Chương 47: Phong Hỏa Đồng Nguyên (风火同源)
[♪] Phong Hỏa Đồng Nguyên (风火同源): Gió và lửa cùng một nguồn gốc.
------
Phong tự hỏa xuất (風自火出: Gió từ trong lửa mà ra).
Gia nhân. Lợi nữ trinh (佳人.利女貞: Muốn cho gia đạo được hay, đàn bà cần phải chính ngay mới là).
(*) Quẻ 風 火 家 人 PHONG HỎA GIA NHÂN.
------
Chuyện Thất công tử tham gia điều tra cùng mọi người, vốn dĩ đều do ngài ấy chủ động nài nỉ. Mặc cho mọi người can gián, nhưng ngài ấy vẫn cố chấp. Ngài ấy nói, nếu không mau chóng tìm ra thủ phạm, chỉ sợ rằng nhiều người gặp nạn hơn. Ngài ấy không có đủ năng lực bảo vệ ta, sợ rằng chuyện sẽ ảnh hưởng đến ta, càng lo sợ một ngày nào đó bất cẩn, sẽ để bọn chúng chuyển mục tiêu đến ta.
"Ta muốn cho nàng ấy một cuộc sống không còn lo lắng."
"Ta sẽ không để nàng ấy phải rơi vào hiểm cảnh."
"Ta làm sao có thể để nàng ấy phải gánh chịu mọi bất an này? Nếu vì sự an nguy của nàng, dù thân đầy thương tích, ta cũng không ngần ngại."
"Đừng lo, ta đã suy nghĩ kỹ. Đây không phải sự liều lĩnh, mà là trách nhiệm của ta."
Ngài không chỉ tham gia vì bổn phận của một nam tử, mà còn bởi ý chí bảo vệ người mình yêu thương và gia tộc của nàng. Một sự quyết tâm mạnh mẽ xuất phát từ trái tim.
"Tuy nàng không biết, nhưng ta muốn nàng có thể tự hào về ta. Một kẻ chỉ biết trốn tránh sẽ không bao giờ bảo vệ được những gì quan trọng nhất. Nếu chỉ mãi là kẻ núp sau bóng người khác, ta làm sao xứng đáng đứng bên cạnh nàng?"
"Nàng đã làm rất nhiều điều mà không cần ai biết. Vậy thì, ta cũng có thể làm điều này cho nàng, chỉ cần nàng luôn mỉm cười là đủ."
"Ta sẽ không để nàng bị cuốn vào bất kỳ cơn sóng gió nào, kể cả khi nàng không hay biết gì."
Trước khi lên đường, ngài ấy đã đứng lặng dưới hiên. Mái đầu cúi thấp, ánh mắt hướng vào căn phòng nơi ta đang an giấc. Một hình bóng đơn độc, mang theo trọng trách nặng nề và cả những lời chưa kịp thốt.
Ngũ đường ca kể lại với ta rằng, lý do khiến Thất công tử liều mình chính là do ngài ấy đã tận mắt chứng kiến những cảnh đời khốn cùng, những con người lụi tàn trong đau khổ vì không thể tự bảo vệ chính mình. Ngài sợ rằng gia đình, người thân yêu của mình cũng sẽ rơi vào bi kịch tương tự.
Dẫu khởi đầu chỉ là lòng ích kỷ, nhưng sau cùng, hành động của ngài ấy đã hóa hiểm nguy thành bình yên. Ta phải biết ơn ngài, cũng như tất cả những người đã kề vai sát cánh bên ngài trên hành trình gian nan đó.
Để đêm nay, và những đêm sau này, ta có thể yên giấc trong an lành, không lo sợ sóng gió bủa vây.
------
Tối ấy, Thất công tử ngủ không yên giấc, những cơn ác mộng quấn lấy khiến ngài đầm đìa mồ hôi lạnh. Đại phu đã dặn rằng vết thương ở vai tuy nguy hiểm, nhưng đã qua cơn nguy kịch, điều quan trọng nhất là phải có người túc trực bên giường.
Cả đêm ấy, ta chẳng dám chợp mắt, chỉ ngồi lặng trong góc phòng, bên bếp than cháy lép bép. Trong bóng tối mắt ta không tốt, nhìn mọi thứ đều nhạt nhòa, nhưng lúc này lại có thể thấy rõ ràng biểu cảm trên gương mặt khắc khổ của đối phương.
Mỗi khi Thất công tử hơi cựa mình, vết thương như dày vò khiến người bật ra những tiếng rên rỉ yếu ớt, còn ta lại cuống cuồng không biết phải làm sao.
Vừa muốn đến gần, nhưng lại sợ đến gần.
Nghĩ lại, phải chi ngày ấy ta không ngu ngốc ngồi đợi dưới tuyết, cố chấp mong người quay lại, thì hôm nay đâu đến nỗi... Nhưng cũng chính vì cái ý nghĩ ngông cuồng ấy, ta muốn ngài thương xót ta, để ngài chẳng còn trốn tránh.
Thật xấu tính, cũng thật bỉ ổi!
Đột nhiên, giữa cơn mê sảng, Thất công tử bật gọi, giọng nói khàn khàn vương chút hơi tàn: "Nương tử! Ta muốn nương tử!" Tiếng gọi đứt quãng tựa tiếng thở dài kìm nén, chẳng khác gì một đứa trẻ yếu đuối cầu xin sự an ủi. Giọng dần mỏi mệt, nhưng không ngớt khẩn nài: "Tử Yên đau lắm... Nàng đâu rồi? Đau... Đau quá!"
Còn có chút thút thít nỉ non: "Muốn nương tử ôm!"
Ta bàng hoàng, chỉ biết khép chặt vạt áo, đứng lặng bên khung cửa. Lát sau, thấy ngài cựa mình, định gắng ngồi dậy, nhưng cơn đau nhói khiến cơ thể ngài run rẩy không ngừng. A Phúc vừa bước vào, toan đỡ ngài nằm xuống, lại bị ngài tức giận xua đẩy: "Không phải ngươi! Cút ra ngoài!"
Dù đôi mắt nhắm nghiền, nhưng vẫn nhận ra rõ ràng.
"Ta nhớ nương tử... muốn nàng ở đây..." Mồ hôi túa như mưa, nhưng ngài vẫn gượng cấm A Phúc đụng chạm. Ta nấp sau bình phong, nghe A Phúc khẽ khàng khuyên nhủ: "Cô gia, ngài làm vậy tiểu thư sẽ đau lòng lắm! Xin ngài nghe lời tiểu nhân, nếu cứ quấy động thì vết thương sẽ hở miệng, chẳng lành nổi!"
Ngài ấy giãy giụa, yếu ớt mà cương quyết đáp: "Cấm... cấm ngươi nói với nàng..."
"Được, được! Tiểu nhân xin hứa, nhưng ngài phải ngoan ngoãn để ta thay áo!"
"Ừm, nhưng mà ngươi có thể nào nói với nương tử, rằng ta nhớ nàng... Không phải, tốt nhất đừng nói, để nàng biết ta nhớ nàng mà không chịu gặp nàng, nàng sẽ buồn đấy! A... đau..."
"Nhẹ một chút đi!" Ngài ấy cau có. Lát sau, ngài lại ra lệnh, gượng dặn dò từng câu: "Đừng nói với nương tử ta đang bệnh, nói rằng... Nói rằng ta đang học tài nghệ, khi nào học xong có thể biểu diễn cho nàng xem... Nàng đừng làm phiền ta tập trung!"
"Nhưng cô gia muốn A Phúc phải nói ngài đang học gì đây?" A Bảo hỏi.
Phía sau bình phong ngài ấy đang âm thầm chịu đựng, phía trước bình phong ta thấp thỏm không yên.
"Học... Học..."
"Ta không biết!"
A Phúc gợi ý: "Hay là học điêu khắc đi!"
"A Phúc sẽ nói rằng ngài đang học khắc gỗ, để khắc tượng phu thê cho tiểu thư!"
"Được, được! Ngươi cứ nói vậy đi... Hự, A Phúc ơi, ta hơi đau... Tại sao cánh tay của ta không thể cử động được vậy? Nhiều ngày rồi, nó cứ đau hoài, vậy bao giờ ta mới được về phòng gặp nương tử đây?"
"Sẽ sớm thôi!" A Bảo nói, sau đó đem khay y phục ra ngoài. "Cô gia, ngài cứ an tâm nghỉ ngơi. A Phúc và A Bảo sẽ thay phiên canh giữ, không để ai quấy rầy."
"Cô gia, để tiểu nhân đúc thuốc cho ngài! Đây là của... Ưm, của A Phúc nấu cho ngài đó!"
Ngài ấy nhăn mặt, uể oải than: "Thuốc... đắng lắm! Ta không thích uống thuốc!"
Mặc dù là lương y thế nhưng Thất công tử chẳng thích uống thuốc, thậm chí mỗi lần uống thuốc đều nhăn mặt, thè lưỡi.
"Ngài mau uống rồi A Phúc sẽ cho ngài kẹo!" A Phúc nài nỉ, dỗ ngọt.
"Kẹo này ở đâu vậy?" Thất công tử nghi ngờ, nửa tỉnh nửa mê. "Đây là kẹo của nương tử mà! Lúc nào nàng cũng coi nó như bảo bối, chỉ khi uống thuốc mới dám lấy ra ăn..."
Ngài ấy giật mình, hỏi dồn xen lẫn trách cứ: "Sao ngươi có? Nàng đưa cho ngươi ư? Nàng biết rồi sao? Ngươi nói gì với nàng?"
A Phúc vội vã trấn an: "Không đâu! Đại lão gia cho tiểu nhân mà... Ngài đừng lo!"
"Thật không? Ngươi không có nói cho nàng biết đúng không?"
"Thật mà, A Phúc thề, tuyệt nhiên chẳng dám nói nửa lời!" A Phúc cười đáp. "Ngài mau uống thuốc, kẻo nguội không tốt!"
Ngài bán tín bán nghi, nhắm mắt thở dài, tựa hồ an tâm hơn:
"Được... tạm tin ngươi. Nhưng nhớ, tuyệt đối không được hé nửa lời với nàng!"
Uống cạn chén thuốc, gương mặt ngài nhăn lại, nhưng chẳng than vãn thêm điều gì.
Đợi đến khi Thất tử ngủ say, A Phúc mới yên tâm rời khỏi chỗ. Trong căn phòng lặng lẽ, chỉ còn lại ta với ngài. Không gian quanh quẩn sự tịch mịch, như chờ đợi một điều gì đó chẳng rõ ràng mà nặng nề.
Nhịn không được, chỉ mới vài khắc trôi qua, ta đã rón rén bước tới bên bức bình phong, khẽ khàng vén màn, đôi mắt thăm dò đầy lén lút. Ngài nằm đó, nhờ thuốc mà dáng vẻ thả lỏng đi phần nào. Tuy vậy, nét mặt vẫn phảng phất vẻ tiều tụy đến nhói lòng.
Một cơn ngứa nơi cuống họng bỗng nhiên trỗi dậy. Dẫu đã cố ghìm, cuối cùng tiếng ho vẫn bật ra, nhỏ nhưng rõ mồn một. Giật mình, ta vội quay đi, nín thở chờ đợi. Mãi sau khi cơn ho chấm dứt, ta mới run rẩy ngoảnh lại.
Từ lúc nào ngài ấy đã mở mắt, đôi con ngươi đỏ hoe. Có một giọt trượt dài, ướt đẫm gò má xanh xao, nhợt nhạt. Ngài nhìn ta chẳng nói nỗi một lời, chỉ đưa khuỷu tay lên che mặt, tiếng thút thít nghèn nghẹn thoát ra đầy đứt quãng.
Đừng khóc, có được không?
Ta muốn lên tiếng, nhưng cổ họng nghẹn lại, đôi mắt cũng rưng rưng. Ta cắn chặt môi, cố kìm nén, nhưng trái tim như sắp vỡ òa.
Không sao để cho mình bình tĩnh lại được.
Đừng khóc nữa, ta cầu xin chàng!
Rồi tiếng của ngài, yếu đuối mà xót xa, làm ta càng đau thêm: "Đừng đi... có được không? Ta biết nàng ở đó. Đừng đi, có được không?"
"Ta không muốn nàng thấy bộ dạng tàn tạ này của ta... Nhưng lại càng không muốn nàng ghét bỏ ta..."
"Ta rất bối rối, có lẽ ta không còn giữ được tỉnh táo nữa rồi!"
"Dù cho thương hại cũng được, ta đều mãn nguyện!"
Ngài thở dài, từng hơi dài như tiếng gió rít, lạnh lẽo mà mạnh mẽ, tốc đi những lớp tường thành cuối cùng trong ta.
Lộ ra vẻ yếu ớt nhất, là khi trái tim thoi thóp.
"Được..." Ta lên tiếng, lời như muốn chặn lại sự yếu đuối trong hơi thở dài của ngài.
"Ta sẽ đợi... Đợi đến khi ngài bình phục!"
"Không lâu đâu. Ta sẽ không để nàng phải đợi lâu nữa!"
"Ngài ngủ đi, ta vẫn ở bên cạnh ngài!" Ta dùng khăn lau khô nước mắt giàn dụa trên gương mặt mình. "Ta đang bị cảm, ngồi gần sẽ lây bệnh cho ngài mất..."
"Nàng bị bệnh? Làm sao bệnh được? Là ta không tốt, đã không chăm lo cho nàng!"
"Không đâu! Chỉ là sức khỏe ta kém, hay mắc bệnh vặt thôi." Ta cúi đầu, vừa ngượng ngùng vừa áy náy. "Thật ra... là ta trốn uống thuốc..."
"Có phải nàng chờ vi phu về đúc thuốc cho nàng không?" Ngài bật cười, nụ cười gắng gượng nhưng vẫn dịu dàng.
"Ừm..." Ta khẽ đáp, mắt cụp xuống, lòng ngổn ngang trăm mối.
Bản thân thực ra đã chờ rất nhiều ngày nhưng ngài không chịu xuất hiện.
"Khi nào vi phu khỏe lại, sẽ tự tay nấu và đúc thuốc cho nàng!"
"Ta biết!" Ta ngồi xuống ghế, mỉm cười. "Còn hiện tại ta sẽ nấu thuốc cho ngài, có được không?"
"Như trước kia?"
"Đúng, như trước kia."
"Được, ta rất vui..."
Ta cũng vui!
Ngài khẽ động, định bật ngồi dậy: "Hay là nàng lại giường ngủ đi. Ta qua trường kỷ nằm."
"Không được!" Ta nghiêm giọng, ánh mắt đanh lại. "Hôm nay, ngài phải ngoan ngoãn nằm yên đó! Buổi chiều ta đã ngủ nhiều rồi, không còn buồn ngủ nữa..."
"Nhưng mà..."
"Nhưng mà..."
"Đừng nhưng nhị. Chẳng phải ngài luôn nghe lời nương tử sao? Bây giờ lại dám cãi lời ta ư?"
"Không, ta nghe lời nàng. Ta rất ngoan!" Ngài nhỏ giọng, giọng khàn hơi nghẹn ngào như trẻ con bị mắng. "Nhưng mà... ta khó ngủ..."
"Ngài khó ngủ sao? Còn ta thì không biết cách dỗ ngài!" Ta trầm ngâm.
"Hay là ta với ngài đếm dê nha? Biết đâu sẽ ngủ được!" Vội vàng gợi ý.
"Được, nàng đếm trước đi!" Ngài ấy vui vẻ nói.
"Trên miền đồng cỏ rộng lớn có một người chăn dê..." Ta hắng giọng sau đó cất lời.
"Mỗi sáng thức dậy, ông lùa bầy dê ra ngoài đồng, thả chúng tự do gặm cỏ, còn mình thì nằm dài dưới gốc cây sồi. Đến chiều, khi mặt trời lặn, ông bèn tỉnh dậy. Để không lẫn lộn hay thất thoát, liền nhờ chú chó trung thành của mình lùa đàn dê về chuồng. Thế rồi, ông ấy đếm từng con dê một..."
Ta bắt đầu đếm: "Con dê thứ nhất, nhảy qua hàng rào gỗ, nhưng chẳng may kẹt chân, giãy dụa mãi không thoát. Ông lão phải bận rộn cả buổi mới cứu được nó."
"Con thứ hai, bị chó chăn dê đuổi quá hăng, chạy vòng vòng đến khi mệt lả, đành nằm vật ra giữa đồng, khiến ông lão mất cả buổi để kéo về chuồng." Ngài ấy tiếp lời.
"Con thứ ba bị người chăn dê đánh vào mông..." Ta cười nói. "Con thứ ba vì ăn phải lá cây độc nên bụng trướng lên, kêu be be cả đêm, khiến ông lão không thể chợp mắt!"
"Con thứ tư, nghịch ngợm chui đầu vào hốc cây, mãi không rút ra được. Ông lão phải gọi hàng xóm đến trợ giúp, khiến mọi người đều cười nhạo."
"Con thứ năm, thấy bầy ong liền tò mò đến gần, bị ong đốt sưng mặt, chạy tán loạn khiến cả đàn náo loạn." Ta phụ họa.
"Con thứ sáu, vừa nhảy xuống suối tắm liền bị nước cuốn trôi một đoạn. Ông lão phải cởi giày, lội xuống bắt nó về, người thì ướt, dê thì vẫn ung dung."
"Con thứ bảy thấy cánh đồng lúa chín vàng liền chạy vào gặm phá, bị chủ ruộng mắng xối xả. Ông lão phải nhịn nhục xin lỗi." Ta lại thêm vào, cố nén nụ cười.
"Con thứ tám, đi xa quá không nghe lệnh gọi, cuối cùng bị sói rình mò. May mắn thay chú chó trung thành kịp thời cứu nguy, nhưng nó cũng bị thương."
"Con thứ chín..." Ta nói. "Con thứ chín vốn luôn ngoan ngoãn đi phía sau bầy, lần này lại không biết đường về. Nó lạc giữa đồng cỏ bạt ngàn, buộc người chăn dê tìm mãi, đến tận lúc bình minh, chỉ còn lại dấu chân mờ nhạt trên nền cỏ sương."
"Vậy còn con thứ mười thì sao?" Ngài ấy tò mò hỏi.
"Con thứ mười à? Nó khác với chín con trước. Nó chẳng nghịch ngợm, cũng không lạc lối hay gây chuyện. Nó luôn thong dong, tự tại, đi sau cùng bầy nhưng lại khiến người chăn dê đau đầu nhất." Ta cười.
"Vì sao thế?"
"Vì con thứ mười vốn chẳng phải dê, mà là một chú cừu. Suốt bao năm qua, người chăn dê vẫn nhầm lẫn nó là một thành viên của bầy dê. Đến khi nhận ra, cừu đã quen thuộc với đàn dê, chẳng muốn rời đi. Nhưng nó vẫn khác biệt. Trong một bầy dê ồn ào, nghịch ngợm, cừu luôn giữ dáng vẻ trầm lặng, hiền hòa. Người chăn dê thấy thương nó, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao."
"Thế cuối cùng, cừu có được đoàn tụ với đàn cừu của nó không?"
"Cừu tự biết mình là ai. Bởi dù là dê hay cừu, những kẻ từng đi qua cuộc đời nhau đã tạo nên một sợi dây gắn bó không dễ gì cắt đứt. Người chăn dê cũng không buộc nó phải đi. Ông lão mở cửa chuồng, nhưng chỉ lặng nhìn, để cừu tự quyết định..." Ta lấp lửng nói.
Thế là ngài ấy thay ta tiếp tục vẽ chuyện: "Và con cừu ấy, cuối cùng vẫn ở lại, không phải vì bị ép buộc, mà vì nó hiểu rằng... đôi khi, hạnh phúc không phải là về đúng nơi mình thuộc về, mà là ở lại nơi mình thấy được yêu thương."
Ta ngây người, bất giác cúi đầu, bàn tay vân vê tà áo, lòng dâng lên chút tiếc nuối khó nói thành lời. Ta buột miệng hỏi: "Ngài đang nói về cừu hay về chính mình thế?"
Ngài bật cười, tiếng cười nhẹ nhàng: "Còn nàng, nàng đang hỏi về cừu, hay về chính ta?"
Ta đỏ mặt, không đáp lại. Nhưng trong lòng bỗng dưng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, như thể câu chuyện đếm dê ấy đã xóa nhòa mọi lớp ngăn cách, kéo ta và ngài ấy gần nhau hơn một chút.
Đêm ấy, tiếng cười khe khẽ của hai người chúng ta cùng hòa vào màn đêm, để lại một kỷ niệm vừa hóm hỉnh, vừa sâu sắc mà ta chẳng bao giờ quên được.
------
Bởi vì ta rất mong chóng khỏi bệnh nên ngoan ngoãn uống thuốc đúng giờ, không dám trễ nải. Để thể hiện thái độ gương mẫu, ta còn để Hồng Hạnh đút thuốc ngay trước mặt Thất công tử. Ngài ấy muốn tận mắt chứng kiến, chỉ sợ ta lén lút đổ thuốc.
Nhưng, để công bằng, ta cũng không quên chằm chằm nhìn ngài ấy được A Phúc đút thuốc. Chẳng phải ta không tin, mà chỉ sợ phút sơ sẩy, ngài ấy sẽ "nghịch ngợm" nhè thuốc ra chén. Cảnh tượng hai người cùng bị bệnh nhưng lại cố gắng "giám sát" lẫn nhau khiến mọi người trong phủ không nhịn được cười.
Mọi người hay đùa gọi bọn ta là đôi phu phụ "Ngọc Quý Tỏa Sáng" (燦燦珂珂), ám chỉ rằng dù từng gập ghềnh, va chạm (磕磕), bọn ta vẫn đạt đến trạng thái rực rỡ, viên mãn (燦燦). Cái tên này nghe thì có vẻ trịnh trọng, nhưng thật ra, ý tứ cũng hàm chứa sự hài hước nhẹ nhàng.
Song ngẫm lại, cái tên "Tàn Tàn Lộc Cộc" (殘殘磕磕) có lẽ phù hợp hơn.
"Tàn" mang nghĩa đầy khiếm khuyết, không hoàn chỉnh; "lộc" là sự va chạm, "cộc" là âm thanh của sự va đập.
Tên này vừa khéo chơi chữ, vừa phản ánh thực tế: hai kẻ "tàn tật" nhưng lại đầy ắp lạc quan, biết biến nỗi đau thành niềm vui.
Không đầy hai ngày, ta đã khỏi cảm. Thân thể khỏe khoắn hơn, ta liền chủ động chăm sóc ngài ấy. Lúc này ta cảm thấy bản thân mình có thể "gánh vác" thay ngài ấy. Ngoại trừ thay y phục, những việc khác như lau mặt, cho ăn, đều thành quen tay.
"Ngài đừng nhúc nhích chứ!" Ta nheo mắt, chỉnh lại khuôn mặt ngài ấy. Nhưng ngài ấy cứ lắc đầu né tránh, nụ cười ánh lên vẻ trêu chọc. Ta nắm cằm ngài, dùng khăn ẩm lau chậm rãi. "Nhắm mắt lại nào!"
Lông mi ngài khẽ động đậy, khiến ta không nhịn được càu nhàu: "Có phải hôm qua ngài lại lén ta thức khuya? Ta đã nói phải nghỉ ngơi đầy đủ thì mới mau lành chứ! Quầng thâm mắt hôm nay lại đậm thêm rồi. Lại còn tơ máu nữa..."
Ta thở dài.
"Muốn giận ngài cũng không được, đừng cười với ta!"
"Ta không dễ bị ngài lấy lòng đâu!"
Đối phương vẫn cười không ngơi, ánh mắt cưng chiều lại pha chút tinh nghịch: "Tử Yên không ngờ có ngày nương tử lại nói nhiều như vậy đó!"
"Ngài chê ta ồn ào?" Ta dừng tay, có chút không vui.
"Không phải, rất thích nghe nàng nói. Thật êm tai."
"Vậy nên ngài mới dám chọc tức ta?"
Thất công tử, tựa như đứa trẻ nghịch ngợm, lại cất lời khiến ta chẳng biết phải làm sao: "Không phải là ta muốn nhìn nàng ngủ! Hôm qua nàng ngủ say đến chảy cả nước dãi! Trông vừa buồn cười, vừa đáng yêu. Còn nằm nghiêng mặt về phía ta nữa, như thể chúng ta đang ngủ cùng giường vậy!" Ngài ấy dứt lời, như nhận ra câu nói có phần đường đột, liền vội vàng lảng sang chuyện khác: "Buổi sáng tỉnh dậy, mở mắt ra liền thấy nàng ở đối diện, cái cảm giác này còn thích hơn hẳn lúc ở nhà nữa!"
Nghe lời ấy, mặt ta đỏ bừng, vội đưa tay che miệng, lòng dấy lên chút hoang mang. Hèn gì sáng nay, ta cảm giác môi mình có chút dinh dính kỳ lạ. Nhưng không để bản thân lộ vẻ bối rối, ta thản nhiên bưng thau nước đặt lên kệ, cất giọng nghiêm nghị: "Nếu vậy, ta sẽ chuyển sang chỗ khác ngủ! Đặt ghế bên giường ngài quả thực chắn lối, không tiện chút nào. Hơn nữa, tướng ngủ của ta không tốt, trở mình thường xuyên sẽ khiến ngài mất giấc."
"Đừng mà!" Thất công tử rướng cổ, giọng cười càng vang: "Không phải nàng, là ta mới đúng! Ta ngủ xấu lắm, còn hay ngáy nữa! Ta ngáy to, nàng xoay người nhiều, đúng là đôi chẳng ra gì!"
"Nhưng ta xấu hơn!" Ta thách đố, cảm thấy bản thân càng nhỏ nhen.
"Vi phu mới xấu nhất!"
"Ừm, đúng vậy!" Ta cười xác nhận. "Dù xấu xí nhưng cũng khá đáng yêu!"
"Nàng càng đáng yêu hơn!"
"Ngài lại hơn thua với ta!" Ta hừ một tiếng, đi đến và ngồi cạnh giường. "Mau há miệng đi!" Ta thổi nguội một muỗng cháo, đưa đến gần đối phương.
"Không phải hơn thua, điều nàng muốn ta đều nhường cho nàng cả! A..." Ngài ấy ngoan ngoãn há miệng, giọng nói không giấu được chút đắc ý.
"Tất cả sao?" Ta nheo mắt, đầy hoài nghi.
"Phải, tất cả!"
"Được rồi, vậy ta muốn sinh mạng của ngài!"
"Còn cơ thể của ta thì sao? Nàng có muốn không?" Ngài ấy nháy mắt, vẻ mặt đầy ẩn ý.
"..." Ban đầu ta không hiểu câu hỏi đột ngột ấy, nhưng khi ngẫm lại, má ta đã đỏ bừng.
"Trong đầu ngài nghĩ cái gì vậy?" Ta lườm đối phương.
"Nàng nghĩ gì thì nó là cái đó!" Ngài ấy nhún vai, mang vẻ mặt vô tội, nhưng ánh mắt thì đầy "mưu mô".
Ta lắc đầu, cố giữ bình tĩnh, đút thêm một muỗng cháo: "Ta không nghĩ gì hết!"
"Vậy sao nàng đỏ mặt?" Ngài ấy cố tình vươn cánh tay lành lặn chạm vào má ta, làm ta giật mình.
"Linh tinh! Đừng sờ lung tung chứ!" Ta gạt tay của ngài ấy, nhưng có vẻ đối phương chẳng hề bận tâm.
Tiếp tục giảng dạy kiến thức phổ thông: "Nàng biết không, cơ thể này cũng như của nàng, đều là kỳ quan của tạo hóa. Âm dương hòa hợp, tế bào như hạt bụi nhỏ nhoi cùng khí huyết tự nhiên tạo thành. Chỉ cần một phần âm của nàng, hòa với một phần dương của ta, chúng sẽ hợp khí, dưỡng sinh, tự nhiên mà tạo thành một sinh mệnh mới. Sinh mệnh ấy không chỉ là máu thịt, mà còn là sự kết tinh của mạch đập, hơi thở, và vận khí từ cả hai ta. Thật kỳ diệu, phải không?"
"..." Ta chết lặng, vừa bất ngờ vừa không biết trả lời thế nào.
Ngài ấy lại cười, nghiêng đầu: "À mà... nàng có muốn điều hòa khí âm dương này cùng ta không?"
Lời ấy khiến ta lúng túng tột cùng. Không nói thêm lời, ta liền đút nhanh muỗng cháo vào miệng ngài: "Ngài im ngay! Mau ăn hết cháo đi!"
Ngài nuốt cháo, rồi nói: "Ta ăn mà, nhưng nàng đỏ mặt thế này, ta nghĩ nàng cũng không phải là không muốn đâu!" Ngài ấy nhướn mày, cười đến nỗi ánh mắt cong lên như vầng trăng khuyết, khiến ta vừa xấu hổ vừa muốn đá ngài ấy một cái!
Ta nghiến răng, tay run lên vì tức giận.
Tử Yên của ta mỗi ngày lại học hư thêm một chút nữa rồi!
------
Mặc dù mỗi lần đại phu thay băng cho ngài, ta đều tránh mặt, không dám nhìn trực tiếp, nhưng qua lời kể của họ, vết thương trên người ngài đã dần lành, lớp da mới bắt đầu kéo vảy. Những dấu hiệu này khiến lòng ta nhẹ nhõm đôi phần, bởi sức khỏe của ngài đang tiến triển tốt. Bọn ta quyết định xin phép đại bá phụ cho trở về Bạch Mai. Dù sao, ở trong chính gia môn của mình vẫn an yên, thoải mái hơn. Hai bá phụ tuy không muốn ngăn cản, nhưng ánh mắt vẫn lộ rõ sự lưu luyến đặc biệt đối với Thất công tử.
Ta nghĩ trong thâm tâm họ, ngài đã dần trở thành một phần không thể thiếu của gia đình.
Theo lời kể của bá phụ, những đại phu được mời đến đều là ngự y hoàng cung.
Vì thế, một ngày kia, ta đánh bạo hỏi họ về tình trạng trí nhớ của Thất công tử. Đáp lại lời, đại phu bảo rằng ngài đã hồi phục được hai phần ba. Tuy nhiên, phần ký ức còn lại lại như một nút thắt khó gỡ, một phần do ngài không muốn đối diện, một phần vì nó bị chính bản thân ngài chống cự nên cố tình chôn vùi.
Hệ quả là tính cách của Thất công tử có sự biến đổi. Ngài thường bộc trực, đôi khi nóng nảy, nhưng lại luôn cố gắng tạo ra bầu không khí ấm áp. Ngài thường nói những lời trấn an, quan tâm, đôi lúc còn không ngần ngại trêu ghẹo, như để xoa dịu khoảng cách giữa chúng ta. Cũng có lẽ, phần nào đó nó là một sự cố gắng nhằm tìm kiếm sự thấu hiểu và an ủi từ người đối diện.
Mối quan hệ giữa ta và ngài tựa hồ như đã phát sinh thêm một tầng ý vị khó nói. Dường như giữa chúng ta không chỉ còn là sự tương kính, mà còn là sự giao hòa giữa tâm ý, nơi mà ta cảm nhận được sự thoải mái lẫn tự nhiên khi bên cạnh ngài. Trong những lời nói, hành động, ánh mắt, đều có sự dung hòa giữa nét chân thành của tri kỷ và sự ngọt ngào chớm nở của tình yêu.
Nhưng phàm là việc gì quá dễ dàng đạt được thì dễ nảy sinh biến số.
Chính vì vậy ta không dám để lòng mình tự mãn, vì hiểu rằng nó sẽ luôn đến vào lúc ta không ngờ tới nhất.
------
Có một ngày, Tứ nương trở về nhà đại bá phụ, đường đột tuyên bố rằng sẽ ở riêng, chỉ mang theo Tảo Tảo.
Đó là quyết định buốt lòng, tỷ ấy chịu mọi nỗi khổ đau nặng nề, thế mà vẫn gắng gượng không để lệ rơi trước người ngoài. Cả ngày lẫn đêm Tứ nương chỉ biết ôm lấy con gái mà thở dài, những tiếng thở nặng tựa sương mù phủ kín trời đông. Ta mấy phen dò hỏi, chỉ nhận được sự lặng câm và ánh mắt sâu thẳm.
Cả nhà bắt đầu nghi ngờ, bởi lẽ cơn sóng gió này dường như không chỉ là chuyện phu thê bất hòa. Tin dữ từ phủ Tấn Bình Tương Vương đến tựa sét đánh: quân phiến loạn bỗng nhiên phản kích, Hiển Ông chúa bị trọng thương. Điều tra kỹ càng, mối dây liên kết lại dẫn đến Quảng Trạch Nam.
Để bảo toàn tính mệnh Tứ nương và con gái, tỷ phu đã viết tờ hưu thư rồi tự mình đi đầu thú. Ngày tin này truyền ra, Tứ nương ôm Tảo Tảo khóc ngất, kéo theo đứa nhỏ dỗ mãi chẳng nín. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ chưa đầy năm ngày, Quảng Trạch Nam trở về, nguyên vẹn không chút tổn hại.
Mới hay khi vào chiếu ngục, huynh ấy không phải chịu tra khảo, mà chính là để truy vấn kẻ khác. Sự thực phơi bày: quân phiến loạn phủ Tấn Bình không phải ngẫu nhiên nổi dậy, mà nhằm che đậy một đường dây ngầm buôn tin mật từ biên ải, lấy nhạc phường làm nơi giao dịch và nhạc quan làm phương tiện truyền tin.
Không ngờ ai ngờ rằng nhạc phường lại là tổ địa (căn cứ) của bọn phản nghịch, chứ không phải như bề ngoài chỉ là chốn đàn ca phách gõ.
Quảng Trạch Nam bị lôi vào vòng nghi vấn vì từng thay mặt Hiển Ông chúa tài trợ cho nhạc phường này. Nhưng sự tình không đơn giản. Động cơ thật sự của Hiển Ông chúa khi tài trợ nhạc phường không phải vì chuộng thanh sắc, mà chính là để dò la, kiểm soát những hoạt động khuất tất, hòng triệt tiêu mầm phản loạn từ trong trứng nước.
Thực sự, tỷ phu muốn tìm ra kẻ chủ mưu đứng sau. Nếu thành công, không chỉ xóa bỏ mọi hiềm nghi mà còn có thể lập công lớn, cứu vãn danh tiếng của gia tộc.
Đến lúc Quảng Trạch Nam vào ngục, huynh ấy mượn thế lực và mưu trí biến nhà giam thành nơi điều tra, để lật tẩy bí mật nhạc phường. Bằng cách tiếp cận những tù nhân liên đới đến vụ phiến loạn, còn lần ra những manh mối quan trọng, từ đó phát hiện rằng nhạc phường còn che giấu nhiều bí mật chính trị.
Song hành cùng huynh ấy, ở bên ngoài còn có Lương Minh Kha.
Vì trước hết, Hiển ông chúa cùng huynh ấy đã âm thầm phối hợp với Lương Minh Kha. Có một manh mối chỉ ra những kẻ đứng sau lại liên quan đến gia tộc Lương thị của nàng.
Hiển Ông chúa, Quảng Trạch Nam và Lương Minh Kha, tựa những quân cờ được xếp vào bàn, mỗi người một vị trí, lợi dụng lẫn nhau nhưng đồng thời lại phối hợp nhịp nhàng để hạ đo ván đối thủ.
Trong thân phận giả mạo, Lương Minh Kha liều lĩnh trà trộn, chấp nhận hiểm nguy để tiếp cận những nhân vật trọng yếu trong nhạc phường. Càng đi sâu, nàng càng khám phá được rằng, một bài ca cổ được lưu truyền trong nhạc phường thực chất là bản mật mã chứa ám hiệu chỉ điểm danh tính kẻ chủ mưu. Tuy nhiên, bài ca này chỉ được truyền lại cho một số ít người trong tổ chức, và nàng phải dùng mọi tài trí để tiếp cận chúng.
Quá trình này không chỉ chứng minh sự trong sạch của Quảng Trạch Nam mà còn khẳng định tài năng và sự hữu dụng của Lương Minh Kha. Đổi lại, tương lai Tương Vương và Hiển ông chúa sẽ đứng ra đảm bảo và đề nghị triều đình cho phép Lương Minh Kha trở lại thân phận nữ nhân mà không bị truy cứu trách nhiệm vì quá khứ giả mạo.
Có thêm một số thành viên nhạc phường bị bắt giữ, nhưng những kẻ cầm đầu đã chạy thoát. Trong thời gian ngắn ngủi, Quảng Trạch Nam không chỉ chứng minh sự vô can, mà còn khiến một vài tên thừa nhận, số khác lại cắn thuốc độc tự sát. Công lớn này giúp tỷ phu chẳng những thoát thân, mà còn nhận được sự trọng dụng của triều đình.
Nhờ công lao phá giải bí mật nhạc phường, Lương thị được khôi phục thân phận nữ nhân, thoát khỏi kiếp giả mạo. Tương lai của nàng cũng mở ra, khi không chỉ được ban trọng thưởng đãi hậu mà còn xây dựng được vị thế mới trong xã hội.
Tuy nhiên, ai nấy cũng đều hiểu rằng nhạc phường vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, và những bí mật liên quan đến tổ chức này có thể gây nguy hiểm cho Minh Kha trong tương lai.
Trước khi rút lui, những kẻ cầm đầu đã để lại một lời đe dọa nặng nề, không chỉ nhắm đến riêng một ai như Quảng Trạch Nam lẫn Lương Minh Kha: "Âm luật đã tắt, nhưng dư âm sẽ sống mãi."
Câu nói ấy như lời tuyên chiến với triều đình, rằng những bí mật ẩn giấu trong nhạc phường vẫn còn khả năng hồi sinh, tựa âm thanh trầm lặng trong không khí chờ ngày bùng nổ.
------
Việc Lương Minh Kha vô tình can thiệp đã khiến nàng trở thành một mắt xích yếu trong kế hoạch của Hiển Ông Chúa. Thái Thu Hoài lo sợ bí mật năm xưa bị phơi bày, đã chủ động tố cáo Lương Minh Kha để triều đình xử lý nhằm tự bảo vệ mình. Nhưng Lương Minh Kha không chỉ bị nghi oan mà còn phải đối mặt với thân phận nữ nhi bị tráo đổi và những tội lỗi của mẹ nàng. Việc bà ta tráo đổi số mệnh, khiến đại ca nàng bị giết, đã gây nên một vết rạn trong gia đình.
Khi nàng mang thân phận thật trở về với gia đình vào đúng dịp lễ tế tổ của Lương gia, nơi mọi thành viên trong gia tộc sẽ tề tựu. Đây là dịp để khẳng định vai trò và địa vị của từng thành viên trong dòng tộc, cũng là thời điểm Thái Thu Hoài muốn khẳng định vị trí của bà ta. Bà ta cho rằng Minh Kha trở về chỉ là để cầu xin sự tha thứ, nhưng Minh Kha bất ngờ đưa ra những chứng cứ cho thấy Thái Thu Hoài đã liên quan đến cái chết của huynh trưởng nàng.
Lương Minh Kha trở lại gia tộc không phải với tư cách một nhạc quan của Tương Vương hay một hoa khôi của Mãn Phong Đường, mà là người tìm kiếm công lý cho chính mình và những người đã khuất. Nàng biết rằng để đối diện với mẹ nàng là Thái Thu Hoài và cha nàng là Lương Giám Phó, thì không chỉ cần dũng khí mà còn phải đánh vào chính lòng kiêu hãnh và bí mật sâu kín của họ.
Gia đình không phải là nơi chỉ dựa vào máu mủ để bảo vệ nhau, mà là nơi những con người vì yêu thương mà cùng nhau đối mặt với sóng gió. Kẻ phản bội gia đình cũng chính là người phản bội bản thân mình.
Trước sự hiện diện của cả gia tộc, Minh Kha đưa ra những tài liệu chứng minh tội ác của Thái Thu Hoài, kèm theo một nhân chứng từng tận mắt chứng kiến bà ra lệnh đầu độc huynh trưởng và dàn dựng màn kịch tai ương. Đó là lần đầu tiên nàng đối mặt trực tiếp với mẹ mình sau khi mọi bí mật bị phơi bày. Nhưng Thái Thu Hoài vẫn giữ nguyên thái độ lạnh lùng và cao ngạo, không hề hối hận mà thậm chí còn cười nhạo Minh Kha: "Con nghĩ mình là ai? Một kẻ mang thân phận bẩn thỉu như con thì có tư cách gì lên tiếng? Ngày con rời khỏi phủ, ta đã nghĩ con không bao giờ quay lại, không ngờ con lại dám động vào bí mật này!"
Trước sự chất vấn của Minh Kha, Thái Thu Hoài vẫn giữ vẻ mặt bình thản, thậm chí cười lạnh: "Con tưởng chỉ cần một vài tờ giấy đó là có thể lật đổ được ta? Đừng lấy thứ đạo lý rỗng tuếch mà dạy dỗ ta."
Minh Kha không chỉ mang theo chứng cứ là giấy tờ, mà còn đưa đến một nhân chứng sống – gia nhân từng theo dõi Thái Thu Hoài và chứng kiến cả quá trình bà ta ngụy tạo chứng cứ, cũng như thực hiện nghi thức tà giáo Chủng sinh cơ. Người này từng bị đuổi khỏi Lương gia nhưng sau đó lại được Hiển Ông Chúa thu nhận.
Khi nhân chứng vạch trần tội lỗi, sắc mặt Thái Thu Hoài chỉ hơi động, song bà vẫn cười gằn: "Một đứa con trai yếu đuối, vô dụng thì chết đi là phải. Ta không cần kẻ gánh vác chẳng nổi gia tộc. Ngược lại, con, đứa trẻ khôn lanh và khỏe mạnh, sống là để ta dùng làm tấm chắn bảo vệ gia đình này!"
Khi Minh Kha mới chào đời, Thái Thu Hoài đã âm mưu tráo đổi vận mệnh của nàng với huynh trưởng – người thừa kế hợp pháp của Lương gia. Huynh trưởng nàng vốn là một cậu bé thông minh và khỏe mạnh, bị Thái Thu Hoài đầu độc từng ngày để suy nhược dần. Bà tạo dựng một màn kịch rằng cái chết của huynh trưởng Minh Kha là do "điềm xui" liên quan đến ngày sinh của Minh Kha, nhằm đẩy nàng ra khỏi vị trí trung tâm của gia tộc. Khi Minh Kha hỏi: "Người là mẹ của ta, tại sao người lại nhẫn tâm đến vậy?"
Thái Thu Hoài chỉ đáp: "Gia tộc này cần sức mạnh chống đỡ, không cần yếu đuối hay lòng thương hại. Nếu ta không làm vậy, chúng ta đã bị loại trừ từ lâu!"
Tuy nhiên, Lương Minh Kha kia lại không chất vấn với Thái Thu Hoài, thế thì lại khiến bà ta bộc phát cười lớn: "Còn ngươi, nữ nhân kia, ngươi nghĩ thắng ta là có thể sống yên ổn sao? Từ ngày ngươi rời khỏi gia tộc, ngươi đã không còn là người Lương gia nữa!"
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Lương Giám Phó vẫn luôn tỏ ra yếu đuối trước sự thao túng của Thái Thu Hoài. Khi bị Minh Kha chất vấn, ông chỉ cúi đầu tránh ánh mắt nàng, nhưng lời nói của ông lại khiến nàng bàng hoàng: "Ta đã nghĩ chỉ cần yên lặng, mọi chuyện sẽ qua đi. Ta không ngờ bà ấy đi xa đến vậy."
Minh Kha nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng: "Người là cha của con, sao lại có thể nhắm mắt làm ngơ trước cái chết của huynh trưởng? Người im lặng, người sợ hãi, nhưng sự nhu nhược của người đã đẩy cả gia đình này xuống vực thẳm!"
Nhân chứng tiếp tục vạch trần thêm những tội lỗi mà Thái Thu Hoài đã che giấu bấy lâu. Đỉnh điểm của sự việc là khi một người thanh niên lạ mặt xuất hiện – kẻ mang tướng mạo sáu phần giống Minh Kha. Hắn chính là Lương Minh Kha thực sự, là đứa trẻ vốn bị đánh tráo thân phận với Lương Sảo từ thuở thơ ấu.
Thì ra, Lương Giám Phó trong một thoáng lương tâm đã nuôi dưỡng hắn trong bóng tối, nhưng lại không đủ sức chống lại người vợ quyết đoán. Ông không còn chịu nỗi người vợ tưởng chừng tào khang của mình, không thể nghe được những lời độc địa được buông ra từ miệng của bà. Lương Giám Phó trong cơn đau khổ và ân hận, quỳ xuống trước Lương Minh Kha và Lương Sảo: "Ta đã không bảo vệ được các con, ta không xứng đáng là cha của hai con!"
Sau đó bà ta nhào đến, muốn dùng trâm cài tóc của mình đâm vào Lương Minh Kha thực sự kia, nhưng sau cùng lại trượt chân, tự mình ngã nhào, may mắn thay chiếc trâm cài ấy lại không khiến bà mất mạng. Bà ta nằm dưới đất, nhìn chằm chằm vào Lương Giám Phó, ánh mắt tràn đầy căm hận: "Ta thà chết, còn hơn để nó rơi vào tay những kẻ yếu đuối như ngươi! " Không có một chút ân hận nào. Bà ta chỉ nhìn Minh Kha và nói: "Hãy nhớ, con tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ ta!"
Bà ta bị bắt giam, nhưng vì Lương gia không muốn bị bẻ mặt nên chỉ giam lỏng bà ta trong biệt viện, thế nhưng chính tay trượng phu của bà lại chuốc thuốc điên cho bà ấy. Cuối cùng, Lương Giám Phó quyết định đưa bà về một biệt viện xa xôi, nơi ông tự mình chăm sóc người vợ từng khiến ông vừa yêu vừa sợ.
Bởi vì họ không còn là một gia đình hoàn chỉnh nữa rồi.
Lương Minh Kha và Lương Sảo quyết định rời khỏi gia tộc, từ bỏ mọi danh vọng để sống một cuộc đời tự do. Họ để lại một lời nhắn cho phụ thân: "Chúng con tha thứ cho người, nhưng không thể quên được những gì đã xảy ra. Chúng con sẽ sống cuộc đời của chính mình, không phải của ai khác!"
Nhưng ai nào biết, khi phu thê của Lương giám phó vừa ra khỏi kinh thành liền đột ngột qua đời. Bề ngoài có vẻ là một vụ tự tử, vì bên cạnh hai cỗ thi thể có một lá thư viết tay với những dòng chữ rướm máu: "Ta là kẻ hèn nhát, không xứng đáng làm cha và làm chồng. Xin tổ tiên thứ tội!"
Sau đó, Hiển Ông Chúa đề nghị bảo trợ cho Lương Minh Kha, cũng như Lương Sảo. Nhưng họ từ chối, quyết định tự đi con đường của mình. Quyết định này tuy có đột ngột, nhưng thực sự không còn liều lĩnh. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho họ, Hiển ông chúa đã âm thầm cử người bảo vệ an toàn và hộ tống họ trong âm thầm mà không ai hay biết, kể cả Ngô Thập Nhị.
Ngô Thập Nhị hay tin Lương Sảo ra đi, thì tự tìm đến trong nỗi buồn. Khi y đến gặp mặt ta thì đã là nửa tháng sau, lúc đó ta cùng Thất công tử đã về trấn Bạch Mai rồi.
Có thể thấy y buồn bã, nhưng thật ra có hơi nhẹ nhõm vì Lương Sảo đã sống đúng bản chất của mình. Nhưng việc không còn gặp lại nàng, cũng khiến y canh cánh, giống như Tử Kỳ đi rồi, chẳng còn ai bầu bạn với Bá Nha.
Ta bèn hỏi Ngô Thập Nhị một câu, không phải để tìm câu trả lời, mà là để người tự chiêm nghiệm và nhận ra chính lòng mình: "Người đời có thể gác lại quá vãng, nhưng nếu chẳng còn khát vọng hướng tới mai sau, há chẳng phải tự tuyệt nửa kiếp còn lại hay sao? Lòng người tựa mặt hồ, lệ rơi chỉ càng khuấy đục, nếu chẳng may lỡ buông tay, sao thấy được ánh dương nơi cuối trời?"
Không buông quá khứ, lòng mãi vẩn đục,
Chẳng nhận cơ hội, đời hóa hư không.
------
Nhật cao quang diệu, ám ảnh trầm ư túc hạ.
Ẩn ư long bào hậu chi thủ, phương thị chân chính khống giang sơn giả.
Dịch nghĩa:
Mặt trời trên cao sáng, bóng tối dưới chân sâu.
Bàn tay ẩn sau long bào, mới là kẻ điều khiển giang sơn.
Hán ngữ:
日高光耀,暗影沉於足下。
隱於龍袍後之手,方是真正控江山者。
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro