Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

# 36

Người con gái đặt thanh kiếm xuống bàn. Nàng ngây ngốc ngắm nhìn khuôn mặt phong trần của người đối diện. Bỗng nhiên nước mắt của nàng tuôn dài trên má. Tên điên thoáng chút sững sờ, hắn có vẻ bối rối khi nhìn thấy nước mắt. Môi hắn mấp máy muốn nói gì đó nhưng rồi lại nâng bầu rượu nên vờ như không để ý. Người con gái nói:

- Không ngờ cậu lại trẻ như vậy. Còn trẻ hơn tôi nhiều nữa. Thanh xuân quý báu lắm, cớ sao cậu lại ủ rũ như vậy? Cậu tên là gì?

Tên điên định lờ đi, nhưng ánh mắt thiếu nữ tha thiết quá, khiến hắn buộc phải trả lời:

- Mạc Đăng Dung.

Người con gái lại hỏi tiếp:

- Có phải cậu vừa từ vùng khởi nghĩa đến đây không? Tôi nghe nói toàn bộ phản quân đều bị giết hết.

Đăng Dung giật mình, chàng bị sặc rượu, ho sù sụ, nhưng vẫn im lặng, mặc cô gái tự độc thoại:

- Cậu đang thắc mắc vì sao tôi biết phải không? Tại người cậu nồng nặc sát khí, mi tâm tích tụ khí xám, chứng tỏ cậu vừa mới giết người, mà lại còn giết rất nhiều nữa chứ. Nếu không phải vừa từ chiến trường về thì là từ đâu?

Đăng Dung vẫn chú tâm vào bầu rượu, ngửa cổ, dốc ngược lên để rượu chảy tràn trên má. Người con gái thấy chàng không đoái hoài gì đến mình, tức mình, mới giật lấy bầu rượu. Nàng tự rót đầy chén của mình, đưa lên miệng uống, sau đó lại rót, lại uống, liền tù tì hơn mười mấy chén liên tục. Đăng Dung lần đầu thấy một người con gái uống rượu như thế, buột miệng:

- Dừng lại, đừng uống nữa. Phụ nữ uống rượu không tốt.

Lúc đó, khuôn mặt của thiếu nữ đã ửng đỏ.

- Đúng thế. Uống rượu không tốt, sao cậu vẫn cứ đòi uống?

Nói rồi, nàng thẳng tay quẳng luôn bầu rượu xuống dưới hồ. Hành động của cô gái khiến Đăng Dung cảm thấy thú vị, mới trả lời:

- Tôi uống vì có tâm sự. Tôi có uống rượu chết đi thì cũng chẳng sao.

Hơi rượu làm người thiếu nữ bạo dạn, nàng rướn đến, nhìn sâu vào mắt chàng. Giọng của nàng cũng ngọt ngào và gần gũi hơn:

- Phải chăng người thân của chàng mới mất trong chiến trận vừa rồi?

Đăng Dung không muốn trả lời, bầu rượu không còn trên bàn khiến chàng cảm thấy trống trải. Người con gái kia vẫn chẳng buông tha, nàng hỏi dồn:

- Người đã mất đó là ai vậy? Một người con gái chăng?

Đăng Dung nhìn xuống cảnh hồ phía dưới. Lá cây đã bắt đầu héo úa, báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt sắp về. Chàng trầm ngâm:

- Một người... và rất nhiều người khác.... Đêm nào tôi cũng mơ thấy họ, từng người lần lượt ra đi. Họ gọi tôi. Chỉ có rượu mới khiến tôi quên.

Thiếu nữ lại bất ngờ dí thanh kiếm vào ngực chàng:

- Nếu chàng đã đau khổ như thế, sao không tự vẫn đi? Chết là hết, không còn phải đau khổ nữa.

Mi tâm của Đăng Dung chau lại, giọt mồ hôi bất giác rơi đọng xuống bàn, giọng chàng rất nhỏ, như tự nói với chính mình:

- Tự vẫn??? Tôi đã từng tự vẫn một lần. Nhưng từ sau lần đấy thì chẳng còn đủ dũng cảm nữa. Hóa ra chết cũng không dễ như vậy

Thiếu nữ vẫn không buông tha chàng, nàng ta đập bàn, mạnh mẽ còn hơn nam giới:

- Thiếp vẫn luôn ghét cay ghét đắng những người đàn ông không có chí khí. Nếu chàng đã không dám tự vẫn, thì hãy sống sao cho giống một con người. Nhìn chàng xem, nếu như người thân của chàng ở dưới suối vàng mà nhìn thấy thì liệu họ có đau lòng không?

Lời nói như mũi dao đâm sâu vào lòng tự ái, khiến Đăng Dung không khỏi hổ thẹn. Chàng cúi gằm, chẳng biết nên đối diện với ánh mắt của người con gái trước mặt như thế nào.

Người thiếu nữ ấy, vừa lúc trước còn đang dữ dội như bão táp, bỗng trở nên hiền hòa như một đồng cỏ xanh. Nàng xới một bát cơm trắng, đặt trên đó một miếng cá kho, rồi đẩy về phía Đăng Dung, dịu dàng khuyên:

- Chàng đừng uống rượu nữa được không? Ăn chút cơm đi.

Đăng Dung không chối được nữa, đành nhận lấy, đưa hạt cơm dẻo vào trong miệng. Vị ngọt thơm của cơm nóng, vị mặn của cá quyện trên đầu lưỡi. Đây là lần đầu tiên trong mấy tháng qua, chàng sống như một con người, tự hổ thẹn thấy bản thân mình đã sa đọa quá nhiều.

Sau khi ăn xong bát cơm, Đăng Dung mới hỏi người con gái đối diện:

- Chị là ai? Tại sao lại quan tâm đến tôi như vậy? Tôi chỉ là một kẻ khố rách áo ôm, điên điên ngộ ngộ nơi xó đường mà thôi.

Thiếu nữ đã chuếnh choáng vì mười mấy chén rượu lúc nãy, nàng chống cằm, không trả lời mà mơ màng hỏi

- Chàng có muốn làm vua không?

- Làm vua??? Tôi mà làm vua??? Tôi chỉ muốn làm quan giúp dân giúp đời, chứ chưa bao giờ mơ tưởng hão huyền đến ngôi vua. Chuyện ấy quá là nghịch thiên - Đăng Dung cảm thấy khôi hài.

- Tại sao lại không chứ? Thiếp đây mà đổi phận làm trai được thì chắc chắn sẽ quyết chí làm vua. Còn chàng, rõ ràng là nam nhi sức dài vai rộng mà không dám nuôi chí lớn, lại tự đi đày đọa bản thân mình. Chàng không tự cảm thấy kém cỏi sao?

Đăng Dung chết lặng vì lời nói. Chàng không bao giờ nghĩ rằng mình lại bị hạ nhục bởi một người con gái như vậy. Chàng toan muốn tìm lời lẽ biện bạch thì đôi mắt thiếu nữ bỗng nhiên tràn lệ. Giọng nàng mềm dịu, yếu đuối, có cả chút bất lực của năm tháng dồn nén lại:

- Hãy cho thiếp được làm vợ của chàng nhé.

Đăng Dung ngẩn ra, khuôn mặt lẫn lộn giữa nhiều cung bậc cảm xúc. Cùng một lúc, cô gái trước mặt khiến chàng vừa phẫn nộ, vừa hổ thẹn và vừa ngạc nhiên đến cùng cực. Chàng mấp máy môi mà chẳng biết nên trả lời làm sao. Thiếu nữ thấy chàng như thế thì cười khúc khích, rồi bắt đầu tự bạch:

- Thiếp tên là Nhữ Thị Thục, cha thiếp đã từng giữ chức Hộ Bộ Thị Lang, nay đã cáo lão về quê ở ẩn. Từ bé, thiếp đã có trực giác linh mẫn hơn người, lại được cha tìm thầy giỏi cho theo học, nên sớm thành thạo lý số, chiêm tinh, tướng học. Bản thân thiếp nhiều hoài bão, nhưng hận ông trời nặn ra mình là con gái, nên có một khát khao là sau này sẽ sinh ra một người con có thể trở thành vua. Thiếp không cam chịu vào trong cung cấm tù túng để làm cung tần. Vì vậy, từ năm thiếp mười sáu tuổi đã đi chu du khắp thiên hạ, chỉ để tìm được một người có thể hợp cẩn cùng với mình sinh ra vua. Sau bao nhiêu năm dài đằng đẵng, đến tận bây giờ, thiếp mới tìm được chàng.

Đăng Dung bất ngờ, lẩm bẩm:

- Tôi? Tôi á?

Nhữ Thị Thục gật đầu:

- Đúng thế. Là chàng. Chàng là vị quân vương mà thiếp tìm kiếm bấy lâu nay. Lúc đầu nhìn chàng ủ rũ, yếu đuối, lý trí của thiếp vẫn luôn nghi ngờ. Nhưng đến khi thấy chàng vung thanh đao ấy, nhìn tướng mạo và thần thái của chàng thì thiếp biết mình không hề lầm. Dù bề ngoài chàng có như thế nào, thì trong bản chất, chàng vẫn luôn là một kẻ nghịch thiên, sẵn sàng làm những chuyện khuấy trời, đảo đất.

Đăng Dung vẫn ngờ vực những điều mà nàng ta nói. Chàng nhớ đến việc Đông Thắng Vương Đào Công ham mê quyền lực mà vô tình đẩy trăm họ vào cảnh tang thương thì bất giác rùng mình. Chàng lắc đầu, nói với cô gái:

- Nhưng thiên hạ bây giờ là của nhà Lê. Còn tôi chỉ là con cháu họ Mạc đánh cá nơi góc sông, sao có thể xảy ra chuyện đó được?

Thị Thục lúc lắc cái đầu. Lúc đó, nàng ta đã say lắm rồi, khuỷu tay chống cằm cứ trực chờ trượt xuống. Nàng nói:

- Nhưng tướng mạo của chàng là như thế. Số phận đã sắp đặt như thế. Chàng...

Thị Thục nói đến đây thì say quá, nằm gục xuống bàn. Khóe miệng của nàng vẫn nở một nụ cười mãn nguyện. Đăng Dung trầm ngâm ngồi ngắm nàng một lúc, rồi bảo chủ quán tìm cho nàng một phòng trọ. Chàng cẩn thận bế nàng vào phòng, đặt trên giường, đắp cho nàng một tấm chăn mỏng rồi lui ra, đóng cửa lại. Đêm ấy, Đăng Dung nằm ở ngoài phòng trọ của Thị Thục, trăn trở mãi không ngủ được. Thanh Định Nam Đao vẫn được chàng giấu ở trong khúc gỗ, sát bên cạnh không rời.

Khi gà gáy canh năm, Đăng Dung trở mình ngồi dậy. Sau một đêm thức trắng, thân thể chàng tuy mỏi mệt nhưng đôi mắt lại sáng ngời, tựa như đã gạt được hết sự muộn phiền. Chàng xin nhà trọ một tờ giấy, viết lên dòng chữ: "Mạc Đăng Dung cảm tạ lời nhắc nhở, sẽ không nhu nhược nữa. Tôi đã hứa với vợ mình rằng đời này sẽ chỉ có một mình cô ấy thôi. Xin lỗi không thể đi cùng chị như chị mong ước. Hy vọng chị sẽ tìm được người khác xứng đáng hơn tôi. Cáo biệt". Chàng gấp tờ lại, đẩy vào trong kẽ cửa, rồi vác khúc gỗ chứa Định Nam Đao, rời đi trước lúc bình minh.

Đến tận hai canh giờ sau, Thị Thục mới choàng tỉnh dậy. Đầu tiên, nàng ôm đầu, dáo dác nhìn quanh căn phòng xa lạ. Sau đó, nàng loạng choạng bước chân xuống giường, miệng liên tục gọi:

- Mạc Đăng Dung. Chàng ở đâu?? Ở đâu??

Đến khi nhìn thấy tờ giấy nhét qua khe cửa, nàng run run cầm lên đọc. Nước mắt chảy thành hai hàng trên má. Thị Thục hoang mang mở tung cánh cửa, chạy ra ngoài tìm kiếm. Nàng chạy khắp khu nhà trọ, hỏi hết người này đến người kia nhưng thứ mà nàng nhận được chỉ là những cái lắc đầu. Nàng thất thần nhìn ra con đường trước mặt. Bóng dáng ấy đã mất tăm, không còn chút tung tích. Nước mắt nàng rơi lã chã, trái tim bị bóp nghẹt bởi sự tiếc nuối. Hạnh phúc tưởng như trong tầm tay mà trong phút chốc đã vụt bay đi mất.

------------

Chú giải:

Theo truyện dân gian truyền lại, Nhữ Thị Thục là con gái của Hộ Bộ Thị Lang, tiến sĩ Nhữ Văn Lan. Nàng quê tại làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương, nay là xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Nàng thông minh, học cao hiểu rộng, tinh thông lý số, chiêm tinh, tướng học, có tài tiên đoán tương lai. Từ nhỏ, nàng đã tâm niệm rằng: nếu không lấy được chồng làm Thiên tử, thì con sinh ra sau này cũng phải làm Thiên tử một nước. Bởi thế, nàng đã dành hết thời con gái để tìm được người có thể hợp cẩn cùng mình sinh ra vua. Nàng đã từng có duyên gặp gỡ Mạc Đăng Dung và nhận ra chàng là người có tướng quân vương, nhưng hai người không có duyên chồng vợ. Về sau, Nhữ Thị Thục nên duyên với Nguyễn Văn Định, người ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, thừa tuyên Hải Dương (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Nguyễn Văn Định là một thầy nho bình thường nhưng được Nhữ Thị Thục lựa chọn vì có tướng sinh quý tử. Về sau, Nhữ Thị Thục sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm và nuôi dạy ông trở thành một danh nhân văn hóa và một nhà tiên tri, dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, có tầm nhìn đi trước thời đại. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro