Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 10: Xin lỗi, em nghe không hiểu.

54.

Phong ba của kỳ thi qua đi, tháng Chín chính thức bắt đầu.

Tháng Chín mới tuyệt vời làm sao, thời tiết thoáng mát, không khí trong lành, Châu Kiệt Luân ra album mới.

Ngoại trừ buổi lễ chào cờ nào người dẫn chương trình cũng đều lải nhải mấy lời lãng nhách như "Mùa thu tháng Chín, thời tiết thoáng đãng, làn gió tiễn đưa mọi sai trái..."

Nhưng cũng phải thừa nhận, trời thu quang đãng, tất cả sự vật đều tươi đẹp biết bao, hô hấp của tôi cũng cực kỳ thoải mái. Tôi nằm ườn ra bàn phóng tầm mắt ra ngoài ô cửa sổ ngắm cảnh ánh dương rực rỡ, thiên hạ thái bình.

Song không thể phủ nhận, điều tồi tệ nhất mà tháng Chín mang lại, đó chính là học kỳ mới. Chương trình học đối với tôi mà nói, thật sự có chút chút khó khăn.

Cái gọi là "chút chút" đó có nghĩa là: lúc lên lớp, nghe hiểu hết, lúc đi thi, làm sai hết. Tôi thấy rõ ràng mình đều nghe hiểu những định nghĩa và cả hệ quả của nó nữa, ấy vậy mà tại sao cứ động vào bài tập là tôi lại ngu?

Chấn Hoa không thống nhất sách bài tập cho tất cả học sinh trong trường, về chuyện này, tôi từng hỏi qua Dư Hoài nhưng kết quả chỉ nhận lại ánh nhìn khinh bỉ của cậu ta.

"Trường học không có nghĩa vụ chỉ định loại sách bài tập cho chúng ta. Trên thị trường nhiều như thế, cậu tự xem năng lực của mình đến đâu mà đi mua, thích làm bao nhiêu quyển thì mua bấy nhiêu. Nhưng mà, nói đi cũng phải nói lại, nếu trường chỉ định phải mua sách bài tập nào, mà lại là loại tớ không thích thì tớ cũng sẽ không làm, thế chẳng phải là vứt tiền qua cửa sổ à?"

Tôi chỉ biết câm nín.

Có điều, môn nào thầy cô cũng cho cả đống bài tập về nhà, học sinh có hoàn thành đúng thời hạn hay không thầy cô cũng không quá khắt khe tra hỏi. Khi lên lớp, các thầy sẽ chọn lọc giảng một vài bài trong tờ bài tập về nhà: "Các em chú ý câu số 5, thực ra có cách tính đơn giản hơn, chúng ta giả sử xxx..."

Cũng đồng nghĩa, những câu mà tôi biết làm đều không có trong phạm vi thầy cô đặc biệt nhắc nhở chú ý. Họ cũng không quan tâm tôi có làm hay không.

55.

Cô giáo dạy Địa còn rất trẻ, da trắng và mập mạp, nghe nói là giáo viên mới. Là một cô giáo của bộ môn luôn bị ban Tự nhiên kỳ thị là môn phụ, tiết đầu giảng dạy cô ấy đã phải dùng hơn 20 phút chỉ để thay đổi thành kiến của chúng tôi với các môn ban Xã hội.

"Có rất nhiều học sinh của Chấn Hoa ngay từ nhỏ đã xác định học ban Tự nhiên, không có chút hiểu biết gì về ban Xã hội, chỉ cho rằng đó là sự lựa chọn dành cho những người học không bằng bên ban Tự nhiên. Tôi cho rằng suy nghĩ này vô cùng nông cạn. Ban Xã hội học hành cũng không phải dễ dàng gì, chỉ có thể nói rằng cái nào cũng có khó khăn riêng..."

Tôi ngồi bên dưới gật đầu lia lịa.

Dư Hoài đang mở bài tập Tiếng Anh ra, nghiêng mặt quảng cho tôi một ánh nhìn kỳ lạ: "Cậu muốn học ban Xã hội à?"

Tôi đừng hình, quả thực chuyện này tôi cũng chưa từng nghĩ qua.

"Chỉ là tớ thấy cô nói rất có lý..."

"Mấy môn Xã hội vốn dĩ dễ hơn các môn Tự nhiên, có đạo lý gì cơ chứ?"

Tôi tức điên, tuy không biết mình bực mình vì cái gì nữa, ban Xã hội cũng chẳng phải mẹ tôi, vậy mà tôi lại cứ ra sức để bảo vệ nó làm cái gì?

"Dễ thế thì sao cậu không đi học đi?"

Giản Đơn ngồi phía bên trái nghe ngóng được gì đó cũng quay xuống nhìn tôi, tôi vội vàng cười với cô bạn, ý là chuyện này không liên quan gì đến cậu ấy cả.

"Bởi vì tớ muốn tạo bom nguyên tử chơi, chuyện này cậu cũng muốn quản à?"

Tôi...thật sự quản không nổi.

Sau đó, tôi nghĩ có lẽ do chúng tôi cùng là kẻ yếu trong Chấn Hóa này, nên tôi mới bất giác nảy sinh sự đồng cảm sâu sắc với ban Xã hội, cảm giác như nâng cao địa vị của ban Xã hội cũng đồng nghĩa với nâng cao địa vị của chính mình vậy.

Logic này thật là quái đản! Một trận chiến vinh nhục khó mà có thể giải thích được.

"Tớ nói thật lòng, đừng học ban Xã hội."

Im lặng một thời gian dài, tôi cứ ngỡ cuộc tranh luận đã kết thúc, tự dưng cậu ta lại phun ra câu này.

Tôi cũng không hiểu thế nào lại tiếp lời: "Ừ, không học ban Xã hội."

Sau đó cậu ta cười, không hề nhìn tôi, vì vậy tôi không biết có phải cậu ta đang cười với bài tập Tiếng Anh của mình hay không.

Cậu ta khi tính toán, viết chữ vô cùng đẹp.

56.

Sau đó, cô Địa cuối cùng giảng nội dung chính của tiết học: Sự vận động của Trái Đất.

Tôi nghe mà mơ hồ, ù ù cạc cạc.

Không biết vấn đề ở chỉ số IQ của tôi hay cách giảng dạy của cô mà tôi phát hiện các môn xã hội quả thực khó hiểu hơn các môn tự nhiên nhiều. Bởi lẽ, tôi nghe hiểu được Vật lý nhưng hoàn toàn không hiểu chút gì về Địa lý.

Giảng đến điểm gần Mặt trời nhất và điểm xa Mặt trời nhất, cô đột nhiên ngưng lại, cười híp cả mắt, hỏi các học sinh tâm hồn đang trên mây bên dưới lớp: "Chấn Hoa chúng ta có phải có rất nhiều học sinh đi thi giật giải cao không? Lớp ta có bạn nào học giỏi Lý, từng biết đến ba định luật Kepler* không?"

*Định luật Kepler là ba định luật khoa học miêu tả chuyển động trên quỹ đạo của các vật thể, ban đầu dùng để miêu tả chuyển động của các hành tinh trên quỹ đạo quay quanh Mặt Trời.

Cả lớp im lặng một hồi, sau đó Dư Hoài miễn cưỡng giơ tay...Tôi nghĩ bộ dạng miễn cưỡng đó nhất định là giả vờ, nhất định là như thế!

Cậu ta đặt bài tập Tiếng Anh xuống, đứng dậy nói: "Ba định luật này được Kepler phát biểu vào đầu thế kỷ XVII trong cuốn sách của chính mình. Định luật đầu tiên là định luật quỹ đạo, nó nói rằng các hành tinh đều quay xung quanh Mặt Trời theo quỹ đạo hình elip, Mặt Trời thì nằm ở một tiêu điểm của elip đó."

Lúc đó tôi rất muốn giật giật tay áo của cậu ta hỏi: là Kepler hay Caoe Town (tôi nghe không rõ), dựa vào cái gì mà có thể nói như thế chứ? Còn nữa, elip...rốt cuộc có mấy tiêu điểm?

"Định luật thứ hai là định luật diện tích, tức là, đối với bất kỳ hành tinh nào, trong một khoảng thời gian tương đương, đường nối giữa nó và Mặt Trời quét ra một miền diện tích tương đương."

Nói đến đây, cậu ta liền chạy lên bục giảng, vẽ một hình elip, Mặt Trời, Trái Đất, rồi nối mấy đường lại.

"Tưởng tượng một chút, S là Mặt Trời, E là Trái Đất, chính là trên diện tích này, SAE=SBE'=SCE". Cậu ta gãi đầu: "Bằng chứng này đề cập đến các vấn đề xung lượng góc, em không nói lời thừa thãi nữa..."

Cảm ơn cậu. Tôi lặng lẽ cảm thán.

"Định luật thứ ba được phát hiện vào mấy năm sau đó, được gọi là định luật chu kỳ. Thương của lập phương nửa trục lớn của tất cả những hành tinh và chu kỳ quay quanh Mặt Trời của nó đều bằng nhau."

Sau đó, những lời cậu ta nói, tôi nghe không hiểu chút nào nữa.

Cứ nhắc đến các công thức toán học, tôi liền bị "đơ máy".

Khi kết thúc, cậu ta còn tỏ khiêm tốn: "Có lẽ có rất nhiều bạn biết đến ba định luật này. Thực ra ý hiểu của em cũng chưa được toàn diện và đầy đủ, quả là múa rìu qua mắt thợ rồi."

Thần linh ơi!

Sau khi ngồi xuống, cậu ta vẫn tiếp tục làm bài tập Tiếng Anh, khuôn mặt hết sức nghiêm túc, làm như không hề nhìn thấy vẻ mặt vừa kích động vừa lập sẵn thế phòng thủ ứng chiến của cô giáo Địa lý trước khi cậu ta lên bục giảng vậy. Cô giáo vô cùng tán dương cậu ta, còn cậu ta thì tỏ ra không hề nghe thấy...

Nhưng tôi đã nhìn ra cậu ta nhếch mép cười, cố gắng kìm nén để không cười lớn.

"Muốn cười thứ cứ cười đi, cậu lúc nảy tuyệt với lắm!" Tôi nói đầy vẻ quan tâm.

Thế là, cậu ta đỏ mặt, nằm bò ra bàn: "Cảnh Cảnh, tớ với cậu chưa xong đâu!"


57.

Ngày càng tồi tệ hơn, tàn bạo hơn, rồ dại hơn.

Hiện tại chỉ có thể dùng mấy chữ này để hình dung cô giáo Địa, biểu hiện của Dư Hoài dường như đã giẫm vào công tắc chế độ chiến đấu của cô. Để thể hiện kiến thức chuyên môn không hề thua kém tên nhóc kia, cô giáo bắt đầu liên tục bắn ra kiến thức trên trời dưới đất.

"Rốt cuộc, cô giáo muốn nói gì chứ..." Tôi cảm thán."

"Thật ra, Địa lý là môn khoa học, nếu khi học đại học có tiếp xúc với Địa lý, thời tiết, khoa học không gian Trái Đất, địa chất, tất cả đều là môn khoa học tự nhiên." Cậu ta vừa nói vừa xoay bút, tiện thể trả lời một câu hỏi trong đề.

Tôi cảm thấy tất cả việc làm của Dư Hoài đều là đang tuyệt đường sống của tôi.

58.

Nhưng trong hai tuần học ở Chấn Hoa, có chuyện khiến tôi cảm thấy rất bức bối.

Trước đây học ở trường trung học cơ sở số 13, không khí trên lớp học vô cùng thoải mái (có lẽ do chẳng có mấy người nghe), nếu có chỗ nào nghe không hiểu, chỉ cần bạn chau mày, dùng ánh mắt hơi mơ màng nhìn cô giáo thì chắc chắn cô ấy sẽ giảng lại tường tận một lần nữa.

Nhưng mà giờ đây, tôi dám to gan giơ tay nói mình không hiểu, lớp học yên ắng đến kỳ lạ, tôi sợ sự sơ sót, ngu ngốc của mình bị chê cười.

Cho dù ngay từ đầu ở lớp học này tôi cũng chẳng còn mặt mũi hay thể diện gì nữa, nhưng tôi vẫn không dám.

Thầy cô trường Chấn Hoa có một đặc điểm là, những thứ ở trong sách thì không giảng, tôi cũng quen chuẩn bị bài trước, đọc trước bài, nhưng khi lên lớp giáo viên lôi ra vô vàn những định lý và công thức giản tiện, gây cho tôi áp lực rất lớn.

Chưa đến một tháng, tôi phát hiện ra từ chỗ "Tôi nghe đều hiểu" đã biến thành "Tôi nghe đều không hiểu"!

Tôi rất lo lắng. Tuy mới chỉ hơn một tháng nhưng mùa thu dường như biến thành mùa hành quyết, đao hành lúc nào cũng chực nhằm cổ tôi mà chém một nhát.

Thầy Trương Phong giảng Toán mà không hề quan tâm đến bất kỳ ai, như mộng du vậy. Tuy Dư Hoài nhận xét thầy giảng cũng được, nhưng có lẽ điều này chỉ áp dụng với những tên cùng đẳng cấp với cậu ta, dù sao thì tôi cũng không thích thầy.

Cuối cùng, khi thầy lại một lèo chứng minh xong một định lý nữa, tôi tuyệt vọng nằm ra bàn, than ngắn thở dài.

Tên Dư Hoài đang ngồi làm bài tập, đầu còn không buồn ngẩng lên, nói to: "Thưa thầy, em không hiểu, thầy có thể chứng minh lại một lần nữa không ạ?"

Tôi giật mình ngẩng đầu lên nhìn cậu ta, nghe không hiểu? Cậu ta vốn dĩ không hề nghe giảng, được không?

Cậu ta không để tâm, mỉm cười, miệng tạo thành hình cánh cung...

Tôi đột nhiên cảm thấy vô cùng ấm áp.

Thầy Trương Phong kinh ngạc nhìn cậu ta, trên khuôn mặt trắng bóc đó cuối cùng có chút biểu cảm giống người sống.

Sau đó, thầy chầm chậm quay người lại, chứng minh lại tiên đề 3.

Tôi tức tốc chép bài, không biết tại sao mắt đỏ lên đôi chút, nhưng tôi cũng không nói cảm ơn cậu ta.

59.

Ngược lại, thầy Trương Bình dễ thương hơn nhiều.

Dư Hoài không quá thích nghe thầy Trương Bình giảng, bởi vì thầy quá đơn giản lại dài dòng...Tất nhiên Dư Hoài không nói thể nhưng tôi đoán là vậy. Tôi trước nay không có sở thích ép buộc làm khổ bản thân nỗ lực với những chuyện quá khó, đặc biệt trong trường hợp phải bình tĩnh trước mặt giáo viên.

Thầy Trương Bình mỗi khi dạy xong một mảng kiến thức sẽ lại dùng ánh mắt dò xét "tuần tra" một vòng lớp học. Trong giây phút đó, tôi thường nháy mắt ra hiệu không nghe hiểu chút gì, sau đó thầy lại giảng một lần nữa.

Hơn nữa thầy tuyệt đối không bao giờ làm khó hay chê cười tôi.

Tôi thật sự rất thích thầy.

Sau này, có một khoảng thời gian, có rất nhiều thầy cô cho rằng Dư Hoài cố ý gây rối làm loạn. Đặc biệt là thầy Trương Phong, ánh mắt nhìn Dư Hoài càng ngày càng kỳ lạ, nghĩ đến một tên học sinh xuất sắc lên lớp chẳng hề nghe giảng, lại cứ hết lần này đến lần khác hét lớn "em không hiểu" để thầy lại phải giảng lại một lần nữa, đây không phải là cố ý chống đối thì là cái gì? Thầy không tài nào tìm ra được lý do khác hợp lý hơn...

Cuối cùng, sau một lần Dư Hoài lại hét rằng nghe không hiểu, thầy Trương Phong liền ném phấn xuống lớp học, tay trái đẩy kính lên, tay phải để ra sau lưng, đôi môi mím chặt như định nói điều gì.

Tôi không biết lấy dũng khí từ đâu, cũng hét lớn: "Thầy ơi, em...em...em cũng nghe không hiểu."

Thầy đứng hình.

Sau đó, thầy nuốt mấy miếng nước bọt, từ từ quay người lại, giảng lại bài một lần nữa.

Cuối cùng, thầy dùng cặp mắt thâm trầm đầy ngụ ý nhìn chúng tôi mãi. Dư Hoài không ngẩng đầu, ném cho tôi một câu: "Cậu xem, nói không hiểu  cũng có gì khó khăn đâu."

Cậu ta hoàn toàn không biết vừa xảy ra chuyện gì.

60.

Sau đó, Giản Đơn mò sang chỗ tôi tám chuyện. Nhắc đến Dư Hoài, cậu ấy cứ cười cả buổi, nói: "Tớ cũng có rất nhiều chỗ nghe không hiểu, cho nên thời gian đó rất cảm ơn Dư Hoài, những cái mà cậu ta hét không hiểu vừa hay là những cái tớ không dám hỏi thầy."

Cô bạn da ngăm mà Giản Đơn hay gọi là Beta tên Tưởng Niên Niên, cô bạn ấy cũng muốn hóng hớt nên chạy qua chỗ tôi: "Đúng rồi, đúng rồi, Dư Hoài thật tuyệt. Mỗi lần cậu ấy nói không hiểu, tớ ở đằng sau gửi lời chào, nhắn thêm một câu, chị đây cũng không hiểu!"

Bên cạnh cũng có rất nhiều người phụ họa theo, lúc đó, tôi mới phát hiện hóa ra mình không chiến đấu trong đơn độc.

Hóa ra nhiều người nghe không hiểu đến vậy.

Nhưng trong lòng tôi có hơi khó chịu. Tôi rất muốn nói với bọn họ, Dư Hoài không phải thật sự không hiểu, cậu ta cũng không phải muốn tạo phúc cho xã hội mà giả vờ như vậy.

Cậu ta là vì tôi.

Mọi người ùa qua chỗ tôi liền bị tôi lạnh lùng dẹp chợ, đuổi về hết.

Rốt cuộc tôi đang sầu não cái gì cơ chứ?

Vào tiết học tôi lén lút gửi cho cậu ta mẩu giấy, có lẽ do không thể nói trước mặt.

"Chỗ tớ không hiểu, tự tớ sẽ hỏi thầy, nếu vẫn không hiểu thì tớ sẽ hỏi cậu, được không? Để thầy đỡ hiểu nhầm cậu có ý chống đối."

Cậu ta nhìn mẩu giấy đó chằm chằm, lông mày hơi nhếch lên, có chút ngạc nhiên.

Tôi tưởng rằng cậu ta đọc không hiểu, liền lấy ra một mẩu giấy đang định giải thích tiếp thì cậu ta đột nhiên lên tiếng: "Nói trực tiếp đơn giản hơn bao nhiêu, lại còn bày đặt viết lên giấy, không mệt à?"

Tôi nằm ườn ra bàn trong thất vọng.

Trong khi tôi đang trơ mặt lôi kéo bạn cùng chí hướng thì Giản Đơn và các bạn khác cũng dần quen với việc giơ tay xin thầy giảng lại tỉ mỉ hơn. Không khí lớp học cũng trở nên thoải mái rất nhiều.

Trong lòng tôi cũng nhẹ đi mấy phần, cứ như cuối cùng cũng cướp được tên từ đầu chí cuối không rõ sự tình luôn đứng dưới ánh hào quang của sân khấu trở lại vậy.

Nhưng mà cậu ta vẫn "phát sáng" như trước. Có rất nhiều cô gái không dám nhìn Hàn Tự nhưng lại rất vô tư trêu đùa cùng Dư Hoài, con trai trong lớp cũng hay lôi cổ Dư Hoài đi chơi bóng.

Tôi có một người bạn cùng bàn vừa xuất sắc vừa được mọi người yêu quý.

Vì vậy, có lúc tôi còn an ủi bản thân bằng suy nghĩ vô cùng biến thái: Mình ở gần cậu ta nhất!

Nhưng chuyện đó nói lên điều gì?

Rốt cuộc tôi làm sao thế này?!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro