Chương 33: Nguyệt Kính Tương Chiếu, Thố Ảnh Lạc Thành Tàn (月镜相照,兔影落成残)
[♪] Nguyệt Kính Tương Chiếu, Thố Ảnh Lạc Thành Tàn (月镜相照,兔影落成残): Trăng và gương phản chiếu lẫn nhau, bóng thỏ rơi xuống hóa thành sự tàn úa.
------
Lúc này mới nói rõ tình hình vụ cháy ngày hôm đó, một phần ta tự thiêu cũng liên quan đến việc ngăn cản một người liều lĩnh.
Cùng những quá khứ...
Rời rạc.
------
Ban đầu, Khâu thị vẫn cứ nghĩ rằng, việc gửi gắm Thái Minh Châu cho Cẩm Đại lang là hành động định đoạt mối hôn sự này một cách vững chắc, như một việc đã được an bài, không thể thay đổi.
Cho đến khi Thái Minh Châu quá cứng đầu, thích làm theo ý mình, Khâu thị làm mẹ đã thất bại mà còn thêm phần thất vọng. Thái Minh Châu quá nghe lời cô mẫu của mình là Thái Đông Lăng mà hành xử tùy tiện. Thậm chí chẳng đắn đo mà bỏ mặt mẫu thân của mình, khi tiểu cô xúi giục cha mình lập thiếp thất mới.
Là những hầu thiếp mà các nhà quan lại khác đã dâng cho ông ta. Tuy đối xử với thê tử có chút lạnh nhạt, nhưng Thái Trung vẫn là người trượng nghĩa. Tình nghĩa phu thê bấy lâu không thể có kẻ thứ ba chen chân vào. Ông đã trả những hầu thiếp lại cho bọn người kia làm cho Thái Đông Lăng tức tối.
Một phần nữa Thái Đông Lăng ghét tẩu tử của mình, không chỉ vì hạnh phúc gia đình của Khâu thị, mà còn bởi vì do huynh trưởng cưới Khâu thị nên bà ta mới hết cơ hội tiến tới với ý trung nhân của mình. Tình lang của Khâu thị là ý trung nhân của Thái Đông Lăng, cũng là một bậc sĩ khí anh tài xuất chúng. Khi Khâu thị gả cho Thái Trung, người kia cũng vì quá đau lòng mà thắt cổ tự vẫn theo mối tình dở dang kia. Suy cho cùng, gọi là nhân quả báo ứng. Thái Đông Lăng chia uyên rẻ thúy, tác hợp bừa cho huynh trưởng của mình, còn làm cho huynh trưởng vì ghen tuông nên hờ hững với thê tử, gọi là phòng đơn gối chiếc, chiến tranh lạnh với Khâu thị.
Khâu thị ở thuở thiếu nữ vốn là một nữ học sĩ tài năng, được tiên đế tán thưởng, bởi bà vừa mưu trí lại vừa mỹ mạo, học thức cũng nổi bật, theo đúng kiểu mẫu của Hinh Hương học sĩ. Ban đầu bà định nên duyên cùng Hàn lâm viện hiệu lý (翰 林 院 校 理) Lỗ Phấn Vũ [魯奮武]. Thế nhưng trớ trêu thay, tiên đế lúc đó lại tứ hôn cho bà với Thái Trung, chỉ vì muốn kìm hãm Khâu thái bảo, trong cuộc chiến quan trường kia đối với phe cánh của Thái gia vẫn nhiều phần thiên vị. Vì đó dù Khâu - Thái là oan gia, lại khiến cho Khâu thị trở thành trưởng tức danh chính ngôn thuận của Thái gia.
Lỗ Phấn Vũ vì mất người thương nên đau buồn tột độ, không chỉ vì thế mà cũng do hắn nghe người ta đồn đại quá đáng, mất tỉnh táo nên mới tự vẫn vào ngày thành thân của Khâu thị. Người yêu mất, Khâu thị cũng không hề biết, bên tai chỉ nghe thấy những lời chúc mừng giả dối. Bà cứ tưởng người yêu đã thành thân rồi phụ rẫy tình bà, mà cho đến khi bà trở về lại mặt sau ba ngày mới biết được tin người yêu đã hỏa táng.
Khâu thị không khỏi ngã quỵ, bệnh tình kéo dài suốt nửa tháng, và trong cơn mê man ấy, bà phát hiện mình mang thai. Thế nhưng, cái thai ấy lại chịu sự nghi ngờ vô cớ của Thái Trung, một nỗi nghi kỵ không thể giải thích. Sự lạnh nhạt kéo dài, khiến cho đứa con đầu lòng của bà và trượng phu không thể tồn tại, cái thai non yếu, chẳng được chở che, và cuối cùng bị trục ra khỏi cơ thể, tan vỡ. Hơn nửa đời chịu đựng ủy khuất, Khâu thị không biết bao nhiêu lần bị trượng phu nghi ngờ, rằng còn thương tiếc người đã khuất. Bà đã bị đàm tiếu và chỉ trích đến mức không còn cảm giác gì nữa.
Khi con trai thứ của bà lên sáu tuổi, Khâu thị đành gửi cho cha nuôi dưỡng ở Kinh thành để phát triển tư chất, còn con gái bà mới chỉ hai tuổi cũng bị tách xa mẹ. Thái Đông Lăng, vì quá thương tiếc đứa con gái mất sớm, nên mượn hơi của Thái Minh Châu, xin cha bà để con gái ở lại Thái gia hai năm. Tuy vậy, con gái xa mẹ từ nhỏ, đến khi có nhận thức, lại chẳng coi trọng mẹ mình nữa, thậm chí còn tỏ ra khinh miệt.
------
Một chiếc hoa tai không nói lên điều gì, phía sau nó lại là một hồi ức vô giá đối với một người. Từng thề ước, để rồi trong sự hồi tưởng đau đáu lại muốn vứt bỏ nó đi.
------
Thái Trung với lòng ghen tuông chưa nguôi ngoai, bất ngờ xuất hiện tại nơi này. Không một lời báo trước, ông ta giáng xuống Khâu thị một cái tát trời giáng. Tiếng động khô khốc vang lên trong không gian vắng lặng, cùng với thân hình yếu ớt của Khâu thị ngã khuỵu xuống nền đất lạnh.
Ông ta hỏi Khâu thị đến đây làm gì? Có phải vì nhớ nhung người cũ không? Ông ta cảnh cáo bà, nếu còn dám đặt chân đến nơi này một lần nữa, đừng trách ông ta đối xử tàn nhẫn. Dứt lời, ông ta nắm chặt tay bà, lôi đi thô bạo như lôi một kẻ tội đồ. Khâu thị dù trong lòng uất ức và nhục nhã, cũng chỉ có thể cúi đầu cam chịu, bước chân loạng choạng theo từng cú giật mạnh của ông ta.
Không ai hay biết rằng, phía sau tấm bình phong cũ kỹ mục nát, ta cùng Nhất Trúc và Nhị Mai đang lặng lẽ nấp mình, lòng không khỏi run rẩy trước những gì vừa chứng kiến. Lòng Nhị Lan khiếp sợ, liền bảo Nhất Trúc canh chừng ta, sau đó chạy đến bẩm báo cùng nhũ mẫu. Trước đó còn không quên bắt Nhất Trúc trói tay ta lại, sợ ta có ý định phản kháng rồi trốn. Nhị Lan nhìn thấy sợi dây thừng vắt ngang xà nhà, liền kéo xuống.
Bởi vì biệt viện này cũng được đặt là Phấn Vũ (粉嫵).
Căn viện bị bỏ hoang này, trước kia cũng vì có người bị treo cổ đến chết. Phấn Vũ, một cái tên đẹp đẽ biết bao, thế nhưng lại là một chỗ âm u chướng khí. Có kẻ trộm cắp Tường Ngọc Phương [爿鈺匚] nên bị bắt quả tang, chạy đến viện này lẫn trốn. Nhưng lúc đó, viện Phấn Vũ này lại là căn viện khuê phòng của Thái Đông Lăng. Nên nói, người tỳ nữ của Thái Đông Lăng đã chết thay cho bà ta một mạng. Không phải vì lúc đó bà bảo tỳ nữ của mình thế thân giả bệnh để bà ta lén trốn ra ngoài, thì kẻ bị treo cổ trên xà nhà kia chính là bà ta.
Chuyện sau này chính miệng Tề trạng sư đã kể lại cho ta nghe, vì ông cũng là một trong những người tham gia tra án, là người lập tờ cáo trạng cho người nhà của vị tì nữ kia. Tường Ngọc Phương tìm lại được, nhưng lại không tra ra thủ phạm, nên kết cục bị bỏ ngỏ. Đến khi lập lại án cho ta thì vụ án kia cũng quá thời hạn rồi.
Lúc đó ta nghe thấy tiếng khóc từ bên góc tường, là đám thị nữ kéo Kiều Bích Phù đến nơi này. Tầm ba đến bốn người, đang mắng nhiếc nàng ta, mắng nàng ta là đồ ngốc, chỉ biết kiếm chuyện làm hại người khác bị phạt. Nghe loáng thoáng, thì ra do Thái viên ngoại nhìn thấy Kiều Bích Phù ốm yếu gầy gò quá, thêm y phục nàng bị rách một chút ở bả vai, nên trách Thái Đông Lăng và đám tùy nữ của bà ta, phạt tiền lương còn để đám tùy nữ bị phạt gậy. Họ đá nàng vài cái trước khi hậm hực bỏ đi, để lại một Kiều Bích Phù ngồi co ro dưới đất, nét mặt vừa đau đớn vừa sợ sệt.
Ta đang nấp trong gian phòng bên cạnh, đưa tay gõ nhẹ lên thành gỗ bên khung cửa thông gió chữ Vạn (卍). Kiều Bích Phù ngẩng đầu lên, đôi mắt đẫm lệ như ánh lên chút tia hy vọng khi nhìn thấy ta.
Đôi mắt trong veo mang nét ngây dại, nhìn ta rồi bất chợt nở một nụ cười ngô nghê như trẻ thơ. Chất giọng mềm mại của nàng cất lên: "Cô gọi ta làm gì vậy?"
Ta không đáp, chỉ lặng lẽ xòe bàn tay ra, hướng qua khung cửa sổ gỗ cũ kỹ. Kiều Bích Phù không chút do dự, nhanh chóng vươn tay nắm lấy bàn tay ta, như tìm được chút an ủi trong bầu không khí ngột ngạt.
Nhất Trúc đứng gần đó thoáng qua nét dao động. Cảnh tượng đơn sơ mà chất chứa cảm xúc ấy khiến nàng không đành lòng. Cuối cùng, nàng tiến đến, nhẹ nhàng gỡ sợi dây thừng trên tay ta, tạm thời cởi trói. Nhưng vì e sợ Nhị Lan trở về bất chợt, Nhất Trúc vội vã rời đi, ra ngoài thăm chừng.
Đây là một khoảng nghỉ may mắn của ta, là thời cơ duy nhất của mình.
Tuy nhiên, Kiều Bích Phù vẫn ngoan ngoãn nắm chặt lấy tay ta không buông, trong lúc bụng nàng bỗng phát ra tiếng réo rắt. Nàng đỏ mặt, đành buông một tay ra để xoa bụng, vẻ ngượng ngùng không giấu nổi.
Nhân lúc ấy, ta lấy từ trong tay áo một chiếc bánh màn thầu đã bị bẻ đôi, đặt nửa chiếc vào tay nàng.
Vì sao là một nửa? Vì trong nửa chiếc bánh còn lại kia có nhét một chiếc khuyên tai của ta. Tựa như một mật ngữ gửi gắm vào số phận, nghĩa là: "Nửa miếng bánh bao nguội, tai thỏ không thắt nút, mạch nha khó nảy mầm". (半块冷馒头,兔耳未结,麦芽难发。)
Ta không đưa trực tiếp chiếc bánh chứa khuyên tai cho nàng, bởi nếu có chuyện bất trắc xảy ra, nửa chiếc bánh khô ấy có thể trở thành manh mối để người đời sau tìm ra chân tướng. Chiếc bánh được bọc kín trong giấy dầu chống ẩm, là vật duy nhất để ta có thể dựa vào lúc này.
Màn thầu gói trong giấy dầu chống ẩm mốc, ta sẽ chọn chiếc đèn đá nằm ở vị trí không quá xa biệt viện nhưng cũng không quá gần viện bỏ hoang. Thì người ta cũng có thể thông qua nó mà điều tra chân tướng. Khi di chuyển đến gần chiếc đèn đá nằm cách biệt viện không xa, ta giả vờ trượt chân, cúi người xuống, nhanh chóng nhét nửa chiếc bánh vào khe hở của đèn.
Vì đèn đá là vật trang trí cố định, ít ai nghĩ đến việc kiểm tra bên trong chúng. Đèn đá thường có cấu trúc rỗng bên trong hoặc có khe hở, là nơi lý tưởng để giấu vừa dễ tiếp cận khi cần. Nếu sau này có rủi ro, việc giấu trong một vật cố định như đèn đá sẽ khó bị dời đi hoặc phá hủy bởi các tác nhân khác (động vật, người dọn dẹp). Đèn đá thường nằm dọc các con đường trong phủ, dẫn lối đến các viện chính hoặc phụ, dễ phát hiện khi điều tra.
Từ trước, ta đã cẩn thận viết lên một mảnh vải cũ, bằng chính máu của mình, với dòng chữ: "灯石藏食,半兔求光" (Đăng thạch tàng thực, bán thố cầu quang). Sau đó nhân cơ hội Ngư Ngư đến thăm hỏi và mang thức ăn đến, ta liền cố ý nhét vào hộp thức ăn đó, sau đó giả vờ giận dỗi trả hộp bánh kia.
Bởi vì giữa ta và Ngư Ngư có một giao hẹn, là chính Ngư Ngư tự đề xuất. Nhớ lúc đó, ta và nó cùng Thất công tử và Thái Minh Châu đi đến trà lâu nghe thuyết thư tiên sinh kể truyện. Trước kia nó từng hỏi ta một câu hỏi liên quan đến bài thơ Thất công tử sáng tác, nếu ta có thể trả lời câu hỏi, nó sẽ thực hiện một ước nguyện cho ta.
Câu hỏi gợi mở từ bài thơ:
"何物可解镜中残?月缺灯寒,光影未圆?"
(Hà vật khả giải kính trung tàn? Nguyệt khuyết đăng hàn, quang ảnh vị viên?)
Dịch nghĩa:
"Vật gì có thể giải ánh tàn trong gương?
Trăng khuyết đèn lạnh, bóng sáng chưa tròn?"
Câu trả lời: 灯石藏食,半兔求光
(Đèn đá giấu thực, nửa thỏ cầu sáng)
------
Bài thơ chưa được đặt tên:
鏡裡殘光影不全,
孤舟夜渡月寒天。
長空可問圓時事,
誰解人心照昔年?
Phiên âm Hán Việt:
Kính lý tàn quang ảnh bất toàn,
Cô chu dạ độ nguyệt hàn thiên.
Trường không khả vấn viên thời sự,
Thùy giải nhân tâm chiếu tích niên?
Dịch nghĩa:
Trong gương ánh sáng tàn chẳng vẹn,
Thuyền nhỏ qua đêm nguyệt lạnh trời.
Hỏi trời cao, khi nào trăng sẽ tròn?
Ai thấu lòng người soi về năm cũ?
------
Kiều Bích Phù nhìn chiếc bánh trong tay, ánh mắt sáng lên: "Thỏ con! Cô đưa ta thật sao?" Ta gật đầu. Nàng vui vẻ cắn một miếng bánh, ăn ngon lành, chẳng hay biết đến hiểm họa đằng sau sự ngây thơ ấy.
Nhìn thấy ta chăm chú nhìn túi thơm bên hông nàng, Kiều Bích Phù tháo túi xuống, đưa cho ta một cách hồn nhiên: "Mẫu thân bảo đây là bảo vật, phải giữ gìn cẩn thận. Nhưng ta thấy cô đáng yêu, vậy tặng cô làm quà!"
Ta nhận túi thơm, chỉ thấy trong lòng trào lên một nỗi khó chịu mơ hồ. Hương thơm phát ra từ túi khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, không dễ chịu chút nào. Khi mở ra, ta phát hiện trong đó là một lá bùa ghi tên của Kiều Bích Phù.
Hóa ra, căn bệnh của nàng không phải do bẩm sinh.
Ta không hề có ý định ép nàng đưa túi thơm, bởi ta không ngờ nàng sẽ xuất hiện tại nơi này.
"Thỏ con, tạm biệt nhé!" Nàng vẫy tay chào ta rồi rời đi, bỏ lại ta với chiếc túi thơm trong tay.
Ta cầm chiếc túi thơm trong tay mà bất lực buồn cười. Vậy ta làm cách nào để giấu túi thơm này đây? Đây cũng là một chứng cứ quan trọng, biết đâu có ngày lại cần dùng đến. Hay là giấu dưới gầm bàn nơi góc phòng, sau này có đến thu dọn tàn tích, A Bảo cũng có thể đến lấy thay ta.
------
"Sao lại nồng nặc mùi dầu hỏa như thế này?" Nhất Trúc bước vào, không quên siết chặt sợi dây trói đôi tay ta. Nàng nói, giọng trầm mà u uất, như đang cố kìm nén nỗi bất an: "Xin biểu tiểu thư lượng thứ, nhưng ta không còn cách nào khác."
Ánh mắt nàng lướt qua chiếc đèn dầu nghiêng ngả trên chiếc kỷ cũ, nơi ngọn lửa leo lét chỉ còn lại đống tàn tro cháy đen của giấy tiền vàng bạc. Nhất Trúc cẩn trọng hỏi: "Nhị Lan, chủ tử đã dặn dò điều gì chưa?"
Từ phía ngoài, Nhị Lan bước vào, cơn giận dâng đầy trong từng bước chân nặng nề. "Đừng nhiều lời!" Giọng nàng gay gắt, ánh mắt tối sầm như chứa ngàn oán hận. Nàng bực bội đẩy vai ta một cái. "Còn thế nào nữa, đương nhiên là bị mắng một trận rồi!"
"Hay là chúng ta xử lí nàng ta luôn cho rồi! Chỉ cần bịa chuyện rằng nàng tự vẫn, không phải sẽ dễ dàng hơn sao? Cứ giữ nàng lại thế này, sớm muộn gì mọi chuyện cũng bị bại lộ. Đến lúc đó, kẻ đứng đầu ngọn sóng chính là chúng ta!"
Nhất Trúc quay phắt lại, mắt trợn lên: "Ngươi điên rồi sao, Nhị Lan? Sao ngươi có thể ác độc như vậy được!"
"Ta không điên, nhưng với tình trạng này ta cũng sắp điên đến nơi rồi!"
"Ngươi nghĩ xem, khi quý nhân trở về, nhìn thấy bộ dạng tàn tạ này của nàng. Ai sẽ là người chịu phạt chứ? Ngươi nên nhớ, ngài ta là lang y đấy! Ngươi nghĩ ngài ấy dễ qua mặt sao? Đâu có ai ngu như chúng ta mà phải chịu trận đâu!" Nhị Lan thở dài chống cằm.
"Ngươi nói như vậy thì tại sao ngươi lại luôn là người tiên phong hưởng ứng việc hành hạ biểu tiểu thư? Nhưng biểu tiểu thư có làm gì ngươi đâu!" Nhất Trúc run giọng hỏi. "Ngươi cũng có thể nhẹ tay với nàng hơn mà!"
"Ngu ngốc, ai phát tiền lương cho ngươi? Ai cho ngươi chỗ ngủ? Ai cho ngươi ăn ngon mặc đẹp? Huống chi bọn họ còn đang nắm giữ khế bán thân của ngươi, chẳng khác nào có thể bóp chết sinh mệnh của ngươi! Ngươi có muốn ăn đòn không? Ngươi nghĩ ngươi nhẹ tay với Thương thị được hay sao?"
"Ngươi không hiểu sao?" Nhị Lan bật cười, tiếng cười khô khốc như vọng từ một vực sâu tăm tối. "Ta đánh nàng, ta chửi nàng, không phải vì nàng, mà là vì bọn họ! Nàng chính là con rối mà bọn họ chọn cho ta để trút giận. Bởi vì không phải ta, không phải ngươi, thì ai đây?!"
"Nhị Lan, ngươi..."
"Ngươi cái gì mà ngươi... Ta nói không đúng hay sao? Bọn họi coi thường sinh mệnh của con người như cỏ rác, cả nàng, cả ta và cả ngươi đều dễ dàng dẫm đạp lên như thế, vì chúng ta giống nhau. Không có tiếng nói!"
"Ngươi có nghe rõ không tiểu tiện nhân?" Nàng vọng tiếng nhìn về phía ta đang quét dọn đống bày bừa do nàng ta bày ra. "Nếu ngươi nghe thấy thì hay quá rồi!"
Nhị Lan phủi tay đứng lên nói: "Ngươi nhìn chỗ này đi, nhìn chỗ kia kìa. Số phận của chúng ta cũng giống như căn phòng này, thấp kém, mục nát,... Thậm chí chúng ta có thể biến thành một hình nhân thay thế, để treo lên kia kìa!"
"Ta không cam tâm, ta trước giờ vẫn không cam tâm. Vì sao chúng ta sinh ra lại phải chịu khổ như thế? Tại sao lại để người ta đè đầu cưỡi cổ mình như vậy?"
"Nhị Lan, ở trước mặt ta ngươi nói gì cũng được. Ta có thể hiểu cho ngươi, nhưng ngươi đừng quá tự cao, có ngày người khác nghe được những lời ngươi nói thì ngươi biết hậu quả như thế nào rồi chứ?" Nhất Trúc run rẩy, giọng nàng nghẹn lại.
"Biết, biết, biết..." Nhị Lan xụ mặt. "Cùng lắm là chết thôi, ta không sợ! Mười hai năm trước đã không sợ rồi!"
"Nhất Trúc, ta muốn báo thù!" Nhị Lan phừng phực, hứng khởi bộc phát. "Nữ nhân này và con gái của người kia... Ta sẽ giải quyết gọn lẹ trong hôm nay!"
"Sau đó như kế hoạch, chúng ta sẽ trốn đi! Ngươi và tình lang của ngươi... cũng có thể có một cuộc sống mới rồi! Chúng ta không cần nhìn sắc mặt của ai nữa... Chúng ta sẽ thay tên đổi họ, đến lúc đó sẽ không ai nhận ra chúng ta! Ta đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi, đến cả ông trời cũng thành toàn cho ta!"
Nhất Trúc lắc đầu, níu lấy cánh tay của Nhị Lan. Nàng bật khóc: "Nhị Lan, ta không muốn, ta không muốn trả thù nữa đâu!"
"Muộn rồi Nhất Trúc, dù ngươi có muốn hay không ta cũng làm! Sau khi diệt khẩu Thương thị, ta sẽ trừ khử luôn nàng kia!" Nhưng Nhị Lan chỉ cười lớn, giọng nàng gằn xuống từng chữ. "Ta sẽ treo nó lên, như cái cách họ treo mẫu thân của ta!"
"Nhị Lan, mẫu thân sẽ không muốn chúng ta làm như vậy đâu!" Nhất Trúc khuyên nhủ.
"Ngươi quên rồi Nhất Trúc, ngươi đã hứa với cha như thế nào à?" Nàng giật lấy chiếc roi bên tường, giáng xuống ta không chút nhân nhượng. "Nếu không phải vì cha mẹ cứu chúng ta, chúng ta đã phải ở đầu đường xó chợ, không nơi nương tựa. Vậy mà bây giờ thì sao? Ngươi..." Nàng quăng chiếc roi xuống đất, nắm lấy cổ áo Nhất Trúc mà gầm lên: "Là ai đã biến chúng ta thành trẻ mồ côi?"
Nhất Trúc ôm mặt, đôi tay run rẩy níu lấy tay Nhị Lan. Nhưng nàng không lay chuyển được, chỉ có thể khóc nấc lên: "Nhị Lan, ta nghĩ kĩ rồi, ta không muốn đôi tay mình dính máu người vô tội, càng không muốn trở thành một kẻ độc ác giống bọn họ..."
"Mười mấy năm trời, mười mấy năm trời ta ẩn nhẫn chịu đựng. Chỉ bằng một câu của ngươi sẽ khiến ta suy nghĩ lại sao? Không hề! Ngươi đừng nói mấy cái đạo lí nhân đạo với ta. Ta không, sẽ không bao giờ thay đổi ý định!" Nhị Lan cười độc ác. "Một sinh mạng, hay hai ba sinh mạng cũng giống nhau... Đối với ta, bọn họ đều xứng đáng!"
"Nhị Lan, ta không biết từ lúc nào ngươi lại thay đổi nhiều đến vậy!" Nhất Trúc sửng sốt.
"Ta... Từ trước đến giờ ta vẫn luôn như vậy! Ta vốn đã là quỷ rồi!" Nhị Lan bật cười, đôi mắt tràn đầy oán hận. "Ngươi cứ đứng đó mà thương hại. Ta thì không!"
"Là ngươi quá ngây thơ!" Nàng hất tay Nhất Trúc ra, ánh mắt lóe lên tia sáng hiểm độc. "Sau khi nhũ mẫu kiểm tra tiểu tiện nhân này một lần cuối, ta sẽ tiễn nàng một đoạn đường đến suối vàng, rồi tìm thêm bạn đi cùng nàng ta!"
"Còn nữa, nếu như ngươi nhúng tay vào chuyện của ta, ta cũng thật không ngại..." Nhị Lan nheo mắt đe dọa. Nhưng nàng lại đổi sắc mặt: "Nhất Trúc, nếu ngươi sợ, cứ đứng chờ ở hậu viện, sau khi ta làm xong công việc chúng ta sẽ chui qua đường lỗ chó bỏ trốn!"
------
Buổi chiều hôm ấy Khâu thị vẫn ngoan cố tìm đến Phấn Vũ biệt viện, đã không biết Thái Trung làm gì bà, nhưng ở dưới cổ đã hằn vết đỏ, dường như là dấu vân tay. Bà đột nhiên gọi tên Nhất Trúc và Nhị Lan. Dường như bà đã biết sự thật nào đó rồi.
"Hai ngươi mau lại đây!" Bà đứng quay lưng cứng nhắc như pho tượng đá, giọng nói trầm khàn lạnh nhạt. Nhất Trúc biết không thể giấu diếm, vội vàng khúm núm bước tới. Nhưng Nhị Lan, như kẻ cắp giữa ban ngày, vẫn chần chừ, lê từng bước chân nặng nề: "Đại thái thái..."
Khâu thị vẫn im lặng không nói lời nào, cho đến khi Nhất Trúc sợ hãi quỳ sụp lại xin tha mạng, bà ta mới cười một tiếng chua chát: "Đứng lên đi!" Bà ta nói, sau đó ra lệnh cho hai nha hoàn dẫn ta bước ra ngoài.
Nhị Lan chẳng rõ vô tình hay cố ý, đẩy ta một cái thật mạnh khiến ta phải ngã rạp trước mặt bà. Khâu thị ngồi xổm, ánh mắt mơ hồ như giấu kín hàng vạn nỗi đau. Bà dùng khăn tay nâng mặt ta lên, và vuốt ve từng đường nét trên gương mặt cằn cỗi của kẻ bị đày đọa: "Thứ lỗi cho ta, có được hay không?" Đó là giọng điệu của một người mẹ mang nỗi đau không thể sẻ chia, một người mẹ bị giằng xé giữa tình yêu thương con và lòng ích kỷ đến tột độ.
"Ta biết cô là con của một người mẹ, nhưng ta cũng là mẹ của một người con..." Bà ta nhìn ta một cách trìu mến. "Ta không cách nào nhìn con ta đau khổ..."
Bà tiếp tục mê hoặc ta bằng những lời biện minh mang vẻ thuyết phục: "Minh Châu con gái của ta, từ nhỏ nó đã không được gần gũi mẹ, ta cũng không có cách nào gần gũi con mình! Nhìn nó khóc, không thể lau nước mắt cho nó. Nhìn thấy nó cười, cũng không có cách chia sẻ với nó. Thậm chí nhìn thấy nó biết yêu, cũng chẳng thể bảo vệ được hạnh phúc của nó, càng không thể khiến người đàn ông đó yêu nó, quan tâm nó! Càng không thể cho nó bất kì lời hứa hẹn nào! Ta không thể ngăn cản trượng phu bắt gả ép nó cho một người mà nó không yêu, để nó giống ta, sống một đời day dứt..."
"Bi kịch chẳng nên lặp lại hai lần!"
"Là ta ích kỉ, là ta lấy tấm lòng của một người mẹ để ích kỉ một lần." Bà ta dùng khăn tay bịt kín đôi mắt, che chắn tầm nhìn của ta.
"Đừng nhìn ta bằng ánh mắt đó!"
"Cô có thể hận ta, ghét bỏ con ta, nhưng xin đừng nhìn ta với ánh mắt đó!"
Ánh mắt đó là ánh mắt gì? Ánh mắt của kẻ bắt được hy vọng sống, nhưng bị người khác nhẫn tâm hắt hủi.
Ánh mắt đó là ánh mắt gì? Là ánh mắt của một người con khao khát được trở về nhà mình, cùng đoàn tụ với người thân của mình.
Ánh mắt đó là ánh mắt gì? Là ánh mắt nực cười. Lấy tư cách gì để buộc ta phải tha thứ cho họ? Sự uất ức đã đẩy lên đến tận cùng.
Ánh mắt đó là gì? Là sự trống rỗng chẳng thể lấp đầy.
Khâu thị vẫn mải mê nói với ta những lời hối tiếc, nhưng tiếc rằng chẳng có một câu nào để lọt vào tai ta. Trong phút chốc ta thầm nghĩ, liệu một mồi lửa có thể tẩy sạch tất cả đau khổ của những con người nơi đây không?
Oan khiên.
Lửa tí tách, cháy như yên hỏa, quét sạch sẽ tất cả những vết tích tội lỗi.
Ích kỉ.
Bọn họ nghĩ chỉ có bọn họ mới biết ích kỉ hay sao?
Nếu ta không thể sống yên ổn, bọn họ cũng không.
"Nhất Trúc ngươi nghe thấy không? Ngay cả ông trời cũng muốn giúp chúng ta!" Nhị Lan ở bên cạnh thầm thì với Nhất Trúc.
Sau khi Khâu thị nói rằng bà sẽ giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra, xem như bỏ mặc ta bị bảo mẫu và Nhị Lan hành hạ. Khâu thị sắp đặt một kế hoạch đầy vẻ từ bi giả tạo: bà bảo Nhất Trúc và Nhị Lan đưa ta đi thật xa, đợi đến khi Minh Châu thành thân mới cho ta trở về. Bà còn hứa hẹn trao khế bán thân và một khoản tiền đủ để họ sống sung túc trọn đời.
Dĩ nhiên Nhị Lan vui mừng đáp ứng, nàng nhận từ tay của Khâu thị một phần ba số tiền. Chỉ riêng Nhất Trúc đứng lặng.
Khâu thị rời đi, Nhị Lan càng phấn khích nói với Nhất Trúc: "Nhất Trúc, ngươi có biết không? Sau khi chúng ta nhận đủ hai phần số tiền, trên đường đi, ta sẽ kết liễu Thương thị. Chúng ta không cần thiết phải quay về chốn này nữa. Ngươi nhìn thấy không Nhất Trúc, trong cái ngôi gia này có ai bình thường không? Ngay cả Đại thái thái mà ngươi cho rằng hết mực hiền từ, thì bà ta cũng nhẫn tâm vì con gái của mình mà bao che cho việc ác! Thử hỏi ngươi, trên đời này làm gì có lương thiện?"
"Ta nghĩ lại rồi Nhất Trúc, Khâu thị biết quá nhiều việc của chúng ta làm. Ta không thể nào để cho bà ta sống! Tối đêm nay khi bà ta giao tiền tại đây, ta sẽ tạo hiện trường giả, như bà ta tự thắt cổ! Nếu không phải là bọn họ, thì có ngày cũng là chúng ta!"
Đúng vậy, nếu không phải là bọn họ, thì chính là ta.
Trong ngọn lửa này, chân lý được giải phóng, nhưng ta không còn là ta nữa.
------
Tiết Mang Chủng (芒種), ngày bắt đầu khi chòm sao Tua Rua mọc lên rạng sáng, là thời khắc đánh dấu một trong những tiết khí gắn liền với nông nghiệp cổ truyền. Tiết khí này không chỉ đại diện cho sự trổ bông của ngũ cốc, mà theo quan niệm phong kiến, còn chứa đựng vận khí của hành Hỏa – mang đến cả cát tường lẫn xung đột. Tháng 5 âm lịch gắn với quẻ Thiên Phong Cấu (天 風 姤), báo hiệu những điềm không yên, nhưng trong khó khăn vẫn hé lộ niềm hy vọng.
Ngày Chính Kỵ (正忌) của Hiển Ngoại Tổ Tỷ ta cũng diễn ra vào tiết Mang Chủng này. Từ hôm qua, ta đã thấy mẹ buồn bã, thỉnh thoảng lại lén lau nước mắt.
Sinh thời, Hiển Ngoại Tổ Tỷ ghét sự phô trương, lúc bà mất, tang lễ cũng được cử hành kín đáo. Ngay cả ngày giỗ của bà, chỉ những người thân thiết trong gia đình mới được tham dự, đúng theo ý nguyện lúc sinh thời. Bài vị của bà được đặt trên bàn thờ, phủ tấm vải đỏ che khuất dòng chữ, như thể để bảo vệ bà khỏi những ánh nhìn tò mò. Nội tổ mẫu cẩn thận dâng lên một đĩa mứt sơn tra, nhưng tuyệt nhiên không thắp hương. Ta còn nhớ rõ lời nội tổ mẫu thốt ra: "Song Nhi, hôm nay ta sẽ hàn gắn trái tim tan vỡ của tỷ!"
Hiển Ngoại Tổ Tỷ của ta mất vào ngày sinh thần của chính mình. Không ai trong nhà tin rằng điều đó là ngẫu nhiên.
Sinh tử vốn là lẽ thường của tạo hóa, nhưng việc mất đi đúng ngày sinh thần lại như một sự an bài kỳ lạ của số mệnh. Trái tim kia vốn đã chịu bao thương tổn bởi đời người đầy thăng trầm, nay dường như cũng đến lúc không thể gắng gượng thêm.
Dẫu vậy, điều làm người ta nhức nhối không phải là phút giây từ biệt nhân gian, mà là những gì xảy ra sau đó: khi thân xác người khuất bóng bị phanh ra, trái tim bị lấy đi và cất giữ trong một hộp gỗ làm từ cây sơn tra. Loại gỗ này, từ xưa đã được biết đến với độ bền chắc, có khả năng chống lại sự mục nát theo thời gian. Hộp gỗ ấy không chỉ là nơi chứa đựng một phần thân thể, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho sự trường tồn của linh hồn người đã khuất.
Thân xác của bà, theo giao ước được an táng nơi Huyền Thạch Đàm (玄石潭). Nhưng trái tim của bà thì không cùng an nghỉ tại đó. Phải chăng trái tim ấy được ẩn giấu tại một nơi sâu kín, nơi giao hòa giữa cõi âm và dương: "Hồn ở nơi an lạc, hình ở chốn thanh sạch?"
Lúc hành lễ, cha dìu mẹ quỳ xuống bái lạy trước bàn thờ bà ngoại. Khi đến lượt ta, nội tổ mẫu lại đưa tay ngăn cản, bảo rằng ta có bệnh, không tiện hành lễ, chỉ cần đứng chắp tay vái lạy là đủ. Tuy nhiên, khi ta chưa kịp vái, tiếng bước chân vội vã từ A Phúc và Lộc Can vọng vào. Họ báo tin rằng Tô thúc đã tìm thấy Thất công tử, và hiện ngài ấy đang được ngoại thúc phụ đưa về.
Mẹ nghe vậy thoáng bối rối, nhưng nội tổ mẫu khẽ thở dài: "Nếu lòng còn bận tâm chuyện khác, thì cùng nhau trở về thôi. Nghĩa mẫu của con có lẽ cũng sẽ không trách."
Khi bước ra khỏi nhà, ngoài trời mưa lâm râm, từng giọt nhỏ đọng trên lá cỏ, mang theo hơi lạnh lẩn khuất trong không khí oi bức của tiết Mang Chủng. Trời âm u, mây dày nặng nề bao phủ như tấm màn không xé rách được. Mưa nhỏ không ào ạt mà dai dẳng, từng giọt rơi đều, tạo thành tiếng tí tách vang vọng khắp vùng. Hương đất ngai ngái trộn lẫn với hơi nước, ngấm vào lòng người cảm giác trống trải, buồn mênh mang. Trên con đường đá dẫn ra khỏi thôn, tiếng vó ngựa lóc cóc vang lên trong không gian tĩnh mịch, hòa cùng những tiếng thở dài.
------
Ngày Cáo Giỗ, hay còn gọi là Tiên Thường, được tổ chức trước một ngày so với ngày mất của người quá cố. Đây là dịp để con cháu làm lễ cáo mời người đã khuất về hưởng giỗ và đồng thời xin phép Thổ Công cho vong hồn người được giỗ cùng với các bậc gia tiên nội ngoại. Lễ Tiên Thường thường chỉ áp dụng với những giỗ trọng, tức những người thuộc hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em. Với giỗ mọn—những người hàng dưới như con, cháu, chắt, chít—chỉ cần làm lễ vào chính giỗ mà không cần có Tiên Thường.
Vào ngày Cáo Giỗ, trưởng gia sẽ mang lễ ra mộ để mời vong hồn người đã khuất trở về, đồng thời sửa sang mộ phần sao cho sạch sẽ, trang nghiêm. Bàn thờ trong nhà cũng được lau chùi kỹ càng từ sáng sớm, hương khói nghi ngút cả ngày, chuẩn bị cho lễ Tiên Thường diễn ra vào buổi chiều. Họ hàng nội ngoại gửi lễ giỗ hoặc đến giúp gia đình trưởng gia chuẩn bị.
Lễ cúng bắt đầu bằng việc thắp hương và khấn Công thần Thổ Địa, sau đó mới đến Gia tiên. Khi cúng, gia chủ phải mời người được hưởng giỗ trước, rồi lần lượt mời gia tiên nội ngoại từ bậc cao nhất đến thấp nhất. Cuối cùng, lễ cáo thỉnh các Gia thần, mời cùng về dự tiệc giỗ với con cháu.
Ngày Chính Giỗ, hay còn gọi là Chính Kỵ, diễn ra vào ngày mất của người được giỗ. Trong lễ cúng này, mâm cỗ bắt buộc phải có bát cơm úp và quả trứng luộc, kèm gia vị để dâng lên người đã khuất (ngày nay điều này không còn bắt buộc).
Trong ngày này, gia chủ thường mời cả bà con họ hàng và làng xóm thân thiết đến dự. Khách khi đến thường mang theo các lễ vật như trà, rượu, hoa quả... Những lễ vật này được gia chủ đón nhận và đặt lên bàn thờ. Sau khi thắp hương, chủ nhà sẽ mời khách uống trà, ăn trầu, bánh kẹo trước khi dùng cỗ.
Cỗ bàn được sắp xếp thành từng mâm, mỗi mâm bốn hoặc sáu người ngồi. Thành phần các món ăn được chọn lựa kỹ càng, tinh khiết, và đầy đặn, thể hiện lòng hiếu kính với người đã khuất. Đặc biệt, theo lễ giáo xưa, đàn ông và đàn bà không ngồi chung một mâm.
Thời gian dùng cỗ thường vào buổi trưa, nhưng có khi kéo dài đến buổi chiều. Sau khi khách ra về, gia chủ sẽ thắp thêm một tuần hương để lễ tạ và xin phép hóa vàng.
Có gia đình tổ chức đầy đủ cả hai lễ Tiên Thường và Chính Kỵ. Thường thì lễ Tiên Thường đông người hơn, bởi khách dễ sắp xếp đến dự vào buổi chiều sau khi xong việc đồng áng. Một số trường hợp, cả hai vợ chồng trong gia đình được mời dự giỗ, người này đi lễ Tiên Thường, người kia đi Chính Kỵ. Tuy nhiên, ngày nay phong tục đã có phần giản lược, nhiều gia đình chỉ tổ chức một buổi lễ, nhưng vẫn cúng đủ vàng hương và rượu trong cả hai ngày theo quy định.
Theo lễ giáo cổ, lễ Tiên Thường nhất thiết phải tổ chức vào buổi chiều, còn lễ Chính Kỵ phải cúng vào buổi sáng, dù người mất vào chiều hay tối ngày đó. Điều này thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với phong tục và bậc trưởng thượng trong gia đình.
(*) Bạn có thể đọc bài viết sau để tìm hiểu rõ hơn về phong tục Cúng giỗ ở trang web sau: https://giatocbuiduy.com/phu-khao/phu-pha-dong-ho-bui-duy/
------
Là người cuối cùng bước qua cổng, trong lòng ta không khỏi dậy lên một nỗi niềm rối bời, tựa như từng giọt mưa thấm dần qua lớp vải áo, lạnh buốt mà chẳng cách nào xua tan. Những bước chân chậm rãi đạp lên nền đá xanh ướt sũng, mỗi lần nhấc chân, nước bắn tung tóe làm ướt cả tà váy. Hồng Hạnh lặng lẽ giương dù che cho ta, bàn tay nàng khe khẽ xoa lưng, tựa như muốn xoa dịu cơn bão đang cuộn trào trong lòng ta.
Từ trong chính sảnh vọng ra tiếng ồn ào huyên náo. Những giọng nói giao hòa như tiếng ve râm ran giữa trưa hè: tiếng gia nhân, tiếng quản sự cửa tiệm, tiếng huynh đệ tỷ muội họ hàng. Lẫn trong đó là thanh âm trầm ổn của đại bá, nhị bá và Tô thúc. Nhưng dù cố gắng lắng nghe, ta vẫn chẳng tìm được giọng nói quen thuộc mà lòng mong mỏi nhất.
Khi nội tổ mẫu và cha mẹ bước lên, đám đông liền dạt ra, nhường một lối thẳng đến bậc tam cấp. Ta theo sau họ, nhưng khi bước tới gần, đôi chân bỗng khựng lại.
Ta sợ.
Sợ rằng tất cả chỉ là giấc mơ hư ảo. Sợ rằng mong chờ sẽ hóa thành thất vọng. Hay tệ hơn, là cảm giác trống rỗng khi điều kỳ vọng chẳng hề tồn tại.
Ta nhắm mắt, ép mình hít thở sâu, đếm thầm trong đầu để tự trấn an.
"Một... Hai... Ba..."
Khi vừa mở mắt, một bóng đen từ trong chính sảnh lao vụt ra, dừng lại ngay trước mặt ta. Người ấy đứng thẳng lưng, tay ôm một chiếc bình gốm hình con vẹt phủ men ngà. Khuôn mặt ấy đã khác xưa nhiều lắm. Mái tóc ngả vàng, làn da sạm đen, đôi bàn tay gầy guộc đầy vết chai sạn và trầy sướt. Nhưng đôi mắt ấy, vẫn cong cong ánh lên vẻ hồn nhiên trong trẻo, và nụ cười ấy, dù có chút mệt mỏi, vẫn tươi rói như ngày nào.
"Nương tử, Tử Yên đã tìm thấy nàng rồi!" Giọng người trầm khàn, run rẩy mà chứa chan niềm vui khôn xiết xen lẫn một chút nỉ non.
Đó là sự rụt rè, là nỗi khát khao, là mừng rỡ và cả sự nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng đã chạm tới điều hằng mong đợi.
Ta đứng yên, nhìn người dưới màn mưa. Dưới dù giấy, từng giọt nước nhỏ xuống bị gió tạt khiến vai áo ta ướt lạnh, nhưng dường như tất cả sức nặng đều tập trung vào ánh nhìn của ta dành cho người trước mặt.
"Nương tử, nàng có nhớ ta không?" Người khẽ nghiêng mình, bàn tay vươn ra chạm nhẹ vào cổ tay ta, như e sợ nếu siết chặt hơn sẽ làm ta tức giận. Nhưng ta lại lùi bước, giằng tay mình ra khỏi bàn tay ấy.
Khuôn mặt người lập tức sững lại. Ánh mắt và biểu cảm ấy từ rạng ngời chuyển sang u tối, lộ rõ một nỗi thất vọng sâu sắc. Khóe môi rũ xuống, tầm mắt cũng cụp xuống, như chẳng còn dám đối diện với ta.
"Nương tử... có phải nàng chê ta bẩn không?" Giọng nói nhỏ dần, yếu ớt, nghẹn ngào như bị nghiền nát bởi chính nỗi tự ti. Những chữ cuối cùng thậm chí chỉ như một làn hơi mỏng manh tan vào cơn mưa.
"Tử Yên xin...lỗi! Ưm..." Người cứng đờ khi ta vươn tay chạm nhẹ vào đôi môi khô ráp ấy. Ta không để hắn kịp phản ứng, ngón tay chỉ dừng lại thoáng chốc, đủ để ngăn dòng chảy của những lời tự trách.
Không phải, người xin lỗi là ta mới đúng!
Trong khoảnh khắc, ta muốn tất cả những lễ nghi, tất cả những ánh mắt đang dõi theo xung quanh đều tan biến. Ta muốn quên hết mọi thứ, thậm chí còn muốn vuốt ve khuôn mặt kia, lao đến ôm chầm lấy người, muốn ôm thật chặt, để ta có siết chặt hai cánh tay, ghì lấy người vào lòng, như chính mình là một sợi dây trói buộc hắn.
Ta rất muốn, rất muốn áp mặt mình vào lồng ngực đối phương, để cảm nhận nhịp đập mạnh mẽ từ trái tim ấy. Tiếng trống ngực dồn dập, như hòa làm một với tiếng đập thổn thức trong lồng ngực ta.
Thời gian có thể nào chờ đợi?
Ta lưu luyến để bàn tay rời khỏi đôi môi mềm ấm kia. Sau đó nở một nụ cười thật tươi, nhưng thực ra ta biết nó vừa méo mó vừa rất khó coi. Nở một nụ cười nuốt nghẹn nước mắt, như thể an ủi chú chim non đang run rẩy kia.
Ánh mắt người vẫn bối rối, đôi chân run run như chưa dám bước tới. Đôi môi ta mấp máy, sau cùng chỉ có thể gọi tên người một cách khô khốc: "Tử Yên..."
"Có Tử Yên!" Giọng nói của đối phương vừa nhỏ nhẹ, vừa ỉu xìu.
"Vào nhà nhé?" Ta cố giữ giọng mình dịu dàng.
"Ừm, đều nghe lời nàng!" Một câu trả lời đơn giản, nhưng âm thanh ấy, sự vâng phục ấy, chất chứa biết bao niềm tin và tình cảm.
Ta hít một hơi thật sâu, che giấu cảm xúc trong lòng, xoay người bước lên bậc tam cấp. Hắn lặng lẽ theo sau, chấp nhận trở thành một cái bóng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro