tôi, ngạc nhiên hỏi.
- Em chỉ nói vài ba câu à. - Tôi lấp liếm.
- Em thấy tiểu thư nói rất nhiều là khác. - Gạo lại chen vào.
Tôi liếc Gạo một cái, con bé này, bình thường rất ít khi nói linh tinh, sao hôm nay nhiều chuyện vậy.
- Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu thế này thì ai dám ăn hả? - Mẹ cả cầm miếng trầu trong khay lên nói giọng trách móc.
Đó chính là miếng trầu tôi têm, vừa thảy vào. Mẹ cả này người như bóng ma, đi không nghe tiếng bước chân đã xuất hiện ngay sát bên cạnh.
- Mẹ, Đinh Thanh rất kì lạ. Em ấy quên mất cách têm trầu. - Đinh Ngọc lên tiếng.
Mẹ cả nhìn qua tôi, thở dài:
- Có lẽ là bệnh lâu ngày nên không quen tay. Thôi, các con vào nhà trong. Lát cha sẽ tiếp thế tử đến từ kinh thành, các con nhất định không được lộ mặt ra.
- Dạ.
Tôi và Đinh Ngọc đồng thanh rồi tụt xuống đi vào trong. Gạo và Hoa thu dọn và sắp đặt lại khay trầu rồi cũng đi theo.
***
- Chị, thế tử là ai? Thái tử và thế tử có giống nhau không? - Tôi tò mò hỏi Đinh Ngọc.
Đinh Ngọc thở dài, ra vẻ có chút đau lòng, trả lời tôi:
- Không biết khi nào em mới bình thường lại như trước đây, cứ như một đứa con nít lên ba vậy, không biết gì cả. Thái tử là con hoàng thượng, sẽ nối ngôi vua. Thế tử là con chúa thượng*, sẽ nối ngôi chúa. Em hiểu chưa?
Tôi gật đầu, lại cười nịnh, bám lấy hỏi thêm vài vấn đề. Ra là thế này. Ở thời vua Lê chúa Trịnh này, chúa Trịnh nắm hết quyền lực trong tay cho nên ngôi vua kia căn bản là bù nhìn. Thế tử sẽ nối nghiệp chúa, sau này lại nắm quyền hành tối cao. Mà vị thế tử kia xét theo vai vế trong dòng họ, sẽ gọi quận chúa – tức mẹ cả của tôi lúc này – là cô. Nhưng thế tử cao quý, mẹ cả vẫn phải quỳ xuống chào, gọi một tiếng "thế tử". Quên, thế tử tên là Trịnh Tông.
Còn nữa, mặc dầu tôi rất muốn ra nhìn trộm xem mặt mũi thế tử kia thế nào, nhưng Đinh Ngọc và Gạo một mực nhắc nhở tôi, một tiểu thư không nên lộ mặt khi nhà có khách, và khi chưa được người lớn cho phép. Nhất quyết kéo tôi vào phòng, đóng cửa, canh giữ. Tôi chỉ còn cách nằm dài, nhìn mấy người kia thêu thêu thùa thùa. Những cô gái thời này rất thích thêu thùa, may vá và đàn hát. Như Đinh Ngọc, nàng ấy có thể đàn nguyệt, đọc thơ, rất thanh tao.
Đến bữa cơm, tôi và Đinh Ngọc vẫn phải ăn riêng trong phòng. Gạo và Hoa đi mang cơm và thức ăn vào phòng để lên bàn. Bốn người không phân biệt chủ tớ, ngồi quanh bàn ăn cơm. Ăn xong, hai mắt tôi trĩu nặng. Tôi liền bò lên giường, kéo mền, nhắm mắt. Còn chưa kịp vào mộng đẹp đã bị Đinh Ngọc kéo tay:
- Đinh Thanh, mới ăn no, không được ngủ liền.
- Em buồn ngủ lắm rồi, kệ em đi. - Tôi quay người hướng vào trong.
Vừa mới nhắm mắt, tôi lại nghe âm thanh con trai loáng thoáng bên ngoài cửa:
- Hết răng thì choa chịu.**
- Thôi, mi đi đi. Chiều răng tui cũng xin được tiểu thư cho đi.
Tôi nghe Hoa trả lời nhỏ nhẹ, rồi tiếng bước chân. Phải rồi, tôi đang ở trấn Nghệ An, nghe tiếng địa phương là bình thường. Cả nhà quận công đều từ nơi khác chuyển đến nên mới không nói tiếng địa phương. Nhớ thời học Đại học, bạn cùng phòng trọ với tôi quê ở Hà Tĩnh, nên tôi có thể nghe hiểu được. Nghĩ đến đây, tôi bất giác nhớ lại anh chàng khó chịu gặp ban sáng, rõ ràng anh ta không hề nói tiếng địa phương, vậy là anh ta cũng là từ nơi khác đến.
Tôi tỉnh cả ngủ, quay qua nhìn Đinh Ngọc đang ngồi tựa bên giường:
- Chị, ai đang nói chuyện với Hoa vậy?
- Hắn là Tèo, làm việc vặt trong nhà. Hắn để ý con Hoa lâu rồi. - Đinh Ngọc trả lời nhẹ nhàng. Nàng dường như không quan tâm đến mẩu đối thoại đó.
Tôi ngồi hẳn dậy, chớp chớp mắt cười, nhìn Đinh Ngọc:
- Vậy chị đã để ý ai chưa?
Đinh Ngọc cười hiền nhìn ra bên ngoài:
- Cái này em cũng biết mà. Chị không biết sẽ được gả cho ai. Chỉ hi vọng đó là người tốt, che chở chị rồi sống bình yên là được rồi.
Nghe Đinh Ngọc nói, tôi dâng lên sự xúc động mạnh, đó là ước muốn của rất nhiều cô gái, không ngờ Đinh Ngọc mới 16 tuổi nhưng đã có suy nghĩ chín chắn như vậy. Tôi nắm lấy tay nàng ta:
- Chị xinh đẹp, dịu dàng lại hiền thục như vậy chắc chắn sẽ phải gả cho một người vừa giỏi vừa tốt rồi.
- Chị cũng mong vậy. - Đinh Ngọc lại cười nhìn ra sân.
Ở thời này, chính là con nhà càng quyền quý lại càng không thể tự tìm lấy tình yêu. Lấy ai, gả cho ai sẽ được cha mẹ quyết định. Có câu: "Cha mẹ đặt đâu con nằm đấy" là hoàn toàn đúng ở thời này. Tôi biết Đinh Ngọc chính là viên ngọc quý trong tay quận công và quận chúa, hai người ấy nhất định sẽ lựa chọn kỹ càng một chàng rể tốt để gả con gái đi. Còn tôi? Nếu tôi vẫn ở lại đây, rồi cũng sẽ như Đinh Ngọc? Thật sự không dám nghĩ đến.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro