Chương sáu. Anh hùng chớ hỏi gốc gác
Bốn đứa trẻ khênh lợn về đặt ở sân nhà họ Lưu, cả thôn chấn động, người người kéo nhau đi xem. Bốn đứa kể lại tình huống khi ấy một cách sống động khơi dậy lời khen ngợi của thôn dân.
Còn Lưu Trạm bị Lưu Học Uyên bắt quỳ trước nhà.
Bà Triệu thấy con mình đầy máu liền bật khóc, Lưu Học Uyên thì vô cùng tức giận.
Người nhà đều im lặng, chỉ còn vang những tiếng đau khổ của bà Triệu.
Lưu Học Uyên muốn mắng lắm nhưng nghĩ những ngày nay con bận rộn trên núi dưới sông vì miếng ăn cái nhà này mà chẳng mắng ra được.
Ông định hỏi có đau không rồi chợt nghĩ nó liều lĩnh chẳng thiết gì mạng là liền tức điên lên. Nhớ nửa năm trước phủ Lưu còn vinh hoa phú quý, nhìn cảnh nay ông sao mà bất lực quá đỗi.
"Ông Lưu, nay trời rét lắm, nó đã bị thương còn bắt quỳ thế thì ốm mất thôi." Thím Trương đi vào khuyên giải.
"Chị Lưu mau đưa con thay quần áo, để nó nằm nghỉ. Có nước nóng không? Để tôi đun hộ cho, chị đi rửa vết thương cho nó đi. Thằng con tôi cũng bị bố nó xách về đánh no đòn. Thế mà chúng nó dám to gan đi bắt lợn rừng, nghĩ thôi đã hãi."
Bà Triệu lau nước mắt, đỡ Lưu Trạm vào phòng.
Lưu Trạm ngoan ngoãn cởi áo, nằm sấp trên giường cho mẹ lau người. Anh rất đau và ở đâu cũng đau!
Xử lý xong lũ trẻ hư, người của năm nhà bắt đầu bàn bạc sẽ giải quyết con lợn này thế nào.
Vì bốn đứa kia đều nói Lưu Trạm đã giết nó nên bố Tào Tráng đưa ra đề nghị chia nhà họ Lưu một nửa con, nửa còn lại thì chia đều bốn nhà kia. Phần nội tạng sẽ mang đi nấu một bữa cơm cho năm nhà cùng ăn.
Thím Trương hào phóng cho gia vị với rau xanh, ba nhà kia chi lương thực, nhà họ Lưu cho chỗ làm là được.
Đến chiều, sân nhà họ Lưu đã lanh lảnh tiếng mài dao mổ lợn, người thực hiện là bố Tào Tráng. Đám người cứ đứng xem mãi, cái náo nhiệt thật là chưa bao giờ có.
Ông Bách hộ Trần cũng đến xem, đương nhiên là chỉ hóng vui chứ ông ta hiếm gì thịt lợn, riêng thôn dân thì thèm chảy dãi.
Những quân hộ đi cày thuê cuốc mướn như họ nói dễ nghe thì là tá điền chứ nói trắng ra chỉ là nô lệ quân đội, cuộc sống tệ hại hơn những nông hộ có ruộng đất riêng nhiều. Các ngày cưới hỏi đám ma chắc gì đã mổ lợn, đầy người cả năm chả được mấy miếng thịt vào mồm.
Lâu lâu lại có vài thôn dân mặt dày đến xin, người nhà họ Lưu chẳng biết cự tuyệt làm sao. May có thím Trương, thím Tào, thím Văn ngăn lại, đừng hòng mà thò tay vào.
Con cái họ săn được nó, thèm muốn thì đã đành chứ xin không thì chịu.
Lúc chia phần, nhà Tào định giữ đầu lợn lại cho nhà họ Lưu song Lưu Học Uyên quyết định cho bốn nhà tự chia nhau nó.
Bố Tào Tráng vốn không hành nghề mổ lợn nên xẻ không cân lắm, Lưu Học Uyên xin lấy phần nhỏ, phần lớn để bốn nhà kia tự chia.
Họ vô cùng vui mừng, dầu gì họ cũng chỉ hưởng ké, con họ mới là người liều mạng giết lợn.
Đại phu Lưu Học Uyên nhờ người mời đến lúc chia lợn cũng đã tới, sau khi khám kỹ càng xong xác nhận rằng đó chỉ là thương ngoài da, cánh tay phải không cử động được là do bong gân, chỉ cần nghỉ ngơi một tháng sẽ lành.
Đại phu đưa cho rượu thuốc rồi cáo từ. Thím Trương nhắc nhở một câu, bà Triệu vội cắt cho đại phu hai cân thịt coi như tiền trả. Đại phu vui vẻ tạm biệt.
Chạng vạng các nhà sắp bàn ghế ra sân nhà họ Lưu ăn cơm, đánh chén bữa lợn trong ngon lành.
Đương nhiên bữa cơm không thể thiếu Lưu Trạm được. Anh ăn mặc kệ cơn đau trên người, đây là bữa no nhất từ ngày xuyên tới đây.
Bố Tào Minh mang rượu gạo nhà nấu, đám đàn ông uống say bắt đầu xưng anh em với nhau, chuyện gì cũng kể hết ra.
Chuyện nhà họ Lưu bị tước chức, lưu đày đã chẳng phải bí mật gì. Chợt bố Văn Thanh Sơn kể chuyện nhà mình ra.
"Nói thì các anh chắc chả tin chứ ông nội tôi từng làm quan đó. Tôi tên Văn Kế Từ, ông tôi là Văn Đông Lai từng giữ chức Thái thú phủ Lâm Giang. Về sau Thái tổ Hoàng đế đông chinh, vì trưng thu lương thảo hời hợt nên bị lưu đày cả nhà."
"Thái thú thì đã sao, tổ tiên tôi đây là Đại tướng quân đấy!" Bố Tào Tráng cười ha hả.
"Thế tổ tiên anh là ai?" Lưu Học Uyên không ngờ những người nông dân chân đất này lại có gốc gác thâm sâu như thế.
"Tôi tên Tào Thiết, bố Tào Minh tên Tào Mã. Chúng tôi là anh em ruột, ông tôi Tào Quý là Đại tướng quân nước Tề." Tào Thiết rót rượu đầy khí khái.
"Hai ba năm trước Sở diệt Tề, bố tôi Tào Qua làm Tướng quân tiên phong và chết trong màn tên bay. Nhà tôi không chịu phục Sở nên Thái tổ nước Sở lệnh chặt đầu đàn ông trên mười tuổi, đàn bà và lũ nhóc dưới mười bị đày tới biên cương. Khi ấy tôi với em trai còn bé mới thoát được kiếp nạn."
Lưu Trạm bàn bên nghe mà không khỏi cảm thán sự mạnh mẽ của gen nhà này, gốc nhà Tướng quân thảo nào Tào Tráng bé thế đã mạnh như vậy!
Ba anh em nhà Lưu lòng sinh cảm thán, riêng Lưu Học Uyên chắp tay kính hai người kia.
"Ông tổ nhà Tào xả thân vì nước, bất khuất trong xương, đáng kính đáng mến."
"Anh hùng chớ hỏi gốc gác, nay ta không say không về!" Tào Mã cười lớn.
Xuất thân của Văn Thanh Sơn và hai em nhà Tào đã bất phàm, liệu nhà Trương có phải con cháu của kẻ sĩ sống ẩn nào không?
"Tổ tiên nhà cậu làm gì thế Mãn?" Lưu Trạm hỏi đùa.
Bố Trương Tiểu Mãn nghe thế liền đáp:"Chú là Trương Phú Sinh, vốn là nhà buôn giàu có ở Giang Nam. Thái tổ khi nam chinh đã tốn một khoản tiền khổng lồ, ngài đi đến đâu liền khai đao với phú thương nơi đó. Nặng thì chém đầu cả nhà, nhẹ thì cho lưu đày, toàn bộ gia tài bị sung vào trong quân đội, năm ấy không phú thương nào tránh được."
Lưu Trạm vô cùng bất ngờ, thầm nghĩ Thái tổ nước Sở bảo thủ như vậy mà không khiến quốc gia diệt vong, trái lại còn củng cố địa vị bá chủ thiên hạ của Sở. Về một ý nghĩa nào đó thì đường lối bá đạo này quả thật vô địch.
"Kể nay hoàng đế Tuyên Tông cũng có tí hơi của Thái tổ nhỉ." Lưu Học Dật buột miệng.
"Chớ nói càn thiên tử." Lưu Học Uyên nghiêm mặt bảo.
Tào Thiết cười ha hả:"Sao không thể nói chứ? Núi cao hoàng đế xa, chỗ khỉ ho cò gáy này ai thèm quản ta? Các anh chớ sợ cái vẻ thờ ơ thằng Bách hộ, nó chỉ là một thằng ngu đần khiếp nhược, quản lý chuyện ruộng đất thì được chứ nhiều hơn là chịu."
"Cứ cẩn thận vẫn hơn." Lưu Học Uyên thầm nói nhà mình dẫu sao cũng tội phạm vua khâm định.
Hết cơm, mọi người trở về trong vui vẻ.
Ăn xong Lưu Trạm thấy mệt kinh khủng, anh về giường nằm nghỉ ngơi, nghĩ lại lời của đám đàn ông, có cái gì gợn trong lòng anh, kìa như cái lẽ thắng làm vua thua làm giắc đó vậy.
Những ngày sau đó Lưu Trạm bị bắt ở nhà. Mấy hôm sau núi phất phơ tuyết trắng che trời rợp đất.
Hôm mổ lợn thím Trương có nhắc mấy câu kiểu nhà bếp nhà họ nằm tách khỏi nhà chính, đi nấu cơm hay đun nước là phải đi trên lớp đất đã phủ tuyết lạnh. Lưu Học Uyên ghi nhớ lời đó, hôm sau liền lên núi chặt gỗ định ghép nhà chính với bếp làm một.
Do không xây bằng gạch nên vật liệu xây nhà tranh đều có sẵn chẳng tốn xu nào. Hôm sau ba nhà Trương -Tào - Văn hay tin lập tức sang giúp nên đã xây xong trước khi tuyết phong kín núi.
Nhà mới xây đã chứa luôn nhà bếp trong đó. Phần thừa ra được ngăn làm hai phòng, một phòng làm nhà kho, phòng kia Lưu Trạm xin lấy với lý do con đã lớn không tiện ở chung phòng bố mẹ.
Nhờ có người giúp sức nên nhà trông tốt hẳn hơn cũ. Lưu Học Uyên lấy làm cảm kích định báo đáp bằng thịt lợn nhưng đều bị từ chối.
Tào Thiết:"Tôi mặt dày, để tôi. À thì tuy tổ tiên nhà bọn tôi một thời hiển hách lắm nhưng đến đời chúng tôi lại không biết chữ nghĩa gì. Tôi tha thiết xin tiên sinh hãy dạy con tôi chữ."
Lưu Học Uyên nhất thời ngỡ ngàng.
Họ tưởng ông không muốn, Trương Phú Sinh vội nói:"Tiên sinh là cử nhân và chúng tôi tự nhận bản thân trèo cao với quý, nhưng mong tiên sinh chớ để tâm. Chúng tôi sẽ trả tiền học, việc đồng áng anh em tôi sẽ chăm hộ ngài."
Văn Thanh Sơn:"Thiên hạ mười năm dậy sóng nhỏ năm mươi năm nổi sóng lớn, bọn con cá rằng con cháu sẽ không chôn thân mãi nơi núi vắng này. Nên khẩn mong tiên sinh đồng ý lời nhờ quá đáng này."
Lời cầu khẩn của họ đánh mạnh vào tâm lý Lưu Học Uyên. Một phen ấy đã làm sống lại trái tim đã định phó mặc cuộc đời ở chốn đây. Ông rơm rớm nước mắt, chắp tay với họ:"Các anh đã tin mỗ tuyệt nhiên mỗ không lý nào cự tuyệt."
Năm gia đình này bị tịch biên gia sản và lưu đày tới đây, Lưu Học Uyên đã ba ba, Lưu Trạm mới mười hai tuổi. Tại vùng núi heo hút như tách biệt với thế giới này, dường như trời chưa thực sự bỏ mặc người nhà họ Lưu đang vật lộn vì sự sống kia.
Tuyết đổ ngập trắng núi, nhà nhà đều bắt đầu chuỗi ngày "ngủ đông" nên việc học không thể tiến hành. Họ thương lượng định kết thúc cày bừa xuân sẽ làm lễ bái sư.
Riêng Lưu Trạm thì bị cấm tức đến tận giao thừa.
Hôm giao thừa, Lưu Học Uyên dùng gỗ làm bài vị tổ tiên và bài vị cho người cha quá cố cùng đứa cháu Đào, rồi bảo vợ cắt một miếng thịt lớn mang đi cúng.
Trước bữa tối, ba anh em dẫn người nhà đi vái lạy trước bài vị tổ tiên. Bà nội ngồi một bên lau nước mắt, lẩm bẩm mấy câu khuyên Lưu Đồng Hòa không cần nhung nhớ, rồi bảo tuy cực khổ nhưng họ vẫn còn sống đây.
Bà Ninh cứ ngồi ngây nhìn bài vị con, ai nói với câu gì cũng chẳng đáp, ai muốn đỡ cũng chẳng quan tâm.
Dạo này bệnh của bà Ninh ngày một nặng, con cái cũng bỏ bê, cả ngày chỉ ngồi đờ ra. Con bé Hinh với cu Triệu giờ đều do bà Phương chăm sóc.
Trông tình trạng bà Ninh như thế, Lưu Học Uyên không chịu nổi nữa bèn bàn bạc với Lưu Học Dật tới đầu xuân sẽ cắt nửa phần lợn kia mang bán lấy tiền khám bệnh cho bà Ninh.
Hôm mồng một, ba nhà Tào - Văn - Trương lần lượt tới chúc tết. Anh em Tào xách gà sang, nhà Văn biếu ít trứng vịt với dưa chua, riêng nhà Trương rất thực tế cho hẳn một bộ gồm một bàn trà bốn ghế. Phòng khách vốn trống vắng lập tức có hình có dáng hẳn, cái tính hào sảng của ba người họ khiến Lưu Học Uyên cảm động thật lâu.
Bà Triệu vội tìm quà đáp lễ, theo tập tục họ phải gửi lại nửa số quà, nhưng ngoại trừ một nửa phần thịt lợn đã hun khói thì chả còn gì cả, nửa kia đã bán lấy tiền trị bệnh cho bà Ninh rồi. Điều này làm bà Triệu không khỏi âu sầu.
Lưu Học Uyên vỗ vai vợ:"Thôi kệ đi bà ạ, tình nghĩa ấy ta tạc ghi trong lòng, mai này có dịp ắt sẽ trả lễ."
Mồng hai, cuối cùng Lưu Trạm đã được cho ra ngoài, còn trẻ nên sức hồi phục cũng mạnh, tay trái đã trở lại bình thường hoàn toàn.
Lần bị thương này quá đúng là lời cảnh báo cho Lưu Trạm. Y học ngày xưa còn lạc hậu, nếu chưa tới đường cùng tuyệt không thể lấy tính mệnh ra đùa được, anh không nghĩ mình được xuyên lần hai đâu.
"Bọn em nhớ anh quá đại ca!" Tào Tráng vừa đến đã ôm Lưu Trạm đến suýt ngất.
Lưu Trạm vừa được cho ra ngoài chúng nó đã vội vã tới tìm, cả đám nói chuyện rôm rả, chủ đề không ngoài nỗi chán ngẩm trong những ngày "ngủ đông"!
Lưu Trạm nói với đàn em:"Đi lên núi."
Bốn đứa trẻ kêu áu áu đầy phấn khích.
Mấy hôm nay hễ rảnh Lưu Học Uyên sẽ dạy dỗ anh, cấm đi cấm lại việc lên núi săn thú, nhưng há dễ anh nghe?
Nếu nghe lời thế thì đúng là nằm mơ giữa ban ngày, cùng lắm là không chọc tới lợn rừng còn gà thỏ cá ốc hay cái gì bắt được vẫn cứ bắt.
Nay là ngày nắng đầu tiên sau đợt tuyết đổ, thú nhỏ đều ra ngoài kiếm ăn. Lưu Trạm mang một nắm lương thực định làm bẫy dụ gà. Đông tới gà rừng sẽ kiếm ăn để tích mỡ nên chắn chắn giờ con nào cũng béo múp lên. Chỉ nghĩ tới thôi mà thèm chảy dãi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro