Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

dlnnphan2

Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu. Quan niệm này gần với quan niệm của B.Golovin trong cuốn sách "Dẫn luận ngôn ngữ học" của ông. Nó cũng có nhiều nét gần với quan niệm của L.Bloomfield, coi từ là một "hình thái tự do nhỏ nhất". Có nghĩa rằng từ là một hình thái nhỏ nhất có thể xuất hiện độc lập được.

1.d. Ngay cả những quan điểm như thế, sự thực cũng không phải là áp dụng được cho tất cả mọi ngôn ngữ và tất cả mọi kiểu từ. Chẳng hạn từ nếu vừa nói bên trên cũng như từ và, với, thì, ư... trong tiếng Việt; từ and, up, in, of... của tiếng Anh không thoả mãn được điều kiện "tái hiện tự do" trình bày trong quan niệm này.

Gặp những trường hợp như vậy (trường hợp của những cái mà ta vẫn gọi là từ hư) người ta phải có những biện luận riêng.

- Trước hết, tất cả chúng đề có nghĩa của mình ở dạng này hay dạng khác, thể hiện bằng cách này hay cách khác.

- Thứ hai, khả năng "tái hiện tự do" của chúng được thể hiện "một cách không tích cực". Cần nhớ là trong ngôn ngữ, chỉ có những đơn vị cùng cấp độ thì mới trực tiếp kết hợp với nhau. Xét hai câu bình thường trong tiếng Việt và tiếng Anh.

- Em sống với bố và mẹ

- He will leave here after lunch at two o'clock

Ở đây, em, bố, mẹ, sống, he, leave, here, lunch, two, c'clock chắc chắn là các các từ. Vậy thì với, và, will, after, at cũng phải là từ.

- Thứ ba, không hiếm từ hư trong một số ngôn ngữ đã được chứng minh là có nguồn gốc từ từ thực. Sự hao mòn ngữ nghĩa cùng với sự biến đối về chức năng của chúng đã xẩy ra. Tuy vậy, không vì thế mà tư cách từ của chúng bị xoá đi. Ví dụ: trong tiếng Hindu: me (trong) < madhya (khoảng giữa); ke arth (để, vì) < artha (mục đích) của Sanskrit... trong tiếng Hausa: bisan (trên) < bisa (đỉnh, chóp); gaban (trước) < gaba (ngực)... trong tiếng Việt: của < của (danh từ); phải < phải (động từ); bị < bị (động từ)...

Việc xét tư cách từ cho những trường hợp như: nhà lá, áo len, đêm trắng, chó mực, cao hổ cốt... trong tiếng Việt còn phức tạp hơn nhiều. Trong các ngôn ngữ khác cũng không phải là không có tình hình tương tự.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm tòi những tiêu chí cơ bản, phổ biến để nhận diện từ (như: tính định hình hoàn chỉnh, tính thành ngữ, do A.Smirnitskij đưa ra chẳng hạn) nhưng khi đi vào từng ngôn ngữ cụ thể, người ta vẫn phải đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nữa, có thể cụ thể hơn, khả dĩ sát hợp với thực tế từng ngôn ngữ hơn, và thậm chí có cả những biện luận riêng.

2. Cấu tạo từ

2.a. Từ được cấu tạo nhờ các hình vị. Nói cách khác, từ được tạo ra nhờ một hoặc một số hình vị kết hợp với nhau theo những nguyên tắc nhất định. Ví dụ:

Từ tiếng Anh Antipoison = anti + poison

Từ tiếng Nga nucaтeль = nuca + тeль

Vậy hình vị là gì?

Quan niệm thường thấy về hình vị, được phát biểu như sau:

Hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa và/hoặc có giá trị (chức năng) về mặt ngữ pháp.

Quan niệm này xuất phát từ truyền thống ngôn ngữ học châu Âu vốn rất mạnh về hình thái học, dựa trên hàng loạt các ngôn ngữ biến hình. Chẳng hạn, trong dạng thức played của tiếng Anh người ta thấy ngay là: play và -ed. Hình vị thứ nhất gọi tên, chỉ ra khái niệm về một hành động, còn hình vị thứ hai biểu thị thời của hành động đặt trong mối quan hệ với các từ khác trong câu mà played xuất hiện.

Các hình vị được phân chia thành những loại khác nhau. Trước hết là sự phân loại thành các hình vị tự do và hình vị hạn chế (bị ràng buộc).

Hình vị tự do là những hình vị mà tự nó có thể xuất hiện với tư cách những từ độc lập. Ví dụ: house, man, black, sleep, walk... của tiếng Anh; nhà, người, đẹp, tốt, đi, làm... của tiếng Việt.

Hình vị hạn chế là những hình vị chỉ có thể xuất hiện trong tư thế đi kèm, phụ thuộc vào hình vị khác. Ví dụ: -ing, -ed, -s, -ity... của tiếng Anh; ом, uх, е... của tiếng Nga.

Trong nội bộ các hình vị hạn chế, người ta còn chia thành hai loại nữa: các hình vị biến đổi dạng thức (các biến tố) và các hình vị phái sinh.

- Hình vị biến tố là những hình vị làm biến đổi dạng thức của từ để biểu thị quan hệ giữa từ này với từ khác trong câu. Ví dụ:

cats, played, worked, singing ... trong tiếng Anh

доме, pуку, читаю ... trong tiếng Nga

- Hình vị phái sinh là những hình vị biến bổi một từ hiện có cho một từ mới.

kind - kindness; merry - merryly, (to) work - worker... của tiếng Anh hoặc như trường hợp дом - домuк; nucать - nucателъ của tiếng Nga.

Lĩnh vực nghiên cứu về cấu tạo từ chú ýe trước hết đến các hình vị tự do và hình vị tái sinh.

Nếu căn cứ vào vị trí của hình vị trong từ, người ta có thể phân chúng thành hai loại lớn: gốc từ (cái mang ý nghĩa từ vựng chân thực, riêng cho từng từ) và phụ tố (cái mang ý nghĩa ngữ pháp, chung cho từng lớp, nhiều từ). Tuỳ theo phụ tố đứng ở trước gốc từ, trong gốc từ hay sau gốc từ, người ta gọi chúng lần lượt là tiền tố, trung tố và hậu tố.

2.b Từ trong các ngôn ngữ được cấu tạo bằng một số phương thức khác nhau. Nói khác đi, người ta có những cách khác nhau trong khi sử dụng các hình vị để tạo từ.

1+ Dùng một hình vị tạp thành một từ. Phương thức này thực chất là người ta cấp cho một hìnhvị cái tư cách đầy đủ của một từ, vì thế, cũng không có gì khác nếu ta gọi đây là phương thức từ hoá hình vị. Ví dụ các từ: nhà, người, đẹp, ngon, viết, ngủ,... của tiếng Việt; các từ: đây, tức, phle, kôn,... của tiếng Khmer, các từ: in, of, with, and,... của tiếng Anh là những từ được cấu tạo theo phương thức này.

(Thật ra, nói "dùng một hình vị tạo thành một từ" hoặc "từ hoá hình vị" là không hoàn toàn chặt chẽ về logic, vì điều đó ngụ ý rằng hình vị phải là cái có trước từ. Trong khi đó, xét tới ngọn nguồn và tổng thể ngôn ngữ thì từ phải là cái có trước, còn đơn vị mang tư cách hình vị và những "hình vị được từ hoá" chỉ là các kết quả có được ở hậu kì. Do vậy, đây chỉ là cách nói cho giản tiện trong việc phân loại và miêu tả mà thôi).

2+ Tổ hợp hai hay nhiều hình vị để tạo thành từ.

2.a. Phương thức phụ gia

a.1. Phụ thêm tiền tố vào gốc từ hoặc một từ có sẵn.

Ví dụ: tiền tố y- npu- беэ-... trong tiếng Nga: бежать - убежать, npuбежать; лететь - npuлететь...

Tiền tố anti-, im-, un-... trong tiếng Anh: foreign - antiforeign, possible - impossible

Tiền tố ch, -m trong tiếng Khmer: Lơ (trên) - chlơ (đặt lên trên); hôp (ăn) - mhôp (thức ăn)...

a.2. Phụ thêm hậu tố

Ví dụ: Hậu tố -uк, -ка, -шuк... của tiếng Nga trong các từ домuк, студентка, каменшuк.

Hậu tố -er, -ness, -less, -li, -ity... của tiếng Anh trong các từ player, kindness, homeless...

a.3. Phụ thêm trung tố

Ví dụ: Trung tố -uзн-, -uв- của tiếng Nga trong các từ болuзна, красuвый... Trung tố -n của tiếng Khmer trong các từ kout (thắt, buộc) - khnout (cái nút), back (chia) - phnack (phần bộ phận)... Trung tố -el, -em trong tiếng Indonesia ở các từ gembung (căng, phồng lên) - gelembung (mụn nước, cái bong bóng) guruh (sấm, sét) Œ gemuruh (oang oang)...

2.b. Ghép các yếu tố (hình vị) gốc từ

Phương thức này cũng gọi là phương thức hợp thành.

Ví dụ:

trong tiếng Anh: homeland, newspaper, inkpot...

trong tiếng Việt: đường sắt, cá vàng, sân bay...

Ở đây không phải chỉ kể những trường hợp ghép các hình vị thực gốc từ, mà còn kể cả trường hợp ghép các hình vị vốn hiện diện là những từ hư, những "từ ngữ pháp" như bởi vì, cho nên... trong tiếng Việt.

2.c. Phương thức láy

Thực chất của phương thức này là lặp lại toàn bộ một phần của từ, hình vị ban đầu trong một số lần nào đó theo quy tắc cho phép, để cho một từ mới. Ví dụ như những từ:

- co ro, lúng túng, giỏi giang, vành vạnh... của tiếng Việt.

- thmây thây, thlay thla, srâu sro... của tiếng Khmer.

Trên đây đã trình bày một số phương thức cơ bản để cấu tạp từ trong các ngôn ngữ. Sự thật thì các phương thức ấy có những biểu hiện còn đa dạng hơn và đôi khi chúng đan xen vào nhau. Mặt khác, cũng cần lưu ý là các phương thức tạo từ không hiện diện và hoạt động đồng đều trong mọi ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong các ngôn ngữ Ấn-Âu, phương thức phụ gia có hiệu lực mạnh bởi một trong những lí do là ở các ngôn ngữ này, sự đối lập hình vị gốc từ với các phụ tố là nét nổi bật; và chúng có những hệ hình thái cực kì phát triển. Trong khi đó tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình, lại chủ yếu dựa vào phương thức hợp thành và phương thức láy. Kết cục là trong mỗi ngôn ngữ tồn tại một tình trạng gần như là đắp đổi, bù trừ giữa các phương thức cấu tạo từ: phương thức này ít hoạt động thì gia tăng phương thức kia để "bù lại".

Phân tích nghĩa của từ

1. Giới thiệu

Phân tích, miêu tả cho được cấu trúc nghĩa của từ là một trong những nhiệm vụ và mục đích hàng đầu của việc nghiên cứu từ vựng ngữ nghĩa.

Trong lĩnh vực này, người ta đã đề xướng nhiều phương pháp phân tích nghĩa của từ, nhưng thường gặp và dễ dùng nhất là phương pháp sử dụng ngữ cảnh.

2. Ngữ cảnh là gì?

2.1. Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: Tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).

Ví dụ, khi ta nghe thấy chỉ một từ "chắc" trong tiếng Việt thôi, thì không thể biết được người nói muốn nói gì tới nghĩa nào đó của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ "chắc" sẽ xuất hiện rất rõ ràng, nếu ta nghe thấy nó trong các phát ngôn, những chuỗi từ đại loại như sau:

Lúa đã chắc hạt; Nhà xây rất chắc; Lời nói chắc như đinh đóng cột; Ông này chắc đã có con lớn; Anh làm thế, dễ người ta không biết đấy chắc;...

Định nghĩa về ngữ cảnh được phát biểu như sau:

Ngữ cảnh của một từ là chuỗi từ kết hợp với nó hoặc bao xung quanh nó, đủ để làm cho nó được cụ thể hoá và hoàn toàn xác định về nghĩa.

(Định nghĩa này cho thấy rằng ngữ cảnh có thể tối thiểu là một từ, tối đã là một chuỗi lớn hơn, có khả năng ứng với một câu, một phát ngôn,...)

2.2. Sở dĩ từ bộc lộ một nghĩa xác định nào đó trong ngữ cảnh chứa nó là vì trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp từ vựng và khả năng kết hợp ngữ pháp của mình.

Khả năng kết hợp ngữ pháp của từ là khả năng nó có thể đứng vào một vị trí nhất định trong những cấu trúc nhất định nào đó. Nói khác đi, đó là khả năng từ có thể tham gia vào những cấu trúc ngữ pháp nào đó.

Ví dụ, trong tiếng Việt, động từ có khả năng kết hợp với các từ: đã, đang, sẽ, sắp, lại, vừa,... ở đằng trước; và: xong, rồi, mãi,... ở đằng sau (ví dụ: đang đi, làm mãi,...).

Nếu từ thuộc lớp ngữ pháp nào, thuộc từ loại nào,... thì sẽ được quy định cho những khả năng tương ứng, những vị trí tương ứng trong các mô hình cấu trúc ngữ pháp.

Ngược lại, khả năng kết hợp từ vựng của từ lại là khả năng kết hợp giữa một nghĩa của từ này với một nghĩa của từ khác, sao cho tổ hợp được tạo thành phải đúng với thực tại, phù hợp với logic và thói quen sử dụng ngôn ngữ của nguời bản ngữ.

Ví dụ, người Việt vẫn nói: ăn cơm, học bài, nhắm mắt,... và cũng nói: bây giờ đang mùa thu, trông vẫn còn con gái như ai, nhà này cũng năm tầng;... mà không thể nói: ăn bài, học cơm, nhắm miệng, bây giờ đang nhà,...

Có những từ có khả năng kết hợp từ vựng rất rộng, nhưng có những từ thì khả năng đó lại hẹp hoặc vô cùng hẹp. Chẳng hạn, các động từ: nhắm, nháy, nghển, kiễng, phưỡn, mấp máy,... có khả năng kết hợp với từ vựng rất hẹp. Mỗi động từ đó chỉ kết hợp được với một hoặc vài danh từ khác mà thôi.

Có thể diễn giải khả năng kết hợp từ vựng của từ như sau:

- Khi có hai từ A và B kết hợp với nhau chẳng hạn, thì không phải lúc đó tất cả các nghĩa của A đều hiện lên và kết hợp với tất cả các nghĩa của B.

- Nếu ta hình dung mỗi từ có một "phổ" nghĩa:

A = a, b, c,... B = x, y, z,...

thì sự kết hợp AB về mặt từ vựng có thể là kết hợp nghĩa ax, by, bz, bx, ay, az,... tuỳ trường hợp cụ thể mà AB phản ánh.

Ví dụ: Xét kết hợp "che đầu" trong câu Trời mưa một mảnh áo bông che đầu, ta thấy:

Từ "che" có hai nghĩa:

1.(...)

2.Ngăn cho khỏi bị một tác động nào đó từ bên ngoài.

Từ "đầu" có 4 nghĩa:

1.Bộ phận thân thể người, động vật nằm ở vị trí trên cùng hoặc trước nhất.

2.(...)

3.(...)

4.(...)

Khả năng kết hợp từ vựng của "che" với "đầu" trong trường hợp này là kết hợp của nghĩa che (2) với nghĩa đầu (1).

Những phân tích vừa nêu trên chứng tỏ rằng: Khả năng kết hợp từ vựng của các từ quy định và cho phép chúng có kết hợp với nhau được hay không. Ngược lại, thông qua các kết hợp cụ thể từ này với các từ khác, ta có thể phát hiện dần từng nghĩa riêng của từ, tiến tới xác định được cả một "phổ", cả một cơ cấu của nghĩa từ. Điều này cũng tương tự như hình thái học phát hiện tất cả các từ hình của từ trong hoạt động lời nói để rồi quy chúng về cái gọi là từ vị vậy.

3. Cách dùng phương pháp phân tích theo ngữ cảnh

Khi áp dụng phương pháp phân tích nghĩa qua ngữ cảnh cho từ tiếng Việt, chúng ta phải làm những việc cụ thể (tất nhiên đây mới chỉ là cái cơ bản chứ chưa phải là những thao tác chi tiêt), như sau:

3.1. Phân tích ngữ cảnh

Đây là bước đầu tiên, bắt buộc phải thực hiện vì đó là tư liệu làm việc. Trước hết phải xác định được các ngữ cảnh (có chứa từ mà ta cần phân tích) trong các loại văn bản thành văn thuộc các loại hình phong cách chức năng khác nhau. Sau đó trích các ngữ cảnh đó ra và tập hợp lại.

3.2. Phân loại ngữ cảnh

Khi đã thu được số lượng ngữ cảnh đủ nhiều, đáng tin cậy, phản ánh đủ hết các nghĩa của từ, chúng ta sẽ phân loại. Những ngữ cảnh nào cùng làm hiện thực hoá một nghĩa của từ (tức là trong những ngữ cảnh đó, từ xuất hiện với cùng một nghĩa), thì được xếp vào một nhóm gọi là nhóm ngữ cảnh cùng loại.

Nếu việc phân loại ngữ cảnh làm càng chuẩn xác thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tách nghĩa của từ đa nghĩa, bởi vì, từ càng đa nghĩa thì càng phức tạp, càng khó xử lí.

Xét các ngữ cảnh chứa từ "say" như sau đây làm ví dụ:

1.Má hồng không thuốc mà say.

2.Đất say đất cũng lăn quay

Trời say trời cũng đỏ gay ai cười.

3.Say thuốc lào.

4.Say xe.

5.Say sóng.

6.Da anh đen cho má em hồng

Cho duyên em thắm, cho lòng anh say.

7.Các cụ ông say thuốc.

8.Các cụ bà say trầu.

9.Còn con trai con gái, chỉ nhìn mà say nhau.

Các ngữ cảnh trên đây được phân tích thành hai nhóm:

•Nhóm 1 gồm ngữ cảnh 1, 6, 9.

•Nhóm 2 gồm ngữ cảnh 2, 3, 4, 5, 7, 8.

3.3. Phân tích nghĩa

Đối với từ đơn nghĩa, nhiệm vụ ở bước này là so sánh với các từ khác cùng nhóm (tương đồng, tương cận hoặc tương phản với nó) để phát hiện các nghĩa tố cần yếu trong cấu trúc nghĩa của từ.

Riêng từ đa nghĩa, vấn đề phức tạp hơn. Cùng với việc so sánh, phát hiện các nghĩa tố cần yế của từng nghĩa, thì việc tách ra bao nhiêu nghĩa trong toàn bộ cơ cấu nghĩa từ phải được tiến hành trước một bước. Ta cần phải làm những bước sau đây:

1.Xác định nghĩa gốc của từ (trong thế tương quan lưỡng phân nghĩa gốc - nghĩa phái sinh). Nghĩa gốc của từ có thể là một nghĩa từ nguyên, nhưng cũng có thể chỉ là một nghĩa phái sinh rồi phái sinh tiếp tục ra nghĩa khác. Ví dụ tính từ "bạc" có 3 nghĩa:

1.Mỏng manh, ít ỏi, không trọn vẹn: Mệnh bạc,...

2.Ít ỏi, sơ sài (trái với hậu): Lễ bạc lòng thành,...

3.Không nhớ ơn nghĩa, không giữ được tình nghĩa trọn vẹn trước sau như một: Ăn ở bạc với bố mẹ,...

Nghĩa (1) của tính từ "bạc" là nghĩa từ nguyên, vốn từ gốc Hán.

Nghĩa (2) và (3) của nó đều được phái sinh từ nghĩa (1).

Thế nhưng trong tiếng Việt hiện đại, nghĩa (3) mới là nghĩa phổ biến nhất. Dựa vào nghĩa gốc, ta phát hiện các nghĩa phái sinh và các quy tắc chuyển nghĩa của chúng.

2.Xác định nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh) nếu có, để loại trừ khỏi phạm vi mà chúng ta đang quan tâm. Như vậy, chỉ những nghĩa thường trực mới được đưa vào phân tích xử lí.

3.Ngay trong khi phân loại ngữ cảnh, thực chất là đã bao hàm việc tách nghĩa từ trong đó rồi. Vì vậy, nếu phân loại ngữ cảnh mà chuẩn xác thì số nhóm ngữ cảnh cùng loại nói chung là ứng với số nghĩa khác nhau của từ.

Những biến đổi ở bề mặt từ vựng

Sự xuất hiện các từ ngữ mới

Các từ ngữ mới thường xuất hiện để bù đắp những thiếu hụt, không thoả mãn, không phù hợp với nhu cầu định danh các sự vật, hiện tượng trong đời sống và trong thế giới của con người. Đôi khi, chúng cũng xuất hiện một phần bởi mốt trong cách định danh, muốn dành cho sự vật một tên gọi mới hơn dù nó đã có tên gọi rồi. Tuy nhiên, lí do thứ nhất vẫn là lí do chủ yếu. Có hai con đường cơ bản làm xuất hiện một từ ngữ mới.

1. Con đường đầu tiên và quan trọng hơn cả là dùng những yếu tố, những chất liệu và quy tắc sẵn có trong ngôn ngữ dân tộc "của mình" để cấu tạo từ mới. Ngoài các phương sách cấu tạo từ thường gặp như đã biết, còn có thể kể thêm như sau:

1.a. Phương thức loại suy. Có thể hiểu đây là cách tạo từ bằng con đường noi theo cấu tạo của từ có trước. Ví dụ:

Tiếng Việt vay mượn từ bidon và cresson của tiếng Pháp nhưng rồi đã tân trang cấu trúc của chúng theo mẫu của một dãy từ mà người Việt tưởng rằng chúng thuộc cùng một dãy cấu tạo như nhau:

bidon - bình tông (cùng dãy sau bình tích, bình trà...)

cresson - cải xoong (cùng dãy sau cải xanh, cải bẹ...)

Tiếng Anh đã cấu tạo motoway (xa lộ) theo railway; và laundromat (hiệu giặt là tự động) theo automat.

1.b. Hoà đúc hai từ có sẵn tạo thành từ mới. Ví dụ:

Tiếng Anh: smog = smoke + fog

brunch = breakfast + lunch

motei = motor + hotel

Tiếng Nga: рабкор = рабоуий + корреспондент

зарплата = заработная + плата

1.c. Rút ngắn một cụm từ, hoặc từ dài hơn, tạo thành một từ mới. Ví dụ:

Tiếng Việt: khiếu tố ← khiếu nại + tố cáo

giao liên ← giao thông + liên lạc

Tiếng Anh: public house → pub (quán rượu, quán ăn)

perambulator → pram (xe nôi)

omnibus → bus (xe buýt)

1.d. Hình thành từ mới do cách ghép các con chữ (âm) ở đầu hoặc cuối từ trong một nhóm từ với nhau. Ví dụ: Ở tiếng Anh, RADAR, AIDS, LASER... và một số tên gọi của các tổ chức như FAO, UNICEF, UNESCO... đều đã hình thành bằng con đường như vậy.

1.e. Hình thành từ mới bằng cách chuyển đổi từ loại của từ có sẵn. Ví dụ:

Tiếng Anh: garage → to garage (cho ô tô ra vào)

do one's hair → hair-do (kiểu tóc; việc làm đầu)

Trường hợp đầu: Chuyển danh từ sang động từ. Trường hợp hai: Chuyển động từ sang danh từ.

2. Con đường thứ hai làm xuất hiện từ ngữ mới là vay mượn

2.a. Trong ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng vay mượn từ ngữ hoặc yếu tố cấu tạo từ từ một ngôn ngữ khác.

+ Người ta có thể vay mượn các từ, ví dụ như:

Trong tiếng Việt: mít tinh, bốc, ten nít... (nguồn gốc Anh); ga, xăng, sơ mi, xà phòng... (nguồn gốc Pháp); bôn sê vich, côm xô môn... (nguồn gốc Nga); câu lạc bộ, ngân phiếu, mậu dịch... (nguồn gốc Hán); shi, lượn, bản... (gốc Tày Nùng).

Trong tiếng Anh: telephone, thermodynamic... (gốc Hi Lạp cổ); cliche, boutique... (nguồn gốc Pháp).

+ Cũng có khi người ta vay mượn yếu tố cấu tạo từ hoặc lấy từ của một ngôn ngữ khác làm yếu tố cấu tạo từ trong ngôn ngữ của mình. Chẳng hạn: các phụ tố -able, -ible, -ent của tiếng Latin; các phụ tố -ism, -ist, -ite của tiếng Hi Lạp; các phụ tố -age, -ance, -ate của tiếng Pháp... đã được vay mượn vào trong tiếng Anh. Trong khi đó, tiếng Việt mượn các yếu tố: -hoá, -sinh, -viên... (nguồn gốc Hán) hoặc mượn hẳn một từ trong ngôn ngữ khác, đem kết hợp với một yếu tố có sẵn của mình để tạo ra từ mới.

canh + gác (garde - gốc Pháp) → canh gác

khăn + piêu (gốc Thái) → khăn piêu

làng + bản (gốc Tày Nùng) → làng bản

+ Căn ke lại từ ngữ của ngôn ngữ khác cũng là một hiện tượng vay mượn ngoài ngôn ngữ. Kết quả của hiện tượng này là người ta có một từ mới, được tạo nên bằng cách trực dịch từng yếu tố cấu tạo trong từ của ngôn ngữ khác. Ví dụ: Tiếng Việt có các từ vườn trẻ, nhà văn hoá... là căn ke từ các tên gọi детский сад, дом кулвтуры... trong tiếng Nga. Tiếng Tày Nùng có từ đin nựa là căn ke từ đất thịt trong tiếng Việt. Người Pháp vay mượn từ skyscrapter của tiếng Anh và đã "đồ" lại thành gratte-ceil.

2.b. Đối với các từ ngữ vay mượn, mỗi ngôn ngữ đều có cách xử lí khác nhau bên cạnh những đường nét chung. Người Việt khi vay mượn từ ngữ và đưa vào sử dụng trong ngôn ngữ của mình, thường có những điều chỉnh như sau:

+ Cải tổ cấu trúc ngữ âm của từ cho phù hợp với ngữ âm tiếng Việt và đồng thời có thể rút ngắn từ lại. Nói chung, từ nào có dị biệt với ngữ âm tiếng Việt cũng được cải tạo ít nhiều. Ví dụ: beton - bê tông; garde - gác; boulon - bu lông, bù loong; essence - xăng; enveloppe - lốp... meeting - mít tinh; cowboy - cao bồi; tennis - ten nít... thục địa - thục (củ thục); tiểu tiện - tiểu (đi tiểu);tri huyện - huyện (ông huyện)...

+ Cải tổ nghĩa của từ. Vay mượn từ nhưng lại cấp cho nó một nghĩa khác với nghĩa vốn có của nó. Ví dụ: tử tế là từ gốc Hán vốn có nghĩa là cặn kẽ, chu đáo, nhưng vào tiếng Việt, nó được cấp cho nghĩa tốt bụng. Tương tự như vậy, các nghĩa: lên mặt, hợm hĩnh, tỏ thái độ kiêu ngạo đã được cấp cho hai từ hãnh diện, sĩ diện mà từng yếu tố một vốn có những ý nghĩa hoàn toàn khác: hãnh = may mắn; sĩ = học trò; kẻ có có học thức...

Đọc thêm: Ông nói gà bà tưởng vịt

+ Vay mượn từ ngữ, nhưng không sử dụng tất cả các nghĩa của chúng mà chỉ dùng một số trong các nghĩa đó. Các từ: nhất, hạ, hủ hoá... của tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán là những ví dụ chứng minh cho trường hợp này.

Những biến đổi ở bề mặt từ vựng

Hiện tượng rơi rụng bớt từ ngữ (phần 1)

1. Trong ngôn ngữ vốn có một nguyên tắc chung là chỉ lưu giữ những yếu tố, những đối lập hữu ích; những yếu tố, những đối lập nào thừa (chứ không phải là yếu tố dư - hiểu theo cách của lí thuyết thông tin) không phù hợp với như cầu sử dụng của con người, thì đều bị loại bỏ.

Ví dụ: Trước đây, tiếng Việt có những từ như: mựa (chớ), sá (nên), nữa (hơn), tác (tuổi), chiền (chùa)... hoặc những từ như: thái y, thái giám,... quả thực, nông hội, khổ chủ... thế nhưng ngày nay, trong đời sống giao tiếp thường nhật, chúng gần như vắng bóng hẳn, hoặc hoàn toàn không còn nữa.

2. Nguyên nhân làm cho một từ rơi rụng đi, có thể trong ngôn ngữ; nhưng cũng có thể là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ.

2.a. Nguyên nhân trong ngôn ngữ cơ bản là do sự tranh chấp về giá trị và vị trí sử dụng. Sự va chạm bởi quan hệ đồng âm hoặc đồng nghĩa đã dẫn tới tình trạng tranh chấp đó.

Sự va chạm trong quan hệ đồng âm giữa hai từ A và B không phải bao giờ cũng làm cho một từ phải "ra đi". Chỉ trong một số ít trường hợp, khi cả hai cùng hiện diện được trong ngữ cảnh và gây nên tình trạng lộn xộn, gây mơ hồ hoặc hiểu lầm thì lúc đó một trong hai từ mới bị triệt thoái. Ví dụ: Trong tiếng Anh có từ leten (cho phép) và letten (cản trở, vướng). Cả hai từ này đều biến đổi thành let và đồng âm với nhau. Trong một số hoàn cảnh, chúng gây nên những hiểu lầm. Từ let (cản trở, vướng) nay đã biến mất khỏi đời sống giao tiếp thông thường và chỉ còn để lại bóng dáng của mình trong một số lối nói chuyên môn hoá của môn thể thao quần vợt và môn luật học mà thôi.

Va chạm về đồng nghĩa là khả năng thường gặp trong rất nhiều trường hợp. Nếu A và B đồng nghĩa với nhau và mỗi từ không có một giá trị, phẩm chất riêng, khác biệt nhau thì một trong hai từ đó sẽ dần dần bị rơi rụng. Ngoài ra, nếu A và B như nhau về mọi mặt nhưng một trong hai từ đó lại có những khó khăn trong sử dụng chẳng hạn, thì nó cũng dần dà bị lãng quên. Tình trạng của các cặp từ tiếng Việt: tác = tuổi, chác = đổi, chiền = chùa, han = hỏi; gìn = giữ... đều là những từ như vậy.

Khi có tranh chấp và một từ bị rơi rụng thì có thể nó "một đi không trở lại". Đó là những trường hợp như các từ của tiếng Việt xưa: mựa (chớ); bui (chỉ); nhẫn (tới); phen (so bì); tua (nên); khứng (chịu); khóng khảy (vui mừng); thửa ([giới từ])... Ngược lại, cũng có khi nó còn để lại tàn dư của mình trong từ vựng hiện đại mà ngày nay ta khó hoặc rất khó nhận ra. Chẳng hạn tiếng Việt xưa có các từ như: đòi (theo), chiền (chùa), tác (tuổi), han (hỏi), nữa (hơn), âu (lo), chác (đổi), ngặt (nghèo),... Trong từ vựng tiếng Việt ngày nay, chúng không còn tư cách là từ nữa, mà chỉ còn để lại dấu vết của mình trong các từ theo đòi, chùa chiền, tuổi tác, hỏi han, hơn nữa, lo âu, đổi chác, ngặt nghèo,... mà thôi.

2.b. Nguyên nhân trong ngôn ngữ thứ hai là sự biến đổi ngữ âm. Trong quá trình diễn biến của ngôn ngữ nói chung và từ vựng nói riêng, bộ mặt ngữ âm của một từ có thể biến đổi đến nối khác lạ hẳn với dạng vốn có ban đầu. Kết cục là dạng cũ của từ bị mất đi bởi vì dạng mới hình thành về sau đã thay thế vào chỗ của nó. Các từ: mấy > với; hoà > và; liễn > lẫn; phen > sánh; mlời > lời... của tiếng Việt đã bị rụng đi bởi nguyên do biến đổi ngữ âm như thế.

2.c. Một nguyên nhân trong ngôn ngữ nữa là sự rút gọn từ. Nếu một từ nào đó lại có dạng rút gọn của mình thì thông thường, dạng nguyên ban đầu dần dần nhường chỗ cho dạng rút gọn. Điều này được định luật Zipf ủng hộ. Zipf đã chứng minh rằng trong ngôn ngữ, những từ thông dụng thường có xu hướng ngắn hơn những từ không thông dụng. Ví dụ: Tiếng Anh hiện nay đã rút ngắn các từ refrigerator, televison, aeroplane thành fridge, TV, plane và chúng được dùng phổ biến hơn.

Trong tiếng Việt, ta cũng có thể thấy hàng loạt trường hợp tương tự như vậy: Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết → Liên Xô; Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội → Việt Minh; vô tuyến truyền hình → vô tuyến...

Tuy nhiên, dù có kích thước dài nhưng không phải từ nào cũng rút gọn được, nhất là đối với những từ phổ biến, được dùng với tần số cao. Khi đó ta thường không gặp dạng rút gọn của nó thay thế cho nó, mà có thể gặp một từ khác ngắn hơn thay thế cho nó. Chẳng hạn, tiếng Anh đã dùng pram (cái xe nôi - dạng rút gọn của từ perambulator) thay thế cho baby carriage và đang ưa dùng car hơn là automobile.

Những biến đổi trong chiều sâu của từ vựng

Thực chất, nói cho giản dị hơn thì đây là những biến đổi về phương diện ngữ nghĩa của từ trong từ vựng. Những biến đổi này rất phức tạp và tinh tế, nhiều khi chồng chéo lên và cùng diễn ra với những biến đổi ở bề mặt. Có hai trường hợp chính trong biến đổi nghĩa của từ cần được kể tới sau đây.

1. Thu hẹp nghĩa của từ

Đúng ra, phải hiểu đây là sự thu hẹp phạm vi biểu hiện (định danh) của từ. Xu hướng này có thể tìm thấy trong những từ như: thầy... của tiếng Việt; meat, deer... của tiếng Anh...

- thầy: Từ chỗ gọi tên cho các đối tượng như: thầy giáo, thầy đồ, thầy khoá, thầy lang, thầy cai, thầy lí, thầy kí, thầy thông... hiện nay từ này chỉ còn dùng chủ yếu với nghĩa thầy giáo và thầy thuốc.

- meat vốn có nghĩa là "thực phẩm" nói chung; deer vốn chỉ "con vật" nói chung, nhưng nay tiếng Anh đã thu hẹp bớt dung lượng nghĩa của các từ này lại: meat = thịt; còn từ deer chỉ có nghĩa là "con hươu"

Hiện tượng thu hẹp nghĩa rất hay gặp trong khi xây dựng thuật ngữ cho các ngành khoa học: Người ta thu hẹp nghĩa của từ thông thường lại và chỉ dùng với một nghĩa thuật ngữ, nghĩa chuyên môn hoá đó. Trong tiếng Việt, xu hướng thu hẹp nghĩa nói chung là không mạnh bằng mở rộng nghĩa.

2. Mở rộng nghĩa của từ

Xét các ví dụ:

- Động từ land trong tiếng Anh có nghĩa là tiếp đất, hạ cánh (xuống mặt đất). Hiện nay động từ này mở rộng nghĩa ra, bao gồm cả việc hạ cánh xuống mặt nước (The swan landed on the lake - Con thiên nga hạ cánh xuống mặt hồ).

- Đồng từ cắt trong tiếng Việt vốn có nghĩa là: làm đứt bằng vật sắc. Hiện nay nghĩa của từ này mở rộng ra gồm cả việc chấm dứt hành động, việc làm nào đó (cắt viện trợ, cắt quan hệ, cắt đường chuyền bóng...) hoặc phân công làm việc gì đó theo luân phiên hoặc thứ tự lần lượt: cắt trực nhật, cắt người canh đê, cắt lượt đi tuần...

Cơ sở của việc mở rộng nghĩa của từ chính là sự chuyển di tên gọi đẫn đến việc chuyển nghĩa theo xu hướng mở rộng. Đồng thời với mở rộng nghĩa tất yếu là mở rộng phạm vi định danh của từ. Ví dụ: Trước đây tiếng Việt có từ đồng hồ vốn có nghĩa là "cái hồ làm bằng đồng, trong đó chứa nước để cho chảy dần đi, căn cứ vào lượng nước đã chảy đi nhiều hay ít để tính thời gian". Ngày nay, từ này đã chuyển sang gọi vật dùng để đo thời gian nói chung mà bất kể nó được làm bằng gì, hoạt động theo nguyên tắc nào: đồng hồ quả lắc, đồng hồ điện tử...

Tương tự như trên, ta có thế thấy từ fee (tiền công, tiền thù lao), pen (bút) trong tiếng Anh cũng vậy. fee vốn có nghĩa là "gia súc", thời xưa gia súc đã từng được dùng làm vật thanh toán giá trị. Còn pen vốn có nghĩa là "lông ống, lông vũ" - loại lông mà thời xưa được dùng làm bút viết.

Trực chỉ

• Khái niệm chung về trực chỉ • Những đặc trưng chung của các phương tiện trực chỉ • Một số hiện tượng tác động đến trực chỉ

1. Khái niệm chung về trực chỉ

- Trực chỉ về thực chất là một hiện tượng nằm trong phạm vi quy chiếu.

- Cách gọi trực chỉ bắt nguồn từ những hành động chỉ xuất ngoài ngôn ngữ. Vì vậy, trực chỉ được dùng để áp dụng cho những phương tiện ngôn ngữ thực hiện chức năng quy chiếu.

Hay, nói một cách khác, nó chỉ ra và đồng nhất quy chiếu bằng cách trực tiếp dựa ngay vào những mốc do hành động phát ngôn của người nói tạo ra. Những mốc cơ bản là: người nói - lúc nói - nơi nói.

- Các phương tiện thực hiện chức năng trực chỉ:

+ tôi, tao, mày...

+ hôm qua, hôm nay, ngày mai...

+ đây, kia...

Ngoài ra, những phương tiện về phạm trù thời cũng mang nội dung có tính trực chỉ.

2. Những đặc trưng chung của các phương tiện trực chỉ

- Ngay trong nghĩa của nó đã chứa nhân tố người nói.

→ Hệ quả là:

+ Viện đến nhân tố người nói, lấy người nói như là một yếu tố chi phối các hệ toạ độ: Lấy cái Tôi làm trung tâm.

+ Phương thức xác định quy chiếu của trực chỉ được gọi là chỉ xuất có tính chủ quan.

- Quy chiếu của yếu tố trực chỉ khả biến theo hành động phát ngôn. Và nó chỉ được xác định khi gắn với hành động phát ngôn mà thôi.

- Các hệ quả:

+ Các phát ngôn chứa yếu tố trực chỉ sẽ không thể có giá trị chân thực, không có giá trị giao tiếp xác định (nếu không xác định được quy chiếu cụ thể của nó). Do vậy, các phát ngôn có yếu tố trực chỉ có nét gần với các "hàm mệnh đề".

+ Chúng ta phải chú ý có những yếu tố về bản chất và chức năng điển hình thường thấy là trực chỉ. Nhưng trong những ngữ cảnh nhất định, trong những cách dùng nhất định, nó không còn gắn với những mốc do hành động phát ngôn tạo ra. Trong những cách dùng đó, yếu tố trực chỉ không còn mang tính trực chỉ.

Ví dụ:

(1): Người du mục thích sống nay đây mai đó.

(2): Tôi tư duy là tôi tồn tại.

(3): Bây giờ là một phương tiện thực hiện chức năng trực chỉ trong tiếng Việt.

(4): Hãy dùng từ "bây giờ" để đặt câu.

Trong các câu (3) và (4), các yếu tố trực chỉ được coi là những yếu tố siêu ngôn ngữ.

+ Cần phân biệt trực chỉ với những phương tiện ngôn ngữ khác tuy trong nghĩa của nó có liên quan đến cái tôi người nói, những từ ngữ lấy cái tôi làm trung tâm nhưng không phải là trực chỉ. Cụ thể là: yếu tố tình thái gắn với hành động phát ngôn.

Ví dụ:

(5): Nước vối mà cũng uống! → đánh giá

(6): Nó chưa về à? → ngạc nhiên, thắc mắc và chờ đợi câu trả lời

(7): Nó mua những 5 cân táo! →

+ Cần phân biệt trực chỉ với hồi chỉ, khứ chỉ... Các tiêu chíphân biệt là:

^Phương thức chỉ ra quy chiếu

^Điều kiện ngữ cảnh

^Nguyên tắc về tri nhận

Ví dụ:

(1) Tôi đi Hà Nội → "tôi": trực chỉ

(2) Hắn vừa đi vừa chửi → "hắn": hồi chỉ

*Phân biệt giữa trực chỉ và hồi chỉ:

Trực chỉ Hồi chỉ

Đều phụ thuộc ngữ cảnh

- Gắn với những thực thể, yếu tố nằm ngoài ngôn ngữ - Gắn với ngữ cảnh bên trong diễn ngôn

- Không cần tiền từ - Đòi hỏi phải có một tiền từ

- Xác định quy chiếu không thông qua quan hệ đồng quy chiếu mà dựa vào mốc do hành động phát ngôn tạo ra. - Xác định quy chiếu thông qua quan hệ đồng quy chiếu với tiền từ

- Không đòi hỏi duy trì tiêu điểm chú ý. - Đòi hỏi người nói phải duy trì sự chú ý, đặt tiêu điểm chú ý vào những yếu tố cho trước.

Ví dụ:

Hôm qua tao đi thăm thằng Nam. Nó vẫn khoẻ như trâu. Thế mà mẹ nó bảo ốm.

3. Một số hiện tượng tác động đến trực chỉ

3.1. Thông thường (...và bình thường), yếu tố trực chỉ có quan hệ trực tiếp với đối tượng, với quy chiếu. Nhung, trong một số trường hợp, mối quan hệ đó mang tính gián tiếp. Đặc biệt là những yếu tố trực chỉ bị ảnh hưởng từ các nhân tố ẩn dụ, hoán dụ, bình thường, nó dựa trên mối quan hệ đẳng cấu giữa các đối tượng.

Ví dụ:

(1): (Chỉ vào bản đồ) - Quân địch đang co cụm ở đây. Chỗ này là nơi ta ém quân.

→ đẳng cấu giữa bản đồ và thực địa

(2) Cơm này nhà tao chỉ cho lợn ăn.

→ chỉ loại

3.2. Trong nhiều trường hợp, vì những mục đích ngữ dụng khác nhau, đặc biệt là vì những nguyên nhân như nhập cảm, đảm bảo lịch sự, thì yếu tố trực chỉ có thể được sử dụng không tương xứng với đối tượng và bản chất điển hình của nó.

Ví dụ:

(trong một bài báo): "Chúng ta thấy rằng"... "Chúng tôi cho rằng"...

→ trực chỉ về ngôi

Quy chiếu

• Nhận xét chung • Quy chiếu. Từ ngữ làm chức năng quy chiếu. Quy chiếu và nghĩa • Quy chiếu xác định và quy chiếu không xác định • Sự mơ hồ, lẫn lộn giữa cách đọc có quy chiếu xác định và cách đọc định tính

1. Một vài nhận xét chung

Nội dung các phát ngôn trong giao tiếp bao giờ cũng là các đối tượng, sự vật, hiện tượng... của thế giới. Trong các phát ngôn hiện thực, phạm vi đối tượng của thế giới sẽ chỉ được xác định khi người nói dùng từ ngữ nào đó. Và từ ngữ làm chức năng quy chiếu được gọi là từ ngữ quy chiếu trong phát ngôn.

Dụng học - George Yule

Chúng ta biết rằng tự thân các từ không quy chiếu đến cái gì cả. Chỉ có con người mới là chủ thể làm việc đó. Vì vậy, có thể coi sự quy chiếu như là một hành động trong đó người nói (người viết) sử dụng các hình thái ngôn ngữ làm cho người nghe (người đọc) có thể nhận diện được cái mà mình có chủ đích đề cập đến. (tr. 43)

G. Yule gọi các hình thái ngôn ngữ như thế là những biếu thức quy chiếu (referening expressions) và phân loại như sau:

- Danh từ riêng: Nam, bin Laden, New York...

- Các cụm danh từ xác định (trong tiếng Anh, đó là các cụm danh từ có mạo từ xác định "the"): thằng cha đấy, ông giáo sư này, cái xóm này...

- Các cụm danh từ không xác định ( trong tiếng Anh, đó là các cụm danh từ có mạo từ không xác định "a"): một người đàn ông, một người qua đường...

- Các đại từ: tôi, nó...

G. Yule cũng cho rằng, "để có được sự quy chiếu thành công, chúng ta phải thừa nhận vai trò của suy luận (inference). Bởi lẽ chẳng có một mối liên hệ trực tiếp nào giữa các thực thể với các từ, nhiệm vụ của người nghe là làm sao suy ra đúng được là người nói có chủ định nhận diện cái thực thể nào đó bằng cách sử dụng một biểu thức quy chiếu cụ thể. Thật là chẳng bình thường khi mà người ta muốn quy chiếu đến một thực thể hay một người nào đó mà không biết chính xác 'tên gọi' nào có thể là cái từ tốt nhất để dùng"(tr. 44). Và ông cũng cho rằng "sự quy chiếu thành công (...) nhất thiết phải là (kết quả của) sự phối hợp: cả người nói lẫn người nghe đều có vai trò của mình trong việc nghĩ xem người kia đang xem xét đến cái gì". (tr. 45)

(George Yule. Dụng học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2003)

Liên quan đến vấn đề này, tác giả Lê Đông cho rằng: Ngữ dụng học nói riêng và bản thân ngôn ngữ nói chung không nghiên cứu bản thân các quy chiếu mà nó chỉ quan tâm đến những mối liên hệ giữa từ ngữ và quy chiếu. Các mối quan hệ ở đây là các mối liên hệ có giá trị tín hiệu học của từ ngữ mà thôi.

Về mặt thuật ngữ, quy chiếu đôi khi được gọi là sở chỉ.

Một nhận xét nữa là cách hiểu thuật ngữ quy chiếu hiện nay có những mức độ rộng hẹp khác nhau.

2. Quy chiếu. Từ ngữ làm chức năng quy chiếu. Quy chiếu và nghĩa.

- Quy chiếu: Phạm vi đối tượng của thế giới được người nói chỉ ra khi dùng một từ ngữ nào đó trong phát ngôn là quy chiếu của từ ngữ đó.

Ở đây, chúng ta phải xác định rằng:

+ Các đối tượng được chỉ ra đó không thuộc về ngôn ngữ.

+ Từ ngữ ở đây đóng vai trò là phương tiện, công cụ để chỉ ra quy chiếu. Nói một cách khác, chỉ ra quy chiếu là một cách dùng từ, là một chức năng của từ.

Một từ ngữ được tàng trữ trong bộ não thì không có quy chiếu, chỉ những từ ngữ được sử dụng trong phát ngôn thì mới có quy chiếu, và trong các phát ngôn khác nhau, ngữ cảnh khác nhau thì có quy chiếu khác nhau.

*Các ví dụ:

(1a): Nam, giúp mẹ một tay nào!

(1b): Cường, sao cháu hỗn với mẹ thế?

(1c): Bà Y là một bà mẹ anh hùng.

(2a): Người giáo viên này đã già.

(2b): Anh tôi là (một) giáo viên.

(2c): Anh tôi làm giáo viên.

(3a): Nó đánh vợ suốt ngày. Đồ vũ phu!

(3b): Vợ thì nó chưa có.

(3c): Bác nên tính chuyện dựng vợ gả chồng cho cháu.

(4a): Ra chợ mua con gà, con!

(4b): Con gà bị làm sao ấy. Cắt tiết đi bố!

(*Các ví dụ này và cách xác định quy chiếu của các từ in nghiêng sẽ được thảo luận sau).

+ Theo quan niệm rộng, những từ như: đánh, đỏ, đẹp, hát... có quy chiếu. Nhưng quy chiếu ở đây được hiểu theo một cách khác (chỉ vào một thực thể cụ thể). Mà ở đây các vị từ đánh, đỏ, đẹp... không chỉ ra một thực thể cụ thể nào. Nếu muốn xác định quy chiếu của nó thì phải dựa vào toàn phát ngôn. Do đó, những vì từ như vậy không mang chức năng quy chiếu.

- Nghĩa là một yếu tố bên trong của ngôn ngữ, là mặt không thể tách rời của tín hiệu ngôn ngữ. Trong khi đó, quy chiếu lại là sự vật bên ngoài hệ thống ngôn ngữ. Các từ ngữ, với thông tin mà nó truyền đạt, đã tạo ra những con đường, cách thức để xác lập các quy chiếu. Tuy nhiên, để thực hiện sự quy chiếu thì nếu chỉ có riêng bản thân từ ngữ không thể mà để làm điều này nó cần phải được đi kèm với các nhân tố khác...

3. Quy chiếu xác định và quy chiếu không xác định

3.1. Quy chiếu xác định

- Từ ngữ có quy chiếu xác định là những từ ngữ được người nói sử dụng để chỉ ra và đồng nhất một hay những đối tượng của hiện thực. Trong đó, theo đánh giá của người nói thì người nghe đã được cung cấp đủ điều kiện cần thiết để nhằm đúng đối tượng muốn nói tới.

*Quán từ xác định là phương tiện dùng để đánh dấu từ ngữ có quy chiếu xác định.

Điều này có thể thấy rất rõ trong tiếng Anh (the), nhưng trong tiếng Việt thì không có phương tiện như vậy. Cho nên, việc nhận diện sẽ phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh. Tuy nhiên, có những từn ngữ, trong đại đa số trường hợp, được dùng với chức năng là chỉ quy chiếu sẵn. Đó là:

+ Tên riêng, các danh từ chỉ những sự vật đơn nhất;

+ Đại từ có tính trực chỉ hoặc hồi chỉ: tôi, nó, họ, đây, đấy, bây giờ...

+ Các yếu tố trực chỉ khác: ở đây, năm ngoái...

+ Các danh ngữ có yếu tố hạn định là những từ ngữ trực chỉ, hồi chỉ.

- Các từ ngữ có quy chiếu xác định, khi sử dụng, phải tuân theo một số quy tắc, chiến lược:

+ Khi dùng một từ ngữ vào chức năng quy chiếu xác định thì, thông thường, đối tượng được nói tới phải nằm trong thế giới nhận thức của cả người nói lẫn người nghe.

+ Tuy nhiên, có một số phạm vi giao tiếp có những cơ chế riêng (ngoại lệ) cho phép được vi phạm. Trong trường hợp này, những ngoại lệ đó tuy không được quy ước rõ ràng nhưng mọi người đều ngầm hiểu với nhau. Những ngoại lệ này thường có trong văn chương, báo chí.

+ Thường thường, một từ ngữ có quy chiếu xác định phải dựa vào những mốc (hệ toạ độ), tức là những thông tin đã biết. Những thông tin này có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc được ngầm hiểu (không nói ra thành lời).

Ví dụ: Ø Tết Ø bố về.

3.2. Quy chiếu không xác định

- Từ ngữ có quy chiếu không xác định là những từ ngữ được người nói dùng để chỉ vào một đối tượng tồn tại, và về nguyên tắc phải có "căn cước, địa chỉ", nhưng ở đây người nói chỉ cung cấp thông tin chỉ ra phạm trù mà đối tượng thuộc vào, chứ không đủ để xác định đối tượng.

Vd

Hôm qua, tự nhiên có một thằng cha lao xe máy xuống sông Tô Lịch.

Nguyên nhân của việc sử dụng như vậy có thể do không biết, không có hoặc không cần thông tin xác định; cũng có thể do người nói cố tình lảng tránh. Có thể nói, việc xảy ra hiện tượng như vậy là do hàng loạt các nhân tố tác động.

- Trong thực tế giao tiếp, nếu tách rời khỏi ngữ cảh thì có thể hiểu một cách mơ hồ về một biểu thức không xác định:

+ Biểu thức không xác định nhưng có quy chiếu (tức là có quy chiếu không xác định);

+ Biểu thức không có quy chiếu và không xác định.

Ví dụ:

(1a) X muốn lấy một cô gái làng bên làm vợ.

→ Đối tượng đã tồn tại, anh ta đã gặp gỡ.

(1b) X muốn lấy một cô gái làng bên làm vợ, anh xem có cô nào thì làm mối...

→ Đối tượng chưa xác định → Không có quy chiếu.

(1c) X yêu tha thiết một cô gái làng bên.

→ "một cô gái làng bên" là một danh ngữ có quy chiếu không xác định.

(2a) Cậu nên tìm một đại biểu quốc hội mà trình bày.

→ Bất kì ai thuộc phạm vi là "đại biểu quốc hội": không xác định và không có quy chiếu.

(2b) Hôm nay tôi đã chất vấn gay gắt một đại biểu quốc hội.

→ Có quy chiếu không xác định

4. Sự mơ hồ, lẫn lộn giữa cách đọc có quy chiếu xác định và cách đọc định tính

- Các ví dụ:

(1): Kẻ giết ông A là đồ điên!

+ (1a): có quy chiếu xác định.

+ (1b): chỉ bất kì kẻ nào có thuộc tính "giết ông A"

Cách hiểu (1b) suy ra câu (1) được dùng theo lối định tính.

(2): Người thủ vai Thị Màu rất giỏi.

+ (2a): chỉ một diễn viên xác định → có quy chiếu xác định

+ (2b): bất kì ai thủ vai Thị Màu đều phải là diễn viên giỏi

=>Cách dùng định tính.

(3): Vợ của con trai cả ông Thuận thì khổ lắm.

→ Nỗi khổ ở đây là chính thuộc tính "vợ của con trai cả ông Thuận" đem lại (có thể bởi vì anh này hay đi hát karaoke chẳng hạn), chứ nỗi khổ không phải bắt nguồn từ bản thân người phụ nữ đó.

- Nhận xét về hình thức của cách dùng định tính:

+ Các danh ngữ đều có hình thức của một danh ngữ xác định.

+ Ở đây có mối quan hệ nhân quả: Hễ... (cứ là thế này) thì... (sẽ là thế kia)

Khái niệm âm vị học

Âm tố và sự phân loại âm tố

• Âm tố. Phụ âm và nguyên âm

• Các tiêu chí miêu tả và phân loại nguyên âm

• Các tiêu chí miêu tả và phân loại phụ âm

1. Âm tố. Phụ âm và nguyên âm

Âm tố (sound) là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, không thể phân chia được nữa.

Âm tố là đơn vị âm thanh nhỏ nhất của lời nói, có thể tách ra về mặt cấu âm-thính giác, đồng chất trong một khoảng thời gian nhất định và thường ứng với một âm vị"[1].

"Âm tố là đơn vị nhỏ nhất không thể phân nhỏ hơn ra được nữa của ngữ âm"[2].

Có thể nói, âm tố là đoạn âm thanh nhỏ nhất, có thể tách ra được từ chuỗi lời nói liên tục, không gắn liền với giá trị khu biệt âm vị học của nó. Âm tố là sự thể hiện cụ thể của âm vị, nó chứa đựng cả một loạt những đặc trưng cần yếu và không cần yếu của âm vị.

Dựa theo cách thoát ra của luồng âm không khí khi phát âm, các âm tố thường được phân ra làm hai loại chính: nguyên âm (vowel) và phụ âm (consonant).

- Nguyên âm:

Nếu âm thoát ra một cách tự do, có một âm hưởng "êm ái", "dễ nghe", mà đặc trưng âm học của nó có tần số xác định, có đường cong biểu diễn tuần hoàn thì được gọi là tiếng thanh. Về bản chất âm học, nguyên âm là tiếng thanh.

Nói một cách khác, nguyên âm là âm chỉ bao gồm tiếng thanh, không có tiếng động, được tạo ra bằng luồn không khí phát ra tự do, không có chướng ngại.

- Phụ âm:

Ngược lại với nguyên âm, phụ âm là tiếng động. Những tiếng này không "dễ nghe", có tần số không ổn định, được biểu diễn bằng những đường cong không tuần hoàn.

- Ngoài hai loại âm tố chủ yếu trên còn có loại âm tố thứ ba mang tính chất trung gian, đó là các bán nguyên âm hay bán phụ âm.Những âm tố này vừa mang tính chất nguyên âm vừa mang tính chất phụ âm.

2. Các tiêu chí miêu tả và phân loại nguyên âm

- Theo vị trí của lưỡi. Có thể chia nguyên âm thành ba dòng: trước - giữa - sau.

- Theo độ mở của miệng. Các nguyên âm được phân thành các nguyên âm có độ mở rộng - hẹp.

- Theo hình dáng của đôi môi. Các nguyên âm được chia thành nguyên âm tròn môi - không tròn môi.

Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn về trường độ, tính mũi hoá.

Chúng ta có thể nhận diện các nguyên âm qua hình thang nguyên âm.

3. Các tiêu chí miêu tả và phân loại phụ âm

- Về phương thức cấu âm. Có thể chia các phụ âm thành: âm tắc - âm xát - âm rung - âm vang - âm ồn.

- Về vị trí cấu âm. Có thể chia các phụ âm thành: âm môi - âm đầu lưỡi - âm mặt lưỡi - âm cuối/gốc lưỡi - âm thanh hầu.

Hệ thống chữ viết chỉ chung hệ thống kí hiệu dùng đề ghi lại ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu thì chữ viết là hệ thống kí hiệu của kí hiệu. Chữ viết có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ nhưng không thể đồng nhất ngôn ngữ và chữ viết. Người ta có thể không biết chữ nhưng vẫn có ngôn ngữ như thường. Về mặt lịch sử, ngôn ngữ xuất hiện cùng với xã hội loài người trong khi đó cho tới nay nhiều ngôn ngữ vẫn chưa có chữ viết. Con người có mặt trên trái đất hàng chục vạn năm, nhưng mãi tới giai đoạn cao của xã hội loài người mới có chữ viết. Engels đã viết: "Giai đoạn này bắt đầu với việc nấu quặng sắt và chuyển qua thời đại văn minh với việc sáng tạo ra chữ viết có vần và việc sử dụng chữ đề ghi lời văn"(1).

Đối với lịch sử phát triển của xã hội loài người, chữ viết có một vai trò rất to lớn. Ngôn ngữ, cái công cụ giao tiếp chủ yếu của con người, dầu sao vẫn có những hạn chế nhất định. Vì vỏ vật chất của ngôn ngữ là âm thanh cho nên nếu ở xa nhau không thể nghe nhau nói được bởi vì khả năng của tai người là hữu hạn. Ở cùng một chỗ, có thể nghe nhau nói được lại có những hạn chế khác. Các cụ ta thường nói: "Lời nói gió bay". Mỗi lời nói chỉ được thu nhận vào lúc nó phát ra, sau đó không còn nữa. Như vậy, ngôn ngữ cũng không vượt qua được cái hố ngăn cách về thời gian. Nhưng liệu người ta có thể hiểu được lời nói của nhau, khi gián cách về không gian và thời gian, bằng con đường truyền miệng hay không? Hiển nhiên là có, nhưng rất hạn chế. Khả năng nhận thức của mỗi người khác nhau và trí nhớ của con người cũng có hạn nên tình trạng "tam sao thất bản" không thể nào tránh khỏi. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, hiện nay người ta đã dùng điện thoại, vô tuyến điện, radio v.v... nhưng những biện pháp đó không phải là phổ biến, rộng rãi khắp mọi lĩnh vực.

Trong tình hình như vậy, chữ viết có giá trị rất to lớn. Vì chữ viết dựa trên ấn tượng về thị giác cho nên có thể thắng được không gian, thời gian và làm hạn chế đi nhiều hiện tượng "tam sao thất bản". Nhờ có chữ viết, chúng ta mới hiểu lịch sử quá khứ của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi thời kì có chữ viết trong quá trình phát triển của loài người là giai đoạn lịch sử còn thời kì trước đó là giai đoạn tiền sử hoặc dã sử. Ngày nay chúng ta làm sao hiểu Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du v.v... nếu không có Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều v.v... Nhiều người trong chúng ta có vinh dự được trực tiếp nghe đọc lời di chúc của Bác Hồ, nhưng nhờ có chữ viết, những lời di chúc thiêng liêng ấy có thể đến với tất cả mọi người dân Việt Nam, tất cả nhân dân thế giới. Bản di chúc đó sẽ còn mãi mãi với các thế hệ con cháu chúng ta sau này.

chữ viết chẳng những thắng được không gian và thời gian mà còn phát huy được tác dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp không dùng ngôn ngữ bằng lời được. Với sức mạnh đó, chữ viết thực sự là một động lực phát triển của xã hội loài người. Nó thực sự giúp cho con người có thể kế thừa và học tập lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ lĩnh vực văn hoá, lịch sử đến lĩnh vực khoa học kĩ thuật. Trong phạm vi một ngôn ngữ nhất định, chữ viết còn có tác dụng thúc đẩy quá trình thống nhất ngôn ngữ, chuẩn hoá ngôn ngữ nữa.

Chữ viết là sáng tạo kì diệu của con người, nhưng sản phẩm kì diệu đó không phải được đẻ ra một cách dễ dàng mà phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài.

Những chữ viết cổ nhất không ra đời một cách ngẫu nhiên, đột ngột mà đều trên những cơ sở nhất định, tức là có nguồn gốc của nó. Từ xưa tới nay con người luôn luôn sử dụng những biện pháp giao tiếp bổ sung. Nếu như ngôn ngữ dựa vào ấn tượng thính giác thì các phương tiện giao tiếp bổ sung thường dựa vào ấn tượng về thị giác. Hình thức của chúng là hiện vật và hình vẽ.

Hình thức giao tiếp bổ sung thứ hai là hình vẽ. Người ta đã tìm thấy trên các mảnh xương, các tảng đá, các vách đá... những bức tranh cổ xưa. Những bức vẽ này vừa là những công trình nghệ thuật cổ xưa, vừa là những hình thức thông báo đầu tiên bằng hình vẽ. Chúng ta còn tìm thấy những bức tranh phức tạp hơn, bao gồm nhiều hình vẽ, mỗi hình diễn đạt sơ lược một sự vật, hiện tượng thực tế, kết hợp các hình vẽ đó có thể truyền đạt những thông báo khác nhau.

Sau này, khi con người đã sáng tạo ra chữ viết, biện pháp giao tiếp bằng hình vẽ vẫn được sử dụng. Những tranh vẽ trong các sách vỡ lòng, tập đọc và sách giáo khoa cho trẻ em, những tranh vẽ kèm theo trong một số cuốn từ điển v.v... là những bằng chứng cụ thể.

Đặc trưng của các hình thức giao tiếp trên đây là không gần gì với ngôn ngữ tiếng nói của con người cả. Những sự vật, những hình vẽ này không liên quan gì tới các đơn vị cũng như kết cấu của ngôn ngữ. Chúng là những hình thức giao tiếp độc lập, không có quan hệ gì với ngôn ngữ.

Với tư cách là những phương tiện giao tiếp bổ sung, những sự vật và hình vẽ kể trên có rất nhiều hạn chế. Nội dung của những phương tiện giao tiếp ấy không phải ai cũng dễ dàng hiểu được. Thường thì ai đặt ra thì người ấy hiểu thôi. Trở lại lá thư gửi cho vợ của anh lính ở trên. Chính vì không hiểu được nội dung của lá thư mà người bạn tham lam đã rắp tâm chỉ giao cho vợ anh lính lá thư và bốn chục quan tiền, còn sáu chục quan thì đút túi. Chính vì nội dung quy ước của lá thư chỉ hai vợ chồng anh lính hiểu thôi cho nên khi kiện lên quan, quan cũng không biết thế nào để phân xử! Hiển nhiên, các hiện vật, các hình vẽ và quan hệ giữa chúng cũng có thể biểu trưng đến mức nào đó những sự vật, hiện tượng và quan hệ trong thực tế, nhưng chúng không thể nào diễn đạt được tất cả mọi nội dung, nhất là những nội dung trừu tượng. Đối với hình thức giao tiếp bằng hiện vật còn có một hạn chế khác là các hiện vật không thể tồn tại lâu bền được.

Một số người gán cho thuật ngữ "chữ viết" một nội dung quá rộng. Họ cho các hình thức giao tiếp kiểu trên cũng là chữ viết. Như vậy, theo họ chữ viết phải hiểu là tất cả các kiểu giao tiếp của con người nhờ các tín hiệu thị giác, tức là các tín hiệu thu nhận được bằng mắt. Số khác gạt những hình thức giao tiếp bằng hiện vật ra khỏi chữ viết, nhưng vẫn thừa nhận chữ hình vẽ hay còn gọi là chữ tượng hình.

Thực ra cả hai hình thức giao tiếp trên đây chỉ là những hình thức tiền thân của chữ viết. Nói đến chữ viết là phải nói đến mối liên hệ của nó với ngôn ngữ. Chỉ những tín hiệu nào liên hệ với các hình thái của ngôn ngữ mới được xem là chữ viết. Khái niệm "chữ viết có vần" hay "chữ để ghi lời văn" của Engels là vậy.

Nhưng hình thức giao tiếp bằng hiện vật và hình vẽ là nguồn gốc của "chữ viết có vần", của "chữ để ghi lời văn". Chữ viết và những hình thức giao tiếp đó có cùng một bản chất tín hiệu như nhau. Nếu như sự giống nhau giữa chữ viết và hình thức giao tiếp bằng hiện vật chỉ có bấy nhiêu thôi thì hình thức giao tiếp bằng hình vẽ còn mách bảo cho con người cách đặt hình chữ như thế nào. Như chúng ta đã biết, hình chữ của những chữ viết đầu tiên thường cũng là những hình vẽ. Sự khác nhau chỉ ở chỗ một bên là hình vẽ không liên hệ với các hình thái ngôn ngữ còn một bên là hình vẽ có liên hệ với các hình thái ngôn ngữ.

Sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài này • Ưu thế của chữ viết... • Các hệ thống chữ viết • Nguyên nhân của tình trạng không ăn khớp giữa cách viết và cách phát âm

3. Các hệ thống chữ viết

Chỉ có hai loại chữ viết:

1. Loại tượng ý, trong đó từ được biểu hiện bằng một tín hiệu duy nhất không có liên quan gì đến những âm thanh cấu tạo thành từ. Tín hiệu này có quan hệ với cả từ, và do đó, cũng gián tiếp có quan hệ với ý niệm mà từ biểu hiện. Dẫn chứng kinh điển của loại này là văn tự của người Trung Quốc.

2. Loại thường gọi là "ngữ âm học", vốn nhằm tái hiện chuỗi âm thanh nối tiếp nhau trong từ. Các hệ thống chữ viết ngữ âm học có thể ghi âm tiết hay ghi âm tô, nghĩa là căn cứ vào những yếu tố không chia nhỏ hơn được nữa trong lời nói.

Vả chăng các hệ thống văn tự thường có thể trở thành hỗn hợp: một số chữ tượng ý có thể mất giá trị ban đầu để rốt cục chỉ còn biểu hiện những âm riêng lẻ.

Chúng tôi có nói rằng từ viết có xu hướng thay thế cho từ nói trong trí óc ta: điều đó đúng với cả hai loại chữ viết, nhưng trong loại đầu xu hướng này mạnh hơn. Đối với người Trung Quốc, chữ tượng ý và từ nói đều là những tín hiệu của ý niệm như nhau: đối với họ, chữ viết là một ngôn ngữ thứ hai, và trong khi nói chuyện, nếu gặp hai từ nói phát âm như nhau, đối lúc họ nhờ đến chữ viết để giải thích ý nghĩ của mình. Nhưng sự thay thế này, vì nó có thể là tuyệt đối, không có những hậu quả phiền hà như trong chữ viết của ta; những từ Trung Quốc thuộc nhiều phương ngôn khác nhau nhưng cùng tương ứng với một ý thì đều có thể cùng được biểu hiện bằng một chữ.

Quan hệ nghĩa và cấu trúc trong việc phân tích câu tiếng Việt *

• Nghĩa ngôn ngữ & nghĩa cú pháp • Nghĩa và giá trị của câu tạo thành nội dung của câu

Cấu trúc của một câu là và ý niệm mà cấu trúc này biểu hiện vốn làm thành nghĩa của câu là hai diện cần phân biệt. Nghĩa là lí do tồn tại của cấu trúc. Cấu trúc nào thì nghĩa ấy. Mỗi cấu trúc tương ứng với với chức năng tải nghĩa nhất định. Vì vậy, vấn đề chọn phương tiện để biểu hiện nghĩa cần diễn đạt là quan trọng đối với cú pháp.

Sẽ là sai lầm là nếu ai đó muốn nghiên cứu một hình thức, một cấu trúc câu nào đó lại không tự đặt ra điều này: hình thức này, cấu trúc này phục vụ cho cái gì, biểu hiện cái gì, nhằm mục đích gì?

1. Thế nào là nghĩa ngôn ngữ? Thế nào là nghĩa cú pháp?

Mỗi đơn vị ngôn ngữ có nội dung nhất định và tiềm tàng trong nó một lượng thông tin nhất định. Khối lượng thông tin của mỗi đơn vị phụ thuộc vào đại lượng, đặc trưng và tính độc lập của đơn vị đó. Quả là rất khó nếu chúng ta phân biệt rành mạch các khái niệm nội dung, ý nghĩa, thông tin trong một đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, để tiện việc nhận diện nghĩa ngôn ngữ vàn nghĩa cú pháp, chúng ta có thể chấp nhận nội dung cơ bản của các khái niệm trên như sau:

Nội dung của đơn vị ngôn ngữ là tổng thể các đặc trưng của khái niệm được đơn vị này biểu hiện. Ý nghĩa của đơn vị ngôn ngữ là biểu thị một trong những đặc trưng của khái niệm đó. Thông tin của đơn vị ngôn ngữ là mức độ nội dung của đơn vị này được thể hiện cụ thể nhằm mục đích thông báo cụ thể về phạm trù tồn tại - không tồn tại, xác định - không xác định; lí giải - hay thuyết minh, phủ định - hay khẳng định, nghi ngờ - hay mệnh lệnh v.v...

Ý nghĩa của câu được xác định nhờ sự phân tích vị trí-chức năng của các đơn vị tạo thành sơ đồ cấu trúc câu. Vị trí, đến lượt mình, được xác định nhờ các kiểu quan hệ cú pháp nhất định. Các kiểu quan hệ cú pháp cơ bản là:

1, Quan hệ chủ - vị, xác lập vị trí chủ ngữ và vị ngữ;

2, Quan hệ xác định, xác lập vị trí của định ngữ;

3, Quan hệ bổ sung, xác lập vị trí của bổ ngữ và trạng ngữ.

Những mối quan hệ này gắn liền với ngữ nghĩa-cú pháp của đơn vị cú pháp. Những quan hệ trên đây tạo ra nghĩa của câu ở trong sự tác động qua lại của hai quan hệ cơ bản: quan hệ hệ hình & quan hệ cú đoạn trong cú pháp.

Ở đây, cần nói rõ thêm về quan hệ hệ hình trong cú pháp. Quan hệ hệ hình được dùng trong cú pháp để miêu tả các biến thể câu và quy các phát ngôn thành các loại hình khác nhau. Vai trò của phương pháp này đối với việc phân tích câu chỉ là bổ trợ khi phương pháp cú đoạn kém hiệu lực hoặc không thích hợp với một số kiểu câu nào đó. Chẳng hạn, so sánh hai câu:

(a) Tôi bảo anh vào nhà.

(b) Tôi đặt con gà vào mâm.

Về cú đoạn thì (a) và (b) như nhau, nhưng về hệ hình lại khác nhau. Sự khác nhau này thể hiện ở các động từ "bảo" và "đặt" trong mối quan hệ với cú đoạn của mỗi câu.

(a') Tôi bảo anh - anh vào nhà (+)

(b') Tôi đặt con gà- con gà vào mâm (-)

Nhưng thay "đặt" bằng một động từ "đuổi" cùng hệ hình với nó ta có:

(b'') Tôi đuổi con gà - con gà vào mâm (+).

Hệ hình có tác dụng sau đây:

- Phân loại cú pháp các câu, nhất là tìm các biến thể câu. Câu có thể chia thành các tiểu loại, hoặc chia thành câu một thành phần và nhiều thành phần.

- Phản ánh được các thuộc tính cần yếu đối với câu có cùng cấp độ, song, không thích hợp với tính đa dạng của câu ở các cấp độ khác nhau.

Nghĩa của một câu vừa phụ thuộc vào nghĩa của những từ trong câu và phụ thuộc vào kết cấu cú pháp của cả câu. Điều này thể hiện rõ khi chúng ta thay từ nào đó thì nghĩa của câu có biến động, hoặc cải biên kết cấu cú pháp nghĩa của câu cũng có biến dạng.

Chẳng hạn: Tôi ăn cơm - Tôi ăn thịt

Tôi uống nước - Tôi uống bia.

Sự luân phiên giữa "ăn - uống", "cơm - nước - thịt - bia" có các nghĩa biểu vật khác nhau, mặc dù nghĩa biểu hiện không thay đổi. Ngược lại, nếu cải biên: "Cơm tôi ăn (còn) thịt tôi không ăn" cho ta ý nghĩa cú pháp và ý nghĩa biểu vật khác nhau.

Vì vậy, ý nghĩa ngữ pháp của một câu không phải là ý nghĩa cụ thể thông thường của từ mà là ý nghĩa khái quát của từ và các vị trí của các từ đó trong quan hệ kết cấu câu. Điều đó cho phép phân biệt câu đúng ngữ pháp mà không có nghĩa và mỗi kết cấu cú pháp có một ý nghĩa riêng của nó ngoài ý nghĩa của từ được dùng trong câu. Nếu cấu trúc của câu không rõ ràng chúng ta sẽ hiểu câu đó một cách mập mờ:

Ví dụ:

(a) Đồng chí công an đuổi theo tên ăn trộm đang chạy trên đường phố.

(b) Cô đang nói chuyện với Loan là bạn tôi.

Câu (a) mơ hồ vì vị trí của kết cấu "đang chạy trên đường phố". Kết cấu này là vị ngữ của chủ ngữ "Đồng chí công an" hay là vị ngữ của kết cấu chủ vị "tên ăn trộm đang chạy" [1]... Mối quan hệ của trật tự cấu trúc ở câu này không rõ, tạo nên mấy cách nhận nghĩa của câu. Câu (b) gây ra 2 cách hiểu: cô đang nói chuyện là bạn tôi, hoặc, Loan là bạn tôi.

Quan hệ vị ngữ của toàn câu và kết cấu chủ--vị làm định ngữ cho một từ của vế câu không phân biệt rõ do vắng tín hiệu cú pháp của cấu trúc câu. Câu (b) có hai cách phân tích cú pháp:

Cô (mà) đang nói chuyện với Loan // là bạn tôi

Cô // đang nói chuyện với Loan (mà Loan) là bạn tôi.

Ở đây có khả năng chủ ngữ mở rộng bằng kết cấu C-V và có khả năng nhóm vị ngữ mở rộng bằng kết cấu C-V.

Từ tình hình trên đây chúng ta nhận thấy một điều cục kì quan trọng: nghĩa và cấu trúc là những nhân tố thường trực của tổ chức câu. Bởi vậy, khi miêu tả và phân tích nghĩa của một câu không thể không biết câu đó được cấu tạo như thế nào và đồng thời không thể không chú ý đến cấu trúc đó nhằm một mục đích thông báo gì. Điều này cũng có nghĩa là một nội dung ngữ nghĩa tương ứng với giá trị của kết cấu. Trong hoạt động giao tế bằng ngôn ngữ, người nói chú ý trước hết là cái cần truyền đạt chứ không phải cái phương tiện truyền đạt. Cho nên, để xác định mức độ hoàn chỉnh của ý nghĩa cấu trúc của một câu và để biết câu đó được xây dựng lên như thế nào, chúng ta phải xác định xem những đơn vị với tư cách các yếu tố cấu tạo và các thành tố của câu đó được tập hợp như thế nào. Điều này chẳng khác nào như những đáp số cho những tập hợp có cùng các đơn vị sau:

9 + (6 x 10) =

9 + 6 (10-5) =

(9 + 6) (10-5) =

. . . . . . . . . . . =

Đến đây cũng cần nói rõ hơn ý nghĩa của câu có phải là giá trị cú pháp của các yếu tố cấu thành chúng không và những nhân tố gì tạo nên câu. Mặc dù nhấn mạnh điều này dễ gây ấn tượng đi xa cú pháp tiếng Việt, nhưng chúng tôi muốn làm rõ quan niệm về nghĩa câu, vốn dĩ còn mơ hồ trong nhận thức của học sinh. Đồng thời thông qua cách phát biểu ý kiến về vấn đề nghĩa câu để chúng tôi thể hiện một cách nhìn nhận mới về nghiên cứu câu tiếng Việt là: nghiên cứu câu trong mối quan hệ giữa nghĩa và hình thức của câu.

2. Nghĩa và giá trị của câu tạo thành nội dung của câu.

Các yếu tố và các phương thức biểu hiện các quan hệ thành tố làm thành diện biểu hiện mô hình cú pháp của câu với tư cách là một kí hiệu của ngôn ngữ. Khi nói nghĩa của câu là phải bao gồm cả nghĩa biểu vật lẫn nghĩa quan hệ trong mô hình. Cái tổng thể nghĩa đó quy định và hiện thực hoá những giá trị các cách dùng của câu. Vả lại, nghĩa cú pháp làm chỗ dựa cho sự phân biệt các lớp đơn vị cú pháp cùng nằm trong một câu. Chẳng hạn, câu "Tôi là sinh viên" có nghĩa biểu vật không phải là biểu vật của từ "sinh viên" (nghĩa định danh của sự vật) mà là nội hàm của phán đoán thể hiện qua các cách sử dụng mô hình chủ ngữ (đại từ) - vị ngữ (danh từ).

Nghĩa của câu được biểu hiện như trên là do 3 nhân tố sau đây tạo thành:

-1- Ý nghĩa của các nghĩa vị (lexeme) trong câu. Ý nghĩa này gắn với các biểu vật (denotate).

-2- Ý nghĩa của các phương thức ngữ pháp được vận dụng trong câu gắn với phạm trù ngữ pháp.

-3- Ý nghĩa của các kết cấu cú pháp gắn với quan hệ cú pháp.

Tổng thể các nhân tố này được biểu hiện bằng tính vị ngữ của sơ đồ câu. Vị ngữ tính được xem như dấu hiệu ngữ nghĩa của câu. Và, câu với tư cách một kí hiệu ngôn ngữ phân biệt với các kí hiệu ngôn ngữ của các cấp độ khác như: hình vị, từ, tổ hợp từ... lừa dựa vào tính vị ngữ. Chính tính vị ngữ là phạm trù ngữ pháp của câu, gắn nội dung câu với thực tế giao tế.

Trong hoạt động giao tế, câu thực hiện chức năng gắn thế giới nghĩa với âm của ngôn ngữ. Xuất phát điểm của hành vi nói năng là nghĩa và kết thúc hành vi cũng là nghĩa. Chính nghĩa tạo thành cấu trúc sâu của ngôn ngữ. Trong cấu trúc này, tính vị ngữ là yếu tố trung tâm, các yếu tố còn lại là những yếu tố biên. Chính sự liên kết các yếu tố ý nghĩa làm thành cấu trúc ngữ nghĩa của câu. Cấu trúc ngữ nghĩa không có tính hình tuyến mà lại có nhiều chiều và được thể hiện bằng cấu trúc mặt một chiều. Phân tích cấu trúc câu cũng là phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của câu tương ứng với cấu trúc ngữ pháp của câu. Tuy nhiên, về nhận diện đơn vị cấu có thể xuất phát từ cấu trúc ngữ pháp, sau đó nghiên cứu cấu trúc ngữ nghĩa và trở lại cấu trúc ngữ pháp để xác định mô hình cấu tạo và các biến dạng hoạt động của mô hình đó. Bởi lẽ, một đơn vị kí hiệu ngôn ngữ được nhận diện một cách tiêu cực và được thừa nhận một cách tích cực. Cũng vậy, việc đi tìm nghĩa của một đơn vị câu nào đó ta chưa hề biết đến phải tìm trong các mối liên hệ của phát ngôn.

Mối quan hệ biện chững giữa ngữ nghĩa và cấu trúc của câu làm cơ sở cho việc phân tích câu chia theo cấu trúc ngữ nghĩa và theo mục đích phát ngôn.

Các hành vi ngôn ngữ

• Vài nét giới thiệu chung • Câu ngữ vi và động từ ngữ vi (ngôn hành) • Hệ quả và vấn đề còn chưa thống nhất• Các kiểu hành vi ngôn ngữ cơ bản • Hành vi tại lời và điều kiện thực hiện • Phân loại các hành vi tại lời

1. Vài nét giới thiệu chung

- Trong giao tiếp, con người thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau bằng cách sử dụng ngôn ngữ. Các hành động này tuy được thể hiện hết sức đa dạng nhưng đều được gọi chung là các hành vi ngôn ngữ.

- Mối liên hệ giữa ngôn ngữ-hành vi con người là hiển nhiên, trong nghiên cứu ngữ dụng học, loại hành vi này không thể bỏ qua.

2. Câu ngữ vi và động từ ngữ vi (ngôn hành)

* Austin xây dựng lí thuyết này bắt đầu từ những khái niệm câu ngữ vi và động từ ngữ vi

Ví dụ:

(1a): Cháu chào bác ạ!

(1b): Tôi chúc anh lên đường may mắn!

(1c): Tôi khuyên anh nên nghỉ vài hôm.

→ "chào, chúc, khuyên" là những động từ ngữ vi.

2.1. Đặc điểm của câu ngữ vi

- Vị từ chính của câu biểu thị một hành động mà người ta thực hiện bằng cách nói ra.

- Vị từ chính gắn liền với điểm gốc của hệ toạ độ dụng học: tôi, bây giờ, ở đây.

+ Chủ thểở ngôi thứ nhất

+ Bổ ngữ trực tiếp gắn với người đối thoại (ngôi thứ 2)

+ Thời: hiện tại (không có dạng phủ định)

+ Thức: Trần thuật

2.2. Hệ quả

Khi chúng ta phá ra câu như vậy, ở những điều kiện thích hợp thì chúng ta đồng thời cũng thực hiện luôn hành động được gọi tên bằng vị từ chính. Và, những động từ như thế được gọi tên là động từ ngữ vi.

2.3. Trong tiếng Việt

- Chủ thể: Là ngôi thứ nhất nhưng không phải bao giờ cũng được thể hiện bằng một hệ đại từ thuần nhất.

Ví dụ:

Con chào bố!

→ "con": ngôi thứ nhất, trỏ vào người nói.

- Đối tượng: Là ngôi thứ hai

=> Do không được ngữ pháp hoá cao nên sự lựa chọn không thuần nhất. Tuy nhiên, chúng có cốt lõi thống nhất.

-Thời: không có thời

Nhưng, đặc trưng này của tiếng Việt được đảm bảo bằng việc đòi hỏi loại trừ khỏi câu ngữ vi tất cả những yếu tố liên quan đến thời, thể, tình thái... nào khiến cho câu không gắn với hành động của chủ thể.

Ví dụ: Tôi đanghỏi anh: Anh có lấy cắp tiền của tôi đem cho con bé đấy không?

2.4. Những từ không được coi là động từ ngữ vi

hỏi han - nịnh - nói dối - tâng bốc - mời mọc - mời chào

* Các câu ngữ vi không tham gia vào hoạt động đánh giá chân thực.

Tôi chào anh (-)

Hôm qua tôi chào anh (+)

3. Hệ quả và vấn đề còn chưa thống nhất

3.1. Austin: Tất cả các phát ngôn khi được sử dụng một cách nghiêm túc trong giao tiếp hiện thực đều biểu thị những hành vi ngôn ngữ, những hành động ngôn ngữ.

Như vậy, Austin đã đưa ra một ý kiến gần như trái ngược: Tất cả các câu đều là câu ngữ vi.

Trong đó có:

- Ngữ vi hiển ngôn (thứ cấp)

Ví dụ:

Cháu chào bác ạ!

- Ngữ vi nguyên cấp

Ví dụ:

Mấy giờ rồi? Ăn đi!

→ Các phát ngôn có sự gắn bó với các hành động mà người ta thực hiện.

3.2. Phân biệt câu ngữ vi với những câu không phải là câu ngữ vi

Câu ngữ vi chỉ là một cách thức biểu hiện và nó có thể ảnh hưởng đến những sắc thái khác nhau về giao tiếp.

Ví dụ:

Trời đang mưa

Tôi khẳng định là trời đang mưa.

4. Các kiểu hành vi ngôn ngữ cơ bản

4.1. Hành vi tạo lời

Lựa chọn từ ngữ, cấu trúc và phát âm theo một cách thức nhất định

4.2. Hành vi tại lời (hành vi ngôn trung)

Là những hành động được thực hiện ngay trong lời nói và bằng việc sử dụng ngôn ngữ, phát ngôn.

Thường có các động từ ngữ vi tương ứng để gọi tên.

Ví dụ:

Hỏi, mời, chào, chúc, khuyên, ra lệnh, khẳng định...

4.3. Hành vi mượn lời

Tác động xa hơn đến tâm lí, hành vi, thái độ, tình cảm nảy sinh do người ta nói.

5. Hành vi tại lời và điều kiện thực hiện

Bao gồm: + Điều kiện ngữ cảnh tương thích

+ Điều kiện ngữ cảnh không tương thích, không phù hợp...

^ Hành động không thành công

^ Người nghe hiểu theo một cách khác

Ví dụ: Ra lệnh

-1→ Người nói ↔ người nghe: có quan hệ thứ bậc

-2→ Người nói cho rằng người nghe có khả năng thực hiện hành động. Bao gồm:

^ Khả năng tâm lí, thể chất (về mặt tự nhiên)

^ Khả năng đạo đức (về mặt xã hội)

→ Điều kiện thoả mãn

→ Điều kiện may mắn

→ Điều kiện thành công

5.1. Điều kiện ban đầu

Bao gồm tất cả những sự tình nào đó được xem là cần phải có để nếu muốn chúng ta có thể sẵn sàng thực hiện được.

Như vậy là có thể có đủ điều kiện nhưng vẫn không thực hiện hành vi.

Ví dụ:

Ra lệnh: - Hành động chưa được thực hiện

- Người nói: có cương vị, vị thế cho phép điều khiển, chi phối hành vi của người nghe.

- Người nói cho rằng người nghe có khẳ năng thực hiện

- Nếu không ra lệnh thì không chắc chắn người nghe sẽ tự động thực hiện hành động.

5.2. Điều kiện hiện thực(điều kiện chân thành)

Gắn với trạng thái tâm lí đặc trưng

Khác với điều kiện chân thực về mặt logic: tính đúng - sai của mệnh đề được nói ra.

5.3. Điều kiện cơ bản

Mục đích chính mà hành vi nhằm đạt tới

6. Phân loại các hành vi tại lời

Cách phân loại hành vi tại lời khá đa dạng. Dưới đây cách phân loại phổ biến nhất.

6.1. Đích tại lời (trùng với điều kiện cơ bản)

6.2. Trạng thái tâm lí được biểu hiện (trùng với điều kiện thành thực)

6.3. Hướng khớp ghép lời với hiện thực

Liên hệ giữa nội dung mệnh đề với hiện thực

Ví dụ:

(1) Nam, đi mua cho bố gói thuốc lào, con!

(2) Trong túi Nam có một tép heroin

→ (1) Sự tình chưa xảy ra. Đòi hỏi hành động được thực hiện trong tương lai phải phù hợp với nội dung mệnh đề.

→ (2) Người nói phải có cơ sở để khẳng định của mình phù hợp với thực tế.

* Hướng khớp ghép lời với hiện thực ↔ thời gian

Có thể, trong những trường hợp nhất định, có những mối liên hệ nào đó.

Ví dụ:

Khẳng định: + Một hiện thực đã xảy ra

+ Một hiện thực chưa xảy ra.

→ Không chính xác khi đồng nhất với mối quan hệ trước sau về thời gian

6.3.a. Nhóm hành vi xác tín (xác nhận, khẳng định, trình bày)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tellme