Chương 04: Thu dây thừng
Chương 04: Thu dây thừng
Nhưng khoảnh rừng tuyết bột kia đã mãi mãi biến mất, cũng như cái người bên cạnh anh ngày ấy vậy.
⋆。˚ ☁︎ ˚。⋆。˚☽˚。⋆
British Columbia.
Sau trận bão tuyết, sương mù bao phủ khắp núi Whistler Blackcomb, độ cao đóng băng(1) hạ xuống 3,300 feet; tuyết cao đến nửa đầu gối, dày và mềm. Bên ngoài con đường mòn trên núi Blackcomb, mặt trời vẫn chẳng thể xua tan đi làn sương dày đặc, tầm nhìn rất hạn chế. Ngoại trừ điều đó, đối với bộ môn trượt tuyết bột(2) ngoài đường trượt mà nói, đây quả thực là thời điểm hoàn hảo.
(1) Độ cao đóng băng là độ cao mà ở đó nhiệt độ bằng 0°C. Độ cao đóng băng càng thấp thì núi càng lạnh.
(2) Trượt tuyết bột là hoạt động trượt tuyết trên mặt tuyết nhẹ và xốp hơn là những con đường trượt đã được làm phẳng.
Hai bóng người mặc đồ trượt sáng màu đang chậm rãi di chuyển về phía địa hình cao hơn. Chẳng mấy chốc, bọn họ đã lên tới đỉnh cao nhất.
"Đến chỗ này thôi, nếu leo tiếp thì... Bên trên cũng không có gì hay ho hơn đâu, đã vậy còn nguy hiểm nữa." Trì Vũ nói và tháo splitboard.
Cũng như tên gọi của nó, cái gọi là splitboard là một tấm ván đơn có thể tách ra từ giữa để biến thành hai miếng ván rời. Khi trượt trên đường mòn thì có thể dùng hai ván nhằm tiết kiệm sức lực và thời gian, đến đỉnh núi rồi lại gắn hai miếng vào thành ván trượt đơn truyền thống, tận hưởng sức nổi của tuyết bột(3).
(3) Để hiểu rõ đoạn này, mình nghĩ mọi người nên phân biệt hai khái niệm "skiing" và "snowboarding". Snowboarding, hay trượt ván trên tuyết, là bộ môn dùng một tấm ván lớn để trượt với cả hai chân.
Snowboarding
Còn skiing thì là trượt trên tuyết bằng hai tấm ván nhỏ cách biệt cho hai chân.
Skiing
"Cậu muốn trượt xuống từ đây à?" Đi cùng anh là người bạn tốt đến từ trại huấn luyện trẻ, một cậu chàng người Canada sinh ra và lớn lên ở miền Đông. Cả hai đã dậy từ tận bốn giờ sáng, cầm theo trang thiết bị vào trong núi.
"Ừ, tôi đang luyện trò này." Trì Vũ vô cùng kiên quyết, anh ghép hai miếng ván vào nhau. Gió buổi sáng rất to, anh nghe không rõ lắm nên giơ tay ra hiệu "Tôi đi trước".
Đoạn đầu rừng dốc hết sức, khoảng chừng 45 độ, mang lại cảm giác tương tự như đang nhảy vực. Trì Vũ nghiêng người dồn trọng tâm xuống, ván trượt cũng lướt theo trọng tâm của anh. Vì tính đến kiểu địa hình mình muốn thử nên tấm ván anh dùng ngày hôm nay không dài lắm, chủ yếu nhằm vào sự linh hoạt. Sau khi đã dồn trọng tâm, anh nhanh chóng xoay người, liên tục tạo ra chuỗi ngoặt hình chữ S. Hai lưỡi ván dính chặt lấy nhau hệt một chiếc lò xo nhỏ, không ngừng gây áp lực để giảm sức ép.
Trượt tuyết tự do cũng chia thành nhiều loại, Trì Vũ còn chơi cả bộ môn big air và slopestyle(4), thậm chí năm 17 tuổi anh đã giành chức vô địch nội dung big air của giải X Games. Ấy vậy, về sau anh lại chọn trở thành một vận động viên trượt tuyết nơi núi hoang, quanh năm lao mình trên tuyết bột tại nhiều khu nghỉ dưỡng ở Bắc Mỹ, nhảy xuống khỏi vô vàn vách đá tại các vùng trượt tuyết hẻo lánh chưa được khai thác nằm ngoài khu vực quy định. Người ta thường bảo núi lớn là điểm dừng chân cuối cùng của dân trượt tuyết, và điều đó đúng thật là như thế. Anh thích những biến hoá khôn lường hơn là các thử thách có giới hạn.
(4) Slopestyle là trượt ván trên tuyết hoặc trượt tuyết tự do bao gồm việc thực hiện nhiều động tác nhào lộn khác nhau trong khi vượt qua đường dốc có đường ray để trượt và đường dốc để nhảy. (Nguồn: Zim Dictionary)
Đường trượt slopestyle
Big air cũng khá tương tự slopestyle, nhưng thường chỉ bao gồm một cú nhảy cao và đường trượt cũng sẽ dốc hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều. Có thể nói big air là phiên bản nâng cấp của slopestyle.
Big Air Shougang, nơi diễn ra cuộc thi trượt tuyết tự do Olympic Bắc Kinh 2022
Giống như khu vực trước mặt này vậy. Đã trượt trong rừng thì không được phép phạm lỗi, chỉ cần bất cẩn một chút thôi, góc cua quá nhỏ, quá lớn hay rẽ quá sớm, quá muộn thì kết quả đều là đâm vào cây cả. Riêng về độ dốc của rừng thì phải thêm từ "lớn" ở đằng sau. Song, đối với Trì Vũ ấy à, một khi gắn ván trượt vào và cài bộ phận binding(5) là đã quyết định làm tới cùng rồi. Anh không thích chừa cho mình đường lui.
(5) Bộ phận binding là bộ phận trung gian dùng để gắn chặt chân vào ván trượt.
Hoàn cảnh càng khắc nghiệt, yêu cầu về thể chất và tinh thần càng cao thì việc tập luyện càng hiệu quả. Anh không có đủ điều kiện để mỗi ngày đi trực thăng tới những vùng tuyết bột tự nhiên, bởi vậy các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và những con đường mòn nằm ngoài đó chính là nơi tập luyện tốt nhất anh có thể tự đi bộ đến được.
Nhờ Trì Vũ đi trước mở đường, để lại những vết hằn sâu, người phía sau đã có thể trượt ngon lành như đang ngồi xe đạp, không gặp khó khăn trong việc lựa chọn tuyến đường mà lao xuống rất thuận lợi.
Đoạn đường bên dưới thoải hơn rất nhiều nên hai người tự mình trượt, bọn họ giữ nguyên đội hình một trước một sau và trượt với tốc độ nhanh khiến trong rừng rít lên tiếng gió. Phóng xuống rừng cây phủ đầy tuyết thế này làm xương cốt cả người thoải mái hẳn. Ấy vậy, lúc sắp tới đích, Trì Vũ đột nhiên phanh gấp trước một gốc cây.
"Từ từ đã!"
"Sao thế?" Người bên cạnh cũng lập tức dừng lại.
Trì Vũ trông thấy chút sắc đỏ. Nom không giống một con thú nhỏ bị kẹt dưới tuyết lắm, bởi lẽ chẳng loài nào có màu tươi đến vậy trong giới động vật, lại càng chẳng phải dụng cụ ai đó đánh rơi, mà là...
Tấm ván màu đỏ đặc trưng của hãng Korua.
"Có người bị vùi! Mau tới giúp tôi một tay!"
"Anh ổn chứ? Nói câu gì đó đi!" Tuyết vừa ngừng rơi, mấy lần trượt ngoài đường piste ở mức độ này là anh đều phải mang theo bộ dụng cụ cứu hộ tuyết lở gồm ba thứ, trong đó có một cái xẻng xách tay được.
Trì Vũ nhanh chóng tháo binding, lật ván trượt tuyết lại rồi đặt ở vị trí cao hơn, đoạn cởi ba lô đeo trên người, mau lẹ lắp chiếc xẻng và bắt đầu đào.
Người kia bị chôn ngược đầu xuống, chỉ có ván trượt tuyết lộ bên ngoài; chân anh ta không ngừng chuyển động, rõ ràng là không thoát ra được. Đây là kiểu bị vùi trong hố cây điển hình. Sau khi tuyết đông lại, xung quanh thân cây sẽ hình thành một hố sâu. Đến lúc đợt tuyết mới rơi xuống, toàn bộ hố sẽ bị lấp đầy, từ bên ngoài nhìn vào rất khó đoán được độ sâu.
Cả hai dồn hết sức lực đào chừng hai, ba phút, để rồi cuối cùng cũng lôi được người bị mắc kẹt trong hố ra ngoài.
"Anh không sao chứ?" Trì Vũ lớn tiếng hỏi, anh bước tới tháo kính chắn tuyết hòng kiểm tra tình trạng của người nọ.
Người bị chôn vùi kia đang khó chịu vì ngạt thở. Gò má sưng tấy, anh ta gắng hít vài hơi rồi mới bảo mình không sao. Ngọ nguậy mất một lúc, vậy mà anh ta lại gọi được tên của Trì Vũ: "Trì Vũ, huấn luyện viên Trì, là cậu đấy à? Hay là tôi gặp ảo giác?"
Trì Vũ nhìn kĩ hơn, đoạn ngẩn người: "Trương Thần Kiêu?"
Nếu nhắc tới những người đủ giàu để hằng ngày đi trượt tuyết bằng máy bay trực thăng thì chắc chắn phải có mặt Trương Thần Kiêu. Anh chàng ham mê trượt ván trên tuyết này năm nay gần 30 tuổi, bởi ban ngày không phải làm việc nên hôm nào anh ta cũng lên núi trượt tuyết. Trì Vũ đã quen quá nhiều người như vậy. Anh ta dùng loại ván trượt tuyết bột đắt nhất bên Korua, trên mũ còn gắn camera hành động của GoPro.
Trong đám con cháu thuộc giới siêu giàu, Trương Thần Kiêu thật ra rất giỏi trượt tuyết, mùa xuân năm ngoái anh ta còn học hai khoá với Trì Vũ. Có lẽ vì Trì Vũ mắng anh ta quá nặng nề nên về sau anh ta không liên hệ anh nữa.
Trương Thần Kiêu dần hồi sức lại và bảo rằng mình vẫn ổn, nhưng Trì Vũ đã đỡ anh ta xuống chân núi để kiểm tra cơ thể.
"Trượt một mình ngoài đường piste quá nguy hiểm, đã vậy anh còn không mang theo bộ dụng cụ cứu hộ tuyết lở. Tuyết mới dày như thế, anh lại không quen con dốc này, chỉ vì quay video thôi mà không muốn sống nữa đúng không..." Trì Vũ liên tục bắn tiếng Trung để giáo dục lại Trương Thần Kiêu về vụ tuyết lở.
Tới khi hai người leo lên đỉnh một lần nữa, đã có rất nhiều người tụ tập tại khu vực chưa được khai thác nọ. Rừng cây cũng không còn được như trước, khiến anh có chút tiếc nuối.
"Dù sao thì cũng cứu được một mạng người, coi như là một buổi sáng tốt lành đi vậy." Người bạn bên cạnh nói đầy lạc quan.
Trì Vũ đã trút hết những gì mình muốn nói trong ngày hôm nay rồi. Sau đó, mặc kệ người bên cạnh có lải nhải cái gì đi chăng nữa, anh cũng chỉ "Ừm" một tiếng.
"Đây là rừng tuyết hoang tôi thấy trượt thích nhất đấy." Cậu bạn vẫn hỏi ý kiến của anh, "Cũng là top 1 của cậu chứ?"
Trì Vũ sững người trong chốc lát rồi mới trả lời: "Đúng là thích thật, nhưng không phải thích nhất."
Người bên cạnh ngạc nhiên: "Có chỗ nào cao hơn, thoáng hơn..." Nói đoạn, đầu óc chợt thông suốt, anh ta bèn đoán, "Hẳn là Revelstoke nhỉ, cùng người bạn lúc đó của cậu."
Trì Vũ lại "Ừ" một tiếng.
Cách đây vài năm, anh đã trải qua một mùa tuyết dài ở Calgary. Tuy bản thân Revelstoke không cao như ngọn núi này, cũng chẳng thông thoáng bằng nhưng đó lại là tuyến đường mòn mà Lương Tập Xuyên thích nhất. Do nó nằm giữa hai con đường chính nên được cậu gọi là rừng Đường Tắt.
Suốt cả đời mình, Lương Tập Xuyên luôn là con ngoan trò giỏi, nhưng chỉ khi rời khỏi gia đình, chạy đến khu trượt tuyết thì cậu mới dám đi đường tắt.
Rốt cuộc trượt tuyết cũng là môn thể thao của con người, cái thắng thế cuối cùng không phải số liệu mà là cảm giác choáng ngợp trong nháy mắt. Trì Vũ cảm thấy thế giới của anh hồi ấy đơn giản hơn rất nhiều. Khi ánh hoàng hôn lướt qua rừng cây, anh sẽ cùng người bên cạnh trượt xuyên khu rừng nhỏ nằm ngoài đường trượt, một trước một sau, bỏ lại toàn bộ những thứ không liên quan đằng sau lưng. Càng về sau, anh càng trượt tốt dần, đổi sang dùng tấm splitboard nhẹ và có sức nâng tốt hơn, nhưng khoảnh rừng tuyết bột kia đã mãi mãi biến mất.
Cũng như cái người bên cạnh anh ngày ấy vậy.
❆
Thác băng Thiên Tiên, Mật Vân, Bắc Kinh.
"Vị trí đặt camera của tôi có thể thấp hơn một chút. Mọi người cứ sắp xếp lộ trình đi, không cần phải lo cho tôi đâu, dây của tôi đủ dài mà." Cầm bộ đàm, Lương Mục Dã hô với bên dưới, "Số một dịch xuống tí nữa, chú ý toàn cảnh nhé."
Tới nơi rồi, Lương Mục Dã mới biết mình là lốp dự phòng cho một nhiếp ảnh gia tên Triệu Nham. Triệu Nham là một thợ chụp ảnh nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh thương mại ngoài trời hai năm gần đây, y đã giành được đủ loại giải thưởng lớn nhỏ khác nhau. Tuy Lương Mục Dã chỉ là người thế chỗ y, nhưng bàn về việc leo núi hoang, số tuyến đường hắn đã trèo còn nhiều hơn lượng cơm Triệu Nham từng ăn.
Bởi nhiệm vụ được giao là chụp toàn cảnh nên Triệu Nham tính dựng tripod(6) và sử dụng ống kính tilt-shift(7) để chụp từ dưới đất lên. Y viết kế hoạch ban đầu của mình vào một tờ giấy, trợ lí cũng đã tới, thậm chí mọi thiết bị đều đặt ở đây hết rồi, chỉ thiếu mỗi bước thực hành mà thôi.
(6) Tripod là dạng chân máy ảnh có 3 chân trụ.
(7) Ống kính tilt-shift là ống kính khiến các đối tượng trong ảnh bị thu nhỏ lại như chụp mô hình, đồ chơi.
Đến nơi, Lương Mục Dã xem bản kế hoạch trợ lí đưa cho mình. Sau hai phút đồng hồ, hắn vo viên tờ giấy kia rồi ném vào túi đựng rác tái chế.
Trợ lí của Triệu Nham và tổng giám đốc Trịnh – người phụ trách đón tiếp ngơ ngác nhìn nhau.
Lương Mục Dã bảo: "Tôi có thể leo núi, vậy tại sao không leo núi chụp?"
"Để chúng tôi lấy thiết bị..." Tổng giám đốc Trịnh Thành Lĩnh cũng là một người đam mê leo núi. Nghe hắn nói vậy, ông lập tức mở nắp thùng xe bán tải, bắt đầu kiểm kê các loại dụng cụ.
Lương Mục Dã cũng đi sang với ông: "Có dây tĩnh chứ?"
"Khoảng 80 mét."
"Dây khô(8) à?"
(8) Dây khô là loại dây thừng có khả năng chống thấm nước cao. Cần phải dùng loại dây này nếu tới những nơi có môi trường ẩm ướt, chẳng hạn như khi leo núi băng.
"Phải."
"Vậy là đủ rồi. Thác băng kia cao có 115 mét, tôi sẽ leo lên trước và ném dây xuống từ bên trên. Thiết bị kẹp dây thì sao?" Dù chỉ tạm thời thế chỗ nhưng có lẽ cả đời này hắn sẽ chẳng bao giờ quên được số liệu về thác Thiên Tiên.
"Chỉ có loại cố định tay chứ không có loại cố định ngực. Cũng có một cái cho chân nữa, nhưng chỉ được một bên chân thôi..." Tổng giám đốc Trịnh vừa kiểm đồ vừa toát mồ hôi, "Xin lỗi, tôi không ngờ cậu lại muốn leo lên thác. Đây là những thứ còn sót lại từ dự án trước của tôi, cậu kiểm tra lại một lần nữa xem."
Lương Mục Dã không mấy để bụng, hắn đáp: "Cái cho tay là đủ, tôi chỉ cầm con 1D thôi chứ có đi xây nhà đâu."
Triệu Nham định sử dụng Canon C300 kèm ống kính 90mm rồi chụp ở trạng thái đứng im. Lương Mục Dã thì toan dùng Canon 1D nơi vách băng, hắn tự treo mình trên sợi dây tĩnh và chụp ở cùng một độ cao với các tuyển thủ. Đồng thời, trợ lí có thể dùng máy C300 đã được lắp đặt sẵn để chụp toàn cảnh từ dưới mặt đất. Ai hơn, ai kém là sẽ biết được ngay.
Buổi sáng ngày đầu tiên, hắn tốn hai tiếng để thiết kế hệ thống dây thừng và kiểm tra vị trí camera. Nhờ thời tiết đẹp nên cả ánh sáng lẫn ngọn núi đều trong điều kiện tốt. Kết thúc buổi chụp, hắn đã đáp ứng được yêu cầu thương hiệu đưa ra.
Xem ảnh chụp, Trịnh Thành Lĩnh phấn khích đến nỗi cởi cả áo nỉ giữ ấm, đoạn đập vào vai hắn: "Vẫn phải nhờ Mục Dã của chúng ta rồi. Năm ấy cậu là người đầu tiên quay cảnh trèo băng ở Mật Vân nhỉ. Tôi lấy được bản DVD bộ phim tài liệu lúc đó của cậu – 'Đời người như ngọn núi' từ chỗ một người bạn, xem đi xem lại tận mười mấy lần..."
Đương nhiên là Lương Mục Dã biết chứ. Hắn đã quay vài thứ gần như ở cùng một chỗ với thác băng này mười năm về trước. Hồi đó là lần đầu tiên Chung Ngạn Vân thử trèo lên thác băng cao nhất tại ngoại ô Bắc Kinh mà không cần đồ bảo hộ. Chung Ngạn Vân khi ấy 26 tuổi, còn hắn thì vừa vào học khoa Nhiếp ảnh và chỉ mới 20 tuổi. Giờ xem lại, có thể nói nó thật điên rồ.
Ban đầu, phía công ti muốn nhờ Triệu Nham nhưng y lại bỏ dở giữa chừng vì có việc. Thế rồi, chó ngáp phải ruồi, Trịnh Thành Lĩnh mời được Lương Mục Dã, người mà theo ông là khó mời hơn Triệu Nham gấp trăm lần.
Hôm sau, thời tiết nóng hơn đôi chút khiến một phần băng bị tan. Tuyến đường đã được lên kế hoạch ngày hôm qua gần như biến mất chỉ sau một đêm, thành thử cả ê kíp phải làm lại hết từ đầu. Lộ trình chụp của Lương Mục Dã cũng bị thay đổi theo, thậm chí hắn còn phải rút ra lắp lại những điểm cắm chốt nối với thiết bị kẹp dây một lần nữa. Ấy vậy, mọi người trong đội quay chụp chẳng buồn để tâm đến những điều đó, bọn họ đều bảo nhau rằng đây mới là điểm thú vị của trò leo băng.
Lương Mục Dã đội mũ bảo hiểm và trang bị đầy đủ mọi thứ. Nước băng tan chảy từ trên xuống làm khu vực gần vách băng như đang có mưa, bản thân hắn cũng chảy mồ hôi nhiều tới độ cả chiếc mũ bảo hiểm ướt sũng. Mãi đến khi mặt trời lặn, tổng giám đốc Trịnh mới vung tay ra hiệu dừng công việc. Sang ngày thứ ba thì không cần chụp nữa, bọn họ bèn mời Lương Mục Dã cùng leo tuyến đường mới.
"Lâu lắm cậu không tới chỗ này nhỉ? Gần đây tôi được xếp thứ bậc rồi đấy, cấp WI3(9)..."
(9) Water Ice (WI): dùng để chỉ cấp bậc leo băng. Cấp cao nhất rơi vào khoảng WI6 hoặc WI7.
Cười xua tay, Lương Mục Dã từ chối: "Tôi bán hết sạch trang bị của mình rồi, lần này thôi vậy, tổng giám đốc Trịnh."
Trịnh Thành Lĩnh đáp: "Ngại gì chứ, bọn tôi có đủ đồ mà, cậu muốn món nào thì cứ nói đi."
Thấy đối phương vẫn không định đồng ý, ông cũng thông cảm: "Cậu cần ổn định cuộc sống đúng không, trong nhà có người rồi hả? Tôi hiểu mà, không sao đâu, nghề này ai cũng như vậy hết. Lần sau có duyên lại hợp tác nữa nhé." Trèo băng rủi ro hơn leo núi truyền thống nhiều, đây cũng là lí do tại sao hồi trước bọn họ tìm mãi mà vẫn chẳng đào đâu ra được một nhiếp ảnh gia có khả năng đu mình trên dây để chụp góc song song.
Lương Mục Dã gật đầu cảm ơn ông, rồi chẳng nói thêm gì nữa.
Đương lúc hắn đang thu dọn đồ ở địa điểm chụp, trợ lí Tiểu Đường cầm di động của hắn sang: "Điện thoại anh đổ chuông mấy lần rồi, anh nghe máy đi này."
Lương Mục Dã chưa bao giờ đem điện thoại theo người khi ra ngoài leo núi cả, đây là quy tắc cũ của hắn, hắn không muốn bị phân tâm bởi những chuyện khác. Mặc dù lần này chỉ là một buổi chụp hình nhưng hắn khó bỏ được thói quen ngày xưa mà cứ để di động ở chỗ Tiểu Đường.
Cúi đầu, hắn thấy đó là số máy bàn nhà mình, có lẽ là Hàn Tri Hạ – mẹ hắn gọi hắn về ăn cơm.
Chắc Hàn Tri Hạ không biết hắn đang ở bên ngoài, bà hỏi đôi câu về chuyện nhà cửa rồi cuối cùng nói qua điện thoại: "Mục Dã à, mẹ biết gần đây con bận việc, nhưng nếu cuối năm rảnh con vẫn nên đi thăm ba thì hơn."
Theo nguyên tắc LNT (leave-no-trace, hay không để lại dấu vết) trong bộ môn leo núi ngoài trời, tất cả các đội leo núi phải mang đi hết những gì bọn họ dùng để cắm vào băng, tôn trọng thiên nhiên và xoá sạch mọi dấu vết. Ngay cả Trịnh Thành Lĩnh cũng đích thân tới hỗ trợ, Lương Mục Dã thì giúp ê kíp thu dây thừng ở dưới đất. Hắn quấn sợi dây dài 80 mét tầm vài vòng quanh vai mình. Nghe Hàn Tri Hạ nói thế, động tác hắn chậm mất nửa nhịp.
"Vậy cứ để ba gọi cho con đã." Hắn bình tĩnh đáp, tay tiếp tục chuyển động, tháo nút cố định phía cuối đuôi dây thừng, "Buổi tối mẹ muốn ăn gì? Con đi từ Mật Vân, để con mua ít đồ ăn trên đường về rồi hai mẹ con mình ăn cùng nhau."
Dây thừng kêu vang một tiếng, tuột ra khỏi thiết bị kẹp. Hắn tiếp tục vòng dây thừng qua bả vai.
Hàn Tri Hạ biết mình khuyên không nổi nên đành phải trả lời: "Đồ ăn Vân Nam, nhưng đừng mua món gì dầu mỡ quá."
"Vâng, mẹ yên tâm."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro