
# 133
Ba ngày sau, theo lệ, nhà vua thượng triều để cùng các quần thần xử lý quốc quân trọng sự. Nguyễn Hoằng Dụ cáo ốm không vào, nhường cho chú ruột là Nguyễn Văn Lự đứng đầu phe họ Nguyễn quyết định mọi chuyện. Buổi triều hôm ấy vẫn diễn ra như mọi lần, nhà vua ngồi lọt thỏm giữa ngai vàng chứng kiến các vị đại thần tranh cãi, đấu đá nảy lửa với nhau mà chẳng giải quyết được việc gì cả. Nhà vua ngồi nghe đến ù cả tai, hoa cả mắt. Về sau người giận quá, bèn nói chen vào cuộc tranh cãi của đám thần tử đang hăng máu như gà chọi:
- Thôi thôi. Các khanh đừng cãi nhau nữa. Trẫm mệt lắm rồi. Ngày xưa Liêm Pha và Lạn Tương Như ở nước Triệu(1)tranh cãi nhau suốt ngày mà còn kết bạn chí thân được, huống hồ các khanh bây giờ chỉ có chút mâu thuẫn cỏn con. Trẫm muốn hòa giải hai họ Trịnh, Nguyễn với nhau. Các khanh có đồng ý không?
Nhà vua trẻ đã có lệnh như thế, hai phe Trịnh, Nguyễn cũng đành gượng gạo nghe theo. Vua mới bảo tiếp:
- Thế này đi, hôm nay trẫm thiết yến tiệc ở hậu cung, mời người đứng đầu hai họ Trịnh Nguyễn vào uống rượu giảng hòa.
Nói xong, nhà vua bỏ vào hậu cung.
Người đứng đầu hai họ là Trịnh Duy Đại và Nguyễn Văn Lự đành miễn cưỡng đi theo nhà vua. Hai người bọn họ vốn mang theo rất nhiều hộ vệ vây quanh mình. Tuy nhiên, khi đến cửa hậu cung, vị quan thái giám tổng quản mới chặn cả hai lại, nói:
- Hôm nay, Hoàng thượng chủ đích mời rượu hai ngài để giảng hòa. Vậy mà hai ngài lại mang theo binh tướng dữ tợn. Thế thì sao có thể nói chuyện được nữa. Xin hai ngài hãy để binh tướng ở bên ngoài là hơn.
Nguyễn Văn Lự ngẫm nghĩ một chút, nói lớn:
- Thôi được rồi. Để hết hộ vệ ở bên ngoài cửa cung. Một mình ta vào thôi.
Quan tổng quản gật đầu, sau đó nhìn về phía Trịnh Duy Đại chờ đợi. Trịnh Duy Đại cũng đành miễn cưỡng:
- Thôi được. Ta đi vào một mình.
Thế là binh lính hộ vệ bị chặn hết ở bên ngoài. Trịnh Duy Đại cùng Nguyễn Văn Lự đi cùng với quan tổng quản vào gặp vua. Nhà vua ngồi ở ngự hoa viên, thấy hai viên đại thần thì vẫy tay gọi đến.
Ngay khi vừa gặp nhà vua, Nguyễn Văn Lự đã rút tờ mật chiếu trong tay áo ra, đọc vanh vách:
- Kính bẩm hoàng thượng. Trịnh Duy Đại cùng với Trịnh Tuy nuôi dưỡng gia binh, ngầm liên kết với các quan trong triều để lật đổ hoàng thượng, lập vua mới để bọn chúng dễ bề thao túng. Tội chứng của bọn chúng đã rõ. Xin hoàng thượng xử tử.
Đang yên đang lành thì bị Nguyễn Văn Lự vu oan giá họa bằng những lời lẽ phi lý, Trịnh Duy Đại cảm thấy uất nghẹn không chịu được. Trịnh Duy Đại bèn chỉ tay vào mặt Nguyễn Văn Lự quát lớn:
- Mày ăn nói hàm hồ.
Nguyễn Văn Lự chỉ cười mỉa:
- Chết đến nơi rồi mà còn già mồm.
Nguyễn Văn Lự vỗ tay ra hiệu. Từ bên trong cung điện, Nguyễn Kim chỉ huy lính cấm vệ ùa ra, bắt lấy Trịnh Duy Đại chém ngay tại chỗ. Máu của Trịnh Duy Đại vấy đầy bàn tiệc. Nguyễn Kim chặt lấy đầu của Duy Đại, đem bêu ở trước cổng hoàng cung.
Sự việc Trịnh Duy Đại bị vua giết là một tin kinh thiên động địa chấn động cả kinh thành. Phe họ Trịnh hoang mang, chưa biết đầu cua tai nheo mọi sự ra sao thì lại nghe tin Nguyễn Hoằng Dụ cất quân tiến đánh. Trịnh Tuy vội vàng điểm quân đón đỡ. Hai bên dàn trận ngay giữa phố phường, sát bên ngoài hoàng thành để đánh nhau. Đao kiếm vung lên loang loáng, cung tên vương vãi như mưa, tiếng người hô hoán như sấm rền. Kinh thành oằn mình chịu đựng cơn chấn động. Mặt trời vàng tối, may trời tán lạc, nhà cửa đổ nát, phố xá đẫm máu, sông Tô Lịch nhuộm tanh màu đỏ.
Sau mấy lần phân tranh, quân của Trịnh Tuy dần dần trở nên bị động, yếu thế. Nguyễn Hoằng Dụ liên tục dồn ép, quyết diệt Trịnh Tuy bằng được mới thôi. Đến cuối cùng, Trịnh Tuy thua cuộc, phải cử các tỳ tướng đoạn hậu, còn bản thân mình thì rút về phía Nam, bỏ chạy về Thanh Hóa để giữ lực lượng.
Phe họ Nguyễn đại thắng phe họ Trịnh. Nguyễn Hoằng Dụ được thế lấn tới, muốn tận diệt người nhà họ Trịnh. Y xua quân khắp kinh thành để lùng sục và bắt bớ. Tất cả những ai liên quan đến họ Trịnh, từ trai đến gái, từ người già đến trẻ con, đều bị giết chết không tha. Cả kinh thành nhốn nháo hoang mang trước làn sóng bắt bớ liên miên không dứt
Bấy giờ, quân của Trần Chân hãy còn đang nghỉ dưỡng sức ở mé tây của Kinh Thành. Con cháu họ Trịnh bị Nguyễn Hoằng Dụ bị truy bắt liền lũ lụt chạy về phía Trần Chân cầu cứu. Chỉ trong một buổi sáng mà doanh trại Trần Chân đã chật ních người tị nạn. Già trẻ lớn bé nheo nhóc khóc than, thi nhau kể tội ác của Nguyễn Hoằng Dụ. Trần Chân không đang tâm ngồi nhìn, liền gửi mật thư cho con em ở các dinh Sơn Tây kéo lên cùng đánh giặc.
Quân của Trần Chân như mây đen từ phía Tây kéo đến giăng kín kinh thành. Trần Chân mặc giáp trắng, tay cầm phương thiên họa kích lừng lững đi trước đoàn quân, tựa như thiên tướng cưỡi mây giáng lâm xuống trần. Nguyễn Hoằng Dụ xua quân ra chống cự. Nhưng Trần Chân quá mức dũng mãnh, một đường kích là diệt sạch những kẻ ngáng đường. Nguyễn Hoằng Dụ cùng với Nguyễn Kim cùng phối hợp ứng chiến Trần Chân. Hai cha con hắn vây hai bên Trần Chân, dùng thương dài đâm vào lia lịa. Trần Chân đều cản được hết. Cuối cùng, Trần Chân hét lên một tiếng như hổ gầm, vung kích chặt đứt cả hai cây thương. Cha con Hoằng Dụ không địch lại được, phải vất thương gãy mà chạy. Quân lính xung quanh thấy chủ tướng đã bị đánh bại cũng chạy ùa theo. Trần Chân xua quân đuổi đánh. Cha con Hoằng Dụ biết mình không chống được Trần Chân đành xuống thuyền lánh về phương Nam.
Nguyễn Hoằng Dụ chạy thoát khỏi kinh thành liền tụ quân một chỗ rồi viết thư cho Đăng Dung ở Sơn Nam kêu gọi chàng cùng lập liên minh, trong thư kể lể:
"Đăng Dung đệ.
Huynh ấp ủ bao nhiêu ngày mới có cơ hội diệt được phe họ Trịnh báo thù cho cha, quét sạch lũ gian thần ra khỏi triều đình. Khi việc lớn sắp thành lại bị Trần Chân ngáng đường. Hắn lợi dụng lúc quân của huynh vừa khổ chiến xong với Trịnh Tuy còn đang mệt nhọc mà tấn công, khiến huynh phải nuốt hờn mà chạy về phía Nam.
Bây giờ nhìn khắp thiên hạ chỉ còn mỗi đại quân của đệ ở Sơn Nam là đủ sức đối kháng với Trần Chân. Đệ rèn quân bao nhiêu ngày, há lại chịu ru rú ở xó đất ấy hay sao. Nay hai ta hãy cùng hợp lực cất quân tiêu diệt Trần Chân. Thực lực của đệ hơn hắn nhiều. Liên minh hai chúng ta tất thắng. Vua Quang Thiệu yếu nhược, hai chúng ta cùng ngồi nhiếp chính, uy danh chắc chắn còn hiển hách hơn cả vua."
Ngoài bức thư viết cho Đăng Dung, Hoằng Dụ còn viết riêng một bức thư nữa gửi cho Ngọc Tuyền. Trong thư nhắc lại về mong muốn liên minh, và khuyên Ngọc Tuyền rằng:
"Đăng Dung vốn là bạn tâm giao với Trần Chân. Đệ ấy lại sống trọng tình cảm. Huynh sợ đệ ấy dùng dằng không quyết, cuối cùng để mất cơ hội lập nghiệp ngàn năm có một. Nếu em không muốn tâm huyết của họ Nguyễn ta đổ xuống sông xuống bể thì hãy cố gắng khuyên nhủ cậu ấy. "
Hai lá thư được gửi đến phủ Thiên Trường ngay trong một ngày. Ngọc Tuyền nhận được thư của anh trai thì ngồi trầm lắng bên khung cửa sổ để suy nghĩ. Ngoài trời khi đó đang có mưa. Tâm trạng của Ngọc Tuyền cũng ảm đạm như màn mưa bên ngoài. Một đằng là nghĩa, một đằng là tình, nàng chẳng biết phải làm sao cho đúng. Nàng ngồi suốt cả một buổi chiều, đến khi mưa ngớt mới cầm phong thư của Nguyễn Hoằng Dụ sang gặp Đăng Dung.
Khi đó, Đăng Dung đang dạy các con trai Đăng Doanh, Phục Sơn luyện võ. Con gái lớn Ngọc Châu thì đang ngồi vẽ tranh bên cạnh. Khuôn mặt chàng tươi cười, dường như chẳng có điều gì có thể làm chàng phiền muộn.
Ngọc Tuyền cầm phong thư đưa đến trước mặt Đăng Dung, nói:
- Hôm nay anh Hoằng Dụ đưa đến lá thư này. Là vợ chồng bao nhiêu năm, em chẳng muốn giấu chàng điều gì.
Đăng Dung dừng tập, cầm lấy phong thư đọc qua một lượt. Chàng kéo Ngọc Tuyền xuống cái ghế ở gần đó, nói:
- Ta vốn không muốn cho nàng biết để nàng khỏi phải khó xử. Vậy mà anh Hoằng Dụ lại gửi thư riêng. Thật là làm khó nàng quá.
Ngọc Tuyền chợt thốt lên một tiếng, vịn tay vào thành ghế, hoảng hốt hỏi:
- Vậy là chàng đã quyết định rồi ư? Không thể giúp anh Hoằng Dụ được sao?
Đăng Dung không trả lời mà hỏi ngược lại vợ:
- Theo nàng, nếu ta và Hoằng Dụ liên minh thì liệu có thắng được Trần Chân hay không?
Ngọc Tuyền đang lúc bối rối nên không suy tính được nhiều. Lúc bấy giờ, con gái lớn Ngọc Châu đang ngồi vẽ ở bên cạnh, nghe được hết những gì mà người lớn đang bàn tính. Ngọc Châu vốn thông minh lanh lợi nên sớm có chủ ý riêng về việc này. Ngọc Châu nói:
- Bẩm cha, mẹ. Trần Chân bá bá tuy dũng mãnh vô song nhưng cha cũng không hề kém cạnh. Hai người giao tranh, chưa rõ ai thắng ai, có thể là hòa.
Đăng Dung thấy con gái nhận ra được điều cốt yếu thì mừng lắm, cười nói:
- Đúng thế. Ta và Trần Chân mà chiến đấu thì không ai hơn được ai, rốt cuộc sẽ rơi vào thế cầm cự dai dẳng. Cuộc chiến này sẽ chẳng đi đến đâu, cuối cùng chỉ gây thêm tai họa cho người dân mà thôi. Mấy năm nay đất nước trải qua nạn binh đao không dứt. Thiên hạ vừa mới thái bình được một chút lại xảy ra họa quyền thần đánh nhau. Ta thực không muốn ném thêm dầu vào đám cháy nữa. Hơn nữa... - Đăng Dung bỗng nhiên trùng giọng - .... ngay từ đầu ta đã không muốn đối đầu Trần Chân. Ngài ấy đã cứu giúp gia đình mình quá nhiều. Cớ sao đi gia đình mình lại đi lấy oán báo ơn..
Ngọc Tuyền đành ngậm ngùi thở dài:
- Thôi đành vậy. Em cũng không muốn vì chút tình cảm cá nhân mà xúi chàng đi làm khổ trăm họ. Thôi hãy để em thay chàng viết một lá thư trả lời anh Hoằng Dụ.
----
(1) Liêm Pha và Lạn Tương Như: Là hai vị quan nổi tiếng của nước Triệu thời Chiến Quốc (lịch sử Trung Quốc). Hai người này mâu thuẫn kịch liệt với nhau, nhưng vẫn gạt bỏ thù riêng để gắn kết, giúp nước Triệu vững mạnh chống lại nước Tần xâm lấn
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro