Chương 42: Nê Quang Hạ Đích Hiến Khúc, Dữ Nhật Nguyệt Chi Phiêu Miểu
[♪] Nê Quang Hạ Đích Hiến Khúc, Dữ Nhật Nguyệt Chi Phiêu Miểu (霓光下的献曲, 与日月之飘渺): Bài ca dâng tặng dưới ánh sáng cầu vồng, cùng với sự huyền ảo của nhật nguyệt.
------
Ba phần như bảy, bảy phần tựa ba. Rốt cuộc có thập toàn thập mỹ nào đâu phán đoán được!
------
Có lẽ vì thói quen sống giản dị mà gia thất của Đại bá phụ giữa chốn kinh thành vẫn giữ được phong vị thanh tịnh như ở trấn Bạch Mai. Thật khó ngờ, giữa nơi đô hội phồn hoa lại tồn tại một khoảng không gian thoát ly khỏi sự ồn ào, phồn tạp đến như vậy.
Bá phụ đã chu đáo sai người đón ta từ ngoài thành, dùng cỗ xe ngựa nhỏ, vừa tiện di chuyển qua các trạm kiểm soát, vừa tránh gây chú ý. Không bao lâu, ta đã đặt chân tới trung tâm kinh đô, nơi được mệnh danh là đất phồn thịnh bậc nhất thiên hạ.
Kinh thành quả nhiên không hổ danh là chốn đô hội đệ nhất. Mọi thứ ở đây đều quý giá, từ một món hàng nhỏ đến từng ngụm nước cũng có giá trị cao gấp nhiều lần so với chốn quê. Dân cư trong thành phần lớn là con cháu các thế gia vọng tộc, đi đứng, nói năng đều mang dáng vẻ kiêu hãnh, phong thái uy nghiêm khác xa với tầng lớp thường dân mộc mạc. Xen lẫn trong dòng người ấy là đông đảo cư dân ngoại bang, tuy họ nói tiếng quốc ngữ lưu loát, nhưng chỉ cần thoáng nhìn qua cử chỉ, dung mạo, làn da cũng đủ nhận ra sự khác biệt rõ rệt.
Đất kinh kỳ không chỉ phồn thịnh nhờ đường bộ mà còn sở hữu bến cảng lớn thông ra biển cả. Dọc theo dòng sông uốn lượn quanh thành, hàng hóa bốn phương tám hướng đổ dồn về đây, biến nơi này thành trung tâm giao thương sầm uất bậc nhất.
Cha từng kể, so với quy mô của Sung Dụ Đường, các thương hội tại kinh thành không những lớn mạnh hơn mà còn có tổ chức chặt chẽ. Hội trưởng các thương hội đều được chính Hoàng thượng thân phong, khiến danh tiếng càng thêm lẫy lừng, thể hiện uy nghiêm của thiên triều.
Nhân tài hội tụ, giao lưu rộng mở. Hoạt động kinh tế của kinh thành ngày càng phát triển, các phường phố được mở mang nhiều. Các phường phố mọc lên san sát, mỗi nơi đều mang dấu ấn lịch sử lâu đời.
Kinh thành là nơi tụ hội nhân tài, giao lưu văn hóa, khiến kinh tế ngày càng phát triển. Các phường, phố trong thành được mở mang rộng rãi, san sát nhau, mỗi nơi đều mang dấu ấn lịch sử lâu đời. Có câu truyền khẩu lưu hành khắp nơi: "Buôn có bạn, bán có phường", quả thực rất phù hợp để miêu tả kinh thành. Nơi đây, các phường hội không chỉ là đơn vị hành chính mà còn mang đậm tính chất nghề nghiệp. Hai bên tả hữu hoàng thành là khu vực kinh tế trọng yếu, gồm 61 phường, mỗi tên phường đều thể hiện nét đặc trưng: có nơi vinh danh người lập công, có nơi nổi tiếng bởi nghề truyền thống.
Thời kỳ này, phường thủ công nghiệp phát triển rực rỡ, quy tụ tinh hoa khắp cả nước. Nghề làm gốm, đồ đồng, chạm bạc đều đạt đến trình độ tinh xảo. Một điểm đặc biệt là chính những phường nghề ấy vừa sản xuất vừa buôn bán trực tiếp cho người tiêu thụ, tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa sản xuất và kinh tế hàng hóa. Dù còn nặng tính tự cung tự cấp, nhưng kinh đô đã khẳng định được nền kinh tế đa dạng, phong phú, đại diện cho mọi miền đất nước.
Kinh thành cũng nổi danh bởi hệ thống pháp chế tinh vi. Ba cơ quan lớn là Hình bộ (刑部) (Tư pháp), Đô Sát viện (都察院) (Viện Giám sát) và Đại Lý tự (大理寺) (Tòa Phá án) hợp thành Tam pháp ty (叄法司), mỗi nơi đều có chức năng riêng và kiềm chế lẫn nhau.
Song, Tam pháp ty thường e dè khi đụng đến các quan lại và quý tộc.
Để chấn chỉnh, Hoàng đế đã lập nên Nội Hành Xưởng (内行厂), một cơ quan mật vụ tối cao do nội thị đảm nhiệm, có nhiệm vụ giám sát toàn bộ từ nội các, quân đội đến các quan viên, học giả danh gia và mọi cơ quan quyền lực trong triều đình. Đây là tổ chức được đích thân Hoàng đế quản lý, có quyền thế lớn hơn cả, giám thị không chỉ nhân dân mà cả các tổ chức mật vụ khác. Với quyền thế lớn lao và sự kiểm soát nghiêm ngặt, Nội Hành Xưởng trở thành cánh tay đắc lực của hoàng đế, đảm bảo rằng không ai, dù quyền quý hay thấp hèn, có thể thoát khỏi sự chế tài.
Những ai phạm tội, một khi rơi vào tay Nội Hành Xưởng, bất luận nặng hay nhẹ, đều không tránh khỏi hình phạt khắc nghiệt: bị đánh bằng trượng, lưu đày nơi biên viễn, hoặc đeo gông cùm mà sống suốt đời trong cảnh lầm than.
Chính sự hà khắc này khiến ai ai cũng khiếp sợ, không dám lơi là phép tắc, giữ cho kinh thành trật tự trong vẻ hào nhoáng bên ngoài.
------
Khi đến tư gia, ta được an bài ở một gian phòng thoáng đãng, nằm tại biệt viện phía Nam, khá gần với nơi ở của Ngũ đường tẩu. Nhà của Đại bá phụ và Nhị bá phụ so với cha ta lại đông con cháu hơn nhiều. Đại bá phụ có năm người con, Nhị bá phụ có bốn người con; tính chung cả dâu, rể và cháu chắt, số người trong gia đình dễ dàng lên đến hai ba chục. Nếu toàn gia tề tựu, e rằng cả ngôi nhà hương hỏa cũng khó lòng chứa đủ.
Ở trấn Bạch Mai, ta thường được gọi là Đại nương tử, nhưng trong gia phả ta lại đứng hàng thứ sáu, nên phải gọi là Lục nương (六娘). Khuê danh của ta là Vô Nhiêm [無髥], nhưng nhũ danh thuở nhỏ lại là Đản Đản [訑訑], một cái tên rất ít người nhớ gọi. Chỉ có một tiểu hài tử trong nhà gọi ta là Di Di [遺遺] một cách trìu mến.
Tiểu hài tử ấy có tên là Quý Sước [貴婥], sinh vào giờ sáng, nên thường được gọi là Tảo Tảo [早早], mà ta thường hay gọi là cục bột nhỏ. Ngay khi vừa thấy ta, Tảo Tảo liền giang tay đòi bế, bất chấp đang ngồi trong lòng mẹ. Chưa đợi ta kịp phản ứng, nó đã túm lấy đuôi tóc của ta, thích thú cắn gặm như thể tìm được món đồ chơi thú vị.
Đường tỷ lớn hơn ta năm tuổi, nên gọi là Tứ Nương, tên gọi một chữ Nga [娥].
Tứ tỷ xuất giá làm chính thất của một bậc danh sĩ đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, xếp thứ hai trong kỳ thi Đình, được phong Bảng nhãn (版沲), là con trai của Triệu [兆] huyện thừa, sau này được ban tước Quảng Trạch Nam [廣翟男]. Tuy là vợ quan, nhưng Tứ tỷ lại có chí hướng riêng, không chỉ quán xuyến gia đình mà còn điều hành một xưởng chế mỹ phẩm. Số tiền tỷ kiếm được phần lớn dành để quyên góp cho Nữ học (女學) do Miên công thành lập nơi biên ấp.
(*) Hoàng giáp (chữ Hán: 黃甲) là một loại (gọi là giáp) danh hiệu của học vị Tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến. Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi Đình, còn gọi là tiến sĩ xuất thân (進士出身). Vì đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị tiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp, tức tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nên còn gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân.
Tứ tỷ là ngoại lệ trong gia tộc, người duy nhất dám sống khác biệt, mang chút dáng dấp của nội tổ mẫu: phóng khoáng, rộng lượng nhưng cũng rất khắc kỷ. Cũng là người hiếm hoi trong gia tộc dám dính dáng đến quan trường.
Cha từng nhắc đến việc Đại bá phụ suýt đuổi Tứ tỷ ra khỏi nhà vì tính cách quá mạnh mẽ, cứng đầu của tỷ. Là một nữ nhân có bản lĩnh và chí hướng, nhưng rốt cuộc, tỷ cũng chỉ là điền phòng (điền phòng: vợ cưới để nối dõi hoặc bổ trợ cho người vợ chính trước).
Những người khác trong họ tộc, đều chọn cách sống không thu mình theo khuôn khổ lễ giáo, nhưng lại không dám vượt qua ranh giới đã định. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Tứ tỷ phải chịu không ít áp lực.
Hôn lễ của Tứ tỷ cũng tuân thủ nghiêm ngặt lễ giáo: từ lễ Nạp thái (納采), Bái đường (拜堂) đến Hợp cẩn (合卺). Nhưng không được thực hiện lễ Kết phát (結髮) dành riêng cho nguyên phối. Một sợi tóc của cả hai vợ chồng được cắt và thắt lại với nhau bằng dây lụa đỏ, như lời thề nguyền không đổi. Vì vị trí của chính thê – hay còn gọi là Đích thê (嫡妻) – luôn cao quý và sánh ngang với người chồng, nhưng địa vị này chỉ nhằm bổ trợ dòng dõi nhà chồng mà thôi.
Dù cuộc hôn nhân của Tứ tỷ và Triệu tỷ phu khởi đầu có phần lận đận, về sau hai người dần tìm được sự hài hòa. Tỷ phu, tuy đối với tỷ có phần khách sáo hơn yêu thương, nhưng luôn giữ lễ và thái độ tương kính như tân (相敬如宾). Theo cách ta quan sát, sự tôn trọng lẫn nhau ấy dường như là bí quyết để mối quan hệ giữa họ không rơi vào cảnh xung đột hay chia rẽ.
Trong ba ngày ở nhà, Tứ tỷ từng đưa ta đến Triệu gia thông gia để chào hỏi. Ta nhận thấy gia đình họ Triệu giữ thái độ rất nhã nhặn, nhưng phần nhiều là hình thức. Tuy nhiên, Tứ tỷ không để tâm, bởi tỷ và phu quân đã tách ra ở riêng.
Vị Bảng nhãn này đôi khi thiên vị Tứ Nương trong những chuyện nhỏ nhặt, nhưng giữa họ luôn là sự tương kính (相敬如宾). Trong cách đối đãi của cả hai, dẫu không còn nét say mê như thuở ban đầu, lại có sự chín chắn, điềm tĩnh của những người biết gìn giữ hòa khí trong gia đình. Luôn phô bày một khuôn mặt tươi cười, nói năng dịu dàng, tế nhị.
Đó không phải là sự gần gũi nồng hậu của phu thê tri âm, mà là nét lịch thiệp giữa hai người bạn đồng hành giữ phép tắc. Ta quan sát thấy rằng, để duy trì một mối quan hệ mà mỗi người đều giữ vai trò khách quý trong mắt đối phương, cần rất nhiều sự tự trọng và tôn trọng lẫn nhau. Khi vợ chồng coi nhau như khách, mọi lời nói, hành vi đều trở nên cẩn trọng, đặt người kia làm trọng tâm.
Trái lại, khi giữa hai vợ chồng thiếu đi sự tôn trọng, họ dễ dàng buông thả trong lời nói, hành xử tùy tiện theo ý mình mà không cần bận tâm đến cảm xúc của đối phương. Từ đó, khoảng cách không thể lấp đầy sẽ dần xuất hiện, dẫn đến những mâu thuẫn, tổn thương khó chữa lành.
Tuy nhiên, cách sống của mỗi người lại là lựa chọn riêng. Có người chấp nhận sự xa cách lạnh nhạt để duy trì mặt mũi gia đình, có người chọn hòa khí thay vì tình cảm sâu đậm. Dù phải đối mặt với một cuộc hôn nhân thiếu lửa, tỷ vẫn điềm nhiên tự tại, tìm niềm vui trong công việc và việc thiện.
Bởi suy cho cùng, miễn người trong cuộc hài lòng, thì có gì cần phải nghĩ suy thêm cho phức tạp?
------
Sáng nay, Tảo Tảo lại tìm đến ta. Nhũ mẫu bồng nó trên tay, chưa đến ngạch cửa đã nghe tiếng i a gọi vang. Ngoài Thất công tử, Ngư Ngư dường như cũng rất quý Tảo Tảo. Thế nhưng, hễ cùng chơi với bọn trẻ thì Tảo Tảo lại có tật phì phèo bong bóng nước miếng, làm ai nấy đều phải dè chừng.
Ngày đầu tiên Thất công tử bồng Tảo Tảo, chẳng phải Tảo Tảo khóc lóc, mà ngài lại là người khóc òa trước, chỉ vì sợ tay chân lóng ngóng làm em bé rơi xuống đất. Ấy thế mà, Tảo Tảo nhìn Thất công tử liền cười khanh khách, sảng khoái vô cùng, như chọc quê ngài vậy.
Chưa dừng lại ở đó, Tảo Tảo còn "chôm" luôn cái trống lục lạc và chong chóng yêu thích của Thất công tử, ôm theo về nhà cùng mẹ. Cả ngày hôm ấy, Thất công tử lục tung mọi ngóc ngách cũng không tìm được, chỉ biết ngậm ngùi than thở.
Trong nhà, những đứa trẻ khác cũng không kém phần náo nhiệt. Đợi khi bọn nhỏ đi học về, Thất công tử, Ngư Ngư, và A Phúc liền thay phiên nhau cầm đầu nhóm trẻ chơi trò "Rồng rắn lên mây" (螣蛇).
Sân lớn trước nhà trở thành chốn náo nhiệt nhất, đủ rộng rãi để tự do chạy đuổi. Trò chơi bắt đầu khi một đứa trẻ đóng vai "Thầy Thuốc" đứng giữa sân, còn những đứa khác nắm tay nhau thành hàng dài, giả làm "con rắn", vừa đi vòng quanh vừa đồng thanh cất giọng:
"Rồng rắn lên mây
Có cái cây núc nác
Hỏi thăm thầy thuốc
Có ở nhà hay không?"
Khi câu hát vừa dứt, đầu rắn đối diện Thầy Thuốc, cất tiếng hỏi: "Thầy Thuốc có nhà hay không?"
Ban đầu, Thầy Thuốc lắc đầu trả lời: "Không có nhà." Cả đoàn rắn lại tiếp tục lượn thêm một vòng quanh sân, hát lại câu hát ấy và hỏi thêm lần nữa. Đến lần thứ ba, Thầy Thuốc mới nghiêm giọng đáp: "Có nhà" để mở đầu cho màn đối đáp:
Thầy Thuốc: "Con đi đâu?"
Rắn: "Con đi mua thuốc."
Thầy Thuốc: "Mua thuốc cho ai?"
Rắn: "Mua thuốc cho con."
Thầy Thuốc: "Con lên mấy?"
Rắn: "Con lên một."
Thầy Thuốc: "Thuốc chẳng hay."
Rắn: "Con lên hai."
Thầy Thuốc: "Thuốc chẳng hay."
Rắn: "Con lên ba..."
Cứ thế cho đến một con số nhất định, Thầy Thuốc sẽ đổi ý, nói: "Thuốc hay vậy." Tiếp đến là yêu cầu:
Thầy Thuốc: "Xin khúc đầu."
Rắn: "Những xương cùng xẩu."
Thầy Thuốc: "Xin khúc giữa."
Rắn: "Những máu cùng me.
Thầy Thuốc: "Xin khúc đuôi."
Rắn: "Tha hồ Thầy đuổi."
Ngay khi lời cuối dứt, Thầy Thuốc lập tức đuổi theo, tìm cách tóm lấy đuôi rắn. Đầu rắn nhanh trí giang tay ngăn cản, trong khi thân rắn uốn éo, cố gắng giữ hàng không để "đứt khúc." Trò chơi chỉ kết thúc khi Thầy Thuốc bắt được đuôi rắn, hoặc khi hàng rắn rối loạn, đứt thành từng đoạn nhỏ.
(*) Tài liệu tham khảo: Trò chơi Rồng rắn lên mây: Cội nguồn và văn hoá giễu nhại dân gian - Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Ngữ văn, ĐHKHXH-NV, ĐHQG-HN.
Tiếng cười trong trẻo vang vọng khắp sân, hòa cùng những tiếng chân xô nhau chạy, thỉnh thoảng lại có tiếng hét toáng lên khi một đứa trẻ vấp ngã. Cảnh tượng ấy khiến cả những người lớn đứng xem cũng không khỏi bật cười, lòng nhẹ nhõm mà tạm quên đi những lo toan thường nhật. Mà Thầy Thuốc trong trò chơi này, không ai khác chính là Thất công tử. Ngài ấy vui đến nỗi, đêm về ngủ còn mơ màng nói mớ, khăng khăng đòi "xin xương xẩu" của con rắn kia.
Ôi chao, thật khiến người ta vừa buồn cười vừa rùng mình!
Oa, thật đáng sợ đó nha!
------
Cũng may thay, Hoài Chiêu không bày trò phô trương khi chia tay ở Mãn Phong Đường, chỉ tổ chức một buổi tiệc rượu nhỏ tại tửu điếm bình thường. Hắn nói rằng buổi tiệc chính thức đã được mở năm ngày trước, đây chỉ là tiệc phụ dành cho những người thân thiết. Nhưng nhìn cách hắn an bài, ta không khỏi nghĩ rằng hắn chẳng qua muốn bày trò tiêu dao, hưởng lạc một phen, chẳng thể hiện chút lưu luyến hay chân tình.
Nhận lời mời, ta chọn cho mình một bộ y phục trực lĩnh tay ngắn màu xanh rêu sẫm, tóc vấn gọn gàng cài trâm san hô. Khi bước vào cửa khách điếm, chưởng sự vừa trông thấy liền không hỏi han gì thêm, lập tức gọi tiểu nhị dẫn ta lên lầu. Lúc đầu ta hơi ngờ ngợ, nhưng khi tới nơi mới hay, hoá ra tất cả người tham dự đều cài chiếc trâm giống ta, như một dấu hiệu nhận diện bí mật.
Bước vào gian phòng, ngoài ta và Thất công tử, tổng cộng có mười tám người. Trong đó, ngoài Hoài Chiêu và Gia Huyền, còn có những gương mặt hoàn toàn xa lạ, chỉ duy Ngô Thập Nhị ngồi gần sân khấu là người duy nhất ta nhận ra. Hoài Chiêu từ đầu đã nói rõ rằng bữa tiệc này không chỉ có con cái thế gia mà còn mời cả những khách hàng "danh dự" của hắn từ Mãn Phong Viện.
Điểm kỳ lạ là buổi tiệc không phân biệt nam nữ, mọi người đều trò chuyện thân mật, đối xử như bằng hữu ngang hàng, khác hẳn lề thói thông thường. Sau mới biết, hầu hết bọn họ đến đây là vì say mê tiếng đàn của Gia Huyền.
Hôm nay, Gia Huyền chẳng những công khai danh tính thực, mà còn tuyên bố dự định tương lai của mình.
Ta và Thất công tử được an bài ngồi đối diện Ngô Thập Nhị. Gương mặt Ngô Thập Nhị thoáng chút u buồn, dường như có cả thất vọng. Dẫu vậy, y vẫn giữ đúng mực lễ nghĩa, chào hỏi ta với nụ cười thanh nhã như thuở đầu gặp gỡ. Nhưng hôm nay, dường như trúc lịch chẳng đi cùng tùng bách.
Tiệc rượu bày biện xa hoa, nhưng món ăn phần lớn chỉ toàn là những thứ bổ dưỡng và đắt giá: hải sâm, ngọc trúc, bào ngư... Cả rượu huyết nhung và cao ban long cũng được mang ra, như thể để khoe sự dư dả phung phí. Kỳ thực, ta chẳng cảm thấy hứng thú, cũng chẳng hợp khẩu vị với những món cao lương mỹ vị này.
Tới hơn giữa tiệc, ta mới thấm thía sự xa hoa của giới thượng lưu kinh thành. Họ vung tay không tiếc chỉ để đổi lấy một nụ cười từ giai nhân. Chốn phong hoa tuyết nguyệt này khiến ta mở mang tầm mắt: không chỉ nữ nhân, mà nam nhân cũng có thể làm ca kỹ, múa may, thậm chí hạ mình làm hầu rượu. Những lời bỡn cợt trơn tru, những tài nghệ múa mép của họ khiến người nghe phải bật thán phục. Cảnh tượng sủng đào sủng hạnh này thật khiến người ta vừa chướng mắt vừa bất nhẫn. Thế nhưng, ta không rõ Hoài Chiêu mời ta đến đây với mục đích gì.
Đến cuối cùng, nhân vật chính của buổi tiệc cũng xuất hiện. Sau một màn đàn ca hát xướng, Gia Huyền đứng dậy, phong thái tao nhã, cất lời cảm tạ. Hắn tri ân bạn hữu và những vị khách đã dành thời gian quý báu đến dự. Đã từng là hoa khôi thì người này cũng phải có chút bản lĩnh đối phó mới có thể đứng đầu bảng hiệu lâu năm đến vậy. Gia Huyền tuyên bố từ nay giải nghệ, bày tỏ lòng biết ơn hội chủ đã cưu mang. Hắn cầu chúc mọi người phong quang vô hạn, tiền đồ sáng lạn, bởi kể từ đây: "đường ai nấy đi".
Hơn thế, Gia Huyền được bổ nhiệm làm cầm sư (琴师) trong giáo phường của Tuy Phong Bá [隨風] (伯), không mang nô tịch, trở thành một vị quan có phẩm cấp. Đối với hắn, đó là vinh dự lớn nhất, vượt xa thân phận trước đây. Chia tay hôm nay, ngày mai tái ngộ, hắn đã là người của một thế giới khác.
Vả chăng, việc một kẻ phong trần, tay ngang như Gia Huyền lại có thể đảm nhận trọng trách giáo thụ quả thật là điều hiếm thấy. Nào ai có thể ngờ rằng một người lặn lội trong chốn bụi đời lại có thể trở thành một bậc thầy âm nhạc, khiến bao người phải trầm trồ tán thưởng.
Vậy nên, khi tin tức này lan truyền, ai nấy đều vui mừng chúc tụng, cùng nhau nâng chén chúc mừng cho tài năng của Gia Huyền. Trong niềm hân hoan đó, cũng đã quyết định đổi lại nghệ danh, từ nay sẽ lấy lại tên thật của mình, gọi là Đặng Triệu Trừng [鄧趙澄]. Từ nay, mọi người đều đổi xưng hô với y, gọi là Đặng quan nhân.
Bữa tiệc càng thêm phần hào hứng khi Đặng quan nhân lại dùng khóa gỗ chi hông đáng giá một trăm lượng vàng để chỉnh lại dây đàn cổ. Trong lúc vô tình, ta nhìn về phía đối diện, nơi Ngô Thập Nhị đang ngồi, thì thấy được ánh mắt say đắm của y. Đàn được nửa bài, đang khúc cao trào thì lại bị cắt ngang bởi những tiếng bước chân dồn dập.
Tỷ phu họ Triệu của ta là Quảng Trạch Nam dẫn theo binh lính đến mời Đặng Triệu Trừng đi. Nói là Hiển [顯] ông chúa (翁主) muốn triệu kiến. Chính vì thế, tiệc đã kết thúc sớm khi không còn chủ nhân. Hoài Chiêu vốn đầy lòng hiếu khách bèn mời ta và Thất công tử sang một nơi khác, để tạo cơ hội cho ta và Ngô Thập Nhị được trò chuyện riêng tư.
------
Giáo phường (教坊) không chỉ là tổ chức nghề nghiệp mà còn là một cơ chế phong kiến kiểm soát nghiêm ngặt. Thời phong kiến, những nghệ nhân trong các giáo phường đều chịu sự quản lý chặt chẽ.
Những người kỳ cựu trong phường được gọi là "trùm", đứng đầu là Quản Giáp (𩸘挟) – một chức danh có quyền hành không nhỏ trong việc giao thiệp với chính quyền. Từ cung đình cho tới dân gian, âm nhạc và ca trù là loại hình giải trí được xem trọng.
Nghệ thuật này là đỉnh cao của sự kết hợp giữa thơ ca và âm nhạc, được ví như "âm nhạc bác học", đáp ứng những tiêu chí nghệ thuật cao nhất. Trong một buổi diễn ca trù, ba thành phần chính gồm: "đào" hay "ca nương" (nữ ca sĩ), "kép đàn" (nhạc công), và "quan viên" (người thưởng ngoạn), cùng nhau tạo nên không gian nghệ thuật sang trọng, thường chỉ dành cho cung vua, phủ chúa, hoặc các dinh thự của tầng lớp quý tộc và trí thức.
Tuy vậy, xướng ca vẫn bị coi là "vô loài", chẳng khác nào thân phận thấp kém của mõ làng. Lệnh triều đình cấm con cháu các phường chèo, phường hát thi cử hay nhận chức tước càng thể hiện rõ sự phân biệt giai cấp khắc nghiệt.
Thậm chí, thời kỳ trước còn có những định kiến khắc nghiệt, buộc những kẻ làm nghề xướng ca, phường chèo, con hát, cùng những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, hay những kẻ phản nghịch, bị loại trừ khỏi chốn khoa bảng. Dẫu cho người làm nghề ấy hay hậu duệ của họ có tài đức đến đâu, cũng không thể tham gia kỳ thi hay nhận quan tước từ triều đình. Đây là một quy định cấm đoán nghiêm ngặt, được minh định rõ ràng qua các huấn điều của các bậc quân vương. Cụ thể, mỗi thí sinh ứng thí phải có lý lịch rõ ràng, do quan địa phương bảo lãnh và xác nhận đức hạnh. Giấy tờ thí sinh cần phải cung cấp, gọi là giấy "thông thân cước sắc" (通身脚色), như một loại căn cước ghi rõ nghề nghiệp, quê quán, năng lực, sở trường học vấn, kèm theo cả cước sắc của tổ tiên, tuyệt đối không được phép giả mạo.
Lý do cho quy định nghiêm khắc này là để ngăn chặn thói gian dối, lọc ra những kẻ không xứng đáng, tránh việc tuyển chọn sai lầm, khiến cho triều đình không thể thu hút được người tài đức. Việc duyệt lý lịch thí sinh được quy định rất chặt chẽ. Trước mỗi kỳ thi, xã trưởng của các vùng phải làm giấy bảo lãnh cho học trò trong xã mình, trừ những người đã được công nhận là sinh đồ ở Tú Lâm cục tại Kinh đô. Còn các binh lính và nhân dân, phải là con nhà lương thiện, có hạnh kiểm tốt, học vấn và năng lực nổi bật, mới được phép dự thi, đồng thời phải có khả năng viết được văn bốn trường. Triều đình cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với những thí sinh đang có tang cha mẹ tại nhà, yêu cầu họ phải đến quan phủ khai báo. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, họ sẽ bị sung quân vào bản phủ.
(*) Tam quán (三馆): gồm có Nho Lâm quán (儒林馆), Sùng Văn quán (崇文馆), Tú Lâm cục (繡林局). Mỗi quán đều có Tri quán sự (知馆事), Tư huấn (司训), Điễn nghĩa (典义).
Mãi cho đến thời kỳ này, triều đình mới mở rộng cơ hội thi cử cho các binh lính. Các hạng binh lính có học thức, khi gặp khoa thi Hương, có thể nộp đơn xin dự thi. Nếu được xét thấy có kiến thức vững vàng về nghĩa lý văn chương, họ sẽ được phép thi cử cùng với học trò. Những binh lính này, nếu thi khoa võ hay kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi ngay tại Kinh đô, mở ra cơ hội cho những người tài trong quân đội.
Kể từ triều đại này, một dấu ấn lớn trong văn hóa phường hội là sự xuất hiện của các phường văn hóa nghệ thuật. Những phường này không chỉ là nơi phát triển nghề thủ công, mà còn là nơi hình thành và phát triển các bộ môn nghệ thuật tinh túy. Những giá trị nghệ thuật ấy không chỉ được yêu thích trong giới quan lại, mà còn được dân gian bồi đắp, phát triển. Sự phát triển của văn hóa nghệ thuật không còn là thú vui của giới thượng lưu mà đã trở thành một phần của đời sống chung của mọi tầng lớp. Kinh thành, từ đó, trở thành một nơi rộn rã tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười, phản chiếu một xã hội đang bước vào thời kỳ văn hóa thịnh vượng, đầy ắp những âm thanh thanh thoát, vui tươi, nhưng cũng đầy nghiêm trang và có trật tự.
Về nhạc cung đình, âm nhạc được coi là nền tảng của hòa bình, thanh âm là căn nguyên của nhạc, và sự hài hòa chính là bản chất của nhạc. Tại triều đình, có vị quan phụ trách lễ nhạc, là Lỗ bộ ty đồng giám kiêm trì điển nhạc sự (鲁部司同监兼持典乐事), đã chủ trương sắp đặt dàn nhạc Đường thượng chi nhạc (堂上之乐) theo mô hình của dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc (朝下宴享之乐), trong khi Đường Hạ chi nhạc (朝下宴享之乐) lại có sự tương đồng với các dàn Đơn bệ đại nhạc (单陛大乐) và Giáo phường ty nữ nhạc (教坊司女乐).
Các nhạc khí dùng trong nhạc cung đình đều được chế tác vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo, sắc sảo hơn hẳn các nhạc khí dân gian. Chúng hội tụ đầy đủ mọi âm sắc: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), và tiếng đồng. Đặc biệt, về độ cao của âm thanh, có thể phân biệt rõ ràng giữa tiếng trầm của dây đàn tỳ bà, cùng tiếng cao vút, vi vu của sáo.
Nhìn chung, dàn nhạc cung đình không chỉ phong phú, đa dạng về số lượng mà còn nổi bật trong sự phối hợp âm sắc, luôn chú trọng đến chất lượng hơn số lượng. Khi hòa tấu, không có nhạc khí nào có thể át đi những nhạc khí khác, mà mỗi loại âm thanh đều được phân biệt rõ ràng, tạo nên sự cân bằng tuyệt vời trong bản hòa ca. Ngoài ra, không có bộ môn nghệ thuật nào lại huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc cung đình. Chính vì vậy, thanh quan trong triều từng có những phản đối, khiến cho về sau, hai dàn nhạc ấy đã dần được thay thế bằng hai đội Đồng Văn (同文) và Nhã nhạc (雅乐), sau đó Giáo phường lại dần thay thế các đội này.
Tổng cộng, nhạc cung đình có đến tám thể loại chính, bao gồm: Giao nhạc (郊乐), Miếu nhạc (庙乐), Ngũ tự nhạc (五祀乐), Đại triều nhạc (大朝乐), Thường triều nhạc (常朝乐), Đại Yến nhạc (大宴乐), Cung trung chi nhạc (宫中之乐), Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (救日月交重乐), đi kèm với nhiều điệu múa đặc sắc liên quan.
Mỗi giai điệu, âm thanh, dù có sự khác biệt, nhưng khi hòa quyện lại, đều tạo thành một tổng thể mỹ miều, thấm đẫm tinh hoa của văn hóa, vừa nghiêm trang, vừa thanh thoát.
(*) Phóng tác hoặc trích dẫn từ bài:
· Nhạc Cung đình. Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn (theo GS.TS Trần Văn Khê)
· Thời phong kiến xét duyệt người đi thi thế nào? Lê Tiên Long. Nguồn: giaoducthoidai.vn/
------
Vào thời kỳ sơ khai, khi nền móng của chế độ sách phong, tấn phong và đãi ngộ cho con gái và cháu gái của Hoàng đế mới được xây dựng, những tôn ti trật tự ấy đã định hình nên một hệ thống danh xưng và phẩm cấp vô cùng nghiêm cẩn. Theo đó, các Hoàng nữ, bậc con gái của Thiên tử, được tôn vinh với phong hiệu Công chúa, cao quý vô cùng. Còn con gái của các Chư hầu Vương, dù vẫn mang dòng máu quý tộc, lại được phong là Ông chúa, thể hiện rõ sự phân biệt giai tầng, mặc dù họ có quyền lực và tầm ảnh hưởng không hề nhỏ.
Chữ "Ông" [翁] trong danh xưng "Ông chúa" có ý nghĩa là cha, biểu thị sự kính trọng và quyền lực của người cha khi chủ trì việc gả con gái. Bởi lẽ, các Chư hầu Vương khi gả con gái, chính mình là người chủ hôn, nên mới gọi con gái mình là Ông chúa. Mặc dù vậy, do xuất thân từ các gia tộc chư hầu, các vị này đôi khi còn được gọi là "Vương chúa" [王主] để tỏ rõ thân phận cao quý mà họ nắm giữ trong xã hội phong kiến.
Tuy nhiên, theo quan niệm phong kiến, đàn ông là người nối dõi tông đường, là những kẻ mang trọng trách duy trì "Tiểu tông" cho hoàng tộc. Vì thế, nam giới luôn được xem trọng hơn, và nữ giới, dù là con cái trong hoàng gia hay các gia tộc quyền quý, vẫn không được đánh giá cao bằng. Hoàng nữ, trong đó có con gái của Hoàng hậu hay chị cả của Hoàng đế, nếu được gia phong tước hiệu, sẽ được ban tước hiệu trưởng Công chúa, và nghi thức phong tặng ấy ngang với các Chư hầu Vương, tôn kính vô cùng. Tuy nhiên, những Hoàng nữ khác sẽ chỉ được phong tước hiệu Công chúa, và địa vị của họ chỉ ngang với các liệt hầu, dù không thiếu phần cao quý. Đất phong của các Hoàng nữ phần lớn đều là những huyện, vì vậy họ còn được gọi là "Huyện công chúa".
Bên cạnh các Hoàng nữ, các cháu gái của Hoàng đế, hay con gái của các Hoàng tử trong tông thân, cũng thường được đề cập chung về xưng hô cùng đãi ngộ. Con gái của các Chư hầu Vương, tùy theo vai vế của người cha, sẽ được gọi là "Vương nữ" hoặc "Tông thất nữ" (宗室女), và tất cả đều được thụ phong tước hiệu là Ông chúa. Việc các Vương nữ được gọi là Ông chúa là vì theo truyền thống, "Thiên tử khi gả con gái không làm chủ hôn mà giao cho Tam công, vì vậy mới gọi là Công chủ (chúa). Còn Vương nữ, vì do cha làm chủ hôn, nên xưng là Ông chủ. Ông (翁) tức là cha vậy."
Đối với những cháu gái dòng Đích hệ, tức là con gái của Hoàng thái tử, hoặc các Hoàng tôn, Hoàng tằng tôn, là nam duệ của Thái tử, đều có danh xưng "Hoàng nữ tôn" (皇女孫), tỏ rõ sự tôn kính và địa vị của họ trong dòng tộc. Đặc biệt, do chính sách Hòa thân, rất nhiều Ông chúa được đặc cách phong tước hiệu Công chúa và được gả đi làm Vương phi cho các Thiền vu hay Bộ vương khác, nhằm củng cố mối quan hệ giữa các dòng tộc quý tộc và triều đình.
------
"Thương tiểu thư!" Khi bước vào phòng, Ngô Thập Nhị liền gọi ta. Ngoài sự khó xử của y, còn có cả sự khó chịu của Thất công tử, khi ngài cố tình đứng chắn trước ta, ngăn cản cho ta và Ngô lang kia có sự tiếp xúc gần.
"Chào ngài, ta là Mặc Đam, trượng phu của Thương Lục Nương!" Thất công tử mỉm cười, không có phản ứng thái quá. Ngài đan tay thi lễ với Ngô lang. "Hân hạnh gặp mặt!"
"Chào lang quân, mỗ gọi là Ngô Thập Nhị!"
"Mời ngồi!" Thất công tử dẫn ta đến ghế, rót cho ta một chén trà, sau đó chủ động rót cho Ngô Thập Nhị một chén khác. Đúng với những gì ngài đã học hàng ngày ở cửa tiệm, đạo chủ khách rõ ràng.
"Không biết ngài cần gì?" Trình tự tiếp khách, thao tác đầy chuẩn mực.
Ta nhìn ngài hành động mà thầm buồn cười vô cùng, cái tư thái đó rất giống chưởng quầy trong tiệm. Ngay cả A Phúc và Can Lộc học hỏi lâu, cũng không thể bắt chước chuẩn như vậy.
"Tại hạ chỉ muốn trò chuyện đôi câu với tiểu thư, không biết có tiện không?" Dù đáp lời Thất công tử nhưng tầm mắt của Ngô lang vẫn hướng về ta, chủ ý vẫn đặt lên ta.
"Có lẽ không tiện!" Thất công tử thay ta trả lời. "Nội nhân không thích nói chuyện với người lạ!"
"Bây giờ tại hạ lại thành người lạ với tiểu thư hay sao? Không còn tư cách bạn bè để nói chuyện?"
"Dĩ nhiên..." Thất công tử định dành nói chuyện tiếp, nhưng ta lại níu tay ngài ấy lại. Ta nhìn Ngô Thập Nhị sau đó cười: "Nếu là bạn bè thì có thể. Thứ lỗi vì hôn phu của ta có hơi quá lời với ngài! Ngài ấy chỉ vì cảm thấy chưa quá quen thuộc với ngài!"
"Cô nương nói vậy, tại hạ cảm thấy yên tâm vô cùng. Không biết bệnh tình của nàng đã tốt hơn chưa?"
"Nhờ phúc của ngài, ta vẫn khỏe. Đa tạ vì những loại thuốc quý ngài đã gửi tặng, khi khác có dịp, ta sẽ nhờ người gửi quà thăm hỏi sau!"
"Đừng khách sáo!" Ngô Thập Nhị cười hiền lành. "Nàng khỏe mạnh là ta không còn cảm thấy áy náy nữa!"
"Chuyện hôn sự giữa chúng ta..." Y ấp úng. "Xin lỗi nàng vì ta đã tự ý cầu hôn mà không hỏi ý kiến của nàng!"
"Nhưng tấm chân tình của ta đối với nàng là sự thật, xin nàng đừng hiểu lầm ta muốn lợi dụng nàng!"
"Chuyện đã qua..." Ta ngừng một chút. "Ngài không cần bận tâm để phiền lòng. Sau này chắc chắn ngài sẽ gặp được một người khác tâm đầu ý hợp hơn!"
"Vậy là nàng vẫn muốn từ chối ta?" Giọng nói của y có chút ỉu xìu, y nhìn ta lại nhìn Thất công tử. "Nếu nàng đổi ý, xin hãy báo cho ta biết trước tiên!"
"Ngài đừng làm khó ta, cũng không cần làm khó chính mình! Ở vị thế của ngài, ắt sẽ còn gặp gỡ nhiều người tốt hơn!"
"Đừng nói như thể sẽ chia ly vậy?" Hoài Chiêu đẩy cửa vào, theo sau lưng hắn là hai nam quan kỹ (官妓). "Nếu không có được mỹ nhân, ta tặng ngài hai giai nhân này được chứ? Hai người này có kỹ nghệ cao siêu, có thể giúp ngài mau chóng tiêu sầu!"
"Hội chủ đừng nói quá lời!" Ngô Thập Nhị bật dậy né tránh. "Mỗ chẳng dám nhận lễ, xin hãy để bọn họ tự do lựa chọn cuộc sống của mình đi!"
"Được rồi! Không ép ngài, hai ngươi, đừng đứng sáp vào người ta như vậy! Để Đặng quan nhân biết chuyện thì thật không hay đâu!" Hoài Chiêu phất tay, hai người nam kia liền thu liễm, ngúng nguẩy lui ra ngoài.
"Thương nương tử, ngài làm sao vậy? Tự nhiên lại giữ khoảng cách với bần đạo thế?" Hoài Chiêu tự nhiên ngồi xuống bàn, thân thiết vỗ vào vai của Thất công tử. "Thất công tử, ngài còn nhớ bần đạo không? Bần đạo là một con chuột nhỏ chờ ngài đến bắt đấy!"
"Tránh ra!" Thất công tử né tránh, vòng qua chỗ khác ngồi.
Ngô Thập Nhị bối rối, y nhìn Hoài Chiêu rồi ngồi xuống: "Cám ơn Diễn Khí Đạo Nhân đã tạo cơ hội để tại hạ có thể tâm tình với Thương tiểu thư! Không có dịp này chẳng còn dịp nào đáng hơn!"
"Sao nào, ngài đã bày tỏ hết tấm lòng của mình cho người ta biết chưa?"
Ngô Thập Nhị lắc đầu, Hoài Chiêu liền đâm vào tim phổi người ta thêm một nhát đau đớn: "Chắc là chưa kịp thổ lộ đã bị người ta nhẫn tâm từ chối rồi! Bẽ bàng ghê!"
"Rốt cuộc ngài khăng khăng muốn lấy ta là vì mục đích gì?" Ta nhìn thẳng, quyết tâm đối diện với sự thật. "Ta không nghĩ nguyên nhân chính là đơn thuần mến mộ!"
Ngoài Thất công tử và Hoài Chiêu ngồi hóng chuyện, người trong cuộc là ta và Ngô Thập Nhị lại trầm mặc không nói nên lời. Ta lại kiên nhẫn chờ đợi, trong khi Ngô lang ngập ngừng không dám dõng dạc nói.
"Nguyên nhân chính là vì ta!" Người đứng nép bên ngoài nảy giờ vẫn chưa dám bước vào, đến lúc này chỉ chờ đợi thời cơ để khẳng định. Giọng nói quen thuộc, vóc dáng quen thuộc, nhưng hình hài khác lạ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro