Chương 31: Khắc Quản Dĩ Lai, Tâm Quang Tương Dự (刻管已来, 心光相许)
[♪] Khắc Quản Dĩ Lai, Tâm Quang Tương Dự (刻管已来, 心光相许):
· 刻管已来:
Giải thích: Lời hứa, sự khắc ghi đã được định đoạt, gặp lại không phải là điều ngẫu nhiên mà là điều đã được dự định từ lâu.
· 心光相许:
Giải thích: Sự kết nối giữa hai trái tim, một lời hứa trọn vẹn dù xa cách. Dù có phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, tình cảm vẫn luôn bền vững.
------
Ngồi trong nhà chẳng yên, ta hết thảy bước tới rồi lại lui trước cổng, lòng như lửa đốt, từng khắc trôi qua dài tựa thiên thu. Nỗi mong chờ và hồi hộp trộn lẫn trong lòng, nhưng có lẽ hơn cả là cảm giác nhớ nhung không thể tỏ bày. Hết lần này đến lần khác, ta quay sang hỏi Hồng Hạnh và Hồng Xuân: "Giờ đã là canh mấy rồi? Họ đi bao lâu nữa mới đến?"
"Hồng Hạnh tỷ, đây là lần đầu tiên muội thấy tiểu thư nôn nóng như thế!" Hồng Xuân ghé sát tai Hồng Hạnh, cười khúc khích.
Hồng Hạnh liếc nhìn ta, vỗ vào vai Hồng Xuân rồi đáp khẽ khàng: "Ngài ấy kích động đến độ đêm qua trằn trọc không tài nào ngủ được. Chắc chắn là ngài ấy rất nhớ song thân của mình!"
Dĩ nhiên là nhớ rồi, nhớ rất nhiều!
Mới chỉ vỏn vẹn hai năm kể từ ngày ta tỉnh lại và dời đến vùng đất Bồ Can này, khoảng thời gian thân cận và tiếp xúc với phụ mẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng thời gian gần gũi bên cạnh họ là thứ mà ta luyến tiếc nhất.
Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là một loại tình cảm không chỉ xuất phát từ thiên chức còn là trọng trách.
Con người ta khi trưởng thành phải tự đứng trên đôi chân của mình, đương đầu với rất nhiều sóng gió, trải qua rất nhiều lần đầu tiên. Mỗi lựa chọn đều cần dũng khí để chịu trách nhiệm, mỗi bước đi đều là minh chứng cho sự kiên cường không chỉ vì bản thân mà còn vì gia đình yêu thương.
Tạo lập một gia đình đó là một điều không hề dễ dàng, nhưng có thể chống đỡ và vun vén nó, đó là cả một quá trình gian nan. Vì vậy, tình thân không còn là một dạng thức cần biểu lộ, mà chính là một loại trách nhiệm, là bổn phận, cũng là một loại nghĩa vụ cần sự tự giác và tự nguyện.
Tình thân là cội nguồn xuất phát để mở rộng các loại tình cảm khác. Sự gần gũi chủ quan của tình thân bao gồm cởi mở, bộc lộ, đồng cảm, bao dung và vị tha về vật chất lẫn tinh thần một cách thuần khiết nhất. Đó là một cảm nhận được yêu thương đặc biệt tâm đắc, là cảm giác được trân trọng và có vị thế tự bộc phát nhất định trong lòng đối phương. Nó gắn liền với bản thân từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi, chứ không chỉ đơn thuần là những mối liên hệ về cơ thể hay những đòi hỏi về đặc quyền sinh tồn.
Tình thân chính là một loại ràng buộc khó cắt đứt nhất.
"Tới rồi, tiểu thư! Ngài mau nhìn!" Hồng Hạnh kêu lên, giọng lộ vẻ hân hoan, tay chỉ về hướng Bắc.
Ta ngước nhìn, thấy một chiếc xe ngựa lớn đang lộc cộc tiến lại. Tiếng vó ngựa, bánh xe kẽo kẹt dường như hòa cùng nhịp đập trái tim ta. Khi xe ngừng lại, A Phúc kéo thang gỗ xuống, A Bảo vén màn xe lên. Người đầu tiên ta gặp chính là phụ thân của mình.
Gần một năm xa cách, ông đã gầy đi nhiều, gò má nhô cao, đôi mắt vốn sáng nay đã trũng sâu, mí mắt khẽ sụp như chất chứa bao nỗi ưu tư. Ánh mắt ông nhìn ta chan chứa thương xót. Khi ánh mắt ấy dừng lại nơi đôi tay ta, nơi những vết thương còn băng bó, khóe mắt ông khẽ đỏ lên, nhưng vẫn cố kìm nén không để nước mắt rơi.
Hồng Lăng dìu mẫu thân bước ra. Phụ thân vội hít một hơi sâu, tiến tới nâng tay đỡ bà. Khi ánh mắt mẫu thân chạm đến ta, bà như không thể chịu đựng thêm, liền bật khóc nức nở.
"Con gái ngoan của ta, con gái ngoan của ta!"
Bà lao đến ôm chặt lấy ta, cái ôm ấm áp tựa như cái ngày đầu tiên ta mở mắt "chào đời", là niềm vui khôn tả, là vô hạn bi thương.
Sự ưu ái của bà dành cho ta chưa bao giờ là đủ, nó tràn ngập và lan tỏa. Lời nói đứt quãng giữa những tiếng nấc nghẹn không ngừng, nhưng vòng tay chưa hề lỏng lẻo: "Ủy khuất cho con, là mẹ có lỗi, lại không thể bảo vệ con thật tốt!"
Ta lắc đầu, siết chặt lưng áo của bà, vùi mặt vào hõm vai đượm mùi hương đại mạch kia. Một mùi hương trầm thoảng, như lúa chín ngát đồng, như lúc ta được thả hồn cùng trời đất dưới ánh nắng vàng rực của ngày hạ, là mùi hương ấm nóng như hạt thóc phơi giữa sân gạch đỏ. Khi thóc chà sạch trấu, hạt gạo trở nên trắng ngần.
"Bình an là tốt!" Lúc này phụ thân mới tiến đến, khẽ vỗ nhẹ vai mẫu thân, rồi cùng ôm lấy hai mẹ con ta vào lòng.
------
"Con gái bất hiếu, kính xin phụ mẫu trách phạt!"
Ta nghiêm trang cúi đầu, lưng thẳng như cán bút, rồi từ từ quỳ xuống. Hai bàn tay ta đan chéo, giấu vào trong ống tay áo, nghiêm cẩn hành lễ lạy đủ năm lần, mỗi lần trán đều chạm đất. Lễ nghi chu toàn, ta vẫn quỳ yên ở đó, kính cẩn thưa trình.
Phụ thân cùng mẫu thân không đành liền để Hồng Hạnh và Hồng Lăng đỡ ta ngồi lên ghế bên trong sảnh khách. Hồng Xuân vội vàng lấy giày, kính cẩn mang vào cho ta.
Mẫu thân lúc này đứng dậy, bước đến gần. Bàn tay bà vốn mềm mại và ấm áp từ thuở nào, khẽ đặt lên đầu ta xoa dịu. Từng cử chỉ nhẹ nhàng ấy dường như mang cả thương yêu lẫn xót xa. Bà cúi xuống, nâng lên một lọn tóc dài xõa nơi thắt lưng của ta, cẩn thận vuốt ve từng sợi.
Mái tóc của ta tuy được dưỡng kỹ lưỡng nhưng vẫn chẳng giấu được sự hư tổn, tóc khô sơ và gãy rụng rất nhiều. Có thể nói, còn lưa thưa vài cọng cũng không quá đáng. Bình thường vẫn hay búi tóc cao cài trâm hoa để che lấp khuyết điểm, hiếm khi xõa tóc trừ khi ở trước mặt trưởng bối.
Nhất thời không khí có chút ngại ngùng không biết cách phá vỡ.
Ta ngước mắt lên, thấy mẫu thân bỗng nhiên bật khóc. Lệ bà rơi lã chã, từng giọt đẫm trên gò má nhợt nhạt. Phụ thân ngồi bên cạnh, lòng cũng chẳng nén nổi.
Ta đã dặn mọi người tạm thời không được đề cập với cha mẹ về tình trạng bệnh hiện tại của ta, cũng như mối giao tình của Thất công tử và ta trước kia, tránh cho họ càng thêm phiền lòng.
"Cha, mẹ..." Ta ngập ngừng cất tiếng gọi.
Hai tiếng "cha, mẹ" ấy, tưởng như bình thường, lại chứa chan bao nhiêu nỗi niềm và cảm xúc. Phụ mẫu nghe được liền sáng rỡ cả nét mặt, như thể những gì họ mong mỏi bao năm dài đã được đáp đền. Phụ thân mỉm cười hiền hậu, mẫu thân thì dang tay ôm ta vào lòng, dịu dàng và ấm áp như thuở thơ ấu.
Ta rụt rè hỏi, liệu họ có mệt hay không, có muốn nghỉ ngơi hay dùng bữa trước. Nhưng họ chỉ lắc đầu, bảo rằng được ngồi cùng ta thế này là hạnh phúc nhất. Dẫu chỉ đơn giản ngắm nhìn ta, họ cũng cảm thấy yên lòng.
Cha kể lại hành trình có chút gian truân, vì một vài trắc trở nên họ mới đến muộn hơn hai ngày. Quãng đường dài từ phương Bắc ngược dòng vốn chẳng dễ dàng, đặc biệt với sức khỏe mẫu thân vốn chẳng tốt.
Thế nhưng, trái lại, mẹ mỉm cười rạng rỡ bảo rằng mình vẫn khỏe, còn kề cận sắc diện tươi tỉnh như để chứng minh lời nói của mình. Bà còn kể trên đường họ đã tình cờ gặp được Tô thúc và Thất công tử. Vì thuyền lớn gặp sự cố, cả đoàn phải đổi sang xe ngựa. Tại một dịch trạm, họ bất ngờ gặp nhau.
Cha lại nói, trạng thái cảm xúc của Thất công tử không ổn định lắm, cũng không nhận ra cha mẹ là ai. Cứ cảm thấy ngài ấy buồn phiền, là kiểu miễn cưỡng kiên cường. Ăn uống qua loa, cũng hay ngẩn người, lặng lẽ ngồi ngắm một chiếc khăn tay. Có lúc, ngài còn áp má vào khăn, nét mặt mơ màng như đang thương nhớ một người nào đó.
Cha thuật lại lời nói của Tô thúc, rằng ban ngày ngài ấy rất hoạt bát, hăng hái, nhưng đến tầm chiều tối lại trở nên ủ rũ không còn sức sống, thậm chí cứ hay thở dài. Buổi tối lại rất hay ngồi bên cửa sổ ngắm trăng, còn chống cằm thì thầm gì đó. Ngài ấy có khi nói nhiều không dứt vì vui vẻ, nhưng cũng có khi lặng im như không thiết đến ai.
Nghe đến đây, ánh mắt phụ thân và mẫu thân thoáng nhìn nhau. Dẫu chẳng nói ra lời, nhưng trong ánh nhìn ấy đã chứa đầy ý vị. Tình ý trong đôi mắt hai người họ chưa bao giờ có thể che giấu. Là loại cảm xúc mặn nồng khó phai nhạt, chỉ càng ngày càng đậm sâu.
Ta tựa đầu vào vai mẹ, cảm nhận hơi ấm dịu dàng từ bà. Cha nắm lấy tay bà, từng cử chỉ âu yếm của họ khiến lòng ta dâng lên cảm giác ngọt ngào khó tả. Nhưng trong lòng cũng có một chút gì đó níu ta chậm lại.
Cha mẹ ngồi bên ta, từ tốn nói những lời ân cần như sợ chỉ cần cao giọng một chút cũng sẽ làm ta tổn thương. Tuy lời nói có chút trúc trắc, nhưng ta cũng tự mình đáp lại từng câu chữ, cha mẹ cũng rất kiên nhẫn lắng nghe mà không phàn nàn. Trong ánh mắt là một vẻ tự hào dù chuyện ta thực hiện cũng không đáng kể.
Đối với họ, ta vẫn luôn là một đứa trẻ con, cần phải yêu thương, chiều chuộng và chở che. Và họ chính là đôi cánh lớn dang rộng để ta nép vào trong một cách an nhiên.
Hôm nay thật vui!
Không cần lo ngại, có thể buông bỏ. Bao nhiêu uất ức kìm nén trong lòng liền cảm thấy không cần nói cũng đã có thể trút bỏ hết. Không cần bất kì giọt nước mắt nào, cũng không cần bất kì lời trách hờn nào.
Đêm nay, ta được nằm cạnh mẹ, được bà ôm vào lòng, vỗ về như trở về ngày thơ bé. Cha thì ngồi bên giường, kể cho ta nghe những câu chuyện cổ tích. Dẫu đã trưởng thành, giọng kể ấy vẫn khiến lòng ta dịu lại, ấm áp vô ngần.
Nhiều lần trước đây, vẫn tưởng nếu có ngày gặp lại cha mẹ, ta sẽ kể cho họ nghe tất cả những nỗi khổ ta từng chịu đựng. Ta muốn tố cáo với họ về những bất công, muốn họ thay ta đòi lại công bằng từ những kẻ đã gây ra tổn thương ấy.
Những đêm không ngủ, ta từng để lòng ngập tràn ưu tư: nỗi buồn, giận dỗi, và cả sự ghen tỵ với những người được sống hạnh phúc hơn mình. Sự cô đơn bào mòn ý chí, khiến ta chẳng còn dũng khí đối diện với cuộc đời. Nhưng sâu thẳm trong tim, nỗi nhớ nhà vẫn cháy bỏng nhất.
Nhà là nơi để quay về. Là nơi an toàn nhất để ẩn náu sau những sự sụp đổ đánh đố của thế gian. Nhưng giờ đây, ta càng hiểu thêm rằng, nhà không phải chỉ là một nơi chốn cố định. Nhà chính là nơi có tình thân, nơi trái tim được an ủi, nơi luôn có người sẵn sàng đợi ta quay về, không bao giờ từ bỏ ta. Chỉ cần có người thân ở bên, chỉ cần nhận đủ tình thương như mong đợi, thì bất cứ nơi đâu cũng có thể là nhà.
------
Mẹ lo lắng, ngày đêm vẫn luôn ở bên cạnh ta không rời nửa bước. Nhưng nụ cười của bà là thứ khiến cho ta tin tưởng bà rất thoải mái.
Theo dự định, phụ mẫu sẽ nghỉ lại đây năm ngày, sau đó mọi người sẽ thu dọn đồ trở về Bạch Mai. Mấy ngày này đã bận rộn càng thêm bận rộn. Dẫu rằng Hồng Hạnh, A Bảo, A Phúc, và Hồng Xuân đã chuẩn bị chu đáo từ trước, gói ghém đồ đạc đi cùng đoàn của Tô thúc, nhưng những vật dụng còn sót lại cũng không ít. Cảnh tượng người người tấp nập chuẩn bị làm ta không khỏi cảm thấy...
Đột nhiên có chút không nỡ nhỉ!
Một chiều mát mẻ, ta cùng cha mẹ đi dạo dọc bên bờ đê của cánh đồng hoa cúc, ngắm mây trời, nghe tiếng sáo diều của Ngư Ngư làm cho bản thân có chút xao xuyến.
Ngư Ngư quả nhiên là một bạn nhỏ đáng yêu, cũng dễ lấy cảm tình của mọi người xung quanh bằng sự lanh lợi của mình. Khi biết Ngư Ngư là bạn của ta, phụ mẫu liền cảm thấy vui vẻ lây, vì đứa trẻ này đã cùng Thất công tử bên cạnh an ủi và khích lệ ta. Công lao của Ngư Ngư quả thật không hề ít ỏi. Biết sớm hay muộn ta cũng về nhà, Ngư Ngư rất luyến tiếc, nó đã xin cha mẹ được ở với ta vài ngày cuối cùng. Lần này rời đi, là không biết có dịp quay lại hay không, cũng chẳng biết sau này dáng vẻ trưởng thành của nhóc con sẽ ra sao.
Khi A Bảo đem khế văn đến để trả nhà cho lý trưởng, Hồng Xuân nói rằng Phùng Sương Nguyệt rất buồn, nàng sững sờ đến mức nhìn A Bảo không chớp mắt. Có vẻ nàng ấy đã thổ lộ tâm tình với A Bảo và bị hắn từ chối rồi. Và dường như dịp đó cũng làm tăng thêm sự gắn kết của A Bảo và Hồng Hạnh.
Phụ mẫu đã biết ta có ý định gán ghép cho họ, nên cũng không định ngăn cách đôi trẻ. Tình cảm đơn thuần xuất phát từ tâm, là sự nảy sinh trong vô thức không hề gượng ép, thế nên dù có ngăn cấm bằng hình thức, cũng không thể ngăn cách bằng tâm thức. Ngài còn dặn rằng, khi về đến Bạch Mai sẽ bẩm báo nội tổ mẫu và tìm người mai mối để A Bảo hỏi cưới Hồng Hạnh. Dù sao họ cũng tới tuổi lập thất, chi bằng mượn nước đẩy thuyền, vừa vặn được xem là một chuyện tốt.
Ta dĩ nhiên rất vui vẻ, còn lén lút nói với họ sẽ lựa ra một bộ trang sức thật đẹp để dành làm của hồi môn cho Hồng Hạnh. Từ lúc có ký ức đến giờ, ta chưa hề tham dự lễ cưới nào, nên có chút hồi hộp thay. Mẹ cũng không ngăn cản ta, nói rằng sẽ lựa giúp Hồng Hạnh một sấp vải tốt để dành may giá y cho nàng.
Nhắc đến những chuyện này, cha có hơi chê chữ viết ta xấu quá, hơi xiêu vẹo như gà bới, cha phải căng mắt mới có thể đọc hiểu được nội dung. Nói sau này về Bạch Mai sẽ bắt ta luyện chữ nhiều hơn. Mẹ thì xót ta, sợ ta cầm viết cứng tay, luyện chữ đau lưng nên đành lên tiếng bênh vực. Nhưng lời nói chưa dứt, cha đã âu yếm hôn lên má bà mà chẳng ngại ngần ta đang đứng bên cạnh. Tình cảm của họ lúc nào cũng mặn nồng như thế, khiến lòng ta vừa ấm áp vừa ngưỡng mộ.
Cha nói, cha đang tìm cách để chữa trị bàn tay của ta. Lúc này cũng đề cập đến chuyện Thất công tử bị thương ở đầu, nguyên nhân dây nhợ cũng liên quan đến việc tìm thảo dược trị thương cho ta. Ngoại thúc phụ của Thất công tử hiện tại đang bế quan, nên không có cách nào liên lạc được, mà muốn tìm gặp ông ấy cũng rất khó, chỉ có Thất công tử mới có phương thức liên hệ.
Đất nước có bạt ngàn địa danh, mênh mông rừng thẳm, chẳng biết nơi nào vị ngoại thúc phụ kia dừng chân. Ông ấy tuy lớn tuổi nhưng biết dưỡng sinh tốt nên dù tuổi tác bát thập, cửu thập viết mạo sắp đến kỳ di (耆頤) nhưng thể trạng chỉ tầm hoa giáp chi niên. Điều cần làm lúc này chính là chửa khỏi vết bỏng, để nó lành lặn, dù có để lại sẹo, nhưng ít nhất cũng chẳng bất tiện trong sinh hoạt.
Mấy tháng nay, cha bảo đang cho người đi tìm lão nhân gia đó, cũng như lần theo dấu vết của Thất công tử tìm trân dược cho ta. Chỉ là tin tức của lão nhân gia đã có, còn thảo dược thì khó tìm. Hy vọng không xa...
Ban đầu cha nói, cha không hài lòng vì ta làm điều dại dột, thậm chí còn nói đùa rằng nếu không phải ta gầy quá thiếu thịt ở mông nên ông mới không thèm phạt đòn. Cha bảo ta phải cố gắng bồi dưỡng nhiều hơn, sau này ông sẽ phạt bù. Ta răm rắp nhận lỗi, liền gật đầu lia lịa đáp ứng, khiến cho mẹ phải dở khóc dở cười nhìn cha con ta bày trò.
Mỗi ngày phải càng thân thiết hơn, làm nhiều việc hơn cho cha mẹ, bởi vì ta sợ sẽ không kịp nữa rồi...
Cha vừa dạo quanh một vòng đã trầm ngâm cảm thán, rằng đã rất lâu rồi mình chưa từng quay lại nơi này. Phải chăng là rất, rất nhiều năm về trước, khi thời gian còn chậm rãi trôi trong ký ức của những tháng ngày êm đềm.
Mẹ và cha là thanh mai trúc mã, nghĩa mẫu của mẹ và nội tổ mẫu là khuê mật chí thiết thuở thiếu thời. Tình yêu của cha mẹ chính là một mối tình vun vén trọn vẹn nhất, cũng là cái kết đẹp đẽ nhất cho những tiếc nuối không thành của ngoại tổ tỷ.
Mẹ kể lại rằng, vùng đất đây là quê cha của vị lang quân trong tình yêu đoản mệnh của ngoại tổ tỷ. Mà trùng hợp thay, Thiên Mạch tự là nơi gửi tro cốt của thân sinh người ấy. Cha mẹ từng đến đây trước kia, vào một lần cùng ngoại tổ tỷ bái tế vong linh của những người đã khuất. Chuyện đã rất lâu về trước, theo thời gian mọi sự đều đã hóa thành dòng nước ngược xuôi, tro cốt cũng đã thủy táng an yên.
Ta cũng đề cập với cha mẹ về chuyện mua đất để trồng trọt, cha mẹ liền vui vẻ chiều ý ta, còn cho người khai khẩn để sớm trồng trọt, sau này số dược liệu kia sẽ chuyển đến y quán của Thất công tử, dùng để cấp thuốc cho người khốn khó.
Việc công ích vốn phải tự nguyện, cha thường dạy rằng, làm nhiều việc thiện không chỉ là tích đức cho đời sau mà còn là để bản thân bớt đi tội nghiệt. Riêng ta lại nghĩ, chỉ cần cho người khác được lợi cũng chính là lợi cho chính mình. Nói trắng ra là ta quá biếng nhác, lười đến mức chẳng còn muốn làm gì khác ngoài hàm thinh.
Về mặt cảm xúc và nhận thức, cái ác của lười biếng thể hiện ở chỗ thiếu bất kỳ cảm giác nào đối với thế giới, đối với con người trong đó hoặc đối với bản thân. Nó có hình thức như một sự xa lánh của bản thân có tri giác trước tiên khỏi thế giới và sau đó là khỏi chính nó. Đối với ta, đó là "tội lỗi trung gian", tội lỗi duy nhất được đặc trưng bởi sự thiếu vắng hoặc không có tình yêu.
Nhắc đến sự thiếu vắng, Tử Kiện đến hôm nay mới chịu gửi thư mời về buổi tiệc đấu giá. Đại khái đã chuẩn bị xong xuôi từ đầu đến cuối, trong thư hắn nói rằng rất muốn, rất muốn ta bỏ ra một vật yêu thích để đấu giá, xem như là tích đức. Vì tất cả số tiền nhận được, hắn sẽ sử dụng làm việc công đức.
Mà mấy cái việc như xây cầu đường, mở học đường, phát cơm cháo gì đó thì quá tầm thường. Hắn nói ta cứ mở to mắt chờ hắn thực hiện công trình độc đáo nhất, khiến người người phải trầm trồ. Dù sao cũng là Diễn Khí Đạo Nhân, lời hắn nói nhất định sẽ thực hiện được. Nhưng... Bảo ta tin tưởng hắn, ừm thì vẫn còn một chút ngờ vực xen lẫn hiếu kì.
Nghĩ tới chuyện đấu giá, ta cũng chẳng còn bảo vật nào ngoài chiếc khuyết cài áo hình quả dưa hấu. Nếu Thái Minh Châu không nhận nó, ta sẽ dùng vật này để tìm một người hữu duyên khác. Dẫu sao, với danh tiếng của Doãn Cảnh tiên sinh, các đại nho và danh sĩ hẳn sẽ dễ dàng đón nhận. Bảo vật tuy nhỏ bé, nhưng đôi khi, chính ý nghĩa và giá trị tinh thần mới là điều làm nên sự trường tồn của nó.
------
Chiều ngày thứ ba, Ngô Thập Nhị cho người đến gửi thiếp bái. Cùng với Khương lang một đường đến tìm gặp ta và mang theo rất nhiều lễ vật. Hơn hết cũng nghe ngóng từ lý trưởng rằng ở đây có phụ mẫu ta, trước mặt trưởng bối phải làm sao cho đủ lễ nghĩa mới được.
Đợi một lúc sau khi nói chuyện với cha xong, Hồng Lăng liền mời mẹ và ta ra ngoài. Vừa thấy ta bước tới, Khương lang lập tức hành đại lễ, dập đầu cảm tạ vì ta từng giúp đỡ mẫu tử của thiếp thất nhà hắn trong cơn nguy nan. Ta vốn bối rối, không quen nhận lễ trọng như thế, chỉ biết lúng túng đáp lễ theo kiểu không mấy tự nhiên, lòng thầm nghĩ mình làm vậy có thất lễ hay không.
Cha có vẻ tán thưởng cặp đôi tùng bách và trúc lịch này. Người lập tức mời họ ở lại dùng bữa chiều, phân phó Hồng Hạnh chuẩn bị một mâm cổ thịnh soạn, thêm rượu trà tươm tất để thiết đãi khách nhân. Dường như cha cũng có ý muốn giữ hai người bọn họ lại trò chuyện lâu hơn.
Trong khi chờ dọn bữa, cha cùng Ngô Thập Nhị và Khương lang nói chuyện vô cùng hứng khởi, đến mức khiến ta cảm thấy hiếm thấy cha hăng hái như vậy. Là người từng lăn lộn thương trường, cha ta có không ít kinh nghiệm, vừa thâm sâu vừa thực tế. Khi đàm luận với Khương lang, cha chẳng ngại truyền thụ những bài học quý giá, khiến y kính nể không thôi.
Đặc biệt, cha và Ngô Thập Nhị lại tìm được sự đồng điệu về nghệ thuật. Nghe nói Ngô Thập Nhị tinh thông cổ cầm, cha lập tức nhắc đến nhạc lý và một số danh tác.
Đối với Ngô Thập Nhị, bản tấu khiến y tâm đắc nhất chính là "Bách Trung Thuật Man" (百忠術慲) của Vạn Hoa tiên sinh. Cha hỏi đến nội dung, y liền phác thảo ý tứ của bản tấu như sau:
· Khởi tấu: "Thệ Quân Chi Hào" (誓軍之豪) – Tiếng cầm như lời thề hào hùng của những bậc quân tử.
· Cao trào: "Chiến Tình Hùng Thiết" (戰情雄鐵) – Âm vang mô tả khí thế sục sôi của những trận chiến.
· Hồi tưởng: "Nguyệt Hạ Khấp Linh" (月下泣靈) – Lời khúc bi ai như tiếng khóc bên ánh trăng.
· Kết thúc: "Bất Hối Hữu Trung" (不悔有忠) – Đoạn kết tựa sự khẳng định lòng trung không hối tiếc.
Thế nhưng, khi nhắc đến mục đích sáng tác bản tấu cùng nhân vật trọng tâm, sắc mặt cha mẹ ta chợt biến sắc, lộ rõ vẻ không vui. Có vẻ Ngô Thập Nhị đã chọc trúng điểm mấu chốt. Ta chẳng rõ vì sao, chỉ thấy Ngô Thập Nhị dường như nhận ra đã lỡ lời. Hắn lập tức dời chủ đề, ngỏ lời xin lỗi gián tiếp. Nhờ vậy, cha ta mới hòa hoãn, gương mặt cũng dịu lại, khiến không khí trên bàn bớt phần căng thẳng.
Sau bữa cơm, Ngô Thập Nhị và Khương lang tỏ ý rằng, hạ tuần này họ sẽ quay về kinh thành để phụng mệnh Ngô công. Trước đó, họ còn dự định ghé qua Bạch Mai trấn thăm thú. Họ khẩn khoản xin phép cha cho tá túc đôi ngày trong dịp ấy. Cha vui vẻ nhận lời, còn nói rằng đó là vinh hạnh, hứa sẽ dành thời gian tiếp đón chu đáo để không phụ lòng khách nhân.
------
Ngày thứ tư cũng là ngày tổ chức đêm đấu giá của Diễn Khí Đạo Nhân, từ sớm cha mẹ cùng ta đã chuẩn bị và lên trấn. Cha vẫn để ta sử dụng Hàn Qua khấu phán [寒瓜扣襻] để đấu giá. Ông còn cho người đem đến thêm vài vật phẩm có giá trị liên thành từ Sung Dụ Đường nữa.
Cũng thật may, lời đùa hôm trước của Tử Kiện chỉ là hư ngôn. Thay vì những cái tên sến súa đầy phong trần mà hắn thường thích, lần này hắn chọn một tên gọi có ý nghĩa thiết thực, mang đậm tinh thần khuyến thiện. Học đường trên trấn được chọn làm nơi tổ chức, bởi không gian nơi đây rộng rãi, tầng lầu thoáng đãng, đủ sức chứa hơn trăm người tham dự.
Giữa sân lớn, một tấm biển ngạch uy nghiêm đề tên Hiển Nghĩa Khuyến Đức [顯義勸德], nổi bật dưới ánh đèn lồng vàng rực, phản chiếu những bóng đổ dài trên nền đất đá cổ kính.
"Thưa quý vị, đêm nay hội đấu giá sẽ bắt đầu với những phần đầu tiên được giới thiệu: Món bảo vật "Tường Ngọc Phương" [爿鈺匚] được đem ra đấu giá đầu tiên. Tiếp theo là những cổ vật đến từ các nhà hảo tâm. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục với các phần thưởng đặc biệt dành cho các quý khách tham dự. Và cuối cùng, phần diễn tấu nhạc phổ của vật phẩm quan trọng, đã được chờ đợi bấy lâu, một bảo vật không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn đậm đà ý nghĩa lịch sử."
Buổi lễ được khởi đầu bằng tiếng của xướng giả (唱者), lần lượt công bố trình tự các tiết mục và những phần quan trọng. Đưa tay ra, hắn khẽ vẫy nhẹ, tiếng nói của hắn vang vọng, thoát khỏi sự ồn ào của khán giả và gợi lên sự chú ý của tất cả, khiến cả không gian ngập tràn sự phấn khởi. Song, đến khi tiết mục đấu giá chính thức bắt đầu, không khí sôi động lên đến đỉnh điểm. Ta vốn không quen chịu đựng chốn đông người ồn ã, đã cảm thấy đầu óc ong lên. Cuối cùng, ta đành mượn thư phòng của chủ viện để lặng lẽ nghỉ ngơi, tránh xa sự ngột ngạt.
Từ bên trong, ta nghe tiếng xướng giả kính cẩn mời Diễn Khí Đạo Nhân bước lên sân khấu nói lời khai mạc. Sau đó, hàng loạt bảo vật được công bố. Người dự đấu giá tranh nhau trả giá rất cao, có món được trả lên tới 1000 quan tiền, tạo nên những tràng reo hò náo nhiệt. Đến cả khuyết cài áo của ta cũng đã tìm được chủ nhân.
Khi Hồng Lăng đến mời mẫu thân và ta ra ngoài, đó chính là lúc vật phẩm quan trọng nhất được mang lên. Diễn Khí Đạo Nhân đứng trên sân khấu, từ tốn giới thiệu món bảo vật của mình: một chiếc khóa cổ cầm tưởng như tầm thường. Chiếc khóa với chuôi làm từ gỗ chi hông (泡桐), đầu khóa bằng đồng thau, ban đầu được định giá 500 quan tiền. Số đông tham dự đều cho rằng món này không đáng giá, nên chẳng ai trả giá cao hơn.
Thế nhưng, Ngô Thập Nhị bất ngờ giơ bảng, trả giá 100 lượng vàng! Lời công bố vừa dứt, cả khán đài đều kinh động, không khỏi sửng sốt trước sự phung phí quá mức của y. Dĩ nhiên, không ai dám nâng giá hơn, và chiếc khóa cổ cầm thuộc về y.
Diễn Khí đứng trên sân khấu liền nở một nụ cười tinh quái nhìn ta, như thể hắn rất đắc ý với những điều hắn đã nói qua với ta. Nhàm chán!
Ta nhìn hắn nhưng không nói lời nào, chỉ thấy Ngô Thập Nhị ngồi ở bàn cùng với những người trong hội Thất Tiếu Ngạo Kiều bao gồm cả Hoàng Phủ thị, Đoàn thị và La thị, bước lên sân khấu. Ngô Thập Nhị không nói rõ mục đích của mình, chỉ thay mặt chủ sự, kính cẩn cảm ơn toàn thể quan khách tham dự buổi đấu giá. Hành động "xuống tay quá trớn" của y khiến ai nấy kinh ngạc, song không ai dám bàn tán nhiều, phần vì nể trọng, phần vì sợ làm phật lòng một nhân vật tiếng tăm.
Chỉ tựa vô tình, ta nhìn thấy phu thê Thái Trung cùng với Thái Đông Lăng cũng có mặt ở nơi này. Họ ngồi ở một bàn rất xa, ngồi chung với những người quyền thế nhất ở quận Ân Xương [殷閶] này. Vừa nãy vật được đấu giá cao nhất chính là vật của nhà họ đem đến.
Tiết mục chính thức được khởi màn, cả không gian như chững lại trước sự xuất hiện của nhạc công trên sân khấu. Giữa ánh đèn vàng mờ ảo, một tiếng đàn cổ vang lên, ngân nga như vọng từ ngàn xưa, mang theo sự hùng tráng và thần bí, đậm nét bi thương mà không kém phần kiên cường.
Tiếng sáo trong trẻo, réo rắt cất lên, tựa như những bước chân đầu tiên của những anh hùng rời xa gia đình, bước vào chốn phong ba vì đại nghĩa. Giai điệu uốn lượn nhẹ nhàng, khơi gợi hình ảnh những tâm hồn đầy chí khí, hiên ngang đối mặt với vận mệnh:
Dấn bước ra đi, thề nguyện chẳng lui,
Giữa trời cao, đất thẳm, lòng không đổi.
Dẫu kiếp nạn tới, quyết không quay về,
Vì nước vì nhà, một lòng trung thành.
Tiếng cổ cầm chậm rãi, trầm mặc nối tiếp tiếng sáo, như những dòng tâm sự từ đáy lòng của các bậc anh hùng. Mỗi phím đàn lả lướt mang theo lời thề bất diệt, biểu đạt sự trung thành và quyết tâm trước thử thách, nêu cao tinh thần khí phách:
Đất trời chứng giám, quân tâm sáng soi,
Chiến điêu hùng ca, vang nơi chiến trường.
Trống trận bất ngờ vang lên, từng nhịp trầm hùng, dồn dập, tựa tiếng vó ngựa xung trận hay tiếng quân hành rền vang. Tiếng kèn bầu mạnh mẽ hòa nhịp, oai nghiêm như lời hiệu triệu của chiến binh. Không khí bỗng chốc trở nên quyết liệt và đầy khí thế, khiến lòng người sục sôi:
Trống trận nổi lên, hào khí dâng cao,
Nghe như tiếng sấm, vang trời đất rộng.
Lời hô hùng dũng, dội đến mây xanh,
Thân tuy rời máu, lòng ta chẳng sợ.
Mỗi bước chân đi, thề chẳng quay lại,
Vì nghĩa vĩ đại, trung thành vững bền.
Âm hưởng của chiến trường ngập tràn sân khấu, mỗi âm thanh như khắc sâu vào lòng người khán giả, đưa họ hòa mình vào khung cảnh sinh tử. Khi tiếng trống dần ngưng, tiếng sáo lại cất lên, lần này chậm rãi và thê lương, khắc họa cảnh tan thương nơi chiến trường, nơi những người con trung nghĩa đã gục ngã. Giai điệu buồn man mác khiến người nghe không khỏi bồi hồi xúc động:
Dưới ánh trăng kia, linh hồn còn khóc,
Mồ mả âm u, vương vấn nhân tình.
Nhớ người đã ngã, nơi đồng cỏ hoang,
Xa xăm vọng lại, bao nỗi niềm đau.
Bóng hình của ai, chìm khuất nơi này,
Nước mắt khóc thương, cho những anh linh.
Cổ cầm tiếp lời sáo, mỗi âm sắc như nhấn mạnh sự hi sinh to lớn của các anh hùng. Nỗi đau mất mát hòa quyện cùng niềm tự hào về sự hy sinh cao cả, gợi lên lòng kính phục sâu sắc:
Không hối chẳng lùi, trung trinh một lòng,
Giữ trọn lời thề, nguyện dâng hiến thân.
Hành quân ra trận, dẫu ngàn nỗi khổ,
Dù có ra đi, chẳng một lời than.
Tất cả nhạc cụ bỗng hòa nhịp, từ trống, kèn bầu đến sáo và cổ cầm, tạo nên đoạn cao trào. Âm thanh vang dội, uy nghiêm như khẳng định lòng trung nghĩa bất diệt của những người con đất Việt. Kết thúc là tiếng sáo kéo dài, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, tựa lời nguyện cầu thanh thản, như ánh trăng soi đường cho những linh hồn anh hùng trở về:
Giữa đất trời rộng, hào hùng vang mãi,
Người trung nghĩa này, đời sau khắc ghi.
Bản nhạc khép lại, để lại trong lòng người nghe một nỗi niềm trầm mặc. Đây không chỉ là một bản hòa tấu mà là một bản sử thi âm nhạc, tưởng nhớ và tôn vinh những anh hùng đã hiến dâng cuộc đời vì nước non. Bản khải hoàn ca bi tráng này mãi mãi trường tồn, như lời hứa rằng sự hi sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Người nhạc công trên sân khấu, với đôi bàn tay khéo léo và chiếc khóa cổ cầm, đã lần lượt sử dụng những điệu cổ truyền uyên bác: từ Chính điều (正調) đến Vô dịch điều (無射調), tất cả đều được vận dụng một cách tinh tế. Mỗi âm sắc đều chứa đựng tâm huyết, khiến khán giả không khỏi kính phục trước tài nghệ lẫn tinh thần tôn vinh cổ nhạc.
Nhưng khi trình diễn kết thúc, ta lại nghe thấy sự ồn ào từ bên bàn kia của Thái gia. Thái Đông Lăng tức giận, dùng chén rượu ném vào người trình diễn bên trên, sau đó giận dữ bỏ đi. Điều đó lại làm náo động, mất mặt Thái gia với những thế gia khác.
Điều khiến ta chú ý hơn, là hình ảnh Ngô Thập Nhị ngay lập tức lao đến chỗ người trình diễn, cẩn thận kéo tay, ân cần xem xét thương tích của hắn.
Đúng vậy, nhạc công kia là một nam nhân thanh tú.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro