Chương 44: Căn Thâm Quả Thạc (根深果硕)
[♪] Căn Thâm Quả Thạc (根深果硕): Gốc sâu quả lớn.
------
Theo quan niệm cổ xưa của người Việt, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều do công sức của 12 bộ Tiên nương (12 bà Mụ) dưới sự dẫn dắt của Đại Tiên (Bà Chúa Đầu Thai) mà hình thành. Các bà Mụ không chỉ tạo hình mà còn bảo hộ trẻ trong những năm tháng đầu đời, giúp chúng vượt qua các cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành.
Vì thế, mỗi khi trẻ đạt các mốc thời gian nhất định, cha mẹ và ông bà phải lập lễ cúng Mụ để bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu nguyện các vị Mụ ban phúc lành, bảo hộ cho trẻ luôn bình an, mạnh khỏe, và gặp nhiều điều tốt lành.
Trình Tự và Các Cột Mốc Cúng Mụ
Lễ cúng Mụ thường được tổ chức vào các mốc quan trọng:
Đầy Cữ (3 ngày tuổi): Đánh dấu sự sống sót đầu tiên của trẻ, là dịp cúng tạ ơn và báo cáo với tổ tiên về thành viên mới trong gia đình. Đầy Tháng (1 tháng tuổi): Thể hiện niềm vui khi trẻ khỏe mạnh và được "tròn trặn" thêm một giai đoạn trong cuộc đời. Đầy Năm (1 tuổi): Đứa trẻ chính thức bước qua tuổi sơ sinh, gia đình cầu phúc cho con đường tương lai rộng mở.
Đặc biệt, khi trẻ đạt các tuổi 3, 6, 9, và 12, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng căn. Lễ cúng căn 12 tuổi được xem là lễ cúng dứt căn, khép lại quá trình bảo trợ của các bà Mụ, chuyển giao trách nhiệm bảo hộ về tay tổ tiên và đấng thần linh.
Lễ cúng Mụ không thể thiếu các lễ vật truyền thống như:
12 đĩa xôi và 12 chén chè, tượng trưng cho 12 bộ Tiên nương. 1 đĩa xôi lớn và 1 chén chè lớn dâng Đại Tiên. Trầu têm cánh phượng, rượu trắng, hương hoa, và bánh kẹo.
Tục Lĩnh Nam truyền rằng nhà giàu khi sinh con được ba ngày sẽ làm lễ "đoàn du phạn" (團游飯), tức là bữa cơm tròn trặn mừng việc mẹ tròn con vuông. Ở nước ta, lễ cúng Mụ thường kèm theo tiệc tắm cho trẻ, kết hợp với nghi thức dâng lễ vật tạ ơn các bà Mụ. Đến ngày đầy tháng, một trăm ngày, hay đầy tuổi, gia đình tiếp tục làm lễ cúng gia tiên, dọn tiệc mời thân tộc và bằng hữu. Tiệc một trăm ngày là sự kiện trọng đại nhất, nơi bà con thân quen mang thơ, câu đối, đồ chơi, hay quần áo trẻ con đến mừng. Đây không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là dịp thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Lễ cúng Mụ không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn thể hiện triết lý sống mang tính cộng đồng của người Việt: trọng nghĩa, trọng ơn, và luôn gắn bó với cội nguồn. Đây là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian và đạo lý gia phong, vừa là sự an ủi tinh thần vừa là biểu tượng của sự khởi đầu mới mẻ, đầy hy vọng.
Nét đẹp ấy qua thời gian vẫn giữ nguyên giá trị, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa phong kiến Việt Nam, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng biết ơn thiêng liêng đối với những bậc sinh thành.
Nguồn tham khảo:
1. Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, NXB Kim Đồng.
2. Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam. Tác giả: Hòa Thượng Thích Thanh Duệ, Nguyễn Bích Hằng. NXB: Thanh Hóa.
------
Thứ nhất, trong cõi nhân gian vốn có vô vàn điều huyền diệu, nhưng ta vẫn luôn mang một nỗi băn khoăn không lời giải: Vì cớ gì mà Hoài Chiêu lại chọn chiếc trâm cài san hô đỏ để làm tín vật nhận diện trong buổi tiệc giải nghệ của Gia Huyền? Trước thắc mắc này, hắn chỉ mỉm cười ung dung đáp rằng: "San hô đỏ vốn được coi là vật linh thiêng, trấn quỷ trừ tà, chiêu tài nạp phúc, an định gia trạch. Người ta tin rằng, nó còn có khả năng dẫn dắt tâm hồn trở về cõi thanh tịnh, giữ lòng người khỏi mưu mô của kẻ tiểu nhân."
Lời giải thích ấy không dừng lại ở đây, hắn còn kể thêm rằng: "San hô đỏ chống lại tà ác, giúp tâm trí tỉnh táo, bảo vệ khỏi ác mộng, lại còn thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường chức năng thận và điều tiết cơ thể. Nó không sợ ánh mặt trời, tựa như giọt máu vĩnh hằng của biển cả."
Nghe hắn nói, ta không khỏi cảm thán trong lòng. Quả là lý thú, bởi nó cũng thuộc một trong Thất bảo. Nhưng đồng thời, cũng không thể không công nhận rằng Hoài Chiêu thật sự giàu có và hào phóng.
Sau khi từ biệt Ngô Thập Nhị và Lương Minh Kha, Hoài Chiêu một mực đòi tiễn ta và Thất công tử xuống lầu. Lúc này hắn nói những lời tựa nửa như trách móc, nửa như giễu cợt: "Quốc Sắc, ngài quả thật dễ tính. Chỉ cần vài câu nhờ vả, ngài đã đồng ý ngay lập tức. Còn ta thì sao? Ta tận tâm hết mực, ngài lại đối xử hờ hững. Ngài làm ta buồn lòng quá đỗi! Mệnh lệnh của ngài, ta đều hết lòng thực hiện, thế mà chưa từng nghe ngài nói lời cảm tạ ta đâu!"
Ta nhếch môi cười nhạt, đáp lời qua loa: "Thế thì, cảm ơn chân nhân (真人) nhé!"
Hắn không ngừng tỏ vẻ tinh quái: "Vậy ngày mai, ngài có cần ta lập đàn cầu siêu cho bọn họ không?"
"Cầu siêu?" Ta bật cười, xem những lời hắn nói là trò đùa.
"Là siêu vượt cảnh giới khổ đau, trở về với cõi an lành." Hoài Chiêu cười đáp, trên gương mặt lộ vẻ thản nhiên như tách biệt với thực tại.
"Không cần thiết đâu!" Ta khoác tay từ chối, vô tình đặt bàn tay mình lên tay Thất công tử đang đỡ ta. Ngài ấy khẽ xiết tay ta, ánh mắt cả hai giao nhau rồi cùng cười tươi.
Bước ra khỏi cửa, cơn mưa bóng mây vừa ngớt, để lại không gian tươi sáng lạ kỳ. Ánh mặt trời xuyên qua những hạt nước còn vương lại, hòa vào bầu không khí trong trẻo, tinh khôi.
"Ngươi tiễn đến đây được rồi!" Thất công tử đưa tay ngăn Hoài Chiêu, nụ cười vẫn còn đọng trên môi.
"Được thôi!" Hoài Chiêu gật gù, đưa tay vẫy chào ta. "Chúc hai ngài thượng lộ bình an!"
Đợi ta an ổn trên xe, Hoài Chiêu tiến lại gần gõ vào thành xe: "Quốc Sắc, hôm nay ngài quả thật rất đẹp!" Đúng là một lời khen có cánh, nhưng vô vị.
"Quá khen!" Ta vén mành, đưa cho hắn một chiếc phong bì.
Đây có thể được xem là thù lao nhỏ dành cho người này.
Hắn bóc phong thư, nhìn mấy dòng chữ trên mặt giấy đầy rẫy họa tiết liền hài lòng nói tiếp: "Không tồi! Khiếu thẩm mỹ của ngài vẫn khá tốt đấy!"
"Vậy ta đi đây!"
"Tạm biệt!" Hoài Chiêu cúi chào rồi sảng khoái bước vào tửu điếm.
Suốt chặng đường, Thất công tử cứ mãi cười, nhưng theo nhịp xe xóc nảy, độ cong của đôi môi dần dà thay đổi. Đến lúc này chẳng thèm thể hiện được vẻ mặt giận dỗi, hờn trách của mình đối với ta đây.
Khi lên xe, ngài ấy vội vàng rút trâm cài san hô của ta xuống, nhìn ngắm một hồi lại ghim vào chỗ cũ. Sau đó mở miệng chê bai: "Cũng bình thường thôi!" Nhưng lời nói kế tiếp của ngài khiến ta dở khóc dở cười. "Khi nào Tử Yên góp đủ tiền, Tử Yên nói với bá phụ đặt làm cho nàng cái khác đẹp hơn. Mũ phượng hoa sai quan bằng vàng ròng nguyên chất!"
Vậy khi nào mới để đủ tiền đây? Trong khi bình phủ men kia của ngài còn chưa đủ năm lượng bạc nữa đấy!
Ngài ấy vừa tính nhẩm vừa lẩm bẩm, rồi đột nhiên nhớ ra: "Ngoại thúc phụ bảo rằng của cải vi phu ăn mấy đời cũng không hết, lược vàng mẫu thân cho chỉ là phần nhỏ. Ông ấy nói, khi cần thì hỏi tổ mẫu nàng, bà ấy sẽ ứng trước cho ta!"
Ta khẽ nhếch môi, giả bộ "ồ" lên một tiếng, nhưng trong lòng không khỏi dâng lên nỗi tò mò lạ lùng.
Quả thật, người giàu sang lắm của cải thường có những thú tiêu khiển thật khác người.
Hà cớ chi, giữa lúc gia tài bạc vạn đang chất đầy kho, họ lại lựa chọn lối sống đơn sơ, mai danh ẩn tích, tựa như loài chim nhàn cư, lánh đời trong rừng sâu núi thẳm?
Cũng có thể, cái thú vui tìm về thiên nhiên hoang dã ấy thật sự mang ý vị thanh cao mà phàm phu tục tử khó lòng hiểu thấu. Hãy thử nghĩ, những ngày tháng rong ruổi nơi núi rừng, tai nghe tiếng chim kêu vượn hú, lúc mệt thì ngả lưng dưới tán cây rậm rạp, khi khát lại hớp vài ngụm nước suối mát lành... Đó chẳng phải là đời sống nhàn nhã, ung dung giữa chốn kỳ quan trời đất hay sao?
Ngẫm ra, kẻ lui tới chốn sơn lâm nhiều phen, ắt sẽ am hiểu cảnh sắc núi non, thuộc lòng tính nết muông thú, và quen mặt với từng dòng suối, từng bụi cỏ. Thậm chí, với kiến thức ấy, chẳng phải họ cũng có thể làm bậc thầy hướng đạo hay sao?
Một kẻ tài năng và thanh nhàn như thế, lại thêm gia tài không biết bao nhiêu mà kể, đúng là khiến người ta vừa kinh ngạc, vừa ngưỡng mộ.
"Sau này, nàng nên bắt đầu học cách quán xuyến gia sự. Sổ sách chi tiêu tuy có người phụ trách, nhưng thân làm thê tử, nàng cũng cần nắm rõ ràng, để kịp thời báo cho vi phu nếu có gì thiếu hụt." Thất công tử đột nhiên nghiêm túc, giọng nói trầm ổn, phong thái gia trưởng hiện rõ trên từng lời lẽ. Rõ ràng ngài đang cố bắt chước đại bá phụ, muốn trở thành người đàn ông vững chãi trong gia đình.
Ta phì cười, đáp qua: "Biết rồi, biết rồi! Nhưng nếu chẳng may ta tiêu xài hoang phí, đến mức sạch cả gia tài của ngài thì sao?"
"Sống nhờ ơn Trời, chết về chầu Trời. Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay." Thất công tử kéo màn tre xuống, che khuất cảnh phố phường tấp nập. Ánh sáng trong xe có chút nhạt nhoà, nét mặt của người cũng tối hẳn. "Nhưng nếu chẳng may ta lâm vào cảnh túng quẫn, nàng sẽ chê trách ta chăng?"
"Để xem!" Ta ngẩng đầu cao, ánh nhìn mơ hồ như đang dõi theo điều gì vô định. Lời nói ngậm ngùi: "Chê chàng thì không, nhưng trách chàng vẫn có!"
"Vậy thì vi phu sẽ không phá sản được đâu! Huống chi, đã có Ông trời chống lưng cho ta!" Thất công tử cười khẽ khàng, có chút bẽ bàng sâu lắng.
------
Sướng chi kết quả, thụ thâm căn mậu.
Lạc hoa vô ngôn, nhân đạm như cúc.
Hán ngữ:
上枝结果,树深根茂。
落花无言,人淡如菊。
Dịch nghĩa:
Cành trên đơm quả, cây rễ sâu tươi tốt.
Hoa rơi không lời, người bình thản như Cúc.
Rễ là nền tảng sâu thẳm, tượng trưng cho ý chí, nỗ lực của con người trong việc gieo nhân tốt. Một người muốn đạt được quả lành phải có căn bản đạo đức và lòng kiên trì.
Thân cây chính là quá trình trưởng thành, hình thành mối quan hệ và công việc trong đời sống. Thân vững chãi thì mới đủ sức nuôi hoa và quả.
Hoa là biểu hiện của thành tựu tạm thời, như một giai đoạn trước khi kết quả chín muồi. Hoa rơi mà không lời (lạc hoa vô ngôn) ngụ ý rằng vẻ đẹp và sự thành công bên ngoài cần sự khiêm nhường, không phô trương. Còn quả chính là thành quả từ nhân lành đã gieo. Kết quả này phụ thuộc vào gốc rễ (nhân) và cách chăm sóc (quá trình).
Câu đối không chỉ là lời khuyên nhủ mà còn phản ánh sâu sắc tư tưởng trọng đức, trọng lễ giáo trong xã hội phong kiến. Ở đó, người ta quan niệm rằng sự vững vàng của một gia đình hay một quốc gia đều bắt nguồn từ rễ sâu (đức hạnh), thân cành (trách nhiệm xã hội), hoa lá (địa vị, danh vọng) và quả ngọt (thành tựu, phúc phần).
Trong cái vòng nhân quả tuần hoàn ấy, mỗi cá nhân cần sống sao cho "đạm như cúc" để khi thời khắc của hoa rụng xuống, người đời vẫn kính trọng sự thanh cao và đạo đức của họ. Ấy là một cuộc đời không hổ thẹn với bản thân, với gia đình, và với hậu thế.
Bởi lẽ, chỉ khi sống trọn vẹn theo đạo lý mới không uổng phí kiếp người.
------
Từ canh năm, trong phủ đã vang vọng tiếng chân người, bọn gia nhân tất bật chuẩn bị cho lễ đầy tháng của tiểu hài tử nhà Ngũ đường ca. Cờ hoa giăng khắp, bày biện nào trầu cau, nào lễ vật, nào bàn tiệc long trọng.
Mấy ngày trước, ta có dịp ghé thăm đường tẩu và ngắm qua em bé. Một hài tử chỉ tày bắp tay, khuôn mặt bầu bĩnh, khi ngủ lại như mang vẻ ưu tư với đôi mày khẽ chau. Thỉnh thoảng, đôi môi mếu máo tựa muốn khóc, rồi lại chép chép, tựa như đang hưởng chút mộng ngọt ngào.
Đại thẩm nói trẻ mới sinh thần khí còn yếu, phải bảo dưỡng kỹ càng, tránh người lạ qua lại, để không động chạm đến vía non.
Trong thời kỳ đầu đời của một sinh linh vừa cất tiếng khóc chào đời, tức giai đoạn tháng đầu tiên sau sinh, con trẻ còn mang trong mình một thân thể non nớt tựa mầm non vừa nhú khỏi mặt đất. Cơ quan trong người chưa hoàn chỉnh, chức năng vận hành của các hệ thống thần kinh còn sơ khai, thành thử trẻ nhỏ thường ngủ li bì, như để dần thích nghi với nhịp sống mới.
Trong tháng đầu, vận động của trẻ là những phản ứng tự phát, không có chủ đích. Một cái chạm nhẹ vào má, môi trẻ sẽ tức thì quay về hướng đó để ngậm. Một vật đưa vào lòng bàn tay nhỏ xíu, trẻ sẽ nắm chặt như bản năng giữ lấy sự sống. Trẻ có thể nhận biết âm thanh, từ tiếng thì thầm của mẹ đến những tiếng nói ồn ào bên ngoài.
Khoảng thời gian từ khi chào đời đến khi bé được 3 tháng tuổi, cơ thể và hệ thống thần kinh của trẻ sẽ làm quen dần với thế giới bên ngoài bụng mẹ. Trẻ bắt đầu biết cười và có thể cười đáp lại khi cha mẹ cười. Trẻ có thể nâng đầu và ngực lên cao khi được đặt trong tư thể nằm sấp.
Trẻ ưa thích vị ngọt, tránh xa vị đắng, và có thể tìm vú mẹ một cách bản năng khi được bế vào lòng. Một cú véo nhẹ, trẻ lập tức biểu hiện đau, chứng tỏ khả năng cảm giác dù còn sơ khai nhưng đã hiện diện.
Dấu hiệu nhận biết giới tính con trẻ có thể là cái rổ (rá) hoặc trước ngõ cắm một cây nhỏ, trên đầu cây cột một cây củi cháy dở, nếu sinh con gái thì đưa đầu cây củi cháy có than ra ngoài đường đi, còn sinh con trai thì ngược lại. Khách đến chơi, nếu là người lạ, phải khẽ khàng chào hỏi, chẳng dám làm kinh động đến hài tử.
Thất công tử ao ước được nhìn thấy hài nhi, nhưng lễ nghi không cho phép khi ngũ tẩu vẫn đang trong giai đoạn ở cữ.
Theo phong tục, trẻ sơ sinh trong tháng đầu không được tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là những ai bị cho là "nặng vía". Chỉ ông bà, cô bác ruột thịt mới được phép thăm nom, vì cùng huyết thống thì dễ khiến đứa trẻ "quen hơi". Nếu chẳng may trẻ quấy khóc, gia đình lập tức đốt vía, quét tà bằng lá gai như lá dứa dại, cành gai tầm xoọng (độc lực) để xua tan điềm gở.
Trong phòng sản phụ, lửa than với muối và củ nén giã được giữ cháy không ngừng để hơ người, gian phòng kín gió che chắn cẩn thận. Cả ăn uống cũng chỉ được phép vài món nhạt nhẽo. Mẹ mới sinh phải uống nước lá dành dành, ăn cơm muối tiêu,... thậm chí cả nước tiểu trẻ con để chóng lại sức. Người mẹ không được tắm rửa, đánh răng, hay ra gió trong suốt thời gian này.
Phong tục cũng quy định, nếu sinh con đầu lòng thì người mẹ về nhà mẹ ruột để được chăm sóc, vì "con so về nhà mạ". Những lần sinh sau, người mẹ mới ở lại nhà chồng, bởi con đầu lòng luôn được gia đình hai bên đặc biệt coi trọng. Sau khoảng 1–3 tháng, sản phụ mới trở lại nhà chồng, khi đã qua thời kỳ ở cữ.
Tất cả nhằm bảo vệ sức khỏe và vẻ đẹp cho người phụ nữ sau sinh, đồng thời gìn giữ sinh khí cho hài nhi.
Sau khi dâng lễ vấn an đường tẩu, ta bước ra ngoài, Thất công tử liền hỏi han về đứa nhỏ: "Đứa bé giống cha hay giống mẹ?"
"Giống mẹ nhiều hơn!" Ta đáp. "Chẳng qua còn nhỏ, chưa định hình rõ nét."
Ngài ấy cười nhạt, có vẻ thất vọng khi nghe ta nói không được bế hài tử, nhưng chẳng lâu sau lại hào hứng bảo: "Đợi lễ đầy tháng, ta sẽ tự tay bế nó, xem thử có nặng vía như người ta đồn không."
Trên đường về, chúng ta lại nói chuyện bâng quơ, đến độ ta không kìm được đáp lời đùa giỡn của ngài ấy. Bất chợt ta quay sang hỏi: "Ngài cảm thấy ta giống cha hay giống mẹ hơn?"
Thật muốn biết người ngoài nhìn ta sẽ có cảm giác như thế nào? Đặc biệt là cảm quan tương tác.
"Nàng thấy mình giống cha hay giống mẹ hơn?"
Câu hỏi ấy khiến ta bất giác nhìn lại bản thân: Về ngoại hình và đặc điểm khuôn mặt có phần giống cha, nhưng tính cách lại hơi giống mẹ. Nhưng trước mặt ngài, ta chỉ đùa cợt: "Chẳng giống ai cả. Ngài thì sao, liệu có giống phụ thân hay mẫu thân của mình?"
Ngài ấy dừng lại, nhìn ta chăm chú. Sau đó, nhếch môi cười, nét cười cao ngạo nhưng không thiếu phần ân cần: "Thật ra, nàng giống vi phu hơn cả."
Câu trả lời khiến ta sững người. "Vì sao ngài lại nói thế?"
"Vì phu thê là trời định. Hai người tuy khác máu thịt nhưng thần thái tương hợp."
Ngài giải thích, rằng từ xưa người ta quan niệm "tướng phu thê" là những người có nét giống nhau thường là duyên tiền định, một đôi lứa trăm năm bền chặt. Sự giống nhau ấy không phải ngẫu nhiên mà được ví như dấu ấn của ông tơ bà nguyệt, rằng đôi bên đã được số phận khéo léo sắp đặt để kết thành một gia đình.
Cả hai có thể vừa bổ khuyết, vừa đối chọi lẫn nhau.
Thế nhưng ta lại phản bác: "Ngài anh tuấn như vậy, ta tầm thường, lấy đâu ra nét nào giống ngài?"
Thất công tử nâng tay, nhẹ vẽ vòng quanh gương mặt ta: "Nàng nhìn xem, mày thanh mắt sáng, tai thính, mũi cao. Còn đôi môi này, khi cười còn đẹp hơn cả ánh trăng. Nàng đừng che giấu nét duyên dáng của mình!" Bàn tay ngài nhẹ nhàng nâng cằm ta, đầu ngón tay nhẹ nhàng miết cong nơi khóe môi: "Cười nhiều hơn, nàng sẽ càng đẹp. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, chẳng phải ông bà ta đã dạy thế sao?"
Người xưa có câu: "Đức năng thắng số".
Con người dù sinh ra mang mệnh nghèo hèn, nhưng nếu biết tu dưỡng tâm tính, rèn giũa bản thân, thì cũng có ngày đổi vận.
"Tâm sinh tướng" là tướng mạo đẹp hay xấu không phải tự nhiên mà có, mà bởi lòng dạ con người. Một nụ cười đẹp, một ánh mắt trong, đều xuất phát từ sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Thất công tử bảo ta như thế, ta cũng gật đầu đồng tình.
Chẳng dám nhìn thẳng ánh mắt ngài, ta cúi đầu. Một cảm giác lạ lùng dâng lên trong lòng, tựa như dòng suối chảy qua kẽ đá, vừa nhẹ nhàng vừa mãnh liệt. Trái tim đập nhanh đến mức ta sợ người đối diện nghe thấy.
------
Theo nề nếp cổ truyền, lễ đầy tháng của hài nhi được tổ chức cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng theo lịch âm. Có câu: "Gái lùi hai, trai lùi một", nghĩa là trẻ gái sẽ làm lễ đầy tháng sớm hơn ngày sinh âm lịch hai ngày, còn trẻ trai thì sớm hơn một ngày. Đây không chỉ là quy tắc được đặt ra bởi ông cha, mà còn hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng về sự cân bằng âm dương và đạo lý phân biệt giới tính trong nếp sống phong kiến.
Sau khi lễ vật được bày biện chu toàn trên án thờ, người làm cha hoặc mẹ sẽ chỉnh trang áo mão, thắp ba nén nhang, rồi bồng hài tử ra trước bàn thờ khấn bái. Sau nghi thức cúng lễ đầy tháng, đến phần đặt tên. Người lớn tuổi trong họ khấn cáo với gia tiên, trình bày tên định đặt cho hài nhi. Tiếp theo, người chủ lễ gieo hai đồng tiền bạc lên đĩa để xin ý tổ tiên. Người chủ lễ thường là cha hoặc trưởng bối, sẽ dõng dạc tuyên khấn tên dự định đặt cho hài tử.
Nếu một đồng úp, một đồng ngửa, tức là cái tên đã được chấp thuận. Nhưng nếu cả hai đồng đều úp hoặc đều ngửa, tên sẽ bị xem là không hợp, và người cúng phải thử lại. Ba lần gieo quẻ mà vẫn thất bại, cha mẹ phải đổi sang tên khác để trình tổ tiên.
Tên của hài nhi lần này được định đặt là Thược Biên [籥編], nhũ danh thường gọi là Xuyến [玔], còn anh của em tên là Trạc [鐲]. Dẫu cả hai đều là con trai, nhưng tên gọi lại tựa như những món trang sức trân quý, phảng phất ý nghĩa tinh tế và trân trọng.
Lễ đầy tháng diễn ra trong bầu không khí vừa trang nghiêm vừa nhộn nhịp. Gia tộc, quan khách, và bằng hữu thân tín của đại nhị bá đều đến tham dự đông đủ. Theo lệ, nam nhân tụ họp ở tiền sảnh, bàn chuyện quốc gia đại sự hay thương vụ, trong khi nữ nhân quây quần ở hậu viện, thăm hỏi nhau chuyện nữ công gia chánh và gia đạo.
Các mệnh phụ, tiểu thư danh giá xuất hiện trong y phục trang nhã, từ tốn trò chuyện cùng các vị thẩm thẩm và tỷ muội của gia chủ. Ở chính sảnh, bọn trẻ nhỏ ríu rít bên cạnh đường tẩu, tò mò ngắm nhìn đứa trẻ được chào đời. Trong khi đó, đám trẻ lớn hơn như Ngư Ngư và mấy cháu nhỏ khác, chạy nhảy khắp nơi, từ tiền sảnh ra hậu viện. Đứa nào mặt cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng tiếng cười trong trẻo vang lên hòa lẫn lời trò chuyện của trưởng bối khiến không gian ngập tràn phúc khí.
Lễ đầy tháng của tiểu Xuyến không chỉ là niềm vui của gia tộc mà còn khơi dậy trong Thất công tử sự háo hức khác thường. Tối trước lễ, ngài ấy bắt ta tập suốt hai canh giờ cách bế trẻ sao cho đúng, sao cho không làm em đau và bản thân không mỏi. Ngài ấy thậm chí chỉ chợp mắt đôi chút, rồi lại kéo ta dậy, giục giã rằng phải đến gặp hài nhi ngay.
Nhìn ngài ấy bế Xuyến bé bỏng, ta bỗng cảm thấy thời gian như thoắt thoi đưa. Có vẻ bọn ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng thực đếm ra cũng chỉ vừa tầm một năm.
Từ khi gặp nhau cho đến khi bên nhau, bằng cách nào đó bọn ta lại thân thuộc như thể những chuyện tương tác giữa hai người vốn dĩ là chuyện hiển nhiên. Không hiểu tình cảm có thể diệu kì đến mức nào, khi ta không hề bài xích mà còn từng bước dung nạp nó, giống như bổ sung một thứ năng lượng vốn đã cạn kiệt chỉ còn lại đủ ba phần chín.
"Nương tử, nàng xem! Em bé đang cười với Tử Yên nè!" Thất công tử hào hứng chỉ vào tiểu Xuyến, ánh mắt rạng rỡ đầy niềm vui. Ta cúi nhìn kỹ, nhưng chỉ thấy đứa nhỏ đang ngủ say. Ngũ tẩu đứng cạnh bật cười trêu chọc: "Nhìn dáng vẻ của Thất công tử, chắc chẳng bao lâu nữa hai người cũng sẽ sinh được một đôi nếp tẻ, để nhà cửa thêm phần rộn ràng."
Ta đùa rằng, trước tiên ngài ấy phải học cách làm tỷ phu cho tốt, rồi hẵng tính chuyện làm cha. Nhưng trong lòng, những hình ảnh tương lai dần hiện lên: một gia đình nhỏ, vui đùa trên xích đu bên gốc cây sơn tra ở thôn Bỉ.
Đứa nhỏ kia liệu sẽ giống ai? Nếu giống Thất công tử thì chắc sẽ tốt hơn, vì ta luôn trọng sắc diện, dễ xiêu lòng bởi những thứ xinh đẹp. Nếu có hờn dỗi bọn họ thì cũng không thể giận quá lâu. Một chú cún lớn, một bé mèo nhỏ, lúc nào cũng lẽo đẽo theo con heo lười biếng này – nghĩ đến thôi đã thấy buồn cười!
Nhưng thoát khỏi những mộng tưởng ấy, ta chợt nhớ đến phu quân hờ hiện tại. Liệu giờ này, ngài ấy đang nhiệt tình tiếp khách thay Đại bá phụ, hay lại lén lút trốn đi cùng A Phúc để ăn vụng mấy chiếc bánh ngọt?
Tiếng khóc ré của Tiểu Xuyến bất ngờ cắt ngang dòng suy nghĩ của ta. Nguyên do là một gia nhân vô ý làm đổ nước lên váy của tiểu thư đang đứng trong nhà. Nàng tiểu thư ấy không chỉ lớn tiếng mắng mỏ, còn đẩy kẻ gây ra lỗi ngã oạch xuống đất: "Ngươi có biết bộ y phục này đáng giá bao nhiêu không? Thật là xúi quẩy!"
"Có chuyện gì cũng nên từ tốn mà nói!" Một vị thẩm thẩm trong tộc đứng ra giải hòa. "Người đâu, mau đưa Cung Cần [恭勤] Quận quân (郡君) đi thay đồ đi!"
Cung Cần Quận quân là phu nhân của một vị quan tứ phẩm, có mẹ chồng là mẫu thân của một Hậu phi tam phẩm. Trước giờ nàng ta nổi danh trong giới thượng lưu bởi tính khí kiêu căng và thích ức hiếp kẻ dưới. Từ nhỏ đã được chiều chuộng hết mực, sau khi được gả vào một gia đình quan lại và được phong Quận quân, nàng càng ngày càng tự cao tự đại, không xem ai ra gì. Ngay cả trong nội tộc, nàng ta cũng gây không ít điều tiếng.
Ngũ đường tẩu vốn là khuê mật thuở thiếu thời của nàng, nhưng từ khi Quận quân này được gả vào nhà quan, thái độ thay đổi hẳn. Trong ngày thành thân của ngũ tẩu, nàng cố tình mang đến một lễ vật mang hàm ý khinh khi, chế nhạo, khiến tân nương phải đỏ mặt nuốt hận. Ngay cả khi ngũ tẩu không còn muốn đón tiếp, Quận quân vẫn mặt dày tìm đến mỗi dịp gia đình có việc, chỉ để gây náo loạn.
Cung Cần Quận quân thành thân đã lâu nhưng vẫn chưa có con, đầu năm nay phu quân lại nạp thêm một người thiếp mới, trên dưới cũng đã có hơn ba, bốn di nương. Cũng bởi tính tình ngang ngược ấy, phu quân của Quận quân sớm đã nản lòng không muốn gần gũi. Thay vào đó, hắn dành phần lớn thời gian tại thanh lâu, tửu điếm, hoặc tiêu xài phung phí. Người ta đồn rằng, cứ vài ngày hắn lại ghé tiệm châu báu của Đại bá phụ mua ngọc ngà, đá quý. Hết châu báu, hắn lại tìm đến Tứ Nương mua son phấn, lễ vật này nọ.
Tuy nổi danh ăn chơi, phu quân Quận quân lại có chút khôn khéo trong việc xây dựng quan hệ. Nhờ quen biết với các quan khách qua những buổi tri ân do Đại bá phụ tổ chức, hắn đã móc nối được với phe cánh của Tấn Bình Tương Vương (進平襄王).
Gần đây, sức khỏe của Tương Vương suy yếu trông thấy, người người đều xì xào rằng ông khó lòng qua khỏi cuối năm nay. Trong tình cảnh ấy, gia tộc Tương Vương đang gấp gáp củng cố quyền lực trước khi tang sự xảy ra.
Mấy năm qua, họ đã dùng không ít dược liệu quý giá để kéo dài sinh mệnh cho Tương Vương, nhưng thiên mệnh đã định, con người há có thể chống lại. Hiển Ông Chúa bây giờ được xem là người đứng đầu gia tộc, hiện đang ráo riết tìm kiếm một bí phương để "hồi dương cứu nghịch".
E rằng, những nỗ lực điều tra của họ đã dần lần ra được bí mật về sự trùng sinh của ta...
Nghĩ đến đây, ta không khỏi cảm thấy lạnh sống lưng.
Trong chốn phong ba quyền thế, những kẻ như Quận quân kia, dù bề ngoài là mệnh phụ cao sang, cũng chỉ là một quân cờ trong tay thế lực lớn hơn. Nàng ta khoác lên mình vẻ ngoài kiêu hãnh, nhưng bên trong, chẳng qua là một thân phận phụ thuộc, bất lực trong vòng xoáy của lễ giáo và địa vị phong kiến.
------
Trong lễ giáo đương triều, mệnh phụ được phân định theo quy chế nghiêm ngặt, dựa vào địa vị của chồng con mà xếp vào ba hạng phẩm vị: từ Nhất phẩm đến Tam phẩm, từ Tứ phẩm đến Lục phẩm, và từ Lục phẩm trở xuống. Khác biệt rõ nét so với tiền triều, không áp dụng chế độ "phẩm cấp" để phân định thứ bậc cho ngoại mệnh phụ. Hệ thống này duy trì "Nội mệnh phụ Ngũ phẩm" và đồng thời thiết lập 14 tước vị dựa trên "đẳng giai", là một cách phân chia thuần túy về bậc cao thấp mà không gọi theo phẩm.
Những tước vị này được quy định chặt chẽ để truy phong cho các quan chức trong các dịp đại phong, nhưng cũng tùy thuộc vào đặc chỉ mà có sự linh hoạt trong việc gia phong. Chẳng hạn, con gái của công thần có thể được phong tước vượt quá thân phận như Quận chúa hay Huyện chúa, mặc dù không thuộc dòng máu hoàng gia. Đặc biệt, con gái của công chúa vốn dĩ trước đây không có lệ gia phong cũng có thể được phong làm Quận chúa trong thời kỳ này.
Một điểm nổi bật trong hệ thống tước hiệu là cách thụ phong hoàng tử phi, tông nữ và các mệnh phụ. Hoàng tử phi được gia phong danh hiệu "Quốc phu nhân" hoặc "Quận phu nhân" thay vì chỉ đơn thuần là "Vương phi". Điều này thể hiện sự mở rộng trong phạm vi gia phong, mang đậm tính lễ nghi phức tạp của thời kỳ này.
Hệ thống tước hiệu còn phân chia rõ ràng từ "Quận quân" thành các danh hiệu như "Thục nhân" và "Cung nhân", trong khi "Huyện quân" được quy định cho ba bậc mệnh phụ còn lại. Đây chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần tôn ti, phân minh trong một xã hội lấy lễ làm trọng, lấy trật tự làm cốt lõi.
------
Trong khi ta vẫn đang bận rộn tiếp khách và chuyện trò cùng những người họ hàng, đại bá phụ đột nhiên sai người truyền lời, mời ta đến sảnh chính. Ở đó, bên cạnh hai bá phụ còn có vài vị khách lớn tuổi, họ nói rằng muốn gặp mặt con gái của Tam Lang Biện Xương. Lý do là bởi từ khi ta ra đời đến nay, họ chỉ mới diện kiến ta hai lần: một lần khi đầy tháng và một lần khi tròn năm.
Lần này, ngoài Khâu Mậu, còn có sự hiện diện của Ngô Quảng [吾廣]. Tam công đã đủ hai người, chỉ thiếu Thái sư (太師) nữa là vẹn toàn thể diện cho Thương gia. Đi cùng Khâu thái bảo là Nhượng Ninh Thế tử, còn đi với Ngô thái phó có Ngô Thập Nhị. Giữa họ, nổi bật một nam tử trẻ tuổi, dường như lớn hơn Ngô lang hai, ba tuổi.
Ta theo Thất công tử bước vào sảnh, thi lễ một cách đúng mực với những vị trưởng thượng. Ngô thái phó nhìn ta, giọng tiếc nuối nói rằng ta vốn là cháu dâu hụt của ông. Ông tấm tắc khen rằng ta lớn lên đoan trang, hiền thục, dáng vẻ trầm lặng rất giống mẫu thân. Sau đó, ông ban cho ta một bao phong bì, xem như quà gặp mặt.
Thực ra, cái mà họ muốn biết không phải là ta trông như thế nào, lớn ra sao, mà muốn biết được quả thật gia đình bọn ta có giữ bí phương như lời đồn thổi hay không?
Thời buổi này rất dễ điều tra, chỉ cần bỏ ra một chút tiền công, liền có thể khiển người khác bắt thang lên trời hái sao cho mình. Huống hồ chuyện ta bệnh lâu năm, suýt chút còn qua đời, chẳng qua được Thất công tử cứu mạng, rồi đính ước với ngài ấy, là một chuyện cũng không phải hiếm gặp.
Câu chuyện này chẳng có gì lạ lẫm trong những lời văn phong tình:
"Mỹ nhân sa bước truân chuyên,
Anh hùng cứu nạn kết duyên định trời.
Ân sâu chưa trả cho vơi,
Lấy thân báo đáp, trọn đời khắc ghi."
Thế nhưng, nhìn từ góc độ khác, ta hiểu rõ rằng, sự kiện này chỉ đơn giản là một hình thức xung hỉ (冲喜). Theo tục lệ xưa, khi trong gia đình có người bệnh nặng, tổ chức việc vui như cưới xin được coi là cách để trục tà, cầu mong chuyển nguy thành an.
Việc Thất công tử chấp nhận trở thành chuế tuế (贅壻 – chàng rể ở rể) cũng nằm trong khuôn khổ tập tục này. Dẫu vậy, từ "chuế" mang hàm ý không mấy vẻ vang. Nó gợi lên sự thừa thãi, như một cục bướu trên da thịt mà ai cũng muốn loại bỏ. Từ này còn mang nghĩa "cầm đợ con", ám chỉ phong tục người nghèo bán con lấy tiền. Sau ba năm không chuộc lại, đứa trẻ sẽ trở thành nha hoàn cho nhà phú hộ.
Dẫu vậy, đối với gia đình ta, việc chàng rể ở rể không phải là minh chứng cho sự yếu kém hay bám víu. Đây là giai đoạn để nhà gái kiểm tra đức hạnh, tính cần cù, và khả năng chu toàn của chàng rể. Trong thời gian từ một đến ba năm, nếu xét thấy người con trai không đủ phẩm cách, nhà gái có thể trả của và chấm dứt hôn sự.
Trong khoảng thời gian này, mỗi dịp Tết Đoan ngọ, Trung thu, Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán, chàng rể phải mang quà đến biếu cho cha mẹ vợ gọi là "Tết vợ" (Sêu tết). Đây không chỉ là bổn phận, mà còn là thước đo sự hiếu thuận và kính trọng.
Bên cạnh đó, khi con gái xuất giá, phía nhà trai phải nộp cho làng bên nhà gái một khoản tiền gọi là "tiền cheo". Số tiền này thường được dùng cho các công trình công ích như đào giếng, lát gạch, xây đường, hoặc dựng cổng làng, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của đôi bên.
Ngày cưới, cả hai nhà đều tổ chức nghi lễ đón dâu và đưa dâu. Chỉ sau khi đôi trẻ chính thức bước qua những nghi thức trọng đại này, họ mới được công nhận là vợ chồng danh chính ngôn thuận.
------
Ngay từ khi vừa bước chân vào Thương gia, dáng vẻ Nhượng Ninh Thế tử vẫn còn lộ chút áy náy. Nhưng khi nghe tin bệnh tình của ta đã khởi sắc, hắn mới nhẹ nhõm thở phào. Những sai lầm mà mẫu thân và muội muội của hắn gây ra đã khiến Khâu công hết sức quở trách. Đến nay Khâu thị vẫn còn bị giam trong từ đường, ngày đêm tụng kinh sám hối để chuộc lại lỗi lầm.
Thật vậy, dẫu có bao nhiêu vàng bạc cũng chẳng thể đền bù cho một sinh mệnh. Dưới lưỡi dao oan nghiệt của Thái Minh Châu, suýt nữa ta đã mất mạng. Chuyện ấy, không chỉ là một bài học lớn mà còn là nỗi kinh hoàng khó quên đối với cả hai gia đình.
Hôm nay, Thế tử cùng tổ phụ hắn đích thân đến Thương gia. Phần vì muốn trực tiếp tạ lỗi với gia đình ta, phần khác vì có ý định trao đổi với đại nhị bá phụ về một số quyền lợi.
Khi ấy, Thất công tử khẽ nghiêng người, ghé tai ta nói nhỏ. Chuyện liên quan đến điền trang tư hữu mà tổ mẫu cùng đại bá phụ từng mua lại từ trước. Điền trang này vốn là nơi Miên công sử dụng để nuôi binh, được hưởng quyền tập hợp và điều động gia binh, hương binh trong thái ấp khi quốc gia hữu sự.
Vưu Kì ấp (尤其邑) của Miên công nằm ở vùng ven sông Hà Nam Tây (河南西), khai khẩn được hơn trăm mẫu ruộng màu mỡ. Lực lượng lao động chính tại đây là nông nô và nô tỳ – những người không có tài sản, sống dựa vào chủ nhân. Theo quy định của triều đình, các vương hầu tôn thất được phép chiêu mộ binh lính để huấn luyện võ nghệ. Thời bình, họ tham gia sản xuất, phục dịch cho gia chủ, đồng thời luyện tập quân sự. Đến khi có chiến sự, lực lượng này sẽ theo lệnh chủ nhân mà nhập ngũ, bảo vệ sự an nguy cho đất nước.
Tại điền trang, nông nô và nô tỳ được phép kết hôn, sinh sống. Họ chính là những người góp phần khai hoang, mở mang ruộng đất, tạo nên sức sản xuất đáng kể. Miên công nhờ thế trở thành chủ nhân của một trong những điền trang lớn nhất khu vực, với số lượng gia nô ngày một tăng.
Không chỉ vương hầu tôn thất như công chúa hay hoàng tử mới sở hữu điền trang, mà cả các quan lại lớn trong triều cũng mua đất, chiêu mộ người không có sản nghiệp để khai khẩn. Những điền trang này đôi khi lên đến hàng trăm mẫu, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và cả quốc gia.
Nhượng quyền mà Thái bảo đề cập thực chất là muốn đưa một phần ruộng đất của điền trang vào diện ruộng chùa, hay còn gọi là ruộng Tam bảo.
Dưới triều đại này, Phật giáo được giới vua quan, quý tộc và nhân dân hết sức kính trọng, ủng hộ. Chính vì thế, ruộng chùa thường lên đến hàng nghìn mẫu, kèm theo lực lượng lớn nô tỳ chăm sóc, canh tác. Những ruộng này có thể do nhà vua ban tặng, quan lại cúng dường, hoặc nhà chùa tự mua bằng kinh phí của mình.
Ruộng chùa không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, mà còn thể hiện sự thịnh hành của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất. Trong thời bình, thái ấp và điền trang không chỉ là nơi ở của vương hầu, mà còn là nơi tích trữ lương thực, dự trữ sức người – chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ biến cố nào.
Sự cân nhắc của Thái bảo không chỉ dừng lại ở việc tạ lỗi, mà còn nhắm đến mục tiêu gia tăng quyền lực và củng cố nguồn lực, một lần nữa nhấn mạnh tính chiến lược trong mọi quyết định.
Người đi cạnh Khâu công, qua quan sát kỹ lưỡng, có thể đoán chính là trữ quân đương thời – Lưu Mạo [劉瑁].
Đừng vội nghĩ ta tài giỏi trong việc suy đoán. Thực ra, một kẻ lắm lời ngày hôm qua đã vô tình tiết lộ hai điểm khiến ta phải để tâm.
Điểm thứ nhất, hắn nhắc đến một đoạn trong Dưỡng Sinh Chủ 養生主 (Trang Tử 莊子): "Trạch trĩ thập bộ nhất trác, bách bộ nhất ẩm; bất kì súc hồ phiền trung, thần tuy vương, bất thiện dã." (澤雉十步一啄 ,百步一飲,不蘄畜乎樊中,神雖王 不善也。)
(Con trĩ sống ở đầm lầy, mười bước kiếm ăn một lần, trăm bước uống nước một lần, tuy cực khổ nhưng không mong bị nhốt trong lồng, vì dù thần thái hưng thịnh trong lồng, nó vẫn không cam lòng.)
Điểm thứ hai, hắn đề cập đến sự linh thiêng của đồi mồi – loài thần thú cát tường. Không chỉ có khả năng hóa sát, vượng vận, mà đồi mồi còn chiêu tài lộc, đem lại sự phú quý trường tồn. Đồi mồi, một sinh vật biển nhiệt đới có tuổi thọ hàng ngàn năm, được ví như "hoàng kim đáy biển", trên lưng có 13 khối hình thù khác nhau, phân thành 3 hàng nên còn có tên gọi là "thập tam lân" hay "trường thọ quy" là biểu tượng của trường thọ và trừ tà. Vảy của đồi mồi trong suốt, hoa văn sắc sảo, ánh sáng nhu hòa, được xem là báu vật để chế tác trang sức phong thủy, nâng cao khí vận và sức khỏe cho chủ nhân.
Từ lâu, dân gian lưu truyền câu: "Mang kim mang ngân không bằng mang thập tam kỳ lân."
Hàm ý rằng, những ai mang theo vật phẩm phong thủy chế tác từ đồi mồi sẽ nhận được phúc lành, tránh được tai họa, và tăng cường sinh khí. Còn tránh được sương gió phong hàn, làm thuốc có thể thanh nhiệt giải độc, đặc trị phong thấp.
Tên gọi "Mạo" [瑁] của hoàng tử được hoàng đế đặt để tưởng nhớ ân nhân từng cưu mang mình, gắn liền với hình ảnh đồi mồi – biểu tượng của sự trường tồn và cứu rỗi. Căn nguyên của sự nhượng quyền lần này, theo lời sấm truyền khắc trên yếm rùa, chính là câu: "Triệt khôi tẫn cứ thập lục nhị, tương cận trú dĩ tiện thặng sinh." (徹灰燼據十六貳,將近住以便乘生。)
(Dọn sạch tro tàn, dựa vào mười sáu hai, gần nơi trú để thuận lợi sinh trưởng.)
Thế nhưng, hai bá phụ ta không dễ dàng đồng thuận. Sự quyết định của họ không chỉ vì trọng trách đối với gia tộc, mà còn vì họ e ngại hai chữ "Quốc công" [國公] – một danh hiệu cao quý nhưng đầy hiểm họa.
Thực sự khó nhằng.
Danh hiệu Quốc công nếu không dành cho hoàng tộc, thì thường thuộc về những quan tướng cầm quân lập đại công. Những văn nhân không nắm binh quyền mà được phong đến tước này ngay khi còn sống là chuyện vô cùng hiếm hoi. Danh hiệu ấy tuy mang tính danh dự, lại thường trở thành gánh nặng vì sự nghi kỵ từ triều đình và đồng liêu.
Khâu công với sự hậu thuẫn của Ngô công và Ngô Thập Nhị, đã khiến hai bá phụ của ta phải chịu áp lực lớn. Từ nhiều năm nay, tổ mẫu luôn tránh né giao thiệp với quan lại. Sau khi ngoại tổ tỷ mất đến nay đã 45 năm, bà đã cắt đứt mọi mối liên hệ với hoàng gia, thậm chí từ chối cả danh hiệu Mệnh phụ (命婦) mà triều đình ban tặng qua nghi lễ "Đàm ân cáo sắc" (覃恩诰敕).
Biết rằng việc thay đổi ý định của tổ mẫu là bất khả trong phút chốc, hai bá phụ nhanh chóng chuyển sang đề tài khác. Cuộc trò chuyện dần trở nên hòa nhã, vui vẻ, nhưng thấp thoáng trong lời lẽ là những câu nhắc khéo về Miên công.
Một người phụ nữ phi thường, làm mọi thứ với tâm thế như thể bản thân không làm gì đáng giá, bình thường thích nói thích cười nhưng ra tay lại rất tàn nhẫn và quyết tuyệt.
"Sát phạt là tranh phần hơn thua bởi vì cay cú!" Ấy là lời nói của bà khi muốn hoặc đã làm xong một việc gì đó.
Lời ấy chẳng khác nào một hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở rằng khi con người tự cho mình cái quyền cậy sức, cậy đông, cậy tài, cậy khôn để áp bức kẻ yếu hơn, họ thường viện đủ mọi lý lẽ để biện minh cho hành động của mình. Nhưng dù lời lẽ có khéo léo đến đâu, bản chất phi nghĩa vẫn không thể che đậy.
Danh bất chính thì ngôn bất thuận.
Kẻ đã toan tính hà hiếp, bóc lột, tham lam của cải của người khác, dù khéo léo đến đâu cũng không thể rửa sạch vết nhơ trong danh dự. Làm điều trái lẽ mà mượn lời hay ý đẹp để che giấu, chẳng khác nào dùng gấm vóc phủ lên cành khô, hoặc lấy tượng đất mà bảo đó là thần thánh.
Trong câu chuyện bàn luận, Miên công là một tấm gương phản chiếu sự quyết đoán không khoan nhượng mà một người lãnh đạo thực sự cần phải có. Những toan tính dù được bọc trong lớp vỏ ngoài lễ nghĩa, cũng không tránh khỏi ánh nhìn soi xét của lịch sử.
------
Cảnh Báo Nghiêm Khắc
Hành vi khai thác trái phép các loài động vật quý hiếm thuộc Sách Đỏ và phá hoại môi trường sinh học tự nhiên bị nghiêm cấm tuyệt đối. Mọi hành động săn bắt, buôn bán, vận chuyển, hoặc tiêu thụ các loài động vật này đều vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật của Việt Nam, bao gồm:
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Quy định hình phạt nghiêm khắc đối với các tội danh liên quan đến săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2017: Cấm săn bắn và khai thác động vật rừng trái phép. Luật Đa dạng sinh học 2008: Đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh học.
Ngoài ra, hành vi này còn vi phạm các công ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, như:
Công ước CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài động, thực vật Hoang dã Nguy cấp), nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài này.
Những hành động này không chỉ gây nguy cơ tuyệt chủng cho các loài động vật quý hiếm mà còn làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa an ninh môi trường và làm tổn thương nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh.
Hãy hành động vì một môi trường bền vững:
Tuân thủ các quy định pháp luật. Không tham gia hay tiếp tay cho các hoạt động khai thác, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật quý hiếm cho các thế hệ mai sau.
Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Hãy cùng chung tay bảo vệ sự sống của hành tinh chúng ta!
------
Cổ nhân vốn tin rằng sự vận hành của tinh hà trên trời có mối liên hệ mật thiết với đời sống thế gian, thông qua nguyên lý "Thiên Nhân Tương Dữ" (天人相與). Bởi thế, họ đã lấy hình tượng các chòm sao Tam Công, Cửu Khanh làm nền tảng đặt định chức vị, nhằm ứng hợp với mệnh trời mà cai trị muôn dân, giữ cho đời sống nhân gian thuận theo lẽ biến dịch của vũ trụ.
Vào thời nhà Chu, cung đình trồng hòe và cức làm biểu tượng cho vị trí quan lại. Khi thiết triều hội kiến thiên tử, các quan Tam Công đứng trước ba cây hòe uy nghiêm, còn quần thần thì phân bố bên tả và hữu dưới chín cây cức. Bởi vậy, Tam Công Cửu Khanh (三公九卿) còn được gọi là "Tam Hòe Cửu Cức" (三槐九棘), biểu trưng cho thứ bậc rõ ràng, trên dưới phân minh trong hệ thống quan chế.
(*) Cức (棘): Cây táo gai, một thứ cây gỗ dắn ruột đỏ nhiều gai, hay móc áo người, người đi đường rất sợ, cho nên đường xá hiểm trở gọi là kinh cức 荊棘, như kinh thiên cức địa 荊天棘地 trời đất chông gai, ý nói loạn lạc không chỗ nào yên vậy, sự gì khó làm được cũng gọi là cức thủ 棘手. Ðời Ngũ Ðại, học trò vào thi hay làm rầm, quan tràng bắt trồng gai kín cả xung quang tràng thi, cấm ra vào ồn ào, nên gọi thi hương thi hội là cức vi 棘圍. (Từ điển Thiều Chửu - hvdic.thivien.net/)
Trong thiên văn, Tam Công là tên gọi của một nhóm sao, như Tấn Thư – Thiên Văn Chí có ghi: "Ba sao Tiêu Nam trong chòm sao Bắc Đẩu, sao Khôi đệ nhất, phía Tây có ba sao nữa, đều gọi là Tam Công. Trên trời, các sao này chủ về dụng đức cải hóa thế gian, hòa hợp chính sự, dung hòa Âm Dương." Lại nói: Đông Bắc 3 sao gọi là Tam công, chủ những đại thần ngồi ở Triều đình".
Dưới quyền Tam Công là hệ thống Cửu Khanh (九卿) – gồm chín chức quan nhỏ hơn, đóng vai trò phụ tá đắc lực.
Lục Bộ Thượng Thư, Đô Sát Viện Đô Ngự Sử, Đại Lý Tự Khanh, Thông Chánh Sứ Ty hợp thành "Đại Cửu Khanh".
Thái Thường Tự Khanh, Thái Phó Tự Khanh, Quang Lộc Tự Khanh, Chiêm Sự, Hàn Lâm Học Sĩ, Hồng Lô Tự Khanh, Quốc Tử Giám Tế Tửu, Uyển Mã Tự Khanh, Thượng Bảo Ty Khanh là "Tiểu Cửu Khanh".
Ngoài ra, còn gọi Tông Nhân Phủ Phủ Thừa, Chiêm Sự, Thái Thường Tự Khanh, Thái Phó Tự Khanh, Quang Lộc Tự Khanh, Hồng Lư Tự Khanh, Quốc Tử Giám Tế Tửu, Thuận Thiên Phủ Phủ Doãn, Tả Hữu Xuân Phường Thứ Tử là "Tiểu Cửu Khanh".
Sự phong tước đến hàng Tam Công hay Cửu Khanh không chỉ dựa vào tài năng, mà còn phụ thuộc vào thiên ý và nhân duyên. Như trong sách Đông A Di Sự đã viết: "Không phải tuổi nào cũng được hưởng cách Khoa minh lộc ám". Những ai hội đủ các yếu tố thiên định như "Tử vi cư Ngọ, vô sát tinh, nhị hội Quyền Lộc, Tả Hữu, Xương Khúc" mới mong đạt tới bậc Công Khanh, bởi đó là số mệnh cao quý hiếm thấy.
Khoa minh lộc ám (科明祿暗) là cách cục trong tử vi, biểu trưng cho người được trời phú quý tướng, có thể đạt tới bậc Công Khanh. Hi Di tiên sinh từng phú đoán: "Khoa minh lộc ám, vi chí công khanh" – nghĩa là người mang cách này sẽ vinh hiển chốn triều đình, đạt tới bậc đại thần. (Triệu thị minh thuyết Tử vi kính).
Cách Khoa minh lộc ám được mô tả:
Khoa minh lộc ám,
Tuần triệt võ xâm,
Bất kiến sát tinh,
Nhị hội Quyền Lộc, Tả Hữu, Xương Khúc,
Vị động công khanh chi quý.
(Tử vi tinh nghĩa)
------
Trong vũ trụ huyền bí của Đẩu Số, có hai cách cục thần kỳ, được biết đến với tên gọi Khoa Minh - Lộc Ám và Minh Lộc - Ám Lộc. Đây là những cát tướng trong tử vi, phản ánh một số phận vinh hiển, cao quý, bởi sự kết hợp của Khoa và Lộc, hai yếu tố thể hiện tài đức và sự thịnh vượng. Sự ứng nghiệm của chúng trong mệnh cung quyết định tương lai và vận mệnh của một nhân vật.
Theo kinh văn cổ, cách cục "Khoa minh - Lộc ám" là một trong những tổ hợp tinh diệu hiếm hoi được xem như dấu hiệu của đại quý, biểu thị người mang số mệnh này có khả năng đạt đến ngôi vị cao sang, quyền thế vinh quang. Cách cục này xuất hiện khi:
· Hóa Khoa thủ mệnh trong Tam hợp (Minh hợp).
· Hóa Lộc hoặc Lộc Tồn nằm trong Nhị hợp (Ám hợp).
Người sở hữu tổ hợp này không chỉ hội tụ trí tuệ thông thái (Hóa Khoa) mà còn được che chở bởi phúc lộc trời ban (Hóa Lộc hoặc Lộc Tồn), tạo thành sự cân bằng hoàn mỹ giữa tài năng và vận may.
Ý nghĩa của các cách cục: Cách cục này thường được gọi là "Khoa Minh – Lộc Ám, vị liệt Tam Thai", tức là người có thể đạt được những chức vụ quan trọng, thậm chí lên đến tể phụ của triều đình, đứng đầu các đại thần trong triều. Tuy nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng. Bởi lẽ ngoài yếu tố Thiên Mệnh, còn cần có sự trợ giúp từ những sao cát tướng khác, đặc biệt là Chính Tinh sáng sủa và hội tụ đầy đủ quý tinh, văn tinh, trợ lực.
Tương tự, cách cục "Minh Lộc – Ám Lộc" mang ý nghĩa:
· Hóa Lộc nằm trong Tam hợp (Minh hợp).
· Lộc Tồn trong Nhị hợp (Ám hợp) hoặc ngược lại.
Minh Lộc – Ám Lộc: Minh Lộc – Ám Lộc là trường hợp khi mệnh cung có Hóa Lộc trong Tam Hợp (Minh) và Hóa Lộc trong Nhị Hợp (Ám), hoặc ngược lại. Đây là cách cục có phần tương tự, nhưng phức tạp hơn khi sự kết hợp giữa Lộc và các sao cát tướng đan xen tạo nên sự giao hội của vượng khí, giúp người sở hữu đạt được sự nghiệp vinh quang. Cách cục này còn được gọi là "Cẩm Thượng Thiêm Hoa" (Gấm thêu hoa).
Tam Hợp và Nhị Hợp Trong Địa Chi
Theo hệ thống địa chi:
· Tam Hợp (Minh hợp): Gồm bốn nhóm tương sinh thuận lợi:
o Dần – Ngọ – Tuất
o Hợi – Mão – Mùi
o Thân – Tý – Thìn
o Tỵ – Dậu – Sửu
· Nhị Hợp (Ám hợp): Là sáu cặp đôi mang tính tương hỗ:
o Tý – Sửu
o Dần – Hợi
o Mão – Tuất
o Thìn – Dậu
o Tỵ – Thân
o Ngọ – Mùi
Lý Giải Phú Đoán
Cách cục này được ví như câu:
· "Cẩm thượng thiêm hoa" – trên gấm thêu hoa, biểu tượng của sự hoàn mỹ trong sự nghiệp.
· "Song Lộc phụ Lộc" – khi hai Lộc phò trợ lẫn nhau, mang đến sự phú quý bền lâu.
Tuy nhiên, để đạt đến danh hiệu "Tam Thai", người sở hữu cách cục cần thêm những yếu tố hỗ trợ như:
1. Chính tinh sáng sủa: Các sao chủ mệnh phải đủ mạnh để khai mở toàn bộ tiềm năng.
2. Hội quý tinh: Các sao phụ trợ như Văn Xương, Văn Khúc, hoặc Thiên Tài.
3. Cát hóa hợp chiếu: Cung mệnh cần nhận được từ một đến hai sao hóa cát để gia tăng năng lực tự nhiên.
Khi các sao Lộc tập hợp thành một thế trận hoàn hảo, vị trí được phò trợ ở giữa sẽ là cát lợi nhất, giúp người mang mệnh này ngồi mát ăn bát vàng, có thể tạo dựng được thành tựu vĩ đại. Cách cục này được cho là một trong những cách cực kỳ cát tường, có thể mang đến cho người sở hữu quyền lực to lớn, sự nghiệp hưng thịnh, và danh vang bốn phương.
Lời kết: Tuy rằng các cách cục này mang đến cho người sở hữu những lợi ích và cơ hội vinh hiển, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được. Chúng yêu cầu không chỉ có thiên mệnh, mà còn có sự nỗ lực, phẩm hạnh, và sự giúp đỡ từ các sao cát tướng, quý tinh trong hệ thống Đẩu Số. Mỗi người chỉ có thể mong đợi được phần nào vinh quang, nhưng làm sao để thực sự đạt được vị thế tối cao, thì còn phụ thuộc vào một bức tranh tổng thể, bao gồm sự tương tác của các yếu tố trong vận mệnh của họ.
Gọi là Khoa minh lộc ám khi Hóa Khoa thủ mệnh, nhị hợp có Hóa Lộc hoặc Hóa Lộc thủ mệnh, nhị hợp có Hóa Khoa.
Hóa Khoa trấn mệnh, cung ám hợp của cung mệnh có Lộc Tồn.
Ưu điểm Khoa Lộc song toàn, khuyết điểm kỵ không vong.
(*) Tham khảo, trích dẫn hoặc phóng tác từ bài:
1. Số làm quan xưa và nay. Nguồn: hocvienlyso.org/ - Tác giả: Dương Lương.
2. Minh Lộc – Ám Lộc , Khoa minh - Lộc ám. Nguồn: http://tuvi.cohoc.net/
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro