Chương 36: Bên ngoài thế giới.
197.
Cả bố tôi và cô Tề đều phải tăng ca, ông gửi tin nhắn dặn tôi lấy tiền trong ngăn kéo đưa Lâm Phàm ra ngoài ăn tối.
Vừa hay dưới nhà tôi có một cửa hàng mới mở, đặt tên rất có khí thế: Cửa hàng Xuyên Lục Địa. Nếu khách hàng không chỉnh lại cổ áo trước khi vào cửa hàng, ắt hẳn sẽ thấy ngại khi bước vào. Vị trí đoạn rẽ này vô cùng kỳ diệu. Từ lúc tôi chuyển về đây vào mười năm trước, mặt đường chỗ đó đã đổi bảng hiệu không biết bao nhiêu lần, từ cửa tiệm cắt tóc gội đầu cho đến trung tâm spa làm đẹp, từ hộp đêm đến các loại nhà nghỉ lớn nhỏ...
Vấn đề là có mở cửa hàng gì cũng không thể nào làm ăn được, không quá nửa năm lại phải đóng cửa.
Khoản ẩm thực của thành phố tôi vô cùng thiếu tinh thần sáng tạo, ở đâu có món gì mới nổi, ngay lập tức thành phố tôi sẽ học theo. Bộ phim "Kim ngọc mãn đường"* của Trương Quốc Vinh và Viên Vịnh Nghi vừa nổi, khắp thành phố sẽ có "Mãn Hán Lâu"; tiểu long bao vừa du nhập vào miền Bắc, đâu đâu trong thành phố cũng sẽ có cửa hàng bánh bao canh Khai Phong**, món cá sốt dầu ớt nổi tiếng thì càng không phải nói. Có điều, nhờ phúc của mặt tiền thay đổi xoành xoạch tầng dưới, cứ thành phố đang thịnh hành cái gì, tôi đều có thể đợi một ông chủ không sợ chết mới đến mở cửa hàng kinh doanh thứ gì đó.
*Một bộ phim hài công chiếu năm 1995, nội dung phim diễn ra ở một quán ăn nổi tiếng tên là Mãn Hán Lâu.
**Tiểu long bao và bánh bao canh Khai Phong đều là bánh bao chứa nước canh bên trong, có loại nước hoa quả hoặc canh thịt.
"Đu dây điện có ngày bị điện giật", hiện tượng này lặp đi lặp lại rất nhiều lần, làng ẩm thực rút ra được nhiều kinh nghiệm xương máu, không dám tùy tiện du nhập món mới nữa, cuối cùng đã trở lại mô hình truyền thống "nhà hàng hải sản cao cấp".
Tôi độ mũ quàng khăn xong liềm dắt Lâm Phàm xuống tầng, hỏi thằng bé muốn ăn KFC hay cửa hàng Xuyên Lục Địa. Không ngờ nó kiên quyết lắc đầu, nói muốn ra ven đường ăn "bánh rắc Thổ Gia*".
*Món ăn nổi tiếng của huyện Vấn Thượng thành phố Tề Ninh tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Món bánh này là bánh nướng được rắc thêm đồ ăn kèm có hương vị đặc trưng theo truyền thống và thói quen của người Thổ Gia.
À, đúng rồi, năm nay chỗ chúng tôi cực kỳ thịnh hành thứ "bánh rắc Thổ Gia" được gói cẩn thận trong giấy dai hình vuông, lại một thế hệ đồ ăn mới thuộc mô hình quán ăn vặt ra đời.
Tiếp xúc một thời gian, tôi dần dần hiểu được tính cách Lâm Phàm: Chỉ cần thích món gì là thằng bé sẽ ăn mãi món đó, ăn đến khi nào nghe tên là xanh mặt mới thôi. Ví dụ như tôm, hay như bánh rắc này.
"Cửa hàng Xuyên Lục Địa có tôm ống trúc, không muốn ăn à?"
Lâm Phàm lập tức rơi vào trạng thái đấu tranh tinh thần.
"Hay là chúng ta đi ăn bánh rắc trước đi, sau đó đi ăn tôm ống trúc, được không chị?"
Hai mắt thằng bé sáng long lanh, ngước nhìn tôi.
Tôi biết, bây giờ tôi chính là nữ thần trong lòng thằng bé.
198.
Tôi ăn rất ít, đa số tôm ống trúc đều nhường cho Lâm Phàm, chỉ ăn nửa bát cơm với ớt xanh xào và thịt thăn chiên.
"Cho chị này."
Lâm Phàm phát hiện ra điều khác thường, liền gắp hai xiên tôm từ trong ống trúc để vào bát tôi, mặc dù khuôn mặt đầy vẻ không nỡ.
"Chị không đói!" Tôi lắc đầu: "Chị vốn định ăn ít một chút."
"Vì sao ạ?"
"Làm gì có nhiều vì sao thế, ăn không nổi nữa thôi."
"Chị muốn giảm béo ạ?"
Tôi bị nghẹn lại một chút.
"Không phải!" Tôi lắc đầu: "Nhóc con này nghe từ đâu mấy lời linh tinh đó thế?"
"Là bạn cùng bàn em bảo muốn giảm béo." Lâm Phàm cố ngoạm miếng tôm to, miệng lúng búng: "Cậu ấy béo lắm, bọn em đều không muốn ngồi cùng bàn với cậu ấy, sẽ bị chèn chết mất."
"Bạn cùng bàn của em bao nhiêu tuổi mà đã phải giảm béo?" Tôi bất bình: "Em xem, bọn em ép một cô bé chưa đến mười tuổi thành như vậy đó."
"Liên quan gì đến bọn em chứ?" Lâm Phàm ấm ức cao giọng, đây là lần đầu tiên thằng bé kể chuyện ở lớp với tôi: "Hôm nào em cũng bảo bạn ấy nhường ít chỗ cho em, bảo bạn ấy đừng vứt vỏ bánh kẹo ra đầy đất, nhưng bạn ấy không bao giờ nghe, còn chê em lùn nữa."
Tôi thích cái dáng vẻ vội vàng giải thích của thằng bé, nó dần dần coi tôi là chị ruột rồi, nói chuyện cũng càng ngày càng thoải mái, không còn là con mèo nhỏ lần đầu gặp mặt chỉ trốn ở một bên cắm đầu ăn tôm nữa.
"Được rồi! Nếu bạn ấy đã không quan tâm bọn em nói gi thế sao tự dưng lại muốn giảm béo?" Tôi hỏi dồn.
"Bọn em có tổ chức cuộc thi tập thể dục theo đài, lúc xếp hàng, lớp phó thể thao bảo cậu ấy và mấy bạn nam cực kỳ béo đứng ra sân nữa. Bởi vì cậu ấy thích lớp phó thể thao, ha ha ha, nên đã khóc tại trận luôn."
Nghe thằng bé chưa đến tuổi dậy thì, còn thiếu chín chắn nói ra câu "bởi vì...nên...ha ha ha" kia, tôi dường như tưởng tượng được tiếng "con tim mong manh" của bé mập nọ kia vỡ vụn.
"Nữ vi duyệt kỷ giả dung*, em biết câu này không?"
*Nữ vi duyệt kỷ giả dung: Con gái làm đẹp vì người mình yêu.
Lâm Phàm đang cắm đầu vào túi bánh rắc, nên tôi chỉ nhìn thấy một miếng giấy dai lắc lắc đầu với tôi.
Em không hiểu đúng không, chị biết là em không hiểu mà.
Chị hiểu.
Tôi đẩy bát về phía trước, chẳng muốn ăn miếng nào nữa.
Ra khỏi quán cơm, hai chị em tiếp tục ghé sang cửa hàng thực phẩm mua thêm kẹo hồ lô ăn. Vốn định sẽ ăn trên đường về nhà nhưng gió đêm đông quả thật mạnh, tôi lại quấn khăn kín quanh đầu, nên chẳng thể há miệng ra ăn được nữa. Sau đó, tôi lại quấn cho Lâm Phàm thật chặt, chỉ để lộ hai con mắt chớp chớp, nhìn thằng nhóc chẳng khác nào một cái xác ướp nhỏ.
Cuối cùng chạy được đến hành lang, tôi nhanh chóng gỡ khăn quàng cổ ra, bề mặt khăn đã đóng thành một lớp băng vì hơi thở của tôi, càng quấn càng lạnh.
"Được rồi, được rồi, có thể ăn kẹo hồ lô rồi." Tôi tháo khăn cho Lâm Phàm.
"Chị ơi, em thấy chị tốt thật đấy."
Trước khi há miệng ngoạm một miếng kẹo hồ lô, Lâm Phàm chớp chớp mắt lấy lòng tôi.
"Vì bánh rắc, tôm ống trúc và kẹo hồ lô à? Hay là do em lại thi không tốt?"
Lâm Phàm cười bẽn lẽn, vừa ăn kẹo nhồm nhoàm vừa chạy lên cầu thang hai bước một, làm vụn đường rơi ra đầy khăn.
"Không, em nói thật mà." Thằng bé nghĩ một lát, sau đó dùng một từ khá cao cấp đối với học sinh lớp 3 như nó: "Thấy sao nói vậy ạ."
Tôi cười: "Em thấy chị tốt chỗ nào?"
Lâm Phàm rơi vào trầm tư khiến tôi khó xử, đành phải mở miệng "dẫn lối": "Thấy chị xinh không nào?"
Tôi cũng chỉ dám hỏi thằng bé như vậy thôi, một đứa đứng chót chuỗi thức ăn như tôi thì có thể bắt nạt được ai chứ.
"Xinh ạ!" Thằng bé cười toe toét.
"Trả lời thật lòng!"
"Thật mà, chị xinh nhất luôn." Ánh mắt thằng bé lấp la lấp lánh.
"Đẹp chỗ nào hả?"
Bỗng nhiên tôi rất mong đợi đáp án của thằng bé.
"...Tâm hồn đẹp ạ."
199.
Trong lúc Lâm Phàm ngoan ngoãn ngồi làm bài tập ở nhà, tôi ngồi thừ người trên sàn phòng mình.
Không phải tâm trạng tôi tệ. Tôi thậm chí còn không biết bản thân đang suy nghĩ gì, chỉ là dù làm bất cứ chuyện gì cũng như người mất hồn.
Tôi thay bộ quần áo đang mặt trên người sang bộ quần áo ở nhà, sau đó cầm chiếc áo len đỏ Teenie Weenie lên nghiên cứu. Tại sao cứ thấy không đẹp chứ, đây cũng là hãng khá được mà, tại sao lại không đẹp bằng người khác nhỉ? Ít ra quần bò còn có thể hiểu được, vì tôi sợ lạnh nên mặc ở trong hai cái quần lót bông dày cộm, mỗi ngày dồn tất cả năng lượng để chui vào ngần ấy chiếc quần đã là tốt lắm rồi, sao còn dám hy vọng có được chiếc quần nhẹ, thoải mái lại phong cách như Lăng Tường Tây chứ!
Ánh mắt tôi tôi vô tình liếc thấy hình ảnh phản chiếu trên tấm kính tủ quần áo, sau đó tôi quyết định bò lại gần để phân tích tỉ mỉ bản thân.
Không nhìn mặt, không nhìn mặt.
Cuối cùng tôi phát hiện ra nguyên nhân mình mặc chiếc áo len đỏ Teenie Weenie trông xấu, là vì thân trên của tôi không gầy, tuy bắp tay mảnh nhưng lại có nhiều mỡ. Chiếc áo len này không phải loại cánh rộng, mặc lên người không tôn ngực nở cũng chẳng che thịt thừa, bên trong lại còn mặc thêm một chiếc áo sơ mi, càng nhìn càng thấy béo lăn béo lóc.
Tôi gấp áo lại trong niềm tiếc thương vô hạn... Mày hãy chết trong tủ quần áo đi, tạm biệt.
Ngay tức khắc, tôi lại không thể tránh được việc nhìn mặt mình: Tuy không xinh bằng cậu ấy nhưng mặt mày cũng sáng sủa, da mặt cũng không nổi nhiều mụn, chỉ hơi thô chút chút. Hay do kem dưỡng không hợp với tôi? Có lẽ vậy, mỗi lần bôi lên mặt xong đều thấy bóng loáng, sao xinh cho được?
Đây cũng là một vấn đề.
Tôi nhìn mình quá nhập tâm, nhập tâm đến mức không hề hay biết bố tôi đã về nhà, đẩy cửa vào phòng. Lúc này đập vào mắt ông là tư thế kỳ lạ của cô con gái yêu: chân quỳ dưới đất, mặt dán vào tấm kính tủ quần áo.
"Con...con đang làm gì đấy?" Ông hỏi.
Tôi không đáp mà ngược lại nhìn bố tôi chằm chằm rồi hỏi: "Bố ơi, sao lại có người có thể không mặc quần lót bông chứ?"
Điểm mọi người rất quý ở bố tôi là ông không bị mắc bệnh đa nghi như mẹ tôi. Nếu người ở trong hoàn cảnh này là mẹ thì bà nhất định sẽ không buông tha, chau mày mắng tôi: "Là mẹ hỏi con đang làm gì, chuyện người khác không mặc quần lót bông thì liên quan gì đến con? Con soi gương làm gì?"
Còn nếu là bô ông sẽ thuận theo tôi, chuyên chú đề sang hướng mới: "Không mặc có thể do người ta không sợ lạnh. Có nhiều người nước ngoài nhờ luyện tập thể dục thường xuyên, lại thích ăn thịt trứng sữa nên thể chất tốt hơn chúng ta, mùa đông họ chỉ mặc mỗi quần đùi thôi đấy."
Ông chẳng những chuyên chú đề mà còn đưa nó đi rất xa nữa.
Tôi lắc đầu: "Ý con là người chỉ giống như con, là con gái ấy, còn gầy hơn cả con nữa."
Bố tôi ngẫm nghĩ một chốc rồi nói: "Thích làm đẹp cũng nên."
Đúng rồi, sao lại có thể không lạnh chứ? Tôi khẳng định chắc nịch.
"Cũng có thể là người đó đi học bằng xe riêng, trên xe có điều hòa, vào đến lớp học lại có hệ thống sưởi ấm cho nên không cần mặc quần lót bông." Bố tôi đưa ra giả thuyết khiến người ta tin phục.
Lăng Tường Tây vừa nhìn đã biết là người có tiền rồi, chắc là vậy. Ừm, nhưng mà...
"Nhưng trong tiết thể dục, giờ tập thể dục giữa giờ và buổi chào cờ hôm thứ Hai vẫn phải đứng bên ngoài rất lâu mà!" Tôi tranh luận.
"Không phải chịu đựng một chút là xong rồi sao?" Bố tôi phản bác với giọng ôn hòa.
Đúng rồi, trên đời này làm gì có chuyện gì không có cái giá của nó.
"Hoặc là do loại quần của bạn con mặc là loại rất mỏng, loại quần áo lót giữ nhiệt tia hồng ngoại hay được rao bán trên ti vi, hãng Người Nam Cực, Ngược Kim Đồng Hồ gì đó..."
Mắt tôi bỗng sáng lên, đúng rồi, đâu có ai quy định nhất thiết phải mặc loại quần áo giữ nhiệt dày cộm đâu. Hồi nhỏ, tôi còn mặc chiếc quần hoa bông bà nội làm, chẳng phải bây giờ cũng đã bỏ đi rồi à? Khoa học đang tiến bộ, loài người đang phát triển mà.
"Bố ơi, con cảm ơn bố!" Tôi cười tươi như hoa.
Bố mẹ tôi đúng là khác nhau một trời một vực. Ông không bao giờ hỏi tôi tại sao tôi có những thắc mắc này, chỉ cười bảo tôi đừng ngồi dưới sàn, nền đất lạnh, sau đó đóng cửa đi ra ngoài.
200.
Vấn đề tiếp theo là làm sao mới tránh được quả mìn là mẹ tôi đây.
Tôi nhất định phải lôi kéo được mẹ tôi đi mua quần áo. Tôi cầm tinh con hổ, bây giờ đã mười bảy tuổi, ấy vậy mà chưa đi mua quần áo một mình bao giờ. Tỉnh tôi có ba khu chờ bán buôn rất nổi tiếng, song tôi vẫn chưa đi lần nào, cũng bởi mẹ tôi nói những bạn nữ cuối tuần rủ nhau đi mua đồ, làm móng, mua váy ở lớp tôi đều "không đứng đắn".
Phủ nhận đại đa số quần chúng để chứng minh tính đúng đắn của bản thân luôn là sở trường của mẹ tôi.
Nguyên nhân quan trọng hơn là tôi không có tiền. Hàng ngày bố đều đưa cho tôi hai mươi tệ tiền tiêu vặt, dùng để đi xe buýt và mua cơm trưa, mỗi ngày tôi chỉ còn tầm mười tệ, nhưng mỗi khi cần dùng tiền, tôi mở ra lại thấy tiền đó không cánh mà bay từ khi nào rồi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trừ cuối tuần ra, mỗi ngày được mười tệ, dù cho có tích góp một tháng cũng chẳng mua được mấy bộ quần áo đẹp,
Cho nên tôi vẫn phải thuyết phục mẹ tôi.
Để mẹ cùng tôi đi dạo phố thì đơn giản, nhưng tôi phải cực kỳ cẩn thận lấp liếm ý đồ thật sự của mình, không thì tôi sẽ chết rất thảm.
Mẹ tôi xưa nay không tiếc tiền tiêu cho tôi nhưng đó chỉ là các khoản như: đồ ăn nhanh, mua sách, học năng khiếu, đi học thêm, còn về quần áo và đồ chơi thì...ha ha, miễn bàn.
Nói như mẹ tôi đó là, mẹ bỏ tiền ra không phải để con học những thứ không tốt.
Bà cho rằng, con gái bắt đầu chăm chút tóc tai, trang điểm đồng nghĩa với học những thứ không tốt, là mầm móng của yêu đương sớm, cho nên bây giờ tôi vẫn để kiểu đầu nửa ngắn nửa dài như con trai.
Thật ra mẹ tôi nói cũng không sai.
Tôi thấp thỏm không yên, bắt đầu lăn qua lăn lại trên giường.
Trong đầu lúc nào cũng là hình ảnh góc nghiêng của Lăng Tường Tây khi cậu ấy hơi ngước lên nhìn Sở Thiên Khoát, lát sau lại là hình ảnh Văn Tiêu Tiêu đẩy kính lên thỏ thẻ "Ừm, cậu cố lên nhé!".
Tôi phải làm sao mới có thể khiến mẹ tôi hiểu, tôi không phải là nhìn thấy hoa khôi xinh đẹp của trường mà âm mưu học đòi; lại càng không phải muốn dụ dỗ một tên con trai còn chưa "mở mamg đầu óc", không hiểu chút gì về tâm tư thiếu nữ mà đi mua quần áo, đi giảm béo, biến bản thân trở nên xinh đẹp.
Dẫu tôi biết sớm muộn cũng có ngày cậu ấy sẽ thông suốt nhưng tôi cũng hy vọng cậu ấy vừa nhìn đã có thể thấy những thay đổi của tôi. Tuy nhiên, đó thật sự không phải nguyên nhân, ít nhất không phải chỉ bởi vì những lý do vừa cụ thể vừa nông cạn này.
Tôi không nói rõ được.
Mặc dù ngực tôi bắt đầu phát triển từ năm lớp 5 (song bọn chúng hình như chỉ bắt đầu phát triển một tẹo rồi thôi luôn), đến tháng từ năm lớp 8 nhưng cho đến tận ngày hôm nay tôi mới có cảm giác tuổi dậy thì sắp đến.
Bắt đầu muốn bản thân tỏa sáng, muốn khác người, muốn được chú ý một chút, và tốt nhất là sự chú ý đó xuất phát từ người mà mình thích.
Tuy mọi chương trình trên ti vi đều dạy chúng ta đừng nên mù quáng chạy theo đám đông, phải "là chính mình", nhưng "chính mình" cũng chia ra tốt hơn và xấu hơn, không phải sao?
Nhưng, tôi biết mẹ tôi sẽ nói gì.
Con người "tốt hơn" ấy xuất phát từ thành tích tốt hơn.
Không phải, thật sự không phải như vậy.
Tôi rầu rĩ, không thể nào gỡ được mớ bòng bong trong đầu, cũng chẳng rõ bản thân dần chìm vào giấc ngủ từ lúc nào.
201.
Cả đêm tôi không mơ được giấc mơ tốt đẹp nào, nếu không phải muộn giờ đi thi thì cũng là đi ăn trộm đồ bị bắt, dù sao cũng đều là tình huống phải chạy điên cuồng. Trong giấc mơ, chân tay tôi hoạt động liên tục, nhưng kỳ lạ ở chỗ, tôi vẫn chạy rất chậm, bố tôi nói giấc mơ thường phản ánh thực tế ngoài đời. Sự phản ánh này có phải đả kích người ta quá rồi không?
Nếu không phải sắp thành đi học muộn thì tôi còn phải đứng trước gương lăn tăn một lúc nữa. Tôi đau khổ phát hiện ra, mùa đông tôi chỉ có mấy bộ quần áo thay đi thay lại, sau khi tôi phán án tử hình cho chiếc áo len màu đỏ, tôi đã bị giảm 20% lựa chọn.
Cuối cùng tôi miễn cưỡng mặc một chiếc áo màu xanh lam có mũ đi học.
Nhưng vào giờ nghỉ trưa, tôi nhận được điện thoại của mẹ, xem ra sóng "quần áo, quần áo, quần áo, quần áo" mà tôi phát ra vũ trụ được mẹ tôi bắt thành công rồi.
Mẹ tôi nói, trước đó mẹ phải đi công tác, hôm qua mới về. Cuối tuần này được nghỉ ngơi nên mẹ muốn ăn cơm với tôi.
Tuy tôi đang sung sướng như mở cờ trong bụng nhưng vẫn tỏ ra điềm tĩnh, nói tôi hy vọng chú ý nghỉ ngơi, nếu quá mệt thì cứ đợi thêm một thời gian nữa. Tôi sống rất tốt, bà không cần lo lắng.
Sau đó, mẹ tôi suy nghĩ trong chốc lát.
Đột nhiên tôi muốn dùng cánh tay đang rảnh tát cho mình một cái.
May mà cuối cùng bà vẫn nói không mệt, cứ quyết định là cuối tuần này.
Tiết thứ hai buổi chiều chính là tiết tiếng Anh của cô Lại Xuân Dương. Sau sự kiện "tay không cướp đao" lần trước, cô điểm danh tôi mấy lần liền, còn gọi trả lời câu hỏi, tuy đều run rẩy trả lời được hết, nhưng từ đó tôi không bao giờ dám trốn tiết Anh nữa.
Cái gọi là "vòng luẩn quẩn" chắc có lẽ chính là việc tôi trở thành người duy nhất trong lớp còn để ý đến sự tồn tại của cô Lại. Bắt đầu từ lúc trao đổi ánh mắt với nhau, cô Lại cực kỳ thích gọi tôi trả lời câu hỏi mà bỏ qua các bạn nằm bò ra bàn hoặc làm việc riêng khác. Thế nhưng chỉ cần tôi muốn cúi đầu tránh đi, không để cô trông thấy ánh mắt chăm chú nghe giảng của mình nữa thì cô Lại sẽ cho là tôi đang lơ là, tập tức gọi đến tên tôi.
Tiết Anh bây giờ chính thức trở thành cơn ác mộng. Beta còn cười trên nỗi đau khổ của tôi mà nói: Cậu là học sinh cưng của cô Lại.
Tất cả mọi người đều rất vui vẻ vì việc này, cũng bởi một mình tôi đã thu hút toàn bộ lựu đạn.
Thế nhưng, bạn biết đấy, ba mươi chưa phải là Tết.
Giảng ngữ pháp xong, cô Lại yêu cầu tất cả mọi người mang tờ đề luyện tập mới được phát lần trước, rồi bắt đầu giảng bài với tiết tấu dở sống dở chết quen thuộc. Không khí trong lớp cũng dần dần dịu đi, Beta quay người lại, nháy mắt với tôi, ánh mắt không mang ý gì tốt đẹp.
Tôi thở dài, chỉ có thể giả vờ chăm chú nghe giảng đồng thời luôn trong trạng thái sẵn sàng bị gọi lên trả lời.
"Có rất nhiều học sinh phản ánh lại rằng các bạn thường làm sai dạng bài điền từ, thậm chí còn không hiểu tại sao lại sai. Tôi nhớ tôi từng nói với các em rất nhiều lần, để làm tốt dạng bài này, không thể chỉ chăm chăm nhìn vào mỗi mình câu đó. Từ này điền vào đây, có thể ngữ pháp không sai, nhưng khi liên kết nội dung trên dưới, liệu đã biểu đạt được ý đồ của tác giả chưa?"
Đang thong thả giảng đoạn này, cô Lại rơi vào trạng thái tĩnh lặng.
Chuông cảnh báo trong tôi bắt đầu réo lên.
Hơn nữa, ngoài tôi ra, trong lớp không ai để tâm đến sự im lặng này hết cả.
"Cho nên chúng ta cùng xem câu 37."
Cô Lại chấm dứt dòng suy nghĩ miên man, tiếp tục giảng bài. Tôi vừa nhẹ nhõm vừa tiếc nuối, phí công tôi căng thẳng hơn nửa phút.
"Câu 37, tôi nghĩ rất nhiều em sẽ làm sai. Bốn từ đều là danh từ, hơn nữa đều là danh từ không đếm được, điền từ nào cũng không sai ngữ pháp. Song, theo như tôi vừa nói, phải liên kết câu trên với câu dưới, đầu tiên loại bỏ phương án Feeling, sau đó thì sao?"
Cô Lại đưa mắt nhìn toàn bộ lớp một lượt, tóc gáy tôi dựng đứng hết cả lên.
"Có thể thấy, phương án tiếp theo Intelligence, tình báo, cũng sai nốt."
Cảnh báo lại một lần nữa được giải trừ.
"Information, thông tin, đáp án này rất dễ nhầm lẫn nhưng cũng không khó để loại đi. Chủ đề xuyên suốt đoạn văn liên quan đến đọc sách và trường học, điền từ này vào đây vẫn không đúng. Vậy, tác giả muốn nói gì đây? Điều tác giả muốn nói là, tri thức mới là tài nguyên mà quá trình đọc hiểu mang lại cho độc giả. Vậy..."
Cô Lại bỗng dưng nhìn về phía tôi.
Tuy đã chuẩn bị tâm lý từ sớm nhưng tôi vẫn bị cô ấy dọa cho một phen. Loại trừ cả ba đáp án, chẳng phải cô ấy sớm đã nói đáp án rồi sao, chọn C còn gì nữa, Knowledge.
Cô Lại Xuân Dương đang định mở miệng gọi tên tôi thì đột nhiên chuyển ánh mắt đi hướng khác, nhìn chăm chăm vào Dư Hoài ngồi bên cạnh tôi đang vùi đầu tính toán, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.
Tôi thấy có biến, còn chưa kịp đá vào chân Dư Hoài thì cô Lại dùng giọng nói đanh thép, xé tan bầu không khí trong lớp học xuyên thẳng đến trước mặt tôi với khí thế như chẻ tre:
"Dư Hoài!!!"
Động tác đứng bật dậy của Dư Hoài đơn thuần thuộc loại phản xạ có điều kiện. Lúc nhìn thấy cô Lại, Dư Hoài còn rất kinh ngạc, bởi bắt đầu từ tiết trước, tiết Văn của cô Trương, cậu ấy đã cắm đầu vào mải miết ôn tập, hết tiết cũng không hề nhúc nhích chút nào. Bây giờ ngẩng đầu lên đã nhìn thấy cô Anh, tôi đoán hẳn là cậu ấy đang có cảm giác hoang mang trước thế sự đổi thay lắm đây...
"Nào, em nói đi, tri thức là gì?"
Tôi thở phào, tôi còn đang định lén lút chỉ cho cậu ấy vị trí trên tờ đề nhưng xem ra không cần thiết, cô Lại vẫn còn nhân từ chán.
Nhưng, Dư Hoài lại nhìn bảng đen mông lung.
"Tri thức là...sức mạnh?"
202.
Cô Lại Xuân Dương lúc này phải nói là tức hộc máu rời đi.
Đối diện với sự khen ngợi của mọi người, Dư Hoài khiêm tốn tỏ ra bản thân học hành nhiều quá, kiến thức cũng lẫn lộn mất rồi.
Theo lệ cũ, tiết thứ ba cả lớp lại tập hát. Lớp học rất lộn xộn, tôi ngồi tại chỗ lau ống kính máy ảnh, còn Dư Hoài khoác thêm áo khoác đang thu dọn đồ đạc.
"Lại đi sang khu hành chính đấy à?" Tôi hỏi.
Cậu ấy đang định nói thì đột nhiên ngẩng đầu lên, nhìn về một điểm nào đó ở mấy bàn trước. Tôi cũng nhìn theo.
Tiêu Tiêu đang đứng trên bục giảng, nở một nụ cười ấm áp ra hiệu với Dư Hoài kiểu "Yên tâm, có tớ bảo kê cho cậu rồi".
Dư Hoài cũng mỉm cười đáp lại, còn gật đầu đầy cảm kích.
Trước khi ánh mắt của Tiêu Tiêu chuyển sang, tôi đã kịp ngoảnh đầu đi, giả vờ không nhìn thấy cuộc đối thoại bằng ánh mắt của họ.
"Sáng thứ Bảy phải thi rồi!" Cậu ấy nói với tôi trước khi đi.
Là mai rồi còn gì?
Tôi nhìn theo bóng lưng rời đi vội vã đang dần khuất sau cánh cửa của cậu ấy. Không ai để ý đến sự vắng mặt của Dư Hoài, nhưng tôi biết Tiêu Tiêu cũng đang nhìn.
Nhờ phúc của Từ Diên Lượng mà tôi không cần phải đau khổ hát theo mọi người từng câu một nữa. Tuy lần đầu đứng giữa lớp chụp ảnh cho cả lớp, rất nhiều người không được tự nhiên lắm, nhưng dần dần, không còn ai chú ý đến sự tồn tại của tôi.
Mọi người có thể tự nhiên hát, tự nhiên làm việc riêng, tự nhiên lén lút cúi đầu làm đề, tự nhiên biểu lộ vẻ bực dọc, tự nhiên cười toe toét trước ống kính của tôi.
Tôi thích chụp họ.
Tôi không biết phải miêu tả cảm xúc này thế nào. Cứ như khoảnh khắc nhấc máy ảnh lên, tôi không còn là Cảnh Cảnh chỉ có năm bộ quần áo mùa đông, cũng không còn là nhân vật mờ nhạt chẳng đáng được nhắc đến nữa. Chụp ảnh không hề khiến tôi trở nên được chú ý hơn, nhưng có thể giúp tôi tạm thời quên đi mọi muộn phiền.
Tôi thích từng người một xuất hiện sinh động trong khung hình, lại càng thích những khi tôi chụp được khoảnh khắc tuyệt vời nhất của mọi người. Con người ta luôn thích làm những việc mà họ có thể làm tốt, ví dụ như tôi thích chụp ảnh cho mọi người.
Mỗi biểu cảm, mỗi động tác đều giống như đường parabol, sẽ có điểm trọn vẹn nhất, cho dù chiếc máy ảnh số này luôn phản ứng chậm nhưng tôi luôn bắt được những khoảnh khắc đó.
Cảm ơn chiếc máy ảnh đã giúp tôi có thể đứng ở bên ngoài thế giới.
203.
Dư Hoài lại về lớp lúc sắp tan học. Hôm nay là thứ Sáu, còn 10 phút nữa mới tan học nhưng mọi người đều nhấp nhỏm không yên.
Chỉ riêng Dư Hoài lại tĩnh lặng đến kỳ lạ.
Lúc về lớp, cậu ấy không còn cắm mặt làm đề nữa mà ngồi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, khuôn mặt chứa chan sự lưu luyến với cuộc sống, nhìn rất dễ làm người ta sợ.
"Dư Hoài, này, cậu không sao chứ?"
Tôi không định làm đứt mạch dòng suy tưởng của cậu ấy nhưng người ngồi bên cửa sổ là tôi, cậu ấy nhìn về phía bên này thì tôi cũng khó tránh được đỏ mặt.
"Không có gì đâu." Cậu ấy cười rồi đẩy một cuốn vở sang chỗ tôi, nói bằng giọng điềm đạm ân cần: "Đi trả anh Thịnh Hoài Nam đi, đây là phần thưởng cho cậu."
"Đại ca, cậu đừng như vậy..."
"Tớ sao chứ?" Ánh mắt cậu ấy xa xăm, nhìn tôi mà lại như không nhìn.
"Cậu cho tớ cảm giác vừa tan học là phải đi tự thú!"
Tôi vừa dứt lời, cậu ấy liền không kìm nổi mà cười như điên.
Cuối cùng cũng có chút giống người thường rồi.
Dưới sự truy vấn của tôi, Dư Hoài tỏ vẻ hơi ngượng nghịu, cậu ấy kể bản thân đang căng thẳng, cảm thấy ngày mai mình chết chắc rồi, bởi vì cậu ấy vẫn chưa nắm vững một phần nào đó của mảng điện tử. Nếu ngày mai đề ra câu hỏi quan trọng nhất vào phần này thì cậu ấy có thể tìm sợi dây thừng thắt cổ chết ngay tại trường thi.
"Tớ từng vô số lần cầu khấn nhờ ông trời giúp cậu hiểu được một chút cảm giác của tớ, không ngờ lại linh nghiệm thật. Đúng là thời xanh có mắt."
Còn chưa nói dứt lời, trong đầu tôi bỗng nảy ra một sáng kiến.
Lật đi lậy lại hộp bút rất lâu mới tìm thấy chiếc bút bi mảnh, tôi quay sang cười gian với Dư Hoài hai tiếng, nhìn dáng vẻ đứng hình của cậu ấy mà hết sức mãn nguyện.
"Cậu tính giở trò gì đấy hả?"
Tôi cười không đáp, cứ nhấc tay phải lên, dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp chặt chiếc bút bi, sau đó dùng ngón cái đẩy từ từ đuôi bút, ánh mắt híp lại nhìn đầu bút bi, từng chút, từng chút một nhô ra.
Đến giữa chừng tôi còn dùng tay trái búng búng vào thân bút, làm ra vẻ đang rung cho bớt bọt.
"Đừng sợ, để cô đây tiêm cho con một mũi thuốc an thần, giảm bớt căng thẳng, tăng cường giấc ngủ, đảm bảo ngày mai sẽ thi tốt, trên tờ đề ngay cả một câu về điện tử cũng không có. Nào, vén tay áo lên!"
"Không phải nên tụt quần xuống sao?"
"Cậu còn định giở trò lưu manh à!" Tôi tức điên lên.
Tiếng cười lớn của Dư Hoài chìm nghỉm trong tiếng chuông tan học, mọi người đều đứng dậy thu dọn đồ đạc, lớp học náo nhiệt như chuẩn bị mở tiệc.
Chỉ có mỗi tôi và Dư Hoài ngồi yên tại chỗ không nhúc nhích.
Không ngờ cậu ấy vén tay áo lên thật, để lộ bắp tay, lại còn làm vẻ mặt sợ tiêm. Còn tôi vẫn chăm chú để dần đầu bút dần dần tiến sát tay cậu ấy, sau đó nhẹ nhàng tiêm vào, chầm chậm đẩy lò xo lên kịch mức.
Trước khi rút kim, tôi vẽ lên tay cậu ấy một tích √.
"Đây là dấu may mắn, tối nay đừng tắm, để cái này lại, mai đi thi nhất định đúng tất!" Tôi nhoẻn miệng cười, vỗ vỗ vào tay cậu ấy.
Dư Hoài dùng một vẻ mặt rất kỳ lạ nhìn tôi, vừa như muốn cười, vừa như muốn chê bai, vừa cảm động.
"Sao đấy?" Tôi khó hiểu.
"...Ngốc nghếch."
Cậu ấy mắng tôi một câu rồi vội vàng đứng dậy mặc áo khoác xách cặp quay người ra về.
Cậu ấy đi được hai bước sau đó bất ngờ quay người lại, trịnh trọng nhìn thẳng vào kẻ vẫn đang ngẩn người ra là tôi rồi vỗ vỗ cánh tay trái vừa được tôi tiêm một mũi.
"Hiệu quả trị liệu được đấy." Cậu ấy nói.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro