Chương 53: Tà phong tịch chiếu, thảo kính vi hành (斜风夕照, 草径微行)
[♪] Tà phong tịch chiếu, thảo kính vi hành (斜风夕照, 草径微行): Gió chiều nghiêng nắng xế, bước nhỏ trên lối cỏ.
------
Ánh đèn leo lét trước gió, bóng tối ngập ngừng che giấu muôn điều bí mật.
Một hồi chuông đánh vỡ, thức tỉnh lan tràn.
Một vụ cá cược buộc ta phải chấp nhận những luật lệ không hề công bằng.
Cái giá?
Để bảo toàn vận mệnh của mình ư? Hay chỉ để trói buộc vào vòng cương tỏa (韁鎖) nghiệt ngã mà ngay cả trời cao cũng chẳng đủ sức bẻ gãy?
Tốt thôi. Nhưng ta sẽ cược theo cách của riêng mình.
Chi bằng hãy nói, sẽ nên tin tưởng vào bản thân mình thì hơn.
Kẻ chạm vào mạch của trời, ắt phải chết dưới tay thần linh.
Thế gian này dù có ra sao, vạn vật có đổi dời, thì chỉ duy nhất một điều chẳng hề thay đổi. Vì tin tưởng là thứ duy nhất không cần lời bảo chứng.
Ta không đặt cược vào tình yêu. Không đặt cược vào vận mệnh. Không đặt cược vào sự cứu rỗi.
Ta cược vào sự bền bỉ.
Ngươi nói rằng định mệnh không cho phép chúng ta ở bên nhau? Vậy ta sẽ gạt bỏ định mệnh.
Ngươi bảo ta sẽ thất bại? Ta sẽ chứng minh ngươi sai.
Ta tình nguyện đánh đổi mọi thứ. Đều cam lòng.
Ngàn năm trước đã vậy, ngàn năm sau cũng vậy!
Mà vốn dĩ, làm gì có ta...
Chưa từng sống, vậy hà cớ gì dễ dàng chết đi?
Đừng tự hù dọa bản thân.
Kẻ cố thủ đứng sau lưng ngươi, chỉ có chính mình mà thôi!
------
Vài ngày sau khi quay về từ Huyền Thạch Đàm, ta liền trở bệnh nặng. Cơn bệnh nặng kéo dài đến độ mười ngày sau mới thuyên giảm.
À, chuyện vặt vãnh đó làm sao có thể ảnh hưởng đến bản chất ung dung. Huống hồ trước đây những khoảnh khắc sinh tử kia đâu phải chưa từng trải qua.
Nhưng cái tật nguyền của ta lại dấy lên cơn lo sợ trong lòng của mọi người xung quanh một lần nữa.
Một nỗi lo sợ rằng tử thần sẽ dễ dàng cướp lấy mạng sống treo mành này.
Dù vậy, ta biết đó chỉ là một sự trừng phạt nhẹ nhàng. Bởi vì bên cạnh còn có người ngày đêm luôn muốn bảo hộ.
Ai?
Ta? Hay đối tượng được chỉ định?
Phải chăng ta thật sự chỉ là một kẻ yếu đuối?
Bèn tự cười với mình.
Không phải e sợ cái chết, mà là e sợ... bản thân đã quen dựa vào người khác quá nhiều.
Có phải cuộc sống này quá nhàm chán, đến mức ai nấy cũng đều muốn đùa cợt với ta phải không?
Được rồi, không cần ngần ngại!
Ta nhất định sẽ chơi cùng mọi người cho ra trò, cho thật xứng đáng.
Ngày đó...
Và rồi cái ngày đó rồi cũng sẽ đến, nó vẫn là cái ngày mà mọi thứ đều diễn ra bình thường. Nhưng nó lại là cái ngày mà mọi mộng tưởng của ta lại tan vỡ thành mây khói, mọi hồi ức đẹp đẽ kia hóa ra lại là mọi sự giả dối đến tàn nhẫn.
Cái sự thật tàn khốc kia đã đánh tan đi hết mọi hy vọng để duy trì niềm tin.
Thật sự sẽ rất đáng thất vọng!
Ta ngu ngốc, thật sự ngu ngốc khi cứ mang trong mình cái vẻ mơ hồ như thế!
Bản thân sớm phải nhận ra nó.
Thất bại, hoàn toàn thất bại.
Từ trước đến nay vốn chỉ là một kẻ thất bại. Lẽ ra phải nghe lời bản thể Thương Vô Nhiêm mà tự kết liễu mình trong những lần oan trái kia.
Tại sao ta lại cố né tránh cái chết một cách vô tư như thế?
Tử Yên, ta xin lỗi chàng.
Tử Yên, ta không hề biết bản thân mình lại có tội nghiệt nặng nề như vậy!
Ta không hề biết, ta không hề biết.
Ta không bao giờ muốn và cũng sẽ không bao giờ nỡ.
Nhưng mà ta đã làm, dù cho có cố gắng khắc chế bản thân, ta vẫn cứ làm.
Bởi vì luôn khao khát được sống chứ không phải tồn tại. Chỉ cần chàng còn chấp thuận, ta liền có thể duy trì.
Ta hy vọng mình có thêm một chút khoảnh khắc cùng tay trong tay với chàng ngắm nhìn bình minh đến hoàng hôn rực rỡ, cùng chàng có vài bữa cơm thanh đạm, và ở bên nhau trong những cái ngày giá rét của mùa đông.
Càng không thiết tha gì hơn là được sống với chàng ở mái nhà đơn sơ của bọn mình.
Chiếm hữu dù chỉ là thân xác, liệu có thể giữ được trái tim chân chính thuộc về ta hay không?
Tử Yên, nếu chàng biết điều này, chàng sẽ oán trách ta đến nhường nào?
Nhưng ta không cần biết.
Cố gắng nhẫn nhịn nhé...
Hãy để ta được lưu lại, dù chỉ một chút nữa thôi, để cảm nhận sự ấm áp mà ta hằng khao khát.
Cầu xin chàng...
Đừng để ta rơi vào sự cô độc vĩnh viễn.
------
Vốn trước đã nửa xa nửa gần, chừng như khiến chàng lưu luyến, lại khiến chính mình tàn nhẫn đoạn tuyệt. Nhưng nay, lòng đã bịn rịn chẳng thể buông tay, càng muốn biết rõ ngọn nguồn, lại càng bị buộc chặt trong dây dưa oan trái. Đến nỗi, dẫu người muốn từ khước là chàng, thì sợi dây nhân duyên này cũng vĩnh viễn trói buộc, chẳng cách nào dứt ra.
Ta tưởng rằng chỉ cần bản thân bình tâm an dưỡng, mọi chuyện sẽ dần dần qua đi. Nhưng khi hơi thở chưa kịp đều, hôn kỳ đã bước vào giai đoạn giữa của Lục Lễ (六禮).
Thoạt đầu, nội tổ mẫu định giản lược nghi thức, sớm tiến đến Thỉnh Kỳ (請期) và Nghênh Thân (親迎) để tránh ta mệt mỏi. Nhưng rồi, lo rằng ta sẽ tủi thân, bà quyết định phục hồi đủ lễ Nạp Cát (納吉) và Nạp Chinh (纳征).
Hôm nay là một ngày trọng đại trong cuộc đời ta.
Ngày Kỷ Sửu, tháng Đinh Tỵ, năm Mậu Thìn (10/04/1568 AL), ta chính thức được công nhận là hôn thê của Tử Yên.
Chỉ chưa đầy một tháng nữa, ta sẽ trở thành phu nhân của chàng.
Sáng sớm tiết Lập Hạ (立夏), ánh nắng dịu dàng như tơ vàng trải khắp khuôn viên phủ đệ. Những gốc lựu già ven lối đi bắt đầu chớm hoa, sắc đỏ non lấm tấm trên nền lá xanh tươi. Trước chính đường, từng góc sân được quét dọn tinh tươm, trải chiếu đỏ rực từ cổng lớn vào đến bậc thềm.
Phía trong chính đường, bàn thờ tổ tiên nghiêm cẩn dưới ánh sáng hừng đông. Đèn lồng đỏ lớn hai bên lung linh, hắt lên đôi câu đối cổ. Chính giữa là bức hoành phi mạ vàng "Phúc Thọ Vĩnh Ninh" (福寿永宁) toát lên ý nghĩa trường cửu, thái bình.
Hai dãy ghế bọc nhung đỏ xếp hai bên chính đường, người trong gia đình mặc lễ phục tề chỉnh nghiêm cẩn. Còn nội tổ mẫu ngồi ghế cao, tay phe phẩy chiếc quạt lụa, dõi theo từng động thái.
Bất giác, tiếng trống bát âm ngoài cổng chính vang lên từng hồi trầm bổng, như khởi nhạc cho một khúc giao duyên bất tận. Lòng ta bỗng chốc ngập tràn hồi hộp, như thể mỗi nhịp trống đều đánh vào tim mình.
"Đoàn nhà trai đã đến!"
Giọng bà mai vang lên, dõng dạc làm mọi ánh mắt trong phủ đồng loạt hướng ra cổng chính.
Đứng giữa đoàn, nổi bật nhất chính là Thất công tử.
Hôm nay, chàng mặc trường bào gấm lam thêu hạc, tay ôm chiếc khay vàng đựng trầu cau và rượu quý. Dáng người cao lớn với từng bước đi khoan thai, tuy vậy, nét hồi hộp vẫn không thể giấu trên gương mặt điềm đạm.
Người mai mối là bà Bùi [裴], một phụ nữ trung niên trạc năm mươi, ăn vận chỉnh tề trong áo dài lụa nâu trang nhã. Bà dẫn đầu đoàn nhà trai, mang theo tám tráp sính lễ phủ vải gấm đỏ. Mỗi tráp được hai tiểu đồng khiêng, lễ vật bên trong xếp ngay ngắn: lụa là, trang sức, bánh trái, và một đôi nhạn đồng chạm trổ tinh xảo. Cùng với 1 con lợn mổ, 1 lợn quay, và một mâm xôi.
Bà mai bước vào, kính cẩn cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên, rồi lần lượt trình bày rành mạch: "Bẩm các bậc trưởng thượng. Hôm nay, tôi thay mặt nhà trai họ Chức, đặc biệt là công tử Mặc Đam, xin kính trình lễ vật thực hiện nghi thức Nạp Cát, chính thức xin nhận tiểu thư quý phủ làm vị hôn thê của công tử."
Lễ Nạp Cát chính thức được cử hành, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong mối lương duyên. Trong lễ, người mai mối thay mặt nhà trai tuyên bố rằng ngày lành đã được chọn, vận số hai người đã hợp nhau như trời đất hòa giao, mùa màng thịnh vượng. Lễ xướng được thực hiện bởi quan viên từ môi thị, từng lời cẩn cáo càng làm không khí buổi lễ thêm linh thiêng và long trọng.
"Âm dương tương hòa, lưỡng tộc giao hiếu. Nếu lời đã nói, lễ đã bày, thì lão thân không còn gì dị nghị. Mong hai nhà chung vui, vì đại phúc của đôi trẻ." Nội tổ mẫu gật đầu, đáp lời từ tốn.
"Cưới vợ là chuyện trọng đại, gả chồng cũng là việc lớn lao. Nay đôi trẻ kết duyên, hai họ kết tình, mong rằng từ nay như thủy triều tương trợ, đồng tâm hiệp lực." Đó là lời của ngoại thúc phụ, hôm nay cũng có mặt. Ông ngồi ở ghế khách bên tay trái, dáng vẻ trầm ổn, mái tóc bạc trắng toát lên vẻ đạo mạo của bậc trưởng lão.
"Thật trân quý tấm lòng của các vị trưởng bối. Công tử Mặc Đam vốn được dạy dỗ chu đáo, nhất định sẽ đối xử tốt với phu nhân tương lai." Sau lời đáp, bà mai mở từng tráp sính lễ, giới thiệu rõ ràng.
Cha mẹ ta bèn cảm tạ nhà trai, khẳng định sẽ dạy bảo ta trọn đạo làm dâu. Cả họ lạy tạ, nhận lễ uống trà, ăn trầu cùng nhau.
Vì thế, bên nhà trai cũng đáp lại bằng những lời cam kết: "Được nghe những lời này, gia đình ta quả thật yên lòng. Thằng bé nhà ta tuy đôi lúc cứng nhắc quá mức, nhưng là người chí tình chí nghĩa. Nếu có sai sót xin mọi người rộng lòng lượng thứ và giúp dạy dỗ đường hoàng!"
Gia đình ta cũng chuẩn bị chu đáo hồi lễ, không chỉ là lễ vật tặng nhà trai mà còn có đôi hài lụa ta đích thân may, chỉ vàng thêu hình song loan sum vầy. Ngoài ra, nội tổ mẫu chuẩn bị thêm một hộp trà lâu năm và một cặp đèn lồng giấy đỏ.
Khi hồi lễ được trao, mẹ ta nhẹ nhàng nói: "Đây là chút tấm lòng mọn của chúng tôi, mong rằng nhà trai đón nhận để lễ nghĩa đôi bên được vẹn tròn."
Thất công tử bèn tiến lên một bước, cúi người thi lễ với các bậc trưởng thượng, rồi cất tiếng: "Thưa ngoại thúc phụ, nội tổ mẫu, cha mẹ và các vị trưởng bối. Tử Yên lần này đến đây, một lòng xin cưới Vô Nhiêm làm thê tử. Từ nay về sau, con xin hứa sẽ chăm sóc nàng chu toàn, kính trên nhường dưới, không phụ lòng trưởng bối đã tin tưởng."
"Ngài nói được thì phải làm được. Con gái ta tuy yếu ớt, nhưng là đứa hiền lành, nết na. Mong rằng ngài luôn yêu thương, đừng để nó phải tủi thân khi về làm dâu nhà ngài!" Từ lâu mẹ ta đã xúc động, đến lúc này bà đã không nhịn được mà lệ ngấn chảy dài.
"Thưa nhạc mẫu, xin người yên tâm. Nàng sẽ luôn là người con kính trọng và yêu thương nhất trong đời!" Thất công tử chắp tay kính cẩn.
Lúc này cha ta mới thêm lời: "Lời hứa ngày hôm nay là lời hứa trọn đời. Đạo phu thê không chỉ là tình cảm, mà còn là trách nhiệm. Phải biết cùng nhau vun vén, không được lạnh nhạt thờ ơ hay để bất cứ điều gì chia rẽ."
Đợi lúc cha ta cùng các vị đại bá căn dặn, ngoại thúc phụ liền quay qua nói chuyện riêng với tổ mẫu.
"Nhìn xem, người trẻ hôm nay thật chỉn chu, đâu ra đó!"
Nội tổ mẫu gật đầu, ánh mắt trầm ngâm: "Tiểu nữ nhà chúng ta nếu được gả sang, quả là phúc phần!"
"Thế là từ nay muội lại có thêm một chàng rể quý rồi nha!" Mang theo vẻ nửa đùa nửa thật, ngoại tổ phụ nháy mắt.
Nội tổ mẫu bật cười, nét mặt hiếm khi giãn ra: "Huynh cứ yên tâm, gia đình muội sẽ không gây khó dễ cho bọn họ nữa!"
Khi nội tổ mẫu ra dấu, Hồng Xuân bước đến bên cạnh thì thầm: "Tiểu thư, đã đến lúc ra chào rồi!" Đứng sau bức bình phong và màn ngọc đung đưa, nãy giờ luôn lặng lẽ quan sát. Lòng tự bao giờ ngổn ngang bao cảm xúc: hồi hộp, ngượng ngùng, nhưng trên hết là hạnh phúc.
Ta hít một hơi thật sâu.
Trong bộ áo dài lụa màu thiên thanh thêu hình mây lành vừa vặn cơ thể, mái tóc đen vấn cao được tô điểm bằng chiếc trâm bộ diêu, với dáng vẻ e lệ, ta bước ra ngoài. Tiếp theo lại cúi đầu trước các bậc trưởng thượng và bà mai, đáp lễ bằng giọng nói nhỏ nhẹ: "Con gái xin nghe theo sự sắp đặt của gia tộc và cảm ơn bà gia (婆家 : nhà chồng) vì những tâm ý trọn lành này!"
Khi ngẩng lên, ta nhìn về phía chàng – người sẽ cùng ta đi suốt cuộc đời còn lại – và không thể giấu được nụ cười rạng rỡ.
Bà mai cùng các vị trưởng bối không ngừng gật gù, không ngừng khen ngợi: "Tiểu thư đoan trang dịu dàng, quả thực xứng đôi vừa lứa với công tử."
Để kết lễ, nội tổ mẫu đã nhìn ta thật lâu, sau cùng lại dặn dò như thông lệ: "Cháu gái của ta, từ hôm nay, con hãy ghi nhớ lời dạy này: Gả về nhà người, phải giữ trọn đạo làm dâu. Nếu có bất mãn thì hãy cùng nhau bàn bạc. Còn chẳng may có gì không như ý, hãy trở về đây, gia đình luôn hỗ trợ cho con!"
Ta lễ phép đáp ứng, còn thận trọng nhìn về phía hôn phu và chỉ chờ người bước đến gần hơn.
Đối với ta, chàng chẳng nói lời nào, nhưng lại đưa bàn tay cho ta nắm lấy. Những ngón tay đan chặt như muốn gắn bó lâu dài.
Khuôn mặt đối phương tràn ngập niềm vui trong sự dịu dàng mà kiên định. Khiến cho ta phải cắn chặt môi để ngăn dòng nước mắt, đôi mắt cay cay nhìn về toàn thể.
Lễ xong, gia đình tổ chức một bữa tiệc nhỏ. Mâm cỗ đầy đủ các món ăn truyền thống, từ bánh cốm xanh ngọc đến món yến chưng hạt sen, xôi gấc đỏ... Mọi người phấn khích nâng chén rượu, cùng chúc phúc cho đôi uyên ương cùng trường hợp vĩnh liên.
Tựa như muốn tiếp thêm sức mạnh trong sự cổ vũ, chàng đã không ngần ngại, không bối rối khi ở trước mặt trưởng bối và mọi người, chủ động hôn lên trán ta.
"Đừng sợ hãi, hãy bước lại gần!" Là tiếng gọi vọng ra xa.
Hơn cả trấn an là mọi lời giải bày trong vô thức.
Đối với mình, thế gian này chỉ mãi luôn duy nhất.
Như đã hứa hẹn một điều gì đó vĩnh viễn không thay đổi ở lần đầu tiên.
Kết thúc của ta là khởi đầu của người.
Cuộc đời tràn đầy lý thú, ánh sao điểm sáng đôi mắt tinh tường, dẫn bước ai đó về bên nhau không chút lầm lạc.
Dù có đến muộn một chút, nhưng cuối cùng cũng đã đến, và không hề sai lệch.
Cùng bốn bức tường thế gian vây hãm, như thể mọi điều đều đã được sắp đặt. Thay lời thề thốt, đành ôm nhau giữa không gian tư tưởng mênh mông.
Hãy nguyện rơi lệ không phải vì đau đớn, mà vì niềm vui, vì cảm giác được yêu thương, được chở che. Từng giọt nước mắt như một lời cảm ơn, để cuộc đời này không phải cô độc, không phải lẻ loi.
------
"Gọi ta là gia gia được rồi, nha đầu!" Lúc này ta đang cùng Tử Yên dâng trà cho ngoại thúc phụ và nội tổ mẫu.
Không gian yên ắng, chỉ có tiếng chén trà va vào khay đồng vang lên thanh âm mảnh như tiếng ngọc. Ông đón lấy chén trà, ánh mắt hiền từ tựa như trăng rằm tháng tám, rồi nhẹ nhàng mỉm cười. Cái dáng vẻ ấy trông chẳng khác nào hình tượng một vị tiên ông từ những lời thoại bản cổ tích mà ta từng đọc.
Đối diện với ông, lòng ta bỗng dưng dấy lên một cảm giác gần gũi kỳ lạ. Tựa như sương sớm ngưng đọng nơi đầu ngọn cỏ, vừa trong veo lại vừa khiến người ta xúc động khôn nguôi. Ta cố nén ý nghĩ lạ lùng trong đầu, nhưng tiếng gọi "Gia gia!" vẫn bật ra tự nhiên như thể đã quen thân từ bao kiếp. Dẫu biết rằng cách xưng hô ấy hơi lạc vị trí so với thân phận hiện tại, nhưng lòng ta lại không muốn làm trái ý ông.
Một nhịp tim bỗng hụt hẫng, như có bàn tay vô hình siết chặt lấy. Một cảm giác xao động, nghẹn ngào xâm chiếm khiến ta phải khẽ chớp mắt. Ta không rõ cơn xúc động này đến từ đâu, chỉ biết rằng trong phút chốc, ta thật sự muốn khóc.
"Cho con cái này!"
Tiếng ngoại thúc phụ vang lên, kéo ta trở về hiện tại. Một phong bì đỏ chói được đưa ra trước mặt, dày cộm khiến lòng ta không khỏi ngỡ ngàng. Cứ ngỡ bên trong là ngân phiếu hay vật quý giá, nhưng khi mở ra, ta sững sờ.
Là một tập thư tay!
Những lá thư được viết cẩn thận từng chữ, nét bút tròn trịa được nắn nót rất kì công. Văn phong ngây ngô, không giống chữ của người trưởng thành.
Ta hỏi mới biết được, đó là thư do chính tay "bé Tử Yên" đã viết cho "ta".
Từ rất lâu rồi, khi bọn ta chỉ là những đứa trẻ con thích ăn kẹo hồ lô cùng nhau dưới tán cây rộng.
Đó là một chuỗi câu chuyện thấm đẫm nét lãng mạn của thuở thanh mai trúc mã, nhưng cũng chất chứa những nỗi đau và trăn trở vượt ngoài khuôn khổ nhân sinh.
-----
Năm ta cất tiếng khóc chào đời, chàng khi ấy mới lên ba, sự gắn kết này đã sớm bị thử thách bởi tai họa. Trong nỗi thơ ngây chưa kịp nhận thức về thế giới, ta đã bị kẻ gian ác bắt cóc.
Vào đêm mưa gió, trên chuyến thuyền đi đến vùng núi Phong Dật, cha mẹ ta cùng ta bị tấn công bởi một kẻ kỳ dị, nửa người nửa thú, tự xưng là Li Miêu (狸貓). Dáng hình hắn ẩn hiện trong màn mưa như bóng quỷ, đôi mắt đỏ rực của hắn là điều duy nhất cha mẹ ta còn nhớ, bên cạnh tiếng gào khóc xé lòng của ta.
Nhưng để cứu và tìm được ta quả là một quá trình dài. Hành trình ấy kéo dài suốt bốn tháng, băng qua những rặng núi cheo leo, những dòng sông đầy rẫy thú dữ, cuối cùng dẫn đến núi Kỳ Lân, nơi Li Miêu ẩn náu. Trớ trêu thay, núi Kỳ Lân cũng là nơi ngoại thúc phụ thường chọn làm nơi bế quan tu tập.
Năm ấy, đại hạn giáng lâm, khắp cõi nhân gian điêu linh. Thiên hạ truyền tụng rằng hung tinh giáng thế, dẫn dắt bởi tay sai của số mệnh, gieo rắc tai họa khắp vùng sơn dã. Trong những lời đồn kinh hồn, Li Miêu hiện lên như một ác quỷ bắt trẻ, nhưng thực chất chỉ là công cụ tận tụy trong tay Nhữ Phú Ninh (汝復寧), kẻ mang tham vọng khuynh đảo trời đất.
Nhữ Phú Ninh từng giữ chức Đô Ngự Sử, lại luôn tin rằng vận mệnh thiên hạ gắn bó mật thiết với long mạch, và chìa khóa để phá giải xiềng xích ấy chính là đứa trẻ sinh dưới chòm sao hung tinh. Một đứa trẻ mang dòng máu quý tộc, lớn lên trong đau thương và chia cắt, được y cho rằng chính là thiên mệnh.
Có bài thơ lưu truyền (đã được biến tấu lại):
"Thân lùn với táo, lấy sao xa,
Khó bề giao kết, khó dung hòa.
Cầu tài chẳng đến, lộc không tới,
Hôn phối, vốn chung, cũng lệch pha."
Về quẻ Nhân Đoản Táo Cao (人短桃高), cổ nhân đã lưu ý: "Mọi sự bất thuận, thân mạng chớ lạm vọng động. Người sinh ngày này, tài lộc khó thành, dù mưu sự lớn nhỏ đều gặp trở ngại." Trong sử sách, có chuyện kể thời Tào Tháo giả hiến dao quý để hành thích Đổng Trác. Lúc ấy, quẻ "Ải nhân cấu táo" (危人构桃) được gieo, báo hiệu bất thành. Quả nhiên, Tào Tháo thất bại, phải viện cớ cưỡi ngựa thử mà đào thoát.
Sao Tinh thuộc Thất Sát Tinh (七杀星), vốn mang ý chí sát phạt. Trẻ sinh vào ngày này thường yểu mệnh, cha mẹ cần chọn tên theo sao năm hoặc sao tháng để hóa giải.
(*) Quẻ Sơn Vi Cấn (艮 為 山 - Bát Thuần Cấn)
Theo quẻ Sơn Vi Cấn (艮為山), những ngày đại hạn cũng là thời khắc long mạch thức tỉnh, mang theo cát hung lẫn lộn.
Vào ngày đại hạn, khi trời đất như đổ sập, sao Tinh hoàn tất nghi thức hiến tế cuối cùng. Trời đất đột nhiên thay đổi, như thể mọi sự sống đều ngưng trệ.
Một tiếng nổ đinh tai vang vọng khắp vùng núi Kỳ Lân, thác nước hùng vĩ bên sườn núi bất thần dừng chảy, để lại những tầng bọt trắng xóa như làn khói mờ phủ lên lòng đất.
Đài thiêng cổ xưa hiện lên, ánh trăng xiên qua đỉnh núi rọi xuống, đúng như truyền thuyết về thời thượng cổ – khi long mạch bị xâm phạm.
Truyền tụng kể rằng, để khởi động đài thiêng, phải có "hiến tế đôi", thác nước sẽ "dừng trôi" khi ánh trăng rằm soi vào đúng vị trí. Là khi hai mảnh ngọc – đôi mắt của rồng – được đặt vào đài thiêng, kích hoạt giao thoa của các dòng năng lượng.
Nhưng ít ai biết, mảnh ngọc ấy chứa đựng không chỉ sức mạnh khởi kích.
Và cái giá phải trả không hề nhỏ.
Thay vì mở ra cánh cổng thần thánh, nghi thức ấy lại triệu hồi những oan hồn của hàng trăm người vô tội bị lạm sát.
Khi nghi thức bắt đầu, mặt đất rung chuyển thành muôn tầng sóng âm dội lại từ cõi âm ty. Tiếng vó ngựa vang rền, như sấm động giữa lòng núi lửa, tựa trống trận của thời binh đao loạn lạc. Từng hồi vọng lại, mạnh mẽ và dứt khoát, hòa trong tiếng gió hú dài, như tiếng oán hờn vạn kiếp không nguôi. Từ sâu trong lòng đất, âm thanh trầm đục vang lên, tựa tiếng thở dài của núi non ngàn năm. Giữa màn sương bụi cuồn cuộn, thân ảnh kỳ vĩ từ từ hiện ra trên đỉnh núi.
Người ấy khoác trên mình giáp trụ nhuốm máu, sắc đỏ loang lổ như ngọn lửa cuồng nộ không bao giờ tắt. Gương mặt bị che khuất bởi những vệt máu khô, thịt da nhão nhoẹt, bét nhè như đã trải qua trăm nghìn trận chiến mà chẳng còn sinh khí. Tay cầm một cây trường thương dài, đầu thương uốn cong như lưỡi liềm, ánh lên sắc lạnh khiến người đối diện phải rùng mình. Toàn thân người ấy toát ra sát khí hừng hực, hòa vào cơn gió mang hơi nóng quái đản tựa giữa trưa hè, dù trời đang khuya tĩnh mịch. Bão cát cuồn cuộn từ bốn phương, mang theo hương vị mặn đắng của xứ sở bạch điền.
Làm người khác phải nhất mực khiếp sợ, đó chẳng phải là Tể Trong Núi hay sao?
Chính là Tể Trong Núi.
Kẻ đứng giữa sinh tử, giữa âm dương.
Không phải thần, cũng chẳng phải ma.
Là hiện thân của những nghiệp lực, của oán thù chồng chất từ vạn kiếp luân hồi.
"Ai dám bước vào vùng cấm, ngăn ta hoàn thành sứ mệnh?" Với từng chữ tựa như lời tuyên án vô hình vang vọng khắp không gian.
"Sứ mệnh của ngươi không còn giá trị. Ta sẽ tái định hình vận mệnh long mạch!" Một giọng nói đầy tự mãn đáp trả.
Từ phía sau Nhữ Phú Ninh xuất hiện với sự tham vọng chưa từng được lấp đầy. Gã cầm trong tay một thanh trượng đen kịt, khắc đầy phù văn nguyền rủa, chính là muốn áp chế kẻ đại diện cho quyền lực tuyệt đối mà gã khao khát.
Nhưng hắn không biết, cái giá của việc phá vỡ nhân quả là bản thân.
Trong nháy mắt, Tể trong núi lao tới, mang theo luồng sát khí khổng lồ, tựa như muốn nghiền nát mọi kẻ xâm phạm.
Đột nhiên, những tiếng khóc bi thương vọng lên từ khắp núi rừng để xoa dịu nỗi đau thầm lặng.
Đó là những oan hồn của trẻ con bị Nhữ Phú Ninh sát hại. Chúng hiện ra, bám lấy Nhữ Phú Ninh bằng những bàn tay nhỏ bé. Một cơn lốc xoáy linh hồn cuốn hắn vào bóng tối vô tận. Tiếng hét của hắn vang lên đầy đau đớn, như thể cả những tội lỗi kiếp trước cũng bị phơi bày.
Tể Trong Núi không hề ngăn cản nhưng cũng không chấp nhận, chỉ lặng lẽ cúi đầu như thể thừa nhận đó là cái giá phải trả, là tất yếu của nhân quả.
Thác nước lại bắt đầu đổ ầm ầm, ánh trăng chiếu xuống trong veo.
Khi Nhữ Phú Ninh bị nuốt chửng, ánh sáng từ mảnh ngọc nguyệt tỏa ra lần cuối cùng. Nhưng ánh sáng ấy không mang lại sự sống, mà là một lời chia ly bi thiết.
Tiếng vó ngựa vang lên ngàn dặm, làm mặt đất rung chuyển theo sóng âm.
Ánh sáng tắt đi.
Sự việc kia quả thực chấn động, khi Nhữ Phú Ninh lại cùng đồng bọn của hắn bị trói gô và đem đến trước công đường trong đêm. Khi tiếng trống vang lên không bóng người cáo trạng, người canh gác bước ra ngoài, chỉ thấy hơn một chục người nằm dài trước sân. Mà trên người mỗi tên đều có để một tờ tố cáo tội trạng đã điểm dấu vân tay, giống như thiên địa cùng đồng lòng phán xét chúng.
Đồng thời, trên núi cao, giữa cánh rừng già hoang vu, có một kẻ nghèo khó lấy việc mưu sinh dưới những gốc cổ thụ làm kế độ nhật.
Một buổi sáng nọ, ông phát hiện một con mèo rừng to lớn đang ngoạm lấy một hài nhi bé bỏng. Kinh hãi rằng dã thú có thể nuốt chửng sinh mạng yếu ớt ấy, ông liền vung rìu ném tới. Con mèo hoảng sợ, lập tức bỏ chạy, để lại đứa nhỏ gào khóc thê lương giữa chốn rừng thiêng.
Hài nhi ấy, không tên, không họ, cũng chẳng nơi nương tựa, được ông tiều mang xuống trình nha môn. Điểm đặc biệt của đứa bé là dấu bớt hoa mai hồng sắc nơi lòng bàn chân. Chính nhờ vết bớt kỳ lạ này mà nó được nhận dạng trong một bản bố cáo tìm người thân đã cũ.
Thế nhưng, đứa trẻ này không chịu bú mớm, khóc đến kiệt sức, ai ai cũng bất lực. Cuối cùng, có người đề nghị đưa đến gặp Đậu lão nhân, một bậc kiệt xuất nổi tiếng trong vùng. Là người chuyên chế thuốc, nuôi thảo dược, và rất thích uống rượu ngâm nhưng tính tình cổ quái, không dễ thân cận, hiếm người dám bén mảng gần.
Đậu lão gia sống với một đứa cháu trai ba tuổi, gọi là Thất công tử. Đứa trẻ ấy được mệnh danh là "tiểu tổ tông" vì tính tình nghịch ngợm, bướng bỉnh, chuyên bày trò phá phách. Nhưng điều kỳ lạ là, bất cứ ai gặp khó khăn, chính Thất công tử lại là người đầu tiên đưa tay giúp đỡ.
Câu cửa miệng của Thất công tử lại là: "Ta chính là thất phu (匹夫), tội lớn khó chữa. Như chim lạc đàn, lạc mất phương hướng. Như người chán chường, lỡ bước trượt chân. Để lỡ làng, để thua thiệt! Đúng là khóc không thành tiếng! Đừng làm phiền ta nữa, tha cho ta đi mà!"
"Nha đầu ngốc, muội có nín đi không?" Đứa trẻ sơ sinh vốn khóc ngặt nghẽo cho đến lúc sụt sùi khi gặp Đậu lão nhân. Nhưng hoàn toàn ngừng khóc ngay khi nghe tiếng Thất công tử trách mắng.
Đứa bé ngoan ngoãn lật người ngồi dậy, đưa tay đòi bế. Nhưng Thất công tử cau mày, chắp tay sau lưng ra vẻ người lớn. Hài nhi lập tức òa khóc nức nở, không ai dỗ dành được. Dù cho ai đưa bất kì đồ vật nào, nó cũng đều ném đi, đôi mắt ngấn nước, đầy chờ mong.
"Nha đầu ngốc, muội thật hư!" Thất công tử chép miệng, nhưng rồi vẫn bước lại gần. Và chính lúc ấy, hài nhi nhoẻn miệng cười, bắt lấy ngón tay cậu và... cắn thật mạnh bằng hai chiếc răng sữa non nớt.
Từ đó, đứa trẻ chỉ chịu cho Thất công tử chăm sóc.
Cõng em, thay tã, cho uống sữa dê, dỗ ngủ—tất cả đều do Thất công tử lo liệu, tựa như một "đại huynh trưởng" bất đắc dĩ.
Dù chỉ là những đứa oắt con chưa dứt sữa, nhưng cả hai trở thành cặp đôi nghịch ngợm khét tiếng. Khi cùng nhau rong ruổi khắp nơi, gây nên những trận náo động từ gà bay chó sủa cho đến tiếng khóc ăn vạ vang trời.
Một ngày nọ, vì mãi mải chạy và đùa giỡn quá đà, Thất công tử vô tình làm rơi đứa nhỏ vào bụi gai. Hoảng sợ và hối hận, cậu khóc lóc suốt cả ngày, cuối cùng tháo chiếc ngọc thạch lựu đang đeo trên cổ hài nhi để làm vật thế chấp cho mình, và thề sẽ dùng nó làm tín vật để bảo vệ cô bé suốt đời.
"Muội không được lấy lại đâu nha! Đây là đồ đính ước của Tử Yên với muội đó!"
Nhưng hài nhi nào có hiểu, cứ vùng vẫy giành lấy, vô tình làm trán cả hai va vào nhau. Máu của cô bé dính trên mi tâm Thất công tử, tạo thành một dấu đỏ như hình ngọn lửa.
Không có phép màu nào xảy ra, nhưng từ hôm ấy, Thất công tử thấy mình trở nên oai phong hơn với dấu vết đó. Cậu còn bày ra trò tự xăm lên trán để giữ "dấu ấn định mệnh" mãi mãi.
Tên gọi "Vô Nhiêm" của cô bé cũng do Thất công tử đặt bừa, chẳng qua là để trêu chọc. Ai ngờ, cái tên ấy lại gắn bó cả đời với hài nhi nọ.
Không râu, không râu... nào phải là vị cao nhân nào đã đặt đâu.
Bởi vì Đậu lão nhân – người được mệnh danh là kỳ nhân quái kiệt – mỗi khi bị cô bé giằng râu liền tức tối lẩm bẩm: "Lão phu phải cạo sạch mới được!" Nhưng ông mãi lần lữa chẳng chịu cạo, vì sợ bạn già chê cười vì chẳng còn đủ phong độ để so bì.
------
Trong những bức thư kia viết rất nhiều, nhưng có khi lại đứt quãng. Vì phần lớn lại tựa như những lời tâm tình ngây ngô, lại như lời tự sự vu vơ thuật lại những ngày tháng xa cách không có đầu đuôi.
Đến khi nào cây thiên tuế mới biết nở hoa?
Nhưng ta chỉ dám để dành cho riêng mình, không cho phép ai được biết tâm tình ngày dài tháng rộng kia của chàng dành cho bản thân dần dà sâu đậm như thế nào?
-----
Gửi Nha Đầu Ngốc Vô Nhiêm,
Nha đầu kia, nếu còn dám cả gan gọi ta là "bạn nhỏ" thêm một lần nữa, thì đừng trách ta ra tay giáo huấn! Ta thề sẽ tìm đến, nắm lấy hai bím tóc ngốc nghếch của muội mà xoay vòng quanh sân cho hả giận! Hừm, rõ ràng ta lớn hơn muội những ba tuổi, điều ấy chẳng phải ai ai cũng biết hay sao? Nhưng nghĩ lại, ta vốn là bậc trưởng thượng khoan dung, sẽ không chấp nhặt tiểu hài tử như muội. Ai bảo ta là người lớn hơn, lại chín chắn, hiểu chuyện hơn muội kia chứ?
À mà khoan, muội có nhớ ta không? Hỏi thế thôi, chứ chắc chắn là muội nhớ, vì làm gì có ai trên đời này đáng nhớ hơn Tử Yên ca ca của muội?
Ngày hôm qua, ta vô tình nhìn thấy một con mèo hoang, lông xù xì, nhưng đôi mắt lại sáng như đèn lồng. Nhìn nó, ta nhớ đến muội, với đôi mắt lúc nào cũng mở to, ngơ ngác như chưa hiểu chuyện đời.
Không phải ta nhớ muội đâu, chỉ là... chỉ là đôi khi nghĩ đến mà thôi!
Muội đang làm gì đấy? Vẫn còn ngốc nghếch chạy quanh bắt bướm hay đã học được cách làm điều gì thú vị hơn chưa? Ta cá rằng muội vẫn vậy, chẳng khác đi chút nào. Muội lúc nào chẳng chậm hơn ta vài bước, nhấc tay một chút là đã khóc nhè. Còn nhớ lần trước, muội làm rơi bánh bao xuống bùn rồi khóc đến long trời lở đất không? Để rồi ta phải chia phần bánh của mình, lại bị mắng là tham ăn! Hừ, nha đầu ngốc, số ta đúng là khổ vì muội!
Nhưng mà này, lần tới gặp, ta sẽ mang cho muội một món quà. Chỉ cần muội hứa không gọi ta là "bạn nhỏ" nữa, cũng không được làm bộ làm tịch giả khóc! Ta không nói quà là gì đâu, nhưng đảm bảo muội thích. Ai bảo ta là Tử Yên ca ca tài giỏi, cái gì muội cũng cần phải dựa vào ta.
Thôi, ta viết thế là dài lắm rồi, không muốn phí thêm thời gian quý giá của ta nữa. Muội nhớ giữ lá thư này cẩn thận, kẻo lại làm mất thì đừng có khóc. Lần tới gặp ta, nhớ cầm theo để ta kiểm tra xem muội có làm đúng lời ta dặn không.
Lạc khoản,
Người lớn hơn muội ba tuổi.
Ta không nhớ muội đâu, đừng có hiểu nhầm!
------
Thư gửi muội, nha đầu ngốc của Tử Yên.
Muội vẫn ngốc như ngày nào, phải không?
Lần trước, ta thấy muội ngồi dưới cây sơn tra, tóc muội rối tung lên vì gió. Muội giơ tay chạm vào thân gỗ, mà cái dáng vẻ ấy... thật là, chẳng khác nào con chim nhỏ giơ cánh, muốn bay mà không biết cách. Ta chỉ đứng xa nhìn, không lên tiếng. Muội cũng chẳng biết ta ở đó, nhưng ta thấy đủ rồi.
Muội có biết không, dạo này ta hay nghĩ về muội, không phải vì ta thích nghĩ đâu. Mà là tại muội, nha đầu ngốc, luôn hiện lên trong đầu ta mỗi khi rảnh rỗi. Thật phiền phức! Nhưng cũng... không hẳn phiền lắm, chỉ là... khó tả thôi.
Hôm qua ta nghe người ta kể một câu chuyện, nói rằng trên đời này, có những người gặp nhau không phải vì tình cờ, mà là vì duyên. Ta nghĩ mãi, rồi lại nhớ đến lần ta cứu muội khỏi con chó hoang ở bờ sông. Muội nhớ không? Muội nấp sau lưng ta, nắm chặt áo ta, khóc như thể trời sắp sập. Khi đó, ta thấy muội thật ngốc, nhưng giờ nghĩ lại, không hiểu sao lại cảm thấy... tự hào. Như thể ta sinh ra là để che chở cho muội vậy.
Muội lớn rồi, không còn khóc nhè như trước nữa, nhưng trong mắt ta, muội vẫn là cô bé năm nào, đôi mắt trong veo và dáng điệu vụng về. Càng nhìn muội, ta lại càng... ừm, ta chẳng biết nói sao. Chỉ là, mỗi khi nghĩ đến muội, lòng ta bỗng nhiên ấm áp lạ thường.
Ta không giỏi viết lách, cũng không biết nói những lời hoa mỹ. Nếu muội đọc được thư này, chắc chắn sẽ cười ta, nói rằng "Ca ca của muội lại bày trò ngốc nghếch."
Nhưng muội à, nếu một ngày nào đó, muội muốn nghe một câu chuyện, muốn được ai đó bảo vệ cả đời, thì hãy nghĩ đến ta nhé.
Vô Nhiêm, nha đầu ngốc của ta, liệu có khi nào muội cũng nghĩ về ta không?
Ta không dám gửi lá thư này, vì sợ muội sẽ cười, sợ muội sẽ gọi ta là si. Nhưng, nếu có một ngày, ta đủ dũng cảm, ta sẽ nói những lời này với muội, nhìn thẳng vào mắt muội.
Đợi ta, nha đầu ngốc.
Lạc khoản,
Kẻ si không thể rời mắt khỏi muội.
------
Thư gửi muội,
Vô Nhiêm của ta, muội biết không? Ta đã viết và xé bức thư này biết bao lần, mà vẫn không thể tìm ra lời nào đủ để nói với muội. Ta chỉ muốn hỏi: Muội có biết ta đã sợ hãi thế nào không?
Khi nhìn thấy muội nằm bất động, môi trắng bệch, chẳng còn sức để cãi nhau với ta như trước. Ta đã muốn hét lên, muốn lao đến nắm lấy tay muội và lắc mạnh, bắt muội mở mắt, bắt muội nói rằng: "Tử Yên ca, ta vẫn ổn đây này." Nhưng muội không nói, cũng chẳng cười. Chỉ lặng lẽ nằm đó, như một bông tuyết sắp tan.
Ta bất lực, Vô Nhiêm à. Ta căm ghét cái cảm giác này. Cái cảm giác nhìn thấy muội đau đớn mà không làm được gì, không thể thay muội chịu đựng. Ta đã nghĩ... nếu muội không còn, thì ta sống trên đời này để làm gì?
Nhưng ta không thể bỏ cuộc. Vì ta là Tử Yên của muội, đúng không? Người luôn ở đây để bảo vệ muội, dù phải trả giá bằng bất cứ điều gì.
Ta đã quyết định rồi: Ta sẽ học y. Ta sẽ học cho đến khi tìm ra cách chữa khỏi cho muội, dù phải mất cả đời.
Thế nhưng, càng gần muội, ta lại càng sợ. Ta sợ nếu ta không thể cứu muội, thì những hy vọng mà ta trao đi sẽ chỉ khiến cả hai ta đau khổ hơn. Vì vậy, ta không dám ở bên muội quá nhiều. Nhưng muội đừng giận ta, được không? Nếu ta im lặng, nếu ta xa cách, đó không phải vì ta không quan tâm đến muội. Mà vì ta sợ sẽ làm muội thất vọng.
Từ ngày muội không thể nói chuyện được nữa, ta cảm thấy thế giới trở nên trống rỗng lạ thường. Ta đã từng nghĩ rằng muội chỉ im lặng để trêu chọc ta, nhưng ta biết... điều đó không phải sự thật.
Vô Nhiêm, muội có nghe ta không? Ta sẽ không từ bỏ.
Ta đã tìm được một cách. Có lẽ, nó sẽ cứu được muội. Chỉ cần muội chờ ta. Chờ ta thêm một chút thôi. Ta không hứa sẽ nhanh chóng thành công, nhưng ta hứa rằng ta sẽ làm mọi thứ, mọi thứ mà ta có thể.
Vậy nên, đừng rời xa ta, được không?
Nếu muội mệt mỏi, hãy nhớ rằng ta vẫn đang ở đây. Dù muội không thể nói, ta vẫn nghe thấy muội. Vẫn cảm nhận được muội.
Muội chờ ta, nha đầu ngốc của ta. Chờ đến ngày ta trả lại tiếng nói, trả lại nụ cười cho muội.
Cẩn bút,
Kẻ si không bao giờ từ bỏ muội.
------
Thư gửi người yêu dấu,
Muội biết không, hôm nay ta lại nhớ đến lời muội viết cho ta đọc khi còn bên nhau. Muội bảo, ta là áng mây hồng được làn gió thổi đến, còn muội chính là một đóa hoa dại vươn lên giữa đất trời. Muội dặn ta hãy cùng ngắm hoa khi còn có thể, để nguyện cầu được nhiều hơn mỗi một lúc hơi thở còn dày.
Chỉ có điều... ta không thể ở lại với muội như những gì muội mong muốn. Bởi vì, muội và ta như hai đường thẳng song song, dù gần đến đâu cũng không thể hòa hợp. Bát tự của chúng ta không hợp, duyên phận quá mỏng manh, nên trời cao đã không chiếu cố, đất dày chẳng dung tình.
Vô Nhiêm, ta đã nghe thấy tiếng thở dài của muội khi chia xa, và ta biết, muội không còn vương vấn gì nữa. Nhưng làm sao có thể? Làm sao có thể quên được một người đã gieo vào trái tim ta bao nhiêu khát khao, bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu yêu thương đến vậy?
Nhưng muội à, dù duyên phận có cạn, dù chúng ta có không thể chung bước, thì ta vẫn nguyện làm kẻ đứng ngoài rìa thế gian. Dẫu cho năm tháng xoay vần, dù sóng gió cuộc đời có đẩy đưa ta và muội xa thêm muôn trùng, ta vẫn sẽ đứng đó, trong bóng tối lặng lẽ. Ta sẽ chờ muội, không phải để đòi hỏi hay níu kéo, mà để muội biết rằng tình cảm của ta không vì thời gian mà phai nhạt, không vì xa cách mà đổi thay.
Vì vậy, Vô Nhiêm à, hãy yên tâm.
Nếu không thể là tri kỷ đời này, thì nguyện làm kẻ si tình đời khác.
------
Từ lúc bắt đầu, ta đã biết rằng mình sai.
Nhưng có ai hiểu được, khi trái tim của một người đã quá chật chội với những đau đớn, có thể nào kham nổi thêm một chút yêu thương nào nữa?
Tử Yên... Ta không thể quên được cái ánh mắt của chàng ở lần đầu gặp gỡ, trong đó bao gồm cả những sự xót xa và nghi hoặc. Dù chàng không nói gì, nhưng ta biết, chàng đã hiểu. Chàng đã thấy, đã cảm nhận được cái mà ta muốn che giấu.
Ta đã có quá nhiều thời gian để suy nghĩ, nhưng câu trả lời vẫn chỉ là một sự im lặng vĩnh viễn. Ta sai, nhưng lại không thể thay đổi, ta biết là vậy.
Ta đã đã tự ghét bỏ chính mình, đã tự nguyền rủa bản thân, quá hận chính bản thân mình khi nhìn thấy ánh mắt thất vọng của nàng ấy. Thương Vô Nhiêm, ta không thể dối lòng mình nữa. Vô Nhiêm... tên nàng như một tiếng gọi vẳng mãi trong tâm trí ta, vừa gần gũi, vừa xa lạ, như một hồi chuông không bao giờ dứt.
Nhưng vì sao, khi ta nhận ra mình sai, khi ta muốn quay đầu lại thì tất cả đã quá muộn?
Ta không thể lìa xa Tử Yên, dù biết rõ sự tồn tại của ta chỉ đem đến nỗi đau cho chàng. Ta biết chàng cũng sẽ không buông tay dễ dàng, như một lời hứa vô nghĩa không thể thực hiện.
Mỗi một lần làm tổn thương, mỗi một lần ta không dám đối diện với sự thật, là một lần ta làm đau chính mình.
Tử Yên, là ta có lỗi với chàng. Cả với Vô Nhiêm đáng thương kia...
Nhưng nếu quay lại, liệu có ai được cứu rỗi?
Có lẽ không.
Và giờ đây, ta chỉ còn lại một lựa chọn duy nhất: bước tiếp, không quay đầu.
Đừng ai phải đau khổ thêm nữa.
Thì cứ để ta gánh tất cả tội nghiệt này!
------
Chàng ơi, giữa chúng ta không hề có chi trở ngại, cũng không có lời trách móc nào.
Nhưng chàng lại chẳng thể đưa ta trở về nhà, không phải vì ta không muốn, mà bởi vì ta đã mắc kẹt ở đây rồi.
Nơi này, ta như một cánh chim không tổ, bay mãi chẳng thấy chân trời.
Ta biết chàng muốn mang ta về, nhưng đường xa ngàn dặm, lòng chàng cũng chẳng cách nào thắng được thế sự.
Chỉ có thể thở dài, thấm thía vì chẳng thể nào thay đổi được...
Cánh chim cô lạc xuống sông hàn,
Lá rụng lòng sầu, sóng vọng vang.
Cỏ lối lòng mang niên chưa lão,
Thuyền trôi năm tháng chảy miên man.
Mây gửi tình sâu chưa vẹn hết,
Chớ phụ non xanh, ánh nguyệt vàng.
Gió nhẹ trăng chiều cùng kết bạn,
Mai về cố quận gửi mơ màng.
Ngàn dặm ngoái nhìn ngăn cách mãi,
Trăm sông chảy xiết biết bao đàng.
Hoa lựu đỏ nơi sâu thẳm ấy,
Tái ngộ trần gian giữ phận sang.
Hán ngữ:
孤鸿误落冷江寒,
叶下愁心水自喧。
草径微行年未老,
舟横岁月荡长川。
云雨托深情未尽,
莫教青岭负明天。
愿同夕照斜风伴,
明月归乡寄远篇。
千里回眸徒叹隔,
百川难渡几曾延。
榴花红映幽深处,
再聚人间惜此缘。
Hán Việt:
Cô hồng ngộ lạc lãnh giang hàn,
Diệp hạ sầu tâm thủy tự huyên.
Thảo kính vi hành niên vị lão,
Chu hoành tuế nguyệt đãng trường xuyên.
Vân vũ thác thâm tình vị tận,
Mạc giao thanh lĩnh phụ minh thiên.
Nguyện đồng tịch chiếu tà phong bạn,
Minh nguyệt quy hương ký viễn thiên.
Thiên lý hồi mâu đồ thán cách,
Bách xuyên nan độ kỷ tằng diên.
Lựu hoa hồng ánh u thâm xứ,
Tái tụ nhân gian tích thử duyên.
Dịch nghĩa:
Cánh chim cô đơn lạc xuống sông lạnh,
Lá rụng lòng thêm sầu, sóng nước lại vang lên.
Trên lối cỏ, lòng còn đầy tâm sự, tuổi vẫn chưa già,
Trên thuyền, năm tháng trôi như dòng nước dài vô tận.
Chỉ nhờ mây mưa gửi gắm ý sâu,
Chớ phụ ánh trăng sáng trên núi xanh.
Chỉ mong ánh trăng làm bạn với gió chiều,
Sáng mai gửi lòng về cố hương cùng nhau.
Ngàn dặm khó mà trở lại, chỉ có thể ngoảnh nhìn,
Trăm con sông ngăn cách, mấy ai đã vượt qua?
Ở chốn hoa lựu rực đỏ, lại gặp nhau nơi thâm sâu.
------
Về người mai mối, trong ngôn ngữ cổ, mai mối được gọi là "mưu chước".
"Mưu" tức là bàn bạc, suy xét việc tác hợp hai họ sao cho cân xứng. "Chước" là cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá mọi mặt của việc hôn phối giữa đôi bên. Người mai mối trong tư duy của tiền nhân không chỉ là nhân vật trung gian, mà còn là người bảo chứng cho sự cân đối, phù hợp giữa hai dòng tộc, sao cho việc kết giao không chỉ hợp tình mà còn hợp lý.
Trong lý niệm của người xưa, sự hiện diện của người mai mối không chỉ mang tính hình thức, mà còn đóng vai trò như một thiết chế để bảo vệ lợi ích của cả hai bên gia đình. Thiếu lời nói của người mai mối, một cuộc hôn nhân sẽ khó tránh khỏi sự thiếu sót về tính minh bạch, công khai, và tính chính đáng.
Hơn thế, lời nói của người mai mối còn mang ý nghĩa giảm thiểu những xung đột tiềm tàng. Nếu một trong hai bên không đồng thuận, lời từ chối của người mai mối sẽ làm dịu đi sự căng thẳng, tránh để hai gia đình trở thành thù địch. Như vậy, người mai mối không chỉ là nhân vật hòa giải mà còn là một thiết chế xã hội giúp duy trì mối quan hệ hài hòa giữa các dòng tộc.
Trong quan niệm phong kiến, người mai mối chính là đại diện của một cơ quan có chức năng "phán xét, tác hợp cho muôn dân, xử lý các vấn đề hôn nhân trong cộng đồng". Cơ quan này được gọi là "môi thị".
Có những quy định rõ ràng rằng:
"Lệnh cho quan ty các địa phương sai người mai mối thông báo những trường hợp không nên thành hôn. Đồng thời, yêu cầu viết cam kết không vi phạm để giải quyết tận gốc những vụ tố tụng."
Điều đó có nghĩa rằng, những người mai mối không chỉ cần thông thạo các tập tục xã hội mà còn phải am tường pháp luật. Họ cần nắm rõ các lệnh cấm và quy định của triều đình đối với việc hôn nhân.
Hơn nữa, người mai mối phải nộp cho triều đình bản cam kết đảm bảo hôn nhân không vi phạm pháp luật. Đây là một cách để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý liên quan đến hôn nhân. Nhờ đó, việc kết hôn giữa hai họ được triều đình giám sát chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá giới hạn của pháp luật và luân thường đạo lý.
Từ đây, hôn nhân không chỉ mang tính riêng tư mà còn trở thành một sự kiện được thừa nhận bởi luật lệ, đạo nghĩa và tập tục xã hội, đảm bảo lợi ích bền vững cho cả đôi bên và cộng đồng.
Nạp cát chính là lễ nghi tiếp theo sau Vấn danh, tương ứng với lễ đính hôn trong tục lệ ngày nay. Đây là thời điểm trọng đại mà nhà trai chính thức thông báo kết quả cát tường sau khi đối chiếu tuổi tác của đôi bên theo lễ Vấn danh. Đồng thời, nhà trai đích thân mang lễ vật đến nhà gái để chính thức ký kết hôn ước, thể hiện sự chân thành và trọng thị của mình.
Lễ vật được dâng trong dịp này thường bao gồm đồ trang sức, khí cụ, lụa là gấm vóc cùng nhiều vật phẩm có giá trị, vừa để bày tỏ lòng kính cẩn với gia đình nhà gái, vừa ngụ ý rằng trong tương lai gần, nhà trai sẽ nghênh đón nàng dâu về gia thất một cách viên mãn.
Nạp chinh, ngay sau lễ Nạp cát, đánh dấu bước đi sâu sắc hơn trong mối liên kết giữa hai gia tộc. Nhà trai cần chuẩn bị đầy đủ sính lễ, mang đến nhà gái một cách long trọng. Lễ tiết này vô cùng phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Sau khi nhận sính lễ, nhà gái sẽ hoàn lễ bằng cách trả lại một phần lễ vật hoặc chuẩn bị các vật phẩm mới để đáp lễ nhà trai. Đặc biệt, trong hồi lễ, nhà gái thường tặng chàng trai quần áo, giày tất do chính tay cô gái khâu vá, vừa biểu lộ tấm lòng khéo léo, vừa thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của nàng dâu tương lai.
Sính lễ và hồi lễ thường bao gồm 8 loại, mỗi loại mang một tên gọi đầy ý nghĩa cát tường như ý. Đây không chỉ là biểu tượng của sự giao kết giữa hai gia đình mà còn là cách gửi gắm những lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho đôi lứa.
Đến khâu thứ năm - Thỉnh kỳ, nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ và mang lễ trầu sang mời nhà gái xem xét.
Người xưa vốn rất coi trọng ngày giờ tốt lành. Những dịp trọng đại như hôn lễ đều phải chọn được ngày hoàng đạo để mọi sự được suôn sẻ, may mắn.
Tuy nhiên, việc tính ngày tốt lành lại phụ thuộc vào các thầy bói và phương pháp xem số, dẫn đến sự khác biệt trong kết quả. Có khi 10 thầy bói lại tính ra 10 ngày khác nhau, khiến cả đôi bên đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Về sau, phương pháp tính toán dựa trên âm dương ngũ hành được áp dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu sai biệt và mang lại sự đồng thuận. Tính toán ngày lành không chỉ nhằm tìm kiếm thời điểm thuận lợi, mà quan trọng nhất là tránh các ngày đại hung, các năm kỵ không tốt lành, đảm bảo rằng hôn lễ sẽ diễn ra trong sự trọn vẹn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro