Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 39: Sơn phụ ư địa, Thủy phục ư thiên (山偩于地,水伏于天)

[♪] Sơn phụ ư địa, Thủy phục ư thiên (山偩于地,水伏于天): Núi nghiêng vào đất, nước quay lên trời.

------

Bài Vịnh cúc kỳ 2

Nguyên văn chữ Hán:

重陽摘蕊陶攘醉,

秋夕餐英屈愛香。

二老風流千載遠,

天教菊隱出承當。

Phiên âm Hán-Việt:

Trùng dương trích nhị Đào nhương túy,

Thu tịch xan anh Khuất ái hương.

Nhị lão phong lưu thiên tái viễn,

Thiên giáo Cúc ẩn xuất thừa đương.

Dịch nghĩa:

Tiết trùng dương hái nhị, họ Đào ủ men say,

Chiếu thu ngậm cánh hoa, họ Khuất yêu hương ngát.

Phong độ hai ông già đã nghìn năm xa rồi,

Nay trời trao chức, hoa cúc ẩn dật phải ra gánh vác.

(*) Bài Vịnh cúc kỳ 2 詠菊其二 của Đỗ Khắc Chung (1247 - 1330) (thơ của Trần Khắc Chung trong Thơ văn Lý Trần, tập II, NXB KHXH - 1988, và tác giả Lưu Hồng Sơn với bài Biểu tượng hoa cúc của Đào Uyên Minh trong thơ ca cổ Việt Nam và Hàn Quốc đăng trong Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 (141), tr 26-36).

Nguồn: www.thivien.net/

Lễ Trùng Cửu (重九) hay còn được gọi với những tên khác như Tết Trùng Dương, Tết Hoa Cúc, là một lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa Á Đông, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để con người hoài niệm về tổ tiên, kính trọng người lớn tuổi, và đồng thời cầu mong sức khỏe, trường thọ, cũng như sự bình an trước những biến chuyển của thiên nhiên và thời tiết.

Con số 9 mang ý nghĩa cát tường, biểu trưng cho sự trường thọ và vĩnh cửu. Trong ngày này, hoa cúc vàng được tôn vinh như loài hoa cao quý, tượng trưng cho sự thanh tao và trường sinh. Người dân thường uống rượu hoa cúc và thưởng thức bánh quế hoa để gửi gắm ước nguyện sức khỏe và tuổi thọ cho người thân.

Bánh quế hoa (桂花糕) là loại bánh mềm mại trong suốt như pha lê, được làm từ bột nếp, mật quế hoa, và các nguyên liệu bổ dưỡng khác. Món ăn không chỉ ngon miệng mà còn chứa đựng ý nghĩa thúc đẩy sức khỏe, tăng cường sinh lực. Dựa theo màu sắc của hoa quế theo từng thời gian nở, bánh quế hoa được chia thành bốn loại: quế tứ quý (vàng nhạt), đan quế (đỏ cam), kim quế (vàng tươi) và ngân quế (vàng nhạt).

Ngoài ra, Tết Trùng Cửu còn được gọi là "Từ thanh" - tượng trưng cho việc giã biệt sự rực rỡ của mùa hạ để bước vào giai đoạn chuyển mùa đầy u tịch của mùa thu. Đây là dịp con người chiêm nghiệm vòng xoay của trời đất, từ sự sống, sinh trưởng đến héo úa, qua đó trân trọng hơn từng khoảnh khắc hiện tại.

Những phong tục như hái lá cúc, tắm nước cúc, hay cài lá thù du (châu du) lên áo được thực hiện với niềm tin rằng chúng sẽ giúp xua đuổi tà ma và bảo vệ sức khỏe. Mùi thơm cay nồng của lá thù du được cho là có tác dụng tiêu trừ khí lạnh, xua đuổi muỗi mòng và cải thiện thể chất, đặc biệt trong thời điểm giao mùa dễ sinh bệnh.

Tục "đăng cao" (leo núi) trong ngày Trùng Cửu không chỉ là hoạt động thể chất, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, gợi nhớ câu chuyện tiên nhân ngao du tìm "chi thảo" - loại dược liệu huyền thoại giúp trường sinh bất lão. Những người sống ở đồng bằng, không có núi để leo, thường làm bánh quế hoa với hình dáng tượng trưng, như thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Trong đạo Thần Tiên từ thời Hán, ngày Trùng Cửu được coi là thời khắc linh thiêng để "đắc thiên đạo", đạt đến cảnh giới trường sinh bất lão. Hình ảnh tiên nhân "khát uống suối ngọc, đói ăn táo" trên các gương đồng cổ là minh chứng cho khát vọng hòa quyện cùng vũ trụ, vượt qua mọi giới hạn sinh tử. Tục ăn bánh "cao" và uống rượu hoa cúc mang hàm ý dưỡng sinh, thanh lọc thân tâm, hướng đến sự an lành và phúc lạc.

(*) Trích dẫn hoặc phóng tác và cấu tứ từ bài:

· Khám phá Lễ Trùng Cửu tại Trung Quốc. Nguồn: ongvove.com/ - Tác giả: Ong Vò Vẽ Phát.

· Tết Trùng cửu hôm nay tại Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? Nguồn: thanhnien.vn/ - Tác giả: Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc.

· Ý nghĩa nguồn gốc của Tết Trùng Cửu - Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch (Theo Đời sống Plus/GĐVN). Nguồn: thnest.vn/

------

Lúc tỉnh dậy, cảm thấy cổ họng có chút khát, ta liền gọi Hồng Hạnh lấy nước cho ta.

Hôm nay đã độ Trùng Dương, hoa cúc được chưng trên bàn càng bung rộ vàng rực. Đâu đây vấn vít mùi rượu cúc hảo hạng, hương men nồng nàn hòa quyện khiến không gian thêm phần lãng đãng. Cành thù du đỏ treo đầu giường thoảng chút cay nồng, như lời nhắc nhở về tiết khí đang giao hòa.

Mành giường đong đưa, Hồng Hạnh đem một chén nước ấm đến, đỡ ta ngồi dậy. Cẩn thận trút nước giúp ta rồi nhắc nhở: "Tiểu thư, uống chậm một chút!" Vừa uống, ta vừa vuốt nhẹ cổ họng của mình.

Vết thương ở cổ đã lành lặn, may mắn không lưu lại dấu vết nào. Cũng nhờ có bài thuốc "Bổ Chính Khu Tà" của ngoại thúc phụ cùng lưỡi dao oan nghiệt của Thái Minh Châu không chỉ rạch da thịt mà còn vô tình chạm đến hạch lao đã âm thầm hoành hành, nhờ đó lại được tiêu giảm tận gốc. Từ đó, có thể tiến hành nạo vét hạch cổ tiệt căn, loại bỏ khối u nguyên phát.

Dẫu vậy, những lời cảnh báo về nguy cơ di căn vẫn khiến gia quyến thấp thỏm không yên.

Sau khi khởi mê, dùng dao tạo vết rạch qua cơ bám da cổ, lách tĩnh mạch mà nạo vét hạch rồi khâu lại, mỗi bước đều là thử thách tính mạng.

Lúc thân thể cực kỳ suy yếu là ba ngày đêm nguy kịch sau ca phẫu thuật. Các triệu chứng như huyết áp tụt, tâm trạng hoảng loạn, hay vết thương chảy máu đã khiến cả nhà lo lắng không nguôi, chỉ cầu trời phù hộ.

Nhưng đồng thời nhờ sự chăm sóc chu toàn của mọi người, ta rốt cuộc cũng thoát khỏi hiểm họa, giữ được tính mệnh.

Hồng Xuân đang cùng A Phúc, Hồng Lăng và Ngư Ngư ra bờ hồ ném cam vàng, mong xua đi mọi điềm dữ cho ta. Mẫu thân cùng các thẩm thẩm đã đến đền Miên công, thành tâm cầu nguyện cho bình an. Tô thúc và Tô thẩm vẫn bận rộn chăm nom cửa tiệm ở phía trước nhà. Còn phụ thân và hai vị bá bá... Đang uống rượu hoa cúc cùng "hiền tế" ở dưới lầu.

Thất công tử chính là người đã trực tiếp đứng ra thực hiện ca mổ cho ta, dùng kĩ năng thiên phú của ngài để một lần nữa giúp ta hồi dương.

Mọi người đều nói rằng, để làm được điều đó, ngài đã phải khổ công học hỏi dưới sự chỉ dạy tận tình của ngoại thúc phụ suốt nửa tháng ròng, thêm luyện tập chăm chỉ khi ở riêng, chỉ mong có thể đích thân chữa trị cho ta.

Ta đã từng nghĩ, trước cảnh ta hôn mê, ngài ắt hẳn sẽ hoang mang đến bất lực. Nhưng không, ngài đã vượt qua mọi sợ hãi để đối diện sinh tử. Hơn cả cảm kích, ta càng thêm tự hào về ngài ấy.

Tuy nhiên, khi không bắt được mạch của đứa trẻ trong lòng, sự kỳ vọng của ngài phút chốc sụp đổ hơn nửa.

Ngài ấy nói, Đỗ Tử của ngài không còn nữa rồi...

Mẹ kể rằng, sau khi kết thúc phẫu thuật, Thất công tử lặng lẽ ôm "Đỗ Tử" - khối hạch được lấy ra từ cổ ta - đặt vào chiếc hộp gỗ linh sam (冷杉), rồi tự tay đem chôn cất tại biệt viện thôn Bỉ.

Ngài gọi đó là "bé con" của bọn ta, xem nó như một sinh mệnh đáng thương đã ra đi. Ngài ấy đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan nỗi đau mất mát, dù ta đã an toàn trở về.

Thật thương tâm làm sao! Cảnh tượng ấy chỉ nghe qua thôi đã đủ khiến người ta đau lòng đến khôn nguôi. Huống chi, ngay cả ta, vào lúc đó chắc cũng chẳng có cách nào giải thích rõ cho ngài ấy hiểu, chẳng thể an ủi ngài ấy.

Thôi thì đành để ngài ấy tự mặc nhận.

Nửa canh giờ sau, từ nơi cửa phòng, ta thấy bóng người bước vào, dáng vẻ xiêu vẹo như trúc gãy. Thất công tử thân vận áo bào thanh sắc, hai má đỏ ửng, ánh men như vương vất trên từng đường nét. Hơi rượu nồng nặc theo mỗi bước chân của người càng khiến không khí trở nên khó xử, nhưng đôi mắt kia, dù mơ màng, vẫn ánh lên nét dịu dàng khi nhìn ta.

"Nương tử, nàng tỉnh dậy rồi à? Hức, để Tử Yên đến bắt mạch cho nàng!"

Ngài vừa nói, vừa loạng choạng tiến đến bên giường. Chẳng kịp giữ lễ, ngài ngồi bệt xuống ghế kê chân, kéo tay ta rồi cẩn thận dò mạch.

Động tác nghiêm túc lạ thường ấy chỉ duy trì được một thoáng, ngài bỗng gục đầu lên bàn tay ta, giọng nói líu ríu như tiểu hài tử: "Hôm nay, Tử Yên thi uống rượu với cha nàng... Hức, nhưng tửu lượng ông ấy thật kinh người! Tử Yên phải uống đến hai vò mới thắng được ông ấy!"

"Cha nàng nói sẽ lấy mấy vò nữ nhi hồng chôn dưới gốc sơn tra để đãi khách trong lễ thành thân của nàng. Nhưng nàng là nương tử của Tử Yên rồi! Cha nàng muốn gả nàng cho ai nữa đây?"

"Không được! Ta với nàng đã ký tư ước. Nàng phải gả cho Tử Yên, nếu không..." Dứt lời, ngài đột ngột thay đổi sắc mặt, nói bằng giọng dứt khoát hiếm thấy.

Ngài dừng lại, nét mặt thoáng chút trầm ngâm, rồi bất ngờ bật cười: "Nếu không, Tử Yên sẽ phạt nàng... dùng roi đánh vào mông nàng!"

Rồi thật chậm rãi, ngài cúi đầu, áp môi lên lòng bàn tay của ta. Nụ hôn ấy kéo dài như một lời thề không lời, vừa thắm thiết vừa khiến lòng ta chấn động.

"Ta không nỡ đánh nàng, dù cho nàng có không ngoan, ta cũng không nỡ làm nàng đau..." Giọng ngài khẽ khàng, nhưng đủ nặng trĩu lòng ta.

"Ta..."

Còn ta càng không muốn thấy chàng khóc!

Bằng tay còn lại, ta nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc xõa dài của người, chậm rãi vuốt ve, nhịp nhàng âu yếm. Ngài ngẩng mặt nhìn ta, gương mặt đỏ bừng tựa ánh đào xuân. Nhìn ngốc ngốc, lại trông buồn cười, đến mức ta phải mím môi để không bật cười.

"Nương tử, ta tặng nàng!" Ngài bất ngờ thò tay vào ngực áo, lấy ra một nhúm hạt hướng dương đặt vào lòng bàn tay ta. "Cha cho ta, nhưng ta để dành hết cho nàng! Chờ khi nào nàng khỏe thì mới được ăn nha!"

"Còn nữa!" Chưa dừng lại, ngài tiếp tục lục lọi trong tay áo, lấy ra một quả quýt nhỏ, đặt vào tay kia của ta: "Quýt này... Ngư Ngư trộm của Hồng Xuân rồi đưa cho ta. Nhưng ta giữ lại để tặng nàng!"

Còn chưa hết, từ trong tay áo còn lại, ngài rút ra một chiếc lược cài tóc, chiếc lược vàng tinh xảo. Ngài đặt nó lên bụng ta, giọng nói lộn xộn mà chân thành: "Mẹ của Tử Yên cho ta lược này, để chải tóc cho nương tử. Ngoại thúc phụ nói, đây là của hồi môn của nàng..."

"Sau này ta cùng nàng kết tóc (結髮) mãi không đứt đoạn... Mỗi ngày, mỗi ngày... ta sẽ đều chải tóc cho nàng..."

Ngài cúi đầu, giọng nói run run như mong mỏi:

"Nương tử, nàng có vui hay không?"

"Nương tử, nàng có vui hay không?"

Lời hỏi ấy cứ lặp lại, khiến lòng ta dậy lên niềm xúc động khôn tả. Người trước mặt ta, dù ngây ngô, dù say khướt, vẫn mang theo tấm chân tình không chút giả dối.

------

Theo Kinh Dịch, tiết Hàn Lộ (寒露) thuộc quẻ Bác biểu trưng cho giai đoạn mà âm khí bao trùm, dương khí lụi tàn. Hình tượng quẻ này rõ ràng: phía trên chỉ còn một hào dương yếu ớt, trong khi năm hào âm bên dưới phô bày sự thịnh suy chênh lệch giữa hai nguồn khí cơ bản của vũ trụ. Đây là lúc âm thịnh dương suy, khi sức mạnh của trời đất chuyển từ sự tràn đầy của mùa hạ sang nét u tịch của mùa đông.

Tiết Hàn Lộ mang đến không gian ảm đạm, trầm mặc, khi ánh sáng mặt trời ngày càng yếu ớt, nhường chỗ cho sự thâm trầm, lạnh lẽo của sương giá. Cả vũ trụ tự nhiên dường như khoác lên mình tấm áo mờ đục của màn sương mỏng, cây cối rụng lá, vạn vật co mình, động vật di cư hoặc chìm vào giấc ngủ đông. Âm khí lan tràn khắp nơi, kéo theo sự suy kiệt của sinh lực. Con người, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, cũng dễ mắc bệnh tật, tâm trạng trĩu nặng, cảm giác thê lương và u uất như bao phủ lấy cuộc sống.

Quẻ Bác (剝) của tiết này còn được tạo thành bởi hai quái tượng trưng cho sự đối lập: quái Cấn (艮) phía trên là núi, còn quái Khôn (坤) phía dưới là đất. Khung cảnh gợi nên hình ảnh núi non hùng vĩ nhưng không tránh khỏi sự bào mòn theo thời gian bởi gió mưa, thể hiện sự tiêu hao, chuyển hóa không ngừng của vạn vật.

Tiết Hàn Lộ không chỉ là điểm giao mùa, mà còn là biểu tượng của sự chuyển đổi trong khí tiết và trạng thái vũ trụ. Câu ca dao dân gian: "Hàn lộ hàn lộ, khắp nơi lạnh lộ." (寒露寒露,四处寒露。), diễn tả tinh tế thời điểm mà hơi lạnh bắt đầu tràn ngập khắp nhân gian. Những cơn mưa kéo dài dường như khắc sâu thêm vẻ âm u, hoang lạnh của đất trời. Ban ngày tuy vẫn còn chút ánh sáng và hơi ấm, nhưng khi đêm buông, cái rét cắt da càng trở nên rõ rệt.

------

Với những người làm nghề nông, năm có hai vụ lúa quan trọng: một vụ gieo vào tiết lập xuân, vụ kia vào mùa hè. Khi đến tháng 9 âm lịch, lúa đã chín rộ, người nông dân bắt tay vào thu hoạch. Đến ngày 10 tháng 10 hoặc rằm tháng 10 âm lịch, người ta trang trọng tổ chức lễ cúng cơm mới, với bánh nếp, chè kho, và các món đặc sản khác. Những món này được kính dâng lên bàn thờ gia tiên, sau đó biếu tặng bà con, họ hàng, biểu lộ lòng tri ân và sự gắn bó thân tình.

Chè kho - món ngọt truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, là một trong những lễ phẩm không thể thiếu trong dịp này. Được làm từ đậu xanh, đường, và vừng rang, món chè vàng óng như ánh lúa mùa thu, mang hương thơm dịu của dầu chuối hoặc vani, vị ngọt thanh và đậm đà. Công đoạn chế biến tỉ mỉ, từ việc ngâm đậu, đãi vỏ, đến đồ chín, đánh tơi, và khuấy đều trên bếp, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo.

Ngoài chè kho, còn có chè con ong. Đó là một món ăn từ gạo nếp, mật mía, gừng, và lạc, dẻo thơm mà nồng nàn, như gói gọn trong đó sự no đủ và hạnh phúc của mùa màng bội thu.

Ở một số vùng quê, ngày lễ còn là dịp để nhắc nhớ đến công đức của Tiên Nông - vị thần bảo hộ ruộng đồng qua những lễ vật như gạo đầu mùa, chim ngói, và hồng chín. Hành động biếu tặng này, gọi là tục sêu Tết, là nét đẹp trong mối giao hảo và truyền thống văn hóa cộng đồng.

Tháng Mười âm lịch cũng là thời điểm thuận lợi để thu hoạch các loại dược liệu quý, khi khí hậu giao hòa giữa nóng và lạnh, thảo mộc đạt độ sung mãn nhất. Theo Dược lễ, ngày mồng Mười tháng Mười được xem là thời điểm kết tinh đủ khí âm dương, là dịp lý tưởng để thầy thuốc thu hái, bào chế, và chuẩn bị các phương thuốc quý, đồng thời tổ chức lễ tạ ơn thiên nhiên và tri ân tổ nghề. Ngày này cũng được gọi là Tết Thầy Thuốc, tôn vinh công lao của những bậc danh y tận tụy vì sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ có ý nghĩa với nông dân và thầy thuốc, ngày lễ này còn quan trọng với các ông Đồng, bà Cốt - những người mang khả năng kết nối thần linh và con người. Ngày lễ được tổ chức linh đình, với cỗ bàn dâng cúng, vừa để tưởng nhớ các thần linh, vừa là dịp hội họp với đệ tử, bạn hàng.

-------

Sau tiết Trùng Dương, vừa qua vài ngày đã đến lễ Song Thập (雙十) (10/10 AL).

Khi ấy bệnh tình của ta đã ổn định phần nào, có thể rời giường, gắng gượng chống gậy hoặc nhờ xe lăn gỗ để dạo quanh sân. Thường ngày, Thất công tử chính là người tận tâm đẩy xe cho ta, nhưng đôi lúc, ngài ấy lại bày trò, ngang nhiên đòi cõng ta đi quanh nhà.

Có mấy lần cha mẹ và Tô thúc ngăn cản, thế là ngài ấy liền cõng ta trốn vào từ đường, báo hại cả nhà phải đi tìm ta mất hết nửa ngày. Mãi đến khi mặt trời ngả bóng mới thấy hai người: một kẻ đắc ý cười lớn, một người lặng lẽ cúi đầu e thẹn.

Từ đấy về sau, chẳng ai còn cố sức ngăn ngài ấy nữa. Miễn sao ngài không làm ta đau, thì ngài muốn làm gì, mọi người cũng đều mắt nhắm mắt mở bỏ qua.

Lúc này Tô thúc có mời Địch Lan [翟蘭] tiên sinh đến biểu diễn cho nội tổ mẫu xem kịch, nên Thất công tử nhân cơ hội ấy mà thân cận tiên sinh, cố công học thuộc vài khúc hát do chính Địch Lan sáng tác.

Có một bài hát tên là Hoa và thiếp (花与妾).

Đó là khúc hát chẳng phải để phô trương trước đám đông, mà chỉ dành tặng cho một người lắng nghe. Dẫu kỹ thuật chưa trọn vẹn, nhưng từng câu chữ ngài cất lên lại đầy chân tình, khiến lòng ta không khỏi rung động.

Lời hát như sau:

"Gió núi nhẹ qua, trăng tựa sương,

Người thê thiếp trách khẽ phu quân xa vắng.

Hoa nở khắp sân, hương thơm bốn bề,

Chỉ riêng mình nàng đợi trong khuê phòng trống trải.

Lá biếc lay động, hoa đầy trong giỏ,

Nàng nhìn thấy chàng, lòng liền an yên.

Người đẹp hơn hoa, hoa cũng kiều diễm,

Nhưng sao sánh được lời tán dương của chàng?

Ánh chiều rực rỡ, ý tình triền miên,

Nàng cúi hỏi khẽ: "Chàng yêu ai hơn?"

"Hoa giống giai nhân, người tựa bức họa,

Nhưng nhìn lại, ta vẫn là người đẹp nhất!"

Nàng thẹn thùng, hoa cũng run rẩy,

Bẻ cành hoa nhẹ vỗ lên vai chàng.

Tiếng cười trong sân, quấn quanh trúc xanh,

Xuân sắc vô biên, bên nhau trọn đời."

Phiên âm Hán Việt:

Sơn phong khinh a, nguyệt như sương

Tiểu nương tử u oán oán phu lang

Hoa khai mãn đình, hương tứ tán

Khước độc lưu nhân không khuê phòng.

Thúy diệp dao a, hoa doanh lam

Tiểu nương tử kiến lang tâm diệc an

Nhân tỉ hoa kiều, hoa dã mị

Chẩm địch lang quân nhất thanh tán?

Hồng hà phi a, ý triền miên

Tiểu nương tử đê vấn lang ái thuỳ?

"Hoa tự giai nhân, nhân như họa

Đãn khán lang quân, tối phong hoa."

Kiều nhân tu a, hoa vi chấn

Thủ chiết hoa chi khinh phách lang kiên

Đình viện tiếu thanh, nhiễu thanh trúc

Xuân quang vô hạn bạn thiền quyên.

Hán Việt:

山风轻呀,月如霜

小娘子幽怨怨夫郎

花开满庭,香四散

却独留人空闺房。

翠叶摇呀,花盈篮

小娘子见郎心亦安

人比花娇,花也媚

怎敌郎君一声赞?

红霞飞呀,意缠绵

小娘子低问郎爱谁

"花似佳人,人如画

但看郎君,最风华。"

娇人羞呀,花微颤

手折花枝轻拍郎肩

庭院笑声,绕青竹

春光无限伴婵娟。

(*) Muốn viết một bài giống như bài Đời đời kiếp kiếp không chia lìa (生生世世不分离) - Ost game Áo Cưới Giấy 2: Thôn Trang Linh. Bài này trong game nghe rất hay kể cả bản gốc lẫn bản hiện đại. Nhưng cũng muốn bài của mình hát theo kiểu hí khúc á, mặc dù có lời nhưng chưa biết sẽ theo giai điệu nào...

Mỗi lần ngài ấy hát xong liền cười như xuân quang, hỏi ta: "Ta và hoa nàng yêu ai hơn?" Thế là ta liền trầm tư đáp lại: "Đương nhiên là hoa!"

Nghe xong đối phương liền giãy giụa, ta bèn giải thích: "Bởi vì ngài đẹp giống hoa!"

Đối phương lập tức nín khóc, dang tay ôm ta vào lòng, tì cằm lên vai ta đáp lại: "Ta cũng vậy!"

Nghĩa là ngài ấy cũng tự thấy mình ấy đẹp như hoa!

------

Theo lễ tục xưa, tiết Sương Giáng (霜降) là thời điểm đất trời chuyển mình, khí hàn gia tăng, dễ nhiễm bệnh phong hàn. Người ta truyền rằng ăn hồng đỏ trong tiết này không chỉ xua tan giá lạnh, làm ấm cơ thể mà còn mang ý nghĩa cát tường.

"Đông lưu Tây hồng" không đơn thuần chỉ là lời dạy bảo, mà còn hàm chứa đạo lý hài hòa âm dương, thuận theo tự nhiên. Theo phong thủy cổ truyền, nhà hướng Nam, phía Đông nên trồng cây lựu - loài cây ưa sáng, hoa đỏ rực rỡ, quả ngọt lành, đón nhận ánh mặt trời buổi sớm để sinh trưởng tốt đẹp. Người ta tin rằng cây lựu ở hướng Đông là điềm lành, mang tài lộc, may mắn vào nhà.

Phía Tây là nơi mặt trời buông ánh nắng gay gắt, thích hợp trồng cây hồng - loài cây khỏe khoắn, cao lớn, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Lá hồng chắn nắng, quả hồng vàng óng dưới ánh chiều, tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy. Quả hồng tròn trịa như chiếc đèn lồng đỏ, biểu tượng của đoàn viên, là món quà quý cho gia đình mỗi độ thu sang.

Sáng nay, Thất công tử cõng ta đi dạo trong vườn. Từ xa, ta đã thấy cây hồng trước cửa phòng cha mẹ sai quả, từng chùm lủng lẳng khiến lòng vui vẻ.

Mẹ kể rằng hồng đã được hái từ sớm, một phần rấm trấu để ép chín, phần khác ngâm nước tro cho mất chất chát. Mấy hôm trước, lúc mẹ và mọi người làm hồng treo gió, Thất công tử cũng nhiệt tình tham gia. Ngài ấy chiếm trọn một góc sân, tuyên bố rằng đó là phần để dành riêng cho ta, không ai được tranh giành.

Ở nguyệt môn có một nhánh hồng trĩu xuống thấp, Thất công tử liền thúc giục: "Nương tử mau hái cho ta!" Giọng điệu vội vàng như sợ cha trông thấy sẽ trách phạt vì dám hái trái trộm.

Ta nhớ lại lần trước, khi Ngư Ngư dẫn Thất công tử, A Phúc và Mít đến từ đường hái xoài, cha đã mắng cả bọn vì vặt trụi cả cành khi trái chưa kịp chín cây. Ấy vậy, Thất công tử còn lén mang về phòng năm sáu trái, còn giấu dưới gầm giường, nói rằng chờ chín sẽ bắt Hồng Xuân gọt cho ta. Khi ta hỏi xoài ở đâu, ngài ấy chỉ cười hề hề rồi nịnh nọt, thú nhận đã ăn thử hai trái, nhưng vị chua khiến ngài nhăn mặt khổ sở.

Hậu quả của vụ việc là A Phúc bị Lộc Can bắt chẹt vì tham lam và "ẩu đả" với hắn, dẫn đến Tô thúc xử phạt cả bọn. Lộc Can và A Phúc bị trừ bổng nửa tháng, chịu "lao dịch nặng nhọc". Ngư Ngư bị Tô thúc đánh đòn, còn Mít thì bị Hồng Hạnh phạt mất ba cây lạp xưởng vì tội hùa theo. Chỉ riêng Thất công tử thoát tội vì chỉ đứng nhặt xoài rụng. Ngài ngồi đó, nhìn cả nhóm chịu phạt, lại cười ngây ngô như chẳng liên quan gì.

Ta nghĩ bụng: Thật "ác" dã man!

Nhưng vì ngài ấy không ngoan, ta cũng "phạt" ngài bằng cách bắt đi rửa xoài để dâng lên tổ mẫu và cha mẹ.

"Nương tử, mau lên!" Thất công tử lại hối thúc, giọng háo hức như trẻ nhỏ.

Đành chiều lòng, ta bẻ trái hồng đỏ, chùi sạch vào vạt áo ngài ấy rồi đút cho ngài ăn.

"Cám ơn nương tử!" Ngài ấy cười vui vẻ sau đó vác ta đi gặp Ngư Ngư.

Hôm nay Ngư Ngư lại cúp học.

Ngư Ngư đến ở nhà ta là do cha nó gửi gắm, Ngư Ngư nói với cha muốn đi kinh thành học nên cha nó liền đáp ứng. Nhưng sau đó nó lại đòi ở lại trấn Bạch Mai, thế nên cha nó đành lòng chiều chuộng nó. Tiền nong lo đủ, nhưng nó thường xuyên cúp học, hôm nay lại lấy cớ ốm để trốn ở nhà.

Tô thúc với tính cẩn thận của bậc cha chú, e sợ bệnh tật lây tới ta, đã dọn riêng chỗ cho Ngư Ngư nghỉ ngơi, giao gia nhân chăm sóc chu đáo.

Ta cùng Thất công tử, không nén nổi tò mò, bèn lén lút tới thăm. Thất công tử bảo sáng nay ngài qua thăm, thấy Ngư Ngư vẫn khoẻ mạnh, nằm phơi nắng ngoài hiên mà đọc thoại bản, miệng cười khanh khách như chẳng có bệnh tật gì.

"Ngư đại ca có ở đó không?" Thất công tử bất chợt gân cổ rống lên.

Giật mình, ta vội vàng bịt miệng ngài ấy.

Ôi trời, ngài ấy lại dở tính xấu, nếu không phải Tô thẩm và mọi người đều đi làm việc hết, e là đã bị ngài ấy làm phiền đến điếc tai.

Thất công tử với bản tính nghịch ngợm lại bật cười, đôi vai rung lên: "Ta đùa đấy!"

"Không vui chút nào!" Ta nhéo tai ngài ấy một cái, sau đó tụt xuống đất. Ngư Ngư nghe động tĩnh liền ra, giọng đầy bực bội: "Lang quân mới sáng sớm, ngài rống cái gì vậy?!"

"Ta đưa nương tử tới thăm đại ca đó, cảm ơn ta đi!" Thất công tử đáp, không chút áy náy.

"Cám ơn ngài nhó!"

Ngư Ngư đáp lại bằng vẻ mặt lạnh tanh, nhưng khi quay sang ta, lại cười tươi rói: "Ta mới sưu tầm được hai quyển thoại bản mới toanh, chưa đọc đâu! Để tiểu nha tử đọc trước nhé!" Ta gật đầu sau đó đi theo Ngư Ngư ngồi xuống ghế đẩu bên hiên.

Những trang thoại bản vừa lật mở, ta thấy câu chuyện đã đến hồi cuối, vậy mà tình cảm giữa nam nữ chính vẫn chưa trọn vẹn, liệu có phải kết thúc bi kịch?

"Đọc không hiểu, chẳng thú vị gì cả!"

Thời nay thoại bản đã được cải tiến, không chỉ có chữ mà còn thêm tranh minh hoạ sinh động. Thất công tử ngồi bên, tiện tay lật vài trang, rồi chán nản thở dài.

"Thế ngài đọc sách y của mình đi!" Ta nhắc nhở.

"Thôi, nghỉ một bữa!" Ngài đáp, rồi nằm dài trên bàn, nghịch lọn tóc của ta.

"Tử Yên lười..."

"Hay ngài đi kiếm Mít mà chơi!"

"Mít giờ có Chuối rồi, đâu cần Tử Yên nữa!" Ngài bĩu môi.

Chuối [槯] là bạn lữ mới của Mít, được Tô thúc mang về để Mít không cô đơn. Dạo gần đây, hình như Chuối đã mang thai, chẳng biết vài tháng nữa sẽ sinh được bao nhiêu chú chó con?

"Vậy ngài muốn làm gì?" Ta lại hỏi.

"Đi thả diều đi!" Ngài ấy hào hứng nói.

"Nhưng A Bảo bận rộn lắm không thể dẫn ngài đi được đâu!" Ngư Ngư chống cằm nói.

Quả thật, A Bảo đang tất bật chuẩn bị sính lễ để dạm hỏi Hồng Hạnh. Cả gia đình bận rộn với việc chọn lễ vật và trang phục phù hợp. Ta đã chuẩn bị hai bộ trang sức cho Hồng Hạnh, nhưng thấy chưa đủ hoàn mỹ, lại gọi nghệ nhân sửa thêm vài chỗ. Thất công tử thấy vậy, liền nằng nặc đòi ta làm cho ngài một chiếc kim quan mới.

Không thích buộc tóc, nhưng A Phúc bảo buộc tóc mới đẹp, ta mới thích nên ngài ấy nhất quyết đòi cho bằng được.

Lúc này tần suất ngài ấy gọi ta là bạn nhỏ ít hơn hẳn, chỉ có mấy lúc không vui, hoặc buồn ngủ mới gọi ta như vậy thôi. Mà không vui cũng chủ yếu do ta không thèm ngó ngàng đến ngài ấy. Có mấy lần còn bắt ngài ấy tách phòng về phòng cũ ngủ riêng, vì ta muốn ngủ cùng với mẹ.

Bởi vì chúng ta còn là những đứa trẻ con mà!

Không muốn lớn!

Làm người lớn không vui vẻ lắm!

Ta thích nũng nịu với mẹ và cha, nhưng Tử Yên lại bắt ta phải dỗ dành ngài. Thật làm khó ta quá!

"Vậy phải làm sao bây giờ?"

"Thôi Tử Yên tự chơi một mình!" Ngài ấy nói rồi đứng lên táy máy tay chân tạo kiểu tóc cho ta.

Ngư Ngư ngồi bên cạnh chề môi.

Tỏ ý dè bĩu.

Khi ta đọc xong hai quyển thoại bản, trời đã xế trưa. Thất công tử lúc này đã tết xong hai bím tóc xinh xắn cho ta, còn mình thì ngủ gật trên ghế.

Hồng Hạnh về không thấy ta, liền biết ngài ấy cõng ta đi trốn, nên dẫn Hồng Xuân đi tìm. Phủ tuy không lớn, nhưng góc khuất không ít. Thất công tử vốn mê trò trốn tìm, nên phải nhờ đến Mít với chiếc mũi thính mới lần ra được dấu vết của ngài ấy.

Hồng Hạnh mời ta đến ăn cơm cùng cha mẹ và nội tổ mẫu ở nhà chính. Nghe nói hôm nay Diễn Khí Đạo Nhân ghé chơi, hắn còn mang đến rất nhiều lễ vật làm quà tặng.

"Thuật sĩ giang hồ không phải sẽ tặng mấy cái bùa bình an, vòng cầu phúc gì đó hay sao?" Ngư Ngư dè bĩu nhưng Hồng Xuân lại véo má nó.

Lễ vật mà vị đạo nhân mang đến không phải những thứ tầm thường, mà là đặc sản từ miền duyên hải, hải sản dường như chiếm phần lớn trong số đó.

Ngư Ngư nghe nhắc đến hải sản liền nhảy đổng lên. Trần đời này, Ngư Ngư kị nhất với hải sản, phàm là những món có hải sản nó liền nhăn mặt. Bởi vì cái tên Ngư Ngư [魚魚] nó vốn mang nghĩa "con cá nhỏ".

Thất công tử thấy nó như vậy liền cười hả hê, ngài nói:

"Ngư chiết vĩ, nhân tiếu,

Ngã thuyết, mệnh do thiên.

Đãn nhược vi sa đỉnh,

Hà thảm bất thành tiên?"

Dịch thơ:

Cá mất đuôi, người cười,

Ta bảo, mệnh tại trời.

Chỉ cần vào nồi cát,

Há chẳng hóa thần thôi?

Dịch nghĩa:

Cá mất đuôi, người cười chế giễu,

Ta đáp lại: "Đó là số mệnh do trời định."

Nếu được đưa vào nồi cát (món ngon cao quý),

Thì cũng đâu đáng buồn, chẳng phải hóa thành thần tiên sao?

Hán ngữ:

鱼折尾,人笑,

我说,命由天。

但若为沙鼎,

何惨不成仙!

Mỗi lần như vậy Ngư Ngư liền chống cằm, chán nản đáp:

"Ngư than: vĩ bất tại,

Nhân tiếu: ngốc mộc tài.

Thử vĩ đương dư quả,

Hà hà! Toạ thử lai!"

Dịch thơ:

Cá than: "Đuôi chẳng thấy?"

Người cười: "Ngốc như cây!"

"Đuôi ta làm chả lụa,

Thôi kệ, đợi ăn đây!"

Dịch nghĩa:

Cá than thở: "Cái đuôi của ta đâu rồi?"

Người đứng ngoài trêu chọc: "Đúng là ngốc, giống khúc gỗ vậy!"

Cá đáp lại: "Đuôi ta chắc đã thành chả lụa,

Thôi mặc kệ, để ta ngồi đây chờ ăn chung luôn!"

Hán ngữ:

鱼叹:尾不在,

人笑:木头呆。

此尾当余果,

哈哈!坐此来!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro