Chương mười. Trường học Vân Trung
Người hổ béo to như quả núi thịt, là con của Bách hộ thôn Đông Lưu tên Quách Đông Hổ.
Thằng hổ béo trùm thôn Đông Lưu nức danh khắp các thôn trên núi Tề Vân, nghe kể mười tuồi trong một trận đánh nhau đã làm chết một đứa trẻ. Nó chỉ là đời sau của một tiện dân không quyền thế. Bố hổ đã bồi thường cho cha mẹ nó hai lượng bạc, dùng trò thị oai dụ dỗ đè ém chuyện đó vào quên lãng.
Từ ấy Quách Đông Hổ ngày càng ngang ngược, mới tí tuổi mà đã khiến ai nghe cũng khiếp vía.
Lưu Trạm từng nghe thoáng qua về nó, nhưng vì từ Thiên Thương đến Đông Lưu phải đi qua thôn Thượng và Hạ Kiều, cơ hồ ngày thường chẳng qua lại nên anh không để tâm nó lắm. Không ngờ có ngày nó lại chủ động tìm đến tận nhà.
Tin Quách Đông Hổ dẫn người đến phá rồi nhanh chóng lan trong đám thiếu niên của thôn. Lúc Lưu Trạm đến hiện trường tập trung kha khá lũ trẻ các thôn. Thấy anh ai cũng đứng về phe Lưu Trạm một cách tự phát.
Hai năm ở đây, mỗi ngày anh đều rèn luyện cơ thể. Đứa trẻ gầy yếu năm nào đã cao khỏe lên không ít. Anh phỏng chiều cao mình hiện tại độ mét bảy, hai ba năm nữa lên mét tám hẳn không phải chuyện khó.
Dù rất hài lòng với mình hiện tại nhưng khi đứng chung với Quách Đông Hổ anh vẫn cảm tưởng như đương đối mặt với một quả núi thịt.
Quách Tường Đông khoanh tay, khinh bỉ nhìn Lưu Trạm:"Mày là Lưu Trạm à? Thằng đã giết lợn rừng đây ư? Gì bé như cọng giá vậy, phỏng là mày loan bừa tin ấy đúng không? Ha ha ha."
Người thôn Đông Lưu cũng cười nhạo theo.
Lưu Trạm chẳng vui vẻ gì nhưng cũng lười đấu khẩu với lũ nít ranh:"Ba trận hai thắng, được chứ?"
Cốt chuyến này đến là để khiêu khích và chế giễu đối phương. Đương định khơi giận để đánh một trận cho thằng kia biết mùi hổ béo thế nào. Không ngờ Lưu Trạm lại khiêu chiến trước.
"Luật thế nào?" Quách Đông Hổ hứng thú.
"Mày tao mỗi bên cử ba người, ba trận hai thắng, đấu từng cặp một. Dầu gì mày cũng là anh lớn một phương, nếu đích thân tham gia thì nhục nhã quá."
Quách Đông Hổ xưa giờ đi khiêu chiến ai đều thích tự mình ra tay, nghe Lưu Trạm nói thế cũng thấy anh lớn như mình tham chiến thì quả mất mặt!
Mình chỉ cần sai khiến thuộc đi đánh thôi mới phải giống như bố mình đưa quân ra trận giết địch vậy!
"Được, chúng mày thua phải quỳ xuống đập đầu cho tao!" Quách Đông Hổ vô cùng tự tin.
Lưu Trạm cười khẩy, vừa đến anh đã quan sát bọn người nó mang theo, rặt một lũ binh tôm tướng tép. Chỉ cần hai em Tào đã dễ dàng thổi bay cả lũ. Lưu Trạm chỉ kỵ mỗi Quách Đông Hổ, trước nhất phải ra đòn thị oai để hắn bớt vênh cái đã.
"Để tôi lên cho!" Chẳng cần Lưu Trạm nói Tào Tráng đã đứng ra đầu tiên.
Tào Tráng tuy không béo như Quách Đông Hổ song vóc dáng cũng chả bé, mình mẩy toàn cơ bắp cuồn cuộn khác với cái đống thịt sề kia.
Vừa thấy Tào Tráng đám đàn em Quách Đông Hổ liền hơi rén, im lặng lùi ra sau. Quách Đông Hổ xách bừa một đứa đẩy lên:"Mày."
Thằng nhóc đành gắng gương đánh với Tào Tráng, không bất ngờ lắm khi cả ba trận nó bẹp dí tất.
Mặt Quách Đông Hổ trở nên khó coi, nó đẩy một đứa khác ra chiến tiếp nhưng kết cục vẫn bẹp dí dưới tay Tào Tráng. Nó không cam lòng, đẩy hai đứa khác ra nhưng đều bị hai anh em Tào đánh lui về.
"Anh Quách, theo luật đôi bên quy định thì anh thua rồi." Lưu Trạm khoanh tay cười nhạt nhẽo.
Mặt nó căng đỏ, nhào qua toan đấm Lưu Trạm. Anh thừa biết kiểu gì cũng vậy nên đã ra hiệu cho Tào Tráng trước ngay lúc Tào Minh vừa lên sàn. Hai người hợp lại cùng tấn công Quách Đông Hổ, chả ai ngu mà chiến đơn với nó cả.
Hiện trường hỗn loạn, đàn em Lưu Trạm xông pha lên tất, những đòn đánh làm bụi đất bay mịt mù.
Người Quách Đông Hổ toàn thịt nên bị đấm vào thân là chẳng đau hay ngứa. Lưu Trạm đành đồi chiến lược, dùng chiêu đánh vật tấn công cẳng chân nó.
Dân đất Bắc vốn nếp hung hãn, ẩu đả giữa người trẻ các thôn xảy ra như cơm bữa, thôn dân cũng chả lạ gì. Song to như trận này thì là lần đâu, nhanh chóng tin đã truyền đến tau Lưu Học Uyên.
"Tiên sinh, con ông dẫn người đi đánh nhau kìa. Bên bãi phơi thóc đấy." Một kẻ lắm chuyện đến sân nhà họ Lưu gào to.
Lưu Học Uyên sầm mặt, đi ra ngoài.
Cuộc ẩu đả không kéo dài lâu do Lưu Trạm cố gắng làm cho đôi bên hòa nhau. Quách Đông Hổ buông lời đe dọa hẹn hôm khác tính sổ rồi bực bội rời đi.
Năm ngoái bố Quách Đông Hổ được chiêu về làm Bả tổng trong quân doanh, là Bách hộ trường duy nhất sở hữu thực quyền ở núi Tề Vân và anh thì không muốn phải tội ông ta.
Khi Lưu Trạm về nhà, Lưu Học Uyên đã thủ sẵn ở cổng, lũ trẻ còn đương phấn khích vì thắng trận bỗng ỉu xỉu lập tức.
Năm đứa bị phạt quỳ ở sân tường, giơ hai tay lên.
"Quách Đông Hổ cũng chỉ có thế." Tào Tráng vẫn còn đắc ý lắm.
"Mày giỏi võ hơn nó nhưng được cái nó đô con." Trương Tiểu Mãn nói.
"Tao ăn nhiều hơn cũng được vậy thôi." Tào Tráng không phục.
Bị phạt mà lũ trẻ vẫn nói thật vui vẻ mà không để ý Lưu Học Uyên đang đã trở lại, thế là chúng lại phải quỳ nửa canh nữa.
Giữa hè bà Lý sinh con, là gái. Lưu Học Dật đặt cho tên Lam, theo thế hệ con gái nhà họ Lưu sẽ lấy tên đệm chữ Duyệt*, ghép lại có Lưu Duyệt Lam.
Ngày Lam chào đời đúng lúc Lưu Học Uyên và Lưu Học Dật đồng hành với Lã Thụ Sinh vào huyện Vũ Nguyên thi cử. Đây là học sinh dự thi đầu tiên của Lưu Học Uyên nên ông vô cùng xem trọng.
Thi Huyện ở Sở phải thi hai lần, lần một là thi chính thức, và lần hai là thi lại. Ba ngày sau yết bảng thấy tên trong đó tức đã đỗ Tú tài.
Ở Sở, Tú tài không có đặc quyền giai cấp kiều gặp quan không bái, miễn thuế ruộng gì cả, chỉ Cử nhân mới được hưởng những thứ đó. Nhưng chỉ chút ấy cũng đã khiến bao dân thường phải bon chen, tranh giành. Chỉ cần đã Tú tài đã có thể làm Trọc quan, một chức quan bé tẹo ngoài cái Cửu phẩm.
Từ thời Chu về sau thiên hạ có thói bóng ơn tập tước* ắt cũng có thói mua chức, bỏ chút tiền ra đã có thể cha chết con thay. Dù chỉ là một thằng sứ lạc dòng chín phẩm vẫn trở thành cường hào được. Quan niệm ấy ăn sâu vào tiềm thức dân Sở, cũng vì lẽ đó mà một kỳ thi Huyện vẫn được tứ phương coi trọng.
Ngày yết bảng, Lã Thụ Sinh đã đỗ Tú tài!
Chuyện này chấn động làng trên xóm dưới khắp đỉnh Thông Thiên. Từ một đứa con của một trưởng giả vô danh lập tức thành cái tên mà ai nghe cũng biết.
Bố con Lã Thủy Kiều chở một xe quà khua chiêng gõ trống đến nhà họ Lưu báo sư ân. Bên cạnh những thứ vải gạo thịt, trong ấy còn có hai mươi lượng bạc. Lưu Học Uyên muốn từ chối khéo, dù bố con họ nói gì cũng quyết không nhận.
Từ ấy thanh danh càng lan xa ở vùng này, cứ mấy ngày lại có kẻ vì mộ danh mà đến xin học, gặp Lưu Học Uyên liền gọi tiên sinh, gặp bà nội gọi lão phu nhân, thiếu điều bợ cái nhà này lên tận trời.
Ban đầu Lưu Học Uyên muốn từ chối khéo, dầu gì mình cũng là kẻ mang tội, luôn thấy xấu hổ khi đối diện với việc làm gương cho người. Lưu Trạm lại dấy ý nghĩ, giờ Lưu Học Uyên đã có chút tiếng tăm, nếu mở trường học có thể xem như một lối thoát cảnh nghèo.
Kẻ tới xin ông đều là dân tầng lớp thấp, không sợ khiến Hoàng đế để mắt đến. Hơn nữa hiện tại Hoàng đế chỉ canh cánh mỗi việc đánh trận, quản sao được họ làm gì đúng không?
Lưu Học Uyên vốn chẳng có lòng mở trường học. Lưu Trạm chuyển hướng đi "tẩy não" bà nội và nhiều lần xúi giục cả nhà mà đến cùng điều làm Lưu Học Uyên đồng ý lại vì Lưu Học Dật.
Dù hiện tại hắn ta sa ngã nhưng chung quy vẫn là Tú tài.
Nhà họ Lưu bắt đầu sôi sục xây dựng trường học.
Trước nhất họ bỏ bốn lượng bạc để rào một khoảnh đất trống sau nhà. Vì là quân hộ nên nhà họ ở cũng là của công, giờ đã bỏ tiền ra mua nghiễm nhiên thành của riêng, nên việc bán hay không thuộc quyền của họ. Kế đó sẽ tiến hành xây nhà, xây ở trên núi nên chẳng phải mua vật liệu, chỉ cần nhờ các thôn dân và bao hai nữa mỗi ngày là được.
Trường thiết kế dạng Tứ hợp viện, lấy bùn trát tường và lợp mái bằng cỏ, tuy hơi thô sơ nhưng kiều dáng vẫn khá ngay ngắn.
Nhà chính là Chân Tri đường để lên lớp cho các học sinh dốc lòng khoa cử, nhà phía đông là Mông Học đường dùng để dạy cho lũ trẻ, nhà tây ngăn ra ba gian làm túc xá, mỗi gian là một phòng ngủ tập thể sức chứa mười người. Góc trái hành lang là phòng bếp, góc phải là thư phòng chung cho học sinh.
Lưu Học Uyên đặt tên cho trường học là thư viện Vân Trung, ở trước cửa lớn treo một tấm biển ghi tên trường. Ở chốn đất vắng người thưa này một nơi như vậy đã rất khí thế rồi.
Nhà họ chọn một ngày lành làm lễ cúng trời đất.
Hôm ấy bà con của thôn đều đến xem trường học đầu tiên trên núi Tề Vân. Bách hộ trưởng các thôn phụ cận đều mang quà đến chúc mừng, Huyện lệnh Phái cũng sai người đến tặng quà.
Hôm đó ba anh em vận áo choàng mới làm màu trắng khoác thêm chiếc áo đen không tay, đầu quấn khăn vấn, rất chuẩn phong cách người nhà giáo.
Tuy đều là chất vải bình thường nhưng phong thái làm cảm phục mọi người, trên gương mặt Lưu Học Uyên mang sự tự tin đã lâu chưa thấy lại.
Đợt học sinh đầu tiên vào học gồm hai tư người. Người tới xin học đều là dân thường nên Lưu Học Uyên lấy thúc tu không cao lắm, trả tiền cũng được mà lương thực cũng được.
Lưu Học Uyên đặt ra loạt những quy đinh, các học sinh ở các thôn lân cận có thể tới học chỉ cần vào lớp đúng giờ, lương khô tự chuẩn bị.
Riêng các học sinh ở ký túc mỗi tháng phải nộp năm mươi xu tiền ở và ba trăm xu tiền cơm nước, giấy mực bút nghiên tự chuẩn bị. Tạm thời Mông Học đường không cần bộ dụng cụ học này.
So ra thì ngạch nhập học của Vân Trung thấp hơn trường ở các huyện khác. Tuy vậy khi nó mở cửa vẫn có những hộ nông dân khá giả đưa con đến học hành.
Lưu Trạm tính toán tiền nong, mua đất, xây nhà, làm bàn ghế đồ dùng và mua sách dạy tổng cộng mười lăm lượng tất cả. Về thúc tu, tuy học sinh Mông Học đường nhiều nhưng thúc tu ít, cũng nhờ Chân Tri đường mới dư dả chút ít.
Tính tổng thúc tu một năm, trừ đi chi tiêu cho giấy bút mực nghiên thì còn mười lượng bạc, cũng lãi phết.
Một lượng bạc bằng một ngàn văn, mười tức mười ngàn văn, mà giá hoa màu trên đây đã tăng đến ba trăm một đấu, cứ mười đấu một thạch thì tiền học một năm là hơn ba thạch hoa màu, nếu chỉ dựa từng ấy mà nuôi sống cả gia đình là điều bất khả.
Tất nhiên giá lương thực cao bất thường cũng là nguyên nhân chính, giờ mang tiền đi đồi lương thực thì không ổn lắm bởi tiền bạc còn chẳng có giá bằng lương thực nữa.
E rằng trong thời gian ngắn mức giá ấy sẽ không giảm, muốn nuôi cả nhà chỉ còn cách làm ruộng. Mười mẫu ruộng kia vẫn sẽ là mạch chính nuôi gia đình họ.
Lưu Trạm hơi thất vọng nhưng không nản chí, tiền vào không nhiều song danh sẽ vang xa. Gầy được mạng lưới quan hệ ở Tề Vân thì sau này khỏi lo thiếu đường.
Suy nghĩ Lưu Trạm trở nên nhạy bén, tính ra giá một mẫu ruộng nước ở đây dao động từ mười đến mười một lượng bạc. Tiền quà bố con Lã Thụ Sinh tặng còn năm lượng cộng với thúc tu mới thu vừa đủ mua một mẫu.
Mỗi năm trường sẽ thu về mười lượng tức mỗi năm có thể mua một mẫu đất. Mà đất ấy lại là đất riêng chỉ cần nộp lên ba phần thuế!
Nghĩ như thế anh liền đi nói cho Lưu Học Uyên nghe.
Vừa nghe ông liền đồng ý:"Cách này quả hay, đất đai mới là gốc rễ của chúng ta. Cứ tích đất riêng từ từ sớm muộn gì cũng vực dậy có ngày!"
Việc mua đất không thể chậm trễ, ba anh em đích thân tìm Bách hộ Trần. Con ba con tư đều học ở Mông Học đường, nên đương nhiên Bách hộ vô cùng để tâm đến chuyện này.
Ba ngày sau ông Trần đã tìm được người bán chính là nhà ông Ngưu trong thôn.
Hôn sự con gái thứ nhà ông sắp diễn ra mà con trai bé bỏng lại đương cần tiền chữa bệnh. Ông Ngưu ra giá mười hai lượng nhưng hay rằng mình bán cho tiên sinh Lưu liền chấp nhận hạ xuống một lượng.
Thấy ruộng ông Ngưu đã được cày bừa và cấy mạ sẵn, mạ lại đương độ lớn Lưu Học Uyên vui vẻ bèn thêm vào năm trăm văn. Thế là đôi bên ai cũng vừa lòng.
Đến đây nhà họ Lưu cũng là hạng trưởng giả có tài sản riêng rồi. Lưu Học Uyên đưa khế đất cho vợ giữ, bà Triệu liền từ chối vì ngại mẹ chồng còn sống nên không tiện giữ to. Lưu Học Uyên nói một câu cho thông suốt.
"Bà cứ giữ đi, hồi còn ở phủ mẹ cũng giao toàn quyền trông coi nhà cửa cho bà còn gì. Tuy nay nhà gặp phải khó khăn nhưng đến cùng chỉ là một tờ khế đất thôi, ai giữ chả như nhau."
Bà Triệu cũng nghĩ thông, đúng là bà cẩn thận quá mức bởi vốn nghĩ chắc một mẫu ruộng ấy khó có được lắm. Mà đã thông suốt thì có ý kiến liền nêu ngay:"Nhà còn hai lượng bạc đấy, em muốn mua cho các phòng chăn đệm với đồ dùng mới. Quần áo thì không lo thiếu, vải Lã Thủy Kiều cho đủ làm đồ mới cho cả nhà."
Lưu Học Uyên đáp ngay:"Bà nghĩ chu đáo thật, tôi qua loa quá. Cứ chăm chăm tới chuyện khai trường mà quên mất chi tiêu cho các phòng."
"Muộn tí thì cũng đâu sao, hai năm rét lạnh quen thân rồi mà." Bà Triệu cười hiền.
Lưu Học Uyên thấy yên lòng, quyết định rút một lượng trong chi tiêu giấy bút mực nghiên ra, đưa cho bà Triệu sửa soạn phòng ốc. Nếu chỉ dựa vào mình làm thì không ổn lắm, mời thợ về sửa sang một lần sẽ tốt hơn.
Thấm thoát mà đã hai năm rồi, lũ trẻ dần lớn và phòng ở lại càng lộ rõ sự nghèo túng.
Nhân cơ hội này Lưu Học Uyên bèn cho xây một gian nhà bên phía tây. Những người thợ vì nể trường Vân Trung nên không lấy nhiều tiền lắm.
Nhà mới chia làm bốn lần lượt cho bốn đứa trẻ dọn vào ở.
Cái hừng hực sôi sục nhà họ đã dần lắng lại, ngày qua vọng về tiếng đọc sách lanh lảnh từ trường học.
Mỗi ngày, đến giờ lên lớp ba anh em đi dạy học, tan buổi cần đồng áng phải đồng áng, cần tiết kiệm phải tiết kiệm, điều biến chuyển duy nhất là sự tôn trọng tăng dần của thôn dân khắp Tề Vân với nhà họ.
Lưu Trạm không có khiếu học, nhận được kha khá mặt chữ rồi là không muốn ru rú trong trường suốt ngày nữa. Lưu Học Dật quản lý trẻ không nghiêm như Lưu Học Uyên, chỉ cần Lưu Trạm hoàn thành bài học hôm ấy hắn liền thả anh đi.
Đầu thu năm nay bà Triệu có mang, hễ rảnh Lưu Trạm lại lên núi săn thú tẩm bổ cho mẹ.
Anh tự biết mình không thể sinh con đẻ cái, chỉ mong sao bà Triệu đẻ được một thằng cu để nó cho Lưu Học Uyên đứa cháu, đỡ mai này anh phải gánh trách nhiệm nối dõi tông đường.
Năm mười bốn tuồi Lưu Trạm đã mộng tinh, từ ngày xuyên tới đây đã lâu anh chưa nghĩ về nó. Những trận cuồng hoan trong mơ đánh tỉnh anh dậy và còn vương vấn trí óc mãi. Nhưng gương mặt ấy thật mơ hồ, làm anh nuối tiếc không thôi.
Cuộc sống yên bình như thế, giữa hè năm sau Bà Triệu sinh con vừa đủ tháng. Có lẽ nhờ được Lưu Trạm tẩm bổ mà khi ra đời tiếng khóc mới thật oang, nó quẫy đạp tay chân. Đám đàn bà tới đỡ đẻ ai cũng khen béo tốt lắm.
Lưu Học Uyên đặt tên là Tông, đầy đủ Lưu Minh Tông.
Năm Tông chào đời Sở xảy ra nhiều biến.
Chiến tranh giữa Sở và Tây Hạ đánh mãi nhưng chẳng đi về đâu, một năm biến to nửa năm biến nhỏ luân phiên xuất hiện giữa các thế lực trong triều. Riêng chức Thừa tướng đã đổi bốn lần, một vài thế gia lớn nhân đà vùng dậy và có những gia tộc đã rơi ngã trong im lặng.
Chiến sự Bắc Cương vẫn chưa dứt, quý tộc quan lại trong triều sa đà trong cuộc chiến bè cánh, giá cả quốc nội tăng nhanh, tình trạng cường hào địa phương chiếm đất ngày một nghiêm trọng, lưu dân xuất hiện ở khắp nơi, lòng dân có dấu hiệu lung lay.
Chiến tranh giữa hai nước kết thúc bằng giảng hòa, Sở cắt ba châu làm cái giá đòi Tây Hạ lui quân.
Kết cục này như cái tát vả sưng mặt Tuyên đế, khi vừa lên ngôi hắn đã thực thi loạt hành động chèn ép các thế gia để nay đổi lấy sự vùng dậy của họ.
Lần nữa các thế gia chiếm cứ quan trên, tình huống nghiêm trọng hơn ở thời Văn đế.
Để vớt vát mặt mũi, Tuyên đế cho mở ân khoa vào đầu xuân năm sau định bụng giấu nhẹm nỗi nhục bại trận.
Vân Trung có ba Tú tài đi dự thi, đều là trò giỏi của Lưu Học Uyên. Lưu Trạm cũng theo chân bố đến huyện tiễn họ lên đường.
Vì Lưu Học Uyên mang tội, không được rời khỏi địa phận huyện Vũ Nguyên nên không theo họ đến quận được, đành tạm biệt dưới chân lầu cổng thành.
Ba người lên quận gồm Ngô Chính Tắc, Chu Thanh Lâm và Lã Thụ Sinh ngời ngời sức trẻ, phen này được đi thi quả thật đắc ý.
Lưu Học Uyên và học sinh còn đương lưu luyến nhau, Lưu Trạm thì ngồi dưới gốc cây hóng mát, nhàm chán nhìn xung quanh.
Chợt có tiếng xe chạy vọng lại từ xa, vài chiếc xe tù chở hai mấy người có già lẫn trẻ. Lưu Trạm nhìn đám người rách rưới quần áo kia chợt nhớ tình cảnh ba năm trước khi mới xuyên đến đây.
"Sắp muộn rồi, về thôi." Lưu Học Uyên vẫy tay bảo học trò mau lên đường, rồi đưa mắt ra những cỗ xe xa dần đến khi mất hút cuối con đường, ông quay người đi lòng bâng khuâng.
"Con đói bố ơi, mình ra Lâm Ký ăn bát mì rồi về." Lưu Trạm đói thật, thiếu niên đương độ lớn dù ăn thế nào cũng không thấy đủ.
Lưu Học Uyên đồng ý, ba năm qua nhà họ đã mạnh hơn khi tới nhiều, chí ít ăn no mặc ấm đã không còn là vấn đề.
Có lẽ khoảnh khắc tiễn trò đã gợi về ký ức chính mình ngày xưa cũng đi thi như thế. Ông phóng tay gọi hai đĩa rau, hai cái bánh nướng với hai bát mì thịt kho.
Huyện Vũ Nguyên rất nhỏ, quán Lâm Kí này đối diện với huyện nha, có hơi chếch đi một chút. Những chiếc xe tù ấy đỗ ngay cổng huyện nha chờ đợi bố trí.
Ông chủ quán họ Lâm nhìn đoàn xe, nói khẽ:"Thằng sai nha trưởng vừa ra chỗ tôi mua lương khô, tôi nghe thuộc hạ nó bảo trong đám phạm nhân có hoàng thân quốc thích đấy."
Máu hóng hớt của Lưu Trạm ngoi dậy.
Lưu Học Uyên kinh ngạc, hỏi:" của Sở đâu nhiều, được mấy nhà đáng gọi là con cháu hoàng tộc, mà những nhà như thế đều được phong hầu phong tể tướng cả rồi, sao có thể bị lưu đày được? Khéo tên sai dịch kia điêu đấy."
"Dân thường ở biên cương như tôi nào biết được thực hư, nhưng vẫn thường nghe những kẻ bán dong nói thiên tử bất hòa với nhà ngoại tiên đế." Ông Lâm nhỏ giọng đáp.
Lưu Học Uyên như ngợ ra điều gì, nhà ngoại tiên đế là An Quốc công Tống thị nhỉ? Chả có nhẽ? Tim Lưu Học Uyên đập mạnh.
Bấy giờ Lưu Trạm chú ý đến một chiếc xe chỉ chứa hai người. Một người đàn ông ốm bệnh với một cậu trai đang ôm lấy người đàn ông, đoán chừng là hai bố con.
Cả quãng đường chắc chắn chịu khổ không ít, thế mới đổ bệnh như kia. Lưu Trạm nghĩ ngợi rồi đứng dậy đi sang đó.
"Trà nóng đấy, cho này." Lưu Trạm đưa cho cậu trai ống trúc đầy nước trà.
Cậu ta kinh ngạc nhìn anh, vì mình mầy toàn chất bẩn nên không trông rõ bộ dạng thế nào, riêng cặp mắt phượng trắng đen tách bạch kia khiến Lưu Trạm nhìn nhiều thêm.
"Cứ uống đi, đến chỗ này rồi thì chớ lo, lát nữa sai nha trưởng bàn giao xong giấy tờ sẽ có nha dịch đưa hai người lên núi." Lưu Trạm vừa nói vừa lấy ra miếng bánh cho cậu trai một nửa, còn mình ăn nửa kia.
Cậu ta đờ ra một lúc rồi nhận lấy hết, đút cho người bố ốm trước:"Bố dậy uống tí nước đi."
Người đàn ông hình như là sốt, không được tỉnh táo lắm, con trai đút nước cứ mơ màng uống vậy thôi.
Lưu Trạm tựa vào xe:"Đám hoàng thân quốc thích đứa tới đợt này là mấy người à?"
Bị người lạ hòi thế, cậu trai ngẩn ra.
"Hư, không canh là lại đi gây chuyện đấy!" Lưu Học Uyên xuất hiện kịp thời, xách tai anh lôi về.
"Đau, đau! Bố!"
"Ai cho mày dò la thân thế phạm nhân ngay trước huyện nha thế hả? Không biết gì là trời cao đất dày!" Lưu Học Uyên đập vào gáy anh cái.
Lưu Trạm kêu oan:"Con chỉ hỏi thế thôi, chả nhẽ bố không tò mò?"
Lưu Học Uyên trừng mắt, chẳng buồn đáp lại chàng con ngu này, mà cái tay lại gắp miếng thịt chân giò còn nguyên sang bát con.
"Ăn nhanh lên, không là muộn bữa tối đấy, lúc đấy mẹ con lại lo."
Lưu Trạm nhìn miếng thịt lớn trong bát, tan hết cả ấm ức, tay gắp những miếng lớn ăn đến độ miệng đầy mỡ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro