Chương 37: Mê Ly Bất Định, Thử Mệnh Nại Hà (迷離不定, 此命奈何)
[♪] Mê Ly Bất Định, Thử Mệnh Nại Hà (迷離不定, 此命奈何): Mông lung không điểm dừng, với mệnh này biết làm sao?
------
Thái Minh Châu sau đó được nội tổ mẫu của ta triệu kiến, nhưng người bị chọc tức không phải nội tổ mẫu của ta mà là nàng.
Tổ mẫu ta vốn là một người hiền từ, từ khi ta tỉnh lại, chưa hề thấy bà nóng giận với ai bao giờ. Nhưng bà lại là người rất có chính kiến, cũng là người từng trải, nuôi nấng bốn người con thành công đến vậy, phải là một người nghiêm khắc, trong nhu có cương.
Lần này, nội tổ mẫu không chỉ trách cứ, mà còn giảng dạy, sửa đổi. Bà dùng lời lẽ nghiêm khắc mà khoan dung, dẫu Thái Minh Châu cứng đầu đến đâu cũng chẳng thể phản bác lấy một câu.
"Thái thị, ngươi vốn là tiểu thư con nhà danh giá, dung mạo đoan trang, tư thái hơn người, lẽ ra nên biết thân phận mình mà cư xử. Ngươi tưởng yêu đương là lẽ sống duy nhất của đời người sao?"
"Nếu không giữ được lễ giáo, ngươi lấy tư cách gì để nối dõi dòng tộc, để cha mẹ ngươi ngẩng cao đầu mà nhìn thiên hạ? Ngươi nghĩ rằng hạnh phúc là thứ có thể chỉ cần đòi hỏi mà có, bất chấp tông môn, bất chấp gia phong sao? Ngươi không biết rằng, một khi ngươi vứt bỏ lễ giáo, ngươi sẽ không chỉ làm tổn hại đến chính bản thân, mà còn khiến cha mẹ ngươi, tổ phụ ngươi, cả gia đình phải chịu bao nhiêu tiếng xấu từ miệng đời? Ngươi có bao giờ suy nghĩ rằng mình có đang làm nhục những người đã sinh ra và nuôi dưỡng ngươi không?"
"Ngươi sống trong nhung lụa, nhưng có nghĩ rằng bao nhiêu người phải đổ máu, mồ hôi để đổi lấy sự an nhàn cho ngươi không? Thay vì oán trách vận mệnh, ngươi nên tự hỏi mình đã làm được gì để đáp đền. Yêu thương là gì? Là thứ cảm xúc yếu đuối, bồng bột của kẻ thiếu chín chắn, hay là trách nhiệm để xây dựng một gia đình bền vững? Ngươi có thể vì một chút tình cảm nhất thời mà hủy đi cả đời mình, liệu có đáng không? Hãy tỉnh lại đi, đừng để bản thân lạc lối nữa. Thứ mà ngươi cần không phải là tình yêu như mây khói, mà là lòng kiên định và cái nhìn xa hơn, vì chính ngươi, vì gia đình và vì danh dự mà ngươi đang mang trong mình."
Những lời nội tổ mẫu nói như dao cứa vào lòng Thái Minh Châu, từng câu từng chữ như nói trúng tim đen nàng. Nàng không thể bật lời, chỉ biết cúi đầu, nước mắt tuôn trào.
Khi trở về, Thái Minh Châu bật khóc. Nàng khóc nức nở, không dừng được.
Trách mối tình đầu của nàng không còn thơ ngây nữa, hờn trách tất cả mọi người, vì sao lại không thành toàn cho nàng, vì sao không thể để nàng có được hạnh phúc riêng của mình. Vì sao bắt buộc nàng phải sống giống như mẹ nàng? Cả đời phải chịu xa cách với người mình thương... Còn hơn cả chia ly về mặt địa lý, chính là phải chịu cảnh âm dương cách biệt.
Dẫu biết rõ hiện thực, Thái Minh Châu vẫn không cam tâm. Nàng yếu đuối thừa nhận rằng mình khao khát được yêu, được quan tâm, được chiều chuộng. Nhưng cái nàng nhận được từ gia đình chỉ là sự đổi chác: tình thương luôn kèm điều kiện. Nàng sống trong nhung lụa, nhưng lại lạc lõng đến mức không có một người bạn để tâm sự.
Cha muốn nàng phải trông giống một khuê nữ thế gia, mẹ nàng thì sợ hãi cha nàng, nên buộc nàng phải học đủ thứ loại nữ công, học đủ loại tư thái, để sau này có thể gả nàng vào một ngôi nhà có địa vị tương xứng với họ. Còn hai vị cô cô của nàng, một người ghen ghét vì nàng được sủng ái hơn con gái mình, một người xem nàng là cái bóng thế thân cho đứa con đã khuất. Riêng nội tổ phụ của nàng hết mực nghiêm khắc, ông trọng nhất chính là danh dự, không thể để cho một ai hành động sơ xuất, sự trừng phạt của ông ta chính là sự trừng phạt nặng nề nhất. Ông ta không hề vị nể tình thân đối với bất cứ ai, kể cả con gái thân sinh của mình.
Đến mùa thu này, Thái Đông Lăng sẽ bị xử tử. Nhưng từ nửa tháng trước, Thái Uy đã cho Kiều Bích Phù tự tay xử lý mẹ nàng bằng một bình thuốc độc. Bà ta chết với một cái chết đau đớn tột cùng khi lục phủ ngũ tạng đều bị hư hoại, còn thân xác của bà ta sẽ được hỏa táng. Đứa con trong bụng của Kiều Bích Phù cũng được trục ra, vì là kết tinh cận huyết, nhất định sẽ biến thành quái thai, ông không cho phép bản thân có một đứa cháu dị dạng như vậy. Kiều Bích Phù hiện tại đã được an dưỡng tại một trang viên, nhưng sau này nàng bị buộc quy y để cầu siêu cho mẹ nàng, để có thể thay bà ta chuộc tội.
------
Trong cơn men say đến độ thất thố, Thái Minh Châu run rẩy bật lên từng tiếng nấc nghẹn ngào khi nàng lẻn vào trù phòng, tự ý lấy ra hai bình rượu dâu tằm của ta.
"Thương thị, ta thật ngưỡng mộ cô!" Nàng bật cười khan, gương mặt đỏ ửng ánh lên vẻ ngông cuồng, bất cần. Không để ta kịp phản ứng, nàng đột ngột ôm chầm lấy ta. Thất công tử đứng bên giận dữ đến mức bật khóc, vừa rít lên vừa cố gỡ tay nàng ra khỏi ta.
"Vì sao mọi ân huệ tốt đẹp trên đời này đều dành cho cô?"
"Bởi vì..." Tất cả mọi ưu ái đó đều dành để bù đắp lại tất cả mất mát của ta.
"Bởi vì sao?" Nàng lại nghiêng đầu, một tay choàng chặt cổ ta, tay kia nâng bầu rượu uống đến cạn kiệt. "Bởi vì cô đáng thương sao? Một kẻ yếu đuối bệnh tật như cô... sao không chết đi cho thanh thản? Sống làm gì để nhọc nhằn? Ta cũng mệt mỏi lắm... Thương thị, ta sợ lắm. Những thứ họ cho ta đều khiến ta phải trả giá. Ta không muốn nữa!"
"Thương thị, cô có hận ta không?" Ánh mắt nàng ta bỗng trở nên trong trẻo, lột trần hết vẻ kiêu căng thường ngày. Nàng bóp cằm ta, vẻ mặt vừa oán trách, vừa khẩn thiết. Nhưng ngay sau đó, như không thể gồng mình thêm, nàng gục xuống vai ta, thì thào: "Ta muốn cô hận ta, thù ghét ta, xem ta là đối thủ. Vì từ trước đến giờ, chưa ai xem ta là bạn, mà cũng chẳng ai đủ sức đối đầu với ta mà thắng."
"Cô mau buông nương tử của ta ra!" Thất công tử lại rống lên, nước mắt nước mũi chảy đến tèm nhèm.
Thái Minh Châu quay ngoắt sang, lườm ngài ấy một cái, giọng lè nhè cảnh cáo: "Mặc Đam công tử... Hức... Ngài, không được ngăn cản ta đối phó với nàng này! À quên, ta phải gọi ngài là phu quân mới đúng!" Nàng cười nhạo lên, đôi mắt ngà say đầy vẻ bất cần.
"Ta nói cho phu quân biết nhé! Ta thích chàng là một, vì chàng đối xử tốt với ta, tử tế với ta mà không đòi hỏi ta đáp trả. Là chàng nhường nhịn để ta lấn lướt, ta mới thích chàng. Nhưng bây giờ ta tuyên bố, ta sẽ không thích chàng nữa..." Vừa nói, nàng vừa siêu vẹo ôm chầm lấy ta, cười khanh khách.
"Ta thích nàng này hơn. Nàng nhường nhịn ta, cho ta uống rượu ăn bánh, nàng cũng không trách không hờn ta. Ta sẽ bắt nàng về... làm... làm nô tỳ rửa chân cho ta! Ha ha ha..." Nàng ta vỗ nhẹ vào mặt ta mấy cái sau đó tiếp tục ôm chầm ta, kể chuyện luyên thuyên thuở nhỏ.
"Minh Châu ta không phải là người có đầu óc, ức... Ta vốn không cần phải suy nghĩ tính toán để tranh giành. Vì ta nhất định sẽ chiến thắng!"
"Thương thị, ta năn nỉ cô đó! Cô có thể nào đừng coi khinh ta đi... ức, cứ coi ta là đối thủ của cô được không? Dù có thua ta cũng cam tâm!"
Lời nói hỗn xược khiến Thất công tử không kìm được nữa, giậm chân hét lớn: "Ai cho phép cô nói năng như thế? Mau buông nương tử của ta ra!"
"Hứ, ai thèm nói chuyện với chàng hả? Ta đang nói chuyện với nàng này, còn nói chuyện với con của ta trong bụng của nàng... Chàng mau tránh ra đi!" Thái Minh Châu quay lại sau đó đẩy ngã Thất công tử.
Thất công tử ngồi bệt xuống đất giãy dụa đành đạch.
Thái Minh Châu dựa vào cổ ta cười khùng khục: "Ha ha ha, đáng đời chàng... Ai biểu chàng giành nàng này với ta? Ta nói cho chàng biết nha Mặc Đam phu quân, ta quyết định bắt nàng này và con của nàng đi theo ta rồi! Chàng có cản cũng không cản được đâu!" Bất thình lình nàng lại nhướng cổ hôn nhẹ vào mặt ta một cái, rồi nháy mắt với Thất công tử. "Xem đấy, phu quân ngài có làm gì được ta?"
"Cô... cô... cô!" Thất công tử giận run người, nhưng lại luống cuống. Bèn lập tức đứng dậy, kéo Thái Minh Châu ra, nhưng nàng ta đã nắm cánh tay ta thật chặt.
"Ai cho cô hôn nương tử của Tử Yên? Cô có tin ta đánh cô nữa không?" Nói rồi "bé" Tử Yên hung hăng giơ cánh tay thật cao.
"Nè mặt nè đánh đi..." Thái Minh Châu cười hả hê, sau đó chỉ vào mặt mình. "Ta không sợ ngài đâu nha!"
"Ta muốn hôn thì hôn!" Nói rồi nàng lại kéo mặt ta về phía nàng mà hôn một cái nữa. Một tiếng chụt rõ to.
"A... A... Tức chết ta rồi!" Thất công tử dậm chân, dứt khoác kéo ta về phía mình rồi ôm thật chặt vào lòng, sau đó dùng trường bào bọc ta lại, che kín hết mặt mũi của ta.
"He he he..." Thái Minh Châu mệt mỏi ngồi bịch một cái trên ghế bên cửa sổ. "Ngài tưởng ngài làm như vậy ta không dám hôn nàng kia nữa hay sao? Sai rồi, ta sẽ nhân lúc ngài ngủ, ra lệnh cho hạ nhân bắt nàng mất tiêu luôn! Không cho ngài độc chiếm nàng!"
"Không chịu, cái đồ đáng ghét kia, ta ghét cô!" Thất công tử hét lên, đôi mắt đỏ hoe đầy phẫn nộ.
"Kệ chàng, ghét ta cũng được, ta không ghét chàng là được! Ta ghét nàng kia thôi, đời này của Thái Minh Châu chưa ghét ai bằng ghét Thương thị!"
Lí luận gì kì cục thế? Ta ở trong lòng Thất công tử bất lực dùng sức đẩy người để thoát khỏi ma trảo của người.
"Tử Yên muốn đuổi cô đi khỏi nhà ta!" Thất công tử hét lớn. "Tử Yên không phải là phu quân của cô, cấm cô gọi bừa!"
"Thái Minh Châu cũng muốn hưu phu!" Thái thị càng rống to hơn. "Ta muốn bỏ chàng, ta chỉ cần Thương thị và con của nàng thôi! Nàng đáng ghét, ta phải bắt nàng ở cùng ta để ta hành hạ nàng, kể chuyện tra tấn tinh thần nàng..."
"Chỉ có nàng mới biết lắng nghe, chịu lắng nghe..."
"Mà này, ta nói cho các người nghe..." Nàng nói một câu, sau đó âm lượng nhỏ dần rồi tắt hẳn.
------
Ta nhẹ nhàng vỗ vào lưng Thất công tử, ngài mới miễn cưỡng buông ta ra. Khi quay đầu lại, ta nhìn thấy Thái Minh Châu đang nằm gục xuống bàn, ngủ ngon lành. Chỉ khi say rượu làm loạn, nàng ta mới có thể trở về bản chất nguyên thủy nhất của mình: Một đứa bé không chịu trưởng thành!
Nhưng ta chợt nhớ lại những lời nói mơ hồ mà nàng thốt ra trước đó, và cảm thấy mình vừa nắm bắt được điều gì đó thú vị.
"Nương tử!" Giọng Thất công tử lại vang lên, mang theo chút nũng nịu. "Nàng phải đền cho Tử Yên!"
"Đền gì?" Ta ngẩng đầu nhíu mày nhìn ngài ấy, nhưng tâm trí vẫn hơi mơ hồ lẫn lộn.
"Khi nãy nàng cho Thái thị hôn hai cái, nàng cũng phải để Tử Yên hôn lại hai cái!" Ngài ấy đưa ra điều kiện đầy vẻ nghiêm túc, cứ như đang bàn chuyện trọng đại.
"Không cho!" Ta lại lắc đầu, cố ý né mặt đi, rồi ra ngoài cửa gọi Hồng Hạnh và Hồng Xuân vào.
"Hừ!" Thất công tử dậm chân một cái, lẽo đẽo theo ta, không ngừng mè nheo. "Cho nàng lựa chọn..."
"Một là để ta hôn nàng, hai là nàng tự động hôn ta... Chọn đi!" Đối phương đứng chắn trước mặt ta, sau đó chống nạnh ra lệnh. "Ta là phu quân, nàng là thê tử. Lời ta nói đều là mệnh lệnh, nàng nhất định phải nghe lời ta!"
"Bé" Tử Yên hôm nay còn học đòi gia trưởng nữa cơ đấy!
"Hửm?" Ta nheo mắt hứng thú, khoanh tay nghiêng đầu nhìn người.
Lập tức, khí thế kia lại xìu xuống một bậc, ngài ấy ấp úng nói: "A Phúc với Ngư đại ca bảo rằng nam nhân phải mạnh mẽ, nói câu nào thì câu ấy chính là đinh đóng vào cột! Với lại họ bảo ta phải thị uy với Thái thị thì nàng ta mới sợ, mới không còn ức hiếp nàng." Ngài ngừng lại, vẻ mặt như đang đấu tranh nội tâm. "Đại thúc bán rau lại bảo, thê tử nhường nhịn phu quân thì nhà cửa mới yên ấm. Nếu thê tử không nghe lời thì phải... phải đóng cửa lại mà dạy dỗ."
"Vậy Tử Yên dạy nàng, nàng có nghe lời ta không? Bạn nhỏ?" Một chút khí thế hừng hực nhen nhóm lên, Thất công tử lén lút gằn giọng gầm gừ một tiếng.
"Ngài nghĩ sao?" Ta hỏi, giọng cố ý mang theo chút giễu cợt.
Ngài gật đầu, như lấy hết can đảm để đáp: "Nghe, nhất định phải nghe! Nàng thích Tử Yên nhất cơ! Nàng đáng yêu, ngoan ngoãn, nên Tử Yên cũng thích nàng nhất!"
"Không!" Ta lạnh lùng phủi bỏ quan hệ tương thân tương ái, sau đó đi đến phòng kế bên.
Một thư phòng nhỏ, gọi là tàng thư các mà cha vừa mới sửa sang lại cho ta. Thất công tử cũng liền lẽo đẽo theo sau, vừa bước vào phòng liền đóng cửa thật chặt, còn cẩn thận gài then lại.
"Ngài?" Ta vừa lấy cuốn sách từ kệ thấy ngài ấy làm vậy liền thản thốt. Sau đó ngài ấy lại nở ra một nụ cười đểu cáng, xoa hai lòng bàn tay vào nhau mà sấn tới ngay trước mặt ta.
Phen này nàng chết chắc! Khà khà...
Với nét mặt đó, ta chắc chắn ngài ấy đang nghĩ vậy. Ánh mắt ngài ánh lên nét tinh quái, như một đứa trẻ vừa nghĩ ra trò nghịch ngợm.
"Tử Yên!" Ta nghiêm giọng gọi tên ngài.
"Có Tử Yên!" Ngài ấy khựng lại, vừa giơ tay lên cao vừa đáp lời khi được điểm danh.
"Ngài đứng yên ở đó cho ta!" Ta ra lệnh.
"Không!" Ngài từ chối, bước nhanh tới và không chút do dự dùng hai ma trảo kia bóp lấy mặt ta.
"Chụt... chụt chụt..." Sau những cú mổ liên hoàn từ trán đến hai má và cằm, ngài ấy mới thỏa mãn buông ta ra.
Từ ngày biết đến khái niệm "hôn hít", "bé" Tử Yên đã phát rồ đến một tầm cao mới. Ngoài nghiện đồ chơi, nghiện ôm ta, ngài ấy còn nghiện hôn.
Ta ão não tự lấy tay chùi mặt mình, trên đó chỉ toàn nước bọt. Sau đó ghét bỏ chùi vào áo của ngài ấy, nhưng ngài ấy chỉ ngây ngô cười ngờ nghệch, không biết xấu hổ.
Trong thế giới quan của ngài ấy, bấy nhiêu chuyện vụn vặt đó cũng đủ cho ngài ấy vui vẻ cả ngày.
Có những khi đi chơi với A Bảo, A Phúc về liền sai họ đến kể khổ với ta rằng ngài ấy nhớ ta dường nào, nhịn ăn đến đói khát, mất ngủ vì ta như thế nào, để ta mủi lòng thương sót. Nhưng có mấy lúc ta lén lút đến nhìn trộm ngài ấy chơi đùa cùng A Phúc và Mít, thì thấy được ngài ấy lại hồn nhiên chơi đùa rất hăng hái. Đùa giỡn đến mức hai má hây hây ửng hồng, mặt mày lại bừng bừng hứng khởi. Chơi giỡn xong liền nằm dài trên nền cỏ than vãn, sai bảo người đi lấy trà bánh cho mình, còn hét hò là quá chán nản, nhớ nương tử quá, muốn gặp nương tử. Làm cho ta không biết nên vui hay buồn, cũng chẳng biết lòng này càng nảy sinh rất nhiều thứ khó kiểm soát.
Ta cảm thấy bản thân mình bắt đầu biết đến cảm giác luyến tiếc...
Phải làm sao đây?
Người mà ta không nỡ từ bỏ nhất ở hiện tại... chính là Chức Tử Yên [職仔安]!
Có phải ta ích kỉ quá hay không?
------
Thái Minh Châu tỉnh táo lại nhưng nàng lại không nhớ gì cả. Nàng chỉ biết mình say rượu, sau đó có một giấc mộng đẹp. Thế nhưng nàng cũng biết rằng, bản thân lại ghét ta nhiều thêm một chút. Mỗi ngày chỉ tăng thêm chứ không thuyên giảm. Nhưng mà, những ngày gần đây nàng ta chẳng dám đến tìm ta để gây sự. Bởi vì ta không còn đủ sức để chịu đựng nàng ấy nữa, thêm cả Tử Yên. Ta nằm trên giường mê man ba ngày liền, cảm giác lúc này là nóng bức, khó chịu, là đau đớn.
Rất rõ rệt...
Rõ rệt nỗi đau đớn và sự ngột ngạt.
Toàn thân như bị thiêu đốt, nóng rực đến run rẩy, nhưng sống lưng lại lạnh toát đến đổ mồ hôi. Cơn đau kéo dài, tựa như bị cầm tù trong thân xác chính mình: hạch sưng to, chèn ép thanh quản, đường hô hấp bị bít tắc, phải kê cao gối mới có thể hít thở. Tay chân sưng phù, tê cứng, khiến mọi cử động đều trở nên bất khả thi.
Thất công tử lo lắng đến phát cuồng, nhưng tổ mẫu nghiêm khắc ngăn cản, không cho phép ngài bước chân vào phòng ta dù chỉ một lần. Tổ mẫu sai người đi thỉnh ngoại thúc phụ của Thất công tử, nhưng ông lấy cớ bận rộn mà từ chối đến, chỉ đưa ra một số phương pháp trị liệu tạm thời.
Nào là xoa bóp dẫn lưu hệ bạch huyết, tác động nhẹ nhàng lên các hạch để làm giảm sưng phù và thông đường dẫn lưu. Nào là dùng mật ong, tinh bột nghệ để đắp giảm viêm, hay chườm nóng, chườm lạnh luân phiên để giảm đau hoặc dùng dầu tràm để cải thiện tình trạng viêm nhiễm.
Những biện pháp ấy, tuy làm dịu cơn đau nhất thời, nhưng cũng chỉ như cố trì hoãn trước khi lão nhân gia kia chịu đến.
Có ngày kia, đang nằm trên giường bệnh, trong cơn mê man ta nghe rất rõ tiếng đổ vỡ và va chạm nặng nề. Nhưng trong phòng lúc ấy chỉ có Hồng Hạnh, Hồng Xuân và mẹ túc trực, tuyệt đối không thể có chuyện lớn như vậy.
Giữa tiếng cãi vã, gào thét thê lương vọng tới, ta bỗng thấy mình đang đứng giữa chính sảnh. Ở nơi đó có rất nhiều người đang tụ tập, bao gồm người thân của ta và Thất công tử.
Nhiều ngày rồi ta không được nhìn thấy ngài ấy...
Ta cứ thế đứng ở đó mà nghe tiếng họ tranh cãi. Người hăng hái nhất không phải là người trong gia đình ta, mà là Thái Trung cùng Thái Thu Hoài và tiền thê tử Khâu thị của mình. Trên gương mặt của Thái Thu Hoài còn hằn rõ một bàn tay năm ngón đỏ rực. Nhưng đầu tóc của Khâu thị có chút rối bời, trâm cài cũng theo đó mà xô lệch.
Ta lại đảo mắt, nhìn thấy Thái Uy đang ngồi trên xe lăn đối diện với tổ mẫu của ta. Hai khí thế ngút trời đối đầu nhau, một bên uy nghiêm cứng rắn, một bên lãnh đạm hiểm độc, khiến người ta không phân định nổi, nhưng quả thực không thể so sánh rằng ai hơn ai. Ngoài Thái Minh Châu, Nhượng Ninh thế tử, ta còn nhìn thấy một tiểu cô nương thanh tú rất quen thuộc.
Chỉ trong chốc lát, tiếng khóc lóc của họ lại vang dội. Đông đủ quá, chật hết cả chính sảnh nhà ta, đếm sơ qua cũng lên đến ba mươi, bốn mươi người. Thuộc phe phái nào, phản diện hay chính diện cũng không khống chế được. Là đại hội võ lâm gì đây? Như thế nào có thể tề tụ đầy đủ các cao thủ trên thương trường lẫn quan trường?
Thái Minh Châu lúc này đang quỳ gối trên mặt đất, nàng rất thê thảm. Còn trong tay Thái Uy chính là tờ hôn thú giữa nàng và Thất công tử. Ta thấy ông ta tức giận, biểu cảm lãnh đạm và tàn nhẫn đặc biệt xuất hiện qua đôi mắt kia. Nhưng ta không thể đoán được nội dung của các cuộc đối thoại rõ ràng. Ta thấy Thái Minh Châu khóc nghẹn lên, nàng níu tay của phụ thân mình, sau đó lại kéo tay mẫu thân mình. Còn Nhượng Ninh thế tử trông rất căng thẳng, ngay lập tức liền kéo nàng ra. Một cơn đau lan tỏa ập đến khi ánh mắt của Thất công tử nhìn về phía ta, sau đó một cỗ sức mạnh đã kéo ta trở về với hiện thực. Lúc này ta mở to mắt, nhìn lên trần nhà.
Mẫu thân nhìn thấy ta tỉnh giấc, liền nhẹ nhàng bước tới bên cạnh. Đôi mắt bà ánh lên nỗi lo âu xen lẫn chút an lòng khi thấy ta khẽ động. Bà đỡ ta ngồi dậy, kê thêm gối sau lưng, rồi cẩn thận bưng chén thuốc lại gần, dịu dàng khuyên nhủ: "Con gái ngoan, nào, uống thuốc đi cho khỏe."
Ta đưa mắt nhìn mẫu thân, rồi quay ra khung cửa sổ. Ánh sáng ngoài trời tựa như nhạt nhòa, khiến ta không rõ thời khắc này là sáng hay chiều. Một ngụm thuốc trôi qua cổ họng đắng chát, ta thều thào hỏi: "Mẫu thân, bây giờ đã là giờ nào rồi?"
Mẫu thân vuốt nhẹ mái tóc rối bời của ta, ánh mắt chan chứa sự dịu dàng: "Bây giờ đã là canh tám."
Chỉ mới nửa ngày trôi qua, vậy mà ta lại ngỡ như đã nằm đây một đời. Trong lòng đột nhiên nảy sinh một niềm khao khát khó tả, ta chậm rãi ngỏ lời: "Mẫu thân, con muốn ra ngoài."
Giọng nói yếu ớt ấy như một lời van nài. Mẫu thân thoáng khựng lại, nhưng rồi bà khẽ thở dài, đôi mắt đong đầy sự thương cảm. Cuối cùng, bà cũng đồng ý.
Ta được Hồng Xuân đẩy ra vườn trên chiếc xe lăn gỗ. Ánh mặt trời buổi sớm chiếu rọi qua những tán lá, sắc vàng nhạt rơi xuống như phủ lên cảnh vật một lớp lụa óng ả. Dưới ánh nắng ấm áp, ta có cảm giác như một con mèo nhỏ, chỉ muốn cuộn mình lại để tận hưởng hơi ấm dịu dàng ấy.
Đã vào tiết Tiểu Thử (小暑), thời khắc báo hiệu sự chuyển mình của đất trời khi bước vào giai đoạn nóng bức đầu hè. Tiểu Thử không gay gắt như Đại Thử (大暑), nhưng cũng đủ khiến người ta thấy nặng nề bởi cái nóng ẩm len lỏi trong không khí. Đây là mùa mưa lũ, là thời khắc của những cơn giông và đôi khi cả mưa đá. Các loài sinh vật, từ côn trùng đến chim muông, đều tranh thủ sinh sôi trong mùa thức ăn dồi dào này.
Khi đất trời chuyển sang tiết Tiểu Thử, con người cần chăm sóc sức khỏe kỹ hơn vì rất dễ mắc cảm mạo, phát nhiệt, bệnh về máu (như huyết áp, tim mạch, tai biến, đột quỵ).
Ngồi giữa khu vườn, cảm nhận luồng gió nhẹ thoảng qua, đột nhiên ta nảy sinh một ý nghĩ thật trẻ con: ta muốn ăn hồ lô ngào đường.
Đột nhiên rất muốn ăn hồ lô ngào đường.
Rất thèm.
Cảm giác thèm thuồng ấy đến bất ngờ mà mãnh liệt. Ta không kìm được, liền nói với mẫu thân. Bà lặng người một thoáng, ánh mắt rưng rưng, rồi gật đầu vội vàng sai Hồng Xuân ra phố mua cho ta vài xiên.
Ngẩng đầu nhìn bầu trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi, lòng ta bỗng trở nên bình yên lạ thường. Ta biết rõ, hôm nay ta sẽ không lựa chọn để rời bỏ cõi đời này. Đây không phải là hồi quang phản chiếu. Chỉ đơn giản là ta thấy mình tốt hơn một chút, như thể cơn bệnh tạm thời nhường lại cho ta khoảnh khắc nhẹ nhõm hiếm hoi.
Ta thèm vị ngọt ngào của hồ lô ngào đường để xua đi cái đắng chát vẫn đọng lại nơi đầu lưỡi. Là dư vị của thuốc đắng hay của máu đây?
------
Có lẽ, ông trời vẫn còn quá ưu ái cho ta...
------
Người xưa tin rằng, mọi sự trong nhân gian đều có thời điểm, có nhân duyên, kể cả việc đại sự như hôn nhân cũng không thể tách rời khỏi sự vận hành của thiên tượng.
Theo sách xưa chép lại, mùa Hạ, tức là các tháng Tỵ, Ngọ, Mùi (tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu âm lịch), thường xuất hiện những ngày gọi là "Không Phòng" (空房). Cụ thể, đó là các ngày Tuất (Khuyển), Hợi (Trư), và Mùi (Dương). Những ngày này bị coi là bất lợi cho việc kết hôn, bởi chúng mang theo điềm báo cô đơn, trắc trở, dễ dẫn đến bất hạnh lâu dài trong cuộc sống hôn nhân.
Các bậc trưởng thượng thường răn dạy rằng, hôn nhân vào ngày Không Phòng có thể khiến gia đình bất hòa, vận khí suy giảm, hôn sự không thuận buồm xuôi gió. Người ta tin rằng những ngày này âm dương khó điều hòa, thiên thời bất hợp, chẳng khác nào đặt nền móng gia đình trên cát, dễ lung lay, sụp đổ.
Đây chỉ kỵ việc kết hôn, việc ăn hỏi không kỵ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là ngày Không Phòng chỉ kỵ việc thành thân, còn các nghi lễ như ăn hỏi, vấn danh, dạm ngõ lại không bị ràng buộc. Việc ăn hỏi mang ý nghĩa trao đổi tín vật, biểu lộ sự kính cẩn và lòng thành của hai gia đình, nên không thuộc phạm trù cấm kỵ. Lễ nghi này không bị ảnh hưởng bởi tiết khí, bởi bản chất của nó chỉ là tiền đề cho hôn nhân chính thức.
Cổ nhân dạy rằng: "Nhân sinh hữu thời, thiên địa hữu mệnh, thuận thiên lý tắc cát, nghịch địa khí tắc hung." (人生有时,天地有命,顺天理则吉,逆地气则凶。)
Dịch nghĩa:
"Đời người có thời vận, trời đất có mệnh số; thuận theo lẽ trời thì cát tường, trái nghịch khí đất thì hung hiểm."
Việc cân nhắc ngày giờ trong đại sự như hôn nhân không phải mê tín, mà là trí tuệ dung hòa của những bậc hiền nhân đi trước, vì mục tiêu cao cả là sự hưng vượng của gia đình và dòng tộc. Hơn nữa, sự thành tâm của đôi bên cùng lễ nghi trang trọng đủ để hóa giải những điều bất lợi. Thế nên, người xưa thường chọn ngày lành tháng tốt cho việc đại hỉ, vừa để thuận theo thiên ý, vừa để trấn an lòng người, cầu mong hạnh phúc vẹn tròn.
------
Đêm Thất tịch năm nay ta vẫn còn ốm nặng, không thể tham dự, cũng chẳng thể thả đèn hoa.
Nhưng theo truyền thuyết xưa, mỗi năm chỉ một lần vào ngày này, Ngưu Lang và Chức Nữ mới được gặp nhau nơi cầu Ô Thước. Chuyện cũ lưu truyền, càng nghe lại càng thấm lòng bi ai của nhân thế.
Hồng đậu hay còn gọi là "tương tư tử" (相思子).
Một loại đậu nhỏ nhắn, vỏ đỏ thẫm như máu đông, bóng loáng như son. Cây hồng đậu cứng cáp, chẳng dễ phai màu hay mối mọt, là biểu trưng cho mối tình bất diệt. Nghe đâu, loài đậu này chính là huyết lệ của những người vợ ngày đêm thương nhớ phu quân, một giọt máu biến thành hạt đậu, gửi trọn nỗi lòng thương nhớ vào đó. Hồng đậu không chỉ dùng làm vòng đeo cổ, đeo tay, mà còn được người ta đặt dưới gối tân hôn, cầu cho vợ chồng hòa thuận, ân tình trọn kiếp. Gỗ cây lại rắn chắc, có thể trích màu để nhuộm, lá trái xoan hay thuôn sít nhau, hoa dày đặc mọc vòng - tất cả đều gợi nên hình ảnh một thứ tình cảm chặt chẽ, không dễ lìa xa.
Ngoài ra nó còn có tên gọi là cây trạch quạch, muồng cườm hay cườm rắn.
Năm nay, ta nhận được một chiếc vòng tay bằng hồng đậu, cầu cho bình an, do Ngô Thập Nhị tặng. Nào ngờ vừa thấy chiếc vòng, Thất công tử đã lập tức đoạt lấy, đeo vào tay mình, ngang nhiên tuyên bố: "Nàng có Tử Yên là đủ rồi!"
Tên gọi Tử Yên [仔安] chính là gánh vác sự bình yên. Tự thân ngài muốn trở thành sự an ổn vững chãi của đời ta, chẳng cần nhờ cậy bất kỳ ai.
Thất công tử bảo rằng Ngô Thập Nhị hôm trước còn mang trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa đến tặng cho cả nhà. Gần đây, người lui tới thường xuyên nhất nhà ta cũng chỉ có vị họ Ngô này. Lúc thì đi một mình, khi lại cùng với Gia Huyền, không chút câu nệ. Nhiều khi ta thầm nghĩ, phải chăng người này thật sự rảnh rỗi đến thế?
Nhưng không hề, chính lúc ta vẫn còn băn khoăn, mẹ và cha bước vào phòng ta nói một chuyện đầy kinh hách: Nhà họ Ngô đã viết một tờ sính thư (聘书) nhờ bà mai ngỏ ý muốn cầu hôn và bàn tính chuyện hôn sự với nhà ta.
Không những thế, Ngô Thập Nhị còn đích thân đưa song thân của y đến để ra mắt, còn có thể gọi là đánh úp, khiến nhà ta trở tay không kịp. Như muốn gấp rút đặt điều ước định.
Nhưng nội tổ mẫu và đại bá đã từ chối. Trong lúc ta còn bệnh liệt giường, chuyện hôn sự không phải là chuyện hợp lẽ để cắc nhắc.
Thái Minh Châu nghe tin bèn hả hê cười khẩy. Tuy nàng không tự mình ra mặt, nhưng tì nữ của nàng lại chạy đến đụng độ với nhà họ Ngô, kèm theo đó tiết lộ chuyện ta đang mang thai cốt nhục của Thất công tử, còn gièm pha rằng ta tranh giành, dây dưa với phu quân của nàng. Điều này khiến gia đình Ngô Thập Nhị bối rối, còn ta thì lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Song thân của Ngô Thập Nhị nổi giận, nhưng vì sự kiên trì của y nên họ đành vuốt giận, hạ giọng xin nghe rõ đầu đuôi từ phía gia đình ta. Nội tổ mẫu không vội vàng, chỉ định dời buổi gặp mặt sang ngày khác để chuyện trò minh bạch, cũng như giải quyết dứt điểm những chuyện này. Và cha mẹ của Ngô Thập Nhị cũng là người tri thông lễ đạt, thế nên họ đồng ý.
Có điều, ngày hôm sau, đành ủy khuất ta phải chịu lộ dạng. Cũng có thể làm ta bị đả kích một số chuyện. Cha mẹ thương xót ta, vốn dĩ định nghe theo lời tổ mẫu để giữ bí mật, thế cũng lại sợ Thái Minh Châu nói loạn làm bệnh tình của ta càng trở nặng hơn, đành quyết tâm dứt khoác để ta biết chuyện.
Mấy ngày này, cha mẹ bảo ta hãy cố gắng tịnh dưỡng, không nghĩ ngợi lung tung. Thế mà ta lại cảm thấy người có sắc mặt ảm đạm không nhất định là mình.
Thất công tử ở bên cạnh, ngồi lắng nghe hết toàn bộ câu chuyện, thẩm thấu từng lời của cha ta. Nhưng người lại không hề phản ứng lại. Dường như thất thần, lại có chút suy tư, hạt bụi nắng từ bên ngoài cửa sổ kéo vào, đậu lên vai áo người lại khiến cho ta chướng mắt mà muốn thổi nó đi.
Cha mẹ nói xong, ở lại cùng ta một chút, sau đó rời đi.
"Nương tử!" Thất công tử bất giác nở một nụ cười, sau đó cong mắt nhìn ta. Trong tông giọng càng thêm dịu dàng, ngài bắt đầu nói: "Tử Yên hình như đã nhớ ra một việc, vô cùng quan trọng. Tử Yên phải nói rõ với nàng trước, sau đó sẽ tấu lại cho nhạc phụ!" Ngài cúi sát xuống, mặt dường như được phóng cực đại trước tầm mắt ta, làm nổi bật hoa văn hình ngọn lửa trên mi tâm.
Theo bản năng, ta lại đưa ngón tay của mình chạm vào nó. Vết mực son kia lại chẳng hề nhòe đi mà càng thêm sắc nét, có một chút lấp lánh, giống như bôi lên một chút nhũ vàng.
Ngài ấy khẳng định: "Tử Yên chưa bao giờ lập hôn thú với Thái thị, nên không thể tiêu hôn, cũng không thể hưu thê!"
Nói chính xác hơn, tờ hôn thú cùng hôn ước kia đều là giả.
Thất công tử nói rõ hơn, việc nhà Thái thị không biết chính xác ngày sinh của ngài, cũng như không có sự chứng thực từ trưởng tộc, là điểm yếu lớn nhất. Họ cũng không biết rằng ngoại thúc phụ của ngài còn sống, một nhân chứng quan trọng để phản bác mọi luận điệu sai trái. Ngài khẳng định với sự chắc chắn tuyệt đối, như thể đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Cũng như Thất công tử luôn khẳng định bản thân chưa từng in dấu vân tay vào bất cứ giấy tờ nào. Ngài ấy luôn đề phòng cảnh giác, chưa từng để bất kì ai nắm lấy tay mình, huống hồ bị ép kí tên.
Khi ta toan khuyên ngài khoan hãy bẩm rõ chuyện này với cha, Thất công tử liền cử động như muốn bước ra khỏi phòng. Trong phút chốc, ta níu lấy tay áo ngài ngăn cản: "Khoan đã!"
Trước tiên hãy để nội tổ mẫu xử lý theo cách của người. Nếu sự việc không thể giải quyết êm thấm, lúc đó công khai hẳn cũng không muộn.
Ta còn muốn nói, dù có hôn thú hẳn hoi đi chăng, thì chưa chắc hôn thú giữa Tử Yên và Thái Minh Châu đã hợp lệ.
"Tử Yên!" Ta cất tiếng gọi tên của người ấy như một âm hưởng ngân dài. Đôi môi nhoẻn một nụ cười nhẹ tựa sương mai. "Ta có một món quà muốn tặng ngài, vốn dành cho ngài vào ngày sinh thần (生辰)!"
Ngày Quý Dậu, tháng Đinh Tỵ, năm Đinh Mùi (4/6/1547 DL), tiết Hạ Chí. Ấy chính là ngày sinh chuẩn xác của người, đã được ghi tạc trong hồng khế (văn khế có đóng dấu mực đỏ) mà người từng trao cho ta khi còn ở Bồ Can. Nếu xét theo lẽ thật, ngài chỉ lớn hơn ta ba tuổi, chứ không phải năm tuổi như trong hôn thú do Thái Minh Châu định đoạt.
Ta tặng cho ngài ấy một cây sao chổi diện chẩn bằng thiết bọc gỗ ở tay cầm. Phần bọc gỗ có khắc 10 chữ: 穆风护火安,仔担万家薪。(Mục phong hộ hỏa an, Tử đảm vạn gia tân.)
Dịch nghĩa:
Phong thái ôn hòa giữ lửa bình yên, đôi vai gánh củi, sưởi ấm muôn nhà.
Bởi vì ta muốn ngài ấy dùng nó để chữa bệnh hạch bạch huyết cho muôn người, không phân biệt thân sơ, càng không ngoại lệ là ta. Sau này nếu không có ta của sau này, ngài ấy nhìn vật cũng có thể nhớ đến trước đây ngài ấy từng đã dốc hết lòng cứu chữa một người có nan bệnh. Mà cũng ở sau này, ngài ấy cũng có thể dốc hết lòng để cứu chữa những người khỏi nan bệnh.
Không có sự hối tiếc.
Ta với tay lấy chiếc hộp gỗ đặt dưới gối, nâng nó cẩn thận trao vào tay người ấy.
Nhìn ngài ấy nhận lấy mà mỉm cười. Trân trọng nó. Ta cảm thấy chính mình, hôm nay đã bớt xấu xa đi một chút, dù sự ích kỷ vẫn còn đong đầy.
"Cảm ơn nương tử, Tử Yên sẽ giữ thật kĩ!" Thất công tử ôm nó vào lòng, sau đó cúi xuống, để lại một nụ hôn phớt trên trán ta.
"Tử Yên!" Ta gọi ngài ấy.
"Có ta ở đây!"
"Ta mệt rồi, muốn ngủ!"
"Được, ta sẽ hát ru nàng!"
"Ừm!"
Người ấy bắt đầu ngân nga một khúc ca, từng âm điệu như gió thoảng qua những vạt lúa vàng, dịu dàng ru ta chìm dần vào giấc ngủ. Trong vòng tay người, ta cảm nhận được một sự bình yên kỳ lạ, tựa như cả thế giới phong ba ngoài kia đều chẳng còn ý nghĩa.
------
Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa - Kỳ Báu Cổ Thụ của Ngàn Mây Xanh
Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa là một loại trà quý hiếm, được chế biến từ những búp và lá của những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc hoang dại trên dãy núi Sơn La - vùng cao nguyên hùng vĩ. Tựa như một kỳ tích của đất trời, những cây chè nơi đây sinh trưởng trong khí hậu khắc nghiệt, mây phủ quanh năm, và sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm đã tạo nên loại trà đặc biệt có phẩm chất vượt trội.
Cách chế tác thủ công và phong vị độc đáo
Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa được sao thủ công trên chảo gang, sử dụng củi rừng làm nhiên liệu, giữ trọn hương vị nguyên sơ của núi rừng. Phương pháp sao cổ truyền này không chỉ mang đến cho trà mùi khói bếp thoang thoảng mà còn tôn lên sự hòa quyện hoàn hảo giữa hương thơm thanh khiết của núi cao và vị đượm đà, sâu lắng của búp trà cổ thụ.
Khi pha, Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa cho ra nước vàng óng ánh, sóng sánh như mật ong rừng. Lớp nước trà đậm đặc, mượt mà đến mức bám chặt vào thành chén, tạo nên một bức tranh sống động như ánh nắng ban mai nhảy múa trên mặt nước. Những bong bóng nhỏ lăn tăn xuất hiện khi rót nước trà không tan biến ngay, mà như muốn lưu giữ trong mình khí thiêng của núi non.
Hương vị vượt thời gian
Chén trà Tà Xùa như mang theo câu chuyện của ngàn đời. Vị chát đầu môi không hề gắt mà dịu dàng, đằm thắm, để rồi nhanh chóng nhường chỗ cho hậu ngọt lan tỏa, lưu luyến đến cả buổi sau. Hương trà phảng phất nét hoang dại của thảo mộc rừng sâu, nhưng vẫn ôm ấp trong mình mùi khói bếp gần gũi, gợi nhớ về những ngày xa xưa bên bếp lửa ấm.
Loại trà này có khả năng "đượm nước" đáng kinh ngạc: ngay cả ở lần pha thứ bảy, hương vị vẫn đậm đà như ban đầu. Điều này minh chứng cho chất lượng tuyệt hảo và sự kỳ công trong chế tác của người làm trà nơi đây.
Nguồn gốc và sự độc đáo
Những cây chè cổ thụ tại Sơn La không được trồng hay chăm sóc theo cách thông thường. Chúng mọc tự nhiên trên những ngọn núi cao tới 1.900m so với mực nước biển, hoàn toàn không chịu sự can thiệp của con người. Điều này không chỉ bảo đảm độ tinh sạch mà còn mang lại sự độc đáo hiếm có cho Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa.
Lá trà được phủ một lớp lông tơ trắng mịn, tựa như tuyết đầu đông, tạo nên tên gọi "Tuyết Trà." Sau khi chế biến, búp trà giữ nguyên lớp lông tuyết mềm mại, chứng minh cho sự nguyên sơ và giá trị của loại trà này.
Kỳ tích từ thiên nhiên và con người
Thu hoạch Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa không phải việc dễ dàng. Những cây chè cao lớn, cành lá um tùm khiến người hái phải trèo lên cây hoặc dùng sào hái từng búp. Công đoạn chế biến đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối, bởi chỉ một chút sơ suất cũng có thể làm hỏng cả mẻ trà.
Trải qua hàng trăm năm, Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa không chỉ là một thức uống, mà còn là biểu tượng của lòng kiên trì và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Với mỗi chén trà được nâng niu, ta không chỉ cảm nhận được hương vị tinh túy, mà còn nghe thấy hơi thở của núi rừng, tiếng vọng từ thời gian xa xưa.
Lời kết
Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa - thức trà cổ kính nhuốm màu lịch sử và phong vị ngàn năm - chính là báu vật mà đất trời ưu ái ban tặng cho vùng cao nguyên Sơn La. Thưởng trà không chỉ để uống, mà còn là cách để tâm hồn lắng đọng, để tìm về với những giá trị nguyên bản, chân thật nhất của đời người.
(*) Phóng tác và cấu tứ từ bài: Hiểu về Trà Cổ Thụ. Nguồn: www.traviet.com/
------
Luật lệ về hôn nhân trong xã hội phong kiến:
1. Hôn nhân là sự đồng thuận của bậc trưởng thượng:
Hôn nhân không chỉ là việc kết hợp giữa hai người, mà còn là sự liên kết giữa hai dòng họ. Quyết định hôn sự phải dựa trên sự đồng thuận của ông bà, cha mẹ, hoặc người trưởng tộc. Người phụ nữ không có quyền tự do chọn lựa bạn đời, bởi "cưới gả do ông bà, cha mẹ định đoạt chủ hôn." Trong khi đó, người đàn ông, ngay cả khi đã có chính thất, vẫn được phép lập thê thiếp, điều này hoàn toàn hợp pháp theo quan điểm gia trưởng thời bấy giờ.
2. Nghi lễ sính hôn bắt buộc:
Việc kết hôn không thể thiếu sính lễ. Nếu nhà trai không mang sính lễ đến nhà cha mẹ người con gái (hoặc người trưởng tộc nếu cha mẹ đã khuất) để xin phép, mà tự tiện kết hôn, thì bị coi là hành động cẩu thả, không tôn trọng lễ giáo. Trong trường hợp này:
Nhà trai phải chịu hình phạt biếm một tư và nộp tiền tạ lỗi. Người con gái phải chịu phạt 50 roi, một hình phạt nghiêm khắc thể hiện tính răn đe của xã hội.
3. Quyền lực của gia tộc và sự tước bỏ tự do cá nhân:
Luật lệ yêu cầu việc kết hôn phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc bậc thân thuộc. Quy định này nhấn mạnh quan điểm rằng hôn nhân là một trách nhiệm gắn liền với quyền lợi gia tộc, loại trừ hoàn toàn quyền tự do cá nhân của các đương sự.
Tuy nhiên, pháp luật cũng thừa nhận trường hợp ngoại lệ: nếu hai bên kết hôn khi làm ăn xa mà không thể xin ý kiến bậc trưởng thượng, cuộc hôn nhân vẫn có thể được xem xét hợp lệ, phù hợp với điều kiện lãnh thổ rộng lớn và giao thông khó khăn của xã hội thời đó.
4. Hậu quả của việc vi phạm lễ nghi:
Nếu nhà gái đã nhận sính lễ nhưng không gả con, người chủ hôn sẽ bị phạt 50 roi, và phải gả con gái cho người hỏi trước. Trong trường hợp người hỏi trước từ chối, nhà gái phải trả lại sính lễ gấp đôi, và cô gái có thể gả cho người hỏi sau. Nếu nhà trai đưa sính lễ mà không muốn cưới nữa, họ sẽ mất toàn bộ số sính lễ đã trao.
5. Hôn thú và các trường hợp bị tiêu hôn:
Hôn thú có thể bị xem xét tiêu hôn nếu phát hiện có dấu hiệu lừa gạt, ép buộc, hoặc thiếu sự đồng thuận hợp pháp từ một trong hai bên. Các điều kiện cụ thể như sau:
Hôn thú giả: Nếu phát hiện trong vòng sáu tháng từ khi sự việc bị lật tẩy, bên bị ép buộc có quyền khởi kiện. Hôn nhân sai lệch căn cước: Nếu sự nhầm lẫn về danh tính được chứng minh, bên bị nhầm lẫn có thể kiện xin tiêu hôn. Trường hợp bất lực: Hôn thú có thể bị hủy bỏ nếu một trong hai bên chứng minh được sự bất lực vĩnh viễn của đối phương từ trước khi lập hôn thú. Quyền kiện này có hiệu lực trong vòng một năm kể từ ngày khám phá.
(*) Trích dẫn hoặc phóng tác và cấu tứ từ bài: Chế định hôn nhân theo pháp luật phong kiến việt nam. Nguồn: fdvn.vn/
------
Sự phát hiện và ứng dụng vùng phản chiếu hệ bạch huyết trong Diện Chẩn: Cơ sở lý luận và hiệu quả điều trị
Việc phát hiện ra vùng phản chiếu của hệ bạch huyết trong phương pháp Diện Chẩn đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc, nâng cao đáng kể hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân. Khi đối diện với những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh kinh niên, bệnh nặng, hoặc ở trạng thái suy kiệt nghiêm trọng, việc áp dụng các kỹ thuật mát-xa này trước khi triển khai phác đồ điều trị được khuyến nghị. Điều này không chỉ hỗ trợ cải thiện tổng trạng mà còn củng cố nền tảng cho các liệu pháp tiếp theo.
Trái ngược với phương pháp dẫn lưu bạch huyết bằng tay truyền thống, tác động lên hệ bạch huyết thông qua vùng phản chiếu trong Diện Chẩn không có bất kỳ chống chỉ định nào. Đây là một phương pháp mát-xa phản xạ đa hệ, được xây dựng từ các đồ hình phản chiếu đặc thù của Diện Chẩn. Tuy rằng có sự vận dụng từ kỹ thuật mát-xa hệ bạch huyết bằng tay, phương pháp này không đụng trực tiếp vào các hạch bạch huyết, mà thay vào đó, chỉ kích thích lên não bộ để đẩy khí tới những vùng cần điều trị, thông qua các cơ chế phản xạ sinh học.
Ví dụ lâm sàng:
Trong trường hợp bệnh nhân bị liệt nửa người, quy trình điều trị sẽ được triển khai như sau:
1. Bắt đầu tác động lên vùng phản chiếu của hệ bạch huyết để kích hoạt lưu thông khí và hỗ trợ hệ miễn dịch.
2. Tìm kiếm sinh huyệt dọc theo lông mày, tương ứng với cánh tay bị ảnh hưởng, và tiến hành kích thích.
3. Tiếp tục xác định sinh huyệt dọc theo đường pháp lệnh, liên quan đến chân bị liệt, và thực hiện tác động.
Quá trình này thường kéo dài khoảng 15 phút, đem lại hiệu quả phục hồi rõ rệt mà không yêu cầu xoa bóp trực tiếp toàn thân như các phương pháp truyền thống.
Tính ưu việt và an toàn:
Khác biệt đáng kể so với phương pháp xoa bóp bằng tay trực tiếp lên hệ bạch huyết, việc kích thích vùng phản chiếu trong Diện Chẩn chỉ tác động qua não bộ, hoàn toàn không gây nguy cơ ách tắc hoặc tổn thương. Điều này biến phương pháp trở thành một liệu pháp độc đáo, an toàn và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu điều trị hiện đại mà vẫn giữ vững các nguyên tắc sinh học tự nhiên.
Như vậy, vùng phản chiếu hệ bạch huyết không chỉ là một phát kiến y học đầy giá trị mà còn là nền móng quan trọng cho mọi tiến trình điều trị trong Diện Chẩn, giúp đem lại lợi ích bền vững và toàn diện cho người bệnh.
(*) Phóng tác và cấu tứ từ bài: Tăng cường sức khỏe bằng đánh "6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết" theo phương pháp diện chẩn. Nguồn: hoiquandienchanbqc.com/
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro