Chương 23: Người ngoài cuộc.
129.
Bạn nói xem, trên đời này thật sự tồn tại thứ gọi là tâm linh tương thông ư?
Ví dụ như khoảnh khắc mẹ Dư Hoài nói câu đó, Dư Hoài sải bước nhanh lên bục giảng, vừa hay lướt qua một đám phụ huynh và nhìn thấy tôi.
Tất nhiên, nếu như bố tôi biết thì nhất định ông sẽ không tán đồng quan niệm về số mệnh đó của tôi. Dù sao tôi cũng đã đứng ở đây, chỉ cần không phải bị mù thì sớm muộn gì cậu ấy cũng nhìn thấy tôi mà thôi.
Dư Hoài lặng đi một lúc, sau đó vờ đi không nhìn thây tôi, quay đầu đi, to giọng nói: "Mẹ!"
Mẹ Dư Hoài cảm ràm thêm một lúc, có lẽ bác ấy không ngờ rằng mình bị bắt gặp ngay tại trận, gương mặt trong chốc lát lộ ra nét hoảng hốt, nhưng bác ấy vẫn là một người mẹ, trong tình huống này tất nhiên phải cứng rắn. Bác ấy lườm Dư Hoài một cái và tiếp tục nhìn thẳng thầy Trương Bình.
Vậy là đến lượt thầy Trương Bình ngồi ở đó.
"A ha ha ha, mẹ Dư Hoài thật là cổ hủ quá đi, ha ha ha ha." Mặt thầy Trương Bình cứng đờ như được bôi một lớp keo nước: "Bây giờ là thời đại nào rồi..."
Một vài vị phụ huynh đứng xung quanh cũng bày ra vẻ mặt vô cùng kỳ lạ, dù sao đưa ra đề nghị này trước mặt nhiều người như thế mà con trai lại còn đứng bên cạnh thì quả thực có chút ngốc nghếch.
"Thầy Trương không biết đó thôi, nó nói dối tôi đấy!" Mẹ Dư Hoài dường như cảm nhận được sự phê bình kín đáo của thầy giáo và mọi người xung quanh, bắt đầu gấp gáp: "Nó gạt tôi, bảo bạn cùng bàn là một bạn nam. Nó biết tôi nhất định không cho nó ngồi cùng bàn với một bạn nữ, hồi cấp hai nó đã ngồi cùng..."
"Mẹ!"
Dư Hoài mười bảy tuổi, tuy giọng không thuộc loại đặc biệt trầm nhưng trong khoảnh khắc này thật sự khiến tất cả bàn ghế bảng đen trong phòng học đều cộng hưởng.
Ầy, không ngờ tôi lại có thể nghĩ ra danh từ Vật lý cao cấp này.
Cả hiện trường lặng im trong mấy giây, khuôn mặt mẹ Dư Hoài giật giật, còn Dư Hoài im lặng nhìn thầy Trương Bình, thần thái vô cùng kiên quyết.
Thực ra ban nãy tôi rất chột dạ. Tôi lén lút đến đây rình, lại còn bị phát hiện ngay lúc mẹ con nhà người ta đang đấu khẩu kịch liệt. Vì vậy, tôi không ước mong xa vời sau này Dư Hoài sẽ tha cho tôi.
Có điều, Dư Hoài như thế này cảm giác rất xa lạ, xa lạ đến mức khiến tôi quên mất luôn cả hoàn cảnh của bản thân hiện giờ. Cậu ấy chỉ hét lên một tiếng, không chau mày cũng không trợn mắt, nhưng trên gương mặt lại hiện ra sự lạnh nhạt trước giờ tôi chưa từng thấy. Điều này khiến tôi cảm thấy mình bị gạt bỏ khỏi câu chuyện của họ. Người mà mẹ Dư Hoài nói đến đích thị là tôi, nhưng tất cả mọi người ở đó đều đoán được, bọn họ đang đối đầu với nhau vì một người trong quá khứ, chuyện này không liên quan gì đến tôi.
Dư Hoài nói dối. Cậu ấy biết mẹ mình sẽ không cho mình ngồi cùng bàn với con gái. Hồi cấp hai, cậu ấy với bạn cùng bàn...
Với bạn cùng bàn làm sao cơ?
Tôi có chút hụt hẫng.
Thầy Trương Bình lúc này hắng hắng giọng.
"Mẹ Dư Hoài à, tôi có thể hiểu, dù sao ở tầm tuổi này, nếu bạn cùng bàn là một cô bé xinh đẹp thì sẽ khiến phụ huynh không yên tâm."
Vào thời điểm nghiêm túc, thầy Trương Bình bất chợt có được sức thuyết phục hiếm thấy.
"Nhưng bạn cùng bàn của Dư Hoài là Cảnh Cảnh mà, không sao đâu."
Không sao cái con khỉ!
130.
Tôi đang nội thương thì nghe được một tràng cười khả ố "A ha ha ha ha ha" bên ngoài cửa, không cần nhìn cũng biết đó là Beta.
Còn thầy Trương Bình nghe thấy tiếng cười bèn quay ra phía cửa chính, kết quả nhìn thấy tôi.
Vẻ mặt của tôi lúc này áng chừng như đang viết bảy chữ lên trán: Thầy dám nói lại lần nữa không?
"Ồ, Cảnh Cảnh cũng chưa về à? Cảnh Cảnh, à, Cảnh Cảnh, phụ huynh của em đâu rồi? Chúng tôi đang nhắc đến em đây." Thầy Trương Bình cố cứu vãn tình hình, ngay cả trật tự từ cũng nói loạn, câu nói cứng nhắc đến mức không thể cứng nhắc hơn. Thầy nặn ra nụ cười từ bi bác ái của ông thầy già trên năm mươi tuổi, sau đó vẫy vẫy tay với tôi, tỏ ý nội dung bàn chuyện không có gi đáng xấu hổ hay ngượng ngùng cả. Còn mẹ Dư Hoài dường như còn muốn ói máu hơn cả tôi, bác ấy nhìn tôi, không biết có nên cười hay không, bởi vậy khóe miệng bác ấy hơi giật giật sau đó chuyển lại trạng thái bình thường. Cuối cùng, bác ấy quay sang tiếp tục nhìn thầy.
"Nếu Cảnh Cảnh cũng có ở đây thì tôi sẽ nói thẳng suy nghĩ của mình." Thầy Trương Bình cười gượng hai tiếng rồi trở về trạng thái nghiêm túc: "Việc này, mẹ Dư Hoài à, tôi cũng phải nói đôi lời công bằng."
Thầy Trương Bình lần lượt nhìn tôi, mẹ Dư Hoài và Dư Hoài một cách dè chừng.
"Cảnh Cảnh là một đứa trẻ tốt, Dư Hoài cũng thế! Đứa trẻ ngoan thì trong lòng đã có dự tính sẵn, lo lắng của chị tôi có thể hiểu được, nhưng lần này chị lo hơi quá rồi, ít nhất tôi cũng không nhìn thấy mầm mống của bất kỳ chuyện gì không thỏa đáng. Nếu thật sự có, không cần chị phải nói, người thầy chủ nhiệm là tôi cũng sẽ có hành động thích hợp. Đối với việc dạy học mà nói, tôi cũng có chút hiểu biết. Bọn trẻ tầm tuổi này vẫn cần được dẫn dắt, đồng thời cũng cần tự giác, không thì dù tôi có đổi chỗ cho Dư Hoài ngồi cùng một nam sinh thì em ấy sẽ vẫn gây họa như thường. Trên có chính sách, dưới có đối sách, chắc các vị phụ huynh cũng hiểu được điều này chứ!"
Mọi người xung quanh cùng với thầy Trương Bình phối hợp tạo ra bầu không khí "lo lắng bất an".
Câu nói này của thầy Trương Bình xoay chuyển tình hình, thế chủ động chuyển về tay thầy, nhưng mẹ Dư Hoài vẫn chưa đạt được ý mình muốn, vài lần định mở miệng chen lời lại bị thầy cướp lời trước.
"Mẹ Dư Hoài à, xin chị hiểu cho, việc sắp xếp chỗ ngồi trong lớp đều rất công bằng. Chuyện chỗ ngồi tùy tiện như thế, thật sự tôi không biết ăn nói sao với các vị phụ huynh khác."
Mẹ Dư Hoài bĩu môi, nhưng khi bác ấy nhìn thấy thái độ khó chịu của mọi người xung quanh liền thay đổi sắc mặt: "Thầy Trương, cảm ơn thầy, hôm khác tôi sẽ đến tìm thầy nói chuyện riêng, nguyên nhân không tiện nói ở đây."
Nói xong câu cứng nhắc đó, mẹ Dư Hoài liền đi về, bác ấy cũng không khoảnh lại gọi Dư Hoài đi theo. Lúc đi ngang qua tôi, bác ấy cố ý dừng lại một chút, khuôn mặt cố nặn ra nụ cười gượng gạo, nói có chút không tự nhiên: "Cảnh Cảnh, thật ngại quá, bác không có ý nhắm vào cháu đâu, đừng trách bác nhé. Cháu là một đứa trẻ tốt."
Câu "Cháu là một đứa trẻ tốt" sau cũng hiển nhiên là lời nói trước mặt, coi như là sự an ủi đối với kẻ bị lôi vào trong cuộc là tôi.
Bác ấy cũng biết là tôi vô tội.
Kiểu vô tội này không hề mang đến cho tôi chút hoan hỉ được giải oan nào.
Nó chính là kiểu vô tội khiến tôi khó xử.
131.
Tôi không dám nhìn Dư Hoài, nhân cơ hội mẹ cậu ấy ra về, tôi cũng lén theo đó mà chuồn đi.
Vừa bước ra cửa, Beta liền xông tới, bản mặt vô cùng thần bí, cậu ấy cất lời: "Tớ nghe thấy hết rồi, nhưng tớ sẽ không nói ra đâu. Có phải thấy tớ rất đáng mặt bạn bè không?"
"Cậu nghĩ tất cả phụ huynh trong lớp đều bị câm hả?" Tôi thấp giọng quát.
"Aiz, người khôn suy nghĩ trăm đường, tránh sao khỏi một chút sai sót chứ!" Cậu ấy lấp liếm: "Xem ra, càng về sau sẽ càng kịch tính đây! Nhưng mà không sao, không liên quan gì đến cậu, đừng lo."
Tôi mặc kệ cậu ấy, lời nào nên nói thì nói, lời nào không nên nói thì đừng nhắc nữa.
"Hay là cậu chỉ mong sao chuyện này có liên quan đến mình?" Cậu ấy lấm la lấm lét nhào tới phía tôi.
"Tự cầu phúc cho bản thân đi."
Tôi xốc cặp sách đi về phía trước, lúc đi đến thang máy thì vừa hay chạm mặt một nhóm phụ huynh đang đi xuống. Tôi hòa mình vào dòng người, như con cá chết chìm trong nồi nước sôi, không thấy đau đớn mà chỉ thấy náo nhiệt.
"Con tôi về nhà đều nói, Lâm Dương thi không đứng đầu khóa thì không quen."
"Tôi lại thấy chuyện đó là chuyện tốt, cần cho nó thêm nhiều đả kích chông gai hơn nữa, tránh thuận lợi quá sinh ra ngạo mạn. Thằng nhóc đó mấy năm trước đã bắt đầu giở trò bằng mặt không bằng lòng với tôi rồi."
"Dương Dương ngoan như vậy, chị đừng đòi hỏi cao quá, tôi chỉ buồn lòng thằng Tưởng Xuyên nhà tôi. Lớn đến nơi rồi mà chuyện gì cũng không để tâm, suốt ngày mơ mơ màng màng, chị nói phải làm sao bây giờ?"
Suốt hành trình bị dòng người đưa đẩy xuống tầng dưới, nhưng phụ huynh bên cạnh tôi đều không ngừng tám chuyện đâu đâu, đặc biệt là hai người phụ nữ đi phía sau tôi. Có lẽ họ đã quen biết từ lâu, chủ đề câu chuyện nhảy từ thành tích học tập của con trai sang hai chữ cái LV trên chiếc túi hàng hiệu giả của cô giáo chủ nhiệm không cân đối. Đến khi xuống tầng một, câu chuyện của họ đã phát triển đến không biết có phải mùa đông năm nay công ty lại thưởng Tết bằng phát gạo cuối năm hay không, đợt này đàn ông con trai trong nhà nhất định phải đi khênh giúp...
Tôi đần người ra nghe, đột nhiên trong đầu lóe lên một tia sáng.
Lâm Dương, chẳng phải là bạn cấp hai của Dư Hoài ư? Những người bạn của Dư Hoài mà cậu ấy từng nhắc đến trước đây có những ai nhỉ? Trong đầu tôi dần dần hồi tưởng lại sự kiện thoát chết ở quán net mà Dư Hoài từng kể: hình như có Lâm Dương và người con mà cô vừa nãy có nhắc đến - Tưởng Xuyên, còn có một cậu bạn nữa, à, còn có một cô bạn rất xinh đẹp tên Lăng Tường Tây, ừm, bạn nữa này không tính.
Tôi vừa nhập tâm vừa tản mạn nghĩ ngợi, cứ thế chậm rãi bước ra cổng trường. Nhìn thấy xe buýt đông nghịt toàn người là người, tôi liền giơ cánh tay cứng nhắc ra, hết sức xa xỉ gọi một chiếc taxi.
Bác tài xế nhiều chuyện, hỏi: "Ồ, cô bé, buổi họp phụ huynh vừa kết thúc, phụ huynh của cháu đâu?"
Tôi nhếch miệng: "Đi chuẩn bị rồi ạ."
"Chuẩn bị gì cơ?"
"Dao thái rau ở nhà cùn rồi, họ về nhà trước để mài."
132.
Lúc trên xe tôi có gọi điện về nhà, là Lâm Phàm nghe máy. Lúc này tôi mới nhận thức được một chuyện, cô Tề đi họp phụ huynh cho tôi, bố tôi lại không có nhà, vậy Lâm Phàm ăn tối kiểu gì?
"Không sao chị ạ, em ăn bên bà ngoại rồi."
"Cô...Mẹ em về chưa?"
"Vừa về ạ, mẹ đang định bảo em gọi điện hỏi chị đang ở đâu, nhắc chị mau về nhà ăn cơm."
"Vậy bố chị đâu?"
"Bác Cảnh vẫn chưa về nhà. Mẹ em nói, bác đi ăn cơm cùng cấp trên rồi. Chị đang ở đâu thế ạ?"
Tôi gọi mẹ thằng bé là cô Tề, còn thằng bé gọi bố tôi là bác Cảnh.
"À, vậy không có chuyện gì rồi, chị..." Tôi cố bịa chuyện.
"Là thế này, chị có một người bạn, à, là bạn nữ." Tôi bổ sung thêm, đề phòng bất trắc: "Trong buổi họp phụ huynh hôm nay chị ấy gặp chút buồn phiền, chị ở bên chị ấy một lúc, cho nên về muộn. Xong việc chị sẽ lập tức về nhà ngay, em dặn mẹ em đừng lo lắng. À đúng rồi, chị ăn cơm rồi, đừng để phần cơm chị nhé."
Khi vắng mặt bố, tôi không muốn ăn cơm riêng với cô Tề.
Có một số người, bạn thật sự không ghét, thậm chí quen biết lâu bạn sẽ còn tán thưởng họ, với điều kiện là ông trời không đặt hai người vào vị trí khó xử nào.
Nếu cô Tề không phải mẹ kế của tôi, tôi nghĩ có khi nào mình sẽ thích cô ấy.
Không biết sự khách sáo giữa tôi và cô Tề là do cô ấy cố ý làm vậy hay do mối quan hệ của chúng tôi rất gượng ép? Sự khách sáo ấy giống như một bức tường trong suốt phân cách đôi bên. Bố tôi là một cánh cửa, nhưng bây giờ cánh cửa này đã đóng rồi.
Tôi cũng không muốn nghĩ xem cô ấy có chăm chú nghiên cứu tờ bảng điểm thành tích lộn xộn mà thầy Trương Bình phát cho hay không. Liệu cô ấy có vô cùng bình thản hay có chú tâm đi tính toán xem tôi đứng vị trí thứ mấy trong lớp - việc mà sau bao ngày cầm tờ bảng điểm tôi cũng chưa từng làm hay không?
Về phần tôi, tờ bảng điểm bị tôi nhét xuống đáy cặp sách, bị vô số loại mép sách giáo khoa, vở bài tập giày xéo cho tan nát, nhăn như một cách cửa chớp rách tươm.
"Bác này!"
"Sao thế?"
"Bác có thể đi chậm chút không?"
"Đi chậm một chút?"
"Vâng, đúng ạ, nhưng cứ gặp đèn đỏ thì bác dừng nhé."
"Sao cơ, chẳng lẽ trước đây gặp đèn đỏ nhưng bác không dừng à?"
"Không phải, không phải vậy..."_Tôi cũng không biết phải giải thích thế nào, nói với bác ấy bây giờ tâm trạng tôi rất tồi tệ, hy vọng bác ấy đi lòng vòng chút ư? Chẳng khác nào nói mình đang bị dở hơi!
"Không muốn về nhà chứ gì?" Bác tài xế đột ngột hỏi tôi.
"Vâng."
"Bác khuyên cháu, hòa thượng chạy đâu cũng không thoát nổi đất chùa, sớm chết sớm siêu thoát, cháu về nhà càng muộn, dao thái rau bố mẹ mài càng sắc..."
Bác ấy còn nhớ cả câu này, tôi trợn tròn mắt.
"Cô bé à, bác đây còn có gương chiếu hậu đấy."
"Bác tài, cháu sai rồi."
Nhưng bác lái xe thật sự đi chậm lại, đáng lẽ sắp về đến nhà tôi rồi, đến ngã tư bác ấy đột ngột quay vô lăng, vậy là xe cứ thế đâm thẳng về phía khu phố cũ rích.
Ban đầu tôi còn cảm kích, nhưng sau đó nghĩ đến người ta vui không kể xiết vì lôi kéo được một con nhóc không muốn xuống xe thì tôi lại không vui nổi. Đồng thời, máy tính tiền thì cứ nhảy số đầy sung sướng, cuối cùng vẫn là bố tôi trả tiền.
Vì thế tôi nên cảm ơn bố mình.
Tôi sờ sờ túi quần, quyết định chơi sang một lần.
"Bác tài ơi, bác cứ ra sức chạy đi, trước mắt chở cho cháu đoạn năm mươi tệ!"
"Được!"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro