Chương 5: Chôn cất dưới biển
Khi trở lại trường, giáo viên đã báo với cha tôi về việc tôi trốn học. Nhưng việc đó chẳng khiến ổng bận tâm, miễn tôi còn sống mà về nhà là được.
Đáng đời!
Tôi ôm vỏ ốc trong tay, giọng nói của Thương Dương vẫn vang vọng đâu đây, rõ ràng và sống động như thể cậu ấy đang đứng trước mặt. Ngay cả khi không áp tai vào vỏ ốc, trong những giấc mơ, tôi vẫn nghe thấy tiếng hét vọng dưới ánh trăng của cậu.
Trong tiếng ve râm ran ngoài lớp học, xen lẫn mùi cây cỏ là mùi nước hoa thoảng qua. Tôi hắt xì liên tục, thằng bạn ngồi cạnh bèn huých tay trêu.
- Có người nhớ mày đấy!
Không cần nghĩ ngợi, cái tên ấy lập tức hiện lên trong đầu tôi... Thương Dương.
- Chắc vậy.
Tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THCS, đạt kết quả rất tốt. Không ai biết rằng, mỗi chữ tôi viết ra khi ấy đều là sự kìm nén để không biến chúng thành “Thương Dương.”
Trong bài văn thi, tôi viết từ góc nhìn của biển cả. Bài văn ấy được chấm điểm tuyệt đối và nhận nhiều lời khen từ báo chí.
... Không ai hiểu biển hơn đứa con của biển.
Lần đầu tiên cha đưa tôi đến nhà hàng, những món ăn hải sản bày trước mặt nhạt nhẽo vô vị. Hải sản đông lạnh chẳng thể có được vị ngọt tươi của biển.
- Cha cũng là người vùng biển, không biết phân biệt hải sản nào tươi ngon à?
Tôi cố tình nói thẳng, không để lại chút thể diện nào cho ổng.
Cha tôi như bị gai chích. Ổng ghét nhất khi ai nhắc đến xuất thân vùng biển của mình, vì điều đó hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh mà ổng đang xây dựng. Tôi thích đả kích ổng, thích nhìn ổng tổn thương.
Thi xong không có nghĩa là tôi sẽ được thoải mái. Tôi phải đối mặt với việc sống chung với người đàn bà kia và đứa con trai ngỗ nghịch của ả. Rồi tôi sẽ dựa vào điểm số để chọn trường, tốt nhất là trường nội trú, nơi thuận tiện để tôi có thể trở về làng.
Tối hôm đó, tôi thu xếp hành lý, xin cha ít tiền rồi quay về làng.
Tôi không báo trước cho Thương Dương, muốn dành cho cậu ấy một bất ngờ. Một lần nữa, tôi ôm vỏ ốc, bước đến đầu làng.
- Thương Dương?
Tôi ngạc nhiên khi thấy cửa nhà cậu mở toang. Không có ánh đèn, căn nhà trông u ám dưới nắng trưa.
Thiếu niên quay đầu nhìn tôi, giọng buồn bã:
- Vu Hải, sao mày lại đến đây?
- Chuyện gì... sao mày lại thế này?
Tôi buông hành lý xuống đất, lòng bấn loạn. Chưa bao giờ tôi thấy cậu ấy khóc như vậy. Cậu ấy luôn cười mà, nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ như ánh nắng. Sao bây giờ lại khóc?
- Mẹ tao...
Cậu khẽ nói khi tôi bước tới gần. Trên giường, khuôn mặt tái nhợt của bà khiến tôi sững người.
- Đêm qua bà đã không qua khỏi.
Giọng cậu khàn đặc, tựa như đã rã rời vì khóc suốt. Đôi mắt sưng đỏ ráo hoảnh, cạn khô cả nước mắt. Tôi nghĩ, nếu bắt cậu ấy khóc thêm, thứ chảy ra có lẽ sẽ là máu.
Mẹ Thương để lại một di nguyện: Bà muốn gặp lại chồng.
Tôi và Thương Dương cùng khiêng thi thể bà và cả tấm ván giường ra ngoài. Bà nằm đó, chỉ quấn hờ tấm vải trắng, chẳng nghi thức gì. Không biết từ bao giờ, ngôi làng chài lặng lẽ đến thế, người ta đã tản mác đi đâu hết cả.
Thương Dương đặt thi thể mẹ lên chiếc xe ba gác cũ kĩ... Thứ mà ngày trước cha tôi từng cho nhà họ. Tấm sắt hoen gỉ loang lổ, những kẽ hở vẫn còn kẹt đầy vảy cá, tanh nồng mùi mặn mòi. Chiếc xe này, năm xưa từng chở Thương Dương đến trạm y tế trong cơn sốt, nay lại chở bà... mẹ cậu, đi nốt đoạn đường cuối cùng.
Tôi cúi xuống, nhặt một nắm cát, chậm rãi rải lên thi thể bà.
Giữa trưa, khi cả làng chài đều yên ắng bên bữa cơm, chỉ còn chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi lặng lẽ lênh đênh trên biển. Sóng xô vào mạn thuyền, đẩy thuyền đi, rồi lại kéo về, lắc lư, chòng chành trong nỗi đau không lời.
Lần nữa, Thương Dương lại khóc.
Khi chúng tôi thả thi thể xuống nước, sóng biển bất chợt hất mạnh, khiến cả hai mất thăng bằng. Bà trượt khỏi tấm ván, đầu chạm nước trước. Tấm vải trắng quấn mặt bị cuốn đi theo.
Tiếng khóc than của Thương Dương hòa cùng tiếng mòng biển, vang vọng mãi nơi chân trời góc biển, khắc sâu vào từng lớp sóng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro