Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hột vịt

- Nhân chi sơ, tính bổn thiện.

Dưới màn sương dày đặc của mùa Đông, những âm thanh đồng đều, thơ ngây của lũ trẻ con vọng đi vọng lại như muốn xé tan không gian tĩnh mịch mà vốn nó phải có. Đi từ xa, ai cũng đều biết chắc rằng đó đích thị là tiếng học trò trong lớp của thầy Dương - thầy đồ duy nhất dạy chữ ở trong cái làng nghèo xác nghèo xơ này.

Lớp học này đã được thầy duy trì hơn hai năm, ban đầu thầy Dương không lấy phí nhưng về sau cha mẹ bọn trẻ quyết định mỗi tuần sẽ họp lại gửi thầy mấy cân thịt, rau và gạo. Họ biết nhà thầy cũng nghèo như họ, nếu không lấy chút tiền mọn thì tối thầy phải đi đốn củi làm thêm để có thể nuôi được bản thân và người bà già yếu của mình. Lúc chưa được phụ cấp mấy thứ đó, có lần người ta còn thấy thầy sốt, ôm bó củi ngồi gục ngoài đường vì trúng gió, phải đưa đến nhà thầy lang gần nhất, suýt chút nữa là không giữ được mạng.

Thầy Dương tên thật là Trần Đăng Dương, từ nhỏ đã được sinh ra ở làng Đa - cái làng nghèo nhất huyện. Cha mẹ mất sớm, để lại thầy và bà nội nương tựa vào nhau. Thầy từ nhỏ vốn tính lương thiện, chịu thương chịu khó, lại say mê con chữ nên năm mười chín tuổi, Thầy Dương đã quyết định khăn gói lên đường học tập. 

Tiếng tăm của thầy lúc đó lẫy lừng, thầy đồ giỏi nhất kinh đô cũng phải tấm tắc khen: "Đăng Dương sáng dạ, sau này sẽ làm được việc lớn". Ấy vậy mà ba năm sau, thầy lại quay về vùng quê nghèo để mở lớp dạy học mà không tiếp tục lên kinh ứng thí làm quan. Ai cũng lắc đầu tiếc nuối cho một tài năng còn trẻ. Hồi đầu lúc thầy quay về mở lớp, dăm ba bữa người trong làng lại trông thầy đi thi để làm rạng danh cái nơi mà chắc mấy ông lớn đã quên trên bản đồ đất nước. Mà rồi thầy cũng lại thôi, Thầy Dương nói cái nghề giáo chắc là đã quá đủ đối với thầy.

Quay trở lại với lớp học đơn sơ, bọn học trò của Đăng Dương rất thông minh cũng rất yêu mến thầy. Học từ ban sáng đến tận gần trưa mới nghỉ:

- Hôm nay đến đây thôi, mấy đứa tan học. Về nhà nhớ học bài đàng hoàng nhá!

- Vâng ạ! - Lũ trẻ đồng thanh đáp.


Đăng Dương chờ bọn học trò đi hết mới từ từ thu dọn đồ đạc. Thầy cầm bút, thước và mấy quyển sách lên đi về phía bàn chót, cuối cùng ghé tai nghe một đứa trẻ đang ngủ chảy dãi đang lẩm bẩm:

- Một con gà béo quay lên thành hai con heo quay... Ba con cá nướng nướng lên thành sáu miếng thịt bò...


Không nhịn được, Thầy Dương bật cười thành tiếng:

- Vậy cho thầy hỏi trưa nay ăn gà quay, heo quay, cá nướng hay thịt bò?

- Đương nhiên là thịt bò rồi... - Bé Năm lấy bàn tay múp míp quạt mấy dòng ke, chép chép miệng nói. Dường như trong giấc mơ của bé Năm, nó đang thưởng thức một buổi tiệc đầy những sơn hào hải vị.

- À, nếu vậy thì Năm ăn vui vẻ, thầy về ăn cơm trắng với hột vịt kho!

- Dạ, tạm biệt th... - Cảm nhận được có cái gì đó sai sai, bé Năm cau mày rồi tự mình bật dậy. Nó nhớ trong giấc mơ, nó lạc vào một xứ sở không người với đầy những món ngon, vật lạ chứ làm gì có giọng của ai nữa đâu! Nhưng xui, nó lại đụng trúng đầu Thầy Dương một cái "cốp" đau điếng. - Ai da, sao thầy cụng đầu con?


Thầy Dương mặt mày méo mó, trán u lên một cục rõ to. Thật sự con bé này đầu thì cứng mà tính cách thì cũng cứng đầu! Thầy giận nó, rảo bước đi trước hậm hực:

- Trưa nay không có hột vịt gì hết sất!

Bé Năm mếu máo chạy theo xin tha, cả cái làng Đa này chỉ có mỗi mình nó có khả năng làm cho Thầy Dương giận. Nó không học hành không phải tại nó không muốn học, nó học tốt lắm chứ! Nhưng tại ở nhà thầy Dương có nhiều sách quá, thầy cũng không chơi mấy trò con nít với nó, chán thì nó lấy sách ra đọc, riết rồi khấm khá, mấy câu thơ này nó đã thuộc nằm lòng.

Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, làn sương mùa Đông cũng tan đi bớt trả lại vẻ trong xanh cho khắp làng Đa. Trong sân nhà Thầy Dương, người ta dễ dàng thấy bé Năm đang vừa ăn cơm vừa chép phạt, bà Nội cũng không thể làm gì khác ngoài bới tô cơm bỏ thật nhiều hột vịt để nó ăn cho đỡ tủi thân. Sở dĩ bé Năm phải ở lại nhà thầy là vì cha mẹ nó đi làm từ sáng trời đến tối muộn, có mấy bữa không kịp đưa nó đến lớp học mà để ở nhà thì lại không yên tâm, chỉ đành nhờ Thầy Dương giúp đỡ.

Lúc ban đầu nhận nó, thầy Dương thấy nó ngoan hiền, ít nói và còn rụt rè lắm. Nhưng sau khi ở cùng nhà với thầy lâu dần, nó trở nên nghịch ngợm và lém lỉnh không kém một ai. Thậm chí còn được xưng danh chị đại trong băng nhóm "Trâu non" của mấy đứa trẻ ngoài đồng.

Vậy mà bây giờ, "chị đại" bé Năm vừa ăn vừa khóc, tay chép lia lịa, nói không thành lời:

- Nội, nội coi thầy Dương có quá đáng không? Tự dưng thầy cúi đầu kêu con dậy, xong con dậy lỡ đụng trúng đầu thầy có chút xíu cái thầy phạt con! Hu hu hu hu.

- Con còn nói nữa là thầy cho con chép thêm hai chục lần nữa đó, đừng có mà ăn nói hàm hồ. Học thì không lo học, suốt ngày chỉ ăn với ngủ là hay.

Thầy Dương đang gắp cái hột vịt duy nhất còn lại trong nồi nhưng ý thức lại trên trán cũng đang có một cái y chang nên hậm hực lại thôi. Tốt nhất tối nay nên lấy thêm cái hột vịt nóng lăn lên chứ không mai phải cho tụi học trò nghỉ học.

- Thôi thôi, hai thầy trò chuyện có chút xíu cũng cãi nhau om sòm. - Nội bưng chén cơm lên, ngồi chân gác cao kẹp vào người, chân còn lại xếp bằng, thoải mái nói.

Nội đã quá quen với cảnh một lớn một bé vài ba hôm là lại có chuyện để giận hờn. Có lúc thì chép phạt, có lúc thì quỳ vỏ mít, lúc thì tịch thu đồ chơi, lần nào con bé Năm cũng đòi tuyệt giao nhưng mà nhìn lại thì có được mấy ngày. Nó thương thầy nó lắm, thương như người thân ruột thịt trong nhà, nhìn vậy thôi chứ chút nữa chắc cũng xuống bếp lấy cái hột gà hột vịt gì đó cho thầy nó lăn để đỡ sưng.

- Nội, bé Năm nội chiều riết rồi nó hư, mai Nội cứ kệ nó đi, chừng nào đói thì tự xuống ăn, tóc rối thì tự nó biết chải. - Thầy Dương thở dài, mặc dù không quá chú tâm vẻ bề ngoài nhưng cục u này to quá khiến thầy cũng ngại không dám ngẩng đầu lên.

- Thầy không có thương bé Năm chút nào hết! Bé Năm không nói chuyện với thầy nữa luôn! Ai mà nói chuyện với người còn lại thì mai mốt... mai mốt... hổng có được ăn thịt trong dĩa khổ qua xào!

Đăng Dương trán nổi gân xanh nhưng lòng tự nhủ là không chấp con nít, cứ im lặng thì xem như đã đồng ý rồi. Dù sao nay mai cũng không có chuyện gì quan trọng nhờ tới nó, cứ để nó giận dỗi cho yên nhà. Miễn là con gái của quan tri huyện không đến đây õng à õng ẹo thì chắc chắn là thầy sẽ giữ chữ tín, không nói chuyện với nó nữa.

- Rồi, bé Năm ăn xong thì vô trong nằm ngủ, chiều nội kêu dậy ra ngoài đồng chơi. Còn thầy Dương nè, nội nghe nói là có người mới chuyển tới làng mình đó con. - Bà Nội gắp miếng rau luộc chấm với nước mắm bỏ vào chén Dương. - Con coi có thời gian qua gặp gỡ nói chuyện với người ta gắn kết tình làng nghĩa xóm.

- Dạ nội, để chừng nào trán hết sưng thì con qua.


Ở làng Đa, chỉ nghe con người ta chuyển đi chứ rất ít khi nghe tin có mấy ai chuyển đến. Nếu có chuyển đến thì cũng vài bận rồi lại đi. Ban đầu, người ta đến vì cái đẹp của làng, vì cái thơ mộng trong trẻo của mấy hàng cây, mấy dải ngô đồng cùng mấy cánh đồng lúa rộng. Nhưng dần dà, cơm áo gạo tiền khiến cho lòng người không còn cảm hứng với cái đẹp quanh mình nữa, những thứ từng níu chân họ bây giờ chỉ còn là gánh nặng mà họ muốn quăng đi. Thầy Dương múc thêm canh, lắc đầu nhìn về đằng xa khẽ thở dài ngao ngán, cảnh này cũng không quá xa lạ đối với thầy, không biết người mới đến bao lâu nữa sẽ rời đi đây?


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro