Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 82

Mẹ Thịnh nhận ra đó là Tiểu Mao, người giúp việc ở vườn cam, nghe vậy mặt trắng bệch: "Sao cơ?! Sao lại ngã gãy chân được?!"

Thịnh Xuyên cũng lập tức đứng dậy khỏi ghế.

Tiểu Mao nói: "Đường núi trơn trượt ban đêm, chú Giang Hà không may rơi xuống khe. Chân chú ấy gãy rồi, giờ không đi được nữa. Trên núi chỉ có mình cháu trực đêm, không đỡ nổi chú ấy xuống."

Mẹ Thịnh thấp giọng mắng một câu "đồ già lẩm cẩm", nhanh chóng cởi tạp dề vứt lên bàn, cùng Tiểu Mao lên núi. Thịnh Xuyên vào nhà lấy một chiếc đèn pin rồi cũng theo sau. Ba người lần mò trong bóng đêm, đi hơn nửa tiếng đường núi mới thấy Thịnh Giang Hà đang ngồi trên một tảng đá lớn.

Ông có lẽ không thể đi tiếp được nữa, quần áo rách bươm, dính đầy cỏ lá, một chân không nhúc nhích nổi. Đầu gối máu thịt be bét, rõ ràng là bị ngã rất nặng. Mẹ Thịnh tức muốn đánh ông mấy cái: "Ông già chết tiệt này! Trời tối rồi còn leo lên núi làm gì! Giờ thì hay rồi, sao không ngã luôn gãy cả chân đi?!"

Ba Thịnh nghe vậy như muốn cãi lại, nhưng ánh mắt liếc sang thấy Thịnh Xuyên cũng đến, lời vừa lên đến cổ họng lại nghẹn lại. Ông lẩm bẩm quay đầu, cau mày nói khẽ: "Chỉ trầy xước chút thôi, bà làm gì mà cuống lên như thế."

Nói xong ông chống tay muốn đứng lên khỏi tảng đá, nhưng chưa đứng vững đã lại ngã xuống. Mẹ Thịnh lo lắng đến mức dậm chân: "Ông đừng có động đậy nữa! Nhanh đi đến trạm xá thôi, gãy chân thì nguy to!"

Nghe vậy, ba Thịnh còn định lên tiếng, nhưng lại thấy Thịnh Xuyên đột nhiên cúi người xuống trước mặt ông. Tấm lưng không quá rộng lớn nhưng lại khiến người ta cảm thấy đáng tin cậy. Giọng anh không rõ cảm xúc, chỉ khẽ cau mày: "Lên đi, con cõng ba đến trạm xá."

Ba Thịnh không ngờ anh lại làm vậy, sững sờ tại chỗ. Tiểu Mao thúc giục: "Chú Giang Hà, sao chú còn chưa lên? Nhanh lên, trạm xá mà đóng cửa thì biết làm sao?"

Mẹ Thịnh cũng nói: "Lên đi, chần chừ gì nữa, vết thương không thể để lâu được."

Ba Thịnh nghe vậy mới chịu leo lên lưng Thịnh Xuyên, tay chân cứng đờ, không biết phải đặt thế nào cho đúng. Đôi tay thô ráp đầy chai sạn, còn dính cả bùn đất, chỉ dám khẽ chạm vào vai anh, cố nén hơi thở, như thể làm vậy sẽ giảm bớt trọng lượng.

Thịnh Giang Hà lúc còn trẻ cao lớn, vạm vỡ, giờ dù già rồi vẫn không nhẹ. Nhưng khi người đàn ông cả đời cứng cỏi này nằm lên lưng anh, Thịnh Xuyên rõ ràng cảm nhận được ông đã già rồi, dáng người dần còng xuống. Anh tránh vết thương trên chân ông, rồi đứng dậy cõng ông xuống núi.

Tiểu Mao cầm đèn pin đi trước soi đường. Trạm xá ở ngay đầu làng, nói gần không gần, nhưng nói xa cũng chẳng xa. Dù vậy, cõng một người đi như thế cũng mệt lả. Trời đêm se lạnh, nhưng Thịnh Xuyên đổ mồ hôi ướt đẫm lưng. Khi cõng được ba Thịnh đến trạm xá, tóc anh đã ướt nhẹp.

Bác sĩ chưa ngủ, nghe thấy động tĩnh liền ra xem, giật mình kinh ngạc: "Sao lại ngã đến mức này? Mau vào, để ông ấy lên ghế."

Ở làng này nhà nọ sát nhà kia, mọi người đều quen biết nhau. Nhưng Thịnh Xuyên đã rời đi lâu, có những người anh không còn nhớ mặt, cũng chẳng biết ai với ai là thân thích. Thấy bác sĩ đang băng bó cho Thịnh Giang Hà, anh quay người ra ngồi trên bậc thềm ngoài cửa.

Trời trong sáng, sao thưa. Một cơn gió đêm thổi qua, làn gió mát lạnh khiến lưng anh nổi da gà. Thịnh Xuyên vô thức đưa tay chạm vào sau gáy. Đúng lúc đó, qua cánh cửa kính của trạm xá, anh nghe thấy loáng thoáng cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và Thịnh Giang Hà.

"Ông Thịnh à, chàng trai ngồi ngoài cửa kia là A Xuyên phải không?"

"Ừm, đúng rồi..."

"Chà chà, tuấn tú thật đấy. Bảo sao ông cứ khen nó hiếu thảo. Trước đây tôi còn tưởng ông nói quá, hôm nay nhìn mới thấy đúng là đứa trẻ tốt."

Ba Thịnh rõ ràng có chút lơ đãng, đối với lời trêu chọc của bác sĩ, ông chỉ cười gượng, ánh mắt không tự chủ mà dõi về phía bóng người đang ngồi ngoài cửa kính, bàn tay vô thức xoa nhẹ túi quần. Trong ánh sáng đèn điện, những nếp nhăn già nua trên gương mặt ông hiện lên rõ rệt.

Không biết từ khi nào, mẹ Thịnh đã bước ra. Bà thấy Thịnh Xuyên ngồi trên bậc thềm mà không nói lời nào, liền thở dài một hơi rồi ngồi xuống bên cạnh anh: "Sao không vào trong ngồi?"

Thịnh Xuyên vẫn chưa quen ở chung một phòng với ba, nghe vậy liền lắc đầu: "Bên ngoài mát hơn."

Hiểu con không ai bằng mẹ. Mẹ Thịnh tất nhiên biết rõ trong lòng anh đang khó chịu. Bà kéo cửa kính nhỏ của phòng khám lại, giữ im lặng trong chốc lát, rồi đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng: "Đừng trách ba con..."

Dù đã lớn tuổi, dung mạo của mẹ Thịnh vẫn còn nét thanh tú, phảng phất vẻ đẹp thời trẻ. Bà nắm tay phải thành nắm đấm, nhẹ nhàng xoa lên bắp chân, thở dài: "Ông ấy là người ít học, chữ nghĩa không biết mấy, đạo lý lớn nhỏ đều chẳng hiểu gì. A Xuyên à, con bề ngoài nhìn thì ôn hòa, nhưng mẹ biết, thật ra con cũng cứng đầu giống y như ba con..."

"Những năm qua, ông ấy cứng miệng, không chịu cúi đầu, nhưng trong lòng sớm đã hối hận rồi. Có lần ông ấy uống say, nói rằng cả đời này chỉ làm đúng một việc hồ đồ nhất, là khiến con mất đi con đường tương lai, rồi còn đẩy con đến mức chẳng chịu về nhà. Con nói xem, chỉ cần hai ba con, ai đó nhượng bộ trước một chút, đâu đến nỗi mấy năm trời không gặp mặt..."

"Ba con không hiểu được giá trị của việc học, cái đầu cứng như gỗ ấy có đập vỡ ra cũng không thể giải thích rõ ràng. Khi đó ông bà nội lại đang bệnh, nhà chỉ có chút tiền ít ỏi, nếu thật sự dồn hết cho con học, một khi có chuyện gì xảy ra thì làm sao xoay xở nổi?"

Những gì mẹ Thịnh nói đều là sự thật. Có điều, một số anh đã biết, một số lại không. Thịnh Xuyên nhắm mắt, không lên tiếng, chẳng rõ trong đầu đang nghĩ gì. Ánh mắt của mẹ Thịnh dịu dàng, bà nhẹ nhàng vỗ lưng anh: "Ba con già rồi, đừng chấp nhặt chuyện này với ông ấy nữa. Gần đây ông ấy cứ ngày ngày vào rừng, không phải vì không muốn nhìn thấy con đâu, mà là sợ con thấy ông thì bực mình. Lại mà ngã thêm lần nữa, e rằng chẳng còn sống được bao lâu nữa."

Thịnh Xuyên mở mắt ra, nhìn về phía màn đêm xa xăm, không nói gì. Anh chợt nhớ đến những ngày trước kia. Dù ba Thịnh nóng tính, hay cầm roi mây đánh anh, nhưng cũng đã từng rất tốt với anh. Có năm trong làng ngập lụt, cầu bị nước nhấn chìm, không có đường đến trường, ba Thịnh ngày ngày cõng anh trên vai lội qua dòng nước đưa đến lớp, đến nỗi chân ông bị ngâm mà rữa ra.

Hai người đã làm sao mà đến mức này...

Không lâu sau, vết thương của ba Thịnh đã được xử lý xong, trên chân quấn một lớp băng dày cộm. May mắn là xương không bị gãy. Mẹ Thịnh nhận thuốc, sau đó dìu ông ra ngoài: "Đồ ông già chết tiệt, xem ông còn dám lên núi nữa không!"

Ba Thịnh trừng mắt, thấp giọng càu nhàu: "Nói cái gì mà linh tinh! Đàn bà tóc dài kiến thức ngắn, cây cối đều ở trên núi, không đi chăm sóc thì được à?!"

Có lẽ ông không muốn để Thịnh Xuyên cõng mình, nên chống vai mẹ Thịnh cố tình bước nhanh hơn, chân thọt chân què đi lên trước. Mẹ Thịnh liên tục nhắc: "Chậm thôi, ông chậm thôi."

Thịnh Xuyên theo sau, cầm đèn pin soi sáng đường cho họ. Một luồng ánh sáng rẽ ngang màn đêm, chiếu mờ mờ lên những cây cối cỏ dại hai bên, cả ba người cứ thế bước từng bước chênh vênh về nhà.

Mẹ Thịnh dìu ba Thịnh l ngồi xuống ghế ngoài cửa: "Để tôi vào bếp nấu chút mì, coi như ăn đêm. Chạy lên núi lâu thế chắc đều mệt rồi, mau ngồi xuống nghỉ ngơi đi."

Chân ba Thịnh đau buốt, không ngồi cũng không được. Ông sờ vào túi áo tìm chiếc tẩu hút thuốc, định rít vài hơi cho đỡ mệt, nhưng lại không tìm được bật lửa. Đang loay hoay tìm kiếm, bỗng nhiên trước mặt xuất hiện một chiếc bật lửa.

Thịnh Xuyên kéo ghế ngồi bên cạnh ông từ lúc nào không hay, trong tay kẹp một chiếc bật lửa nhựa màu đỏ, đưa cho ông: "Dùng cái này."

Ba Thịnh nghe vậy, theo phản xạ nhìn về phía anh, môi mấp máy như muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng lại không thốt nên lời. Ông lúng túng nhận lấy bật lửa, vẻ mặt như được ban ơn, vừa vui mừng vừa ngượng ngập.

Khói thuốc dần dần bay lên, trong chốc lát, một làn khói trắng lững lờ tản ra. Mùi thuốc lá này rất nồng, người thường khó mà quen được, nhưng ba Thịnh đã hút suốt hơn chục năm, đến mức trên người ông quanh năm bám mùi ấy.

Ba Thịnh rít liên tục, gần hết một điếu mà chẳng thấy vị gì, cuối cùng cúi đầu, gõ tàn thuốc xuống bậc thềm phát ra từng tiếng "cộp cộp" nặng nề.

Thịnh Xuyên lặng lẽ quan sát tất cả, một lúc sau bất chợt lên tiếng hỏi: "Tiền xây nhà của mình từ đâu ra?"

Đây là lần đầu tiên anh bình tĩnh trò chuyện với ba Thịnh sau bao năm.

Ba Thịnh cha ngẩn ra: "Cái gì cơ?"

Thịnh Xuyên lặp lại lần nữa: "Tiền xây nhà mình từ đâu ra?"

Ba Thịnh có vẻ hơi ngờ ngợ, bàn tay thô ráp, đen đúa của ông vô thức xoa đầu gối: "Chẳng phải con với bạn làm ăn rồi gửi về sao?"

Cuối cùng Thịnh Xuyên cũng cảm thấy có điều gì đó không đúng. Lần trước ba Thịnh lên thành phố tìm anh cũng vậy, nói năng đều xoay quanh chuyện làm ăn. Chỉ là khi ấy, tâm trạng anh rối bời, chẳng buồn để ý. Anh khẽ hỏi: "Rốt cuộc ai nói với ba là con làm ăn ngoài đó?"

Ba Thịnh dường như cảm nhận được sự khác thường trong giọng nói của anh, đột nhiên trở nên căng thẳng, không biết mình đã nói sai điều gì: "Bạn con nói đấy. Năm đó con bỏ nhà đi, mẹ con lo lắng mãi, ép ba vào thành phố tìm con. Ba đi tìm nhưng không thấy, lại gặp bạn con. Cậu ấy bảo hai đứa đang hùn vốn làm ăn."

Khi ấy, Thịnh Xuyên chẳng có bao nhiêu tiền. Vào thành phố là nhờ xe người thân, sau đó họ giới thiệu cho anh một công việc ở xưởng. Anh từng làm nhân viên giao hàng vài ngày. Một số người bạn vẫn giữ liên lạc. Ba Thịnh vì cứng đầu mà không chịu đi tìm anh, mãi đến bảy tám tháng sau, bị mẹ Thịnh thúc giục, ông mới vào thành phố.

Ban đầu ông tìm người thân chở anh vào thành phố, rồi lần theo tin tức biết anh chỉ làm công ở xưởng được nửa tháng đã nghỉ. Có người quen kể lại từng thấy anh từ khu biệt thự đi ra, dường như đang sống ở đó. Thế là ba Thịnh tìm đến nơi ấy.

Khu vực đó là nơi ở của những người giàu có, điều này Thịnh Giang Hà không rõ lắm vì ông chưa bao giờ bước chân vào, bị bảo vệ chặn lại ngay từ ngoài cổng. Thế là ông chọn cách đơn giản nhất: ngày ngày ngồi chờ ở cổng, mang theo một tấm ảnh của Thịnh Xuyên, gặp ai cũng hỏi. Đói thì ăn bánh bao chấm dưa muối, thuê một nhà trọ rẻ nhất để ở lại.

Thịnh Giang Hà không ngờ mọi thứ trong thành phố lại đắt đỏ đến vậy, chỉ cần ngủ một đêm cũng tốn cả trăm hai trăm tệ. Số tiền một nghìn tệ ông mang theo chẳng mấy chốc đã cạn. Ông nhớ rất rõ, khi đó đang là giữa mùa hè, trời nóng như thiêu như đốt, ông ngồi đợi dưới gốc cây đến mức hoa mắt chóng mặt. Mãi đến lúc lờ mờ nhìn thấy một chiếc xe đen từ trong khu nhà lái ra, ông mới cố gắng gượng dậy, bước lên chặn đường để hỏi.

Ông đã làm việc này rất nhiều lần, nhưng chẳng ai thèm quan tâm đến ông, họ hoặc tăng tốc bỏ đi, hoặc mắng ông là kẻ điên. Lần này cũng không ngoại lệ, chiếc xe đó không hề có ý định dừng lại, nhưng không biết có phải vì ông bị sốc nhiệt hay không mà đứng không vững, ngã nhào xuống đất, phải mất một lúc lâu mới gượng dậy được.

Chiếc xe đã chạy xa một đoạn nhưng lại đột nhiên lùi lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro