Chính văn - Hoàn
Lê Như đã chết. Cô chắc chắn. Ba mẹ cãi nhau kịch liệt, vì ba cô ngoại tình đòi ly hôn với mẹ. Kết quả của cuộc cãi vã đó là mẹ cô điên cuồng đâm ba cô, bóp chết cô. Sau đó, bà chở xác ba cô và cô lao đầu xe xuống biển. Lê Như biết, vì lúc đó cô trở thành hồn phách bám theo mẹ cô, không ngừng kêu gào, không ngừng khóc "Mẹ à, không cần như thế". Nhưng đành phải trơ mắt nhìn chiếc xe ấy rời khỏi vách núi, chìm vào biển cả giữa đêm đen.
Cho nên, lần mở mắt này Lê Như cảm thấy hoang mang và sợ hãi. Lê Như bằng xương bằng thịt, vết thương ở cổ đau rát không thể thốt nên lời, nằm giữa căn nhà chồng chềnh hở gió. Lê Như nhìn người phụ nữ trung niên lộ vẻ kinh hỉ không ngừng thở phào nhẹ nhõm.
"Cuối cùng cũng tỉnh".
Sau đó, thăm thăm dò dò, giả giả vờ vờ, tổng kết lại, Lê Như xuyên không rồi. Là cả người cùng xuyên. Người phụ nữ trung niên đó tên gọi Thẩm nương, là người cổ đại hàng thật giá thật. Cũng là bà cùng chồng là Nhị lang kéo Lê Như lên bờ. Bi ai hơn, Lê Như xuyên qua thế giới...nữ tôn!
Thử hỏi, một cô (bé) gái mới mười ba tuổi lẻ bảy tháng, một trạch loli chính hiệu, mười ngón tay chưa chạm nước bao giờ, không có bàn tay vàng của nữ chủ xuyên không, không có thiên phú dị bẩm, không có kiến thức thường thức bình thường nhất, làm sao sống sót ở thế giới lấy nữ vi tôn?
Thẩm nương là người tốt, thu lưu Lê Như đến khi cô khỏi hẳn, đến khi cô không còn khóc thầm trong mơ, đến khi thức dậy gối đầu không ẩm ướt khả nghi nữa, bà mới thả Lê Như đi. Lê Như đi không xa, là lên chân núi gần đó dựng nhà, tự lập. Thẩm nương là người Thẩm gia thôn, thôn đối sông dựa núi. Đa số, à, hầu hết người trong thôn sống bằng ngư nghiệp. Nhà của họ là trên thuyền bè, nhà sàn trên mặt sông, gần bờ sông. Mà Lê Như bất hạnh là người say tàu xe, say sóng. Đại phu lại phán rằng do tâm bệnh nên Lê Như sợ nước. Lại do tâm bệnh nên lầm lì ít nói, đầu óc hơi mơ hồ. Lê Như gật đầu như gà mổ thóc đồng ý.
Vì vậy, Lê Như tại thẩm gia thôn trở thành người mang thuộc tính có gia đình chết thảm trên sông, không tìm thấy xác người thân, được Thẩm nương cứu vớt, vì thương tâm quá độ mà trở nên ngốc ngốc không nhớ rõ lai lịch của mình. Cho nên, mọi người hợp lực dựng cho Lê Như một căn nhà tranh ấm áp. Đổi lại, Lê Như đưa chiếc vòng bạc từ thế kỷ hai mốt được chế tác tinh xảo theo cô xuyên không cho Thẩm nương, nhờ nàng lên trấn trên đổi ra bạc vụn, trả công cho mọi người. Thẩm nương cũng thay cô mua sắm rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết. Lê Như cảm thấy may mắn, vì người của Thẩm gia thôn hiền lành, thật thà, chất phác và nhiệt tình. Lê Như cũng cảm thấy rất được ưu ái, vì gia đấu, cung đấu, giang hồ đấu, tiên đấu, ma đấu gì gì đó rất cao siêu. Lê Như bồi không nổi.
Cuộc sống của Lê Như ở thế giới nữ tôn này bắt đầu. Đúng hơn là những ngày khổ cực bắt đầu. Tự tay làm tất cả, hồ đồ vấp ngã, ngây ngốc làm lại, lại mơ màng ngã tiếp, lại ngốc ngốc đứng lên. Bởi vậy, cảnh Thẩm nương vui vẻ đến thăm, giận dữ xách chổi rượt Lê Như chạy mấy vòng quanh sân trở thành cảnh quen thuộc ai cũng biết. Cái này...Thì cân thịt, con cá, bó rau này nọ vào tay Lê Như, vào bếp, đi ra, không còn nhận ra hình dáng. Đem cho A Vàng ăn nó còn chê thẳng, bỏ đi chẳng thèm ngoái nhìn. Nhân tiện, A Vàng là con chó con Thẩm nương cho Lê Như nuôi làm bạn. Hoặc muốn châm trà tiếp Thẩm nương, hơi bất cẩn một chút...ừm, lớn hơn một chút một chút, cả căn bếp liền cháy trụi.
Ba tháng đầy kỳ tích vượt qua. Thẩm nương thở dài ra quyết định, phải tuyển cho Lê Như một người phu lang lo nội trợ chăm sóc cho cô. Điều đó khiến Lê Như sợ mất mật. Tha thứ cho Lê Như, dù có đọc qua tiểu thuyết nữ tôn nhưng phu lang này, thê chủ kia, vân vân mây mây, Lê Như vẫn không tiếp thu kịp. Hơn nữa, dù không kỳ thị nam nhân của thế giới này nhưng nghĩ mà xem. Lê Như sống ở thời đại mộng mơ Hoàng tử với Công chúa, Hoàng tử như siêu anh hùng đùng cái vào thế giới Công chúa với Hoàng tử, Công chúa lại như siêu robot biến hình, làm sao Lê Như thích ứng được.
Xuất ra vốn liếng từ vựng hai kiếp người, mười bốn tuổi đời, nói khan cả cổ mới thuyết phục được Thẩm nương từ bỏ ý định đó. Dọa chết Lê Như. Bù lại, Lê Như ngày ngày vào thôn học thường thức. Từ lông gà vỏ tỏi cho đến ngũ cốc trái cây. May vá thế nào, nấu ăn ra sao, làm gia cụ theo trình tự gì đều phải học hết. Cuối cùng, cơm dù không ra hình dáng nhưng ăn không ngộ độc, quần áo may xong không sứt chỉ là tốt rồi...nhỉ?
Cũng thế mới phát hiện ra Lê Như biết chữ, nét chữ đoan trang mềm mại. Từ đó, Lê Như được đề bạt làm nữ phu tử. Trọng trách nhà giáo nặng nề, Lê Như nghiêm túc gánh vác, thận trọng từng tí một. Bộ dáng ngốc ngốc đó khiến Thẩm gia thôn trên dưới cười đến ngất. Thật ra, mọi người chỉ mong bọn trẻ biết đọc biết tính là được, không cần cái gì một bụng kinh thư, không cần cái gì thi đỗ trạng nguyên. Lê Như thở phào nhẹ nhõm, thoải mái hơn, tự nhiên, và gần gũi hơn.
Lê Như có một thói quen, hay lẩm bẩm. Hay ôm A Vàng tâm sự to nhỏ. Thẩm nương lo lắng nhưng đại phu nói như thế tốt cho Lê Như, không cần đè nén, không cần u sầu sinh bệnh. Thế nên Thẩm nương cũng mặt kệ Lê Như ngốc rầm rì rầm rì với bếp lửa, với con gà, với bó rau, với A Vàng cả ngày.
Có lần, Lê Như rảnh rỗi đến hỏng não liền đem giấy bút ra viết một mạch truyện Xuyên qua thành Hoa Tranh của Đình Hòa mà cô đã được đọc. Viết xong, vì phù hợp hoàn cảnh nên đổi giới tính các nhân vật. Viết ra, đọc để giải sầu. Chẳng may lọt vào tay nữ tiên sinh thuyết thư ở trấn trên. Thế nên, Lê Như kiêm thêm nghề viết tạp văn cho tiên sinh. Tiền nhuận bút đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Thoáng cái, Lê Như sống ở Thẩm gia thôn đã ba năm. Đêm nay là sinh nhật cô, vừa tròn mười sáu. Nhiều người không biết, Lê Như cũng sắp quên rồi. Đang ngồi chỉnh sửa dòng cuối của bản thảo cho tiên sinh thuyết thư, trong sân nhà vang lên tiếng động lớn như có vật gì bị ném vào sân khiến Lê Như sợ run tay.
Bình thường Lê Như hơi ngốc một chút, hơi vụn về một chút, hơi thiếu nhạy bén một chút. Ừ thì, lớn hơn một chút một chút. Nên dù nguy hiểm có cận kề Lê Như cũng không nhận ra, nhưng hôm nay động tĩnh lớn như vậy, mùi máu tươi nồng như vậy, A Vàng gầm gừ sủa vang như vậy, muốn không cảm nhận ra cũng khó.
Tay run run đặt lên then cửa. Cố thủ hay liều chết xông ra? Không do Lê Như quyết định. Vì cái người mặc khôi giáp, máu tươi đầm đìa, thương tích đầy mình kia chống tay một cái, cánh cửa đã bật mở. Cửa đập vào mặt Lê Như khiến cô choáng váng ngã ngồi xuống nền nhà, còn chưa kịp kinh sợ xong thì người kia như trút hơi thở cuối cùng hôn mê đè lên người Lê Như.
Thời đại này, cái gì cũng tốt, dù nghèo khó, dù hơi thiếu thốn nhưng Nữ vương rất quan tâm con dân mình, luật lệ đặt ra rất chặt chẽ nghiêm minh. Bởi vì nam nhân sinh con là đối mặt với sinh tử, khó khăn khổ cực gấp trăm ngàn lần phụ nữ nên luật lệ rất rất rất bảo vệ nam nhân. Nói trắng ra, nếu hôm nay cái người cao một mét chín này, dù xấu ma chê quỷ hơn theo quan điểm thẩm mỹ của nữ tôn, dù là to gần gấp đôi Lê Như, dù là vị này tự ý xông vào nhà Lê Như, thì nếu y chết, kẻ có tội là Lê Như. Chịu thôi. Ai bảo thế giới này tỉ lệ nữ nam chênh lệch lớn như thế, nhiều tiền lệ nữ nhân bụng đói ăn quàng, ăn xong giết người diệt khẩu như thế.
Cho nên, Lê Như phải cứu. Bắt buộc cứu nếu không muốn bị xử tử.
Mất cả đêm cầm máu băng bó, dọn dẹp dấu máu khả nghi ngoài vườn, trấn an A Vàng. Lê Như sợ run người. Vị kia, cao to cơ bắp cuồn cuộn chẳng giống nam nhân của nữ tôn một xíu nào. Vết thương kia đều do đao kiếm sắt bén nhất tạo thành, mỗi một đao một kiếm đều muốn lấy mạng người. Khôi giáp đó, dù Lê Như thiếu kiến thức vẫn biết nó tượng trưng cho địa vị vị kia rất cao. Tranh đấu gì đó, đều là uống máu nhai xương. Lê Như thừa nhận, cô xuyên không, nhưng cô vô dụng, cô bồi không nổi. Dính vào tranh đấu, Lê Như là người đầu tiên bị xé da lóc thịt. Bởi thế, mười sáu năm cuộc đời Lê Như lần đầu tiên làm việc xấu. Đó là giấu giếm Thẩm nương, giấu giếm tất cả mọi người trong Thẩm gia thôn, giấu vị kia trong phòng chứa củi. Thừa dịp giao bản thảo cho tiên sinh thuyết thư, cô lén lút mua dược, lén lút trở về, lén lút mang siêu đất vào phòng củi sắc thuốc. Vừa thổi lửa vừa nhìn siêu thuốc bi ai. Nếu bị người khác phát hiện ra, cô giũ không hết can hệ.
"Ngươi nếu còn mệnh thì sống...Nếu...nếu không sống thì là ngươi tới số. Không phải tại ta...không mời đại phu...nhé?"
Lê Như không biết, lời rầm rì của cô lọt vào tai vị kia không sót một chữ. Thật ra buổi sáng lúc Lê Như rời nhà vị kia đã tỉnh. Cũng tức đến ngứa răng. Thử hỏi một đại nam nhân thân cao mét chín bị cuốn trong chăn bông, trói như một con sâu, cố định trên tấm ván lạnh cứng có tức không? Lại là vì nhịn không nổi, vượt quá sức chịu đựng mà đại nam nhân này lần đầu tiên trong cuộc đời...tè ra ướt tấm chăn bông đó. Ngươi cứ thử bị xiết như cái bánh tét đi, xem có thể lết đi vệ sinh được không. Đã thế, lúc về Lê Như còn lộ vẻ ghét bỏ, lầu bầu thay chăn. Vị kia cười lạnh trong lòng, tiếp tục giả bất tỉnh. Trong đầu đã đem Lê Như đánh đến chết.
Lê Như càng không biết, cái thói quen rầm rì tâm sự với đồ vật với A Vàng của cô đã hại chết cô. Chỉ chưa đến một ngày, mọi thông tin quan trọng hay không quan trọng đều lọt vào tai vị kia. Sau ba ngày, đến cả thân phận của Lê Như cũng bị vị kia nắm trong lòng bàn tay. Sau ba ngày "liên tục" hôn mê, vị kia cũng tỉnh. Lê Như bi ai phát hiện, vị kia phát ngốc rồi. Tên không nhớ, hoàn cảnh không nhớ, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Thật ra Đô Sử - tên vị kia, vẫn còn bị ảnh hưởng sau dư chấn tâm lý nên tiện đà giả ngốc luôn. Đô Sử biết mình là nhân vật qua đường của Kim Dung lão nhân gia, là nhân vật phụ trong cái gọi là đồng nhân của Đình Hòa. Tình yêu của y đối với Hoa Tranh dưới ngòi bút của hai tác giả ấy hời hợt đến nhói lòng. Kết cục định sẵn, dù cố gắng thế nào, y cũng phải chết, và Hoa Tranh mãi mãi không yêu y. Tất cả đều nhờ Lê Như ôm A Vàng tâm sự to nhỏ, thỉnh thoảng xem bản thảo, thỉnh thoảng than vãn Kim lão nhân gia thế này thế kia, Đình Hòa thế kia thế nọ, nhân vật A - B - C - Đô Sử bla blo, sụt sùi vì nhân vật Lê Như yêu thích chết đi. A Vàng nghe không hiểu, Đô Sử người thật hàng thật "hôn mê" sau lưng Lê Như lại nghe hiểu, y không điếc.
Nhân vật phụ, nhân vật qua đường, nhân vật hư ảo. Nhưng Đô Sử hiện tại thì sao? Vẫn bị thương thập tử nhất sinh, vẫn máu chảy đầm đìa vị máu tanh nồng, vẫn đau đến tê tâm liệt phế khi không thể bên cạnh Hoa Tranh. Thì ra, tất cả tất cả chỉ là dệt nên mộng cảnh. Tình yêu của y với Hoa Tranh chẳng là gì trước mắt cái gọi là đọc giả.
Càng khó chấp nhận hơn, đường đường là Vương tử của Hãn vương, là Hãn vương tương lai, trăm vạn tinh binh phục tùng lại sau khi bị Đà Lôi chém mà không chết, thân và hồn vậy mà xuyên qua thế giới nữ tôn. Nơi mà nữ tử cầm quyền, nam nhân lùi về sau nấu cơm, giặt quần áo, chăm con và... sinh bánh bao! Đô Sử không lập tức xách đao lên đi chém hết nam nhân ở thế giới này đã là kiềm chế lắm rồi đấy.
Lê Như ngốc nghĩ Đô Sử ngốc rồi nên tự đặt tên cho y. A Hoàng. Lê Như ơi là Lê Như, cái tên gọi đó vừa thoát ra khỏi cái miệng ngốc ngốc của cô, Đô Sử đã tận lực dùng mười chín năm nhẫn nại để không bẻ gãy cổ cô đấy.
Khi Đô Sử khỏe hẳn rồi, Lê Như rối rắm. Không thể cứ nhốt người ta trong phòng chứa củi mãi, cũng không thể đuổi một người không nhớ gì ra ngoài đường chứ? Lê Như rối rắm đi dạy, rối rắm lên trấn mua nhu yếu phẩm, rối rắm đi về, lén lén lút lút. Mọi cái khả nghi biểu lộ ra hết trong mắt Thẩm nương. Nên Thẩm nương liền âm thầm theo đuôi.
Lê Như rối rắm bàn bạc với Đô Sử. Đưa ra hai phương án. Một là Lê Như cấp bạc, Đô Sử rời đi tự sinh tự diệt. Lúc nói cái này, Lê Như chột dạ cúi đầu, ngón tay vặn vặn. Hai là, nói dối là Đô Sử lưu lạc đến đây, cầu thôn trưởng cho ở lại. Nhưng hai phương án đó không để hai nhân vật chính lựa chọn. Thẩm nương cười mỉm, nhẹ nhàng đặt rổ cá khô xuống cạnh cửa phòng chứa củi, nhẹ nhàng cầm một thanh củi lên ướm ướm tay. Uy vũ rượt đánh Lê Như mấy vòng quanh sân.
Theo lý giải của Thẩm nương, Lê Như khinh bạc Đô Sử rồi vứt bỏ là bất nhân bất nghĩa. Đúng! Muốn cầm máu băng bó phải cởi quần áo, muốn lau người phải lật qua lật lại, muốn đút thuốc phải vò vò nắn nắn cái mặt cái miệng cái đầu của Đô Sử mới không khiến y bị sặc chết. Và như vậy, là Lê Như chiếm tiện nghi Đô Sử. Nữ tôn! Lê Như muốn cắn chết cái gọi là nữ tôn! Ôm mặt khóc không ra nước mắt mà.
Thẩm nương đưa ra phương án thứ ba, là phương án không cho cự tuyệt. Đô Sử gả cho Lê Như. Lê Như hóa đá. Đô Sử e lệ, không nhầm đâu, là e lệ đó, gật đầu. Lê Như muốn phản đối, đối mặt với ánh mắt như con dao mổ cá sắt bén trong bếp của Thẩm nương, Lê Như thức thời nuốt lời phản đối vào bụng.
Thẩm nương có tính toán riêng. Lê Như ngốc như vậy, yếu ớt vụn về như vậy, muốn tìm phu lang cho Lê Như là chuyện không tưởng. Nam nhân trong thôn nghe đến Lê Như, dù kính trọng nhưng vẫn xa lánh. Thử nghĩ xem, một người nam nhân liễu yếu đào tơ, mong manh như đóa hoa gả cho một nữ tử gió thổi một cái liền muốn bay mất, ai không ủy khuất. Trong thôn đã thế ngoài thôn càng đừng mong có người đồng ý. Một người cao to vạm vỡ như Đô Sử, dù "xấu" ma chê quỷ hờn thế kia, nhưng thừa sức thừa lực, lại mang ơn cứu mạng nên chắc chắn sẽ bảo bọc được Lê Như đến hết đời. Đó là lựa chọn không thể đúng đắn hơn.
Thẩm nương nghĩ thế, cả thôn cũng nghĩ thế. Vì vậy, Thẩm gia thôn liền rộn ràng. Phu tử sắp thú phu lang rồi. Chuyện tốt, chuyện tốt. Chỉ có Lê Như lòng đầy lệ. Thử hỏi, "cưới" một người "vợ" mà chỉ cần cười lạnh một cái khí áp liền giảm âm độ, hừ nhẹ một cái A Vàng liền cụp đuôi chạy mất, đứng xa xa thôi đã khiến các nam nhân khác sợ đến phát khóc, nữ hán tử đều phải tìm đường vòng mà đi, không tổn thọ sao?
Thẩm nương cứ như sợ Đô Sử đổi ý nên hôn lễ gấp đến thở không ra hơi. Ba ngày sau cử hành.
Trước hôn lễ ba ngày, Lê Như lén lén nhét cho Đô Sử một túi bạc to bự, một gói lương khô thơm lừng, một bọc quần áo ấm áp. Lê Như rối rắm lúng túng giải thích như sau.
"Cái kia...ngươi không nhớ, nhỡ đâu ở quê nhà có thê chủ, có nhi tử thì làm sao? Tốt hơn ngươi nên đi đi, tìm đại phu chữa bệnh, nhớ lại rồi lại về quê đoàn tụ gia đình..."
Đô Sử híp mắt nhìn chăm chăm đỉnh đầu Lê Như.
"Hơn nữa...ta...ta không có khả năng khiến ngươi mang thai sinh bảo bảo...sẽ phụ ngươi cả đời"
Đô Sử kiềm chế nghe phần còn lại sau cụm "mang thai sinh bảo bảo" mà không tìm đao của mình. Tay hơi ngứa nên tiện thể bóp nhẹ vài cái đỡ ngứa. Thỏi bạc trắng sáng bóng cứ thế tự nhiên không biết vì sao vỡ thành mảnh vụn như vụn bánh ngô.
Lê Như cúi đầu mỏi, ngón tay cũng vặn đau liền ngước nhìn lên. Sau đó, bị dọa sợ rồi.
Đô Sử cười lạnh, vân vê vụn bạc trắng.
"Cô nhìn cũng nhìn, sờ cũng sờ, ôm cũng ôm, giờ muốn vứt bỏ ta sao? Có phải vì ta rất khó coi không?". Nói đến hai chữ khó coi, Đô Sử gần như là rít qua kẽ răng.
Lê Như run rẩy, đại não không kịp hoạt động.
"Không phải! Ngươi là người tuấn tú nhất ta từng gặp...chỉ là...cái kia...ta...ta..." Lúng túng đến không biết nói gì nữa.
"Thế thì thành thân thôi."
Lê Như ngốc ngốc bị tính kế, ngốc ngốc gật đầu. Thật ra, Đô Sử là người chán ghét cái hôn sự này nhất. Trong trái tim y, chỉ có một người xứng đáng làm thê tử của y, đó là Hoa Tranh. Nhưng với cái thế giới nữ tôn rất nhiều luật lệ hà khắc ở đây, Đô Sử cần một danh phận, cần một tấm bảng thê chủ để che đậy, để tiếp tục tính toán của y. Mà, Lê Như ngốc nghếch, ngơ ngác, dễ mềm lòng và thiếu tâm nhãn là lựa chọn tốt nhất, dễ lợi dụng nhất.
Cách ngày thành hôn hai ngày, Thẩm nương lôi kéo Lê Như lên trấn trên chọn mua hỉ phục. Nhìn bộ hỉ phục cho nam tử ở đây, Lê Như mặt tái xanh. Một bộ hỉ phục rực rỡ mỹ lệ, xinh đẹp, tầng tầng lớp lớp chỉ thêu hoa, vải mềm nhẹ tung bay trong gió. Đó là bộ hỉ phục rất đẹp. Nhưng để vị cao mét chín kia mặt vào. Thật, hình ảnh có phần dọa người nên không thể miêu tả chi tiết. Nghĩ thôi đã muốn mù mắt rồi, Lê Như tuyệt đối không muốn mua. Nhưng dưới sức ép như Thái Sơn của Thẩm nương, Lê Như đau lòng móc bạc trả tiền. Đi thêm nhiều vòng, mua thêm nhiều thứ như nến đỏ chẳng hạn, đến chiều muộn cô mới lê được thân mệt rã rời về nhà.
Vội vàng vào bếp, chuẩn bị bữa cơm đơn sơ. Lê Như cùng Đô Sử nặng nề dùng bữa. Đô Sử ăn rất ít, vì chán ăn. Ở thảo nguyên mênh mông xanh biếc đã quen, rượu mạnh thịt nướng hàng ngày thành thói quen nên nhìn đĩa cải xào nhạt miệng, chén đậu phụ mềm mềm, bát canh cá vị thanh thanh, Đô Sử không quen. Vào đại não Lê Như lại là vì Đô Sử buồn phiền, ủy khuất khi phải gả cho mình. Vì thế, Lê Như không tiền đồ, chân chó lấy lòng Đô Sử. Cơm nước xong xuôi thì rụt rè đưa bộ hỉ phục cho Đô Sử. Vừa nhấc mắt nhìn Đô Sử đã cười lạnh, tay dụng lực một xíu xiu, đã không phân biệt ra vải vụn hay sợi chỉ vụn nữa. Lê Như ảo não ngồi ôm A Vàng thì thầm ngoài sân.
"Cứ có cảm giác A Hoàng không giống nam nhân của thế giới nữ tôn. A Vàng, con thấy mama nói đúng không? Ở đâu ra cái con người cường đại quá mức đi".
Than vãn với A Vàng xong lại chọt bụng nhỏ của nó, lại ôm nó cười khúc khích, suy nghĩ sớm đã bay cao bay xa. Cho nên hoàn toàn không phát hiện, Đô Sử từ đầu đã đứng sau lưng Lê Như. Nghe không sót một chữ. Có nhiều từ Đô Sử nghe không hiểu, nhưng ý đại khái hiểu rõ. Lê Như xem A Vàng như con của cô.
Ngày thành thân, từ sớm Đô Sử đã đến nhà Thẩm nương, chờ Lê Như sang đón phu lang. Dưới ánh mắt bức bách, uy hiếp của Thẩm nương cùng Nhị lang, ép Đô Sử mặc hỉ phục. Đô Sử vẫn cứ cười nhạt, trơ ra như gỗ. Ép không được, đành thuận theo ý của Lê Như và Đô Sử. Cứ mặt nam trang bình thường, bất quá gắn thêm cái bông nho nhỏ màu đỏ trước ngực là được. Đón dâu, vái thiên địa, cúi lạy Thẩm nương và Nhị lang. Đơn giản như một trò đùa mà thôi.
Động phòng hoa chúc? Lê Như đáng thương bị các nữ hán tử trong thôn chuốc cho say mèm, nhìn gà ra cừu, nhìn cừu ra cá, lết được thân về phòng ngủ đã là kỳ tích. Cho nên, Đô Sử túm cổ áo Lê Như ném lên giường. Lê Như ăn đau khẽ hừ một tiếng, sau đó...sau đó ôm chăn cuộn tròn, ngủ say như chết. Đô Sử cũng lười quản, y ngồi trước bàn nhấp trà. Đô Sử rất hiếm khi dùng trà. Ở thảo nguyên, rượu mạnh, sữa dê nồng, thịt đậm vị không hề liên quan đến thứ tao nhã này. Chỉ là, Hoa Tranh rất thích, nàng thích phong tục người Hán, thích Quách Tĩnh. À, trong đồng văn kia thì yêu khắc cốt ghi tâm Âu Dương Khắc. Đô Sử cười mỉa mai, đổi trà thay rượu từ lúc nào chẳng hay, say lúc nào không rõ, ngủ quên trên bàn. Nến đỏ, cô đơn đến nao lòng.
Buổi sáng thức dậy, Lê Như sợ muốn khóc. Mặc dù không phải là nữ nhân của thế giới nữ tôn này, nhưng để phu lang của mình ngủ cả đêm trên bàn như thế kia, là tội đáng chết. Lê Như run rẩy kéo chiếc chăn bông khoác cho Đô Sử, dù có hơi muộn...là rất muộn! Sau đó, cô rất thức thời lăn vào bếp làm bữa sáng.
Vì phu tử mới thành thân nên học đường tạm nghỉ. Dù Lê Như không muốn nghỉ cũng bị người trong thôn liếc xéo bắt buộc nghỉ. Trong lúc nhóm lửa, đầu óc Lê Như đang xoay vần xoay vần nghĩ cách lấp liếm, nghĩ biện pháp để không phải làm cái kia cái kia giữa thê chủ và phu lang. Lê Như sợ, thân phận mình khác người, cơ thể mình khác người sẽ bị xem là quái vật, bị đánh chết. Chậc, tâm sự lo lắng của Lê Như lọt vào mắt Đô Sử không sót thứ gì. Đô Sử cảm thấy may mắn, vì Lê Như ngốc, tự mình đào cái hố cho mình nhảy vào, Đô Sử chỉ thuận nước đẩy thuyền mà thôi. Thế mới có cái cảnh Lê Như ấp úng, vành tai đỏ bừng, lí nhí như sau.
"Cái đó...ta...ta bị vô sinh. Trừ cái việc quá sức đó, cái gì ta cũng chiều ngươi...nhé?".
Đô Sử trầm mặc, thật ra là nén tiếng cười lạnh rất khó khăn.
"Được"
Lê Như thở phào nhẹ nhõm, gương mặt tươi vui, lại bắt đầu để suy nghĩ bay xa bay cao. Lê Như ơi là Lê Như, nếu cô chịu đọc nữ tôn nhiều chút sẽ biết, nữ nam ở đây với nữ nam ở địa cầu thế kỷ hai mốt chẳng khác nhau gì về vẻ ngoài, trừ cái việc nam có thể mang thai thôi. Tự mình hại mình đại khái là thế đi.
Lê Như hay lảm nhảm với A Vàng, cho nên, có rất nhiều thứ Lê Như nghĩ là vô dụng, mà thật ra vào tay Lê Như đúng là vô dụng, nhưng vào tai Đô Sử, dưới cái đầu IQ cao ngất kia, sớm đã có những dự tính động trời rồi.
Chẳng hạn, Lê Như than với A Vàng rằng ở đây không có đường đen, lại chẳng có đường cát, chỉ có mật ong thay đường, rất khổ bức. Đô Sử nhướn mày, lại gần dựa vào cạnh cửa, ung dung đường đường chính chính nghe lén. Chẳng hạn như, Lê Như than thở rằng người ta làm đường đen cũng thật cao siêu quá, nào là chọn mía, lấy nước cốt, nấu đường, vân vân mây mây...Lê Như bảo với A Vàng cô không làm nổi. Vào tai Đô Sử, hình dung một chút, lại có cách tạo dựng thế lực cho mình. Cho nên, ngày hôm sau, Lê Như chẳng thấy Đô Sử đâu. Đến tối, lại một thân đầy máu trở về. Dọa Lê Như mặt cắt không còn giọt máu. Đô Sử chỉ nói, không cẩn thận té trên sườn núi. Lê Như tin mà không để ý vết thương kia do đao bén rạch nên. À, không trách Lê Như, vì Đô Sử không cho Lê Như chạm vào, tự mình lau vết thương, tự băng bó. Cho nên, hôm sau nữa, tin tức ổ thổ phỉ nào đó gần trấn trên tự dưng biến mất, không rõ nguyên nhân Lê Như chẳng mảy may liên hệ tới Đô Sử. Cho nên một tháng sau, ở đây xuất hiện đường đen, là món quý giá chỉ hoàng tộc mới có thể sử dụng, hoặc là nhà rất giàu rất giàu mới có thể nếm một chút, Lê Như chỉ cho rằng đó là đầu óc con người cổ đại quá cường hãn mà không hề liên hệ được với Đô Sử ngốc ngốc ngày ngày biến mất tối tối đi về của nhà cô.
Chẳng hạn như, Lê Như than vãn với nồi cơm bốc khói nghi ngút rằng giá như có mì khô, tương tự mì gói thì hay biết mấy. Ngày nào mệt mỏi lười biếng thì chỉ cần nấu mì gói ăn đỡ đói là được. Lại rầm rầm rì rì ôm A Vàng khen người hiện đại thông minh, có thể làm mì gói. Cho nên Đô Sử ung dung kéo cái ghế mây, vừa ngồi vừa uống trà, mắt híp lại hưởng thụ. Cho nên, Lê Như không biết rằng, vài tháng sau, ở biên cương xa xôi thiếu thốn quân lương, mì khô trở thành thứ không thể thiếu. Lúa gạo không thể vận chuyển cấp tốc, hoặc vận chuyển mà gặp mưa nắng thất thường liền hư, thứ mì khô kia, đóng gói cẩn thận, che chở cẩn thận, để được lâu. Rất tốt. Cho nên, thêm một thế lực nữa mà Đô Sử tạo nên, Lê Như chẳng hề hay biết.
Chẳng hạn như, Lê Như than thở với cái giếng nước rằng giá mà có ròng rọc thì tốt rồi. Sau đó, Đô Sử vừa ngồi cắn hạt dưa vừa "vô tình" hỏi "Ròng rọc là gì?". Lê Như rất không tiền đồ, không phòng bị, liền cười tươi ngồi cạnh Đô Sử, vừa bóc vỏ hạt dưa vừa miêu tả. Nhưng mà cái này hơi vượt quá phạm vi từ ngữ của Đô Sử và Lê Như. Cái gì mà lực F, lực P, cái gì mà động mà tĩnh, cái gì mà lực kéo lực đẩy. Nên phải mất gần một tháng sau Đô Sử mới ngộ đạo, và chỉ mất mười ngày, dưới đội thổ phỉ từ năm mươi người bị Đô Sử thu phục, trở thành đội quân hậu cần cần kíp của Nữ tướng quân, số lượng khoảng một ngàn, đã tạo ra những cái ròng rọc đầu tiên. Và, cũng chỉ mất một tháng, công trình đó được Nữ vương hết sức khen ngợi, ban thưởng. Ứng dụng vào thực tế, rất nhiều. Ví dụ trước mắt, việc xây dựng đê đập giảm sức người rất rất nhiều, tiết kiệm thời gian, công sức lẫn ngân khố không ít. Mà Lê Như ngốc ngốc vẫn cứ ngày lên lớp, chiều về nhà, ngồi ngây ngốc rầm rì với Đô Sử chuyện trên trời dưới đất.
Không phải Lê Như thực ngốc, không phòng bị. Mà Lê Như tìm được điểm tựa, cân bằng cuộc sống. Đừng quên, khi mất cả cha lẫn mẹ, khi phải chết, Lê Như chỉ là một cô bé chưa hiểu sự đời. Đến thế giới này khó khăn chồng chất nhưng Thẩm gia thôn hiền hậu chất phác, không toan tính không lợi dụng, đã dưỡng ra một Lê Như như thế. Đến khi Đô Sử đến, bất chợt xông vào cuộc sống của Lê Như, bất chợt trở thành người gần gũi nhất, thành điểm tựa cho Lê Như thời thời khắc khắc, đã lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn Lê Như. Sớm, đã xem Đô Sử như anh trai rồi.
Chẳng hạn, hôm nay Lê Như nhỏ bé trong lúc mơ màng gối đầu lên chân Đô Sử ngủ trưa, vô tình thốt ra cái gọi là đường nước ngầm. Đô Sử cúi mắt, nhìn Lê Như. Gương mặt nhỏ, không trắng như sứ, không vàng như lúa mạch, không bằng một góc sắc đẹp cuồng dã của Hoa Tranh, lại phá lệ không cảm thấy phiền toái hay chán ghét. Cho nên, lần đầu tiên, Đô Sử nâng tay, vuốt gọn lọn tóc rối bên tai Lê Như. Lại hỏi "Đường nước ngầm thế nào?". Nhưng Lê Như ngủ say mất rồi. Đô Sử không tìm cách lay tỉnh hay thăm dò tiếp, chỉ đơn giản khoác cho Lê Như tấm chăn mỏng, ngẩng đầu nhìn tán cổ thụ bên cạnh. Dù thế, cái đầu của một Vương tử từng thống lĩnh vạn binh không phải chỉ chứa đậu hũ. Chỉ một buổi chiều, Đô Sử đã phác họa được tất cả. Cũng vì thế, mùa hạ năm đó, ở phía Bắc đã không còn nạn thiếu nước.
Mà một năm này, trên thương trường có Hoàng thương họ Đô nổi danh nào đó, ở chiến trường có quân sư họ Đô nào đó, hay ở hoàng cung sớm loan tin một vị nam nhân họ Đô nào đó đang chiếm trọn tim Nữ vương bởi tài trí nghịch thiên, Lê Như đều không hề hay biết. Bởi vì, tiền tài kia, thế lực kia Đô Sử âm thầm xây dựng thế lực ngoại vi. Khi trở về nhà, vẫn khoác chiếc áo vải bông thô ráp, vẫn ngày ngày cơm canh đạm bạc, vẫn rau dại, vẫn thú rừng do Đô Sử bẫy được, vẫn gạo, vẫn dầu mắm muối do Lê Như dành dụm tiền công dạy học mua về từng chút. Không trách Lê Như ngốc nghếch, phải trách Đô Sử người này quá thâm trầm, quá tài năng, quá chu toàn, quá cường hãn. Tóm lại chỉ trách Đô Sử cao tay hơn Lê Như không chỉ một bậc mà là quá nhiều bậc.
Một năm này, Đô Sử sớm vô tình mở rộng dàn harem nữ chúa, nữ tướng quân, nữ thương nhân, nữ vương của mình. Còn Lê Như ngốc thì nhiều lần bị dọa cho xanh mặt khi Thẩm nương liên tục hỏi Đô Sử mang thai chưa.
Hôm nay cũng thế, phu lang của hàng xóm của Thẩm nương vừa thành công vượt cạn sinh ra một bảo bảo tròn tròn, Thẩm nương liền xách rổ cá tươi lên thăm Lê Như và Đô Sử, thổi gió xa xa gần gần thúc bọn họ sớm sinh em bé, trách Đô Sử không làm tròn trách nhiệm phu lang. Từ đầu tới cuối Đô Sử chỉ cười cười, mà Lê Như sớm quen tính quen nết Đô Sử, nhìn một cái là biết cái cười kia là cười lạnh đó, là đang tức giận đó. Lê Như muốn khóc. Người ta nói có tật giật mình. Lê Như thì sợ bị phát hiện là thân thể khác người nên càng nghĩ càng muốn khóc. Nghĩ rằng Đô Sử tốt với mình như vậy, đi sớm về tối nghĩ cách kiếm tiền chăm lo cho Lê Như như vậy, nhiều lúc bị thương đổ máu như vậy, vậy mà cô không thể cho Đô Sử hạnh phúc nên có. Nên khi Thẩm nương về, Lê Như trốn trốn tránh tránh không muốn đối diện ánh mắt chết người của Đô Sử.
Lê Như lén ôm A Vàng ra sau núi, không quên ôm theo một vò lớn rượu hoa quế tự ủ. Uống đến say mèm, vừa uống vừa ôm A Vàng cọ đông cọ tây, khóc đến đỏ hoe đôi mắt. Trong lời tự than tự vẫn đều là tự trách. Nào là Đô Sử người tốt như vậy, Lê Như đáng chết như kia, lừa gạt này nọ gần một năm. Cũng nên sớm để Đô Sử tìm một thê chủ tốt hơn mình. Lê Như say mèm, không phân biệt nam bắc. Cho nên, lúc Đô Sử tìm ra, gần như là nghiến răng nghiến lợi xách người về nhà, gần như là tức muốn nổ phổi ném Lê Như vào thùng tắm, còn bản thân thì ra ngoài đứng nhìn bầu trời đầy sao. Cần gió đêm thổi cho cái đầu lạnh bớt, nếu không sớm đã cầm đao lên chém chết Lê Như.
Đô Sử thừa nhận, Lê Như bỗng dưng biến mất không nói một lời, Đô Sử hiếm khi ở nhà, chờ một ngày, không thấy người, rất tức giận, lại cũng có một chút...chỉ một chút một chút lo lắng. Đến khi tìm được người, nghe chính miệng Lê Như nói với A Vàng muốn hòa ly để Đô Sử đi tìm thê chủ tốt liền bốc lửa giận. Nguyên nhân giận dữ? Không rõ. Chỉ biết là rất giận rất giận, muốn xé xác Lê Như ra nhai nuốt vào bụng. Lúc Hoa Tranh thích nam nhân khác, lúc bị Tứ ca của Hoa Tranh đuổi giết, lúc biết bản thân chỉ là nhân vật phụ, lúc biết xuyên qua nữ tôn, lúc bị những nữ nhân của thế giới này ngầm ám chỉ, ngầm muốn dâng người lên tới miệng, Đô Sử cũng chưa từng giận dữ đến thế.
Chậc, xem ra chúng ta đánh giá cao vị Vương tử này rồi. Hắn cũng ngốc nghếch chẳng thua Lê Như. Rành rành ra đó, lại chẳng nhận ra. Một chữ yêu mà thôi.
Cho nên, tối đó. Lê Như vẫn đậm men say, sau khi tắm rửa thay quần áo, liền nghiêm nghiêm chỉnh chỉnh ngồi trước mặt Đô Sử. Nói muốn hòa ly. Chẳng biết tâm trạng Đô Sử ra sao, chỉ thấy gân xanh trên trán sớm nổi rõ rồi. Đô Sử cười nhạt, tay gắt gao nắm chặt cằm Lê Như bắt cô nhìn thẳng mình. Đô Sử hỏi vì sao phải hòa ly? Lê Như trốn không trốn được. Nghẹn đến khi hốc mắt cay cay, đến khi Đô Sử bất giác nới lỏng tay, mới òa khóc. Lê Như mượn say làm càng, lấy hết can đảm nói ra những lý do mà Đô Sử ngay ngày thứ ba đến thế giới này đã nắm trong lòng bàn tay.
Cho nên, khi Lê Như bị người nào đó tức giận, ăn không sót một mảnh xương, vẫn ngốc ngốc không thấy mình bị thiệt thòi. Vẫn nghĩ Đô Sử sao lại chẳng giống nam nhân thế giới nữ tôn tí nào. Chẳng phải Thẩm nương nói, nam nhân ở đây lần đầu rất đau đớn sao? Dù không phải lần đầu của Đô Sử thì cũng không quá dũng mãnh như Đô Sử đi? Trong lúc nghẹn ngào, lời nói mềm như nước, Lê Như vô ý nói ra suy nghĩ của mình. Bị Đô Sử cười nhạt, ôm chặt người con gái trước mặt. Nói ra một cái tên "Ta là Đô Sử. Là Đô Sử mà nàng biết". Chậc, tiếc là Lê Như phu tử say rồi, lại bị dày vò đến mơ hồ rồi, nên chẳng nghe rõ. Dù có nghe, đến sáng ngày hôm sau thức giấc, lại sớm quên mất.
Người ta nói nam nhân là sinh vật suy nghĩ bằng nửa thân dưới. Bất hạnh thay, Đô Sử là nam nhân suy nghĩ bằng cái đầu. Nên Lê Như phu tử muốn hòa ly? Mơ đi. Muốn trốn tránh Đô Sử vì xấu hổ? Mơ đi. Chỉ một cái khổ nhục kế bé như hạt vừng, tay bị xước một vệt nhỏ xíu như sợi chỉ, nói rằng bị thổ phỉ tấn công. Lê Như phu tử đã run run tay, đỏ đỏ mắt, mặt trắng bệch lo lắng nắm tay, cầm máu (có sao?), băng bó (cần thiết à?). Sau đó là đấm liên tục vào ngực người trước mắt, bảo cái gì mà nam nhân ở đây yếu đuối như vậy (thật sự?), không được vào núi một mình như nọ như kia, vân vân mây mây. Đô Sử chỉ cười nhạt, mắt đầy ôn nhu. Nắm đấm của Lê Như ư? Như lông vũ khều nhẹ qua tim thôi.
Lại thêm vài tháng yên bình trôi qua, đến khi Lê Như xanh mặt nôn ọe liên tục, sóng gió nổi lên. Một người từ chín tuổi đã có cơ có thiếp. Một người dù ngốc ngốc nhưng từ thế kỷ hiện đại xuyên qua. Không cần đại phu, tự đoán được bệnh. Lê Như mang thai rồi. Cho nên, Lê Như nổi giận! Cực nổi giận. Đô Sử thì tỏ vẻ ủy khuất. Người ta sớm đã nói rõ thân phận, tại Lê Như chả chịu nhớ mà thôi.
Lê Như sau lúc nổi giận, lại thấy mất mát. Đại não của Lê Như không dao động theo tần số người thường, nên Lê Như chẳng hiểu sao sau một ngày im lặng suy ngẫm liền đưa ra kết luận này. Đô Sử, vì tức giận nên chỉ trừng phạt Lê Như, sau đó nhiều lần nữa, vì bị Lê Như sắc dụ mà ra (cái này...là ai dụ ai?). Đô Sử là của Hoa Tranh, chỉ yêu Hoa Tranh. Nên mới có màn Đô Sử tay run run, nghiến răng nghiến lợi nhìn chằm chằm bức thư Lê Như để lại. Lê Như bỏ đi, kèm theo xin lỗi vì đã khiến Đô Sử có lỗi với Hoa Tranh. Bánh bao thì sao? Hừ! Bánh bao là của riêng Lê Như, Đô Sử giận cũng giận, phạt cũng phạt đủ rồi, không được tranh bánh bao với Lê Như.
Đô Sử là ai? Thế lực một năm lẻ bốn tháng gây dựng ở thế giới nữ tôn đâu phải để chưng cho đẹp mắt. Lê Như trốn được à? Không thể. Nhưng lúc tìm thấy Lê Như cũng là lúc đối mặt với sinh tử. Vì dàn harem nữ nhân của Đô Sử cũng không phải loại não chứa đậu hủ. Có người muốn bắt cả Lê Như lẫn Đô Sử chiếm làm của riêng. Nữ nhân ở đây ấy à? Cũng có người nam nữ không kiêng cơ mà. Có người muốn giết Lê Như độc chiếm Đô Sử. Có người muốn diệt trừ cả hai. Nội loạn quân thần, đế vương với thế gia gia tộc tự nhiên nổi lên. Âm thầm, rõ ràng. Có cả. Tất cả xuất phát từ thân phận của Đô Sử lẫn Lê Như.
Trong tất cả tranh đấu, Nữ vương là người thông minh nhất, hiểm độc nhất. Nàng cũng là người có thế lực nhất. Nữ vương nói, Đô Sử là một người chung tình nhưng cũng là kẻ đa tình. Từ Hoa Tranh cho đến Lê Như, ai đảm bảo sau này không có người nữa nối tiếp người nữa. Chọc vào chỗ đau nhất trong trái tim Lê Như. Ba cô, đúng vậy. Ông yêu mẹ cô, nhưng cũng bạc tình, phụ tình. Nữ vương nói, Lê Như có chắc sẽ không như mẹ cô, không đâm chết Đô Sử khi y thấy lòng không? Lê Như không chắc chắn, cô chỉ biết cô yêu Đô Sử, yêu đến không muốn mất đi, không muốn nhường cho ai. Cho nên, cô sợ, cô sợ cô như mẹ cô sẽ giết chết Đô Sử. Nhưng mà nữ vương chưa kịp thuyết phục xong, Đô Sử vị kia đã mang binh phá nát cửa cung, tới trước mặt Lê Như, chìa tay ra. Đô Sử vẫn cười nhạt như thế, ánh mắt vẫn ôn nhu như vậy, tay vẫn vững chắc như kia. Y nói "Lê Như, ta đến đón nàng".
Vì vậy, Lê Như bị Đô Sử thuyết phục mất. Cũng biết bản thân ngốc nghếch đã trao hết trái tim vào tay Đô Sử. Đêm đó không có máu nhuộm cửa cung, không có tạo phản, chỉ có thần tử đến đón thê chủ của mình về nhà mà thôi. Nữ vương, ngươi cũng nên nhận ra ngươi thua đi.
Nhưng nữ vương không nhận thua, nàng hạ độc. Đơn giản như thế đã khiến Lê Như phải buông tay. Để cứu Đô Sử, Lê Như đồng ý nhảy vào vực sâu vạn trượng, mang theo đứa bé chưa chào đời. Đến khi Đô Sử tỉnh dậy, độc dược đã ăn mòn ký ức của Đô Sử. Đô Sử ngây ngốc lạnh nhạt tất cả, không rõ nguyên nhân, chỉ biết những nữ nhân trước mắt rất đáng ghét, rất bẩn thỉu. Đô Sử là người nào? Đường đường là Vương tử, là Hãn vương tương lai, tay nắm vạn binh có thể bị khống chế ư? Cho nên, dù quên mất một miền ký ức quan trọng, nhưng vẫn đi tìm người. Đi tìm thật lâu, tìm đến tóc bạc trắng, đến khi trở lại Thẩm gia thôn, bước vào căn nhà nhỏ bỏ hoang nhiều năm, liền rơi nước mắt. Không nhớ, nhưng vẫn rơi lệ.
Thẩm nương đã già, Nhị lang cũng già. Cùng kể lại chuyện xưa về một đôi thê chủ - phu lang khác người cho vị khách tóc trắng kia. Chuyện dài lắm, kể cũng mất một đêm trăng tròn.
Đến sáng hôm sau, vị khách tóc trắng cáo từ. Lên thuyền đi xa. Từ đó về sau người ta không còn tin tức về y nữa.
Khoan hãy buông xuôi. Xin ngươi.
Cho nên khi Đô Sử mở mắt lần nữa, đã trở lại thành Đô Sử chín tuổi. Vẫn là Đô Sử đó, vẫn thân thể đó, vẫn dòng máu đó. Đô Sử xuất hiện giữa rừng hoang, giữa bầy sói cuồng dã, một lòng muốn chết, liền xông vào đánh nhau với sói. Đánh đến thương tích đầy mình nhưng vết thương cứ một cái chớp mắt liền liền lại. Cơ thể bất tử. Trận đánh nhau này, vô tình cứu được Thái tử điện hạ.
Cứ thế, Thái tử nói.
"Nếu ngươi theo ta. Ta sẽ giúp tìm người có thể giết được ngươi".
Đô Sử theo, từ thư đồng, đến phó tướng. Từ hết loại độc này đến loại độc khác. Đều không giết được Đô Sử.
Rồi từ Thái tử đến khi lên ngôi, từ phó tướng đến Đại tướng quân dưới chân một người trên vạn người. Vẫn không ai giết được Đô Sử.
Các lão đại thần luôn lên tiếng khuyên ngăn Hoàng đế rằng nên trừ Đô Sử, tránh người này tạo phản. Công người này đã chất cao quá. Chỉ thấy Hoàng đế giận dữ đập bàn, sau đó nhăn mặt vì đau tay.
Ngươi nghĩ xem? Một tướng quân dẫn binh ra trận, luôn cầm đao xông lên trước, chỉ sợ địch không chém trúng mình. Nhiều lần bị thương, lành lại, lại tiếc nuối thở dài sao y chưa chết. Y có thể có tâm ý tạo phản à? Nếu có, mặt trời mọc hướng Tây rồi!
Những quái y ta nuôi trong cung kia, ngày ngày đêm đêm đang chế ra trăm ngàn loại độc để độc chết Đại tướng quân dưới sự giám sát của chính y đó! Ngươi có mời y tạo phản, y cũng lười cho một cái nhìn thân thiện. Tạo phản cái lông nhà ngươi!
Hôm nay, Đại tướng quân hai mươi lăm tuổi. Hoàng đế trằn trọc không yên, quyết định ban chỉ tứ hôn cho Đại tướng quân thân yêu nhà mình với muội muội mình. Nhưng mà vừa tuyên chỉ được một nửa, Đại tướng quân đã cười gằn, rút đao kề ngay cổ Hoàng thượng. Y hỏi, hoàng thượng đã tìm ra cách giết thần chưa? Nếu chưa thì để thần tự tìm.
Nên mới thấy cảnh Đại tướng quân lạnh lùng chém đôi lệnh bài của mình. Nghe đồn cái lệnh bài đó có thể triệu tập toàn bộ quân lính của Hoàng đế thì phải. Đại tướng quân lạnh lùng vứt lại mũ quan. Nghe đồn, cái mũ quan đó do Hoàng đế tự ban, ngang ngửa với chức Tể tướng thì phải. Đại tướng quân lạnh lùng xoay người rời khỏi đại điện. Hoàng đế giận run người lệnh cho Cấm vệ quân bao vây lại. Hoàng đế cần một lời giải thích rõ ràng! Phản rồi, phản rồi!
Giữa thế giằng co, giữa khí áp như hàn băng của Đại tướng quân và Cấm vệ quân. Một tiếng vọng vang lên phá vỡ cục diện. Trước cửa điện có cái hồ sen rất rộng, rất đẹp. Mà giờ phút này, có một thân hình như vừa rơi từ ngọn cây cao cao xuống hồ sen đó. Nàng vất vả trèo lên bờ, ngơ ngác nhìn xung quanh. Thật ra nàng rơi từ không trung xuống, nhưng nhờ có ngọn cây um tùm nên mọi người mới không nghi ngờ.
Mọi người chỉ thấy, Đại tướng quân bất chợt xoay người, đi rất chậm rãi, đến trước mặt người nữ nhân đó. Vị nữ nhân đó nhìn thấy Đại tướng quân, mắt mở to tròn. Lao đến. Tát cho Đại tướng quân một cái thật vang. Hoàng đế và quần chúng vây xem há hốc.
Đô Sử nở nụ cười, ánh mắt ôn nhu, mặc kệ người nào đó đang hồng khóe mắt trừng mình. Hoàng đế và quần chúng vây xem kinh sợ. Phải biết từ trước đến nay, Đại tướng quân của bọn họ lười cho kẻ khác thấy cái nụ cười trăm hoa đua nở đó đấy. Không bao giờ.
Sau đó, nữ nhân đó vạch áo Đại tướng quân ra xem. Khụ, này...này... Hoàng đế và quần chúng vây xem hóa đá. Phải biết, từ trước đến nay trừ gươm đao độc dược, nói chung là những thứ có thể giết người mới có thể chạm vào Đại tướng quân thì người sống đừng mơ.
Nàng xác định từ vết bớt trước ngực người nào đó.
"Đô...Sử".
"Ừ".
Cấm vệ quân rơi đao, các vị, hồi thần hồi thần. Các vị đánh rơi đao kìa. Hoàng đế run rẩy. Phải biết, tên chữ của Đại tướng quân không ai biết đâu. Kể cả hoàng thượng.
"Ta không phải là Lê Như!"
Hoàng thượng chép miệng. Này cô nương, nói dối cần phải có thiên phú. Cô nương, cô bị loại ngay vòng đầu.
Đại tướng quân nhà bọn họ vẫn cười dịu dàng như thế, vẫn ôn nhu nhìn như thế. Giọng phải nói là cưng chiều đến cực điểm.
"Ừ".
Lê Như ủy khuất, uất ức, che kỹ bụng mình.
"Con không phải của chàng!"
"Ừ, của nàng."
Cấm vệ quân đồng loạt quay nhìn Hoàng đế, mắt đầy lên án. Ngươi đáng chết!
Hoàng đế oan ức, người ta không biết mà.
Thật ra, so với ủy khuất uất ức, nhiều hơn chính là không thể tin cùng hạnh phúc quá đỗi. Cứ ngỡ là sinh ly tử biệt, cứ ngỡ...Nhưng mà, thật may thật may.
Cho nên Lê Như bật khóc, lao vào đấm loạn lên ngực Đô Sử.
"Ta ghét chàng, ta ghét chàng, ta ghét chàng!"
"Ta yêu nàng là được"
Thái giám cười lạnh nhìn Hoàng đế.
"Bệ hạ, thánh chỉ cần tuyên nữa không?"
Hoàng đế ủy khuất. Ngươi xem, ngươi xé đôi thánh chỉ rồi. Ta còn bắt tuyên nữa thì cái mạng nhỏ chẳng phải liền mất sao.
Cái tát của Lê Như, cú đấm của Lê Như đã khiến Đại tướng quân nhà người ta bị thương, chảy máu kìa. Cơ thể bất tử không còn nữa.
Thì ra, tuyệt không thể chết. Là để chờ nàng.
----------------------------------------------------------------------------------------------End.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro