Chương 35: Thanh Phong Động Tâm, Yên Vũ Khinh Sầu (清风动心, 烟雨轻愁)
[♪] Thanh Phong Động Tâm, Yên Vũ Khinh Sầu (清风动心, 烟雨轻愁): Gió mát lay lòng, mưa khói gợi nỗi sầu nhẹ.
------
"Tiểu thư, mặt của người?" Hồng Hạnh, Hồng Lăng, Hồng Xuân. Cả ba người họ đều thất kinh khi vừa bước vào phòng.
"Mặt của ta... làm sao?" Ta cong mắt nhìn bọn họ, tay cũng đưa lên chạm má.
Hồng Lăng tiến lên một bước, trong tay là nhành hoa hải đường đỏ thắm. Nàng cẩn thận cài lên mái tóc ta, rồi cúi thấp người, giọng dịu dàng: "Thật đẹp!"
Ta như đóa hoa nhỏ đã e ấp càng thêm e ấp, chỉ trong chốc lát vì sương đã bắt đầu bung nở.
"Tử Yên đã trang điểm cho nương tử đó!" Một giọng nói đầy tự hào vang lên từ phía giường.
"Ngài thật giỏi!" Hồng Hạnh thốt lên, khiến cho người kia càng phồng mũi đắc ý.
"Để muội chọn y phục cho tiểu thư!" Hồng Xuân nhanh nhẹn bước vào phòng trong, chỉ một lát sau đã mang ra bộ áo váy nhẹ nhàng, tôn lên nét thanh thoát của nhành hải đường.
Hồng Lăng lại nói: "Lão phu nhân, muốn nói chuyện với Thất công tử, nên mời hai ngài đến!"
------
Phòng của tổ mẫu là nơi lưu giữ tất thảy ký ức của thế hệ trước. Trong không gian nhỏ ấy, hương bạch mai thanh nhẹ hòa quyện cùng mùi giá đậu xanh thoang thoảng. Tất cả tạo nên một bầu không khí ấm áp, yên bình, vừa thân thuộc, vừa trang nghiêm.
Khi ta cùng Thất công tử đến nơi, mẹ và các vị thẩm thẩm đang quây quần bên tổ mẫu, cùng trò chuyện thân mật. Vừa thấy bóng dáng Thất công tử, mẹ liền dẫn các thẩm thẩm đứng dậy cáo lui, để lại không gian cho tổ mẫu và chúng ta.
Ta bước tới, định cúi người thực hiện nghi lễ thỉnh an, nhưng Thất công tử nhẹ nhàng kéo tay ta lại. Ta ngẩng đầu, ánh mắt nghi hoặc, nhưng ngài chỉ mỉm cười nhã nhặn, rồi cúi chào tổ mẫu bằng lời lẽ khác thường: "Xin chào."
"Chào ngài!" Nội tổ mẫu gật đầu, sau đó đưa tay mời khách ngồi xuống ghế. "Có muốn dùng trà?"
"Cũng được!" Thất công tử vẫn giữ tay ta, cùng ngồi xuống bên cạnh. Ngài tự mình rót trà, đẩy chén về phía trước mặt ta.
"Tỉnh dậy rồi có đói bụng hay không?" Tổ mẫu ân cần hỏi, giọng hết mực bao dung.
"Tử Yên không đói, cám ơn!"
"Vậy thì tốt! Nếu ngài có gì không hài lòng cứ nói với lão bà này, ta sẽ cố gắng đáp ứng ngài!"
"Không có gì không hài lòng!" Thất công tử trả lời, nhưng ánh mắt lại dịch chuyển về phía ta.
Sau đó nội tổ mẫu lại chuyển chủ đề sang ta, nói rằng ngày mai Ngô Thập Nhị sẽ đến thăm hỏi, yêu cầu ta tiếp đón y. Nửa tháng trước, y cùng Khương lang đã ghé thăm một lần, còn đem về rất nhiều đặc sản của Bồ Can. Ngô Thập Nhị có nói với cha, sau khi về kinh giải quyết công vụ xong sẽ đến đây thêm một lần nữa. Ba hôm trước y có gửi thư thăm hỏi, nói rằng đợt này sẽ cùng hai huynh đệ họ Cẩm đến.
Ta nghe lời nội tổ mẫu nói liền gật đầu đáp ứng. Hai vị huynh tỷ nhà đại bá vẫn chưa trở về kinh thành, lúc đó cũng có thể cùng ta tiếp khách, nên ta cũng cảm thấy không quá bối rối.
Ta nói chuyện với nội tổ mẫu thêm vài câu nữa, cũng buộc hỏi về chuyện của ngoại tổ tỷ, nội tổ mẫu nói mẹ ta đã xin phép tối nay cùng cha trở về nhà cũ ngủ lại một đêm, và nội tổ mẫu cũng đồng ý. Nhà ngoại ít người, hậu duệ cuối cùng chỉ còn mẹ ta, nên có thể làm bao nhiêu nghĩa vụ, cha mẹ liền đáp ứng đủ.
"Một lát nữa cả nhà chúng ta sẽ ăn cơm chiều cùng nhau!" Tổ mẫu nói. "Thất công tử, ngài thấy sao?"
Thất công tử cũng được xem là một nửa người nhà, chuyện tiếp đãi là đều nên làm. Nhưng đối phương chỉ cười khẽ một tiếng nhẹ, tầm mắt dời đi, nhìn phía bên ngoài cửa sổ.
"Còn nữa, có một điều ta muốn nói với con đó Nhiêm Nhi! Ta không chấp nhận con và Thất công tử ở cùng một phòng. Tốt nhất, phòng của ai người nấy dùng. Thất công tử cũng được an bài phòng riêng, đối với hai người ở chung đều không thích hợp!"
"Thất công tử, Nhiêm Nhi vẫn còn rất nhỏ tuổi! Dù cha mẹ nó có chấp nhận, già này cũng không đồng ý..." Lời nói của nội tổ mẫu rất thẳng thừng. "Ngài không chỉ là trưởng bối của nó, về căn bản hai người không thể nào..."
"Ta không đồng ý!" Thất công tử nhíu mày nhìn bà ấy, trên khuôn mặt một nét cương nghị biểu tình phản đối rõ rệt.
"Nhiêm Nhi, lời của lão già này... Con có đồng ý hay không?" Như một mệnh lệnh cưỡng ép, dù bà nhìn Thất công tử nở một nụ cười từ bi tràn đầy sự phúc hậu.
"Trong nhà này, lời nói của ta có trọng lượng nhất, ai cũng không được cãi lời!" Một tư thái ung dung, bà ấy đưa tách trà lên miệng hớp một ngụm ấm. "Hai người cần khoảng cách bao nhiêu thì phải giữ khoảng cách bấy nhiêu! Hơn nữa, nếu không cần thiết cũng không nên gặp mặt quá nhiều! Thất công tử, ngài không khỏe, Nhiêm Nhi sẽ không dám quấy nhiễu, làm phiền đến sự an tĩnh của ngài!"
Bàn tay của Thất công tử run lên, từng đường gân nổi rõ, hơi thở càng nặng nề. Nhưng ngài không nói thêm lời nào. Không khí trong phòng trở nên nặng nề đến nghẹt thở.
Ta không hiểu, hà cớ gì tổ mẫu lại khích động ngài ấy, làm cho ngài ấy nổi giận như thế? Nhưng bà đã ra lệnh, phận làm cháu ta không có cách nào cãi lời.
"Được rồi, trở về đi, ta không tiễn!" Tổ mẫu đặt tách trà xuống sau đó đuổi khéo người, còn gọi Hồng Lăng vào hầu hạ bà.
------
A Phúc và A Bảo đã đứng bên ngoài cửa đợi Thất công tử, người cùng ta vừa ra khỏi cửa đã bị họ cưỡng chế mang đi. Hồng Hạnh bên cạnh đỡ ta, nhìn thấy biểu cảm hụt hẫng nhưng cố tình thờ ơ này, liền nhỏ tiếng gọi.
A Bảo hiểu ý, gật đầu sau đó cùng A Phúc chuyển hướng khác. Hồng Xuân và Hồng Hạnh cũng dìu ta đi theo hướng ngược lại. Thất công tử ngoái đầu nhìn ta, ánh mắt tội nghiệp bắt đầu óng ánh bởi lớp màn sương nhạt. So với chốn Bồ Can, ngài ấy đã ngoan ngoãn và chừng mực hơn hẳn. Không còn biểu tình chống đối một cách kịch liệt. Nhưng nội tổ mẫu cũng không hề sai, còn ta cũng không thể có chính kiến của mình trong trường hợp này.
Có lẽ phải yêu cầu thời gian chờ đợi...
Hoàng hôn bắt đầu nhá nhem ở đường chân trời, hồ nước xanh biết đã nhuốm một màu cam rực rỡ. Mặt trời lúc này đột nhiên rơi xuống, bầu trời tối đen như mực, tầm mắt đã không còn thấy rõ ánh dương phản chiếu. Tiếng ve bắt đầu râm ran...
Đèn lồng đỏ treo cao, ban phát ánh sáng xua tan đi tăm tối.
Tiếng cười nói bắt đầu huyên náo. Cả nhà cùng quây quầng trên một bàn ăn tròn, người xướng, người phụ họa, vui vẻ không sao kể xiết. Đợt này đường tỷ về nhà còn bế theo một cục bột nhỏ rất đáng yêu, đứa bé này đã biết nói chuyện, có hai chiếc răng cửa mới nhú. Nó rất thích gọi ta là di di (遺遺). Đứa trẻ nghịch ngợm không yên, lúc ngồi trong lòng mẹ, lúc lại bò sang bên cạnh ta kéo đuôi tóc để gặm.
Nhưng điều làm ta càng chú ý hơn chính là nét mặt và ánh mắt của Thất công tử ở phía đối diện. Ngài ấy nhìn đứa trẻ và ta với một sự khát khao thầm lặng, tựa như đang phác họa trong tâm tưởng hình bóng một gia đình nhỏ. Ta biết rõ, trong lòng ngài ấy vẫn ôm ấp niềm tin rằng ta đang mang trong mình cốt nhục của ngài.
Suốt cả bữa ăn ngài ấy không tập trung lắm, cả khi Tô thúc và hai vị bá bá hỏi chuyện, ngài ấy cũng chẳng thèm tiếp chuyện. Ngài ấy có vẻ buồn bã, xen lẫn giận dỗi. Đũa cứ chọc vào trong bát, nhưng thức ăn vẫn còn nguyên không vơi. Thế nhưng ta có thể làm gì hơn, khi tầm mắt của nội tổ mẫu cứ quan sát, canh chừng ta một cách gắt gao. Lúc này ta mới hiểu được cảm giác của ai kia...
Đến khi tiệc tàn, Thất công tử trở về phòng ngủ của ngài với một chiếc bụng rỗng cồn cào. Vậy mà ta có thể làm được gì đâu, càng không thể nói chuyện với ngài ấy, huống hồ quan tâm đến tình trạng của ngài ấy.
Thay vào đó, Hồng Hạnh đã thay ta mang chút điểm tâm đến phòng, rồi trở về với một chiếc dĩa vơi một nữa. Nàng ấy kể, Thất công tử sau khi ăn điểm tâm xong, uống thuốc và lên giường ngủ rồi. A Phúc và A Bảo sẽ luân phiên túc trực, nếu có việc, họ sẽ báo cáo với ta trước tiên.
Hồng Xuân mang đến một chén thuốc bổ, nhưng thực chất đó chỉ là thuốc để giảm bớt cơn đau nơi cuống họng do bệnh hạch bạch huyết hành hạ. Những cơn thổ huyết đến bất chợt, có khi dữ dội, có khi chỉ thoáng qua như những đợt sóng ngầm.
Dù hôm nay là ngày trăng tròn, nhưng trăng kia đã bị mây che khuất. Là một tảng mây dày đặc, cứ lững lờ ở nơi đấy mãi không chịu rời đi. Khiến cho những ngôi sao nhỏ nhoi cũng bắt đầu lấn lướt ánh sáng vay mượn của mặt trăng.
Ta đành vươn tay khép hờ cửa sổ, chặn lại quang cảnh, ngồi ngâm chân xong liền quyết định ngủ sớm.
------
Đã năm ngày trôi qua, ta chẳng được trò chuyện cùng Thất công tử. Tưởng rằng như trước kia có thể phớt lờ mà ổn thoả, nhưng không, mỗi lần người ngồi đó đối diện ta, trong lòng lại như có tảng đá đè nặng.
Thái độ của nội tổ mẫu vẫn như thế, không nóng, không lạnh, chỉ bình đạm như nước. Thậm chí khi có thêm sự chăm lo của Tô thẩm, việc sắp xếp trong phủ càng thêm trật tự, không một sơ suất nào chạm đến Thất công tử. Nhị bá cùng gia quyến đã hồi kinh, đường tỷ cũng bế cục bột trắng nhỏ theo tỷ phu rời khỏi. Trong phủ vắng vẻ, chỉ còn đại bá lưu lại, vì muốn đưa tổ mẫu đến đền thờ Miên công để lễ bái.
Hạ chí (夏至) đến, dương khí của trời đất đạt cực đỉnh, vạn vật khoe mình giữa ánh mặt trời, báo hiệu mùa hè đã đi qua một nửa. Theo cổ thư ghi chép, ngày Hạ chí không chỉ là dấu mốc thời gian, mà còn mang ý nghĩa vũ trụ vận hành, dương tiêu âm trưởng, như một lời nhắc nhở rằng không gì đạt đến tận cùng mà không có sự chuyển biến.
Đây cũng là ngày đặc biệt trong năm khi thời gian ban ngày đạt cực đại, trong khi bóng tối lại ngắn ngủi nhất. Trong Hoàng lịch, Hạ chí thuộc trung khí của tháng năm âm lịch, tương ứng với quẻ Cấu (姤) – biểu thị bởi năm hào dương và một hào âm ở dưới cùng. Hiện tượng này chính là biểu trưng cho sự tuần hoàn không ngừng nghỉ của Âm Dương, Ngũ Hành. Từ Đông Chí tới Hạ Chí, dương khí bốc cao, âm khí suy giảm; từ Hạ Chí trở về Đông Chí, dương khí suy, âm khí thịnh. Như lời kinh điển: "Vật cực tất phản, dương tiêu âm trưởng."
Ánh mặt trời gay gắt, tiếng ve dậy vang báo hiệu tiết Hạ Chí. Những hiện tượng tự nhiên như mưa rào kèm sấm chớp, cầu vồng sau cơn mưa – tất cả đều gợi nhắc nhịp nhàng của Âm Dương, giao hòa thiên địa.
"Nhuy Tân" (蕤賓) là nhịp thứ bảy trong nhạc cổ đại, trùng khớp với tháng Năm Âm lịch, cũng là dấu mốc để phân định dương khí bắt đầu tiêu tán.
Tiết Hạ chí còn được nhắc đến qua hình ảnh hoa dâm bụt – hay còn gọi là "Thuấn Anh" (舜英), loài hoa chỉ nở rực rỡ trong một ngày ngắn ngủi. Buổi sáng, khi ánh mặt trời vừa ló dạng, hoa bung nở kiều diễm, nhưng đến chiều tối đã tàn lụi.
"Hoa đẹp chóng phai, đời người tựa bóng câu qua cửa sổ."
Dân gian xưa trọng ngày Hạ Chí, lấy lễ nghĩa để duy trì trật tự xã hội, ngày này được nghỉ ngơi để thư giãn và tránh nóng. Họ thường ngồi thuyền trên hồ, đeo túi thơm mang hương hoa nhài đuổi muỗi, nhấm nháp trà lạnh, ngắm hoa sen trong khung cảnh non nước hữu tình.
Phong tục ăn uống cũng mang đậm ý nghĩa tượng trưng. Người xưa thường làm bánh mạch tống (麦送) từ lúa mì mới thu hoạch, dùng để cúng tổ tiên và biếu tặng người thân. Các món ăn như mì mùa hè, bánh ú tro (粽子 / 肉粽) – hay "giác thử" (角餅) làm từ gạo nếp ngâm nước tro và trứng gà luộc được chế biến nhằm giải nhiệt, bổ sung năng lượng, chúng không chỉ làm dịu cái oi nồng mà còn gợi lên lời nhắc nhở về chu kỳ sinh diệt của tự nhiên.
Tên gọi "giác thử" có thể hiểu là "bánh hình góc" hoặc "bánh vuông", phản ánh đúng đặc trưng hình dáng của loại bánh này. Bánh giác thử có thể được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như bột gạo, bột mì, và có thể có nhân đậu xanh, đậu đỏ hoặc các loại nhân ngọt khác. Bánh này được làm thủ công và thường có lớp ngoài giòn, nhân bên trong mềm mại.
Một phiên bản khác của bánh này, bánh chưng gù, cũng có dáng vẻ tương tự bánh ú. Chiếc bánh này mang trong mình hình ảnh một người phụ nữ dân tộc Dao, đeo gùi trên lưng, cúi xuống thu hoạch lúa, ngô trên nương rẫy. Chính khoảnh khắc ấy đã tạo nên hình dáng độc đáo của chiếc bánh. Điểm khác biệt so với bánh chưng xanh truyền thống là bánh giác thử chỉ được gói trong một lớp lá duy nhất, thay vì nhiều lớp như những chiếc bánh chưng quen thuộc.
Ngoài ra, trẻ em được đeo trứng nhuộm đỏ để cầu may, một phong tục dân gian mang tính biểu tượng cao.
(*) Phóng tác và cấu tứ lại từ bài: Người xưa không đón mừng ngày Hạ chí, đằng sau tiết khí này ẩn chứa ý nghĩa gì? - Nguồn: www.epochtimesviet.com/
Sáng nay, Ngô Thập Nhị đến phủ mời ta cùng Thất công tử dạo chơi thuyền hoa trên hồ. Cùng đi có Gia Huyền [加弦], một nhạc công mà ta từng gặp ở hội từ thiện Hiển Nghĩa Khuyến Đức[顯義勸德]. Người này vóc dáng nhỏ nhắn, dung mạo thanh tú, tiếng đàn cổ cầm của hắn như tiếng ngọc rơi trên khay, đầy chất thi vị.
Trước kia đã từng lỡ hẹn một lần tại Bồ Can, nay để bù đắp, Ngô Thập Nhị liền chọn một chiếc thuyền hoa lớn, mời huynh đệ Cẩm gia, huynh muội Hoàng Phủ Tịnh Hậu và La Trang Nương theo cùng.
Gia Huyền vốn là một nhạc công giỏi đàn cổ cầm, nên hắn sẽ tình nguyện diễn tấu các tấu khúc để giúp không khí ngày hôm nay thêm sinh động.
Hai người họ mang theo hai thư đồng, và một cây đàn cổ thật lớn đến nhà ta để ngỏ lời mời. Đại bá vui vẻ, nhiệt tình mời họ đến hoa viên để trò chuyện, trong lúc ta chuẩn bị. Hôm nay có vẻ tâm trạng nội tổ mẫu thoải mái hơn, nên cho phép ta đưa Thất công tử cùng đi chơi. Mà theo đó, A Phúc và A Bảo cũng theo cùng để kèm cặp bọn ta.
Nhìn thấy Ngô Thập Nhị và Gia Huyền, Thất công tử không vui lại càng không hài lòng, thế nhưng ngài ấy đã luyện được cách kìm nén cảm xúc, và không bộc lộ quá nhiều tính cách trẻ con như trước.
Chỉ nói thêm một chút, cả đoàn người bắt đầu khởi hành. Tô thúc đã chuẩn bị hai chiếc xe ngựa và xa phu, để ta cùng Thất công tử muốn đi dạo, mỗi người có thể ngồi một chiếc xe riêng mà không cần chen chúc chật chội.
Hồ nước ở ngoại thành, muốn đến phải đi qua một cái cầu.
Sương sớm bốc lên từ mặt nước, từng làn mây trắng mỏng vờn quanh thuyền, ánh mặt trời nhẹ nhàng xuyên qua, rọi xuống những bóng liễu thướt tha soi bóng trên mặt hồ. Tiếng chim hót, ve ngân rộn rã như bản nhạc hoan ca giữa trời đất.
Trên bờ, Hoàng Phủ Tịnh Hậu và La Trang Nương đã có mặt từ sớm, đang nhàn nhã dùng bữa sáng cùng huynh đệ Cẩm gia. Tâm tình mọi người đều tốt, khá thư thái.
Tiết hạ chí, quan lại trong triều được phép nghỉ đến ba ngày, vì vậy bọn họ quyết định du ngoạn đó đây, để bù đắp lại những ngày làm việc vất vả. Từ kinh thành đến đây cũng mấy ngày đường, họ cũng mang vài món quà hay ho đến, nói là có thể giải trí trong lúc dạo hồ.
Khi thuyền hoa lướt nhẹ trên mặt hồ, Gia Huyền bắt đầu gảy đàn cổ cầm, âm thanh vang lên trong trẻo, lúc trầm lúc bổng. Bầu không khí như được điểm xuyết bởi từng nốt nhạc, khiến tâm hồn mọi người trở nên thư thái. Trong lúc đó, Ngô Thập Nhị mời một danh họa đi cùng, ngồi bên thuyền để ghi lại phong cảnh bằng nét bút tài hoa.
Trên bàn là những chùm nho xanh chín căng mọng, ánh lên sắc ngọc bích mời gọi. Bên cạnh, một đĩa bánh ú tro được bày biện trang nhã, vỏ bánh trong mềm, dẻo dai, vừa thoáng nét mộc mạc dân dã vừa mang vị ngọt thanh tao khi chấm cùng mật mía nguyên chất. Bánh có hai loại chay và mặn, nhưng ta lại chọn loại nhân đậu xanh, giản dị mà đượm đà hương vị truyền thống.
Bánh tro hay còn gọi là bánh ú tro, sở dĩ đặc biệt là nhờ nước tro – thành phần chủ đạo quyết định sắc vàng trong suốt và hương vị độc đáo của món bánh này. Nước này thường được chế biến bằng cách hòa tro của các loại thảo mộc với nước vôi, gạn lấy phần nước trong. Loại thảo mộc nào được chọn làm tro lại tùy thuộc vào đặc trưng địa phương và bí quyết gia truyền, mỗi vùng miền đều có những công thức riêng, làm nên sự đa dạng phong phú của bánh tro.
Chẳng hạn, có người thường dùng cây mận, cây đu đủ rừng, lá trầu không, hay vỏ chuối tiêu. Còn có người làm từ nước nẳng chế biến từ tro cành xoan tươi, cành bưởi, lá dáng, lá si và tầm gửi cây dọc. Hoặc chọn cây dền gai, rơm nếp và vỏ bưởi; hay nguyên liệu thường là tầm gửi trên cây lành như dâu, bưởi hoặc cây mè (vừng). Ngoài ra, một số nguyên liệu phụ như măng tre, măng vòi hay lá sậy cũng được thêm vào nồi luộc bánh, nhằm tạo sắc thái đặc biệt: măng tre cho màu đỏ, măng vòi tạo sắc hổ phách, còn lá sậy làm nên màu vàng nhạt thanh khiết. Các nguyên liệu sau khi được phơi khô, đốt thành tro rồi rây mịn, sẽ hòa cùng nước vôi theo tỉ lệ nhất định. Để kiểm tra chất lượng nước tro, những người thạo nghề thường dùng lá trầu không nhúng vào, nếu khi nhai thấy nước bọt đỏ như quết trầu thì nước đã đạt chuẩn.
(*) Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (海上懶翁黎友晫) (1724 - 1791) trong "Nữ Công Thắng Lãm" cũng từng ghi chép tỉ mỉ về cách làm nước tro: tro cây rạ, cây vừng khô, tầm gửi, vỏ quả xoan, vỏ bưởi và lá thơm được đốt thành tro, rây mịn, rồi ngâm với nước vôi trong vòng mười lăm ngày. Phương pháp cổ xưa này không chỉ làm nên bánh tro tinh khiết mà còn lưu giữ nét tài hoa của người phụ nữ trong nền văn hóa ẩm thực truyền thống.
------
Ngô Thập Nhị và Cẩm Đại lang nổi hứng ngâm thơ, liền phổ ra mấy bài. Sau đó Hoàng Phủ Tịnh Hậu cũng không thua kém, bèn bình luận thơ. Bọn họ đối nhau, rồi lại cùng nhau cười vui thích. Cẩm Đại lang là người tiên khởi.
"Hồ thủy thanh thanh ánh liễu thùy,
Thử lai cảnh sắc tối tương nghi.
Nhất thanh cầm hưởng kinh miên lộ,
Ngẫu hữu khinh phong tống trúc chi."
Dịch nghĩa:
Nước hồ trong veo phản chiếu liễu rủ,
Cảnh hè tới đẹp chẳng gì sánh bằng.
Một tiếng đàn vang làm giật mình cò ngủ,
Thoảng cơn gió nhẹ đưa nhành trúc lay.
Hán ngữ:
湖水清清映柳垂,
暑來景色最相宜。
一聲琴響驚眠鷺,
偶有輕風送竹枝。
Ngô Thập Nhị bèn đối lại:
"Liễu ảnh thiên chi ánh thủy hàn,
Hạ phong du du quá tiểu loan.
Cộng chu cộng tọa ngâm tân cú,
Tiếu khán thanh ba phiếm ngọc bàn."
Dịch nghĩa:
Bóng liễu ngàn nhành in trên nước mát,
Gió hè lững lờ thổi qua bến nhỏ.
Cùng ngồi trên thuyền ngâm câu mới,
Cười ngắm sóng xanh trải như mâm ngọc.
Hán ngữ:
柳影千枝映水寒,
夏風悠悠過小灣。
共舟共坐吟新句,
笑看青波泛玉盤。
Cẩm Đại Lang lại ngâm tiếp:
"Sơ hạ hoa hương dẫn điệp phi,
Lâm thâm thủy tĩnh thiểu nhân quy.
Thả khán vân ảnh phù ba thượng,
Trường tiếu ngâm thi bạn thúy vi."
Dịch nghĩa:
Hè đến, hương hoa dẫn bướm bay,
Rừng sâu, nước lặng, ít người về.
Ngắm bóng mây trôi trên sóng nước,
Vui cười ngâm thơ cùng núi biếc.
Hán ngữ:
初夏花香引蝶飛,
林深水靜少人歸。
且看雲影浮波上,
長笑吟詩伴翠微。
Dĩ nhiên Ngô Thập Nhị chẳng chịu thua:
"Thanh sơn dao dao ánh bạch ba,
Thủy thượng thuỳ gia tải trúc ca.
Hốt kiến lộ ti lăng không khởi,
Du nhiên tiếu đối hạ phong hòa.
Dịch nghĩa:
Núi xanh xa xa in trên sóng trắng,
Trên nước, nhà ai hát khúc ca trúc.
Thoáng thấy cò trắng vút bay lên,
Ung dung cười trước gió hè hòa nhã.
Hán ngữ:
青山遙遙映白波,
水上誰家載竹歌。
忽見鷺鷥凌空起,
悠然笑對夏風和。
Cùng với tiếng đàn cổ cầm vang vọng trong không gian, thoáng chốc như khai mở tâm hồn. Gia Huyền ngưng một chút, dùng khóa cổ cầm chỉnh sửa lại dây đàn cho thích hợp. Nhưng đàn thiếu sáo trúc, thì cũng hơi khô khan. Lúc ấy, lão chèo đò nọ bỗng buông tiếng hò vang. Giọng hò của ông chân chất mà dạt dào, như kéo tâm tư cao nhã trở về với thực tại, gắn bó cùng đời sống mộc mạc. Những câu hò vọng lại qua từng ngọn sóng, lay động cả người nghe lẫn cảnh sắc:
"Hò ơi...
Trăng lồng bóng núi, nước trôi dòng sông,
Nhà ai tranh lá, mái nghiêng bên đồng.
Hò ơi... có ta, có nàng, hai bóng lưng còng,
Tay cày tay cuốc, bùn non nhuộm cả tấm lòng thảo ngay.
Hò hơ!
Bỉ phu áo vá manh dài,
Nông phụ chân lấm, chẳng nài nắng mưa.
Ta gieo mộng, nàng dệt thơ,
Đàn con ríu rít, ước mơ giản nghèo.
Hò ơi...
Mái chèo khua nhẹ, sông quê thì thào,
Cò bay lả lướt, lòng xao xuyến nào.
Hò ơi... có sông, có núi, có trăng chiếu vào,
Dẫu không gấm vóc, đời sao vẫn trọn ngọt ngào tình quê.
Hò hơ!
Nhọc nhằn chẳng sợ, kiếp này có nhau,
Lúa thơm xanh biếc, mùa vui ngọt ngào.
Nước sông đầy vơi, lòng ta chẳng đổi,
Nghĩa phu thê bền, dẫu đời bạc màu.
Hò ơi... trăng lặng, gió ru, đôi ta yên giấc,
Chẳng cần phú quý, chỉ cầu mái nhà yên vui."
Ngô Thập Nhị nhìn ta, ánh mắt thoáng vẻ ôn nhu nhưng không kém phần tò mò. Thấy ta lắng tai nghe giọng hò vang vọng, hắn bỗng bật cười nhẹ: "Ngẫm lại, đã lâu không thấy cô nương hứng khởi trước điều gì. Chẳng hay chuyến đi này có mang đến chút niềm vui chăng?"
"Cũng được!" Ta hời hợt, lời đáp vẫn giữ nguyên sự thản nhiên. "Cảm ơn ngài vì còn nhớ đến chuyện cũ!"
Hắn gật đầu, tựa hồ mãn nguyện với câu trả lời. Tìm lời nói tiếp: "Hôm trước tại hạ tình cờ tìm được vài cuốn sách cổ, nghĩ rằng cô nương ắt sẽ thấy hứng thú. Ngày mai ta sẽ sai người mang đến quý phủ. Hôm nay vội vàng, nên quên mất. Ngoài ra, còn có mấy bài thơ do tổ phụ cùng tại hạ viết về Kì tướng quân, chẳng hay cô nương có nhã hứng muốn xem qua?"
Ta nhẹ gật đầu, lại nói thêm một vài câu trò chuyện. Lời hứa hẹn của hắn dù sao cũng mang theo sự ân cần không thể chối từ.
La Trang Nương ngồi cạnh ta lộ vẻ quan tâm. Nàng nhìn sắc diện của ta một hồi rồi cất lời: "Dạo này trông khí sắc của cô nương hồng hào tươi tắn, không biết có phải đã dùng qua loại dược phẩm quý giá nào chăng?"
"Tâm ân! (心殷)" Ta trả lời nàng, rồi gọi Hồng Xuân mang đến cho La thị cùng Hoàng Phủ Từ Thục mấy loại phấn son đường tỷ đã tặng mà ta chưa dùng đến. Đây là mấy loại dược liệu được phối hợp từ các nghệ nhân ở xưởng của đường tỷ. Cả hai nàng đều vui vẻ nhận lấy, ta cũng dành ra một hộp riêng để tặng Đoàn thị, nhờ Từ Thục khi nào trở về Lộng Bính [籠屏] thì tặng cho Đoàn thị.
------
Gia Huyền ngừng tấu đàn, những ngón tay thoăn thoắt dừng lại trên dây cầm, để lại dư âm lan tỏa khắp mặt hồ. Ngô Thập Nhị từ tốn rót một chén trà, đưa đến trước mặt Gia Huyền, ánh mắt không giấu nổi sự quan tâm đặc biệt.
Hoàng Phủ Tịnh Hậu mỉm cười, cất lời giải thích: "Ngô công tử cùng Gia Huyền tiên sinh vốn là tri kỷ tâm giao. Công tử luôn ngưỡng mộ tài năng của Gia tiên sinh, còn tiên sinh lại hiểu rõ tâm tư của công tử. Vì thế, họ trở nên thân thiết chẳng khác nào huynh đệ."
Gia Huyền vốn là nghệ nhân ở Mãn Phong viện, nhưng chỉ bán nghệ kiếm cơm, y là một nhân tố đặc biệt làm nên danh tiếng của Mãn Phong viện. Việc y có thể bằng lòng diễn tấu phải tiêu tốn rất nhiều tiền của. Nay có dịp được miễn phí nghe bản tấu của y, chẳng phải hời đến ngàn vàng hay sao?
Về Gia Huyền, thân phận của y còn là một ẩn số. Ngoài cái tên ra, chỉ có Ngô Thập Nhị mới biết được thân thế và tuổi tác. Còn lại, mọi người chỉ có thể tán thưởng một cách khách quan.
Ngô Thập Nhị dẫn Gia Huyền đến trước mặt ta giới thiệu một lần nữa. Gia Huyền cũng rất hòa đồng, y thi lễ chào ta, nếu không nói về chức nghiệp, trông y cũng giống hệt bao vị công tử thế gia. Rất khó phân biệt nhỉ?
Nhưng ta nhìn y lại có nét ngờ ngợ, giống như đã từng gặp qua những đường nét trên gương mặt này vậy đó.
Gia Huyền không cố tình thanh cao, thậm chí có thể nói hết mực khiêm tốn. Ngoài kỹ nghệ, y cũng kiệm lời đáng kể. Người mà y nói chuyện nhiều nhất trong cuộc hành trình này chính là Ngô Thập Nhị. Có vẻ họ không chỉ thân tín, mà còn rất thân thuộc về thói quen của nhau. Quả thật nói bọn họ là Bá Nha và Tử Kỳ cũng chẳng sai.
Thuyền nước trôi lễnh lãng, một ngày dài cứ thế đã trôi qua nửa chặng.
------
Bàng bạc gió mát, ta cùng Thất công tử cáo biệt họ sớm, không cùng dùng cơm trưa. Nghe có vẻ muốn, rất muốn lén lút làm chuyện mờ ám. Nhưng thực cũng không phải, ta chỉ muốn được nói chuyện với Thất công tử một lát thôi. Tầm nửa canh giờ cũng được.
Vừa rồi ta có nghe Cẩm Đại lang nói, chắc có lẽ vào dịp Tết trung thu, hắn và Thái Minh Châu sẽ thành thân. Nhưng lại nghe phong thanh, Thái Minh Châu cùng cha nàng nảy sinh xích mích, nàng đã dọn hành trang, lén lút theo cô cô mình đến kinh thành. Trước là để gặp huynh trưởng và mẹ, sau chắc là để hoãn thời gian tìm cách giải trừ hôn ước.
Huynh đệ Cẩm gia cũng đang rối rắm chẳng biết báo tin với gia đình như thế nào, định bụng trước tiên đến gặp Khâu công và Khâu thị để dò hỏi tình hình, sau đó sẽ để người lớn hai nhà giúp định đoạt. Hôn kì đã ấn định, việc dời lại hoặc hủy bỏ rất khó xảy ra, trừ những trường hợp hy hữu lắm. Và những chuyện như vậy hiếm khi giải quyết ổn thỏa mà không để lại một trận phong ba.
Nhưng có một chuyện ta không muốn nói cho Cẩm Đại lang biết, chỉ sợ hắn bị kích động nặng nề. Là chuyện Thái Minh Châu lập kế cưỡng ép Thất công tử kí vào tờ hôn thú, dù bọn họ không cùng nhau bái đường, nhưng vẫn có thể làm cái cớ để ép buộc người ta vào tình huống khó xử.
Chính mẹ đã nói cho ta biết, việc tổ mẫu phản đối ta và Thất công tử ở bên nhau cũng bởi vì cớ sự diễn ra tồi tệ đến thế.
Trên danh nghĩa, Thái thị hiện tại đã là đích thê của Thất công tử, nhưng ngài ấy vẫn ngây ngô không biết, cũng chẳng màng để tâm. Hiện tại cha và Tô thúc cũng đang tìm cách giải quyết êm đẹp, việc Thái thị có thể đến gia trang phá rối cũng không thể chắc chắn được nó không diễn ra. Có lẽ, chỉ tầm vài ngày nữa, Thái thị cũng có thể tìm ra tung tích, và đến nơi này để đón người đi.
Thuyền hoa vừa cập bến, khi bàn chân trụ vững trên mặt đất, Thất công tử đã vui vẻ nắm lấy tay ta. Thì ra người này đã kìm nén rất lâu.
A Bảo đã chọn một nơi vừa kín đáo vừa thoáng mát để bọn ta dừng chân tâm tình. Bên bìa rừng ngát, chọn một hàng nước nhỏ để nghỉ chân. Ở bên này ít có người chú ý đến, hơn nữa còn có A Phúc, Hồng Hạnh và Hồng Xuân giúp đỡ, ta có thể yên tâm nói chuyện đôi câu với Thất công tử.
"Nương tử!" Chưa kịp yên vị, Thất công tử đã ôm chầm lấy ta, nũng nịu dụi mặt vào hõm vai của ta hít hà. "Nhớ nàng nhiều!"
"Nàng... có nhớ Tử Yên không?"
Ta không trả lời, nhưng bàn tay thành thật hơn hẳn. Ta vỗ nhẹ vào lưng của người ấy như muôn lời an ủi. Có đôi lúc không thể nói thành lời không phải là lạnh nhạt, mà là không có từ ngữ nào thích hợp để diễn tả cảm xúc của mình.
Thất công tử cứ thế giống hệt chú chim non mới tìm được tổ, càng nương náu vào ta.
Cảm giác thời gian trôi qua rất chậm, rất chậm.
Sau đó Thất công tử lại nắm lấy bàn tay của ta vuốt ve, vuốt phẳng những đường vải trắng nhăn nhúm. Ngài nói: "Thật buồn vì không thể tự tay thoa thuốc cho nàng!"
Loại thuốc Thái Hoàn Dưỡng Ngọc Tán có công dụng rất tốt, hiệu quả chưa rõ rệt, nhưng đôi bàn tay này đã cảm thấy bớt đau rát hơn hẳn. Dược tính dường như rất mạnh, mỗi khi bôi vào ta cảm giác từ thanh mát trở nên nóng ấm.
Ta đưa một tay còn lại vén tóc của người ấy về sau lưng, sau đó chùi đi giọt mồ hôi đọng lại nơi chóp mũi của người. Chỉ một hành động vô thức đã khiến người thích thú bật cười.
"Đồ ngốc!" – ta nghĩ thầm. Đúng là ngây ngô như vậy mới dễ bị người khác lừa gạt.
Người ấy lại nắm cả hai tay của ta, sau đó lại ôm vào trong ngực. Ta bất lực bèn nói: "Tử Yên, đừng làm như thế!"
"Sợ nàng chạy mất, nên Tử Yên phải giữ thật kĩ!" Ngài ấy lắc đầu, không chịu buông tay.
"Tử Yên không thích nàng trò chuyện với Ngô lang kia!" Dù ngữ khí có vẻ tức giận, nhưng cũng chỉ đơn thuần là một thái độ tủi thân.
Thế thì ta cũng không muốn ngài... ở bên cạnh Thái thị.
Thất công tử bắt đầu càm ràm đủ kiểu, mấy hôm trước ngài ấy nói rằng ta không giữ lời, thì đúng thật, vào ngày hôm đó, ngài ấy phát hiện chuyện Ngô Thập Nhị cách lâu lại đến nhà ta chơi. Thậm chí chậu hoa quỳnh trưng trên bệ cửa phía Bắc cũng do mẹ ta bày trí thay, vì nó là quà tặng của Ngô Thập Nhị. Nhưng còn chậu phúc bồn tử đó của Thái Minh Châu tặng ngài, ta cũng đã cho người để trong phòng của Thất công tử đấy thôi.
Nghĩ đến chỉ thêm khó chịu, thế rồi ta dứt khoát rụt tay lại. Thất công tử thấy ta thái độ như thế liền bĩu môi muốn khóc. Ngài ấy nghẹn ngào nói: "Nương tử, nàng lại bỏ mặt ta! Nàng không thích Tử Yên nữa rồi! Tình cảm chưa kịp chớm nở đã vội phai nhạt rồi sao?"
Nghe Thất công tử nói vậy, Hồng Xuân liền huých vai A Phúc, còn lườm hắn. A Phúc chỉ cười hề hề rồi gãi đầu cười trừ. Đúng thế, A Phúc lại tiếp tục dạy hư Thất công tử.
Thở dài một hơi, ta vươn tay nhéo hai má của ngài ấy, giả nghiêm túc nói: "Không thích nữa!"
"Ưm, hu hu hu..." Người ngây ra vài giây, rồi bật khóc. Nước mắt mau chóng dâng lên rồi trào ra. Còn tủi thân nhìn chằm ta mà thút thít: "Nương tử hư, nàng lại chọc ghẹo Tử Yên! Nương tử phải thích Tử Yên nhất mới đúng, chúng ta là bạn thân nhất mà! Ta còn là phu quân của nàng, là cha của con nàng!"
"Bây giờ đã không phải rồi!" Ta xoa mặt ngài ấy, dùng khăn tay của mình chậm rãi lau nước mắt cho người.
"Tại sao?"
"Không có tại sao!" Ta buông tay mình ra để cho đối phương ngỡ ngàng. Sau đó dứt khoát nói thật với ngài ấy về chuyện bản thân đã bị lừa tự mình gả bán.
Ngài ấy liền giãy nảy lên không đồng ý.
"Tử Yên không phải!"
"Tử Yên là phu quân của bạn nhỏ!"
"Tử Yên là cha của Đỗ Tử!"
"Nàng nói bậy rồi, Tử Yên không nghe nàng nói nữa đâu!" Ngài ấy bịt chặt hai tai của mình lại lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt lã chã rơi. Lắc đầu một hồi liền bị chấn động, có hơi choáng ngợp liền tựa vào vai của ta thì thào: "Vậy ta hỏi nàng, Tử Yên phải làm cách nào để thoát khỏi Thái thị đây?"
Hỏi thừa rồi...
Chính ta cũng không biết cách thoát khỏi nàng, thậm chí là vòng tròn luẩn quẩn Thái thị này.
"A Phúc, ta hỏi ngươi..." Thất công tử vẫy tay gọi A Phúc. "Làm cách nào?"
A Phúc liền sáng mắt, như chuẩn bị câu trả lời từ lâu vậy. Hắn nhanh nhảu đáp: "Hưu thê!"
Trong "Thất xuất chi điều", đâu có chỗ để gán tội Thái Minh Châu? Nàng không bất hiếu, vô tử, chẳng trộm cắp, cũng không lắm lời hay đố kỵ. Chuyện "hưu thê" đâu dễ như bới lông tìm vết.
Thất công tử lại níu tay ta, ánh mắt ngây thơ đầy kỳ vọng.
Ta liền bật cười chua chát.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro