Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 36: Xích Thằng Vị Phản, Thanh Tiễn Tật Trì (赤繩未返, 青箭疾驰)

[♪] Xích Thằng Vị Phản, Thanh Tiễn Tật Trì (赤繩未返, 青箭疾驰):

· 赤繩未返 (Xích Thằng Vị Phản): Dây tơ hồng chưa trở lại.

· 青箭疾驰 (Thanh Tiễn Tật Trì): Mũi tên xanh lao vút.

------

Đúng như dự đoán, chưa tới ba ngày, Thái Minh Châu cùng huynh trưởng của mình là Nhượng Ninh thế tử kéo theo một đoàn người đến trước cửa tư gia. Nhưng trái với tưởng tượng của mình, ta đã nghĩ rằng Nhượng Ninh thế tử với thân phận huynh trưởng, ắt hẳn sẽ bao che muội muội, dung túng nàng ta làm càn. Nhưng tình huống xảy ra lại khác hẳn: thế tử ấy chẳng những không bênh vực mà còn đích thân quỳ trước sân, thay mặt Thái Minh Châu mà dập đầu tạ lỗi với Thất công tử.

So với Thái Minh Châu, tính cách và tư thái hoàn toàn khác biệt. Không hổ là môn sinh được Thái bảo Khâu Mậu dạy dỗ để kế thừa dòng dõi thế gia. Nhưng đến phiên của Thái thị, vẫn cứng đầu, kiên quyết không nhận tội. Nàng không dám ồn ào trước mặt tư gia của ta để làm mất thể diện huynh trưởng mình, nhưng vẫn tựa như khúc cây đã uốn không nổi, dẫu biết sẽ gãy vẫn không chịu mềm đi.

Sau khi tạ lỗi cùng Thất công tử, Nhượng Ninh thế tử mới cất lời đề nghị hòa giải chuyện này. Thế nhưng với uy nghiêm của trưởng bối, cha ta không khỏi bừng bừng lửa giận, lớn tiếng hỏi: "Vậy các người muốn gì?"

"Hôm nay hạ bối thay mặt gia đình đến đây chỉ để tạ lỗi, còn việc trọng đại, đích thân ngoại công và mẫu thân sẽ đến bàn bạc sau. Hiện tại có hai con đường: hoặc là hòa ly, hoặc là để Minh Châu quay về bên phu quân." Đối phương liền đáp, nhưng việc này còn phải tùy thuộc vào quyết định của Thất công tử.

Lời nói này khiến cha ta cùng đại bá bật cười. Thật sự có thể xem như không tôn trọng trưởng bối? Huynh trưởng có quyền thay mặt cha mẹ tới đánh tiếng sao? Đặc biệt khi bọn họ đường hoàng đặt tờ hôn thư lên bàn, đầy đủ tên tuổi, sinh thần bát tự của Thất công tử và Thái Minh Châu, cùng chữ ký, dấu vân tay của người làm chứng.

Nhượng Ninh thế tử tiếp lời: "Nếu hòa ly, danh tiết của Minh Châu sẽ chịu tổn hại, nhưng nếu không hòa ly, chẳng thể để phu thê chia lìa đôi nơi. Ngoại công và mẫu thân hạ bối chắc chắn không chấp nhận chuyện này!" Lúc thành hôn còn có bà mối, người làm chứng, dù không kịp bái đường nhưng họ cũng được xem là phu thê được pháp luật công nhận. Không thể bàn cãi được.

Thái Minh Châu nhìn ta với vẻ dương dương tự đắc, nàng nở một nụ cười khiêu khích nhìn ta. Sau đó tự tiện bước tới gần Thất công tử, nắm tay gọi ngài ấy một tiếng "phu quân" đầy thân mật.

Thất công tử vốn từ đầu đã nóng lòng, lập tức đẩy nàng ta ra, chạy về phía ta, thanh minh: "Nương tử, nàng phải tin ta! Tử Yên không có!"

"Tử Yên không có in dấu vân tay gì đó, Tử Yên không phải là phu quân của nàng ta!" Gấp gáp, cuống cuồng, chỉ mong muốn được minh oan.

Đại bá không khỏi chau mày, ra lệnh kiềm chế Thất công tử để ngài ngồi xuống. Nhưng Minh Châu lại mất kiên nhẫn, cố thúc giục Nhượng Ninh.

Cha ta liền lên tiếng: "Thái thị! Ngươi còn nhỏ, hành động bộc trực, lời lẽ xốc nổi, chúng ta không trách. Nhưng chuyện hôn nhân không thể cưỡng cầu, cũng không thể dung túng. Ngươi đã đẩy kẻ khác vào bước đường cùng mà chẳng chút động lòng! Ngươi đã đẩy kẻ khác vào bước đường cùng mà chẳng chút động lòng. Cần nhớ rằng, chưa đủ tam thư lục lễ, chưa từng bái đường công khai trước gia đình đôi bên, sao có thể xem như đã thành phu thê?"

Minh Châu cứng đầu đáp lại: "Ta là đích phu nhân của chàng ấy, dù có tam thư hay lục lễ hay không!"

Đại bá trầm giọng quát: "Càn rỡ! Việc này, chỉ khi lệnh công của ngươi đến đây, gia mẫu ta mới có thể đích thân tiếp lời. Ngươi làm loạn như vậy, có khác gì phá bỏ lễ giáo?"

Cha ta cùng đại bá, vốn là những bậc trưởng thượng đầy uy nghiêm, dứt khoát không đồng ý việc hòa giải, lại càng không chịu bồi thường cho Thái Minh Châu. Họ lập luận rằng nàng đã sai, lỗi ở phía nàng, và việc hòa ly phải được thực hiện cho trọn phép tắc. Nếu không thể, thì chỉ còn cách nặng tay hơn, chính là "hưu thê" một cách đơn phương.

Khi nhắc đến hai chữ "hòa ly", Thái Minh Châu kiên quyết không đáp ứng. Khó khăn lắm nàng mới có thể cùng Mặc Đam công tử của nàng "cầm sắc hòa minh" (琴瑟和鸣), hà tất nàng dễ dàng từ bỏ như vậy. Còn huynh trưởng Nhượng Ninh của nàng thì muốn tìm ra một phương án khác, dễ dàng nói chuyện hơn. Nhưng chần chừ, dây dưa mãi cũng không đâu vào đâu.

"Hôm nay, bất luận các vị muốn thế nào, ta vẫn sẽ đưa phu quân của mình đi! Đây là chuyện nhà ta, các vị không có tư cách xen vào!" Trong cơn giận dữ, Thái Minh Châu lớn tiếng phản bác, đẩy tình thế lên đỉnh điểm căng thẳng.

"Minh Châu!" Nhượng Ninh gằng giọng chỉ trích. "Hồ nháo!"

"Ca, muội không có nói sai!" Thái thị tuy hạ giọng, vẫn ngoan cố cãi lại.

Bên này Thất công tử căng thẳng, ngài ấy nắm chặt góc khăn choàng của ta. Đôi mắt uất nghẹn ngấn lệ, sợ rằng ta sẽ một lần nữa buông tay ngài. Ta quay lại nhìn, ngài liền lắc đầu, như cầu xin ta đừng đẩy ngài vào cảnh ngộ cô độc thêm lần nào nữa.

Đại bá nghiêm giọng, đập tay lên bàn, nói: "Thế này cũng không được. Trước mắt, mời hai vị trở về trạm dịch nghỉ ngơi. Người nhà chúng ta cần hội ý thêm! Ngoài ra, ý kiến của Thất công tử cũng phải được tôn trọng."

Nhượng Ninh cúi đầu chào, cung kính thưa: "Tiểu bối xin tuân lệnh. Nhất định sẽ biên thư mời trưởng bối." Sau đó, y kéo Minh Châu rời đi.

Đến lúc này ta không thể nhịn được cơn trào dâng từ cuống họng của mình, đành vội chạy ra bên ngoài để nôn thốc nôn tháo. Trong lúc hối hả, cũng vô tình va vào Thái thị và Nhượng Ninh thế tử, làm cho họ chao đảo. Thất công tử lập tức chạy theo, hoảng hốt thốt lên: "Nương tử, nàng làm sao thế?" Ngài cúi xuống xoa lưng, xoa bụng ta. Mọi người đứng đó đều sững sờ. Khi ta ngoái đầu nhìn, thấy cha và đại bá mặt mày nghiêm trọng, còn Nhượng Ninh thì không giấu nổi vẻ kinh ngạc.

Chỉ riêng Thái Minh Châu ghim thù hằn, từ tia mắt lóe ra ánh lửa dữ dội. Thất công tử thế vô tâm, thay ta vuốt lưng, còn khom lưng cúi đầu ngang thắt lưng ta mà trách tội "đứa nhỏ": "Đỗ Tử, con hư quá, lại khiến mẹ con mệt rồi!"

"Đỗ Tử?" Cha ta nhìn vào bàn tay đặt ngay bụng của ta lặp lại lời nói.

"Đúng vậy, là Đỗ Tử, bé con của Tử Yên và nương tử đó!" Thất công tử tươi cười khoe khoang, không hề hay biết sự việc đã vượt ngoài dự tính.

"Hai người có con?" Đại bá cũng kinh động không kém, bình thường trầm ổn, nay lại lộ ra vẻ thất thố. Sau câu nói, ông ngã gục vì choáng váng, phải nhờ gia nhân đỡ vào. Thế là cha ta liền quyết định giữ chân Nhượng Ninh và Thái Minh Châu lại, không để cho họ ra ngoài nửa bước.

------

Hôn nhân không đơn thuần là chuyện tình cảm cá nhân mà còn là đại sự của hai gia tộc, được định đoạt theo luân lý, lễ giáo và pháp chế. Theo "Lễ ký" (禮記), nghi thức ly hôn bao gồm cả quyền bỏ vợ của người chồng và quyền yêu cầu ly hôn của người vợ, dù hiếm khi xảy ra. Dẫu vậy, cả bên chủ động và bên bị động đều được yêu cầu tự kiểm điểm, giữ gìn thể diện gia tộc và tôn trọng đạo đức xã hội.

Trong những hình thức ly hôn được ghi nhận, "xuất thê" (出妻) hay "hưu thê" (休妻) là phổ biến nhất. Đây là quyền của người chồng, nhưng không phải là đặc quyền dễ dàng sử dụng. Để "xuất thê" người chồng cần có lý do chính đáng, dựa trên bảy điều kiện gọi là "thất xuất" vốn xuất phát từ thời Xuân Thu: không sinh con, dâm loạn, bất hiếu với cha mẹ chồng, nói nhiều, trộm cắp, ghen tuông, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Mặc dù "xuất thê" được thừa nhận trong luật lệ, chế độ hôn nhân cổ đại cũng cho phép hình thức "hòa ly" (和离) - một giải pháp ly hôn dựa trên sự đồng thuận của cả hai bên. Đây là cách giải quyết hôn nhân êm thấm, nhằm tránh xung đột và giữ mối hòa hảo giữa hai gia tộc. Thủ tục này đòi hỏi sự hiện diện của người lớn hai bên gia đình, biện chứng rõ ràng và phải được pháp luật công nhận. Tờ hòa ly thường được soạn thảo với văn phong nhã nhặn, nhấn mạnh vào duyên phận đã qua, lỗi lầm của cả hai phía, và lời chúc phúc dành cho nhau sau ly hôn. Sau khi hòa ly, nhà trai thường phải bồi thường tài sản cho nhà gái. Văn bản hòa ly mang lời lẽ hoa mỹ, như một hình thức giữ gìn thể diện và bảo toàn danh dự cho cả hai bên.

Ngoài ra, người vợ trong trường hợp đặc biệt cũng có thể chủ động ly hôn thông qua "trình tố" (呈诉) - một hình thức tố tụng ly hôn. Đây là cách duy nhất mà người phụ có thể chủ động yêu cầu chấm dứt hôn nhân, nếu gặp phải những trường hợp như: Chồng bỏ trốn ba năm không trở về; Chồng dung túng thê thiếp ngoại tình; Chồng bức bách vợ bằng các hành vi trái đạo lý; Chồng gán vợ để trả nợ.

Tuy nhiên, việc này không dễ dàng, đòi hỏi lý do xác đáng và phải qua phán xét của quan phủ.

Chế độ ly hôn thời phong kiến không chỉ dựa trên quyền lợi cá nhân, mà chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích gia tộc và duy trì luân lý tông pháp. Địa vị của người chồng được xem trọng hơn, nhưng mọi hành vi của cả hai bên đều phải tuân thủ cương thường đạo lý. Hôn nhân và ly hôn không chỉ là chuyện của hai người, mà còn là trách nhiệm đối với dòng tộc và xã hội.

------

Nào ai khóc ròng, tim vương loang lổ?

"Nhiêm Nhi, sao con không nằm nghỉ đi?" Mẹ mở cửa bước vào, thấy ta đang nằm ngoài người bên bậu cửa sổ, đưa tay hứng lấy từng giọt mưa phùn lất phất.

"Con ổn, mẹ đừng lo!" Ta ngồi thẳng lưng đáp.

Chuyện ta hoài thai đã gây chấn động trên dưới Thương gia. Nhưng vì sợ nội tổ mẫu biết chuyện, nên đại bá, cha mẹ và Tô thúc vẫn giữ kín chuyện.

Nội tổ mẫu đang còn ở lại miếu của Miên công, nên có thể tạm thời giấu diếm. Đại bá lao lực, vẫn chưa thể xuống giường. Tô thúc có việc phải đi ra ngoài một chuyến, cũng sai Lộc Can đến kinh thành mời nhị bá trở về gấp. Riêng cha ta rất tức giận, ông giận Thất công tử rất nhiều, hiện tại đang ở phòng dưới lầu khiển trách Thất công tử.

Cha mời đại phu đến để chẩn mạch, mạch tượng vẫn như cũ, có dấu hiệu thai yếu. Nhưng ta lại thành thật thú nhận với mẹ, ta không hề hoài thai. Mẹ thoạt đầu bán tín bán nghi, nhưng sau cùng vẫn tạm chấp nhận lời ta, bởi bà là người duy nhất hiểu rõ tâm can của con mình.

Nhượng Ninh đã rời đi bốn ngày trước, nhưng Thái Minh Châu vẫn bị giữ lại Thương gia, sợ rằng nàng ta sẽ loan truyền chuyện ta hoài thai giả, gây ra thêm phiền toái. Gia đình quyết không để những sai lầm trong quá khứ tái diễn.

Mẹ cha lo lắng, bàn bạc cách "giải quyết" đứa con chưa từng tồn tại này. Trong khi ấy, danh nghĩa đã trói buộc ta cùng Thất công tử. Nay phu thê không thể chia phòng, nhưng cũng hiểu rõ vị trí của Thái Minh Châu. Nàng ta là đích thê, là chính thê danh chính ngôn thuận, còn ta chỉ là người đến trước.

Thế nhưng, có cha mẹ nào lại không thiên vị con cái mình? Cha mẹ nàng ta từng nâng niu nàng như châu ngọc, thì cha mẹ ta cũng xem ta là bảo bối, là cánh hoa sương mỏng manh đáng được chở che, hà tất vì người khác để ủy khuất con mình. Dẫu vậy, sự thiên vị này vẫn nằm trong chừng mực, không để kẻ khác trách móc gia phong Thương gia bất minh.

Ở chốn Bồ Can, đã đồn đãi đến mức không ai không biết ta là tiểu nương tử mà ngài ấy cưới về từ phương Bắc. Có nhiều lần, lý trưởng đã liên tục xác nhận lại, ngài ấy khi tỉnh táo cũng không hề phản bác. Nhưng ở trên công đường, ta vì muốn giữ thanh sạch cho ngài ấy liền làm rõ chuyện minh bạch giữa bọn ta. Chẳng muốn nói một lời giả dối nào. Cha mẹ để cho Thất công tử lựa chọn con đường của mình, và ta cũng vậy, sẽ tôn trọng và chấp nhận mọi quyết định của ngài ấy...

Mẹ vuốt tóc ta, sau đó âm thầm lau nước mắt. Bà nói: "Con gái của ta đã trưởng thành rồi! Bây giờ con đã làm mẹ, làm thê tử phải giữ đủ đạo nghĩa..." Bà nói rất nhiều lời, nhưng cho cùng lại tiếc bản thân chưa kịp gần gũi thương yêu con mình đã bị một tên trộm lấy cắp mất rồi.

Bà cũng dặn dò, tuy ta đã nên nghĩa phu thê với Thất công tử, nhưng cũng nên giữ khoảng cách, kiêng kị gần gũi. Giống hệt những lời mà đại phu ở Bồ Can đã nhắc nhở. Vì lần này "mang thai" đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bản thân. Cũng như có nguy cơ gây hại đến tính mạng, mẹ bảo ta phải đặc biệt thận trọng hơn.

Bà nói đôi lời, nhìn ta âu yếm sau đó xoay người rời đi. Ta biết tâm trạng lúc này của cha mẹ chính là tạp vị không thể phân trần.

"Nương tử!" Sau trận giáo huấn nghiêm khắc từ cha, Thất công tử hối hả chạy đến bên ta. Ngài ấy chưa kịp vào phòng đã lớn tiếng kêu inh ỏi, giọng nói hết mực uất ức vang vọng khắp gian phòng, nghe vừa oán trách, vừa ngây ngô đến tội nghiệp.

"Cha nàng mắng ta là đồ khốn đó!" Ngài ấy leo lẻo kể tội của cha ta. "Ta không có khốn đâu, ta rất ngoan, nghe lời nàng mà... Ta không quậy phá, không đập đồ, chỉ ngồi yên nghe cha nàng mắng ta là đồ khốn thôi!"

Rồi như sợ ta chưa đủ xót xa, ngài ấy tuôn thêm: "Ông ấy còn hừ hừ với Tử Yên, trừng mắt nhìn Tử Yên nữa..."

"Cha nàng ghét bỏ ta đó!"

Đôi mắt tròn xoe của ngài ấy long lanh như trẻ thơ. Nhưng ngay sau đó, giọng ngài lại biến hóa, thêm phần ấm ức: "Nhưng mẹ nàng vừa bước xuống liền nhào vào lòng cha nàng, khóc rấm rứt lên. Cha nàng liền trừng mắt, xua tay đuổi ta đi!"

"Nào nương tử, ôm bé Tử Yên một cái đi!" Ngài ấy đứng giữa phòng, dang rộng vòng tay chờ đợi ta bước đến gần.

Nhưng ta vẫn chần chừ, ngồi yên hướng mắt nhìn ngài ấy. Ta nhếch miệng cười, làm vẻ không quan tâm. Nhưng trong lòng có ai đoán được đã đắc ý vô cùng.

Tử Yên lại lững thững bước tới cúi người nhấc bổng ta lên, khiến ta bối rối phải ôm cổ người thật chặt. "Tử Yên, thả ta xuống đi!" Ta đánh nhẹ vào vai của người ấy.

"Không thả!" Ngài ấy tuyên bố dõng dạc.

"Không muốn thả!" Lại ôm ta đến bên trường kỉ rồi ngồi xuống.

"Cha nàng không cho ta gọi ông ấy là thúc, bắt gọi là nhạc phụ (岳父) nữa!" Ngài ấy đặt ta lên đùi mình mà ôm ấp, thế nhưng ta nhanh chóng thoát ra, đến bên đối diện ngồi xuống cho đàng hoàng. Thất công tử lại xụ mặt phụng phịu. Ngài ấy phồng má thở phì phò, hai tay khoanh trước ngực mình tỏ vẻ giận dỗi: "Nhưng ta, ta không gọi ông ấy là nhạc phụ đâu!"

"Tại sao?"

"Đó là cha nàng, ta gọi ông ấy là cha thì có phải Tử Yên là đại ca của nàng không? Tử Yên lớn hơn nàng đến 3 tuổi lận, Tô thúc nói vậy đó... Ta không muốn là đại ca của nàng, ta chỉ muốn làm phu quân của nàng thôi!" Mặt mày cau có, lí luận trẻ con.

Ta bất lực chỉ biết thở dài, vỗ đầu của Tử Yên vài cái. Phải giải thích sao cho người ngây thơ này hiểu đây?

"Nhạc phụ chính là cha của thê tử ngài, đồng nghĩa ngài được ông ấy chấp nhận là nữ tế (女婿)!"

"Vậy... vậy ta vẫn là phu quân của nàng đúng không?" Tử Yên mờ mịt hỏi.

"Ừm!"

"Thật hay quá!" Ngài ấy reo lên, đôi tay vỗ vào nhau như trẻ nhỏ vừa được bánh kẹo. "Ta sẽ có cha, có mẹ, có nàng và con cái nữa. Cám ơn nàng đã cho Tử Yên một gia đình hoàn chỉnh!"

"Vậy, ngài không cám ơn Thái Minh Châu sao?" Ta ủ rũ cầm chén trà trong tay, giọng đượm buồn bực hỏi. "Nàng ta cũng là thê tử của ngài mà!"

"Sai, sai hoàn toàn!" Ngài ấy nhoài người, vươn tay nhéo má ta. "Biết bao giờ nương tử mới hiểu đây? Tử Yên... ta chỉ là của nàng, hiểu chưa? Hiểu chưa? Đừng nói bừa nữa, Tử Yên không nghe lời nàng đâu!"

Ta liếc mắt nhìn ngài ấy, sau đó gạt tay đối phương. Sau đó lẩm bẩm: "Chưa chắc đâu!"

"Nương tử!" Ngài ấy đột nhiên gọi ta một tiếng.

Khi ta vừa quay mặt qua đã bị người đó đột kích. Một tiếng "chụt" vang lên rõ ràng, chỉ còn cách một chút nữa thôi, nơi ngài ấy hôn không phải là má của ta, chính xác hơn là cách khóe môi một khoảng rất gần. Nhanh chóng, ta cảm thấy mặt mũi mình đỏ bừng, ta trố mắt nhìn ngài ấy cười khờ khệch nói: "Tặng cho nàng một nụ hôn!"

"Có thích không nương tử?"

"Nàng có thích không?"

"Tử Yên thích lắm đó! He he!"

Giọng điệu chẳng khác nào một tên đểu cáng.

Ta gầm mặt hỏi: "Ai đã dạy ngài thế?"

"Chẳng ai dạy, Tử Yên tự học được mà!" Ngài ấy thản nhiên thú nhận, lại còn đếm rõ ràng: "Ta nhìn trộm! Nhìn A Bảo với Hồng Hạnh, nhìn cha mẹ nàng, cả phu thê con trai nhà thẩm thẩm bán đậu hũ nữa!"

"Học hư!" Ta hừ một tiếng như muỗi kêu.

Thất công tử lại không sợ, tay chống lên bàn trà lắc lư cái đầu mình, vui vẻ vươn tay chọt nhẹ vào má của ta: "Hư đâu! Tử Yên biết mình thích nàng, nên mới muốn hôn nàng, Tử Yên biết hết, hiểu hết đó! Thế... nàng có muốn hôn Tử Yên không?"

"Phạt ngài bây giờ!" Ta trách, nhưng lời trách nghe nhẹ tênh.

"Phạt ta?" Thất công tử cười hề hề. "Tử Yên sẽ ngồi yên cho nàng hôn trả thù nhé! Bảo đảm không nhúc nhích!"

"Tử Yên càng ngày càng ranh mãnh!" Ta quay ngoắc đầu đi.

"Vậy mới đáng yêu mà, Tử Yên lanh lợi, mau chóng lớn khỏe, mới có thể lo cho nàng được nè!"

"Nàng, không muốn hôn Tử Yên hả?" Hắn lại cúi đầu thấp, kề má sát mặt ta. "Cho nàng hôn thỏa thích luôn, Tử Yên sẽ không né tránh đâu! Muốn hôn ở đâu cũng được!" Nói rồi đối phương nhắm mắt lại, một bộ dạng cam chịu đầy yếu đuối.

Ta thẹn thùng đẩy mặt người đó ra từ chối. Nhưng ta không để lộ ra, chỉ xoay người đứng dậy bước về phía giường.

"Hôn đi, cho nàng hôn đó! Tử Yên tự nguyện đó, tự nguyện đó!"

"Không!"

"Hôn đi mà, năn nỉ nàng đó! Một cái thôi, chỉ một cái!" Thất công tử liền lẽo đẽo theo sau.

"Không được!"

"Nương tử hư!" Thất công tử liền chống nạnh khóc rống lên.

"Không được!"

"Không thèm nữa!" Thất công tử bực bội quay lưng.

"Giận?" Ta hỏi.

"Không giận luôn!" Người hằn hộc đáp.

"Mặc kệ ngài!" Ta cười sau đó nằm xuống nệm, kéo chăn lên che mặt của mình.

"Nương tử hư!" Thất công tử liền lon ton chạy đến tủ, lấy trống bỏi đồ chơi của mình ra. Sau đó đến bên giường ta lắc inh ỏi, vừa lắc vừa hét lớn: "Không cho nàng ngủ luôn!"

"Kệ ngài!" Ta bật cười nói trỏng.

------

"Phu quân, Minh Châu đến tìm chàng đây!" Thái thị quả nhiên là người chẳng có một chút phép tắc nào. Nàng ở nhà ta, ăn cơm của ta, nhưng thái độ nhất mực ngang tàng trịch thượng.

Nàng ta đẩy Hồng Hạnh và Hồng Xuân sang một bên sau đó sộc thẳng bước vào khuê phòng của ta. Trên tay là một dĩa bánh hồng.

Bánh hồng có sắc trắng là màu nguyên thủy, tên gọi bánh hồng từ chữ "hồng" trong câu "hồng diệp xích thằng" (紅葉赤繩), có nghĩa xe chỉ nhân duyên kết tình đôi lứa.

Bánh hồng được chế biến từ gạo nếp tuyển chọn kỹ lưỡng, kết hợp cùng dừa và đường, những nguyên liệu thân quen nhưng mang đậm bản sắc. Gạo nếp phải được xay thành bột mịn, trộn đều với nước cốt dừa, đường, đăng thành bột rồi nấu cho đến khi đạt độ dẻo quánh, mềm mịn. Khi bánh mới ra lò, lớp bột trắng mịn được rắc phủ đều bên ngoài không chỉ để chống dính mà còn tăng thời gian bảo quản khiến loại bánh này trở nên khác lạ.

Dẫu nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để tạo ra chiếc bánh hồng đạt chuẩn thì không phải ai cũng làm được. Từng thớ bánh phải hội tụ đủ những đặc điểm tinh tế: dẻo mà không dai, mềm mà không nhão, thanh ngọt vừa đủ để người ăn cảm nhận được sự hài hòa giữa vị béo nhẹ của nước cốt dừa, độ giòn của dừa sợi, và cái thơm đặc trưng của gạo nếp.

Một chiếc bánh hồng ngon không chỉ là món ăn, mà còn là lời cầu chúc viên mãn, hòa hợp. Trong quan niệm cổ xưa, cái "đạo" làm bánh cũng tựa như cái "đạo" giữ gìn nhân cách: giản dị nhưng tinh tế, cầu kỳ mà không phô trương. Bánh hồng không chỉ dùng để dâng cúng, mà còn là món quà trong lễ cưới hỏi, thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên và sự kỳ vọng vào hạnh phúc lứa đôi.

Vậy mà, giữa lúc nàng sải bước kiêu kỳ vào phòng, Thất công tử lại đang vô tư ngồi bên cạnh ta, tay cầm một chiếc bánh hoa mai khóm, hớn hở đút ta ăn.

"Ngon lắm, á nương tử! Để Tử Yên đút nàng thêm miếng nữa nhé! A..."

"Ngài tự mình ăn đi!" Ta phì cười, mắt vẫn không rời cuốn thoại bản mới mua. Đọc đến đoạn vị tài nữ kia đang tìm cách hưu phu, còn vị hôn phu thì dùng lý lẽ hóm hỉnh để đối đáp. Vì buồn cười, nên ta lỡ đẩy nhẹ Thất công tử, làm chiếc bánh rơi xuống đất. Thất công tử ngẩn người nhìn ta, rồi lại nhìn chiếc bánh nằm bẹp dưới sàn, hồi lâu mới cúi xuống nhặt lên, phủi phủi thổi thổi như chưa có chuyện gì xảy ra.

"A..." Ngài ấy định ăn, nhưng ta nhanh tay chụp lại, không cho. Đúng lúc đó, Minh Châu đã hậm hực bưng dĩa bánh hồng vào, đặt xuống bàn "cạch" một tiếng, nghiêm giọng trách ta: "Thương thị! Ngươi dám để chàng ăn đồ bẩn? Đã đối xử với chàng như vậy, sao còn muốn giữ chàng bên mình? Mau trả người lại cho ta! Từ nay ta không cho phép chàng ở cạnh ngươi nữa!"

Mời...

Không nói không rằng, ta ngước mắt nhìn Thái thị một cái, đặt sách xuống bàn, thản nhiên lấy chiếc bánh khỏi tay ngài ấy rồi bỏ vào miệng của mình. Sau đó lau tay và miệng sạch sẽ, lại bốc một chiếc khác, đút ngài ấy ăn.

"Ngon!" Thất công tử cười đến tít mắt, ngài ấy ôm quả cầu mây hôm trước A Phúc đã mua cho, ngúng nguẩy thích thú. "Một cái nữa nhé!"

Ta gật đầu, sau đó nhét vào miệng ngài thêm một cái, khiến cho hai má người phồng lên, giống một con sóc con nhét đầy đậu phộng.

Thái Minh Châu nhìn hành vi đó của bọn ta bèn tức điên lên. Nàng ta hét lên một cái, sau đó...

Không hề dùng dằng bỏ đi, mà lại đi đến trường kỉ đối diện ngồi xuống. Nàng ngồi nhìn ta và Thất công tử chàng chàng thiếp thiếp mà đỏ mắt. Đành tự mình giải quyết sạch dĩa bánh hồng mà nàng đã bắt thị nữ của mình đi mua ở ngoài phố.

Ta muốn thử xem nàng có thể nhẫn nhịn tình trạng này bao lâu... Để cho nàng biết, người thứ ba chính là kẻ bị thất sủng. Không cần phân biệt trước sau. Có phải ta rất xấu xa hay không?

Càng hay...

Ta chẳng muốn làm người tốt. Cũng sẽ chẳng là người tốt.

Bình thản cầm quyển sách của mình, sau đó ta đứng lên, dẫn Thất công tử rời đi. Thấy vậy Thái Minh Châu cũng lẽo đẽo theo sau như một chiếc đuôi nhỏ, mãi không thể chen chân vào.

Ta dắt ngài qua lối đi rợp bóng xanh rì, nơi hàng cây cổ thụ đứng trầm mặc như những bậc trưởng giả, đưa bước đến một khu vườn thanh nhã, hoa nở tựa gấm thêu. Trong lòng một chiếc lu lớn đặt giữa sân, nước trong veo ăm ắp, mảng bèo xanh biếc nổi lềnh bềnh như những tấm thảm mềm mại. Thấp thoáng, vài con cá vàng chậm rãi bơi lội, thi thoảng lại ngẩng đầu đớp nhẹ, tạo nên những gợn sóng nhỏ, phản chiếu ánh mặt trời còn rơi rớt từ buổi trưa oi ả.

Tiết trời đang chuyển dần vào kỳ sương nguyệt (霜月 tháng 7), khi hơi lạnh đầu mùa bắt đầu len lỏi, nhưng ánh nắng ban ngày vẫn chưa chịu nhường chỗ cho sự dịu mát của Thu. Trước mắt, khắp sân vườn, thu hải đường đồng loạt nở, cánh hoa mỏng manh tựa lụa, đỏ thắm tựa máu đào, rực rỡ như tấm áo mới khoác lên thiên nhiên trước lúc đông về.

Người ta nói, "Thu Hải Đường" là đóa hoa được mùa đẹp nhất của đất trời ban tặng. "Thu" là khi cỏ cây, hoa lá đã bước qua cái thời non nớt, bồng bột của xuân, cũng rời khỏi những ngày hè náo nhiệt để trở thành kẻ từng trải, an nhiên mà trầm tĩnh. Hoa hải đường khi được đặt trong nhà, lúc mới hé còn e ấp, rụt rè, như thiếu nữ lần đầu đối diện với nhân thế. Thế nhưng, theo năm tháng, những đóa hoa ấy càng thắm sắc, tươi lâu cho đến lúc khép lại một vòng đời thanh nhã.

Đặc biệt, hải đường rụng hoa không ngừng, hoa rơi lớp này lại nở lớp khác, tựa như lá mùa thu chưa bao giờ chịu dứt khỏi cành. Người yêu hoa tin rằng, trưng thu hải đường trong nhà chẳng khác nào giữ lấy mùa thu mãi mãi, để cảnh đẹp không rời xa.

Hồng Hạnh và Hồng Xuân mang theo giỏ, hái vài đóa để làm món ăn, cũng như phơi khô cùng với hoa lựu để uống thanh nhiệt. Ta ngồi trên ghế bập bênh dõi mắt theo bọn họ cần mẫn hái hoa. Bỗng, Thất công tử cũng lon ton chạy đến, tay chân táy máy, vụng về hái một nhành hoa cài vào tóc ta.

Thái Minh Châu cũng không chịu thua, tự hái hai đóa hoa cài lên mái tóc nàng. Si mê đến mức rũ bỏ hết hình tượng danh môn, để đến trước mặt người không thích mình. So với hình tượng ban đầu gặp gỡ, nàng ta hiện tại có chút chân thực hơn. Đơn phương là một chuyện khó chịu đến mức nào, nhưng si tình lại là một chuyện bi kịch nhất!

Tình yêu không được đáp lại...

Có đáng hay không?

"Phu quân, chàng nhìn thiếp này!" Thái Minh Châu kéo tay áo của Thất công tử nhưng bị chàng gạt phăng ra.

"Ai là phu quân của cô chứ!" Thất công tử hừ một tiếng, chạy đến bên ghế bập bênh ngồi xổm xuống.

"Không phải cũng phải! Ta mặc kệ hai người..." Dẫu bị hắt hủi, Minh Châu vẫn không chịu lùi bước. Thái Minh Châu cười một tiếng, sau đó ngồi xuống bàn đá, vẻ ngoài như gió thoảng mây trôi. "Chờ Thương thị sinh con, đứa trẻ này sẽ thuộc về ta. Và chàng cũng vậy!"

"Ừ, cho cô hết!" Ta cười nhàn nhạt đáp lại.

Thất công tử lập tức níu tay áo ta, giọng dỗi hờn như trẻ nhỏ: "Không chịu!"

"Ta cũng không chịu. Cô hơi coi thường ta rồi đấy, có phải cô không xem ta là đối thủ không?" Thái Minh Châu bực bội nói.

"Đã từng nói qua!" Không muốn nhắc lại.

Ta không xem Thái thị là đối thủ của mình. Bởi vì căn bản ta không hề quan tâm đến nàng.

"Tiểu thư, Củ ấu nhỏ đã về rồi đây!" Từ xa ta lại nghe tiếng cười văng vẳng của Hồng Lăng. Chắc là nàng cùng nội tổ mẫu đã từ Huyền Thạch Đàm về.

Hồng Lăng đứng ở nguyệt môn, lấp ló cười. "Muội có món quà tặng ngài nè!"

"Ta da~" Nàng vui vẻ cùng nhóc Ngư Ngư nhảy chân sáo.

"Xin chào tiểu nha tử!" Ngư Ngư vẫy tay chào.

"Sao Thái thị cũng ở đây nữa vậy?" Thấy Minh Châu, Hồng Lăng không giấu được ngạc nhiên.

"Ta ở đây thì làm sao? Có liên quan gì đến ngươi?" Minh Châu nhướn mày.

"Không liên quan, nhưng..." Hồng Lăng chép miệng.

"Ở đây không chào đón cô!" Hồng Lăng cùng Ngư Ngư đồng thanh, phá lên cười khoái chí. "Ha ha ha..."

Ức hiếp người quá đáng thật đó!

Ta bất lực đọc tiếp sách của mình, chẳng buồn can ngăn.

"Muội có đem bánh mảnh cộng cho ngài này, là lão thái thái mua cho ngài!" Hồng Lăng bày ra một hộp bánh mảnh cộng, mùi thơm nồng nhẹ của lá bìm bịp lan tỏa trong không gian, làm nức lòng người thưởng thức.

Hồng Lăng cẩn trọng mở chiếc hộp sơn son, bày những chiếc bánh mảnh cộng lên bàn. Những chiếc bánh nhỏ nhắn, tròn trịa, nhân đậu xanh, trông thật dẻo thơm và ngon ngọt.

Làm bánh mảnh cộng không khó, lấy lá cây mảnh cộng giã nát vắt lấy nước cốt rồi hoà vào bột nếp. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh hấp nhuyễn trộn với dừa sợi và đường cát trắng. Nhân đậu xanh ngọt bùi vàng ươm ở giữa được nghiền nhuyễn và hấp chín, bao xung quanh là bột nếp dẻo thơm, ngát xanh màu lá, phảng phất vị cây. Bánh được vo tròn, gói lá chuối, hấp cánh thủy.

Thái Minh Châu nhìn thấy chúng liền cảm thấy hứng thú, nhưng vẫn giữ nguyên thái độ dửng dưng ngó trời mây. Nàng là người miền xuôi, lại là con cái nhà thượng lưu, chưa nhìn thấy món bánh này cũng là đều đương nhiên. Ta cũng không ngại mời nàng cùng thưởng thức một cái. Chia đều cho mọi người, hết thảy tám cái, còn lại hai cái, ta để dành cho cha mẹ. Nhưng Hồng Lăng nói, ở trong bếp còn nhiều lắm, nội tổ mẫu đã mua đủ chia cho tất cả mọi người trong phủ. Vì món ăn này cũng là món điểm tâm yêu thích của bà.

Thái Minh Châu miệng nói từ chối, nhưng tay lại khéo léo nhận lấy. Trông nàng lúc này giống hệt một đứa bé ngoan ngoãn, vừa mới khám phá ra đều lí thú trong gang tấc vậy. Nàng ăn ngon lành bằng một tư thế tao nhã, nhưng ánh mắt lại từ ngạc nhiên trở nên vui vẻ. Khóe miệng cũng không kìm được cong lên. Ta lại chia cho nàng thêm một cái, nàng ậm ừ chớp lấy rồi nhẹ giọng cảm ơn ta.

Bên này ta cũng có thêm một đứa trẻ con, có biểu tình giống hệt, là "cha" của "con ta". Ta cúi đầu hỏi nhỏ: "Tử Yên, ngài ăn có ngon không?" Ngài ấy liền lia lịa gật đầu, thế là ta không do dự bèn nhường cả phần ăn của mình cho ngài ấy.

Nhưng chẳng bao lâu, tiếng kêu nghịch ngợm vang lên từ đằng kia: "Ngư Ngư cũng muốn nữa!" Nhóc Ngư Ngư ganh tỵ, nhanh nhẹn chớp lấy chiếc bánh cuối cùng trong hộp, rồi lè lưỡi trêu chọc Thất công tử, khiến ngài ấy bĩu môi tức tối.

"Nương tử, Ngư đại ca ức hiếp Tử Yên kìa!" Ngài ấy chỉ tay về phía Ngư Ngư.

Nhưng Ngư Ngư nhảy nhót thích thú, đầy tự mãn: "Lang quân không làm được gì Ngư Ngư đâu, ha ha ha... Ngư Ngư là đại cao thủ siêu cấp vô địch đấy!"

------

Cây mảnh cộng, hay còn gọi là bìm bịp, là loại cây quen thuộc trong dân gian, được biết đến với những công dụng kỳ diệu.

Theo Trung Dược Đại Từ Điển (中药大辞典), cây này còn có tên gọi là Thanh Tiễn (青箭), Trúc Tiết Hoàng (竹节黄), hay Tiểu Tiếp Cốt (小接骨). Lá cây mảnh cộng có thể dùng để nấu canh, còn lá khô có mùi thơm đặc biệt, nhẹ nhàng nhưng dễ dàng gây ấn tượng, tựa như mùi cơm nếp. Chính vì vậy, chúng thường được dùng để ướp bột gạo nếp, tạo nên món bánh đặc biệt này.

Lá cây tươi khi giã nát, có thể dùng để đắp lên vết sưng tấy, giúp trị đau mắt hay chữa các vết thương do va đập. Những người dân quanh làng thường dùng cành lá để chữa thương cho trâu bò khi bị húc nhau. Cây mảnh cộng thường mọc ở các vùng đất rừng núi, hay bãi trống, và ra hoa vào mùa xuân hè. Từ xưa, dân gian cũng đã truyền lại một câu chuyện rằng, khi bìm bịp con bị gãy chân, chim mẹ sẽ lấy lá cây này về, cắn nát rồi đắp lên vết thương, khiến xương cốt liền lại nhanh chóng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro