Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 55: Hồng Trần Hí, Lan Chi Bạn (紅塵戲,蘭枝伴)

[♪] Hồng Trần Hí, Lan Chi Bạn (紅塵戲,蘭枝伴): Trò vui chốn hồng trần, cành lan làm bạn.

------

Lá tre xòa, lá tre non,

Gió lao xao, trời đổ mưa dội.

Cò đen lom khom, chân dò bước,

Cò xanh than thầm: "Giờ ai lo?"

Lá tre run, lá tre rách,

Cò trắng giật mình, quên chải đôi.

Cánh còn sải rộng, mưa cài gáy,

Cúi đầu lấm bẩn, gió cuốn trôi.

Lá tre khép, lá tre rơi,

Ai cầm dao bén, cắt lông, chặt cành?

Cò xanh cười lớn: "Giờ lại đến!"

Cò đen lặng lẽ, đứng rình canh.

Lá tre khô, lá tre úa,

Cò trắng loạng choạng, mất đường bay.

Lời trẻ con hát, vu vơ vậy,

Nhưng ngẫm lòng ai, hiểu tỏ bày.

Lá tre rơi, lá tre bay,

Lồng chim cài kín, khóa ai đây?

Cò xanh cúi thấp: "Ai ngã trước?"

Mưa vừa dứt tiếng, chẳng ai hay.

Lá tre ghim, lá tre trôi,

Cò đen cất bước, chẳng buồn cười.

Lời ca thôi dứt, tre gầy rỗng,

Chỉ còn im lặng xuôi về Đông.

------

Còn mười ngày nữa là đến hôn lễ. Những ngày này, ta không tránh khỏi cảm giác mông lung, đầu óc nhiều khi như bị trói buộc, thần trí đôi lúc rơi vào trạng thái khó kiểm soát: Lúc trầm tư, lúc lại kích động.

Quanh quẩn trong tâm trí thường ngày đã có Thương Vô Nhiêm, nay lại thêm một bóng hình lạ lẫm như thể từ cõi u minh đến quấy nhiễu, từng bước ép buộc ta phải xa lìa hôn phu. Liệu ta có thể chịu đựng được chăng?

Ai biểu họ tự động dâng hiến cho ta những điều vốn dĩ thuộc về mình làm gì? Đã như vậy, làm sao ta có thể khước từ? Bọn họ càng ngấm ngầm ngăn cản bằng những hình thức huyền ảo, ta càng muốn đối đầu. Một người phàm nhỏ bé đối đầu với sức mạnh siêu nhiên thật khó, nhưng không phải là không thể.

Gần đây lao tâm lao lực có phần quá độ, thân xác hao mòn, tinh thần mỏi mệt. Ta tự nhủ phải biết tự dưỡng sinh, tự bồi đắp bản thân. Có khi phải giữ tâm trí bận rộn để bản thân khỏi bị xao nhãng bởi những phiền nhiễu không đâu. Mặc họ, kẻ trong tối, người trong đầu. Ta ngồi dưới ánh sáng mặt trời mà bắt đầu luyện chữ.

Trong chữ tĩnh (静) ẩn chứa hai phần là thanh (青) và tranh (争).

Màu xanh (青) hòa với màu đỏ (𧹥) thì thành màu tía (紫). Khi hòa với màu vàng (黄) thì hóa lục (綠). Từ đó mà thành nghĩa: "Thanh hoàng bất tiếp" (青黃不接) – mạ xanh chưa lớn mà lúa vàng đã hết, ý chỉ khó khăn khi cái cũ đã qua mà cái mới chưa tới.

Theo Tuân Tử (荀子) (316 TCN – 237 TCN): "Thanh thủ chi ư lam, nhi thanh ư lam" (青取之於藍, 而青於藍) (Khuyến học 勸學). Nghĩa là: Màu xanh lấy từ cỏ lam mà đậm hơn cỏ lam (con hơn cha, trò hơn thầy, hậu sinh khả úy).

Còn với Đỗ Tuân Hạc (杜荀鶴) (846-?) thì: "Bách niên thân hậu nhất khâu thổ, Bần phú cao đê tranh kỉ đa" (百年身後一丘土, 貧富高低爭幾多) (Tự khiển 自遣) – Trăm năm sau, thân cũng chỉ là một gò đất; nghèo hay giàu, cao hay thấp, khác biệt nào đáng kể?

Chỉ nơi yên TĨNH (静) là nơi không xảy ra phân TRANH (争) và luôn giữ được không khí trong xanh (青). Vì thế chữ tĩnh (静) là trạng thái mà con người khao khát nhưng khó đạt được.

Đợi khí hoà lại trong lành, ta thở dài một hơi rồi gác bút. Hơn mấy mươi chữ phủ đầy mặt giấy, nhưng nào biết được mây (雲) đã động (动) rồi.

Không cần đến bàn tay (), chẳng cần đến sức lực () nào...

Cái động của mây chẳng vì ép buộc, cái tĩnh của trời chẳng bởi bất biến. Vạn vật vốn đã được an bài không phải bởi ý chí của ai, mà chính bởi lẽ vô vi: không làm gì mà chẳng có gì không làm.

Đột nhiên gió thổi qua khóm hoa, dùng cái tĩnh ấy là để gom lại sinh khí, chuẩn bị cho sự động khởi đầy hỷ lạc.

Phủ đệ đã giăng kín đèn hoa, đỏ rực với chữ Hỉ (喜). Không chỉ một mà là hai (囍).

Phòng của ta cũng vậy, giường nệm đều thay mới mỗi ngày, ướp hương thơm và trang trí hoa tươi thắm. Bên kia nhà tân hôn cũng đã sửa sang xong, sắp tới ta sẽ ở cùng Tử Yên cho đến ngày tứ hỷ (lại mặt 回门).

Chàng đã dọn đồ dần về bên kia từ trước, hiện tại đang ở cùng với A Bảo, A Phúc, Lộc Can và Ngư Ngư. Bọn họ sẽ là đại diện cho nhà thông gia, cùng với một vài bằng hữu cũng như đồ đệ của chàng.

Người ta nói, trước hôn lễ, đôi tân nhân nên tạm tránh mặt nhau vài ngày để tránh điềm xui rủi. Nhưng mới chỉ xa cách một ngày thôi, lòng ta đã nao nao nhớ nhung. Không biết rốt cuộc ai là kẻ không nỡ rời ai nữa?

May thay còn giữ hình vẽ của chàng hồi dịp đầu năm. Khi ấy, tổ mẫu mời mấy danh hoạ đến để vẽ cảnh gia đình đoàn tụ, ta đã nhân cơ hội kéo chàng vẽ một bức chân dung chung. Trong tranh, cô nương thẹn thùng nép mình bên lang quân tuấn tú dưới gốc bạch mai trắng muốt. Môi son răng ngọc, má hồng ửng, thế nhưng nhìn lại chẳng giống ta chút nào cả. Ngược lại, dáng vẻ chàng trong tranh lại sống động, thần thái dịu dàng mà si tình, ánh mắt như gửi gắm cả trời tâm tư về phía Vô Nhiêm. Lòng ta nhìn mà không khỏi bồi hồi rung động.

Ta vuốt nhẹ lên mi tâm chàng trong bức họa, vì ánh lửa hờ hững muốn thêu đốt bức tranh thành tro, nhưng chẳng cách nào lan ra được.

Hãy thôi đi chứ!

Dẫu có trăm nghìn cách phá hoại, ta vẫn là tân nương tử của chàng, điều này không ai có thể thay đổi.

Có điều thật kỳ lạ, mỗi khi bóng quế kia hiện diện thì Thương Vô Nhiêm lại chẳng thấy bóng dáng đâu. Cả hai tựa như hai luồng khí đối nghịch, chẳng thể giao hòa, cũng chẳng bao giờ va chạm trực tiếp. Giữa họ dường như tồn tại một sự xung đột âm thầm, một đối cực rõ rệt mà ta có thể nhìn ra từng dấu hiệu.

Tuy nhiên, trong sự đối lập ấy, Thương Vô Nhiêm dường như yếu thế hơn. Nguồn năng lượng nơi nàng ấy lúc chập chờn, lúc dị biến, nhưng không thể bao trùm như bóng quế, thứ vẫn lẩn khuất trong ánh hoàng hôn, đầy mạnh mẽ và áp đảo.

Liệu có cách nào khiến bọn họ đồng thời xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian không? Nếu nắm được điểm mấu chốt, biết đâu ta có thể lợi dụng tình thế này. Lúc đó sẽ gây nhiễu chập, vì thế ta có thể yên ắng được một thời gian ngắn ngủi.

Đúng là trong cái khốn khó lại ló ra cái khôn ngoan!

Dù sao, ta đã phát hiện một điều đặc biệt hơn nữa: trong viên ngọc thạch lựu, một trong hai đóa sen tịnh đế đã bắt đầu nở. Từng cánh mỏng xếp chồng, đan xen tầng lớp, đẹp đến nao lòng. Thế nhưng, những sợi tơ máu bao bọc xung quanh dường như đã trở nên yếu ớt, chẳng đủ sức nuôi dưỡng nó tiếp tục phát triển.

Trong bất chợt ta lại nảy sinh ra một ý nghĩ táo bạo. Có thể hay không, sử dụng máu của chính mình để làm vật dẫn nuôi dưỡng và thúc đẩy đóa hoa ấy trổ rộ?

Vì máu và nước mắt tuy cùng chảy từ thân thể, nhưng một là sinh lực nuôi dưỡng, một là nỗi đau thanh lọc. Máu tạo sự sống, để nước mắt chứng nghiệm. Cả hai gặp nhau ở nơi mạch nguồn nhưng rẽ lối: máu khơi dòng huyết thống, nước mắt khơi dòng nhân tính. Một bên nối đất, một bên vọng trời.

Thì sự sống vay mượn cũng chỉ là chấp nối, gắn kết cho một cuộc đời vừa bi thương vừa quyết liệt, là sự tàn phá ngấm ngầm của một linh hồn không chịu khuất phục. Một mối tương quan chứa đựng sự xung đột, tương phản nhưng lại luôn hàm chứa động lực biến đổi, và ẩn giấu khao khát đấu tranh.

Nhưng cũng không nên quá mạo hiểm, chỉ là thử nghiệm, chứ không nên lấy mình làm vật thế thân. Biết được trong đó còn chứa đựng huyền cơ nào đó, có thể giúp ta vượt qua những chướng ngại tạm thời của hiện tại. Một cơ hội vượt qua những chướng ngại trước mắt, để giành lấy hy vọng trong lúc thời gian dần cạn kiệt.

Chỉ mong sao có thể kiên trì lúc nào thì hay lúc đó, dù là đánh liều, thì chỉ cần một phần hy vọng nhỏ nhoi ta cũng lấy đó làm điểm tựa may mắn.

Chỉ cần có ta, có chàng, có chúng ta là đủ.

Trước mắt và sau lưng ta vĩnh viễn chỉ là một màn đêm hun hút. Nhất định sẽ không tẩy trắng chính mình, bởi vì ta vốn dĩ là một màu u ám. Không thể nhìn thấy, không thể biết trước, chỉ có thể dò dẫm, mò mẫm, từng bước dựa theo tiếng vọng mơ hồ của thân thương.

Chỉ còn ta và trơ trọi duy nhất một mình ta...

Làm sao cam lòng? Làm sao chịu đựng?

Ta nhất định phải tìm thấy lối ra, dù phải xé toạc bóng tối này bằng đôi tay rớm máu.

Đau, trái tim này của ta đau đớn quá!

Nó như muốn vỡ tung, như muốn ngừng đập giữa dòng cảm xúc xô dạt.

Cả thân thể ta cũng đã mệt mỏi, rệu rã đến cực hạn. Xương cốt như muốn gãy nát, từng hơi thở như bị ép đến nghẹn lại. Nhưng dù đau, dù kiệt sức, ta vẫn còn đây.

Khi mũi trâm bén nhọn xuyên qua đầu ngón tay, thì cơn đau nhói bùng lên như một tia sét nhỏ chạm đến tâm mạch. Nhưng ngay khoảnh khắc giọt máu đầu tiên nhỏ xuống, ngọc thạch lựu bất ngờ sáng lên. Là thứ ánh sáng xanh nhạt yếu ớt không ngừng dao động, tựa hơi thở mong manh đầu tiên của sinh mệnh, run rẩy trong hư không.

Nó không phải là thực thể vô tri, mà lại giống như một sinh vật non nớt, đang cầu xin ta bố thí, như thể máu của ta chính là dưỡng chất mà nó khao khát.

Máu đỏ tươi nhỏ từng giọt, những giọt máu đỏ tươi bị hút chậm rãi vào lớp ngọc sáng trong. Lớp ánh sáng mờ dần dần đậm hơn, từng đợt khí lưu trong ngọc thạch khuếch tán ra ngoài, tạo nên một vòng tròn linh lực bao quanh.

Ban đầu là cơn đau buốt chạy dọc kinh mạch, nhưng chẳng mấy chốc, ta cảm nhận được một luồng linh khí mát lành, nhẹ nhàng len lỏi qua từng tĩnh huyết, từng khớp xương, tựa dòng suối ngọt lành rửa trôi mọi tạp chất trong sa mạc khô cằn.

Không gian xung quanh trở nên mờ ảo, như thể bản thân đã bước vào một cõi giới khác. Từng dòng khí xanh ngọc vờn quanh cơ thể, chúng không ngừng uốn lượn như rồng nhỏ, kích thích kinh mạch nở rộng. Linh khí đậm đặc thúc đẩy các luồng khí hỗn loạn bên trong tan biến. Đan điền vốn kiệt quệ nay bắt đầu khởi động lại, những tia linh lực nhỏ bé dần ngưng tụ thành dòng, tràn ngập trong từng mạch máu.

Từng hơi thở trở nên sâu hơn, chậm rãi hơn.

Còn có thể cảm nhận được cánh cửa sinh mệnh một lần nữa mở ra, như thể sự sống đang tái sinh ngay trong khoảnh khắc này.

Mỗi giọt máu bị rút đi, ta cảm nhận cơ thể mình dần trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Mỗi lần hít thở, ta cảm nhận linh khí thanh tẩy đi bao nhiêu tạp chất, phiền não tích tụ.

Sẽ không còn là ta của những ngày hao gầy cạn kiệt...

Không còn đau đớn, không còn mệt mỏi...

Từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, đều trở nên mạnh mẽ hơn, đầy tràn sức sống mới. Như một đóa hoa nở rộ sau cơn mưa, ta cảm nhận nguồn năng lượng trong mình đang trào dâng, vượt lên khỏi mọi giới hạn...

Thế nhưng, ta lại không muốn để mình toại nguyện quá sớm.

Càng không chấp nhận thua thiệt.

Trong khoảnh khắc mà dòng năng lượng đang cuồn cuộn trào dâng ấy, ta bất chợt dừng lại.

Không phải vì sợ hãi hay vì nghi ngại điều gì.

Chỉ biết rằng nếu ta bước qua ranh giới này, sẽ chẳng còn đường quay lại. Một ranh giới mỏng manh, nhưng cũng đủ để khiến ta chần chừ.

Phải chăng là nỡ? Hay không nỡ?

Ta không rõ.

Hơi thở ta chậm lại, không còn dồn dập theo nhịp mạch tuôn trào.

Bàn tay ta khẽ run, nhưng chẳng phải vì mất sức, mà vì một sự bối rối lạ lùng.

Có điều gì đó níu giữ, không biết mình nên bay xa hay đậu lại nơi cành cũ?

Có cần thiết phải khai phá mọi điều, phá bỏ mọi giới hạn? Có cần thiết phải vươn tới tận cùng, để rồi chẳng còn gì giữ lại trong tay?

Cứ như thể dừng lại ở đây, để giữ lại một phần dang dở, một chút gì đó không trọn vẹn, mới là câu trả lời chân thực nhất mà ta hằng tìm kiếm.

Ta đã biết gì ư?

À, có lẽ là những gì vừa đủ để biết rằng mình chưa biết đủ. Không dám chắc mình đã hiểu tất cả, nhưng cũng chẳng hoàn toàn mù tịt.

Còn những sự thật nào đã biến ta thành con người thế này?

Chúng tựa như lá rơi trong cơn gió, có lá chạm đất, có lá mắc lại trên cành, chẳng ai đếm được tất cả, từng chiếc đều để lại dấu vết đâu đó trong không gian.

Nhưng nghĩ kỹ thì mọi thứ đều mơ hồ lắm.

Thời gian nào? Ở chốn đâu? Những người nào đã góp phần?

Thời gian là dòng chảy, chốn đâu là hư không, còn người thì đến rồi đi. Có lẽ là ở những khoảnh khắc nhỏ nhặt, ở những nơi chẳng ai để ý, và bởi những người mà ta đôi khi cũng không còn nhớ rõ.

Cũng bình thường như cách mọi thứ trong đời vẫn thế.

Chỉ vậy thôi!

------

"Đã đi đến đây, chẳng lẽ lại chỉ để dừng lại như một kẻ hèn nhát? Một kẻ tự huyễn hoặc rằng mình đang chờ thời cơ, nhưng thực chất chỉ là sợ phải đối mặt với chính mình? Ngươi nghĩ ngươi là ai? Một đấng cứu thế, hay chỉ là một kẻ đáng thương đang cố gắng tìm chút tự tôn trong sự hỗn loạn? Đừng tự tâng bốc mình."

Có tiếng cười vang lên, chế nhạo không chút thương tình. Là ai cười? Là ta hay chính ta?

Không còn gì để mất, nhưng cũng chẳng có gì đáng để thắng. Và thật mỉa mai thay, ngay cả khi chẳng còn gì, ta vẫn không thể cam lòng chấp nhận thất bại. Trò hề này, ta đóng vai chính, mà cũng chẳng thấy vui.

Một kẻ nực cười, không hơn, không kém.

Đúng, ta hận. Ta hận cái cách mà thế gian này quay lưng, như muốn nghiền nát, chế nhạo từng bước đi, cũng như muốn biến mọi cố gắng thành hư không. Nhưng đáng hận hơn cả, là chính ta. Hận chính bản thân mình, hận sự yếu đuối, hận cái ý nghĩ muốn dừng lại trong lúc đáng ra phải tiến lên.

Nếu đã phải căm hận, thì để căm hận đến tận cùng. Để lồng ngực này tràn ngập oán khí, để mỗi hơi thở là một lời nguyền. Đừng mong dừng lại, chỉ vì sợ hãi. Đừng mong buông bỏ, chỉ vì kiệt sức.

Ta sẽ không để bất kỳ kẻ nào thắng trong ván cờ này, ngay cả khi người cầm quân đã chẳng còn tin vào trò chơi. Vì ta đã vượt qua cái ngưỡng thỏa mãn dễ dàng, cái sự cam chịu của kẻ bạc nhược chỉ mong sống sót qua ngày. Chỉ là một ngày khác thôi, ta bước tiếp. Không hy vọng, không khát vọng. Chỉ vì ta không biết cách làm gì khác.

"Đừng nhìn nữa..."

Có người xuất hiện từ phía sau, không một lời báo trước. Bàn tay nhẹ nhàng đặt lên đôi mắt, kéo ta ra khỏi những suy nghĩ mông lung đang xoay vần trong đầu. Một thoáng tối tăm, nhưng lại cũng là một thứ ấm áp, như dòng nước ấm mơn man vào làn da lạnh giá.

"Chỉ cần cảm nhận thôi. Chưa tới lúc đâu, đừng vội. Cũng không cần phải vội tìm kiếm thứ gì. Mọi thứ đến rồi đi, mà cũng chẳng có gì đáng để gấp gáp."

Câu nói ấy lững lờ không mang nhiều hy vọng, nhưng lại là một lời nhắc nhở không hề ép buộc.

Không muốn nói gì, chỉ muốn cảm nhận hơi thở ở gần của đối phương.

Đã từng nghĩ rằng bản thân có thể bước qua mọi khó khăn một mình. Nhưng vào lúc này, khi bị vây quanh bởi sự hiện diện yên bình ấy, thì dù chỉ một khoảnh khắc được lắng dịu, được tựa vào ai đó, cũng đủ để vá lành những vết nứt vô hình.

Một cách an ủi mà không phải an ủi.

"Ngừng nghỉ đàng hoàng,

Cuối cùng, đầy đặn, chững chàng mới hay."

(敦 艮 之 吉 . 以 厚 終 也.) (quẻ Cấn)

Vì thì thầm những lời ấy trong lòng, tựa một lời tự nhắc nhở.

"Nàng có biết, khi bịt mắt một người, họ sẽ cảm nhận được thế giới rõ ràng hơn không?" Khi ta muốn gỡ tay xuống thì chàng lại nói. Ta ngừng lại, lặng nghe.

"Chỉ cần không bị phân tâm bởi những chi tiết vụn vặt, thì có thể thấy được những điều mà đôi mắt không thể nhìn thấy."

Ngẫm là vậy cũng không sai.

Ta bật cười, một tiếng cười khô khốc: "Chàng đến đây để làm gì?"

"Ta chỉ muốn gặp nàng trước khi nàng bước lên kiệu hoa. Nếu phải chờ đến ngày ấy, ta sợ mình không kiềm lòng được." Giọng nói người kia có chút nghẹn ngào, như thể bị người ta phụ rẫy. Tựa như nỗi lòng chất chứa bấy lâu bị dồn nén, lại thêm chút gì đó như... ấm ức.

"Gặp ta để làm gì? Để nói những lời ngọt ngào mà ngày hôm đó chàng sẽ lặp lại trước quan khách sao? Mười ngày nữa, chàng sẽ đứng nhìn ta bước lên kiệu hoa. Chàng sẽ mỉm cười, cúi đầu chúc phúc ta như bao người khác, đúng không?" Một tràng câu hỏi không biết là lời thẩm vấn, hay lời oán trách đến suốt bấy nhiêu năm. Sau cùng chỉ biết hỏi gặng: "Chàng không sợ điều tiếng sao? Người ngoài mà biết được..."

Người kia bật cười, đáp lại bằng một lời dứt khoác, chẳng xem mọi rào cản kia là gì: "Ta đến để lén gặp người cũ trước khi nàng bước lên kiệu hoa. Chuyện này mà để người khác biết, chắc ta sẽ bị mắng là không ra gì. Cứ để người ngoài có thể nói gì cũng được. Nhưng ta chỉ quan tâm nàng nghĩ thế nào."

"Người cũ? Người cũ nào lại có bản lĩnh khiến chàng phải nửa đêm nửa hôm lén lút thế này?"

"Nàng nghĩ xem, ai có thể xứng với danh phận ấy hơn nàng? Nếu không đến, lỡ mai mốt nàng lại bảo ta vô tâm, đến người cũ cũng không dám gặp, thì ta biết làm sao?" Tử Yên bật cười, tiếng cười trầm ấm, lãng đãng như gió xuân: "Ta đến đây, không phải để làm gì to tát, mà chỉ để nhìn nàng, nói với nàng vài lời từ đáy lòng."

"Chàng nói đi. Ta đang nghe."

"Ta muốn nàng biết, dù chưa bắt đầu, ta đã chọn nàng từ lâu." Lời nói của Tử Yên, đã bao hàm luôn tất cả mọi sự thật. Vì ngay từ đầu, người được chọn này, vẫn luôn được mọi ưu ái. Thế nhưng, lại khiến ta cảm thấy rất hụt hẫng, khi chính tai nghe thấy lời xác định: "Những lời này, chẳng phải dễ dàng nói ra với bất kỳ ai sao?"

"Không, chỉ với nàng, ta mới thấy mình thật lòng như thế. Nàng không cần tin ngay, nhưng sự thật vẫn là sự thật!" Chàng lập tức đáp.

Tin chứ, ta vẫn luôn tin tưởng chàng. Vì trong cục diện này, chỉ có ta mới thực sự giả dối. Nhưng đột nhiên bật cười nhạt nhẽo, pha chút mỉa mai: "Chàng biết không, nếu ta có thể nâng chàng lên trời cao, thì cũng đủ sức kéo chàng xuống vực sâu. Thế nên, đừng nói quá nhiều những lời đường mật!"

"Vậy thì ta nguyện leo lên trời cao, dù chỉ để một lần rơi xuống vực sâu, miễn là người kéo ta lên hay đẩy ta xuống vẫn là nàng." Giọng điệu đầy mê mẩn nhưng cũng quyết tâm.

Ta bĩu môi: "Chàng luôn giỏi nói những lời dễ nghe. Về đi tân lang, không được gặp tân nương trước lễ thành thân đâu!"

Một chút ủ rũ không tên, nửa như tự trào đáp lại: "Nàng có biết ta đã đứng dưới hiên bao lâu rồi không? Phải trèo tường, né tránh bao ánh mắt, thật chẳng dễ dàng gì. Nàng không thấy thương xót ta sao?"

"Không biết. Nhưng có lẽ đủ lâu để chàng tự thấy mình thật ngốc!"

"Bạn nhỏ chính là bạn xấu! Nàng thật đủ nhẫn tâm!" Tử Yên bật cười, tiếng cười giòn tan như thể được chọc đúng chỗ buồn cười nhất.

"Vậy chàng định làm gì đây, tân lang? Cứ đứng như vầy cho đến khi trời sáng sao? Được rồi, nếu chàng đã kiên quyết, ta sẽ cho chàng một cơ hội. Nhưng nếu đã gặp nhau, chàng không được để lộ mặt."

"Không đâu. Nàng nghĩ ta đến đây mà không chuẩn bị sao?" Chàng cười ranh mãnh. Một tiếng động sột soạt vang lên, rồi người kia buông tay đang che mắt.

Ta nhíu mày, cả hí mắt cũng không dám: "Đừng có giở trò!"

"Được rồi, được rồi." Chàng cười khùng khục, giọng điệu đầy vẻ trêu ngươi. "Nàng có thể nhìn, nhưng không thể thấy ta." Nói rồi, chàng cố tình banh to hai mắt ta ra.

"Chàng!" Ta cười gằn, nhưng không nhịn được mà phì cười. "Thế này mà không gọi là lộ mặt sao?!"

"Không lộ! Nàng nhìn xem, có phải ta rất tài tình không?" Chàng chớp mắt đầy vô tội, bộ dạng như một đứa trẻ vừa phá phách thành công.

Hơi nheo mắt, bản thân có cảm giác như đang đối diện với một kẻ vừa đáng ghét vừa thú vị: "Chàng chắc chắn mình không phải là diễn viên lén trốn khỏi gánh hát chứ? Cách chàng ra vẻ thật chẳng khác gì nhận một vai kịch mới!"

"Nếu nàng là khán giả duy nhất, ta nguyện diễn cả đời." Tử Yên mỉm cười sau lớp mặt nạ.

"Thôi đi, tân lang. Chàng nghĩ làm vậy thì ta sẽ cảm động sao? Nếu chàng chỉ định đến để làm ta cười, thì chàng thành công rồi đấy."

"Ta đến không phải để làm nàng cười, mà để làm nàng nhớ!"

"Nhớ? Chàng định dùng chiếc mặt nạ đó để làm ta nhớ sao? Nếu ngày cưới, ta lỡ quên mất khuôn mặt chàng, thì biết làm sao đây?"

"Không đâu. Ta chỉ muốn khiến nàng nhớ rằng, dù ngày mai nàng bước lên kiệu hoa, thì tối nay, ta đã ở đây trước tất cả. Nếu chỉ được gặp nàng qua màn che, ta cũng hài lòng. Vì khi nàng bước lên kiệu hoa, người đợi nàng dưới tấm màn ấy chính là ta!"

"Vậy chàng ở đó mà tự hào đi. Ta không định dành cả đêm để nghe chàng khoe khoang đâu!" Ta xoay người đứng lên, nhưng không bước đi, bởi vì bàn tay đã bị người níu lại. Chàng bật cười, tiếng cười vang lên như một lời trêu ghẹo: "Ta không cần khoe. Vì trong mắt nàng, ta biết mình đã thắng!"

"Thắng? Thắng cái gì?"

"Thắng tất cả những kẻ sẽ chỉ được nhìn nàng từ xa!"

Ta rút tay, giả vờ hung hăng hù dọa: "Chàng biết không, tân lang. Nếu cứ tiếp tục thế này, ta nghĩ mình nên lấy một cái khăn lớn hơn để bịt luôn miệng chàng lại."

"Nếu nàng làm thế, thì nàng sẽ không nghe được điều ta muốn nói nữa."

"Thôi được, nói nhanh đi, trước khi ta đổi ý."

"Ta chỉ muốn nàng biết, đêm nay trăng rất sáng!" Tử Yên nói, nhưng chính mình cũng tự ngượng mà phì cười.

Ta cắn môi, vì hình như đã hoàn toàn nằm gọn trong tay địch: "Được rồi, chàng thắng. Nhưng nhớ đấy, lần sau đừng lẻn vào đây nữa."

"Nếu ta không lẻn vào, nàng có nhớ ta không?" Đối phương hỏi.

"Nhớ chàng? Ta thà nhớ cái gió lạnh đầu xuân còn hơn. Còn chàng, không thấy việc lẻn vào đây giống một tên trộm sao? Có khi ta phải báo với gia nhân bắt giam chàng lại." Ta dối lòng đáp, bởi vì cũng từ có suy nghĩ, sẽ lén lút đi nhìn tân lang thêm một lần.

Tử Yên lại bước một bước nhỏ đến gần, nhưng vẫn giữ khoảng cách: "Nếu là trộm, thì ta cũng là tên trộm trung thực nhất. Ta chỉ trộm vài phút của nàng, không lấy gì hơn."

"Thật không? Ta thấy chàng đang trộm cả thời gian quý báu của ta để nghỉ ngơi."

"Nàng nói vậy, ta lại cảm thấy mình chẳng trộm được gì cả. Có lẽ ta phải trộm thêm chút kiên nhẫn của nàng để nghe ta nói tiếp."

"Kiên nhẫn?" Ta nheo mắt nhìn về hướng chàng, dù không thể thấy qua chiếc mặt nạ. "Chàng nghĩ ta có bao nhiêu kiên nhẫn để dành cho một người cứ đứng đó nói những điều lảm nhảm như chàng?"

"Nếu không có, thì đêm nay nàng đã không cho ta cơ hội đứng đây."

Ta cắn môi, không tìm được lời phản bác. Cuối cùng chỉ hừ một tiếng: "Chàng lẻn vào đây chỉ để đấu khẩu với ta thôi sao?"

"Đúng vậy. Vì ta biết, nếu không thế, ta làm sao có thể thấy nàng đôi lúc bối rối thế này?"

"Bối rối? Chàng đang tưởng tượng điều gì đấy!"

"Được rồi, ta sẽ không làm phiền nàng nữa. Nhưng trước khi đi..." Chàng bất ngờ cúi xuống, nhặt một bông hoa nhỏ rơi trên nền đất. Chàng đặt bông hoa lên tay ta một cách chậm rãi. "Hãy giữ nó như một lời nhắc, rằng ta đã ở đây, và ta sẽ luôn ở đây, dù nàng có nhớ hay quên." Ta nhìn bông hoa nhỏ trong tay, ngẩng lên thì bóng chàng đã biến mất sau màn đêm.

"Tử Yên..." Ta gọi khẽ, nhưng chỉ còn tiếng gió đáp lời.

"Lẻn đi lén lại như thế, chàng thật đúng là..." Ta thở dài, nửa trách móc, nửa bất giác nở một nụ cười.

Trời đêm nay tĩnh mịch lạ thường, như thể mọi thanh âm của nhân gian đều bị tấm màn đen đặc nuốt trọn. Những ngôi sao nhỏ bé rải rác khắp bầu trời, lấp lánh như những hạt bụi kim loại bị mắc kẹt giữa hai bờ thời gian. Ánh trăng treo lơ lửng trên cao, mờ ảo như một chiếc gương cũ phủ bụi, không rực rỡ nhưng cũng chẳng hề lu mờ, chỉ đủ soi rõ từng nét u hoài trên vạn vật. Trong tầm mắt, ánh đèn lồng nơi nguyệt môn hắt ra một quầng sáng nhỏ bé, lập lòe, lay động theo nhịp khác thường. Một đêm mà người ta vừa muốn trầm mặc suy tư, lại vừa cảm thấy lòng mình bị kéo xuống bởi sự tầm thường của những gì đang hiện hữu.

Trần gian và thiên giới, cao xa và bình phàm, tất cả hòa quyện vào nhau trong cái tĩnh lặng đầy mâu thuẫn ấy. Khiến ta nhận ra rằng, dù có huyền cơ đến đâu, đêm nay cũng chỉ là một phần của cõi trần gian.

------

Bảy ngày trước hôn lễ.

Ngô Thập Nhị đến gặp ta, cùng đi với y là Khương lang, để chúc mừng ta sắp sửa trở thành tân nương. Khương lang nói với ta lời xin lỗi vì đã hồ đồ, thú nhận đã tùy tiện gán ghép bừa bãi, chỉ vì không biết được ta đã có hôn phu.

Cuộc gặp gỡ hôm đó diễn ra trong không khí bình yên, không có sự căng thẳng hay lo lắng nào, chỉ có ba người ngồi lại với nhau trên chiếc bàn trà nhỏ, giữa ánh sáng nhàn nhạt của buổi chiều tà.

Khương lang là người khuấy động không khí, không ngừng kể những câu chuyện hóm hỉnh, đôi khi đùa cợt đôi chút để làm dịu đi sự im lặng có phần nặng nề. Nhưng lại không hề hay biết đến những cảm xúc phức tạp đang lẩn khuất giữa ta và Ngô Thập Nhị.

Ta ngồi đó, giữ lễ mực thước, lắng nghe một cách chân thành. Cứ như vậy, ta cảm thấy trong lòng mình nhẹ đi một chút, chỉ để rồi sau đó nhận ra sự bâng khuâng kéo đến. Bởi lẽ, sự trầm lặng của Ngô Thập Nhị càng nổi bật.

Im lặng nhưng không phải là im lặng của sự xa cách hay lạnh lùng.

Tuy nhiên, ánh nhìn đối với ta lại là cái nhìn dạt dào tình cảm. Một chút tiếc nuối, một chút nhẹ nhõm, quyến luyến mà vẫn mang theo vẻ chân thành. Sự mâu thuẫn trong lòng chính là giữa một tình cảm chưa thể định hình và những trách nhiệm không thể bỏ lại.

Nói không phải, quả thật nó đối với ta rất khiên cưỡng. Ta biết y muốn nói nhiều hơn, nhưng những lời đó chẳng thể thành tiếng.

Giữa hai người có những điều đã không thể cứu vãn. Chuyện của Thái gia, chuyện của Lương Sảo và Lương Minh Kha, của Hiển ông chúa, tất cả đều là những mắt xích không thể gỡ bỏ. Một khi những sự thật phơi bày thì chính là lúc những vết thương không thể hàn gắn, không còn gì đáng để nói thêm.

Cuối cùng, y cúi đầu, giọng nói bình thản nhưng lại vang lên tựa một lời tiễn biệt: "Ta chúc mừng nàng, tân nương." Không một lời xin lỗi, không một lời giải thích. Chỉ vỏn vẹn câu chúc mừng, nhưng lại tựa như ngàn lời giã biệt.

Ta lặng lẽ gật đầu, không đáp. Dẫu có chân thành đến đâu, lời xin lỗi cũng chẳng thể thay đổi được những gì đã xảy ra.

Khương lang không hay biết gì, vẫn tiếp tục nói về những chuyện cũ, như thể đó là một câu chuyện không có hồi kết. Cuối cùng, khi cuộc nói chuyện dần đi vào im lặng, cả ba đều hiểu những gì đang diễn ra. Ta nhìn theo bóng hai người họ rời đi.

Thế là hết. Những gì nên buông bỏ, cũng đã buông. Những gì nên giữ lại, nhất định sẽ trân trọng.

Về phần Ngô Thập Nhị, ta chỉ hy vọng rằng y sẽ tìm thấy một tình cảm đủ rõ ràng, để không còn phải phân vân, không còn phải lẩn tránh.

------

Năm ngày trước hôn lễ, Hoài Chiêu mang đến cho ta một tin vui đầy phấn khích, khiến lòng ta không khỏi nhảy cẫng lên. Hắn bảo rằng mọi việc ta mong muốn đã gần như được giải quyết xong xuôi, và nay hắn rảnh rang để tạm gác lại mọi trách nhiệm mà chu du sơn thủy, tận hưởng cuộc đời.

Ta vui mừng như vậy, nhưng Hoài Chiêu lại cứ nhìn ta, như thể đang quan sát một con thú lạ trong rừng. Hắn biết rõ trong ta có một thứ mà trước giờ chỉ có hắn mới có thể nhận ra. Và rồi, như thể một bản năng của người trong nghề, hắn hỏi ta có muốn giải quyết nó hay không.

Dù có chút khó khăn, hắn bảo, nhưng đạo hạnh của hắn hoàn toàn có thể giúp ta tháo gỡ. Tuy nhiên, ta chỉ bình thản đáp rằng mình đã biết cách áp chế rồi, và chẳng cần tới sự can thiệp của hắn.

Câu trả lời của ta khiến hắn thở dài. Cái thở dài đó, thật lạ, vì chưa từng thấy hắn biểu lộ vẻ mặt đầy bất đắc dĩ như vậy. Hoài Chiêu tựa như một người đầy tớ hết lòng cung phụng vị chủ cả cứng nhắc, cứ cố gắng giúp đỡ mà chẳng bao giờ nhận lại gì.

Ta liền nói lời cảm ơn, cảm ơn tất cả những điều hắn đã làm trong suốt thời gian dài qua. Hoài Chiêu thì lại nhìn ta, ánh mắt như muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Sau đó, hắn mở miệng, bảo rằng ta không giống như Kiêu Quân mà hắn từng quen.

Quen là như thế nào?

Hắn cười nhạt, đáp rằng ta vẫn luôn kiêu ngạo, cao ngạo đến mức hắn chẳng dám gọi ta là Kiêu Quân như xưa nữa. Bởi sự ngạo mạn ấy đã định sẵn rằng, hắn chỉ có thể phục tùng mà không dám đòi hỏi điều gì.

Nghe đến đây, ta chợt nhớ ra món quà mà hôn phu của ta đã tặng hắn trước đó, liền hỏi thăm xem nó có vừa ý hắn hay không. Hắn liền đáp, trong hộp gấm chỉ có hai hòn đá đánh lửa.

Bởi vì chàng ghen tuông, muốn để hắn tự giữ lửa cho chính mình. Nhưng nào nghĩ rằng, chính người này sẽ là kẻ phóng hỏa.

Ta buồn cười nhìn Hoài Chiêu. Cái người này lại mạnh miệng, bảo nếu ta bị ép buộc hãy ra tín hiệu giải cứu. Nếu ta muốn đào hôn, hắn sẽ đưa ta đi đến một nơi để không ai phát hiện ra tung tích.

Hắn quả thực là một người có tấm lòng rộng mở, nhưng mà, mai danh ẩn tích thì không phải là phong cách của ta. Ta liền từ chối, còn hắn lại có vẻ thất vọng, như thể bị mất đi một trò chơi thú vị.

"Vậy thì, ta sẽ dẫn hoa khôi mới của Mãn Phong Đường đến phá hôn phòng của ngài."

"Thật sao? Mãn Phong Đường mới có hoa khôi nào sao?"

Hoài Chiêu chỉ nhìn ta một lúc rồi nhún vai, trả lời bằng một cái nhìn sâu sắc: "Nếu không sợ bị phá hôn phòng, vậy ta sẽ cho ngài thấy cả thế giới này không thiếu những điều thú vị. Ta luôn sẵn sàng đóng vai kẻ phá hỏng."

"Phá hỏng à? Nếu ngài làm vậy, ta sợ sẽ làm ngài mất hết thanh danh đấy."

"Nếu danh tiếng của ta được định nghĩa bởi những câu chuyện như thế, thì ta chẳng ngại một chút nào. Chỉ cần ngài thấy vui, thì ta sẽ để cả thế giới biết Hoài Chiêu này đáng để làm người nổi tiếng."

"Nói thế thì, ta cũng đành ngậm ngùi chấp nhận vậy. Cứ tự do đi, Hoài Chiêu. Đừng để thế giới vui mừng quá sớm. Có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ phải tìm một người làm tôi tớ để quét dọn hậu quả cho ngài đó."

Cái người này, dù trong bất kỳ tình huống nào, luôn biết cách làm cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng, nhưng bên trong là những lời thật thà mà không phải ai cũng nhận ra.

------

Thời khắc đếm ngược, chỉ còn lại ba ngày. Không nhanh, không chậm, nhưng đủ làm cho ta thổn thức. Đến đứng ngồi chẳng yên. Cảm giác này thật có chút chông chênh.

Ba ngày này ta phải làm gì đây?

Trước kia, Hồng Hạnh đã làm gì nhỉ?

À, là làm đẹp.

Chẳng phải ai cũng mong mình trở thành tân nương xinh đẹp nhất sao?

Nhưng trước giờ ta vẫn không nghĩ rằng bản thân mình đủ xinh đẹp. Làn da không trắng như mây, đôi mắt không to tròn như những mỹ nhân trong tranh vẽ. Tóc ta không dài như mơ ước, mà chỉ vừa đủ để bới lên một cách đơn giản.

Dù thế, ta biết cái đẹp không chỉ là hình thức bên ngoài.

Có những lúc ta ngồi trước gương, đưa tay vuốt nhẹ làn tóc, tự hỏi liệu mình đã làm đủ chưa. Nhưng không, rồi ta lại mỉm cười với chính mình. Cảm giác này không phải là sự hoài nghi, mà là sự khẳng định. Mình đã làm tất cả những gì có thể, mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo.

Chẳng phải mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng hay sao?

Và lúc này đây, nhìn mẹ và các tỷ muội quây quần bên, mỗi người một lời, một cử chỉ, không phải chỉ là về một lớp phấn son, một lớp chải chuốt. Dù có bận rộn, họ vẫn không quên hỏi han, lo lắng từng chi tiết nhỏ.

Mẹ bảo ta phải giữ gìn sức khỏe, đừng thức khuya. Hồng Hạnh lại nhắc nhở ta phải cười nhiều hơn, vì "nụ cười là điều làm đẹp nhất". Người thì mang đến một lọ dưỡng da, người thì nhắc nhở ta cách giữ dáng cho thon gọn. Có người còn chuẩn bị cho ta một bộ quần áo thoải mái để mặc trước khi đi ngủ, bảo rằng giấc ngủ đẹp sẽ mang lại làn da rạng rỡ.

Họ quan tâm, lo lắng, nhưng lại không hề ép buộc. Chỉ muốn ta có được những gì tốt đẹp nhất, nhưng không bao giờ để ta cảm thấy bị áp lực.

Đúng như vậy, đôi khi vẻ ngoài cũng không thể bỏ qua, vì chính nó là sự tôn trọng cho bản thân và cho những người xung quanh. Mỗi nếp áo chỉnh tề, mỗi lọn tóc ngay ngắn, mỗi nụ cười được giữ vững đều có nghĩa biết chấp nhận chính mình.

Nói là ba ngày, nhưng như đã kéo dài cả một thế kỷ.

Lúc thì náo nhiệt, khi lại chỉ có ta và đêm dài.

Ba ngày nữa, cuộc sống của ta sẽ đổi thay. Nhưng, cho dù có bao nhiêu ngày nữa, ta vẫn sẽ là chính ta.

------

Lại một ngày nữa trôi qua cận kề ngày cưới, cảm giác hồi hộp càng lúc càng tăng dần đều. Cái cảm giác ấy, vừa như một mũi dao nhỏ chọc vào tim, lại vừa không có gì đáng để bận tâm.

Mấy ngày này, ta đã gặp đủ loại người, có người quen, có người xa lạ, mỗi người đều mang theo một chút tự kiêu, tự cao không hề che giấu. Có những kẻ tự xưng là chiến hữu của ngoại tổ tỷ, thế mà khi gặp ta lại tỏ ra như thể đang vinh dự lắm khi được đứng trước cháu gái bà ấy. Có những kẻ còn tự nhận là hoàng thân quốc thích, trịnh trọng khẳng định mình có đủ mối quan hệ để giúp đỡ ta trong tương lai. Họ mang đến cho ta đủ loại hãnh diện, như cái cách mà họ đã từng khinh miệt Miên công trước đây.

Cái kiểu khoe khoang đầy thói đời ấy khiến ta chỉ muốn cười khẩy, chẳng phải vì không thấy được giá trị của những lời nói đó, mà vì biết rõ, tất cả chỉ là những mảnh vỡ của lòng kiêu ngạo, những người như vậy tự cho mình quyền quyết định tất cả, nhưng thực ra chẳng có ai quyền gì. Dẫu vậy, không thể không nhận rằng, họ cũng có một lý do, vì một đạo thánh chỉ của Tuyên Minh hoàng đế ban cho ta.

Đạo thánh chỉ ấy chẳng qua chỉ là một mảnh giấy, ghi những lời có vẻ trang trọng, nhưng có ý nghĩa gì đâu? Chỉ bao gồm một chữ "nghiêm" (嚴) trong đó, tuyên cáo cho mọi người thấy quyền lực của hoàng gia.

Người ngoài tất nhiên sẽ ngợi khen, họ sẽ không bao giờ biết rằng ta chẳng hề bận tâm đến. Hoàng đế ban thánh chỉ, thì sao chứ? Nó chỉ là sự bắt buộc mà ta phải tiếp nhận, không hơn không kém.

Từ ngoài nhìn vào, chỉ là một mảnh giấy mang theo vết mực đen phủ kín, nhưng nội dung bên trong lại không phải là điều mà ai cũng ngờ tới. Không phải phong sắc, không phải vinh danh, mà lại chứa đựng một thứ mang tính chất kỳ lạ, chưa từng có tiền lệ.

Nội dung này, nếu xét theo lẽ thường, có vẻ như một món quà triều đình dành cho một công thần vĩ đại, nhưng lại mang hàm ý vô cùng kỳ lạ, như thể hoàng đế đang ban cho một người bình thường một tấm thẻ quyền lực cao cấp mà chẳng cần phải qua những thủ tục hay lễ nghi long trọng.

Để xóa tan mọi hiểu lầm và tránh hủy hoại danh tiếng của Miên công, hoàng đế đã ra chỉ dụ một cách kín đáo, không công bố công khai, chỉ qua một khẩu dụ nội bộ được truyền lại từ tay hoạn quan, như là một dấu ấn của sự ân xá đặc biệt.

Khẩu dụ này không đề cập rõ ràng vào nội dung hay chi tiết, mà chỉ truyền đạt qua những câu nói ngắn gọn, không thể hiểu hết ngay lập tức nhưng lại mang sức nặng quan trọng: "Chỉ có bóng tối mới thấu hiểu ánh sáng. Mọi nỗi khuất tất tạm thời đều sẽ được hóa giải khi thời cơ đến, để không ai phải chịu thêm bất kỳ gánh nặng nào nữa. Trẫm chúc phúc cho đôi uyên ương, mong rằng tình yêu của các ngươi sẽ luôn sáng ngời, vượt qua mọi thử thách. Từ nay, hai ngươi sẽ là chỗ dựa vững chãi cho nhau, cùng nhau vun đắp một tương lai hạnh phúc. Chúc phúc cho hôn nhân này, mong rằng đôi lứa sống trọn vẹn, an vui, bình yên mãi mãi."

Hoàng đế, bậc quân vương chí tôn ngự đỉnh cửu trùng, đã lựa chọn một cách thức đầy tế nhị để khôi phục hay vớt vát chút danh dự từng bị vùi dập bởi lòng kiêu căng và định kiến. Cho cùng, lời giải oán muộn màng như tàn quang cuối ngày dành cho sự oan khiên có cần thiết nữa hay không? Dù công lý vẫn còn tồn tại, thì sự trung thành và khí tiết nào còn nghĩa lí chi. Những điều từng được đặt lên trên cả sinh mệnh, đến giờ đây chỉ còn như tro tàn trong lò lửa đã tắt.

Không ai ngoài ta biết rằng, lời khẳng định đó chỉ là một lời thực hiện ước định của cố nhân. Có lẽ trong vạt áo long bào kia, phải chăng cũng ẩn giấu bóng dáng của lòng trắc ẩn từng bị vùi dập bởi những mưu cầu thấp hèn của kẻ phàm tục quyền thế?

"Ánh mây rực nhớ lời hẹn cũ, hoàng hôn đợi đến lúc tròn kỳ."

(流霞憶舊約,夕照盼成期)

------

Chiều nay, không khí trong phủ như được phủ thêm một lớp sinh khí mới. Nhà trên, nhà dưới đều nhộn nhịp, kẻ tới người lui, ai nấy tất bật. Tiếng thoi đưa trong nhà dưới đã im bặt, thay vào đó là những bước chân rộn ràng của các thị nữ bưng khay trà, đĩa bánh dâng lên bề trên. Mùi chè hoa cau ngọt dịu quyện cùng hương trầm thơm thoang thoảng, lặng lẽ len lỏi qua từng gian phòng, khiến lòng người thư thái giữa sự hối hả của ngày trọng đại.

Mặt trời trên cao chiếu rọi ánh nắng rực rỡ qua những tán cây cổ thụ, hắt lên những chiếc đèn lồng đỏ được treo cao đang đung đưa, từ đó lại len lỏi qua khung cửa khảm hoa văn trong khuê phòng, phản chiếu lên gương đồng bóng loáng, soi rõ hình ảnh tân nương đang chuẩn bị.

Chiều nay là ngày cuối cùng của ta ở nhà với thân phận là sương nữ (霜女), ý chỉ thiếu nữ như hoa mai, còn thuộc về gia đình của cha mẹ.

Ta ngồi ngay ngắn trên sập, xung quanh là các tỷ muội thân thiết. Tiếng nói cười rôm rả xen lẫn những lời trêu đùa. Ai nấy đều muốn tranh nhau sửa soạn cho tân nương. Thế nên tứ tỷ tinh nghịch bèn chấm một chút phấn hồng đặt lên má ta, khiến cả đám cười nghiêng ngả: "Ngày mai phải khiến chàng rể ngơ ngẩn ngắm mãi không rời mắt mới được!"

Mẹ ngồi bên, vừa thoăn thoắt tết lại mái tóc dài đen óng ả, vừa ân cần dặn dò từng nghi lễ, từng quy tắc cần ghi nhớ khi về nhà chồng. Giọng nói dịu dàng như hòa cùng tiếng thở dài, mang theo cả tình thương lẫn nỗi bịn rịn, day dứt của một người mẹ chuẩn bị gả con.

Ở giữa phòng, nội tổ mẫu cùng các thẩm thẩm đang tỉ mỉ kiểm tra lại lần cuối các món đồ sính lễ và của hồi môn. Những chiếc rương gỗ nặng trĩu được bày biện ngay ngắn, từng món bên trong đều được gói ghém cẩn thận bằng lớp vải lụa mượt mà. Chưa kể đến những rương đang nằm ở ngoài sân, danh sách dày đến mức như kim sách, đóng thành 6 tờ, mỗi tờ dài 5 tấc 3 phân, rộng 3 tấc 5 phân.

Nào phải gả con gái, mà chính là đang dọn sạch sẽ kho của cải gia đình!

Nội tổ mẫu vừa ngắm nghía vừa gật gù, sự hài lòng hiện lên rõ rệt.

"Xem ra mọi thứ đã đâu vào đấy cả rồi!" Người hiền từ cười nói nhưng không giấu được chút lưu luyến.

Trong góc phòng, con gái của Bát đường ca, chừng năm tuổi, tíu tít nghịch ngợm. Bàn tay nhỏ bé của nó lật qua lật lại một chiếc khăn tay thêu chỉ vàng tinh xảo, rồi ngước đôi mắt tròn xoe lên hỏi: "Ngũ thẩm, khăn này là khăn cô cô sẽ dùng khi cưới phải không ạ?"

"Phải rồi, nhưng khăn này chỉ được mở khi lễ cưới hoàn tất thôi!"

"Vậy Lục cô phải làm tân nương thật xinh đẹp nhé!"

Lời nó vừa dứt, một đứa trẻ khác, lớn hơn một chút, liền cười lớn và hô vang: "Đúng vậy! Ngày mai tân nương là tiên nữ đẹp nhất!" Lời nói ấy khiến mọi người xung quanh cũng phải phụ họa bằng những tiếng cười sảng khoái. Rồi nó kéo tay đứa bé kia nhanh chóng gia nhập đám trẻ, kéo nhau chạy nhảy khắp sân, cũng nhanh chóng bị cuốn vào trò chơi mới.

Ở sân ngoài, các em bé trong nhà lẫn hàng xóm tụ tập, chơi đùa bên dàn trống được xếp ngay ngắn. Những chiếc trống này vốn dùng để góp vui cho lễ rước dâu ngày mai, giờ đã trở thành trò chơi ưa thích của bọn trẻ. Tiếng trống bập bùng vang lên theo những nhịp đập vụng về, hòa cùng tiếng cười trong trẻo lan tỏa khắp sân. Mấy đứa lớn thì giả làm nhạc trưởng, hò hét chỉ huy dàn nhạc hỗn loạn, trong khi mấy bé nhỏ hơn chỉ mải mê vỗ trống, khiến cả sân nhà rộn rã như ngày hội sớm.

Bên ngoài, gia đình lúc này đã bày mâm cỗ Vu Quy (于歸) cho cả họ nhà gái chung vui, vì đây là ngày là lễ cáo bái ở nhà gái để tân nương ra đi lấy chồng, diễn ra trước một ngày so với lễ Thành Hôn (昏禮).

(*) Gái lấy chồng gọi là vu quy, trai lấy vợ gọi là hoàn thú.

Nghe Hồng Xuân nói ở bên nhà trai cũng rộn ràng không kém. Tiệc nhậu nhẹt đã bắt đầu từ trưa, những món thịt quay, rượu ngon bày la liệt trên bàn. Tiếng cười nói, tiếng hò reo, tiếng ly chạm nhau vang vọng khắp sân, thỉnh thoảng lại có ai đó bày trò trêu ghẹo tân lang, khiến chàng cười đỏ cả mặt. Chẳng ai nói ra, nhưng ai cũng biết, đây chính là cách giúp chàng giảm bớt căng thẳng.

------

Cuối cùng, ngày đại hôn cũng đã đến. Nhưng thú thật, đêm qua ta đã trằn trọc mãi, không sao chợp mắt được. Cho đến chiều nay, khi mặt trăng xuất hiện trên vầng trời xanh lam thì càng thêm thổn thức.

Trong khuê phòng thoang thoảng hương lá bưởi vừa đun sôi, người qua lại, tiếng bước chân vang dội. Ta ngồi trước gương đồng, ánh sáng phản chiếu gương mặt hơi căng thẳng của mình. Bên cạnh là người "Toàn Phúc" được mời đến.

(*) Tức lục thân đều còn đủ, nhi nữ mãn đường. Lục thân bao gồm: cha, mẹ, anh (chị), em, vợ (chồng), con.

Đó là nhị thẩm của ta, cùng với đôi bàn tay khéo léo đang chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Ban đầu, nhị thẩm dùng sợi chỉ mảnh se đi lớp lông tơ trên mặt để làm da láng mịn. Nhưng có chút đau nhẹ, tuy vậy cũng không hề khó chịu mấy. Tiếp theo là vẽ lông mày cong như vầng trăng, điểm chút son đỏ mọng, gương mặt hồng hào nhờ phấn mịn phủ đều. Trước mắt không còn là một thiếu nữ ngày thường mà là một tân nương rực rỡ, chuẩn bị bước vào cuộc sống mới với một niềm hân hoan khó tả. Rồi cuối cùng là vấn tóc.

Tục lệ chải tóc vừa là nghi thức, vừa là lời cầu mong cho tương lai.

Đèn trong phòng thắp sáng suốt buổi, đủ để xua tan bóng tối, cũng như để mọi điều tốt lành được soi rõ. Ta biết, bên nhà trai, nghi thức này cũng đang diễn ra, chỉ sớm hơn nửa giờ.

Trước khi bắt đầu, phải tắm gội sạch sẽ. Lá bưởi được ngâm trong nước ấm, người Toàn Phúc cẩn thận dội từng gáo nước lên, gột sạch mọi bụi bẩn và lo toan. Sau khi thay bộ đồ lót và áo ngủ mới, mới ngồi xuống, quay mặt về phía ánh trăng, nhờ người mệnh tốt chải đầu.

Nhị thẩm cầm chiếc lược mới toanh làm bằng gỗ thơm, vừa chải tóc vừa cất lên lời hát Thập Sơ Ca (十梳歌):

"Một chải đến đuôi.

Hai chải cô nương của chúng ta tóc bạc còn cử án tề mi.

Ba chải cô nương con cháu đầy nhà.

Bốn chải chồng cô may mắn, ra đường gặp quý nhân.

Năm chải con cái thi đỗ về đón mẹ, phú quý giàu sang không thiếu loại nào.

Sáu chải thân bằng tới chúc phúc.

Bảy chải Thất tiên nữ xuống trần gả Đổng Vĩnh, bắc cầu Hỷ Thước đến gặp nhau.

Tám chải Bát Tiên tới mừng thọ, cả đời phúc lộc an khang.

Chín chải cửu tử liên hoàn loại nào cũng có.

Mười chải vợ chồng bên nhau tới bạc đầu."

Chia tóc thành từng phần, rồi xoắn nhẹ, cuộn gọn gàng phía sau đầu, cài thêm trâm và đội mũ phượng. Tân nương đầu tóc quấn thành búi, tỏ đã gả làm thê tử người vào thời trưởng thành.

Dưới ánh nến lung linh, ta khoác lên mình bộ hỷ phục đặc biệt.

Áo lục điều với phần cổ tròn được thêu viền tỉ mỉ nổi bật với hoạ tiết cầu kì, phần tay áo thụng dài chạm đất, viền tay rộng thêu hoa. Chất liệu vân thưa mềm mại, thoáng mát. Màu chủ đạo là xanh chàm, tựa như màu xanh của rêu phong. Nhưng điều làm bộ trang phục trở nên nổi bật chính là lớp lót bên trong màu đỏ thắm ẩn hiện tựa như lửa ấm trong tim, hoà quyện với sắc xanh lạnh tạo thành một gam màu tím bí ẩn. Phần váy dài bên dưới được may xếp lớp, tạo hiệu ứng bồng bềnh nhẹ nhàng, xoè rộng ra ở chân. Khi bước đi, từng nếp váy chuyển động như sóng nước lấp lánh dưới ánh sáng, tạo nên vẻ đẹp khó cưỡng.

Chiếc khăn voan mỏng nhẹ phủ đầu, thêu những sợi chỉ vàng tạo hình mây vờn quanh cánh phượng, tôn lên vẻ yêu kiều và bí ẩn của tân nương. Khi chiếc khăn ấy buông xuống, ta mường tượng khuôn mặt mình ẩn hiện như một bức tranh thủy mặc hòa quyện giữa sắc thái nhẹ nhàng và kiêu sa.

Tất cả đã hoàn tất. Vầng trăng ngoài cửa sổ dần sáng tỏ, thời gian đích thực đã đến hạn. Chợt nhận ra lòng bàn tay đã ướt mồ hôi từ lúc nào khi nghe thấy tiếng hối hả báo tin: "Tân lang đã đến đầu ngõ rồi!"

------

Tản mạn sáng, khí trời mát mẻ, đất đai ẩm ướt bắt đầu ráo lại sau cơn mưa đêm. Đến giờ Thìn, trong phủ bắt đầu cử hành nghi lễ tẩy trần. Nước thơm được rót vào chậu bạc, tân nương rửa tay sạch sẽ. Sau đó là nghi thức dâng hương và lễ bái tổ tiên.

Khách khứa dần kéo đến từ khi mặt trời còn chưa lên đến đỉnh đầu, mỗi nhóm người mang theo món quà riêng, tươi cười trao tay, cùng mỗi lời chúc nồng hậu lại càng khiến không khí thêm náo nhiệt.

Đến chiều, khi ánh mặt trời ngả bóng xuống, không khí trong phủ vẫn không có dấu hiệu dịu lại, trái lại, càng thêm phần hứng khởi. Mọi người tụ tập lại dưới mái hiên, những tiếng trống, chiêng vang lên rộn ràng báo hiệu lễ nghênh thân sắp bắt đầu. Đúng hơn, tâm trạng trong phủ lúc bấy giờ chính là như vậy: vừa vui mừng vừa bịn rịn. Vì theo《Lễ Ký》ghi lại, rằng: "Nhà sắp gả con gái, ba đêm không tắt đuốc, bởi ưu tư sắp phải biệt ly".

Cùng lúc này, tân nương đang thực hiện nghi thức vấn tóc.

Chạng vạng, đoàn nghênh thú từ nhà trai bắt đầu khởi hành. Khi xuất hành đến nhà gái, tân lang cần thắp hương vái lạy trước bàn thờ tổ tiên rồi đi trước, tiếp đến là hai cô đón dâu và cuối cùng là ông mối. Bởi theo quan niệm đôi vợ chồng trẻ có hạnh phúc giàu có hay không phụ thuộc rất nhiều vào ông mối.

Lúc đi phải chọn giờ hoàng đạo, còn chọn ra một vị đại thúc dễ tính ra đón ngõ trước. Canh giờ đã đến, đội ngũ nghênh thú xuất phát, trước khi xuất phát đốt pháo trúc lần đầu, dọa lui ác quỷ tà thần muốn cướp tân nhân. Khi đi thì reo ầm lên là gặp nhà trai, để cho mọi việc được mau mắn thuận lợi. Cả khu phố bắt đầu xôn xao, tiếng bước chân, tiếng nói cười, tiếng cỗ xe lộc cộc vang lên trên con đường đá nhỏ. Cỗ xe kéo bởi bốn con ngựa mạnh mẽ, phủ đệm đỏ thắm, yên cương lóng lánh, từ xa đã nhìn thấy ánh đèn trên xe như những vì sao chực sáng trên bầu trời đêm. Lúc đầu chỉ là một bóng dáng nhỏ, nhưng càng lúc càng nhiều người kéo đến, dần dần tạo thành một đoàn rước lớn.

Bên nhà trai cũng có một người đàn ông có gia đình yêm ấm, con cháu đề huề cầm bó hương đi trước đoàn, rồi mới tới người dẫn lễ, kẻ đội mâm cau, người khiên lợn rượu,... Cùng với đoàn xe, đội ngũ tân lang bao gồm các huynh đệ, bạn bè thân thích của nhà trai đi bộ theo sau, đều mặc áo lễ, đầu đội mũ quan, tay cầm đèn lồng đỏ thắm, rực sáng cả một cung đường, giống hệt ban ngày.

Tiếng trống rộn ràng báo hiệu cho mọi người biết đoàn nhà trai đã đến gần. Trước khi cỗ xe dừng lại, tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng trầm bổng từ trong phủ vọng ra. Người trong phủ chuẩn bị đón tiếp tân lang, từ các bậc trưởng thượng như phụ huynh, thúc bá, đến huynh đệ, thân hữu và những người làm của tân nương đều chỉnh tề, đứng xếp hàng ngay ngắn.

Ngay tại cổng có tục "chăng dây chặn đường" được bày ra để thử thách. Những em nhỏ trong y phục đỏ, má phúng phính, trước tiên báo nhà trai đến rồi còn được xếp đứng chắn trước cửa, tay cầm dải lụa đỏ giăng ngang, cản bước đoàn nghênh thú, tự xưng cản môn (拦门). Các bé cất giọng hỏi han, hoặc hát đối, yêu cầu nhà trai phải xướng danh rõ ràng, hát đáp lại những lời chất vấn. Kẹo cưới, phong bao đỏ phải được chuẩn bị sẵn với đầy đủ thành ý để làm "lễ mở đường". Chờ tân lang qua ải lúc sau mới được đón tân nương, là khi tân lang hóa giải nan đề thì xưng "thôi trang" (催妆) (thúc giục tân nương). Khi đôi bên đã hòa ý, dây chặn được dỡ xuống, đoàn rước mới tiếp tục tiến bước.

Đầu tiên, nhà gái cho mời cụ già thắp hương vái trước bàn thờ rồi cùng ra đón đoàn nhà trai vào. Sau khi đã vào đến sân nhà gái đoàn đi đón dâu được mời vào nhà ngồi chơi trên chiếu cặp điều ǎn trầu, uống nước và sau đó dùng cơm chiều. Xong xuôi, đại diện nhà trai có "người" xin dâu với họ nhà gái. Nhà gái bao giờ cũng làm ra vẻ dùng dằng, lần khần và chỉ đồng ý cho dâu đi vào giờ cuối của buổi chiều.

Vào cửa, tân lang làm lễ trình báo tổ tiên. Tân lang quỳ xuống, lòng thành kính bái lạy. Cùng lúc đó, tân nương cũng được mẹ dẫn vào phòng thờ. Tân nương cùng với tân lang lạy trước bàn thờ, trình với tổ tiên. Sau đó hai người cùng bưng trầu, bưng thuốc ra mời họ hàng. Cùng lúc này, cha mẹ tân nương cũng phải trao quà cho con gái mình.

Lễ bái gia tiên hoàn tất, tân lang đứng dậy, cầm lấy tay tân nương dắt nàng ra ngoài, để thông báo cho cả gia đình và bạn bè biết rằng một cặp phu thê mới đã chính thức kết thành. Nhà trai và nhà gái cùng nhau rời khỏi phòng thờ tiến về phía cửa lớn, nơi đón chào đôi tân nhân bằng tràng pháo tay.

Quá môn (过门) là khi tân nương từ nhà gái ra cửa sau chính thức vào cửa nhà trai, bái kiến cha mẹ chồng cùng các trưởng bối. Nhà trai đưa dâu ra ngoài, còn nhà gái đứng lại trong sân, dõi theo bóng dáng của họ dần khuất.

Họ nhà gái chọn sẵn người đi theo, là các nàng thiếu nữ trẻ xinh xúng xính quần áo đẹp, nào nón, nào khăn, môi trầu "cắn chỉ". Đoàn đưa dâu còn gồm một bà đưa dâu, một cô phù dâu, một cô mang theo tặng phẩm. Con heo quay nhà gái cũng chỉ lấy khúc giữa nhà trai mang về khúc đầu và khúc đuôi. Các lễ vật khác cũng lấy một phần hồi lại một phần. Đặc biệt trầu cau nhà gái chỉ chọn lấy một quả cau và hai lá trầu. Phần quà nhà gái gửi cho nhà trai gồm: một cái quần, một cái nón, hai cặp bánh, hai cặp quýt và một hồng bao.

Tân nương xuất môn cần hỷ nương cõng, nghe nói tân nương hai chân chấm đất mang ác vận, hỷ nương bung dù che chở, tránh tiên nữ trên trời đố kỵ, dùng dù lấy ý khai chi tán diệp. Hỷ nương cõng tân nương và tỷ muội đưa gả vừa đi, vừa hướng trên không, đỉnh dù, đỉnh xe hoa ném gạo, để "gà vàng ăn": Ý là gà mổ thóc xong không mổ tân nương, cuối cùng trước khi lên xe hoa, tân nương hướng người đưa tiễn mà khom lưng, tỏ lòng biết ơn.

Đám rước dâu đi theo một lộ trình không được lập lại, tức là khi về phải đi con đường khác không quay về con đường lúc đi. Số người đi đón dâu là số lẻ để khi đón tân nương về thành số chẵn. Nếu gặp kiệu hoa nhà người khác, tuyệt đối không cùng họ chạm trán, phải đi vòng.

Lễ rước dâu kết thúc khi tân nương bước vào cổng nhà trai, bắt đầu nghi thức bái kiến cha mẹ chồng và các bậc trưởng thượng, chính thức trở thành người của gia đình mới.

(*) Nội dung được thêm thắt, phóng tác từ bài: "Phong tục tập quán cưới hỏi Việt Nam xưa và nay" - Tác giả: Ngân Việt.ST - Nguồn: hoiluatgia.laichau.gov.vn/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro