Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 32: Huyễn Tông Đoạn Nguyệt (幻宗斷月)

[♪] Huyễn Tông Đoạn Nguyệt (幻宗斷月): Gián đoạn trăng huyền.

------

Triệu Thiên Chân, Đoạn Thổ Lý (兆天眞, 断土理).

Một trạng thái thiên lệch và bất toàn của chân lý đã dẫn đến sự phá vỡ cốt lõi, tách rời những quy luật vốn bất biến của đất đai và địa lý. Điều ấy không chỉ làm gián đoạn sự tích tụ của linh khí đất trời mà còn gây nên đứt gãy trong dòng chảy năng lượng tự nhiên, vốn là nền tảng tạo lập nên cân bằng và hưng thịnh.

Hậu quả của sự bất ổn này, chẳng khác chi việc vạch trời gọi sấm, gieo họa mà không hay. Đất đai vốn dĩ là linh hồn của thiên hạ, khi đã đoạn tuyệt với đạo lý tự nhiên, ắt sẽ tạo nên cảnh long mạch cạn dòng, sơn xuyên khô héo, dẫn đến điềm xấu chẳng thể tránh.

Vậy nên, chân lý nếu chẳng toàn vẹn, thiên hạ tất rơi vào suy vi; quy luật đất đai bị phá vỡ, vận mệnh của muôn dân cũng theo đó mà điêu tàn.

------

Sau sự huyên náo vừa rồi, chủ sự là Diễn Khí Đạo Nhân đứng ra nói lời hòa giải, khéo léo trấn an các quan khách bằng những lời lẽ đạo mạo và ôn tồn. Sau đó, buổi tiệc tiếp tục diễn ra trong bầu không khí cố gắng gượng ép sự bình lặng. Chỉ thấy Ngô Thập Nhị cùng các nhạc công kia lui vào hậu trường, không hề quay lại.

Nhằm bù đắp cho sự gián đoạn, Diễn Khí Đạo Nhân đã cho người trình diễn một vở Hí khúc mang tên "Sở Hạnh" (楚杏). Lúc này cảm thấy không còn điều gì đáng lưu lại, ta cùng phụ mẫu đứng dậy, chậm rãi bước tới từ biệt viện chủ, lý trưởng, và Diễn Khí Đạo Nhân.

Hoài Chiêu vẫn giữ tư thái uy nghi và đạo mạo như một vị chân nhân, đứng đó với phong thái bình thản. Khi hắn đối mặt với phụ mẫu ta, hắn cúi chào kính cẩn, giọng nói hữu lực với ngôn từ đúng mực. Dường như cố ý giữ khoảng cách, hắn không tỏ vẻ quen biết ta. Sau đôi câu chào xã giao, gia đình ta cáo từ và rời khỏi.

Khi bước qua ngưỡng cửa, ta vẫn nghe văng vẳng giọng của Diễn Khí Đạo Nhân đang trao đổi cùng lý trưởng về một sự việc. Đập vào tai ta chính là món bảo vật "Tường Ngọc Phương" [爿鈺匚]. Theo lời họ, bảo vật quý giá này đã được người phụ tá của Tuy Phong Bá (隨風伯) ra giá rất cao mua lại.

Chiếc hộp mang danh "Tường Ngọc Phương" vốn là một bảo vật hiếm có. Vật này được chế tác từ loại kim loại đặc biệt, bóng tựa vàng ròng, khó phân thật giả. Hộp gồm hai phần được phân cách bởi một thanh tre ngọc tinh xảo. Phần bên trái mang hình chữ "Tường" (爿), biểu thị cho sự vững chãi, chắc chắn, tựa như tường thành kiên cố bảo hộ người trong. Phần bên phải là chữ "Phiến" (片), nhẹ nhàng, thoáng đạt, biểu tượng cho sự rộng mở và thanh thoát.

Bảo vật này thuộc về Thái gia, được lưu truyền qua nhiều thế hệ như gia bảo trấn trạch. Tương truyền, đây là món đại diện cho ân điển trọng hậu mà Tiên đế thân chinh ban thưởng cho Thái viên ngoại, người từng giữ chức Thượng thư và hiện an cư tại Giao Điền Phủ.

Việc Thái viên ngoại đem bảo vật ấy đi bán đấu giá để cứu tế bách tính nghèo khổ được ca ngợi là hành động nhân đức, xứng đáng được lưu danh hậu thế. Có kẻ không tiếc lời tán dương rằng: "Một món đồ như vậy đáng được ban tặng biển ngạch Sắc tứ (敕賜), khắc ghi ân nghĩa cao dày của Thái gia, khiến người người ngưỡng vọng."

Tuy nhiên, người hiểu chuyện lại mỉa mai rằng: "Bảo vật ân tứ triều đình, chẳng qua chỉ để khoe khoang nhân đức, làm cái cớ thu thêm danh tiếng mà thôi. Một chức hàm Chánh cửu phẩm Bách hộ sao bằng cái chức Tiên thượng thư của Thái lão gia!"

Hai chữ "Sắc tứ" (敕賜) mang ý nghĩa đặc biệt, là sự rút gọn từ cụm "Quân chủ cáo mệnh thưởng tứ" (君主誥命賞賜), tức ân tứ được ban bởi bậc quân chủ. "Sắc tứ" có thể chỉ vật phẩm hữu hình như đồ vật, bảo vật, hoặc ân điển vô hình như phẩm tước, danh hiệu, được nhà vua hoặc hoàng triều ban xuống nhằm tỏ lòng ưu ái, ghi nhận công lao, hoặc biểu thị sự trọng vọng.

Trong đó, chữ "Sắc" (敕) mang ý nghĩa chỉ dụ, sắc lệnh, là mệnh lệnh tối cao của vua chúa. Đây là một từ ngữ mang tính chuyên biệt, chỉ thuộc về quyền uy của thiên tử, không ai khác có thể sử dụng hoặc tùy tiện gán ghép. Những địa điểm, gia tộc, hay tổ chức được ban hai chữ "Sắc tứ" đều đồng nghĩa với việc nhận được sự công nhận và ân sủng trực tiếp từ nhà vua, trở thành biểu tượng danh giá cao quý, đáng được kính ngưỡng trong thiên hạ.

Trong triều đình, ai chẳng biết Tuy Phong Bá và Thái viên ngoại vốn cùng phe cánh, thường giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đã như vậy, cớ gì ông ta không thẳng thắn đề nghị, mà lại vòng vo tốn kém? Là nghĩa tử của Thọ Nghi công chúa, ông ta kế thừa thực ấp phong phú mà công chúa để lại, tiền bạc tích lũy đến bạc vạn.

Song, dù thế nào, ân oán triều đình chẳng phải điều mà kẻ thường dân có thể hiểu thấu.

Biết nhiều chỉ làm người ta phiền não.

------

Đáng lý ra, đến ngày hôm sau gia đình mới khởi hành, nhưng phụ mẫu ta đã cẩn thận tính toán lại để mọi sự đều hợp lý.

Thuyền lớn đã cập bến. Lần này, thay vì lựa chọn xe ngựa như trước, cha mẹ quyết định cùng ta và mọi người theo tàu xuôi dòng sông dài về phía Bắc, chứ không đi đường sông ra cửa biển. Khoảng cách địa lý nhờ đó sẽ được rút ngắn, nếu thuận lợi không ngừng nghỉ, chỉ mất khoảng bốn ngày là có thể đến được vùng ngoại thành kinh kỳ, sau đó chuyển sang xe ngựa để về Bạch Mai.

Trên con thuyền lớn, mọi sự tưởng chừng êm đềm, như mặt nước phẳng lặng không gợn sóng, nhưng không khí vẫn âm thầm ngột ngạt. Phụ mẫu ta lo lắng trăm bề, luôn canh phòng cẩn thận, không dám lơ là dù chỉ trong chốc lát, như thể sợ rằng ta có thể bị kẻ gian bắt đi bất cứ lúc nào.

Vậy là ta rời khỏi Bồ Can được hai ngày rồi, giống như vừa tỉnh lại từ một giấc mộng dài, nhưng lại không đọng lại gì trong tâm trí. Là chốn tưởng chừng sẽ lưu luyến, nhưng khi bước ra được lại thở phào nhẹ nhõm.

Trăng trương huyền tròn dần theo từng ngày của hành trình, sức khỏe ta lại lênh đênh như sóng nước. Có khi có thể cùng cha mẹ ngồi ở mạn thuyền ngắm cảnh, có lúc lại mệt mỏi chỉ biết nằm dài trong khoang. Cha bảo rằng ta bị say sóng, không quen với việc di chuyển bằng thuyền. Nói lúc trước, khi ta còn nhỏ cũng vậy, chỉ cần lên thuyền là khóc ré lên, còn nôn ọe đến xanh xao. Cha còn dặn dò, đừng quá chăm chăm nhìn xuống dòng nước, dễ khiến đầu óc quay cuồng.

Thuyền lại gặp sự cố!

Cha bảo vì qua khúc sông hiểm trở, thuyền đã va phải mạch đá ngầm. Đây đã là lần thứ hai xảy ra chuyện tương tự khi đi qua khúc sông này. Do đó, cha quyết định tìm trạm dịch gần đó để mọi người tạm trú qua đêm.

Cha cho người tìm trạm dịch, bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mọi người trên thuyền có thể nghỉ qua đêm cho đến sáng hôm sau. Trạm dịch này lại là nơi cha mẹ tình cờ gặp gỡ Tô thúc cùng Thất công tử.

Vì sao ta biết ư?

Phòng ta ở có một cửa sổ nhỏ nơi cuối chân giường, rất lý tưởng để ngắm trăng. Khi Hồng Hạnh đến mở cửa sổ cho thoáng khí, nàng bỗng phát hiện một chiếc chong chóng tre nằm khuất trong góc. Đó chính là chong chóng của Thất công tử, trên cánh chong chóng còn vẽ hình đầu heo ngộ nghĩnh.

"Chắc là của Thất công tử bỏ quên!" Hồng Hạnh cầm chong chóng tre đưa cho ta. "Hôm đó ngài ấy đem theo rất nhiều đồ chơi. Chắc là trong lúc lấy ra chơi đã đánh quên nó!"

Ta nhìn vật cười mỉm, chỉ thổi nhẹ một làn hơi làm cánh chong chóng xoay tròn.

"Con gái ngoan!" Mẹ bước vào phòng, trông thấy cảnh ấy liền bật cười hiền hòa. "Con chơi đồ chơi gì vậy? Lại đây, để mẹ múc cháo cho con!"

Ta ngượng ngùng, đặt chiếc chong chóng xuống, lững thững bước tới bàn. Từ ngày rời Bồ Can, thay vì ăn ba bữa như thường, mẹ cố gắng bồi bổ cho ta đến sáu bữa.

Mẹ nói muốn nuôi ta thành một hài tử phúng phính đáng yêu. Cha cũng ủng hộ, nói rằng ta dạo gần đây có khẩu vị tốt hơn, ăn uống đã cảm nhận rõ hương vị thức ăn. Thức ăn đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, là những món dễ tiêu hóa kèm hoa quả bổ dưỡng.

"Cháo nấm tối nay không có đủ nguyên liệu, chỉ đơn sơ thế này thôi!" Mẹ vừa múc cháo, vừa mỉm cười nhìn ta. Mẹ nhìn ta ăn mà ánh mắt bà đầy dịu dàng. Nếu không phải ta bướng bỉnh nói mình có thể tự ăn, có lẽ bà đã tranh luôn phần đút cho ta.

Ta gật đầu, húp ngon lành. Sau đó, mẹ đột nhiên nhắc về ngoại tổ tỷ (外祖妣), rằng cách ăn của ta rất giống bà ấy, từ khẩu vị đến sở thích. Bà ấy rất thích các món ăn có nấm, nhất là nấm đông cô (椎茸). Lúc mẹ còn nhỏ, ngoại tổ tỷ hay nấu các món từ nấm cho mẹ ăn, ăn đến mức ngán ngấy.

Mẹ hiếm khi nhắc đến ngoại tổ tỷ, mỗi lần nhắc đến chỉ là tình cờ, cũng không kể quá năm câu. Nhìn vẻ bên ngoài của mẹ khi nhắc đến bà ngoại đều là một sự gượng gạo hời hợt, nhưng thực ra ta biết mẹ đang dựa vào ta để hình dung về người mẹ nuôi quá cố của mình.

Dường như ngoại tổ tỷ là điểm yếu của mẹ, là cái gai trong lòng khó tháo gỡ, cũng không thể tùy tiện chạm vào.

"Quyên Nương [鵑娘]!" Giọng cha cất lên từ ngoài cửa, ngắt dòng hồi tưởng.

"Thiếp đây!" Mẹ đáp lời cha. Cha cười rồi bước đến vịn vai mẹ, bảo: "Quyên Nương, nàng cả ngày vất vả rồi, mau về phòng nghỉ ngơi sớm đi!"

"A Hạnh và A Xuân sẽ thay phiên trông Nhiêm Nhi!"

"Đúng rồi đó mẹ!" Ta đặt chén xuống bàn, thúc giục cha mẹ về phòng nghỉ ngơi. Đã hơn nửa đêm, tất nhiên nhìn thấy mắt mẹ gần sụp xuống thì biết bà đã rất mệt mỏi. Ta chỉ mong bà mau về phòng ngủ.

Mẹ ngần ngừ một chút, rồi rời đi cùng sự dìu đỡ của cha và Hồng Lăng.

Nhưng đợi khi bà rời đi, ta lại xộc chạy về phía cửa sổ mà phun ra một ngụm máu tươi. Không phải vì canh của mẹ có độc, là vì hạch bạch huyết của ta ngày càng sưng to, đau đớn đến mức không thể chịu nổi.

Nếu không phải cha kịp thời kêu bà về phòng nghỉ ngơi, có lẽ ta sẽ nhịn không nổi mà thổ huyết trước mặt bà. Sau khi nhổ hết ngụm máu kia, cũng như trút cạn sinh lực của ta. Ta liền nương theo bậu cửa trượt xuống rồi ngồi bệt xuống đất.

Hồng Hạnh và Hồng Xuân nhìn thấy tình trạng của ta liền rơi lệ, nhưng bọn họ nhẫn nhịn quay đầu đi. Là ta không cho phép họ nhìn thấy bộ dạng thê thảm này của mình, cũng không để họ nói lại cho cha mẹ ta biết, càng dấu diếm được lúc nào thì hay lúc đó.

Ta vươn tay chùi vết máu trên miệng của mình, sau đó thở dốc không ngừng, cho đến khi bản thân có thể gượng tiếp mới gọi Hồng Xuân đến đỡ mình. Hồng Hạnh rót một chén trà cho ta, nàng mím môi thật chặt, không nỡ nhìn.

"Ta ổn rồi!" Nằm trên giường, chỉ còn đủ hơi đủ thều thào. "Hai người mau ngủ đi!"

Họ gật đầu, tháo dây hạ màn xuống, thổi tắt đèn trong phòng rồi ra gian ngoài. Ta đặt chong chóng tre lên bên cạnh gối rồi nhắm mắt lại.

Sao trăng trương huyền tròn dần mà lại không sáng đủ nhỉ?

------

Bình minh buông ánh nhàn nhạt qua khung cửa sổ, khẽ chiếu lên gian phòng tĩnh lặng của ta. Chưa kịp bước chân xuống giường, ta đã nghe tiếng Mít sủa ầm ỹ nơi sân trước.

Tiếng động ấy làm lòng ta dấy lên nỗi bất an, liền cất giọng gọi Hồng Hạnh vào hỏi nguyên do. Hồng Hạnh cúi đầu, giọng nhỏ nhẹ nhưng đầy căng thẳng, bẩm: "Tiểu thư, đêm qua có trộm đột nhập từ chuồng ngựa. Nhưng bọn chúng đã bị bắt lại cả rồi, tổng cộng có đến mười tên."

Mười tên trộm! Cả gan như thế, chẳng lẽ bọn chúng chỉ đến vì ý đồ nhỏ nhoi là lấy cắp vật dụng sao? Ta không khỏi suy nghĩ sâu xa hơn: mục đích thực sự của bọn chúng e rằng còn hiểm ác hơn thế, có thể là cướp của, thậm chí giết người. Nhưng bọn tùy tùng của cha mẹ ta đều là những người tinh thông võ nghệ, chưa kể có thêm mười bộ khúc của Tô thúc trợ giúp. Kẻ nào to gan xông vào đây, há chẳng phải tự tìm đến chỗ chết hay sao?

Hồng Hạnh tiếp tục thuật lại: "Trong số mười tên, bảy tên đã bị áp giải lên nha môn. Còn ba tên, lão gia giữ lại để tự mình tra khảo, vì người nhận ra bọn chúng chính là thuộc hạ của đối thủ trong thương trường."

Cha ta dù làm việc quang minh chính đại, song vẫn không tránh được có kẻ thù. Làm thương nhân, không thể thân thiết với tất cả, thì ắt sẽ có kẻ đố kỵ, thậm chí trở mặt thành thù. Hơn nữa, qua lời tra khảo, cha phát hiện trong trạm dịch này có tay trong của bọn chúng đã chuẩn bị từ trước. Sự cố hư thuyền mấy ngày qua, không chừng cũng là do bàn tay chúng gây nên.

Cha nghiêm giọng, buộc bọn chúng phải ký tên, điểm chỉ vào tờ khai nhận tội. Sau đó, ông gọi A Bảo đến áp giải chúng lên nha môn. Cha luôn cẩn trọng giữ gìn nhân phẩm, không muốn tự mình nhuốm máu, cũng không muốn để mẹ ta kinh sợ.

Nhưng đáng lý ra, sự việc này rất khó bị phát hiện, vì bọn trộm đã cẩn thận bỏ thuốc mê cực mạnh vào thức ăn, lại còn đốt mê hương quanh trạm dịch. Ngay cả Mít cũng bị chuốc thuốc, vậy mà điều kỳ lạ xảy ra...

Một trong số bọn trộm, kinh hãi tột độ, kể rằng hắn đã nhìn thấy "một đại ma đầu" ngồi trên nóc nhà, ánh mắt như soi thấu tâm can. Kẻ nọ tự xưng là "Lục", một nhân vật giống như tử thần đến từ bóng tối vô tận. Y chỉ nhếch môi cười, như thể cười mà chẳng cười. Với một cái búng tay, linh hồn kẻ trộm bị xé nát, cảm giác như có hàng vạn cánh tay kéo hắn xuống địa ngục. Nhưng điều kỳ lạ là, hắn vẫn sống lại.

Được sống lại với một hình hài con người toàn vẹn.

Lần thứ hai, đây là lần thứ hai ta nghe thấy có người nhắc về Lục.

Nhưng lần này Lục không nói bất kì lời cảnh cáo nào.

Ta không khỏi lạnh sống lưng khi Hồng Hạnh bẩm báo thêm: "Khi tên trộm vừa được áp giải ra cửa, chưa kịp bước đến bước thứ ba, hắn như bị á khẩu, cơ thể đột nhiên teo tóp lại như gỗ mục, rồi ngã quỵ xuống đất. Máu dường như bị rút cạn, để lại trên lồng ngực vết tích của một móng vuốt mãnh thú. Rõ ràng, chẳng ai dụng hình với hắn..."

Nàng kể đến đây, mồ hôi lấm tấm trên trán, đôi mắt hoảng sợ, run rẩy đến mức ngất đi. Ta giật mình, lắng lòng nghĩ ngợi mà bất giác tỉnh táo. Khi ta hoàn hồn, cảnh trước mắt vẫn là một khung trời bình yên: ánh sáng ấm áp của buổi sớm, gió nhẹ lay cánh chong chóng tre trong tay ta. Tiếng Mít sủa vang hòa cùng tiếng đùa giỡn của A Phúc và Hồng Xuân dưới sân.

Hồng Hạnh sau đó gõ cửa, trên tay bưng một khay thức ăn. Nàng vẫn giữ vẻ cung kính, dịu dàng cười: "Phu nhân đang nấu cơm chiên, nhưng sợ tiểu thư đói bụng, nên dặn nô tỳ mang điểm tâm lên trước."

Là món cơm rang trứng.

------

Chỉ có mỗi giấc mộng kia làm cho ta đôi phần bối rối, nhưng sau đó bởi vì món cơm rang trứng của mẫu thân mà quên bẫng đi.

Ta không nghĩ nhiều, mãi đến khi ngồi trên xe ngựa cùng cha mẹ đi qua một khu chợ, nơi những tên trộm cắp bị dẫn đi bêu đầu thị chúng, lòng ta mới khẽ động. Đám đông chen chúc trước pháp trường, người thì chửi rủa, kẻ lại xầm xì bàn tán. Thế nhưng, câu chuyện về hắn còn phức tạp hơn nhiều. Kẻ ấy không chỉ là trộm cướp của người khác, mà còn là một kẻ phản chủ. Trong lúc tranh giành quyền lợi, hắn đã nhẫn tâm ngộ sát chính chủ nhân của mình. Mà chủ nhân của hắn, dù chết oan uổng, cũng chẳng phải người vô tội. Là lấy oán báo oán.

Cha ta từ trước đến nay luôn dạy rằng, thương trường là chiến trường, cần trọng nhân mà kết giao. Ông từng từ chối hợp tác với người chủ nhân ấy, cũng chính vì biết được những điều khuất tất sau lưng y. Không chỉ vậy, cha còn tận tâm chỉ dạy ta cách nhìn người.

"Người quân tử không kết giao kẻ tiểu nhân!" Ông thường nhắc. "Con gái, có những người không cần giao thiệp, có tránh được thì tránh. Đôi khi trực giác của con chính là tiếng chuông báo động từ nội tâm, không nên bỏ qua." Ông bảo linh cảm ấy không phải điều huyễn hoặc mà chính là năng lực tiềm tàng, giúp ta đưa ra những quyết định sáng suốt khi đối mặt hiểm nguy.

Ngẫm lại cũng đúng, bởi vì nếu không vì linh cảm ta không thể giải thoát cùng lúc ba mạng người. Đầu tiên là chính mình, thứ hai là mẫu thân của Thái Minh Châu và thứ ba là Kiều Bích Phù. Cùng nhau mắc kẹt ở một thời không.

Đang miên man suy nghĩ, bỗng tiếng gọi dịu dàng của mẹ kéo ta về hiện thực: "Con gái ngoan, con có muốn ăn kẹo hồ lô không?" Ta nhìn theo hướng tay mẹ chỉ, thấy một người bán hàng rong đang gánh kẹo đi về phía xe ngựa. Ta gật đầu, đưa lên ba ngón tay ý nói muốn ba xiên.

Cha bật cười xoa đầu ta đầy yêu thương, rồi bảo A Phúc dừng xe. "Hồng Xuân, Hồng Lăng, hai đứa xuống mua kẹo đi."

Hai nàng nhanh nhẹn nhảy xuống xe, ríu rít đến bên người bán hàng, như đôi chim non tung tăng giữa dòng người náo nhiệt. Một lát sau, Hồng Lăng trở lại, tay cầm những xiên kẹo, vui vẻ hỏi: "Tiểu thư, có bốn vị, người chọn vị nào? Táo gai, dâu, quýt, hay nho?"

Ta nhìn một lúc rồi chọn ba xiên đều vị táo gai, loại nguyên bản nhất. Hồng Lăng dâng lên, ta liền đưa cho cha mẹ mỗi người một xiên. Ban đầu, cả cha lẫn mẹ đều ngạc nhiên, ánh mắt lộ chút bất ngờ, nhưng sau đó, họ đồng điệu nhận lấy, cùng thưởng thức hương vị ngọt ngào ấy.

Đưa xiên kẹo lên miệng, ta nhìn ánh nắng lấp lánh xuyên qua những hạt hồ lô óng ánh như những viên ngọc nhỏ.

Có lẽ, ta đã tìm được đường trở về nhà rồi!

------

Điểm dừng cũ, bắt đầu mới.

Ta rời nhà vào một ngày lạnh lẽo của mùa đông, lại trở về nhà vào một ngày oi bức của mùa hạ. Xe ngựa vừa đặt chân đến quê hương, một cảm giác thở phào nhẹ nhõm bắt đầu nhen nhóm. Cảnh vật ấy vẫn quen thuộc trên từng cung đường, nhưng cảm giác như đã rất lâu, rất lâu...

Cha mẹ vì sợ để nội tổ mẫu đợi lâu, nên vội thúc ngựa tiến thẳng vào thành, bỏ qua những lời chào hỏi thường nhật nơi phố thị.

Dinh thự nhà ta nằm nổi bật giữa dãy phố đông đúc. Một cửa hàng kinh doanh lớn che chắn phía trước, bên hông lại có con đường nhỏ dẫn xe vào. Cửa chính quay hướng Đông, nghênh đón ánh dương mỗi sớm mai.

Nhà của ta trước kia chỉ là một hộ khá giả, buôn bán đồ trang sức. Sau nhờ trời thương và tổ tiên phù hộ, gia cảnh dần khấm khá, mở rộng thêm cơ ngơi, xây thành dinh thự bề thế, vừa tiện việc kinh doanh, vừa đủ chốn an cư cho cả gia tộc.

Dinh thự có ba dãy nhà chính, trước là tiền sảnh để tiếp khách, giữa là gian thờ và phòng hội họp của các trưởng bối, sau là nơi ở riêng của các thành viên trong nhà. Cột trụ chạm khắc tinh xảo, mái ngói lưu ly xanh thẳm, hiên nhà lát đá trơn bóng. Tường vôi trắng phau nổi bật giữa hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn ghẽ.

Nội tổ mẫu đã chờ đợi trước cổng từ rất sớm. Nghe nói, bà vừa trở về sau khi đến miếu thờ Miên công cầu phúc cho gia tộc. Mười mấy gia nhân trong nhà xếp hàng chỉnh tề từ ngoài ngõ đến tận bậc thềm, trang nghiêm đến mức khiến ta vừa cảm động vừa buồn cười.

Khi ta bước xuống xe ngựa, ta nhìn thấy nội tổ mẫu có phần tiều tụy. Ta định quỳ xuống bái lạy người, nhưng tổ mẫu lập tức xua tay không cho phép, bà nói: "Cháu ta đi xa về, chẳng cần những lễ nghi ấy. Mọi người, mau giúp nó vào trong mà nghỉ ngơi!"

Cha mẹ vội tiến lên chào hỏi tổ mẫu, rồi cả nhà cùng bước vào chính sảnh. Người trong nhà vẫn chưa tụ họp đông đủ, chắc phải vài ngày nữa các đại bá cùng huynh tỷ mới có thể sắp xếp về được. Cha nhìn quanh liền hỏi tổ mẫu rằng Tô thúc đã về chưa. Nội tổ mẫu lại nói rằng vẫn chưa.

Điều này thật kì lạ! Nhưng trong thư từ sáu ngày trước, Tô thúc đã nói mình sắp đến nhà rồi. Làm sao để liên lạc với thúc ấy đây? Hồng Lăng nghe tin cha mình chưa về liền rất lo lắng. Nàng xin phép tổ mẫu để tìm gặp mẫu thân tại cửa hiệu. Cha cũng liền nói với tổ mẫu sẽ cho người tìm cách liên lạc với Tô thúc. Biết đâu có thể tìm ra hành tung của thúc ấy cùng Thất công tử.

Trong lòng loạn như cào cào.

Cho đến khi trăng hạ huyền vẫn chưa có tin tức của họ. Cả tổ mẫu và cha mẹ cùng mọi người ngày đêm không yên lòng. Thậm chí cha cũng cất công đến vài nơi hỏi thăm, nhờ người tìm kiếm giúp.

Hạ tuần cũng sắp hết, những tin tức ít ỏi nhận được cũng chỉ có thể làm người ta mò mẫm trong vô vọng.

------

Thượng tuần tháng Năm, tiết Tiểu Mãn (小滿) ghé qua. Tiết trời oi ả, nắng nóng xen lẫn những trận mưa rào xối xả, khiến nước sông dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết. Lúa ngô lúc này đang ngậm sữa, cây cối đua nhau trổ bông, mọi vật tựa như mắc kẹt giữa ranh giới nửa chín nửa xanh.

Tiết Tiểu Mãn mang ý nghĩa đặc trưng: "tiểu" là chưa hoàn thiện, "mãn" là đầy đặn, sung túc. Cây lương thực, ngũ cốc đã bắt đầu kết hạt nhưng chưa chín hẳn, như lúa trổ đòng còn ngậm sữa hay ngô non còn mềm dẻo, dùng làm cốm. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều làm lượng nước sông dồi dào, không còn cảnh hạn hán. Từ "mãn" cũng hàm ý sự sung túc về nước, tuy nhiên, đây là dạng lũ nhỏ, nước chưa gây nguy hại nghiêm trọng nhưng đủ báo hiệu mùa mưa lũ bắt đầu.

Đầu tháng Sáu, những tin tức manh nha đã xuất hiện. Có lời đồn về ngày Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, khi dòng nước đỏ ngầu xuất hiện, xoáy sâu như cuộn máu từ lòng đất trào lên.

Trong dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ (端午節), mùng 5 tháng 5 âm lịch, không chỉ mang ý nghĩa của sự chuyển tiết mà còn gắn liền với tục lệ "giết sâu bọ".

Ngày này, khi khí trời chuyển mùa, dịch bệnh thường dễ phát sinh. Vì vậy, từ sáng sớm, người ta đã chuẩn bị lễ thức: trẻ con được ăn hoa quả đầu mùa và uống rượu nếp để trừ tà khí, được đeo những túi bùa bằng vụn lúa màu sắc sặc sỡ, khâu thành hình trái đào, quả quất, hoặc hoa sen, buộc thêm chỉ ngũ sắc, gọi là "bùa túi." Các bé gái, nếu đến tuổi, thường chọn ngày này để xâu lỗ tai, trong khi móng tay, móng chân của trẻ con được nhuộm đỏ bằng lá móng, bôi hồng hoàng lên thóp đầu, ngực, và rốn để ngăn tà ma quấy phá.

Người lớn, sau khi cúng bái gia tiên, sẽ lên núi hái lá làm thuốc vào giờ Ngọ, khi dương khí trong năm đạt mức mạnh nhất, để mong cầu sức khỏe và bình an. Ai cảm cúm sẽ nấu nước xông với năm loại lá như bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm, và sả. Một số còn mua cành xương rồng đặt trong nhà để đuổi tà ma.

Người ta tin rằng, những lá cây hái vào giờ này, dù chỉ là lá thông thường như lá chanh, tía tô, ngải cứu hay lá bưởi, đều mang dược tính tốt hơn bình thường. Thậm chí, các gia đình còn kết lá ngải cứu thành hình những con thú theo năm, như năm Tý kết chuột, năm Dần kết hổ, rồi treo ở cửa nhà để trừ tà ma và cầu mong mùa màng tốt tươi. Ở một số nơi, tục "khảo mít" cũng được tiến hành, người ta đùa giỡn với cây cối, mong năm tới quả sai trĩu cành. Khí dương thịnh, nhiều người ven biển cũng chọn ngày này để tắm biển, coi như cách gột rửa sâu bọ, bệnh tật.

Thất công tử vốn nghe lời đồn rằng thời gian này hái thuốc hiệu nghiệm, nên lén Tô thúc lẻn ra ngoài. Ban đầu, hắn đi theo đoàn người lên núi, nhưng giữa chừng lại đột ngột biến mất. Một lá thư để lại trên bàn cho biết hắn phải lên núi tìm thuốc để chữa bệnh cho nương tử của mình, cùng dòng chữ ghi rằng hắn đi cùng một người họ Hồ [胡]. Tuy nhiên, Tô thúc tra hỏi khắp nơi mà không tìm thấy ai mang họ Hồ trong vùng. Rõ ràng, công tử đã bị lừa.

Tìm hiểu sâu hơn, hóa ra người họ Hồ kia là hạ nhân của một viên quan trong vùng. Mà kỳ lạ thay, mọi dấu vết đều dẫn đến mối liên hệ dây dưa với Lương [梁] giám phó. Tô thúc lo liệu việc tìm kiếm nhưng biết chẳng thể đơn độc xoay chuyển tình thế, bèn sai Can Lộc về trước để bẩm báo tình hình. Nhưng trên đường về, Can Lộc chẳng may gặp phải kẻ ác ý, khiến hắn bị thương nghiêm trọng, hiện phải nằm lại trấn Tương Dự [将豫] để dưỡng thương, chưa thể quay về.

Kẻ ác kia chưa dừng lại ở đó, thậm chí còn giở trò vu oan, đẩy Tô thúc vào cảnh tù ngục. Chuyện oan khuất rõ ràng như ban ngày, nhưng vì không có chứng cứ cụ thể, chẳng một ai dám lên tiếng minh oan. Thứ nhất, không hề có bằng chứng buộc tội; thứ hai, không hề mở tòa phân xử; và thứ ba, lại càng không có tờ khai nhận tội nào từ Tô thúc. Những người biết rõ nội tình đều bị chèn ép, cấm đoán không được liên lạc với Thương gia.

Tin tức đến tai cha ta, người nổi trận lôi đình, quyết định tự mình đứng ra xử lý. Đại bá phụ vốn là nhân vật có tiếng nói trong họ, cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Phàm là người của Thương gia, ai dám động đến chính là xúc phạm đến danh dự và uy nghi của gia tộc. Đại bá lập tức mời Đại Lý Tự khanh (大 理 寺 卿) và Tả Đô Ngự Sử (都 御 史) đến để phán xét phân minh.

Chuyện càng đáng kinh ngạc hơn khi hai vị này vốn là những người cực kỳ nghiêm cẩn, lại đích thân ra mặt ngay khi được đại bá mời.

Nguyên do cả hai không chỉ là đồng hương mà còn là bằng hữu chí cốt của đại bá phụ. Họ còn mang nặng ân tình, bởi đều là con cháu của những đồng đội của Miên công. Nói cách khác, mối ân nghĩa sâu đậm với Thương gia khiến họ không thể làm ngơ trước sự bất công.

Lần này đúng là thực sự gây khó dễ cho họ, Thái gia và cả Lương gia rồi.

------

Tô thúc cuối cùng cũng được thả ra sau những ngày tháng chịu oan khuất trong ngục tù. Thế mà, mọi sự không vì thế mà yên ả, ngược lại, càng khiến Thái gia cùng Lương gia xáo trộn không thôi. Lương giám phó mặc dù rõ ràng chẳng hề dính dáng gì đến vụ việc, nhưng vô tình bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp, khiến cho thánh thượng tức giận mà ra lệnh giáng chức ông, như một lời răn đe cho kẻ tiểu nhân dám làm điều bất minh.

Những kẻ thực sự có tội trong vụ án của Tô thúc không chỉ đơn thuần là mưu mô hãm hại ông, mà còn có liên quan đến vụ sụp hầm mỏ than thảm khốc. Tai họa ấy đã khiến ít nhất hai mươi mạng người mất đi, mười chín người khác bị thương, và tám người vẫn biệt vô âm tín, để lại một cảnh tượng tang thương khôn tả. Không chỉ là nỗi đau của những gia đình có người thân mất mạng, mà còn là vết nhơ trong lòng quốc gia, làm rúng động cả quan trường lẫn dân gian.

Trong sổ sách giả mạo do kẻ gian soạn thảo, tên của Tô thúc lại bị khéo léo lôi ra và gán cho tội danh dưới danh nghĩa của Sung Dụ Đường. Những con số không minh bạch cùng sự tham lam mù quáng đã khiến các thế lực đổ lỗi cho ông, biến ông thành kẻ chịu tội thay, hòng che đậy những sai lầm trong quản lý và tham nhũng của chính bọn họ.

Hầm mỏ là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đặc biệt là than đá - nguồn năng lượng thiết yếu đối với đất nước. Khi sự cố sụp hầm xảy ra, giá than tăng vọt, làm gián đoạn nguồn cung cấp, gây khó khăn cho những thương nghiệp phụ thuộc vào nó. Do đó khi Thánh thượng nhận được tin, ngài tức giận khôn xiết, vì sự sai lệch trong báo cáo và sự quản lý yếu kém của những quan chức. Triều đình cũng nhân cơ hội này để thanh lọc nội bộ, trừng trị những kẻ tham ô và vô trách nhiệm.

Tô thúc trước đây đã hợp tác với một người, người này vô tình tiết lộ cho ông những thông tin quan trọng về sự bất ổn trong việc quản lý hầm mỏ: đường hầm không đạt chuẩn, tài chính mơ hồ, những khế văn vận chuyển bất minh.

Vì người này nắm giữ nhiều bí mật quan trọng, và chính những bí mật ấy đã dẫn đến hậu quả khôn lường hôm nay. Tô thúc từng muốn báo cáo lên quan trên, nhưng trước khi kịp thực hiện, ông đã bị bắt giam. Người đồng sự ấy đương nhiên không thoát khỏi số phận thê thảm, bị thủ tiêu để bịt miệng.

Cha ta từng kể rằng người chủ trước của hầm mỏ này là một thương nhân giàu có, nhưng lòng dạ tàn nhẫn, chẳng từ thủ đoạn nào để đạt được lợi ích cho bản thân, cũng chính là kẻ bị thuộc hạ của mình ngộ sát một cách thảm khốc. Y từng ép buộc kẻ dưới phải thực hiện những công việc nguy hiểm, coi tính mạng như cỏ rác. Để giảm chi phí vận chuyển, y đã sai người đào một hầm than trái phép ngay dưới kho hàng, một hành động vô cùng liều lĩnh.

Kẻ phản chủ lúc ấy, tuy chỉ là một tên đầy tớ trung thành, đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ sụp hầm, nhưng y lại bị chủ nhân mắng mỏ, trách cứ vì lo chuyện bao đồng. Mặc cho những lời cảnh báo, y vẫn không hề thay đổi, đến khi cái ngày định mệnh ấy tới. Cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm làm đất lún, khiến hầm than sụp xuống, kéo theo kho hàng bị đổ nát.

Thay vì lo cứu nạn, người chủ ấy lại sai người phong tỏa hiện trường, dùng tiền bạc hối lộ quan binh, nhằm che đậy sự thật tày trời. Kẻ đầy tớ trung thành khi thoát khỏi đống đổ nát, nhìn thấy hành vi nhẫn tâm ấy, lòng tức giận đến cùng cực. Trong một phút bốc đồng, hắn lao vào xô xát với chủ nhân. Trong cơn hỗn loạn, hắn vô tình đẩy người chủ ngã xuống phần đất chưa ổn định, khiến hầm than sụp lần nữa, chôn vùi cả bản thân dưới lòng đất.

------

Sau cùng trước khi tìm ra Thất công tử,  thứ đợi được không phải chuyện Lương - Thái  hòa ly, mà là Khâu thị - đích thê của Thái Trung viết giấy hưu phu. Khâu thị sau khi hưu phu liền quay về kinh thành để ở cùng cha bà là Thái bảo Khâu Mậu và con trai bà là Nhượng Ninh thế tử.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro