Chương 25: Cuối thu
Một đợt mưa thu lạnh lẽo bất ngờ tập kích, kéo thẳng từ Kinh đô tới tận Thanh Bình. Mưa to không ngớt suốt mấy ngày, bệnh tình của Tần Vương cũng theo đó mà trở nặng. Khoái mã từ Kinh đô muốn tới Phật Sơn trước hết phải thông qua Nguyên phủ ở Thanh Bình, lệnh triệu tập Thái tử đi gấp một đường, đến biên giới Thanh Bình mới chậm lại tốc độ.
Tạ Tịnh Sinh một câu 'Làm theo quy củ' liền đem lệnh triệu tập này trì hoãn tới 7-8 ngày, cẩn thận soi từng câu từng chữ trên mỗi tờ thông cáo ở từng trạm dịch, chỉ sợ có chỗ nào không được thỏa đáng, như này thì ngựa có nhanh đến mấy cũng thành chậm như lừa.
Ngoài hành lang, bóng người khoác áo choàng xanh đứng cầm quạt gõ lên lòng bàn tay theo từng nhịp tỳ bà trong lầu.
"Nếu ngươi không muồn cho người qua, trực tiếp lấy cớ chặn luôn không được à? Ỡm ờ thế này chẳng lẽ Thái tử không biết." Đứng bên cạnh là một người con gái mặc áo ngắn váy gấm, trên trán trơn bóng, tóc búi cao, đơn giản gọn gàng, tuy trang điểm như phụ nữ đã có chồng nhưng mặt mày vẫn vương nét dịu dàng của người thiếu nữ, trong lời nói có thể thấy được sự tươi sáng và bình tĩnh.
"Thì nếu thực sự ngăn cản, Thái tử cũng đoán ra được còn gì." Tạ Tịnh Sinh tung cán quạt lên trời, giây sau lại vững vàng đón lấy, hắn cười nói: "Hiện giờ hắn thật hận ta, chắc vấp một cái cũng đổ tại mặt đường Thanh Bình gồ ghề. Mưa thu lạnh lẽo lại buồn tẻ, ta tìm việc mua vui không được chắc. Yên tỷ tỷ, đừng quản."
"Khổ nhục kế lần này của Tần Vương có uy lực không nhỏ." Tiêu Yên khoanh tay, "Ta trốn còn không kịp, ai giống ngươi liều mạng xông lên, sợ Thái tử không có cách gặt đầu ngươi không bằng."
"Ta còn thích hắn hận ta ấy chứ." Tạ Tịnh Sinh mở quạt, biến giọng: "Thái tử Thái tử, nô gia đợi ngài~"
Tiêu Yên vội lui vài bước, "Ông trời của ta ôi, đại nhân ngài cũng mau tỉnh lại đi. Mưa lạnh thế này còn cầm quạt làm cái gì không biết." Nói xong lại cười, "Cũng phải, Thái tử chỉ hận mình ngươi, tốt nhất là không nhớ được vụ án kia do ai đứng ra điều tra trước."
"Không phải là chính ta hay sao?" Tạ Tịnh Sinh sờ cằm, nói: "Mấy ngày nay chỉ lo làm cho người ta ngột ngạt mà quên mất xử lý mấy chuyện, kể cũng đau tay."
Tiêu Yên thấy hắn không muốn nhắc tới liền từ bỏ, chỉ cười: "Vốn là nhánh cỏ đuôi mèo ở Thanh Bình, động vào kiểu gì chẳng đâm tay."
"Cỏ đuôi mèo." Tạ Tịnh Sinh vừa cười vừa lặp lại, "Này nói cũng đúng, ta chính là một là nhánh cỏ đuôi mèo ở Thanh Bình." Bãi sau lại cười, "Theo tiếng địa phương còn gọi là 'địa đầu xà'*."
*Xuất phát từ câu thành ngữ Cường long bất áp địa đầu xà - 强龙不压地头蛇 – (rồng cũng khó thắng được rắn địa phương –> phép vua thua lệ làng là đây).
Địa đầu xà phải ở trên mặt đất mới có thể thể hiện bản lĩnh, đáng tiếc bên này Tạ Tịnh Sinh còn chưa kịp làm gì, bên kia ông trời đã đổ nước xuống trước, ập thẳng vào bờ đê con sông ở Giang Đường - đất phong của Đường Vương. Đến đây thì phải nói Tần Vương đúng là xui, khổ nhục kế diễn khéo lắm, ấy vậy mà chẳng khéo bằng cơn mưa của ông trời. Nước lũ từ Giang Đường tràn xuống con sông nằm giữa Phật Sơn và Thanh Bình, nước sông dâng lên nhanh chóng, xâm lấn đất đai. Cũng may Tạ Tịnh Sinh và Tiêu Yên đã sớm cho dân cư hai bên bờ lùi xa vài dặm từ mấy ngày trước, ruộng lúa hoa màu cũng thu hoạch xong xuôi, tuy ngập lụt nhưng không có thương vong.
Chuyện thế này cũng không phải lần đầu, năm kia mưa to vỡ đê lũ lụt cũng hưởng không nhỏ tới ruộng đất Thanh Bình. Năm nào Tạ Tịnh Sinh cũng dâng tấu với hy vọng Kinh đô sẽ phái người tới tu sửa đê điều ở Giang Đường, nhưng chẳng biết vì cớ gì mà bản thân Đường Vương lại chẳng hề lên tiếng, Kinh đô thì cứ lần lữa mãi.
Tin tức vừa đến tay Tạ Tịnh Sinh, nam nhân giây trước còn dựa trên ghế đọc truyện, giây sau đã ném sách nổi trận lôi đình.
"Lão tử biết ngay là sẽ thế này mà!" Hắn đốt thư, cười lạnh: "Đường Vương ăn nhiều cơm quá à? Năm ngoái mở miệng nói một câu với Trung Thư Tỉnh sẽ khiến lão nghẹn chết chắc? Có giỏi thì tự bỏ tiền túi ra mà làm, không được thì câm mồm vào đợi ông kêu Kinh đô sai người đến sửa cho xong. Năm nào cũng tràn vào ruộng của ông, năm nào cũng thế! Lão còn muốn làm việc kiểu này cẩn thận có ngày ông thiến chết!"
"Tạ Tịnh Sinh!" Tiêu Yên trách mắng: "Ngươi bực mình thì bực mình, nói cái gì đấy hả!"
Thường ngày Tạ Tịnh Sinh giận mau tiêu cũng mau, nhưng lần này thì khó mà tiêu được. Hắn vì chuyện này mà năm ngoái hao hết bao nhiêu tâm tư. Thanh Bình chỉ có một con sông này, đê đập tu bổ được tốt thì ruống đất mới thu hoạch tốt được, bách tính cũng được sống yên ổn. Nhưng từ lúc đê đập Giang Đường bị vỡ, hàng năm cứ đến mùa mưa là lại có chuyện. Con đê Giang Đường chính là một cây đao treo trên đầu Thanh Bình, mạng lưới sông ngòi ở Giang Đường dày đặc, đê này sập đập kia sụp mà cứ không tu bổ, nhỡ có một ngày vỡ hết thì sao? Chẳng những Giang Đường gặp nạn, Thanh Bình cũng chịu tội!
Tạ Tịnh Sinh nén giận, "Dâng sớ lên Kinh, ngay lập tức! Cứ nói đê sắp sụp cmnr! Kinh đô nếu không cho người đến sửa, lão tử lôi Đường Vương ra đánh đến khi nào sửa được thì thôi! Hoàng Đế mấy hôm trước không phải nhớ con à, tiếp ngay lão vương bát đản này về đi, đừng ở đây kiếm chuyện với ông!" Dứt lời hắn liền đi ra ngoài kêu ngựa, mang theo đoàn người đội mưa thẳng tiến bờ sông.
Ngớt mưa thì tốt chứ mưa mãi không ngừng thế này thì sông to đến mấy cũng không gánh được mạng lưới kênh rạch của Giang Đường, đến lúc lũ tràn vào bờ thì người cũng không có chỗ mà di cư!
Lại nói Tạ Tịnh Sinh nén giận mà ra sông, tấu sớ thì bay nhanh đến Kinh đô. Hoàng Đế đem chuyện ra hỏi, chỗ Bách Cửu tất nhiên là nhấn mạnh vào tính nguy hiểm của vấn đề. Chỉ là đê đập Giang Đường vẫn tốt cho tới bây giờ, mười mấy năm nay chưa một lần xả ra đại họa, Thanh Bình hàng năm đều di cư kịp thời, nước lên một tháng rồi thôi, trong triều tự thấy không phải vội.
Trung Thư Tỉnh – Chiếu Ma đưa ra ý kiến đầu tiên: "Tạ đại nhân năm nào cũng dâng sớ, nếu không phải lửa sém lông mày, việc gì phải kiên trì đến bây giờ? Huống hồ Thanh Bình và Giang Đường có khí hậu tương đồng, ngập lụt tuyệt không phải việc nhỏ. Y thần ý kiến, trong triều tất nhiên là nên tu bổ đê đập Giang Đường để phòng ngừa vạn nhất."
Bên kia Tham Nghị lập tức nói: "Nếu như thật sự là lửa sém lông mày, Tạ đại nhân thân là địa phương Bố Chính Sứ, công việc tài chính đều có thể làm chủ, làm gì hàng năm phải hướng trong kinh mở miệng?"
Chiếu Ma trước hết là sửng sốt, ngay sau đó Quang Lộc Tự Thiếu Khanh cười lạnh nói: "Đại nhân lời ấy sai rồi, trái lại còn chưa bao giờ nghe qua có một phương Bố Chính Sứ lại ra tiền tu bổ đê điều cho đất phong của Phiên vương. Tạ đại nhân chủ sự Thanh Bình chứ không phải Giang Đường!"
Tham Nghị không lùi, tiếp lời: "Vừa không phải chủ sự quản hạt, làm gì nhúng tay vào chuyện người ta? Đường Vương điện hạ nếu quả thật có cảm giác không ổn, tự nhiên sẽ thượng tấu triều đình, không cần người khác lanh chanh."
Vị Chiếu Ma này chức vị tuy thấp nhưng thật sự lo lắng đến tình hình thiên tai lũ lụt, nói tiếp: "Cổ nhân có câu 'Phòng hoạn vị nhiên*' không phải là lời nói suông, hiện nay chưa xảy ra chuyện gì không có nghĩa là vẫn an ổn, 'Cư an tư nguy' (trong thời bình phải nghĩ đến thời loạn) mới là việc người quân tử nên làm. Giang Đường, Thanh Bình đều là khu vực trọng yếu của quốc gia, là kho lúa của đất nước, nếu gặp phải thiên tai sẽ liên lụy đến ngàn vạn bách tính. Việc này những mong Bệ Hạ cân nhắc!"
*Phòng hoạn vị nhiên: Ý nói rủi rõ hoặc tai hoạ chưa xảy ra nhưng hãy áp dụng biện pháp ngăn chặn trước.
Tham Nghị lạnh mặt, hiển nhiên là nửa chữ không nghe lọt. Vấn đề này năm nào cũng phải tranh luận một phen, Hoàng Đế cảm thấy chán nản vô vị, chỉ muốn phát ít bạc cho có rồi thôi. Nào ngờ Ngài còn chưa kịp mở miệng, bên dưới Hạ An Thường đột nhiên lẫm liệt bước ra.
"Thần tán thành." Hắn thanh lãnh ngẩng đầu, ánh mắt nghiêm túc, "Phòng lũ không thể không gấp, đê đập Giang Đường bao năm rồi chưa được tu mới, dẫu có làm bằng sắt cũng không trụ được. Nếu sông đầy mà mưa còn chưa dứt, việc này chính là lửa sém lông mày. Nhưng chuyện tu sửa cũng không thể tùy ý, ngân sách dự chi cũng không thể qua loa. Năm rồi chỉ có Tạ đại nhân thượng tấu, ta còn chưa tận mắt nhìn thấy. Năm nay thần xin được xuống vùng Giang Đường, lấy đó làm tình báo tài chính. Không biết ý bệ hạ thế nào?"
Hoàng đế chần chờ, "Cần phải xuống dưới đó hả?"
"Nên." Hạ An Thường buông mi.
"Một khi đã như vậy." Hoàng Đế gật đầu, "Vậy liền giao cho Như Hứa điều tra nghe ngóng, nếu là cấp bách, lập tức phòng tu."
Hạ triều, Hạ An Thường đứng dưới bậc thềm, gặp Bách Cửu đi qua, nhân tiện nói: "Bình Định Vương."
Bách Cửu dừng bước, quay đầu mỉm cười, "Hiếm thấy."
Hạ An Thường mặt không đổi sắc, chỉ nói: "Chuyện đê đập ở Giang Đường đã gấp đến như vậy, Tạ đại nhân chẳng lẽ không viết thư nhờ cậy Bình Định Vương hay sao?"
"Tạ Tịnh Sinh từ trước đến nay đều không nhờ vả ai." Bách Cửu nghiêng người, tay chuyển ngọc bội, chậm rãi nói: "Hắn tuy không ló đầu trong Kinh, nhưng một Thanh Bình vẫn xử lý được. Cái gọi là nước đến đất ngăn, nếu hắn cứ chờ mong Kinh đô cho tiền tu đê, Thanh Bình đã sớm ngập trong biển nước." Dứt lời liền tiếp tục đi xuống, thản nhiên nói: "Cái tâm vì dân, ta không bằng hắn. Hạ đại nhân, được rồi chứ."
Hạ An Thường kinh ngạc.
Vừa lên xe ngựa liền thấy Tân Dịch đưa lò sưởi lại đây, Bách Cửu đơn giản bao lấy cả tay người, cười bảo: "Sao lại đến đây đón?"
"Mưa to." Tân Dịch cũng cười, lại nói: "Chuyện tu đê thế nào rồi?"
"Ổn." Bách Cửu uống canh gừng trên tay y, khẽ nhíu mày, "Không thể kéo dài thêm nữa, nào có đê đập năm nào sụp như thế? Lần này Tạ Tịnh Sinh đã bị ép đến giới hạn, còn không tu đê, Đường Vương cũng đừng mong sống yên qua ngày."
"Ta ở Sơn Âm cũng nghe tới việc này." Tân Dịch nói: "Nếu không nhờ Tạ đại nhân nhanh chóng mở rộng hệ thống thủy lợi ở Thanh Bình, chỉ sợ dòng sông cũng không giữ nổi một năm. Mà vấn đề lợi hại được mất trong này, Đường Vương phải là người rõ nhất mới đúng, vì sao chẳng hề lên tiếng?"
Bách Cửu nhếch môi khẽ cười, mắt dài lại hết sức lạnh lùng, "Vài năm nay hễ có Phiên vương xuất đầu là bị Hoàng Đế xử lý, Đường Vương còn hận không thể giả chết mà co đầu rút cổ tại đất phong một đời không thấy phụ hoàng nhà hắn ấy chứ, lại còn dám mở miệng đòi tiền?"
Tân Dịch nhớ lại, "Vị Hoàng thúc này...... nhớ là trước đây cũng không phải như vậy."
Tất nhiên không phải, cái gọi là 'giả heo ăn hổ', càng co đầu rụt cổ lại càng mưu tính sâu xa. Không thấy trong sáu phiên vương chỉ có mỗi hắn là còn yên ổn nơi đất phong đấy à.
Bách Cửu nhẹ nhàng vuốt ve tóc y, "Nếu ngươi về Bắc Dương." Nói xong lại cười, "Nhớ đừng để ý đến hắn."
Tân Dịch nghiêm túc gật đầu, Bách Cửu bị y chọc cười, cười cười một lúc rồi thôi không nhắc lại nữa.
_______
Chưa qua bốn ngày, Hạ An Thường đã chạy tới sông lớn.
Mưa còn đang rơi, Tạ Tịnh Sinh không dám rời một bước, mấy ngày nay đều ngụ ở căn nhà gỗ đơn sơ dựng tạm bên bờ sông, không có giường phải ngủ trên băng ghế, may mà hắn da dày thịt béo, buổi tối không lo ngã. Vừa chợp mắt còn chưa kịp vào giấc đã bị bên ngoài gọi dậy, hắn không dám chủ quan, nhìn chằm chằm vào mặt nước đang dần dâng lên.
Hôm nay mưa to như trút nước, đập vào người phát đau, Tạ Tịnh Sinh cùng một tốp thợ đứng trong bùn vận chuyển gỗ để gia cố đê điều. Ba ngày nay hắn chỉ ngủ được hai canh giờ, lúc này hai mắt đỏ ngầu, râu ria lởm chởm. Công tử phong nhã cái gì đều vứt hết, chỉ còn áo vải nước bùn, cặn đất cứ một tầng lại thêm một tầng.
Hạ An Thường xuống xe, quan sát một hồi nhưng chẳng thể phân biệt được đâu là Tạ Tịnh Sinh. Mãi tới khi có người hô "Tạ đại nhân" với một 'pho tượng đất' đứng trong nước, y mới biết đó là Tạ Tịnh Sinh.
Người gọi Tạ Tịnh Sinh là một cụ già mặc áo vải bố, cắp theo giỏ trúc đi trên bờ phát đồ ăn, gọi Tạ Tịnh Sinh lên ăn chút gì đó. Nhưng Tạ Tịnh Sinh lại không trả lời, Hạ An Thường thấy ván gỗ trên vai hắn bỗng trượt xuống nước, người ngã ngửa về sau.
Hạ An Thường hoảng hồn, sau lưng như bị ai đạp một cái. Cụ già sợ hãi kêu lên, ngay sau đó vị công tử tuấn tú ăn vận sạch sẽ mới vừa xuống xe đột nhiên đẩy người ra chỗ khác, nhanh chóng lao tới bờ sông, nhảy xuống không chút đắn đo, tay mò mẫm trong nước miệng hô lớn: "Tạ Tịnh Sinh!"
Mưa quá lớn, đánh thẳng vào mặt, chính Hạ An Thường còn không nghe rõ tiếng kêu của mình, vừa tìm vừa gọi: "Tạ Tịnh Sinh!" Khẩn trương tới mức tay cũng phát run, Hạ An Thường ở trong nước không sờ thấy người, sợ hắn bị nước cuốn đi mất, lại càng kích động hơn.
Nào ngờ nơi thắt lưng bỗng bị siết chặt, nam nhân ôm lấy y từ phía sau, kéo người về phía bờ mương, mắng: "Đầu óc ngươi bị úng nước à! Xuống nước làm cái gì!"
Hạ An Thường chỉ là thư sinh, nào có thể giãy khỏi vòng kìm cặp của hắn, bị hắn kẹp bên nách lôi lên bờ. Y bất chấp những thứ khác, xoay người túm lấy cổ áo đầy bùn cát của kẻ nọ, nổi giận: "Ngươi đang làm cái gì?"
Tạ Tịnh Sinh sửng sốt, lúng túng trả lời: "Rửa mặt a."
Lồng ngực Hạ An Thường hãy còn đập thình thịch, hô hấp dồn dập mà đẩy kẻ điên này ra, đứng lên rồi cho kẻ nọ một cái liếc sắc lẻm, thấy hắn chuẩn bị đứng dậy liền hừ lạnh một cái rồi phất tay áo quay đầu đi thẳng.
Tạ Tịnh Sinh ngẫm lại, khóe miệng trước hết nở rộ, sau đó chống lên mặt đất ngửa đầu trong màn mưa mà cười to, lớn tiếng nói với Hạ An Thường với một thân bùn nước tí tách: "Hạ An Thường!"
Hạ An Thường không cẩn thận bị ván gỗ nằm ngổn ngang dưới đất làm cho lảo đảo, nghe tiếng cười của hắn mà cảm thấy bản thân như kẻ điên.
"Hạ An Thường!" Tạ Tịnh Sinh thấy thế vội vàng bò dậy đuổi theo, "Ngươi đừng chạy!"
"Cút!"
"Này không phải đã đến rồi sao." Tạ Tịnh Sinh kéo lấy ống tay áo của y, tiện thể lau mặt, nói: "Ở chỗ nào vậy? Trời mưa to xe ngựa cũng không đi đâu được, dính mưa thế này sớm muộn cũng nhiễm phong hàn mất thôi."
Hạ An Thường chưa bao giờ gặp phải người nào vô liêm sỉ như thế, tay áo không giật về được, Hạ công tử cả đời chú ý quân tử đoan túc giờ phút này dứt khoát nhấc chân đạp sang bên cạnh. Tạ Tịnh Sinh cũng không giận, thuận thế ôm lấy chân người, nói: "Hay lắm họ Hạ, dám đánh quan địa phương."
"Cút!" Hạ An Thường tránh không thoát, một chân đứng không vững phải nhảy lò cò. Tạ Tịnh Sinh lập tức xuôi theo mà đỡ lấy eo y, săn sóc mà rằng: "Cút thì cút nhưng trước hết vào nhà đã nhé? Xong ta cút cho ngươi xem."
Hắn cười, răng trắng mặt đen.
Hạ An Thường vốn đang nghiến răng nghiến lợi, thấy bộ dạng này của hắn, đột nhiên mắng không ra lời.
Mưa to như trút, y mơ hồ cảm thấy chính mình xong rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro