3.
Mùa thu năm tôi tròn mười ba tuổi, cái tuổi dở dở ương ương, chẳng còn bé bỏng nhưng cũng chưa đủ lớn để lo toan gì nhiều, chỉ biết cắm cúi chơi đùa mà thôi. Đúng vào thời điểm ấy, thằng Tường, bạn thân chí cốt của tôi, mang về cho cái xóm nhỏ này một điều mới mẻ: một cậu em trai. Bố mẹ Tường ly hôn từ khi nó còn chập chững ba tuổi, nó sống cùng bố, còn đứa em lại theo mẹ vào Nam. Khi Tường chuyển đến xóm tôi cùng bố, chẳng ai biết gì về cậu em trai bí ẩn đó.
Thằng Tường bảo, em nó mắc bệnh bạch tạng, nên da, tóc, và cả lông mi đều trắng muốt, rực sáng giữa những đứa trẻ xung quanh. Đôi mắt em xanh nhạt, một màu xanh làm tôi liên tưởng đến những viên đá quý hiếm hoi, như thể có người đã vô tình đặt chúng vào trong đôi mắt ấy. Sức khỏe của em cũng chẳng tốt, mắt thì loạn thị lẫn cận thị bẩn sinh khi lớn thì mắt gần như đã mù hoàn toàn, da yếu ớt dễ cháy nắng và còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư da. Nhìn chung, thằng em của Tường yếu đuối hơn cả đám con gái trong xóm. Mấy đứa con gái trong xóm tôi còn biết trèo cây hái hoa sữa, hái trái cây, hay trèo tường trốn bố mẹ ngủ trưa để cùng chơi đùa với bọn con trai chúng tôi. Thế mà em của Tường, thằng bé ấy, chỉ cần dăm phút dưới nắng trưa là da đã ửng đỏ, phải vội vàng tìm bóng mát nấp vào, chẳng khác gì một chú mèo con nhút nhát.
Cậu em ấy tên là Vũ Mạnh Minh, nhỏ hơn tôi ba tuổi, năm nay mới học lớp năm. Nghe Tưởng kể lại, thằng bé theo mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Mẹ nó làm trong một công ty, lương cũng khá khẩm. Nhưng ở trường cũ, vì ngoại hình khác lạ và giọng nói Bắc lạc giữa đám trẻ miền Nam, thằng Minh bị trêu ghẹo, bị cô lập. Đến khi nhà trường phát hiện, những đứa bắt nạt bị khiển trách, mời phụ huynh lên làm việc, mọi chuyện mới tạm êm xuôi. Nhưng rồi, khi mẹ nó tái hôn, ông chồng mới chẳng ưa nổi đứa con riêng của vợ, thế là Minh phải khăn gói về Bắc, sống cùng bố và anh trai.
Bố của Tường, ông Bảo, đã bước qua tuổi bốn mươi sáu, làm việc trong một xưởng may gần đây. Tiền lương từ xưởng may chẳng đủ để nuôi sống gia đình nơi đất Hà Thành đắt đỏ, ông phải làm thêm tại quán sửa xe của ông Quy mới đủ trang trải. Ngày thằng Minh trở về, ông Bảo lại phải gồng mình làm thêm nhiều hơn nữa để lo liệu cho hai đứa con. Thương cha, Tường cũng lăn lộn đủ thứ việc, khi thì phụ quán ông Quy, lúc lại đi bán rau giúp bà Chính, bà nội tôi, để kiếm thêm chút ít cho hai anh em đến trường.
Ông Bảo thương thằng Minh lắm. Mỗi khi tan ca về, tôi đều thấy ông ghé qua chợ mua thịt cá, chẳng quản đắt đỏ, chỉ để có bữa cơm ngon cho thằng bé. Dù Minh ít nói, ít cười, khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn khó tả, ông Bảo chẳng hề trách cứ, chỉ lặng lẽ chăm sóc nó, như thể bù đắp những thiếu thốn từ trước đến giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro