Chương 55: Bốn chữ, hai con người.
298.
Khi tôi đi học trở lại đã gần đến lễ Giáng sinh.
Giáng sinh năm nay, lớp không có bất cứ động tĩnh gì. Thời điểm này năm ngoái chúng tôi đang tràn đầy hứng thú chuẩn bị tiệc liên hoan năm mới, còn bởi vì lớp 11-9 học chúng tôi tổ chức vũ hội hóa trang mà lòng đầy căm phẫn. Tôi vẫn nhớ như in, Từ Diên Lượng mang mặt nạ như Trương Bát Giới xuất hiện ở buổi tiệc, Beta bình tĩnh hỏi cậu ta: "Từ Diên Lượng, sao cậu không tuân theo phép tắc hả, mặt nạ của cậu đâu?"
Bây giờ nghĩ lại như là chuyện kiếp trước rồi.
Khi thấy tôi bước vào, Dư Hoài đột nhiên đứng bật dậy.
"Không cần...không cần long trọng vậy đâu." Tôi lùi lại một bước.
"Tớ định đi tiểu thôi mà." Dư Hoài đỏ mặt.
"Hai tuần không gặp, ngài dùng từ ngày càng thô tục rồi đó." Tôi vuốt cằm.
Bỗng Dư Hoài bật cười, tôi cũng vậy.
Lúc đang cười thế này, những lục đục hai tuần trước đều tan thành mây khói.
Beta đã từng nói rằng, kết cục của cuộc tranh luận không phải là một bên xin lỗi mà là hai bên cùng nguôi giận.
Xem ra, lần này chúng tôi tranh luận có kết cục rồi.
299.
Trong thời gian tôi vắng mặt, kết quả cuộc thi của Dư Hoài đã có rồi. Cậu ấy giành giải Nhì, cũng như một năm ngoái có vài trường đại học "khá tốt" đưa ra lời mời, Dư Hoài hơi do dự một chút, nhưng cuối cùng vẫn từ chối.
Đây là điều tôi đoán trước được.
Tôi nhận thấy cậu ấy đang phục hồi rất tốt, khác hẳn với những nỗ lực gượng gạo tỏ ra lạc quan hai tuần trước, có vẻ như cậu ấy đã thực sự chấp nhận kết quả rồi.
Tôi không giúp đỡ cậu ấy được bất cứ chuyện gì, song điều này cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi.
Kỳ thi cuối kỳ chẳng mấy chốc đã đến. Với chúng tôi, lần thi này rất nhàn nhã, song đối với một số bạn nộp đơn xin tuyển thẳng vào các trường đại học và những bạn cần thêm điểm cộng để đăng ký một số trường tự tuyển sinh khác thì không như vậy. Số lượng học sinh lọt vào danh sách đề cử của trường có hạn, cạnh tranh trong trường vẫn trông cậy vào tổng thành tích của các cuộc thi trong năm mới được.
Thi môn Văn xong, phòng thi bên này của chúng tôi chợt nghe được vài tin tức động trời.
Lăng Tường Tây bị bắt do nghi ngờ có hành vi gian lận. Cậu ta rời khỏi trường, không biết tung tích.
Còn Lâm Dương và Dư Châu Châu bỏ thi giữa chừng, không rõ lý do.
Khi Dư Hoài và tôi cùng ăn cơm trưa, cậu ấy vẫn không ngừng gọi điện thoại cho Lâm Dương.
"Sao rồi?"
"Vẫn tắt máy. Không biết tại sao nữa."
Mặc dù Lâm Dương giành được giải Nhất trong hai đợt thi học sinh giỏi liên tiếp nhưng nếu lần này bỏ thi thì tổng số điểm thành tích để ứng tuyển sẽ ít hơn vài trăm điểm, dù cho cậu ta bình thường thi tốt song cũng chưa chắc đã cứu vãn lại được. Dư Hoài và tôi đều lo lắng không yên, bữa cơm này ăn không thấy ngon gì cả.
Buổi chiều thi xong môn Toán xem như kết thúc lịch thi ngày hôm nay. Mọi người ào ào thu dọn cặp sách đi ra ngoài. Chỉ còn ngày mai nữa thôi là chúng tôi có thể nghênh đón một kỳ nghỉ đông ngắn ngủi.
Tôi và Dư Hoài sánh bước đi ra ngoài, cậu ấy lại gọi một cuộc điện thoại cho Lâm Dương, lần này gọi được rồi.
Lăng Tương Tây bị người ta vu cáo gian lận, về phần là ai ra tay thì Lâm Dương không nói, nhưng cuối cùng vẫn vì lý do bắt quả tang tại trận mà bị hủy bỏ tư cách thi.
Về phần Lâm Dương và Dư Châu Châu, là vì tìm Lăng Tương Tây mới bỏ thi.
Tôi hoàn toàn lắp bắp: "Cậu ta, cậu ta, cậu ta, cậu ta bỏ thi là vì, vì, vì buổi hẹn hò quý giá này?"
"Hẹn hò cái gì hả?" Dư Hoài gõ vào trán tôi một cái: "Hăng hái sôi nổi, nhiều bạn thân, sao cậu suy nghĩ xấu xa thế hả!"
Phét lác, từ khi nào tình bạn lại có sức mạnh như thế vậy! Chính là để táng gái thôi! Là cậu chưa thấy Lâm Dương vì theo đuổi Dư Châu Châu mà làm chuyện biến thái thế nào! Theo dõi! Theo dõi đó, theo dõi mỗi ngày luôn!
Rất nhiều lời nghẹn trong miệng chưa nói ra được thì tôi chợt thấy dáng vẻ Dư Hoài như trút được gánh nặng.
"Cậu làm sao vậy?"
"Không có gì." Dư Hoài nhìn ra ngoài cửa sổ, trầm ngâm: "Cậu nói xem, chuyện lớn như thế cậu ta nói là làm, tớ còn dằn vặt cái gì nữa chứ. Tớ kém cậu ta chỗ nào đâu đúng không?"
Tôi chớp mắt, từ từ hiểu được.
Tôi cười: "Thôi nào, chẳng qua cậu thấy cậu ấy khó mà đủ tư cách xét ưu tiên, trong lòng cảm thấy rất khoái trá đúng không?"
"Biến!" Cậu ấy bị tôi chọc cười: "Khá lắm, người đàn bà lòng dạ ác độc!"
Chúng tôi chuẩn bị chào tạm biệt ở cổng trường. Mới 5 giờ trời đã tối. Cậu ấy đứng ở dưới đèn đường vẫy tay cười với tôi, quay người định rời đi.
"Này, Dư Hoài!" Tôi gọi cậu ấy lại.
Cậu ấy ngoảnh lại, nhìn tôi khó hiểu.
"Xin lỗi." Tôi nói.
Mặt của Dư Hoài giật giật.
"Cậu nghe tớ nói đã, thực ra trước đây tớ thấy cậu rất cố gắng để thích ứng với sự thật, nhưng tớ mỗi ngày ở bên cậu vẫn là vẻ mặt khóc lóc thảm thiết, hy vọng cậu có thể tìm tớ dốc bầu tâm sự... Tớ cảm thấy bản thân rất nhàm chán, cậu mắng tớ câu kia rất đúng, nên tớ muốn nói lời xin lỗi."
Cậu ấy cười rồi, vẻ mặt không thèm để ý.
"Cậu thôi đi, chuyện này chỉ có thể nói rõ hai việc, thứ nhất, tớ diễn xuất kém; thứ hai, đại lão gia như tớ mà lại cứ chấp nhất chút chuyện tầm thường thật là mất mặt, còn giận lây sang cậu, càng mất mặt hơn. Được rồi, đừng nói nữa, nhanh chóng về nhà thôi!"
Tôi biết Dư Hoài đã chính thức quay lại, vẫn là người thiếu niên trước đây.
"Cậu mới mười mấy tuổi mà đã nói mình là đại lão gia rồi!" Tôi cười.
"Ồ!" Dư Hoài khẽ gõ trán: "Quên mất cậu tuổi hổ. Cậu mới là tiền bối mà, tớ là đại lão gia, còn cậu chính là đại lão bà."
"Cậu mới chính là đại lão bà!" Tôi ném cốc cà phê trong tay về phía trán cậu ấy, cậu ấy bắt được cười ha ha.
300.
Tháng Tư, mùa xuân miền Bắc khoan thai đến chậm.
Dẫu đã sớm quen với bốn mùa luân phiên, xuân phân cốc vũ, vạn vật đều có thời gian quy định, cũng không phải lần đầu tiên chứng kiến, nhưng mà mỗi năm, mỗi một mùa lại đều mang đến cho tôi vô số khoảnh khắc tuyệt vời.
Chẳng hạn như sau một đêm mưa ẩm ướt, sáng sớm tôi vô thức đi ra khỏi cửa, gió dường như êm dịu khác thường. Làn gió mang nhành liễu rủ ven đường đến trước mặt tôi, một chút lộc xuân vừa đâm chồi, xanh xanh say lòng ngươi mơ hồ lọt vào tầm mắt, nhẹ nhàng phất qua gò má tôi.
Ánh mắt tôi nhìn theo nó rời đi, trông thấy từng khoảng xanh tươi dọc theo con phố này, đong đưa như chào hỏi.
Thế giới bỗng nhiên trở nên đầy màu sắc.
Những bất an hoảng loạn kia cũng theo mùa đông rầm rộ rời xa.
Qua kỳ thi viết của học sinh được ưu tiên xét tuyển và các trường tự tuyển sinh, buổi phỏng vấn trực tiếp vòng hai của các trường cao đẳng và đại học lớn cũng lần lượt kết thúc trước Tết âm lịch.
Chuyến đi Bắc Kinh của tôi trở thành vô ích. Có lẽ bản thân tôi vốn không có tiềm năng học nghệ thuật, chẳng có duyên phận với cả phim truyền hình lẫn phim điện ảnh, cho nên điểm thi ở các trường đều nằm ở gần cuối bảng, căn bản không có hy vọng gì. Tôi cảm thấy rất có lỗi với bố mẹ, mặc dù bọn họ vẫn nói không sao hết, nhưng tôi lại càng ngày càng cảm thấy xấu hổ.
Có đôi khi tôi ngủ gục trong lớp, tỉnh dậy mắt vẫn còn mơ mơ màng màng. Trong vài giây lơ đãng đó, tôi sẽ chợt nhớ đến Trình Xảo Trân, nhớ đến ngôi nhà gạch gió lộng bốn bề kia. Điều này khiến đầu óc một kẻ có thể học bài trong phòng học ấm áp như tôi chợt tỉnh táo hẳn, tựa như gió ngày đó thổi từ Bắc Kinh về đây, thổi đi sương mù trước mắt.
Thành tích tăng lên từng chút một. Sau mỗi tiết tự học buổi tối, Dư Hoài và tôi sẽ cùng nhau lén lút chạy lên tầng cao nhất của khu hành chính, bởi chỗ đó tiện nói chuyện và không làm ồn đến các bạn khác. Mỗi ngày tôi đều lựa riêng những phần đề Toán làm sai, Dư Hoài nhẫn nại giảng cho tôi. Và dưới sự thúc ép của tôi, cậu ấy cũng không thể không đọc thuộc lòng những bài văn ngôn và thi ca cổ đại, có lẽ do không còn tư cách ưu tiên xét tuyển chống lưng nữa nên cậu ấy cũng không dám lơ là.
Lúc tôi đang vật vã trong mùa đông đen tối thì thời gian chậm rãi trôi qua chậm rì rì, nhưng khi cố gắng nỗ lực đạt được chuyển biến tốt thì thời gian lại vút qua như sợ tôi sẽ có nhiều thời gian hơn nữa, sẽ trở nên xuất sắc quá mức, dọa đến ông trời vậy.
Song kỳ lạ là sau này mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi vẫn luôn cảm thấy thời gian trôi qua chầm chậm thật dịu êm.
Tôi vẫn nhớ như in tối nào cậu ấy giảng chủ đề nào và mắng tôi những gì, tôi hỏi cậu ấy bài thi ca nào, cậu ấy lại học mãi chẳng thuộc ra sao.
Nếu nói tôi cố chấp lãng phí thời gian hai năm vào Dư Hoài thì chẳng phải cậu ấy cũng đã lãng phí rất nhiều thời gian ôn tập quý giá của bản thân cho tôi hay sao.
Chúng tôi đều chưa từng vì điều này mà đòi hỏi đối phương điều gì.
301.
Đợi thi thử đầu tiên tôi lo sốt vó, song đến lần thứ hai thì tốt hơn rất nhiều, tối đa là 750 điểm, tôi cũng cố được 600 điểm. Điểm chuẩn năm ngoái là 582 điểm, tôi nhìn thành tích này của mình mà suýt khóc vì xúc động.
Dư Hoài, Hàn Tự, Chu Dao và Bối Lâm vẫn là những người đứng đầu lớp chúng tôi. Chu Dao ổn định nhất, luôn xếp thứ tư, Bối Lâm không ổn định lắm, nhưng phần lớn là đứng thứ nhất. Hai vị trí còn lại, Hàn Tự và Dư Hoài thay phiên giữ.
Tôi lặng lẽ chạy tới tâm sự với thầy Trương Bình, bề ngoài là phân tích kết quả thi thử của tôi trên thực tế lại có ý định khác.
"Thầy Trương, gần đây áp lực rất lớn. Thầy vất vả rồi." Tôi nịnh bợ.
"Vẫn ổn mà." Thầy Trương Bình thở dài: "Các em làm tôi bớt lo một chút là được rồi."
Tôi biết, vì một suất trong danh sách trúng tuyển của các trường đại học tự tuyển sinh như Đại học Chiết Giang và Đạu học Đồng Tế mà thầy Trương Bình bị các bậc phụ huynh lấy đủ loại tiền bạc và quyền thế vừa đấm vừa xoa dồn ép, sắp suy nhược tinh thần đến nơi.
"Thầy yên tâm, mặc dù trông mong được gì cao xa nhưng lớp chúng ta chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều sinh viên xuất sấc Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, nhất định khiến thầy nở mày nở mặt!"
"Đại học Bắc Kinh? Thanh Hoa? Ai thế?"
"Dư Hoài ạ?" Tôi buột miệng nói ra: "Cậu ấy chắc chắn không thành vấn đề, thành tích này ổn chứ ạ? Đúng không ạ..."
Thầy cười nham hiểm nhìn tôi chằm chằm.
"Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như khi mới nhập học, vừa mới xong kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu năm, em đã nói vòng vèo xin tôi bảng điểm toàn khối, đúng không?"
"Phải, phải ạ là em, làm sao ạ?" Tôi hơi chột dạ.
"Không có gì. Lúc đấy tôi cảm thấy Cảnh Cảnh của chúng ta một lòng hướng về đại cuộc, không ngờ bây giờ còn quan tâm đến bạn bè như vậy." Thầy Trương Bình cười: "Rất tốt, rất tốt, cố gắng phát huy. Xung quanh Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa còn có rất nhiều trường mà, em cũng cố gắng lên, em thi tốt còn khiến tôi hãnh diện hơn bọn họ."
"Hả? Thật ạ? Vì sao ạ?"
"Làm giáo viên cũng giống như làm bác sĩ, bọn họ từ nhỏ thân thể đã khỏe mạnh, sống lâu cũng là lẽ đương nhiên, không liên quan đến tôi."
Thầy Trương Bình mở phích nước nóng ra đổ vào "lọ đào ngầm".
"Nhưng mà vẫn có một số bạn, lại thuộc kiểu người mắc bệnh ung thư não nhưng đang bình phục trong bệnh viện của tôi như em, sống được đến chín mươi chín, em thấy có phải tôi sẽ rất hãnh diện không?"
...Thầy nói ai ung thư não?
Bị thầy Trương Bình nửa trêu nửa đùa động viên, tôi liền chạy mất dạng.
302.
Một ngày thứ Bảy vào cuối tháng Tư, bỗng nhiên tôi nhận được điện thoại của Dư Hoài, gọi tôi đến trường một chuyến.
Tôi theo chỉ thị của cậu ấy trong điện thoại đến rừng cây nhỏ đằng sau sân vận động. Địa thế chỗ này tương đối cao, tạo thành một gò đất nhỏ, các đàn anh đàn chị trước đây đã đặt cho nó một cái tên, gọi là "cao điểm cuối thu".
Khi đi tới bìa rừng ngẩng đầu nhìn lên thì vừa vặn đối diện với mặt trời giữa trưa, tôi bị chói không mở mắt ra được, chỉ nhìn thấy Dư Hoài đang đứng trên gò đất ngược sáng, trong tay không biết đang cần thứ gì, là lạ.
"Ra vẻ bí mật thế định làm gì?" Tôi phàn nàn: "Tớ đang học thuộc Sinh mà, bị cậu phá hết cả rồi!"
Hình như cậu ấy cười thành tiếng, dáng vẻ rất đắc ý.
"Hôm nay chính là Tết trồng cây." Cậu ấy nói.
"Tết trồng cây cái đầu cậu ấy, Tết trồng cây là ngày 12 tháng Ba, bây giờ đã đầu tháng Tư rồi."
"Bọn mình đón Tết trồng cây âm lịch không được à?"
"Nhà cậu âm lịch dương lịch chênh nhau một tháng hả!" Tôi nheo mắt mắng, tên dở hơi này.
Tự dưng tôi cảm thấy không hợp lý cho lắm. Dường như có suy nghĩ gì lóe sáng thoáng qua trong đầu, nhưng tôi lại không bắt kịp.
Tôi đi qua chỗ cậu ấy, bước vài bước, lại sững sờ tại chỗ.
Trên bàn tay trái của cậu ấy là một gốc cây non.
303.
"Tớ ra ngoài mua bút, nhìn thấy tiểu khu chỗ tớ ở đang được phủ xanh, không hiểu sao tự dưng lại nhớ ra cậu đã nói muốn trồng cây, công nhân lén lút bán lại cho tớ một gốc cây non. Một gốc cây vớ vẩn thế này mà mất 120 tệ đó, may mà anh đây ví dày, không là lực bất tòng tâm rồi. Mang được cái cây này đến đây tốn bao nhiêu sức lực đấy... Cậu khóc cái gì hả?"
"Cậu hấp đấy à!" Tôi dụi mắt, không nhìn cậu ấy: "Gần đến hè rồi mà trồng cây cái gì!"
"Lúc cậu nói với tớ muốn trồng cây vẫn là mùa thu mà."
"Đó là hai năm trước!"
"Anh đây trí nhớ tốt, được chưa?!
Tôi không muốn khóc, thật đấy, nhưng ai biết tại sao nước mắt cứ chảy chứ?
"Cậu đợi lát nữa hẵng khóc được không? Mấy cô chú công nhân nói trồng cây trước mới có thể tưới nước."
Tôi đi qua, mặc kệ đôi mắt đỏ giống như con thỏ, cầm xẻng tìm một chỗ trống bắt đầu đào hố cùng cậu ấy.
Sau khi bỏ cây xuống và lấp đầy đất, chúng tôi đóng xung quanh cây ba thanh gỗ tạo thành một tam giác đề, Dư Hoài lôi sợi dây từ trong lớp ra buộc cố định chúng lại với nhau.
Tôi ngồi xổm bên cạnh hố cây, nhìn cậu ấy đổ một chút nước từ xô vào trong.
"Đây là cây gì vậy?" Tôi hỏi cậu ấy.
"Không biết nữa." Cậu ấy cười hì hì.
Tôi rầu rĩ thở dài.
Nước ngấm vào đất, vỏ cây ẩm ướt chuyển thành màu đen, Dư Hoài quăng xô xuống, phủi phủi tay nói: "Đi thôi!"
"Xong rồi hả?"
"Cậu còn muốn làm gì nữa? Nếu không thì tớ lại đào thêm một cái hố rồi vùi cậu nhé?" Cậu ấy ngoảnh lại hỏi."
"Đây là cây cậu trồng, cậu cũng phải làm một dấu hiệu chứ!" Tôi nóng nảy: "Cây cậu ấm trồng kiểu gì cũng là hậu nhân của danh môn đó!"
"Cậu thôi đi!" Dư Hoài dáng vẻ không thèm để ý: "Có sống được hay không còn chưa chắc mà! Lỡ chết thì cậu đau lòng phải biết. Cứ kệ nó đi, mấy năm sau cậu trở lại xem, tùy ý chọn một gốc cây mọc khỏe nhất rồi coi nói là cây hai chúng ta trồng, tốt hơn bao nhiêu!"
"Có phải sau này cậu sinh con cũng sẽ thả nó ra đường cho tự lớn, xong mười tám năm sau, chọn một người đẹp trai nhất trong các thủ khoa thi tuyển sinh Đại học rồi nói đây chính là con trai cậu, bắt người ta dưỡng lão luôn hả?!"
"Ý kiến hay đó!" Dư Hoài cười to.
Cậu ấy chẳng ngó ngàng gì nữa mà đi xuống trước. Tôi nghĩ một chốc, lấy dao nhỏ trong cặp ngày thường đùng để gọt bút chì 2B ra, khắc mấy chữ lên thân cây chiều rộng nhiều lắm chỉ bằng ba ngón tay kia.
Nếu trong tương lai cây này chết thật, 100% là trách nhiệm của tôi.
Nhưng tôi vẫn cắn môi, gắng sức khắc bốn chữ xuống thân cây.
"Cậu có đi hay không hả!" Dư Hoài lớn giọng, đứng ở dưới gò đất gọi tôi.
"Đến đây!"
Tôi bỏ dao vào túi, chạy được hai bước lại quay đầu nhìn.
Gốc cây bé xíu nhỏ nhoi giữa những cây to khác, càng hiện rõ vẻ non nớt đáng thương.
Nhưng nó nhất định sẽ sống tốt, sẽ phát triển, sẽ đợi một số đàn em sau này đến núp dưới bóng râm của nó, đọc được bốn chữ này của tôi giống như tôi nhìn thấy câu kia của chị Lạc Chỉ.
Cảnh Cảnh Dư Hoài.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro