Chương 45: Châu Liên Không Thùy (珠帘空垂)
[♪] Châu Liên Không Thùy (珠帘空垂): Rèm ngọc buông rũ.
------
Xã hội cổ đại tin rằng: trời, đất, con người và vạn vật trong vũ trụ có sự tương liên mật thiết, hình thành nên quan niệm "Thiên nhân hợp nhất" (天人合一). Người dân bấy giờ quy phục quyền năng tuyệt đối của "Thiên" (Trời) và tin tưởng vào sự độ trì của gia tiên. Quan niệm phong kiến này cũng phát sinh từ tư tưởng "Thiên địa vạn vật đồng nhất thể" (天地萬物同一體), trong đó Thiên (天) được hình dung như con người được phóng to, và Nhân (人) là phiên bản thu nhỏ của ông Trời.
Và trong tư tưởng đó, thuận thiên mệnh (順天命) trở thành nguyên tắc tối cao.
Chính niềm tin này dẫn đến sự xuất hiện của giới phù thủy, đồng cốt, thầy cúng, và thầy bói – những người vạch ra nghi thức tế lễ và tổ chức thờ phụng thần linh. Họ đã vẽ vời những nghi thức cúng tế, xếp đặt ngôi vị cho các thiện thần và ác thần.
Từ đó, tín ngưỡng đa thần (多神論) và hệ thống nghi lễ cúng tế trở thành nền tảng văn hóa tâm linh, dẫn đến sự phát triển của các hình thức bói toán như bói giáp cốt, bói cỏ thi, và bói đồng xu.
Người xưa quan niệm rằng cuộc đời là hành trình "sống gửi thác về" (生寄死歸), cái chết không phải kết thúc mà là sự trở về với cội nguồn – nơi có sự bảo hộ của gia tiên và sự an bài của Trời. Tư tưởng này được đại nho Trương Tái (張載) (1020 -1077) đời Bắc Tống thể hiện qua câu: "Tồn, ngô thuận sự. Một, ngô ninh dã." (存吾順事沒吾寧也).
Dịch nghĩa: "Sống, ta thuận [Trời] mà phụng sự. Chết, ta cảm thấy an bình."
Triết lý này không chỉ thấm nhuần trong tư tưởng cá nhân mà còn định hình nên nền văn minh phương Đông với sự kiên định, thâm trầm và sự hài hòa giữa con người và vũ trụ.
Với di sản học thuật cổ đại, thuật số (術數) được tôn vinh như một phạm trù tinh hoa kết hợp giữa trí tuệ nhân loại và ý chí thiên nhiên, là những phương thức dự trắc vận mệnh và cát hung của thế gian. Sáu phép dự trắc chính yếu của thuật số, bao gồm: thiên văn (天文), lịch phổ (歷譜), ngũ hành (五行), thi quy (蓍龜), tạp chiêm (雜占), và hình pháp (形法).
Trong Kinh Thư (書經), trù thứ 7 (Thiên Hồng phạm 洪範) đã ghi rõ tầm quan trọng của bói toán: "Nhữ tắc hữu đại nghi, mưu cập nãi tâm, mưu cập khanh sĩ, mưu cập thứ nhân, mưu cập bốc phệ." (汝則有大疑謀及乃心謀及卿士謀及庶人謀及卜筮).
Dịch nghĩa: "Nếu ngươi có điều nghi hoặc lớn, hãy tự hỏi lòng, hỏi khanh sĩ, hỏi thứ nhân, và cuối cùng hỏi bốc phệ."
Kinh Thư cũng quy định cách lựa chọn người phụ trách việc chiêm bốc:
"Chọn người làm công việc bói toán, rồi giao cho họ trách nhiệm."
Phép bói thi quy (蓍龜) được chia làm hai hình thức chính:
o Bốc (卜): dùng mai rùa hoặc xương thú.
o Phệ (筮): dùng cỏ thi.
(*) Bói đồng xu được coi là biến thể giản lược hơn của bói cỏ thi, sử dụng đồng xu thay cho cỏ thi để đưa ra kết quả. Tính thực tiễn của bói đồng xu đã khiến nó được ưa chuộng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
Các bậc thánh nhân xưa luôn xem bói toán là công cụ tối thượng để đoán định cát hung và hỗ trợ việc cai trị quốc gia. Trong Kinh Dịch (易經), câu "Dĩ định thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vĩ vĩ giả, mạc đại hồ thi quy" (以定天下之吉凶成天下之亹亹者莫大乎蓍龟) đã khẳng định vai trò vô song của bói toán trong việc đảm bảo trật tự và hưng thịnh.
Nghĩa là:"Để định đoạt tốt xấu trong thiên hạ, hoàn thành đại sự, không gì bằng bói rùa và cỏ thi."
Giáp cốt văn (甲骨文), hay còn gọi là chữ giáp cốt, là minh chứng trường tồn cho trí tuệ và tín ngưỡng sâu sắc của tổ tiên Trung Hoa thời Thượng cổ. Được khắc trên yếm rùa (giáp) và xương thú (cốt), loại văn tự này không chỉ là công cụ ghi chép mà còn là tấm gương phản chiếu tâm linh và thế giới quan của xã hội cổ đại.
Những nội dung của nó không chỉ dừng lại ở bói toán mà còn mở rộng sang các lĩnh vực thiên văn, khí tượng, địa lý và tôn giáo, phản ánh thế giới quan và tín ngưỡng của tầng lớp vua chúa, quý tộc. Vì vậy, giáp cốt văn còn được gọi là chiêm bốc văn tự, xuất phát từ từ "chiêm bốc" nghĩa là bói toán.
Giáp cốt văn xuất hiện vào cuối đời Thương (thế kỷ 14-11 TCN), phục vụ việc ghi chép các nội dung chiêm bốc của Hoàng thất. Đến thời nhà Chu, thể chữ này vẫn được duy trì, trở thành nền móng cho sự phát triển của chữ Hán hiện đại.
Tên gọi này có nhiều biến thể:
· Khế văn (契文) và Ân khế (殷契): Xuất phát từ việc dùng dao khắc lên bề mặt.
· Giáp cốt bốc tự (甲骨卜辞) và Trinh bốc văn tự (贞卜文字): Liên quan đến nội dung bói toán.
· Quy giáp thú cốt văn (龟甲兽骨文), Quy giáp văn tự (龟甲文字), và Quy bản văn (龟版文): Đặt tên theo vật liệu ghi chép.
Phép bói trên không chỉ thể hiện lòng thành kính của người xưa đối với thiên địa, mà còn phản ánh khát vọng tìm hiểu vận mệnh và điều hòa cuộc sống hài hòa theo đạo lý thuận thiên. Đây là một di sản văn hóa quý giá, đồng thời minh chứng cho trí tuệ và sự đa dạng của một nền văn minh thường bị xem là bảo thủ, lạc hậu và mang màu sắc mê tín dị đoan.
(*) Tham khảo và trích dẫn (hoặc phóng tác) từ bài: Phép bói của người Trung Quốc ngày xưa. Nguồn: www.thienlybuutoa.org/ - Tác giả: Lê Anh Minh.
------
Hỏi: Dữ thiên địa tịnh sinh giả hà tai? (與天地並生者何哉?)
Đây là câu hỏi thâm trầm, truy vấn bản chất của lễ nghi và sự sinh tồn cùng với thiên địa. Phải chăng lễ nghi, như một trật tự siêu nhiên, vốn đồng sinh và song hành cùng trời đất? Câu hỏi này không chỉ đơn thuần là sự truy cầu triết lý mà còn là nền tảng cho tư tưởng phong kiến về lễ giáo và xã hội.
Đáp:
- Lễ chi khả dĩ vi quốc dã, cửu hĩ, dữ thiên địa tịnh (禮之可以為國也, 久矣, 與天地並).
Dịch nghĩa: Lễ nghi là yếu tố trường tồn dựng nên quốc gia, đồng sinh cùng trời đất.
Từ cổ chí kim, lễ nghi được tôn vinh là yếu tố trường cửu để dựng nên quốc gia, là nền tảng bất biến, như lời kinh văn đã khẳng định. Nhưng liệu rằng lễ và thiên địa có thực sự "tịnh sinh" (đồng sinh) cùng một lúc hay không? Đây là điểm còn nhiều tranh cãi, khi ý nghĩa của chữ "tịnh" (並) không hoàn toàn minh bạch.
Bởi vì: Cao ti định vị, cố lưỡng nghi kí sinh hĩ (高卑定位, 故兩儀既生矣).
Dịch nghĩa: Trời cao, đất thấp, nhờ đó âm dương phân định và nhân gian có lễ nghi.
Câu này phản ánh ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng trong "Hệ từ thượng" – Chu dịch: "Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ; cao ti dĩ trần, quý tiện định hĩ" (天尊地卑, 乾坤定矣; 高卑以陳, 貴賤位矣). Nghĩa là, trời ở ngôi cao, đất ở ngôi thấp, nhờ đó càn khôn được định vị. Vạn vật theo trật tự mà phân cao thấp, quý tiện, và điều này chính là sự biểu hiện cụ thể của lễ trong trật tự thiên hạ.
"Hệ từ thượng" cũng viết rằng: "Thị cố Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng nghi" (是故易有太极是生兩儀). Nghĩa là: vì Dịch có Thái Cực mà Thái Cực sinh ra Lưỡng nghi. Trời và đất là hai nghi (âm dương), đồng thời mở ra nền tảng của nhân gian và lễ nghi. Có trời đất thì có nhân dân; có nhân dân thì hình thành phụ tử, quân thần. "Phụ tử tương ái, quân thần tương kính" (父子相愛, 君臣相敬) – yêu thương và kính trọng lẫn nhau chính là cái gốc của lễ.
- Duy nhân tham chi, tính linh sở chung, thị vị tam tài (惟人參之, 性靈所鍾, 是謂三才).
Con người với bản chất tham dự và kết nối trời đất, được xem là yếu tố hợp thành "tam tài" – thiên, địa, nhân. Chữ "tham" 參 ở đây có thể hiểu là "tham tán hóa dục" (參贊化育), nghĩa là hỗ trợ và cùng tham gia vào quá trình sáng tạo và nuôi dưỡng của thiên địa. Theo cách hiểu này, con người không chỉ tồn tại cùng với trời đất, mà còn hòa nhập, pha trộn, trở thành nhân tố hợp nhất để duy trì trật tự của vũ trụ.
(*) Tham khảo và trích dẫn (hoặc phóng tác) từ bài: THÔNG DIỄN MỚI VỀ THIÊN NGUYÊN ĐẠO 原道 TRONG "VĂN TÂM ĐIÊU LONG"文心雕龍 CỦA LƯU HIỆP. Nguồn: dulieu.itrithuc.vn/ - Tác giả: NCS. Nguyễn Phúc Anh; Khoa Văn học, Trường đại học KHXH&NV; Đại học Quốc gia Hà Nội.
------
. Thay vào đó, những câu chuyện chỉ xoay quanh những điều vụn vặt của cuộc sống thường nhật, hay cùng nhau mạn đàm về địa lý và cảnh sắc.
Ngũ ca cùng ngũ tẩu, ôm theo tiểu Xuyến, tiến đến kính rượu trước các bậc trưởng bối. Cung kính cúi đầu, Ngũ ca lên tiếng: "Hôm nay được hân hạnh tiếp đón các vị trưởng bối, tiểu bối chúng con cảm thấy vô cùng vinh dự. Mong các vị chỉ dạy thêm cho chúng con về đạo lý sống và phép tắc trị gia."
Ngô Thái phó là người vốn đức cao vọng trọng, trầm ngâm một lát rồi chậm rãi nói:
"Trị gia hay trị quốc, đầu tiên phải lấy chữ hòa làm gốc. Gia đình mà người trên kẻ dưới biết nhường nhịn, kính thuận, ắt sẽ êm ấm. Quan trường cũng vậy, nếu đồng lòng, thiên hạ tất sẽ thái bình."
"Nhưng chữ "hòa" không có nghĩa là ai cũng giống nhau, mà là mỗi người giữ đúng vị trí, làm tròn bổn phận. Ví như bữa tiệc này, người lo chuyện lớn, người bận chuyện nhỏ, nhưng tất cả cùng góp sức mới nên được sự viên mãn." Khâu Thái bảo tiếp tục.
Đại bá phụ gật đầu: "Các vị nói đúng. Chữ "hòa" khó ở chỗ cần cân bằng mọi yếu tố, không được nghiêng bên nào. Con trai, việc hôm nay con làm rất tốt, ta tin con sẽ còn tiến xa hơn nữa...."
"Các huynh có thấy không? Đèn lồng bên hồ thắp từ khi trời chưa tối, đến giờ vẫn chưa tắt. Ánh sáng ấy cứ như muốn cùng chúng ta trò chuyện suốt đêm vậy." Tứ đường ca, là con trai thứ của nhị bá, đang trò chuyện với các đường huynh.
Ở một góc bên cạnh đại bá phụ nghiêm nghị, hai vị Ngô thái phó đức cao vọng trọng và Khâu thái bảo uyên bác, có đám nhân vật trẻ tuổi cũng tụ họp, lời nói cười tự nhiên nhưng vẫn không vượt khuôn phép.
"Một chiếc đèn thôi, dưới mắt ta chỉ là đèn, nhưng qua lời đệ lại hóa thành tri âm." Tam ca là trưởng tử của đại bá mỉm cười nhẹ, đáp lại.
Tứ đường ca chớp mắt, cười đùa: "Cũng như huynh vậy, ngắm cây mai khô ngoài sân mà bảo là quân tử, chẳng phải còn hơn ta tưởng tượng sao?"
"Hai người các ngươi, lúc nào cũng khéo châm chọc nhau. Có điều, nếu đèn lồng là tri âm, mai khô là quân tử, vậy chén rượu này là gì?" Một người bạn của hai người ấy rót một chén rượu đầy, đến mức nước rượu sóng sánh hơi chao nghiêng bèn hỏi.
"Là một người bạn cũ, vừa cay vừa nồng, nhưng uống mãi lại thành quen." Tứ đường ca đành nâng chén rượu, ánh mắt thoáng vẻ ngẫm nghĩ.
"Còn với ta, là một người kể chuyện. Mỗi lần uống, lại có thêm chuyện để kể với bạn bè." Tam ca cười nói, cũng nâng lên để cụng với họ và những người trong bàn tiệc.
"Một người bạn cũ, một người kể chuyện. Các ngươi quả thật có mắt nhìn đời. Chỉ tiếc, rượu uống vào rồi, mọi lời hay ý đẹp cũng theo sương khói mà tan đi." Người bạn kia tiếp tục.
"Vậy mới cần người nhớ lại, để kể tiếp câu chuyện còn dang dở." Tam ca đáp lời.
Cách đó không xa, một bàn khác không kém phần nhộn nhịp, cũng không hề thua kém, vịnh vào sắc hoa, màu lá để bàn luận hình thái con người.
"Ở đây gió thoảng mát lành, lòng ta chợt nhớ đến vùng núi Phong Dật. Chốn ấy có tre trúc bạt ngàn, đứng hiên ngang suốt bốn mùa, bất kể gió mưa. Trong lòng bỗng sinh ra một niềm hoài niệm không thể tả thành lời..." Trong lúc nói chuyện, Ngô Thập Nhị bắt đầu khơi gợi kí ức.
"Nhưng với ta, không gì sánh được với cảnh tuyết mai ở Nhuận Cách [润塥]. Khi gió bắc thổi mạnh, tuyết phủ trắng trời, cả vùng chỉ còn mai đứng lẻ loi, mà vẫn kiên cường, thách thức cả đất trời. Đó mới là cái cốt cách mà kẻ quân tử nên học." Nhượng Ninh thế tử cười đáp.
"Mai, trúc, cúc đều đẹp, nhưng nếu hỏi ta, không gì bằng hương lan khi trời vào độ cuối xuân. Cái cách lan toát hương, nhẹ mà không nhạt, lặng mà không khuất, khiến lòng ta lúc nào cũng phải để tâm." Lúc này Ngũ ca bước đến, nâng chén rượu mời ba người bọn họ.
"Ngũ công tử thật biết cách nói. Nhưng ngài có chắc hương lan ấy đủ sức lay động lòng người hơn mai trong gió tuyết?" Nhượng Ninh cười nhạt hỏi.
"Nhượng huynh, chẳng phải lan vốn khác mai ở điểm ấy sao? Mai là để ngắm, để kính, còn lan là để cảm, để nhớ. Hơn thua chỉ là tâm thế người thưởng hoa thôi." Thái tử Lưu Mạo đáp.
"Kim [金] lang nói quả chí lý. Hoa đẹp, cảnh đẹp, nhưng tất cả là để làm đẹp lòng người. Dù mai đứng trước tuyết hay lan trong rừng sâu, cốt yếu vẫn là người thưởng thức biết nhìn thấu được ý nghĩa trong đó." Ngô Thập Nhị gật gù.
"Quả đúng vậy. Cuộc sống cũng như phong cảnh, có khi cần sự cứng rắn như mai, có khi cần sự kiên định như trúc, có lúc lại cần sự tinh tế như lan, nhưng cốt lõi vẫn phải có lòng dung hòa, biết thời mà hành, biết lúc mà nghỉ." Nhượng Ninh đặt chén trà xuống bàn cảm thán.
------
Trong đám người, Thái tử Lưu Mạo là một nhân vật nổi bật nhưng không phô trương.
Từng cải trang vi hành qua nhiều vùng đất, song nơi y lưu luyến nhất vẫn là Hà Nam Tây [河南西]. Có đôi khi không chủ ý, nhưng trong lời nói của y thường thấp thoáng bóng dáng những đặc sản độc đáo và phong cảnh trù phú.
Nơi này được ví như thung lũng xanh giữa lòng sa mạc, kề bên Thương Lĩnh Quan [蒼嶺關] với những dãy núi trùng điệp, vạn trượng nhấp nhô, quanh năm khô cằn, địa thế hiểm trở.
Trên đỉnh núi cao nhất có một cổng thành tự nhiên được hình thành từ lỗ hổng của đá núi, được dân gian kính cẩn gọi là "Cổng Trời".
Thương Lĩnh Quan như bức tường thành bất khả xâm phạm, bao bọc và che chở cho vùng đất kỳ diệu bên trong. Mặc dù điều kiện khắc nghiệt, nơi đây lại sở hữu một sức sống phi thường: dưới chân núi, những cánh đồng hoang sơ khi xuân về được làn gió mát lành đánh thức, khiến cây cỏ bừng tỉnh khỏi giấc ngủ dài. Suối nguồn róc rách len qua các khe núi phủ sương, hòa cùng sắc hoa sứ, trái mận mùa xuân đua nở, mang đến hương thơm thanh khiết lan tỏa khắp không gian. Bầu trời cao xanh như vòm vũ trụ vô tận, mây trắng bồng bềnh tựa lụa, khiến lòng người ngẩn ngơ, muốn hòa mình vào hơi thở đại ngàn. Tiếng gió luồn qua khe đá như lời rì rầm của rừng thông cổ thụ, tựa như những vệ thần lặng lẽ canh giữ vùng đất huyền thoại.
Từ đó có thể nhìn ra được Thái tử Lưu Mạo là người ham học hỏi, tính cách cởi mở, thường xuyên bày tỏ sự yêu thích với những địa danh mà y đã ghé qua.
Tuy nhiên, là người ở vị trí trung tâm của hoàng thất, y phải biết tiết chế, không được vượt quá khuôn phép, để tránh làm Hoàng đế không hài lòng.
Nhưng vấn đề là tại sao Hoàng đế lại không vui? Tâm tư của Hoàng đế tựa như biển sâu khó dò. Quyền lực tối thượng khiến người đứng đầu luôn mang lòng nghi ngờ, kể cả với chính Thái tử là người kế vị hợp pháp duy nhất.
Để chuẩn bị cho ngôi vị tương lai, Thái tử được giáo dưỡng kỹ lưỡng. Những đại nho, danh sĩ hàng đầu trong thiên hạ đều tập trung truyền thụ kinh sử, binh pháp, mưu lược. Dẫu vậy, cũng chính sự tài năng vượt bậc của Thái tử lại trở thành mối đe dọa với ngai vàng. Hoàng đế thường tìm cách kiềm chế Thái tử bằng cách phân quyền, giao phó công tác hành chính quân đội cho địa phương, hoặc kiểm soát bằng việc cung cấp quân lương. Hậu quả là trung ương dần mất quyền kiểm soát biên thùy, trong khi các thế lực địa phương không ngừng lớn mạnh.
Để hiểu được tình thế này, cần xem xét mối quan hệ phức tạp giữa hoàng thất và các thế gia. Trong nội trị, họ thi hành chế độ nhân sự khắt khe, chọn lựa người tài giỏi nhất để quản lý đất nước. Về mặt ngoại giao, họ đưa ra những chính sách kinh tế nghiêm cẩn nhằm gia tăng nguồn lực cho quốc gia. Mặc dù những cải cách đó có lợi cho quốc gia về mặt dài hạn, nhưng đồng thời cũng làm lung lay địa vị thống trị tuyệt đối của triều đình trung ương.
Thực chất, cuộc đấu tranh quyền lực tại trung tâm luôn xoay quanh một nguyên lý cốt lõi: tuyển chọn nhân tài. Người được thế gia và địa phương chống lưng sẽ có ưu thế trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng chính trị. Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là sự kiểm soát quân sự. Khi các lực lượng địa phương ngày càng tự chủ trong việc điều hành quân đội, trung ương dần rơi vào thế bị động, mất đi khả năng nắm chắc cương vị thống trị tuyệt đối.
Trong bối cảnh đó, Thái tử không chỉ phải đối mặt với áp lực từ Hoàng đế, mà còn chịu sự ganh ghét, hãm hại từ các phe phái trong triều. Lòng trung thành của các đại thần không phải lúc nào cũng nghiêng về Thái tử; thậm chí, có người còn dựng chuyện để lung lay địa vị chính tông. Dẫu đã được sắc phong, khả năng Thái tử thuận lợi đăng cơ vẫn luôn thấp.
Trong lịch sử, không thiếu những vị Thái tử bị phế truất vì thiếu thế lực ủng hộ.
Hoàng đế có nhiều con, và nếu xuất hiện một Hoàng tử khác xuất sắc hơn, ngôi vị Thái tử có thể bị lung lay. Quyền thừa kế không chỉ được xác lập dựa trên lý thuyết "trưởng tử kế vị" mà còn chịu ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân, cục diện chính trị, và cả những tính toán xa gần về quyền lực. Để tránh trở thành quân cờ trong tay kẻ khác, hoặc tệ hơn là nạn nhân của chính người thân, đôi khi các Thái tử buộc phải chọn con đường mưu phản.
Thế nhưng ở đây, bằng một phương diện nào đó, cho thấy được, Thái tử là người hề muốn lôi kéo và bị lôi kéo. Đó không chỉ là sự khôn ngoan mà còn là cách để tồn tại trong một triều đình đầy rẫy mưu mô. Người hiền lành dễ bị ức hiếp, nhưng chính sự ôn hòa ấy lại khiến người khác khó sinh lòng đề phòng.
Vào thời điểm hiện tại, quốc gia tạm thời yên bình. Ngoại bang không dám quấy nhiễu, thiên tai cũng chưa xảy ra, nội chính dù có cạnh tranh nhưng vẫn trong khuôn khổ. Triều đình duy trì được sự ổn định, dân chúng an cư lạc nghiệp, chính sách quốc gia không gây nên bất mãn lớn. Vì thế, Lưu Mạo hiểu rằng lòng người dễ mềm mỏng hơn ở thời bình. Y không muốn vì tham vọng mà phá vỡ cục diện cân bằng ấy. Y không phải kẻ tham vọng, nhưng cũng không hề yếu nhược. Ở y là sự kết hợp giữa sự liêm chính và khả năng thích nghi. Sự trung lập và ôn hòa không chỉ là biểu hiện của phẩm hạnh, mà còn là nền tảng của một bản lĩnh lớn lao: biết tiến thoái, và quan trọng nhất – biết thời thế.
Mỗi thời đại, tóm yếu đều có vấn đề riêng của nó. Nhưng đa phần vẫn cấu thành từ những yếu tố ngoại tác tương đồng, chỉ có đều phải xem định hướng thời cuộc thế nào thì mới có thể tìm ra đường lối phán đoán cùng thực thi.
------
"Lục Nương, muội có nhận ra điều gì lạ thường chăng?" Một vị biểu tỷ bên nội khẽ gọi, khi bọn ta cùng nhau giúp Ngũ tẩu bế tiểu Xuyến.
"Lạ thường gì cơ?" Ta không để tâm lắm, chỉ chú ý đôi mắt tròn xoe của bé con đang nhìn ta không chớp.
"Vườn đào phía tây phủ Đại thúc hôm nay nở rộ một cách khác thường. Gió xuân còn chưa tới, vậy mà hoa đã nở sớm như muốn chúc phúc cho buổi tiệc này vậy." Biểu tỷ nói, giọng điệu ẩn ý, rồi liếc mắt về phía Ngô Thập Nhị, người cứ cách một chốc lại kín đáo đưa mắt nhìn về phía này.
"Muội nói như vậy, làm ta lại nghĩ, chẳng lẽ hoa cũng có lòng hay sao?" Ngũ tẩu khẽ cười, ánh mắt thoáng vẻ ngẫm nghĩ.
"Có lẽ hoa hiểu lòng người, nhưng liệu người có thấu được lòng hoa chăng?" Biểu tỷ khẽ trêu, đôi môi hé nụ cười duyên.
Bất ngờ, Thất công tử từ phía đối diện tiến lại. Ngài khẽ cúi đầu, không nói lời nào, bàn tay đưa lên vén nhẹ sợi tóc mai lòa xòa bên má ta, rồi dịu dàng cất lời: "Nương tử, nàng không thấy mệt ư? Suốt từ đầu tiệc đến giờ, nàng cứ bận rộn mãi, không chịu ngơi nghỉ." Giọng ngài ôn tồn, lại thấp thoáng ý trách cứ. Bé tiểu Xuyến chợt vươn tay nắm lấy ngón tay ngài, ngài liền mỉm cười, bàn tay to lớn gãi nhẹ vào má đứa trẻ.
"Ngài muốn giúp, chi bằng đến chỗ hai bá phụ cùng các vị công tử, làm quen thêm đôi phần để mọi người vơi bớt việc tiếp khách. Hôm nay quả là dịp hiếm hoi để gặp gỡ đầy đủ thế này!" Ta cười, bàn tay chậm rãi gỡ ngón tay bé con, để tay mình thay chỗ của ngài.
"Được thôi, nhưng nàng hứa với ta, lát nữa phải ăn chút gì đó. Nếu nàng cứ lo hết cho người khác mà quên bản thân, vi phu sẽ không vui đâu!" Ngài vừa nói, vừa đưa tay xoa nhẹ lên đầu ta. Ánh mắt ngài, tựa hồ chan chứa cả một trời âu yếm, khiến lòng ta không khỏi nóng nảy.
"Ta biết rồi, ngài mau về bên đó đi!" Ta đỏ mặt, vội lảng tránh.
Từ một góc khác, ánh mắt của Ngô Thập Nhị khẽ dừng lại nơi ta giây lát. Thoáng trong ánh nhìn ấy là chút trầm ngâm khó tả, nhưng rất nhanh thu lại biểu cảm, hòa vào cuộc trò chuyện cùng các vị khách khác.
------
Khi buổi tiệc đầy tháng kết thúc, dù có hai chuyện không thành, nhưng vẫn nhưng vẫn lưu lại một điểm phù hợp với sở nguyện (所願).
Điều thứ nhất không thể: Trùng dĩ Công Đán đa tài, chấn kì huy liệt (重以公旦多材, 振其徽烈).
Dịch nghĩa: Lại vì Chu Công Đán tài năng vượt bậc, làm rạng danh sự nghiệp lớn lao.
Giải thích:
"Trùng dĩ" (重以): "Trùng" ở đây mang nghĩa "lại" (tái diễn), không phải "trọng" (quan trọng). "Trùng dĩ" có thể hiểu là "lại vì" hoặc "thêm vào đó". "Công Đán" (公旦): Chính là Chu Công Đán (Chu Công), một nhân vật lịch sử quan trọng của nhà Chu, em trai Chu Vũ Vương, nổi tiếng với tài năng trị quốc và thiết lập nền tảng chính trị, văn hóa lâu dài cho nhà Chu. "Đa tài" (多材): Chỉ tài năng xuất chúng, đa dạng. "Chấn" (振): Nghĩa là "làm hưng khởi, làm sáng danh". "Huy liệt" (徽烈): Tượng trưng cho sự nghiệp vẻ vang, chói lọi.
Ý nghĩa: Chu Công Đán được ca ngợi không chỉ vì tài năng vượt trội mà còn vì những đóng góp to lớn của ông trong việc củng cố triều đại nhà Chu.
Ở đây, chữ "Trùng" 重 phải được đọc là "trùng" với nghĩa tương đương từ "tái" 再, thay vì "trọng" như thường thấy. Câu này nhắc đến Chu Công Đán (公旦), em trai Chu Vũ Vương (周武王), một nhân vật kiệt xuất của nhà Chu, được ngợi ca trong Kinh Thư thiên "Kim Đằng" (金縢) rằng: "Vũ Vương không nhiều tài nghệ bằng Đán và không biết thờ phụng quỷ thần như Đán." Chu Công đã nhiếp chính khi Thành Vương còn nhỏ, khôi phục trật tự sau sự sụp đổ của nhà Ân, lập nên nền tảng vững chắc cho triều đại nhà Chu.
Điều thứ hai không thể: Nhiên hậu năng kinh vĩ khu vũ, di luân di hiến (然後能經緯區宇, 彌綸彝憲).
Dịch nghĩa: Sau đó mới có thể trị lý bốn phương trời đất, làm trọn đạo lý và phép tắc thường hằng.
Giải thích:
"Nhiên hậu" (然後): Có nghĩa là "sau đó" hoặc "rồi mới". "Kinh vĩ" (經緯): Gốc nghĩa là sợi dọc (kinh) và sợi ngang (vĩ) trong vải, tượng trưng cho sự trật tự, tổ chức. Ở đây ám chỉ sự trị lý, cai quản xã hội. "Khu vũ" (區宇): Nghĩa là "trời đất", biểu tượng cho lãnh thổ bốn phương. "Di luân" (彌綸): Từ trong Chu Dịch, nghĩa là "vá kín và bổ khuyết những chỗ khuyết thiếu", đồng thời chỉ việc hoàn thiện và thống nhất đạo trời đất. "Di hiến" (彝憲): "Di" nghĩa là hằng thường, không thay đổi; "hiến" là luật lệ, phép tắc. Ở đây chỉ các nguyên tắc đạo đức và chính trị bất biến.
Ý nghĩa: Nhấn mạnh rằng để đạt được sự thịnh trị và ổn định lâu dài, cần có sự cai trị khéo léo và duy trì các giá trị, nguyên tắc bất biến của xã hội.
Nhưng lại có thể: Văn Vương hoạn ưu, Diêu từ bính diệu, phù thái phức ẩn, tinh nghĩa kiên thâm (文王患憂, 繇辭炳曜, 符采複隱, 精義堅深).
Dịch nghĩa: Văn Vương gặp nỗi lo buồn, hào từ sáng rõ, vẻ đẹp sâu sắc ẩn khuất, tinh nghĩa bền chắc, sâu xa.
Giải thích:
· "Văn Vương" (文王): Chu Văn Vương (Cơ Xương), người đặt nền móng cho sự lật đổ nhà Thương và sự thành lập triều đại nhà Chu.
· "Hoạn ưu" (患憂): Chỉ nỗi lo âu, đau buồn. Cụ thể, Văn Vương từng bị vua Trụ của nhà Thương bắt giam, nhưng trong hoàn cảnh này, ông vẫn viết Chu Dịch, thể hiện tinh thần lớn lao.
· "Diêu từ" (繇辭): Hào từ và Quái từ trong Chu Dịch, thể hiện triết lý sâu sắc và rõ ràng.
· "Bính diệu" (炳曜): Nghĩa là "sáng rõ, rực rỡ".
· "Phù thái" (符采): Chỉ hoa văn, vẻ đẹp.
· "Phức ẩn" (複隱): Hàm ý ẩn sâu, không dễ nhận thấy, chỉ bậc trí giả mới cảm nhận được.
· "Tinh nghĩa" (精義): Chỉ ý nghĩa sâu sắc, tinh tế, tinh túy.
· "Kiên thâm" (堅深): Nghĩa là "bền chắc và sâu xa", vững bền như trời đất..
Ý nghĩa: Dù trong hoàn cảnh khó khăn, Văn Vương vẫn giữ được tâm thế lớn lao, thể hiện sự sâu sắc và tầm vóc của triết học nhà Chu.
(*) Những điều này thể hiện như cặp cột chống trời, một bên là sự tài đức rực rỡ của Chu Công Đán, bên kia là trí tuệ sâu xa của Văn Vương. Cả hai đã cùng nhau dựng nên một triều đại mà muôn đời phải kính ngưỡng. Những triết lý, quy tắc ấy, như ánh sáng của sao Bắc Đẩu, mãi soi đường cho các bậc vương giả nối tiếp.
------
Đến hơn giữa chiều, Chiêu Hoài lại sai người gửi cho ta một bức thư giấy nhũ tương đối lại hai câu hôm qua của ta trên giấy mật hương.
Trên giấy mật hương kia ta đã viết hai câu:
"Kiếm tàng thoa nội hàn quang nhuệ,
Hoa tú y gian noãn sắc không."
劍藏鞘內寒光鋭,
花繡衣間暖色空
Dịch nghĩa:
Kiếm giấu trong vỏ, ánh lạnh sắc bén;
Hoa thêu trên áo, sắc ấm hư không.
Ý tứ của hai câu này chẳng qua để so sánh vẻ ngoài hào nhoáng và nội hàm thực chất. Kiếm tuy giấu trong vỏ nhưng vẫn mang khí chất sắc bén, biểu trưng cho tài năng và quyền lực tiềm ẩn, có thể hữu ích khi vận dụng đúng thời cơ. Hoa thêu trên áo dẫu đẹp đẽ, song chỉ là vẻ bề ngoài, trống rỗng và vô thực.
Lí giải cho câu dùng làm thù lao để trả công cho Hoài Chiêu chính là ta dùng hai câu thơ và giấy mật hương làm "vật dẫn". Với thương nhân, tặng món đồ mang tính giao dịch cao là điều thường thấy. Có thể ngầm xem đây là một "lời mời hợp tác" thông qua món quà, bởi giấy mật hương là biểu tượng kết nối linh thiêng.
Đồng thời ám chỉ khả năng hậu đãi trong tương lai: Thanh kiếm dù sắc bén nhưng giấu trong vỏ, ý nói rằng tài năng và kiến thức không nên chỉ giữ cho riêng mình. Hoa thêu tuy đẹp nhưng chỉ là vẻ ngoài, ngầm nhấn mạnh rằng thực ra việc trả thù lao là để trân trọng tài năng thực sự, không phải vì những giá trị bề ngoài.
Còn Chiêu Hoài lại đối rằng:
"Độc khả sát nhân thành dược thánh,
Hỏa năng phần vật hóa y thần."
毒可杀人成药圣,
火能焚物化医神.
Dịch nghĩa:
Độc có thể giết người, hóa thành dược thánh;
Lửa có thể thiêu vật, biến thành thần y.
Nghĩa là: Độc có thể giết người, cũng có thể cứu người, từ gốc cây chế thành dược thánh; Lửa có thể thiêu thân, cũng có thể sưởi ấm nhà, nhờ sức trời hóa thành thần y. Ý nói khả năng biến nguy thành an, xử lý khéo léo để đạt kết quả tốt đẹp. Ý chỉ sức mạnh kiểm soát được những yếu tố nguy hiểm, chuyển chúng thành lợi ích.
Hắn chẳng qua muốn nhấn mạnh đến sự uyển chuyển trong xử lý mọi việc, biến nguy thành an, từ cái khó đạt được cái khôn.
Có bệnh thì phải trị, diệt cỏ thì phải trừ tận gốc.
Hồi dương cứu nghịch, trục phong hàn thấp tà, những điều ấy chẳng qua cũng chỉ để đối phó với một chứng sợ trong y thuật. Nhưng trị bệnh cứu người, cần hơn cả là hiểu căn nguyên, diệt trừ tận gốc nguồn cơn.
Thân thể Tấn Bình Tương Vương (進平襄王) suy yếu, bị nổi mụn rộp dẫn đến loét miệng, trong Đông y gọi là "Khẩu sang".
Bệnh tình nghiêm trọng, khiến thân thể ông ta ngày càng hốc hác, gầy gò đến độ trơ cả xương. Tà khí xâm lấn, khiến Vương nóng lạnh bất thường, tâm thần bức bối. Ngày đêm đau đớn, ăn uống không ngon, nhức đầu, đau mắt, khó lòng yên giấc. Những khối hạch xuất hiện trên cơ thể báo hiệu chứng bệnh có thể phát triển thành cấp tính, đe dọa sinh mạng.
Hoài Chiêu hiện tại đã chữa bệnh cho Tương Vương bằng cách dùng phụ tử, một loại thuốc có công hiệu trừ yêu tà. Tuy nhiên, phụ tử là thuốc nóng, cần một dược dẫn phù hợp để cân bằng âm dương, giúp thuốc phát huy hiệu quả tối ưu mà không gây tổn hại cơ thể.
Trước hết, thầy trừ tà đuổi quỷ phải căn cứ vào y học thực hành, điều quan trọng là phải loại những thứ bệnh tật tâm lý và thể xác ra khỏi người gặp nạn, chỉ sau đó mới tiến hành nghi lễ.
Ngoài ra, Hoài Chiêu đã xâu một chuỗi tràng gồm một trăm lẻ tám hạt, đeo vào người Tương Vương để trấn áp tà khí. Hạt tràng làm từ quả vô hoạn tử (无患子), còn được gọi là Tra mộc hoặc Mộc hoạn tử. Đây là loại cây được dân gian kính sợ, thường dùng để xua đuổi tà ma, trừ yêu khí.
Cây Tra sao lại được gọi là Vô hoạn?
Theo sách Cổ kim chú 古今注 của Thôi Báo 崔豹viết: "Thời xưa, có một vị Thần Vu (神巫) tên Bảo Mạo, nổi danh là người chế ngự được mọi loại quỷ dữ. Khi bắt được quỷ, Bảo Mạo thường dùng gậy làm từ gỗ cây Tra đánh chết chúng. Từ đó, người đời tin rằng cây Tra có khả năng trừ tà, và gọi nó là Vô hoạn, nghĩa là không còn hoạn nạn." (Trích nội dung giải thích từ: Kinh lần tràng - Phật nói Kinh Mộc Hoạn Tử. Nguồn: daibaothapmandalataythien.org/)
Chuỗi tràng hạt làm từ vô hoạn tử không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thực sự hỗ trợ trong y thuật. Hạt của cây này giúp thanh lọc cơ thể, hòa hợp âm dương, tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật.
Ngoài ra, dân gian còn có những câu thành ngữ liên quan đến cây Tra như:
"Ngậm bồ hòn làm ngọt."
"Khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét quả bòn hòn cũng méo."
Bồ hòn là một tên khác của loại cây vô hoạn này, tượng trưng cho sự nhẫn nhục, chịu đựng. Người ngậm bồ hòn dù cay đắng nhưng vẫn giữ vẻ ôn hòa, chẳng khác nào Tương Vương phải chịu đựng bệnh tật, chờ đến ngày hồi phục.
Hoài Chiêu cứu người, đáng được ban thưởng, hơn hết sau này có khi được Tương Vương cân nhắc trọng dụng. Biết đâu còn được gọi là Đạo nhân thống (道人統) giữ chức đạo quan đến từ dân gian. Chẳng phải đây là một món thù lao quá hời dành cho hắn hay sao?
Hắn là người cung cấp thông tin cho ta, thì ta cũng tặng cho hắn một con đường tốt. Còn con đường này, ta sẽ chậm rãi lí giải sau.
Bởi trong sự thật, chẳng mấy khi tin tưởng vào ai một cách tuyệt đối.
Mọi chuyện luôn có những ẩn tình, chỉ là một khi đã bước chân vào, thì làm sao mà dễ dàng thoát ra khỏi những sợi dây dính mắc, bẫy rập đã được dọn sẵn?
Vậy thì, chẳng phải việc này có thể là khởi nguồn từ một thứ mà chúng ta vẫn gọi là Chủng sinh cơ hay sao?
Mỗi một động thái, mỗi một quyết định đều có thể là bước ngoặt, nhưng có lẽ còn có một sự khuất tất khác đằng sau mà ta chưa nhìn thấy hết.
Bởi trong những lúc ngồi đăm chiêu suy tư, ta lại không khỏi nhớ tới những lá thư nặc danh mà ta từng nhận được. Những lời lẽ trong đó, thấm đẫm sự đe dọa, cảnh báo, nhưng cũng ngập tràn ẩn ý sâu xa: "Mảnh đất ngươi sắp nắm giữ, không chỉ của riêng ngươi. Đừng vọng động bước chân vào miếu Thiên Mạch, chớ để linh hồn phải vướng vào nghiệt báo. Có những bí mật chôn sâu không dành cho người sống, cũng không dành cho kẻ yếu tâm."
Cuối bức thư ấy, chẳng có một chữ ký, chỉ còn một dấu phong ấn kỳ lạ: hình ảnh một cây cổ thụ khô héo, với những rễ cây quấn quýt, ăn sâu vào lòng đất, tựa như đang hút lấy dòng máu từ địa mạch.
Chính là chữ máu 血.
Gốc rễ cây cổ thụ không chỉ bám chặt vào đất mà còn như đang hút dòng "máu" từ lòng đất — một dòng năng lượng không thể nhìn thấy nhưng đầy sức mạnh. Chữ 血 gợi lên hình ảnh cây và đất hòa làm một, chia sẻ "máu" và sự sống qua dòng mạch ngầm.
Trong những tín ngưỡng cổ xưa, cây cối đại thụ thường được xem là "linh vật" hút dưỡng chất từ địa mạch, như một phần của sự sống xuyên suốt trong vũ trụ. Máu ở đây chính là biểu trưng cho sự sống, cho sức mạnh tiềm ẩn.
Giết muông thú để cúng tế, huyết thực (血食) chỉ có thể được hưởng bằng cách này, giống như dòng máu từ mắt khóc ra, gọi là khấp huyết (泣血).
Ta cứ ngỡ bức thư này là của Hoài Chiêu gửi cho mình, nhưng sau đó biết được vụ án của Thừa chính sứ tham nghị (承 政 使 參 議) họ Đới gian lận thi cử năm đó cùng với lời kể về Đới Đình Tá [戴廷佐], khi hắn từ chức Thái bộc tự Thiếu khanh (太 僕 寺 少 卿) hạ cấp thành Tuần sát sứ Tư nông tư (巡 察 使司 農 司), còn có ý định mua lại mảnh đất của cha hắn, thì có lẽ mọi chuyện không đơn thuần.
Ta vẫn còn nhớ, khi đến mảnh đất trọc đó, chỉ có một loại cây duy nhất được trồng là cây bồ hòn. Nhưng tất cả chúng chỉ còn lại những khúc gỗ trơ trọi, bị chặt đốn không thương tiếc, không có chút sức sống nào. Cảnh tượng ấy không khác gì cái chết tiềm ẩn, là lời nhắc nhở không thể chối từ về sự thịnh suy của đất đai, và những mối liên hệ mà ta không thể nào lường trước.
Và ta, có lẽ cũng không ngoại lệ.
------
Trong triều chính quả là rối loạn, cứ nghĩ địch cừu đối đầu nhưng thực chất lại là đồng minh. Nhưng kẻ thân cận đôi khi cũng dễ dàng đâm mình một đao mà chẳng hề hay biết. Câu chuyện ngày xưa có thể không rõ ràng, nhưng chuyện phát sinh mười hai năm trước có lẽ sẽ có nhiều người không quên được.
Câu chuyện bắt đầu từ vụ Quan Lộc Tự (光祿寺) tổ chức yến tiệc ân vinh các tân tiến sĩ vào năm Kiến Vũ (建武) thứ bảy (1555), trong đó xuất hiện những gian lận thi cử. Một nhóm quan lại, đứng đầu là Thừa chính sứ tham nghị tại Hộ Bộ, đã lợi dụng quyền hành đổi bài thi để đưa các thân tín vào triều. Đồng thời, Hộ Bộ lại bị cáo buộc tham nhũng trong việc quản lý kho vàng và các tuyến vận tải.
Tờ sớ có đoạn ám chỉ: "Nếu nước không chảy quanh núi, làm sao giữ được suối lớn mãi đầy. Nếu nước bị chắn bởi cát, thì cát phải tan mới thông suối. Nhưng liệu cát có tan hay sẽ nhấn chìm dòng nước?"
Những lời này hàm ý sâu xa, ngụ ý rằng chính các quan lại là "cát" chặn dòng nước, ám chỉ hành vi tham lam, cản trở sự lưu thông của tài sản quốc gia.
Một tuyến vận tải chính của triều đình nằm ở khu vực chính Đông, nơi "Dần Mão gió đông thịnh vượng". Đây là con đường huyết mạch để vận chuyển lương thực và bạc. Tuy nhiên, tuyến này bị các thương nhân thao túng, và hệ thống thu thuế bị lợi dụng để buôn lậu.
Trong triều có vị yểm quan (quan võ), trước kia từng là Đồng Trị Giám Sự (同 知 監 事) trật chánh ngũ phẩm, hàm Hiệp lượng lệnh (協量令). Thực quyền quan trọng, có thể trực tiếp tham gia chính sự. Trước từng phò tá tiên hoàng đế, được phép ra vào hậu cung trực tiếp. Quyền lộc to, nhưng bị thủ hạ phóng túng, huênh hoang vạch tội nên bị chém bêu đầu, kéo theo năm mươi mấy mạng người bị lăng trì, thị chúng.
Điều này dẫn đến việc tái điều tra toàn bộ hệ thống thi khảo.
Ban đầu, Hộ Bộ Thượng Thư (戶部尚書) và một số quan viên cố gắng dìm vụ việc xuống, nhưng phe trung lập trong triều không đồng ý. Một số đại thần lợi dụng cơ hội này để chỉ trích triều đình, khiến hoàng đế phải ra lệnh mở rộng điều tra.
Khi tiếp tục điều tra, lúc tra khảo một phạm quan trong chiếu ngục (诏狱) liền phát hiện ra một điểm khá ngờ, trong việc nội loạn triều biến: Hộ Bộ Thượng Thư âm thầm hợp tác với Đồng Trị Giám Sự để bảo kê các chuyến hàng. Dân gian bắt đầu có tin đồn về việc "nước suối lớn" không còn liên tục, gây nên tình trạng xáo trộn tại các vùng phụ thuộc vào tuyến vận tải này.
Nhưng sau ba tháng, khi kết án, lại chỉ ra được phạm quan trong chiếu ngục thực chất là tay sai của một phe cánh khác, cố tình tiết lộ thông tin để kích động triều đình. Hắn còn cung cấp chứng cứ giả để hãm hại một số đại thần trung lập, tạo điều kiện cho phe đối đầu với Hộ Bộ Thượng Thư nắm quyền. Thế nên chứng minh được người không can dự.
Nhưng bài học về mưu đồ, gian trá trong triều chính, liệu có thực sự chấm dứt hay chỉ tạm lắng, chờ ngày nổi sóng?
Trong năm Ất Mão (1567), triều đình phát hiện ra một vụ gian lận liên quan đến số vàng bị giấu kín tại một mỏ than ở Tây Đạo Trấn Thanh Thạch [西路蜻石鎮]. Để bảo vệ bí mật, nhóm quan lại này đã cho khai thác trái phép các mạch hầm sâu, nhưng do kết cấu không vững chắc và bị mưa lũ tàn phá, một vụ sụp hầm thảm khốc đã xảy ra, khiến hơn hai mươi người thiệt mạng.
Vụ án là kết quả của một âm mưu quyền lực nhằm che đậy hành vi tham ô khối lượng lớn vàng bạc vào năm Thái Sơ thứ bảy. Số vàng này vốn được định dùng để đúc lễ vật dâng lên triều đình, nhưng thay vào đó, đã bị đúc thành vàng trang sức giả.
Bằng cách kết hợp kim loại tạp chất để đúc ra những món trang sức vàng, các quan lại trong Hộ Bộ đã tạo ra một lượng vàng trông vẻ hào nhoáng, song lại dễ dàng tan rã, chẳng khác gì một phế phẩm vô giá trị.
Phía chính Đông, nơi mà dòng nước phải chảy vĩnh cửu, có thể thấy rõ: Nước suối lớn cần phải tuôn về biển, và điều quan trọng là dòng chảy ấy không bao giờ được ngừng lại. Chính vì vậy, nước suối lớn cần phải gặp kim sinh thủy, giúp cho dòng chảy vĩnh hằng ấy không bị cạn. Tuy nhiên, theo thuyết phong thủy, khi kim trang sức tiếp xúc với nước, sẽ hóa thành "đá chìm đáy biển", không còn giá trị, đồng thời phá vỡ sự hài hòa của nguyên lý tự nhiên, gây tổn hại sâu sắc đến bản chất của kim loại.
"Hắn muốn thay đổi dòng chảy của long mạch, dùng cây cổ thụ hút máu đất để phục hồi vận khí. Nhưng nếu phá vỡ cân bằng, không chỉ đất mà cả triều đại cũng sẽ sụp đổ. Khi máu gặp đất, cây gặp mạch, kẻ khởi xướng sẽ sống thịnh vượng, nhưng kẻ phản bội sẽ chết không toàn thây."
Khi điều tra các hồ sơ vận tải, triều đình phát hiện những giao dịch bất minh liên quan đến việc vận chuyển vàng và than giữa Tây Đạo và Hộ Bộ. Các manh mối dẫn đến Nội Các Đại Học Sĩ (內閣大學士), người đứng đầu Nội Các (Thủ phụ) chính kẻ thao túng giá than, tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung để đầu cơ tích trữ và lợi dụng quyền lực để vận chuyển vàng ra khỏi hầm mỏ.
Bên cạnh đó, quyền lực của thái giám trong Ty Lễ Giám (司禮監) ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là Chưởng Ấn Thái Giám (掌印太监), người có quyền lực lớn nhất trong triều, giúp họ thao túng các quyết sách quan trọng. Các thái giám lợi dụng quyền tiếp cận Hoàng đế, còn các quan lại văn thần sử dụng tài năng biện luận để hợp thức hóa các chính sách trong triều.
Phần lớn các quyết định được dựa trên "phiếu nghĩ" (票擬) từ Nội Các Đại Học Sĩ, nhưng dưới sự can thiệp của Ty Lễ Giám, những "phiếu nghĩ" ấy thường xuyên bị sửa đổi hoặc thay thế trước khi đến tay Hoàng đế. Chính vì vậy mà có sự tồn tại của từ "phê hồng" (批紅), vì Nội Các Đại Học Sĩ có quyền thay mặt Hoàng đế phê duyệt các tấu chương, truyền đạt thánh chỉ, rồi sau đó Hoàng đế chỉ căn cứ vào ý kiến của họ mà dùng bút son đưa ra quyết định cuối cùng. Quyền "phê hồng" này đã giúp thái giám trở nên quyền lực vô biên.
Cơ cấu của Ty Lễ Giám ngày càng được mở rộng, với Chưởng Ấn Thái Giám là người có quyền lực tối thượng trong triều. Tuy vậy, có không ít thái giám giữ chức Bỉnh Bút Thái Giám (秉筆太监) là những kẻ thay mặt Hoàng đế viết tấu sớ, thực thi chính quyền. Đại thần khi có tấu chương lên, đề nghị hay báo cáo tình hình, sẽ phải qua tay Nội Các để nêu ý kiến, sau đó các thái giám Bỉnh Bút lại dựa vào ý của Hoàng đế mà phê duyệt.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu những phê duyệt ấy có phải thực sự là ý của Hoàng đế hay không, hay lại là ý chí của thái giám, chẳng ai hay biết?
Một nhóm quan lại văn thần do Nội các Thủ phụ dẫn đầu bắt đầu liên minh với các thái giám trong Ty Lễ giám để cùng thao túng các chính sách lớn. Thái giám lợi dụng đặc quyền tiếp cận Hoàng đế, trong khi các quan văn sử dụng tài năng viết lách và biện luận để hợp thức hóa các quyết định trong triều.
Ví dụ: Khi một đại thần trung trực trình tấu chương về việc dân chúng bị bóc lột bởi hệ thống thuế khóa bất công, tấu chương của ông bị chỉnh sửa bởi một Thái giám. Từ "giảm thuế" bị thay bằng "gia tăng thuế", đẩy gánh nặng lên vai người dân nhiều hơn, trong khi quan lại cầm quyền ở các địa phương lại được hưởng lợi.
Một số đại thần quan trọng trong Hộ Bộ và Lại Bộ đã bị mua chuộc để bảo vệ quyền lực của Ty Lễ giám. Họ nhận được đất phong và quyền lực tại các địa phương, đổi lại sẽ trình lên tấu chương có lợi cho phe này. Một số nhân vật trung trực bị ám sát hoặc bị bôi nhọ bởi những cáo buộc giả tạo, làm mất uy tín trước Hoàng đế.
Trong một sự việc liên quan đến ngân sách cho công trình công cộng, một phiếu nghĩ giả đã được đưa vào tấu chương để phê duyệt một hành cung (行宮) xa hoa, thực chất là chiêu bài để rửa tiền và chuyển tài sản bất chính cho Ty Lễ Giám và Nội Các Thủ Phụ.
(*) Hành cung (行宮) là các cung điện hoặc trạm nghỉ để nhà vua dừng chân nghỉ ngơi khi đi ra khỏi kinh thành. Thường thì các hành cung đều được xây cất, trang hoàng, chuẩn bị từ trước để sẵn sàng phục vụ mỗi khi vua và đoàn tùy tùng tới nghỉ.
Cuối cùng, triều đình ra lệnh bắt giam Đại Học Sĩ và toàn bộ đồng phạm tại Hộ Bộ, vụ án được giao cho bộ Hình điều tra. Trong phiên tra hỏi cuối cùng, Đại Học Sĩ đã phải thú nhận rằng, để đạt được mục đích, ông đã yểm vào các món vàng trang sức một lời nguyền phong thủy, tin rằng nếu dòng suối lớn (vàng thật) không chảy về biển, cả triều đình sẽ gặp bất ổn.
------
Bộ Hộ (戶部) là một trong sáu bộ trọng yếu của triều đình, gồm bốn ti bộ đảm trách các lĩnh vực quốc kế dân sinh:
Tổng bộ ti: Quản lý hộ khẩu, điền thổ, cống nạp và thuế má, giữ trọng trách đảm bảo nền tảng kinh tế quốc gia ổn định. Độ chi bộ ti: Chuyên trách việc thi khảo, ban thưởng, tạo động lực khích lệ sĩ tử và nhân tài triều đình. Kim bộ ti: Phụ trách quản lý chợ búa, hàng hóa, kho tàng, chè muối, giữ gìn sự lưu thông và thịnh vượng của quốc thương. Thương bộ ti: Quản lý vận tải, tích trữ quân lương, đảm bảo huyết mạch giao thông phục vụ chiến lược quốc phòng và cung ứng lương thực.
Bộ Hộ có nhiệm vụ quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính quốc gia, bao gồm thuế khóa, kho bạc, tài sản quốc gia, cấp phát lương cho quan lại, và quản lý đất đai. Bộ Hộ cũng phụ trách việc điều phối và giám sát các nguồn thu ngân sách quốc gia, bảo vệ tài sản nhà nước, và triển khai các chính sách tài chính của triều đình.
Ngoài các chức năng chính về tài chính, Bộ Hộ còn tham gia vào các công tác liên quan đến công tác hành chính, duy trì trật tự và kiểm tra các nguồn thu nhập của các địa phương.
------
Hoạn quan (宦官) còn gọi là thái giám, công công, tự nhân, nội thị, là những nam nhân không thể có gia đình riêng do khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Họ được tuyển chọn kỹ càng và đưa vào cung để phụng sự trong những công việc cẩn mật. Dưới chế độ phong kiến, hoạn quan vốn chỉ được giao việc trong nội đình, không tham chính. Tuy nhiên, với sự gần gũi thường nhật cùng hoàng đế, họ dần trở thành cánh tay đắc lực, thậm chí lộng quyền, nắm giữ đại quyền chính trị, có khả năng phế lập quân vương.
Chữ Hán, có hơn ba mươi từ ngữ dùng để chỉ hoạn quan, nên thường giải thích hoạn quan là thái giám. Nhưng kỳ thực, khái niệm về hai từ ngữ này có chỗ khác biệt. Mới đầu hoạn quan không nhất thiết phải là người bị thiến. Trong lịch sử Trung Quốc cổ xưa đã có hoạn quan. "Hoạn quan" chỉ là danh xưng chỉ chung những quan viên phục dịch, hầu hạ hoàng đế và gia tộc trong hoàng cung. Cho đến đầu đời nhà Đông Hán, khi Lưu Tú quang phục lại Hán thất, mới ban lệnh hoạn quan tất yếu phải là người đàn ông bị thiến. Trước đó, thời Hán Võ Đế, năm 99 trước Công nguyên, khi Lý Lăng thua trận đầu hàng Hung Nô, Tư Mã Thiên vì bênh vực Lý Lăng mà bị thiến và tuy là người bị thiến nhưng Tư Mã Thiên không phải là hoạn quan.
Từ ngữ "thái giám" xuất hiện sớm nhất vào đời Đường Cao Tông Lý Trị năm Long Sóc nhị niên, tức năm 662, khi đem thay đổi danh xưng "Điện trung tỉnh", cơ cấu chuyên lo việc xa giá, y phục trong hoàng cung thành "Trung ngự phủ", và cải "Giám thành trung ngự" thành "thái giám" và "thiếu giám".
Đến đầu đời nhà Minh thiết lập "Nhị thập tứ nha môn", mỗi nha môn đặt ra một thái giám giữ ấn tín phục dịch hoàng đế cùng gia thuộc, và người được giữ chức thái giám tất yếu phải là hoạn quan. Từ đấy "thái giám" thành danh xưng chuyên chỉ hoạn quan. Đến giữa thời kỳ nhà Minh, quyền thế của thái giám được mở rộng thêm ra. Thái giám có quyền làm sứ giả, trông coi quân đội, coi xét quan lại, dân tình nên trở thành lộng quyền.
Nội thị tỉnh, do hoạn quan đảm nhiệm, trông coi toàn bộ nội vụ cung đình, được tổ chức thành năm trật tự:
1. Quản vụ Thái giám và Điển sự Thái giám.
2. Kiểm sự Thái giám và Phụng nghi Thái giám.
3. Thừa vụ và Điển nô Thái giám.
4. Cung sự và Hộ nô Thái giám.
5. Cung phụng và Thừa biện Thái giám.
Việc tuyển chọn hoạn quan được triều đình quy định nghiêm ngặt, ưu tiên trẻ em "ái nam con gái". Những gia đình có con khuyết tật được quan sở tại khám xét, làm sớ tâu lên triều đình. Cha mẹ nuôi dưỡng con đến 13 tuổi, sau đó Bộ Lễ đưa vào cung tập sự. Làng có hoạn quan tiến cử sẽ được miễn binh lính, phu phen tạp dịch và sưu thuế. Nếu không đủ trẻ "ái nam con gái" thanh niên tự nguyện thiến cũng được tuyển chọn.
Trong thời kỳ ổn định, thái giám thường ít khuynh đảo triều chính. Trái lại, lịch sử cũng ghi nhận nhiều danh thần xuất thân từ hàng yêm hoạn. Tuy nhiên, trong thời kỳ biến động, quyền lực thái giám mở rộng, dẫn đến tình trạng thao túng chính sự.
Chức vụ trong Giám ban:
Tổng thái giám (hàm Chánh tam phẩm) Đô thái giám (Tòng tam phẩm) Thái giám (Chánh tứ phẩm) Thiếu thái giám (Tòng tứ phẩm) Đồng trị Giám Sự (Chánh ngũ phẩm) Tả hữu thiếu giám (Tòng ngũ phẩm)
Trong thời kỳ hoạn quan trực tiếp tham chính, viên chức đứng đầu Giám ban chỉ thua Thượng thư một bậc, quyền hành lớn. Chốt lại, chỉ riêng Ty Lễ giám, chức Chưởng ấn thái ần như ngang hàng với các quan trọng thần của triều đình. Điều này ngụ ý quyền lực của thái giám ở thời kỳ này có thể vượt khỏi phạm vi truyền thống, thậm chí can thiệp vào việc điều hành quốc gia. Không chỉ là người truyền đạt mà còn là người quyết định hoặc thay mặt vua trong nhiều trường hợp.
Điều này chứng tỏ các hoàng đế luôn có ý dùng Giám quan làm một lực lượng hậu thuẫn riêng cho mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro