Chương 4
Tác giả: Hảo đại nhất quyển vệ sinh chỉ.
Edit: Aminta.
Chương 4: Phiền phức.
***
Trình Thiên Nhận trở lại phòng của mình, ngồi vào bàn và mở sổ sách ra, tay trái gẩy bàn tính*, thỉnh thoảng lật qua trang, tay phải ghi sổ, bút trong tay di chuyển.
Đây là năm thứ năm hắn xuyên đến thế giới này, năm thứ hai ở thành Nam Ương.
Hắn cảm thấy mình là người xuyên việt không ngầu nhất trong lịch sử. Không có hệ thống, không có kịch bản, lại càng không trở thành nhân vật chính giết chóc bốn phương, tay ôm hậu cung như trong sảng văn.
Ba cái không nghiệp chướng trong xuyên việt.
Lúc trước, khi còn ở xã hội có pháp trị tương đối bình đẳng hắn cũng chưa từng là một người nổi trội, hơn hai mươi năm làm một người dân nhỏ bé cần cù chăm chỉ, rồi tự dưng đi tới xã hội phong kiến, nơi vũ lực và vương quyền là tối cao nhất, hắn càng có thêm cảm nhận sâu sắc về sự tàn nhẫn của số mệnh và nỗi vất vả kiếm sống.
Nhưng hắn lại cực kỳ quý trọng cuộc sống này, hắn sống nghiêm túc từng khoảnh khắc. Bởi vì cuộc sống hiện giờ đã thay đổi khác hoàn toàn so với lúc khi mới đến. Được ngủ ngon ăn no, mà chuyện khó nhất chính là vẫn có thể đi học.
Học viện Nam Uyên mở hơn sáu mươi môn chính, môn phụ cũng hơn bốn mươi, môn gì cũng có, gần như bao gồm tất cả lĩnh vực của thế giới này. Muốn nhập học thì phải tham gia kỳ thi đầu xuân mỗi năm, một lần thi kéo dài ba ngày, thi hết một lượt tứ thư ngũ kinh, Quân tử lục nghệ. Sang ngày hôm sau đã công bố kết quả thi, thành tích đạt yêu cầu thì có thể chọn môn chính, tham gia thi vòng hai do tiên sinh dạy môn đó sắp xếp. (Tứ thư là bốn tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa, gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử; Ngũ kinh: năm quyển kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo; Quân tử lục nghệ: 6 cái nghệ của quân tử gồm: lễ nghĩa, âm nhạc, cung tên, cưỡi ngựa, biết chữ, tính toán)
Môn chính chia thành ba khoa: võ, nghệ, thuật.
Khoa võ dạy tu hành, ví dụ như đao thuật mà Từ Nhiễm học. Các học trò ở viện Thanh Sơn thường mang theo binh khí khi đi học, rất thích mấy chuyện tầm thường như đánh nhau ác liệt, có thể gây ra chuyện tày trời. Sau khi tốt nghiệp thì phần lớn họ lựa chọn cống hiến cho quân đội, hoặc bái vào tông môn thế gia tiếp tục tu hành.
Khoa Nghệ thiên về nghệ thuật nhân văn, ví dụ như Bác vật chí mà Cố Tuyết Giáng học, đó là một môn nghiên cứu địa lý tự nhiên của lục địa, giống loài tiến hóa. Họ học ở đài Xuân Ba có cảnh trí trang nhã. Bọn học trò tới Nam Uyên chỉ vì mở mang tầm mắt, mở rộng quan hệ thường xuyên hẹn nhau ngâm thơ đối đáp, đánh đàn thổi sáo.
Khoa thuật thiên về thực tế, Trình Thiên Nhận học Toán kinh, đó là môn tiêu biểu trong chương trình dạy học, học ở hậu viện Nam Sơn. Rất nhiều học sinh cần cù khắc khổ, khi tốt nghiệp nếu mà được tiên sinh dạy học tiến cử thì sẽ có cơ hội vào triều làm quan.
Có câu nói là "Ánh đao bóng kiếm viện Thanh Sơn, gió tuyết trăng hoa đài Xuân Ba, không biết đông hạ tiểu Nam Sơn", đủ có thể thấy bầu không khí giữa ba viện ở Nam Uyên khác nhau một trời một vực.
Trừ việc mỗi ngày đều phải học môn chính ra, học viện cũng khuyến khích chuyện học rộng hiểu rộng nên cứ mỗi năm học trò còn phải chọn ba môn phụ để học, cách một ngày học một lần, năm nay ba người họ rất xui xẻo, Từ Nhiễm chọn môn Lý luận quân sự cơ sở, tiên sinh nghiêm khắc có tiếng, không đạt tiêu chuẩn thì phải học lại vào năm sau. Nghe nói ba năm không qua môn là chuyện bình thường.
Học viện Nam Uyên có đủ loại cảm giác quen thuộc với đại học kiếp trước nên cũng khiến Trình Thiên Nhận cảm thấy an ủi rất nhiều, đây cũng là động lực lớn nhất của hắn khi vào đây.
Nhớ tới hai năm trước, hắn vội vàng làm bài thi chẳng biết thời gian, cuối cùng tổng điểm khó khăn lắm mới qua nổi. Hắn tự biết mình học sách viết chữ thua dân bản xứ nhưng mà môn toán trước khi xuyên qua của hắn cũng tàm tạm nên hắn quyết định thi Toán kinh.
Ba tháng luyện tập chăm chỉ với bàn tính, khi đi đường cũng học thuộc bài, vào ngày thi, vừa bước vào cửa đã thấy hơn ba trăm người đông nghìn nghịt ngồi đầy phòng lớn, có khối người lật bài thi còn nhanh hơn hắn, ai ngờ câu cuối cùng hắn lại gặp may, đó là bài toán biến tướng từ bài toán gà và thỏ nhốt chung một lồng trong Olympic toán. (Đây là bài toán cổ nổi tiếng: Một số gà và thỏ được nhốt chung trong một lồng, đếm số đầu thì được 35 đầu, nếu đếm chân thì có 94 cái chân. Hỏi trong lồng nhốt bao nhiêu gà, bao nhiêu thỏ. Bài này giải bằng cách giải hệ phương trình.)
Đồng hồ nước đã nhỏ hết, bài thi được nộp lên, sáu vị giám khảo trong phòng chấm bài, thuận miệng trả lời mấy câu hỏi của đám học trò. Khi xem đến bài của hắn, vài vị tiên sinh bàn bạc nửa khắc (7.5 phút), cuối cùng người chủ khảo gõ tay thành nhịp, nói thẳng ra là tán thưởng cách giải đề của hắn. Một bút phê chữ đỏ, hắn đã trở thành học trò của học viện.
Cuộc thi đó thêm phần chấm bài thi nên kéo dài đến năm tiếng, cuối cùng lựa chọn ba mươi người.
Trình Thiên Nhận không biết mình về đến nhà thế nào, hắn ngủ từ lúc trời đen kịt đến buổi chiều hôm sau, khi tỉnh lại đã thấy Trục Lưu canh ở mép giường. Hắn dẫn đứa trẻ chải đầu rửa mặt kỹ càng một phen rồi chạy đến Phi Phượng lâu ở thành Nam, gọi một bàn rượu và đồ ăn ngon, ăn đến lúc quán rượu đóng cửa.
Trên đường về nhà đêm khuya tĩnh lặng, hắn nhịn không được mà cất tiếng hát vang. Chưa hát xong thì đã nôn ra, được Trục Lưu đỡ tay trở về.
"Câu chuyện này muốn nói cho chúng ta biết nhất định phải ôn kỹ Olympic toán... Tiểu Lưu, sao mặt đất lại vàng rực vậy, chúng ta đang ở đâu đó? A, thành Nam Ương, khắp nơi đều là vàng!"
"Ca ca, đó là đèn lồng nhà người ta phản chiếu trên đá thôi."
"Ta mặc kệ, Tiểu Lưu à, ta thi đậu rồi, từ nay về sau chúng ta sẽ sống ổn định ở thành Nam Ương, hãy quên tất cả chuyện trước kia đi."
Sau khi tỉnh rượu hắn chỉ nhớ nổi hai câu này, cảm thấy thật mất mặt. Nhưng hắn vẫn còn nhớ rõ khi ấy hắn cảm thấy sung sướng như thế nào.
Tình huống bây giờ của Trục Lưu lại khác với hắn năm đó.
Môn Vạn pháp suy diễn của Phó Viện Trưởng thuộc về môn của đài Xuân Ba, chiêu sinh ít, lại được nhiều người để ý. Trừ tiền học phí ra thì còn phải lo sắm sửa những thứ khác nữa.
Trình Thiên Nhận vùi đầu tính xong sổ sách của người khác, sau đó lấy ra quyển sách nhỏ luôn mang theo bên người, bắt đầu xem sổ sách nhà mình. Hắn làm kế toán ở một quán mì, tiền công mỗi tháng là ba lượng, thu tiền cơm nước của hai vị thực khách nọ một người một tháng là hai lượng.
Hắn gẩy vài hạt trên bàn tính, theo tốc độ tăng giá của hàng hóa trong hai tháng tới, tình hình thu chi cũng đủ để duy trì cuộc sống hiện tại, mỗi lần đổi mùa thì cũng có thể mua thêm bộ đồ mới cho Trục Lưu. Đó là còn chưa nói tới số tiền hắn tích cóp được trước khi tới thành Nam Ương, giờ vẫn còn thừa bốn mươi lượng đặt dưới đáy rương.
Nhưng nếu muốn Trục Lưu nhập học theo kế hoạch thì còn thiếu ít nhất sáu mươi lượng. Sáu mươi lượng đủ cho một cho một hộ dân bốn người ăn dư dả hai năm. Còn về cách kiếm số tiền này như thế nào thì hắn đã nghĩ ra vài cách từ lâu nhưng lại cảm thấy không quá ổn.
Cũng không thể làm lại nghề cũ.
Trình Thiên Nhận đứng lên hoạt động gân cốt, đẩy cửa sổ ra, gió xuân se lạnh phả vào mặt, đầu óc mệt mỏi do tính toán trong thời gian dài trở nên tỉnh táo. Trong viện trống vắng, Cố Tuyết Giáng không biết đã rửa chén xong từ lúc nào và đi rồi. Hắn đẩy ra một ngăn tủ ngầm ở sau giá sách, lấy ra một thanh bội kiếm cũ, giắt ở bên hông, xoay người đi ra cửa.
Hắn lại không nhịn được mà đi sang căn phòng kế bên nhìn Trục Lưu.
Ánh nắng sau giữa trưa tiến vào song cửa sổ, chiếu xuống tạo thành cái bóng loang lổ. Phòng không lớn, chỉ có chiếc bàn nhỏ và giá sách đặt dựa vào tường, ở góc tường có đặt một cái giường thì đã thấy chật chội. Không có tranh họa trang trí, trên giường chỉ treo một màn lụa xanh, khi ánh nắng chiếu qua cửa sổ, vầng sáng xanh mênh mông bao phủ cả phòng, trông có vẻ mộc mạc trang nhã.
Trình Thiên Nhận vén màn lên, đứa trẻ đang ngủ say, hơi thở ổn định, lông mi dày đậm rũ xuống, hơi hơi rung động.
Lúc trước hắn cho rằng là một phụ huynh thì chẳng có cách nào đánh giá khách quan diện mạo của đứa nhỏ nhà mình được, cho nên trong mắt hắn Trục Lưu là đẹp nhất.
Ai ngờ lần đầu tiên mời bạn bè tới nhà, Từ Nhiễm thấy Trục Lưu thì kinh ngạc cảm thán: "Đệ đệ của ngươi đẹp quá đi mất, không giống ngươi chút nào."
Cố công tử thì có văn hóa hơn nhiều, chỉ nói tám chữ: "Trọng lâu phi tuyết, dao trì sinh hoa." (Ví von dung mạo như đẹp tuyết bay ngoài lầu cát, ao ngọc nở hoa)
Từ đây Trình Thiên Nhận mới biết Trục Lưu quả thật càng lớn càng đẹp, không phải là do hắn nhìn Trục Lưu qua lăng kính của một ca ca.
Giường và chăn của Trình Trục Lưu coi như là gia sản đáng giá nhất trong nhà họ, Trình Thiên Nhận sợ nhất là việc Trục Lưu không thể ăn no ngủ ngon, thêm chuyện sống lang bạt với hắn hai năm trước cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới việc dậy thì, không cao lên nổi.
Hắn cúi người chỉnh góc chăn cho đứa trẻ, mấy đứa trẻ tuổi này thì nên như thế, yên bình chìm vào giấc ngủ, không sầu không lo. Nếu khỏi cần tính toán giá gạo chợ Tây lại tăng thêm vài đồng thì sẽ càng thêm hoàn hảo.
Đáng tiếc là so với giá gạo bây giờ, chuyện khiến bọn họ phải đau đầu lại càng phiền phức hơn.
Thiếu niên đứng ở trước giường, gương mặt ngược nắng không thấy rõ ràng, chỉ thấy một đôi mắt trong trẻo như tuyết. Hắn nhẹ giọng nói với người đang ngủ say: "Đừng lo lắng, nhất định sẽ có cách. Đệ sẽ có một thế giới thật lớn, một tương lai tốt nhất."
----------
*Bàn tính:
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro