dieu uoc quoc te
7
ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ:
1/ Khái niệm:
Sự hình thành và xuất hiện các quốc gia đánh một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của loài người. Ở từng khu vực, các quốc gia láng giềng thường mang những đặc điểm, tập quán khá giống nhau. Điều đó có được là do sự thông thương qua lại giữa các nước. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào các mối quan hệ cũng trở nên tốt đẹp, các nước không phải lúc nào cũng chung sống hòa bình với nhau. Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu khi có xung đột về lợi ích quốc gia. Đó là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Và từ xưa người ta đã đưa ra những thỏa thuận chung, thống nhất để điều chỉnh mối quan hệ về nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trong đó chủ yếu là vấn đề chiến tranh và giới hạn trong phạm vi khu vực. Dần dần nó trở thành những tập quán. Song, những thỏa thuận này thường mang nặng tính chất bất bình đẳng, bảo vệ lợi ích cho quốc gia mạnh.
Trong xu thế phát triển chung của toàn thế giới, với sự tiến bộ của khoa học-kĩ thuật, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề, mối quan hệ giữa các quốc gia cũng vì vậy mà ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Nó đặt ra nhu cầu cần phải thể chế hóa và quy định thống nhất các nguyên tắc để giải quyết có hiệu quả những vấn đề trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Các điều ước quốc tế đã ra đời, đáp ứng nhu cầu đó. Chúng là một bộ phận của hệ thống pháp luật quốc tế.
Theo Công ước Viên về luật điều ước quốc tế ký ngày 23-5-1969, có hiệu lực từ ngày 27-1-1980: "Thuật ngữ "điều ước" dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì."
(Theo nguồn: www.thuvienphapluat.vn)
Điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận, công hàm trao đổi và các văn kiện pháp lí quốc tế khác kí kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hay nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Việc kí kết và thực hiện các điều ước quốc tế phải tuân theo các quy định của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Ví dụ: Hiệp định tương trợ tư pháp Việt-Pháp, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Hiệp ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.v.v.
(Theo nguồn: luathoc.vn)
Việc ký kết các điều ước quốc tế tạo hành lang pháp lý để Việt Nam hội nhập quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ với các nước. Đồng thời, các quốc gia thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế có thể hiểu Việt Nam, mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam dựa trên những nguyên tắc và qui phạm chung của luật pháp quốc tế.
2. Phân loại điều ước quốc tế.
Điều ước quốc tế là tên gọi chung cho các văn bản do hai hay nhiều chủ thể của Luật quốc tế thỏa thuận ký kết. Tùy theo tính chất và nội dung của từng văn bản mà các bên ký kết thỏa thuận xác định tên gọi cho chúng. Có thể phân loại điều ước quốc tế theo nhiều tiêu chí khác nhau.
- Căn cứ vào danh nghĩa của điều ước quốc tế
Căn cứ vào danh nghĩa của điều ước quốc tế, theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, điều ước quốc tế bao gồm: Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.
+ Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp: Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác; điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công nhân, về tương trợ tư pháp; điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Ví dụ:
Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ ( theo nguồn www.vietlaw.gov.vn)
+ Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp: để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước; điều ước quốc tế về các lĩnh vực và các tổ chức quốc tế trừ những vấn đề đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước; điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên kí kết nước ngoài.
Ví dụ:
Hiệp định Thương mại giữa chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội
chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng Hòa Na-Mi-Bi-A ngày 7 tháng 1 năm 2004 ( theo nguồn www.vietlaw.gov.vn)
- Căn cứ vào chủ thể ký kết: điều ước quốc tế có 2 loại
+ Điều ước song phương: là điều ước quốc tế được ký kết bởi hai quốc gia với nhau.
Ví dụ:
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001), gồm 4 phần: tiếp cận thị trường, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư. ( theo nguồn www.vietlaw.gov.vn)
+ Điều ước đa phương: là điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập của từ ba quốc gia trở lên.
Ví dụ:Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, được ký kết tại Viên năm 1980.
- Căn cứ vào nội đung của điều ước quốc tế
Có thể chia thành nhiều loại như điều ước về chính trị là điều ước quốc tế liên quan đến các vấn đề chính trị mà các quốc gia tham gia quan tâm, điều ước về kinh tế là điều ước quốc tế liên quan đến các vấn đề kinh tế giữa hai hoặc nhiều quốc gia, các điều ước quốc tế về biển, hàng không, vũ trụ v.v...
Ví dụ : Công ước Luật biển ký kết năm 1982. (theo nguồn www.saga.vn)
3. Khái quát quá trình kí kết và gia nhập điều ước Quốc tế.
Khi nhận thấy cần có một văn bản có tính pháp lý điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ giữa các quốc gia hì các quốc gia có liên quan xem xét để kí kết một Điều ước quốc tế. Theo điều 2 khoản 4 luật kí kết, gia nhập và thưc hiện điều ước Quốc tế 2005 thì: "ký kết là những hành vi pháp lý do người hoắc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt Điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành Điều ước quốc tế". Ký kết Điều ước quốc tế là 1 quá trình gồm nhiều giai đoạn với những thủ tục khác nhau tùy theo lĩnh vực mà Điều ước quốc tế điều chỉnh và số lượng các bên tham gia. Trình tự tiến hành ký kết Điều ước quốc tế, nội dung của các bước trong trình tự kí kết do chính các bên tham gia kí kết thỏa thuận. Nhìn chung quá trình kí kết bao gồm 3 giai đoạn sau: Đề xuất về việc đàm phán và ký Điều ước quốc tế, thẩm định Điều ước quốc tế, phê chuẩn Điều ước quốc tế, phê duyệt Điều ước quốc tế.
Gia nhập Điều ước quốc tế là việc một chủ thể của Luật quốc tế quyết định đồng ý ràng buộc mình với Điều ước quốc tế nhiều bên đã có mà mình chưa phải là thành viên.
Nhìn chung, quá trình ký kết và gia nhập Điều ước quốc tế gồm các nội dung:
+ Đề xuất việc đàm phán và ký kết Điều ước quốc tế.
+ Quyết định việc đàm phán và ký Điều ước quốc tế.
+ Hồ sơ trình về việc đàm phán, ký Điều ước quốc tế.
+ Đàm phán và soạn thảo Điều ước quốc tế.
+ Thẩm định dự thảo Điều ước quốc tế.
+ Ký Điều ước quốc tế.
+ Phê chuẩn Điều ước quốc tế.
+ Phê duyệt Điều ước quốc tế.
+ Gia nhập Điều ước quốc tế nhiều bên.
+ Bảo lưu Điều ước quốc tế nhiều bên.
+ Công bố và đăng ký Điều ước quốc tế.
4. Hiệu lực của điều ước quốc tế:
Điều kiện có hiệu lực của điều ước quốc tế: Điều ước quốc tế có hiệu lực khi đáp ứng được các điều kiện cơ bản do luật các Điều ước quốc tế quy định như:
+ Kí kết đúng thẩm quyền và thủ tục theo pháp luật của các nước.
+ Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng trong kí kết Điều ước quốc tế.
+ Nội dung của Điều ước quốc tế phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.
Thể thức và thời hạn có hiệu lực của Điều ước quốc tế:
+ Thứ nhất về thời điểm có hiệu lực của Điều ước quốc tế: Thời điểm có hiệu lực của Điều ước quốc tế phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu Điều ước quốc tế không cần phê chuẩn hoặc phê duyệt thì Điều ước quốc tế có hiệu lực ngay sau khi các bên kí kết vào văn bản. Đối với Điều ước quốc tế cần phê chuẩn hoặc phê duyệt thì thời điểm có hiệu lực của Điều ước quốc tế có thể là thời điểm các bên trao đổi thư phê chuẩn, hoặc khi có đủ số lượng các quốc gia phê chuẩn điều ước đó.
+ Thứ hai về thời hạn có hiệu lực của Điều ước quốc tế: Các Điều ước quốc tế có thể quy định hoặc không quy định về thời hạn có hiệu lực của mình. Những Điều ước quốc tế không có điều khoản quy định về thời hạn là những Điều ước quốc tế vô thời hạn.
+ Thứ ba, về chầm dứt hiệu lực của Điều ước quốc tế: Việc chấm dứt hiệu lực của Điều ước quốc tế có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời, có thể là toàn bộ điều ước hoặc chỉ là 1 phần của nội dung điều ước. Việc kết thúc hiệu lực của điều ước rất đa dạng. Nó có thể được quy định trước hoặc không quy định trước trong điều ước. Nó có thể căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên hoặc do hành vi đơn phương của 1 bên. Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hiệu lực, bên đơn phương chấm dút phải thông báo rõ ý định của mình cho các bên khác biết. Nếu một trong các bên có sự phản đối thì các bên sẽ phải giải quyết tranh chấp đó bằng các biện pháp hòa bình đã được ghi trong hiến chương Liên Hợp Quốc.
Phạm vi có hiệu lực của Điều ước quốc tế: Thông thường mỗi Điều ước quốc tế sẽ ràng buộc các bên kí kết trong phạm vi lãnh thổ của các bên đó trừ khi có các quy định khác ở trong điều ước này.
Một vài ví dụ:
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001)
Hiệp định Bảo lãnh khung và Hiệp định khuyến khích dự án đầu tư giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ - EXIMBANK (có hiệu lực ngày 9/12/1999)
5. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật tại Việt Nam.
Bên cạnh pháp luật quốc gia, trong quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác và với các tổ chức quốc tế, cơ sở để xác lập và giải quyết các quan hệ quốc tế trong mọi lĩnh vực là các điều ước quốc tế.
Điều ước quốc tế là nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế, có giá trị bắt buộc đối với các bên tham gia, nhưng bản thân các điều ước quốc tế không phải là nguồn của pháp luật quốc gia, không phải là các quy phạm pháp luật quốc gia. Vì vậy, khi điều ước quốc tế có hiệu lực thì việc thực hiện điều ước tế trong chính quốc gia do chính quốc gia đó quyết định, nếu điều ước quốc gia đó không có quy định khác.
Có một số điều ước quốc tế quy định các quốc gia thành viên phải ban hành những quy định riêng để cụ thể hóa và thực hiện điều ước quốc tế ở quốc gia mình. Có nhiều cách để chuyển hóa nội dung của điều ước quốc tế thành nội dung của các văn bản pháp luật trong nước. Nhưng cơ bản là việc xác định thứ bậc ưu tiên giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia. Quan hệ thứ bậc giữa Điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia và việc áp dụng điều ước quốc tế (chấp nhận hay chuyển hoá - nội luật hoá, các quy phạm điều ước quốc tế) thực chất phản ánh nội hàm của mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia.
Thông thường, không chỉ trong Luật ký kết mà ngay trong văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia có thể có điều khoản liên quan tới điều ước quốc tế mà các nhà làm luật đã dự liệu thứ hạng ưu tiên khi áp dụng pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế. Chẳng hạn:
· Tại Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 ngày 14/6/2005 có quy định: "Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế".
· Tại khoản 1 điều 5 Luật hải quan năm 2001 quy định: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó".
Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp. Lấy một ví dụ cụ thể về trường hợp sửa đổi pháp luật Việt nam để phù hợp với điều ước quốc tế :
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005, theo đó: "Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình". Như vậy, thời hạn bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng và tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố và 50 năm kể từ khi tác phẩm được định hình.
Nhưng căn cứ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Chương II.,Điều 4 (Quyền tác giả và quyền liên quan), Khoản 4 đã quy định cụ thể : " Mỗi bên quy định rằng, trường hợp thời hạn bảo hộ của một tác phẩm được tính không căn cứ theo đời người, thì thời hạn đó không ít hơn 75 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, hoặc nếu tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được tạo ra, thì thời hạn đó không ít hơn 100 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được tạo ra"
Thời hạn 50 năm này đã được sửa đổi tăng lên để phù hợp với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Điều này đã được quy định lại trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ như sau: "Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 100 năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình...".
Như vậy, Việt Nam đã chấp nhận quan điểm về giá trị ưu tiên của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia so với pháp luật trong nước và coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của pháp luật Việt Nam.
6. Quá trình giải thích điều ước quốc tế
Trong quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế và điều ước quốc tế ngày càng có vị trí quan trọng đối với đời sống xã hội của nước ta. Trong số các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có nhiều điều ước quốc tế được ký kết bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài (như các Hiệp định song phương), có những điều ước quốc tế không được ký bằng tiếng Việt, nhất là những điều ước quốc tế đa phương, các công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập sau khi chúng đã được ký kết. Điều này đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế là phải dịch những điều ước quốc tế ra tiếng Việt (đối với những điều ước quốc tế chưa có bản tiếng Việt) để đông đảo cán bộ, công chức, nhân dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Trên thực tế, tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến và dịch các điều ước quốc tế đã được các cơ quan nhà nước rất quan tâm.Song song với quá trình đẩy mạnh việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng xác định rõ trách nhiệm và đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, những nhiệm vụ quan trọng đó là việc dịch, giải thích, thông tin, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế. Đây là việc làm cần thiết, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế.
Trong hoạt động dịch, giải thích, theo pháp luật nước ta, thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế được quy định:
Ø Là của Ủy ban thường vụ Quốc hội nếu điều ước quốc tế được quốc hội phê chuẩn và điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.
Ø Là của Chính phủ nếu điều ước quốc tế được kí kết được kí kết với danh nghĩa nhà nước và danh nghĩa Chính phủ.
Ø Là của Tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu điều ước quốc tế do tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao kí kết.
Ø Là của Bộ, ngành nếu điều ước quốc tế được kí két với danh nghĩa Bộ, ngành.
Trong hoạt động thông tin, tuyên truyền điều ước quốc tế, thời gian qua được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như thông qua các kênh truyền hình, báo chí, tuyên truyền trực tiếp, tổ chức giới thiệu, phát hành ấn phẩm, tổ chức nghiên cứu, xuất bản các tài liệu có liên quan, phát hành rộng rãi trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước...Như việc tuyên truyền, phổ biến, dịch, cung cấp thông tin các công ước về chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái (CEDAW), công ước về các quyền dân sự, kinh tế, chính trị, công ước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, các Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới,... Việc dịch các điều ước quốc tế đã được các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tổ chức dịch, đăng tải, xuất bản trên những ấn phẩm khác nhau. Với sự nỗ lực đó, nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân, doanh nghiệp về các vấn đề nói trên được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh những việc đã làm được, công tác giải thích, tuyên truyền điều ước quốc tế vẫn còn những điểm bất cập: Những bản dịch các điều ước quốc tế còn chưa thật sự đảm bảo cả về tính hệ thống cũng như nội dung bản dịch. Việc tra cứu, tìm hiểu còn khó khăn, nội dung các bản dịch trong nhiều trường hợp chưa thật chính xác, chưa đảm bảo độ tin cậy đối với nội dung các bản dịch. Chưa có nguồn chính thức, đầy đủ về các bản dịch điều ước quốc tế,...
Và như vậy, cần thiết phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cơ quan nhà nước trong việc dịch các điều ước quốc tế ra tiếng Việt đối với những điều ước quốc tế không được ký kết bằng tiếng Việt để việc dịch đảm bảo tính chính thức, khắc phục những hạn chế nêu trên. Mặc dù, các bản dịch không có giá trị pháp lý như bản gốc và không thể áp dụng khi có tranh chấp quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế đó không được ký kết bằng tiếng Việt nhưng việc tổ chức dịch một cách chính thức bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tạo ra một kênh chính thức, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế ở Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi, cần có những quy định về việc dịch các điều ước quốc tế ra tiếng Việt, chúng tôi xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Ø Nên có quy định về thời hạn để dịch các điều ước quốc tế trong trường hợp chúng không được ký kết bằng tiếng Việt. Theo chúng tôi, thời gian này nên không quá xa so với thời điểm các điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam. Trên cơ sở bản dịch này, khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của điều ước quốc tế, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chính thức hoá bản dịch điều ước quốc tế đó thông qua việc rà soát, kiểm tra, xác nhận, đóng dấu, đăng công khai,...
Ø Nên có những quy định về thủ tục thẩm định đối các bản dịch, nhằm đảm bảo tính chính xác về nội dung, hình thức, ngôn ngữ bản dịch để bản dịch chuyển tải đầy đủ, đúng các quy định của điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định về hồ sơ bản dịch phải được lưu trữ đầy đủ, đúng các quy định. Bản dịch các điều ước quốc tế phải được cơ quan có thẩm quyền ký, đóng dấu nhằm đảm bảo tính chính thống của bản dịch.
Ø Tăng cường hơn nữa việc rà soát, hệ thống các điều ước quốc tế, sắp xếp một cách có hệ thống. Tại Chỉ thị số 14/2008/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế -thương mại, nhiều yêu cầu đã được đặt ra đối với các Bộ, ngành, trong đó, yêu cầu về việc rà soát lại các điều ước quốc tế do các bộ, ngành ký kết để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc ký kết lại cho phù hợp với các quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về thẩm quyền ký kết, đồng thời, yêu cầu các cơ quan, tổ chức cần tăng cường việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế.
Ø Bản dịch các điều ước quốc tế phải được đăng tải một cách chính thức, hệ thống trên Công báo, Niên giám điều ước quốc tế và đưa lên trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Trang Thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu của đông đảo nhân dân. Bản dịch điều ước quốc tế có thể được đăng theo hình thức song ngữ, nhằm tạo điều kiện cho việc theo dõi, hoặc có thể đăng độc lập với bản đã được ký kết bằng ngôn ngữ khác./.
Khi áp dụng điều ước quốc tế vào Việt Nam một cách thông minh, linh hoạt, phát huy những gì đã làm được và khắc phục những mặt hạn chế sẽ góp phần tạo lập một hành lang pháp lý cần thiết, làm bệ đỡ cho công cuộc hội nhập một cách sâu sắc và toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới, bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật và tập quán quốc tế hiện đại.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro