Chương 43: Càn Khôn Tụ Ai (乾坤聚哀)
[♪] Càn Khôn Tụ Ai (乾坤聚哀): Trời đất tụ nỗi đau.
Lấy cảm hứng từ sự tương giao của càn (trời) và khôn (đất) nhưng kết thúc trong tang thương.
------
"Nguyên nhân chính là vì ta!"
Từ bên ngoài cửa xuất hiện một thiếu nữ yểu điệu bước vào. Áo viên lĩnh sắc hồng phấn nhẹ nhàng phủ lấy thân hình mảnh mai, tóc dài xõa thẳng, tay chắp trước bụng đầy vẻ khiêm cung.
"Tiểu nữ là Sảo Sảo [稍稍] xin kính chào các vị quý nhân!" Nàng cúi mình hành lễ, giọng nói nhỏ nhẹ tựa rót mật vào tai. Nhưng chưa dứt lời, Ngô Thập Nhị lập tức đứng bật dậy, nét mặt đầy vẻ hốt hoảng, vội vàng hỏi: "Sảo Sảo, sao muội lại xuất hiện ở đây?"
Nàng bình thản đáp, thẳng thắn nhìn y: "Thập Nhị lang, chàng không cần giấu diếm nữa!" Rồi nàng tiến thêm một bước, cúi người giới thiệu: "Tiểu nữ chính là..."
"Sảo Sảo!" Ngô Thập Nhị đột ngột cất cao giọng, dường như muốn ngăn cản lời nàng. Nàng chậm rãi ngẩng lên, đối diện ánh mắt đầy căng thẳng của y, bình tĩnh tiếp lời: "Tiểu nữ họ Đặng, là muội muội của Đặng Triệu Trừng [鄧趙澄]."
Thoáng cũng nhìn ra Ngô Thập Nhị đang thở phào, như thể vừa trút được gánh nặng lớn lao. Ta nâng nàng đứng dậy, lòng nào dám nhận tiếng gọi "tỷ tỷ" nàng dành cho mình.
"Cô nương nói bản thân là nguyên nhân, đó là ý gì?"
"Bởi vì tiểu nữ có lỗi với Thương tiểu thư!" Nàng cúi đầu, lời nói như từng giọt nước rơi xuống mặt hồ phẳng lặng.
"Lỗi ư? Ta không nhớ giữa ta và cô đã từng gặp nhau lần nào."
"Không gặp mặt không có nghĩa là không thể phạm lỗi." Nàng mỉm cười ẩn ý.
Ta bèn hỏi: "Vậy nên cô muốn Ngô Thập Nhị lấy ta để chuộc lỗi thay cô sao?"
"Không phải!" Nàng lắc đầu, hai tay chấp trước bụng, dáng điệu như muốn làm sáng tỏ sự tình. "Chuyện chàng ấy có tình cảm với cô là chuyện ngoài ý muốn của tiểu nữ. Vốn dĩ..."
"Vốn dĩ cô không nên tác hợp!" Ta lạnh nhạt ngắt lời, ánh mắt chậm rãi đảo qua từng cử động của bọn họ. "Các người xem ta là gì? Ta hỏi thật."
Lời chất vấn ấy khiến cả nàng và Ngô Thập Nhị đều khựng lại, ánh mắt họ giao nhau, như tìm kiếm một lối thoát trong tình thế khó xử này. Lúc này ta mới ngắm kĩ dung nhan kia, quả thật rất giống, giống nhiều hơn ta nghĩ.
"Ngay từ đầu không nên lôi kéo ta vào chuyện này!" Sau đó, ta dần hạ tầm mắt của mình, phảng phất thấy bóng hình của bản thân trong làn nước chính trà trong đang lay động.
"Ý cô nương là gì, tại hạ thật sự không hiểu?" Ngô Thập Nhị vẫn dùng nét mặt thản nhiên để khỏa lấp đi sự chột dạ của mình.
"Ngài thực sự không hiểu, hay cố tình không hiểu?" Ta cười khẽ một tiếng, y liền thở dài một hơi. Biết rằng không thể che giấu được nữa, lập tức thành thật đáp: "Đúng, là ta cố tình không hiểu. Ta biết giấy không thể gói được lửa, nhưng không ngờ lại bại lộ sớm đến vậy!" Y cười khổ. "Nhưng ta không hiểu, cô nương làm thế nào đoán được nguyên nhân?"
Ta bật cười, tiếng cười nhẹ nhàng nhưng đầy ý vị: "Bởi vì... đôi mắt của ngài không thể che giấu được chân tình!"
Bởi vì: Nhược tưởng động sát nhân tâm, hà bất quan sát kỳ song mâu? (若想洞察人心,何不观察其双眸?)
Có nghĩa là: Nếu muốn hiểu rõ hơn về trái tim của mọi người, tại sao không nhìn vào mắt họ?
Mọi rung cảm trên thế gian này, dù tinh tế đến đâu, cũng khó lòng vượt qua được cửa sổ của tâm hồn. Đôi mắt, luôn là nơi phản chiếu chân thật nhất nội tâm con người.
Thông qua việc quan sát ánh nhìn và con ngươi trong đôi mắt đối phương, người ta có thể thấu hiểu phần nào tâm tư, thiện cảm hay ác ý mà họ dành cho cảnh vật trước mắt. Dẫu chỉ là thoáng chốc, ánh mắt vẫn có thể tiết lộ những xúc cảm sâu kín nhất.
Đồng tử giãn rộng là biểu hiện của sự hứng thú, vui thích, trong khi đồng tử co lại lại ngầm biểu lộ cảm giác chán ghét, khó chịu. Song song với cảm xúc, đồng tử còn chịu tác động từ ánh sáng. Khi ánh sáng lờ mờ, chúng giãn rộng để thu nhận thêm ánh sáng; còn dưới ánh sáng chói chang, chúng co nhỏ lại để bảo vệ mắt.
Trong giao tiếp, ánh nhìn không chỉ là cửa sổ tâm hồn, còn là con đường chuyển tải ý tứ kín đáo. Một ánh mắt chăm chú, dồn nén trong khoảng thời gian lâu hơn thường lệ, chính là biểu lộ sự quan tâm. Khi ánh mắt dõi theo người hoặc vật muốn đề cập, dù chỉ là trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng sự tập trung ấy cũng đủ để truyền đạt thông điệp rằng đối tượng trước mắt đang nắm giữ toàn bộ sự chú ý của bản thân.
Hãy nhìn thẳng vào người đối diện lâu hơn hai, ba giây nếu muốn họ hiểu rằng mình thật sự quan tâm. Nếu bản thân cảm thấy khó khăn trong việc duy trì giao tiếp bằng mắt, nhưng vẫn muốn thể hiện sự lịch thiệp, ôn hòa, hãy tập trung ánh nhìn vào khu vực tam giác giữa mắt và miệng của đối phương. Đây là cách thể hiện sự lắng nghe mà không gây cảm giác áp lực hay đe dọa.
Người xưa dạy rằng: "Mục bất chuyển tinh, thần tại kỳ trung."
(目不转睛,神在其中。)
(Nghĩa là: Hãy mở to mắt ra, thần ở trong đó).
Dẫu rằng đôi mắt có thể giấu đi đôi điều, nhưng ánh sáng chân thành phát ra từ chúng không cách nào lừa dối.
"Cô nương quả thật tinh ý!" Ngay cả Hoài Chiêu cũng đồng tình với ý này của Ngô Thập Nhị.
"Nói thật, ta có thể giúp hai người giữ bí mật, miễn là hai người đừng tùy tiện dùng người khác làm khiên chắn cho mình!" Cố đề nghị, thế nhưng ta cũng chẳng thèm đặt điều kiện trao đổi.
"Quốc Sắc, chẳng lẽ ngài không muốn biết chuyện thâm sử giữa hai người bọn họ sao?" Đột nhiên Hoài Chiêu lại bắt đầu khơi gợi sự tò mò tọc mạch của một con người bình thường.
Ta liền hỏi: "Có cần thiết không?"
Cảm thấy rằng càng biết nhiều càng thêm phần bất lợi. Nhưng Hoài Chiêu thâm ý tiếp tục nói: "Đương nhiên là cần thiết rồi! Ngài có thể giúp đỡ họ!"
"Chậc!" Ta thầm nghĩ. Quả thật họ đang xem ta là một kẻ thích lo chuyện bao đồng.
Không sao, ta cũng đang rất rảnh rỗi. Còn có chuyện gì gay cấn hơn mà lại không cần sự nhúng tay của ta đâu! Vậy nên, trước hết không cần vội đáp ứng, thử chờ xem họ sẽ thể hiện thành ý như thế nào.
"Đến lúc này hai người còn không chịu nói thật nữa sao?" Hoài Chiêu liếc nhìn tất cả, nụ cười nửa miệng đầy vẻ trêu tức, rồi thúc đẩy.
"Hội chủ! Ta..." Sảo Sảo có phần bối rối, một mặt nàng muốn phân trần rõ, nhưng mặt kia lại bắt đầu phân vân. Cuối cùng, nàng khẳng khái nói: "Đúng, Thương tiểu thư. Ta xin phép được nói thật, ta không phải là Sảo Sảo, ta càng không phải là Đặng Triệu Trừng!"
"Vậy nàng là ai?"
Mọi sự chờ đợi sẽ như dự đoán sao?
Nàng cúi đầu, giọng nói mang theo chút run rẩy nhưng dứt khoát: "Tên thật của ta là Lương Minh Kha [梁鳴珂]! Là con trai của Thái Thu Hoài!"
------
Năm ấy, khi chào đời, Lương Minh Kha [梁鳴珂] mang quẻ mệnh Khôn (坤) thuộc hành Thổ, tương khắc nghiệt ngã với hành Thủy của muội muội y. Vì một ngày kia, người cha thông tường thuật số là Lương giám phó đã gieo được quẻ rằng: "Năm Minh Kha hai mươi tuổi, tất phải chịu họa đuối nước, thọ không qua tuổi ấy!"
Theo Lục Thập Hoa Giáp (六十花甲), hành Thủy được phân thành sáu nạp âm:
1. Giản Hạ Thủy (簡下水 – nước dưới khe),
2. Tỉnh Tuyền Thủy (井泉水 – nước trong giếng),
3. Trường Lưu Thủy (長流水 – nước chảy dài),
4. Thiên Hà Thủy (天河水 – nước mưa),
5. Đại Khê Thủy (大溪水 – nước khe lớn),
6. Đại Hải Thủy (大海水 – nước biển lớn).
Trong đó, Đại Hải Thủy và Thiên Hà Thủy không sợ Thổ, dù Thổ có khắc Thủy, bởi đất chẳng thể nào khống chế được biển cả hay nước mưa từ trời cao. Trái lại, ba mệnh Giản Hạ Thủy, Tỉnh Tuyền Thủy, và Trường Lưu Thủy lại chịu khắc chế từ Thổ, giống như nước bị đất hút cạn để sinh dưỡng. Căn cứ vào học thuật Phương Đông, số 0 ứng với hành Thủy, số 2 ứng với hành Thổ, và tổ hợp số 20 đại diện cho sự tương khắc. Quẻ dịch Trạch Địa Tụy (萃) còn chỉ sự gom tụ, hợp thành, nhưng sự bất hòa giữa Thủy và Thổ lại báo hiệu những trở ngại lớn lao trong mệnh vận Minh Kha.
Vì vậy, từ khi nghe tin dữ thì Thái Thu Hoài vẫn luôn đau đáu bất kể ngày đêm. Vốn dĩ nhất mực tự hào vì bản thân sinh ra Minh Kha, là một đứa trẻ mang trong mình hy vọng lớn nhất của bà trong việc đối đầu với Nhượng Ninh – hậu duệ nhà họ Khâu.
Nhưng ác mệnh lại khiến bà không cam lòng. Trong tình thế tuyệt vọng, Thái Thu Hoài đã nghĩ ra một kế sách lạnh lùng và tàn nhẫn. Sớm hay muộn vẫn sẽ chết đuối, vì vậy bà ta đành phải "tráo mệnh cách" giữa hai đứa trẻ kia. Giữa một đứa trẻ ba tuổi và một đứa trẻ sáu tuổi, chỉ có thể giữ một.
Vào lúc mang thai đứa con gái thứ hai, bà cố ý sinh non, nhằm đảo chuyển mệnh cách. Nhưng đáng tiếc, trời không toại lòng người. Đứa trẻ được sinh ra khi tháng ngày còn non yếu lại thuộc hành Thủy, chính là Âm Thủy – loại Thủy "thuần âm" tượng trưng cho nước mưa, ôm ấp mầm mống tiềm tàng.
Thế vì vậy, chẳng phải "lưỡng thủy, thủy kiệt" không chỉ là nước cạn, sạch hết nước, rơi vào con đường bế tắc như khi đánh cờ đến "hết nước" mà còn khiến đất đai bị ngập úng, làm cản trở sự sinh trưởng của cỏ cây.
Sảo Sảo [稍稍], một cái tên vô cùng qua loa đúng với ý nghĩa của nó. Nước mắt ươn ướt cũng chẳng thể đổi lấy được sự thương hại nào của Thái Thu Hoài.
Theo cách nói trước đó, đứa con gái đã qua đời lúc ba tuổi, do sự bất cẩn của con trai bà khi ấy. Nhưng đứa con gái ấy, có thực sự là một đứa con gái hay không?
Trước tiên bà ta giả vờ trượt chân ngã đập đầu vào đèn đá để ngất xỉu. Đứa con gái bé nhỏ chưa hiểu chuyện, thấy mẹ bất động liền hoảng sợ chạy ra hồ gọi ca ca. Đến khi Minh Kha thực sự xuất hiện thì "Ùm" một tiếng, dòng nước nhấn chìm, cuốn tất cả trôi về hồi ức đau thương.
May mắn thay, một tỳ nữ trung thành của Thái gia đã kịp lao đến cứu người. Hai đứa trẻ đồng thời rớt xuống nước, nhưng chỉ cứu được một. Chính là Lương Minh Kha của hiện tại.
Nhưng sự thiện lương đó đã phá hủy tất cả công sức của bà ta gầy dựng, kể cả trận pháp chủng sinh cơ vất vả mới cầu được. Vì vậy kể từ đó, Sảo Sảo cũng không còn là Sảo Sảo. Lương Minh Kha đã biến thành người khác.
------
Hán ngữ:
泣涕哀求命不全,
母心如水掩悲泉。
骨肉難分情未了,
天地無光痛隔天。
何日家和君與卿,
故人再聚伴流年。
Hán Việt:
Chấp thế ai cầu mệnh bất toàn,
Mẫu tâm như thủy yểm bi tuyền.
Cốt nhục nan phân tình vị liễu,
Thiên địa vô quang thống cách thiên.
Hà nhật gia hòa quân dữ khanh,
Cố nhân tái tụ bạn lưu niên.
Dịch nghĩa:
Giọt lệ xót xa, cầu xin nhưng mệnh đã không tròn,
Tấm lòng người mẹ như dòng nước, nén lại giếng sâu của nỗi buồn.
Xương thịt chia lìa, tình cảm chưa vẹn,
Trời đất u ám, đau đớn như cách biệt bởi trời cao.
Ngày nào gia đình hòa hợp, quân thần cùng chung chí hướng,
Người cũ gặp lại, sum họp bên dòng thời gian trôi mãi.
Dịch thơ:
Nức nở cầu xin mệnh chẳng tròn,
Lòng mẹ lặng lẽ giấu đau mòn.
Cốt nhục chưa phai tình nghĩa cũ,
Trời mờ đất tối cách xa non.
Ngày nào gia ấm, chàng bên thiếp,
Cố bạn lại về, cạnh sớm hôm.
(*) Cảm hứng sáng tác từ quẻ Trạch Địa Tụy (澤 地 萃).
------
Ngoài ra, còn một chuyện làm người ta không khỏi kinh ngạc.
Nếu nói rằng bàn tay của Thái Thu Hoài có thể vươn xa đến mức phân ly uyên ương chỉ trong chớp mắt, thật khó thuyết phục, trừ phi phía sau nàng có một thế lực mạnh mẽ hơn hỗ trợ. Hiển [顯] ông chúa (翁主), người được gọi là tiểu di của Ngô Thập Nhị, hóa ra lại có liên quan mật thiết đến mối duyên oan nghiệt giữa Khâu thị và thiếu niên lang Hàn lâm viện hiệu lý (翰林院校理) Lỗ Phấn Vũ [魯奮武].
Mà thế lực này, cao tay nhất chính là Tấn Bình Tương Vương [進平襄王], cháu trai bên họ ngoại của Hác đế [郝] và Vân Dương [雲陽] Nhị phẩm Thục nhân (二品淑人).
Người này từng được xem như nhân vật trọng yếu, đảm nhận trọng trách Trữ quân (儲君), được đặt ở Đông cung Ngự sở (東宮御所) với ý định kế vị nếu đương kim hoàng đế băng hà. Hiển [顯] ông chúa (翁主) chính là trưởng nữ của Tấn Bình Tương Vương, một nhân vật không chỉ có danh thế mà còn có mạng lưới ảnh hưởng sâu rộng.
Sau này, Tấn Bình Tương Vương đã cùng Tuy Phong Bá hợp sức tạo thành thế lực khuynh đảo triều đình đáng kể. Đều dựa vào sự kết giao trước đó với Kì Quốc tể (國婿), người từng được phong hàm Phò mã Đô úy (駙馬都尉), sau lại tiến phong Thái sư (太師), thậm chí được ban tước Vương.
Mưu lược của bọn họ khiến người đời không khỏi cảm thán: "Khen phò mã tốt áo", hàm ý những lời tán tụng hoa mỹ nhưng thực chất vô giá trị, nịnh nọt không đúng chỗ.
Thoạt tiên, người được định làm phu thê với Thái Uy không ai khác ngoài Hiển ông chúa. Nhưng chỉ trong phút chốc, hôn sự bị đảo ngược, dẫn đến việc vu oan giá họa cho Lỗ Phấn Vũ.
Lý do chính nằm ở vị trí của Lỗ Phấn Vũ. Ông ấy là Hiệu lý giữ việc kinh tịch, văn thư, đứng hàng Chánh Thất phẩm tại Tập Hiền viện (集賢院), cao hơn Hàn lâm viện Hiệu thảo (翰林院校討) một bậc. Chức trách ông đảm nhận bao gồm biên soạn quốc sử. Trong quá trình đó, ông phát hiện ra những dấu hiệu sai lệch trong ghi chép nội tình triều đình và quyết tâm dâng tấu lên hoàng thượng. Nhưng vì tai vách mạch rừng, ông chưa kịp hành động thì đã bị "xử lý" trong thầm lặng.
(*) Tập hiền viện (集賢院) là học viện cao cấp chuyên nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, sử cho nhà vua, các Hoàng tử, Hoàng thân và quan lại cấp cao trong triều đình.
Ngô Thập Nhị khi đó vẫn còn nhỏ, nhưng rất ấn tượng với Lỗ Phấn Vũ. Bởi vì ông ấy có một nốt ruồi lệ ở đuôi mắt trái, hơn nữa còn là lệ huyết. Lần đó, trước khi Lỗ Phấn Vũ treo cổ tự tử, cách ba ngày còn đến nhà của Ngô Thập Nhị để thảo luận cùng với tổ phụ và phụ thân của y.
Khi trưởng thành, Hàn lâm viện thị giảng Ngô Hoằng giữ việc giảng đọc kinh sử, giảng giải kinh nghĩa, cố vấn ứng đối cho hoàng đế. Vì lâu ngày đọc văn tự cũng sớm phát hiện ra có những đều khác biệt trong các điển cố và điển tích. Còn nhận thấy nhiệm sức của Kì tướng quân bị giản lược đến bất ngờ.
Nếu không phải tra cứu rõ, Ngô Thập Nhị chẳng biết được chuyện Kì tướng quân vốn từng đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ, nhị danh khoa Quý Sửu (1493). Nhưng sau khi đánh trận lại bị giáng từ quan võ xuống quan văn, rồi bãi nhiệm hoàn toàn, trở thành dân thường. Tổ phụ của Khương Bá Kiên cũng chung số phận cùng với toàn bộ binh lực dưới trướng Kì tướng quân.
Thế rồi có bước chuyển ngoặc.
Sự việc dần trở nên phức tạp khi ông bắt đầu kết bè, theo phe đảng của Tấn Bình Tương Vương. Hầu hết đều dùng quyền lực để thao túng triều chính, ban hành các cải cách chuyên chế, phớt lờ những tiếng oan khiếu nại. Ngay cả chiếc trống Đăng Văn, biểu tượng của công lý cũng bị biến thành công cụ kiểm soát.
Ngô Công (Thái phó 太傅) - nội tổ phụ của Ngô Thập Nhị tuy ở hàng trung lập, nhưng nhiều lần vẫn bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp, để đối đầu với Khâu Thái bảo cùng Miên công.
Ba đời ân oán đều không thể tách rời khỏi lời sấm truyền và bí mật "Long mạch". Ba món bảo vật được xem là chìa khóa giải mã, bao gồm: Minh Diêm Khôi Côi [冥閻魁瑰], Tường Ngọc Phương [爿鈺匚], và một món bí ẩn khác chưa được tiết lộ. Trong đó, khóa đàn bằng gỗ chi hông được cho là điều kiện tiên quyết.
Xét thấy, vẫn còn một nguyên nhân khiến cho sự tình phức tạp, mà ngày nay chưa ai dám can đảm đứng ra để vạch trần.
------
PHÉP TẮC XÉT OAN TẠI TAM PHÁP TY
Tam Pháp Ty, cơ quan trọng yếu của triều đình, được thiết lập để phân xử công minh những lời kêu oan, bảo đảm cho sự chính trực và nghiêm minh của quốc pháp. Hằng tháng, vào các ngày mùng 6, 16, và 26 âm lịch, hội đồng Tam Pháp Ty tổ chức phiên xét xử định kỳ. Tại đây, mọi đơn từ của thần dân đều được xem xét thấu đáo, dựa theo lễ nghi và pháp điển, không thiên lệch, không dung túng, để làm sáng tỏ lẽ phải.
Nếu vì lý do nào đó không thể chờ đến ngày cố định, người mang đơn kêu oan được phép đến trước cửa Tam Pháp Ty, khẩn thiết đánh trống Đăng Văn – biểu tượng cao quý của công lý và lòng quả cảm. Tiếng trống ấy vang lên không chỉ để cầu minh xét mà còn để biểu lộ quyết tâm theo đuổi công đạo đến cùng.
Thể Lệ Đánh Trống Kêu Oan
Theo quy định, khi kêu oan, đương sự phải tuân thủ nghiêm ngặt thể lệ sau:
1. Trước tiên, đánh ba tiếng trống mạnh mẽ, dứt khoát, biểu thị sự quyết tâm.
2. Sau đó, tiếp tục gõ một hồi trống mau và dồn dập, đủ để kinh động các viên chức quyền bính trong nha môn.
Ngay khi tiếng trống vang lên, một viên chức trực ban sẽ lập tức xuất hiện tiếp nhận đơn kêu oan, đồng thời tạm giữ người kêu oan để tra xét cẩn thận. Nếu lời tố cáo là hư dối, không có căn cứ, người ấy sẽ bị nghiêm trị theo phép nước, để răn đe kẻ khác không dám đùa bỡn với công lý linh thiêng.
Trình Tự Giải Quyết Đơn Từ
Sau khi tiếp nhận, đơn kêu oan được viên chức trực thần trình lên thượng cấp, để rồi chuyển đến thiên nhan. Nhà vua sẽ đích thân xem xét từng chữ, phê chuẩn, sau đó giao lại Tam Pháp Ty nghị xử theo lễ chế. Hội đồng Tam Pháp Ty sẽ họp bàn, cẩn trọng xét lý lẽ, và dâng tập tấu lên vua để ngài đưa ra quyết định cuối cùng, bảo đảm mọi việc được xử lý chu toàn, không một mảy may sai sót.
Uy Nghiêm Của Trống Đăng Văn
Trống Đăng Văn vốn linh thiêng, đại diện cho công lý và đạo trị quốc. Chính vì vậy, trong nội thành, dân chúng tuyệt đối không được phép đánh trống vô cớ, tránh gây nhầm lẫn với tiếng trống kêu oan, làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của triều đình.
Không chỉ trong kinh thành, thần dân ở các tỉnh xa xôi cũng có quyền gửi đơn kêu oan. Các đơn từ này, sau khi tiếp nhận, sẽ được trình lên vua để xử lý. Nếu vụ việc liên quan đến một nha môn cụ thể, sau khi vua phê chuẩn, sẽ giao nha môn ấy thực hiện. Đối với những tờ trạng phong kín mang nội dung cơ mật, luật quy định phải lập tức dâng trình mà không được tự tiện phát tán, bảo đảm sự bảo mật và an toàn của quốc pháp.
Ngoài Các Ngày Định Kỳ
Ngoài ba ngày cố định, mỗi nha môn đều cắt cử thuộc viên trực nhật luân phiên, sẵn sàng tiếp nhận đơn từ bất kỳ lúc nào. Nếu sự việc khẩn cấp hoặc liên quan đến nội tình cơ mật, đương sự có quyền đánh trống Đăng Văn để cầu cứu. Viên chức trực ban sẽ nhận đơn, giao người kêu oan cho lính thủ hộ trông coi, đồng thời trình ngay lên Công Chính Đường để giải quyết kịp thời.
Tôn Nghiêm Quốc Pháp
Mọi đơn từ, sau khi được tóm tắt và ghi chép cẩn thận, sẽ được dâng tấu lên triều đình. Chỉ dụ của vua ban xuống là mệnh lệnh tối cao, buộc các nha môn liên quan phải nghiêm túc thi hành, tuyệt đối không được lơi lỏng hay làm trái phép nước.
Phép tắc Tam Pháp Ty không chỉ minh chứng cho sự nghiêm minh của triều đình mà còn thể hiện tinh thần lấy dân làm gốc. Đạo trị quốc xưa nay vốn dựa trên sự công minh, bảo vệ kẻ yếu, trừng trị kẻ gian, để thiên hạ thái bình, nhân dân vạn đại ân triêm.
Tham khảo và trích dẫn (hoặc phóng tác) từ bài:
1. Đại lý tự và Tam Pháp ty: Các cơ quan thẩm định hình án. Nguồn: cand.com.vn/ - Tác giả: Lê Tiên Long.
2. Trống Đăng Văn - Một biểu tượng dân chủ của triều Nguyễn. Nguồn: baotanglichsu.vn/ - Tác giả: Lê Khiêm (biên tập).
------
Rốt cuộc, một nửa của sự thật vẫn chưa thể hoàn toàn là sự thật. Nhưng mặt cắt của giả dối cũng phần nào phản ánh được chân lý.
Ta ngồi trầm ngâm nghe bọn họ thuật lại một phần của câu chuyện ngày xưa, là những gì bản thân đã chứng kiến, từng trải nghiệm. Nhưng liệu ký ức của một đứa trẻ có thể chính xác tuyệt đối? Hơn nữa, hà cớ gì Lương Minh Kha chịu xuất hiện trước mặt ta với hình hài nữ nhân? Mà không sử dụng thân phận mạo danh là Gia Huyền hay Đặng Triệu Trừng?
Khi nãy nàng được Hiển ông chúa triệu kiến, nhưng lại vội vội vàng vàng quay lại với tư trang nữ nhân. Điều này khiến ta không khỏi suy tư: Có phải bọn họ đang cố ý dò xét ta? Nhưng ta có gì để họ lợi dụng? Chỉ một thân thể tàn tạ, một trí óc rỗng tuếch. Truyền kỳ đời trước ta nào hay biết, chỉ là kẻ góp nhặt từng mảnh vụn từ những câu chuyện lưu truyền đứt đoạn.
Chuyện Lương Minh Kha giả trang nam nhân, thật chẳng phải điều khó đoán. Sự quan tâm của Ngô Thập Nhị dành cho nàng đã vượt quá tình nghĩa bạn bè thuần khiết, mà có lẽ y cũng chẳng nhận ra trong đó phảng phất tình ý sâu sắc.
Ta từng nghi hoặc, Lương thị chính là "con trai" của Thái Thu Hoài, bởi nàng là hình bóng thu nhỏ của bà, từ diện mạo đến thần thái, những điều chẳng thể giấu đi dù có dùng bao nhiêu son phấn che đậy. Thêm nữa, thói quen thuận tay trái hiếm thấy lại nối liền nàng, Thái viên ngoại, và Thái Thu Hoài như một dấu hiệu bất khả phủ nhận. Chỉ là không ngờ nàng thừa nhận quá dễ dàng, để ta bóc trần chỉ bằng một câu nói vô thưởng vô phạt.
"Nàng đã gặp qua Kiều Bích Phù rồi sao?" Bỗng nhớ đến một chuyện, ta bèn hỏi thăm.
Nàng lập tức gật đầu: "Đã gặp qua, thậm chí tỷ ấy còn kể chuyện của cô nương cho tiểu nữ nghe! Là cô nương đã chủ động nhờ hội chủ giúp đỡ tỷ ấy!" Lương thị kể rằng Kiều thị hiện được Hoài Chiêu cưu mang, đang lưu lại chờ ngày khai hoa nở nhụy. Nhưng vì sức khỏe yếu ớt, chỉ e sau này giữ được mẹ mà chẳng giữ nổi con. Độc dược mà nàng bị ép dùng chính là Bán Hạ (半夏). Nhưng còn sống, nghĩa là vẫn còn hy vọng.
"Thế nhưng, hôm nay các vị mời ta đến đây, chắc hẳn không phải chỉ để kể chuyện cũ? Hơn nữa, ta không thấy bản thân mình có năng lực gì để giúp đỡ các vị. Hà tất phải dàn dựng một màn kịch công phu đến vậy chỉ để ta xem!" Ta thẳng thừng đề cập vào trọng tâm. "Nhưng nói trước, ta không thể đưa Minh Diêm Khôi Côi [冥閻魁瑰] cho hai người, vì chính ta cũng không biết nó là thứ gì!"
Ngô Thập Nhị vội đưa tay ngăn lời ta: "Không phải như thế! Ta cùng Sảo Sảo chỉ muốn bày tỏ sự thật cho cô nương biết. Còn bảo vật, ta từng dò la tung tích, biết nó thuộc về gia đình cô, nên đã có ý muốn mua lại. Nhưng tiếc rằng Tô thúc nói vật ấy đã thuộc về người khác..." Y ngập ngừng, rồi chỉ về phía người đang ngồi cạnh ta: "Là Mặc Đam công tử!"
"Gọi ta để làm gì?" Thất công tử cau mày, khó chịu nhìn ba người đối diện. "Ta chẳng biết gì đâu. Đừng gọi tên ta vô cớ!" Nói rồi ngài kéo tay ta, thúc giục: "Đã muộn rồi, về thôi nương tử, kẻo đại bá phụ lại mách cha rằng ta ham chơi, lôi kéo làm chậm trễ nàng!"
Ta lắc đầu, vỗ vào bàn tay ngài ấy: "Đợi một chút, xong chuyện này, ta sẽ về cùng ngài."
"Nhọc lòng Ngô lang quân đã hạ mình bày tỏ sự thật, khiến ta không khỏi cảm khái. Song, ta nào dám nghĩ vị trí của mình trong lòng ngài lại cao quý đến nhường ấy. Vì vậy..." Ta chậm rãi đứng dậy, ý định cáo từ rõ ràng, nhưng vừa khẽ nhấc mình, Lương Minh Kha đã vội vã níu lại, kéo ta ngồi xuống. Nàng luống cuống giải thích, giọng nói đầy khẩn thiết: "Hiển Ông Chúa đã yêu cầu Thập Nhị làm vậy, chẳng qua là muốn giúp tiểu nữ trở về với thân phận thật của mình!"
Nàng ngừng một nhịp, ánh mắt đượm vẻ ngưng trọng, đoạn tiếp lời: "Chỉ cần Thập Nhị lang chứng minh được lòng trung thành với bà... Không, là chứng minh lòng trung thành của mình đối với Tấn Bình Tương Vương, bà sẽ hé lộ mọi bí mật mà bà đang nắm giữ, bao gồm cả hồ sơ vụ án Khấp Huyết Uất năm xưa!"
Nguyên nhân lắt léo sâu xa hơn về việc Ngô Thập Nhị kiên quyết thành thân với ta chính là vì phải bước chân vào Thương gia, từ đó có thể thâm nhập vào nơi trấn yểm "long mạch". Ngoài việc giải mã được lời sấm truyền, còn có thể tìm ra bí phương liên quan đến việc "hồi dương cứu nghịch" đã bị thất truyền từ lâu.
Miên công chính là ngoại tổ tỷ của ta, với uy tín và vị thế cao trong triều, hẳn nhiên là một chiếc cầu nối quý giá. Một viên quan, nếu trở thành cháu rể của bà, chẳng những được trọng dụng mà còn mở ra vô vàn mối quan hệ chằng chịt trong giới quan lại. Vì sao ta lại nói như thế? Vì đã từng có một Quảng Trạch Nam [廣翟男] cũng lầm tưởng vì điều này, nhưng sau cùng chẳng mấy khả quan.
Giọng nói của Lương Minh Kha kéo ta trở về thực tại. Nàng cúi đầu nói, âm điệu như rút hết ruột gan: "Việc tiểu nữ có thể được Hiển Ông Chúa tiến cử làm giáo thụ tại phường nhạc là nhờ sự tận tình giúp đỡ của Thập Nhị lang. Song, bà cũng đặt ra một điều kiện, buộc tiểu nữ phải giải nghệ và xuất hiện trước mặt tiểu thư với thân phận nữ nhi!"
Chắc là muốn... "Tương kế tựu kế? Các vị muốn ta giả vờ mắc bẫy?" Ta bèn hỏi.
Họ liền lập tức gật đầu, sự thống nhất toát ra từ ánh mắt đầy ẩn ý.
Nhưng việc phải giả vờ như thế nào? Là tự biến mình thành một công cụ để mặc người khác giày vò. Thế thì chẳng phải quá đơn giản với ta sao?
Theo ta thấy, cần phải dùng độc trị độc. Khi độc tố lây lan, cần phải có một liều mạnh hơn để hóa giải. Gọi là tương sát, cũng chẳng sai.
------
PHÉP TẮC PHỐI NGŨ VÀ TƯƠNG TÁC TRONG ĐÔNG Y
Trong Đông y, các bài thuốc không thường sử dụng đơn lẻ mà thường là sự kết hợp của nhiều vị thuốc theo phép tắc phối ngũ. Phép phối ngũ này là nguyên tắc căn bản, thể hiện sự tinh túy trong tri thức y học cổ truyền. Khi các vị thuốc được phối hợp đúng cách, hiệu quả điều trị không chỉ gia tăng mà còn tránh được những tác dụng phụ không mong muốn. Ngược lại, nếu phối hợp sai lầm, thuốc có thể sinh ra hiện tượng tương phản, gây độc tính hoặc phản tác dụng.
Một số thảo dược trong Đông y biểu hiện rõ nguyên lý "vật cực tắc phản", tức là tác dụng của chúng ở liều thấp và liều cao có thể trái ngược nhau. Tác dụng điều tiết hai chiều này phụ thuộc vào trạng thái sinh lý và bệnh lý của cơ thể. Do đó, cùng một vị thuốc, ở người bệnh nặng hoặc trạng thái khác biệt, hiệu quả có thể hoàn toàn thay đổi.
Quan trọng hơn, Đông y nhấn mạnh rằng "không bệnh, không nên dùng thuốc lâu dài". Mỗi vị thuốc, dù là thảo dược, đều có khả năng mang độc tính nếu sử dụng không đúng cách.
Những bài thuốc dân gian truyền miệng, nếu không được kiểm chứng, có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng thuốc cẩn thận, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.
Trong cuốn Dược học Cổ truyền (NXB Y học) của PGS.TS Phạm Xuân Sinh và TS Phùng Hòa Bình các chuyên gia đã phân tích bảy trường hợp tương tác thuốc Đông y, cung cấp kiến thức sâu sắc trong việc phối hợp thuốc hiệu quả:
1. Đơn hành (Sử dụng một vị thuốc đơn lẻ)
Một số vị thuốc khi sử dụng đơn độc đã có tác dụng điều trị rõ rệt. Chẳng hạn, nhân sâm dùng riêng (độc sâm thang) giúp bổ khí, đặc biệt hữu ích cho người cơ thể suy kiệt, mệt mỏi. Tam thất có thể chỉ huyết và bồi bổ sau sinh.
2. Tương tu (Hiệp đồng giữa hai vị thuốc)
Hai vị thuốc có tính năng tương tự khi kết hợp sẽ tăng hiệu quả điều trị. Ví dụ, kim ngân hoa phối hợp liên kiều gia tăng tác dụng thanh nhiệt, giải độc; sinh địa cùng huyền sâm giúp lương huyết, chỉ huyết.
3. Tương úy (Ức chế độc tính của nhau)
Khi hai vị thuốc phối hợp, một vị có thể làm giảm độc tính của vị kia. Ví dụ, bán hạ khi kết hợp sinh khương sẽ mất đi tính kích thích họng và giảm tác dụng phụ như buồn nôn.
4. Tương ác (Kiềm chế tác dụng của nhau)
Trong trường hợp này, hai vị thuốc khi phối hợp sẽ làm suy giảm hoặc loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, hoàng cầm (tính hàn) kết hợp sinh khương (tính ấm) sẽ làm mất hiệu quả của cả hai.
5. Tương sử (Hiệp đồng khác tính, khác vị)
Hai vị thuốc tính chất khác nhau khi phối hợp lại có tác dụng hỗ trợ điều trị mạnh hơn. Chẳng hạn, liên kiều (đắng, hàn) và ngô thù du (cay, ấm) phối hợp để tăng hiệu quả chữa chứng ợ chua.
6. Tương sát (Tiêu trừ độc tính)
Một vị thuốc có thể giải độc cho vị thuốc khác khi phối hợp. Ví dụ, đậu xanh dùng để giải độc ba đậu, hay phòng phong giúp giải độc thạch tín.
7. Tương phản (Gây phản ứng độc hại)
Hai vị thuốc khi phối hợp có thể gây ra phản ứng độc hại. Ví dụ, tế tân và lệ lô dùng chung có thể gây mù mắt. Tuy nhiên, một số bài thuốc lợi dụng tính tương phản này để điều trị đặc biệt, như bài cam toại tán (kết hợp cam toại và cam thảo).
Lời kết:
Đông y là di sản y học dân tộc, không chỉ là nghệ thuật chữa bệnh mà còn là biểu hiện của sự nghiêm cẩn. Việc sử dụng thuốc cần dựa trên tri thức, không thể qua loa, cẩu thả. Những bài học về phối ngũ không chỉ là kinh nghiệm y khoa mà còn là minh chứng cho triết lý "thiên nhân hợp nhất" – con người phải thuận theo đạo trời, thấu hiểu quy luật tự nhiên để gìn giữ sức khỏe.
Sự cẩn trọng và nghiêm túc trong sử dụng thuốc Đông y không chỉ bảo vệ thân thể mà còn thể hiện sự kính trọng với y đạo truyền thống, một kho báu tri thức ngàn đời.
Tham khảo và trích dẫn (hoặc phóng tác) từ bài viết:
1. Tác dụng điều tiết hai chiều của thảo dược; Nguồn: hanamtv.vn/; Tác giả: Lương y Thái Hư.
2. 7 trường hợp tương tác của thuốc cổ truyền. - Tác giả: Nguyễn Liên; Nguồn: vtv.vn/
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro